Monday 22 May 2017

Lm Edward Schillebeeckx Thần-học-gia toại-nguyện, người đó chính là tôi: (Bài 9) Toà Thánh La Mã và Cơn Giông bão đổ ào lên đầu dân Hoà Lan: Sách Giáo-Lý Mới




*


 
Vào độ ấy, đã thấy có vấn-đề về Sách Giáo-lý Mới. Ở Rôma, người ta cứ khăng khăng đòi sửa đổi một đôi chỗ ở trong Sách, nhưng Hồng y Alfrink lại ra sức bảo-vệ lập-trường giữ y nguyên. Tại Hoà Lan, không ai lại nghĩ chuyện sửa-đổi và/hoặc bổ-sung Sách này. Ngay chuyện đặt Sách tại quầy báo/chí để bán buôn, lại cũng không.

Đến đây, chúng tôi tạm ngưng câu chuyện trao-đổi này và, thay vào đó, viết lên đôi đoạn nói về Sách Giáo Lý Mới, bởi rất nhiều vị lâu nay vẫn bàn-cãi về cuốn sách này.

Hôm ấy, ngày mồng Một tháng Ba năm 1966, lúc Hồng y Tổng Giám mục Bernard Alfrink cho phép nhà xuất bản Utrecht được in cuốn “Giáo Lý Mới – Tuyên Tín của Người Trưởng Thành”. Các Giám mục viết trong phần Dẫn Nhập, có bảo rằng: “Tự-vựng “Mới” nói ở đây, ta không được phép hiểu sai nghĩa.

Chữ “Mới” đây, không có nghĩa là Giáo-hội đã sửa đổi một đôi điều có liên-quan đến niềm tin trong khi các chỗ khác, vẫn giữ nguyên. Nếu quả là như thế, thì ta cũng không thể nào hài lòng chuyện sửa-đổi các trang sách của Giáo lý ta học vào thời trước được. Điều này không thể xảy ra, bao giờ hết.

Ngược lại, toàn-bộ thông-điệp, và niềm tin vẫn giữ nguyên như trước, nhưng cung-cách tiếp-cận chuyện ấy, tức làm sáng-tỏ ý-nghĩa lại rất mới. Như thế có nghĩa, bất cứ bản-thể sống-động nào, cùng một lúc, vừa ở nguyên vị-trí cũ lại vừa được cải-tân. Thông-điệp của Đức Kitô là thông-điệp sống. Thế nên, Sách Giáo lý Mới tìm cách loan-báo niềm tin vĩnh-cửu theo hình-thức thích-hợp với thời-đại ta đang sống.

Được biên-soạn suốt 6 năm trời ròng-rã, Sách này có một không hai, điều này không có gì phải nghi-ngờ. Văn-phong/thể-loại và ngôn-ngữ tân-kỳ của Sách đã lôi kéo người đọc không chỉ ở Hoà Lan thôi, mà cả người đọc ở nước ngoài, đều chú-tâm đến chuyện này.

Một mặt, Sách này tạo làn sóng hứng-khởi nơi mọi người; mặt khác, người đọc Sách này đây cũng có ưu-tư/đòi hỏi sự chính-xác nơi ý-tưởng ghi trong đó. Thế nên, Toà Thánh La Mã không thể giữ im-lặng mãi được. Do đó, đã có buổi hội-ngộ giữa 3 nhà thần-học được Rôma chỉ-định cộng với 3 nhà thần-học khác, do Hội-đồng Giám mục Hoà Lan chọn lọc, để bàn-luận.
 
Các thần-học-gia nói trên, đã bàn-thảo từ ngày 8 đến 10 tháng Tư năm 1967. Cuối cùng, phía Vatican đòi hỏi phải có “tư-tưởng thật chính-xác” để giới-thiệu đưa vào nội-dung Sách Giáo Lý Mới này. Nhóm thần-học-gia người Hoà Lan đã trả lời tiếng “Không”, rất rõ ràng.

Nhưng, Đức Phaolô Đệ Lục, khi ấy, muốn có sự thay-đổi về nội-dung trong Sách, chẳng hạn như ý-niệm Đức Giêsu Kitô sinh ra từ cung lòng Đức Nữ Trinh Maria, và cả tín-điều về sự hiện-diện của các thần-sứ cũng như đặc-trưng hy-sinh phải được nói đến trong ý-niệm Đức Kitô cứu-chuộc nhân-loại.

Và sau đó, các ngài bèn thành-lập một uỷ-ban gồm các Hồng-y như: Hồng y Frings của Cologne, Hồng y Lefèbvre của Bourges, Jaeger của Paderborn, Florit của Florence, Brown từ Giáo-triều Rôma và Hồng y Journet của Thuỵ Sĩ, được chỉ-định việc duyệt-xét văn-bản của Sách này.

Các Hồng y nói trên, cùng các thần-học-gia biết tiếng Hoà Lan, đã họp nhau vào ngày 27 và 28 tháng Sáu năm 1967. Các vị này quyết-định rằng: trước khi xuất bản ấn-phẩm và bản dịch, Sách Giáo Lý Mới phải được tái-duyệt và sửa-đổi một cách cẩn-trọng.

Lại thấy xuất-hiện một uỷ-ban thần-học thứ hai rút tự 7 nước trên thế-giới, được thành-lập có trọng-trách xem xét văn bản nói trên và đưa ra quan-điểm của nhóm. Các Hồng y, khi ấy, đã ghi-chú những gì được các thần-học-gia này có ý-kiến/nhận xét từ các buổi hội-họp khi trước, từ ngày 12 đến 14 tháng Mười Hai năm 1956, ghi chú xem có đổi-thay nào được đề-nghị hay không; rồi mới chỉ-thị cho một uỷ-ban nhỏ gồm hai nhà thần-học xuất tự Hội Đồng Giám mục Hoà Lan, và hai vị khác được nhóm Hồng-y nói trên chọn lọc. Công-việc này kết-thúc vào tháng Hai năm 1968 và được đệ-trình lên Toà Thánh, cùng uỷ-ban Hồng y và Hội Đồng Giám-mục Hoà Lan xem xét.

Trong lúc chờ đợi, Sách Giáo Lý Mới vẫn ra mắt người đọc dù không được Hội-Đồng Giám-mục Hoà Lan chuẩn-thuận, và cũng chẳng thấy bất cứ một sửa-đổi nào trong đó, trước nhất là bản tiếng Anh, sau đó là tiếng Đức và Pháp ngữ. Ấn-bản tiếng Ý gồm có “Tuyên-ngôn của Uỷ ban Hồng-Y” có đoạn bổ-sung cho Sách Giáo Lý Mới được Tổng Giám mục thành Turin là Hồng y Michele Pellegrino“Imprimatur” cho phép in, vào ngày 31 tháng Năm 1969.


Về lại với tác-giả Schillebeeckx
người đưa ra lời bình này:  


Trước hết, tất cả sự việc trên đưa ta đến nhận-định, bảo rằng: Sách Giáo lý Mới nói ở đây, đã được điều-nghiên và viết lên trước ngày khai-mạc Công Đồng Vatican II rồi. Sau đó, Sách này dù được in vào năm 1966, nhưng ý-tưởng chủ-chốt đã có từ trước thời Công Đồng nữa. Thành thử, các ý-tưởng ghi trong Sách đều không do Công Đồng đã cải-tân viết ra.

Cùng một lúc, khi mọi cuộc bàn-thảo được xúc-tiến theo mức khá tiến-triển, tôi được Hồng y Alfrink yêu cầu đọc văn-bản này một cách kỹ-lưỡng, vì đây là công-trình rất đáng ngưỡng-mộ do một đội ngũ gồm các vị Dòng Tên ở Nijmegen Lm van Hemert dẫn đầu. Tôi đã đọc hết cuốn Sách ấy và đã yêu cầu thay-đổi một vài công-thức vốn được lặp đi lặp lại đến hai mươi lần, như cụ thể bảo rằng: Đức Giêsu là người thịt xác phàm như muốn tạo cảm-tưởng để ta nghĩ rằng: Ngài không là Thiên-Chúa.

Yêu-cầu sửa-đổi của tôi được chấp-thuận. Tôi chỉ đóng góp duy-nhất có chút đó, thôi. Nếu công-nhận như vậy, thì đây là bộ Giáo lý có từ trước thời Công Đồng diễn ra; nhưng tôi lại thấy đó như công-trình mang tính cá-thể. Sách này thiếu mất chiều-kích chính-trị và xã-hội. Nói thật, thì: bản-văn ghi trong sách có hơi mộ-đạo, thật quá sốt sắng. Nói thế, tôi không có ý coi nhẹ cái hay/cái đẹp của Sách đã dàn-trải ở khắp chốn. Đây là Cuốn Sách thích-hợp vào thời đó và đã tạo bầu khí tư riêng hồi thập-niên 1960s.



Người Hoà Lan chia rẽ:
do việc bổ-nhiệm các Giám mục mới


Không còn nghi-ngờ gì nữa, Hội đồng Mục-vụ là sự-kiện lớn lao đối với người Hoà Lan khi đó. Hội-đồng này vượt quá Công Đồng Vatican II, và đã dấy lên nhiều phản-ứng. Chẳng hạn như, sự việc Đức Ông Simônis từng chống-đối Sách này với tất cả uy-thế và sức lực của ông. Thời Công Đồng diễn ra, ông mới chỉ là sinh-viên thôi, nhưng cũng đã chống lại Công Đồng Vatican II và còn chống cả các Giám mục Hoà Lan nữa.

Sau Công Đồng Vatican II, ở Hoà Lan lúc ấy đã thấy bổ-nhiệm một số Giám mục chống lại sự cởi mở của Công Đồng. Đức Ông Simonis và Gijsen được bổ-nhiệm làm Giám-mục giáo-phận RotterdamRoermond theo thứ tự, đúng vào lúc có cơn giông bão đổ ập lên Hội-đồng mục-vụ, và các vị lại chống-đối mọi ý-tưởng mới mẻ và phá vỡ tình đoàn-kết bên trong Hội-đồng Giám-mục.

Các vị lại cứ cãi nhau đòi tái-lập trật tự và bắt chụp mọi cơ-hội có thể có được để chỉ-trích cách công-khai Hội-đồng mục-vụ nói ở đây. Dần dà, dưới sức ép tranh giành điều lợi cho Rôma, các Giám-mục khác đều im hơi lặng tiếng, nhưng tại các giáo xứ ở địa phương, mọi sự vẫn cứ xúc-tiến như khi trước.

Càng ngày người ta lại thấy có sự rạn-nứt thật rõ nét đối với Rôma. Các linh-mục và giáo-dân không còn hiểu nổi Giám-mục của mình nữa; và cứ thế các cụ lại cứ nghe theo các vị này. Bởi thế nên, khi ấy không chỉ có mỗi rạn-nứt đối với Rôma thôi, nhưng trên hết mọi sự, mối nứt-rạn này còn xảy ra cả bên trong Giáo-hội Hoà Lan nữa. Đó là bi-kịch thời-đại xảy ra vào những ngày này, trong quá-khứ.

Dân chúng không chịu khổ nhiều cho lắm với Rôma, nhưng họ cũng vẫn đau-khổ và vẫn thấy phiền-sầu nhiều như hệ-quả của mọi nứt-rạn trong cộng-đồng Giáo-hội. Từ đó, đã không còn thấy đối-thoại giữa Giám-mục và giáo-dân nữa. Đây, đúng là tai-hoạ xuất tự việc bổ-nhiệm Giám-mục mang nhiều ngờ-vực.

Tôi đây, không có sự chống-đối các Giám mục bảo-thủ nào hết; nhưng các Giám mục được bổ-nhiệm (*17) là những vị không có nhu-cầu hiểu/biết để bắt chụp lịch-sử. Các vị vẫn có thể tỏ ra mình là người bảo-thủ, nhưng các ngài buộc phải bảo-thủ một cách tinh-khôn ở cấp mục-vụ mới được.

Trước khi trở-thành Giám-mục, ông Simônis là một mục-tử sáng-chói, nhưng nay đã là giám-mục rồi, thì công việc mục-vụ không còn ý-nghĩa gì nữa đối với ông, mà chỉ là nguyên-tắc và nguyên-tắc, và ông chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời Rôma, chỉ mỗi thế.

Theo cách nào đó, có thể nói: ông không còn là nhân-vật thông-minh, tinh khôn nữa. Một số Giám-mục lại nói những chuyện không đáng tin-cậy về niềm tin, về Đức Giêsu Kitô, về dục-tính, và về cả đàn bà/con gái nữa                                 


Chú thích: (*17) Năm 1982, có 4 Giám-mục phụ-tá được bổ-nhiệm là: Đức ngài de Kok Niẽuhaus Utrecht, Đức ngài Casterman Roermond, Đức ngài Bãr Rotterdam. Năm 1983, Đức ngài Simonis đến Utrecht để thay thế và Đức ngài Bomers được bổ-nhiệm chủ-quản giáo-phận Haarlem. Năm 1985, Đức ngài Ter Schure kế-vị Đức ngài Bluyssen trông nom ‘s-Hertogenbosch. Thời đó, có nhiều người Công giáo, linh mục và giáo-dân chịu nhiều ảnh-hưởng và đả-kích/tấn-công Toà Thánh về chuyện các ngài dám dùng quyền-lực của mình để độc-trị.                  


Nhiều nhà trí-thức, có thời từng làm thủ-lãnh phong-trào này/nọ đã rời bỏ Giáo-hội. Đây là mất-mát lớn đè nặng lên đời sống Giáo-hội. Nhiều vị khác, lại tỏ ra dửng-dưng/lạnh-nhạt, không còn thích-thú chuyện nhà thờ/nhà thánh chút nào hết. Kết-quả của việc bổ-nhiệm các Giám-mục như thế, đã tạo sầu buồn đậm sâu ở khắp nơi.

Chắc chắn những chuyện như thế, không là tình-cảnh bình-thường của Giáo-hội. Đấu-tranh giữa các linh-mục trong giáo xứ, chống-đối Giám mục vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Lúc ấy, đã có căng-thẳng ở một số giáo-xứ nơi thì phò Rôma, nơi khác lại chống La Mã. Người thì theo chân ông Simônis, người khác lại chống đối ông; người thì hỗ-trợ Gijsen người khác lại phản-bác cũng tựa hồ tư-thế phò/chống Giám-mục Bomers từng nổ bùng ở nhiều nơi.

Riêng đối với người Công giáo Hoà Lan, thì Rôma, Toà Thánh Vaticăng chỉ là Giáo-triều đầy cửa-quyền, chuyên chèn-ép những người bên dưới. Trước thời diễn ra Công Đồng, người Công giáo Hoà Lan còn kết-chặt tình đoàn-kết với Rôma và Giáo-Hoàng. Nay thì, tất cả mọi sự đều đảo ngược từ trên xuống dưới. Và, vào dạo đó, nhiều người lại có tâm-tính chủ-trương duy-trì trạng-thái có trước Công Đồng Vatican II, tức: vẫn cứ đả-kích/chống-đối hoặc dửng-dưng/lạnh-nhạt hoặc im-hơi/lặng-tiếng, cốt giữ mình. Đó là thực-trạng bất thường, rất đáng buồn.    
           
                  (còn tiếp)


Lm Edward Schillebecckx chuyện trò với Francesco Strazzari
Mai Tá lược dịch


               

           

No comments: