Tuesday 23 July 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT: HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA




Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" Chúa đáp: "Mácta ! Mácta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi".
Bài Tin Mừng kể một câu chuyện đơn giản nhưng rất cảm động.
Theo Gioan, cô Mácta và cô Maria là hai người chị của anh Ladarô, và đây là những người bạn khá thân tình của Chúa Giêsu, ở Bêtania gần Giêrusalem. Dù vậy, sự kiện Đức Giêsu đến nhà hai người phụ nữ Mácta và Maria rồi giảng dạy ở đó, thực ra, vẫn là một sự kiện có phần bất thường. Đức Giêsu không phân biệt đối xử. Người nhìn đến từng người và nhận thấy họ, dù là đàn ông hay đàn bà, là đối tượng được Thiên Chúa ưu ái yêu mến.
Hai chị em Mácta và Maria đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau trong việc tiếp đón Đức Giêsu. Cô Mácta giữ vai trò người chủ trong nhà và lo lắng chuẩn bị bữa ăn cho khách. Cô Maria giữ vai trò tiếp chuyện với khách. Tuy nhiên, cách miêu tả của Thánh Luca thì vượt ra khỏi một khung cảnh cụ thể.
Ở câu 39, ông khắc hoạ hình ảnh của cô Maria như là một người đồ đệ, ngồi bên chân của “Chúa” và lắng nghe Người dạy. “Ngồi dưới chân” là kiểu nói được Thánh Luca dùng trong diễn từ của Thánh Phaolô ở Cv 22, 3 để chỉ tư cách người đồ đệ. Động từ “nghe” được chia ở thời vị hoàn, có ý diễn tả sắc thái liên tục và kéo dài của thái độ lắng nghe. Cô Maria xuất hiện trong câu chuyện như điển hình của người môn đệ.
Sự tất bật lo việc phục vụ của cô Mácta cũng được tác giả nhấn mạnh để khắc hoạ rõ nét hơn sự khác biệt, thậm chí đối nghịch, của cô so với tư thế môn đệ chăm chú lắng nghe của cô Maria. Cô Mácta là điển hình của những thành viên trong cộng đoàn Hội Thánh luôn nhiệt thành hoạt động và coi những hoạt động đó có vai trò quan trọng hơn hẳn so với thái độ của người đồ đệ luôn giữ tâm hồn trong tư thế lắng nghe Lời.
Có lẽ vì lịch sự, nhưng cũng pha một chút bực mình, cô Mácta không nói gì với em mình, nhưng tiến lại bên Chúa Giêsu và nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” ( c. 40 ). Tại sao cô muốn Maria giúp một tay ? Để cô có thể cùng được nghe lời dạy của Chúa Giêsu ? Hay vì khách đông quá, cô không thể phục vụ một mình ?
Nhưng “Chúa đáp: "Mácta ! Mácta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” ( cc. 41 – 42 ). Các thủ bản dị biệt nhau trong câu “chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”. Có bản ghi “cần thì ít thôi”, theo đó, Chúa Giêsu muốn nói với cô Mácta rằng không cần phải chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn làm gì, chỉ cần một bữa ăn đơn giản thôi. Nhưng cách hiểu “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” có lẽ hữu lý hơn. Đức Giêsu đặt đối lập giữa một bên là “lo lắng nhiều chuyện” với bên kia là “chỉ một chuyện cần thiết” để làm nổi bật vẻ đẹp của thái độ lắng nghe lời Người giảng dạy. Mối bận tâm về Nước Thiên Chúa phải chiếm vị trí ưu tiên tuyệt đối so với mọi sự khác, cho dù những sự ấy không hề bị phủ nhận. Và Người khẳng định: Maria đã chọn phần tốt nhất ( c. 42 ).
Gợi ý suy niệm:
1. Khẳng định ở câu 42 chính là điểm nhấn cốt yếu của toàn bộ trình thuật. Đức Giêsu không hề kết án hay coi thường việc phục vụ của cô Mácta. Ở Lc 22, 27 chính Người sẽ khẳng định rằng: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”. Đức Giêsu cũng không hề nói rằng thái độ của cô Maria là thái độ duy nhất có giá trị. Người chỉ tận dụng hoàn cảnh cụ thể tại nhà hai chị em Mácta và Maria để đưa các đồ đệ đến một giáo huấn vượt quá khung cảnh cụ thể đó. Việc lắng nghe lời Chúa Giêsu và hoàn toàn sẵn sàng đón nhận Nước Thiên Chúa vào cuộc đời mình, phải được ưu tiên hơn hết. Các hoạt động khác bị coi là tương đối so với việc lắng nghe Lời.
2. Trong bài Tin Mừng, một ký ức về một sự kiện lịch sử ( là việc Đức Giêsu viếng thăm một gia đình thân hữu ) đã được Thánh Luca sử dụng để soi sáng cho một hoàn cảnh của cộng đoàn Hội Thánh sau này. Trong hoàn cảnh đó, có nguy cơ một số thành viên của Hội Thánh đánh mất hoặc coi thường một điều quan yếu: cuộc sống Kitô hữu đặt nền trên sự chăm chú lắng nghe lời Tin Mừng. Đó cũng có thể là hoàn cảnh của cộng đoàn của chúng ta hiện nay.
3. Một số người hiểu câu chuyện trong bài Tin Mừng theo hướng đề cao tính hơn hẳn của đời sống chiêm niệm so với đời sống hoạt động. Thực ra, có lẽ Thánh Luca, trong cách nhìn cá nhân của ngài, muốn nhấn mạnh rằng cuộc sống thừa sai và phục vụ cũng phải được đặt nền tảng trên lời Thiên Chúa và việc lắng nghe lời ấy.
4. Về phương diện soạn thảo, đáng chú ý là sự song đối giữa Lc 10, 38 – 42 với Lc 9, 52 – 56. Một làng người Samari đã từ chối đón tiếp Đức Giêsu vì Người đang trên đường đi lên Giêrusalem ở Lc 9. Bây giờ, trong Lc 10, 38 – 42 Đức Giêsu, vẫn đang trên đường đi lên Giêrusalem, lại đã được đón tiếp tại một làng khác. Tuy tác giả không ghi tên cụ thể của làng này trong trình thuật, nhưng dựa theo Ga 12, 1 – 8 chúng ta biết đó là làng Bêtania. Và như thế, chính Đức Giêsu đã hành xử như gương mẫu cho các đồ đệ trong việc thực hiện lệnh truyền của Người ở Lc 10, 5 – 7.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: