7 giờ sáng ngày 23/2, đại gia đình Tổng giáo phận Hà Nội tập hợp trong nhà nguyện Fatima để tẩm liệm Đức Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng. Trên linh sàng bộ đại lễ phục mầu đỏ như một đóa hồng thắm khổng lồ bao kín một thân hình xưa nay vẫn gầy guộc mảnh mai, lại càng tàn tạ vì tuổi già. Mấy năm nay Ngài bệnh nặng, cộng đoàn không còn dịp thấy Ngài trong phẩm phục tổng giám mục nữa. Riêng tôi vẫn trân trọng ký ức về những dịp đại lễ Ngài đã chủ sự phụng vụ. Điều tôi nhớ mãi không phải là những nghi thức trọng thể, mà là mấy chữ la tinh Ngài đã gắn chặt trên mũ giám mục của mình, Credidimus caritati.
Đó là những lời trong thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ. Credidimus caritati có nghĩa là : “Chúng ta đã tin vào lòng yêu mến” của Thiên Chúa (1 Ga 4,16) Dòng chữ mầu đỏ nổi bật trên nền vàng ở vành mũ giám mục cứ đi qua đi lại trước mặt mọi người khi nhập lễ cũng như kết lễ. Nhìn vị giám mục già đội mũ chống gậy, bước chân đi chệnh choạng, tôi cứ tự hỏi tin tưởng ở lòng mến của Thiên Chúa thì cụ thể là thế nào.
Câu kinh thánh đó Đức Cha Tụng đã chọn làm khẩu hiệu đời giám mục cuả mình. Ngài thụ phong giám mục năm 1963. Không biết những thời điểm nào khác, làm giám mục vinh quang nghi vệ ra sao, chứ còn năm 1963 thì, hỡi ôi! Vinh quang đâu không thấy, chỉ toàn những lo toan, thiếu thốn, đắng cay. Năm 1963 đó, còn phải chờ cả một phần tư thế kỉ nữa mới nhìn thấy những tia mong manh đầu tiên của thời Đổi Mới ; miền Bắc Việt nam lại đang sắp gánh chịu một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Chẳng cần phải nhắc lại làm gì thân phận của tôn giáo trong giai đoạn ấy .
Cha già Vũ Ngọc Bích khi còn sống hay kể lại một kỷ niệm: năm 1954, ngày Bộ đội Cách Mạng chiến thắng rầm rập tiến vào tiếp quản thủ đô Hà nội, Cha Bích đang đàm luận với Đức Cha Trịnh Như Khuê và Cha xứ Hàm Long. Cha xứ Hàm Long khi đó chính là Cha Phạm Đình Tụng. Có một lúc Đức Cha Khuê phát biểu một câu làm Cha Bích nhớ suốt đời: “ Có lẽ rồi chúng ta phải chết cho người khác được sống.” Thì ra ba con người ấy đã bằng lòng chấp nhận rằng số mệnh của mình có thể là chết. Lúc đó Đức Cha Khuê chẳng hề có ý nghĩ rằng mình sẽ là vị Hồng y tiên khởi của Việt
Năm 1963 ấy cha Tụng chỉ có thể thấy biến cố thời cuộc dồn dập, cuộc sống đảo lộn đủ bề. Qua một cơn biến loạn, Cha thấy mình thuộc về hàng ngũ lưa thưa của những mục tử phải đứng đầu sóng ngọn gió. Thế là nhiệm vụ giám mục đến gần như một cây thập giá nặng nề thô mộc. Nó không thể có chút gì long lanh trang điểm, chỉ còn bấu víu vào điều cốt yếu để đón nhận nó. Mà điều cốt yếu thì vô hình, phải tìm nó ở trong tâm mình thôi. Tôi hình dung ra những giờ phút Cha Tụng tư lự, tĩnh tâm, cầu nguyện. Rồi Cha vắt lấy từ niềm tin của mình cái chân lý “tin ở tình yêu Thiên Chúa. Credidimus caritati”. Từ ngày thánh Gioan khơi lên cảm nghiệm đó, nó đã thành một dòng nước ngầm, lần lượt thế hệ nào cũng phải có người tìm kiếm, thu hứng để gầy dựng sự sống. Và bây giờ Cha Tụng là người phải tìm kiếm, phải mang cả cuộc đời mình ra để trải nghiệm, giữa một xã hội, một thế giới có vẻ như không còn biết nó là cái gì.
Rồi ra người ta sẽ nói gì, nghĩ gì, lý giải thế nào về các giá trị nhân sinh trong quá trình Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Mác-xit?. Có thể đặt vấn đề trên nhiều bình diện khác nhau: chủ nghĩa, chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức,vv... Chắc chắn sẽ có nhiều quan điểm dị biệt và sẽ còn trao đổi, tranh luận lâu dài... Riêng trong lãnh vực đức tin tôn giáo, có thể có một hướng nghiên cứu phong phú. Thánh Phao-lô từng nói: “Ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.” (1 Cr 4,10-15)
Có thể rằng giai đoạn cách mạng ấy là một : “ngày của Chúa tỏ rạng trong lửa” . Những gì là rơm rạ trong đời sống Giáo hội sẽ bị cháy rụi đi. Cái gì là “vàng, bạc, đá quý” thì còn lại. Cha Tụng chẳng còn vướng víu gì với rơm rạ nữa. Đi vào chặng đường thập giá của đời giám mục với lòng tin đá vàng vào lòng yêu mến của Thiên Chúa. Lòng tin như thế có cao siêu quá chăng? Có tách rời quá đáng chăng với cuộc sống khắc nghiệt này?
Lần đầu tiên tôi được gặp Đức cha Tụng thì người làm giám mục đã hai mươi lăm năm rồi. Thời chiến tranh tôi sống ở miền Nam, không biết gì nhiều về Giáo Hội miền Bắc, ngoại trừ một điều là cuộc sống rất khó khăn. Ngay cả khi đất nước đã thống nhất, những năm đầu sự đi lại thăm viếng cũng không dễ. Khoảng cuối những năm 80, tôi mới háo hức đi tìm hiểu thực tế Dân Chúa ở phía Bắc. Tôi đã thăm nhiều nhà thờ hoang phế, ẩm mốc, mối mọt, với một nhóm giáo dân rất nghèo khổ bám trụ, kinh hạt sáng chiều suốt bao nhiêu năm trời. Rồi tôi đến Bắc Ninh, vì được nghe nói nhiều đến Đức Cha Tụng.
Tòa giám mục Bắc Ninh khi đó chưa được xây dựng lớn như bây giờ. Đức Cha sống trong ngôi nhà nhỏ bây giờ là nơi ở của Cha tổng đại diện kiêm chính xứ nhà thờ chính tòa. (Hôn nay nghe nói nhà thờ chính tòa lại vừa có Cha xứ mới). Thời Đức Cha Tụng ở đấy nhân sự vô cùng thiếu thốn. Có lúc người ta bảo nhân sự giáo phận Bắc Ninh gồm có Đức giám mục và một linh mục rưỡi. Nói như thế là vì có hai linh mục thì một vị đã được phong chức “chui” nên không thể hoạt động bình thường. Câu chuyện giám mục với một linh mục rưỡi nghe nói đã được nêu lên giữa Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới, như một minh họa cho hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng sức sống bền bỉ của người Công giáo niềm Bắc Việt Nam.
Tôi e rằng nhân sự Bắc Ninh chỉ có giám mục và một linh mục rưỡi, là một cách nói hóm hỉnh, ấn tượng, nhưng biết đâu chẳng có một chút hơi hướng giáo sĩ trị. Tại vì những ngày ở Bắc Ninh tôi thấy rất đông người. Không có linh mục, giáo dân bầu đoàn thê tử kéo nhau về tòa giám mục. Người ta đi bộ, đi xe đạp, đi xe hơi, đi xe lửa. Người bệnh đi cáng, cáng trên vai người, hay cáng bằng xe đạp. Mỗi thứ bẩy, Chúa nhật hàng ngàn, hàng ngàn người cắm trại trên đất nhà chung Bắc Ninh. Đức Cha Tụng đã lập cả một tu hội hằng mấy trăm người: các anh lo trật tự, vệ sinh, các chị chợ búa, nấu nướng cho đại chúng dân Chúa đang mở hội ở Tòa Giám mục. Sau ngày Chúa nhật, các anh chị ấy lại trở về xứ đạo nghèo nàn của mình, lo thửa ruộng mảnh vườn của nhà thờ, hòa mình với cuộc sống giáo dân.
Đám đông về tòa giám mục để cùng nhau cầu nguyện, dự thánh lễ, gặp gỡ, trao đổi với Đức Cha về chuyện cá nhân, lẫn chuyện giáo xứ. Đức Cha có lời khuyên cho cá nhân, có chỉ thị cho cộng đoàn. Thiếu sách báo thì kinh nguyện và giáo lý Đức Cha đã phổ thành thơ lục bát hết, những câu thơ rất trong sáng dễ hiểu, vần điệu rất bình dân, ở nhà thờ nào người lớn trẻ con cũng thuộc lòng, không chỉ ở Bắc Ninh mà đã lan ra các giáo phận khác. Tôi cũng bắt đầu được nghe những làn điệu quan họ du nhập vào sinh hoạt cộng đồng của người Công giáo. Những năm sau này, ở La Vang, ở Hà Nội, những dịp đại lễ, dụ ngôn Tin Mừng được hát lên, được “diễn nguyện” bằng quan họ, dưới sự dìu dắt của các liền anh, liền chị thứ thiệt, đã gặt hái thành công lớn. Giữa những khung cảnh hoàng tráng đó, thật thú vị khi nghĩ tới những công phu nghệ thuật ấy đã bắt đầu trong thiếu thốn, nghèo khó như thế nào.
Đến khi Đức Cha Tụng được phong tặng Hồng Y, tôi có cơ hội được đọc trong tờ báo xuất bản ở Tòa Thánh, tờ Osservatore Romano, một bản tóm lược tiểu sử các tân Hồng Y, thấy khi nói về Đức Hông Y Tụng, Tòa Thánh đề cao thời Ngài làm giám mục Bắc Ninh như một công lao lớn, một sáng tạo xuất sắc của Ngài.
Dần dần hình như chúng ta có hướng chiều coi sắc áo Hồng Y như một vinh dự, một thứ cẩm bào cho các bậc khanh tướng trong Giáo hội. Nghĩ như vậy thì trong thực thế không hẳn là sai, nhưng cốt yếu và cần thiết hơn thì ta nên nghĩ tới cái ý nghĩa nguyên thủy của sắc đỏ ấy. Nó có ý nói lên rằng người mặc sắc phục ấy phải là người hiến cả cuộc đời tận tụy với Hội Thánh, đến nỗi có thể hiến dâng cả máu mình, nghĩa là cả mạng sống mình cho Dân Chúa. Đức Hồng Y Tụng tuy chưa đến nỗi bị chém, bị bắn, hay bị chết rũ tù, nhưng đúng là một người đã không ngần ngại bào mòn cả đời mình để hướng dẫn đoàn chiên của Chúa đi qua một giai đoạn hết sức cam go trong lịch sử Giáo hội.
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, đại diện Đức thánh Cha Benedicto XVI chủ sự tang lễ, trong một vài lời ngắn ngủi đã nhắc đi nhắc lại hình ảnh “vị mục tử như lòng Chúa mong muốn”. Hồi tưởng lại cuộc đời ấy, tôi ngộ ra rằng, tin ở tình yêu Thiên Chúa, Credidimus Caritati, cụ thể là vậy đó. Đi vào cơn nghịch cảnh, như bị giam cầm trong nghịch cảnh, rồi giống như người ta đập vỡ một hạt cứng trơ lỳ để tìm thấy cái nhân, cái mầm sự sống ở bên trong, Ngài cũng nhẫn nại, cũng cặm cụi, cũng xoay xở đủ bề để tìm thấy lòng yêu thương của Thiên Chúa ẩn chìm bên dưới bộ mặt có nhiều khi nhông nhao của thế gian. Tôi được quen biết Ngài trong hai mươi năm cuối đời Ngài. Nhiều lần tôi được nghe Ngài nói về kinh nghiệm chắt lọc từ một đời mục tử: Ngài bảo: “Giáo dân ở đây nghèo, trình độ chưa cao, nhưng họ trung thành với Chúa, đức tin vững chắc và tốt vô cùng.” Tôi nghĩ, cuộc sống còn đầy những tiêu cực, bất nhân, lọc lừa, mà Ngài lại tìm được con đương đi sâu vào một cõi có lòng tin vững chắc và lòng mến vô cùng, thì cuộc đời Ngài quả thật là vĩ đại lắm thay!
Tôi nhìn thân xác bé nhỏ gầy gò chìm nghỉm trong màu áo đỏ rực. Cả cuộc đời vượt qua biết bao trở ngại ấy bây giờ có vẻ như đã bị bẻ gẫy bởi một trở ngại cuối cùng là sự chết. Có vẻ như đã bị bẻ gẫy, nhưng một mặt khác lại là vượt qua, bỏ sự chết lại sau lưng, đã đi qua cánh cửa ấy rồi. Thánh Kinh nói về Chúa Giê-su: “Thù địch cuối cùng bị (Chúa ) tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15,26). Điều Chúa Ki-tô làm ở mức độ hoàn vũ cũng là điều Chúa thực hiện nơi mỗi cá nhân bé nhỏ. Mỗi con người bị đẩy vào “thù địch cuối cùng là sự chết” để thấy rằng trong Chúa sự chết bị tiêu diệt. Cái nghịch cảnh cuối cùng này cũng phải bị đập vỡ để thấy rằng cái đen tối vẫn không phải là cùng tận. Vẫn có điều mà cụ Tụng đã suy niệm từ còn trẻ, đã chọn làm khẩu hiệu đời giám mục, đã tìm kiếm suốt đời; lòng yêu mến của Thiên Chúa. Tới đó thì đúng là “người chết nối linh thiêng vào đời”.
Thánh lễ an táng giữa vô vàn khăn trắng như những con sóng bạc đầu trên biển lớn, ... mấy trăm giọng ca bỗng cất lên những lời tươi sáng của sách Khải Huyền: “Và tôi thấy một trời mới đất mới, trời đất cũ nay đã qua đi.” (Kh 21,1) Vâng, Credidimus caritati.
Vũ Khởi Phụng
No comments:
Post a Comment