Thursday, 26 March 2009

TỆ NHẤT THẾ GIỚI - Lm. Vĩnh Sang

Sáng nay ( ngày thứ Tư 25/3/2009 ) cầm tờ Saigon Tiếp Thị đọc ngay trang nhất thông tin không lấy gì làm vui vẻ: Môi trường làm việc tệ nhất thế giới: TP.HCM thứ 9, Hà Nội 11. Vẫn biết vậy nhưng vẫn buồn, tâm lý con người là như vậy, vẫn biết mình như vậy, nhưng có ai nào đó nói về mình như vậy thì vẫn buồn. Tôi hay buồn nên viết mấy chữ thư pháp để trên bàn làm việc của mình “Vẫn biết vô thường, sao còn phiền não”, thế mà vẫn buồn.

Không buồn sao được khi thành phố thân yêu của mình đang sống bị xếp vào loại “môi trường làm việc tệ nhất thế giới”. Tôi mỉm cười ê chề khi nghĩ đến các bạn trẻ thường làm việc với tôi, những khi rảnh rỗi, tôi hay kể cho các bạn nghe về thành phố này, hơn 50 năm tôi sinh sống ở đây, trừ một vài năm đi xa, tôi chứng kiến từng đổi thay của thành phố, tôi kể cho các bạn nghe về một Saigon – hòn ngọc viễn đông, một Saigon mà tôi yêu cái nắng và cái gió, cái mưa rát mặt và cái dịu dàng của ban mai, chắc bây giờ các bạn ấy đang cười tôi, cười cái “ngày xưa” của “ông già hoài cổ”, hoài hoài cái “Saigon đẹp lắm Saigon ơi, Saigon ơi”.

Hơn 30 năm rồi, hàng ngày tôi vẫn cầm tờ báo Saigon Giải Phóng trên tay, có khi chẳng để đọc gì cả, chỉ lướt trên mặt tờ báo, tôi vẫn cầm cho dù chẳng có tin gì hấp dẫn, đôi khi cố tìm tin hấp dẫn trên trang mục Thể thao để đọc, chỉ vì tôi yêu hai chữ Saigon. Vừa rồi buồn biết mấy, lại chuyện buồn, khi đội banh tôi yêu TMN-Cảng Saigon đổi tên, thôi thì đành vậy, việc đổi thay là chuyện bình thường. Trong các huấn luyện viên bóng đá, tôi quí nhất ông Phạm Huỳnh Tam Lang, vì ông gắn bó với bóng đá Saigon, gắn bó với thành phố này.

Bài báo trong văn mạch theo tôi là đã cố gắng khách quan trong suy tư, nhưng không tránh khỏi chủ quan khi trích dẫn một vài câu của một vài nhân vật nước ngoài, thí dụ như “Tôi đã sống 25 năm ở nước ngoài, trong đó có 7 năm ở Việt Nam và không hề thấy hai thành phố này nằm trong số tệ nhất thế giới” ( ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham ). Vâng, tôi cố gắng an ủi mình rằng hai thành phố này không nằm trong số tệ nhất thế giới.

Nhưng biện hộ rằng không tồi tệ thì quả thật là … hoang tưởng! Các lãnh vực người ta đưa ra để xem xét gồm những gì ? Bài báo cho biết đó là: dịch bệnh, vệ sinh, cơ sở y tế chất lượng, hạ tầng, khí hậu ô nhiễm, tình trạng tội phạm, ngoài ra chính trị xã hội, văn hóa giải trí cũng được nêu ra.

Chúng ta thấy gì ở những lãnh vực này ? Người dân bình thường chỉ biết xem trên báo chí, xem trên truyền hình. Chưa bao giờ trên đất nước này, đặc biệt ở hai thành phố lớn mà không thông tin có dịch bệnh, chỉ riêng các bệnh và dịch mang tên sau đây chưa bao giờ vắng bóng trên báo chí : Nhiễm HIV, nhiễm H5N1, ngộ độc thực phẩm, rau củ quả dư lượng hóa chất, tiêu chảy cấp, …. Chưa bao giờ báo chí ngưng bàn về chất lượng y tế, bảo hiểm y tế là vấn đề nhức nhối của xã hội, người nghèo đành sống trong tình trạng y tế cực kỳ thấp kém và đành chết trong cơ cực, chúng ta cứ vào thăm bất cứ một bệnh viện nào ở thành phố này để thấy hai bệnh nhân nằm chung một giường, để thấy người bệnh nằm la liệt ngoài hành lang bệnh viện. Người dân có cảm tưởng Nhà Nước không bình ổn được giá thuốc, giá thuốc cứ như con ngựa bất kham, mà người dân nghèo thì bó tay đứng nhìn nó hung hãn tung hoành.

Có môt câu chuyện vui được kể. Khi chia tay với một đoàn du khách nước ngoài, người hướng dẫn viên du lịch đã dở khóc dở cười khi có một vị khách chất vấn “chúng tôi đã được thăm Hạ Long bay ( vịnh ) và Cam Ranh bay, rất đẹp, nhưng chúng tôi chưa được thăm cam đai bay ( cấm đái bậy ) mà chúng tôi thấy quảng cáo khắp nơi”, một chuyện nhỏ thôi để thấy cái tệ về phương diện vệ sinh. Bên ngoài hàng rào tu viện của chúng tôi, dọc đường Kỳ Đồng, người ta vui vẻ nhậu bên kia đường rồi sang phía chúng tôi giải quyết “tháo nước ra”, an toàn và kín đáo, bất chấp đó là tu viện. Còn bao nhiêu vấn đề khác nữa, rác thải, nước hầm cầu, họ đổ khắp nơi, họ thải ra khắp nơi, bất chấp qui định, bất chấp môi trường.

Cơ sở hạ tầng. Hơn một năm nay và sẽ còn bao nhiêu năm nữa, hiện tượng lô cốt đang là nỗi kinh hoàng của người dân thành phố, rồi công trình những con kênh nước đen, dai dẳng đeo đẳng thành phố này, làm mãi làm hoài không kết thúc được, bao nhiêu tiền đổ ra, bao nhiêu chịu đựng của người dân, con kênh mãi cứ với những giòng nước đen hôi thối. Chỉ một cây cầu, chỉ một con đường Nguyễn Hữu Cảnh, bao nhiêu năm rồi không giải quyết được, mỗi ngày một lún, các công trình chung quanh lún theo, người ta sẽ đánh gía như thế nào về trình độ kỹ thuật của thành phố ? Chỉ có hoang tưởng mới không nhận mình đang ở trong tình trạng tồi tệ.

Đành rằng như bài báo nhận định, khí hậu không thể là tiêu chuẩn để đánh giá, bài báo còn nói rằng, có nhiều người nước ngoài thích cái khí hậu nắng ấm của Việt Nam, đúng ! chính xác là như vậy, nhưng không ai thích cái cổ áo trắng đen xì vì bụi bẩn khi từ ngoài đường trở về nhà, không ai thích cái lớp bụi nhanh chóng xuất hiện trên các bề mặt bàn ghế khi vừa lau chùi xong, không ai thích gặp người quen ngoài đường như người xa lạ vì ai cũng mang khẩu trang, không ai thích cái mùi khói xe nồng nặc ở các ngã tư đường khi dừng lại vì đèn đỏ. Chỉ có hoang tưởng mới không nhận mình đang ở trong tình trạng tồi tệ.

“…và ông ( ông Alian Cany ) cho là hầu như không có tội phạm đối với người nước ngoài sống ở đây, ngoại trừ tình trạng móc túi ở chợ búa như Bến Thành”. Cám ơn ông đã có lời biện hộ cho thành phố này, nhưng báo Công an Thành phố ngày nào mà những tin tội phạm không dày đặc tất cả các trang báo ? Một là ông đúng, báo Công an Thành phố sai, hai là ông sai, báo Công an Thành phố đúng !

Thôi thế là đủ. Tôi nghĩ rằng mình nhận thật về mình để cùng nhau xây dựng, cùng nhau sửa chữa, những tồi tệ hôm nay trong đó có lỗi của tất cả chúng ta, đừng tô hồng giả tạo, đừng đóng kịch và đánh lừa nhau. Ông đạo diễn Trần Văn Thủy trong cuốn phim “Chuyện tử tế”, có một khúc ông phát biểu trong phim “Người Nhật dạy con em họ xây dựng đất nước từ những đổ nát sau chiến tranh, đứng lên trên những hoang tàn, họ đã thành công, một nước Nhật tiến bộ. Còn chúng ta, chúng ta dạy con em chúng ta, đất nước chúng ta rừng vàng biển bạc, kết qủa chúng ta thuộc về số các nước chậm phát triển” .

Nhìn nhận sự thật về mình, khiêm tốn hoán cải sửa chữa, chân thành đoàn kết xây dựng và phát triển là thái độ cần thiết của chúng ta hôm nay. Đừng hoang tưởng phỉnh gạt lẫn nhau, đừng tiếp tục vô trách nhiệm, đừng lún sâu đục khoét thành phố này.

Đó chẳng phải là cách ăn chay mà Chúa mong đợi nơi chúng ta sao ! ( Isaia 58, 1 – 9 )

Lm. Vĩnh Sang, dcct
Mùa Chay 2009

Monday, 23 March 2009

“XIN CHO CHÚNG CON HẰNG NGÀY... THẤT NGHIỆP !” - Lm. QUANG UY

Xin thưa ngay là chúng tôi, nhiều bạn trẻ, nhiều anh chị em tông đồ trung niên, cả nhiều Linh Mục và Nữ Tu chúng tôi vẫn thầm cầu nguyện hoặc cầu nguyện chung với nhau bằng Kinh Lạy Cha đúng thật là vậy: “Xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp”.

Ơ, sao lại thế ? Chuyện gì lạ vậy ?

Cũng cần nhắc lại là cách nay khoảng ba chục năm ngược về trước, Kinh Lạy Cha của chúng ta được đọc trong cả thế kỷ là: “Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ...” chứ không phải đọc như bây giờ là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày...” ( dịch từ bản Latinh: “Panem nostrum quotidianum da nobis hodie” ). “Lương thực hằng ngày” là kiểu nói không ra Tây mà lại hoàn toàn xa lạ với cách năm bình thường của người Việt Nam. Ngẫm nghĩ thấy con cái trong gia đình chúng ta nó hay níu áo ba nó mà kêu: “Bố ơi, cho con xin chiếc bánh...”; “Bố ơi, cho con xin bát cơm...” chứ ai lại văn chương kềnh càng đến mức: “Cha ơi, cho con xin lương thực...”

Nhưng thôi, chúng tôi không có ý viết bài này để phân tích, phê bình và tranh luận về các bản dịch Kinh Lạy Cha, nhưng chúng tôi muốn nhắm đến chuyện khác, cũng là xin, xin với Chúa là Cha, và xin một điều cũng hết sức thiết thực như xin cơm ăn áo mặc hằng ngày. Đó là chuyện Bảo Vệ Sự Sống !

Chúng tôi muốn nói đến một nghề mới hình thành ở Việt Nam cách đây không lâu, khoảng 17 năm nếu tính Huế là nơi ra đời Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đầu tiên. Gọi tạm là nghề vậy thôi, chứ nghề gì mà không ăn lương, nghề gì mà không cần huấn luyện và đào tạo, nghề gì mà chẳng thấy ghi trong Tự Điển Bách Khoa Nghề Nghiệp ?

Tuy nhiên vẫn có thể gọi đây là nghề, vì người làm nghề này cần phải trung thành làm một công việc đều đặn mỗi ngày, đúng giờ, đúng nơi, đúng chỗ, lại phải thinh lặng mà làm, không bô lô ba la ồn ào. Nghề này, xét ra, gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị ngộ nhận, bị gây khó dễ, lại có thể bị nhiễm độc mà chẳng cơ quan nào chịu trả phụ cấp độc hại và bồi thường bằng bảo hiểm y tế !

Vâng, ấy là “nghề” đi góp nhặt và quy tập các... thai nhi bị giết mỗi ngày tại các điểm phá thai, y tế công cũng như phòng mạch tư.

Các địa chỉ “sát sinh” này bây giờ ngày càng tăng, nhiều lắm, ở cấp thành phố đương nhiên là nhan nhản, có khi tập trung thành cả dãy phố như ở Hà Nội, có khi được thông tin giới thiệu công khai như ở Sài-gòn, có khi treo bảng to đùng ngoài cổng như ở các tỉnh. Xuống đến cấp huyện, cấp quận, cả đến cấp xã, cấp phường cũng có, núp bóng trạm xá. Dưới đồng bằng và duyên hải cũng có, mà cũng có cả trên cao nguyên. Và đừng quên các loại phòng khám, phòng mạch các bác sĩ và cả bọn... lang băm !

Các địa chỉ “Văn Hóa Sự Chết” ấy cứ mọc lên, hoạt động một thời gian là y như rằng cũng hình thành luôn nghề đi thu gom xác thai nhi để đem về lo hậu sự, tẩm liệm rồi chôn cất hoặc đem thiêu rồi táng vào một nơi như một cái lăng, một nghĩa trang, một “Đất Thánh” hẳn hoi. Nghĩa tử – nghĩa tận !

Nhưng tại sao lại “xin cho chúng con hằng ngày... thất nghiệp” ? Ai làm nghề gì thì cũng mong có công ăn việc làm, buôn may bán đắt, nhất là cầu sao cho có việc làm đều đặn, cứ tăng trưởng dần dần để thu nhập ngày càng nhiều hơn. Chứ ai lại đi cầu nguyện sao cho... sớm được thất nghiệp bao giờ ? Vậy mà, với nghề nhặt xác các em bé bị giết thì mọi sự đảo ngược, lộn nhào.

Có hôm một bạn giáo viên sau khi từ trường về, ghé đến bệnh viện, âm thầm kín đáo xách lấy chiếc túi nylon màu đen rồi đem về Góc Xót Thương ở cuối hành lang Trung Tâm Mục Vụ DCCT Sài-gòn. Xong xuôi bạn ấy ghé vào văn phòng. Bạn ấy ngồi xụp xuống ghế, dáng vẻ mệt mỏi, rũ rượi, khuôn mặt buồn xo, xin một cốc nước lọc rồi buột miệng than thở: “Hôm nay con buồn quá bố ơi, các em bị phá nhiều quá, có lẽ cả túi phải đến 3 ký với hàng trăm em...” Hôm khác, cũng bạn ấy, đẩy cửa vào là reo to vui vẻ: “Hôm nay con mừng quá bố ơi, chỉ có vỏn vẹn 5 cháu !”

Lại có chuyện một bạn trẻ của chúng tôi tối nào lúc 20g30, mưa gió hay không, cũng đều về Nhà Dòng chúng tôi để thu tập toàn bộ các túi nylon đựng thai đã được các anh chị em khác góp nhặt từ nhiều địa chỉ phá thai nội ngoại thành Sài-gòn. Em ấy lom khom ở góc Xót Thương, bỏ tất cả vào một cái balô to, ôm trên tay xuống lầu, cặm cụi một người một xe gắn máy đem về cho một thầy DCCT chúng tôi sẽ lo hậu sự vào nửa đêm.

Công việc tận tụy suốt mấy 4, 5 năm nay rồi, bỗng một hôm vô tình trên đường về, bạn gái ấy gặp một tu huynh trẻ. Thầy ấy hỏi thăm đi đâu, làm gì, chở cái bọc chi mà to thế ? Cô bé trả lời: Dạ thưa thầy xác các bé thai nhi ạ. Ông thầy cười ồ lên vẻ chế nhạo: Ơ sao mày ngu thế ? Người ta ăn ốc, mình lại đi đổ vỏ ! Chỉ một câu thế thôi, cô bé sụp đổ, khủng hoảng hoàn toàn ! Nghe bố mẹ em thuật lại, chúng tôi giận lắm, định đi tìm cái anh tu huynh một Dòng nào đấy để “xử lý” chứ không thì tức lắm. Không ngờ cô bé đã vượt qua được cơn sốc ấy rồi, thôi không muốn to chuyện làm gì. Chúng tôi ra về, ngẫm nghĩ: Ừ, tội nghiệp cô bé, tội nghiệp cả nhóm các anh chị Tông Đồ Giáo Dân nữa, cái nghề chi mà kỳ cục thật ! Mong sao có ngày nào đó thôi không còn phải làm như thế này nữa. Thất nghiệp là mừng !

Mới đây, trên đường từ Nam Định về lại Hà Nội để bay vào Nam, chúng tôi được ghé vào một xã thuôc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, thăm một nghĩa trang anh Hài mới hình thành chỉ vỏn vẹn 40 ngày thôi mà nơi đây đã chôn cất được hơn 200 thai nhi. Một nhóm các anh chị lo thu nhặt tại thành phố, chuyển dần về vùng nông thôn này, cách xa mấy chục cây số đường nhựa và thêm 4, 5 cây đường đất đá đầy ổ gà. Đến phiên các anh chị ở đây xúm lại lo tẩm liệm chôn cất thật ân cần chu đáo, cứ như đang lo hậu sự cho chính một thi hài người thân trong gia đình mình.

Khi cùng nhau đứng bên ngôi mộ tập thể các thai nhi, tự nhiên chúng tôi bật lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, thật lòng anh chị em chúng con làm cái nghề BVSS này ai cũng mong rồi đến lúc chúng con được... thất nghiệp. Bao giờ thưa Chúa ?”

Mà thôi, chắc cái ngày ấy còn xa. Trước mắt, cứ xin cho riêng việc nhặt xác thai nhi mỗi ngày được giảm dần số lượng chứ đừng có tăng lên. Thỉnh thoảng mà lại có ngày đi về tay không, thì coi như ngày ấy thất nghiệp, mừng mừng tủi tủi vì bớt đi được một số cháu bé nào đó không bị giết !

Chuyến đi miền Bắc giảng Đại Phúc lần này, ngoài tin tỉnh Nam Định đã có được Nghĩa Trang Anh Hài từ ngày 10 tháng 2 năm nay, chúng tôi còn biết một Nghĩa Trang khác vùng quê nghèo tỉnh Thái Nguyên cũng vừa mới hình thành vào Chúa Nhật 15 tháng 3 vừa qua. Đến khi vừa trở vào Nam hôm 20 tháng 3, các bạn trẻ Nhóm Fiat đến hẹn với chúng tôi đến Chúa Nhật 19 tháng 3 này về một tỉnh miền biển để dâng Lễ “khánh thành” một ngôi mộ tập thể của các cháu.

Trời ơi, vui buồn lẫn lộn. Mà buồn có lẽ nhiều hơn !

“Lạy Cha chúng con ở trên Trời... Xin Cha cho chúng con hằng ngày thất nghiệp... Amen !”

Lm. QUANG UY, DCCT, Sài-gòn Chúa Nhật 22.3.2009

Monday, 16 March 2009

TIẾNG KÊU CỨU CỦA NÚI RỪNG - Lm. VĨNH SANG

Quý độc giả thân mến,

Báo Saigon Tiếp Thị số 22 ra ngày thứ Sáu 6/3/2009, nơi trang 36 có đăng bài “Chuẩn bị khời công nhà máy luyện Oxid nhôm”của tác giả Bảo Ngọc. Bài báo được nhấn mạnh ( in chữ to ) bởi một đoạn như sau :

Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ ( thuộc tập đoàn than khoáng sản Việt Nam TKV ) đã hoàn tất việc san ủi mặt bằng chuẩn bị khởi công nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ ( huyện Dak Rlap ), Với diện tích 200 hecta, các hạng mục phụ trợ khác như đường vào nhà máy, khu nhà điều hành, … cũng đã hoàn thành.

Với thông tin này, bài báo cho thấy người ta chính thức khẳng định quyết tâm thực hiện dự án khai thác quặng boxit vùng tây nguyên, bất chấp dư luận và bất chấp phản biện xã hội, cho dù các phản biện đó có căn cứ khoa học và văn hóa. Khai thác quặng boxit tại tây nguyên, người ta cố tình thực hiện một cuộc tàn phá hủy diệt môi trường sống của muôn loài, trong đó có loài người, có một chủng tộc con người mang tên Việt Nam.

Không thể biện minh bằng lợi nhuận kinh tế, bởi các nhà kinh tế và khoa học đã chỉ ra rằng không có lợi nhuận cho quốc gia về phương diện kinh tế, ngược lại còn làm thiệt hại kinh tế do lượng điện, lượng nước tiêu thụ quá lớn nhưng giá thành của thành phẩm trên thế giới qua rẻ.

Theo dõi các phản biện được công khai phát biểu, chúng ta không hiểu nổi tại sao người ta lại quyết định như thế nếu người ta còn lương tri.

Không thể tin được qui trình được vạch ra trên giấy mà có thể áp dụng trong thực tế. Người ta biện minh bằng qui trình rằng, làm vệ sinh mặt bằng ( khai thác gỗ ), bóc lớp đất mặt để qua một bên, khai thác lớp quặng bên dưới, sau đó lấp lại lớp đất mặt, bón thêm phân để phục hồi đất và tái trồng cây phủ xanh mặt bằng. Tin được không ? Con nít cũng không tin được. Họ làm như họ đào một khoảng đất vài mét và làm hoàn chỉnh ngay trong ngày, mà ngay cả làm trong một phạm vi nhỏ bé như vậy, họ có bao giờ làm đàng hoàng đâu, cứ xem ba cái lô cốt trong thành phố này, hết ngày này qua ngày khác, rào lại để hạn chế đường giao thông, vắng tanh không một người thợ làm việc, cứ vậy năm này qua tháng khác ( báo Tuổi trẻ số ra ngày thứ hai 9/3/2009 thông tin nơi trang 3: có 194 lô cốt trên 72 tuyến đường ). Mà nếu có cái nào làm xong, thi hãy chạy một vòng để xem cách họ tái tạo mặt bằng, nham nhở như gương mặt nham nhở của những kẻ vô lương tri. Tội nghiệp ! báo ra ngày hôm nay ( báo Phụ Nữ thứ ba 10/3/2009 ) đăng tin về một người con gái , tuổi em còn rất trẻ ( 22 tuổi ), em đã trượt ngã xe vì mặt đường tái tạo không hoàn chỉnh, chiếc xe sau chồm tới cán chết em tại chỗ, đau xót làm sao ! Biết tin này, nhưng kẻ có trách nhiệm có thấy một chút gì ân hận không? Tôi nghĩ là không, vì nếu có thì đã bao nhiêu cái chết thương tâm trước đó do cách làm cẩu thả phải làm cho họ thay đổi cách làm việc đi chứ, dâu cứ mãi như vậy.

Họ rẻ rúng mạng con người quá, họ chỉ biết lợi nhuận dành cho họ, họ bất chấp hậu quả tai hại như thế nào để lại cho người khác gánh chịu. Tôi không tin và tôi chắc rằng rất nhiều người không tin vào lời cam kết theo qui trình để tái tạo mặt bằng của những người chủ trương khai thác quặng oxid nhôm.

Khi khai thác, họ có tính đến việc những cơn mưa ở đầu nguồn sẽ đổ xuống không ? Họ có biết những cơn mưa lũ đầu nguồn sẽ gây ra những tai hại gì khi đống đất dở dang đang được bóc ? Hay họ sẽ “vắt đất thay trời làm mưa, nghiêng ruộng đổ nước ra biển”? Có thể lắm, xưa nay họ vẫn chủ trương như vậy mà, nếu vậy kinh nghiêm “chông bão, chống lũ, chống lụt, chống …”chống cả trời đất bao nhiêu năm nay sẽ dạy họ thêm bài học nào nữa ? Bao nhiêu người dân vô tội, của cải ruộng vườn , cơ nghiệp, .. sẽ chịu thiệt hại để trả giá cho bài học kiêu ngạo ?

Làm sao để bóc tách được oxid nhôm ra khỏi quặng thô ? Sẽ phải dùng bao nhiêu nước, bao nhiêu điện cho công việc này ? Ngay đầu nguồn, nước bị tận dụng vào khai thác quặng, mạch nước ngầm cũng như không ngầm sẽ ra sao ? Số phận của bao nhiêu gia đình miền xuôi cuối nguồn nước sẽ ra sao ? Ngay bây giờ đã thiều nước sạch sinh hoạt, khai thác quặng ở đầu nguồn thì thiếu cái gì ? Mấy ngày nay trời chưa khô điện đã thiếu, “mấy ông lớn”đổ lỗi cho nhau, chỉ người dân nghèo chịu … chết, các ông vẫn nằm phòng máy điều hòa không khí, vẫn ngồi xe máy lạnh và vẫn đổ bia đổ rượu để trầm mình trong các cuộc truy hoan “vì công vụ”!

Để bóc tách quặng có dùng hóa chất không ? Các nhà chuyên môn bảo rằng có, mà là hóa chất cực độc, vậy thì những giòng hóa chất thải ra len lỏi đến tận đâu, có thấm vào thịt đất không ? Có tràn vào các giòng sông giòng suối không ? Ai bảo đảm rằng ngăn chặn được giòng chảy này ? Ai bảo đàm rằng không thấm vào thịt đất ? Ai bảo đảm được xin trả lời cho công luận. Công trình hầm Thủ Thiêm, hàng chục chuyên gia, bao nhiêu máy móc tối tân, những bài tính được xây dựng bằng những phương pháp hiện đại, chọn lựa vật liệu rất kỹ lưỡng, thử nghiệm thiết kế cấp phối trước khi thi công, xay đá cục lạnh trộn vào để chống tăng nhiệt, tính toán phụ gia, hàng trăm cán bộ giám sát, thi công thử nghiệm mô hình thu nhỏ, ... Thế mà 4 đốt hầm vượt sông Saigon sang Thủ Thiên bị … nứt thê thảm !

Hóa chất tràn lan. Vụ án chất độc màu da cam còn có Mỹ để kiện, chất độc từ việc khai thác quặng này kiện ai ? Cứ xem vụ án Vedan thì biết người dân sẽ kiện được ai ? Nửa năm trôi qua của vấn đề, hàng chục năm đí qua trong thiệt hại, các chủ nhân ông vẫn sống nhởn nhơ, vẫn tiếp tục sản xuất, vẫn tắm bia tắm rượu. Cả một guồng máy công quyền hùng mạnh bách chiến bách thắng đứng cãi nhau, báo chí càng la to, sức ì càng lớn, rồi đây khi “cứt trâu hóa bùn”, nhặt vài anh “to miệng”ra tòa là xong mọi chuyện ! Đất nước này, người dân này oằn mình chịu khổ đau.

Một bộ phận rất lớn người anh em miền núi làm nên dân tộc Việt Nam, cuộc sống của những bộ tộc này gắn liền với núi rừng, rừng là nhà để sống, âm thanh của rừng là tiếng nhạc cồng chiêng. Ba mươi năm trước, cuộc di dân ồ ạt lên tây nguyên, biết bao nhiêu hecta rừng đã bị đốn sạch, rừng cạn kiệt, thú rừng cạn kiệt, người anh em miền núi thoi thóp sống, lẻ tẻ một vài thú rừng còn sót lại điên cuồng phá phách để chết, bài học đó vẫn còn sờ sờ trước mắt, nhưng người ta nhắm mắt lại để tận diệt rừng, hóa ra rừng như là “kẻ thù”của họ vậy ! Tội nghiệp rừng, rừng vẫn từng che chở nuôi sống họ, bây giờ họ tự sống được rồi, rừng không còn cần nữa.

Chúng ta đọc được trong học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo các hướng dẫn sau đây có liên quan đến nỗi đau mà chúng ta đang gánh chịu ( sách Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Bác ái Xã hội, Nhà xuất bản Tôn giáo, xuất bản quí 4 năm 2007, sách có bán tại các nhà sách công giáo ).

( 470 ) Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới “nhu cầu tôn trọng sự tòan vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên”, vì các tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được. …

( 471 ) Mối quan hệ của những dân bản địa với đất đai của họ và tài nguyên là một điều rất đáng chú ý, vì đó là cách biểu hiệu cốt yếu nhất bản sắc của họ. Vì những nguồn lợi lớn lao về công – nông nghiệp hay vì tiến trình đồng hóa và đô thị hóa quá cao, nên nhiều người trong số các dân tộc này đã đành để mất hay liều mất đất đai mà họ đang sống trên đó, những mảnh đất đã từng gắn chặt với ý nghĩa cuộc đời họ. Quyền lợi của các dân bản địa cần phải được bảo vệ một cách thích đáng. Các dân tộc này cho ta một điển hình về đời sống hài hòa với môi trường mà họ đã rất quen thuộc và đã bảo tồn bấy lâu nay. Kinh nghiệm đặc biệt của họ, vốn là nguồn di sản tinh thần không thể thay thế được cho toàn thể nhan loại, đang có nguy cơ bị đánh mất cùng với môi trường đã khai sinh ra họ.

Không phải Giáo Hội không có lập trường của mình về các vấn đề xã hội, đặc biệt là môi trường trong tương quan với con người. Bây giờ phải làm sao ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Mùa Chay 2009

Wednesday, 4 March 2009

Duc In Altum Số 65 – Quý 1/2009

ĐÂU LÀ Ý CHÚA?

Lm Joe MaiVăn Thịnh

Cứ mỗi độ xuân về, chúng ta thường gửi tặng nhau nhiều lời chúc, những nào: khỏe mạnh, sống lâu, phát tài, thành công, vạn sự như ý. Thật chí lý, khi nghe những lời chúc rền như pháo nổ. Nổ quá, khiến lòng tôi thấy ngậm ngùi, buồn bã và tự suy nghĩ: không biết họ có thật sự cầu mong điều tốt đẹp đó xẩy ra cho nhau không? Thôi thì, chúng mình cứ tin vào lòng thành của nhau. Ai ai cũng mong những điều may mắn xẩy ra cho mình, bạn bè và thân nhân. Nhưng thật ra, cuộc đời sẽ tốt hơn nếu ta biết nắm tay nhau cùng thực hiện để cho biến những lời cầu chúc thành hiện thực. Ước mong thay.

Bản thân tôi trong dịp đầu năm Kỷ Sửu, cũng đã nhận được nhiều lời chúc từ anh chị em, các nơi. Mỗi người chúc một vẻ. Nhưng tựu trung, tôi cảm nhận được sự quí mến, quan tâm và lo lắng của anh chị em. Họ muốn tôi sống tốt hơn. Họ muốn tôi trung thành với sứ mạng. Sống đoan trang, ngay thẳng và đừng quay đầu lại tìm nơi nuơng tựa, mà làm gì.

Đấy, lời cầu chúc nào bao giờ cũng kèm theo nhiều điều kiện. Nhưng cầu chúc, không phải là món quà cho không/biếu không. “Cầu cho cha được khỏe mạnh, khôn ngoan để phục vụ chúng con”. Cuối cùng thì, “phục vụ chúng con” mới là điều chính. Giả như, không phục vụ anh chị em, mà lại đi phục vụ bản thân mình hay chỉ phục vụ một cá nhân nào đó, thì sao?

Câu trả lời đã có sẵn trong lòng của chúng ta!

Trong vài năm gần đây. Lòng tôi đau xót, tâm trí hoang mang và nhiều lúc cảm thấy hụt hẫng trước quyết định/chọn lựa của các người anh người em cùng tôi gánh vác giang san, Giáo hội. Tôi vẫn tìm lý do để bào chũa, thanh minh, rồi thông cảm cho quyết định nào đó. Nhưng, dù câu trả lời có thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy niềm chua cay/đau xót hiện diện.

Từ thao thức nói trên, tôi bèn tự hỏi: ‘đâu là ý Chúa?’ để tôi, để anh, để chị sống trung tín?

Ngày xưa, khi còn chập chững tìm kiếm hướng đi cho cuộc sống, cụm từ ‘ý Chúa’ được lập đi lập lại, không biết bao nhiêu lần. Và, tôi cũng như các bạn trẻ khác, vẫn cứ quay cuồng bởi ‘cụm từ’ đó. Cứ bị chiìm ngập, bởi những hướng dẫn của ‘các đấng bậc’ có kinh nghiệm trong tìm kiếm và khám phá ra ý của Chúa cho người khàc. Lại còn ghê gớm hơn khi quí vị này ngồi ở vị trí thẩm sát và quyết định tuơng lai cho các dự tập/thỉnh sinh/tập sinh hay chủng sinh, như chúng tôi.

Nói gì thì nói, bàn gì cứ bàn. Cuối cùng thì ‘ý Chúa’ vẫn thắng.

Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ‘ý Chúa ở đâu’ thì vẫn cứ là màn sương mù với những giải thích rất ư trừu tượng. Tối nghĩa. Chúng ta thường cho rằng, ‘ý Chúa’ là lời mời gọi dành riêng cho những ai sống đời tận hiến trong cuộc sống tu trì. (Họ làm như người sống trong bậc đôi bạn không được Chúa gọi để sống tận hiến cho Chúa qua hy sinh và trao ban tình yêu cho nhau và cho tha nhân)

Vậy, đâu là mời gọi? Và đâu là cách đáp trả?

Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, con người đã gặp những khó khăn này. Từ lầm lẫn này đến ngộ nhận khác, con người khó lòng phân biệt đâu là tiếng nói của Chúa. Và đến khi nhận ra được, lại lẩn tránh để khỏi giáp mặt Chúa (St 3:8tt).

Mấy tuần trước đây, chúng ta được nghe lại trình thuật kể về việc Chúa kêu gọi Samuel (1 Sam 3: 1-19). Nhờ thầy mình là ông Ê-Li mà Samuel nhận ra ý Chúa.

Rồi, trên đường tìm kiếm hài nhi Giê-su của 3 nhà chiêm tinh (mà ta hay gọi là 3 vua). Các ông được đưa đường chỉ lối không chỉ bằng ánh sao lạ; mà còn qua miệng của Vua Hê-rô-đê: người đã toan tính hãm hại Chúa. Chúa hay thật, Ngài dùng cả người dự tính hãm hại Con của Ngài để dẫn lối chỉ đường cho người khác!

Có trăm phương nghìn cách Chúa dùng để nói với con người. Mỗi người, là cá thể riêng biệt. Và, có bao nhiêu cá thể thì có bấy nhiêu cách thức qua đó Chúa không ngừng sử dụng để tiếp cận với ta. Và, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu vì sao, Thiên Chúa vẫn sử dụng để soi dẫn mở đường cho ta nhận biết và vâng nghe tiếng Ngài.

Cách thức của Chúa thật diệu kỳ và khó hiểu. Có nhiều trường hợp, con người phải kinh qua đau khổ, mất mát và đổ vỡ, mới nhận ra tiếng Chúa. Như trường hợp hai anh em mà chúng ta vền nghe trong Tin Mừng thánh Luca. Người con thứ, trải qua trăm cay nghìn đắng mới nhận ra ý Chúa. Còn ông con cả, thì thế nào? Anh chưa bao giờ làm trái lịnh cha. Anh sống trong khuôn mẫu, kích thước của chính anh. Cuộc sống của anh quá êm đềm. Êm, đến độ anh cũng chẳng cần biết người khác nghĩ gì về anh. Và, chẳng thèm nghĩ đến nhu cầu của người khác. Phải chăng anh chỉ là ‘một xác chết biết đi’? Nhưng, mọi sự đổi khác, khi em của anh trở về. Quả thật, anh không có trách nhiệm gì về sự sai lầm của em mình. Nhưng, bằng vào sụp đỗ của người em, Thiên Chúa đã dùng để đánh thức người anh!

Nếu muốn sống đích thật tương quan cha-con, anh cần chọn một lối đi mới. Một lối đi, khác hẳn lối đi cũ. Lối đi, không bị bao bọc bởi giáo điều và kinh kệ. Nhưng, phát xuất từ dây liên kết giữa anh và Cha.

Phần ta cũng thế. Chuyện chúng ta cần bàn ở đây, không là chọn lựa bậc sống này và coi thường lối sống kia. Nhưng, đâu là động cơ thúc đẩy cho việc chọn lựa lối sống của mình. Điều này rất quan trọng. Thiếu nó, mọi việc ta làm chẳng còn giá trị. Thiếu nó, cuộc sống của ta cũng chỉ là thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Đó là điều, mà thánh Phao-Lô nhận lãnh. Và Ngài muốn truyền lại cho ta bí quyết căn bản và quan trọng đó: “Giả như tôi có nói được thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như, tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như, tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cor.13:1-13)

Như vậy, muốn khám phá ra ý định của Chúa, ta cần sống mât thiết với Ngài. Chính trong sự kết hợp của tình yêu này, ta sẽ được giải thoát để sống với điều đôi khi không giống kỳ vọng của đám đông. Nhưng, chắc hẳn một điều, là: quyết định hay chọn lựa phát sinh từ lòng yêu mến của ta với Chúa và dĩ nhiên điều đó rất phù hợp với ý Chúa, Đấng không ngừng yêu mến, họat động và cùng ta dấn bước. Và nếu ta cưỡng lại thì những lời Chúa đã phán cho Phê-rô khi xưa cũng là những điều Ngài sẽ nói với chúng ta: “Xa tan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của lòai người.” (Mc8: 33b)

Vì thế, mọi chọn lựa sống theo ý Chúa đều đòi buộc lòng can đảm, vị tha và trên hết mọi sự là lòng yêu mến của ta với lối sống đó.

Để kết luận, xin gửi đến anh chị em tâm tình của vị bề trên, một người thầy, người anh và cũng là người bạn đã chọn lựa lối sống mới, qua đó anh có thể phục vụ và yêu mến Hội Thánh hữu hiệu hơn:

“Giờ đây, tôi đứng đây không phải là để lên lời biện minh cũng như suốt 25 năm qua tôi vẫn không hề có lời biện minh, kể cả từ những quan điểm … thần học! Tôi lại chỉ xin thưa với quý cha và anh chị em có mỗi một điều : 25 năm qua, hoàn cảnh riêng cũng như chung ai cũng biết là phức tạp hơn, nhưng số đêm mất ngủ của tôi đếm có nhiều hơn 5 đầu ngón tay thì cũng không quá 10 đầu ngón tay. Tương tự như người ta hiếm khi thấy tôi trong một bộ đồ veston như hôm nay, đơn giản chỉ vì suốt 25 năm, số lần tôi ăn mặc chỉnh tề như thế này cũng chỉ đếm được không quá 5 hay 10 đầu ngón tay. Cho nên bộ cánh này mới vẫn là chính bộ cánh đã may sắm để mặc hôm lễ cưới 25 năm trước. Tạ ơn Chúa.

…………….

Cảm tạ Chúa, cảm tạ Hội Thánh như thế đó cũng là làm chứng rằng Hội Thánh Chúa Kitô là môi trường, là không gian tự do nhất, tự do tuyệt vời mà tôi đã được sống. Tạ ơn Chúa, tạ ơn Hội Thánh, tạ ơn Hội Thánh đặc biệt là quý cha và bạn bè anh em có mặt trong Thánh lễ này vì đã luôn cho tôi được biết thế nào là sự tự do của con cái Thiên Chúa. Và cũng xin tạ ơn bạn bè anh em xa gần, có mặt hay không có mặt vì tôi có làm được gì thì đã luôn vì được bạn bè anh em cùng làm. Cùng làm cách này hay cách khác nhưng đều là cùng làm với sự tự do của con cái Thiên Chúa. (Trích trong bài phát biểu của anh Nguyễn ngọc Lan, nhân dịp kỷ niệm lễ bạc thành hôn của anh chị Ngọc Lan và Thanh Vân 30.10.2001.

Lm Joe Mai Văn Thịnh

Tình thân thương ngày Tết

Hà Nội, 6/2/2009

Kính gửi Bác,

“Tiếng kêu cứu” của Bác trên GiaĐình Anphong Group Mail “thảm thiết” quá, khiến nhiều người động lòng, nên trong những ngày qua, trang này sôi động hẳn lên. Nhiều người vội vã hồi âm góp sức để báo DIA có đủ bài. Chắc số báo này sẽ phong phú lắm đây, vì có nhiều tác giả tham gia; và chủ đề sẽ rộng rãi hơn.

Con nghĩ, sự đáp ứng của mọi người cho báo này cũng là nét độc đáo của số DIA đầu tiên trong năm Kỷ Sửu. Đó là tinh thần tương thân tương ái, rất dễ thương và xúc động của AnphongGroup được biểu lộ trong hoàn cảnh “nguy cấp”; đó cũng là dấu chỉ của sự hiệp thông, sẵn lòng chia sẻ gánh nặng cho nhau, mà điều này thì thật cần thiết và quý báu trong cuộc sống. vốn đầy dẫy những “trở ngại bất ngờ”. Nó cũng cho thấy DIA lâu nay được nhiều người quan tâm ưu ái, tìm đọc và xây dựng nó.

Nhân sự kiện này, con kể cho Bác nghe những chuyện mục vụ đầu năm con tham gia, cũng có những điều dễ thương và ấm áp, đầy ắp tình người như thế.

Đêm giao thừa, sau thánh lễ tất niên trọng thể, Cha Bề Trên Mátthêu Phụng cho mấy anh em con cùng bà con giáo dân đi đến các khu ổ chuột, các gầm cầu để chia sẻ với những người cơ nhỡ, những người vô gia cư. Đây là công việc bà con vẫn thường làm, nhất là trong những dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết Nguyên đán..

Lần đầu ăn tết ở Hà Nội, con được theo các cha và bà con giáo dân đi chia sẻ với những người nghèo. Năm nay, tại các điểm như bến xe, gầm cầu, công viên.. nơi những người vô gia cư vẫn trú ngụ, trở nên vắng lặng. Không biết họ bị gom đưa hết về chỗ nào. Nghe đâu, Thành phố chủ trương làm đẹp phố phường trong những dịp lễ lớn, nên gom đưa về một nơi nào đó, vùng ngoại ô. Mấy tiếng rong ruổi đến các điểm, trong cái rét buốt và mưa rơi nặng hạt của đêm giao thừa, đây đó vẫn có những bóng người lầm lũi lượt lặt nilông, lon bia, hộp nhựa. “Sao giờ này bà chưa về đón giao thừa?”. “Phải tranh thủ ạ. Kiếm thêm một chút mấy anh chị ơi”,Tụi cháu chia sẻ một chút nhân dịp năm mới.” “À có một người cũng nghèo lắm đang ở gần đây, không biết bây giờ đi đâu rồi. Để tôi dẫn các anh chị đi tìm.” Bà bỏ công việc dở dang, dẫn anh chị em đi tìm người nghèo kia. Khi chia tay, nhìn ánh mắt vui tươi trên khuôn mặt run lập cập vì lạnh của bà cụ, anh chị em chúng con cũng cảm thấy ấm áp giữa cái rét cắt da. Thế đấy. Lòng người thật lớn. Dù mình đang phải chịu cảnh cùng cực là thế mà vẫn nghĩ đến người khác!

Ngày mồng ba Tết, con cùng một người nữa đi thăm một bệnh nhân nhỏ tuổi, đang nằm điều trị ở bệnh viện K2. Bệnh nhân này, con biết qua một người ở tận bên Mỹ. Em bé gái ba tuổi bị khối u hành hạ. Gia đình nghèo quê ở miền Trung. Sau khi đưa bé đi khám, bác sĩ quyết định phải mổ may ra mới cứu sống được. Nghe quyết định của bác sĩ, người cha nuốt nước mắt ôm con ra xe để trở về quê, vì biết chắc với hoàn cảnh gia đình của mình, ông không đủ điều kiện để mổ cho con. Đành đưa con về chờ chết thôi. Cũng may, có người biết chuyện liền đưa tin này lên mạng www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/12/3BA09B15/.

Sau đó, nhiều người ở các nơi cảm thương hoàn cảnh thương tâm, đã gửi tiền giúp người cha đưa con trở lại bệnh viện để mổ. Ngày con vào thăm, em bé đã được mổ rồi, đang nằm hồi phục trong những ngày hậu phẫu. Tết năm nay, cha con anh phải ăn tết xa nhà. Đi vào bệnh viện, khu khoa nhi rộng mênh mông, chỉ có hai cha con thui thủi, trông thật buồn và tội nghiệp. Người cha tâm sự: “Cha con em ở đây, tuy buồn nhưng cũng được an ủi nhiều vì ai cũng thương hết. Từ bác bảo vệ bệnh viện, những người trông xe, cho đến cô ý tá trực … Người thì đến chia sẻ cái bánh chưng, người thì giúp xách giùm thùng nước, cô y tá cho mượn nồi cơm điện và chỉ cách nấu ăn cho…”. Hoá ra, trong cái buồn vẫn thấy loé lên những nét vui. Trong cái rủi có cái may, giữa những gập ghềnh của đường đời, vẫn có đấy những bàn tay chìa ra để đưa bước. Thật xúc động và bồi hồi khi nhìn bé Hà đang rất yếu, nằm thiêm thiếp trên giường, nhìn người bố trông hom hem, gầy rọp sau những tháng ngày túc trực nuôi con chữa bệnh. Nhưng qua những lời anh tâm sự, vẫn nhận ra được niềm hy vọng và sự lạc quan vào một tương lai sáng sủa, bởi tình thương thân tương ái của con người với nhau, vẫn còn nhiều lắm. Gia đình anh đang êm ấm giữa những tâm lòng nhân ái đó.

Sáng nay, chuông điện thoại reo đánh thức con lúc hai giờ sáng. Lại điện thoại từ bên Mỹ. Người bạn nói chuyện với con về một em bé khác cô vừa đọc được trên mạng www.dantri.com.vn/c20/s20-306656/chuyen-dau-long-ve-be-gai-5-tuoi-bi-yeu-rau-xanh-ham-hai.htm. Bé mới năm tuổi, mà đã trở thành nạn nhân của một “con yêu râu xanh”. Cô vừa nói vừa khóc sụt sùi vì cảm thương cho bé gái tội nghiệp. Cô nhờ con cầm một chút quà đến để chia sẻ với gia đình này tại bệnh viện Việt – Đức, mong một chút góp phần giúp gia đình vượt qua nỗi khó khăn.

Nói chuyện với cô xong, lướt qua những thông tin trên mạng, con vội viết những tâm tình đầu năm gửi đến Bác.

Bác ơi, vậy là năm nay con ăn tết có mấy niềm vui nho nhỏ, nhưng lại có nhiều bài học lớn từ những người không quen biết, hay những người ở rất xa …

Mong cho DIA tiếp tục đứng vững và lớn mạnh. Cho tình nhân loại ngày càng triển nở trong cuộc sống hằng ngày. _______JB Hồ Quang Lâm, CssR Hà Nội.

Phóng sự

ngày họp mặt

Maria Cathy ghi nhanh

Xuân đã về, Xuân đã về! Xuân về với Gia đình An Phong Sydney, Úc Châu.

Cũng như mọi năm, Gia đinh An Phong Sydney lại có dịp gặp nhau để cùng dâng thánh lễ tạ ơn và hái lộc đầu xuân giúp một số địa điểm truyền giáo ở quê nhà.

Năm nay Gia đình An Phong mừng Tết Kỷ Sửu vào ngày 1/2/09 tức ngày mồng 7 âm lịch, cũng tại nhà anh chị Tá như các năm gần đây, vì anh chị là người đã nhanh nhẹn giơ tay xin đăng cai tổ chức, trước mọi người.

Năm nay đặc biệt vì ảnh hưởng của ‘hâm nóng địa cầu’ nên xứ Úc và nhất là Sydney vừa chịu các trận nóng kinh khủng, có những ngày lên đến 42 độ C và theo dự đoán thời tiết thì ngày 1/2/09 sẽ còn nóng hơn nữa. Thành thử, nhà chủ đăng cai cứ lo quýnh cả lên, kêu gọi bà con cho mượn lều bạt, kẻo bà con anh em bị cháy da thì khổ! Thế là anh em mau mắn đem dù/lều tiếp tế thành ra sân nhà anh chị Tá đếm được 2 cái ‘tăng’ và 2 dù che nóng.

Trước khi bắt đầu lễ, anh Vũ Nhuận, cũng là MC ‘nhà ’ (chỗ nào có anh là nổi đình nổi đám ngay!). Anh mời ca đoàn tập hát 5 phút mà anh gọi là “ca đoàn chỉ hát một năm hai lần”, vào dịp lễ Thánh Anphonsô và Tết. Anh cũng giới thiệu sơ qua các khuôn mặt đặc biệt mới tham dự. Ngoài những khuôn mặt thân quen, năm nay có hai bác Thiện, đến từ Adelaide do cậu con trai đưa đến, trông bác Thiện khỏe mạnh, vui tươi. Trong số khách mới dự thì có anh Hương Nam và cụ bà Nguyễn Thị Tê, bà nội của tay hề Anh Đỗ, và con cháu.

Cũng ghi nhận thêm, là Thánh lễ năm nay được tổ chức trong nhà khá mát và ghế được xếp theo hình thức ngồi vòng tròn quanh bàn tiệc với ý nghĩa dự tiệc thánh, tiệc Lòng Mến tạo thêm tình thân thương. Linh mục chủ tế vẫn là Lm Mai Văn Thịnh, người từ miệt dưới Melbourne bay lên. Cha Thịnh dù bận rộn, vẫn thu xếp luôn có mặt bên anh em, nên gia đình An Phong vẫn gọi là linh mục ‘gà nhà’. Thánh lễ được cử hành trong tình thân mật và nguyện cầu cho mỗi người được gặp gỡ Đức Ki tô qua người anh em gần gũi với mình. Trong thánh lễ, các anh chị cũng đã thêm lời cầu nguyện cho cố linh mục Phạm Văn Nhượng, anh ruột của anh Chương, vừa qua đời.

Sau thánh lễ là phần chúc Tết và cám ơn bà con anh chị em do Chi Hội trưởng Nguyễn Duy Lâm, đứng lên thực hiện chức vụ. Sau đó, là phần tin tức do anh Tá thông báo. Trong phần này, có tin là bác Trần Ngọc Liên sắp mổ tim, không đến được. Bác Trần Tứ Cảnh cũng vừa đi bệnh việc, tái khám và các anh em, thân hữu vẫn hỗ trợ dù không đến được. Thường thì anh Tá hay ‘tung’ một vài tin vịt cồ, nhưng có lẽ năm nay trời nóng quá nên anh không dám chăng? Cũng thông tin về dự tính buổi gây quỹ sắp tới cho dân tộc J’rai, vùng Tây Nguyên- Việt Nam-nơi Lm Trần Sĩ Tín, DCCT phục vụ 40 năm nay.

Xong phần nghi thức, là phần vui chơi ăn uống. Thức ăn do tất cả các anh chị đem đến để mọi người cùng chia sẻ, nếm vui, cùng vui.

Kế đến, là phần hái lộc đầu xuân, được nhanh chóng tổ chức vì các cháu nhỏ nóng ruột khi thấy từng bao và từng bao quà nặng trĩu được đem ra, để sẵn trên bàn. Trước khi bán vé hái lộc, anh Vũ Nhuận cũng cho biết là tiền thu được năm nay sẽ gửi về giúp Lm Lê Quang Uy giúp người cần thiết ở quê nhà. Sau đó các vị lớn tuổi được mời ra ngồi để các cháu nhỏ đến chúc tuổi. Năm nay các vị trưởng thượng, gồm có: cụ bà Đàm Quang Tính, thân mẫu anh chị Tá, cụ bà Nguyễn Thị Tê, ân nhân/thân hữu mới và hai bác Nguyễn Văn Thiện.

Như mọi năm mỗi gia đình đem đến 5 gói quà để hái lộc, nên chương trình hái lộc xem ra cũng xôm tụ lắm, dù chủ nhà có nói là năm nay về hưu, nên không mua được nhiều đồ ‘on sale’ làm quà cho các cháu được như các năm trước. Thay vào đó, anh Tá tặng sách “Chuyện Phiếm Đạo Đời số II” nóng hổi, vừa mới lấy về.

Chen vào giữa mục ‘hái lộc đầu xuân’ là màn đấu giá. Mấy năm nay, dù các ‘đại gia’ không xuất hiện rộn rã như hồi đó, nhưng bà con cũng đã sôi nổi trả giá để đấu, trước là mua vui, sau làm việc nghĩa.

Sau đó, anh chị em còn ngồi lại nói chuyện đến tối mới về; và mọi người hẹn sẽ lại gặp nhau vào dịp gây quỹ giúp đồng bào J’rai tại nhà hàng Crystal Palace, Sydney ngày 20/3/09 tới đây.

Maria Cathy ghi nhanh

Góp nhặt sỏi đá

1 tháng 2 năm nay, là ngày anh em Gia đình An Phong chi hội Sydney họp mặt mừng.

Họp mặt năm nay, có Tiệc thánh thể ngồi theo bàn tròn, có lời nguyện tự phát, có “hái lộc đầu xuân”, đấu giá, liên hoan đầy đủ cả. Kết quả sỏi đá góp nhặt nay tặng Trung Tâm Mục Vụ Dòng ở Sàigòn, đếm được như sau:

Quà Tặng hiện kim:

Cụ Đàm Quang Tính (bà gia anh Tá) $100

Bà nguyễn Văn Kim $50

Anh chị Lê Văn Lệ $120

Anh chị Nguyễn Hồng Tân-Loan $100

Anh chị Nguyễn Văn Dũng-Phụng $150

Trần Đàm Thiên Ân-Thư $100

Lê Văn Thụ Nhân-Phượng $50

Bác Lâm Tiến Hải $200

Anh chị Mai Thành Hải $100

Hái Lộc Đầu Xuân: $365

Đấu giá:

Chai Hennessy XO (Loan-Dũng) $120

Lò nướng bánh (A/c Minh Tâm) $70

Rượu Mùi (thân hữu Hương Nam) $70

Rượu Ballantines (A/c Dũng-Phụng) $100

Tiền tặng từ các cháu:

Sơn, Isabelle, Anna $100

Anthony Trần $500

Ẩn danh: $70

Tổng cộng: _______ $2365

Tiền/quà nói trên, đã được chuyển đến Lm Lê Quang Uy, có đôi hàng hồi âm như sau:

Kính thăm các anh chị trong GĐAP Sydney,

Em vừa nhận được $2365AUD, tỷ giá=hơn 26.000.000VNĐ nữa để mua 40 chiếc xe đạp cho 40 gia đình nghèo có con em có học sinh ở Sóc Trăng. Thứ Bẩy/Chúa Nhật này em và nhóm FIAT về Sóc Trăng lo vụ này cùng cha Tống Văn Nam. Xong xuôi, em sẽ tường thuật/báo cáo và gửi ảnh chụp kèm theo.

Em xin biết ơn,

Lm Lê Quang Uy

Trung Tâm Mục Dòng Chúa Cứu Thế

38, Kỳ Đồng P.9, Q.3

Sàigòn

Đt: 08.39.319.835

Email: ttmvcssr@gmail.com

Như giòng suối

không ngừng chảy

Mễ Duy

Sự sống tự nó đã là nghệ thuật, nhưng khi tôi dùng mấy chữ nghệ thuật sống là muốn nói đến cái phần việc của con người. Mộng đã có sẵn trong trời đất, nhưng để mộng thành thực tại, con người phải tìm tòi và đón nhận khôn ngoan. « Mộng » nói ở đây là cái mộng sống vui từng ngày, giờ, khắc, nếu có thể được. Hẳn nhiên cần phải có được một số điều kiện bên ngoài, nhưng quan trọng nhất là thái độ sống. Nói cách khác, vun trồng nghệ thuật sống, theo tôi, chính là làm việc để cải thiện nếp sống bên ngoài và cải tiến sự sống tâm thần. Nghệ thuật sống ở đây , không liên quan gì mấy với các ý niệm như thú ăn chơi, học làm sang, bầu rượu túi thơ, trà dư tửu hậu…

Mỗi lần xem truyền hình về cuộc sống của dã thú, tôi không khỏi ngạc nhiên là cọp beo , sư tử…cũng có những giờ giấc « thư giãn », đùa nghịch phè phỡn, chứ không phải lúc nào cũng cực nhọc kiếm ăn. Nhưng chỉ sau khi no nê mới có thể phè phỡn. No nê phè phỡn cho tôi hình ảnh về « hạnh phúc »của chúng. Đối với loài người chúng ta cũng thế, bước đầu của hạnh phúc là được ăn uống đầy đủ, sau đó đến tắm rửa, ăn vận, nhà cửa, xe cộ vv…Nếu rơi vào cảnh túng quẫn, thì xin miễn bàn đến nghệ thuật này nghệ thuật kia, văn hoá này văn hoá nọ.

Hiện nay trên thế giới có hơn một tỷ người thiếu nước uống. Hàng trăm ngàn trẻ em nhìn vào chỉ thấy xương là xương, chờ tử thần viếng thăm dắt đi, ở đó mà nói chuyện đồ chơi hay chạy nhảy hay giáo dục. Những lúc thấy mình đủ ăn, đủ mặc, đủ ở, đủ chạy (xe), được khoẻ khoắn trong cơ thể, tôi không khỏi sung sướng và hổ thẹn, và chỉ biết cám ơn Thượng Đế đã không để tôi chịu thử thách quá mức như vậy. Mặt khác tôi cũng chẳng hiểu tại sao trong các xã hội kinh tế phát triển, mức sống cao, người dân không thiếu ăn thiếu mặc mà hình như hạnh phúc vẫn là điều hiếm hoi.

Ăn uống thì có thể là hấp dẫn, bàn về món này món kia cũng có thể là hấp dẫn, còn bàn về vấn đề ăn uống thì lại là một đề tài nhàm chán. Nhưng kinh nghiệm bản thân cho tôi biết ăn uống là nền móng cho hạnh phúc đời này. Trong quá khứ, hai vợ chồng tôi có chứng kiện một trường hợp như sau. Bà T. đã đứng tuổi, bị áp lực động mạch huyết áp cao, bác sĩ dặn không được ăn mặn. Nhưng cái món cá kho, chắc cũng cũng hợp khẩu vị cậu con trai mà bà chăm sóc, đã lôi kéo bà hơn là lời dặn của bác sĩ . Bẵng đi mấy tháng, một bữa chúng tôi đến chơi nhà người con gái cả của bà, và đã gặp lại bà thay đổi quá nhiều ! Bà nay đã thành một cơ thể tàn phế, ngồi xe lăn, một thắt lưng cột bà vào ghế kẻo bà té nhào về phía trước, lặng thinh như người câm.

Bệnh tật trên đời này chẳng ai muốn, chẳng ai nói hay được, nhưng bổn phận của những kẻ đã được sinh ra đời là làm mọi cách để bảo tồn sự sống, và làm mọi cách để sống vui, vui thật. Từ nhỏ tôi là một người mang bao thứ bệnh trong cơ thể ; uống thuốc, đi bác sĩ, chụp hình x-quang, nằm nhà thương, đều vô ích. Sau 75, tôi đến Pháp tị nạn chính trị. Làm bồi chạy bàn, làm thợ trong hãng chế tạo xe hơi, sau đó học kế toán và làm việc trong một hãng tư. Nhưng chẳng bao lâu những triệu chứng kinh niên như nhức xương sống, nhức chân, sình bụng trở nên trầm trọng, quá mức chịu nổi. Triệu chứng thì thấy đó, nhưng bệnh gì thì chẳng có tên, các bác sĩ cũng chỉ cho thuốc vớ vẩn, uống vào chẳng ăn thua gì. Bệnh nhân tôi chết dở sống dở. Thất vọng, muốn liều mà không biết làm gì, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách về dinh dưỡng trong đó có nói là ăn muối rất tai hại cho sức khoẻ. Tôi áp dụng ngay, không dùng muối, tức ăn lạt. Chỉ hai ba ngày sau, hai chân tôi trở nên nhẹ nhõm hơn xưa, không còn nặng chình chình và nhức mỏi như trước kia. Sự cải tiến nhỏ mọn nhưng rõ nét này đem lại cho tôi tia ánh sáng của hy vọng. Tôi tiếp tục đọc sách và hiểu được chân lý : bệnh là do cơ thể đã tích trữ quá nhiều những chất độc hại bên trong. Khi cơ thể không đào thải kịp các chất độc ứ đọng trong mình thì sự sống bộc phát dưới hình thức bệnh, nó không còn êm đềm nữa . Sau đó, tôi đọc một cuốn sách về nhịn ăn (để tẩy các chất độc trong người). Tôi đem áp dụng ngay, mười ngày không ăn không uống, tưởng chết nhưng sau đó từ từ bình phục . Kể từ đó tôi áp dụng những gì lãnh hội được trong lãnh vực dinh dưỡng. Ngày nay tôi đã trên 60, không khoẻ như lực sĩ, nhưng ngay đến cảm cúm cũng không bị. Chính vì từ nhỏ đã bị bệnh tật hành hạ khốc liệt mà tôi đã thành «can đảm», ví dụ như không còn thèm món ăn vật lạ, khi ăn chỉ lo sức khoẻ thay vì tìm khoái khẩu.

Tôi nghĩ rằng trong cách tu thân tích đức như thấy được trong đạo Phật , người ta có một cái nhìn không toàn bộ về thế nào là người, thế nào là tu đức, họ không xem thường việc dinh dưỡng, tập luyện cho cơ thể dẻo dai, và như thế thật hay vì sự thực không thể phân tán bản chất người thành nhiều bản chất riêng biệt, như xác hồn. Bao lâu tim còn đập, phổi còn thở thì xác hồn là một, hợp nhất mật thiết với nhau. Một điều gì mà tốt cho xác thì cùng lúc cũng tốt cho hồn, và ngược lại. Đấng Cứu Thế đã phán rằng ngày xét xử ai nấy cũng sẽ bị xét xử về việc có chia sẽ vật chất, niềm vui, hạnh phúc cho những người đang khổ vì thiếu lương thực, áo mặc, thiếu sức khoẻ, thiếu tình người không, có tham gia vào việc làm cho cuộc sống đồng loại thêm thoải mái hạnh phúc không. Tuy sứ mệnh của Ngài là rao giảng Thiên Chúa Tình Yêu, hoặc đúng hơn chính vì sứ mệnh đó mà trong suốt ba năm sứ vụ, Ngài đã không bao giờ từ chối trị bệnh cho bất cứ ai, miễn là người bệnh phải muốn được lành và tin vào quyền năng của Ngài. Đấng Cứu Thế rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chữa bệnh, như thế theo Ngài dạy chỉ có hai điều thật quan trọng trên đời này, thứ nhất là biết Thiên Chúa , thứ hai là lo sức khoẻ, cho chính mình, cho người khác, nhằm bảo vệ và phát triển sự sống .

***

Để con người có khả năng tạo cho mình một cuộc sống thoải mái về mọi mặt, Thượng Đế đã ban cho họ tài năng và lòng yêu chuộng làm việc. Làm việc là thú vui chính yếu của bản tính người. Hồi nhỏ ở quê, tôi thấy tất cả những gì liên quan đến việc làm đồng áng đều vui. Tuy chân lấm tay bùn nhưng đã có thơ, có nhạc, có nhịp điệu, nhịp điệu cho cơ thể (“gánh thóc, gánh thóc về...”), cho thời gian (“tháng giêng là tháng ăn chơi...”), cho không gian (sân rộng lớn để phơi thóc...), cho văn hoá xã hội (hội hè, đình đám), cho vũ trụ (người nông dân am hiểu thời tiết, giỏi về khí tượng).

Ngày nay việc làm không còn tổng hợp như xưa, nhưng đã trở nên chuyên biệt. Có đến hàng ngàn việc làm khác nhau. Người ta vui nghề hay khổ việc, đến mức độ nào, khó mà nói . Nhưng dẫu việc làm có ra sao đi nữa, ở hoàn cảnh nào đi nữa, một người vẫn có thể tự do lựa chọn thái độ của mình đối với công việc đó (chẳng hạn chấp nhận thay vì miễn cưỡng). Nhìn được ý nghĩa công việc mình làm chính là sống có ý nghĩa, chính là yêu sự sống. Có những người bị khổ sai, nhưng vẫn hăng say cho đến ngày được phóng thích vì mong đợi ngày về gặp lại những ngưòi thân yêu. Lại có những người có việc làm nhàn hạ, nhưng lại chán việc, chán đời. Làm việc với hết lương tâm, tận lực biến việc làm thành dễ chịu, gần như thích thú. Một ông bố có thể thuận lòng làm một việc làm nặng nhọc, không thích hợp với sở trường của mình, trên xứ người, để có tiền gửi về nuôi gia đình, cho con cái ăn học.

Đó là chiều hướng tâm linh, tạo cho con người sức mạnh chấp nhận những cơ cực trong việc làm, nhưng không nên vì thế mà khinh chê chiều hướng tâm lý đối với việc làm. Vì đây cũng là một điều phải làm, một bổn phận, để tạo hạnh phúc cho mình và cho xã hội. Đúng thế ai ai cũng cần được và nếu cần thì đấu tranh để được tự do lựa chọn làm nghề thích hợp với cá tính, khả năng, xu hướng, sở trường của mình. Trường hợp sau đây cho chúng ta thấy tự do lựa chọn này quả là một bổn phận đối với mình và với nhân loại, chứ không phải là một việc tùy ý. Hitler vốn là một người họa sĩ có tài, nhưng khi thi vào hàm lâm viện nghệ thuật ông ta lại không được chọn, nên đã nhảy vào chính trường, sau đó đoạt chính quyền. Nếu như Hitler đã tiếp tục đeo đuổi sở trường của mình (làm họa sĩ) thì sao? Chắc chắn ông đã vui nghề và còn tránh cho nhân loại một thế chiến khốc liệt, dồn hàng triệu người vào tay tử thần. Ai ai cũng cần được biết sở trường của mình là gì và nghe theo đó. Ví dụ nếu nhận thấy viết văn là vui nhất cho mình thì phải viết văn cho dù phải thiệt thòi về vật chất. Bổn phận của bố mẹ là giúp cho con trẻ tìm ra sở trường của chúng và khuyến khích chúng đi theo những con đường thích hợp, chứ không ép chúng phải làm những nghề le lói hay kiếm ra nhiều tiền. Một ông nhạc công nọ, có thể là đã đoán rằng cậu con trai có khiếu về âm nhạc, mỗi lần đi trình diễn đều sách cu tí theo. Trong những năm đầu chỉ là đàn gẩy tai trâu, nhưng đến năm 7 tuổi, vào dịp dàn nhạc trình tấu một khúc giao hưởng của Bi-tô-ven, cậu đã nhận ra con đường mình phải đi là âm nhạc.

Làm nghề mình thích là một bổn phận nhưng không nhất thiết phải là êm ái, đôi khi đòi hỏi can trường dũng cảm, như khi bị bố mẹ chống đối hay vì việc mình làm mà phải sống trong nghèo khó. Làm điều mình thích thì không có tính toán, tranh đua về lợi lộc, ngược lại gặp được niềm vui, thích thú, ngay trong việc mình làm. Những người đi biển đơn độc ngoài khơi, hay thám hiểm trong rừng sâu hay dưới đáy biển đâu cần ai ban thưởng. Một chàng nọ thích nhất là lặn dưới đáy biển, lục soát xác tầu, tìm kho tàng, khiến vợ con “xiểng niểng” (?), cũng may trời thương kiếm được một kho tàng trị giá cao, có tiền tạo cuộc sống ổn định cho gia đình, và an tâm tiếp tục… lặn . Một chàng khác thích ca hát, nên ban ngày làm công chức xoàng để có tiền đủ sống, tối thì làm ca sĩ. Chị kia cũng thế, ban ngày làm phụ tá giám đốc, xử dụng hai ba sinh ngữ, ban tối làm vũ công vì thích việc này, có lần gặp ông xếp ở tiệm hát cười quá chừng.

Cuộc đời sẽ đẹp là khi có thể như một giòng suối không ngừng chảy (về đại dương chân thiện mỹ) . Không ngừng chảy bởi vì không ngừng góp mặt với đời như hoa khoe sắc, như chim hót. Ngày nào muốn dừng lại ,sống ù lì, không một cố gắng, không một trao đổi, không một tập luyện, ngày đó suối đời sẽ thành ao tù, sinh lầy, tích trữ dơ bẩn, muỗi mùng. Một bộ lạc kia cứ khi nào cuộc sống định cư khá phồn thịnh, khiến dân bắt đầu ù lì thì tù trưởng lại ra lệnh move đi nơi khác, bỏ tất cả, đến một thửa rừng khác, bắt đầu lại vẽ đường, tìm mạch nước, làm đường, đào giếng, canh tác…

Trên đây tôi đã muốn trình bày sơ sài hai yếu tố, trong nhiều yếu tố hợp thành một nghệ thuật sống, đó là bảo vệ sự sống cơ thể và yêu chuộng hoạt động. Hai yếu tố này áp dụng cho mọi người nếu như họ muốn sống hạnh phúc cách thiết thực. Người về hưu như tôi đây, tuy có thể đã ngừng mưu sinh, cũng rất cần quan tâm đến hai điểm trên để tránh cho chuỗi ngày còn lại trở thành nhàm chán.

Mễ Duy

VÀI CẢM NGHĨ

sau buổi nói chuyện

của Khoa học gia

DƯƠNG NGUYỆT ÁNH

Ngày 14 tháng 2 năm 209 tại Sydney

Trần Phương Ánh

Hôm nay ngày 14 tháng 2 năm 2009, trời Sydney mưa suốt ngày. Trong khi Melbourne đang buồn bã vì những ngày cháy rừng trong tuần qua. Cả nước Úc đang bận rộn lo quyên góp để cứu trợ những người bị nạn. Lịch sử nước Úc chưa bao giờ gặp phải thiên tai quá khủng khiếp như lần này.

Hôm nay cũng là ngày Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, lần đầu tiên đến Sydney nói chuyện với hai đề tài:

1/Những vấn đề cần quan tâm của người Việt hải ngoại trước hiện tình đất nước, dưới sự thống trị của Cộng Sản Việt Nam (tiếng Viêt).

2/Giới trẻ VN tại hải ngoại phải làm gì để hội nhập và thăng tiến trong xã hội Tây Phương (tiếng Anh).

Diễn giả kỳ này dầu sao cũng là một yếu nhân của chính phủ, nên ban tổ chức cũng có phần phải chú trọng về an ninh hơn. Sân đậu xe của công đồng không mở ra cho mọi người như mấy lần tổ chức để nói chuyện trước. Sân đậu xe phía trong chỉ có vài xe của ban tổ chức đã đậu sẵn từ sáng sớm. Thấp thoáng đâu đây trong số người đến xem còn có một số nhân viên an ninh nhiều hơn mọi lần. Do đó kỳ nầy sân đậu xe bên phía plaza cũng khó còn một chỗ trống. Tôi phải lái xe vòng vòng cả 15 phút mới kiếm ra một chỗ trong xó kẹt.

Chương trình buổi nói chuyện bắt đầu từ lúc 2 giờ tới 5 giờ chiều. Thế nhưng chưa tới 2 giờ mà cả hội trường đã đông nghẹt, Ghế phải xếp thêm vào cả cuối phòng và có người đã phải che dù đứng dưới mưa để được nghe bài nói chuyện của cô Nguyệt Ánh.

Buổi nói chuyện được khai mạc rất đúng giờ. Ban tổ chức đã ngắn gọn trong vòng 30 phút để chào quốc kỳ Úc Việt, lời cám ơn nhưng người đã có công giúp vào việc tổ chức. Ông chủ tịch cộng đồng lên cám ơn. Ban tổ chức trình bầy sơ lược tiểu sử của diễn giả. Được biết Cô Dương Nguyệt Ánh qua Úc để dự một hội nghị theo lời mời của Bộ Quốc phòng Úc nên cô chỉ có thể đến được Sydney mà thôi. Cô đã giải thích lý do tại sao cô không thể đến nói chuyện tại các thành phố khác dù rất muốn. Cô cho biết thì giờ rất eo hẹp. Dù đã có lời mời đến Úc từ lâu, nhưng đến nay Cô mới có thể đến được Sydney nhân có lời mời của chính phủ Úc. Sau đó dến lượt cô Nguyệt Ánh được giới thiệu ra trước mọi người, nhận bó hoa và vật lưu niệm. Cô đùa rắng chưa được nói câu nào đã được tặng hoa và quà.

Cô Nguyệt Ánh đã bắt đầu ngay vào buổi nói chuyện bắng cách xin ban tổ chức cho cô được mời những người đang phải đứng ngoài mưa để nghe cô nói, được phép vào phía trong hội trường và xin được ngồi dưới đất dọc theo đường đi ở giữa để nghe cô, dầu sao cũng còn tốt hơn là phải đứng che dù dưới mưa ở ngoài sân. Cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng đề nghị của cô và thế là cả hội trường kín nghẹt không còn lối đi. Cả hội trường có thể lên tới 1200 người. Ban tổ chức cũng bày tỏ cảm tưởng ngay rằng chưa bao giờ có một buổi nói chuyện mà người nghe ngồi hết cả các lối di như ngày hôm nay. Trời Sydney bên ngoài vẫn mưa tầm tã.

Để bắt đầu bài nói chuyện của cô, cô xin được đứng ngay trước mặt mọi người trên sân khấu, phía trước bàn cử tọa tay cầm micro và đề cập ngay vào những vấn đề quan tâm của người Việt hải ngoại. Cô cứ đứng như thế và nói chuyện, không cần một tờ giấy để ghi các đề mục. Các tràng pháo tay vẫn không ngớt nổi lên mỗi khi cô đề cập đến những vấn đề được mọi người cho là đắc ý. Cô đã kể lại những chuyện vui trong đời của cô và những gian nan mà cô gặp phải trong xã hội Mỹ, khi cô lại là một người đàn bà, lại là Á đông, trong một môi trường toàn là dành cho đàn ông và da trắng.

Cô cũng cho biết khó khăn khi phải làm sao quân bình được vai trò làm vợ, làm mẹ và vừa là một nhà chuyên môn. Nguyên tắc của cô là không bao giờ làm một người mẹ bán thời bao giờ. Cô có gia đình, 4 đứa con, mà đứa lớn nhất mới vào Đại học, còn ba đứa còn học trung học. Chồng cô đã giúp đỡ cô rất nhiều trong việc nhà, chăm sóc con cái. Cô làm việc suốt 5 ngày trong tuần, có thể lên tới 10 giờ một ngày, nhưng cô đã dành mỗi cuối tuần cho con cái và gia đình. Cô cũng dành những kỳ nghỉ cho gia đình và yêu cầu nơi làm việc của cô không bao giờ liên lạc trong thời gian cô đi nghỉ với gia đình trừ trường hợp quốc gia có đại sự.

Cô cho biết đã phải gây ấn tượng cho ban Giám Đốc biết rằng cô đã làm cật lực trong năm ngày trong tuần và cô sẽ không bao giờ làm ngày thứ bẩy hay chủ nhật. Cô đã thuyết phục được các tướng lãnh cao cấp cho cô miễn vào thuyết trình vào 8 giờ sáng thứ bầy. Cuối cùng họ đã phải chuyển bài thuyết trình do cô trình bầy vào sáng thứ hai. Đó là cách làm sao làm lay chuyển được kỳ vọng của ban giám đốc để phù hợp với sự thích ứng riêng của mình.

Cô đưa ra những bí quyết để thành công cho các người trẻ. Đó là trong mỗi công việc mình làm, mình phải có 20% khối óc (brain), 20 % trái tim (heart), và 60% sự cố gắng của mình(sweat). Trí óc thông minh con người phải đi đôi với tinh thần đạo đức để mang lại những thành quả có lợi ích thiết thực, cho gia đình và đất nước.

Cô luôn luôn cám ơn và nhớ ơn người chiến sĩ VNCH,(cô đua ra con sồ 380 ngàn đã hy sinh) và chiến sĩ Mỹ (58 ngàn người) đã hy sinh trên chiến trường VN. Những người đó đã hy sinh để cho cô và gia đình cô được có ngày hôm nay. Cô phân biệt chúng ta là những người Việt tự do (free Vietnamese) để khác với những người VN cộng sản bây giờ.

Khi được hỏi về bom áp nhiệt, cô đã giải thích là bom đạn được chế tạo ra để giúp phương tiện cho binh lính dược thắng trận, giảm thiểu tử vong. Khi ném một quả bom, nguyên tắc thông thường là càng xa thì càng giảm áp suất. Nên nếu ném một quả bom thường trên miệng hầm, thì chỉ có miệng hầm nổ, còn những đường hầm ngoằn nghuèo ở phía dưới vẫn không việc gì. Trước cô đã có người biết nguyên tắc là nổ bom là phải làm sao cho bom len lỏi vào các hang động, lan vào sâu trong các đường hầm để tiêu diệt địch quân. Và toán chuyên viên của cô đã khám phá ra bom áp nhiệt để áp dụng đúng như vây, để tiêu diệt địch quân.

Cô cũng nhắn nhủ các người trẻ Việt nam, hay tự hào là người Việt, chỉ có người Việt là dân tộc đã đánh tan quân Mông cổ ba lần trong lịch sử, chỉ có người Việt mới có hai bà Trưng, là hai bậc nữ lưu trong lịch sử đã đứng lên đánh đuổi ngoại xâm.

Người Việt hải ngoại bị chính quyền CS tại VN cho rằng người Việt hải ngoại còn căm thù CS vì vẫn còn hận thù đã phải bỏ nước ra đi trong nhục nhã. Nhưng theo cô chúng ta chống lại chính quyền CS hiện thời chứ không chống lại 85 triệu người dân VN. Chúng ta chống lại chính quyền CS vì quan điểm chính trị của họ đã đặt quyền lợi Đảng lên trên quyền lợi đất nước, theo chính sách HỒNG HƠN CHUYÊN. Hỏi sau 33 năm thắng trận, họ đã làm được gì cho đất nước?

Chúng ta ở hải ngoại rất thương những người VN trong nước vì họ không được hưởng tự do dân chủ như chúng ta, họ không hưởng được quyền làm người. Nếu tại Úc cần quyên tiền để cứu giúp, ta biết rằng ta phải gởi qua Red Cross hoặc một cơ quan tư nhân nảo đó, chính quyền không dính líu vào. Ta biết rằng Red Cross là một cơ quan do tư nhân quản trị, chính quyền không có quyết định gì. Họ quyên tặng được bao nhiêu, họ tự lo sự phân phát, chính quyền không hề nhúng tay vào. Trái lại, ở Việt nam ngày nay, mọi việc quyên góp đều phải có bàn tay của chính quyền. Bởi vậy, nếu phải gởi tiền về để cứu giúp các thân nhân bên nhà thì nên tránh cứu trợ qua nhửng cơ quan lớn, vì phải qua sự chấp thuận của cơ quan chính quyền. Cơ quan nào càng to thì càng có sự kiểm soát của chính quyền.

Những chất xám ở trong nước, như những người đã can đảm đứng lên đòi dân chủ, đòi những quyền tự do căn bản, quyền làm người v..v.. thì bị bắt bớ đi tù, thì thử hỏi họ sẽ đối xử với chất xám ở hải ngoại như thế nào. Họ muốn chúng ta về làm việc với họ và nghe lời họ, đừng chống lại họ, để họ tiếp tục được độc tài đảng trị. Chính sách của CS là một khi đã làm việc cho CS, được hưởng bổng lộc rồi sẽ quên đi chống đối họ. Và điều này là điều họ rất mong muốn, lâu dần sẽ ngủ quên, không còn nghĩ đền quyền lợi cho quốc gia dân tộc nửa mà chỉ lo làm giầu. Do đó câu trả lời của cô là KHÔNG nên về làm việc cho chính quyền CS hiện tại.

Là một công dân trong một đất nước tự do, cô phải có bổn phận phục vụ tổ quốc. Trong trách nhiệm của cô, cô phải chế tạo vũ khí làm sao cho các binh sĩ ra ngoài chiến trận phải mang về chiến thắng và được nguyên vẹn trở về với gia đình. Những người chiến sĩ đó họ không được chọn phải đi đánh nhau ở đây hay ở bất cứ đâu vì đó là quyền quyết định của Tổng thống, của các chính trị gia. Bổn phận của cô là làm sao giúp họ phương tiện đẻ chiến thắng và trở về. Cô hiểu thế nào là chiến tranh và thế nào là chiến thắng quay về qua kinh nghiệm của chính gia đình cô với người anh ruột là một phi công trực thăng trong quân lực VNCH. Theo cô, vũ khí chỉ là một phương tiện nên tùy cách con người xử dụng mà nó mang mục đích xấu hay tốt. Nếu nói đến sự kiên 11 tháng 9 thì đã có bao thường dân vô tội chết vì vũ khí dùng trong mục đích xấu. Giả thử trong một quốc gia nếu nói tôi không ưa chiến tranh, tôi không chế tạo vũ khí, quốc gia đó sẽ tồn tại hay không?

Qua phần trả lời các câu hỏi, cô cho biết không dám viết sách để lại cho các thế hệ sau về chiến tranh Việt Nam vì khi chiến tranh chấm dứt cô mới có 15 tuổi Rồi sau đó cô theo cha mẹ di tản qua Mỹ. Cô xin trong số người ngồi nghe cô đây, đã có biết bao người là nhân chứng sống và có quá nhiều kinh nghiệm trong cuộc chiến hãy viết lại hơn là cô. Cô ước ao có nhiều sách về chiến tranh VN để giới trẻ hiểu hơn về chiến tranh VN. Các sách hiện có thường viết theo chiều hướng chiến tranh VN là chiến tranh giữa Mỹ và CSBV mà không đề cập đến các chiến sĩ VN Cộng hòa. Cô chỉ xin là người đọc sách và đưa ra nhận định.

Cô đưa ra nhận định về cờ vàng. Cô nêu ra cho người nghe biết cô Lữ Anh Thư nêu cao chiến dịch cờ vàng tại các tiểu bang trên đất Mỹ, vừa đi nói chuyện nêu cao chính nghĩa, vừa bỏ công may cờ vàng và ngay cả cái cột để dựng cờ để khắp nơi sẵn sàng các phương tiện để nêu cao ngọn cờ vàang. Cô cũng đưa ra đề nghị các bậc trưởng thượng với bao kinh nghiệm máu xương trong cuộc chiến vừa qua, hãy viết ra thành sách, nêu cao sự đóng góp của các chiến sĩ VNCH, các chiến công anh hùng của các người đã hy sinh cuộc sống cho quốc gia dân tộc. Sự hiện diện của quận lựcVNCH là xác thực. Các chiến sĩ VNCH đã sát cánh chiến đấu sau khi quân Mỹ rút ra khỏi chiến trường. Họ đã phải chiến đấu gian nan, trong hoàn cảnh khó khăn mới dẫn tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong khi bên Bắc Việt vẫn còn sự hỗ trợ của phe Trung Cộng và Nga sô.

Cô thú nhận là cô đã quá may mắn được công đồng cưng chiều cô, đã đưa cô lên cao, đề nghị cô làm cái này cái kia cho cộng đồng, chứ theo cô, cô chỉ là một nhân vật tầm thường như mọi người mà thôi.

Qua buổi nói chuyện, theo tôi, cô xứng đáng là một viên ngọc quý trong cộng đồng chúng ta. Cô là môt phụ nữ VN thuần túy, phát âm tiếng Việt rất chuẩn theo giọng Bắc, tiếng Anh cũng rất nhuần, rất dễ gần gũi với giới trẻ. Cô cũng rất ao ước được gần gũi và nói chuyện với giới trẻ nhiều hơn là lớp lớn tuổi. Cô phục sức rất nhã nhặn, lịch sự nhưng trong sáng, với một giọng nói lôi cuốn người nghe nhưng luôn luôn khiêm tốn và nhún nhường.

Thú thật, chưa bao giờ tôi được dự một buổi nói chuyện đầy hứng thú như hôm nay. Dù ngoài trời mưa vẫn tầm tã, mọi người vẫn ngồi lại cho tới 6 giờ chiều.

Tôi viết bài này để được gởi lại cho những bạn nào không có dịp được nghe. Được biết ban tổ chức sẽ cho quay video và sẽ bán với giá phải chăng để có thể phổ biến nhiều hơn, tới tay các giới trẻ. Bài nói chuyện vừa bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Số tiền thu được sẽ đươc trao cho Hôi Cựu Tù Nhân Chính Trị và Nạn Nhân Cộng Sản Việt Nam/NSW và Tập thể Hậu Duệ VNCH/NSW.

Cầu mong Cộng Đồng Việt nam mãi mãi đoàn kết để nêu cao chính nghĩa.

Trần Phương Ánh ghi nhanh

Đàn tre,

Tình Việt duyên Úc,

Nếu bảo rằng, Đông Tây xưa nay từng giáp mặt nhiều lần, tại nhiều nơi trên thế giới, thì điều đó hôm nay quả nhiên đã xảy đến ở thủ đô nước Úc, ngày đầu năm hôm nay. Đầu năm nay, dân Tây cũng như dân ta người Úc, đã giáp mặt hội ngộ tại xứ sở có cả triệu năm văn hiến, rất Canberra.

Nói đầu năm, là nói về lịch Tây lẫn lịch Ta. Tức, ngày 29 tháng Giêng 2009, dương lịch. Nói đầu xuân, là nói mồng 4 Tết Kỷ Sửu, rất âm lịch niên. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: ngày đầu năm nay, đã xảy đến một biến cố ít thấy, tại thủ đô nước này. Đó, là sự xuất hiện hãn hữu của cây đàn tre rất khiêm hạ. Khiêm hạ, nhưng đàn tre vẫn chễm chệ ngay tại hành lang mang danh “nghệ thuật” có một không hai trong lịch sử nước Úc. Và, nghệ phẩm đàn tre, lại do chính nghệ nhân thuộc thế con cháu của nhị vị anh hùng Lê lai - Lê Lợi, nêu danh giống dòng hào kiệt nước Nam, anh Nguyễn Minh Tâm. Minh Tâm họ Nguyễn, nhưng lại xuất thân tại quê làng Bình Định, nơi có nhiều anh hùng, cùng thiên niên kỷ.

Ngày đầu năm hôm ấy, thành đô nước Úc lại hơn một lần náo nức đón chào ngày vui nghệ nhân. Ngày tư ngày tết nơi đây, tuy không có khói lam tuyền, cùng pháo Tết nổ ran. Nhưng, vẫn có những nụ cười rộn rã, khắp nơi nơi. Thủ đô Úc hôm nay, vui Tết đón chào đoàn khách du 19 người đến thưởng lãm từ vùng cực Bắc, thủ phủ Brisbane và từ đất miền lừng danh đông đảo những kiều bào, ở Sydney. Đoàn khách vội đến, cùng tham dự và chứng kiến nhận diện buổi đăng quang, tại hành lang nghệ thuật, thuộc viện bảo tàng quốc gia Úc, có cây đàn mang nặng tình Việt, duyên Tây.

Giờ “G” đến, khách du thưởng ngoạn đã được bầu đoàn “đại gia” Bảo tàng viện Úc thân hành chào đón, dẫn vào hành lang nghệ thuật vừa tân tạo, để phỏng vấn. Buổi phỏng vấn hôm ấy, đơn giản xảy ra tại chỗ, không huênh hoang hoành tráng, nhưng đã được phát hình rộn rã qua báo/đài ở thủ đô nước này. Và, trả lời phỏng vấn trong ngắn gọn, nghệ nhân Minh Tâm đã lột tả tâm tình trọn vẹn cùng cung cách của nhà sáng chế nghệ phẩm, có một không hai, trong rừng già nhạc cụ.

Lướt thoáng tầm nhìn qua báo đài/truyền thông ở đô thành êm ả, khách lãng du thuởng ngoạn đã nhận ra được những giòng chảy thân thương đầy khích lệ, vào cùng ngày. Như sau:

Canberra Times 29/01/2009-

Lịch sử Úc, ngược giòng đời về với tháng ngày trước khi người Châu Âu đặt chân đến định cư nơi đây, đã thấy có những người Úc thực hiện nhiều hành trình có đi và có đến. Đến, với đất nước tạm dung hôm nay. Đi và đến, từ các quốc gia đem về tạo hình định mẫu cho xã hội hoàn toàn mới mẻ.

Hành trình của di dân/lữ khách đầy dũng cảm, nay là trọng tâm của những điều mà chúng ta gọi là “Hành trình của nước Úc” được hành lang nghệ thuật thuộc Bảo tàng viện Quốc gia Úc hun đúc chọn nên khuôn mẫu, rất tân tạo. Quản thủ Bảo tàng viện, cô Kirsten Wehner, người lãnh trọng trách lọc chọn nhiều truyện kể và con số 750 vật dụng khác nhau, hầu để trưng diễn cho người người thưởng lãm, cả Đông lẫn Tây. Vào trước lúc phỏng vấn với anh Minh tâm, một trong hai nghệ nhân chính của buổi khai trương trưng diễn, cô có nói: “Hành lang Nghệ thuật hôm nay, hiện trưng bầy phương sách khả dĩ cho thấy Nước Úc thành hình như thế nào, từ các biến cố diễn ra trên toàn cầu. Và, quốc gia này tạo hình hài ra sao với biến cố toàn cầu ấy.”

Lồng trong các truyện kể về một hành trình của nuớc Úc vào độ ấy, là câu truyện của người tù thời chinh chiến, anh Minh Tâm, một nghệ nhân đến từ Việt Nam. Minh Tâm, là nghệ nhân duy nhất đã sáng chế ra nhạc cụ có một không hai, trên thế giới. Nhạc cụ trưng diễn hôm nay, đã giúp anh có những tháng ngày nhiều phấn đấu để sống còn lành lặn, ngay tại trại tập trung tù tội, nhiều năm trước. Nghệ nhân Minh Tâm, có lần cho biết: nhạc cụ do anh làm, có âm vang/âm hưởng nhào trộn giữa tiếng dương cầm, đàn mộc và đàn hạc (harp). Âm thanh nhạc cụ, nay trưng diễn cho công chúng thưởng ngoạn, tại Hành lang Nghệ thuật, mới tân tạo.

Nghệ nhân Minh Tâm, đã sáng chế ra “đàn tre” diệu kỳ, trong tháng ngày anh bị giam hãm tại trại tù tập trung thời hậu chiến, suốt sáu năm ròng, kể từ ngày anh bị binh đội Việt Cộng bắt làm tù binh. Minh Tâm, bị bắt trong thời gian lúc anh tham chiến, đứng về phía Quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Nhạc cụ do Minh Tâm sáng chế, có thể chơi được cả nhạc âm phương Tây, lẫn nhạc Việt. Đàn tre, nhạc cụ có một không hai ấy, đã bị nhóm cai tù chặn giữ, khi người sáng chế ra nó được cấp trên cho phép xuất trại, về với đời.

Sau ngày rời thoát quê nhà cùng với người con nhỏ, Minh Tâm lại đã có dịp sáng chế thêm cây đàn tre khác, ngay trong trại tị nạn. Lần này, anh đạt mộng ước, mang được cây “đàn tre” diệu kỳ ấy đến Úc, năm 1981. Đặt chân đến đất miền của tự do, Minh Tâm lại có dịp phát biểu: “Tôi cần đến cây đàn tre này, là bởi: ngoài nó ra, chẳng gì có thể giúp cho tâm trí tôi được thảnh thơi hết.” Vả lại, cũng chính để cho tâm trí mình được thảnh thơi, nên anh đã chấp nhận chơi đàn cho hơn 4,500 tù nhân, cùng một cảnh.

Nhạc cụ của Minh Tâm, nằm chung lẩn khuất với các vật dụng hiếm quý khác, đã đem lại cho chúng ta những giai thoại/truyện kể về hành trình của người Châu Âu, trên đường tìm kiếm/bán buôn trà và gia vị. Những truyện kể, về cơn sốt tìm vàng, cũng như giai thoại về tấm ván “đảo điên” của Rolf Harri, nhà mạo hiểm đường trường, hôm trước.

Tổng Trưởng Nghệ Thuật, ông Peter Garrett vừa chính thức khai mạc Hành Lang với tên gọi “Hành Trình của Nước Úc”, vào tối qua. Qua bài phát biểu ở buổi này, ông có nói: “Ngoài các điểm hay ho ở đây, thì điều đặc biệt đáng cho chúng ta lưu tâm hơn cả, tại điểm cuối Hành Lang này, là trường hợp tiêu biểu nhắm vào sự hiển hiện của một ngành nghệ thuật độc đáo đã thành đạt. Đó là thành tựu nghệ thuật của người bản địa Aboriginal, trên bình diện thế giới.”

Cuộc triển lãm trưng bày nghệ thuật, còn lưu lại với Bảo Tàng Viện, những bẩy năm.”

Ngoài ý kiến của vị Quản thủ Bảo Tàng Viện, còn có các mảng thông tin ngắn gọn, xuất hiện trên các nhật báo cũng như tập san thông tin/nghệ thuật ở thủ đô nước Úc, đã thu hút sự chú ý của người yêu chuộng nét đẹp diệu kỳ do nghệ nhân di dân đóng góp. Trong số đó, có đoạn tin nóng xuất từ Viện Bảo Tàng, như sau:

Canberra 29/1/2009-

Túi vải đựng cây trái và nhạc cụ bằng tre, là hai vật dụng hiếm quý hiện trưng bày tại Hành Lang tân tạo, thuộc Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc.

Tên gọi “Hành trình của Nước Úc”, nói lên chủ trương khai thác các hành trình của người dân từng đặt chân đến và rời khỏi Úc. Các vật dụng này, cũng đã diễn bày động tác mang tính xã hội, chính trị và kinh tế, khiến tạo ảnh hưởng lên Hành trình ấy…

“Đàn tre” 23 giây, là nhạc cụ làm bằng tre, do nghệ nhân Nguyễn Minh Tâm sáng chế hồi ông còn lưu lại ở trại tị nạn Phi Luật Tân, được ông mang theo đến Úc. Minh Tâm rời thoát Việt Nam, lúc ấy vào năm 1981. Ông đặt trọn tâm tình của mình lên nhạc cụ do ông sáng chế suốt từ năm 1976, khi bị giam hãm như tù nhân chiến tranh, tại cái gọi là trại tập trung “cải tạo”, của Việt Cộng. 17 tháng, sau ngày tạm lưu tại trại tị nạn Phi Luật Tân, Minh Tâm và người con nhỏ cuối cùng cũng đã đặt chân đến Úc. Nhưng, hai cha con đã phải trông chờ mãi đến năm 1990, cuối cùng gia đình ông mới đuợc đoàn tụ cùng mẹ già, vợ và những người con còn sót lại ở quê nhà.”

Thêm vào những phát biểu ghi lại ở trên, cũng có trích đoạn khác xuất hiện trên báo/đài ABC, ở thủ đô Canberra, Úc như sau:

“Quản thủ Bảo tàng viện, cô Kirsten Wehner, trước đây có nói: Viện Bảo tàng này khi trước, đã có ý định triển khai hành lang nghệ thuật đã cũ, hầu có thể đề cập đến lịch xuyên suốt của toàn bộ nước Úc.

Ngày hôm nay, một hành lang nghệ thuật tân tạo có giá trị dài hạn, đã khai trương đón khách tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia, ở thủ đô. Hành lang này, có chủ trương trưng bày một số vật dụng có giá trị lâu dài. Trưòng tồn.

“Hành Trình của Nước Úc”, là triển lãm rất mới mẻ mang tính lâu dài/bền bỉ, được thiết kế dựng xây, khởi từ năm 2001, ngày ấy. Hành lang, bao gồm 750 vật dụng khác nhau có khả năng và tầm vóc chuyển tải những câu truyện khả dĩ nối kết nước Úc với các nền văn hoá khác, trên thế giới.

Quản thủ Bảo tàng viện, cô Kirsten Wehner còn cho biết: “Hành lang này, chứa đựng nhiều vật dụng rất đáng kể, trong đó còn thấy chiếc bàn cổ sót lại từ thời Đoàn Tầu Đầu Tiên khởi phát xuất dương, trực chỉ Úc Đại Lợi, nữ. Ở nơi đây, còn có cả những vật dụng tạo nhạc cụ “dang dở”, do các thuyền nhân tị nạn nguời Việt, tạo tác. Có thêm cả, máy thu hình độc đáo, do nhà thám hiểm kỳ cựu miền Cực Nam, là nhà làm phim tên Frank Hurley sử dụng, nữa.”

Cô Kirsten cũng phát biểu: “Chúng tôi dự tính triển khai một hành lang nghệ thuật có sức thu hút - lĩnh hội lịch sử xuyên suốt, của nước Úc.

“Nhiều vị khi nghĩ về nước Úc, không chỉ như một lục địa, cũng chẳng như một quốc gia độc đáo khác, nhưng lại nhìn về vai trò của đất nước trong mô hình toàn cầu, rộng lớn hơn.

“Theo tôi, Hành Lang Nghệ Tthuật này, đã sáng ra được một luận cứ cho thấy rằng: một phần nào của nước Úc, cũng đã có đặc điểm sáng ngời và sức mạnh, thời đương đại. Sức mạnh ấy, có sự thể là những tất cả đều của nước Úc. Của người Úc. Nhưng, nó cũng kéo mọi người về một suy tư, về nhận thức và kỹ năng cũng như các kinh nghiệm của những vị đến từ phương trời xa xăm, ở hải ngoại.”

Khung trời xa xăm ở hải ngoại, hay cảnh tình nội vi của người dân bản địa đi nữa, cũng vẫn là những điểm son tạo tác khiến cho nền văn hoá trở nên đa dạng, lừng danh. Trong đóng góp kiến tạo nền văn hoá mới đầy tình tiết ấy, luôn thấy sự hiện diện của người Việt tự do, đến từ quê nhà. Dù cho đó, có là người Việt di tản/định cư hay người bản xứ gốc Việt đi nữa, đó vẫn là những đóng góp không nhỏ. Đóng góp, mà bạn và tôi, ta có thể gọi đó là “tình Việt duyên Úc. Tình và duyên, của một đất nước có cả triệu năm văn hiến, đầy hiến tặng. Hiến cho đời. Tặng cho người.

An Phong Trần,

Tường trình từ thủ đô Canberra.

THỜI TIẾT BÁO ĐỘNG

NGÀY TẬN THẾ

ĐÃ GẦN KỀ!

Trần Ngọc Báu

Lời mở đầu :

Xin quí độc giả chớ vội mỉa mia cho rằng chuyện «ngày tận thế gần kề» chỉ là chuyện vớ vẩn hay đùa dai của ai đó... Thưa không, không vớ vẩn và cũng chẳng đùa đâu! Nếu cách nay 50 năm người công giáo Việt Nam nghe nói ngày tận thế đã gần kề, chắc chắn nhiều người lấy đó làm điều nghiêm trọng, bởi chuyện đó có thể xảy ra vì, theo họ, Kinh Thánh có nói đến. Ngày nay, nghe nói đến chuyện này, chắc chắn có người cười thầm, chê rằng thời buổi này mà còn quê mùa nói nhảm; bởi Chúa tạo dựng ra trái đất này đã hằng tỷ năm rồi và sẽ còn trường tồn đến 4 tỷ năm nữa là ít, nỡ lòng nào Chúa lại ra tay tiêu diệt nó đang khi con người do Chúa dựng nên cũng chỉ mới biết dùng nó có vài chục ngàn năm trở lại đây thôi (tức chỉ bằng vài giây chót của 24 tiếng đồng hồ, nếu giả thiết rằng trái đất xuất hiện được 1 ngày tròn)! Quả vậy, theo quan niệm kytô-giáo ngày nay, Thiên Chúa tạo dựng trái đất cho con người, để con người được hưởng và sống hạnh phúc nơi đó; chắc chắn Chúa không ra tay hủy hoại công trình kỳ diệu của mình một cách vô tình như thế!

Thế nhưng, ngoài Chúa ra, con người có đủ tự do và khả năng để phá hoại công trình của Chúa chứ? Vâng, đấy là vấn đề! Thời tiết đang báo động là chính bàn tay con người ngày nay đang phá tán kho tàng vô giá Thiên Chúa ban tặng cho con người, đó là trái đất này. Và, không phải Thiên Chúa, mà chính con người sẽ tự mình gây ra ngày tận diệt trái đất và chính sự sống mình. Thế giới ngày nay đã thấy rõ mối nguy khốn ấy! Người ta vừa nhất trí lấy ngày thứ tư 16/02/2005 là ngày hiệp định Kyoto (ký kết vào năm 1997) có hiệu lực đối với 141 nước trên thế giới đã ký duyệt hiệp định này, mà nước mới vừa ký duyệt xong là Nga. Nghĩa là kể từ hôm ấy, họ cam kết sẽ nỗ lực giảm xả dần dần cho đến mức 5% khí than CO2 -- so với số lượng khí than xả ra năm 1990-- trong vòng những năm 2008-2012, cốt nhằm giảm bớt việc hâm nóng của thời tiết. Xin nói cho rõ là nhằm «giảm bớt», chớ không khai trừ việc hâm nóng trái đất. Thế nghĩa là trái đất vẫn tiếp tục bị hâm nóng cho đến ngày mọi xáo trộn về thời tiết sẽ xảy ra trầm trọng đến mức đưa đến hậu quả là loài người sẽ không thể sống được trên trái đất này nữa. Đó là ngày tận thế của nhân loại vậy !

Biết thế, nhưng các chính phủ trên thế giới không thể làm ngược lại xu thế hiện nay, vì sợ dân chúng chửi rủa và hạ bệ. Bằng chứng là dân số Mỹ chỉ bằng 1 phần 20 dân số thế giới mà từ nhiều chục năm nay đã xả đến 1 phần 3 khí than CO2 làm ô nhiễm không khí và làm hâm nóng trái đất, thế nhưng chính phủ Bush của Mỹ vẫn không chịu cam kết với 141 nước kia thực hiện chương trình giảm xả khí độc như nói trên. Ngoài ra, Trung Quốc mới ngóc đầu lên đua đòi phát triển kinh tế với thế giới, nên cũng ganh đua với Mỹ để tiếp tục xả hơi độc… Rốt cuộc, kẻ giảm người thêm, trái đất chẳng những không bớt mà còn sẽ bị hâm nóng hơn thôi! Để hiểu rõ, xin kính mời qúi độc giả theo dõi loạt bài này trên các số Mục Vụ tháng này và kế tiếp, như 16 năm trước đây Mục Vụ cũng đã báo động với một loạt bài «Trái đát lâm nguy».

Mười sáu năm đã trôi qua kể từ bài đầu tiên «Trái đất lâm nguy» đăng trên báo Mục Vụ tháng Hai 1989, tình hình sinh sống trên trái đất đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều tuy vẫn còn vô số người thờ ơ không hề biết đến. Để thấy rõ vấn đề trầm trọng đến mức nào, có lẽ ta cũng nên ôn lại xem mười sáu năm trước Mục Vụ đã báo động gì. Sau đó, nên xét xem cái gì đang xảy ra trong hiện tại trên nhiều khía cạnh của vấn đề sinh thái. Và sau hết, nên cùng nhau chẩn đoán xem «ngày tận thế đã gần kề» thật chưa.

«MỤC VỤ» ĐÃ CẢNH CÁO TRÁI ĐẤT

BỊ HÂM NÓNG

Trên Mục Vụ số 75 tháng Hai 1989, bài đầu «Trái đất lâm nguy» đã nghiêm trọng cảnh giác rằng chính «con người định đoạt sự tồn vong của trái đất» (…) «Bởi con người đã tiến hóa đến mức độ có quyền năng thay đổi thực trạng hiện tại và tương lai của quả địa cầu này.» Sinh sôi nẩy nở và làm bá chủ nhanh chóng trái đất, loài người để xảy ra một điều rất ngang trái là «càng phát triển ra thì càng làm ung thối nơi sinh sống của mình là trái đất kỳ diệu vẫn hằng ấp ủ họ.» (tr.31)

Bài báo tiếp: «Đã từ nhiều thập niên qua, các nhà khoa học đã lớn tiếng cảnh cáo lối sống bừa bãi một cách ấu trĩ của nhân loại ngày nay. Chẳng mấy ai màng quan tâm đến! Thậm chí phải chờ đến năm 1988 khi trời đất đùng đùng nổi giận, người ta mới bắt đầu ý thức được rằng nhân loại đang đùa giỡn với mớ quyền năng họ nắm giữ để định đoạt sự tồn vong của trái đất này.» (tr.32)

Thât vậy, «ở Hoa Kỳ, 3 tháng hạn hán năm 1988 đã nung cháy mặt đất suốt từ bang Géorgie ở cực đông đến bang Californie ở cực tây, làm giảm 31% số thu hoạch ngũ cốc và giết chết hàng vạn con bò thịt. Trên hầu hết các nơi ở Mỹ, một cơn nóng trên 38 độ C (= 100 độ F) kéo dài suốt bảy tuần lễ đã gây nên sự lo sợ rằng đẵ đến thờ kỳ 'bầu trời bị hâm nóng' vì khí than do loài người xả ra. Rồi những khu rừng núi phía tây, gồm có khu Rừng Bách Thảo Quốc Gia Yellowstone, tự động bốc cháy trong tháng 7 và 8 trước sự bất lực của hàng ngàn nhân viên cứu hỏa.

«Nhiều nơi khác trên thế giới cũng bị thiên tai tàn phá (…) Đại khái như đã có những trận giông bão dữ dội càn quét các nước trong vùng biển Caraibe (Trung Mỹ). Một nạn lụt lớn chưa từng thấy đã gây tổn thất nặng nề cho Bangladesh. Hạn hán, rồi mưa lũ gây lụt lội và mất mùa ở Trung Quốc và Phi Châu. Còn biết bao nhiêu nơi khác nữa.» (tr.32)

Trên Mục Vụ số 76 tháng Ba 1989, bài «Trái đất lâm nguy» bàn trực tiếp về hiện tượng «quả địa cầu bị hâm nóng» đã viết: «Gần một thập niên qua, các nhà bác học đã cảnh cáo rằng các loại xe động cơ và nhà máy nhả vào không khí khá nhiều khói có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng là làm cho bầu trời sẽ bị hâm nóng lên và làm cho thời tiết sẽ bị thay đổi. Nhưng mãi đến gần đây, những vị tiên tri ấy vẫn bị coi là những nhà đạo đức ngây ngô rao giảng ngày tận thế gần kề.» (tr.33)

Bài báo trên thuật rằng vào mùa hè 1988, lúc nhiệt độ ở Hoa Thịnh Đốn đạt mức kỷ lục 38 độ C, thượng nghị sĩ Mỹ Timothy Wirth (Colorado) tường trình một lần nữa (vì không ai chịu nghe ông tường trình vào năm 1987) trước Quốc Hội Mỹ về đề tài «bầu trời bị hâm nóng». Hội đường bỗng trở nên đông nghẹt, và báo chí tường thuật với hàng tít lớn ở trang nhất lời nhận xét của James Hansen (Cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA) rằng «hiển nhiên là bầu trời bị hâm nóng trên đầu chúng ta rồi». Bài báo trên tiếp: «Hansen có lẽ là nhà bác học đầu tiên đã nói thẳng thừng và mạnh bạo nhất rằng trái đất đang bị hâm nóng do hậu quả khí than CO2 và các khí hơi khác được nhả ra quá độ trong bầu khí quyển. (…) Các đợt nóng cháy, hạn hán, lũ lụt và giông bão đã liên tiếp diễn ra có thể là điềm báo trước những tai biến lớn hơn sẽ xảy ra vào giữa thế kỷ 21, nếu… » (tr.33)

«Thực ra, cho dù các nhà bác học có những lượng định khác nhau về tốc độ và cường độ hâm nóng trái đất trong tương lai (…), những vị ấy cũng nhận xét như nhau rằng số lượng khí than CO2 nhả ra trong không khí càng lúc càng nhiều và càng gia tốc, và nhân loại ngày nay đang làm một cuộc thử nghiệm đầy nguy hiểm trên một qui mô rộng lớn chưa từng thấy. Nguy hiểm, vì chắc chắn với cái đà này bầu trời sẽ bị hâm nóng lên và không có cách nào làm mát lại được. Hậu quả của nó sẽ không lường được và cứ thế mà ảnh hưởng giây chuyền đối với tất cả mọi sự sống trên quả địa cầu này.» (tr.34)

«HIỆU QUẢ HÂM NÓNG CỦA NHÀ LỒNG KÍNH» LÀ GÌ ?

Cứ bình thường, «khí than CO2 do thiên nhiên tạo ra bốc lên không trung hợp thành một lớp khí bao bọc trái đất; khi ấy, trái đất giống như một «nhà lồng kính» dùng để ươm trồng cây bên trong. Các nhà khoa học biết trái đất được sưởi ấm là nhờ «lồng kính» khí than CO2 này; bởi vì các phân tử khí than trở nên trong suốt (như một lớp kính) đối với tia sáng mặt trời, nên làm cho ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua để đổ vào sưởi ấm trái đất như sưởi ấm «nhà lồng kính» vậy. Nhờ đó mà trái đất có trung bình 15 độ C (59 độ F) thay vì phải chịu đông lạnh ở dưới không độ, và trở thành nơi thuận lợi nhất cho sinh động vật phát triển.

«Mỗi khi trái đất thải bớt ra nhiệt độ dư thừa, thì cũng chính lớp khí than CO2 trên vòm trời hấp thu nó vào; nhờ đó, một mức độ nóng vẫn còn giữ lại trong bầu khí quyển (như trong «lồng kính») và nhiệt độ dư thừa không bị thoát hết ra ngoài không gian. Điều trớ trêu là lớp khí than CO2 càng dầy thì càng thu giữ được nhiều sức nóng hơn và càng hâm nóng bầu trời lên. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là «hiệu quả hâm nóng của nhà lồng kính». Thật vậy, do kết quả các cuộc nghiên cứu chính xác (…), người ta đã được biết chắc chắn rằng sự tăng giảm nhiệt độ toàn cầu luôn đi sóng đôi với sự tăng giảm của lớp khí than CO2. Hơn nữa, các hành tinh khác cũng chứng minh điều này: Hỏa tinh có ít CO2 trên vòm trời, nên bị đông lạnh dưới 31 độ âm C (24 độ âm F). Trái lại, Kim tinh có quá nhiều CO2, nên bị đốt nóng đến 510 độ C (850 độ F).

«Tính đến đầu thế kỷ thứ 19, số lượng CO2 trên trái đất có tăng giảm chút ít do những hiện tượng thiên nhiên gây ra. Nhưng kể từ lúc có cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ vào đầu thế kỷ 19 trở đi, con người bỗng đưa số lượng CO2 gia tăng lên gấp bội khi sử dụng gia tốc các chất đốt như củi cây, than đá, xăng dầu và khí đốt. Một đàng, số lượng CO2 nhả ra từ chất đốt đã quá nhiều đến nỗi cây cỏ trên quả địa cầu và các đại dương không tài nào hấp thu hết. Đàng khác, dân số gia tăng ở các nước thuộc thế giới thứ ba đã càng lúc càng phá rừng lấy cây, củi, khiến cho cây cối thay vì hấp thu CO2 vào, thì lại nhả CO2 ra vì bị đốt cháy hay mục nát. Hậu quả là, vào cuối thế kỷ 19, khí than CO2 trong không khí đã đạt chỉ số 280. Nay (1989) đã lên đến 350. Vào năm 2050, có thể sẽ lên đến khoảng từ 500 đến 700!» (tr. 35-36).

Tạm kết luận:

Ý thức đại họa sắp đổ trên đầu mình là mọt chuyện, mà có quyết tâm làm theo điều mình ý thức hay không lại là chuyện khác. Bằng chứng là sau 16 năm thời tiết tiếp tục xáo trộn liên miên, thế giới mới rục rịch đi đến quyết tâm tra tay vào việc giảm xả khí độc vào vòm trời. Mà chỉ giảm xả chiếu lệ thôi, đang khi tình trạng của môi trường sinh thái trở nên nguy kịch hơn bao giờ hết. Mời quí vị độc giả đón xem tiếp theo bài này ở các số báo tới.

Fribourg, 20.02.2005

Ngày nay, mọi người đều biết trái đất mà chúng ta đang sống trên đó rất giới hạn, có thể gọi được là một «ngôi nhà chung» của nhân loại. Nghĩa là gia tài của loài người chỉ có chừng đó, xài riết rồi cũng hết thôi. Chẳng hạn, nước ngọt để tiêu dùng thường nhật ngày càng hiếm đi, vì các sông ngòi và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu và phân bón hóa học thấm thấu vào. Cũng vậy, nước mưa cũng ngày càng bị ô nhiễm bởi khói than và nhiều hơi độc khác xả vào không khí. Để an toàn, người ta đã bắt đầu mua nước lọc để uống, hoặc có nơi dùng để nấu ăn nữa. Nếu không khéo, một ngày nào đó, chắc người ta cũng phải mua dưỡng khí để thở, vì khí trời đã bị ô nhiễm nặng nề và có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Nhưng trước mắt, trong vòng 50 năm nữa thôi, các mõ dầu sẽ khô cạn. Ai cũng biết là khi ấy thế giới sẽ không còn xăng dầu để tiêu dùng. Từ đây đến đó, chắc chắn giá xăng dầu sẽ tăng mãi từng cơn, tùy theo mức thị trường cung cấp dầu đủ hay thiếu. Càng cận ngày cạn dầu, giá xăng dầu càng tiếp tục tăng với tốc độ càng gia tốc. Hiện nay, mỗi lần giá dầu tăng là mỗi lần có gây rối rấm trong hầu hết mọi sinh hoạt của con người. Với giá trên 50 mỹ kim một thùng dầu, nền kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ trì trệ và từ đó đưa đến suy thoái. Hơn nữa, chắc chắn trong vòng mươi mười lăm năm nữa, giá dầu sẽ tăng ở mức 100 mỹ kim/thùng trở lên. Liệu lúc ấy thế giới loài người sẽ ra sao? Gần đây, người ta đã thấy có những cuộc chiến tranh xảy ra dưới nhiều chiêu bài, nhưng thực chất là để dành nhau các giếng dầu, hoặc để bảo đảm an toàn cho việc sản xuất và tiếp tế xăng dầu cho nước mình. Chỉ một vấn đề xăng dầu mà thôi cũng đủ gây bao nhiêu khủng hoảng cho con người rồi. Ấy thế mà hiện nay người ta vẫn tiếp tục sinh sống, tiêu xài xăng dầu như sẽ không có gì xảy ra. Có cái gì đó không được bình thường trong con người thời đại này chăng?!

TIÊU XÀI VÀ PHẾ THẢI BỪA BÃI NHƯ KHÔNG CÓ GÌ XẢY RA

Bài đầu tiên «Trái đất lâm nguy» trên Mục Vụ số 75, tháng Hai 1989 viết: «Trái đất có ung thối ra chăng cũng tại vì con người ăn ở một cách quá cẩu thả. Những tiến bộ kỹ thuật đã cung ứng những phương tiện đảo lộn sự quân bình của thiên nhiên. (…) Thật vậy, kể từ lúc bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ đến nay, các ống khói nhà máy đã nhả khí độc ra đầy bầu trời, các xí nghiệp đã xả các chất cặn bã độc hại ra khắp sông ngòi, các chiếc xe đã đốt cháy một cách phí phạm số dầu quí giá được dự trữ lâu đời trong lòng đất và vung vãi khói độc tràn lan ra trong không khí. Nhân danh sự tiến bộ của loài người, người ta thẳng tay phá rừng, làm cho các biên hồ và sông ngòi bị nhiễm các chất độc sát trùng dùng trong nông nghiệp, bơm cạn các mạch nước ngầm dưới lòng đất…» (tr.31-32)

Thực vậy, có những thiên tai gây ra bởi những sức mạnh thiên nhiên của trời đất, như động đất, sóng thần, núi lửa… Nhưng cũng có những «thiên tai» do con người gây nên, chẳng hạn như chính con người đã làm cho thời tiết bị hâm nóng và xáo trộn bất thường, gây ra bao đau thương và chết chóc do những trận lũ lụt chỗ này, bão tuyết chỗ kia, cuồng phong và hạn hán chỗ nọ… «Có những dấu hiệu cho thấy sự hủy hoại đáng ngại môi trường sinh sống của loài người trên mặt đất. Tại Mỹ trong năm qua (1988), người ta được biết các nhà máy chế tạo vũ khí đã tiết ra một cách vô trách nhiệm và kín đáo những chất phóng xạ trong một phạm vi rộng lớn từ nhiều năm qua. Sự tiêu tán gia tốc của lớp khí Ozone trong bầu khí quyển, do sự lạm dụng chất chloro-fluoro-carbon dùng trong thuốc xịt tóc và trong máy điều hòa không khí, đã tạo những lỗ thủng khổng lồ trên không trung và làm cho quang tuyến cực tím trong ánh sáng mặt trời được tự do tuôn xuống mặt đất, gây thêm bệnh ung thư cho con người. Nhưng tệ hại hơn tất cả có thể là nạn phá rừng ở vòng đai nhiệt đới, nơi nuôi sống tối thiểu là một nửa số giống cây cỏ và muôn thú của trái đất; cứ mỗi giây đồng hồ, có một khoảnh rừng lớn bằng một sân đá bóng bị phá hủy…» (tr. 33)

Các nhà khoa học phỏng đoán, cứ theo cái đà khí than CO2 và các thứ khí hơi khác tiếp tục xả ra như đã có từ mấy chục năm qua, thì vào cuối thế kỷ 21 trái đất có thể tăng nhiệt độ thêm lên nữa từ 0,5 đến 2 độ C, làm tan thêm các khối băng đá ở Bắc và Nam Cực. Khi ấy, mặt nước các đại dương sẽ dâng lên vài thước cao hơn hiện nay, tràn ngập các bờ biển thấp và hủy hoại nhiều cánh đồng bát ngát. Rất nhiều nơi của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam chỉ cao hơn mặt biển từ 1 đến 2 thước, sẽ bị chìm dưới lớp nước mặn. Như thế, nhiều miền rộng lớn ven biển trên thế giới sẽ bị biển lấn chiếm và đưa đến những cuộc di dân to lớn chưa hề thấy xảy ra trong lịch sử loài người, bài báo Mục Vụ tháng 2-1989 viết.

«Hơn nữa, rác rưởi độc hại và chất phóng xạ lây lan như hiện nay có thể làm cho nước bị nhiểm độc và con người sẽ thiếu thứ dinh dưỡng thiết yếu vào bậc nhất này. Thiếu nước trong lành, trái đất vào (cuối) thế kỷ 21, với khoảng từ 8 đến 14 tỷ dân số, gần như chắc chắn sẽ lâm vào cảnh chết đói tập thể vậy. Khi ấy, mặt đất của quả địa cầu sẽ biến dần thành sa mạc, và chỉ còn có các giống kiến, cuốn chiếu và bò cạp là có thể sinh sống được thôi.» (tr. 33).

THÊM HỆ QUẢ TAI HẠI CỦA VIỆC HÂM NÓNG TRÁI ĐẤT

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học về đại dương đã khám phá ra một cách chắc chắn rằng nước biển ở sâu dưới lòng đại dương của vùng Bắc Hải bị nhạt đi khá nhiều, do bởi thời tiết bị hâm nóng làm cho các tảng băng tuyết ở Bắc Cực chảy ra đổ vào lòng biển. Họ phỏng đoán rằng một ngày nào đó giòng nước nóng khổng lồ (có tên là Gulf stream) từng luân lưu giữa các đại dương sẽ chảy chậm lại hoặc có thể ngưng chảy luôn và chấm dứt vai trò làm điều hòa thời tiết tại Au Châu và trên các miền trái đất. Khi ấy một đại họa sẽ xảy ra.

Số là giòng nước khổng lồ này đưa sức nóng của nước biển miền nhiệt đới lên sưởi ấm các miền ôn đới và băng giá gần Bắc Cực. Rồi một khi bị thấm lạnh, giòng nước đó trở nên mặn và nặng hơn, rồi chìm sâu xuống lòng biển để quay ngược trở về sưởi mát các miền nhiệt đới. Nếu một ngày nào đó, nước biển Bắc Hải sẽ nhạt đi và không đủ sức để ướp mặn giòng nước nóng từ nhiệt đới lên, tức thị sẽ làm cho giòng nước luân lưu không chìm sâu xuống để quay ngược về, nên làm cho giòng nước sẽ yếu đi hoặc tắt nghẽn. Lúc bấy giờ, các miền băng giá như Groenland và ôn đới như Bắc Au và Au Châu sẽ bị giảm nhiệt độ quan trọng và thời tiết trở nên băng giá, khiến cho mọi sinh hoạt bị tê liệt hoàn toàn và sự sống bị hủy diệt. Rồi các miền nhiệt đới sẽ không được sưởi mát, thiếu gió mùa đưa mây mưa vào tưới tẩm trong đất liền, gây ra cảnh khô cằn, hạn hán, mất mùa và chết đói. Các nhà khoa học xác nhận rằng tình hình này có cơ may xảy ra, nhưng không biết lúc nào. Mà nếu thời tiết sụp đổ trầm trọng đến như thế, thì không có cách nào nâng lên được nữa.

Bài báo Mục Vụ tháng Hai 1989 viết tiếp : «Cũng có một số nhà bác học cho rằng bức tranh đen tối này chỉ là một giả tưởng khoa học, chứa đựng những điều viển vông, không tưởng mà thôi. (…) Quí vị này chủ trương rằng thiên nhiên tự nó có sức vạn năng sửa sai những gì hư hỏng. Chẳng hạn như khí trời oi bức sẽ tạo ra mây mưa đem lại sự mát mẻ. Người ta có thể đồng ý với các vị này rằng thiên nhiên quả 'thông minh' tuyệt vời đấy, nhưng chắc chắn là thiên nhiên không có khả năng sửa sai sự tự do phóng túng của con người, sự tự do xây dựng cũng như hủy hoại trái đất ta đang sống. Không lẽ con người liều lĩnh đến mức thách đố thiên nhiên theo kiểu trẻ con đùa giỡn dại dột với lửa hay sao? Dù sao đi nữa, tuyệt nhiên trái đất ngày mai sẽ không còn giống như trái đất ngày nay rồi.» (tr. 33-34)

Giả thuyết khoa học nói rằng khoảng một trăm triệu năm về trước có một vì sao xẹt vĩ đại rơi xuống trái đất, đốt cháy hết cây cỏ và tiêu diệt giống khủng long; điều này đúng đến đâu là một chuyện. «Điều đáng quan tâm hơn là ngày nay biến cố kinh động ấy có thể tái diễn, không phải do những rủi ro của thiên nhiên gây ra, mà lại do chính con người. Nạn phá rừng và đốt rừng một cách man rợ ở Ba Tây cũng như ở nhiều nước khác là một ví dụ cho thấy loài người đang hủy diệt mỗi ngày nhiều giống cây cỏ và động vật độc nhất vô nhị trên quả địa cầu này. Chính con người, chớ không phải thiên tai, đang hủy hoại sự sống trên trái đất với một cường độ tương đương với nạn thủ tiêu tập thể giống khủng long trước đây.» (tr. 34)

«Đã đến lúc nhân loại phải hiểu rằng con người không thể tiếp tục bá chủ trái đất bằng cách phá tán hoang tàn chính trái đất mà mình muốn thống trị.» (tr. 35)

CÒN NHIỀU KHÍ HƠI KHÁC GIÚP HÂM NÓNG TRÁI ĐẤT

Bài «Trái đất lâm nguy» viết tiếp theo trên Mục Vụ số 76 tháng Ba 1989 rằng ngoài khí than CO2 «các nhà bác học biết rõ còn nhiều khí hơi khác đã góp 50% vào hiệu quả hâm nóng trái đất; chẳng hạn như khí đạm N02 phát ra từ chất đốt, khí méthane CH4 phát ra từ phân chuồng, rác rưởi, rơm rạ, hoa màu và cây cỏ mục nát. Nhưng quan trọng hơn cả là khí chloro-fluoro-carbon (CFC). Khí CFC chẳng những phá hủy lớp khí Ozone (03) ở thượng tầng khí quyển, mà còn gây hậu quả hâm nóng bầu trời nữa.» (tr. 36)

Bài báo Mục Vụ tháng Ba 1989 viết tiếp: «Khi được phát minh cách đây 60 năm về trước, khí CFC được coi là một ân huệ trời ban. CFC không độc, không cháy, không màu, không vị, không làm hao mòn và cũng không tác dụng trên các chất khác. Khí CFC rẻ tiền, tiện dụng và có công dụng rộng rãi. Người ta dùng CFC để làm các bình xịt, tủ lạnh và máy điều hòa không khí; để tẩy rửa các dụng cụ y khoa, các máy điện toán và các máy móc tinh vi khác ; để chế tạo các vật dụng bằng mủ, các nệm bọt (mousse), các đệm tường cản lạnh (isolant).» (tr. 36)

Đến năm 1978, Hội nghị Montréal (Canada) có quyết định yêu cầu các nước kỹ nghệ giảm sản xuất 35% khí CFC kể từ đó cho đến năm 2000. Bài báo tháng Ba 1989 viết tiếp: «Cho dù người ta ngưng sản xuất khí CFC tức khắc kể từ hôm nay, số lượng CFC hiện có để sử dụng trong kỹ nghệ và trong sinh hoạt cũng đủ để tiếp tục hâm nóng thêm trái đất và tán mỏng hoặc chọc thủng đó đây lớp khí Ozone 03 rồi. Được biết một phân tử CFC hấp thu nhiệt lượng 20 ngàn lần nhiều hơn một phân tử khí than CO2. Và một phân tử chloro (do lúc CFC rả ra) có thể phá hủy đến cả 100 ngàn phân tử Ozone 03. Hiện nay, lớp khí 03 này đã bị tán mỏng và chọc thủng ở trên vòm trời Nam và Bắc Cực. (…) Sở dĩ có hiện tượng này là vì khí CFC không tác dụng trên các chất khác, nên cứ thế mà bốc lên tượng tầng khí quyển, tấn chiếm tàn bạo chỗ đứng của khí 03 và tồn tại mãi đến cả 100 năm sau. Được biết lớp khí 03 có công dụng lọc quang tuyến cực tím trong tia sáng mặt trời; và nếu khí 03 mất đi 1% thì bệnh ung thư da sẽ tăng thừ 4 đến 6%, bệnh màng mắt sẽ gia tăng lên và hệ thống tự động phòng kháng của cơ thể người ta sẽ yếu đi.» (tr. 36-37)

Hơn nữa, «nhật báo La Liberté của Thụy Sĩ ngày 9.2.89 đã đang bài của Christophe Passer, trang 5, cho biết khí 'halon' dùng trong bình xịt chữa lửa tàn phá lớp khí 03 gấp 3 đến 10 lần hơn khí CFC trong các bình xịt thông thường. Riêng Thụy Sĩ mỗi năm nhập cảng đến 200 tấn khí 'halon' này. Theo C. Passer, một đoàn du-khảo gồm các nhà bác học thế giới đến Bắc Cực vào tháng giêng năm nay để nghiên cứu lớp Ozone trên bầu khí quyển đã xác nhận lại một lần nữa là lớp khí 03 này càng lúc càng tán mỏng đi trên đầu chúng ta.» (tr. 37)

Tạm kết luận ở bài này : Cho dù nhân loại ngày nay đã có cố gắng giảm bớt chút chút mức xả khí độc lên bầu khí quyển, hiệu quả của nó cũng giống như nhỏ một giọt nước trên một tảng đá nóng bỏng mà thôi. Bằng chứng cụ thể là, vào năm 2004 và 2005 này, thời tiết trên thế giới vẫn tiếp tục bị hâm nóng và xáo trộn lên mãi, tạo ra những thảm trạng ngang trái thất thường. Các bức không ảnh chụp về trái đất từ các phi thuyền không gian đã cho thấy rõ một lỗ thủng khổng lồ trên vòm trời Nam Cực và Bắc Cực, xác nhận khí Ozone bị tán mỏng đi hoặc tiêu tán mất. Các lời hô hào cổ võ cho một nếp sống lành mạnh, cũng như cho công cuộc phát triển kinh tế bền bĩ lâu dài hơn là quá xô bồ như hiện nay, chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc. Hình như nhân loại ngày nay không còn tin tưởng gì ở tương lai của mình và chỉ biết tranh nhau để sống vội và… chết vội mà thôi! (Còn tiếp)

Trần ngọc Báu Fribourg ngày 15/03/2005

LAVENDER

Cây thuốc quý

Trời cho trước mặt,

sao ta không dùng?

Minh Nguyên

Lavender là một loại cây thuốc có rất nhiều tại Úc. Người Úc rất thích trồng loại này vì nó co hoa mầu tím nhạt, đẹp, lại vừa có mùi thơm phơn phớt dịu dàng. Lavender được dùng để chữa nhiều thứ bệnh thông thường. Mùi thơm của nó có thể làm dịu bớt sự căng thẳng thần kinh…

Tên khoa học của nó la Lavandula Spica.

Trước khi tìm hiểu công dụng của nó, ta cũng nên biết qua cách trồng, nơi trồng, khí hậu…, thời tiết…, để ta có thể phát triển khả năng trồng và biết cách dùng chính xác.

Cây Lavender thường mọc thành chùm, thành bụi, cao không quá một mét. Tiếng Việt không có tên dịch đúng. Có sách goi là «cây cải hương», có sách dịch bằng cách phiên âm «La-ven-đờ».

Đi ngược về quá khứ, người ta đã tìm thấy cây Lavender đầu tiên tại những vùng núi hướng tây thuộc khu vực Địa Trung Hải. Cái tên «Lavender» đến từ ngôn ngữ La tinh «Lavare», có nghĩa là «rửa sạch» (to wash).

Nó là một trong những loại cây thuốc có quá trình chữa bịnh thông thường một cách công hiệu và rất phổ biến trong quần chúng.

Theo truyền thống dân gian ở Âu Châu, cây Lavender được dùng để trị bệnh giun, sán bên trong, và dùng để chữa lành vết thương bên ngoài. Người Hy Lạp, La mã và người Ả rập cổ đại đã dùng cây Lavender như thuốc kháng sinh, thuốc trị long đờm, thuốc chống co thắt. Và tinh dầu Lavender được dùng như một loại nước hoa để làm thơm cơ thể, như pha vài giọt vào nước để tắm.

Năm 1920, R.Maurice Gattefossé, một nhà hóa học chuyên về nước hoa chẳng may bị phỏng bàn tay trong phòng thí nghiệm. Như một phản xạ tự nhiên, ông đã nhúng cả bàn tay bị phỏng vào trong thùng chứa dung dịch Lavender. Sau đó, bàn tay của ông lành lại rất mau chóng, không để lại vết sẹo nào cả. Và cơn đau vì bị phỏng cung giảm nhanh. Biến cố này đã trở thành kinh nghiệm, đưa tới việc chữa bịnh bằng phương pháp thoa bóp bằng tinh dầu Lavender.

Có tất cả trên năm chục loại Lavender khác nhau hiện đang có tai nước Úc. Tất cả các loại Lavender này thuộc loại cây bụi nhỏ, cùng một họ gọi là Labiatae. Sắc mầu hoa của nó cũng có nhiều dạng: từ mầu xanh tươi và mầu tím cho dến mầu trắng. Mỗi loại hoa có khác nhau chút đỉnh tùy theo giống loại cây. Đa số cây Lavender phát triển nhanh, tốt nơi có khí hậu ấm áp và đất có chất kềm (Alkaline).

Có những loại Lavender thông thường hơn ngày nay ta thường thấy là loại Lavendura dentata hay fringed lavender (có tua, lá có rìa). Loai này la loại lavender của Pháp. Fringed Lavender mọc từng chùm, từng bó đan kín vào nhau, hoa mầu tím và lá mọc rất dày trên thân cành.

Loại Lavender của Anh Quốc gọi là Lavendura augustifolia, có hoa nhỏ hơn loại của Pháp, nhưng có mùi thơm rất nồng, rất được các nhà hóa chất ưa chuộng để chế tinh dầu Lavender.

Và một loại Lavender khác là Lavendura Spica, thấp như bò dưới đất, kết thành bụi quanh năm, lá lớn, mầu xanh lá chuối non hoặc mầu xám nhạt.

TRỒNG LAVENDER :

Hạt Lavender là một loại hạt rất lâu nẩy mầm. Nếu ta trồng bằng cách gieo hạt, thì rất lâu ngày tháng nó mới nẩy mầm! Cho nên, thay vì gieo hạt, ta trồng bằng cách giâm cành, kết quả sẽ nhanh hơn nhiều.

Cắt cành như thế nào, lúc nào và cách dưỡng làm sao để có Lavender nẩy mầm mới sớm và lớn nhanh?

Ta cắt cành vào đầu mùa Xuân là tốt nhất (tại Sydney Úc, đầu Xuân khoảng giữa tháng 8 Dương lịch). Tuy nhiên, ta cũng có thể cắt cành để trồng trong suốt mùa Xuân (tháng 8 + 9 + 10). Sang đến mùa hè (tháng 11 + 12 + 1) cũng có thể cắt cành trồng được, tuy nhiên phải để trong mát 100% ít nhất là 3 tuần lễ. Sau khi các chồi mới đâm ra và lớn lên, sau đó ta đem ra ngoài nắng từ từ (ví dụ: tuần lễ đầu ta để ngoài nắng sớm 2 giờ mỗi ngày, tuần lễ thứ hai ta để ngoài nắng 3 giờ, tuần thứ ba 4 giờ mỗi ngày…

CHÚ Ý : Nếu ta cắt cành và trồng trong mùa Đông lạnh, xem như ta đã làm một việc vô ích, vì mùa Đông, cây cối không phát triển, cành trồng xuống sẽ chết. Trong nghệ thuật trồng cây, ta nên nhớ câu này:

XUÂN SANH

HẠ TRƯỞNG

THU LIỄM

ĐÔNG TÀN.

Nói chung, cho hầu hết các loại cây, nếu ta trồng vào mùa Đông thì thất bại là cái chắc! Tuy nhiên, có những loại cây dặc biệt có thể trồng, cắt bớt rễ, tỉa cành lá vào mùa Đông lạnh, như cây thông (pine) hoặc một số các loai lan (orchids).

CẮT CÀNH VÀ TRỒNG :

Dùng dao, kéo cắt cành dài độ 15 – 25 cm, cắt dưới mắt co nhánh phụ hay có lá. Ta cắt bỏ hết lá đi, chi chừa trên đọt 3 lá thôi. Không cắt cành non quá, cũng không già quá, không đủ dức phát triển. Giâm cành vào chậu hay ngoài đất xốp, dễ thông nước, để vào chỗ mát 100% và thoáng khi. Ngày đầu tiên, ta chi cần tưới nước một lần thôi. Ba ngày sau ta mới tưới lại. Sau đó, ta tưới nước bình thường. Nên nhớ là cây Lavender chi cần tưới ít nước, giữ độ ẩm và có ánh sáng mặt trời là chính.

BÓN PHÂN :

Từ ngày giâm cành vào chậu (hay vào đất), trong suốt sáu tuần sau đó, không được bón phân, vì chồi non mọc ra còn yếu, phân vào sẽ làm chết cây. Sau 6 tuần, có thể bón phân từ từ. Trong mùa mưa, ẩm ướt hoặc sương gia lâu ngày, ta có thể mang chậu lavender vào trong hiên để tránh mưa và sương giá. Nếu trồng ngoài đất, thường người ta lên luống đất cao để trồng, tránh nước đọng ở gốc sẽ làm chết cây.

Nếu ta trồng Lavender bằng cách giâm cành, năm đầu tiên khi nó trổ hoa, nên cắt bỏ hoa, vì thời gian này, rất cần dinh dưỡng để nuôi toàn cây. Sang năm thứ hai, cây lavender sẽ khoẻ mạnh và cho nhiều hoa và tinh dầu. Cuối mùa hoa, ta nên cắt tỉa cho gọn gàng, không để cao quá sẽ làm cây yếu đi. Đặc biệt trong nghệ thuật choi Bonsai, người ta thường trồng loại Lavender Star, có hoa giống hình ngôi sao, rất thơm.

THU HOẠCH :

Người ta thường cắt cành hoa Lavender khi chúng vừa nở rộ và trước khi thành hạt. Cắt vào ngày khô ráo, nóng, sẽ cho ta tối đa tinh dầu. Không nên thu hoạch sau cơn mưa. Sau khi thu hoạch, muốn cho cây chóng khô, hãy treo chuc đầu xuống nơi khô ráo, trong mát. Cây khô càng nhanh sẽ cho nhiều tinh dầu hơn.

CÔNG DỤNG:

Lavender có mùi thơm rất nồng. Người ta có thể dùng để pha trộn làm mùi thơm cho bánh ngọt, đông sương hoặc cho ca thịt jam. Hoa Lavender còn được dùng để trang trí trên bánh (cake) cho đẹp mắt và cho thơm ; trộn vào món salad….. . Ban tối, dùng vài giọt tinh dầu Lavender, nếu có thêm dầu chamomile càng tốt, đỏ trên bình có thắp đèn cầy ở dưới, sẽ tạo cho giấc ngủ êm đềm.

CHỮA BỊNH :

Tinh dầu Lavender là một trong những loại tinh dầu thông thường nhất dùng để chữa những chỗ đau nhức bằng phương pháp thoa bóp. Ngày nay, tinh dầu Lavender rất có uy tín để chữa được nhiều thứ bịnh như rối loạn thần kinh, kiệt sức, rối loạn tiêu hóa, biến chứng bất thường về đường ruột, kiết lị, nhức đầu, bị côn trùng đốt, bị nổi mụn lên mặt, và rất tốt để làm thuốc masage nhức mỏi. Tinh dầu Lavender có thể trộn với thuốc giảm đau (dùng ngoài da), có thể thấm thấu qua làn da mau chóng.

Bạn thử bỏ một bó Lavender (thân, lá, hoa) vào bồn nước tắm, bạn sẽ ngửi thấy một mùi thơm dễ chịu, trị loai da khô, da ngứa…và cảm thấy tinh thần thoải mái hơn, dễ ngủ, đặc biệt chữa cháy nắng (sunburn).

Lavender, với khả năng chống lại vi khuẩn, có thể chữa bộ phận sinh dục nữ bị viêm hay nhiễm độc

Dùng Lavender làm trà uống buổi tối, sẽ làm cho giấc ngủ ngon, êm đềm.

LỜI DẶN CẦN THIẾT :

Tinh dầu Lavender không được dùng cho trường hợp sau đây :

Người đang có mang (Vấn đề này người ta chỉ có lời khuyên qua kinh ngiệm, y học chưa có kết luận chính xác. Người ta nghĩ rằng tinh dầu Lavender có thể kích thích tử cung phản ứng tương phản và gây ra xẩy thai).

Mặt khác, Lavender rất hữu dụng trong lúc thai đdã lớn (4 tháng +).

Minh Nguyên

Nói với Việt Kiều

Tác giả Chung Mốc hiện đang cư trú tại Thủ Đức, Việt Nam, gửi bài qua một thân hữu chuyển đến. Trước 1975, tại miền Nam, ông là một nhà giáo, một huynh trưởng sáng giá. Bài viết của ông, như tựa đề, viết theo cách nhìn của bà con quê nhà nhìn những Việt kiều Mỹ khi họ về thăm lại quê quán.

Tháng Năm, nóng toé khói.

Ai đã từng đi xa quê hương đều ước mong có dịp trở về, hoài niệm làm người ta xao xuyến đến cháy lòng. Tìm về từ vật chất đến tinh thần, để thấy những cái tưởng mất đi vĩnh viễn nay lại tìm gặp, cái xưa tầm thường nay trở nên quí giá.

Tôi may mắn thường có dịp đón tiếp thân nhân cùng bạn bè về thăm nhà, nhận thấy song song với nỗi vui mừng khi tái ngộ, còn có vài điều tưởng giữa chúng ta, TA và TÂY tự điều chỉnh, để ngày xum họp niềm vui thêm trọn vẹn.

Tôi nhận thấy có mấy dạng Việt Kiều:

- Người giàu (Có lẽ là giàu thật) quan niệm đi 5 về 10, xênh xang áo gấm về làng, họ hàng cũng được thơm lây. Hàng xóm có lòng đố kỵ cho là nổ: Hồi xưa nghèo không có đôi dép mà đi, giờ thì đi đâu cũng kè kè chai nước lọc, vô nhà ai cũng không dám uống nước dù là nước trà; nước giếng, nước mưa thì chê hôi. Họ đâu còn nhớ tới những ngày kinh tế mới, những ngày đi đào kinh thuỷ lợi nghiêng nón múc một ít nước đục ngàu mà uống. Bây giờ cứ đòi vào nhà hàng máy lạnh sang thiệt là sang để ăn uống cho an toàn khỏi sợ đau bụng, nhưng nếu họ chịu quá bộ ra chỗ đang rửa chén tô, nơi nhà bếp đang lặt rau, làm cá băm thịt, thì tưởng chưa có nơi nào mất vệ sinh hơn thế nữa!

Tôi lấy làm ngạc nhiên và hãnh diện khi người mình mới qua tới xứ người, người lâu thì vài ba chục năm, người mới thì chỉ năm hay mười năm mà nay ai cũng là bác sĩ kỹ sư, chủ hãng chủ tiệm, tiếng Tây tiếng Mỹ phun phèo phèo, mà hình như không có ai làm thợ hết cả (?).

Nếu quả thực như thế thì Mỹ trắng Mỹ đen quá kém, nay họ lại phải xin đi làm công cho người mình nhiều quá, chứ như ở VN mà mấy anh Campuchia qua đây lập nghiệp, không chịu làm cu ly khuân vác từ đời cha tới đời con thì cũng còn khuya mới ngóc đầu lên nổi.

Có người qua Mỹ đã lâu nhưng còn e ngại vì tài chánh eo hẹp chưa muốn về thăm quê, vì ngoài tiền vé máy bay ra, còn tiền quà cáp, xe cộ tiêu xài. Nhưng họ đâu biết rằng có tiền cho thân nhân đã quí, nhưng gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách còn quí hơn nhiều lắm.

Vẫn biết rằng trong đám thân nhân "yêu vấu" kia thế nào cũng có người nói xấu sau lưng: "Việt Kiều về quê mà Trùm Sò thế thì về làm quái gì".

Cũng may số người này không nhiều.

- Người nghèo (Có thể là nghèo giả) than van quá trời vì sợ người nhà vòi tiền, mà có người vòi tiền thật, mè nheo đủ thứ. Họ không chờ cho đến khi gặp mặt mà thư, điện tới tấp khiến mẹ cha, anh em con cái phát chán, vì người ta biết tiền gửi về sẽ bị tiêu pha một cách lãng nhách bởi những người chuyên vô công rỗi nghề, từ sáng tới tối xách xe chạy vòng vòng.

Thái độ và cử chỉ bên TÂY thì lịch sự nhã nhặn, cưng chiều vợ con hết mức (theo kiểu nịnh nghề bà lắm nạc) khiến phe TA ở quê nhà xốn con mắt lắm. Nhưng khốn nỗi TA lại cộc cằn thô lỗ, gia trưởng y như xưa, y như cách đây hàng thế kỷ. Hôm nay nhà có cơm khách, khách hỏi:

-Còn các cháu đâu, không ra dùng cơm luôn thể?
-Các bác cứ xơi tự nhiên, các cháu đã có rồi.
Các bác đang xơi, các cháu thập thò ở cửa, Bố quát:

-Xuống bếp ăn với mẹ!

Đứa con giơ tay lên trời: -Xin thề là dưới bếp hết cả nước lẫn cái rồi bố ạ!!!

Bên TÂY gặp nhau ôm hôn chùn chụt, bên TA mà làm thế có ngày chả còn răng ăn cháo. Hôm anh tôi về, thấy mấy trự Việt Kiều gặp người đi đón ở phi trường, lợi dụng cơ hội ôm hôn tùm lum, ảnh nói có nhiều người làm trò khỉ quá.

Rồi sau đó ít hôm ảnh lại nói sao Việt Kiều về cứ phải chứng tỏ mình là Việt Kiều cho oai, lúc nào cũng thấy đeo cái túi mề gà trước bụng, đàn ông lại còn mang quần có dây đeo vai cứ như mấy anh bồi nhà hàng. Họ nói chuyện với nhau hay với con cái cứ xổ tiếng Mỹ làm người nhà phải nghệt mặt ra. Mà làm như thế nghĩ cũng chả ích lợi gì, chỉ tổ cho nhà hàng chém thẳng tay.

Việt Kiều thường phê bình người trong nước đổ đốn, không chịu làm gì cả chỉ ăn nhậu. Nói của đáng tội, cái đó cũng có nhưng vì họ chưa có cơ hội tiếp xúc với những Giám Đốc trẻ không rượu bia thuốc lá; có trách nhiệm, năng lực và lòng tự trọng; những người thợ quần quật với công việc nặng nề; những nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên những thay đổi và ấm no hơn những ngày cũ.

Việt kiều lớn đã thế còn Việt Kiều con, tụi nhỏ về đây gặp khí hậu, thời tiết khác lạ, ăn ngủ trái múi giờ dễ sinh ra dị ứng ốm đau, làm ông bà cha mẹ lo sốt vó.

Thái độ tụi nó cũng kỳ dị lắm, hình như nó không thích được nâng niu âu yếm, đụng vào người là nó co rúm lại, mà người mình có thương thì mới rờ rẫm bóp mông, bóp đít khen nó mập, trắng hồng coi dễ thương hết sức. Ban đầu tôi tưởng tụi nó chê mình ở bẩn, nhưng sau này mới biết là làm vậy không nên, nếu là ở Mỹ có thể bị kết tội child abuse gì đó.

Tụi nhỏ nói tiếng Việt không rành, nó ú ớ bảo là đau bụng, đưa thuốc cho uống cả tiếng sau mới nói là nó "wrong", nó bị đau cổ họng cơ. Có nhiều đứa lý sự và phá trời thần, trẻ con VN mà nói tay đôi với người lớn thế thì có mà nát đít, còn trẻ Việt Kiều nó được tự do tranh luận nếu nó nhận thấy người lớn nói sai. Về VN mà nó làm cứ như ở nhà nó, cái máy quay phim, dàn máy hát ở quê nhà quí lắm, dành dụm biết bao lâu mới mua được, nhưng con cháu Việt Kiều về xài rồi nó quăng vất tứ tung, chọc ghẹo nhau chạy tới chạy lui làm đổ dàn am-pli, cả nhà thấy xót quá mà không ai dám nói gì!

Nói sang cái ăn mới ngộ, đãi Việt Kiều ở nhà hàng, TA ép TÂY ăn thịt

TÂY than thở: "Tại sao lại ép chúng tôi những thứ mà hàng ngày phải ăn mấy chục năm nay?"
Không lẽ kêu măng luộc, rau đay cua rốc, cà pháo mắm tôm, rau muống xào đập tỏi v v...

Những thứ đó quê tôi có đầy ra, bước ra đàng sau vườn loáng một cái có cả rổ, bây giờ thường để cho heo ăn mà thôi, ai nỡ lòng nào đem ra đãi Việt Kiều.

Việt Kiều con thì khác hẳn, vào bàn nó ngồi im như tượng, mặt buồn như Đức Mẹ Sầu Bi ngồi dưới chân thánh giá, hỏi ăn gì thì chỉ lắc đầu.

Thấy mấy ông kêu đồ nhậu rắn rùa, chim chuột. .. đặc sản, nó chỉ con thạch sùng (thằn lằn) trên tường mà hỏi: "Con đó có ăn không ?"

Người lớn thích ăn tiết canh, mua con heo con vịt về cắt tiết hay thọc huyết, nhìn thấy cảnh đó nó kinh hãi ôm nhau khóc thét lên.
Còn về thịt cầy, nó dặn là đừng bao giờ đánh lừa nó ăn một miếng, bởi vì ăn thịt chó, tim sẽ đau đớn như phạm tội vậy.

Về tới SG thả tụi nó vào khu siêu thị thì như cá gặp nước, tụi nó hoạt bát hẳn lên, nói líu lo vì trong đó có bán đồ ăn khoái khẩu của nó.

Ở quê tôi còn có một thứ mà mỗi nhà có Việt Kiều về thăm thì phải lo trước, đó là cái bàn cầu ngồi theo lối Mỹ, nhà cầu kiểu cũ trẻ con ngồi không quen cứ ngã bổ chửng ra. Nhớ hồi cách đây hơn 10 năm, cầu cá dồ chưa bị cấm, có ông Việt Kiều đang ngồi thì bị cầu xập, ông đứng giữa đìa khóc ầm lên kêu Trời kêu Phật, kêu cả thánh quan thầy.

Một cái đáng sợ nữa cho Việt Kiều là muỗi. Xưa kia muỗi chỉ có mùa, bây giờ nhờ kinh tế thị trường nên có quanh năm, nó lại theo trào lưu khủng bố của thế giới nên không kêu vo ve nữa mà chuyên âm thầm đánh du kích, cắn xong một phát là chỗ đó ngứa không chịu nổi. Đối với người trong nước không hiểu vì đã chịu muỗi chích hoài nên cơ thể quen nọc ngứa, hay là tại vì thịt Việt Kiều thơm (tắm bằng xà bông Dove), hay tại muỗi vẫn còn thù dai đối với Đế Quốc, mà cho dù là ban ngày sáng sủa đàn muỗi không cắn ai, lại cứ xà quần bên Việt Kiều như đàn trực thăng sắp đổ quân vậy.

Đối với Việt Kiều nhí thì thật là thê thảm, cho dù bôi thuốc chống muỗi rồi đó, nhưng dính mũi nào là làm độc mũi đó, có khi mưng mủ xưng to như trái chùm ruột. Tôi có đứa cháu kiên nhẫn ngồi đếm được 108 mụn trên một cái chân nhỏ bé!!!

Còn trục trặc ngôn ngữ Việt giữa người trong và ngoài nước nữa chứ. Có nhiều Việt Kiều nghe không hiểu được những từ ngữ "mới". Hồi sau 75 tôi có dịp tiếp xúc với cán bộ hay người miền Bắc mới vô, nghe họ nói tôi buồn cười lắm mà không dám cười, sau đó nhái chơi, rồi dần dần nó ngấm vào giọng nói lúc nào không hay, bây giờ có những chữ mà loay hoay mãi không nhớ ra chữ cũ để thay thế.

Thí dụ: Hôm nay tôi tranh thủ đến thăm anh (cố gắng). TV hôm nay bị sự cố kỹ thuật (trục trặc). Nhưng đến câu "Họ có mặt bằng cho thuê" thì tôi đành chịu không tìm ra chữ nào để thay.

Có anh về nước cầm máy chụp hình hay quay phim thì thấy cái gì hơi lạ là bấm máy liên hồi, thấy người ta nói đi xe khách chất lượng cao (hi quality); xe tham quan (tourist); cửa hàng chuyên bán ổn áp (survolter) là cười khinh khỉnh, nhưng chúng tôi thấy họ nói pha tiếng Mỹ lại càng kỳ quái hơn: Đem cái xe tới tiệm để estimate, anh thợ sửa xe dốt nát đâu biết tiếng Tây tiếng U gì đâu, nghe vậy bèn tháo tung chiếc xe ra; bảo tun-ấp thì nghe giống như "ốc" nên lấy đồ nghề ra xiết tất cả những con ốc lại. Đàn bà con gái gì mà nói giữa chốn đông người "Tôi không có khe" (care); "Vẫn còn ở chỗ cũ đấy, chứ tôi đâu có mu (move)".
Cười, bởi vì khe và mu là những chữ dùng để chỉ cơ quan sinh dục của đàn bà.

Có lần được tháp tùng về thăm quê cũ của mẹ tôi ngoài Bắc, gặp đứa em họ đang phụ trách một đoàn thể trong xứ đạo, nó hỏi xin cái máy kích.

Tôi hỏi cần đẩy hay kéo cái gì, nó giải thích thì giời ơi! đó là cái am-pli và cặp loa để phát thanh, ở ngoài Bắc gọi là cái máy kích âm!!!

Bây giờ họ còn hay nói tắt. Hỏi gia đình thế nào? Trả lời dạo này gia đình chúng em VẤT lắm (vất vả); Món này ăn ngon CỰC (cực kỳ); Thợ xây quát phu hồ: "Lấy cho tao bao Xi (xi măng)!!!

Chữ "bị" ở thế thụ động (passive voice) lại được nói: "Ông ta hơi bị giỏi đấy"; Món này ăn hơi bị ngon v v... Ban đầu tôi tưởng chỉ là cách dùng chữ cho khôi hài, không ngờ có những nhà văn lớn dùng trong văn chương nghiêm túc nữa đấy. Thật quái đản!!!

Hôm xem lậu cuốn băng Thuý Nga, thấy ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói xỏ người ở nước ngoài hay nói chữ là, thay vì nói "Rất đẹp" thì lại nói "Rất là đẹp". Tôi thì tiếng Anh dốt nát, đành dịch ra là "Very is beautiful"!

Ngày xưa còn đi học mà làm luận văn xài chữ: thì, là, mà, bị v v... lung tung như kiểu này chắc thầy vã cho rách mép.

Ở VN bây giờ từ quan cho tới anh cùng đinh khố rách đều nghiện chữ "Nói chung" cũng như mấy anh Việt Kiều hay dùng chữ "You know" vậy.
Hỏi thăm gia đình khoẻ không thì được trả lời: "Nói chung cũng tốt. Mẹ tôi còn đang nằm bệnh viện còn vợ tôi thì mới chết tuần rồi".

Hãy nghe đài BBC phỏng vấn mấy quan chức, hay đọc trong bản báo cáo của mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi ngành không bao giờ thiếu chữ "Nói chung":

-Tình hình chỗ nào cũng vậy, nói chung là tốt, nhưng trong đó còn có một vài bộ phận yếu kém tồn tại. ...

Tôi tới thăm gia đình người bạn mới từ nước ngoài về, bố bảo con gọi mẹ ra đây. Thằng con chạy vào trong hét toáng lên: "Momy, dady muốn momy bây giờ". Hồi lâu sau nó lại chạy ra bảo:

"Momy đang rửa he".

Tôi ngạc nhiên ngẫm nghĩ mãi mới hiểu là má nó đang gội đầu (hair).

Tháng rồi có mấy đứa cháu từ Úc về chơi, tôi dẫn đi ăn nghêu ở Ngã Sáu, trong dĩa nghêu luộc chín há vỏ ra, có con thịt rớt ra ngoài chỉ còn cái vỏ không, đứa bé cầm cái vỏ ngắm nghía một hồi rồi tặc lưỡi: "Không có ai".

Ôi ngôn ngữ Việt của Việt Ta và Việt Tây sao mà rắc rối, biến hoá làm vậy!

Ngày vui qua mau rồi cũng đến ngày tiễn đưa người nhà ra phi trường. Người còn ở VN khoái tiễn đưa lắm, lý do là lúc đó người đi rất ngậm ngùi, còn bao nhiêu tiền trong túi cũng móc ra cho hết, thương lắm cơ.

Việt Kiều con ra tới phi trường thì mừng lắm, chúng nhảy cỡn lên múa máy tay chân rồi la to:
-Thoát khỏi Việt Nam rồi! Thoát Việt Nam rồi!
Vậy thì tôi còn mong gì khi chúng lớn lên, học hành thành tài rồi về giúp đỡ quê hương?

Chung Mốc

Toa thuốc hay
 
I – SỨC KHỎE :
Tổ chức y tế thế giới định nghĩa :
Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn
toàn về thể chất và hoàn cảnh chứ không phải
là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật.
    II– BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ :
1.   Chấp nhận: với những gì mình đang có.
2.   Thích nghi: với hoàn cảnh của mình.
3.   Điều chỉnh: để đạt được điều mong muốn.
    III ­– PHÒNG NGỪA BỆNH TẬT  :
1.   Không vui quá = hại tim.
2.   Không buồn quá = hại phổi.
3.   Không tức quá = hại gan.
4.   Không sợ quá = hại thần kinh.
5.   Không suy nghĩ quá = hại tỳ.
    IV - Xua tan hoài niệm cay đắng bằng tha thứ và lẵng quên.
     V – Với người cao tuổi tránh tranh luận hơn thua.
    VI – THỨC ĂN UỐNG HÀNG NGÀY:
   Một củ hành: chống ung thư.
   Một quả cà chua: chống tăng huyết áp.
   Một lát gừng: chống viêm nhiễm.
   Một củ khoai tây: chống sơ vữa động mạch.
   Một quả chuối: làm phấn chấn thần kinh,giảm bớt âu,chẳng táo
bón,giảm béo.
   Một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng .
  Uống một đến hai lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.
    VII – TRIẾT LÝ CỦA NGƯỜI TRUNG HOA HIỆN ĐẠI :
 1.Trung tâm là sức khỏe.
 2.Hai tí:  một tí thoải mái -  một tí nhiệt tình.
 3.Ba quên: quên tuổi tác – quên bệnh tật – quên hận thù .
 4.Bốn có: có nhà ở - có bạn đời – có bạn tri âm – có lòng vị tha.
 5.Năm phải : phải vận động – phải biết cười – phải lịch sự hòa nhã – phải
biết nói chuyện và phải coi mình là người bình thường.
 

Ai Cơ sưu tầm

NÓNG GIẬN

TRONG

HOẠT ĐỘNG

CỘNG ĐỒNG

Có bao giờ bạn nổi nóng trong các hoạt động cộng đồng? Nếu có, bạn không phải là người đơn độc. Phúc Âm Thánh Luca thuật chuyện khi Chúa Giêsu bị khước từ vào một làng miền Samari, hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã phẫn nộ đòi khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi làng đó. Nhưng Chúa đã quở mắng các ông rồi Thầy trò trẩy qua làng khác (Lc. 9:51-56).

Nóng giận là cảm giác tức tối, bực bội xảy ra trước một điều trái ý mình. Nó thường đi đôi với những thay đổi trong cơ thể như nhịp tim đập nhanh hơn, áp suất máu gia tăng, mặt đỏ, khó thở, các bắp thịt trở nên căng thẳng... Các triệu chứng nầy kèm với cảm giác giận dữ khiến người ta có ước muốn phản công lại cấp kỳ.

Sự căng thẳng là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với các áp lực thể lý cũng như tình cảm và có thể sản sinh các phản ứng tiêu cực. Ví dụ, khi bị phiền trách một cách bất công, chúng ta dễ có ý nghĩ bực bội, rồi sinh cảm giác tức giận, mặt có thể đỏ lên hoặc tái nhợt, và hậu qủa là, nếu không biết kềm giữ, thái độ ứng xử của chúng ta sẽ lúng túng, mất hiệu qủa. Sự căng thẳng, vì vậy, làm cho chúng ta dễ trở nên bối rối, không thích hợp trong suy nghĩ và hành động.

Khi tham gia việc chung, chúng ta thường bị nhiều thứ áp lực: trách nhiệm phải chu toàn, chạy theo thời gian, thiếu phương tiện, lời khen tiếng chê của người đồng sự và của quần chúng... Dầu muốn dầu không, những áp lực nầy đều có ảnh hưởng mạnh đến tinh thần, tình cảm của người hoạt động.

Tổn thương các quan hệ cá nhân là một trong những cái giá nghiêm trọng rất đáng tiếc do tính nóng của một người gây ra. Trong khi xây dựng quan hệ đòi hỏi một thời gian dài, cơn nóng giận xảy ra chốc lát có thể làm hư hại mối quan hệ đáng trân trọng đó. Đáng tiếc hơn nữa, thường khi cơn nóng không làm chúng ta giận dữ người ngoài, mà chính với những người cộng sự gần gũi của mình.

Bạn hãy nghĩ về sự nóng giận gần đây nhất của mình đã xảy ra với ai? Bạn có lấy làm tiếc đã làm mất lòng họ không? Nếu có, một khi bạn tiếp tục cách ứng xử gấp rút khi nóng nảy, chắc chắn bạn sẽ không xây được tình thân mà trái lại, sẽ xô đẩy những người còn lại càng ngày càng xa cách mình.

Tất nhiên, chúng ta cần phải có thái độ tức giận trước một tình trạng bất công hoặc các hành vi bạo ngược xảy đến cho chúng ta cũng như những người chung quanh. Thế nhưng, cách ứng xử nào là thích hợp để mang lại hiệu qủa? Có phải sự nóng giận làm cho chúng ta bị lu mờ trong nhận định và mất hiệu qủa trong hành động? Nếu vậy, bạn cần áp dụng một số phương thức cần thiết để tránh ân hận về sau.

Lấy giờ tạm nghỉ (Time out)

Trước hết, chúng ta phải nhận rằng mọi người đều có lúc nóng giận. Nóng giận là một loại tình cảm bình thường mà hầu như ai cũng đều có kinh nghiệm. Khi nóng giận, điều bạn cần làm ngay là nén lòng, tìm cách nguôi cơn giận (cool down) trước khi phản ứng. Bạn có thể thực hiện điều đó bằng cách không phát biểu, tập hít thở, tự đếm số chậm rãi từ 1 đến 20 trong thinh lặng, lấy giờ tạm nghỉ, và nếu cần bước ra khỏi hiện trường. Trong nhiều trường hợp, việc rút lui khỏi hiện trường để giải lao là hiệu qủa nhất vì nó giúp chúng ta dễ lấy lại bình tĩnh và tránh bầu khí căng thẳng.

Dùng phương pháp ‘tự tranh luận’ (Dispute Thinking)

Tiếp theo, trong khi suy nghĩ để có một phản ứng thích hợp, bạn cần nhận diện vì sao mình có cảm giác nóng nảy đó? Bạn có thể áp dụng phương pháp “tự tranh luận” (dispute thinking), đặt ra những giải thích cho quan điểm của đối phương, cũng như thử nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh. Một khi nhìn vấn đề một cách bình thản dưới nhãn quan của người khác, chúng ta thấy đối phương phần nào có lý lẽ của họ và nhờ vậy, dễ có lòng thông cảm hơn.

Đối thoại, đàm thoại (Communication)

Sau khi suy nghĩ, chúng ta quyết định điều phải làm. Trong thực tế, để giải quyết vấn đề, chúng ta cần áp dụng các phương thức trong đàm thoại theo các bước tuần tự như: lắng nghe điều người khác phát biểu; nếu cần, lập lại điều đã nghe để hiểu cho chính xác; rồi trình bày trong ôn hoà quan điểm của mình. Trong cách lắng nghe và trình bày, để tránh đẩy người khác vào vị thế bị tấn công, chúng ta cần dùng lối nói lấy tôi làm chủ từ (I message). Ví dụ, thay vì nói “Anh đến trể làm mọi người trễ họp” thì nói, “Tôi khởi sự giờ họp trễ vì tôi phải chờ mọi người đến đông đủ”.

Các thánh nhân cũng nóng giận, nhưng trước cơn nóng giận họ ứng xử khác với người thường. Thánh Thérèsa thành Lisieure khi bị chọc giận thường cầu nguyện, xin Chúa thưởng công cho kẻ tấn công mình vì người nghĩ rằng đây là cơ hội để tập luyện nhân đức kiên nhẫn. Còn thánh Francis de Sales thì khuyên bảo chúng ta, khi nóng giận hãy cầu xin cho được an bình trong tâm hồn và chuyển ý nghĩ của mình qua một hướng khác. Nếu bắt chước các ngài, đồng thời áp dụng các phương thức giải quyết của khoa tâm lý, một khi nóng giận chúng ta lấy giờ tạm nghỉ (time out), tránh khỏi hiện trường, dùng lối ‘tự tranh luận’ và đàm thoại trong ôn hoà thì chắc hẳn chúng ta sẽ tránh được các đổ vỡ quan hệ vì nóng giận.

Trần Hiếu

Giọng cũ

Xa gần

*An Phong, một gia đình-

Một ở đây, không có nghĩa chỉ là con số, nhiều hay ít. Bởi, ít hay nhiều vẫn chỉ có mỗi một con số cỏn con. Số cỏn con ở đây, rất hay và rất đẹp là vì: gia đình rất an (bình) và phong (phú) này vẫn cứ phú và an trong nhiều tháng nhiều ngày, ở huyện. Truyện kể rằng, huyện An Phong năm nay, tinh thần gia đình anh em mình rất bền và rất vững. Mới kêu gọi có vài lá thư thôi, mà sức bật phản hồi đã về tới tấp. Dân Gầy có ý nói đến lá thư kêu gọi của đức thày “giám tỉnh… VN”, rất chân tình. Rất an bình. Chả biết công đức của đức thày có vẹn toàn tính An Phong hay không, nhưng đức thày mới có kêu và gọi, chỉ đôi ba lời thôi, đã thấy bà con (chứ không phải là con bà) đã tới tấp, gửi… tiền lì xì, hỗ trợ. Có vị, chỉ tặng tiền lì xì chứ không mua sách. Có vị, không dám chê, nhưng chỉ biết khen sách quá dầy, và vẫn lai rai…mua để vào thư viện ở nhà. Dân Gầy, khi viết những giòng này, chưa được hân hạnh sờ chạm vào sách, nhưng cứ nghe thày đức/đức thày nói là của đàn anh vốn bậc thượng thừa, ngành truyền thông/biên khảo, là đã thích. Đàn anh đã biên khảo, thì chắc chắn phải hay vào cỡ … thượng thừa, chứ chẳng chơi. Vậy, xin bà con giống giòng An Phong cứ cho vài hàng lên tiếng, rất cung kính. Cảm ơn quý bà và quý con!

*Thời buổi có những..dê..nê…gian…:

Thời buổi này, là thời của những buổi tế thần hoặc thần tế hay sao mà ngôn ngữ của con bà lẫn bà con nó cứ loạn xạ cả lên. Chẳng hạn như chuyện bên dưới::

Một khách du lịch Mỹ đến thủ đô Warsaw, Ba Lan bằng xe hơi, bỗng tự dưng, dừng lại hỏi công an giao thông con đường đi về hướng Công viên có trình diễn nhạc Chopin. Công an rất lịch sự nói:

-Thưa tướng quân, Ngài cứ đi thẳng, đến ngã tư đầu thì rẽ trái, thẳng một đoạn nữa là Ngài thấy ngay công viên từ xa.

Khi xe du khách đi khuất, một công an khác hỏi đồng nghiệp:

-Hay nhỉ, khách chẳng nói chẳng rằng tì gì về ông ta, mà sao cậu biết ông là tướng, với lại quân?

-Cậu ngốc thật! Thế cậu không nhìn thấy hàng chữ “General Motors” trên ô tô à?

Lời bàn của DânGầy: Hết biết! Hết biết! (Chứ không phải là “biết hết!” “biết hết”, đâu nhe bà con.

*Lại câu chuyện, về ngôn ngữ.

Cứ nói chuyện về ngôn ngữ, có lẽ chẳng bao giờ hết chuyện. Chí ít, là chuyện ngôn ngữ của… vi tính. Hay, nói về chuyện xã hội có chủ và có nghĩa. Tương tự như câu chuyện rất chủ và rất nghĩa, ở dưới đây:

Trong cửa hàng thực phẩm quốc doanh nọ, người khách nữ bước đến quầy và hỏi:

-Ở đây có bột mỳ không, thưa ông?

-Đội ơn Chúa, có bà ạ!

-Thế còn muối?

-Đội ơn Chúa, dạ có đấy, thưa bà!

Anh công an đứng sát cạnh nghe câu chuyện đối đáp rất vắn gọn như thế, bèn nói chõ vào:

-Như thế nghĩa là thế nào? Tại sao lại “đội ơn Chúa”?! Ông có biết có tất cả những thứ ấy là do ai làm ra không? Đâu phải do Chúa, bà gì…đâu. Ông phải nói là: “Đội ơn Đảng” mới đúng chứ!

Người bán hàng tái mặt, vội xin lỗi công an về cách ăn cách nói không suy nghĩ của mình. Khi bà khách hàng hỏi tiếp:

-Thế hôm nay có bơ không hả ông?

Ông bán hàng liếc anh công an một cái, rồi nói:

-“Đội ơn Đảng”, không có bà ạ!

(trích chuyện cười xứ hai, Ba…(bốn) Lan.)

*Và, thêm một chuyện nữa, cũng không nhàm:

Đảng viên cộng sản được chia thành 5 loại:

-1: Xe Mercedes; Rựợu hảo hạng; Các nữ nghệ sĩ.

-2: Xe Volga của Liên Xô; Vodka ngoại; Nữ thư ký.

-3: Xe hơi nội địa; Vodka nội địa; Bạn gái cùng nhiệm sở.

-4: Xe bus công cộng; Rượu trái cây; Vợ mình.

-5: Xe bò kéo; Một chai bia; Bà quét dọn.

*Giọng cũ rất gần của người em lm họ Hồ:

Người em linh mục họ Hồ vẫn miên man tông đồ, từng cây số. Là đàn em, nhưng Lm cứ thích xưng hô Bác/cháu. Thôi thì, cháu bác/bác cháu theo tỷ lệ nghịch, nói cũng được. Cháu Hồ mà bác Trần, nghe cũng vui. Vui hơn, là người em có những giòng chảy hơi hơi .. chậm. Chậm nhưng chắc. Chậm mà vui, như sau:

Hà Nội 25/11/2008

Bác Tá kính mến,

Mới trở lại Hà Nội mấy cách đây mấy ngày, đọc DIA của Bác vừa đưa lên mạng, con giật mình và lo lắng sợ Bác buồn vì quên khuấy đi mất. Bác nói con viết bài cho kỳ này. Nhưng con tin Bác thương thông cảm, bởi vừa qua con ở trong niềm vui quá lớn lao nên “vui xuân quá đã quên nhiệm vụ”.

Mười mấy ngày vừa qua, con trở về lại Buôn Ma Thuột để cùng Gia đình tham dự dịp ân phúc Chúa ban cho gia đình, người anh ruột của con được lãnh chức linh mục - cũng là lãnh tác vụ phục vụ Chúa trao phó.

+Nói là dịp ân phúc, vì đối với anh con, chuyển từ giáo phận này sang giáo phận khác (Anh con tu tại giáo phận Kontum) phải chờ đợi năm năm để chuyển hộ khẩu theo quy định của Nhà nước, rồi mới được nhập chủng viện. Thành ra, cùng với hai năm chờ đợi từ khi nộp hồ sơ, con số năm theo đuổi đến chức linh mục phải đến (2 + 7 + 5 =) 14 năm ròng rã. Nhưng người vẫn kiên trì và bình an vững bước đời tu, và cùng với 11 anh em khác trong lớp, được Chúa cất nhắc lên hàng tư tế trong thánh lễ long trọng và hết sức cảm động tại nhà thờ chánh toà Kontum, ngày 14 tháng 11 vừa qua.

+Nói ân phúc, vì đối với Giáo Xứ tại quê hương con, trong dịp vừa rồi, được phúc đón nhận một lúc sáu tân linh mục. “Việc Chúa làm thật lạ lùng và kỳ diệu” phải không Bác. Hiếm có thánh lễ tạ ơn tân linh mục mà có tới sáu vị cùng tổ chức một lần, bữa tiệc lên tới 5000 người (500 mâm cỗ). Vui lắm, Bác ạ.

Điều đặc biệt là sáu vị này đều được mời gọi để phục vụ bà con dân tộc ít người tại miền truyền giáo vùng Kontum- Pleiku, cho các dân tộc Banar, Jarai, Sedang; Và theo con, họ đã được ĐGM giáo phận Kontum đào tạo có định hướng cho việc truyền giáo, được cung cấp đủ phương tiện và khả năng để bắt đầu nhập cuộc vào cánh đồng truyền giáo, tại Vùng này. Đó có lẽ là ân phúc lớn cho dân nghèo tại giáo phận Kontum.

+Nói là Ân phúc, vì đối với gia đình con, đã có linh mục thứ hai trong gia đình. Lâu nay có một mình, bây giờ có thêm anh là linh mục cũng vui vui Bác ạ. Bác biết không, khi Ba con mất, cách đây gần 5 năm, thì người em trai út của con cũng có ý định dấn thân trong đời sống tu trì. Từ đó, gia đình chúng con có 4 anh em cùng đi tu. Bây giờ đã được hai, hy vọng sẽ được hai nữa vào những năm tới. Con muốn chia sẻ để Bác cùng vui với chúng con và đặc biệt, xin Bác cầu nguyện và nâng đỡ chúng con. Bởi con cảm nghiệm làm linh mục thì dễ lắm, nhưng làm linh mục đẹp lòng Chúa không dễ. Có thêm linh mục thì vui, nhưng cũng là gánh nặng, vì Chúa nói “nhận nhiều thì phải trả nhiều”.

Con đã trở lại Hà Nội và làm việc trở lại bình thường. Hà Nội bắt đầu vào lạnh. Ngồi viết thư cho Bác trong phòng riêng mà con phải mặc áo ấm, mang tất, đội mũ len …

Trên đây là một vài tâm tình riêng tư chia sẻ với Bác, trước là để Bác cùng chia sẻ niềm vui với chúng con, sau là để … thanh minh với Bác, xin Bác tha thứ nhé.

Trước khi dừng bút, con kính Chúc Bác, Bác gái và mọi người trong gia đình luôn mạnh khoẻ tràn đầy ân phúc của Chúa.

Xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng con.

Mong hồi âm của Bác (cùng với nụ cười độ lượng).

JB. Hồ Quang Lâm.

DCCT Hà Nội – Gx. Thái Hà

Việt Nam.

Lời bàn của DânGầy: DânGầy mạn phép có lời bàn Mao Tôn Cương rằng thì là: ai chứ bác MaiTá mà cười thì có bao giờ độ lượng đâu. Bác ấy mà cười thì người nhận hồi âm sẽ phải hoặc chung tiền hoặc chung … bài, thôi. Vậy thì, bác cháu họ Hồ/Trần có cần cười… cầu tài không? Hỏi, tức đã trả lời, rồi.

*Là, lời vợ dặn?

Rất nhiều, và cũng rất lia chia, đầy chi tiết. Nhưng điều là lạ hôm nay, là: lời… dặn này, lại do thành viên rất trẻ của chi hội đã 3 con. Vợ con đề huề, đi về một lối. Luôn cơm nhà. Gọi dạ bảo vâng, nên cũng chẳng thấy thành vấn đề. Vấn đề chỉ là: vợ, người đã dặn rằng:

Muời điều Vợ dặn
Lái xe ra khỏi cổng nhà
Vợ kêu giật nguợc, diết da dặn rằng:

Một đừng mơ mộng Thơ Trăng
Ðụng xe thi si gẫy răng u đầu
Hai đừng giữ ống nghe lâu
Gái to õng ẹo ghẹo đầu dây kia
Ba đừng ghé quán ruợu bia
Bốc men tơ tuởng nọ kia khó luờng
Bốn đừng mua báo dọc đuờng
Bìa in hoa hậu soi guơng liếc cuời
Năm đừng liến láo con ngươi
Ðồng nghiệp váy ngắn ẹo nguời đi qua
Sáu đừng hoang phí thời gian
Ngồi lâu trộm nghiá cô hàng càfé
Bảy đừng thấy phở mà mê
Bột ngọt loét dạ lại chê cơm nhà
Tám đừng hò hát lang thang
Tiếp viên ca sĩ giả ma hớp hồn
Chín đừng dạo buớc hoàng hôn
Công viên hoa lá cô hồn rủ rê
Muời đừng ghé rạp xi nê
Tivi nhà sẵn, lẹ về coi phim

Rõ chưa? (vợ hét đứng tim)
Ðừng hòng tuởng bở như chim sổ lồng
Này nên nhắc lại cho thông
Nếu không.... tui quyết nhốt ông ở nhà!

*Đàn ông với đàn bà:

Lâu nay xung khắc có là cạnh tranh. Thật ra, thì cũng chẳng có gì để mà cạnh tranh. Chỉ là chuyện dài muôn thuở, cứ ở xa thì thấy thơm, ở gần lại thấy… khó ngửi. Rất khó như bài thơ, ở bên dưới:

Nếu thế giới này không có đàn ông*
Ai sẽ đèo bà đi long nhong*
Ai còng xương sườn, cong xương sống*
Giúp bà… thư giãn những đêm đông?*
Nếu thế giới này không có đàn ông*
Canh thiu, cơm sống lấy ai ăn?*
Ai là đối tượng bà la mắng?*
Ong ỏng, giọng bà có ai thông.*
Nếu thế giới này không có đàn ông*
Thì đâu có cảnh móc túi chồng*
Tiền lương khoản nọ, bà thu tất*
Chỉ để cho chồng cái túi không!*
Và đây em gái trả lời:*
Thế giới này không có đàn ông*
Các cô thiếu nữ chẳng cần chồng*
Không cần chửa đẻ chi cho mệt*
Một mình…. nếu lạnh đắp chăn bông.*
Thế giớI này không có đàn ông*
Thì ta đi bộ, đi xe bus*
Khỏi chờ phiền phức, khỏi chờ mong*
Nếu cần thư giãn những đêm đông*
Chỉ cần đọc sách hay nghe nhạc*
Lò sưỏi làm ta được ấm lòng.*
Thế giới này không có đàn ông*
Cơm thiu, canh sống chó chim ăn*
Chó mèo đối tượng bà la mắng*
Ong óng giọng bà rất oai phong!*
Thế giới này không có đàn ông*
Ðêm nằm yên giấc không ai phá*
Hỏi rằng như rứa sướng hay không???*
         Nếu Ðời Không Có Ðàn Bà*
Nếu đời không có đàn bà thì đàn ông sẽ
chóng già*
Nếu đời không có đàn bà thì đàn ông sẽ
khóc la*
Nếu đời không có đàn bà thì đàn ông sẽ
thôi ca*
Nếu đời không có đàn bà thì đàn ông sẽ
không có Má*
(và) Nếu đời không có đàn bà thì đàn ông
sẽ thành… cục đá!!!!*
Háháhá!!!*
Nếu thế giới này không đàn ông…*
Bà vào tu viện thế là xong*
Kinh kệ - mỗi ngày bà tụng niệm*
Cuộc đời… có -  có… cũng là không…*
Khiết Bông = Không Biết*
* Thế nào là “địch” thế nào “ta”?
Đúng là thơ với thẩn, một thời đại. Nhưng vấn đề là: có khi nào ta lại muốn là “địch” mà địch lại muốn là “ta”, không chứ nhỉ? Câu trả lời, là ở phía dưới:

Mâu thuẫn giữa Địch và Ta

Vợ là địch, bồ bịch là "ta"

Đám cưới đám ma, thì đi với địch

Party, du lịch - thì đi với "ta"

Chiến sự xảy ra, thì về với địch

Ở trong lòng địch, vẫn hướng về ta

Hết tiền xa hoa, tìm về với địch

Chờ túi chắc nịch, sẽ lại thăm "ta"

Cuộc sống xa hoa, dại gì cho địch

Những điều tốt đẹp, dành hết cho "ta"

Lời lẽ chua ngoa, dành luôn cho địch

Những câu êm đẹp, để nói cùng "ta"

Lỡ gặp phiền hà: về ngay với địch

Nhớ cười khúc khích, lại mau tìm "ta"

Khi bệnh trầm kha, bên ta là địch.

Qua cơn nguy kịch, quay lại tìm "ta"

Giây phút 'trăng hoa', mà ta cho địch

Cảm thấy chán mệt, hơn khi cho "ta"

Thất thế xuống đà, mau về tìm địch

Cho khi thăng tiến, quay lại tìm "ta"

Khi "ta" bỏ ta, lại về với địch.

Đêm nằm bên địch, mơ tưởng về "ta"

Mở mắt tỉnh ra, cạnh ta là địch

Cuộc đời quá mệt - vì địch, vì "ta".

Âu yếm mặn mà, ta không cho địch

Bây giờ cơ cực, "ta" lại bỏ ta

Lòng thấy xót xa, quay về tìm địch

Nhưng đã không kịp, địch cũng bỏ ta

Giờ ngẫm nghĩ ra, hận "ta" thương địch

Cuộc đời đã hết, vì địch bỏ ta

Bài học rút ra: Vì "ta" mất địch

Nếu không muốn mệt, đừng nên có "ta"

Đời vẫn thăng hoa, khi ta còn địch.

Khi Ta móc hềt tiền, trở về với Địch

*Lại nói về văn chương … mình:

Văn chương ngôn ngữ nhà mình, thật phong phú. Có mỗi ngôn từ “nhỏ và to” thôi, thế mà người viết cũng có được một bài ngăn ngắn, đầy ý nhgĩa. Như sau này:

NHỎ VÀ TO

Việt Nam!

1 đất nước nhỏ.

Trong đất nước rất nhỏ đó có một cái thủ đô rất to. Trong cái thủ đô rất to này có những con đường rất nhỏ.

Bên những con đường rất nhỏ lại có những ngôi biệt thự rất to.

Trong những ngôi biệt thự rất to có những cô vợ nhỏ.

Những cô vợ nhỏ dành cho các ông quan to. Những ông quan to đeo những cái cặp rất nhỏ, trong những cái cặp rất nhỏ thường có những dự án rất to.

Những dự án rất to nhưng hiệu quả lại rất nhỏ. Hiệu quả rất nhỏ nhưng thất thoát thì rất to, những thất thoát đó thường được coi là những lỗi rất nhỏ.....

Lời bàn của Dân Gầy: Trong cuộc đời, và cả trong con người vẫn có những cái rất nhỏ, mà lại to. Và cũng có những cái rất to mà lại nhỏ. Biết làm sao bây giờ? Bà con nào biết cách làm cho nó vừa to vừa nhỏ, rất đồng đều? Xin đa tạ, nếu mách giúp.

*Tuổi có già nên đã kiêng

Có nhiều vị thấy Dân Gầy năm nay sắp đến tuổi về hưu chăng, nên cứ gửi nào là cách thức để giúp mình “trẻ mãi không già”, rồi nay lại đến “bí quyết sống lâu… 100 tuổi”. Sống lâu cũng là điều hay, nhưng sống khoẻ mới là điều cần. Cần hoặc hay, ta vẫn cứ thử đọc và xem một lần cho biết. Như sau:

10 bài học về sức khỏe của Nhật Bản,
đất nước được mệnh danh là 'vương quốc của tuổi thọ' vì có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay. 10 bài học đó là:
- Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
- Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
- Bớt ăn đường, ăn nhieu hoa quả
- Bớt ăn chất bột, ăn nhiều sữa
- Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần
- Bớt đi xe, năng đi bộ
- Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn
- Bớt nóng giận, cười nhiều hơn
- Bớt nói, làm nhiều hơn
- Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.
Những bài học trên có tác dụng rất lớn đối với những người bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư dạ dày, viêm gan.

*Tin buồn từ nhà

DIA lại vừa nhận được tin khá buồn, nhưng lại vui về người thày và người anh trong gia đình đã về nhà Cha, như sau:

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)

CÁO PHÓ

Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam,
và gia đình huyết tộc xin báo tin:

Cha INHAXIÔ BÙI QUANG DIỆM

Sinh ngày 30/01/1921 tại Phúc Dương, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Gia nhập đệ tử DCCT : 1937 tại Huế

Khấn lần đầu : 02/08/1945 tại Hà Nội

Khấn trọn đời : 09/09/1948 tại Hà Nội

Nhận sứ vụ Linh mục : 03/06/1950 tại DCCT Hà Nội

Đã an nghỉ trong Chúa lúc 22 giờ 20 phút, ngày 01/01/2009 tại DCCT Sài Gòn.

Hưởng thọ 88 tuổi. 64 năm khấn dòng. 59 năm linh mục.

Thánh lễ nhập quan cử hành lúc 10 giờ ngày thứ Sáu, 02/01/2009. Thánh lễ an táng cử hành lúc 6giờ thứ Hai, 05/01/2009, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn. Địa chỉ: 38 Kỳ Đồng, P.9, Q.3 Điện thoại: (08) 39316322 (105) Email: dcctvn@gmail.com Xin quí vị cầu cho cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm – RIP - Xin hiệp lòng vời Dòng MẸ nguyện cầu cho người Thầy và người Anh luôn cầu bàu cho anh em còn ở dưới thế này. Mong thay!

*Những kỷ lục trong các kỷ lục:

Kỷ lục này lại là của VN… mình. Không tin? Mời bà con bạn bè theo dõi giòng chảy, ở bên dưới:

Việt Nam là quốc gia đạt nhiều kỷ lục nhất thế giới.

· Bà mẹ sinh con nhiều nhất trên thế giới từ xưa đến

nay là bà Âu cơ: 100 con.

· Người đầu tiên trên thế giới lên tới mặt trăng và hiện còn ở đó: ... Chú Cuội.

· Chiếc máy bay đầu tiên của thế giới : con ngựa sắt

của Thánh Gióng

· Kẻ đầu tiên đưa hàng giả nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam: Trọng Thuỷ.

· Người đầu tiên bay vào vũ trụ: Phù Đổng Thiên Vương.

· Người bay lên mặt trăng bằng phương tiện thô sơ nhất: Chú Cuội.

· Vị nữ Tổng Tư Lệnh kiêm Chủ Tịch nước đầu tiên trên thế giới : Hai Bà Trưng.

· Ca sinh sản vô tính đầu tiên : Mẹ của Thánh Gióng. · Người đàn ông đầu tiên có sữa cho trẻ em bú ở Việt Nam: Ông Thọ.

· Người quái thai dị dạng nhất Việt Nam: Sọ Dừa.

· Người phụ nữ nặng nhất hành tinh: Chị Hai năm

tấn.

· Cascader đầu tiên của VN là Lê Lai.

· Món hàng đặc biệt nhất mà Hàn mạc tử dám rao

bán là: Trăng

· Việt Nam là nước giàu nhất hành tinh vì có "Rừng

vàng, biển bạc"

. Việt Nam hiện tại, nhờ có bác và đảng, là nước có

nhiều triệu phú và tỷ phú nhất

· Khách sạn nhiều sao nhất thế giới: Khách sạn "Ngàn Sao" ở đường Hai Bà Trưng Sài-Gòn (vào năm 1991)

· Vụ ly dị đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử VN : Lạc Long Quân và Âu Cơ 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển.

*Người mình có phải là như thế?

DânGầy vừa nhận được mấy giòng khẳng định, về người “Dziệc” mình. Xin phỏ biến đến bạn bè gần xa, để hội ý, mà không kèm thêm một lời bàn:

10 đặc điểm của người VN
1. Cần cù lao động, song có tâm lý huởng thụ.
2. Thông minh, sáng tạo, song thường có tính chất đối phó
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hòan hảo
4. Vừa thực tế vừa mơ mộng, song lại nhút nhát
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thụ nhanh, song ít khi học 'từ đầu đến đuôi' nên kiến thức không hoàn hảo, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tạo thân của mỗi người VN (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện & công ăn việc làm, ít khi vì chí khí hay đam mê)
6. Vui vẻ cởi mở với mọi người, song không bền
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những việc vô bổ.
8. Có tinh thần đòan kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hòan cảnh khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, háu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cuộc.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc 1 người làm thì tốt, mà 3 người làm thì kém, và 7 người làm thì hỏng)

*Về cuộc sống, kiểu An Phong?

Bạn viết lấy tên Trần Phương Ánh, vừa mới gửi cho chủ bút kiêm chủ nhà, một bài viết thêm, cho số DIA này. Xin chuyển đến bạn bè một vài hỏi han, để suy nghĩ:

Ta sẽ đi về đâu?

Thế là tôi phải nằm nhà, nghĩa là phải về hưu bất đắc dĩ, do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2009.

Đối với đàn bà, ở nhà thì không thiếu gì việc làm. Hồi trước phải đi làm full time thì việc nhà cũng cố gắng làm nhưng nhiều khi cũng phải nhắm mắt để đó vì không có thì giờ thu dọn. Nhưng nay thì tôi thật có rất nhiều thì giờ, nào dọn dẹp cỏ trong vườn, dọn dẹp nhà kho, vứt đi những thứ để thì thương, vứt đi thì tội, và làm những món ăn nóng sốt hơn cho chồng con. Bữa cơm gia đình được thay đổi thường xuyên hơn. Phải công tâm mà nói, đàn bà làm được nhiều việc không tên trong gia đình hơn người đàn ông.

Trong khi trao đổi những ý nghĩ vụn vặt, có người bạn gái của tôi nói rằng, hai vợ chồng mà còn sống tới nhau tới cuối cuộc đời, vào những năm sau khi đã trả nợ cơm áo, con cái dựng đạt xong, nếu phải cứ đi ra đi vào lại phải chạm mặt nhau trong nhà, thì sẽ dễ gây ra khục khặc, bất đồng ý kiến, dễ đưa đến gây gỗ vì những chuyện không đâu. Do đó, tôi cố gắng tránh càng nhiều càng tốt không cho việc này xẩy ra trong gia đình tôi.

Nhìn lại các bạn cùng trong nhóm An Phong, từ ngày được thành lập đến nay quay đi quay lại thì ai cũng từ năm, sáu bó trở lên, có người bậc trên có khi gần bẩy, tám bó. Tôi cảm thấy cuộc đời sao ngắn ngủi và mình cũng chẳng còn nhiều thì giờ để làm những điều gì mình thích mà trong những năm tháng còn trẻ không thực hiện được.

Tôi thấy đã có người quay ra say mê làm một chuyện gì thật ưa thích khi về hưu. Thí dụ như có người làm vườn, có người say mê học vẽ, tranh dầu hay tranh lụa, có người say mê khắc trên gỗ, làm những tác phẩm tiểu công nghệ, thật đáng thán phục, mà không thể mua được bằng tiền, có người quay ra làm thơ (không bán, chỉ ngâm chơi), làm nhạc, vân vân. Điều này rất có ích. Nó giúp cho tâm hồn mình được thanh thản, giải tỏa được những căng thẳng trong cuộc sống. Vả lại, đâu ai biết được lúc nào Chúa sẽ gọi mình phải ra đi về phía bên kia, nên tìm một cách làm mình bận rộn, cũng là một triết lý sống cho những người già.

Càng về già thì vợ hay chồng thường cho rằng quyết định của mình là đúng. Ai cũng khư khư giữ lấy quan niệm của mình và áp đảo người kia phải chịu sự chi phối của mình. Tôi biết một gia đình, cả hai cũng khoảng sáu bó thôi, ông thì cao huyết áp, bà thì tiểu đường. Thế mà, có một ngày ông cứ gân cổ cãi là bà đã ăn hết bát chè ông cất trong tủ lạnh, vân vân. Thật chuyện chẳng vào đâu cả. Đối với tôi, tôi cố gắng cho thông qua mọi việc, coi mọi việc là sự thường tình, vì cuộc đời vốn là vô thường theo nhà Phật, để đầu óc không bị căng thắng vì không được toại ý. Đó là học tính buông bỏ. Thí dụ như ông chồng không cho tôi sửa lại khu vườn, trồng thêm hoa cho đẹp trong vườn hoặc mua thêm một số cây gia vị như rosemary, parsley, oregano vân vân để tiện dùng trong việc nấu nướng các món tây phương. Ông quan niệm rằng hoa đã có nhiều rồi, còn đất cũng không còn nhiều để trồng thêm cái gì. Tôi đã giải thích rằng, bằng tuổi này, mình cũng chẳng còn thời gian bao lâu, nên nếu phải thực hiện cái gì làm cho người vợ mình thích thì cũng nên làm mà chẳng nên ngăn cản. Mục đích cuộc đời còn sống chung vợ chồng được tới ngày hôm nay mà không gẫy đổ, cũng là một điều rất may mắn rồi, và nên mang lại nụ cười cho nhau. Làm được cho vợ hay chồng mình vui thú, có nụ cười vào những ngày cuối đời thì cũng nên làm, tại sao lại phản đối. Còn muốn thực hiện một mảnh vườn nhỏ nhỏ cũng dễ thôi, mang về mấy thùng móp là đủ xài rồi. Tuy nói vậy nhưng tôi cũng không xúc tiến việc mình muốn, và bỏ qua lo chuyện khác vui vẻ tìm quên trong các hoạt động làm giảm đi căng thẳng khác. Nay tôi thử hỏi các ông khác trong An phong sẽ giải quyết thế nào về chuyện này? Phần tôi, tôi học được sự nhẫn nhục. Nhẫn để có sự yên bình trong cuộc sống gia đình. Đây cũng là biết xử sự, biết quên cái nhỏ mà nghĩ đến cái lớn hơn. Nhờ thế mà vợ chồng không gây gỗ, làm chuyện lớn trở thành chuyện nhỏ, và chấp nhận cuộc sống tuần tự đến từng ngày.

Tôi cũng đặt nặng vấn đề sức khỏe. Tôi siêng năng đi tập thể dục dưỡng sinh mỗi tuần và rất ít khi vắng mặt. Đi tập đã là một hoạt động thường xuyên của tôi ngay trước khi bị nghỉ. Tôi quan niệm rằng, đi tập để mình có một sự đều đặn, và để có dịp gặp gỡ người khác trong một môi trường hoàn toàn khác với môi trường làm việc của mình. Kết quả rất khả quan, tôi rất ít khi bị cảm, có những tư tưởng phóng khoáng và đễ tha thứ hơn. Từ ngày được nghỉ ở nhà thì tôi tăng cường thời gian tập luyện nhiều hơn và rất đều đặn. Mỗi buổi sáng vừa nghe đài SBS vừa tập thể dục, rất đều đặn. Lúc đầu ông chồng tôi không thích cùng đi lấy đủ cớ, nào phải ở nhà lo cơm cho thằng út, nào phải đưa đón nó đi tập thể thao từ trường v..v. Nhưng sau đó, tôi đã cùng một bà bạn khác đã lôi kéo thành công được cả hai đấng phu quân đi cùng một cách đều đặn hơn, tuy họ không siêng năng hơn mình nhưng có còn hơn không (vì ông này nói có ông kia thì mới đi, một mình với các bà thì không đi). Tuy vậy, trong lớp tập dưỡng sinh, tôi vẫn thấy đa số vẫn là phái yếu.

Tôi không nhớ đã đọc được ở đâu có nói rằng thường thường người đàn ông không để ý đến sức khỏe và chăm đi khám bác sĩ bằng người đàn bà, họ thường để nước tới chân mới nhẩy. Các ông trong An Phong có đồng ý không? Theo tôi nghĩ, đây cũng là một cách duy trì bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Mình có khỏe mạnh, không những tốt cho mình, còn làm cho những người thân mình an tâm, con cháu vui với tuổi già của ông bà mà không bận tâm lo lắng.

Điều sau cùng tôi muốn ghi lại đây là, mình phải tập sống sao cho phóng khoáng, không cố chấp, không nóng giận hay gắt gỏng. Khi nói chuyện giữa vợ chồng với nhau, tôi tránh tối đa không bẳn gắt, không lớn tiếng, không rầy la con cái. Có một ngày kia, ông chồng tôi đã di chuyển cái gì đó của tôi, mà không nhớ đã để đâu để lấy ra đưa lại cho tôi. Tôi chỉ trả lời, “ Thôi rồi, anh lại để đâu rồi!” Và sau đó tôi không bao giờ nhắc lại việc này nữa.

Viết lại những mẫu chuyện nho nhỏ và triết lý sống của tôi nhằm mục đích trao đổi. Mong rằng những ý kiện vụn vặt này sẽ giúp các ông trong nhóm An Phong thay đổi triết lý sống, và luôn trân quý những giây phut còn sống bên nhau với các bà cho tới ngày hôm nay.

Mong lắm thay.

Trần Phương Ánh

Ngày 21/2/2009

Lời bàn của DânGầy. Chịu thôi. Dân Gầy chả dám bàn bạc hoặc góp ý đâu. Bởi lẽ, Dân Gầy chính là người trong cuộc, giống như ông “chồng” của chị.

*Tuổi già là tuổi chi chi?

Quả là, lúc này các bạn già cứ tới tấp gửi về, những bài thơ trữ… già. Già thì đã sao? Già nào có sợ. Thôi thì, bạn bè cứ đọc xem đây, tuổi già có đáng sợ?

Tôi c ng tui già là bun t,
S
ngày mùa, năm tháng quá trôi nhanh,
S
gió to, mưa ln, lon tâm thn,
S
ợ đầu bc, s làn nhăn trên nét mt.
Nhưng ch
t thy tui già không b bến,
Không bu
n phin còn mang li chút vui riêng,
Bước t
từ đến khong cui đường đời,
Ngày tuy ng
n nhưng ngày càng tươi đẹp.
Tôi c
ng tui già… tri đen ti.
Xuân v
ng hoa, n cười đả tt đi.
Hoa không nh
c như cành cây không lá.
Sách không đề, c
m ngn bút chng ra thơ.
Nhưng ch
t thy tui già… lòng lng li,
S
ng ngày nay chng nghỉ đến ngày mai.
Tôi ng
ng đếm nhng tui đầu chng cht,
M
c ngày trôi, tôi cm bút ha thành thơ.
Tôi c
ng tui già, hn tôi lnh,
Quên tr
m mình ngm v trụ đầy sao.
Tim đã chay m
t ngn la nhit tình
Giúp tôi s
ng khi bu tri u ti.
Nhưng ch
t thy nhng hoa hng đẹp nht
N
vào thu, lòng tôi rt hân hoan.
Tôi hít m
nh nhng mùi hương thoáng nh,
Mong thêm vài hương v
cui đời tôi.

*Những thích và thích:

Thích gì đây? Thích gì thích những điều, thêm lo. Vâng, dưới đây là 10 thích:

Mười thích của ngưới cao niên

Một thích trong túi có tiền,

Ai mời hiếu hỷ khỏi phiền cháu con.

Hai thích được bát canh ngon,

Cao lương chẳng thiết bởi còn răng đâu.

Ba thích con cháu, rể, dâu,

Gia phong giữ nếp hàng đầu hiếu trung.

Bốn thích thỏa mãn riêng chung,

Ăn riêng nhưng vẫn vui cùng cháu con.

Năm thích làng phố vuông tròn,

Đói no, sướng khổ, mất còn có nhau.

Sáu thích sống thọ, chết mau.

Ốm lâu con khổ lại đau thân mình.

Bẩy thích xã hội, gia đình

Bạc cờ ma túy quyết tình tránh xa.

Tám thích mồ mả ông cha

Xây cất tôn tạo ít ra bằng người.

Chín thích đầy ắp tiếng cười

Được hưởng không khí vui tươi hàng ngày.

Mười thích phút chót dương này

Tùy nghi biện lễ chớ vay mượn nhiều.

Tuổi già mong được bấy điều,

Mỗi người đạt được bao nhiêu còn tùy.

Sống vui, sống khỏe khôn bì,

Nam Tào có lệnh ra đi nhẹ nhàng.

HoangTonHung -CauDo

*Khuôn mặt lâu nay không thấy:

Khuôn mặt ấy, nay sắp đến Sydney & Melbourne trong chuyến Úc du ngắn ngày, nhưng nhiều tình tự. Tình tự của người anh em trên Tây Nguyên, có đến 40 năm phục vụ. Ngài ngắn, đêm dài ấy, là đêm tâm tình của Lm Trần Sĩ Tín, hôm 20/3/2009Sydney29/3/09Melbourne. Khi DIA kết thúc số báo này, bà con ta vẫn sôi sục, đợi chờ.

“Lady first”

Bạn có biết đi hớt tóc hoặc uốn tóc ở tiệm Việt có rất nhiều cái lợi không? Thứ nhất nói tiếng Việt với người thợ cũng dễ diễn tả kiểu tóc mình muốn hơn tiệm Mỹ. Thứ hai, đến tiệm Việt bạn được nghe rất nhiều tin “quan trọng” vì tiệm hớt tóc hay uốn tóc Việt Nam là trung tâm phát hành tin tức nhanh chóng và đầy đủ hơn báo chí và trên mạng, đôi khi bạn còn biết được “hành tung” của người quen hay kẻ thù không cần lên “America Most Wanted”. Tin trong nước, tin quốc tế thì hết 50 phần trăm bị móp méo sự thật vì đã được sàng lọc qua nhiều người, nhưng tin nhà thiên hạ (loại báo không đăng) thì đúng 100 phần 100. Chẳng hạn như tuần trước, tôi phải đi tiệm uốn “cái đầu” vì sau khi đi Úc về bỗng dưng tôi trở thành người trí thức phần tóc ở mỏ ác không biết buồn chuyện gì ra đi không bao giờ trở lại, khổ quá đành chơi theo “mốt” lông chó xù để tóc có thể che được phần trống vừa đẹp mắt vừa ấm cái đầu không sợ sổ mũi vì mùa đông ở đây lạnh lắm.

Vào mùa Giáng Sinh tiệm uốn tóc rất đông khách hơi ồn, nhưng không sao vì đi uốn tóc chứ có phải nghe nhạc đâu mà cần yên lặng, đối với tôi chờ đợi trong tiệm uốc tóc không làm tôi bực mình vì đây là cơ hội tôi được đọc mấy tờ báo tiếng Việt mà ít khi có thời giờ để đọc. Bà chị ngồi kế bên thấy tôi cầm tờ “Thời Nay” một tờ báo biếu không của cộng đồng, chị hỏi tôi:

-Chị có biết ông chủ báo nầy không?

Tôi lắc đầu chưa kịp trả lời thì đã có người lên tiếng:

- Chị nói báo nào?

- Báo Thời Nay của ông Nguyễn Đại Việt đó, thằng con mới bị bắt ngày hôm qua. (tiếng ồn ào trong tiệm bớt dần có lẽ đề tài nầy quá hấp dẫn).

- Vậy sao???, gia đình ổng đàng hoàng lắm mà.

- Bởi vậy mới nói, sanh con đâu có sanh lòng. Cha mẹ nào không muốn con mình đàng hoàng nhưng vô phước thì phải chịu.

- Bà chị ơi! ai mà không biết chuyện con là nợ, loại nợ trả tới khi chết mà lòng vẫn chưa yên. Tụi tui chỉ muốn biết tại sao nó bị bắt?

- Thì hút cần sa ma túy. Tội anh Việt con người đạo đức hiền lành, ảnh đặt hết hy vọng vào thằng con nầy.

Một bà khách đang cắt tóc có vẻ rành chuyện nhà nầy góp ý:

- Tôi làm chung với chỉ, nghe mấy đứa bạn nói mấy năm nay ảnh với chỉ sống chung nhưng “ngả rẽ tâm tình” thân ai nấy lo, tiền ai nấy xài. Cuối tuần ông đi chùa hướng nam, bà đi miếu hướng bắc. Sống chung mà cũng như không. Vợ chồng là nền tảng gia đình mà sống kiểu đó thì giống như cây thúi gốc làm sao cành lá sum sê. Nghe thằng con tui nói thằng Huy con ảnh, nó thất tình, lại thêm hoàn cảnh gia đình không vui nên la cà với đám bạn hút hút xách. Cũng may nó chưa đi đến chổ trộm cướp, bị bắt biết đâu là cái may nó được dịp cai hút khi trở ra, không chừng nó lại đàng hoàng…..

Xoay qua cô thợ chị nói:

-Chỗ này còn vài sợi tóc cô cắt dùm tôi.

Câu chuyện đang hứng thú bị bỏ ngang vì bà chị này đang bận rộn chỉ cô thợ sửa lại mái tóc của mình. Tôi nghĩ rằng mình đã mất dịp may nghe thêm chuyện ở đời, đâu ngờ mọi người thật là tài vừa xong chuyện nầy họ bắt qua chuyện khác làm tôi có cảm tưởng mình đang đọc tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Để phá tan không khí yên lặng chị thợ hỏi tôi:

- Dì có nhớ cái bà Tám lần trước ngồi cái ghế bên kia không? Cái bà ở gần nhà con đó.
Tôi trả lời theo kiểu vuốt đuôi cho xong, chứ làm sao tôi nhớ bà Tám là ai.

- Dì nhớ mài mại không rõ lắm, bộ bả có chuyện hả?

Cô thợ được trớn bắt đầu hát:

- Dì biết hông, mấy tuần trước trong nhà bả có chuyện cơm không lành canh không ngọt, anh chồng lớn tiếng chưởi thề “…., mầy còn nói nữa tao dộng bể mặt”, bả nhảy đông đỗng la lớn: “Có giỏi thì đánh đi, ở đây lế đi phớt (Lady first), ông mà đụng tới tui là cảnh sát còng liền”. Anh chồng nổi sùng chưởi thề “…., tao biết mầy giỏi muốn phớt tao cho mầy phớt” miệng chưa dứt tiếng đã “động thủ” dộng bả một cái, thiếu gì chỗ không dộng lại dộng vô cái lỗ mũi bả mới “rì tuốt” làm nó méo xẹo. Bả ôm mũi la như heo bị thọc huyết, thằng con đang ngủ mơ mơ màng màng giật mình chạy ra thấy cha thì hầm hừ mẹ thì ôm mũi la hét, hình như có chảy máu, tưởng ba nó sắp giết má nó nên gọi 911. Thế là xe chữa lửa, xe cứu thương, xe cảnh chạy tới rần rần làm cản trở lưu thông cả khúc đường. Ổng bị còng dẫn ra khỏi nhà giống như mấy thằng phạm tội giết người cướp của. Sau đó dì biết không, bả phải tốn hết một ngàn đồng đóng ngoại hầu tra cho ông chồng ra khỏi khám, lại phải làm thủ tục bãi nại rườm rà nếu không từ nay ông chồng không được bước chân vô nhà, phải cách xa bả khoảng mấy chục thước, con nói thiệt ổng mà bị đuổi ra ngoài, bả sẽ khổ dài dài, ai phụ trả tiền nhà đây, hơn nữa đàn ông bây giờ có giá lắm, lơ mơ thằng chả về Việt Nam cưới vợ nhí chừng đó có muốn xin làm bé hổng chừng ổng cũng chê. Cũng may được luật sư chùa nếu không phải tốn thêm phần tiền nầy, cho bỏ cái tánh “lế đi phớt”.

Người đàn bà đang cắt tóc cạnh tôi nóng mũi xen vô.

- Chưởi cha tui, tui hổng giận nhưng nói đến “lế đi phớt” là tôi nghe lùng bùng cái lỗ tai. Hông lẽ đem chuyện nhà ra nói cho bà con nghe, chứ tức quá nín hông được. Ông chồng tui hễ mở miệng là: “Tôi nhớ hồi xưa khi tôi còn thời, nói một tiếng là bà câm họng. Tôi về tới nhà là có cơm có nước, còn bây giờ tôi chỉ nói một bà róng họng cãi tới mười, ăn xong tôi phải rửa chén, đúng là mạt vận”. Mấy chị thấy đó hồi xưa tôi đâu có đi cày hai ba “zốp” (job) như bây giờ, ổng chỉ giúp tôi một chút mà than van đứt ruột. Nếu tôi bực mình cãi lại thì ổng nói: “Tôi biết bà giỏi rồi, ở đây cái gì cũng lế đi phớt, đàn ông là đồ bỏ”, ổng còn dán bài thơ con cóc ở nhà bếp tôi tức tới thuộc lòng:

Ăn chẳng bao nhiêu, rửa thật nhiều,

Đoài đoạn thương cho chú Việt Kiều.

Nếu biết qua đây mà rửa chén,

Thà ở quê hương húp “cháo Tiều”

Một đàn bà tuổi độ 50, ngồi chờ tới phiên cắt tóc ngứa miệng châm vô:

-Nghe nói “lế đi phớt” mà ham, không lẽ đàn bà phải mở cửa xe để mấy ông vô ngồi à???. Mấy thằng Mỹ, nó khôn thấy mẹ cái gì nó cũng nói “lế đi phớt”, về nhà mở cửa cho con vợ vô trước vì nó biết ở xứ nầy không an toàn, rủi có ăn cướp đang ở trong nhà, con vợ lãnh nạn, nó còn đủ thời giờ để chạy hoặc làm người hùng cầu cứu. Ăn cũng “lế đi phớt” có gặp thuốc độc thì con vợ làm vật thế thân. Chồng tôi cũng vậy, mỗi lần có chuyện, đem câu đó nói hoài, thiệt lãng nhách. Vậy chớ ở Việt Nam hồi đó vợ chồng rầy lộn sao không nghe mấy ông nói “lế đi lết”.

- Chị nói đúng đó ở Việt Nam khi ảnh còn thời, chị mà cãi là ảnh sẽ “dợt” cho chị thành “lế đi lết”.

Mọi người cười ầm lên. Anh thợ cắt tóc bên cạnh đang chải cái đầu ông khách để chuẩn bị hớt cũng xía vào:

- Đúng là đàn bà, chỉ có vài bà thôi mà đã ồn như cái chợ.

Một chị trả lời:

- Bộ tụi tui nó hông đúng sao. Thật ra “Lady first” cũng như “ga lăng” có gì khác đâu, vậy mà có một số ông bà nhà mình thấy chữ “first” cứ tưởng đàn bà là số một, nói theo mấy ông sư trong phim Tàu: “A di đà phật…. tội lỗi thật tội lỗi…”. Ai cũng nói đàn bà ở đây sướng, sướng đâu không thấy, thấy cày mút mùa “Lệ Thủy” lại còn phải lo cơm nước, nhà cửa, mấy cha chỉ biết chê, nhờ một chút là có chuyện, còn mang tiếng “lế đi phớt”, phớt con khỉ gì cực quá thành “lế đi lết” thì có.

Biết mình cải không lại với mấy nhà hùng biện, anh thợ uốn tóc chuyển đề:

- Mấy bà chị có nghe chuyện anh Tiến với anh Hùng không?

- Ai mà không biết họ sắp làm sui, đang sửa soạn cái bụng để ăn đám cưới đây.

Anh thợ vừa lấy chai nước xịt lên đầu ông khách vừa nói:

-Còn đâu mà ăn, hai đứa nhỏ tự làm đám cưới tụi nó bỏ “Đọt” (Dorchester) về dưới “rồ ai lền” (Rhode Island) lâu rồi. Chị Tiến khóc sưng con mắt, tui tưởng mấy bà bắt tin lẹ như tên, rốt cuộc chậm hơn rùa.
- Có chuyện đó sao? Hồi trước mấy ổng gài cho hai đứa nó thương nhau để làm sui mà.

Anh thợ để chai nước lên mặt bàn, chậm rãi đi một đường “tôn đơ” lả lướt trên mái tóc muối nhiều hơn tiêu của ông khách, cố ý để mấy bà nhiều chuyện nôn nóng, sau đó trịnh trọng nói:

- Thì đúng vậy, tụi nhỏ đâu có quen nhau, hai cha tìm mọi cách để tụi nó thương nhau, rồi đi tới hôn nhân. Trong ngày bàn chuyện đại sự, mấy bà nhắc đừng uống nhiều thì mấy ổng nói “Ối đây là chuyện đàn bà mấy bà lo đi mắc mớ gì tới bọn đàn ông tụi tui” thế mà tiệc rượu chưa tàn, chuyện cưới hỏi chưa xong, hai cha lại bất đồng ý kiến về chính chị chính em, về thằng China, về thằng Đại Hàn, về thằng Mỹ láo cá sẽ bỏ thằng Iraq như nó bỏ VN hồi trước, rồi nào mấy chuyện ngày xưa …v.v..và ..v.v., lời qua tiếng lại lúc đầu còn nhỏ sau thành lớn, ông sui trai đứng lên tuyên bố bãi hôn, hai bà sui chưng hửng, có cản cũng không được, thế là sui gia thành xui xẻo. Chỉ tội hai đứa nhỏ đã lỡ thương nhau đành phải tự làm đám cưới nho nhỏ chỉ mời bè bạn cùng sở, có gởi thiệp mời hai ông “xui” nhưng không ông nào đi, chỉ có hai bà đi dự đám của con.

Chị ngồi ghế bên kia chắc lưỡi hít hà nói:

- Thiệt tội nghiệp, ở xứ nầy con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, có con biết nghe lời mà còn “cà chớn”, mấy ông càng già càng sanh tật, lúc nào cũng nghĩ mình đúng, chỉ muốn con cái làm theo ý mình, thường chỉ trích mấy ông già ngày xưa hủ lậu chứ thật ra mấy ổng đang đi vào con đường đó mà không hay không biết. Tôi thường nhắc nhà tôi: “Ông khó khăn quá con gái ông không dám có chồng Việt Nam đâu, nhìn cha nó, nó khùng sao đút đầu vô”.

Ông khách nãy giờ im lặng, có lẽ nhịn hết nổi nên cất giọng trầm trầm góp ý:

- Bộ mấy chị tưởng có chồng Mỹ là được chiều chuộng sao, đúng là chưa “thấy quan tài chưa đổ lệ” đa số mấy thằng Mỹ nghiền rượu mà khi đã nghiền thì vợ con có nghĩa lý gì, đó là chưa kể tiền ai nấy xài, chị mà không đi làm sẽ thấy cảnh tiền phát gạo đong chứ không phải như mấy thằng Việt tụi tui, đi làm không biết tiền bạc có được bao nhiêu, lãnh lương là đưa hết cho con vợ rồi nó phát lại cho vài chục để dằn túi ngừa khi gặp bè bạn có tiền uống cà phê. Tui chạy xe nhưng vợ tôi nó lái, ngồi một bên cứ nhắc tuồng, nào đèn xanh, đèn đỏ, phải quẹo trái, quẹo phải, chạy đường này đừng chạy đường kia, hễ nói tới là giận, ăn xong bữa cơm muốn uống lon bia cũng không yên, “ông làm cái này, ông làm cái kia” tôi nghĩ mấy thằng Mỹ chắc không có sức chịu đựng như vậy đâu.

Chị cắt tóc cạnh tôi hỏi ông khách:

- Anh có thể cho tôi số điện thoại nhà anh không?

- Chị xin điện thoại nhà tôi làm gì?

- Không có gì, tôi chỉ muốn gọi điện thoại hỏi chị đã học “bí kíp” nào mà giỏi như vậy, tính xin chị vài chương về nghiên cứu để giúp ông chồng tôi được như anh.

Nguyễn thị Lộc Tưởng

TUỔI HẠC

Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt.. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung.. Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.

Ðầu tháng năm vừa qua, tôi sang chơi với vợ chồng người anh ở bên Vienna, D.C.. Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chẩy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa. Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi bất giác

hỏi:
-Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông

héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?

Anh tôi cười, nói:

-Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.

Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.

Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Chúng ta là những người từ một quê hương mất mát đến ở trọ một quốc gia khác, chúng ta còn nhiều điều gậm nhấm hơn nữa.

Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại ngôn ngữ đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín.

Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.

Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.

Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.

Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.

Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống

đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc. Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.

Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có tình thương mới cứu rỗi được.

Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi.

Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là "hưởng thọ". Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một bonus, phần thưởng của Trời cho.

Chúng ta nên sống thế nào với những ngày "phần thưởng" này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh...

Trong Những Lời Phật Dậy có câu: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình/Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.

Chắc trong quý vị không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này. Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như Tài Chi, Hồng Gia, nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.

Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh.

Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư Ðại Học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của 'Tín Ngưỡng và Sức Khỏe".

Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.

Lạc quan là một cẩm nang quý vị nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là "Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa" hoặc "Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được".

Tôi xin kể câu chuyện Hai Con Ngựa của thầy phó tế George A. Haloulakos. Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa binh thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.

Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.

Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo.

Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc.

Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau.

Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Ðế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.

Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Ðế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta.

Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.

Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua.

Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được. Trong một lần đến thăm Viện Dưỡng Lão, tôi thấy một cụ ông 70 tuổi, đút thức ăn cho một cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra thì họ không có liên hệ gì với nhau cả.

Chỉ là một người có khả năng cho và một người vui vẻ nhận. Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình là những liều thuốc bổ.

Nữ thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong trương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: "Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước". Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt.

Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn. Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là:

Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.

Tinh thần chấp nhận và lạc quan.

Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày. Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe. Làm việc thiện nguyện. Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua). Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, lớp dậy Hồng Gia, ngồi thiền, khí công v.v.... Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường...

Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này:

"Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.."

Giao tiếp giúp kéo dài tuổi thọ

Ðối với những người cao tuổi, thường tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi không liên quan đến vận động thể lực cũng có giá trị hạ thấp các nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể.

Theo ước tính của các nhà khoa học, do hệ quả của thời kỳ bùng nổ sinh sản sau Thế Chiến Thứ II, tỷ lệ số người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới. Chẳng hạn ở Mỹ, số người trên 90 tuổi sẽ gia tăng từ l triệu người năm 1999 lên đến 10 triệu vào khoảng năm 2050. Trong khi các chánh sách xã hội không bắt kịp được đà gia tăng nầy, một nghiên cứu trên quy mô rộng do Tiến Sĩ Thomas Glass và cộng sự ở trường Ðại Học Harvard thực hiện đã cho thấy các hoạt động xã hội, vui chơi cũng có giá trị làm chậm sự lão hóa và hạ thấp nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể. Kết quả nầy đặc biệt có ý nghĩa đối với những người cao tuổi vì lý do già yếu hoặc vì một lý do nào khác không thể hoặc không thích vận động.

Nghiên cứu được tiến hành trên 2,761 người nam và nữ từ 65 tuổi trở lên trong thời gian kéo dài 13 năm. Các hoạt động xã hội bao gồm sinh hoạt giao tiếp với cộng đồng như đi nhà thờ, đi quán ăn, đi mua sắm, đi xem phim, tham dự các sự kiện thể thao, chơi cờ, chơi bài, cùng nhau nấu ăn, hoạt động từ thiện, và cũng không loại trừ đi làm việc có trả lương.

Những nhà nghiên cứu thuộc trường Ðại Học Harvard cho biết trên tạp chí British Medical Journal “Trong số những người cao tuổi kém năng động thì những người thường tham gia các hoạt động giao tiếp sống lâu hơn những người không tham gia những hoạt động nầy.”

Một cuộc khảo sát khác, qua theo dõi dữ liệu của 2,812 người trên 65 tuổi trong khoảng 12 năm cho thấy tình trạng suy giảm trí nhớ tăng lên gần gấp đôi ở những người sống lẻ loi so với những người có mối liên hệ thường xuyên với bạn bè, người thân, với tổ chức tôn giáo hoặc tham gia đều đặn các sinh hoạt giao tiếp xã hội.

Nói chung, những hình thức hoạt động nầy chỉ có ý nghĩa rất nhỏ về mặt thể lực, không đủ để thay thế cho các phương pháp thể dục. Tuy nhiên, nó có giá trị ngang với vận động thể lực khi xét đến tác động lên tuổi thọ. Do đó, thay vì đi bộ trong vườn, tập thể dục trên máy tập ở nhà, hiệu quả sẽ gấp đôi nếu người già tham gia các sinh hoạt thể dục, vận động mang tính cộng đồng ở các câu lạc bộ dưỡng sinh, công viên, sân vận động để cùng tập luyện, vận động, vui chơi và chia xẻ.

Ông Glass còn đặc biệt lưu ý “Những người ít hoạt động, vốn xem việc vận động là một thách thức hoặc khó khăn, sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động là cơ hội để gặp gỡ và giao tiếp.”

Ông Glass thú nhận là ông chưa biết rõ điều gì ở các hoạt động này đã giúp kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên ông tin chắc rằng việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng đã tạo ra sự thay đổi ở não theo một cách nào đó làm chậm tiến trình lão hóa và ảnh hưởng tốt đến hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng. Sẽ dễ hiểu hơn nếu nhìn vấn đề theo quan điểm chỉnh thể. Khi về già, cơ thể phản ứng mạnh hơn và phục hồi chậm hơn đối với các biến cố gây stress. Ðiều nầy làm cho các quá trình hư hoại xảy ra nhanh hơn trên các cơ quan tim, phổi, thận và cả bộ não. Sống hòa hợp và được chia xẻ làm nhẹ đi các hệ quả nầy.

Ngoài ra, thân và tâm là một thể thống nhất. Tư tưởng có vai trò quan trọng trong các quá trình vật lý. Tư tưởng đi trước hiện tượng, tạo ra hiện tượng và có thể thay đổi hiện tượng theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy theo ý chí của mỗi người. Trong những tình huống khẩn cấp, khi phải đối phó với hiểm nguy, con người thường có thể làm được những điều kỳ diệu, nâng nặng hơn, chạy nhanh hơn hoặc nhảy cao hơn, những điều mà trong điều kiện bình thường cơ thể không làm được. Chính tư tưởng, ý chí đã tạo nên sự kỳ diệu. Người nào nghĩ rằng mình đã “về hưu”, không thể vận động như trước, sức khỏe suy yếu, trí óc không được nhanh nhạy, không còn giúp ích gì được cho con cháu, cho cộng đồng. Tư tưởng nầy sẽ tạo nên đúng con người như vậy, dẫn đến bệnh tật và lão hóa.

Ngược lại, một người tích cực nghĩ rằng mình còn hữu dụng cho gia đình, cho xã hội, còn phải nuôi dạy con cháu nên người, cần hoạt động, cần tiếp xúc, còn có những nghĩa vụ nhất định với cộng đồng. Tư tưởng nầy sẽ tạo nên một con người năng động và một tinh thần minh mẫn để làm được những điều họ mong muốn.

Thực tế cho thấy một số người bệnh ung thư nặng nhưng có tinh thần lạc quan, có sinh hoạt giao tiếp và động cơ sống tốt thường sống được lâu hơn nhiều so với những bệnh nhân sống cô độc, ít giao tiếp, chia xẻ, nhất là khi người bệnh nghĩ rằng mình chỉ là người sống tạm, đang chờ ngày ra đi.

Những cuộc nghiên cứu này cho thấy, bên cạnh các sinh hoạt xã hội, người cao tuổi cũng nên trì hoãn việc nghỉ hưu, có thể bằng cách khai thác các cơ hội làm việc bán thời gian hay làm việc thiện nguyện, cũng như theo học các khóa học cho người lớn tuổi. Những việc này giúp sống tích cực và khỏe mạnh hơn.

Thường đi ra ngoài, sống hòa hợp, giao tiếp và chia xẻ là những liều thuốc quý giá đối với tất cả người già. ______________Lương y Võ Hà