Sunday, 24 August 2008

LỜI NÓI ĐẦU CỦA THÔNG ĐIỆP ĐẦU TAY

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI cbo bức Thông Điệp đầu tiên: “Deus Caritas est” ( Thiên Chúa là Tình Yêu ). Nhan đề lấy điển từ trong Thư thứ nhất của Thánh Gio-an 4, 16: “Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy”.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Trên thế giới ngày nay Danh Thiên Chúa đôi khi bị gắà nội liền với oán thù, thậm chí nhân Danh Ngài người ta còn coi hận thù và bạo lực là bổn phận, cho nên sứ điệp ( Thiên Chúa là Tình Yêu ) này vừa hợp thời vừa giàu ý nghĩa. Vì lẽ ấy, trong Thông Điệp đầu tiên của mình, tôi muốn nói đến Tình Yêu mà Thiên Chúa tuôn dào dạt trên chúng ta, và đến lượt chúng ta phải chia sẻ cho người khác” ( số 1 ).

Vâng, sứ điệp này đến đúng lúc, nó hợp thời chính vì lúc này có rất nhiều người coi nó là không hợp thời. Lúc này thế giới còn đang ngất ngư vì “oán thù”, vì “hận thù và bạo lực được coi là bổn phận nhân danh Chúa !” Nếu đặt vào bối cảnh những tin tức đang làm đầu đề thời sự, thì sứ điệp Thiên Chúa Tình Yêu nghe ra có vẻ là tiếng nói lẻ loi. Những vụ biểu tình và gấu ó chung quanh mấy bức biếm họa về Ngôn Sứ Mohammad còn đang náo loạn, chưa biết làm thế nào cho nguôi ngoai, thì lại xảy ra vụ đánh bom sập Đền Vàng của người Hồi Giáo Shiite ở Irak, trong phút chốc, một đất nước đã quá tả tơi lại lao đến rất gần bờ vực thẳm một cuộc nội chiến nồi da xáo thịt ghê gớm nhất. Aáy là chưa nói đến chuyện Iran, chuyện Hamas ở Palestine, những cuộc nội chiến Châu Phi, những căng thẳng chính trị Đông Á v.v...

GIẢI PHÓNG VÀ HIỆP THÔNG

Thử nhìn chuyện mấy bức biếm họa. Có vẻ đúng là đang có một cuộc “va chạm giữa những nền văn minh”. Người Hồi Giáo thấy những tình cảm thiêng liêng nhất của mình bị xúc phạm, nhưng nhiều người trong giới truyền thông Aâu Mỹ lại lớn tiếng bảo vệ quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của mình, trong đó có quyền tự do biếm họa ! Thật khổ cho tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten, nhà báo đâu có ngờ mấy nét vẽ nguệch ngoạc trên mặt báo lại có sức gây nên những phản ứng dữ tợn đến thế nơi hàng triệu người ở phía bên kia trái đất. Nhưng phải nghĩ thế nào về nhiều tờ báo khác ở Châu Âu, khi lửa đã cháy, người đã chết, mà họ vẫn in lại những biếm họa đó và còn thêm những bức khác để khẳng định quyền tự do ăn nói của mình !

Sự thể làm tôi chợt nhớ lại một buổi tối, cách đây đã lâu, tình cờ mở đài truyền hình RAI của Ý, thấy một đám tang rất trọng thể đang cử hành trong Nhà Thờ. Để ý xem kỹ thì là Lễ An Táng cha Giussano, người sáng lập phong trào Liberazione e Communione ( Giải Phóng và Hiệp Thông ), từng thu hút rất nhiều bạn trẻ.

Rồi một vị tóc bạc lên tòa giảng: Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Khả năng hiểu tiếng Ý của tôi thì rất lõm bõm. Nhưng nhờ Đức Hồng Y Ratzinger có lối nói rất điềm đạm và phát âm thật rành rọt, nên tôi hội ra rằng ngài đang dựa vào danh xưng của phong trào để gợi ý ( từ “Liberazione” có căn La-tinh là “Liber” = tự do, nên Liberazione có nghĩa là làm cho tự do = giải phóng ). Ngài nói rằng ngày nay người ta đề cao tự do, coi tự do là một mục đích cao cả, chỉ có điều ít đặt vấn đề tự do để làm gì. Và vị Linh Mục quá cố đã gắn tự do, giải phóng với “Hiệp Thông” ( Communione ).

BÀI HỌC KHÓ THÔNG

Nay nhìn những gì đang xảy ra chung quanh mấy bức biếm họa, tôi chợt hiểu đây là một trường hợp có tự do mà không có hiệp thông về phía Phương Tây. Còn những người đang biểu tình la hét, đốt nhà, đòi giết mấy nhà báo xấc xược, thì lại đang “dở chứng” một cách khác. Cơn hỏa nộ ngày ngày xưa của Thánh Tông Đồ đã mắc phải. Khi ấy Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn, các Tông Đồ thì cũng đã làm được một vài phép lạ, chí lớn đang xung thiên. Mấy Tông Đồ được Chúa sai đi trước “vào một làng Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Chúa đến. Nhưng người ta không đón tiếp Người, vì Người đang hướng tới Giê-ru-sa-lem.

Thấy vậy, hai môn đồ Gia-cô-bê và Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy muốn chúng tôi khiến lửa từ trời xuống tiêu hủy chúng nó không ?” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông rằng: “Các ngươi không biết các ngươi ứng theo Thần Khí nào. Vì Con Người đến không phải để hủy diệt mạng người ta, mà để cứu” ( Lc 9, 52 – 56 ).

Rồi Chúa nhẫn nại dạy lại từ đầu bài học, nào là “Con Người phải chịu nhiều đau khổ” ( Lc 9, 22 ), nào là hãy “tiếp đón trẻ nhỏ này vì Danh Ta” ( Lc 9, 48 ), nào là “ai không chống lại các ngươi là ủng hộ các ngươi” ( Lc 9, 50 ). Những bài học ấy rồi cũng thấm. Vậy mà thời sau, đồ đệ Chúa vẫn nhiều lần nổi nóng, y như Gia-cô-bê và Gio-an khi học chưa thông. 2.000 năm sau, Tông Đồ Gio-an Phao-lô II đã có lời xin lỗi. Vậy thì nói gì đến anh chị em Hồi Giáo là những người đi đường khác, theo Đạo khác.

Nhà văn chống Giáo Hội, Voltaire, hồi thế kỷ XVIII nói một câu chí lý: “Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nhưng con người cũng ăn miếng trả miếng tới nơi tới chốn” ( Dieu a créé l’homme à son image, mais l’homme le lui rendit bien ), có nghĩa là con người cũng vẽ lên một Thiên Chúa cũng hỷ, nộ, ái, ố một cách phàm tục y như mình, nói theo kiểu Việt Nam là “suy bụng ta ra bụng... Chúa”. Hóa ra Chúa có một bộ mặt ghê gớm quá.

Công Đồng Vatican II nói đến Hồi Giáo bằng những lời lẽ trang trọng: “Giáo Hội tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất, đã từng đối thoại với con người. Họ chuyên tâm vâng phục cả những phán quyết bí nhiệm của Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, như Áp-ra-ham đã tuân phục, Người mà đức tin Hồi Giáo sẵn lòng tin theo. Họ không nhìn nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng lại tôn kính Người như vị Ngôn Sứ và kính trọng Đức Mẹ Đồng Trinh Ma-ri-a và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Đức Mẹ.

Hơn nữa, họ cũng trông đợi Ngày Phán Xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế mà họ tôn trọng đời sống luân lý và tôn thờ Thiên Chúa, nhất là bằng cầu nguyện, bố thí, và ăn chay. Mặc dầu trong quá khứ, giữa Ki-tô hữu và tín đồ Hồi Giáo có không ít những mối bất hòa và hiềm thù, Thánh Công Đồng kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người” ( Tuyên Ngôn Nostra Aetate về tương quan của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Ki-tô Giáo, số 3 ).

Thánh Phao-lô nói: “Mọi người đều đã đánh mất vinh quang Thiên Chúa” ( Rm 3, 23 ). Cho nên từ những biếm họa đến những cơn biểu tình rần rần phẫn nộ và đập phá, chẳng còn thấy đây là sự “từ bi”, là “vâng phục những phán quyết bí nhiệm”, là “cầu nguyện, bố thí, ăn chay”... Cũng chẳng thấy đâu là “công bình xã hội, thuần phong mỹ tục, hòa bình tự do”.

Khi Liên Minh Châu Âu dự thảo hiến pháp, Giáo Hội Công Giáo mong muốn phần khởi đầu nhắc tới lịch sử và nền văn minh Ki-tô Giáo đã hình thành nên lục địa văn minh này, nhưng ngày nay người ta trọng tinh thần thế tục, Liên Minh Châu Âu không chịu ghi vào dự thảo di sản Ki-tô Giáo của mình, coi như không công nhận yếu tố tôn giáo trong sự vận hành của xã hội ngày nay. Thế nhưng đến khi vẽ biếm họa, rồi những cuộc biểu tình bùng nổ, thì dư luận lại nói đến sự đụng độ giữa Hồi Giáo và Ki-tô Giáo. Thế là từ Châu Phi sang Iraq qua Pakistan đến Indonesia, có những Nhà Thờ của đạo Ki-tô bị đốt phá, và tìn đồ thương vong.

Tội nghiệp ba ông cha Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc một Nhà Thờ ở thủ đô Baghdah ( Iraq ). Có khi mấy anh lính Mỹ đến dự lễ và kính viếng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; cuối cùng đành phải ngỏ lời với các anh rằng: “Xin các anh cảm phiền trở về doanh trại dự lễ của cha tuyên úy, vì Nhà Thờ chúng tôi đã bị đánh bom hai lần rồi”. Cuộc sống của những người rao truyền “Thiên Chúa Tình Yêu” giữa thế giới “hận thù và bạo lực” nhiều khi chông chênh như vậy.

Từ ngày ông Adam và bà Eva ăn phải trái cấm, hình như hễ nhen nhóm được cái gì tốt lành thì sớm muộn thế nào cũng có tác động phá hoại. Trên đất Israel quê hương Chúa, phải đi qua bao nhiêu chặng đường đẫm máu và nước mắt, cuối cùng diều hâu Sharon về già mở ra một con đường tưởng là có thể từng bước đưa đến hòa bình với người Palestin. Đúng vào lúc ấy, cuộc “bầu cử dân chủ tự do” đưa phe Hamas hiếu chiến lên cầm quyền, tất cả lại trở về đầu con đường máu lệ. Một lý do để Liên Minh Châu Âu từ chối nhắc tới di sản Ki-tô Giáo là vì Châu Âu còn có người Hồi Giáo nữa... đang cởi mở “nối vòng tay lớn” như thế thì vụ biếm họa tai bay vạ gió lại gây nên hận thù trong lòng hàng triệu người Hồi Giáo.

Không biết lý thuyết của mấy nhà bác học cho rằng bướm bay ở Châu Mỹ gây ra bão táp ở Trung Quốc có đúng hay không, nhưng bướm biếm họa bay ở Châu Âu gây ra bão táp bên thế giới Hồi Giáo thì là điều đã chứng minh được rồi. Mới đây, người Iraq sau bao nhiêu năm dài đau thương và chiến tranh chiếm đóng cũng được “bầu cử dân chủ tự do”, và đang cố gắng lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, hồi sinh đất nước, thì bỗng nhiên có ai đó đánh sập ngôi Đền Vàng. Thay vì viễn cảnh hồi sinh vinh quang, thì lại xuất hiện viễn tượng nội chiến. Chắc chắn hàng trăm người chết trong vài ngày qua không phải là thủ phạm đánh bom, nhưng họ là con vật tế thần, một thần cuồng nộ nào đấy. Kinh Thánh Cựu Ước có những lối nói ta thấy khó hiểu khi bình an ngồi đọc trong phòng, ví dụ: “Yavê đã đổ xuống trên các ngươi thần khí hôn mê” ( Is 29, 10 ), nhưng khi chứng kiến những cảnh mù quáng hỗn loạn của thế gian, ta mới thấy thấm thía lối nói đó.

Bây giờ người thì vô tâm, vô tình, người thì đang hôn mê bạo lực, Đức Benedicto là một cụ già tóc bạc mảnh khảnh, cất tiếng nói về Thiên Chúa Tình Yêu, tiếng nói mong manh ấy không khéo bị bão táp thế gian lấn át mất tăm. Nhưng mà phải tin vào hạt giống nhỏ bé chôn vùi vào lòng đất.

YÊU MOZART BIẾT CHÚA HAY BIẾT CHÚA VÀ YÊU MOZART ?

Tháng trước, Châu Âu tưng bừng kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Mozart. Ở Pháp có một ông nhà văn Philippe Sollers đưa ra mấy ý tưởng ngộ nghĩnh về Đức Benedicto XVI: “Giáo Hoàng Benedicto XVI, trong lúc nghỉ hè ở Val d’Aoste, có nói rằng để thư giãn thỉnh thoảng ngài dạo Piano những tác phẩm của người nhạc sĩ ngài ưa hơn cả: Mozart... Chắc người ta cũng vui lòng đồng ý với tôi rằng không phải ngày nào cũng có một Giáo Hoàng chơi nhạc Mozart. Sau cỗ thiết giáp Gio-an Phao-lô II, đến những ngón tay của Benedicto XVI...

Nhưng quý vị liền bảo tôi rằng Giáo Hoàng này là người phản động, rồi quý vị liền đưa ra một chuỗi những lời ca cẩm: nào là Giáo Hoàng không cho phụ nữ làm Linh Mục, không chấp nhận bao cao-su, rồi chuyện AIDS, chuyện lạm dụng tình dục trẻ con, nào là cụ không chấp nhận ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái, không cho Linh Mục lấy vợ, nào khủng hoảng ơn gọi, nào Nhà Thờ vắng người, nào phong trào Đại Kết ì ạch, nào thiếu tinh thần trách nhiệm cộng đồng, thiếu dân chủ, nào tiêu cực trong những vấn đề thai nhi... Vậy mà vị Giáo Hoàng ấy lại muốn cho người ta biết là cụ thích nhạc Mozart. Hay đó là một sứ điệp ?...

Ta đừng quên rằng Giáo Hoàng cũng là một nguyên thủ quốc gia, không biết quý ông Bush, Putin, Sharon và tất cả những vị tổng thống Iran, Syria và đâu đâu khác nữa, nếu cố gắng lên một chút, liệu có gõ được vài phím Mozart. Nếu được vậy chẳng phúc cho tương lai hành tinh hay sao...

Dù sao, đôi khi Đức Benedicto XVI sau một ngày mệt lử vì công việc và những cuộc gặp mặt ngoài trời mà cụ đã phải nghe nhiều bài nhạc rất dở, hẳn là nghĩ thầm rằng sao mà suốt ngày, suốt đêm thiên hạ cứ ồn ào và cuồng nộ vì những chuyện chẳng đáng gì. Cụ trở vào tư thất, chìm sâu vào yên lặng, rồi cụ đến bên đàn Piano, và Thiên Chúa hiện hữu” ( Le Pape et Mozart, trong tuần báo Le Nouvel Observateur, số kép 2146 – 2147, từ 22.12.2005 đến 4.1.2006 ).

Vâng, đúng là nhạc Mozart giống như một vườn địa đàng mà ta tìm lại. Trong đời thường, Mozart có thể rất dung tục, nhưng lạ một điều là hễ ông động đến âm nhạc, thì tự nhiên một thế giới ánh sáng, đầy niềm vui, đầy sức sống cứ như nước trong nguồn trào ra. Có điều dường như với Sollers thì nhạc Mozart cho ông cảm giác rằng có Thượng Đế. Dù thế nào đi nữa, yêu Mozart vẫn có lý hơn là yêu bạo lực và khủng bố.

Nhưng Đức Benedicto XVI thì đã tìm một uyên nguyên sâu kín cho lòng yêu mến tự nhiên của ngài với Mozart. Uyên nguyên ấy được nhắc đến nhờ những lời và ý tưởng của một vị Giáo Hoàng thời xưa, Thánh Gregorio Cả: “Thánh Gregorio nói về Thánh Phao-lô, đã được siêu thăng đến những mầu nhiệm cao vời của Thiên Chúa, cho nên khi từ đó trở xuống thế gian, thì có khả năng trở nên mọi sự cho mọi người ( x. 2 Cr 12, 2 – 4; 1 Cr 9, 22 ). Thánh Gregorio cũng nêu gương ông Mô-sê: Mô-sê đi ra đi vào Lều Thánh nhiều lần, khi vào ông tâm sự với Thiên Chúa, cho nên khi ra ông có thể phục vụ toàn dân: “Trong lều ông siêu thăng nhờ chiêm ngưỡng, cho nên ngoài lều ông toàn tâm toàn lực dấn thân cứu vớt những người đau khổ”. ( Phần I, số 7 )

Đến cuối phần II, “Thiên Chúa Tình Yêu”. Sau khi đã chiêm ngưỡng Thiên Chúa Tình Yêu để lãnh hội được những hoa trái trong mọi lãnh vực, từ tình yêu nam nữ đến sự sống của xã hội và Giáo Hội, từ đỉnh cao của Mặc Khải Tình Yêu nơi trái tim bị đâm thâu của Đức Giê-su trên thập giá, Đức Thánh Cha nói: “Tình yêu là ánh sáng – và xét cho cùng, là ánh sáng duy nhất khả dĩ soi tỏ một thế giới tối ám và cho chúng ta sự can đảm cần thiết để tiếp tục sống và làm việc. Tình yêu có thể hiện hữu, và chúng ta có khả năng sống yêu thương vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa vào thế gian – đó là lời mời gọi tôi muốn gửi đến mọi người với Thông Điệp này” ( Số 39 ).

Thì ra vậy. Đó là lý do khiến cho vị Giáo Hoàng tuổi cao sức yếu vẫn lên tiếng nói giữa một thế gian bạo lực. Mà nếu vậy thì đâu chỉ một mình ngài nói. Hơn một tỷ con người nhỏ bé chúng ta nghe lời ngài nói lại phải tự nhận lấy cho mình một sứ mạng. Và tôi lại liên tưởng đến ba ông Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế với một mẫu ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp giữa thành phố Bagdad.

VŨ, Sài-gòn Chúa Nhật 26.2.2006

No comments: