VỀ CỐ HƯƠNG…
Trần Ngoc Báu
Tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất sáng ngày thứ hai 19.11.2001. Cũng như năm trước, lần này tôi mang theo một máy thu hình cầm tay để ghi lại những hình ảnh thân thương khi cần và một máy PC xách tay để có thể làm việc hằng ngày như tôi có thói quen làm tại Thụy Sĩ. Và cũng như năm trước, tôi không hề bị Hải quan làm khó dễ hay « làm tiền » như nhiều người nói. Thực vậy, chẳng thấy ai lục soát máy móc và hành lý của tôi, và cũng không thấy ai ngỏ ý yêu cầu tôi đóng « lệ phí » gì cả. Chỉ có điều hơi buồn cười là, lần này, nhân viên Hải quan có bảo tôi đưa túi tiền của tôi cho họ đếm xem có đúng như số tôi khai hay không. Chỉ có thế thôi ? Vâng, chỉ có thế !
Trên xe taxi về nhà, tôi than phiền với cháu tôi, lớn tiếng đủ để người lái xe nghe được, rằng từ chuyến đi vòng quanh thế giới năm 1966 đến nay, «tôi không gặp một phi trường nào trên quả địa cầu này cư xử với tôi bất lịch sự như thế cả. Người ta đem tiền đổ vào nước mình là một điều may mắn cho mình. Hơn nữa, tiền bạc là cái riêng tư , chỗ kín đáo của con người, không nên tò mò táy máy vào làm gì ! » Người lái xe chỉ cười nụ !
Để cho rõ hơn, tôi tiếp : « Thiếu gì cách đếm bạc, làm chi khó coi thế! » Thực vậy, báo Tuổi Trẻ và vài nguồn tin khác đã xác nhận rằng, năm 2001, « Việt kiều » đã gởi về và đem về tổng cộng xấp xỉ 3 tỷ mỹ kim, một số tiền viện trợ không bồi hoàn khổng lồ mà không một chinh phủ nào có khả năng làm cho một nước đồng minh ruột của mình. Cho dù chỉ bằng một móng của số tiền ấy thôi cũng không có! Thực vậy, Hà Nội có bao giờ dám mơ rằng, chỉ trong vòng một năm thôi, số tiền « Việt kiều » đưa về bằng cả số tiền gọi là « bồi thường chiến tranh » mà Hà Nội mãi nằng nặc đòi Mỹ phải trả sau chiến thắng 1975, chiếu theo lời đường mật của Henry Kissinger tỉ tê với Lê Đức Thọ ở những buổi « đi đêm » bên lề cuộc hòa đàm Paris. Thực hư ra sao, Mỹ cóc cần màng đến !
Trưa ngày thứ bảy 16.02.2002, tôi trở lại phi trường Tân Sơn Nhất làm thủ tục đi về Thụy Sĩ. Nhân viên Hải quan cũng không lục soát hành lý hay làm tiền tôi, y như năm trước thôi ! Lần này, tôi chỉ hơi giật mình khi nghe họ phán một câu cộc lốc : « Máy đâu ? Đưa coi ! » Tôi ngẩn ngơ, vội vàng mở bao bì,… nhưng chẳng thấy họ ngó ngàng đến, rồi phán : « Thôi, đi ! ». Nghe chuyện « đếm bạc » khi tôi mới về lần này, hay chuyện « đổ quạu » khi tôi ra đi, có người tỏ ra sành sõi cười bảo tôi sao khờ thế, chắc là họ chờ xem tôi có tỏ ra « biết điều » với họ hay không thôi ! Thật ra, tôi vẫn cho rằng tôi rất biết điều với họ, khi mà tôi coi như đương nhiên họ phải tôn trọng phẩm giá và chức nghiệp của họ, nhất là khi mà từ mười mấy năm qua họ mang nhiều tai tiếng đã trắng trợn đòi bà con « Việt kiều » nộp tiền mãi lộ khi qua cửa khẩu phi cảng. Ít ra đối với tôi, điều ấy đã không xảy ra !
VẪN MỘT ĐỊNH HƯỚNG « XẾP HÀNG CẢ NGÀY » !
Cũng như lần trước, lần này tôi về cố hương cốt để thăm bà con, bạn bè, và chia sẻ nếp sống của dân mình. Tôi muốn gặp gỡ, trao đổi, cảm thông, và sống những ngày tháng an lành, đạm bạc, bình dị như bà con mình, và vui hưởng một cái Tết « đổi mới » sau mười mấy năm xa cách Saigon. Nhưng, thực tình, lần này, tôi không thấy thư thái trong lòng, vì ngay từ ngày đầu đặt chân xuống đất Saigon, tôi đã được bạn bè cảnh báo là Công an Thành phố có « hỏi thăm đến sức khỏe » của tôi, nghĩa là Nhà nước đang theo dõi tôi và có thể coi tôi là « nhân vật bất hảo » ! Làm chi khó coi thế ? Tôi đã giũ áo ra đi từ khuya rồi, nay họ còn muốn gì nữa đây ? !
Thực vậy, hôm ấy vừa mới về đến nhà, bạn tôi là Hồ Công Hưng đã đến thăm và cảnh giác ngay là lần này tôi được nhà nước để ý hỏi han đấy. Anh khuyên tôi nên giới hạn việc dùng điện thoại và thăm viếng đối với bạn bè quen biết, để khỏi phiền lụy đến họ. Số là mới đây anh đã được công an mời « làm việc » nhiều buổi rồi và một anh bạn nữa của tôi là Vũ Sinh Hiên cũng được « làm việc » với công an nhiều buổi như thế. Ngoài nước, bạn bè đây đó đã biết tin này và lo lắng nhiều cho hai anh. Dĩ nhiên, qua những buổi « làm việc » rất nghiêm túc ấy, công an muốn điều tra về những hoạt động gọi là « chống phá cách mạng » của hai anh và trong giới bạn bè của hai anh, trong đó có tôi. Chẳng hạn, họ rất cay cú với tờ « Thư Nhà », xem như là hậu thân của tờ « Tin Nhà » xuất bản ở Paris và vừa mới đình bản đầu năm 2001, và muốn biết những tay chân nào giúp phát hành tờ « báo lậu » ăn ngay nói thẳng này, đang khi hai ông Chủ nhiệm Chân Tín và biên tập viên Nguyễn Ngọc Lan thì bị ghim chặt một chỗ rồi. Được biết, hai anh Hưng và Hiên vẫn tiếp tục được mời « làm việc », sau khi tôi về đến Saigon. Như vậy, tổng cộng, một anh « làm việc » 9 buổi với hơn 20 tiếng đồng hồ, và một anh 13 buổi với trên 30 tiếng.
Theo tôi, Nhà nước điều tra để làm gì, nếu không phải để nắm vững tình hình, sàn lọc lại những gương mặt nổi, xếp hạng, răn đe, và nhất là để lăm le đánh phủ đầu – nếu chưa muốn ra tay trừng phạt ! Về phía dân, dĩ nhiên là hai anh Hưng và Hiên cũng thản nhiên thông báo công khai cho những chỗ bạn bè về sự thể nói trên, để mỗi người liệu mà xử thế cho « có tình có lý ». Thì ra, trong chế độ dân chủ, mọi người dân đương nhiên được coi là vô can, vô tội, và được tự do đi lại, v.v. ; còn trong chế độ « xã hội chủ nghĩa » thì mọi người dân đều có thể bị coi là « nghi can » hay « bị can », và lúc nào cũng phải sẵn sàng « xếp hàng » lại cho rất mực ngay ngắn… Thực ra, bạn bè tôi ở Việt Nam chẳng có lòng nào để nao núng ! Bản thân tôi lại càng không có gì để sợ ! Nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng mỗi người cần tự động giữ gìn một chút để khỏi vô tình làm hại nhau. Âu đó cũng là điều mà Nhà nước mong muốn khi họ lớn tiếng điểm danh, điểm mặt, cốt để cho con dân liệu mà « xếp hàng cả ngày » theo định hướng « xã hội chủ nghĩa » cho thật ngăn nắp vậy !
« ĐỔI MỚI » HAY « KIỂU MỚI » ĐEM CON BỎ CHỢ !
Lần về năm 2000, tôi có đi Đà Lạt và đánh một vòng lên Tây Nguyên thăm bạn bè và tham quan vùng đất màu mỡ này. Cái mà tôi ngỡ ngàng nhất là ở Đà Lạt người thiểu số (trước ta gọi là người thượng, tức là người thượng du) biến đâu mất hết. Vào những năm 50, 60, tôi vẫn còn thấy họ kéo nhau xuống phố bán ít nông sản của họ và mua sấm ít khô, muối đem về. Những vệt đen nối nhau di chuyển theo hàng dọc trên các ngọn đồi hoặc dọc các con đường cái, đường mòn, vẫn còn ẩn hiện trong ký ức thơ mộng của tôi về miền thượng du này. Nhưng nay, những nét nên thơ ấy không còn nữa ! Họ đã bị dồn về những vùng rừng núi xa xôi hơn chăng, hay đã tiêu tán đi đâu mất rồi. Chỉ có lần tôi đi Suối Vàng mới bắt gặp được vài bà thiểu số xuất hiện dưới dạng người bán các giò lan rừng, cốt để ăn mày bà con đi tham quan thắng cảnh thôi.
Người dân tộc thiểu số thì còn thấy nhiều ở các tỉnh Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kontum. Nhưng họ bị đẩy lùi rất xa vào các vùng rừng núi hoang vu hơn. Người kinh năng động hơn, cần cù đảm đang hơn, đã lấn chiếm hầu hết các vùng đất canh tác của họ và biến thành những rừng cà phê. Thực vậy, số di dân mới đến từ năm 1975, tuyệt đại đa số là người Miền Bắc, đã cực lực khai thác triệt để các tỉnh cao nguyên này. Các đồn điền cà phê, nông trại, trang trại cà phê mộc lên như nấm, tràn ngập khắp nơi, nhiều nhất là từ giữa những năm 80 đến nay. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc cũng thế. Người ta thấy rất rõ có bàn tay « qui hoạch » của Đảng và Nhà nước trong kế hoạch phát triển ào ạt vùng cao nguyên đầy hứa hẹn này.
Thực vậy, để phát triển Tây Nguyên, Hà Nội đang mở xa lộ Hồ Chí Minh đi từ các tỉnh phía Bắc qua « đường mòn HCM », rồi xuyên quốc lộ 14 qua các tỉnh Tây Nguyên cho đến tận Thủ Dầu Một và Saigon. Sinh hoạt kinh tế cao nguyên trung phần đang có nhiều triển vọng phát triển mạnh hơn nữa ! Nhìn từ ngoài là thế, trông rất phấn khởi, nhưng năm ấy đã có những dấu hiệu suy yếu trầm trọng rồi : cà phê Việt Nam sản xuất đại trà, quá mức cung cầu trên thị trường thế giới và đang trên đà mất giá nặng nề ! Năm ấy, tôi đã nhìn thấy vài trang trại cà phê treo bản « bán vườn » móc meo trước cổng. Năm ấy, tôi cũng đã nghe nói có hằng trăm mẫu cà phê bị đốn đi, đang khi người thiểu số thì đói rách ra vì không có đất để trồng tỉa ! Về phía Nhà nước, không thấy có một sự báo động hay điều chỉnh nào cả ! Về lại Thụy Sĩ năm đó, tôi không lạ gì khi được tin mấy tháng sau có hằng ngàn đồng bào thiểu số đã liều mạng đứng lên biểu tình đòi đất và, dĩ nhiên,… bị thẳng tay đàn áp !
Lần về thứ hai này, tôi không màng lên Tây Nguyên làm gì nữa. Thế nhưng tôi lại được dịp tham dự buổi « tọa đàm » giữa bộ trưởng canh nông Lê Huy Ngọ với các chủ trang trại và các chuyên viên liên hệ, do Câu Lạc Bộ Trang Trại tổ chức tại Tp HCM ngày 18.01.2002. Theo lời ông chủ tịch Phùng Hữu Hạt, tuyên bố vào lúc khai mạc, thì đây là lần đầu tiên một bộ trưởng chính phủ đã thân hành đến gặp gỡ trực tiếp dân để lắng nghe và giúp giải quyết những khó khăn, trở ngại của dân. Với sự có mặt của phóng viên truyền hình và báo chí thành phố HCM, không khí cuộc gặp gỡ hi hữu này khá hào hứng và sôi động. Các chủ trang trại, người đã bỏ vốn liếng và công sức ra khai thác từ vài chục đến vài trăm mẫu nông trại từ nhiều năm qua, đã ôn tồn trình bày nhiều vấn đề cấn cái, và tha thiết kêu cầu ông bộ trưởng canh nông giải quyết để cứu nguy kế hoạch nông nghiệp « mũi nhọn » được Nhà nước cổ võ và bảo trợ này.
Tựu trung, các chủ trang trại chỉ nêu lên những vấn đề thật cụ thể đã từng được lập đi lập lại nhiều năm rồi, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cuộc giải bày xoay quanh vấn đề đất trồng, vốn liếng thiếu, kỹ thuật yếu, và không có qui hoạch rõ ràng và đồng bộ về phía Nhà nước. Phải làm sao để người chịu sản xuất không bị phá sản, vì bị bỏ rơi cho các thế lực cát cứ địa phương ăn hiếp, bị đánh thuế quá nặng trên các trang thiết bị canh tác, không vay được tiền ngân hàng, không được yểm trở kỹ thuật chăn nuôi và trồng cây ăn trái, không có được một qui hoạch nào về phía nhà nước để hướng dẫn thị trường, v.v.
Quả vậy, các chủ trang trại là những người trực tiếp sản xuất, giải bày vấn đề với chứng cớ rành rành, cụ thể. Chẳng hạn, một chủ trang trại xác nhận đã buộc lòng chặt bỏ hằng trăm mẫu cà phê, vì không thể cầm cự mãi đang khi cà phê tiếp tục mất giáthảm hại. Nhiều chủ trang trại không được cấp « thẻ đỏ » ; đó là giấy chứng nhận « quyền sử dụng đất đai » canh tác của chính trang trại mình. Hơn nữa, hầu hết các chủ trang trại đều chứng minh, vì nhiều lý do khách quan, đã bị lỗ nặng từ nhiều năm qua đang khi ngân hàng không chịu hỗ trợ vốn như Nhà nước đã có chủ trương. Nếu không có sự nâng đỡ của Nhà nước, công trình khai thác sẽ là công dã tràng thôi.
Ông bộ trưởng Lê Huy Ngọ trông hiền lành, nhỏ nhẹ, tỏ ra biết lắng nghe và hứa hẹn sẽ để tâm nghiên cứu . Nhưng, theo tôi, ông có vẻ không quán xuyến hết vấn đề để có thể giải bày những nguyên nhân sâu xa đưa đến những thất bại của trang trại. Hay là ông không có quyền công khai nhìn nhận Đảng và Nhà nước đã qui hoạch sai lầm trong kinh tế nông nghiệp và không có thẩm quyền lấy biện pháp sửa sai. Chẳng hạn, vấn đề « đất đai » trên mặt pháp lý là thuộc tài sản quốc gia, ông không thể ép chính quyền địa phương nới ra cho dân dùng ! Hôm sau, báo chí và truyền hình thành phố cũng chỉ tường thuật đại khái cuộc « tọa đàm » nói trên và không quên đề cao ông bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã có lòng với dân, hứa hẹn này nọ, nhưng không ghi nhận có một giải pháp mới nào. Như vậy, ở thời buổi « kinh tế thị trường », Nhà nước quản lý thì Nhà nước cứ cổ xúy, còn dân làm chủ thì dân cứ chịu ! « Đổi mới » kiểu này không khác nào đem con bỏ chợ !
VẪN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO « ĐỊNH HƯỚNG XHCN »
Qua những khó khăn nan giải được trình bày trong buổi « tọa đàm » nói trên, tôi hiểu được rằng các chủ trang trại gián tiếp yêu cầu Nhà nước có một chính sách rõ ràng hơn đối với công cuộc phát triển trang trại nói riêng và có một « qui hoạch » đồng bộ hơn để hỗ trợ cho chính sách ấy. Nghe qua thì thấy có lý đấy, nhưng các nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu trước đây đã thất bại cũng vì lề lối « chỉ huy », « bao cấp », « qui hoạch », và Nhật Bổn ngày nay tiếp tục suy thoái trầm trọng cũng vì Đảng cầm quyền đã « quy hoạch » quá khéo suốt 5 thập niên qua, nên công cuộc phát triển đến một trình độ nào đó thì cứ ù lì ra, sơ cứng lại, mất hết khả năng uyển chuyển để ứng phó với những biến thiên của thời thế.
Nói gì thì nói, nhưng Nhà nước làm được gì khi mà Đảng chỉ đạo tất cả và bao thầu tất cả ? Dĩ nhiên, Đảng chỉ đạo theo chính sách và qui hoạch bí hiểm của Đảng, chớ làm gì chẳng có? Còn qui hoạch giỏi hay dở, đúng hay sai lại là chuyện khác ! Nhưng ở đây chẳng ai dám đá động đến Đảng cả, kể cả ông bộ trưởng Lê Huy Ngọ. Ai cũng dư biết từ những năm « đổi mới » đến nay, Đảng bật đèn xanh cho cả nước nhào vô làm kinh tế thị trường. Trong lãnh vực nông nghiệp đang bàn ở dây, Đảng chủ trương canh tác « đại trà » (trải rộng ra, không bó hẹp về diện tích, xét cho từng loại nông phẩm), như làm đồn điền, nông trại, trang trại theo kiểu các nước công nghiệp, như ở Thụy Sĩ chẳng hạn. Đó phải là lối phát triển nông nghiệp mũi nhọn mà Đảng nhắm đến… Thực vậy, ai dám đưa hằng trăm ngàn dân lên vùng Tây Nguyên trồng cà phê, nếu không có chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Và nếu không có chỉ đạo từ trên, thì các chủ đồn điền và trang trại làm sao có thể an tâm hè nhau trồng loại cà phê « robusta » dễ trồng, dễ ăn hơn loại « arabica », để rồi phải bị mất giá vì ứ đọng trên thị trường thế giới ? !
Thực vậy, được biết trong năm 2001 vừa qua, Việt Nam đã xuất cảng 800 ngàn tấn cà phê, đứng hạng nhì thế giới về mức xuất cảng cà phê nói chung, và hàng thứ nhất thế giới về cà phê « robusta » nói riêng. Cùng với Ba Tây, Việt Nam đã sản xuất quá lạm cà phê, gây ra nạn phá giá thảm khốc và đưa các nước sản xuất cà phê, đứng đầu là Việt Nam, đến một tình trạng khủng hoảng nặng nề chưa từng thấy. Ở Việt Nam, giá cà phê năm ngoái là 0,30 mỹ kim/ký, so với năm 1995 là 2,50 mỹ kim/ký. Ai chết trong vụ này, biết rằng hết 80 phần trăm sản lượng cà phê là do các chủ trang trại nhỏ, nông trại gia đình làm ra ; 20 phần trăm còn lại là do các đồn điền quốc doanh sản xuất ? ! Người ta đua nhau đốn rừng trồng cà phê, sử dụng tối đa phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để đẩy mạnh sản lượng. Kết quả là một mẫu cà phê ở Việt Nam cho ra 1.600 ký cà phê, đang khi ở Phi Châu chỉ đạt đến mức 600 ký thôi.
So sánh các con số thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước VN chắc phải biết là đã qui hoạch lếu láo rồi. Như vậy, tại sao không sớm tìm cách sửa sai, và tại sao cứ bưng bít mãi, không dám nói ra? Thực vậy, năm 1991, Việt Nam sản xuất bằng 5 phần trăm sản lượng cà phê « robusta » cả thế giới, và đến năm 2001 mức sản xuất của VN vượt lên gấp 7 lần hơn, tức chiếm hết 33 phần trăm sản lượng « robusta » thế giới[1]. Đang khi đó, giá cà phê « robusta » trên thị trường thế giới là 1000 mỹ kim/tấn năm 1991, 4000 mỹ kim/tấn năm 1994, rồi tiếp tục mất giá đến khoảng 400 mỹ kim/tấn năm 2001 (tức sút giảm đến 10 lần hơn so với năm 1994).[2] Nhà nước không kiểm soát nổi diện tích trồng cà phê gia tăng, hay không biết theo dõi giá thị trường thế giới ? Rốt cuộc, ai qui hoạch việc trồng cà phê nếu không phải là Đảng, và ai chết vì hậu quả khốc hại của sự qui hoạch này nếu không phải là dân? Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thế đấy !
Cái đau lòng nhất đối với người dân là « chủ đất nước », chính là không có cách nào kiểm soát được việc làm của người quản lý là Nhà nước và cũng không có một thẩm quyền nào « điều tra » công việc của Đảng, như Đảng và Nhà nước từng mở những cuộc « điều tra » dân. Trở lại cái buổi « tọa đàm hi hữu » giữa các chủ trang trại và ông bộ trưởng Lê Huy Ngọ, tôi nhận thấy dân kêu đói và kêu cứu, nhưng hình như không biết rõ mình chủ yếu phải « xin » cái gì cho đáng. Còn người quản lý thì hình như không nắm vững mình quản lý cái gì, nên chỉ biết hứa hẹn suông thôi ! Phần Đảng, Đảng cứ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên nền kinh tế thị trường theo « định hướng xã hội chủ nghĩa » của Đảng quang minh, đỉnh cao của trí tuệ loài người !
KHÔNG THOÁT KHỎI ĐỊNH HƯỚNG « MÔI HỞ RĂNG LẠNH »
Rồng rã trên một tháng trời trước Tết và sau Tết, người dân Saigon có dịp đàm tiếu lai rai về vụ tên trùm xã-hội-đen Năm Cam (tức Trương Văn Cam) bị bắt ngày 12.12.2001 cũng như đồng bọn của y sau đó, được báo chí và truyền hình thành phố ráo riết phanh phui, tường thuật mỗi ngày. Vụ Năm Cam bị bắt đã gây chấn động khắp các giới giang hồ. Lần lượt, các tay đàn em của Năm Cam cũng bị lọt lưới lực lượng công an đặc biệt một cách dễ dàng và dễ hiểu thôi! Lúc đầu, người dân Saigon còn hồ hởi theo dõi vụ triệt hạbăng nhóm ma-fia lộng trời khét tiếng này, đã tung hoành ngang dọc năm bảy năm qua trước lỗ mũi của các quan lớn mà không hề hấn gì. Nhưng chỉ vài hôm sau, họ đã chép miệng bảo nhau: « Mấy quan lớn chơi nhau đó mà! », « chắc vì ăn không đồng chia không đều, nên nay phải muối mặt ra tay hạ nhau sát ván đó thôi! ». Có người tỏ ra sành sõi hạ giọng nói nhỏ: “Đây là một phản đòn của băng đảng ma-fia ở chóp bu!”.
Người Saigon bàn tán với nhau rằng chắc chắn vụ này không nhỏ, vì phải cần đến Bộ Công An Hà Nội và Tổng cục Tình báo Trung Ương thân hành đến Saigon làm việc với Đảng và chính quyền thành phố. Hình như bọn Năm Cam lừng danh này có cả các đấng lãnh đạo tối cao bao che và có cả tình báo Trung Cộng đỡ đầu, nên mới dễ dàng bành trướng cùng khắp mạng lưới phạm pháp của nó. Giới làm báo ở Sài gòn rỉ tai cho biết có hằng trăm quan công an lớn nhỏ tại thành phố này "lãnh lương tháng" của trùm Năm Cam, nói gì đến những thủ trưởng của các cơ quan công quyền tại Saigon hoặc trên khắp nước. Dĩ nhiên là giới hữu trách Saigon phải chịu trách nhiệm trong việc phòng chống tội phạm, khi để cho tổ chức xã-hội-đen Năm Cam lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật trong nhiều năm qua. Nhưng, người dân Saigon đoán chừng rằng các đấng tối cao không dại gì uýnh nhau xước đầu mẻ trán cho dân cười, mà chỉ cần đưa ra vài con vật tế thần, như ngưng chức 2 thượng tá công an Nguyễn Mạnh Trung và Dương Minh Ngọc chẳng hạn, rồi nội bộ đóng cửa lại “dạy bảo” nhau là xong chuyện! Ngược lại, có người nói biết đâu người ta lại chẳng đưa vụ này lên thành một vụ án chính trị thế kỷ?!
Có điều lạ lùng là, trong suốt thời gian tôi ở Saigon, báo chí phanh phui đủ thứ chuyện tham nhũng, giết người, cướp của, mãi dâm, băng đảng v.v., nhưng không hề thấy nói động đến một tiếng về vụ « cắt đất » biên giới và hải phận dâng cho Trung Quốc ! Dân Saigon nói chung chẳng hay biết tí gì về vụ động trời này. Chỉ có vài nhân vật trong chỗ quen biết thì trả lời là « có biết tới » khi tôi hỏi, nhưng tỏ ra « dè dặt », thông cảm với lối mà Đảng dàn xếp nhỏ nhẹ với đàn anh Trung Quốc. Tôi có dò hỏi lý do tại sao báo chí im hơi lặng tiếng về vụ « bán nước » này nơi một Phó tổng biên tập một tờ báo có tiếng ở Saigon, thì được biết có mật lệnh từ trên không được đá động đến vấn đề cấm kỵ này, nếu không muốn bị xơi tái. À thì ra Đảng lãnh đạo theo « định hướng xã hội chủ nghĩa » là thế đấy !
Ở Việt Nam, hàng hóa công nghiệp Trung Quốc tràn ngập, rẻ như bèo, từ quần áo đến máy móc, xe cộ, đồ dùng, đồ giả và đồ chơi con nít. Ai có về thăm Việt Nam đều biết như thế. Nông sản Trung Quốc cũng ào ạt đổ tràn qua biên giới, cạnh tranh dễ dàng với thị trường nông sản Việt Nam. Chẳng hạn, quít Trung Quốc chở trên xe ba gác bán đầy đường Saigon, ngọt hơn quít ta, nhưng giá cả thì lại ngang ngửa với quít ta. Bài học mà tập đoàn « Mao Xếnh Xáng », lúc bấy giờ do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo, đã dạy cho Hà Nội khi xua quân tấn công qua biên giới ngày 17.02.1979 xem ra chưa thắm thía gì đối với cuộc « xăm lăng kinh tế » tàn bạo và vụ « lấn lướt hữu nghị biên giới » hiện nay của Giang Trạch Dân.
Thực vậy, khi mà người đàn em Hà Nội « phản thùng » xua quân đánh chiếm Miền Nam VN năm 1975, -- trái với lệnh hòa hoãn với Mỹ do tập đoàn « Mao Xếnh Xáng » chỉ đạo (kể từ năm 1972 là năm mà tổng thống Mỹ Richard Nixon đến cầu hòa với Trung Quốc) --, ngã theo phe Liên Xô và khối Comecon của Liên Xô, rồi năm 1978 đánh tràn qua Cam Bốt là nước được đàn anh Trung Quốc bảo hộ, và sau đó công khai mạt sát thậm tệ « bọn phản động Phương Bắc », một vài người thức thời ở Saigon trong những năm ấy đã tiên liệu rằng lúc bấy giờ Hà Nội có thừa thắng xong lên và vênh mặt « chống Tàu » đi nữa, thì rồi ra có ngày cũng phải quì rạp xuống xin được « theo Chệc » thôi ! Điều tiên đoán này nay được chứng minh là chí lý vậy !
Ờ, trước sau gì rồi Đảng CSVN cũng làm kinh tế thị trường theo « định hướng xã hội chủ nghĩa » như Trung Quốc thôi. Không chết đâu mà lo, bà con ơi , thế nào rồi đất nước ta cũng tiến lên thôi! Chỉ có điều là, trong những điều kiện cạnh tranh kinh tế ráo riết như hiện nay, không tiến nhanh tức là lùi đấy ! Đi sau đuôi Trung Quốc, chỉ có mẻ ăn cơm thừa thôi ! Đành vậy! Của đáng tội, Đảng CSVN đâu còn có cách nào khác ? ! Ngay với cái nghiệp làm học trò của Trung Quốc mà thôi, thì Đảng CSVN cũng phải mất 10 năm trở lên mới mong thuộc qua loa bài « dân chủ hóa » kiểu Trung Quốc. Nói cách khác, đó là « lý thuyết tư bản Mỹ » mà Trung Quốc quyết tâm theo đuổi để dứt khoát cởi bỏ ách cộng sản Mác-Lê và phe phẩy với thế giới tự do. Thực vậy, khi mà Trung Quốc đã hoàn thành việc cải tổ chính trị theo đường lối dân chủ tự do được “tái chế”, thì người dân họ được tự do hơn và sức mạnh kinh tế Trung Quốc sẽ được phát huy gấp bội. Ở cái thế “môi hở răng lạnh”, mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ nặng nề hơn bao giờ hết!!!
SAIGON ĂN TẾT NHÂM NGỌ TƯNG BỪNG, NHƯNG…
Ai cũng thừa biết rằng nông dân chiếm 80 phần trăm dân số cả nước (nước đông dân vào hàng thứ 13 trên thế giới) đã hy sinh biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt, trong 30 năm chiến tranh và nay phải nai lưng ra làm cật lực để nuôi cả nước, nhưng lại đang sống dở chết dở vì nông sản mất giáthậm tệ. Đây nhé, mùa hè-thu năm 2000 tôi về, nếu tôi không nhớ lầm, giá một ký mảng cầu 4 ngàn đồng, chôm chôm 7 ngàn, nhãn 10 ngàn, sầu riêng 11 ngàn. Gạo vẫn 3-4 ngàn 1 ký. Giá rau cải, tôm cá và thịt thà cũng tương đối dễ thở ! Mà giá thị trường hối đoái lúc bấy giờ là 1 mỹ kim ăn khoảng 14 ngàn đồng VN.
« Việt kiều » về thăm nhà vẫn hồ hởi tiêu xài như nước, ăn uống xả dàn, tắm tắc khen ngợi kinh tế Việt Nam ngày nay phát triển lên, hàng hóa rẻ mạt, dân chúng mặc sức hưởng thụ ! Dân chúng nào ? Dân « Việt kiều » ăn tiền mỹ mà về tiêu xài ở cố hương có hưởng thụ tràn trề chăng thì có, chứ dân nào vào đó ? Dân quê nợ nần đầy đầu lấy tiền đâu mà xài ? Tất cả tài sản của họ là tấm « thẻ đỏ » mà họ đã đem thế chấp ở ngân hàng, rồi để ngâm tôm đó mãi vì không có tiền chuộc về, nên lãi xuất trên món nợ ngân hàng lại cứ thế mà chồng chất lên thôi! Năm 2000 tôi về đã thấy dân quê biểu tình trước Văn phòng Đại diện Chính phủ, đường Lê Duẩn, Saigon, gần Vườn Bách Thảo (Sở thú). Năm 2001 trước và đang khi tôi về thì đã biết dân quê đã lặn lội ra biểu tình nằm lì ở tận Hà Nội ! Còn dân thành phố thì thất nghiệp dài dài, đi chợ tính từng đồng từng cắc, làm gì có tiền để tự do ăn xài như « Việt kiều » tưởng ! À quên, «Việt Cộng » và những tay gặp thời cơ bốc lên thì hoàn toàn tự do ăn trên ngồi trước và tự do vất tiền qua cửa sổ ào ào thì có.
Lần về vừa rồi, tôi cố tình nán lại ăn cái Tết Nhâm Ngọ ở Saigon để nhớ đời. Tôi dành mấy ngày 28, 29, 30 Tết để đi rảo phố và đi chợ Tết với các cháu tôi. Bắt đầu từ ngày 23 Tết, ngày đưa Ông Táo về trời, người ta đã dọn rabày bán đầy vĩa hè, nhất là gần các chợ, nào là dưa hấu, bưởi, xoài, cam, quít, táo, nho, vú sửa, v.v. trông rất hấp dẫn. Ở rất nhiều con đường Saigon, như Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Pasteur, BH Thanh Quan, v.v., người ta bày bán các đồ sứ và các lọ bình, hàng mỹ nghệ, trang trí, đầy các lề đường. Quần áo, giầy dép, nón mũ cũng giàn ra bán ngoài đường tấp nập. Càng gần Tết thì bông hoa và cây cảnh càng rộ lên khắp các ngã thành phố. Màu vàng sáng rỡ của cúc, mai và vạn thọ tràn ngập đó đây và nhất là tại các chợ Tết ở Vườn Tao Đàn và Công viên 23 tháng 9 (chỗ nhà ga Saigon cũ). Chợ Tết thì có đầy đủ các mặt hàng, tưng bừng hoa lá và đông nghẹt tài tử giai nhân đi thưởng xuân…
Ăn Tết Nhâm Ngọ, người dân Saigon được nghỉ chính thức 4 ngày, gồm có thứ hai 11.03 là ngày 30 Tết, và ba ngày Mồng Một, Mồng Hai và Mồng Ba Tết (12,13 và14.03). Nhưng nếu tính thêm thứ bảy và chủ nhật 28 và 29 Tết nữa thì dân chúng có được đến 6 ngày Tết nghỉ thả dàn. Vào những ngày gần Tết, họ đổ ra đầy đường phố, xe cộ chật cứng, chen chân không lọt. Nhất là ba đêm 28, 29 và 30 Tết ! Thế nhưng người đi chợ Tết thì nhiều, mà người mua sấm Tết thì ít. Đến đêm 29 Tết, hàng hoa, hàng kiểng, hàng cây trái bánh mứt hầu như vẫn còn y nguyên. Từ chiều đến đêm 30 Tết là lúc mà ai cũng chầu chực bán đổ bán tháo rẻ như bèo để nhào ra mua. Đến sáng ngày Mồng Một Tết, đây đó ở ngoại thành vẫn còn thấy bán lai rai mấy chậu mai. Còn dưa hấu và nhiều thứ trái cây khác thì người bán vẫn phải tiếp tục bán, vì ứ động quá nhiều ! Thật vậy, rất nhiều người buôn bán Tết vừa rồi không có quyền được tự do ăn Tết như người khác ! Tôi cảm thấy chua xót cho thân phận người dân bán buôn chật vật, mặt mũi bơ phờ, đói no thất thường, ngủ lê lết ở lề đường bên trong mớ hàng hoa hàng trái của mình, may mắn thì lấy công làm lời, xui xẻo thì đổ nợ thêm ra…
Ngày nay, các thành phố lớn ở Việt Nam, cách riêng là Saigon, bị tràn ngập bởi số nông dân đói khổ từ khắp nơi -- và nhất làtừ Miền Bắc -- đổ về kiếm ăn, tạo ra đông đảo hơn số người cùng khổ, gây ra nạn tăng giá nhà đất và làm gia tăng nạn thất nghiệp cũng như các tệ nạn xã hội khác. Chính phủ thì cứ hô hào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, biến Saigon thành trung tâm thương mại, kinh doanh lớn nhất nước. Thực vậy, Saigon đang tiếp tục « đổi mới » và sẽ đua đòi trở nên phồn thịnh như Thượng Hải của Trung Quốc và các thành phố vĩ đại khác trên thế giới ! Các công trình xây dựng vẫn tiếp tục thi công nổi lên, đang khi nông thôn chết mòn chết dần ! Chẳng lẽ Đảng và Nhà nước có « qui hoạch » bỏ rơi nông thôn để độc quyền phe phẩy làm giàu ở thị thành chăng ? Phát triển với vốn vay mượn nước ngoài thì lúc nào mới có đủ vốn để phát triển, và rồi mấy đời con cháu về sau phải cật lực làm mới trả hết đây? Vốn trong nước thì chủ yếu nằm trong nông nghiệp, mà nghề nông thì chưa ngốc đầu dậy nổi và có lẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được trong tình huống này. Đấy, làm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thế đấy !
THẾ ĐỨNG « XẾP HÀNG » MỖI NGƯỜI MỖI KHÁC !
Tôi về lần này ở chơi đến 3 tháng, nhưng cứ ấm ức trong lòng vì chưa gặp được bao nhiêu bạn bè. Có gặp mặt thì cũng chỉ nói chuyện lếu láo hay hàn huyên tâm sự thôi, chớ có mưu đồ mưu điếc gì cho cam. Những người có dù che đàng hoàng rồi thì tôi không ngại. Những người đã cùi nên không sợ hủi, như Lm Chân Tính hay Nguyễn Ngọc Lan, thì tôi vẫn đến gặp bình thường. Còn số người còn lại, thật sự lần này tôi có e dè cho họ, giữ gìn giùm họ. Nhưng rồi đến cận ngày Tết, tức những ngày tôi sắp về lại Thụy Sĩ, tôi chịu không nổi nữa. Không lẽ tôi đi 1 phần 4 vòng trái đất để không được gặp mặt bạn bè ? Thế là tôi định bụng tối thiểu cũng phải gặp hai người tôi mới biết tiếng, nhưng chưa hề gặp mặt, mà đã đem lòng quí mến ! Đó là hai anh Gs Nguyễn Chính Kết và Gs Trần Duy Nhiên, mà tôi rất hân hạnh được họ sẵn sàng tiếp tôi cùng một lúc, bất chấp những gì không hay lỡ xảy ra cho họ.
Thế là tôi được giáp mặt và hàn huyên với hai anh ấy 2 lần tại nhà tôi. Họ là bạn thân thiết với nhau, tuy mỗi người hành xử một cách khác nhau, mỗi người « xếp hàng » với một thế đứng khác nhau. Đối với tôi, hai anh là điển hình của hai mẫu người "dấn thân tích cực" tuy trái nghịch nhau mà vẫn cộng tồn được với nhau tại VN ngày nay. Tôi rất sung sướng và mãn nguyện đã làm một việc hợp với lòng mình. Cuối cùng, hai anh đã đem lại cho tôi thêm sức sống, hy vọng, thư thái, lạc quan, niềm tin cậy vào con người và lẽ sống làm người, mà thời gian và hoàn cảnh dâu bể đã cướp mất đi dần trong tôi.
Anh Nhiên là mẫu người tích cực có mặt nơi nào có thể có mặt, sống tinh thần phúc âm trọn vẹn với tất cả mọi người, cách riêng với "người thân cận" là đám sinh viên anh dạy ở Đại Học Saigon. Ba ngày Tết mà anh còn đôn đáo chạy vô ra nhà thương để chăm sóc cho một sinh viên cô đơn bị nạn của anh! Còn viết được trên báo Công Giáo & Dân Tộc là anh cứ viết. Dại gì anh không dùng diễn đàn có sẵn độc giả thao thức muốn đọc bài của anh?! Anh không cần thắc mắc gì về thế đứng chính trị của tờ báo, mà chỉ nhằm phục vụ số độc giả chỉ có một tờ báo "công giáo" độc nhất ấy để đọc và để sống đạo một cách đơn sơ trong lành như mọi người dân có đạo trung bình. Anh Nhiên cho rằng « tất cả chúng ta đều có chỗ đứng riêng » (nous sommes tous programmés!), theo cái nghĩa rằng ta chỉ có thể chọn lựa trong những cái mỗi người có trước mắt, biết rằng những cái này dù sao cũng được « điều kiện hóa » hay « chọn lựa sẵn » rồi...
Trái lại, anh Kết thì tích cực dấn thân theo tiếng gọi của lương tâm cho dù phải đi ngược với hoàn cảnh sinh sống. Anh có đấu tranh chăng là chỉ đơn thuần đấu tranh vì tiếng gọi của lương tâm làm người và làm người công giáo ! Không tính toán thiệt hơn. Không có dự phóng (projet) nào cho bản thân mình. Hoàn toàn không có một tham vọng nào ngoài tham vọng sống chết cho sự thật, được lương tri bức xúc của anh soi sáng, đắn đo xác nhận. Tôi được biết tiếng anh từ Thụy Sĩ khi mà anh xúc động khi đọc lá thư ngỏ của anh Bs Nguyễn Tiến Cảnh nói về vụ Cha Lý, và từ đó anh đã liên tục mạnh dạn lên tiếng đòi có thêm tự do tôn giáo. Và cũng từ đó, anh bị công an mời lên « làm việc » nhiều lần, bị khám nhà, bị tịch thu các tài liệu và dụng cụ viết lách, bị cô lập và bị thiệt thòi về tài chánh, v.v. Trước cái nhìn soi mói của công an, anh thản nhiên xác nhận rằng anh ủng hộ cha Chân Tín đấu tranh cho tự do tôn giáo. Đối với cha Lý, cha Lợi, cha Giải, hay TT Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm cũng vậy. Anh nói : "Tôi chỉ ủng hộ họ về mặt ấy mà thôi!" Đúng thế, anh Kết nói rõ với tôi là anh xác định đối tượng đấu tranh chỉ trong lãnh vực tôn giáo mà thôi, để thật sự trong sáng với mình và với người. Anh không ham hố, tham lam, đòi hỏi những cái vượt quá xa tầm tay và hiểu biết của anh.
Tôi rất quí trọng thái độ khiêm tốn này của anh Kết. Anh ít nói, nhút nhát, và khi nói thì nhỏ nhẻ, đơn sơ, bộc trực, ngắn gọn, trong sáng, chân thực. Còn anh Nhiên thì nói nhiều, giải thích nhiều, nhưng không có ý phô trương cho bằng muốn thông đạt tư tưởng, cố diễn tả những hoàn cảnh trớ trêu trong đó con người phải chấp nhận sống trọn cái kiếp làm người. Hai anh có sự chọn lựa khác nhau, mà rất quí trọng và khắng khít với nhau lạ thường. Được như vậy vì họ là người trong cuộc, hiểu rõ những tình tiết éo le của cuộc sống dưới chế độ hà khắc hiện nay. Họ biết rõ là mọi hành động đều đến từ những nhận định, cảm tình và hiểu biết của mỗi người; và trong những hoàn cảnh bưng bít như ở VN hiện nay, không dễ gì có hai người có đồng một nhận định, cảm tình và hiểu biết giống nhau. Chỉ còn một thái độ rất phúc âm là tôn trọng nhau và bao dung với nhau mà thôi!
Theo tôi, hai anh Nhiên và Kết đang sống tự do giữa một xã hội thiếu tự do. Hai anh là người có lòng tin nơi Thiên Chúa và con người, cho dù đó là người không tin hai anh. Hai anh tin rằng sống với niềm tin tôn giáo và đấu tranh cho tự do tôn giáo, mỗi người theo cách thế riêng mình, là giúp kiến tạo một xã hội lành mạnh, công bằng, an vui, hòa bình và nhân ái. Hai anh tin rằng tự do tôn giáo không những không gây bất ổn xã hội, mà trái lại là sẽ giúp đóng góp nhiều hơn và tốt hơn cho việc xây dựng đất nước và con người Việt Nam. Riêng anh Nguyễn Chính Kết, anh thực lòng không « chống phá » ai cả, mà chỉ muốn xây dựng mà thôi. Ngoài nước, những ai có dịp theo dõi những lần anh bị công an « hỏi cung », hay những bài anh viết, đều thấy rõ thái độ ôn hòa, trong sáng, minh bạch và luôn luôn xây dựng của anh. Lần này, tôi trở về lại Thụy Sĩ với tấm lòng thư thái, nhẹ nhõm, nhờ đã được hai anh Nhiên và Kết « thêm sức » cho. Cám ơn hai bạn trẻ đáng mến này.
Fribourg 24.03.02
No comments:
Post a Comment