Từ sinh hoạt hội đoàn đến
phong cách lãnh đạo
Nhìn lại những "Hình ảnh Hoạt động Thanh Niên Thiện Chí tại Việt Nam 1956-1961"[1], tôi không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại một thời sinh hoạt xa xưa tưởng chừng như đã phai nhòa trong ký ức mà bỗng nhiên hiện về gần gũi thân thương lạ lùng. Đồng thời, tôi cảm thấy biết ơn anh Trần Văn Ngô, con người luôn có sẵn "thiện chí" khi thật sự cần đến, đã bỏ nhiều công khó trong lần in ấn này và, như anh viết trong lời "Bạt" để ở trang cuối tập, đã "lên khuôn một mình, lần nào cũng vội vã cho kịp đem trình làng".
Như để phân bua tại sao phải bày trò nhớ nhung làm gì một thời dĩ vãng, anh viết tiếp: "Khi nhìn lại những hình ảnh này, nhiều người, trong đó có kẻ hèn này, thấy vui; vui vì một thời thanh niên sống trong môi trường thân hữu, thiện chí và đã góp sức xây dựng... Mà có lẽ chúng ta không nên ngừng ở đây. Nếu như chúng ta xác tín rằng, cuộc đời thanh niên đó đáng cho chúng ta hãnh diện, chúng ta hãy cùng nhau truyền lại cho con cháu... Cách nào, làm sao, đó là vấn đề mỗi khi chúng ta có dịp gặp nhau".
Tôi là một hội viên trễ tràng vào những năm ấy (1956-61), nhưng rất tích cực mỗi lần có dịp tham dự trại từ khoảng 1960 đến 1963 và nhờ đó mà đã được chuyển hóa theo tinh thần và phong cách làm việc của Thanh Niên Thiện Chí (TNTC). Tuy nay chưa "có dịp gặp nhau" để bàn cách nào "truyền lại cho con cháu" kinh nghiệm của mình, hay đúng hơn là "của chúng mình", tôi thiển nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện nay, các bạn tôi sẽ đồng ý với tôi về một cách truyền đạt tương đối dễ làm và rẻ tiền nhất, đó là viết lại được gì thì viết.
Thật vậy, biết rằng thời buổi đất nước loạn ly, lòng người phân tán, tấm thân lưu lạc xứ người, thì văn chương chữ nghĩa cũng rẻ như bèo, viết lách chẳng qua như gởi hương cho gió, gởi chữ vào "chai đóng nút" thả cho biển cả cuốn đi vào cõi ngẫu nhiên trùng phùng nào đó. Biết thế, nhưng tôi tự nhiên cảm thấy mình bị thúc bách phải viết một cái gì đó cho thế hệ mai sau, gọi là đáp lại lòng mong đợi của anh chị em TNTC vậy. Viết là một cách làm, nhưng viết chưa hẳn là cách làm tốt nhất! Tuy vậy, có còn hơn là không, nhất là vừa mới được tin bạn Lê Đình Điểu, một cựu TNTC, đã vĩnh biệt ra đi vào tháng 5 này. Cuộc đời cầm bút tận tụy của Điểu khuyến khích tôi viết ra những suy nghĩ này.
"ĐÂY VỚI ĐÓ KHÔNG GIÂY MÀ BUỘC"
Chúng ta sống trong một thời đại mà mọi thành tích đều phải được xác nhận bằng những con số: nhảy sào phá kỷ lục chiều cao 6m34, bay vòng quanh thế giới bằng không khí cầu với kỷ lục 47 tiếng 20 phút 30 giây, v.v. Khi nói về TNTC, thật là bẽ bàng nếu bảo rằng đã tổ chức trong vòng 17 năm trên 100 trại công tác và 50 trại hội thảo. Thực vậy, có những lãnh vực không tính được bằng con số mà lại có một tầm quan trọng gấp triệu lần những con số kỷ lục. Cũng như có những câu tục ngữ rất tầm thường mà trở thành vô giá, như "đây với đó không giây mà buộc". Có lẽ vì thế mà cho đến nay, chẳng mấy bạn viết được gì về TNTC, bởi nó nằm ở lãnh vực "sống" hơn là "suy nghĩ và nói" về cách sống của mình.
Đúng thế, cái đặc điểm của TNTC, theo tôi, là cốt mượn một nếp sinh hoạt rất bình thường, như "họp trại" chẳng hạn, để làm chỗ cho thanh niên giải trí tập thể, gặp gỡ nhau và nhất là quen biết, thân thiện với nhau. Nói là "bình thường" là ý muốn nói rằng Hội TNTC không có những mục đích, mục tiêu, tôn chỉ, hoạt động xôm tụ, cao kỳ, đao to búa lớn nào cả, và những người điều hành công việc Hội cũng không nhắm một lý tưởng cao siêu, kiêu kỳ, bao đồng nào cả.
Thực vậy, có gì bình thường bằng việc tập họp nhau lại làm một việc chung nào đó vừa sức, vừa tầm tay, như quét vôi một ngôi trường làng, đào một cái giếng cho một thôn ấp thiếu nước trong lành, hay bàn về một vấn đề có liên quan đến cuộc sống như vấn đề "giải trí" của thanh niên? Linh mục Pineau, tuyên úy Thanh Sinh Công người Pháp hồi ở
Tuy nói là "bình thường" nhưng sinh hoạt trại không thường xảy ra trong nếp sống hằng ngày. Để cho người thanh niên có thể "giải trí" lành mạnh và dễ dàng "gặp gỡ" nhau, Hội TNTC tạo ra một khung cảnh vừa khác thường vừa ấm cúng. Danh từ "trại" nói lên được điều đó. Thanh niên cần thỉnh thoảng thay đổi nếp sống thường nhật, thoát ra cảnh sinh hoạt bình thường, như trường học, gia đình, khu xóm và thành phố của mình để "lăn xả" trong một nếp sống hồn nhiên, thoải mái, vô tư hơn, đó là nếp sống ở trại. Đi trại TNTC là cùng nhau "trẩy hội" và "cấm lều" ở một nơi cố định, để có thể tổ chức sinh hoạt chung: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng vui đùa với nhau một vài ngày trại. Để rồi gì nữa? Để rồi một lúc may mắn nào đó, người thanh niên bắt gặp được cái mối giao cảm thiêng liêng vô giá "không giây mà buộc" giữa người với người...
CÁI "TÔI ĐÁNG GHÉT" CÓ GƯƠNG MẶT ĐÁNG YÊU
Trại TNTC thành công nhờ ở chỗ biết tổ chức cho không khí trại trở nên thân mật, vui tươi, nhẹ nhàng, thoải mái , ấm áp, dễ thở. Trên đầu trên cổ không có ai là người cố vấn, bảo trợ, hướng dẫn. Dưới chân thì không có kẻ làm bệ. Mọi người bất kỳ theo tôn giáo hay thuộc nguồn gốc xã hội nào cũng đều được xử đãi bình đẳng, huynh đệ với nhau. Cái tình bạn bộc trực, thẳng thắn dễ giúp lột bỏ cái lớp "mặt nạ", "son phấn" mà xã hội mặc cho con người, để rồi con người có thể nhìn nhau trực diện, nhận biết nhau một cách chân thật hơn và dễ cởi mở tấm lòng với nhau hơn.
Hơn nữa, một lời nói chân chất nửa đùa nửa thật của một người trại sinh đầy "thiện chí" như Trần Văn Ngô, chẳng hạn, có một sức hoán cải đối với người hay nói xía vô như tôi: "Này bạn, Ngô bảo tôi, chưa làm thì chớ nói!" Một lần khác, tôi học được ở Ngô bài học dân chủ ở trại, khi Ngô bảo tôi: "Này bạn, ở trại, không ai được hy sinh một mình!". Nghĩa là, ở trại, không nên dành làm công việc của người khác và phải để cho họ được làm công việc của họ, theo như trách vụ mỗi trại sinh đã nhận khi được phân công.
Tùy theo thành phần tham dự trại, mà có trại có sắc thái này hay sắc thái khác; nhưng tất cả đều có một nếp sống vui tươi, trẻ trung đặc biệt khác thường. Những câu nói đùa, chọc nhau, phá nhau, thì không hề thiếu và đeo đuổi quấn quít nhau đến mức có thể vì đó mà sơ sót khi cần tiếp xúc trở lại với xã hội bên ngoài. Thực vậy, trong một trại, câu nói đùa ghẹo nhau "nghèo mà ham" đã quen mồm đến nỗi, khi đi chợ lộ thiên của địa phương, chúng tôi vô ý dùng nó để đùa với bà bán hàng, để rồi phải rối rít xin lỗi khi bà phản ứng "tôi nghèo mới ham chứ, ai giàu như mấy người!"
Không khí ở trại giúp cho người thanh niên dứt khoát quên đi nếp sống thường ngày, lên đường khám phá một nếp sống mới, nếp sống của một tâm hồn thư giản, hòa hợp với nếp sống chung ở trại. Từ giây phút đầu bước chân lên xe, đã có tiếng hát rộn ràng dồn dã, mời gọi người thanh niên rụt rè mới đi trại lần đầu nở một nụ cười, hòa một tiếng hát, cho vui cửa vui nhà. Vừa bước chân xuống nơi đóng trại, là có cuộc họp mặt, phân công, lên bảng tên, chia nhóm để sinh hoạt trại có thể bắt đầu ngay. Có người ở nhà không hề xách một thùng nước, nấu một nồi cơm, hay cầm một cán chỗi quét nhà. Nhưng cuộc sống ở trại thì do chính anh em mình tự ý định đoạt nó phải như thế này hay như thế nọ, nên mỗi người đương nhiên cảm thấy phải xăng tay áo ra làm cho xong phần vụ của mình.
Thực vậy, tất cả mọi trại sinh đều có tham dự vào việc điều hành trại, qua việc đóng góp phần mình vào một ban ẩm thực, một ban giải trí, một ban công tác (nếu là trại công tác), hay một ban trật tự vệ sinh. Mỗi ban-điều-hành này sấp xếp việc phân chia công tác thuộc lãnh vực ban mình cho tất cả trại sinh làm. Chẳng hạn, ban ẩm thực lên bảng "Danh sách" ngày nào thì nhóm nào lo việc đi chợ nấu ăn. Cứ theo đúng nguyên tắc dân chủ, ban ẩm thực này phải sấp xếp làm sao cho mọi trại sinh phải trải qua một lần việc nấu nướng ở trại. Các ban trật tự vệ sinh, ban giải trí và ban công tác cũng phân công như vậy.
Dĩ nhiên là, ngay từ đầu, các trưởng ban cần hội ý với nhau để việc phân công trong mấy ngày trại không có chuyện trùng người và trùng giờ giấc. Ví dụ, người nấu bếp hôm đó thì không thể được phân công làm vệ sinh rửa chén bát hay làm công tác đào giếng được. Cuối cùng, trong một trại, ai ai cũng được điều hành công việc của trại, và ai ai cũng được phân công làm việc phục vụ cho trại. Khi việc này khi việc khác, tất cả trại sinh đều nhận công tác do các ban-điều-hành phân phối cho. Công việc chạy đều, luân phiên và hứng thú hơn công việc "máy móc" của một tổ ong, hay một tổ kiến! Cái gương mặt "đáng ghét" của tôi bỗng trở nên thân thương lạ thường sau mấy ngày dự trại!
TNTC : VƯỜN ƯƠN GIỐNG LÃNH ĐẠO THANH NIÊN
Theo tôi, cái mà tôi nhận được của TNTC không phải là cái tài nghệ hiếm hoi này, hay là cái vốn tư tưởng mới lạ kia. Thật ra, TNTC chẳng có hoạt động kỳ lạ, đặc sắc nào và cũng chẳng có những buổi học hỏi sâu xa nào để truyền đạt cho người tham dự. Tựu trung, Hội TNTC chỉ có một sinh hoạt độc nhất là "làm trại" cho giới sinh viên học sinh từ 17-18 tuổi trở lên tham dự! Thường thì hằng năm có dăm ba cái "trại công tác" và vài ba cái "trại hội thảo" kéo dài từ một đến ba hay bốn ngày, với khoảng trung bình 25-30 người tham dự cho mỗi trại. Cuối năm hay có vụ "dạ hội hóa trang" như là một dịp tập họp tiêu khiển lớn của đại gia đình TNTC mở rộng cho các bạn thanh niên khác đến tham dự.
Trại công tác nhằm làm một công tác tay chân nào đó hữu ích cho xã hội, như đào một cái giếng cho một khu thiếu nước, đấp một con đường làng, hay quét vôi lại một ngôi trường tiểu học. Gọi là trại hội thảo, một cuộc họp trại để trao đổi với nhau về một vấn đề nào đó, như "Vai trò của thanh niên?" hay "Thế nào là giải trí". Họa hoằn lắm mới có một trại lớn, kiểu "toàn quốc" hoặc "quốc tế" -- nói cho xôm là "quốc tế", chớ thực ra đa số tham dự viên đến từ Vùng Á Đông thôi --.
Tuy vậy, lớn nhỏ gì cũng thế, tất cả mọi sinh hoạt trại đều nhằm tạo một bầu khí làm việc và giải trí lành mạnh với nhau, một nếp sống chung ấm áp, vui vẻ, trẻ trung, cởi mở, phóng khoáng hơn cái khung cảnh gò bó của xã hội lúc bấy giờ. Thực vậy, cái xã hội lúc bấy giờ hãy còn khá khệ nệ với nếp sống "nam nữ thụ thụ bất thân". Lúc nào cũng dễ thấy phân biệt lằn ranh giữa phái tính, Bắc
Tôi cũng thấy cần phải nói thêm rằng, theo tôi, cái lối làm trại TNTC là một cách giải trí khá trưởng giả đối với nếp sống thanh niên trung bình thời đó! Nhưng chính nhờ cái không khí thư thái, "phi chính trị", "phi tôn giáo", "phi ý thức hệ", phi mọi thứ cạnh tranh của cái thời giao động, đấu đá, và với một chút phe phẩy hưởng thụ của người "trưởng giả thành thị" mà người thanh niên cảm thấy cuộc sống ở trại không đến nỗi nằm gai nếm mật cho lắm. Trái lại, cái nếp sống vô tư và lành mạnh của thanh niên nam nữ ở trại dễ đưa đến chỗ tự huấn luyện nhau trong nếp điều hành dân chủ việc sinh hoạt chung, trong phương pháp tổ chức, và trong tinh thần hòa đồng, gặp gỡ nhau thật sự trong tình thân với nhau.
Thế rồi, từ năm 1964 trở đi, tức là khi mà các gò bó chính trị được nới lỏng ra và các hoạt động thanh niên được phát khởi mạnh lên, người ta thấy nổi lên những gương mặt "huynh trưởng" đến từ TNTC. Lúc bấy giờ, phong trào thanh niên mang một sắc thái đầy sáng tạo, bộc phát, nồng nhiệt, dấn thân, tự giác tự nguyện, tươi trẻ khác thường.
Những cuộc họp mặt của giới trẻ trở nên vui nhộn, nhờ có sẵn những trò chơi ở trại và những bài hát trại ngắn gọn và quen thuộc của TNTC (cũng như của Hướng Đạo, v.v.). Từ khí thế ấy, nhóm lên phong trào Du Ca mang nặng hào khí dân tộc và nỗi bức xúc kiêu hùng của thời đại. Từ phong trào Du Ca, xuất phát ra những cuộc họp mặt đông đảo của thanh thiếu niên để chung tiếng reo hò với bà con xóm làng trong những chiến dịch "Hát cho đồng bào ta nghe".
Theo tôi, ảnh hưởng trực tiếp và điển hình nhất của TNTC đối với phong trào thanh niên lúc bấy giờ là việc hình thành và hoạt động của Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam (TNCN). Xét về hình thức, Đoàn TNCN hoạt động hoàn toàn khác với Hội TNTC, và đôi bên không có một quan hệ gì với nhau cả. Chỉ có một chút bề mặt này là đôi bên đều có chung một trụ sở đặt tại số 28 đường Phùng Khắc Khoan Saigon. Nhưng xét về tinh thần "thiện chí" và phong cách "lãnh đạo", thì quả có một quan hệ tiếp nối, truyền đạt... Đa số, nếu không nói là tất cả, những người sáng lập và lãnh đạo Đoàn TNCN đều xuất thân từ TNTC. Những người này sáng tạo ra từ con số không một đoàn thể và một kiểu cách phục vụ thôn xã Việt
Huynh trưởng gốc TNTC có một phong cách sinh hoạt và lãnh đạo khá độc đáo. Các bạn nào đã có dịp tham dự một hai trại TNTC lúc bấy giờ đều có thể đồng ý với tôi rằng có một cái gì đó thay đổi trong phong thái của mình sau khi tiếp xúc với lối sinh hoạt TNTC. Thực vậy, cái mà tôi nhận được của TNTC, chính là một thái độ sống, một phong cách sống, một cách thế làm người với nhau và cho nhau... Tôi xin dẫn giải như sau.
BA CHỮ TỰ : TỰ QUẢN - TỰ NGUYỆN - TỰ TIN
Ở Việt Nam thời trước 1945, những sinh hoạt hội đoàn thanh niên coi như không có, ngoại trừ Hội Hướng Đạo Pháp (Scouts de France) và tổ chức Thanh niên Lao động Công giáo (Thanh Lao Công). Cả hai hội đoàn này đều có linh mục tuyên úy công giáo chăm sóc. Cho dù cuộc chiến tranh Pháp-Việt nổ ra vào đầu từ tháng 9.1945 và chính thức từ tháng 12.1946 kéo dài đến Hiệp Định Genève 1954, những sinh hoạt dân sự từ từ bắt đầu nhộn nhịp trở lại ở các thành thị từ Bắc chí Nam có Tây chiếm đóng. Ngoài Hướng Đạo ra, các sinh hoạt đoàn thể chung quanh các họ đạo dần dà phát triển ra. Nhưng nói chung, tất cả đều nằm dưới quyền hướng dẫn của các vị chức sắc của các giáo hội.
Kể từ những năm 1954-56, Quân đội Pháp rút đi vĩnh viễn khỏi Việt Nam và ảnh hưởng của Pháp cũng tiêu tán dần với chính sách bài-Pháp của chính phủ Ngô Đình Diệm ở Miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ trở thành nước Việt Nam Cộng Hòa. Hướng Đạo Pháp đã trở thành Hướng Đạo Việt Nam. Những sinh hoạt hội đoàn nở rộ quanh các ngôi chùa và nhà thờ. Giới trẻ công giáo hoạt động đều khắp với các phong trào Thanh niên Học sinh Công giáo (Thanh Sinh Công), Thanh Lao Công, Thiếu Nhi Thánh thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Niên Công Giáo, Sinh Viên Công Giáo, v.v. Các chùa chiền cũng nhóm lên những Đoàn Thanh Niên Phật Tử, Gia Đình Phật Tử, v.v.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước phân đôi mà hai Miền Nam Bắc quyết liệt tử thủ và tử thù nhau, vận dụng sức mạnh thanh niên cho sự nghiệp của phe cánh mình, thì thanh niên Miền Nam dĩ nhiên khó có thể được nhà nước chấp thuận cho có cái quyền tự quyết và tự quản như thanh niên các nước tiền tiến. Đa số nam thanh niên phải đi làm nghĩa vụ quân sự đối với đất nước. Phần còn lại là thành phần được miễn dịch vì lý do này hay lý do khác. Thanh nữ chưa có truyền thống sinh hoạt ngoài xã hội, ngoại trừ vì lý do nghề nghiệp. Nghĩa là người thanh niên nói chung bị "kẹt" giữa hai thế đứng, giữa hai thế lực, giữa hai ý thức hệ, giữa hai quyền lực chính trị và quân sự, hay nói một cách tượng hình là "giữa hai lằn đạn". Ngay cả các đảng phái chính trị quốc gia cũng ở trong thế kẹt và cũng không ảnh hưởng gì được bao nhiêu trong cuộc diện đất nước lúc bấy giờ. Thanh niên bỗng trở thành cái bung xung cho các thế lực chính trị tranh chấp nhau.
Trong những thời buổi tao loạn như thế, người thanh niên dễ yếm thế, buông xuôi, phí phạm đời mình trong những thói sống không cần biết đến ngày mai là gì. Các hội đoàn thanh niên được hoạt động giới hạn trong những khuôn khổ nhất định, nên cũng không đáp ứng đúng với những hoài bão và kỳ vọng của giới thanh niên. Đang khi ấy, tiếng gọi của non sông, hùng khí của dân tộc vẫn hằng ấp ủ tâm hồn người trẻ. Khí tiết và sức vẫy vùng của thanh niên vẫn quần thảo, hun đúc, nồng cháy trong tim. Thiếu chuẩn bị và thiếu tổ chức nề nếp, thanh niên rất dễ nổi loạn và làm loạn, nếu không chán chê, lêu lỏng, thờ ơ...
Vai trò của các hội đoàn thanh niên lúc bấy giờ là giúp ngăn chặn những phản ứng thái quá, bổ túc những cái bất cập, và phát huy những sáng kiến mới để đáp ứng nhu cầu tự rèn luyện và tự phát triển lành mạnh của thanh niên. Với một phương pháp sinh hoạt rất "phi giáo điều" và có "nề nếp dân chủ", TNTC đã vô tình hay hữu ý đóng góp vào việc bình thường hóa nếp sống của thanh niên có học ở thị thành. Hội viên TNTC là những thanh niên tốt nghiệp đại học, những sinh viên học sinh từ 17-18 tuổi trở lên. Họ là những thành phần ưu đãi của cái xã hội bấp bênh, xáo trộn, xô bồ, tranh chấp để sống còn lúc bấy giờ. Chính vì thế, họ càng cần được tài bồi ý thức xã hội, tinh thần phục vụ vị tha những thần phần yếu kém hơn, hoặc xấu số hơn họ.
Nhờ có phương pháp tổ chức và lãnh đạo, TNTC đã giúp phát huy vai trò "tập thể tự quản" của sinh hoạt thanh niên. Thực vậy, bên trên Hội TNTC không có ai là người cố vấn, bảo trợ, hướng dẫn. Sự tự quản của Hội TNTC là sự tự quản trong công việc, trong sự điều hành, chớ không tự quản trong một khuôn khổ luân lý hay tôn giáo nào. Chính vì thế, sự tự quản trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu cho mọi hội viên và trại sinh. Sự tự quản này khích lệ tinh thần "tự nguyện dấn thân" của người trẻ. Người trẻ thích tự mình làm điều mình thích làm, mà không bị bắt buộc phải làm. Họ thích dấn thân vì muốn dấn thân. Họ dự trại TNTC vì thích và sẵn sàng đóng tiền để đi trại. Lúc bấy giờ, có những cuộc tập hợp miễn phí cho giới trẻ, nhưng chưa chắc họ thật lòng muốn tham dự. Nhờ thành công trong một số công việc tự mình chọn lựa, TNTC đã đóng góp đáng kể vào lòng tự tin, sự tự lập, chí tự cường của người thanh niên. Như thế, TNTC đã thật sự đáp ứng đúng nhu cầu tự quản, tự nguyện và tự tin của thanh niên vậy.
TRUYỀN ĐẠT BẰNG CÁCH NÀO CHO "CON CHÁU"?
Tôi không dám có mộng truyền đạt "kinh nghiệm" lại cho con cháu, vì kinh nghiệm là cái không thể truyền đạt khơi khơi được! Tôi chỉ mong nói lên một vài điều tôi đã nhận được từ những anh chị em thuộc thế hệ chúng tôi khi sinh hoạt với nhau, thử đánh giá lại những sở đắc nhỏ nhoi ấy trong bối cảnh của đất nước lúc bấy giờ, và sẵn sàng lãnh nhận sự phê phán của các thế hệ trẻ sau này. Thực vậy, tôi đã cố gắng nói ra một vài nhận xét của cá nhân tôi. Bạn có thể nói ra vài sự đánh giá của bạn. Nhưng, theo tôi, như thế chưa đủ chút nào cả! Muốn đầy đủ hơn, cần phải có tập thể đánh giá và phê phán nữa.
Khi tập thể thanh niên chịu đánh giá công việc của nhau, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm của nhau, để rồi còn truyền đạt lại cho các thế hệ thanh niên sau. Rồi những thế hệ này tiếp tục công việc hoạt động, đánh giá lại, học hỏi và tích lũy để truyền đạt cho thế hệ kế tiếp. Khi ấy, cái gọi là "giới thanh niên", "phong trào thanh niên" mới nói được là có cơ sở vững chắc để sánh vai với những giới khác và các phong trào khác hầu có thể đóng góp, với tư cách là thanh niên, vào cơ đồ của đất nước, tương lai của xã hội...
Thực ra, tôi cùng các bạn khác đã có thử khơi màu một cuộc đánh giá giới thanh niên thời đại bấy giờ qua một ngày Trại Hội Thảo của TNTC. Hẳn thế, phiên tòa xử "Người Thanh Niên Việt Nam"[2] vào năm 1963, do Hội TNTC tổ chức tại Saigon, lẽ ra cần phải được xử tiếp dài dài trong mỗi thế hệ và từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có như thế, sự truyền đạt sẽ không phải chỉ có bên cho chuyển lại cho bên nhận, mà cả đôi bên cùng nhau khám phá những vốn liếng kinh nghiệm tích tụ và sở đắc của giới trẻ Việt Nam. Cái vốn liếng tích tụ ấy chỉ có thể gọi được là "văn hóa" khi thật sự được các thế hệ thanh niên tiếp tục khám phá ra và làm giàu thêm lên. Khi ấy, giới thanh niên Việt Nam mới có thể nói được là có một "truyền thống văn hóa thanh niên" vậy.
Manh nha tạo ra một truyền thống văn hóa thanh niên, đó mới thật sự là giấc mộng lớn không thành của tôi và cũng có thể là của anh chị em thuộc thế hệ chúng tôi! Chúng tôi đã làm một số chuyện, hay có, dở có. Nhưng cho đến nay, không ai biết chính xác cái gì là hay và cái gì là dở. Các thế hệ thanh niên tiếp theo cũng chưa lượng giá được hay ở chỗ nào và dở ở chỗ nào cả. Chúng tôi làm phần của chúng tôi, theo tiếng gọi của thời đại, xong rồi nếu không phủi tay đi thì thời cuộc cũng đào thải chúng tôi đi thôi. Thực ra, thời cuộc đã sớm cuốn phăng chúng tôi đi, phân tán mỏng chúng tôi ra, nhận chìm một số anh em chúng tôi, và không cho chúng tôi có cơ hội làm tiếp công việc kiểm điểm và lượng giá với thế hệ tiếp theo sau chúng tôi. Sau chúng tôi là một lỗ hỏng to lớn, là thác lũ, là lụt hồng thủy tàn phá tất cả, là một sự đoạn tuyệt với tất cả quá khứ.
Ngày nay, chẳng có ai biết chúng tôi đã làm gì trong những năm khói lửa mịt mù ấy! Kể cả chúng tôi, chẳng mấy người biết rõ, nắm vững tình hình hoạt động của từng người, từng nhóm, để có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau và nói lại cho thế hệ sau. Rồi biến cố lớn của đất nước ập đến vào cuối tháng 04.75 xóa đi tất cả để rồi làm mới lại tất cả. Cái sự đoạn tuyệt dứt khoát này bao trùm lên tất cả và phủ một màu tang tóc lên quá khứ xã hội Miền Nam. Danh từ chính trị gọi đó là làm cách mạng, là thay đổi tận gốc rễ, là phá hủy tất cả để làm lại tất cả. Biến cố này vượt ra ngoài tầm tay của anh em chúng tôi và của dân tộc Việt Nam nữa. Chính vì đó, giờ đây trong nước chỉ có những đoàn thể do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo và ngoài nước thì vẫn có nhiều sinh hoạt hội đoàn đấy, nhưng không biết sẽ có thể tiếp tục được bao lâu nữa và sẽ mang những loại hình văn hóa cục bộ nào!
TRUYỀN ĐẠT LẠI CÁI GÌ CHO "CON CHÁU"?
Như đã nói trên đây, lẽ ra sự truyền đạt phải được thực hiện qua nếp sống, nếp suy nghĩ, và nhất là qua việc đánh giá của tập thể cũng như qua việc phê phán liên tục từ thế hệ này đến thế hệ khác, để tự mình đào thải những cái không cần thiết, giữ lại và phát triển những cái hữu ích cho tập thể. Nhờ thế, sự truyền đạt làm cho sức tăng trưởng của tập thể được bảo trì và phát triển liên tục. Chính cái tồn động lại ở thế hệ sau sẽ cho thấy thực sự thế hệ trước đã truyền đạt được cái gì. Nhưng khi mà sinh hoạt tập thể không có sự liên tục, thì khó có thể xác quyết là cái gì đã được truyền đạt và cái gì là cái đáng phải truyền đạt!
Bởi thanh niên là tiền đồ của đất nước, nên khi tập thể thanh niên Việt Nam không có sinh họat liên tục và truyền đạt liên tục, thì, theo tôi, xã hội Việt Nam cũng khó có một sức sống nội tại và liên tục được. Đó là sự thể đang xảy ra ngày hôm nay tại "cố hương" của chúng ta. Ở ngoài nước, phải thành thật mà nói, sự thể đã hoàn toàn thay đổi! Người thanh niên gốc Việt tuy có những ràng buộc tinh thần với "cố hương", nhưng vẫn phải có những trách nhiệm thực tế và pháp lý với quê hương mới của mình. Thanh niên hải ngoại có thể dùng câu ca dao nói về người con gái về nhà chồng thuở trước để nói lên nỗi lòng của mình: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trong về quê mẹ ruột đau chín chiều".
Xót xa tấm lòng, nhưng không có gì là tuyệt vọng cả! Quê mẹ vẫn còn đó; quê nội vẫn là đây! Theo tôi, thanh niên thời nào cũng là thanh niên! Thanh niên thời nào cũng là tương lai của nhân quần xã hội! Tại sao người thanh niên ngày nay không có quyền nhìn về tương lai chứ? Tại sao người thanh niên ngày nay phải nhất thiết làm theo cách làm, việc làm, cảm nghĩ của thế hệ chúng ta trước đây chứ? Nhất là khi thế hệ chúng ta đã bị chôn vùi sâu vào quá khứ rồi?
Chính lúc này là lúc, hơn bao giờ hết, lớp người huynh trưởng TNTC còn sót lại đó đây cần tỏ ra có đủ "phong cách lãnh đạo" để ứng biến, thích nghi cùng với các huynh trưởng các đoàn thể thanh niên khác gầy dựng lại những sinh hoạt thanh niên dựa trên những kỳ vọng của thanh niên ngày nay cộng với kinh nghiệm sót đọng lại của thế hệ mình. Cùng lúc ấy, quan trọng hơn cả những sinh hoạt đoàn thể, chính là sinh hoạt suy tư : đánh giá lại một cách khách quan, tỉnh táo, ngay thẳng toàn bộ sinh hoạt thanh niên trong suốt thời gian qua.
Làm được công việc "bắc cầu" này giữa các thế hệ, may chăng chúng ta tạo dựng lại được niềm tin của lớp người trẻ sau này nơi lòng chân thành của thế hệ cha ông, huynh trưởng. Qua những cuộc đổ vỡ, phân ly giữa các thế hệ, lòng tin này đã bị xứt mẻ khá nhiêu rồi! Không có lòng tin này, không thể có sự truyền đạt, tiếp nối! Truyền đạt gì đây? Trước tiên, đó là truyền đạt "niềm tin của người thanh niên nơi thế hệ mình và nơi tương lai của mình".
Trần Ngọc Báu
Thụy Sĩ, tháng 9.99
[1] Tựa đề của tập ảnh "đánh dấu một thời sinh hoạt và phục vụ", "do một số hội viên Thanh Niên Thiện Chí ở hải ngoại sưu tập và ấn hành, Paris, California, 1996". -- Những chữ trong tựa đề và ngoặc kép đây, nằm gọn tất cả trên trang bìa của tập ảnh, đã gói ghém một cách giản dị nội dung, mục tiêu, nhóm người xuất bản cùng với năm và nơi xuất bản của nó. Quí độc giả không tìm thấy tập ảnh này nơi các nhà sách, vì nó chỉ lưu hành trong nội bộ anh chị em TNTC mà thôi.
[2] Thật ra, đó là một "Ngày Hội Thảo" rất sôi nổi được tổ chức dưới hình thức "một tòa án" ngay tại hội trường của Hội Việt Mỹ, số 28 đường Phùng Khắc Khoan, Saigon, hình như là vào hè 1963 hoặc đầu niên khóa 63-64, tôi không còn nhớ rõ. Phiên tòa có chánh Án và các phụ thẩm, có hai bên tả hữu là các luật sư bên nguyên cáo và luật sư bên bị cáo, có bồi thẩm đoàn là thành phần khán giả, tất cả các vai trò ấy đều do các tham dự viên của Ngày Hội Thảo đảm trách. Và bị cáo chính là "Người thanh niên Việt
No comments:
Post a Comment