Sunday, 3 February 2008

SUY NGHĨ TIẾP VỀ ĐỜI SAU - Lê Văn Khuê

_____________________________________________ Lê Văn Khuê

Trong thời gian gần đây, khi tuổi đời đã vượt qua ngưỡng cửa về hưu và khi được tin những người bạn cùng lứa thay nhau lìa khỏi thế gian này, tôi không thể không nghĩ đến đcai mà chính khách Mỹ Benjamin Franklin gọi là một trong hai điều chắc chăn nhất trong cuộc đời này: cái chết và thuế. Trong Duc In Altum số 55, năm 2007, anh Mễ Duy, người bạn thân cùng lớp ở Đệ Tử Viện DCCT cũng đã đề cập đến vấn đề này trong bài “ Đời sau.” Tuy nhiên trong bài này anh Mễ Duy bàn đến ý nghĩa của cuọc đời nhiều hơn là những gì sẽ xảy ra ở đời sau mặc dù anh có nói rằng “người đã từ trần không phải là một thứ “ hồn” nhẹ như không khí, ngược lại họ thấy được, nghe được, giữ lại mọi kỷ niệm của đời trần nay đã được đổi mới, được chiếu soi trong ánh sáng của vĩnh cửu.” Nghe mà thấy vui mừng phấn kích vì có phải tình yêu tôi dành cho ba mẹ, vợ con, anh em, tình bà con và tình bằng hữu thân thương sẽ không nhất thiết bị hủy diệt sau khi chết mà sẽ được giữ lại và thăng hoa? Để tự trả lời cho mình vấn nạn này và để có được một niềm hy vọng kích thích tôi sống những năm còn lại của cuộc đời trần gian này, tôi đã nghiên cứu sách vở để tìm ra lời giải đáp. Và sau đây là những giải đáp mà tôi tổng hợp và nghĩ là thỏa mãn phần nào vấn nạn của tôi nhưng chắc chắn không phải là những giải đáp cuối cùng. Do đó tôi xin bạn đọc góp ý để có thể có những giải đáp hoàn chỉnh hơn. Tôi bắt đầu với ba câu hỏi, đương nhiên là của một người tin vào Đức Giêsu Kytô.

1. Chết rồi, con người đi đâu?

2. Người chết sống lại như thế nào?

3. Khi nào thì người chết sống lại?

Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên tôi tìm đọc Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Cuốn giáo lý chính thức của Hội thánh được ban hành ngày 11.10.1992, được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ngày 21.7.1997 dạy rằng: “Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang.” (đoạn 997). Ở chỗ khác sách cũng khẳng định: “chết là “ra đi”, hồn lìa khỏi xác “ (đoạn 1005) và còn thêm rằng “ thông thường người ta chấp nhận là sau khi chết, hồn con người vẫn sống.” Khẳng định như vậy nghe có lọt tai con người ngày nay trong khi tư tưởng hiện đại cho rằng phân biệt thể xác với linh hồn là quá đơn giản hóa vấn đề. Lm. Thiện Cẩm trong bài” Viếng người chết để nghĩ về cái chết” (Nguyệt San Công Giáo và Dân Tộc tháng 11, năm 2006) cũng đã viết rằng “ nếu cứ nghĩ và diễn tả theo thói quen của chúng ta, nghĩa là người chết thì linh hồn lìa khỏi xác thì như vậy chẳng còn là người vì hồn một nơi, xác một nẻo, có khi bị thối rửa, thậm chí bị thiêu thành tro… và một linh hồn ngoài thân xác thì cũng giống như loài thiên thần, là giống thiêng liêng. Tóm lại hồn xác tuy khác nhau nhưng không thể tách rời.”

Trong cùng chiều hướng đó, cuốn Giáo lý của Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Hà Lan (bản Tiếng Việt: Giáo lý Mới Triều Đại Mới do Nguyễn Ước giới thiệu và biên dịch, nhà xuất bản Tôn giáo 2005) lúc đầu cũng công nhận việc phân biệt giữa thể xác và linh hồn ( “sau khi chết, linh hồn tiếp tục hiện hữu cách riêng trong khi thể xác mục nát”) là một cách diễn tả không làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, ở trong văn bản sửa đổi (trang 925), khi trích dẫn lời của Đức Giêsu nói với người trộm lành, “Hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với ta” (Lc 23.43) và câu “Đừng sợ những kẻ giết được thể xác nhưng không giết được hồn,” (Mt 10:28) sách lại khẳng định rằng Chúa muốn nói đến “cái gì đó”, là thành tố đích thực nhất của con người có thể dành lại sau khi chết. Nó là cốt tuỷ sống động của con người, được dựng nên để sống trong một thể xác, nhưng nay nó tiếp tục sống tách biệt khỏi một thể xác đã chết (trang 924).

Nói như vậy phải chăng tựu trung cũng trở về với sự phân biệt hồn xác như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo? Thực ra, có lúc sách Giáo Lý Hà lan đã đi tới chỗ giả thiết rằng “sự hiện hữu sau khi chết vốn là một cái gì đó giống sự sống lại của một thể xác mới, thể xác của sự sống lại mới này không là những phẩn tử được chôn cất và tan tác trong lòng đất (trang 776). Nhưng đó là điều xảy ra sau này khi Đức Kitô quang lâm và làm cho kẻ chết sống lại.

Trước những mâu thuẩn trên, phải giải quyết vấn đề ra sao đây? Quả thực, sự mập mờ này bắt nguồn từ Kinh Thánh. Kinh Thánh nói chủ yếu đến sự sống lại của toàn bộ con người, đến sự sống lại của người chết với linh hồn và thể xác. Nhưng đó là điều chỉ đến về sau. Còn vấn đề ngay sau khi chết những người chúng ta thương yêu lúc này ở đâu? Rõ ràng là Kinh Thánh không đi sâu vào vấn đề này. Các tác giả thần hứng không dự tính đưa ra thông tin rõ rệt về “cách” của đời sau, vì thế các ngài không đưa ra học thuyết rõ ràng về cách con người hiện hữu với Thiên CHúa sau khi chết. Và vì Kinh Thánh không rõ ràng về vấn đề này nên Hội Thánh chọn cách diễn tả dễ hiểu nhất mà nói rằng “khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người làm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa, nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang.” (đoạn 997)

Đến đây chúng ta trở lại với câu hỏi đã đặt ra ở trên là nói như vậy nghe có xuôi tai chăng đối với con người hiện đại nhờ khoa học thần kinh (neuroscience) mà biết được rằng ý thức là sản phẩm của bộ não con người, và khi hoạt động của bộ não ngưng thì ý thức của người đó không còn hiện hữu nữa (xem tạp chí Time số 12 tháng 2, 2007)? Nói cách khác, khoa học không tin có linh hồn và cũng không tin linh hồn bất tử.

Việc tin có linh hồn là lãnh vực của tôn giáo, của tín ngưỡng, tức của lòng tin.. Nhưng ở đây không chỉ tin có linh hồn và tin linh hồn bất tử nhưng lòng tin đó được đặt nền tảng trên lòng tin có một Thượng Đế là Khởi Nguyên và Cứu cánh của vũ tru (bởi có những tín ngưỡng tin có linh hồn nhưng không đặt vấn đề về sự hiện hữu của một Thượng Đế). Riêng đối với Kytô Giáo lòng tin vào sự bất tử cuả linh hồn và sự hiệu hữu của Thiên Chúa lại được đặt nền tảng trên một sự kiện cụ thể xảy ra trong lịch sử con người chứ không phải tin một cách vu vơ. Đó là việc làm chứng của các Tông đồ về việc Đức Giêsu sống lại. Không có con mắt loài người nào chứng kiến ngay lúc Đức Giêsu sống lại. Việc sống lại vượt ngoài phạm vi quan sát sử tính. Chỉ có việc làm chứng của các Tông đồ là có tính lịch sử, và vấn đề là sự làm chứng của họ có đáng tin cậy không? Và sau khi cân nhắc, người ta thấy rằng không có chứng từ nào thuyết phục hơn là tính cách nhất quán của Tân ước (về giá trị sử tính của sách Tân Ước, xem The Case for Christ của Lee Strobel, Zondervan Publishing House, Michigan 1998). Qua các văn bản xưa nhất cho đến sau cùng nhất của sách Tân Ước chỉ có một điều duy nhất được nói lên. Đó là “Thiên Chúa đã làm cho Đức Kytô sống lại từ cõi chết (1 Tx 1:10) và các Tông đồ “đã thấy Chúa” (Ga 20:25). Đến đây chúng ta cũng cần đọc lại đoạn văn làm chứng xưa nhất về việc Đức Giêsu phục sinh. Vào khoảng năm 53, tháng Phaolô đã viết cho tín hữu thành Côrintô khẳng định là ngài nhận được chứng cứ qua truyền thống. “Vì tiên vàn mọi sự tôi đã truyền lại cho anh em chính điều tôi đã chịu lấy, là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong đó phần đông đến nay v ẫn còn sống, nhưng cũng có những người đã yên nghỉ. Rồi cuối cùng Ngài đã hiện ra cho Giacôbê, đoạn cho các Tông Đồ hết thảy. Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, là kẻ không khác một đứa con ranh.” (1 Cr.15: 3-8)

Như vậy, cuối cùng chính Đức Kitô Phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau: “Đức Kitô đã chổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại.” (1Cr15: 21-22)

Nhưng đó là sống lại vào thời sau hết khi Đức Kitô quang lâm cùng với toàn bộ cuộc sáng thế mới (Kh.21:5). Vấn đề ở đây là có phải người chết lập tức được hạnh phúc diện kiến thánh nhan Thiên Chúa như lời dạy của sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa…”? Mặc dầu sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng như sách Giáo Lý Hà Lan có đề cập đến luyện ngục như là sự thanh luyện cần thiết nào đó trước khi diện kiến thánh nhan Thiên Chúa, một số nhà thần học ngày nay đã không hình dung luyện ngục như một nơi hoặc một giai đoạn thanh luyện sau khi chết ma ngay khi chết con người đã được Thiên Chúa phán xét, thanh luyện, chữa lành trong ân sủng của Ngài. (xem Hanskung, Credo, La confession de foi des Apotres expliquee aux hommes d’aujourd’hui, Editions du Seuil, 1996 trang 230-231). Nghĩa là người chết tận hưởng nhan thánh rõ ràng của Thiên Chúa Ba Ngôi cả trước khi Đức Kitô quang lâm. Tuy nhiên đó không là vinh quang đầy đủ và tuyệt đối. Vinh quang này sẽ diễn ra lúc Đức Kytô lại đến cùng với toàn bộ cuộc sáng thế mới. Lúc ấy, Đức Giêsu sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của ta sao cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài (Pl. 3,21).

Bây giờ chúng ta chuyển qua vấn đề thứ hai: Chúng ta sẽ phục sinh như thế nào? Đây không phải là một vấn đề dễ dàng. Chính sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo đã khẳng định. “ Thân xác con người phục sinh như thế nào là điều vượt qua sức tưởng tựơng và hiểu biết của chúng ta.” (đoạn 1000) Vậy chúng ta hình dung việc sống lại như thế nào đây? Chúng ta hãy trở lại với cội nguồn của lòng tin của chúng ta là Đức Giêsu Phục Sinh. Ngài đã phục sinh như thế nào? Đức Giêsu đã phục sinh với chính thân xác mình: “Hãy nhìn chân tay Thầy coi; đúng là Thầy đây mà.” (Lc 24:39) Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Đúng vậy, Đức Giêsu sau khi sống lại thì cũng có khác biệt tới độ các Tông đồ biết rằng đó chính là Chúa nhưng thoạt đầu không nhận ra Người. Đó là thân xác vinh quang của Người, và Người cũng sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của ta giống như vậy. “Mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ đang có bây giờ.” (Công đồng Latran IV: DS801, sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo đoạn 999) nhưng thân xác đó sẽ biến đổi thành “thân xác vinh hiển”, thành “thân xác thần thiêng” (1Cr.15:44). Chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Có người thắc mắc: kẻ chết sống lại như thế nào? Họ lấy thân hình nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi… Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chổi dậy thì vinh quang, gieo xuống thì yếu đuối mà chổi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng…Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. (1 Cr 15, 35-37, 42-53) Tác giả Hanskung trong sách đã trích dẫn ở trên đưa ra hình ảnh cái kén và con bướm để diễn tả sự biến đổi từ xác khí huyết thành xác thần thiêng (trang 148).

Vậy thì điều này sẽ xảy ra lúc nào? Nói cách khác, lúc nào thì Đức Kitô quang lâm và biến đổi thân xác hư mất của chúng ta thành đồng hình đồng dạng với thân xác hiển vinh của Người? Kinh thánh nói chỉ có Chúa Cha mới biết khi nào sự kiện này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta có quyền suy luận, và điều chắc chắn mà chúng ta có thể nắm được là nó sẽ không xảy ra trong một tương lai gần đây như thời các Tông đồ đã nghĩ. Trong ánh sáng của những khám phá mới của thiên văn học thì chúng ta có thê suy đoán là cũng còn phải lâu lắm nữa nó mới xảy ra. Phải mất 15 tỷ năm kể từ khi hiện tượng Big Bang xảy ra để vũ trụ có hình dạng ngày hôm, 5 tỷ năm để trái đất hình thành, 1 triệu năm (?) để loài người, cùng đích tối hậu của tiến hoá, đạt đến tầm mức hôm nay thì không lý nào ngày một ngày hai lại kết thúc một cách đột ngột được. Đương nhiên con người ngày hôm nay với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình có thể tiêu diệt luôn toàn thể loài người trong chốt lát, nhưng trái đất và vũ trụ chắc hẳn vẫn còn đó. Nếu phải mất 15 tỷ năm để vũ trụ hình thành thì có lý mà suy đoán rằng tối thiểu cũng còn phải 15 tỷ năm nữa vũ trụ mới đi đến chổ kết thúc (và sau đó cũng có thể khởi đầu lại).

Kinh thánh gọi vũ trụ và nhân loại vào thời Chúa quang lâm là “Trời Mới và Đất Mới” nơi đó cuộc sống và lao động trong lịch sử của chúng ta thật sự được biến thể mà không nhất thiết bị huỷ diệt. “Bởi vì tất cả những thành quả tuyệt hảo của bản chất và tài năng chúng ta mà chúng ta đã tạo nên khắp địa cầu theo mệnh lệnh của Chúa và trong Thánh Thần, chúng ta sẽ nhận chúng lại sau này nhưng chúng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi khi Chúa Kitô trao lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng (Gaudium et spes 39, 3). Do đó sự trông đợi Trời Đất Mới không làm suy giảm mà trái lại phải kích thích chúng ta nỗ lực phát triển tình yêu và tiến bộ trên trái đất này.

Trong ý nghĩa đó thì chúng ta không phải bận tâm đến lúc nào Trời Mới Đất Mới sẽ được thể hiện; đó là việc của Thiên Chúa, và cũng vì chúng ta sống quá lắm cũng trăm tuổi là cùng. Cho nên khi sống, chúng ta phải quan tâm đến phát triển tình yêu và tiến bộ trên trái đất này theo hoàn cảnh và tài năng của mình, biết rằng những nổ lực của chúng ta sẽ không mất đi mà sẽ được Thiên Chúa biến đổi. Và khi chết thì chúng ta biết chắc rằng chúng ta không hư mất đi mà sẽ trở về với Thiên Chúa và những người thân yêu của chúng ta đã ra đi trước chúng ta và cả toàn thể những người đã chết, hạnh phúc trong “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Trong cuộc sống hiện tại của riêng mỗi người, đó chưa là thực tại, nhưng là một hy vọng, một hy vọng kích thích chúng ta sống, lao động và xây dựng và thương yêu. Và nói như thánh Phaolô , “Hy vọng mà thấy được thì hết là hy vọng, vì điều thấy được ai nào còn hy vọng nữa! Nhưng nếu thực ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông.” (Rm8:24-25). Điều khốn khỗ nhất là sống mà không có hy vọng.

Lê Văn Khuê

1 comment:

Unknown said...

Doc xong bai "Suy Nghi Tiep Ve Doi Sau" cua anh Khue, khong co gi hop hon la nghe lai bai "Dies Irae", goi anh em link nay:
http://www.youtube.com/watch?v=Dlr90NLDp-0
Dan Le, em cua Le Van Khue.