Wednesday, 19 May 2021

Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 23/5/2021

 

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Gn 20:19-23) 

 

Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang,”

“Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ánh thiều quang, nay nhuần gội khắp dân gian, muôn ơn phước, Thiên hạ bình, trời đổ tuôn ơn phước Chúa ban, như trình thuật còn diễn tả từng chữ, rất đủ nghĩa.

Trình thuật, nay thánh sử ghi về Lễ Hội trải dài từ Chay Mùa tâm tịnh cho đến Phục Sinh quang vinh mà người Do thái vẫn mừng kính vào độ Xuân về có hái gặt suốt 50 ngày dài, sau Vượt Qua. Mãi sau, người Do thái mới thay đổi ngày này thành đại lễ kỷ niệm mừng Giao ước Chúa thực hiện với dân con ở Sinai núi thánh bừng bừng niềm vui khó phai mờ.

Ngay buổi đầu, sau cái chết và sự trỗi dậy của Chúa, đã thấy hai nhóm đạo ở Giêrusalem nổi lên tìm về Đất Hứa. Nhóm đầu, cũng khá đông, gồm những người đạo hạnh từ khắp nơi đổ về. Họ về, từ đất miền thuộc xứ Giuđêa, Mêsôpôtamia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Lybia, tức: đến từ khắp mọi nơi. Nơi nào cũng rộn rã người Do thái ồn ào/náo động tụ tập về để mừng kính lễ hội. Nhóm thứ hai nhỏ hơn, nhưng gồm các đấng bậc đã từng theo chân Chúa bước trong âm thầm/lặng lẽ rất đợi chờ, nguyện cầu.

Họ thật chẳng biết mình cầu nguyện là nguyện và cầu cho ai. Để làm gì? Bởi, thời gian cứ lặng lẽ trôi nhiều tháng ngày sau cái chết của Chúa, thế mà nhóm đạo này vẫn ẩn mình trong bóng tối, cứ hãi sợ mọi chuyện xảy đến sẽ liên lụy đến bản thân. Có thể, các ngài chỉ muốn về lại thăm chốn cũ người xưa, nơi Chúa bỏ mình chết rất nhục nhưng rồi Ngài Phục Sinh quang vinh. Hai nhóm đạo chẳng quan hệ gì với nhau. Nhóm đông người, đến từ các nơi, lại không biết rằng những người theo Chúa đang có mặt ở nơi đó. Và, nhóm nhỏ gồm các đấng bậc/đồ đệ lại chẳng muốn mọi người biết các ngài đang hiện diện ở chốn này.

Nhưng, chuyện phải đến lại đã đến với các đấng bậc từng hãi sợ. Các ngài lại đã xuất hiện trước công chúng lôi kéo sự chú ý của mọi người. Và, sự việc xảy đến khiến các ngài tràn đầy Thần Khí Chúa đổ tràn từ bên trên. Chuyện xảy đến, như một thứ “trời long đất lở” có sấm sét, có lửa ngọn thiêu đốt tâm can người người, đem đến cho họ nhiều nghị lực, có tâm thức.

Lửa hồng hâm nóng, khiến các ngài trở nên tươi mát, đổi mới, rất lành lặn. Lửa hồng sưởi ấm, còn đem đến với các ngài nhiều ơn lạ khác. Nên, các ngài bèn tiến ra ngoài, nói chuyện với người chưa một lần quen biết đến như một xác chứng: “Đức Giêsu, dù đã chết hôm trước, nay Ngài vẫn sống và đã gửi Thần Khí đến với mọi người.” Và lúc đó, mọi người bất chợt nói được tiếng Aram, ngôn ngữ cổ xưa của Do thái.

Người có mặt, cũng đều nghe và hiểu sự việc bằng chính ngôn ngữ của mình. Và khi ấy, lại thấy xảy ra một bộc phá dứt bỏ mọi lằn ranh/ngăn cách của ngôn ngữ, địa dư và sắc tộc. Sự việc xảy ra không mang dáng dấp của rẽ chia/phân cách. Mỗi người đều cảm nhận sự việc xảy đến bằng chính văn-hoá cũng như văn-minh/lề thói của người mình. Tất cả, là thông điệp rõ nét, rất dễ hiểu. Là, sự kiện mới, đã xảy đến với muôn dân.

Mỗi nguời và mọi người, nay hiểu rằng Thần Khí Chúa kích động mọi người phổ biến sứ điệp Ngài tặng ban để ý Ngài được thể hiện và phổ biến khắp mọi nơi trong thánh hội, và cuộc sống. Thể hiện, nhờ thanh tẩy. Phổ biến, nhờ Thần Khí Chúa mang sức sống đến hầu người người tự thánh-hoá bản thân. Đôi khi, nhiều người lại vẫn nghĩ: nhờ Thần Khí Chúa run rủi, nên mọi người mới có được giờ phút thăng hoa, phấn khởi. Người khác lại cứ hiểu: Thần Khí Chúa vẫn lặng lẽ xuất hiện ở hậu trường sự sống cố hỗ trợ việc chỉnh sửa mọi sai sót/lỡ lầm ngõ hầu người người mới truyền bá được Tin Vui Ngài mang đến.

Cũng có lúc, nhiều người cứ lầm tưởng rằng đôi lúc Thần Khí Chúa cũng vắng mặt khỏi hiện trường sự sống, khiến họ cứ đơn độc, lẻ loi. Nhưng thánh Phaolô lại bảo: Thần Khí đến với ta, thường vào lúc ta sướng vui, quyết thương yêu đùm bọc và đối xử tử tế với mọi người. Nhìn vào cuộc sống của Chúa, người người đều thấy Ngài luôn có mặt ở cạnh bên, nếu ta biết sống thực đường lối Ngài khuyến nghị, tức: cứ để Thần Khí hướng dẫn và phô diễn cuộc sống ấy với mọi người.

Nhưng, với thế giới ta hiện sống, nay đã có vấn đề. Vấn đề, nay thấy xuất hiện hai nhóm người cũng khác biệt. Một, gồm những người sống rải rác khắp đó đây, từng nghe biết Chúa. Biết rằng, Ngài đã chết đi cho tội lỗi của con người và Ngài đã Phục Sinh quang vinh. Biết rằng, vào lễ Ngũ Tuần, Ngài đã gửi Thần Khí Chúa đến với dân con mọi người. Người người đều biết, do tiếp cận mạng truyền thông, vi tính. Nên, ngày nay chẳng một ai cần đến các nhà truyền giáo kiểu xưa cũ cứ đem đến với họ những lời là lời, mà họ chẳng hiểu lời đó có nghĩa gì. Lời đó, có đòi họ sống giống Chúa không, trên thực tế. Làm như thể, họ chưa từng biết đến những chuyện như thế. Làm như thể, những điều họ nghe biết chẳng liên can gì đến cuộc sống thực tế. Cũng chẳng giống như ngôn từ họ sử dụng. Nên, mọi người chỉ cần các “thừa sai” nào biết và sống như Chúa từng sống, mà thôi.

Nhóm còn lại là chúng ta, tức thánh hội của Chúa rất hôm nay. Nhóm của ta cũng trân quý lời Chúa gửi đến với ta. Cũng hiểu đôi chút về Ngài. Nhưng, vẫn không biết cách loan truyền nhận thức ấy với dân gian, ở khắp chốn. Cũng “đi” nhà thờ hàng tuần, nhưng không “đến”. Tức, chẳng hấp thụ thêm được điều gì. Có chăng, cũng chỉ đôi ba ý tưởng vặt vãnh từ bài chia sẻ của vị chủ trì thôi, để rồi ao ước mình có được hy vọng. Ao ước, có được một Ngũ Tuần khác khi đó Chúa sẽ đổ muôn ơn lành đến với ta và mọi người; ngõ hầu ta biết đả thông chuyện của Chúa, như một số Đức Giáo Hoàng vẫn dùng lời để diễn tả về “lễ Ngũ Tuần mới” rồi sẽ đến, nhưng chưa đạt.

Dân con Đạo Chúa nay lại bảo: lễ Ngũ Tuần là đảo-đề về những gì từng xảy đến hồi tháp Babel, trong Cựu Ước. Cũng cùng truyện kể về tháp như thế do con người làm, khiến dân chúng khi đó lại cứ tập tành phát âm thành nhiều tiếng rất mới nhưng chỉ để nói và gây nhiều ngộ nhận. Ngộ nhận nhiều thứ. Ngộ nhận đến độ, người nói tiếng lạ chẳng hiểu nhau. Lễ Ngũ Tuần hôm nay phải hiểu là Lễ Hội này đã cắt bỏ mọi rẽ chia/phân cách. Là, dịp để mọi người hiểu nhau hơn. Hiểu, cả vào khi có người nói bằng ngôn ngữ lạ ít sử dụng. Xem như thế, Lễ Ngũ Tuần đã đảo ngược được thực trạng tháp Babel của mọi thời. Cả đến hôm nay, cũng như thế.

Bởi thế nên, thay vì bảo:

“Họ sáng chế ra ngôn ngữ mới (tức tên mới) cho họ”, thì mọi người lại vẫn nói: “Họ tự đặt tên cho chính mình”, hoặc tìm cách để nên như thế.

Và, vấn đề còn tiềm ẩn bên trong mỗi người. Bởi, khi tự đặt tên cho, là ta tự nói nhiều về mình. Nhiều đến độ không nghe người khác nói gì nữa.

Thành thử, Ngũ Tuần hôm nay là dịp để Thần Khí đến với dân con/đồ đệ của Chúa để họ trở nên khiêm hạ. Ngũ Tuần, là dịp để không còn ai tự đặt tên cho mình, nữa. Làm thế, để con dân Chúa không còn cho mình là nhân vật quan trọng, lại rất nổi. Nổi đến nỗi, không nói về Đức Chúa là Đấng cuốn hút mọi người đến với Ngài. Làm như thế, là họ đã tự giảm giá và nghĩ rằng nay có nhiều cách thế để biết Chúa, chứ không chỉ có mỗi đường lối của Giáo hội mình. Làm thế, để ta nhận ra rằng: nếu cứ tập trung vào mỗi đường lối của riêng mình và cho mình là quan trọng, thì đó là hành xử cách bạo tàn với người khác.

Ngũ Tuần, nay là lễ hội để dân con của Chúa biết sống cởi mở, tử tế. Cởi mở/tử tế, để đón nhận cả những người thua kém mình, khác với mình để họ gia nhập vào với cộng đoàn mình sống. Và, đó là lúc những người khác với mình bắt đầu hiểu Chúa hơn. Từ đó, sẽ cảm thông, truyền đạt và trao đổi. Để rồi, ta sẽ sẻ san cho nhau mọi sự tốt đẹp, kể cả nhận thức bằng trực giác, nói năng hoặc diễn đạt. Đó, là ý nghĩa của Lễ Ngũ Tuần, rất hôm nay.

Vậy, Lễ này có nghĩa gì với thời hiện tại? Nếu, Ngũ Tuần được gọi là ngày sinh của Hội thánh, thì nay xin chúc Hội thánh mình có được ngày sinh quá sức đẹp. Tuy thế, ta cũng nên làm sao có được lễ Ngũ Tuần đẹp hơn nữa, ngõ hầu trở nên loại hình thánh Hội mà Thần Khí Chúa vẫn muốn ta trở thành vào buổi Lễ Ngũ Tuần rất tiên khởi, thời Chúa vừa Phục Sinh, rất quang vinh.

Thần khí Chúa muốn con dân mình trở nên tử tế, khiêm hạ và cởi mở. Biết, bao gộp hết mọi người vào với thánh hội mình. Biết lắng nghe người khác nói. Và, sẵn sàng sống đường lối và cách nói năng ra sao để mình thần phục lập trường của người khác. Chứ không chỉ lẻo mép, nói rất nhiều mà chẳng nói được ngôn ngữ của người thời đại, rất hôm nay.

Nên chăng, có một Hội thánh rất như thế? Nếu vậy, ta hãy nguyện cầu như sau:  

Lạy Thánh Thần Chúa, xin đến

Chữa lành vết thương lòng ở nơi con

Kiện toàn và canh tân uy lực của đời con,

Và tẩy rửa vết nhơ con lỡ phạm.

Hãy bẻ cong tâm can cùng nguyện ước vẫn đông cứng

Để con tim đông lạnh của con nay tan chảy,

hầu sưởi ấm lòng người lạnh lẽo.

Hãy dẫn dắt những người vẫn trật đường, đi chập chững…

Tâm nguyện thế rồi, cũng nên ngâm thêm lời thơ của nghệ sĩ ở đời vẫn hát giòng thơ Đạo, rằng:

                        “Ta há miệng, cho nguồn thơm trào vọt,

                        Đường thơ bay, sáng láng như sao sa…

                        Trên lụa trắng, mười hai hàng chữ ngọc.

                        Thêu như thêu, rồng phượng kết tinh hoa.”

                        (Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)  

Thơm một nguồn, cả ngôn ngữ lẫn tình thơ Thần Khí Chúa đem đến dân con, hết mọi người.  Nguồn thơm trào vọt, để người người lại sẽ thưởng ngoạn ơn thiêng Chúa gửi, hôm trước đến bây giờ.

Lm Kevin O’Shea, DCCT biên soạn –

Mai Tá lược dịch _________________

 

Suy niệm Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên Năm B 24/5/21

 

Mc 16: 15-20

Hôm ấy, Đức Gie6su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

“Hồn hỡi hồn, lên nữa, quá thinh gian,”

“Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

 

Hồn tìm chốn chiêm bao chờ đón Chúa lên cao, lên cao nữa, “quá thinh gian” ngoài sự thực. Sự rất thực, nay được thánh Máccô xác quyết ở trình thuật rất hôm nay.

Trình thuật thánh Máccô nay kể, khiến người đọc liên tưởng đến huyền thoại La Mã nói nhiều về Hoàng đế Caesar được thần thánh hoá, đã lui về chốn thiên đường, sau cái chết. Nhưng, Đức Chúa thực thụ của vũ trụ lại không là Caesar rất đế chế, mà là Đức Kitô đã Phục Sinh. Lại nữa, thăng thiên hôm nay lại cũng giống như Phục Sinh quang vinh năm nào, nếu ta nhìn từ góc độ nay đảo ngược. Bởi, Đức Giêsu đã trỗi dậy rời khỏi cõi chết, để rồi Ngài “cứ lên cao, lên cao nữa” hầu đi vào chốn “thinh gian” nghịch chống động thái chôn vùi, trì trệ. Suy cho kỹ, “chốn thinh gian” nay mang ý nghĩa của “vũ trụ vạn vật” rất bao la.

Ở nơi vũ trụ vạn vật, nay có động lực dũng mãnh với uy quyền trên con người. Nay, có niềm khích lệ để vững mãi trong khổ hạnh và linh thiêng hầu vững chãi vượt thắng mọi uy lực của thần thiêng. Để hoàn thành việc này, cũng cần đến ngoan cường, nên Đức Giêsu thực hiện điều này bằng việc thăng thiên đi vào chốn vũ trụ có Cha có Chúa, để Ngài rồi sẽ ban phát khôn ngoan/bình an cho thánh Hội, ở thế trần. Và từ đó, Hội thánh sẽ là không gian bảo bọc mọi người con khỏi sức mạnh vẫn đè bẹp, nhờ vào chúc lành của Đức Chúa nay thăng thiên đi vào vũ trụ vạn vật. Thực chất của sự việc nói lên một việc, là: nơi chúng ta, ơn đặc sủng không cần môi giới. Bởi, Đức Giêsu đã trực chỉ thẳng đến chúng ta và vũ trụ, cách trực tiếp.

Suy như thế, ta lại sẽ rút ra được nhận thức vẫn có từ hai bức thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo đoàn Colôsê và Êphêsô. Từ thư này, các nhà chú giải lại đã thắc mắc không biết thánh Phaolô có là tác giả của thư này hay không? Chừng như, cả hai thư được gửi vào thời khắc sau khi thánh nhân khuất dạng. Nhưng ý tứ trong thư là điều thánh nhân vẫn xác quyết. Và, để tránh mọi tranh luận/bàn cãi, hãy coi đây là thư do chính thánh nhân hoặc đệ tử mình viết qua tư cách của một Phaolô trẻ sau thời kỳ thánh nhân nổi danh. Nhất nhất các điều kể trong thư đều về Đức Giêsu “lên cao/lên cao nữa” để về với Cha.

Đức Chúa thăng thiên, là ảnh hình của vũ trụ vạn vật trong đó ta thấy được nhiều thứ chứ không chỉ mỗi việc “lên cao/lên cao” xảy đến, rất rõ ràng. Có được ảnh hình vũ trụ vạn vật rất “lên cao”, ta lại sẽ nhìn thẳng vào đó và thấy có vũ trụ. Vũ trụ, không theo nghĩa thể lý, vật chất, nhưng là thực tại trọn vẹn. Trọn vẹn tính vũ trụ vạn vật mà mỗi thành phần trong đó đều mang ảnh hình khác lạ khiến ta kinh ngạc, đến thích thú. Đức Chúa “lên cao/lên cao nữa” đi vào với vũ trụ là ảnh hình chính vũ trụ ấy đã để cho ta thấy trọn vẹn ý nghĩa “lên cao” của chính nó. Hãy nhìn Ngài “lên cao lên cao” mãi rồi sẽ thấy Ngài trỗi dậy và cứ thế “lên cao” đi vào phần sâu thẳm và sâu sắc của “mọi sự”.

Cứ thử nhìn ảnh hình nào đó, tự khắc sẽ thấy ảnh hình ấy đang nhìn trở lại chính người nhìn. Tựa hồ khi ta ngắm bức truyền thần nổi tiếng “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, cứ nhìn mãi như thế, rồi ra ta sẽ thấy ảnh hình ấy cũng thấy được nhiều điều/nhiều “sự” ở nơi ta. Hệt như thế, khi ta nhìn ngắm Chúa “lên cao/lên cao” đi vào vũ-trụ chốn sâu thẳm, ta biết được là Ngài đang nhìn vào chốn thẳm sâu ở nơi ta. Và, Ngài thấy cả bản thể của ta. Cả sự việc, ta từ đâu đến? Ta làm được gì, từ đó. Và khi ấy, ta biết là Ngài đang nhìn vào chính tương lai của ta nữa.

Sách Công vụ kể rằng: đồ đệ Chúa, cứ mải chiêm ngưỡng sự việc Thày “lên cao/lên cao nữa” để rồi Thày cũng nhìn vào tương lai/mai ngày của các ngài, là Hội thánh. Chúa “lên cao/lên cao nữa”, chính là sự “khởi đầu” mà tiếng Do thái khi xưa không chỉ nói rõ một “khởi sự” của mọi sự thôi. Nhưng khởi đầu mọi sự, là năng lực vẫn tiến hành và diễn biến vào mọi lúc. Nơi vũ trụ vạn vật có Chúa nhập vào hồn, luôn có sự khởi đầu và năng lực rất mới mẻ.

Tư tưởng này, tiếng Hy Lạp dịch là “arche”, tức một “khởi sự” tương tự như khởi động một sự “lên cao/lên cao nữa” của Đức Chúa. Và, dân gian người người không thể có được sự ký thác rất mực vào với Chúa, nếu như người người lại cứ cột mình vào với bùn đất, chất nhiều dĩ vãng mà không khởi đầu “sự” gì mới mẻ, rất “khởi sự”.

Nếu phải diễn dịch sự kiện “khởi đầu mọi sự”, thì tốt hơn, ta nên dịch và diễn ý nghĩa của sự việc Chúa “lên cao/lên cao nữa” khi ta đã, đang và sẽ có một “khởi sự” nơi Ngài rồi thì ta cũng đã, đang và sẽ có Chúa làm điều gì đó rất mới, nơi “vũ trụ vạn vật”. Tựa như Tin Mừng thứ tư trong đó thánh Gioan khởi sự bằng những chữ, như: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa…” (Ga 1: 1) Điều này có nghĩa: ở đâu có sự khởi đầu, ở đó luôn có ý nghĩa: Đức Chúa Đấng Khởi Đầu đã nên Lời.

Đàng khác, khi Chúa “lên cao/lên cao nữa” đi vào với vũ trụ vạn vật, Ngài chính là sự “tràn đầy” hiểu theo cụm từ “Pleroma” tiếng Hy Lạp. Tràn Đầy, là sự viên mãn hoàn tất, rất đích thật. Khi xưa, dân con nhà Đạo thường dùng cụm từ này để kể về Lời tiên tri, do các ngôn sứ nói. Tức, những gì xảy đến với con người đều mang ý nghĩa tràn đầy, trọn vẹn nơi lời lẽ hoặc sự thể diễn ra trong quá khứ, nhưng lại mở ra sự tràn đầy/viên mãn mà chẳng ai đoán trước được. Chính đó là sự “hoàn thành”. Là, ứng nghịệm cách trọn vẹn, đầy tràn điều ngôn sứ khi xưa thường vẫn nói.

Tựa như Tin Mừng thánh Mát-thêu cũng trích dẫn 10 điều ứng nghiệm xảy đến đúng như lời tiên tri, khi trước. Ở đây nữa, Thiên Chúa vẫn trung thành với Lời Ngài từng hứa sẽ đổi mới tận thâm căn hết mọi sự, vì ta và cho ta. Vì ơn cứu độ Ngài dành để cho ta và cho hết mọi loài. Cuối cùng ra, đó là sự tràn đầy/viên mãn, tức: sự trọn vẹn của Thiên Chúa nay thành hiện thực.    

Chúa “lên cao/lên cao nữa”, là Ngài khởi sự cùng đến với nhau mà tiếng Hy Lạp gọi là “Katallassein” mà bản tiếng Anh và tiếng Việt vẫn gọi là “giao hoà”. Kinh thánh tiếng Hy Lạp diễn tả sự việc này, bằng cụm từ “Allos”, tức “cái gì khác”, “không giống thế”, rất đa dạng. Tiếng Hy Lạp lại dùng cụm từ “Kata” để chỉ “theo như”, “cùng một hàng với”. Khi ta đã thấy mọi sự trong trời đất/vũ trụ “cùng đến với nhau” trong lúc duy trì sự khác biệt/đa dạng ở đó, thì đó là lúc ta có được sự “hài hoà” như một thứ “cầu vồng”.

Có thể là, ngay buổi đầu khi Đức Giêsu “lên cao/lên cao nữa” Ngài thẩm nhập đi vào với vũ trụ, chắc lúc ấy mọi người đều thấy “cầu vồng” tuyệt mỹ. Đó cũng là cảm nghiệm mà ông Nôê đã có khi cơn lụt đại hồng thủy đã qua đi. Đó, cũng là dấu chỉ về một giao ước, không chỉ mỗi giao và ước giữa Thiên Chúa và loài người thôi, mà còn là giao ước đã có giữa Thiên Chúa với và trong mỗi trụ cột nơi tạo dựng.   

Cũng nên hiểu việc Chúa “lên cao/lên cao nữa” theo ngôn từ mà bản kinh sách tiếng Hy Lạp dùng qua cụm từ “Sunestiken” để diễn tả ý tưởng mang ý nghĩa: nơi Ngài, mọi sự được hiện thực “chung cùng nhau”, nhưng mọi sự vẫn ở trong nhau, gìn giữ nhau. Điều này còn có nghĩa: mọi sự đạt tới điểm là: mọi sự cứ thế vẫn cộng thêm, mà không đi ngược về vị trí cũ và không còn vỡ đổ nữa. Đây là điều chắc chắn. Qua sự việc “Chúa lên cao/lên cao nữa”, ta hiểu rằng mình có đi đâu, đến nơi nào đi nữa đều có Chúa lo toan, giữ trong đầu. Chắc chắn ta sẽ đạt tới đó, không còn quay lại chốn cũ nữa.

Chúa “lên cao/lên cao nữa”, còn là sự bình an im ắng của vũ trụ vạn vật. Bình an của Chúa vượt quá mọi hiểu biết nắm vững, bởi Thiên Chúa của Bình an đang ở với ta, và trong ta. Đó là ý nghĩa của lời chào “Shalom” tiếng Do thái có nghĩa: bình an cho anh em. Bình an cho sức khoẻ, cho tính tích cực và ơn cứu độ của anh em. Bình an, là sự hiện diện gần gũi với Chúa, được Chúa thăng thiên đem đến cho ta. Rõ ràng, sự bình an này đã và vẫn có ở cộng đoàn tín hữu của Chúa, như hoa trái của Thần Khí. Ta sống trong tin tưởng và tận hiến cho Chúa qua nguyện cầu cảm tạ, và biết được sự bình an mà không ai hiểu nổi.

Chúa “lên cao/lên cao nữa”, Ngài là Vị Trưởng Tử, như cụm từ Hy Lạp“Prototokos” từng diễn tả. Đức Giêsu là Đấng Trỗi dậy “ngay từ đầu”. Ngài là Hoa trái đầu của những ai còn thiếp ngủ. Bởi thế nên, ta trỗi dậy cùng với Ngài, và trong Ngài. Và, mọi hoa trái của sự kiện Sống Lại nay thuộc về ta. Đức Giêsu và chỉ mình Ngài là Con Một Thiên Chúa. Nhờ Ngài và qua Ngài, ta được thẩm nhập vào với Ngài. Vì Ngài là Trưởng Tử, tức Đấng Bậc Đầu của đàn con của Thiên Chúa, có chúng ta. Về việc này, thánh Phaolô gọi đó là tình huống “tái tháp nhập” vào với Đấng đích thực là thế, ở mọi thời.

Ngài là thế, trong ý nghĩa tràn đầy của sự chúc lành, không hạn chế. Bằng vào sự kiện Ngài “lên cao/lên cao nữa” đi vào với vũ trụ, Đức Giêsu đã chúc lành cho vạn vật. Làm thế, là Ngài lại đã chúc tụng Thiên Chúa, có vũ trụ vạn vật nghe được tiếng Ngài. Và, Ngài cùng với vũ trụ, tất cả cùng nhau cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Và, Chúa đã làm thế. Làm thế, để ta được lên cao cùng với Chúa hầu cất tiếng ngợi ca cùng với Đức Chúa “lên cao/lên cao nữa”, rất thăng thiên. Nhân hiền. Cùng ngợi ca sự kiện “khởi đầu” đi vào làm hoà với vũ trụ, rất vạn vật.

Trong tâm tình ấy, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ vang nhiều ý nghĩa, hát rằng:

            “Hồn hỡi hồn, lên nữa, quá thinh gian,

            Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực.

            Mộng là mộng tràn trề muôn vạn ức,

            Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên.”

            (Hàn Mặc Tử - Ngoài Vũ Trụ)

Là như thế, Đức Chúa nay lên cao lên cao vút, quá thinh gian. Để người người, tràn trề muôn vạn ức, vẫn rất tình. Tình thơm tho, có Chúa cho tháp nhập với Tình Cha-Con có Thánh Thần Chúa ở giữa, rất đích thật, một sự thực. Sư thực ấy, đàn con Chúa nay đã hiểu và đã giữ trong lòng, mãi mãi. Rất muôn đời.   Lm Kevin OShea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch