Wednesday, 2 June 2021

Lễ Mình Máu Chúa năm B

 

 “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta." Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.” (Mc 14: 12-16, 22-26)

 

Có thay đổi gì không, màu hoa ấy?”

“Mùa hạ qua rồi, lại đến mùa thu.”

(Dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Màu hoa ấy, là Tình Chúa tặng, nào đổi thay. Hoa màu này, là trân châu ta giữ, chẳng thay đổi cả vào Hạ đến mùa Thu. Thu-Hạ, là xác quyết thánh sử ghi ở trình thuật lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

Trình thuật, nay là xác quyết về Tình Chúa yêu thương được Hội thánh đưa vào phụng vụ lễ Mình Máu Chúa, chóp đỉnh của phụng vụ, nhằm giúp con dân trong Đạo biết mà tri ân, cảm tạ. Tri ân, là động thái ràng buộc, không chỉ giúp ta nói lên một lần rồi quên lãng. Tri ân, là trạng thái giúp ta bỏ giờ ra mà cảm kích ơn huệ mình lãnh nhận. Tri ân, là động thái không chỉ xảy ra trong quá khứ, nhưng tiếp tục cả thời hiện tại  lẫn tương lai.

Lễ Mình Máu Chúa, là lễ hội giúp ta không chỉ nhớ lại việc Chúa đã làm vào buổi Tạ Từ, nhưng để giúp ta tái tạo và duy trì sự hiệp thông Chúa khuyến khích tình yêu thương còn tiếp diễn. Tri ân/cảm tạ, là bí tích Phục Sinh Ngài ủy thác cho ta, hệt như Đức Giêsu từng cảm tạ Cha Ngài, buổi Tạ Từ. Trước khi cầm chén uống, Ngài cũng cảm tạ và nhủ khuyên đồ đệ hãy làm thế. Ngài cảm tạ, không vì ai đó cho Ngài của ăn/thức uống để tri ân. Ngài cảm tạ, vì Chúa Cha ủy thác cho Ngài hành xử theo cách cho đi chính mình hầu làm của ăn/thức uống, cho mọi người. Của ăn, là sự sống mới Ngài ban phát. Thức uống, là Máu cứu chuộc Ngài tặng trao cho ta nhận lãnh, hầu về với Giao ước có tri ân, tạ từ, cảm kích.

Đây cũng là cung cách người Do thái vẫn làm từ buổi trước, mà họ có thói quen đặt tên cho nó là “toda”, tức động thái cảm kích/tri ân mà mọi người từng làm, kể từ ngày lưu vong nơi xứ người nay quay về. Quay về, với lời ca cảm tạ rất vui tươi, như thánh vịnh 107 còn ghi dấu. Và, tiên tri Giêrêmia cũng đã ghi:

“Người người sẽ nghe tiếng mừng vui/hoan lạc, tiếng cô dâu/chú rể, tiếng những kẻ nói: ‘Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại.”(Gr 33: 14).

Là dân con Đức Chúa, người Công giáo chỉ có thể đạt đến bí tích Thánh Thể khi hiểu được thế nào là lời-ca-cảm-tạ Đức Giêsu đã thực hiện qua việc Ngài cống hiến sự sống, nỗi chết và sống lại của Ngài cho Cha. Như Đức Bênêđíchtô XVI có lần nói: “Tiệc Tạ Từ của Đức Giêsu chính là lời cảm tạ rất “toda” ngay trước khi đi vào cõi chết.” Và tiếp đó, còn có lời dặn của Thày trước khi trỗi dậy:

“Anh em hãy làm việc này như Thày làm hôm nay.”

Suy tư về sự Thống khổ của Chúa ở Tin Mừng, người người sẽ thấy thánh sử qui về thánh vịnh ghi ở Cựu Ước. Như thánh vịnh 22 hàm ngụ ý nghĩa cảm tạ qua cụm từ “toda” của người Do thái. Xem thế thì, niềm thống khổ và nỗi chết của Chúa là động thái cảm tạ Ngài dâng lên Chúa Cha, là Đấng đã định như thế. Từ đó, ta có thể nói mà không sợ sai rằng: Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết là để tiếp tục nói lời “Tạ ơn Cha” rất cao cả, trong mọi việc. Đó còn là lý do để ta quay nhìn vào ý nghĩa của lễ hội trong năm phụng vụ, rồi cùng Chúa đem lời cảm tạ/tri ân gửi đến mọi người.

Nói lời cảm tạ, sẽ biến ta trở thành loại người đặc biệt đã biến đổi từ động thái tư riêng đi vào quần thể tập hợp ở Tiệc Thánh. Chính đó là quần thể huyền nhiệm. Là, Mình Thánh Đức Kitô. Là, lý do để Hội thánh của ta định ra lễ Mình Máu Chúa thành lễ hội đặc biệt. Mình Máu Chúa, không là xác thể bình thường, mà là “quần thể tập hợp” thiết dựng bằng lời tri ân, cảm tạ. Mình Máu Chúa, là “quần thể tập hợp” rất mới của Mình Máu Chúa đã thiết lập nhờ vào Phục sinh, quang vinh.

Nhìn vào Tiệc Thánh Thể ta mừng kính, người người sẽ nhận ra ý nghĩa của việc mình làm. Tức, đang tri ân, cảm tạ và đang trở thành thể xác rất thánh của Đức Chúa. Đó là ý nghĩa của thánh lễ ta thực hiện. Là, bi hài kịch bốn màn, cũng rất chẵn.

Màn đầu, là khởi nguyên vũ trụ, lúc Thần Khí bay là là trên nước có Lời của Tạo Hoá: “Hãy để trái đất nổi lên khỏi nước mà sinh sản ra vạn vật.” Xem thế thì, Thần Khí là Đấng sinh sản rất màu mỡ. Lời Ngài rất hiệu nghiệm. Bởi, từ nơi không có gì, Thần Khí và Lời tập hợp lại đã khiến cho sự sống trổi sinh khắp chốn. Và như thế, hiện hữu là cung cách để vũ trụ nói lên lời cảm tạ hướng về Đấng Tạo Hoá.

Màn Hai, dấy tràn thời gian tính, nhân ngày Truyền Tin (Lc 1), tức lập nền tảng ngay tức khắc. Cũng một Thần Khí là Đấng phủ tràn làn nước ở thời khởi nguyên, nay đem Đức Nữ Đồng Trinh Maria ở dưới bóng râm màu mỡ ở đó có Lời mặc lấy xác thịt loài người. Nơi cung lòng trinh trong của Đức Nữ Trinh Maria, Thần Khí làm đất trời trổi dậy thật rất mới. Đó là: tính “Người” của Đức Chúa. Bằng vào tính “Người” của Ngài, Đức Giêsu đã nói lời tri ân/cảm tạ dâng lên Cha, rất mật thiết.

Màn Ba, là thánh lễ hôm nay chất đầy lời cảm tạ vẫn tiếp tục thể hiện. Vào thánh lễ, vị chủ tế để tay lên bánh và rượu là dấu hiệu Thần Khí “bay là là” trên thế giới và nơi Đức Nữ Trinh Maria mà tặng ban sự sống, rất Giêsu. Sau đó, chủ tế đọc cũng một lời truyền mà Đức Giêsu khi xưa cất tiếng:

“Này là Mình Ta, Này Máu Ta”, và trong khoảnh khắc ấy, sự-sống-rất-Giêsu nảy sinh đã trồi lên và hướng về phía trước. Bên dưới hình thù Bánh/Rượu, Đức-Chúa-Trỗi-Dậy đích thân hiện diện với và giữa con dân của Ngài. Ngài hiện diện bằng hiện hữu đích thực, rất thật. Đó là hiện diện thực sự, chứ không là biểu tượng.

Sự hiện diện rất thật, tức không do ai đặt để một cách ý thức, vào khoảnh khắc mà chính mình không nắm rõ. Đó không là hiện-diện theo ký ức mà ai đó tưởng nhớ, tức chỉ ở nơi xa xôi không có mặt. Đó không chỉ là hồi-ức có trong đầu của người nào. Đức Kitô có mặt thật sự nơi Tiệc Thánh Thể không chỉ vào lúc ta nhớ đến Ngài, mà cả vào khi ta không nghĩ về Ngài, hoặc như tự hỏi không biết Ngài có đó hay không. Ngài không hiện diện chỉ bằng hành động, như ai đó gửi điện thư cho ta. Mà Ngài đích thân có mặt, bằng chính bản-thể rất “Người” của Ngài. Ngài là tất cả ở đây. Bây giờ.

Khi truyền phép, đã có đổi thay gây kinh ngạc mà thánh Tôma Akinô gọi đó là “Phép lạ lớn lao nhất Chúa từng làm”. Thay đổi này, không có sự tương đương nào trong kinh nghiệm của ta. Bằng vào uy quyền của Thần Khí, đã có sự hữu hiệu của Lời nơi phần sâu thẳm của niềm tin của người dự Tiệc Thánh Thể, thực tại bánh/rượu đã biến thành thực-tại-là-Đức-Kitô. Như Đức Maria đã nói với thần sứ: “Điều ấy làm sao được?” Thật ra, không có câu trả lời nào tuyệt diệu hơn lời thần sứ nói: “Với Chúa, chẳng có gì là không thể!” (Lc 1: 34-35) Lời Chúa là Lời sáng tạo, rất hiệu lực. Lời Ngài tạo thành sự sống đến với Chúa. Lời-trỗi-dậy-từ-cõi-chết, nay đang nói và thành hiện thực. Khi Lời mặc lấy xác phàm, Ngài có nói: “Này là Mình Ta.” thì không ai còn ngờ vực tính xác thực Ngài đang hiện diện ở Tiệc Thánh Thể, nữa.

Màn Bốn: sau Truyền phép là Hiệp thông. Một lần nữa, vị chủ tế nguyện cầu cho quà Thần Khí với câu kinh: Vâng, lạy Cha xin hãy để Thần Khí thể hiện sự tuyệt vời của Tiệc Thánh Thể hiện diện với chúng con, nay đến ban cho chúng con hoa-quả thánh-thiêng và ở mãi với chúng con. Xin ban Thần Khí biến đổi bánh trở thành Thân Mình Đức Kitô, hầu thay đổi tâm can chai đá của chúng con thành con tim đích thực. Để, khi san sẻ cùng một tấm bánh, chúng con trở thành một thân mình trong yêu thương. Và, khi chúng con nhận đón Mình Thánh Chúa vào lòng, xin Thần Khí và Lời hợp lực biến đổi chúng con thành Thân Mình nhiệm màu của Đức Kitô, khiến chúng con thành Hội thánh của Ngài. Xin biến chúng con trở thành trời mới đất mới, làm một trong Thân Mình Chúa.

Thành thử, hiệp thông nhận đón Thánh Thể, có sự sống của Đức Giêsu cắm rễ sâu nơi tâm can mỗi người và mọi người. Sự việc diễn tiến đến ngày Chúa ở trong mọi người và đến lúc mỗi người và mọi người trở nên một. Trở nên thế, có động thái tràn đầy ân-sủng, tức động tác cảm tạ/tri ân rất Thánh Thể, để mọi người cùng chúc tụng ngợi khen Cha đã khiến Mình Thánh Chúa trở thành vĩnh cửu.

Chắc có người sẽ hỏi: sao lại suy tư điều này vào ngày lễ Mình Máu rất thánh của Đức Chúa?

Suy tư, là suy về một thiên đường có động thái tri ân/cảm tạ kéo dài đến vĩnh cửu. Có mọi người làm thế, ở nơi đó. Suy tư như thế, là bởi Tiệc Thánh Thể là Lời mở cho sự-việc này. Phụng vụ, là động thái thưởng-thức-trước sự việc ấy. Bởi, mỗi khi cử hành Tiệc Thánh là ta san sẻ hiệp thông với Thánh Thể. Là, sờ chạm vào Quà Tình Yêu Vĩnh Cửu. Là, ta thực hiện cho bằng được việc tri ân/cảm tạ. Là, hành xử một phẩm bình về văn hoá của mọi thế giới từng xem xét sự việc theo cung cách rất khác biệt.

Tiệc Thánh Thể không là việc lý luận dành cho người chỉ biết lý sự một cách không ý nghĩa. Bởi, lý sự chẳng đem lại ý nghĩa gì đặc biệt. Nhưng, Tiệc Thánh Thể của ta không là áng thơ cũng không là tác phẩm nghệ thuật, đối với người có khiếu thẩm mỹ. Tiệc Thánh Thể, chứng tỏ cho thấy nếu chỉ là người có óc thẩm mỹ thôi, cũng không đẹp. Tiệc Thánh Thể, không là sự kiện tôn giáo. Với người có Đạo, việc ấy cũng không có nghĩa là đã “sốt sắng” đủ. Việc ấy, chỉ cho thấy nếu chỉ mỗi sốt sắng thôi, cũng chưa hẳn là đạo đức đủ. Tiệc Thánh Thể của ta, không là ý niệm hoặc việc sùng bái ta vẫn thích, mà hơn cả cử chỉ phụng thờ. Hơn rất nhiều, vì đó là Tình cho đi. Là nhận lãnh, sẻ san, sống thực. Là cảm tạ, rất đích thực.

Phải chăng, điều đó cũng xa hoa? Vâng. Chính thế. Thực sự, mọi việc tu-đức đều xa hoa! Nhưng, là xa hoa Chúa ban phát mà không thu hồi. Và, ta vẫn quen như thế. Quen, đến độ cứ nghĩ mình có quyền như thế. Quen, đến độ mình không thể gắn bó với nhau mà không có Tiệc Thánh Thể, rất như thế.

Trong cảm nhận điều này, cũng nên ngâm lại lời thơ còn bỏ dở, rằng:

 

            “Có thay đổi gì không màu hoa ấy

            Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu

            Thời gian đi màu hoa cũ về đâu

            Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ.”

(Xuân Quỳnh – Hoa Cúc)

 

Màu hoa đổi thay, nay là màu Chúa ban phát. Để ta và người cứ thế trở thành Thân Mình Chúa rất thân thương, nên một. Một thân. Một mình. Rất thánh hoá.

                                                                                

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch  

Wednesday, 19 May 2021

Suy niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 23/5/2021

 

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Gn 20:19-23) 

 

Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang,”

“Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ánh thiều quang, nay nhuần gội khắp dân gian, muôn ơn phước, Thiên hạ bình, trời đổ tuôn ơn phước Chúa ban, như trình thuật còn diễn tả từng chữ, rất đủ nghĩa.

Trình thuật, nay thánh sử ghi về Lễ Hội trải dài từ Chay Mùa tâm tịnh cho đến Phục Sinh quang vinh mà người Do thái vẫn mừng kính vào độ Xuân về có hái gặt suốt 50 ngày dài, sau Vượt Qua. Mãi sau, người Do thái mới thay đổi ngày này thành đại lễ kỷ niệm mừng Giao ước Chúa thực hiện với dân con ở Sinai núi thánh bừng bừng niềm vui khó phai mờ.

Ngay buổi đầu, sau cái chết và sự trỗi dậy của Chúa, đã thấy hai nhóm đạo ở Giêrusalem nổi lên tìm về Đất Hứa. Nhóm đầu, cũng khá đông, gồm những người đạo hạnh từ khắp nơi đổ về. Họ về, từ đất miền thuộc xứ Giuđêa, Mêsôpôtamia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Lybia, tức: đến từ khắp mọi nơi. Nơi nào cũng rộn rã người Do thái ồn ào/náo động tụ tập về để mừng kính lễ hội. Nhóm thứ hai nhỏ hơn, nhưng gồm các đấng bậc đã từng theo chân Chúa bước trong âm thầm/lặng lẽ rất đợi chờ, nguyện cầu.

Họ thật chẳng biết mình cầu nguyện là nguyện và cầu cho ai. Để làm gì? Bởi, thời gian cứ lặng lẽ trôi nhiều tháng ngày sau cái chết của Chúa, thế mà nhóm đạo này vẫn ẩn mình trong bóng tối, cứ hãi sợ mọi chuyện xảy đến sẽ liên lụy đến bản thân. Có thể, các ngài chỉ muốn về lại thăm chốn cũ người xưa, nơi Chúa bỏ mình chết rất nhục nhưng rồi Ngài Phục Sinh quang vinh. Hai nhóm đạo chẳng quan hệ gì với nhau. Nhóm đông người, đến từ các nơi, lại không biết rằng những người theo Chúa đang có mặt ở nơi đó. Và, nhóm nhỏ gồm các đấng bậc/đồ đệ lại chẳng muốn mọi người biết các ngài đang hiện diện ở chốn này.

Nhưng, chuyện phải đến lại đã đến với các đấng bậc từng hãi sợ. Các ngài lại đã xuất hiện trước công chúng lôi kéo sự chú ý của mọi người. Và, sự việc xảy đến khiến các ngài tràn đầy Thần Khí Chúa đổ tràn từ bên trên. Chuyện xảy đến, như một thứ “trời long đất lở” có sấm sét, có lửa ngọn thiêu đốt tâm can người người, đem đến cho họ nhiều nghị lực, có tâm thức.

Lửa hồng hâm nóng, khiến các ngài trở nên tươi mát, đổi mới, rất lành lặn. Lửa hồng sưởi ấm, còn đem đến với các ngài nhiều ơn lạ khác. Nên, các ngài bèn tiến ra ngoài, nói chuyện với người chưa một lần quen biết đến như một xác chứng: “Đức Giêsu, dù đã chết hôm trước, nay Ngài vẫn sống và đã gửi Thần Khí đến với mọi người.” Và lúc đó, mọi người bất chợt nói được tiếng Aram, ngôn ngữ cổ xưa của Do thái.

Người có mặt, cũng đều nghe và hiểu sự việc bằng chính ngôn ngữ của mình. Và khi ấy, lại thấy xảy ra một bộc phá dứt bỏ mọi lằn ranh/ngăn cách của ngôn ngữ, địa dư và sắc tộc. Sự việc xảy ra không mang dáng dấp của rẽ chia/phân cách. Mỗi người đều cảm nhận sự việc xảy đến bằng chính văn-hoá cũng như văn-minh/lề thói của người mình. Tất cả, là thông điệp rõ nét, rất dễ hiểu. Là, sự kiện mới, đã xảy đến với muôn dân.

Mỗi nguời và mọi người, nay hiểu rằng Thần Khí Chúa kích động mọi người phổ biến sứ điệp Ngài tặng ban để ý Ngài được thể hiện và phổ biến khắp mọi nơi trong thánh hội, và cuộc sống. Thể hiện, nhờ thanh tẩy. Phổ biến, nhờ Thần Khí Chúa mang sức sống đến hầu người người tự thánh-hoá bản thân. Đôi khi, nhiều người lại vẫn nghĩ: nhờ Thần Khí Chúa run rủi, nên mọi người mới có được giờ phút thăng hoa, phấn khởi. Người khác lại cứ hiểu: Thần Khí Chúa vẫn lặng lẽ xuất hiện ở hậu trường sự sống cố hỗ trợ việc chỉnh sửa mọi sai sót/lỡ lầm ngõ hầu người người mới truyền bá được Tin Vui Ngài mang đến.

Cũng có lúc, nhiều người cứ lầm tưởng rằng đôi lúc Thần Khí Chúa cũng vắng mặt khỏi hiện trường sự sống, khiến họ cứ đơn độc, lẻ loi. Nhưng thánh Phaolô lại bảo: Thần Khí đến với ta, thường vào lúc ta sướng vui, quyết thương yêu đùm bọc và đối xử tử tế với mọi người. Nhìn vào cuộc sống của Chúa, người người đều thấy Ngài luôn có mặt ở cạnh bên, nếu ta biết sống thực đường lối Ngài khuyến nghị, tức: cứ để Thần Khí hướng dẫn và phô diễn cuộc sống ấy với mọi người.

Nhưng, với thế giới ta hiện sống, nay đã có vấn đề. Vấn đề, nay thấy xuất hiện hai nhóm người cũng khác biệt. Một, gồm những người sống rải rác khắp đó đây, từng nghe biết Chúa. Biết rằng, Ngài đã chết đi cho tội lỗi của con người và Ngài đã Phục Sinh quang vinh. Biết rằng, vào lễ Ngũ Tuần, Ngài đã gửi Thần Khí Chúa đến với dân con mọi người. Người người đều biết, do tiếp cận mạng truyền thông, vi tính. Nên, ngày nay chẳng một ai cần đến các nhà truyền giáo kiểu xưa cũ cứ đem đến với họ những lời là lời, mà họ chẳng hiểu lời đó có nghĩa gì. Lời đó, có đòi họ sống giống Chúa không, trên thực tế. Làm như thể, họ chưa từng biết đến những chuyện như thế. Làm như thể, những điều họ nghe biết chẳng liên can gì đến cuộc sống thực tế. Cũng chẳng giống như ngôn từ họ sử dụng. Nên, mọi người chỉ cần các “thừa sai” nào biết và sống như Chúa từng sống, mà thôi.

Nhóm còn lại là chúng ta, tức thánh hội của Chúa rất hôm nay. Nhóm của ta cũng trân quý lời Chúa gửi đến với ta. Cũng hiểu đôi chút về Ngài. Nhưng, vẫn không biết cách loan truyền nhận thức ấy với dân gian, ở khắp chốn. Cũng “đi” nhà thờ hàng tuần, nhưng không “đến”. Tức, chẳng hấp thụ thêm được điều gì. Có chăng, cũng chỉ đôi ba ý tưởng vặt vãnh từ bài chia sẻ của vị chủ trì thôi, để rồi ao ước mình có được hy vọng. Ao ước, có được một Ngũ Tuần khác khi đó Chúa sẽ đổ muôn ơn lành đến với ta và mọi người; ngõ hầu ta biết đả thông chuyện của Chúa, như một số Đức Giáo Hoàng vẫn dùng lời để diễn tả về “lễ Ngũ Tuần mới” rồi sẽ đến, nhưng chưa đạt.

Dân con Đạo Chúa nay lại bảo: lễ Ngũ Tuần là đảo-đề về những gì từng xảy đến hồi tháp Babel, trong Cựu Ước. Cũng cùng truyện kể về tháp như thế do con người làm, khiến dân chúng khi đó lại cứ tập tành phát âm thành nhiều tiếng rất mới nhưng chỉ để nói và gây nhiều ngộ nhận. Ngộ nhận nhiều thứ. Ngộ nhận đến độ, người nói tiếng lạ chẳng hiểu nhau. Lễ Ngũ Tuần hôm nay phải hiểu là Lễ Hội này đã cắt bỏ mọi rẽ chia/phân cách. Là, dịp để mọi người hiểu nhau hơn. Hiểu, cả vào khi có người nói bằng ngôn ngữ lạ ít sử dụng. Xem như thế, Lễ Ngũ Tuần đã đảo ngược được thực trạng tháp Babel của mọi thời. Cả đến hôm nay, cũng như thế.

Bởi thế nên, thay vì bảo:

“Họ sáng chế ra ngôn ngữ mới (tức tên mới) cho họ”, thì mọi người lại vẫn nói: “Họ tự đặt tên cho chính mình”, hoặc tìm cách để nên như thế.

Và, vấn đề còn tiềm ẩn bên trong mỗi người. Bởi, khi tự đặt tên cho, là ta tự nói nhiều về mình. Nhiều đến độ không nghe người khác nói gì nữa.

Thành thử, Ngũ Tuần hôm nay là dịp để Thần Khí đến với dân con/đồ đệ của Chúa để họ trở nên khiêm hạ. Ngũ Tuần, là dịp để không còn ai tự đặt tên cho mình, nữa. Làm thế, để con dân Chúa không còn cho mình là nhân vật quan trọng, lại rất nổi. Nổi đến nỗi, không nói về Đức Chúa là Đấng cuốn hút mọi người đến với Ngài. Làm như thế, là họ đã tự giảm giá và nghĩ rằng nay có nhiều cách thế để biết Chúa, chứ không chỉ có mỗi đường lối của Giáo hội mình. Làm thế, để ta nhận ra rằng: nếu cứ tập trung vào mỗi đường lối của riêng mình và cho mình là quan trọng, thì đó là hành xử cách bạo tàn với người khác.

Ngũ Tuần, nay là lễ hội để dân con của Chúa biết sống cởi mở, tử tế. Cởi mở/tử tế, để đón nhận cả những người thua kém mình, khác với mình để họ gia nhập vào với cộng đoàn mình sống. Và, đó là lúc những người khác với mình bắt đầu hiểu Chúa hơn. Từ đó, sẽ cảm thông, truyền đạt và trao đổi. Để rồi, ta sẽ sẻ san cho nhau mọi sự tốt đẹp, kể cả nhận thức bằng trực giác, nói năng hoặc diễn đạt. Đó, là ý nghĩa của Lễ Ngũ Tuần, rất hôm nay.

Vậy, Lễ này có nghĩa gì với thời hiện tại? Nếu, Ngũ Tuần được gọi là ngày sinh của Hội thánh, thì nay xin chúc Hội thánh mình có được ngày sinh quá sức đẹp. Tuy thế, ta cũng nên làm sao có được lễ Ngũ Tuần đẹp hơn nữa, ngõ hầu trở nên loại hình thánh Hội mà Thần Khí Chúa vẫn muốn ta trở thành vào buổi Lễ Ngũ Tuần rất tiên khởi, thời Chúa vừa Phục Sinh, rất quang vinh.

Thần khí Chúa muốn con dân mình trở nên tử tế, khiêm hạ và cởi mở. Biết, bao gộp hết mọi người vào với thánh hội mình. Biết lắng nghe người khác nói. Và, sẵn sàng sống đường lối và cách nói năng ra sao để mình thần phục lập trường của người khác. Chứ không chỉ lẻo mép, nói rất nhiều mà chẳng nói được ngôn ngữ của người thời đại, rất hôm nay.

Nên chăng, có một Hội thánh rất như thế? Nếu vậy, ta hãy nguyện cầu như sau:  

Lạy Thánh Thần Chúa, xin đến

Chữa lành vết thương lòng ở nơi con

Kiện toàn và canh tân uy lực của đời con,

Và tẩy rửa vết nhơ con lỡ phạm.

Hãy bẻ cong tâm can cùng nguyện ước vẫn đông cứng

Để con tim đông lạnh của con nay tan chảy,

hầu sưởi ấm lòng người lạnh lẽo.

Hãy dẫn dắt những người vẫn trật đường, đi chập chững…

Tâm nguyện thế rồi, cũng nên ngâm thêm lời thơ của nghệ sĩ ở đời vẫn hát giòng thơ Đạo, rằng:

                        “Ta há miệng, cho nguồn thơm trào vọt,

                        Đường thơ bay, sáng láng như sao sa…

                        Trên lụa trắng, mười hai hàng chữ ngọc.

                        Thêu như thêu, rồng phượng kết tinh hoa.”

                        (Hàn Mặc Tử - Nguồn Thơm)  

Thơm một nguồn, cả ngôn ngữ lẫn tình thơ Thần Khí Chúa đem đến dân con, hết mọi người.  Nguồn thơm trào vọt, để người người lại sẽ thưởng ngoạn ơn thiêng Chúa gửi, hôm trước đến bây giờ.

Lm Kevin O’Shea, DCCT biên soạn –

Mai Tá lược dịch _________________

 

Suy niệm Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên Năm B 24/5/21

 

Mc 16: 15-20

Hôm ấy, Đức Gie6su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

“Hồn hỡi hồn, lên nữa, quá thinh gian,”

“Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

 

Hồn tìm chốn chiêm bao chờ đón Chúa lên cao, lên cao nữa, “quá thinh gian” ngoài sự thực. Sự rất thực, nay được thánh Máccô xác quyết ở trình thuật rất hôm nay.

Trình thuật thánh Máccô nay kể, khiến người đọc liên tưởng đến huyền thoại La Mã nói nhiều về Hoàng đế Caesar được thần thánh hoá, đã lui về chốn thiên đường, sau cái chết. Nhưng, Đức Chúa thực thụ của vũ trụ lại không là Caesar rất đế chế, mà là Đức Kitô đã Phục Sinh. Lại nữa, thăng thiên hôm nay lại cũng giống như Phục Sinh quang vinh năm nào, nếu ta nhìn từ góc độ nay đảo ngược. Bởi, Đức Giêsu đã trỗi dậy rời khỏi cõi chết, để rồi Ngài “cứ lên cao, lên cao nữa” hầu đi vào chốn “thinh gian” nghịch chống động thái chôn vùi, trì trệ. Suy cho kỹ, “chốn thinh gian” nay mang ý nghĩa của “vũ trụ vạn vật” rất bao la.

Ở nơi vũ trụ vạn vật, nay có động lực dũng mãnh với uy quyền trên con người. Nay, có niềm khích lệ để vững mãi trong khổ hạnh và linh thiêng hầu vững chãi vượt thắng mọi uy lực của thần thiêng. Để hoàn thành việc này, cũng cần đến ngoan cường, nên Đức Giêsu thực hiện điều này bằng việc thăng thiên đi vào chốn vũ trụ có Cha có Chúa, để Ngài rồi sẽ ban phát khôn ngoan/bình an cho thánh Hội, ở thế trần. Và từ đó, Hội thánh sẽ là không gian bảo bọc mọi người con khỏi sức mạnh vẫn đè bẹp, nhờ vào chúc lành của Đức Chúa nay thăng thiên đi vào vũ trụ vạn vật. Thực chất của sự việc nói lên một việc, là: nơi chúng ta, ơn đặc sủng không cần môi giới. Bởi, Đức Giêsu đã trực chỉ thẳng đến chúng ta và vũ trụ, cách trực tiếp.

Suy như thế, ta lại sẽ rút ra được nhận thức vẫn có từ hai bức thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo đoàn Colôsê và Êphêsô. Từ thư này, các nhà chú giải lại đã thắc mắc không biết thánh Phaolô có là tác giả của thư này hay không? Chừng như, cả hai thư được gửi vào thời khắc sau khi thánh nhân khuất dạng. Nhưng ý tứ trong thư là điều thánh nhân vẫn xác quyết. Và, để tránh mọi tranh luận/bàn cãi, hãy coi đây là thư do chính thánh nhân hoặc đệ tử mình viết qua tư cách của một Phaolô trẻ sau thời kỳ thánh nhân nổi danh. Nhất nhất các điều kể trong thư đều về Đức Giêsu “lên cao/lên cao nữa” để về với Cha.

Đức Chúa thăng thiên, là ảnh hình của vũ trụ vạn vật trong đó ta thấy được nhiều thứ chứ không chỉ mỗi việc “lên cao/lên cao” xảy đến, rất rõ ràng. Có được ảnh hình vũ trụ vạn vật rất “lên cao”, ta lại sẽ nhìn thẳng vào đó và thấy có vũ trụ. Vũ trụ, không theo nghĩa thể lý, vật chất, nhưng là thực tại trọn vẹn. Trọn vẹn tính vũ trụ vạn vật mà mỗi thành phần trong đó đều mang ảnh hình khác lạ khiến ta kinh ngạc, đến thích thú. Đức Chúa “lên cao/lên cao nữa” đi vào với vũ trụ là ảnh hình chính vũ trụ ấy đã để cho ta thấy trọn vẹn ý nghĩa “lên cao” của chính nó. Hãy nhìn Ngài “lên cao lên cao” mãi rồi sẽ thấy Ngài trỗi dậy và cứ thế “lên cao” đi vào phần sâu thẳm và sâu sắc của “mọi sự”.

Cứ thử nhìn ảnh hình nào đó, tự khắc sẽ thấy ảnh hình ấy đang nhìn trở lại chính người nhìn. Tựa hồ khi ta ngắm bức truyền thần nổi tiếng “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, cứ nhìn mãi như thế, rồi ra ta sẽ thấy ảnh hình ấy cũng thấy được nhiều điều/nhiều “sự” ở nơi ta. Hệt như thế, khi ta nhìn ngắm Chúa “lên cao/lên cao” đi vào vũ-trụ chốn sâu thẳm, ta biết được là Ngài đang nhìn vào chốn thẳm sâu ở nơi ta. Và, Ngài thấy cả bản thể của ta. Cả sự việc, ta từ đâu đến? Ta làm được gì, từ đó. Và khi ấy, ta biết là Ngài đang nhìn vào chính tương lai của ta nữa.

Sách Công vụ kể rằng: đồ đệ Chúa, cứ mải chiêm ngưỡng sự việc Thày “lên cao/lên cao nữa” để rồi Thày cũng nhìn vào tương lai/mai ngày của các ngài, là Hội thánh. Chúa “lên cao/lên cao nữa”, chính là sự “khởi đầu” mà tiếng Do thái khi xưa không chỉ nói rõ một “khởi sự” của mọi sự thôi. Nhưng khởi đầu mọi sự, là năng lực vẫn tiến hành và diễn biến vào mọi lúc. Nơi vũ trụ vạn vật có Chúa nhập vào hồn, luôn có sự khởi đầu và năng lực rất mới mẻ.

Tư tưởng này, tiếng Hy Lạp dịch là “arche”, tức một “khởi sự” tương tự như khởi động một sự “lên cao/lên cao nữa” của Đức Chúa. Và, dân gian người người không thể có được sự ký thác rất mực vào với Chúa, nếu như người người lại cứ cột mình vào với bùn đất, chất nhiều dĩ vãng mà không khởi đầu “sự” gì mới mẻ, rất “khởi sự”.

Nếu phải diễn dịch sự kiện “khởi đầu mọi sự”, thì tốt hơn, ta nên dịch và diễn ý nghĩa của sự việc Chúa “lên cao/lên cao nữa” khi ta đã, đang và sẽ có một “khởi sự” nơi Ngài rồi thì ta cũng đã, đang và sẽ có Chúa làm điều gì đó rất mới, nơi “vũ trụ vạn vật”. Tựa như Tin Mừng thứ tư trong đó thánh Gioan khởi sự bằng những chữ, như: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa…” (Ga 1: 1) Điều này có nghĩa: ở đâu có sự khởi đầu, ở đó luôn có ý nghĩa: Đức Chúa Đấng Khởi Đầu đã nên Lời.

Đàng khác, khi Chúa “lên cao/lên cao nữa” đi vào với vũ trụ vạn vật, Ngài chính là sự “tràn đầy” hiểu theo cụm từ “Pleroma” tiếng Hy Lạp. Tràn Đầy, là sự viên mãn hoàn tất, rất đích thật. Khi xưa, dân con nhà Đạo thường dùng cụm từ này để kể về Lời tiên tri, do các ngôn sứ nói. Tức, những gì xảy đến với con người đều mang ý nghĩa tràn đầy, trọn vẹn nơi lời lẽ hoặc sự thể diễn ra trong quá khứ, nhưng lại mở ra sự tràn đầy/viên mãn mà chẳng ai đoán trước được. Chính đó là sự “hoàn thành”. Là, ứng nghịệm cách trọn vẹn, đầy tràn điều ngôn sứ khi xưa thường vẫn nói.

Tựa như Tin Mừng thánh Mát-thêu cũng trích dẫn 10 điều ứng nghiệm xảy đến đúng như lời tiên tri, khi trước. Ở đây nữa, Thiên Chúa vẫn trung thành với Lời Ngài từng hứa sẽ đổi mới tận thâm căn hết mọi sự, vì ta và cho ta. Vì ơn cứu độ Ngài dành để cho ta và cho hết mọi loài. Cuối cùng ra, đó là sự tràn đầy/viên mãn, tức: sự trọn vẹn của Thiên Chúa nay thành hiện thực.    

Chúa “lên cao/lên cao nữa”, là Ngài khởi sự cùng đến với nhau mà tiếng Hy Lạp gọi là “Katallassein” mà bản tiếng Anh và tiếng Việt vẫn gọi là “giao hoà”. Kinh thánh tiếng Hy Lạp diễn tả sự việc này, bằng cụm từ “Allos”, tức “cái gì khác”, “không giống thế”, rất đa dạng. Tiếng Hy Lạp lại dùng cụm từ “Kata” để chỉ “theo như”, “cùng một hàng với”. Khi ta đã thấy mọi sự trong trời đất/vũ trụ “cùng đến với nhau” trong lúc duy trì sự khác biệt/đa dạng ở đó, thì đó là lúc ta có được sự “hài hoà” như một thứ “cầu vồng”.

Có thể là, ngay buổi đầu khi Đức Giêsu “lên cao/lên cao nữa” Ngài thẩm nhập đi vào với vũ trụ, chắc lúc ấy mọi người đều thấy “cầu vồng” tuyệt mỹ. Đó cũng là cảm nghiệm mà ông Nôê đã có khi cơn lụt đại hồng thủy đã qua đi. Đó, cũng là dấu chỉ về một giao ước, không chỉ mỗi giao và ước giữa Thiên Chúa và loài người thôi, mà còn là giao ước đã có giữa Thiên Chúa với và trong mỗi trụ cột nơi tạo dựng.   

Cũng nên hiểu việc Chúa “lên cao/lên cao nữa” theo ngôn từ mà bản kinh sách tiếng Hy Lạp dùng qua cụm từ “Sunestiken” để diễn tả ý tưởng mang ý nghĩa: nơi Ngài, mọi sự được hiện thực “chung cùng nhau”, nhưng mọi sự vẫn ở trong nhau, gìn giữ nhau. Điều này còn có nghĩa: mọi sự đạt tới điểm là: mọi sự cứ thế vẫn cộng thêm, mà không đi ngược về vị trí cũ và không còn vỡ đổ nữa. Đây là điều chắc chắn. Qua sự việc “Chúa lên cao/lên cao nữa”, ta hiểu rằng mình có đi đâu, đến nơi nào đi nữa đều có Chúa lo toan, giữ trong đầu. Chắc chắn ta sẽ đạt tới đó, không còn quay lại chốn cũ nữa.

Chúa “lên cao/lên cao nữa”, còn là sự bình an im ắng của vũ trụ vạn vật. Bình an của Chúa vượt quá mọi hiểu biết nắm vững, bởi Thiên Chúa của Bình an đang ở với ta, và trong ta. Đó là ý nghĩa của lời chào “Shalom” tiếng Do thái có nghĩa: bình an cho anh em. Bình an cho sức khoẻ, cho tính tích cực và ơn cứu độ của anh em. Bình an, là sự hiện diện gần gũi với Chúa, được Chúa thăng thiên đem đến cho ta. Rõ ràng, sự bình an này đã và vẫn có ở cộng đoàn tín hữu của Chúa, như hoa trái của Thần Khí. Ta sống trong tin tưởng và tận hiến cho Chúa qua nguyện cầu cảm tạ, và biết được sự bình an mà không ai hiểu nổi.

Chúa “lên cao/lên cao nữa”, Ngài là Vị Trưởng Tử, như cụm từ Hy Lạp“Prototokos” từng diễn tả. Đức Giêsu là Đấng Trỗi dậy “ngay từ đầu”. Ngài là Hoa trái đầu của những ai còn thiếp ngủ. Bởi thế nên, ta trỗi dậy cùng với Ngài, và trong Ngài. Và, mọi hoa trái của sự kiện Sống Lại nay thuộc về ta. Đức Giêsu và chỉ mình Ngài là Con Một Thiên Chúa. Nhờ Ngài và qua Ngài, ta được thẩm nhập vào với Ngài. Vì Ngài là Trưởng Tử, tức Đấng Bậc Đầu của đàn con của Thiên Chúa, có chúng ta. Về việc này, thánh Phaolô gọi đó là tình huống “tái tháp nhập” vào với Đấng đích thực là thế, ở mọi thời.

Ngài là thế, trong ý nghĩa tràn đầy của sự chúc lành, không hạn chế. Bằng vào sự kiện Ngài “lên cao/lên cao nữa” đi vào với vũ trụ, Đức Giêsu đã chúc lành cho vạn vật. Làm thế, là Ngài lại đã chúc tụng Thiên Chúa, có vũ trụ vạn vật nghe được tiếng Ngài. Và, Ngài cùng với vũ trụ, tất cả cùng nhau cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Và, Chúa đã làm thế. Làm thế, để ta được lên cao cùng với Chúa hầu cất tiếng ngợi ca cùng với Đức Chúa “lên cao/lên cao nữa”, rất thăng thiên. Nhân hiền. Cùng ngợi ca sự kiện “khởi đầu” đi vào làm hoà với vũ trụ, rất vạn vật.

Trong tâm tình ấy, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ vang nhiều ý nghĩa, hát rằng:

            “Hồn hỡi hồn, lên nữa, quá thinh gian,

            Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực.

            Mộng là mộng tràn trề muôn vạn ức,

            Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên.”

            (Hàn Mặc Tử - Ngoài Vũ Trụ)

Là như thế, Đức Chúa nay lên cao lên cao vút, quá thinh gian. Để người người, tràn trề muôn vạn ức, vẫn rất tình. Tình thơm tho, có Chúa cho tháp nhập với Tình Cha-Con có Thánh Thần Chúa ở giữa, rất đích thật, một sự thực. Sư thực ấy, đàn con Chúa nay đã hiểu và đã giữ trong lòng, mãi mãi. Rất muôn đời.   Lm Kevin OShea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch

Thursday, 29 April 2021

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh Năm B 02/5/21

 

Suy niệm Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh Năm B 

 

Cái mầu nhiệm vô biên,

“Qua bàn tay em mỗi ngày hiển hiện.”

(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

 

Ga 15: 1-8

Với nhà thơ ngoài Đạo, màu nhiệm vô biên là như thế. Rất giống thế. Với con dân Đạo Chúa, màu nhiệm ấy nay đà thấy nơi Đức Kitô, như trình thuật thánh Gioan rày diễn tả.

Trình thuật thánh Gioan, nay diễn tả là diễn và tả về Đấng tràn đầy Thần Khí, tức Đức Giêsu Kitô. Ngài là Chúa, rất thật như lịch sử cho thấy, mà không cần chứng minh. Tuy nhiên thời tiên khởi, nhiều người lại coi đây như danh xưng lờ mờ, chưa chứng tỏ. Có lẽ vì thế, cũng nên suy về thiên tính của Ngài để khám phá thêm về Đức Chúa.

Thời xa xưa, khi nói Thiên Chúa là nói đến Giavê. Nếu có ai hỏi về những người sống cùng thời với Đức Giêsu xem Ngài có là Giavê Thiên Chúa không, thì câu trả lời khi ấy sẽ rất nhanh là tiếng “không”. Và, nếu có hỏi chính Đức Giêsu cũng bấy nhiêu từ, thì chắc hẳn Ngài cũng nói tiếng “không” hệt như thế. Bởi, người sống gần gũi Đức Giêsu lúc ấy, vẫn không nghĩ Ngài là Giavê Thiên Chúa, hoặc Đức Chúa của ai, mà Ngài chỉ là ngôn sứ do Giavê gửi đến, thôi. Thế nên, người sống ở thời của Chúa ít khi thắc mắc về “thiên tính” của Đức Giêsu, cũng dễ hiểu.

Ngay thánh Phaolô cũng ít khi tự vấn mình bằng câu hỏi Đức Giêsu có là Thiên Chúa không? Tất cả các thánh thuộc Giáo hội thời ban đầu đều có ý nghĩ: Đức Giêsu có tràn đầy thiên tính nên Ngài mới kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đến độ ngoài Ngài ra, không ai có được cảm nghiệm nào như thế. Kết cục là, Thiên Chúa vẫn hiện hữu và nổi lên cách đương nhiên ở bên trong và chung quanh Đức Giêsu, vì con người. Đức Giêsu sẻ san mọi điều Thiên Chúa đã và đang làm với Chúa và trong Chúa. Và, Thiên Chúa cũng thực hiện công trình của Ngài với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu. Thiên Chúa và Đức Giêsu ở gần nhau đến độ không ngôn ngữ nào nói lên được sự gần gũi ấy.

Tín hữu thời giáo hội tiên khởi phải mất một thời gian dài mới tìm ra ngôn ngữ chính xác để nói lên tương quan giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa cũng như giữa Thiên Chúa và Ngài. Tương quan ấy, dựa trên niềm tin rất chính xác rất mới về tính “có một không hai” của Đức Giêsu. Tín điều này, nảy sinh và lớn mạnh cũng chậm, nhất là với thế giới Hy Lạp. Ngay Tin Mừng của các thánh cũng viết theo văn phong cốt cách nhằm lôi cuốn sự chú ý phấn khởi của mọi người để biết rõ Đức Giêsu là Đấng nào. Tin Mừng các thánh viết ra không là văn bản lịch sử và cũng không là định nghĩa chính thức về Ngài. Tân Ước chỉ để ra đôi đoạn rời rạc về chuyện này và xem ra cũng không mang tính nhất quán. Có Tin Mừng nói rất rõ về thiên tính của Chúa, trong khi đó, có bản lại nói ngược hẳn.       

Chừng như nhận thức công khai và rộng rãi về thiên tính của Đức Giêsu chỉ có được vào những năm cuối thế kỷ đầu, thôi. Nhiều người lại cứ nghĩ: mặc khải về thiên tính của Đức Giêsu, là điều cốt yếu của niềm tin, và được củng cố theo khuôn thước của Công đồng Hy Lạp bằng cung cách dễ tiếp cận. Sự thật tuy còn đó, nhưng ngôn ngữ con người vẫn luôn nghi ngờ hết mọi sự. Thật ra, người thời ấy vẫn thấy khó mà nắm được ý nghĩa ngôn ngữ mà họ sử dụng hằng ngày. Giống như tiếng Hy Lạp vẫn là thứ ngôn ngữ rất lạ, đối với người thường. Lạ đến độ, có người vẫn tự hỏi lòng mình xem có cách nào khác để khám phá ra thiên tính đích thực của Chúa không? Cung cách mới chứ không phải ngôn ngữ cổ của thời xưa.

Có lẽ một trong các phương cách chính yếu để khám phá ra Thiên tính đích thực của Đức Giêsu là bằng vào kinh nghiệm nghèo. Vốn mang tính “người” như mọi người, Đức Giêsu đã khám phá ra người nghèo; đồng thời Ngài khám phá ra điều gì đó cũng rất cao siêu nơi người nghèo, chứ không chỉ mỗi sự đói nghèo hoặc túng thiếu. Cái “có thêm” vào sự nghèo đói, mới là trọng tâm đích thực của thiên tính. Là, sự thể rất thực về tính “Thiên Chúa”. Là chân trời. Là, bầu khí và chính Chúa. Nơi đó, người nghèo được tuyệt đối thương yêu theo cách nào đó, chứ không theo ngôn từ của thế gian như mọi người vẫn biết; hoặc, theo cung cách của Thiên Chúa như ta vẫn nhận thức. Và, bầu khí ấy không có ranh giới. Đó mới là điều ta cần suy nghĩ cho đúng đắn.

Kinh nghiệm, không chỉ khả thi đích thực thôi, nhưng còn là sự thể chính đáng đối với Đức Giêsu. Và, cũng là chuyện chủ yếu cho bất kỳ một ai và tất cả những ai có kinh nghiệm về Thiên tính của Đức Giêsu và về chính Ngài. Và như thế, kinh nghiệm Ngài có về người nghèo không phát sinh từ sự gần gũi Thiên Chúa. Và, cũng không là lập luận có từ ngôn từ và định nghĩa về Thiên Chúa theo cách nào đó. Trái lại, đó là văn mạch duy nhất trong đó, ngay từ đầu, đã là sự gặp gỡ một Thiên Chúa khác, Đức Giêsu khác.

Đức Giêsu tự đồng hoá Ngài với người bé nhỏ, và trong tương quan giữa Ngài và người nghèo, không có sự cách biệt hoặc rào cản nào hết. Đó là tương quan toàn diện và gói gọn trong họ, không kỳ thị. Cũng chẳng phân cách. Ngài cũng đã khám phá ra Thiên Chúa. Chí ít, là khi mọi người quyết sống như đã thể hiện ở Nước Trời. Và thiên tính của Chúa còn rõ ràng hơn, phản ánh qua chữa lành và cấp phát lương thực như được kể ở truyện dụ ngôn, cho dễ hiểu.

Tất cả các điều này, được thể hiện một cách sống động qua cung cách sẻ san của ăn/thức uống nơi thôn làng ở Biển Hồ Tibêriát, để rồi kết cục bằng giao ước sống động đã thành hiện thực. Đó là thị kiến vĩ đại về hệ thống phân phối đồng đều cho mọi người. Hệ thống, có sự đồng tâm cổ võ của những người cùng về với tương lai rất sáng sủa. Bằng vào văn mạch ấy, Đức Giêsu đã có kinh nghiệm hiểu biết rất mới về Thiên Chúa; về giao ước và Nước Trời. Và ý tưởng cổ xưa về Thiên Chúa, đã trở nên trống vắng, nay lại có ý tưởng mới về hiến trọn thân mình theo cách khác, từ một Đức Chúa rất khác.

Thiên Chúa đây vẫn đang sinh hoạt rất năng động. Ngài sinh hoạt qua Đức Giêsu. Và, Đức Giêsu biết Ngài qua kinh nghiệm bản thân rất như thế. Vốn tự biến thành Hữu thể trống trải và chất vào người của Ngài sự viên mãn của Thiên Chúa, đó là hai mặt của một thực tại. Sự trống trải nay ngập tràn, đã trở nên dễ chịu nhờ có sự dễ chịu là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa như thẩm thấu và thấm nhập nơi Đức Giêsu cách trọn vẹn đến độ Ngài hiện hữu và không làm gì khác ngoài việc nảy sinh từ sự hiện hữu trọn vẹn này.

Đó là trọng tâm hiện hữu của Ngài. Vốn là người, Ngài không tách rời một ai, như vẫn hoà mình trọn vẹn với Đấng khác, để từ đó ta dám nói: Đức Giêsu “hiện hữu” cách hài hoà với Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa rất Chí Thánh. Cũng vậy, vốn là Thiên Chúa, Ngài siêu việt và tự tràn đầy đến độ kết hiệp hài hoà trọn vẹn với các Đấng khác, nên Đức Giêsu và Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh rất Thiên Chúa.

Có thể là, ảnh hình về Đức Giêsu trổi vượt lên hôm nay, không còn thích nghi với truyền thống niềm tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng được mọi người thời nay yêu cầu ta tin như niềm tin vẫn có thời cổ xưa. Và nhiều người đều đã có kinh nghiệm như thế.

Vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa đích thực? Vâng, đúng là như thế, nếu ta thực sự muốn nói về Thiên Chúa (viết hoa). Và, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, cũng sẽ dạy ta về Thiên tính của Ngài là như thế, rất Thiên Chúa.

Trong tâm tình ấy, tưởng cũng nên trở về với thi ca ở ngoài đời, để rồi sẽ lại ngâm nga mà rằng:

            “Cái màu nhiệm vô biên,

            Qua bàn tay em mỗi ngày hiển hiện.

            Đàn đã qua bao cung gió chuyển,

            Còn vọng vang tiếng nhấn tơ đầu.”

            (Lưu Trọng Lư – Chải Lại Đời Anh)

 

Màu nhiệm vô biên, là Thiên Chúa vô biên vô cùng, rất Giêsu. Giêsu Thiên Chúa là Đấng vô biên vô cùng, cũng rất Chúa. Đấng “Có” từ đầu cho đến cuối hết, vẫn vô biên vô cùng, muôn kiếp. Rất Thiên Chúa. Của tôi. Của chúng ta.

    

 

 

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn,

Mai Tá lược dịch