Tuesday, 29 January 2019

Lm Vĩnh Sang DCCT : "… LÀ TIẾNG KÊU OAN THỞ THAN"

Tết của dân tộc đã gần kề rồi, ít ngày nữa thôi, tiết trời Sàigòn mấy hôm nay se lạnh, trên màn hình điện thoại, FB cứ chuyển đi chuyển lại hình ảnh đau thương ở một nơi có tên Vườn Rau Lộc Hưng, lòng buồn phiền không muốn xem cũng phải xem, sự lập đi lập lại của cư dân mạng cho thấy người ta bận tâm về biến cố này nhiều lắm, mặc dù bên cạnh đó cũng có một vài biến cố khác đang xảy ra kéo sự chú ý về Vườn Rau Lộc Hưng có phần giảm sút, như chuyện ở Giáo Điểm Tin Mừng chẳng hạn, hoặc chuyện động trời ở nước Venezuela. Nhưng có lẽ chỉ một lúc thôi, còn lại thì trên mạng vẫn là chuyện Vườn Rau Lộc Hưng. Có phải vì chuyện Vườn Rau Lộc Hưng đụng đến những con người cụ thể, xảy ra ngay trên đất nước này và nỗi khổ đau thống thiết nó rất thật, rất đau vì nó rất tàn nhẫn.

Những hình ảnh được đưa lên, dẫu rằng chỉ trong vòng ba ngày (11, 12 và 13 tháng 1), nhà cầm quyền địa phương đã rất nhanh chóng dọn dẹp toàn bộ sạch nhẵn một khu đất ngổn ngang những tan nát của cuộc đập phá, dọn sạch những phơi bày của tan hoang, nhưng nỗi đau khác lại ập đến là cảnh một khu đất rộng gần 50.000 mét vuông trống trơn không một bóng cây, không một công trình, nó trống trơn như cuộc đời của 159 hộ dân nghèo nơi đây đang phải chịu (con số thống kê của nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho cư dân Vườn Rau Lộc Hưng), họ bị lột sạch, bị cướp sạch, những người đã nghèo nay nghèo thêm, trống trơn phơi mình dưới những nắng mưa của kiếp sống.

Trái với những bài báo đang được phát hành trên cả nước, trái với những bản tin phát đi từ các đài truyền hình và truyền thanh của Nhà Nước, và trái với cả những lời tuyên truyền, báo cáo cho mọi người, mọi cấp lãnh đạo xã hôi cũng như tôn giáo, trái với tất cả những thông tin, đó là tiếng thở than rất thật, rất đau, rất cụ thể với hình hài, tên tuổi rõ ràng trên mạng FB. của các cư dân Vườn Rau Lộc Hưng. Họ nghèo thật sự, giản dị thật sự, túng quẫn thật sự, lần lượt xuất hiện trong các phóng sự bằng hình ảnh, ngắn thôi nhưng với những lời thở than đau thắt ruột. Họ là cư dân ở Vườn Rau Lộc Hưng thật sự, họ làm chứng rằng họ vào Nam năm 1954 và định cư từ năm 1955 tại mảnh đất này thật sự, họ làm chứng rằng cha mẹ họ sinh họ ra trên mặt đất này thật sự. Không láo khoét và tàn ác như những lời vu cáo truyền đi, vậy tại sao lại có thể nói sai sự thật được nhỉ? 

Nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho cư dân Vườn Rau Lộc Hưng đã ra hai thông cáo báo chí và thư phản hồi gửi cho báo Pháp Luật, những ai muốn hiểu sự thật nên đọc các thông báo và thư này.

Thông cáo báo chí số 1:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1547739658661952&id=1546962242073027&__tn__=K-R
Thông cáo báo chí số 2:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1548215808614337&id=1546962242073027&__tn__=K-R
Thư phản hồi gởi báo Pháp Luật:
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1549194275183157&id=1546962242073027&__tn__=K-R

Chúa Nhật ngày 27.1.2019 là Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên C, Tin Mừng được công bố là đoạn Lc 4, 14-21: 

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức, 
công bố một Năm Hồng Ân của Chúa.”

Đọc Lời Chúa xong, Chúa Giêsu nói: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Tôi nghe đâu đây những lời của nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho cư dân Vườn Rau Lộc Hưng mang âm hưởng từ những đoạn Kinh Thánh vừa công bố, tôi nghe đâu đây có tiếng xác nhận họ (những luật sư) đang ứng nghiệm lời chúng ta nghe, lời công bố và sự xác nhận nghe từ ở trong nhà dân Vườn Rau Lộc Hưng, ở đài Đức Mẹ Lộc Hưng, ở trên mạng FB. 

Ai sẽ cùng với anh chị em luật sư giải oan cho những cư dân Vườn Rau Lộc Hưng?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.1.2019
(Tựa đề lấy từ bài Nguyện Ca của Lm. Quang Uy)

Thursday, 24 January 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh : THỜI ĐẠI HỒNG ÂN


Sau khi Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa của Gio-an tại sông Gio-đan, vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ, Người còn lưu lại Giu-đê-a rồi mới quay về Ga-li-lê. Hôm ấy là ngày hưu lễ. Bà con dòng họ, bạn hữu và những người dân làng Na-da-rét hội họp đông đảo tại nơi thờ phượng chung là hội đường. Họ đã đuợc nghe về danh tiếng, những lời giảng dậy và các việc Người làm tại các nơi khác, cho nên ai cũng háo hức và nôn nóng muốn được nghe Người giảng. Ông phụ trách hội đường đưa cho Người cuộn da ghi lời Kinh Thánh của ngôn sứ I-sa-ia. Người mở ra bắt gặp chỗ nói về niềm vui của năm hồng ân, tác giả mô tả sự vui mừng của những kẻ trở về sau cuộc lưu đày từ Babylon.

Đức Giêsu đọc xong thì ngồi xuống như cách mà các kinh sư thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Người chờ đợi. Đức Giê-su đã tuyên bố cho họ biết rằng những lời mà ngôn sứ I-sa-ia đã loan báo khi xưa, nay đuợc thể hiện nơi bản thân và sứ vụ của Người. Người mạc khải cho họ biết chính Người là Đấng đuợc Thiên Chúa sai đến.

Lời của ngôn sứ đã đuợc bắt đầu bằng lời xác nhận rằng chính Thần khí Thiên Chúa ngự trên Người. Có nghĩa là Người đã Thần Khí Thiên Chúa để làm Đấng Được Xức Dầu hay Đấng Kitô của Thiên Chúa. Với tư cách ấy, Người sẽ rao giảng Tin Mừng cho người nghèo,  loan báo niềm vui đuợc giải thoát cho những ai bị giam cầm, bị trói buộc bởi gông cùm của tội lỗi và thiết lập những nguyên tắc đem đến cho con người một sự tự do đích thật. Quan trọng hơn cả là công bố và thiết lập năm hồng ân của Thiên Chúa nơi bản thân và sứ vụ của Người.

Khi nói đến Năm Hồng Ân, theo thói quen chúng ta thường hay nghĩ đến ơn toàn xá. Thật ra đây không phải là điều quan trọng, dù có hay không cũng không làm thay đổi cuộc sống và mối dây tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa. Bởi vì, mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống của chúng ta đều là ân sủng. Tất cả đều là hồng ân.

Khi loan báo về năm hồng ân, Đức Giê-su muốn nhắc nhở cho chúng ta biết đây là cơ hội để con người sống yêu thương hơn, sống tha thứ và biết bỏ qua những nợ nần của nhau. Hãy can đảm để đổi mới cách sống: thay vì nhìn nhau bằng cặp mắt soi mói, ghen tương, lên án hay hận thù thì hãy trao cho nhau sự tin tưởng, lòng nhân ái và hãy thông cảm những yếu hèn, sự mỏng giòn trong thân phận kiếp người của nhau. Vì thế, chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của nó theo tinh thần của Do Thái giáo.

Một trong những đặc tính của người Do Thái là sử dụng thời gian sao cho thích hợp, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vì thế, sau sáu ngày làm lụng vất vả họ dành riêng một ngày để nghỉ ngơi và dưỡng sức để lấy lại những năng lực đã hao phí trong tuần qua. Ngày đó được gọi là ngày hưu lễ. Sau 7 năm họ để ra trọn năm: năm hồng ân ban ơn toàn xá; và sau bẩy lần bẩy năm, nghĩa là sau 49 năm, họ lại dành ra một năm, năm thứ năm mươi để cử hành một năm gọi là “chúa của mọi ngày hưu lễ và gọi là năm hồng ân.”
Họ trù tính rằng trong một kiếp người, dù dài hay ngắn, thì ai ai cũng có thể tiếp nhận được các đặc ân của năm đó. Trong năm ‘chúa của mọi ngày hưu lễ’, toàn thể dân Do Thái được mời gọi tìm lại bản chất đích thực của dân tộc mình. Họ tìm lại sự mới mẻ, trọn vẹn và tinh tuyền cũng như sự tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho họ ngay từ những ngày đầu của tạo dựng. Họ phải tuân thủ một cách thật nghiêm ngặt một số qui định sau đây:

1/ Ruộng đất bỏ hoang, không cầy cấy trồng trọt. Việc này có ý nghĩa là hãy quan tâm đến đời sống của mình, vì nó còn quan trọng hơn là trồng cấy. Họ tin tưởng vào sự chăm sóc và nuôi dưỡng của Thiên Chúa trong thời gian này.

2/ Tất cả những ai đang thiếu nợ thì đều được tha. Việc tha nợ nói lên chủ đích là đừng để nợ nần chồng chất từ đời này sang đời khác. Nó cũng nhằm bảo đảm cho những ai dù vất vả suốt đời nhưng vẫn không có khả năng trả nợ, thì được tha hết.

3/ Những ai đang sống trong thân phận nô lệ đều được trả tự do và quyền công dân được phục hồi. Điều lệ này nhằm chống lại việc phân chia giai cấp, vì con người được sinh ra không phải để làm nô lệ cho kẻ khác.

4/ Việc giảng dậy về sự khôn ngoan của lề luật được phổ biến rộng rãi cho toàn dân, ai ai cũng được học hỏi về lẽ khôn ngoan. Đó không phải là điều mà chỉ có những người thuộc thành phần ưu tú hay có địa vị mới được lĩnh nhận mà thôi.

Mục đích mà chúng ta ôn lại cách hiểu biết của người Do Thái về năm hồng ân, năm toàn xá giúp cho chúng ta hiểu về những điều mới mẻ mà Đức Giê-su muốn kiện toàn qui định này. Hãy nhìn vào sứ vụ và lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy tất cả lề luật của đạo Do Thái, đặc biệt là các qui định về năm hồng ân đã được kiện toàn và trở nên sống động hơn.

1/ Đức Giêsu đã khuyên bảo những người theo Người hãy tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc cho chim trời được mau lớn và hoa huệ ngoài đồng mau trổ bông; mặc dù chúng không gieo cũng như không gặt và hoa huệ thì không làm lụng cũng không kéo sợi. Còn mạng sống của chúng ta còn không quí giá hơn chúng sao. Hãy tin tưởng vào sự chăm sóc và dưỡng nuôi của Thiên Chúa.

2/ Trong Kinh lậy Cha thường được gọi là bản tóm lược công trình loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu đã truyền dậy là hãy tha thứ cho những ai mắc nợ mình, vì chính mình cũng đã được tha thứ trước.

3/ Người đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Qua lời giảng dậy và gương sáng về việc phục vụ, Đức Giêsu muốn phá hủy chế độ chủ nhân và tôi tớ, hạ bệ kẻ ăn trên ngồi trốc. Nơi Người chỉ có ban phát và chia sẻ cuộc sống cho nhau mà thôi.

4/ Người còn dậy chúng ta hãy cho đi những gì ta có, vì chúng ta đã không xin mà vẫn được ban phát. Đừng bao giờ coi Nước Thiên Chúa như gia sản của riêng mình, vì Nước đó đã được ban tặng cho tất cả mọi người, không ai có đặc quyền ôm giữ Nước Thiên Chúa cho riêng mình.

Mặc dù Đức Giêsu là người Do Thái, nhưng không vì thế Người bị trói buộc bởi các qui định theo chu kỳ 50 năm mà luật Do Thái đã ấn định về ‘năm toàn xá, thời đại hồng ân’. Nhưng, ngay tại Na-da-rét, khi bắt đầu sứ vụ, trong bài giảng khai mạc hôm nay, Người đã công khai loan báo về hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đã xức dầu tấn phong để Người công bố về năm Hồng Ân của Thiên Chúa.

Thời đại của Hồng Ân đã được loan báo bởi các ngôn sứ xưa kia, nay được ứng nghiệm nơi sự hiện diện của Người. Thời đại đó không còn chỉ dành riêng cho người Do Thái, nhưng cho mọi dân tộc trên thế giới. Hơn thế nữa, Người không chỉ là dấu chỉ của Hồng Ân, mà còn là ‘Con Người Hồng Ân’. Tất cả những ai đã gặp Người đều cảm nghiệm được điều đó. Bằng chính cuộc sống cũng như các lời giảng dậy, Đức Giêsu đã là Tin Vui cho người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi và thân phận không được tôn trọng. Người đã không chỉ giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà thôi, nhưng còn lôi họ ra khỏi sự giam cầm của thứ luật lệ đã giam hãm và làm mất đi phẩm giá của họ. Từ sự giải thoát ấy, họ cảm nghiệm được lối sống phát sinh từ sự tự do của ân sủng nơi Người.

Phần chúng ta hiện là những con người đang sống trong thời đại hồng ân mà Đức Giê-su đã thiết lập. Vậy chúng ta sẽ sắp xếp cuộc sống của mình sao cho phù hợp với các nhiệm vụ đã được giao phó ngay trong giây phút này. Vẫn biết rằng tất cả những công việc ta làm, những gì ta nói đều hướng về ngày cánh chung; nhưng cần đuợc bắt đầu ngay bây giờ, nơi hoàn cảnh sống của mỗi người; không nên để ngày mai rồi mới bắt tay để làm.

Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi ích cho bản thân mình, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của người quản lý trung tín để phục vụ cộng đồng nhân loại và đổi mới bộ mặt của thế gian. Bởi vì, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc cho dân của Người. Chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở mới, một thế giới mới và ở nơi đó công bằng sẽ ngự trị. Hạnh phúc tại nơi ấy sẽ thỏa mãn và lắp đầy mọi ước vọng của sự an bình luôn trào dâng trong lòng con người... Vì tất cả đều là hồng ân, không chỉ ban tặng và trói buộc trong năm hồng ân mà thôi. Nó đã đuợc khai mạc bởi Đức Giê-su và sẽ kéo dài cho đến muôn thế hệ.

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy sống mọi ngày như những ngày của hồng ân mà nhìn lại chính mình, sắp xếp lại cuộc sống và vui mừng dấn bước trong công việc tái thiết cũng như xây dựng gia đình mình, xóm giáo, họ đạo, cộng đoàn, giáo xứ và tập thể chung của nhân loại để trở thành một cộng đồng yêu thương, đầy tràn công lý và bình an, trong đó mọi người đều có thể cảm nhận được hồng ân của Thiên Chúa ban cho họ qua sự cộng tác của các tín hữu. Cầu xin Chúa gìn giữ và giúp cho chúng ta đạt được nguyện ước đó để làm cho kho tàng hồng ân của Thiên Chúa mỗi ngày mỗi dâng tràn hơn.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

Monday, 21 January 2019

Lm Vĩnh Sang DCCT: "VỚI TRÍ NGÂY THƠ, TẦM VÔNG GIỮ NHÀ THỜ…"


"VỚI TRÍ NGÂY THƠ, TẦM VÔNG GIỮ NHÀ THỜ…"
Trong những ngày vừa qua, người dân thành phố cũng như người Việt ở khắp mọi nơi rất nóng lòng xót ruột về một biến cố kinh hoàng xảy ra ở một nơi có tên là Vườn Rau Lộc Hưng, môt vùng đất thuộc Phường 6, Quận Tân Bình.
Hai ngày, ngày 4.1.2019, sau khi “đập nháp” một số nhà, ngày 8.1.2019 nhà cầm quyền đã huy động một lực lượng thật lớn bao vây, cô lập toàn khu vực, cắt điện, cắt sóng, sử dụng cơ giới, trong vòng khoảng 10 tiếng đồng hồ phá tan tành một khu đất có khoảng 112 căn nhà (theo báo chí Nhà Nước sau 5 ngày đã đăng tải thông tin), được xây dựng xen kẽ các vườn trồng rau trong một khu đất rộng trên 4 ha. Chỉ trong một ngày đẩy hàng trăm hộ gia đình ra cảnh màn trời chiếu đất, toàn bộ nhà cửa bị phá tan tành không cái gì có thể dùng lại, đồ gia dụng bị thất thoát, cái còn cái mất. Hình ảnh bãi đất tan hoang đổ nát như sau một trận dội bom. Thêm một kỳ tích khác nữa, chỉ trong vòng ba ngày sau đó, nhà cầm quyền địa phương lại vận dụng hàng mấy trăm lượt xe ben để ủi sạch, xúc sạch các loại xà bần, không còn một vết tích gì, chỉ còn lại một bãi đất trống với tấm bảng công bố quy hoạch “cụm trường học chuẩn quốc gia”!
Phản ứng của người dân, trên mạng xã hội, dù FB đã liên tục xóa và đóng nhiều địa chỉ, dù trong cuộc cưỡng chiếm, bất cứ người dân nào giơ máy lên ghi hình liền bị bắt ngay tại chỗ, nhưng người ta vẫn thấy tràn ngập hình ảnh từ ngày khởi sự đập phá cho đến khi chỉ còn là bãi đất trống. Người ta chia sẻ liên tục đến chóng mặt, các bài nhận định, bình luận, kể cả lên tiếng hay ủng hộ cho cuộc cưỡng chiếm dưới nhiều dạng khác nhau. Nhìn chung, người dân không biết làm gì ngoài việc cố giữ tài sản cho gia đình mình và cộng tác vào việc phản đối một cách yếu ớt, không tổ chức. Kiểu phản ứng này cho thấy người dân ở đây sống quá bình dị, đơn sơ và chất phác. Bỗng một ngày họ mất tất cả, bị dẩy vào cảnh màn trời chiếu đất khi ngày Tết dân tộc gần kề mà họ vẫn cam chịu, chỉ cầu nguyện và khóc với nhau, không hề có bất cứ một cách phản kháng nào mang tính bạo lực.
Chúng ta thử nghĩ, khi nhà cầm quyền vận dụng hàng trăm nhân viên đủ mọi thành phần bao vây, bố ráp, bắt đi các người trong Ban Đại Diện Vuờn Rau và phong tỏa cả ngày trời trong hai đợt, mà trước đó người dân không hề được nghe bất cứ một thông tin nào rò rỉ ra cả. Không hề nghe nên mới bị bất ngờ, sáng sớm 5g30 mở cửa ra đi Lễ liền bị trùm bao đen kín mặt thẩy lên xe đưa đi chỗ khác… Một đội cơ giới xây dựng với rất đông tài xế, phụ xế, thợ máy được điều động đến làm việc như một đại công trường mà người dân cũng không hề hay biết gì trước đó, mãi cho đến khi tấm bảng quy hoạch được dựng lên thì người dân mới ngỡ ngàng, kéo ra phản đối, tức thì mấy chục cái tiếng loa sắt đã cất lên đinh tai nhức óc, át hết tiếng nấc tiếng khóc của người dân. Việc điều nhân lực, tập huấn, bố trí, và cả tiếp tế lương thực cho một đạo quan quân lớn như vậy đâu phải đơn giản mà có thể bảo mật hoàn toàn một cách quá chu đáo như thế?
Trên lãnh vực thông tin cũng vậy, không hề thấy một trang thông tin nào chính thức của cư dân để có tiếng nói độc lập phản ánh ý kiến của tập thể, ngoại trừ vài trang FB cá nhân rất nghèo nàn, lý do cá nhân còn giờ đâu, còn tâm trí đâu mà viết bài đưa tin? Nói chung, người dân hoàn toàn bế tắc tuyệt vọng. Trong tình thế đó, tiếng kêu uất nghẹn, tiếng khóc nức nở, tiềng thở dài thâu đêm, những ánh mắt thẫn thờ, những gương mặt hốc hác, nhừng làn da sạm nắng… cho chúng ta hình ảnh của dân Do Thái năm xưa, quê hương bản quán bị tan hoang, phải sống kiếp lưu đầy khổ đau.
Sứ mạng của Chúa Kitô hàng đầu là loan báo Tin Mừng Cứu Độ, giải thoát cho người khổ đau, người bị áp bức, nhưng cùng với lời loan báo, Chúa luôn chữa lành bệnh tật, cung cấp thức ăn, an ủi kẻ ưu phiền và lên án sự ác điều ác. Tin Mừng Phép Lạ Tiệc Cưới Cana công bố vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên C, cho thấy Chúa Giêsu không bao giờ dửng dưng với nỗi lo lắng, tình trạng bế tắc của người khác, điều Chúa làm là mang lại niềm vui và sự an toàn cho người bị lâm vào tình trạng khó khăn, niềm vui Chúa mang đến vượt trên mọi niềm vui mà người ta có thể ban tặng cho nhau, sự hoàn mỹ mà Chúa mang đến thì dư tràn hơn những gì mà người ta mong đợi. Vâng, rượu ngon chưa từng thấy, tràn đầy hơn 600 lít của 6 chum đá!
Một Tin Mừng như thế sẽ dẫn chúng ta đến đâu, sẽ giữ vai trò nào trong đời sống Đức Tin của chúng ta? Có nên dừng lại ở những lời kêu than, những bài tả oán, tranh luận đúng sai, bàn nhậu thêm chuyện cho sôi nổi, bàn phím xuất hiện thêm những anh hùng chém gió? Người dân Vườn Rau Lộc Hưng đang chờ đợi Chúa Kitô xuất hiện trong những anh em đồng đạo của mình, ở Vườn Rau bây giờ đã cạn hết rượu rồi, bể cả bình rượu lẫn bình nước, tung cả bàn ăn, lột sạch cả áo mặc!
"Tầm vông" không thể giữ nổi Nhà Thờ, đừng ngây thơ nữa, chỉ có tình yêu và sự thúc bách dấn thân cụ thể của Tình Yêu mới giữ được con người là Đền Thờ của Thie6n Chúa mà thôi.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.1.2019
Tựa đề trích lời trong tác phẩm “Bóng nhỏ giáo đường”
của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Friday, 18 January 2019

Lm Vĩnh Sang DCCT : "NON NƯỚC CON QUA NGÀN DÂU BỂ…"


Năm nào cũng vậy, từ hơn 5 năm qua, cứ sau ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, sân Hiệp Nhất của Nhà Thờ DCCT Sàigòn lại rộn ràng các buổi họp mặt sinh hoạt đặc biệt, phải nói là thật sự đặc biệt, vì đến dự là các ông bà Thương Phế Binh – Việt Nam Cộng Hòa, phải có chữ “bà” vì trong hơn danh sách 6.000 người tham dự chương trình mang tên “Tri Ân TPB – VNCH”, có hai nữ quân nhân VNCH.
Hơn 6.000 con người ấy, tuyệt nhiên không một ai lành lặn cơ thể, người thì cụt tay, kẻ thì cụt chân, người thì khiếm thị, kẻ thì khiếm thính…, trang bị đầy đủ gậy, nạng, xe lăn, xe lắc…
Một nét đặc biệt khác là không ông bà nào dưới 60 tuổi, vì tuổi động viên vào quân đội VNCH, bình thường là 18 tuổi, năm 75 kết thức cuộc chiến Nam Bắc, người lính VNCH trẻ nhất cũng 18 tuổi, 43 năm qua, người ấy bây giờ phải ngoài 60 rồi còn gì! Thời gian, nghèo khó và những khổ đau làm họ già đi rất nhiều.
Lý giải cho công việc, các Linh Mục phụ trách giãi bày với công luận về sứ mạng của Tu Sĩ DCCT là tìm đến với những người nghèo, những người bị bỏ rơi hơn cả, để yêu thương và phục vụ họ, giúp họ thăng tiến con người toàn diện theo đúng định hướng của Công Đồng Vaticanô II và đúng với mục đich của Hội Dòng, khởi đi từ vị sáng lập, Thánh An Phong.
"Thăng tiến con người toàn diện là phục hồi phẩm giá con người cho họ, phẩm giá mà Thiên Chúa đã yêu thương trao cho họ khi tao dựng nên họ, không ai có quyền cướp mất phẩm giá của họ" (DOCAT 47).
Hơn 43 năm qua, dù cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc đã chấm dứt, bao nhiêu đau thương dân tộc này phải gánh chịu, những mất mát quá to lớn khó bù đắp, những người “bên thua trận” đã phải tiếp tục chịu sự đau khổ thêm nữa, hàng trăm ngàn quân dân cán chính vào nhà tù hun hút chịu sự đày ải nhiều năm, có người đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, người ở lại với thân thể tàn phế, bị loại trừ, bị khinh bỉ miệt thị, mọi điều cần và phải làm cho người nghèo, người bị khuyết tật họ đã không được hưởng, không được đối xử công bằng như bao người dân Việt khác, không chỉ thế hệ của họ mà cả thế hệ con cháu của họ nữa. Họ bị kết án với những từ ngữ độc ác: “Ngụy quân, Ngụy quyền”, “nợ máu với nhân dân”… cả một hệ thống giáo dục, tuyên truyền ra sức hành hạ tra tấn tinh thần họ, những lời buộc tội cay đắng ghi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ kế tiếp.
Phát triển con người toàn diện là cụm từ Hội Thánh muốn nói đến sự dấn thân cho phẩm giá con người, không chỉ là một vài buổi khám sức khỏe tổng quát, không chỉ là những món quà mang tên từ thiện, khong phải là những trợ cấp các dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật hay một vài đồng tiền giúp vượt khó khăn… nhưng là công bố cho những người TPB – VNCH và công luận biết: họ không có tội, họ hoàn thành nhiệm vụ công dân thời ly loạn, họ xứng đáng được tuyên dương và ghi ơn khi họ cống hiến tuổi thanh xuân và một phần thân thể của họ cho đất nước, cho dân tộc, cho sự bình an của người khác. Họ phải được giải oan, họ phải được trả lại sự công bằng.
Các Linh Mục Tu Sĩ DCCT ý thức rằng: họ chỉ được thăng tiến con người toàn diện khi họ gặp được Đức Kitô, chính Đức Kitô chữa lành cho họ, giải phóng họ khỏi mặc cảm khổ đau và trả lại sự công bằng cho họ. Nhưng Chúa không xuất hiện bằng xương bằng thịt để làm những việc ấy, Ngài cần chúng ta cộng tác với Ngài trong việc dẫn Ngài đến gặp họ.
Không khiêu khích ai cả, không đánh bóng tên tuổi mình, đừng cắt nghĩa theo kiểu ngụy biện cũ rích, không lợi dụng mưu đồ gì cả, đơn thuần chỉ là dến thưa với Chúa:
“Đất nước con qua ngàn dâu bể” xin Chúa thương giúp chúng con vượt qua nỗi sợ hãi tuyệt vọng để cùng nhau đi nốt cuộc đời bên Chúa.
Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 29.12.2018
Tựa bài lấy từ tác phẩm "Mùa Hoa Tuyết" của Xuân Điểm