Friday, 30 March 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh DCCT: CUỘC THƯƠNG KHÓ VỚI ĐỨC GIÊ-SU, NẾU CHÚNG TA CHỌN!



Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó và sự chết mà Đức Ki-tô đã vui lòng đón nhận.
Đức Giê-su đã không bị tận diệt bởi sự chết. Trong giây phút mà chúng ta tưởng như là mọi sự đã kết thúc thì Thiên Chúa qua Đức Giê-su đã mở ra cho chúng ta một chân trời mới, một luồng sáng mới, Người đã Phục Sinh. Người không chết nữa. Sự chết đã bị đánh gục. Qua ngưỡng cửa sự chết, Người bước vào và mở ra cho chúng ta một sự sống vĩnh cửu.
Vì thế, trong giây phút này, khi tuởng niệm về biến cố trọng đại này chúng ta hãy tự hỏi mình rằng liệu chúng ta có bị xét xử, có bị tra tấn, có bị lên án, có bị buộc tội; vì:
·         Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của yêu thương và quyền năng của việc tha thứ.
·         Chúng ta sống theo sự thật, quảng bá và bảo vệ công lý để binh vực cho những người bị mất quyền làm người, những người không đuợc tôn trọng, cô thân cô thế, v.v...
·         Chúng ta tin rằng dù trải qua thử thách nhưng cuối cùng sự thiện vẫn toàn thắng và đè bẹp sự ác.
·         Chúng ta là các tín hữu, môn đệ của Đức Ki-tô.
Và, một khi chúng ta sống theo gương mẫu của Đức Ki-tô là lúc chúng ta chọn lối sống đi ngược lại với các tiêu chuẩn thuộc về thế gian. Như vậy, những người lãnh tụ cái thế gian này, một thế giới riêng biệt mà họ đang làm chủ, sẽ tìm ra đủ chúng cớ để kết án và buộc tội chúng ta.
Như vậy, vác Thánh Giá đồng nghĩa với việc làm môn đệ.
Một khi chúng ta bắt đầu có lòng từ bi, có con tim nhân hậu, biết hành xử công bằng, luôn bảo vệ sự thật, tranh đấu cho công lý… Có nghĩa là sống và hành động theo gương sáng của Đức Giê-su… là lúc chúng ta làm cho người khác kinh ngạc. Họ sẽ hành động chống lại chúng ta, và chúng ta bắt đầu đau khổ.
Chúng ta được mời tham dự vào hành trình Thương Khó Đức Giê-su. Người nhìn thấy và hiểu thấu các việc sẽ xẩy đến, con đường dẫn đến cái chết càng ngày càng gần. Tuy run sợ và lo lắng. Nhưng Người không bỏ cuộc, vẫn tín trung và đi đến cùng.
Hãy nhìn lại các việc Người đã làm!
Người đồng bàn với người tội lỗi, tiếp xúc với những ai bị coi là ô uế, bị xã hội ruồng bỏ, đuổi quân buôn bán và những ai lợi dụng đền thờ để chà đạp và bóc lột dân chúng, chống lại những kẻ lợi dụng quyền hành để tham nhũng, làm cho nguời mù đuợc sáng mắt, què đuợc đi và kẻ chết sống lại! Với các công việc đã làm, Chúa Giê-su muốn có một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng ý định và việc làm của Người đã đụng chạm vào quyền lợi của những kẻ có quyền, họ chỉ muốn thế giới mãi là như thế; bởi vì có như thế họ mới bảo vệ đuợc vị trí, quyền thế và cách làm giầu của họ.
Và như thế thì Đức Giê-su phải chết!
Khi chúng ta biết giá trị đích thực của việc vác Thánh Giá theo chân Chúa Giê-su và sẵn sàng trả bằng bất cứ giá nào, cụ thể qua những đau khổ mà chúng ta không thể tránh cũng không làm cho chúng ta đón nhận vác Thập Giá một cách thụ động, than van và chán nản. Trái lại, chúng ta trở nên chủ động tham gia vào cuộc chiến đấu cho một thế giới công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Lẽ đương nhiên, con đường chúng ta đi không thênh thang, không dễ dàng; chắc hẳn có nhiều cạm bẫy và đầy thử thách… nhưng tất cả sẽ được đón nhận trong tình liên đới với các nỗi thống khổ mà Đức Giê-su đã mang khi xưa. Đồng hành với cuộc Thương Khó của Đức Giêsu không làm cho hoàn cảnh sống của chúng ta thay đổi, nhưng chúng ta được tự do để chấp nhận.
Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã đầu phục chính mình cho chúng ta, và cho dù chúng ta nghĩ về mình như thế nào, có xứng đáng hay không, thì những lối suy nghĩ của chúng ta cũng không thể thay đổi ý định của Thiên Chúa. Trong ngày đó, Thiên Chúa qua Đức Giê-su sẽ kéo chúng ta qua bất cứ đau khổ nào, ngay cả cái chết để trở thành một tạo vật mới, sự sống mới và tinh thần mới phù hợp với các tiêu chuẩn sống của Triều đại mới - Triều đại Nước Thiên Chúa.
Như vậy, trong khi tưởng niệm sự chết của Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta cùng nhau xác tín rằng:
Ø  Không có cái chết nào và cũng không có nỗi lo sợ nào có thể ngăn cản đuợc quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta Phục Sinh.
Ø  Không có một quyền lực nào có thể hủy diệt món quà của sự sống, của yêu thương; trừ phi chúng ta chọn không đón nhận nó.
Ø  Tinh thần, ý chí và nguồn năng lực sống của chúng ta sẽ không bị vơi cạn, không bao giờ bị đánh bại bởi những vết thương của cuộc sống, cho dù là bất công hay là đau đớn.
Ø  Ân sủng mà Thiên Chúa ban cho vượt xa sự hiểu biết của chúng ta.
Ø  Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta vuợt xa mọi thứ tình mà chúng ta dành cho mình và cho nhau

Thursday, 29 March 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh DCCT: YÊU THƯƠNG LÀ THẾ ĐẤY!



Frank McCourt, văn sĩ người Mỹ đã đoạt giải Pulitzer qua tác phẩm Angela’s Ashes (Đống tro tàn của Angela). Trong tác phẩm này, ông đã tự thuật về cuộc đời thơ ấu bên Ái nhĩ Lan (Ireland).
Thủa còn nhỏ, ông sống trong một gia đình rất nghèo với một ông bố nghiện ruợu. Vào một buổi tối kia, mẹ sai ông đi tìm bố. Ông biết bố đang vui say với mấy ông bạn của bố tại một quán nhậu bình dân. Truớc khi buớc vào quán nhậu, ông nhìn thấy một người lính thủy thủ đã say mèm, đang nằm ngủ như chết ở gần cửa ra vào. Người lính đó không làm cho cậu chú ý, cho bằng đĩa khoai tây và mấy miếng cá đã đuợc chiên sẵn truớc mặt. Không cầm lòng đuợc, hơn nữa cơn đói khiến cậu bé Frank không còn kiểm soát đuợc ý chí và những bài học đạo đức của mẹ. Cậu bèn vội vàng trộm lấy đĩa khoai và mấy miếng cá chiên và trốn bên vệ đuờng ăn hết.
Sau khi no thoả, cậu hối hận vì đã phạm tội ăn cắp. Với tinh thần sùng đạo của dân Ái Nhĩ Lan, cậu đã đến xưng tội với một linh mục dòng Đa Minh. Sau khi xưng tội và kể cho vị linh mục biết về hoàn cảnh nghèo đói của gia đình. Cậu vô cùng lo lắng và hoảng sợ vì không thấy vị linh mục đó nói gì hết. Một bầu khí thinh lặng thật nặng nề cứ từ từ trôi qua khiến cậu đã lo lại càng sợ thêm.
Cuối cùng, bằng giọng từ tốn vị linh mục đó đã nói như sau: “Thật dễ dàng cho cha khi ngồi trong toà giải tội để lắng nghe tội của con, cho việc đền tội và ban bí tích hoà giải. Ngoài những công việc nhẹ nhàng này, đúng ra cha phải buớc ra khỏi nhà xứ, tìm đến ngươì nghèo, quì xuống mà lau chân cho họ, chỉ vì nghèo mà họ có thể phạm vào tội ăn cắp như con. Hãy đi bình an. Cầu nguyện nhiều cho cha.” Sau đó, vị linh mục ban phép lành cho cậu bé. (trang 285, 1996).
Những lời nói trên của vị linh mục dẫn chúng ta đến gần với việc mà chúng ta tuởng niệm hôm nay. “Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Gioan 13,5)
Thưa anh chị em,
Đó là bài học mà Chúa dạy chúng ta: Hãy phục vụ nhau, hãy rửa chân, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Chúa rửa chân để dậy chúng ta bài học phục vụ trong yêu thương. Những việc làm này là bổn phận của mỗi Kitô hữu.
Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã đi. Con đuờng phục vụ.
Phục vụ không yêu thuơng thì chỉ là những hành vi thỏa mãn cái tôi của mình.
Phục vụ không cần báo đáp mới nói lên lòng hy sinh của mình. Vì thế, cách sống đạo tích cực nhất mà chúng ta cần thực hiện là hãy ra đi phục vụ và  trao ban và đón nhận tình yêu của nhau.
Phục vụ như dì Sáu đã quên mình, không quan ngại đến sức khỏe của bản thân, chỗi dậy đến với người bị bịnh cùi đang nằm ăn vạ bên vệ đuờng. Vì sao: yêu
Phục vụ như hình ảnh của người mẹ đã hy sinh và trao ban những giọt máu cuối cùng để cứu sống con của chị trên con đuờng di tản của cuộc chiến tại Việt Nam. Vì sao: yêu
Phục vụ như guơng sáng của các bậc làm cha làm mẹ sẵn sàng hy sinh để quì gối, rửa chân cho những đứa con trong gia đình. Thức khuya, dậy sớm… cùng ăn cùng ngủ với các cháu. Chấp nhận là người thua cuộc để chết đi cho các chọn lựa riêng của mỗi ca nhân, sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ cho ý định và ước muốn của các con. Vì sao: Yêu
Phục vụ như guơng của cha Maximilian Kolbe đã hy sinh cuộc đời để cứu sống người bạn tù. Yêu
Đó là những chứng từ cho ta biết yêu không phải là việc để bàn. Nhưng, đó là việc để sống.
Nhưng làm cách nào để có thể thực hiện đuợc điều dậy bảo và guơng sáng của Chúa trong việc phục vụ, hay nói cách khác là điều gì đã ngăn trở chúng ta ra đi, quỳ gối mà rửa chân cho người khác.
Chúa cởi bỏ áo choàng…. Nói lên cuộc sống tự hạ, hy sinh của Chúa. Lối sống của Chúa là lối sống mở ra để đón nhận mọi lớp người. Trong tình yêu của Ngài thì không có biên cương, không bị giới hạn và trói buộc bởi hệ thống cơ cấu. Sự sống của Ngài là sống cho và sống với người khác; đặc biệt là những kẻ bị bỏ rơi, những người bị người khác liệt vào hạng tội lỗi.
Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về, săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua viêc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy. 
Việc dấn thân ra đi phục vụ trong yêu thương như thế có tính cách của một sự tái sinh, trở về với Chúa và đổi mới cuộc đời. Và qua việc phục vụ, chúng ta dễ dàng gặp Chúa hơn, một cuộc gặp gỡ thân mật để ta được tham gia vào sự sống của Chúa, được nên con ngoan của Chúa hơn.
Giờ đây, tôi thành khẩn xin anh chị em cùng bắt tay nhau lên đường thực hành điều Chúa truyền dậy hôm nay. Xin Chúa Giêsu, trong lễ tiệc ly này tiếp tục hiện diên với chúng con. Vì chỉ có mình Ngài là Đấng mà chúng con đang mong đợi. Chúng con tin Ngài. Chúng con yêu Ngài. Chúng con đón Ngài và xin Ngài ở lại mãi trong con. Vì trong Người, chúng con cảm nhận được sự ngọt ngào của tình yêu. Amen

Monday, 26 March 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT: DIỆT HAY CỨU?


Trong những ngày vừa qua, mạng xã hội ồn ào với một vài biến cố thời sự. Trước hết là cảnh một viên cảnh sát giao thông thổi còi kiểm tra người đi đường, ông này xuất trình bằng lái quốc tế do cơ quan giao thông của nước Đức cấp, phản ứng của viên cảnh sát rất cương quyết với lời khẳng định: “Bằng lái quốc tế không có giá trị ở Việt Nam”. Và viên cảnh sát này dứt khoát tịch thu giấy tờ tùy thân và giam xe “theo luật định”, sự kiện này xảy ra ở thành phố mang tên… HCM! 

Sự kiện thứ hai là một tai nạn xảy ra trên một đường cao tốc ở Hà Nội. Chiếc xe cứu hỏa kéo còi chạy từ đường nhánh lao vào đường cao tốc, chạy ngược chiều ngay trên làn đường bên trái dành cho xe có vận tốc cao nhất khi di chuyển, một chiếc xe chở hành khách khác đã lao trực diện vào đầu xe cứu hỏa và tai nạn thảm khốc đã xảy ra.

Hai biến cố thời sự gây tranh cãi trên mạng xã hôi rất nhiều, báo chí ở Việt Nam đã có những bài nêu quan điểm của báo chí cũng như đăng tải lời giải thích và kết luận của các cơ quan công quyền, tuy nhiên phản ứng của dư luận một cách công khai trên mạng xã hội đã khiến cho các cơ quan công quyền liên quan thay đổi kết luận hoàn toàn ngược lại với kết luận công khai ban đầu. 

Nhiều ý kiến đã phân tích cho thấy giá trị tích cực của mạng xã hội trong việc gây ý thức cho người dân và “quyền lực thứ tư” (quyền lực của báo chí) có những giá trị thực sự của nó. Mạng xã hội không chỉ toàn nguy hiểm như một vài nhà luân lý xã hội trình bày hoặc do các cơ quan tuyên truyền lo sợ. Vấn đề ở chỗ chúng ta đã sử dụng mạng xã hội ra sao.

Với kết luận ban đầu của các cơ quan công quyền, lỗi luôn luôn được đổ về phía người dân. Trong sự kiện tịch thu bằng lái quốc tế, viên trung tá cảnh sát giao thông, người có trách nhiệm điều hành, giải thích rằng do áp lực công việc và do phản ứng gay gắt của người cầm bằng lái khiến cho viên cảnh sát lúng túng rồi có quyết định như vậy, nghĩa là những gì xảy ra không do lỗi của viên cảnh sát giao thông mà lỗi là do người dân, người dân giao thông quá nhiều nên gây áp lực lên công việc của cảnh sát, và người dân đã phản ứng quá nặng khiến cho viên cảnh sát mất bình tĩnh. 

Còn về tai nạn xe cúu hỏa, người trách nhiệm cao trong ngành Phòng Cháy Chữa Cháy khẳng định xe cứu hỏa đúng và tài xế xe khách sai, họ vịn vào luật ưu tiên cho xe cứu hỏa để kết luận như vậy, thậm chí viên sĩ quan cao cấp này còn lên gân: “Lái xe cứu hỏa làm theo mệnh lệnh của trái tim”! 

Nhớ lại sự kiện luật sư trẻ An Phong tuy rất giỏi nhưng đã thua trong một vụ kiện, vụ thua kiện làm xoay chuyển cuộc đời của An Phong, thua vì luật được giới quý tộc giàu có soạn thảo, luật luôn được soạn để bênh vực giới soạn ra nó, An Phong đứng về phía người nghèo nên An Phong thua là điều hiển nhiên.

Trong một số các nguyên tắc của luật pháp, suy đoán vô tội là một nguyên tắc được quốc tế nhìn nhận và đó là một nguyên tắc đầy nhân văn, tiến bộ và tôn trọng con người. Suy đoán theo hướng vô tội là một nguyên tắc mà trong quá trình thụ lý hồ sơ tội phạm mọi người phải tôn trọng, bao lâu chưa tìm được chứng cứ chính xác và bao lâu tòa án với tư cách là cơ quan tư pháp độc lập chưa kết luận, người bị thụ lý phải được đối xử như một người vô tội và mọi tiến trình điều tra đều phải suy đoán theo hướng vô tội. 

Ở Việt Nam lâu nay họ làm ngược lại, đã có một thời chỉ cần anh CA khu vực gọi thôi thì cũng đã là tội phạm rồi, chỉ cần bị gọi ra trụ sở CA phướng thôi thì cũng đã lãnh đủ những lời kết tội, hạch xách, thậm chí tra tấn cho đến… “tự tử trong đồn CA”! Gần đây nhờ ý thức pháp luật của người dân, “bị cáo” ra trước vành móng ngựa mới được mặc thường phục. Trước đây, dù chưa có kết luận của tòa án nhưng bị cáo đã có số tù và mặc áo tội phạm! Bị gọi đương nhiên là tội nhân, mất hết tất cả các quyền con người!

Không chỉ trong xã hội mà ngay cả trong nếp sống Đạo của chúng ta, không biết tự bao giờ chúng ta say sưa kết án người khác, thí dụ: chúng ta dùng những từ ngữ mang tính miệt thị và kết án một số hành vị hoặc cuộc sống của chính đồng đạo của chúng ta: Rối, bất hợp pháp, mất phép thông công, vạ tuyệt thông… Những kiểu sống mà chúng ta vừa miệt thị  trên, trong Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu, ở Chương 6 về Hội Thánh, dùng các chữ: “Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”. Hoặc những cuộc sống chung mà chúng ta gọi là: già nhân ngãi non vợ chồng, sống thử, sống chung, tái hôn, … Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu trong Chương 8 gọi là “những cuộc hôn nhân bất quy tắc”. Ngay cách đặt tên đã cho thấy hướng suy đoán vấn đề của chúng ta, kết án hay cứu?

Trong Tin Mừng Thứ Tư, Chương 13 câu 17 Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”. (Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay năm B). 

Rõ ràng Thiên Chúa đến để cứu thế gian, bởi thế, khi đối diện người phụ nữ thành Samari, Chúa không chê trách, không lên án lối sống của bà, nhưng Chúa giải thoát bà, làm cho bà được vui mừng và trở nên người loan báo tin vui cho cả làng. Khi chạm trán với cơn thịnh nộ của đám dân đang cuồng nhiệt kết án người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu dội gáo nước lạnh vào lửa hủy diệt làm tắt ngúm những cái đầu kết án, rồi giải thoát chị khỏi cái chết “theo luật định” để từ nay đừng pham tội nữa. Giữa những lời kết án cay nghiệt của giới luật sĩ và Pharisêu, trong những ngày hưu lễ (sabbat) Chúa thản nhiên chữa lành cho nhiều người què quặt, đui mù, phong hủi, … chỉ vì Chúa muốn cứu chứ không muốn tiêu diệt.

Chỉ vì muốn tiêu diệt, chỉ vì lòng hận thù, chủ chương kết án, người ta đã giết bao nhiêu mạng người và đẩy cả một dân tộc xuống hố của sự chết. Người tin vào Chúa. hết lòng theo gương Chúa thì tìm cách cứu vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người mà được cứu độ”. 

Chúng ta là con của Chúa, chúng ta không thể sống khác!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.3.2018


Friday, 23 March 2018

Những điều mà người Công giáo Hoa Kỳ coi như là hành động đáng chú ý nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô



WASHINGTON, D.C. – Cho đến thời điểm này, hành động nổi bật nhất của ĐTC Phanxicô trong Triều đại Giáo Hoàng của mình là gì?

Một nhóm gồm 300 người Công giáo Hoa Kỳ gần đây đã được hỏi câu hỏi này trong một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew, thu hút rất nhiều phản hồi.

Những người tham gia được yêu cầu giải thích theo cách riêng của họ điều đáng chú ý nhất mà ĐTC Phanxicô đã thực hiện trong suốt năm năm vừa qua trong Triều đại Giáo Hoàng của mình, bất chấp những ý kiến cá nhân của họ về Ngài.

9% cho biết rằng ĐTC Phanxicô đã đặt ra một ví dụ vững chắc về tinh thần khiêm tốn và hành vi Kitô giáo về tổng thể. 9% khác tin rằng Ngài đã làm cho Giáo hội trở nên được đón nhận hơn và được chào đón hơn.
“Dường như Ngài đã truyền đạt được ý tưởng rằng tất cả mọi người đều quan trọng và xứng đáng với sự chú ý và quyền lợi”, một người tham gia khảo sát cho biết, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.

8% đã ghi nhận sự tập trung đặc biệt của ĐTC Phanxicô đối với những người nghèo, trong khi 7% cho biết Ngài đáng chú ý bởi sự chú ý của Ngài đối với cộng đồng LGBT. 6% hoan nghênh mức độ của các chuyến Tông du toàn cầu của ĐTC Phanxicô, mà qua đó mọi người trên toàn thế giới có thể tiếp cận với Ngài. 5% khác tin rằng ĐTC Phanxicô đã liên kết cộng đồng Công giáo thông qua việc đối thoại.

Các nhóm khác với 1-4% cho biết rằng hành động quan trọng nhất của Đức Thánh Cha đó chính là việc chăm sóc môi trường, hoà bình, giải quyết vấn nạn lạm dụng tình dục, chào đón những người đã ly dị và tái hôn, truyền bá đức tin, cải cách Vatican, hoặc đề cập đến vấn đề di dân.

Tương tự, 4% nói rằng hành động đáng chú ý nhất của ĐTC Phanxicô là một hành động tiêu cực hoặc không có tính chất rõ rệt, 3% cho biết câu trả lời là không rõ ràng, và 4% cho biết rằng vẫn chưa thực hiện bất cứ điều gì đáng chú ý.

Một người tham dự cho biết rằng ĐTC Phanxicô “quá bận tâm đến những thứ vốn không liên quan đến Giáo Hội”, trong khi một người khác cho biết Ngài “tự do hơn các vị Giáo Hoàng trước đó”.

Nhóm người trả lời lớn nhất, 29%, đã từ chối trả lời hoặc không đưa ra câu trả lời.

ĐTC Phanxicô đã đánh dấu 5 năm Triều đại Giáo Hoàng của mình vào tuần này, và Ngài tiếp tục nhận được ý kiến tán thành nói chung từ những người Công giáo Hoa Kỳ, khoảng 84%.

Đa số người Công giáo Hoa Kỳ, khoảng 58%, cũng tin rằng ĐTC Phanxicô đang thực hiện những thay đổi lớn nhằm đem lại lợi ích cho Giáo Hội, trong khi khoảng 94% cho rằng Ngài là một người giàu lòng nhân ái.

Minh Tuệ chuyển ngữ