Monday, 26 February 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : "CÂY DÀI BÓNG MÁT..."


Những ai là cư dân Sàigòn trước năm 75 hẳn khó phai mờ trong ký ức những lời mượt mà của bài hát “Trả lại em yêu” của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó có lời “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”, chẳng phải chỉ Duy Tân mới có cây dài bóng mát, mà nhiều con đường khác có những cành cây cao đan nhau, tạo những bóng mát dịu dàng cho tuổi thơ rong chơi, hay tô điểm thêm cho những vần thơ của các đôi tình nhân đan dệt. 
Tôi đã có một thời mỗi chiều đạp xe nhẹ nhàng dưới những tàng cây đường Trương Minh Giảng (Trần Quốc Thảo bây giờ), thật nhẹ nhàng để lắng nghe tiếng lá cây khô vỡ giòn tan dưới vòng xoay của bánh xe. Tôi đã có những đêm dài tuyệt diệu lang thang đường Trần Quý Cáp (bây giờ là Võ Văn Tần), hồn lâng lâng vì những chung rượu cùng bạn bè ban tối, hay lâng lâng vì những vòm me xanh ngát dưới ánh sáng hắt lên của đèn khuya. Ôi, những ngày tháng êm đềm của tuổỉ mới lớn, của không gian đầy ắp yêu thương.
Những ngày Tết ở đường Kỳ Đồng đã níu kéo được những kỷ niệm về cây dài bóng mát, ba ngày hành hương Tân Niên kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như một huyền thoại khi đoàn người hành hương xếp hàng lượn rồng rắn dưới bóng mát của những tán cây xanh, không khí oi bức như chạy xa vùng lễ hội, nhường lại không gian tươi mát cho những chậu hoa kiểng đua nhau khoe sắc, những tà áo dài thướt tha rộn ràng. Những năm tháng cuối cuộc đời đã cho tôi chút dư âm ngày cũ.
Con đường Cường Để (Tôn Đức Thắng ngày nay) với hai hàng cây trên trăm tuổi đã mang lấy hồn của thành phố này, những ai đã từng di qua, đặc biệt những ai đã từng lui tới Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn không thể không yêu và gắn bó với hàng cây giữ hồn thành phố. Giữ hồn thành phố vì nhiều thế hệ sống bên cây, chứng kiến cây lớn lên mỗi ngày, đi dưới bóng mát của cây, rồi qua đi vào gió bụi, chỉ còn cây ở lại, tiếp tục lớn lên cùng năm tháng. Người đi cây ở lại, chẳng giữ hồn là gì ?
Một ai đó đã đặt cành hoa hồng trên thớt gỗ còn đang ứa nhựa khi cổ thụ giữ hồn ấy vừa bị cắt ngang. Cả một thành phố rộng lớn này với bao nhiêu cái đầu mang đầy học hàm học vị, đã không tìm được giải pháp nào cho việc quy hoạch giao thông tốt hơn là việc chặt phăng những cái cây, ngày ngày giữ và truyền sự sống cho cư dân thành phố. Họ cắt đứt sự sống của thành phố.
Để mở rộng đường, họ còn lăm le giải tỏa cả ngôi Nhà Nguyện lâu đời trên dưới hai trăm tuổi của Nhà Kín Sàigòn, từng chi tiết, từng ngóc ngách ngôi Nhà Nguyện lưu giữ cả kho kiến thức về ngành kiến trúc, hội họa, điêu khắc, … của nền xây dựng Châu Âu tại Đông Dương. Không chỉ về khoa học xây dựng nhưng còn cả về văn hóa tôn giáo, ngôi Nhà Nguyện ôm ấp tâm hồn một vị Thánh trẻ đầy sức truyền giáo, thân xác ở Lisieux nước Pháp nhưng hồn gởi sang Việt Nam với những kỷ vật đi theo của ngài.
Tôi không nghĩ là họ thiếu kiến thức về khoa học môi trường, nếu có thiếu thật thì đã có những lời can ngăn, cảnh báo của các nhà khoa học, nhưng họ có một quyết tâm xóa hồn của quá khứ để độn vào đấy, vá víu vào đấy bằng một cái xác khô vô hồn, chỉ sặc sụa mùi tư tưởng họ đang đeo bám. Đối với họ không có kế thừa, chẳng hề có truyền thống!
Cứ nhìn cái cách họ cô lập môi trường giáo dục, ngăn cản mọi tư duy, mọi suy nghĩ khác họ, họ dựng lên những bức tường cả hữu hình lẫn vô hình để độc đoán trong giáo dục. Cứ nhìn cái cách họ thay tên đổi họ mọi con đường, xóa đi mọi vết tích một thời khai hoang dựng nước của cha ông…
Họ không hề nuối tiếc một tấc đất nào của cha ông dày công gầy dựng, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ vững quyền lực của họ, họ sẵn sàng bán rẻ tất cả để tồn tại ngôi vị. Họ im lặng trước sự ngang ngược của kẻ ngoại bang nhưng sẵn sàng đè bẹp anh em trong nhà nếu trái ý họ. Cứ nhìn cái cách họ viết lại lịch sử và cố tình không nhắc gì đến các biến cố không thuận lợi cho họ, một dân tộc không có lịch sử, hoặc lịch sử chỉ bắt đầu có từ khi họ cầm quyền… Họ càng lộng hành hơn khi mọi người im lặng khiếp sợ.
Khi những cổ thụ vắng mặt trong không gian sống, cư dân phải oằn mình chịu đựng bầu không khí ngột ngạt gay gắt. Tháng Hai đã trôi dần, cơn nóng nắng của tháng Tư đã lấp ló quanh đây, sẽ đến những ngày nắng chói chan, “hạn bà Chằng” đốt cháy từng khối nhà, từng khu phố, mọi nẻo đường, cả thành phố sẽ là thung lũng lửa, người ra đường bịt kín như dân Trung Đông, gật đầu chào nhau mà chẳng biết ai quen mình? Đi dường khi dừng đèn đỏ, họ len lách tranh nhau những bóng râm ít ỏi gần nơi đỗ, nhà nào cũng đóng kín mít mọi cửa nẻo…
Một ai đó đã nói, dân mình chịu đựng giỏi thật! Thông Điệp Laudato Si một thời học hỏi tưng bừng nay xếp vào góc tủ! Sự thật được bảo quản thật kín, lặng im dưới lớp bụi thời gian, có còn ai mở Thông Điệp ra đọc nữa không nhỉ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.2.2018


Tuesday, 20 February 2018

Gs Marcus J. Borg : (Bài 23) Đức Giêsu và Khôn Ngoan Thiên Chúa ở Tin Mừng Gioan



Chương 5
Đức Giêsu và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa
 (Bài 23)


Tin Mừng Gioan

Việc trình-bày Đức Giêsu theo ngôn-ngữ của khôn-ngoan còn đáng kể hơn lời gợi ý ở cuối sách Tân Ước, tức: Tin Mừng của ông Gioan.

Lới nói đầu ở Tin Mừng ông Gioan (có thể coi đây như có nguồn gốc rút từ các bài ca/vịnh tín-hữu thời đầu từng hát) và tác-giả Gioan lại đã áp-đặt vào đoạn đầu Tin Mừng do ông soạn. Bài vịnh, được khởi đầu bằng những ý/lời mà mọi người đều đã gặp ở Thánh Kinh Do-thái-giáo (*44). Như tôi có lần báo trước là sẽ thay thế tự-vựng Logos tiếng Hy-Lạp và tiếng Anh dịch thành “Word” và tiếng Việt là “Ngôi Lời” vỏn vẹn chỉ với chữ “Lời”, mà thôi.

“Lúc khởi đầu đã có Lời.
Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Ngài vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Ngài,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
nơi Ngài là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại…
Ngài ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Ngài mà có,
nhưng lại không nhận biết Ngài.
Lời đã trở nên người phàm
và cư-ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài,
là Con Một đầy tràn ân-sủng và sự thật
.
(Ga 1: 1-4, 10, 14)

Điều quan trọng ở câu đầu Tin Mừng không phải để ta suy nghĩ về “Lời” hoặc “Logos” như để nói về Đức Giêsu, nếu hiểu Đức Giêsu đây là “Giêsu thành Nadarét”.

Đọc và hiểu đấy là “Đức Giêsu”, tức vô hình chung ta đã chịu ảnh-hưởng từ nền thần-học Kitô-giáo thời sau này, khi Giáo-hội nói về Ba Ngôi Đức Chúa qua cách sử-dụng các đại-danh-từ “giống đực” tiếng Hy-Lạp gốc và bản dịch tiếng Anh.

Nhưng, các đại-danh-từ giống đực được sử-dụng là bởi từ-vựng logos là danh-từ chung giống đực tiếng Hy Lạp, chứ không vì tự-vựng ấy qui về “Ngài” đây, “Đức Giêsu”.

Ông Gioan không có ý nói: “Lúc khởi đầu đã có Đức Giêsu” như ta vẫn nghĩ rằng Đức Giêsu đã có đó vào buổi tạo-dựng trời đất. Đúng hơn, Lời ấy đã mặc xác phàm nơi Đức Giêsu  -nay được gọi là logos – có ở đó vào lúc tạo-dựng. Chính logos này (chứ không phải Đức Giêsu) đã có đó với Thiên-Chúa và Thiên-Chúa (*46).   

Các học-giả lâu nay từng ghi nhận là có mối tương-quan gần-gũi giữa những điều do ông Gioan viết về “logos” và về Khôn ngoan Sophia trong truyền-thống Do-thái-giáo. Khôn ngoan Sophia từng có đó với Thiên-Chúa ngay từ buổi đầu đã năng-động thời tạo-dựng, và cũng có đó cả khi thế-giới gian-trần được tạo-thành nữa (*47).

Tính tương-đương có hoạt-động giữa logos Khôn-ngoan Sophia cho thấy tính hợp-pháp thay thế Khôn ngoan Sophia bằng logos, “Khôn-ngoan” thay cho “Lời” ở phần mở đầu Tin Mừng Gioan. Thêm nữa, do bởi Sophia là danh-từ riêng giống cái ở tiếng Hy-Lạp, nên đại-danh-từ đây cũng trở-thành “giống cái”:

“Lúc khởi đầu đã có “Khôn ngoan”, và “Khôn-ngoan” ở nơi Thiên-Chúa, và Khôn-ngoan là Thiên-Chúa. Ngài đã có lúc khởi-nguyên nơi Thiên-Chúa. Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự và không Ngài thì không gì thành sự. Điều đã thành sự là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân-loại… Ngài có trong thế-gian và thế-gian đã nhờ Ngài mà được có mà thế-gian đã không biết Ngài.”

Và rồi, đỉnh cao chót vót đã đạt được, khi Tin Mừng viết: Và Khôn-ngoan đã thành xác-phàm và đã lưu-trú nơi chúng tôi.” (*49) Đức Giêsu là sự việc Sophia thần thánh mặc lấy xác-phàm, Khôn-ngoan Sophia trở-thành xác-phàm.” (*50)


Bổ-sung các ảnh-hình Kitô-học   

Ta khám-phá ra vai-trò của Sophia coi như Khôn-ngoan trong truyền-thống Do-thái-giáo và cả trong Tân Ước, điều này mở ra một số sự việc. Điều đó giúp ta thấy được sự cân-đối tuyệt đẹp giữa Đức Giêsu như Bậc Thày dạy Khôn-ngoan và ảnh-hình về Ngài trong phong-trào tín-hữu thời đầu như mối tương-quan mật-thiết với Khôn ngoan Sophia. Bằng vào tư-cách của tiếng nói của Không-ngoan thay-thế, Đức Giêsu cũng là tiếng giọng của không Sophia nữa.

Điều này lại cũng giúp ta nhìn thoáng qua những gì có thể là môn Kitô-học sớm sủa nhất của tín-hữu thời tiên-khởi. (*51). Sử-dụng ngôn-ngữ của Khôn-ngoan Sophia để nói về Đức Giêsu sẽ đưa ta về lại với lớp vỏ bọc sớm-sủa nhất nơi truyền-thống đang khai-triển. Như ta đã thấy, điều này lại cũng trải rộng cùng khắp với truyền-thống. Theo Tin Mừng Nhất Lãm, cũng như lập-trường của ông Phaolô và Gioan cũng công-nhận rằng điều đã có đó nơi Đức Giêsu là Khôn ngoan Sophia của Thiên Chúa.

Quan-điểm này không chỉ là trọng-tâm ngôn-ngữ của Sophia trong việc hình-thành phong-trào đạo-giáo Đức Kitô thời sớm sủa nhất, nhưng còn là bổ-sung về phái-tính của các bộ môn Kitô-học nữa. Bởi, với Đạo Chúa thời đầu, thì Đức Giêsu là Người Con của Cha và là sự việc Sophia mặc lấy xác phàm làm người, là người con trẻ của Abba chí thân, và là con trẻ của Sophia. Hiểu biết như thế cũng giúp ta rất nhiều ở vào thời nhạy bén dâng cao để trở thành vấn-đề của ngôn-ngữ rất can-dự.

Lại nữa, điều này cũng nhấn mạnh sự việc có khả-năng diễn-đạt ngôn-từ Kitô-học nữa. Các hình-ảnh nhân rộng thành nhiều ấn-bản để nói về mối tương-quan giữa Đức Giữa với Thiên-Chúa (như logos, Sophia, Người Con, và các danh-hiệu khác phải làm cho rõ nghĩa để bảo rằng không một danh-hiệu nào được hiểu theo nghĩa đen triệt để hết. Chúng chỉ mang tính ẩn-dụ mà thôi.

Đây còn là điểm quan-trọng để hiểu được ngôn-ngữ Kitô-học đầy sủng-mộ do ảnh-hình bậc cha/chú tạo ra. Ngôn-từ Chúa Ba Ngôi và các công-thức kinh-kệ phụng-vụ nói về “Cha và Con” là dễ-dàng kiến-tạo nên cảm-giác nghĩ rằng đây là cung-cách do tín-hữu Đạo Chúa dứt khoát nói về Thiên-Chúa và Đức Giêsu, là như thế.

Thế nhưng, cũng là điều bổ-ích để nhận ra rằng ảnh-hình Cha và Con cũng phản-ánh sự thể về lề lối suy-tư về Ba Ngôi Đức Chúa có được định-hình trong văn-hoá tộc-trưởng và tập-trung phụ-hệ. Nhằm giúp ta có thể tưởng-tượng điều này là lúc Ba Ngôi Đức Chúa trở-thành công-thức trong nền văn-hoá mẫu-hệ, Đức Giêsu vẫn được gọi là “người con”, nhưng ta đều đoan-chắc rằng mọi người nói về Ngài trước nhất như Người Con của Cha vậy (*52).

Thành thử, đây không là trường-hợp để ta nói lên rằng Đức Giêsu là “Người Con của Thiên-Chúa hiểu theo nghĩa đen, dù Ngài vẫn được nói đến theo nhiều cách khác nữa, như Khôn ngoan Sophia của Thiên Chúa. Thật ra thì, cả hai điều đó đều mang tính ẩn-dụ hết.

Mẫu số chung ở cả hai trường-hợp, đó là: cả hai cùng nói về Đức Giêsu như Đấng có tương-quan mật-thiết với Thiên-Chúa đậm đà và sâu-sắc đến độ Ngài còn được gọi là người con của Abba  và là người con của Khôn ngoan Sophia. Ta không hề biết và không thể hiểu làm sao mà kiểu nói này có thể bắt đầu nói ra được cả vào lúc Đức Giêsu còn sống, hoặc làm sao các hình-ảnh như thế lại hiện-diện trong tâm-thức của chính Ngài được.

Quả nhiên, thật là điều hợp lý để thấy được sự liên-kết giữa ngôn-từ này và những gì ta có thể giả-định về kinh-nghiệm Ngài từng trải. Tính mật-thiết của các ẩn-dụ lại cũng kiên-định trong việc nhìn nhận Đức Giêsu-trước-ngày-Phục-Sinh như một nhân-vật đầy tính linh-thiêng, thần-khí. Là Đấng hiểu/biết rõ Thần Khí Chúa, Đức Giêsu có lẽ cũng đã suy-tưởng và/hoặc trải-nghiệm Thần Khí như Abba Sophia. Thế nhưng, thêm vào đó, vấn-đề là: Ngài có nghĩ về chính mình Ngài như “người con” (theo nghĩa đặc biệt) của Đấng mà Ngài gọi là Abba không?

Đức Giêsu có nhĩ về chính mình Ngài như con trẻ hoặc như người đại-diện của Sophia thần thánh không? Bằng vào bản-chất của các nguồn ta đạt được, bản thân tôi thấy cũng khó mà tưởng-tượng nổi để có thể phán-đoán về tính khả-thi lịch-sử ta đạt được trong vấn-đề đặc-biệt này (*53).

Cho dù ta không thể biết được là các ảnh-hỉnh này là một phần trong việc Đức Giêsu tự biết về Ngài, có điều thấy rõ rằng việc tượng-hình ra Đức Giêsu như “người Con của Chúa” và như “Khôn-ngoan của Thiên-Chúa” lại có trong giai tầng cổ xưa nhất thuộc truyền-thống phát-triển nên phong-trào tín-hữu thời đầu được.

Thành thử, hỏi rằng các hình-ảnh đây có cho ta biết bất cứ thứ gì về nhận-thức của Đức Giêsu, thì các hình-ảnh ấy sẽ giúp ta tiếp-cận với tầng/lớp sớm nhất của tiến-trình thành-hình môn Kitô ở cộng-đoàn để thiết-lập và suy-tư không? Có điều đáng nể là, hình-tượng “người Con của Chúa” và “Sophia của Thiên-Chúa cả hai đều gặp thấy ở giai-đoạn mới sớm này.

Sự hiện-hữu của bộ môn Kitô-học bàn về “người con” và “Sophia của Thiên-Chúa” trong cao-trào mới sớm của tín-hữu Đức Kitô đã ảnh-hưởng lên ảnh-hình bình-dị của Đức Giêsu, Đấng mà ta từng gặp vào lúc trước. Sự hiện-hữu của các hình-ảnh này lại đã đưa ta hướng về việc bổ sung phái-tính khi suy-tư về Đức Giêsu, là điều còn rất mới đôi với nhiều người.

Vượt ra ngoài những chuyện như thế, các ảnh-hình này lại cũng chuyển-đổi lối suy-tư Kitô-học ra khỏi khuôn-khổ văn-chương chữ nghĩa vẫn thường song hành với hình-tượng của người dân thường vốn có trong đầu. Việc nhân rộng ảnh-hình Kitô-học thời ban đầu như  --“người con” và “khôn-ngoan” và các thứ khác--  lại đưa ta vào nhận-thức hiểu rằng đây chỉ mang tính ẩn-dụ mà thôi.  

Hiểu biết này đã lật đổ cảm-giác thông thường vẫn nghĩ rằng niềm tin của tín-hữu Đức Kitô                 
Lại cũng kéo theo niềm tin cho rằng Đức Giêsu thực sự là “người Con của Chúa” hiểu theo nghĩa đen. Đây là một lật đổ giúp ta cũng rất nhiều.

Việc hiểu cụm-từ “người Con của Chúa” hoàn toàn theo nghĩa đen lại đã khép chặt tầm hiểu biết của ta về Kitô-học bằng cách chỉ mở ra có một ảnh-hình ưu-tiên làm tiêu biểu, thôi. Thật ra, cũng khó mà tin như thế, một phần do bởi tính-chất không chắc-chắn khi ta khẳng-định rằng Đức Giêsu là người Con của Chúa, hiểu theo nghĩa đen.

Thế nhưng, khi “người Con của Chúa” khi được coi như một trong các ẩn-dụ, thì ẩn-dụ ấy cũng mở ra khả-năng hiểu biết một cách phong-phú hơn ý-nghĩa về Đức Giêsu như Đấng từng trải-nghiệm và diễn-tả vào thời tiên-khởi.

Vấn đề là, một khi ta không còn tin rằng Đức thật sự là “người Con của Chúa” theo nghĩa đen, nhưng lại cảm-kích ý-nghĩa giàu có do có nhiều hình ảnh mang tính Kitô-học được nhân rộng. Ngài là “người Con của Chúa”. Vâng đúng là như thế. Nhưng, Ngài còn là Lời mặc lấy xác phàm đồng thời là Khôn-ngoan của Chúa.

Quả có thế, Đức Giêsu đích-thực là “người Con của Chúa”, là logos của Thiên-Chúa và là Khôn ngoan Sophia  của Thiên-Chúa, nữa (*54).

                                                                                                                        (còn tiếp)

Gs Marcus J Borg biên-soạn
Mai Tá lược-dịch.    
        
   

  
       


Monday, 19 February 2018

Lm Lê Quang Uy DCCT : TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI... ?


Lạy Chúa, thật lòng con không hiểu nổi...
Tại sao người ta đang rất muốn có con, nhưng lại nỡ nào vào bệnh viện để phá thai chỉ vì bác sĩ bảo là có nguy cơ em bé bị dị tật, để rồi phải ân hận suốt đời vì tuyệt tự ?
Tại sao người ta thề hứa yêu thương nhau, không thể sống thiếu nhau, nhưng rồi khi biết tin có em bé thì lại đưa nhau đến bệnh viện để phá thai ?
Tại sao người ta sợ phải giáp mặt Cha Xứ, nhưng lại không biết sợ phải giáp mặt Chúa khi buộc con gái phải đi nạo thai để giữ sĩ diện trước người đời ?
Tại sao người ta lần chuỗi đọc kinh xin Đức Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội”, nhưng rồi lại đi xì xầm gièm pha, kết án một chị phụ nữ trót lỡ lầm chửa hoang nào đó ?
Tại sao người ta tỏ ra ghen tuông, đòi bạn đời của mình phải chung thủy, nhưng mình thì lại thoảI mái đi ngoại tình, chơi bời lăng nhăng, để rồi tan cửa nát nhà ?
Tại sao người ta bắt con cái trong nhà phải tuyệt đối vâng lời mình, nhưng mình thì lại bất hiếu, bất kính và bất nghĩa với cha mẹ già ?
Tại sao người ta xây nhưng ngôi nhà thật hoành tráng, lộng lẫy và nhiều tiện nghi, để rồi lại tự nhốt mình giữa những bức tường cao, các song sắt và hàng chông nhọn mảnh sành ?
Tại sao người ta sắm các loại xe cộ thật mạnh, thật sang, thật đắt tiền, để rồi chịu chết cứng nằm một chỗ ngoài đường khi kẹt xe tắc đường ?
Tại sao người ta tổ chức các bữa tiệc ăn uống linh đình, toàn những món đặc sản, bia hảo hạng, rượu cao cấp, nhưng sau đó lại say xỉn, nôn thốc nôn tháo cho bằng hết ?
Tại sao người ta đặt những bàn thờ Chúa trong nhà thật đẹp, nhưng đến tối cả gia đình lại ngước mặt dán mắt vào chiếc màn hình Tivi để thổn thức với các diễn viên Hàn Quốc, Hồng Kông ?
Tại sao người ta nài xin đòi hỏi Chúa đủ thứ, nhưng mình thì lại chẳng chịu chia sẻ chút tình nào cho chính những người thân cận ngay trong gia đình mình ?
Tại sao người ta có thể đọc đủ mọi thứ tào lao linh tinh trên báo giấy, báo mạng, báo hình, nhưng lại chẳng bận tâm đọc và ghi nhớ và sống một câu Lời Chúa trong Tin Mừng ?
Tại sao người ta rồng rắn xếp hàng để chờ được xưng tội, nhưng rồi lại đâu vào đấy, không cố gắng để hoán cải, để đổi đời, để sống tốt hơn ?
Tại sao người ta vẫn chăm chút tỉ mỉ chuyện giữ chay, nhưng lại không chịu giữ miệng ăn nói cho hòa nhã tử tế, giữ lòng cho thật thà trong sạch, không giữ chữ tín, chữ nghĩa trong cư xử giao dịch ?
Tại sao người ta đã chọn Chúa là Chúa của mình rồi, nhưng lại đi say mê suy tôn một ca sĩ là nữ thần (Diva), một cầu thủ là siêu sao (Super star), một người mẫu là thần tượng (Idol) ?
Tại sao người ta ghi vào sổ Gia Đình Công Giáo, tự nhận mình là người có Đạo, nhưng lại có thể thản nhiên sống như thể kẻ lạc đạo, mất đạo, vô đạo ?
Tại sao người ta đói và khát nhiều lắm rồi, nhưng lại không biết tìm đến xin với Chúa cho được nhận lấy Bánh-Hằng-Sống và múc lấy Nước-uống-rồi-không-còn-phải-khát-nữa ?
Đăng lại nhân Mùa Chay 2.2018,
Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 27.3.2011