Thursday, 13 December 2018

Lm Giuse Mai Văn Thịnh : Niềm vui gặp Chúa


Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này xoay quanh chủ đề niềm vui. Đây là một trong các đặc tính tiêu biểu của người Kitô Hữu. Ai trong chúng ta cũng mong được điều này. Nhưng thực tế trong cuộc sống không cho phép chúng ta quên đi các trải nghiệm; và rút từ trong các kinh nghiệm đó chúng ta nhận ra đuợc một điều là đã là người thì không ai có thể tránh đuợc gánh nặng của đau khổ; không người nào có thể chưa một lần trải qua các thử thách; chẳng mấy người thoát được những giai đoạn buồn phiền, sầu khổ và mất mát; lại cũng có lúc chúng ta sống trong hạnh phúc và vui sướng. Tất cả các điều đó gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Không ai có thể tránh thoát và cũng không một ai đuợc sai đến để cất đi các điều ấy khỏi cuộc sống của chúng ta. Sống là thế đó!

Nhìn vào tình trạng và môi trường của thế giới chúng ta đang sống. Chỗ này bạo loạn, chỗ kia bắn nhau. Nơi này khủng bố, chỗ khác giết người. Với đà tiến bộ của hệ thống thông tin nhanh như chớp, chúng ta lại chỉ đón nhận những bản tin tức mình. Tin vui đâu hết rồi. Sao không thấy mấy ai phổ biến cho chúng ta bắt chước noi theo.

Trước hoàn cảnh như thế, người tín hữu chúng ta có cần là tin vui hay không? Rất cần và vô cùng khẩn thiết nữa! Khi suy tư đến đây, tôi hẳn nhiên cũng bị giật mình và tự hỏi mình rằng hiện giờ, trong giây phút này tôi đã có niềm vui nào để chia sẻ cho những ai cần tin vui hay không? Niềm vui của ơn cứu độ có còn đuợc duy trì trong cuộc sống của tôi hay không? Rất khó để trả lời chi tiết và cụ thể cho anh chị em, xin tha lỗi cho tôi vậy!

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cũng nên khẳng định với nhau là chúng ta đôi khi bị đánh lừa bởi một thứ niềm vui dựa trên cảm xúc, đó là thú vui. Thú vui thì chóng qua. Nó đến mau bao nhiêu thì đi nhanh bấy nhiêu. Tất cả cần đuợc cảm nghiệm bằng cách sống suy tư của mình. Đức Trinh nữ Maria là một gương sáng cho chúng ta trong việc cảm nhận này. Mẹ đón nhận niềm vui một cách chậm nhưng chắc, không chỉ một lần mà Mẹ thường suy đi nghĩ lại nhiều lần về kinh nghiệm gặp gỡ giữa Mẹ và Thiên Chúa.

Niềm vui của người tín hữu là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa con người của Đức Chúa với mình, không phải chỉ một lần là đủ, nhưng cần được tái lập, canh tân và nuôi duỡng các lần gặp gỡ đó trong cuộc sống hằng ngày, trong mọi biến cố và luôn tìm cách để đổi mới. Đó chính là niềm vui đích thực. Chỉ trong Chúa con người mới đạt đuợc mức độ viên mãn của niềm vui.

Để minh họa cho ý nghĩ nói trên, xin mời anh chị em cùng nghe một kinh nghiệm. Kinh nghiệm này có lẽ đã đuợc nhiều người kể hoặc chúng ta đã đuợc nghe nhiều lần. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra nét độc đáo và mới mẻ của câu chuyện mỗi khi được nghe lại. Và mỗi lần như thế, tôi lại có dịp đặt vấn đề cho niềm tin của mình. Giờ đây, xin san sẻ đến cho bà con nhé.

Truyện bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa người tân tòng và người phỏng vấn:
-          Tôi nghe tin anh mới theo đạo Công Giáo, phải không?

-          Anh nói đúng. Thật ra tôi mới lên đuờng theo chân Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi
-          Anh có thể kể cho tôi biết về lịch sử về cuộc đời của Người?

-          Rất tiếc thưa anh. Tôi đã học và đọc qua nhiều cuốn sách về cuộc đời của Người và giờ này cũng chẳng còn nhớ đuợc bao nhiêu nữa!

-          Số phận của Đức Giê-su thế nào? Anh có biết tuổi thọ của Đức Giê-su là bao nhiêu không?

-          Tôi cũng chẳng nhớ rõ. Tôi chỉ biết là ông đã chết và đã sống lại.
-          Vậy ông ta chết năm bao nhiêu tuổi?

-          Tôi chẳng nhớ chính xác nên không dám nói bừa.
-          Cảm ơn anh! Theo sự nhận xét của tôi thì anh chẳng biết gì về Đức Giê-su, Chúa của ông; thế mà anh lại theo đạo Công Giáo, nghĩa là làm sao?

-          Anh nói đúng. Tôi xin lỗi đã làm ông thất vọng vì đã không làm cho ông đuợc thỏa mãn. Thế nhưng, thưa anh, chỉ có một điều tôi và gia đình tôi biết rất rõ. Đó là điều đang xẩy ra cho tôi và gia đình. 

Cách đây mấy năm, tôi là người hư thân mất nết, cuộc sống bê tha và tồi tệ. Sau giờ tan sở, tôi thường la cà tại các nơi ăn chơi, rượu chè be bét; đến khi lết về được đến nhà thì tôi đã say ngất. Vợ con tôi đều lánh xa vì sợ hãi. Họ rất hổ thẹn và xấu hổ vì tôi.

Nhưng kể từ ngày tôi gặp Đức Giê-su và đi theo Người thì mọi sự đều thay đổi. Tôi đã cai được rượu, chăm lo cho vợ và các con. Họ không còn sống trong âu lo và sợ hãi mỗi khi gặp tôi; trái lại giờ đây, chúng tôi sống rất hạnh phúc và vui vẻ. 

Tất cả đều là hậu quả của việc gặp gỡ và biết Đức Giê-su. Ngươì đã làm cho tôi và gia đình trở thành nguồn vui cho nhau. Anh thấy chưa. Những gì tôi biết về Người như thế thì quá đủ cho tôi và gia đình rồi.

Kính thưa anh chị em,
Như vậy, niềm vui không phải là một thứ quà tặng rẻ tiền. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người nơi mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ trọng đại giữa Thiên Chúa và con người. Qua Đức Giê-su, con người cảm nhận và tiếp xúc với một vị Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, đến và cư ngụ giữa chúng ta. Người chính là tin vui mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa qua môi miệng của các ngôn sứ.

Tất cả những ai đã gặp Người đều bị chất vấn để canh tân cho xứng với các tiêu chuẩn của Người đưa ra trong các mối phúc thật. Vì thế, việc đổi đời là điều cần thiết. Và đó cũng là điều mà Gioan Tẩy Giả công bố để giúp chúng ta chuẩn bị cuộc sống cho xứng đáng để đón tiếp Người.

Những người đến nghe Gioan giảng đã bị đánh động và tha thiết muốn có sự thay đổi không bằng văn tự nhưng bằng chính việc làm nên họ đã hỏi “chúng tôi phải làm gì đây?” Và, tuỳ vào nhiệm vụ mà Gioan đã đưa ra lời mời gọi họ thực hiện. 

-          Với dân chúng, ông yêu cầu họ sống quan tâm và chia sẻ cơm ăn cũng như áo mặc cho nhau.
-          Với nhân viên thu thuế, ông mời gọi họ biết sống công bằng, đừng thu quá mức mà bóc lột và làm khổ dân chúng.
-          Và đối với binh lính, ông yêu cầu họ đừng dùng quyền lực để thống trị, hà hiếp hay chà đạp dân chúng; trái lại họ hãy chấp nhận quyền hạn và những gì họ có để phục vụ.

Lời kêu gọi của Gioan hôm nay cho thấy, mỗi người đều phải nỗ lực canh tân điều chỉnh lại cuộc sống của mình, sống đúng với ơn gọi và nhiệm vụ đã được trao phó bởi Thiên Chúa thì sẽ tìm được niềm vui cho mình và cho xã hội.  

Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ. Nhưng ông không hề lợi dụng lòng yêu mến và sự ủng hộ của dân chúng để tạo thế đứng và uy tín cho mình, trái lại, ông sống và nói thật cho mọi người về bản thân: Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chương trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” 

Vai trò của Gioan dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giêsu và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gioan cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Đức Giê-su là Đấng mà tòan dân mong chờ. Người sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới.

Chính vì thế, phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ ba trong các Mùa Vọng hàng năm thật quan trọng. Sứ điệp của niềm vui và lòng hân hoan khi gặp Chúa đuợc nhấn mạnh. Hãy vui lên vì Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Người đang thực hiện một cuộc cách mạng, kêu gọi muôn dân muôn nuớc quy tụ dưới là cờ hiệu của vị Thủ lãnh là chính Đức Giê-su. Người không dùng vũ lực để biểu dương uy quyền, nhưng bằng tình thương, sự hy sinh và lòng từ tâm để giải thoát chúng ta khỏi những mưu toan bất chính, thoát khỏi những cạm bẫy của thế tục bằng cách sống bác ái, chia cơm sẻ áo, sống liên đới trong yêu thương, tôn trọng và cổ vũ cho công lý để mọi người có cuộc sống chính trực và an hoà.

Đó là những công việc mà chúng ta cần phải làm, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà cần được thể hiện liên tục trong cuộc sống của chúng ta, những người môn đệ chân chính của Chúa Hài Nhi.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

Monday, 10 December 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT "LÒNG TÔI SAO VẪN CÒN BIÊN GIỚI?"

"LÒNG TÔI SAO VẪN CÒN BIÊN GIỚI?"
Lm Vĩnh Sang DCCT

Đầu Mùa Vọng 2018, tôi có một chuyến đi ra vùng núi rừng phía Bắc, dừng chân đôi chút ở các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Chuyến đi thăm anh em và trở lại chốn xưa, nơi mà hơn 6 năm trước tôi đã có nhiều dịp đi lại, dừng chân, và chọn lựa những địa danh ghi trong danh mục dấn thân và phục vụ của mình với những gì mình có được, trong trách nhiệm của mình.
Biên giới đón tôi bằng bầu trời mù sương, cảnh lặng lẽ của núi rừng và cả cảnh lặng lẽ của con người, Thánh Lễ ba anh em Linh Mục chúng tôi dâng vào lúc 19g00 có số Giáo Dân tham dự gấp đôi Linh Mục, sáng hôm sau lễ dâng lúc 6g00 không một Giáo Dân nào tham dự. Anh em cho tôi biết Lễ Chúa Nhật trên dưới 100 người và dâng vào lúc 13g00 trưa, chỉ dâng vào giờ đó mới có Giáo Dân. Họ rời bản làng từ các ngóc ngách của núi rừng sáng sớm, có khi đêm hôm trước, kịp đến với bữa cơm trưa, dự Lễ và lãnh gạo hay quần áo rồi trở về bản làng. Đi thăm Giáo Dân, xe hai bánh chỉ di chuyển được một đoạn đường, còn lại là leo núi. Ngôi Nhà Thờ trung tâm lạnh lẽo cô độc, hai Giáo Điểm xa trung tâm gần trăm cây số, không có Nhà Thờ, muốn dâng lễ phải thuê nhà người ta!
Bắc Kạn xem ra “sầm uất” hơn, một ngôi Nhà Thờ nhỏ đang được xây dựng bên bờ sông Cầu, hơn 6 năm trước tôi đến thăm miếng đất này, miếng đất 400 mét vuông, đắp bồi bên bờ sông dựng lên một ngôi Nhà Nguyện nhỏ bằng gỗ, Đức Cha đến dâng Lễ, ngài gọi đó là ngôi Nhà Nguyện có lắp đặt máy lạnh đa chiều, bởi các tấm vách được ghép bằng nhiều miếng gỗ cong vênh tạm bợ, các khe hở khắp nơi, gió lạnh núi rừng lùa vào, đứng đâu cũng có gió. Chỉ ngôi Nhà Nguyện nhỏ đó thôi, nhờ ơn Chúa và nỗ lực loan báo Tin Mừng, một số anh chị em người H'Mông đã tin theo Đạo, anh em kể cho tôi nghe về thành quả đó với câu chuyện đầy kinh ngạc. “Họ bảo Đạo này là Đạo thật vì có Nhà Thờ! Thế là họ theo”. Vậy cố gắng để có một Nhà Thờ vững chãi hơn và lớn hơn một chút, anh em đã khởi công ngôi Nhà Thờ chênh vênh này ngay bên sườn dốc sông Cầu.
Tôi trở về thành phố Sàigòn ngay sau chuyến đi và thấy những nhộn nhịp nơi một thành phố đông dân, náo nhiệt. Buổi chiều tối đi giảng Mùa Vọng ở các Giáo xứ, thấy người ta đã giăng đèn kết hoa, lễ chiều tan về đi dưới những hàng đèn sáng rực đủ màu đủ kiểu, chẳng ai nghĩ là đất nước này đang đi vào thời kỳ khó khăn mọi mặt, việc tổ chức Lễ Giáng Sinh ở thành phố này cho chúng ta cái cảm giác về sự giàu có, tự do và thịnh vượng của xã hội lẫn tôn giáo. Nhưng những cảm nhận của tôi về chuyến đi vừa qua đã không bị che lấp vì những chuyện bên ngoài ấy.
Có một chút gì đó não nùng trong lòng khi chứng kiến các hình ảnh trái ngược nhau của một xã hội con người, một Giáo Hội con người! Chuyến bay nhanh chóng trong vòng vài tiếng đồng hồ càng làm cho nỗi lòng day dứt nhiều hơn. Có một biên giới trong lòng mình mà bên kia giải phân cách hai con người, hai nếp sống hai chọn lựa có vẻ không liên quan gì với nhau.
Được biết ở một Giáo Phận nọ trên đất nước này, vị Giám Mục Giáo Phận vừa trao đổi với các Dòng Tu trong Giáo Phận thực hiện một Lễ Giáng Sinh theo hướng truyền giáo, các Nhà Dòng mở cửa tổ chức lễ hội cho mọi người nhất là người ngoại giáo, ngài đề nghị có quà và có bữa cơm cho người nghèo. Bao giờ người Kitô hữu ở Sàigòn này quyết định mang lễ hội Giáng Sinh về những miền xa xăm cho người nghèo và người ngoại được hưởng.
 Có một lời trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng do Đức Giáo Tông Phanxicô gởi đến cho mọi người (số 2):
Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ.
Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là một mối nguy cho cả người tín hữu (…)
Đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô Phục Sinh.”
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 7.12.2018
(Tựa đề lấy từ lời trong bài
"Bên cầu biên giới" của Phạm Duy)

Thursday, 6 December 2018

DỌN ĐƯỜNG.
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

Có một câu chuyện đuợc kể lại như sau: Vào một buổi học Giáo Lý trong Mùa Vọng, trong khi ông thầy đang giải thích ý nghĩa Mầu Nhiệm Nhập thể, thì có một anh Giáo lý viên đã hỏi: “Thưa Thầy, giả như Đức Giêsu không nhập thể, không chết và không sống lại thì Thiên Chúa có đường lối nào khác để bộc lộ và ban ơn cứu độ cho con người hay không? Vẫn biết câu hỏi chỉ là một sự giả định, nhưng nội dung của câu hỏi cũng khiến cho chúng ta cần suy nghĩ. Với quyền năng vô biên của Thiên Chúa thì Ngài làm gì chẳng được, nhất là làm sao Ngài có thể từ chối việc ban ân huệ và chuộc tội cho chúng ta! Nhưng thực hiện kỳ công như thế mà không cho chúng ta thấy hay cảm nhận được thì nào có ích gì! Do đó, việc mang lấy thân phận con người là một việc cần thiết. Đã là người thì cần có cha có mẹ, anh em họ hàng, bà con láng giềng… Tất cả các điều đó nói lên lịch sử tính của người đó. 

Việc Thiên Chúa can thiệp được thể hiện trong lòng người và giữa dòng đời. Đức Giê-su là một nhận vật lịch sử. Ngay cả sử gia người Do Thái Josephus đã phải ghi nhận về sự xuất hiện của Người. Nhưng còn hơn thế nữa, công trình cứu độ và giải thoát ấy được Thiên Chúa ra tay hiện thực và trao ban cho dân Người, với sự cộng tác của mọi loài, mọi vật, y như trong biến cố xuất hành đưa dân Chúa giải thoát khỏi Ai Cập.Ngài đã ra tay gạt bỏ mọi chướng ngại, khó khăn để hoàn thành ý định Ngài.

Trong cùng một ý tưởng đó, bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu và trình bầy cho chúng ta biết về sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã được sinh ra trong gia đình của ông bà Da-ca-ria a và Ê-li-sa-bét. Lời của Thiên Chúa đã đến với ông vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế,“ 

Các chi tiết này làm nổi bật lịch sử tính của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã xuất hiện trong lịch sử. Ông được kêu gọi và thực hiện sứ mạng ngay trong môi trường sinh sống của ông. Ơn gọi và sự trưởng thành trong sứ mạng của ông đưọc xuất phát nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngày hôm nay, những người theo truyền thống Kitô giáo xưng tụng ông là Thánh nhân. Từ nguyên thuỷ, ông là người Do Thái, là ngôn sứ, thuộc dòng giống Hebrew chính hiệu. Sứ mạng của ông là tiền thân của Đấng Cứu Thế. Lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã ứng nghiệm trên sứ mạng của ông là “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. 

Và bối cảnh mà Gio-an nhận sứ mạng là hoang địa. Hoang địa hay sa mạc là nơi mà dân Do Thái đã trải qua các cuộc thử thách. Chính tại nơi đó họ cảm nhận đuợc tình thương của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Áp dụng vào hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta, tôi nhận ra một điều là chỉ ở trong hoang địa chúng ta mới được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán để lắng nghe Lời Chúa. Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Người. Và đây là bài học thứ nhất: Hãy trút bỏ mặt nạ, sống thật với chính mình, không giả hình, không gian dối để được nên một với Chúa và dễ dàng tiếp cận nhau hơn.

Nhìn lại việc Thiên Chúa gọi Gioan Tẩy Giả khiến chúng ta nhớ lại ơn gọi của mình. Sáng kiến bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài đi bước trước, đến trong hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Ngài không xuất hiện từ xa nhưng hiện diện ngay trong môi trường chúng ta sống, đến trong hoàn cảnh của từng người, không phân biệt lương hay giáo. Như Gio-an, chúng ta hãy mở lòng ra để đón nhận. Bằng một công thức rất trang trọng, Thánh Luca đã giới thiệu sứ mạng của Gio-an được xuất phát và thúc đẩy bằng Lời Thiên Chúa. Và chúng ta đã đuợc gọi bởi Lời Chúa, thì để hoàn thành sứ mạng chúng ta cũng cần đuợc nuôi duỡng bằng Lời để phục vụ Lời, như Đức Giê-su đến để loan báo Lời Thiên Chúa và phục vụ Thiên Chúa vậy!

Lời Thiên Chúa đã đến với Gio-an trong hoang địa. Ông đã tuân phục Lời Thiên Chúa, ra đi công bố và kêu gọi dân chúng “hãy dọn sẵn con đường của Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi…. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả là “mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Ngài đã thẳng thắn và nhìn nhận rằng bản thân của Ngài không phải là Đấng Cứu Thế, người mà Thiên Chúa đã hứa. Lời chứng của Ngài còn vang vọng như sau “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi. Tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người.” Nhiệm vụ của Ngài là tiếng hô dọn đuờng theo cách thức mà Thiên Chúa muốn Ngài thực hiện. Gio-an Tẩy Giả mời gọi mọi ngươì ăn năn và sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ đuợc ban phát cho họ. Ngài đến để làm chứng cho sự thật và vì sự thật mà Ngài đã phải trả giá theo đúng số phận dành cho các bậc ngôn sứ. 

Sứ điệp và sứ mạng của Thánh Gio-an Tẩy Giả được trình bầy vào Chúa nhật thứ hai và thứ ba trong các Mùa Vọng như một lời nhắc nhở chúng ta về sứ mạng của mình. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh là hãy ăn năn, hãy dọn đuờng để chào đón Chúa Cứu Thế và tin vào Người. 

Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta đuợc gửi đến những nơi khác nhau, tìm gặp những ai chưa tin, mời gọi họ nhận ra ân huệ của Thiên Chúa đang hoạt động nơi họ, và sau cùng là chào đón Đấng Cứu Thế. Muốn hoàn thành sứ mạng này, chúng ta phải ra đi làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Con người của xã hôi hôm nay yêu chuộng nhân chứng hơn là lời nói xuông. Chúng ta loan báo điều chúng ta tin và niềm tin của chúng ta được phát sinh từ các trải nghiệm trong cuộc sống. Làm chứng bằng chính cuộc sống mình bao giờ cũng đem đến hậu quả bền vững hơn. 

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng năm nay, với gương sáng và việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ đuợc kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Hơn thế nữa, đây là cơ hội để chúng ta đào sâu và làm sáng tỏ ơn gọi đuợc xuất phát từ Lời Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi ta đến để phục vụ Lời. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Tại vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Nhiệm vụ tuy cao cả và nặng nề. Tuy nhiên, Đấng Cứu Thế đã đi trước để dọn đuờng. Người đã hoàn thành sứ mạng này. Vì thế, trong Mùa Vọng này, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy buớc vào con đuờng của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen. 

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
Kogarah 12/2018


Monday, 3 December 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : "CÒN GÌ NỮA ĐÂU MÀ BẢO NHAU ĐỢI CHỜ?"


Ngày 20 tháng 11 vừa qua, khắp nơi mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Nhưng mở Wikipedia mới thấy UNESCO đã có Ngày Nhà Giáo Quốc Tế từ lâu, hàng năm tổ chức vào ngày 5 tháng 10, vậy Việt Nam ta bày đặt ra thêm một ngày mừng Lễ nữa thì thực chất có thêm được sự trân trọng biết ơn nào đối với nhà giáo cùng mình hay không?
 
Trong dịp mừng Ngày Nhà Giáo 20 tháng 11 năm nay, trên mạng xã hội người ta nhắc đến nhà giáo Đinh Đăng Định, một thầy giáo lên tiếng về vụ Bauxit Tây Nguyên bị bắt, bỏ tù và qua đời khi vừa được phóng thích ít ngày do bệnh quá nặng, Bệnh Viện 30 tháng 4 đã cắt bỏ khối u ung thư trong bao tử của ông, ông qua đời ít lâu sau cuộc đại phẫu đó. 

Ông là giáo viên môn Hóa Học, vì thế với kiến thức chuyên ngành, ông lên tiếng phản đối dự án Bauxit Tây Nguyên, ông phân tích những bất lợi thậm chí gây hại cho xã hội. Dự án Bauxit Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng nên ông bị cho là chống đối Đảng và Nhà Nước, ông bị kêu án, cầm tù và chỉ được trả về với một thân xác suy kiệt, ít ngày sau ông qua đời. Tôi là người được gặp ông trong thời gian sau cùng của cuộc đời, lần đầu tiên trong Bệnh Viện 30 tháng 4 của ngành CA, người ta ngăn cản không cho gặp, tôi chỉ đứng ngoài cửa nhìn qua kính thấy ông co ro trên giường, bà được ra gặp tôi ít phút dưới sự giám sát và quay phim của 6 nhân viên an ninh, những lần gặp sau là khi ông tạm trú ở Sàigòn để điều trị tại Bệnh Viện Ung Bướu, Sàigòn. 

Một nhà giáo tâm huyết, một nhà trí thức tha thiết với dân tộc, một người chân thành lên tiếng về sự thật đã bị đối xử như vậy đó. Bây giờ thì cái gì từ dự án Bauxit Tây Nguyên chúng ta đã biết một phần rồi và sẽ là thảm họa cho tương lai không xa.

Mấy ngày nay cơn bão Usagi, bão số 9, quét ngang thành phố, khắp các tuyến đường đô thị Sàigòn ngập lụt thê thảm. Không chỉ là bão, ngay một cơn mưa khá lớn đổ xuống thành phố này thôi cũng đủ làm ngập lụt khắp nơi. Vì đâu xảy ra như vậy? Như trường hợp ông Đinh Đăng Định, người ta phớt lờ và loại bỏ ý kiến của các nhà khoa học.

Một trong các nhà khoa học Quy Hoạch Đô Thị nổi tiếng là Kiến Trúc Sư lão thành Ngô Viết Thụ đã cảnh báo hướng phát triển thành phố không thể theo hướng Nam và Đông Nam. Các tài liệu nghiên cứu quốc tế mà chế độ Việt Nam Công Hòa để lại cũng rất chú ý điều này, họ chỉ ra rằng hướng phát triển hợp lý nhất là hướng Bắc và Tây Bắc, xa lộ Biên Hòa là công trình đứng nhất Đông Nam Á thời đó đã minh chứng cho hướng phát triển được chọn. Vậy mà vùng trũng chứa nước ở Nam và Đông Nam Sàigòn đã bị san lấp làm khu dân cư, thương mại, hậu quả hôm nay nhãn tiền. Vẫn là bất chấp lời can gian của các nhà khoa học, bỏ ngoài tai lời kêu than của dân, họ cứ liều lĩnh làm chuyện họ nghĩ, miễn là có tiền tỷ đôla bỏ túi. Bán đảo Thủ Thiêm sẽ thêm một minh chứng về kế sách tham nhũng này.

Cũng trên mạng mấy ngày nay, người ta chia sẻ bản đồ ô nhiễm khí hậu của Việt Nam, các mây mù màu đỏ diễn tả sự ô nhiễm lan rộng khắp nơi từ Bắc chí Nam. Những nơi có các nhà máy nhiệt điện theo công nghệ lạc hậu của Tàu, những nơi có nhà máy công nghiệp của Tàu là những nơi ô nhiễm nặng nhất, vì thế số người nhiễm ung thư ngày một tăng, số người chết vì ung thư ngày một nhiều.

43 năm rồi cho Miền Nam này, 64 năm rồi cho nhân dân Miền Bắc. Người ta cứ bảo chúng ta chờ, cứ nhắc chúng ta kiên nhẫn đợi, chờ và đợi một ngày hóa rồng, nhưng chờ mãi, đợi hoài chỉ thấy sự tan hoang, chỉ thấy bị phá sản mọi mặt. Nỗi thất vọng lan tỏa trên mọi phương diện, nguy cơ mất nước không đâu xa, lại thêm người dân mình tự giết mình, tự đầu độc mình, tự mình đưa tay xóa sổ đời.

"Còn gì nữa đâu mà bảo nhau đợi chờ?"

Lm. VĨNH SANG, DCCT
Tựa đề lấy từ lời bài "Hối tiếc" của Trầm Tử Thiêng