Thursday, 31 August 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: ĐÂU LÀ CÁC YẾU TỐ CẤU TẠO NÊN NGƯỜI MÔN ĐỆ?




Sau lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô. Đức Giêsu xác nhận đó là hồng ân đuợc mạc khải bởi Thiên Chúa. Theo sau, đó là việc Đức Giêsu bổ nhiệm và trao năng quyền cho Phêrô. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi đuợc Chúa cho biết là Người phải đi lên Giêrusalem để chịu đau khổ và bị giết thì Phêrô lại ngăn cản. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Ông nghĩ rằng Thầy là Chúa, và ông vừa đuợc Thầy tấn phong để làm ‘boss’ thay mặt Thầy; thế mà Thầy mình bị đau khổ, rồi bị giết chết thì ông và nhóm 12 biết nuơng tựa vào ai đây! Nghe đến đâu lòng ông xốn xang đến đó. Vì thế, ông đã lên tiếng ngăn cản ý định của Thầy. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa, cho nên đã bị Chúa khiển trách “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Như chúng ta đã biết, Phêrô đuợc đặt làm tảng đá nền móng để Chúa xây Hội Thánh của Người. Chúa xây chứ không phải Phêrô, và Hội Thánh là của Chúa chứ không phải của Phêrô. Vì thế, các góc cạnh của tảng đá đó cũng cần đuợc mài dũa để trở thành chỗ dựa cho các thành phần trong Hội Thánh Chúa. Trong tinh thần đó, tôi hình dung ra cảnh Thánh Phêrô, sau khi nghe xong lời khiển trách của Đức Giêsu, Ngài chỉ gãi đầu gãi tai và thưa cùng Chúa rằng: Thầy biết con yêu mến Thầy, con đâu muốn Thầy chịu khổ! Còn Chúa vẫn kiên tâm trong việc huấn luyện khi đã chọn Phêrô làm đá tảng. Thế là hòa cả làng.
Nhận biết và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, truớc tiên là một hồng ân; sau đó mới đến việc bổ nhiệm và trao ban năng quyền. Giống như thánh Phêrô, chúng ta không tự ‘đặt’ hay ‘bon chen, tìm cách để đuợc đặt’ vào vai trò lãnh đạo. Nhưng, đó là sự chọn lựa phát xuất một cách nhưng không bởi hồng ân của Thiên Chúa. Bổn phận của Phêrô và chúng ta, những môn đệ của Chúa là biết sống và lệ thuộc vào Đấng đã chọn và đặt chúng ta vào vị trí đó.
Như Thánh Phêrô, khi tuyên xưng Đức Kitô là Chúa là lúc chúng ta đặt cuộc sống mình duới quyền chỉ huy, quyền sinh sát của vị Chúa tể đó. Có nghĩa là lúc đó chúng ta không còn sống cho mình nữa; nhưng đã chấp nhận lối sống từ bỏ. Bỏ mình, chấp nhận đau khổ, vác Thập giá để theo Thầy… tất cả những điều đó không còn là các điều kiện mà Chúa đòi hỏi các môn đệ; nhưng thật ra chính các yếu tố đó cấu tạo nên cuộc sống của môn đệ. Và một khi chúng ta không thực hành việc bỏ mình, tránh né đau khổ và không sẵn sàng vác Thập giá thì chúng ta không còn là môn đệ chân chính của Chúa nữa.
Đến đây, xin thành thật chia sẻ với anh chị em rằng: Đã nhiều lần, tôi quyết tâm sống cụ thể Lời Chúa: “Từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà đi theo Chúa”, thì giống như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng. Anh đã không dám làm theo điều Chúa yêu cầu, nên đã từ bỏ Chúa mà ra đi trước cái nhìn thương tiếc của Nguời. Các lời khuyên của Tin Mừng mà tôi đã cam kết sống vẫn chất vấn tôi; nhưng trên thực tế, tôi vẫn chưa thực hiện đuợc bao nhiêu. Có thể nói nhiều nhưng việc áp dụng cụ thể bằng hành động thì chưa đến đâu! Vẫn còn tham, còn dính bén, muốn đuợc làm chủ, chưa dám bỏ mình, ai chạm vào ý riêng, cái tôi (super-ego) của mình sẽ thấy ngay hậu quả!… Ai nói về thập giá bằng tôi! Nhưng, chưa hẳn đã dám vác. Giả như có chấp nhận vác thì cũng thật miễn cuỡng, thiếu cộng tác, v.v...
Từ bỏ không phải là bỏ mặc và coi thuờng mạng sống mình, hay là việc áp dụng lối sống khổ chế, ghét mình, coi thuờng thân xác mình như một số người có quan niệm đó là nguồn gốc của sự tội… nên cần phải đánh như kiểu đánh tội ở thủa xưa… Thật ra, từ bỏ chính mình vì yêu. Yêu Chúa không chỉ bằng lời nói hay hành động nhất thời; nó đòi hỏi chúng ta phải trung thành theo Chúa đến tận cùng của con đuờng Thập giá.
Từ bỏ là hy sinh. Hãy nhìn vào guơng sáng của các bậc phụ huynh. Họ làm mọi sự để hỗ trợ cho con cái. Họ không chỉ đưa con đến truờng, nhưng còn tham gia tất cả các sinh họat của nhà truờng như: các trận thể thao, các chương trình âm nhạc, và gây quỹ. Họ tình nguyện phục vụ trong các ủy ban và các hoạt động khác của nhà truờng. Họ tham dự các sinh họat của Hội Phụ Huynh và gặp gỡ Thầy Cô. Nói chung, các bậc làm cha làm mẹ muốn làm mọi thứ để có thể trở thành một phần trong các sinh họat của con họ. Họ làm như thế để nói cho những người con họ nhận biết rằng ba mẹ luôn đứng sau lưng, hỗ trợ cho các sinh họat tại nhà truờng của con. Vì sao! Vì yêu con cái nên họ vui lòng chấp nhận hy sinh.
Đó không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự hy sinh thật cao cả và vĩ đại. Đôi khi, các bậc phụ huynh đã phải làm một chọn lựa thật khó khăn giữa nhu cầu riêng trong cuộc sống cá nhân mà họ muốn làm, và việc tham dự một sinh họat để hỗ trợ con cái.
Không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết tấm lòng của cha mẹ mình. Nếu có thì chỉ là tình yêu và tấm lòng hy sinh của các ngài.
Vẫn biết rằng “từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà đi theo Chúa” cấu tạo nên cuộc sống của người môn đệ. Nhưng tôi nhấn mạnh và đề cao đến tấm lòng của cha mẹ như một lời tri ân, nhân dịp mừng ‘ngày của các người cha (bố)’ hôm nay. Uớc mong, Chúa tiếp tục chúc phúc và hiện diện trong mọi cảnh huống của cuộc đời bố (ba) chúng con, để các ngài mãi mãi là chỗ dựa vững chắc cho người bạn đồng hành và các con cháu của các ngài. Happy Father’s Day.

Wednesday, 30 August 2017

Suy niệm trong linh đạo DCCT: Nung nấu trong lòng nhiệt thành




Sự rèn luyện không ngừng đối với con tim là để chúng ta có thể cởi mở cách tự do hơn nữa đối với người khác.

Ở nguồn gốc của sứ mạng

Con tim không chỉ thúc đẩy sự hiệp nhất sâu xa của đời sống tông đồ. Nó còn là điều kiện của lòng nhiệt thành thừa sai được đổi mới (Tổng Công hội 24, Tài Liệu Cuối Cùng, số 8).

Hai điều này sẽ đứng vững hoặc ngã xuống cùng nhau. Chúa Giêsu đã kinh nghiệm sự nguy hiểm của đau khổ nội tâm tại thời điểm Ngài chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Ngài. Thời điểm mà Thần Khí dẫn Ngài vào hoang địa. Nhưng trong lòng, Chúa Giêsu kinh nghiệm sự choáng váng của quyền lực, sự khô khan nội tâm và sức lôi cuốn của những điều là thánh thiêng, sùng đạo, huyền diệu.

Rồi ở trong lòng Chúa Giêsu đã gặp gỡ thế giới mà Chúa Cha đã gửi Ngài đến, nơi mà Ngôi Lời sẽ bị chối từ và nhạo báng, thế giới được làm bằng những viên đá rắn chắc nhất, bằng những cục đất và những bụi gai cằn cỗi, bằng mặt đất nơi mà mỗi hạt giống sản sinh ra hoặc một trăm, hoặc sáu chục hoặc ba chục hạt (Mt 13, 23).

Lòng nhiệt thành thừa sai phát xuất từ cùng một sự khiêm nhường của trái tim. Trái tim đã đập mạnh trong lồng ngực của những môn đệ trên đường Emmau. Lòng nhiệt thành thừa sai làm cho các tông đồ vui mừng khi họ thấy một Đấng sống lại. Trái tim trải nghiệm niềm vui và bình an trong Thần Khí (Rm 14, 17). Từ trái tim ấy mà mỗi người ra đi rao giảng về một cuộc sống mới mẻ và tươi đẹp là điều có thể. Giáo Hội không là gì cả nếu không có điều này: việc đi vào sự sống lại của Chúa Kitô, và một lòng khao khát tất yếu để kể cho mọi người biết về điều đó.

Rao giảng Tin Mừng được thúc đẩy bởi con tim: nó là điều mà thế giới cần đến. Vì nhiều giá trị tinh thần được xác quyết chắc chắn trong những thế kỷ qua, thậm chí trong thế giới tục hóa: tìm kiếm sự thật, sự nhạy cảm đối với công bằng, tình liên đới, nghĩa vụ đạo đức, sự vi phạm trắng trợn của việc tham nhũng… Biện pháp tạm thời được tìm thấy để giảm nhẹ sự lo lắng và giải quyết những vấn đề có ý nghĩa.

Nhưng nó vẫn tồn tại một thế giới được thỏa mãn với khoái lạc và tước đoạt niềm vui; tràn ngập tình dục nhưng thiếu vắng tình yêu, quen thuộc với kiến thức khoa học nhưng đóng lại với điều huyền nhiệm; nơi mà con người gắn bó với trung tâm của họ nhưng lại nghi ngờ người khác; một thế giới bảo vệ bởi hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, rồi tồn tại một kẻ thù về sự hạnh phúc của bản thân nó; tò mò về mọi thứ xảy ra dưới đôi mắt của nó, nhưng bất lực trong việc hướng đôi mắt đó về quê trời để thấy ở đó có Chúa Cha, Đấng yêu thương và chăm sóc chúng ta.

Đối với nhà thừa sai, một câu hỏi đặt ra một không gian chưa bao giờ rõ ràng hơn, chưa bao bao giờ “riêng tư” hơn: để giúp những người nam và người nữ quản cai thế giới như quà tặng của Thiên Chúa và tương quan với Đấng Ban Tặng trong sự hòa hợp và hòa bình. Hãy nhìn thực tại và quan sát mọi nơi trong Đức Kitô, khởi đầu của một nhân loại đã được sống lại. Đây là một viễn tượng mà chỉ có thể thấy được đối với một người đang yêu. Một viễn tượng chỉ có thể xảy ra khi ở đó có người rao giảng Đức Kitô cho những người chưa bao giờ được nghe nói về Ngài (Rm 10, 14).

Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi
Tin Mừng Luca 6, 43-45:

Hình ảnh của cây: giống như cây, cuộc sống chúng ta ngày nay cho thấy nó là hoa trái của sự tăng trưởng, như là sự diễn tả lịch sử chúng ta, như là sự tổng hợp của nhiều chọn lựa – những chọn lựa đúng và những lựa chọn sai – mà cuộc sống chúng ta đã ghi dấu. Một điều chắc chắn là giá trị được tăng lên. Giá trị ngày nay là những hoa trái. Nhưng chỉ có hoa trái nếu có lòng trắc ẩn. Nói cách khác, nếu chúng ta có thể đọc lại lịch sử chúng ta trong ánh sáng của lòng xót thương mà Chúa đã tỏ cho chúng ta, chúng ta sẽ biết làm thế nào để mang đến cho người khác với cùng một hoa trái này. Trong Chúa Kitô điều này là có thể: bởi chúng ta biết chúng ta được tha thứ cách vô điều kiện. Qua Ngài chúng ta được gắn (Rm 11,20) vào cây có trái tốt… cây ấy chính là cây thập giá.
Một tình cảm chân thành là điều kiện đầu tiên của sứ mạng. Nếu lòng thương xót thấm nhập và chữa lành cuộc sống tôi, khi ấy lời sẽ nở hoa trên đôi môi tôi cũng sẽ ngọt ngào như trái vả và thơm ngát như quả nho (câu 44), những hoa trái tiêu biểu cho miền đất của Thiên Chúa. Có thể tiếp tục con đường của lòng thương xót và vươn tới những người khác và chữa lành họ. Một trong những quy tắc căn bản, mà thánh Anphongso khuyên người rao giảng, sẽ phải nhận thức rằng: chỉ có con tim mới có thể nói với con tim mà thôi.

Từ truyền thống Dòng Chúa Cứu Thế
Ngay từ khởi đầu, việc rao giảng của Dòng Chúa Cứu Thế được ghi dấu bởi niềm tín thác vào một Thiên Chúa – Đấng yêu thương và tha thứ. Có thời điểm khi những con người nhất quyết muốn hoán cải người khác bằng cách đe đọa lửa đời đời, Cha thánh Anphongsô nhấn mạnh rằng “sự hoán cải xảy ra chỉ vì nỗi khiếp sợ sự trừng phạt thiêng liêng thì sự hoán cải ấy kéo dài không lâu, và nếu tình yêu thánh thiêng của Chúa không thấm nhập vào cõi lòng, tội nhân sẽ chỉ kiên nhẫn với sự khó khăn”. Hơn một lần chúng ta – những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế – đã quên tính ưu việt này của trái tim. Trong một vài thế kỉ gần đây, chúng ta đã từng được nhìn như những người rao giảng nỗi sợ hãi cho người khác.

Tuy nhiên, ngày nay, một câu hỏi còn tồn tại là: chúng ta phải hành động thế nào để những người nghèo và những người bị bỏ rơi có thể thực sự kinh nghiệm tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống họ, trên hết tất cả bằng cách học cầu nguyện và lãnh nhận lời Chúa? Để tái khám phá lời ghi chép bình dân, để quay lại với cách nói đơn giản của Chúa Giêsu Kitô và để trình bày những gì Ngài phải làm với cuộc đời: đây thực sự là một phần quan trọng sứ mạng của chúng ta ngày nay.

Nhưng con tim đổi mới cũng nằm tại nguồn gốc của năng động thừa sai, của sự nhiệt tâm mà trong nhiều vùng của thế giới ngay cả hôm nay gợi lại sự có mặt của DCCT, nơi mà những thánh giá và những công trình bất hủ khác được dựng nên để tưởng nhớ sứ mạng thừa sai đến với mọi người.

Tổng Công hội năm 2003 đã chứng tỏ sự nhiệt tâm này với chủ đề lục niên: “ mang đến cuộc sống Ơn Cứu Chuộc chan chứa”. Chúng tôi có thể trích dẫn nhiều mẫu gương, nhưng ở đây chúng tôi muốn suy niệm về một vài điều xảy ra một ngày nọ với chân phúcP. Donders: một tình tiết đắng cay dù là tình tiết đó chẳng vui vẻ gì.

Chúng ta đang ở trong năm 1883. Giám mục Schaap viếng thăm thuộc địa người phong cùi ở Batavia, nơi mà người anh em chúng ta đã sống trong nhiều năm và tiêu hao sức lực của ngài. Một vài người đại diện muốn nói riêng với giám mục, nhưng ngài không thể hiểu ngôn ngữ của họ, thứ tiếng Anh “bồi” – thổ dân. Họ cần một thông dịch viên. Chỉ một người có thể làm được là cha Donders.

Nhưng ngài phải thông dịch về chính ngài…thật là một tôi tớ vô dụng. Những người đại diện phàn nàn với giám mục rằng cha Peter đã già rồi, rằng họ không còn hiểu khi ngài rao giảng, rằng ngài luôn luôn lặp lại một số điều tương tự. Thực ra, họ đang quay lưng lại với chính nhà thừa sai, bởi cha Donders thường phê bình họ cách công khai về việc họ làm. Không đếm xỉa đến cha Donders, giám mục đã yêu cầu cha Donders quay trở về Paramaribo.

Thánh Giêrađô cũng là một mẫu gương sáng chói về một cuộc đời không tính toán cho riêng mình: chỉ cần nhớ lại mùa đông khủng khiếp năm 1754 tại Materdomini, và tiếp đến là nạn đói kém xảy ra và mang đến nhiều nỗi đau đớn cho dân chúng. Giêrađô đã mang bánh và Lời đến cho những người cùng khổ tập trung tại sảnh đường DCCT, và với sự rộng lượng như thế đã mang lại cho ngài một biệt danh “bạn của người nghèo”.

Hiến Pháp ngày nay
Hiến Pháp xem sự hòa hợp lẫn nhau của chúng ta khi được kết nối gần gũi trong tương quan của chúng ta với Chúa Kitô (HP. 23). Hiến Pháp nói về “cuộc sống hằng ngày mô tả bằng sự hoán cải của con tim và cải thiện liên tục của tinh thần” (HP. 41), và về những quyết định ảnh hưởng đến quy mô mà chúng được sinh ra bắt nguồn từ một “tình liên đới huynh đệ trong tâm trí và con tim” (HP. 142).

Mục tiêu đối với tất cả những điều này nhắm tới là sự rèn luyện không ngừng đối với con tim, để chúng ta có thể cởi mở cách tự do hơn nữa đối với người khác. Thêm một lần nữa, đó là ơn gọi tông đồ của chúng ta, phần thưởng đối với những gì chúng ta kiếm tìm, mặc dù nó luôn luôn chuyển động.
Cách thức trong đó Hiến Pháp chúng ta nhìn một cộng đoàn tông đồ có thể dường như đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ đối với chúng ta, và thường xa cách khỏi lối sống quen thuộc của chúng ta. Nhưng mới đây, Đức cố Gioan Phaolô II nói rằng: “toàn bộ sự giàu có của đời thánh hiến phụ thuộc chất lượng đời sống cộng đoàn huynh đệ”. Và Communicanda 11 (1988), với tiêu đề của nó, đã khởi đầu với thách đố: “Cộng đoàn tông đồ Dòng Chúa Cứu Thế: chính là lời rao giảng ngôn sứ và giải phóng của Tin Mừng”. Và nó nhắc nhở chúng ta rằng sứ mạng Dòng Chúa Cứu Thế không đơn giản như một danh sách những việc phải làm. Rao giảng Tin mừng thực sự bằng việc hiện diện,bằng khả năng tạo nên mối tương quan anh em thực sự.

Đối với Anphongsô, sứ mạng đầu tiên bắt nguồn từ cộng đoàn được hiểu theo cách thông thường. Một cộng đoàn bày tỏ chính nó như lời đáp trả Tin Mừng đối với những người bị bỏ rơi nhất, và trong ý định của lẽ sống tông đồ, cộng đoàn tổ chức mọi thứ: cấu trúc, nội quy ngày sống, quản trị, đào tạo. Được thôi thúc bởi lòng khoan dung, cộng đoàn trở thành một nơi chào đón tất cả những người cần sự đón tiếp, bắt đầu với những người đã được đi đến bởi sứ mạng Dòng Chúa Cứu Thế, và tiếp tục với những cuộc tĩnh tâm và đào tạo cho các giáo sĩ và tầng lớp quý tộc, và với các công việc mục vụ trong các giáo xứ tại các nhà thờ của Dòng.

Ngày nay, càng ngày chúng ta càng trở nên nhận thức rằng, trong một thế giới được để ý bởi chủ nghĩa cá nhân, các cộng đoàn tu có thể trở nên một dấu chỉ triệu tập những người thiện chí, bắt đầu với những người trẻ. Nhưng dấu chỉ này sẽ trở nên một dấu chỉ sáng chói nếu chúng ta luôn luôn giữ những chuẩn mực đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ của đức ái hoàn hảo. Và nếu, nhận thấy sự mỏng manh của chúng ta, chúng ta tạo ra và chú ý tới những điều kiện bên dưới mà con người thực sự phát triển, và với năng động thừa sai. 
Học viện Thánh Anphongsô (theo cssr.news)

Tuesday, 29 August 2017

Lm Lê Quang Uy DCCT : ĐỐI VỚI TỪNG NGƯỜI TRONG ANH EM, THẦY LÀ AI VẬY ?




Chắc chắn Thầy Giêsu không muốn chúng ta trả lời một cách máy móc, chỉ dựa trên kiến thức sách vở đã được học thuộc lòng, nhưng Ngài chờ đợi chúng ta trả lời chân thành bằng một mối tương quan có thật của mỗi người chúng ta với chính Ngài, đã từng trải và nghiệm đúng qua những sự kiện và biến cố đời mình. Nhiều bạn, kể người đạo gốc, hay tân tòng, hay mới chỉ là dự tòng, đã trả lời thật xúc động thấm thía…
Trong nhiều dịp giúp Tĩnh Tâm cho nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn, chúng tôi đã nhận được những lời bộc bạch xác tín của nhiều anh chị em. Xin vắn tắt ghi lại như những chứng từ sống động...
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, mồ côi cha từ nhỏ, dượng ghẻ đày đọa mẹ con và căm ghét con, con dần dần khám phá Thầy chính là một Người Cha thật sự của con, đã lo liệu bù đắp tất cả cho con…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, đến khi lên đại học, thì con nhận ra Thầy chính là Người Thầy Giáo ân cần tận tụy, chân tình yêu thương sửa dạy con sau biết bao nhiêu lỗi lầm sai trái con đã trót phạm…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, sau cơn hôn mê, con phải nằm liệt giường suốt mấy tháng liền, và rồi con đã cảm nhận được Thầy chính là vị Thầy Thuốc đã cứu sống và chữa lành con, cả xác lẫn hồn…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, với kinh nghiệm thương đau bị bạn bè thân tín phản bội, con đã nhận ra chính Thầy mới là Người Bạn đáng tin cậy nhất, sẵn sàng đi bên cạnh con trên mọi nẻo đường đời…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, sau mấy lần đổ vỡ tình cảm, bị dồn ép đến nỗi phạm vào tội phá thai, con đã tuyệt vọng và định tự tử, Thầy đã như một Người Yêu đến kịp thời cứu vớt con, cưu mang con, bao dung tha thứ tất cả quá khứ buồn đau và dại dột của con…”
“Lạy Thầy Giêsu, đối với riêng con, sau tai nạn cướp đi đôi mắt, con đã chán nản buông xuôi, oán trách số phận oan nghiệt, thậm chí con đã nghĩ đến chuyện tự tử, cho đến khi con bất ngờ được mời tham dự một cuộc hành hương dành cho người khuyết tật, con nhận ra chính Thầy đang cầm tay dắt con đi, Thầy thật sự là ánh sáng cho đời con…”
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT

Monday, 28 August 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : CHUYỆN XƯA CHUYỆN NAY




Thứ tư tuần XX mùa Thường Niên, Hội Thánh cho chúng ta nghe bài đọc trích trong sách Thủ Lãnh ( Tl 9, 6-15 ).
Bấy giờ tất cả thân hào Sikhem cùng toàn dân Bết Milô họp lại, kéo đến tôn Avimeléc lên làm vua, bên cạnh cây sồi trước bia đá ở Sikhem.

 Ngụ ngôn của ông Giôtham

Khi người ta báo tin ấy cho ông Giôtham, ông liền lên đứng trên đỉnh núi Gơridim, cất tiếng gọi và nói với những người kia rằng:
"Hỡi các thân hào Sikhem ! Hãy nghe tôi đây, thì Thiên Chúa cũng sẽ nghe các người.
Cây cối đã lên đường đi xức dầu phong một vua cai trị chúng. Chúng nói với cây ôliu: "Hãy làm vua cai trị chúng tôi !"
Nhưng cây ôliu nói với chúng: "Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ dầu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời được tôn trọng, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao ?"
Cây cối liền nói với cây vả: "Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi ! Nhưng cây vả bảo chúng: "Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ vị ngọt và trái ngon của tôi mà đi đu đưa trên cây cối hay sao ?"
Bấy giờ cây cối nói với cây nho: "Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi !"
Nhưng cây nho bảo chúng: "Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ rượu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời phấn khởi, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao ?"
Tất cả cây cối liền nói với bụi gai: "Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi !"
Bụi gai trả lời cây cối: "Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Libăng !
Câu chuyện nghe có phần đau đớn.
Abimelec là một vị vua độc ác, ông ta đã dùng thủ đoạn để cướp lấy quyền bính bằng cách tiêu diệt 70 người anh em trong hoàng tộc của ông. Cùng với ông, một hệ thống quan lại kiêu căng, chà đạp người khác. Dụ ngôn "Xin một ông vua" là dụ ngôn "phản đế" mà các Ngôn Sứ đã dùng để nói về một chế độ, một vương quyền rữa nát và dối gian. Cái buồn là dân chúng cam chịu và chấp  nhận cho đế chế ấy tồn tại và núp dưới bóng của nó mà sống không ra sống, chết không ra chết.
Những năm tháng gần đây, những bê bối khủng khiếp về kinh tế, môi trường, ngoại giao, giáo dục… bị phát hiện và phổ biến trên các trang mạng, những con số thống kê đầy kinh hoàng về an sinh xã hội không thể tiếp tục bưng bít. Gần đây, sự kiện “thuốc chữa bệnh ung thư giả” nhập khẩu và bán trong các bệnh viện đã bộc lộ sự dã man và tán tận lương tâm của những kẻ chủ mưu cũng như hàng cán bộ có trách nhiệm quản lý xã hội, đặc biệt ngành Y Tế.
Nhưng vẫn còn đó nhiều loại cây cối đến quỵ lụy tôn đám gai góc lên làm vua và tiếp tục làm vua của mình, rồi xoa tay phát biểu là đang… phát triển ổn định mọi mặt !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 25.8.2017