Tết đã đến gần, hôm nay là ngày 28 tháng Chạp, không gian
thành phố thay đổi mỗi ngày một cách rõ rệt, người đã thưa hơn, không còn cảnh
kẹt xe ở các ngả đường, người ta tập trung ở các khu chợ và siêu thị để mua
sắm, cả ngày bận rộn dọn dẹp, thỉnh thoảng tiếp vội vàng khách đến thăm chào để
về quê…
Thị
trường ngày Tết luôn có những bất ngờ, bất ngờ ở nhiều phương diện, ngoài những
chương trình có quy hoạch và đầu tư, thương trường hàng Tết, nhất là lãnh vực
bình dân thường bỏ ngỏ, mặc cho số phận rủi may. Ngươi nông dân bỏ công sức
tiền bạc ra chuẩn bị hàng Tết thường không có gì bảo đảm cho việc thu hoạch gỡ
vốn hoặc kiếm lời. Cơn mưa bất chợt chiều hôm qua 27 Tết đổ ập xuống thành phố
làm nhiều người ngồi khóc, cảnh nước ngập hoa trôi lềnh bềnh nhìn sao đau xót,
nhưng tiếng khóc đó, những giọt nước mắt đó là những tiếng khóc do rủi may thời
tiết, “Trời cho ai người đó hưởng, bắt ai người đó chịu”. Nhưng có những giọt
nước mắt của uất hận, của tiếng thét nghẹn trong cổ họng những người nghèo khổ,
quanh năm chăm chỉ bên luống hoa, chậu kiểng, có được ít bông hoa, một ít lá
dong gói bánh, mang lên Sàigòn bán Tết, vật vã bên lề đường bị nhóm trật tự và
dân phòng ruồng bắt. Họ bắt, phá, ném tung những chậu hoa, những bó lá không
thương tiếc !
Trật tự đô thị là điều cần thiết, nhưng xưa nay rồi,
người dân đã sống và quen sống với lối buôn bán nhỏ tự phát rồi, nó thành “chợ
truyền thống” mỗi năm cứ xuân về, nay muốn thay đổi và phải thay đổi thì cũng cần
có “quy trình”, có hướng dẫn chứ ! Phá tan đất nước cũng có… "quy trình"
mà sao cái điều này lại không có quy trình ? Nếu thật sự họ vì dân vì nước, họ
không thể coi thường và tán tận lương tâm với người nghèo như vậy. Nhu cầu chơi
hoa, nhu cầu lá gói bánh… từ ngàn đời đã có, không phải là chuyện bộc phát tạm
thời. Đường hoa chỉ dành cho những kẻ thừa tiền, khách mua cũng như kẻ bán rủng
rỉnh tiền triệu, còn dân thường kẻ bán người mua tìm đến các lề đường bình dân,
chỉ vài chục, vài trăm ngàn là quá đủ vui xuân.
Năm
nào cũng vậy, người nghèo buôn bán từ quê lên mặt mũi ngơ ngác, quần áo lếch
thếch, chiều ba mươi đắt díu nhau về quê, hẹn mùa "đánh bạc” sang năm.
Hình ảnh không khác nhau, có phần thế thảm hơn nơi các miền rừng núi và biển của
miền Trung. Hơn mười tháng rồi biển chết, ba tháng rồi những cơn lũ cuốn trôi
làng mạc, nhà cửa, sách đèn… Dọc xương sống Trường Sơn bị nhận chìm trong thất
nghiệp đói khổ. Chiều nay hai chị em người Hà Tĩnh, chị là nữ tu, em là sinh
viên đang theo học ở thành phố đến thăm và chúc Tết tôi, họ nói Tết này họ
không về, tôi hiểu lý do và không dám hỏi, chắc tôi không hiểu sai.
Sau năm 75, khi bị lấy mất Tu Viện DCCT ở Thủ Đức, họ trả
tôi về địa phương quản lý, đói và khổ, tôi thuê một chiếc xe xích-lô của hãng
Việt Nam gần Sinco để đạp kiếm tiền sống, tiền thế chân lúc đó là 20 đồng.
Những khi vô ý đứng đón khách ở những nơi thuộc đặc quyền đặc lợi, bến bãi, tôi
bị nhóm “cờ đỏ – 30 tháng 4” bắt đánh, có lúc bị giam xe cả ngày, không đạp xe
không có tiền nhưng vẫn phải nộp tiền thuê xe, ôi những buổi tối não nề, bụng
đói, mua ổ bánh mì không ngồi ăn và uống nước lã cho no, ngày mai vẫn phải dắt
xe ra đi làm. Hơn 40 năm rồi, nhìn hình ảnh nhừng người dân nghèo bị đuổi, bị
bắt, bị tịch thu hàng hóa bị phá tan tành hoa kiểng, ôi sao đau xót quá. Ngày
ấy còn nói là vừa "giải phóng" xong có bao nhiêu khó khăn, các "thế
lực thù địch" chống phá, thế mà bây giờ hơn 40 năm rồi người dân nghèo vẫn
khổ, vẫn như vậy và còn tệ hơn vì bao nhiêu chất độc tràn lan.
Ngày
Mồng Ba Tết, ngày cầu nguyện cho công ăn việc làm, Ca Nhập lễ có lời Thánh Vịnh:
"Bốn mùa Chúa
đổ hồng ân,
Ngài gieo màu mỡ
ngập tràn lối đi…"
Chúa
gieo màu mỡ thật nhưng người ta lại phá tan hết những màu mỡ quý giá ấy rồi,
hồng ân Chúa đổ xuống thật, nhưng người ta đầu độc tất cả mất rồi. Bây giờ chỉ
còn đau khổ, chết chóc, buồn thảm và trống rỗng.
Chúa
không chịu thua, Chúa không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng ai sẽ để cho Chúa
dùng để thực hiện cuộc gieo trồng này ? Đừng im lặng nữa…
Lm. VĨNH SANG,
DCCT, 26.1.2017