Tuesday, 29 March 2016

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR Úc: TÌNH THƯƠNG LÀ SỨC MẠNH ĐỂ CANH TÂN VÀ ĐỔI MỚI





Tin Mừng thánh Gioan đoạn 11 câu 1-45 chúng ta vừa nghe hôm nay trình bầy cho chúng ta thấy một vụ kiện tụng rất hy hữu.

Các nhân vật trong vụ án gồm có:
Tội nhân: người đàn bà phạm tội ngoại tình.
Công tố viện: các luật sĩ và biệt phái.
Người xử án: Đức Giêsu.

Theo trình thuật thì tội của người đàn bà này là ngoại tình. Không ai ngoại tình một mình. Ngoại tình là ngoại tình với ai; và nhân vật mà chị ta đã ngoại tình với hiện đang ở đâu? Trường hơp ngoại tình mà còn bị bắt quả tang thật là hiếm; và nếu đã bị bắt quả tang thì nhân chứng và chồng chị đâu?

Dựa vào nội dung của trình thuật, Thánh sử đã cho chúng ta biết đây chỉ là cái bẫy mà các luật sĩ và những người biệt phái dùng để kiếm cớ bắt tội Đức Giê-su. Nếu Chúa bảo họ tha cho bà ta thì chính Ngài đi ngược lại lề thói và tập tục của tiền nhân và họ có cớ để cáo tội Ngài. Thật ra, theo luật Mai-sen thì cả hai người phạm tội ngoại tình đều bị ném đá; thế mà chỉ mình người phụ nữ bị cáo tội!!!
Việc gài bẫy và dùng quyền uy (dựa trên lề luật) để buộc tội nhau vẫn còn xẩy ra thường xuyên. Dân đen dù có thâm độc đến đâu cũng không dám gài bẫy để buộc tội các đấng bề trên. Bẫy chỉ được gài bởi những kẻ biết rõ về luật.

Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ lại một sự kiện đã xẩy ra khoảng năm 1984-85 tại Sydney. Anh bạn tôi - nay đã là linh mục và đang truyền giáo bên Á Châu - lúc đó mới chân ướt chân ráo từ trại tỵ nạn sang. Nếu không vì hoàn cảnh chung của đất nước thì anh đã được đón nhận thừa tác vụ vào cuối thập niên 1970. Bản chất anh rất thật thà và đơn sơ, vì thế chúng tôi đặt tên cho anh là ‘lão ngoan đồng’.

Một ngày kia anh nhận được cú điện thoại của các đấng bản quyền mời anh ra chia sẻ trong một Thánh Lễ. Anh chưa phải là giáo sĩ nên chưa có năng quyền giảng dậy; vì thế họ mới mời anh ‘chia sẻ’. Tội nghiệp bạn già của tôi; chuẩn bị thật kỹ và hẳn nhiên là cầu nguyện nhiều khi dọn bài chia sẻ; thế mà sau bài chia sẻ anh lại nhận được những lời nói móc.

Sau này, một người trong nhóm của họ cho biết là ‘họ’ chủ đích lập mưu, gài bẫy để hạ uy tín của anh.
Những cái bẫy vẫn còn, các mưu mô của những kẻ có uy quyền và dùng luật để kiểm soát ‘ân huệ’ của Thiên Chúa vẫn hiện diện. Vì thế, cách xử thế của Đức Giê-su trong trình thuật hôm nay nên được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để những kẻ có quyền không ngủ yên trên lề luật mà biết đến với dân chúng bằng lòng thương xót.

Cách hành xử của Đức Giê-su thật tuyệt diệu. Ngài viết trên đất. Chúng ta không nên tìm hiểu xem Ngài đã viết điều gì. Điều này không quan trọng. Hành vi viết trên đất của Đức Giê-su ám chỉ đến sự từ khước tham gia vào cuộc tranh luận với họ.

Thái độ hòa hoãn của Chúa không khiến họ chùn bước. Họ tiến xa hơn và dồn Chúa phải có thái độ.
Từ đầu đến giờ Đức Giêsu chưa nói lời nào. Đến đây trình thuật chuyển sang hướng khác. Bấy giờ Đức Giêsu mới ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (8,7). Họ đã chỉ nhìn đến lề luật và tội lỗi của người đàn bà. Họ tự tin, họ ngạo mạn rồi dương dương tự đắc. Ngược lại, Đức Giêsu nhắc chọ họ biết về thân phận của họ. Ai trong chúng ta lại không có tội. Và nếu đã là tội nhân thì chúng ta đâu được phép lên án cho ai. Tất cả đều cần chạy đến suối ân sủng, nguồn tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa để được tha thứ.

Sau đó, Ngài lại cúi xuống tiếp tục viết, và viết tiếp để cho cho họ có giờ mà suy nghĩ.
Kết quả như sau: các đối thủ của Đức Giêsu chấp nhận lời nhắc nhở thật tế nhị và nhân bản của Ngài. Không một ai dám khẳng định là mình không có tội. Không một ai dám cầm đá mà ném trước cả. Tất cả đã bỏ đi.

Khi Đức Giêsu ngẩng đầu lên, thì chỉ còn lại người phụ nữ đang đứng đó. Cho tới đây, trình thuật hướng sang một khúc rẽ khác, quan trọng và là chủ đề chính mà câu truyện muốn nhắm đến. Những người tự nhận mình là công chính theo lề luật đã bỏ đi. Giờ đây hiện trường chỉ còn lại người đàn bà và Chúa. Ngài lên tiếng ngỏ lời với bà: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (c. 10). Tất cả mọi kẻ tố cáo đã bỏ đi, không ai kết án bà phải chịu ném đá. Đến đây Đức Giêsu mới bầy tỏ cho chị ta thấy lập trường: chính Ngài cũng không kết án bà: “Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (c. 11).

Qua lời tuyên bố trên, Đức Giê-su khẳng định là Ngài có quyền tha tội. Ngài tiếp nhận quyền này từ Thiên Chúa, Cha Ngài. Chúa tỏ mình ra là Đấng có quyền tha tội, an ủi, khuyến khích, phục hồi nhân phẩm cho kẻ có tội – và việc Chúa làm hoàn toàn phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi người.

Tuy Chúa đã tha cho bà, nhưng Ngài cũng cương quyết bài trừ sự tội. Chúa nói: chớ phạm tội nữa. Đối xử từ bi với kẻ có tội không phải là nhân nhượng với sự dữ. Sự dữ trước sau vẫn là sự dữ; và sự dữ sẽ có cơ hội phát triển và bành trướng nếu chúng ta dùng nỗ lực của bản thân để chống lại nó; chỉ diệt trừ được sự dữ bằng sức mạnh, quyền năng yêu thương của Thiên Chúa mà thôi. Đức Giêsu xét xử theo đường lối yêu thương Thiên Chúa. Ngài hành xử theo quyền của Đấng Mesia, Đấng được sai đến để cứu vớt kẻ có tội nhưng kết án sự tội.

Trong mối dây thông hiệp với Chúa Cha, Đức Giê-su biết rõ ‘giờ’ của Ngài đã đến; ‘giờ’ đổ máu ra để nhân loại được tha thứ. Vì thế, qua lối hành xử của Chúa với người đàn bà hôm nay, chúng ta nhận ra Tình yêu từ bi và lòng thương xót của Chúa nóng cháy biết chừng nào.

Ngày nay, Ngài cũng cư xử với mỗi người chúng ta đúng như Ngài đã đối xử với người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên thánh giá, Ngài ban ơn tha thứ cho tất cả cùng được cứu thoát, Ngài tạo nên một dân mới.

Một lần nữa, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào cõi lòng mình, nhìn vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa và đừng để mặc cảm tội lỗi khiến chúng ta xa Chúa. Một khi nhận ra bản thân tội lỗi của mình là lúc chúng ta thấy được Tình Chúa yêu thương chúng ta đến chừng nào. Chính nhờ vào tình thương của Thiên Chúa giúp chúng ta nhận ra rằng, dù cho đến muôn đời chúng ta còn là tội nhân; nhưng không bao giờ chúng ta mất đi niềm hy vọng vào Lòng Thương Xót của Người. Amen
                                                                       

Monday, 28 March 2016

Gs Geza Vermes: Gương mặt đặc biệt của Đức Giêsu ở sách Đệ Nhị Luật và thư Phaolô (Bài 32)



Chương 4
Đức Kitô của ông Phaolô
là Con Thiên-Chúa,
Đấng Cứu-độ loài người nơi vũ-trụ
(bài 32)


Ngoại văn:

Gương mặt đặc-biệt của Đức Giêsu
ở sách Đệ Nhị Luật
và thư Phaolô

Muốn hoàn-tất bức chân-dung Đức Giêsu do ông Paholô phác-hoạ, tưởng cũng nên kể thêm ở đây vài đặc-trưng/đặc-thù rút từ các thư, mà nhiều học-giả kinh-điển cho là “thư giả-hiệu” tưởng là do ông Phaolô viết và/hoặc “ngụy-thư Phaolô”, tức những thư không do ông Phaolô đọc cho thư-ký viết, mà do học-trò hoặc các người thừa-kế lập ra, như: thư Êphêsô, thư Côlôsê và đặc-biệt hơn: thư gửi cộng-đoàn tín-hữu Do-thái.


Đức Kitô,
vị Thượng-tế Tối-cao  

Tác-giả “Thư Do-thái” đã phá bỏ nền-tảng có ở các thư do ông Phaolô lập, bằng một mô-tả Đức Giêsu là Vị Thượng-tế Tối-cao. Ông Phaolô, là người nắm rõ các ảnh-hình về sự hy-sinh/hiến-tế ở Đền Thờ như tế-sát dê/cừu lấy máu loài thú là để mô-tả cái chết được Đức Kitô lĩnh-nhận trên khổ-giá để diễn-trình tính “người” của Ngài.

Lập-trường/tư-tưởng đã được ông Phaolô bộc-lộ ra ngoài, thể theo ảnh-hình về Ađam-đầu-đời và Ađam-Cuối-hết, như mọi người đều biết. Nhưng, theo cách-thế tiềm-ẩn, thì: sự việc ông làm, từng gợi hứng từ việc tổ-phụ Isaác dự-tính hy-sinh chính mình để làm đẹp lòng cha mình là Abraham.

Thư Do-thái, biến Đức Kitô thành Đấng Chủ-quản thần-thiêng/thánh-ái ở trên trời, Ngài được nâng-nhấc trên cả các thượng-tế chốn cao-sang của Do-thái-giáo, vốn bậc tư-tế cao/trọng chuyên hành-lễ tại thánh-cung Giêrusalem. Đức Giêsu được nhiều vị coi Ngài hệt như Melkisêđê, là vị Thượng-tế bí-ẩn thuộc tầm-cỡ vua/quan của Salem như sách Sáng Thế từng đề-cập.

Thượng-tế như thế, còn cao/trọng hơn Abraham do chính ông chúc phúc, nhưng ông lại không do cha mẹ sinh ra hoặc không thuộc giòng-tộc nào hết, như đoạn 7 câu 2-3 đã xác-quyết:

“Trước tiên, tên ông có nghĩa là: Vua công-chính; rồi ông còn là vua Salem, tức: Vua bình-an. Không cha, không mẹ, không họ hàng, khởi-thủy tuổi đời, không mút cùng cuộc sống; ông ví được là Con Thiên-Chúa, nhờ chức tư-tế vĩnh cửu.”

Sách Sáng-thế cũng lặng-thinh không nói gì về gốc-gác/gia-phả của ông; và ông vẫn được coi là tư-tế vĩnh-viễn, suốt một đời.

Do bởi Đức Kitô cao-cả hơn các thượng-tế Do-thái-giáo, nên việc Ngài hy-sinh tế-hiến chính mình Ngài lớn-lao đến độ không ai trong các thượng-tế cử-hành nghi-lễ trên bàn thờ ở Giêrusalem, lại có thể sánh-tày được với Ngài.                

Đức Kitô là Đấng Cứu-chuộc mọi lỗi/tội của con người, nên Ngài tiến-hành mọi thể-thức hy-sinh tế-hiến chuộc tội vào ngày đền-bù, rất cánh-chung. Tác-giả thư Do-thái lại đã lập nên nghi-thức thánh-thiêng gọi là ‘Yom Kipur”/Ngày Xá Tội trong tâm-não khá rõ-ràng khi ông đưa ra nhận-xét có liên-quan đến việc vị thượng-tế bước vào Đền thờ như đoạn 6 câu 19-20, đã có ghi:

“Chúng ta có được niềm hy-vọng tựa như cái neo chắc-chắn bền vững của tâm-hồn, chìm sâu vào trong bức màn cung-thánh. Đó, là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền-phong mở đường cho ta, sau khi trở thành Thượng-Tế đời đời theo phẩm trật Menkixêđê.”

Việc này, ông thực-hiện mỗi năm một lần vào ngày nhất-định. Tác-giả, còn nhấn mạnh rằng: Đức Giêsu là Thượng-Tế Tối-Cao, nên Ngài hy-sinh/hiến-tế chính mình Ngài là để chuộc tội cho toàn-thể nhân-loại, chứ không phải chỉ mỗi người Do-thái-giáo, mà thôi. Và Ngài làm thế, không bằng “máu loài dê/cừu bò/lừa” mà bằng chính máu của Ngài, như đoạn 9 câu 12 sau đây lại ghi rõ:

“Đức Kitô đã đến như Thượng-Tế, Ngài vào cung-thánh không phải với máu dê/cừu bò/lừa, nhưng bằng chính máu mình Ngài chỉ một lần thôi, và lãnh được ơn cứu-chuộc vĩnh-viễn cho chúng ta.”

Lại nữa, việc Ngài hiến-tế/hy-sinh chuộc tội mọi người, đã diễn ra nơi cung-thánh chốn trời cao, không ở đền thờ trần-gian do con người tạo; giống buổi hiến-tế Ngày Xá Tội cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Việc Đức Kitô hy-sinh chính mình Ngài, chỉ diễn ra duy-nhất có một lần một, như đoạn 9 câu 24-25, lại diễn-tả:

“Quả thế, Đức Kitô đã chẳng vào cung-thánh do tay người phàm làm ra, vì cung-thánh ấy chỉ là hình-bóng của cung-thánh đích-thực. Nhưng, Ngài đã vào chính cõi trời để, giờ đây, ra đứng trước mặt Thiên-Chúa chuyển cầu cho chúng ta. Ngài vào đó, không phải để dâng mình làm của lễ rất nhiều lần, như vị thượng-tế mỗi năm đem theo máu của loài nào khác mà vào cung-thánh.” 


Trong khi ý-tưởng về hành-xử cứu-độ vĩnh-viễn rất hiệu-lực, là tư-tưởng đơn-thuần của ông Phaolô, thì: biểu-tượng về Đền thờ được trưng-diễn rất chi-tiết là sản-phẩm tư-riêng của tác-giả thư ở đây. Có vài yếu-tố hiện ra vào thời trước, vẫn tồn-tại ở Do-thái-giáo đã được viết vào buổi giao-thời xen giữa Cựu-Ước và Tân-ước.

Ảnh-hình về vị Giáo-chủ Tối-cao và việc dẫn-nhập một Thượng-Tế Melkisêđê không họ hàng/tông-tích đã được diễn-tả cách song-hành ở Cảo-Bản Biển Chết khi tài-liệu này đề-cập đến Đấng Thiên-Sai của Aaron, hoặc Tư-Tế Thiên-Sai cùng Thượng-tế Melkisêđê-trên-trời là nhân-vật thần-sứ có vai-trò cứu-độ kết-hợp với “Ngày Xá Tội” có đề-cập ở Cảo-Bản Biển Chết đoạn 1QS 9:11; 11QMelch. Có thể là, các chi-tiết có từ đây ra, đã tạo ảnh-hưởng lên tác-giả của thư Do-thái, khi ông viết lên như thế.

Dù Thư Do-thái mang tính trổi-bật về lập-trường văn-chương đến thế đi nữa, ý-tưởng chung của thư này, không để lại dấu vết nào sâu sắc lên lập-trường/tư-tưởng ở Tân-Ước hoặc lên thần-học Đạo Chúa , nói rất chung.

Đạo-lý Hội thánh về đền-bù tội/lỗi vẫn vang-vọng từ nền tư-tưởng thuần-chất của ông Phaolô hơn là văn-phong/thể-loại của người viết nên “Thư Do-thái”.


Những bước dẫn vào việc
Thiên-Chúa-hoá Đức Kitô

Như đã nói, ông Phaolô tự dừng lại và cắt ngắn giòng chảy khiến ông dám tuyên-bố: Đức Giêsu là Thiên-Chúa. Chính vì Ngài trỗi-dậy từ cõi chết, tạo khiến Ngài là người Do-thái-giáo được định-vị, gọi tên và chỉ-định làm Con Thiên-Chúa. Tác-giả ngụy-thư Phaolô đã làm hết sức mình hầu qua mặt ông Phaolô; và nhờ thế, đã đạt đỉnh cao-vút của cao-trào Phaolô hơn nữa.

Ông Phaolô tả Đức Kitô là Đấng “giống như” hoặc là hình-ảnh của Thiên-Chúa như thư thứ hai Côrintô đoạn 4 câu 4 đà ghi rõ:

“Nếu Tin Mừng của chúng tôi bị che-khuất, thì chỉ khuất nơi những kẻ phải hư đi, tức nơi những kẻ không tin, thần đời này làm cho tâm-tư họ ra mù-quáng khiến họ không thấy được là đã rạng sáng rồi, Tin Mừng vinh-quang của Đức Kitô, hình-ảnh của Thiên-Chúa.”  

Thế nhưng, người kế-thừa ông Phaolô lại đi xa hơn thày của họ từng gán-tạo cho Đức Kitô một hiện-hữu có trước đó từ thuở đời đời và kết-nối Ngài vào công-trình tạo-dựng trời/đất.

Dẫn-nhập của Thư Do-thái, không giống các thư của ông Phaolô, tức những thư gửi thẳng đến cộng-đoàn này nọ là những người theo Do-thái-giáo nói tiếng Hy-Lạp, đã diễn-tả cách khá rõ, rằng: lời bàn này, vốn thừa thãi, đáng loại bỏ. Đặc-biệt hơn, đoạn 1 câu 1-3 sau đây còn chứng-tỏ:

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán-dạy cha ông chúng ta qua ngôn-sứ; nhưng thời sau hết này, Thiên-Chúa đã phán-dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên-Chúa đã nhờ Ngài mà dựng nên vũ-trụ, đã đặt Ngài làm Đấng thừa-hưởng muôn vật muôn loài. Ngài là phản-ảnh vẻ huy-hoàng, là hình-ảnh trung-thực của bản-thể Thiên-Chúa. Ngài là Đấng dùng lời quyền-năng của mình mà duy-trì vạn-vật. Sau khi đã tẩy-trừ tội lỗi, Ngài ngự bên hữu Đấng Cao Cả ở trên trời.”


Tác giả Thư Côlôsê, một người từng đấu-tranh chống các xu-hướng Ngộ-đạo cũng đưa ra ảnh-hình bí-ẩn nơi lời lẽ, như đoạn 1 câu 13-19 sau đây từng chứng-thực:

“Chính Đấng đã kéo anh em ra khỏi quyền-lực tối tăm, và chuyển anh em vào nước của Con Chí-ái Ngài, trong Ngài ta có ơn cứu-chuộc, ơn tha-tội.

Ngài là hình-ảnh của Thiên-Chúa vô-hình là trưởng-tử giữa mọi thụ-sinh, vì trong Ngài vạn-vật đã được tạo-thành, vật hữu-hình, vật vô-hình, dù là thiên-toà hay thiên-chủ, dù là thiên-phủ hay uy-linh: mọi sự đã được tạo-thành nhờ Ngài và cho Ngài! Và Ngài có ưu-thắng trên mọi sự, và mọi sự đều tồn-tại trong Ngài. Và Ngài là đầu của Thân mình, là Hội-thánh. Ngài là Khởi-nguyên, là Trưởng-Tử giữa các vong-nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là Đệ-nhất Vô-song! Vì chưng, Thiên-Chúa đã quyết ý cho tất cả Viên-mãn đậu lại trong Ngài.”


Thật khó mà nhận ra điểm tương-đồng giữa việc diễn-tả như thế với lời nói đầu ở Tin Mừng Thứ Tư. Nhưng, cũng khó mà có được khả-năng tương-đồng như thế, nơi tình-huống hiện-tại qua các biên-khảo Tân-Ước, khả dĩ định xem có độ chính-xác nào khả dĩ khiến ta nói rằng: phần lớn các tác-giả thời hậu-Phaolô viết vào đầu thế-kỷ thứ nhất, đã liệu trước được và có khả-năng tạo ảnh-hưởng lên tác-giả Gioan Tin Mừng; hoặc hỏi rằng: các vị có tạo âm-vang tư-tưởng đích-thật hoặc hiện-thực như được kết-tinh thành Tin Mừng Thứ Tư không?



Một cấm kỵ:
Ảnh hình Đức Giêsu
ở thư Giuđa, Phêrô và Giacôbê


Trong 7 thư được coi là của Hội-thánh Công-giáo và Đạo Chúa toàn-cầu như thư luân-lưu tông-đồ gửi các giáo-hội ở nơi đó chứ không ghi rõ tên người viết hoặc cộng-đoàn nào, ta đều đã bàn về 3 bức thư thực-thụ của ông Phaolô rồi. Và, không một thư nào trong số 4 bức ở đây, như: Thư Giuđa, Thư Thứ nhấtThư Thứ hai PhêrôThư Giacôbê bao gồm những thứ gọi được là có thật hoặc chỉ như cuốn tiểu-thuyết chủ-tâm giới-thiệu Đức Giêsu, mà thôi.

Bởi, tất cả đều là văn-bản hậu-Phaolô. Và, hai trong số các văn-bản này từng đả-động đến ông Phaolô cách công-khai hoặc các thư hậu-Phaolô này như để tóm-tắt, cũng sẽ được mọi người cảm-thông coi đó như bản-văn ngoài-đề không có chương/đoạn nào là do ông Phaolô chủ-trương, hết.

Thư Giuđa được bảo là do tác-giả có tên là Giuđê, vị tôi-tớ của Đức Giêsu Kitô là em của ông Giacôbê, tức một trong 4 anh em ruột của Đức Giêsu từng được nói đến trong Tin Mừng Nhất Lãm, cách riêng Tin Mừng tác-giả Mác-cô đoạn 6 câu 3 và Mát-thêu đoạn 13 câu 55, trong đó có ghi rõ rằng:

“Ông ấy không là bác thợ mộc, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simôn đó ư? Và chị em của Ông lại không ở giữa chúng ta đây sao? Và họ đã bị vấp-phạm vì Ngài.”

Và Tin Mừng tác-giả Mát-thêu còn viết thêm:

“Ông ấy không là con bác thợ mộc sao? Mẹ ông không phải có tên là Maria và anh em là Giacôbê, Giuse và Simôn cùng Giuđa đó sao?”   


Không có chú-thích nào thừa-nhận những lời ghi trên, đã xảy ra vào thời nào? Trong đó tác-giả ẩn-danh lại nổi-tiếng ăn khách đến độ người viết chỉ dùng mỗi bút-hiệu thôi, cũng vẫn không bị coi là nói sai hoặc khoác-lác.

Thư này đây, thật ra, được bảo là viết vào năm thứ 100 sau Công-nguyên, một thời mà tác-giả có ý dùng nó như một luận-cứ chống lại bậc thày tuy viết một cách sai chậy hoặc nhảm-nhí, vẫn nổi tiếng vì tạo lợi-ích sao đó cho văn chương Do-thái-giáo không gọi là Kinh-thánh. Do bởi, thư này lấy từ sách Enoch 1 lại kể chuyện Môsê thăng-thiên/về trời nhiều hơn là ưu-tư về chân-dung/diện-mạo Đức Giêsu. Thật ra, có viết như thế cũng chả đóng góp được gì nhiều cho việc tạo nên diện-mạo đích-thực của Đức Giêsu, hết.

                                                                                                (còn tiếp)

Gs Geza Vermes sj, biên soan
Mai Tá lược dịch

Thursday, 24 March 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT : Lũng âm u




Chúa Nhật 20 tháng 3 là Chúa Nhật Lễ Lá, toàn thể Giáo Hội Công Giáo bước vào Tuần Thánh với lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy bước theo Chúa Kitô trên con đường khổ giá để nghiệm ra Lòng Thương Xót Chúa”. Trước đó tại buổi gặp gỡ thứ tư hàng tuần, ngài nhắn nhủ mọi người với lời Kinh Thánh: “Dù qua lũng âm u, ta sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”.
Tuần Thánh ở Việt Nam mở ra với qua nhiều điều kinh hãi, liên tiếp trong các ngày 19, 20, 21 và 22 tháng 3, các biến cố dồn dập trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Thường thì trên các trang mạng xã hội nhanh và nhạy hơn các báo chí và các đài truyền hình truyền thanh.
Ngày 19 tháng 3, ngày mà Giáo Hội hạnh phúc và vui mừng cử hành lễ kính Thánh Cả Giuse thì tiếng bom nổ kinh hoàng trong khu dân cư Văn Phú, Hà Đồng, Hà Nội. Người ta đã mang bom vào chứa trong khu dân cư rồi phá bom gây nổ đánh mất sự an toàn mà người dân đươc quyền thụ hưởng. Thêm một dấu hiệu môi trường sống mất bình an.
Ngày 20 tháng 3, đúng ngày khai mạc Tuần Thánh:
- 11 giờ 30 phút, Biên Hòa sập Cầu Ghềnh, một cây cầu trên 100 tuổi đồng sinh với cầu Tràng Tiền của Huế và cầu Chương Dương của Hà Nội.
- 12 giờ 30 phút, Biên Hòa cháy chợ Hóa An.
- 18 giờ cháy lớn bùng phát tại nhà máy gạch Viglacera, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Buổi tối, có tin Lâm Đồng cháy tại Đại Học Đà Lạt.
- Đêm, Phú Thọ cháy chợ tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì.
Ngày 21 tháng 3, đêm, cháy tại Quán Toan, thành phố Hải Phòng.
Ngày 22 tháng 3, lúc 14g30, một ngọn lửa bùng cháy dữ dội tại khu vực bãi xe Taxi của sân bay Tân Sơn Nhất, Sàigòn. Sau đó vài giờ, lúc 16g40 lại xảy ra một vụ cháy lớn tại khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cùng lúc ấy tại Bà Điểm, Hóc Môn, Sàigòn, một công ty chuyên sản xuất giàn giáo bị sập thanh đà gác làm đổ kho hàng đè chết hai công nhân. Và đến sập tối 18g30 thì lại cháy chợ ở Ngã Tư Sòng, huyện Cam Lộ, Quảng Trị !
Bằng đó biến cố, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, thiệt hại bao nhiêu tài sản ? Rồi những di chứng của sự tổn thương này…
Đọc báo thấy Đức Thánh Cha gởi thư chia buồn về vụ máy bay rơi ở Nga làm 63 người thiệt mạng. Có người hỏi tôi: “Sao mình chết nhiều quá mà Đức Thánh Cha không gởi thư chia buồn ? Chỉ tính ba ngày Tết ở Việt Nam đã có hơn 200 người qua đời do tai nạn giao thông. Rồi cả năm trên dưới 10.000 người chết vì đủ các loại phương tiện di chuyển, sao Đức Thánh Cha không chia buồn ?” Làm sao tôi trả lời được câu hỏi này !?!
Sự bất an rình rập đêm ngày trong cuộc sống, không ai tính trước được điều gì và không ai có thể thấy được tương lai xã hội. Phải chăng chúng ta đang đi qua “lũng âm u” của định mệnh dân tộc, phải chăng đây là lúc hơn bao giờ hết chúng ta phải nhắc nhau về một Lòng Tin đặt vào Thiên Chúa, là lúc chúng ta xác tín với nhau về một Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta. Không thể tránh né sự thật, nếu không nhìn nhận sự thật thì lời tuyên xưng của chúng ta chỉ là hão huyền, nhìn nhận sự thật, nhìn nhận tình trạng của chúng ta đang trong “lũng âm u” để đưa bàn tay ra cho Chúa cứu.
Cuối Tuần Thánh là ngày Phục Sinh, ánh sáng sẽ bừng lên chiếu soi vào mọi ngóc ngách của nhân gian, phơi bày sự thật của con người và của Thiên Chúa. Xin Chúa thương ban ơn phục sinh cho mọi người chúng con.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Tuần Thánh 2016