Sunday, 30 August 2015

Gs Geza Vermes: Gioan của Tin Mừng Thứ Tư là Gioan nào?



Chương 1
Gioan
Nhân-vật lạ-kỳ xuất-hiện ở Tin Mừng
(Bài 1)
Gioan và Tin Mừng Thứ Tư

Suốt 25 năm trời trải dài thế kỷ trước, vào các buổi thuyết-giảng tại một số Đại học, tôi thường có nhiều cơ-hội để nói về Đức Giêsu với các nhóm không chuyên gồm cả nam lẫn nữ, lớn/bé, già/trẻ, đều có đủ. Công-việc tôi thực-hiện, cốt vẽ lên bức chân-dung nêu rõ “Đức Giêsu là người Do-thái-giáo, một nhân-vật lịch-sử đứng trụ sau các tín-điều của Đạo Chúa, cùng việc phụng thờ và thẩm-xét của người đi Đạo suốt hai ngàn năm trôi qua.

Chân-dung tôi chọn vẽ, không mang tính giáo-điều thần-học mà chỉ là những gì tôi nghe được từ một số tín-hữu có đầu óc phóng-khoáng hoặc từ một cử-toạ không thuộc Giáo-hội hoặc nhà thờ nào hết. Cùng lúc ấy, nhiều người Do-thái-giáo lại vẫn lắng tai nghe tôi diễn-giải với động-thái đầy tính hiếu-kỳ và kinh-ngạc về những điều tôi nêu ra.

Tuy là thế, những gì tôi đề-cập đến, lại rất thường tình và trước sau như một, khiến cử-toạ khi ấy là thành-viên trong Đạo mang tính-chất qui-ước, đặc biệt các tín-hữu theo phái truyền-tải Phúc Âm cách triệt-để, những người lâu nay quen trình-bày thứ Tin Mừng mà Giáo-hội ta còn phổ-biến. Người nghe tôi biện-giải vào các dịp ấy, lại hay đưa ra những câu hỏi đại để như sau:

“Phải chăng có lần chúng tôi nghe ông bảo: Sách thánh không đưa ra chứng-cớ nào quả-quyết Đức Giêsu là Đấng Mêsia hoặc bảo: Ngài là Thiên-Chúa, bao giờ hết? Phải chăng, ông cũng chẳng khi nào khẳng-định điều ngược lại, tức: vẫn cho rằng: Ngài đích-thị là Đấng Thiên-Sai từ trời và là Con Thiên-Chúa-hằng-sống, đấy chứ? Ngài chưa một lần công-bố với người Do-thái-giáo ở Đền thờ, rằng: Ngài và Cha Ngài là một, như thế có đúng không?”


Và cứ thế, nhiều người lại vẫn đặt ra cho tôi những câu hỏi rất ư tương-tự. Xét cho kỹ, thì chín trên mười câu hỏi đầy bối-rối này, là từ các vị lâu nay quen thói phục-tùng truyền-thống xuất tự một số chương/đoạn ghi ở Tin Mừng Thứ Tư, do tác giả Gioan soạn thảo. Câu trả lời của tôi, là: theo truyền-thống vang-vọng từ đoạn kết-luận do ngộ-nhận từ một số học-giả nổi-tiếng, lại đã làm cho họ rối trí/lẫn lộn; để rồi, cuối cùng cũng chẳng gây thêm ấn tượng nào, hết.

Nhiều vị lâu nay không nuốt nổi lập-trường cho rằng Tin Mừng Thứ Tư của tác-giả Gioan, là trình-thuật đặc-biệt nên phản-ánh không phải sứ-điệp thực-thụ của Đức Giêsu hoặc cả đến quan-điểm của phần đông những người trực-tiếp theo Ngài, mà là thần-học tiến-bộ đến đỉnh cao do người viết từng sống đến 3 thế-hệ sau ngày Ngài quá vãng. Và ông đã hoàn-chỉnh trình-thuật của chính vào những tháng ngày đầu ở thế-ký thứ 2, Công-nguyên.

Với phần đông tín-hữu các nơi, Tin Mừng Thứ Tư là trình-thuật được coi như đệ nhất hạng trong số các Tin Mừng mà Giáo hội lưu-giữ; nhưng các vị ấy lại coi đây là công-trình của tông-đồ gần/cận Ngài, đồng thời các học-giả cùng chung một lập-trường lại cứ nghĩ rằng: tác-giả đây là nhân-chứng sống cùng thời với Đức Giêsu, Thày mình.

Thêm nữa, tín-hữu Đạo Chúa xưa nay thường vẫn nghĩ, rằng tác-giả Tin Mừng Thứ Tư sống mật-thiết với Thày mình đến độ, trước khi Thày bỏ mình trên thập-giá, Ngài đã sắp-đặt để ông làm tông-đồ thừa-kế và là đấng-bậc được Chúa trao trọng-trách chăm-sóc Đức Maria-Mẹ-Ngài như mẹ ruột.              

Theo thông lệ, thì: ai thường-xuyên tiếp-cận truyền-thống tín-điều của Giáo-hội, cứ luôn nghĩ rằng mình có kiến-thức thần-học về Đức Giêsu khá đầy-đủ, cả sự việc có liên-quan đến tư-thế của Ngài ngang qua câu hỏi, như thể bảo: Ngài là Ai? Ngài làm gì khi còn sống? tức: những vấn-nạn, xuyên ngang Đạo-giáo có mặt ở lịch-sử, thế nên cuối cùng lại phải tuỳ thuộc vào trình-thuật được gọi là Tin Mừng Thứ Tư và các thư nổi cộm do tông-đồ Phaolô đọc cho thư-ký viết.

Trước hết, Phaolô vị tông-đồ dân ngoại năng-nổ, có trọng-trách giáo-dục cho kẻ tin biết: Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc loài người. Tiếp đến, ông còn khuyên-răn tín-hữu khắp nơi, hãy có niềm tin vững-chãi quyết bảo rằng: Ngài là “Con Thiên-Chúa”, tức Đức Chúa Con  thần-thánh xuống thế làm người. Từ khác-biệt ấy, Đạo Chúa đã tách khỏi Do-thái-giáo, kể từ đó. Trước hết và trên hết, quan-điểm thần-học như thế lại đã xuất-phát từ ảnh-hưởng do Tin Mừng Thứ Tư để lại.

Có thể nói, diện-mạo thánh-thiêng-như-thần của Đức Giêsu do tác-giả Tin Mừng Thứ Tư tô-điểm, đã tạo đỉnh cao trong lịch-trình tiến-hoá tín-điều trong Đạo nơi Tân Ước, lại mang cung-cách bày-tỏ rất trau-chuốt, và là văn-bản cuối đã đạt được mục-tiêu do Đạo đề ra.

Chính vì lý-do đó, Tin Mừng Thứ Tư được chọn làm trình-thuật khởi-đầu tốt đẹp nhất trong hành-trình linh-thao, hạnh-đạo. Nói rõ hơn, thì: Đạo Chúa bắt đầu từ giai-đoạn phát-triển tín-điều nhiều hơn động-thái khởi-sự kiếm-tìm thực-tại mang tính lịch-sử, vốn ẩn-tàng đằng sau và bên dưới giai-đoạn mới chớm của Đạo vẫn cứ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, Đấng-ngự-trên-trời.

Người thông-thạo lịch-sử hiểu rằng: Tin Mừng Thứ Tư, là hiện-tượng có-một-không-hai trong lịch-sử Đạo. Đem so sánh, người người sẽ thấy cả ba Tin Mừng kia, ra như chỉ đứng ngoài cái-gọi-là sui generis, tức: đích-thực loại-hình căn-bản, khá cá-biệt.

Tác-giả Máccô, Mátthêu và Luca vẫn được coi là đồng tác-giả Tin-Mừng-Nhất-Lãm, lại cũng theo cùng một giòng chảy truyện kể lâu nay được các nhà chú-giải xếp thành cột song song trong Tin Mừng synopsis tức: trình-thuật Phúc Âm rất nhất loạt. Tựu trung thì, các sách Tin Mừng này chỉ khác ở thời đầu và kết-thúc cuộc đời Đức Giêsu, thôi.

Truyện kể thời ấu-thơ của Đức Giêsu và truyện-kể về thời cuối cùng cuộc đời Ngài, đều không thấy xuất-hiện ở trình-thuật tác-giả Máccô soạn, tức văn-bản Tin Mừng xuất-hiện vào thời sớm nhất, trong khi hai trình-thuật kia, một của tác-giả Mát-thêu và một của tác-giả Luca, là bản sao/chép từ trình-thuật Tin Mừng Máccô mà thôi. Và mỗi người sao hoặc chép theo cung-cách rất khác-biệt.

Ngược lại, tác-giả Gioan ghi chép với tầm nhìn, mục-tiêu, cấu-trúc riêng đặc-biệt, lại rất mới. Bức tranh thần-học do tác-giả Gioan phác-hoạ, cộng thêm trình-tự ông tác-tạo bằng niên-đại và văn-phong rất giáo-dục tương-tự như sứ-điệp thực-thụ lại đã áp-đặt vào Đức Giêsu theo cách độc-đáo, không thể so-sánh với Tin Mừng Nhất Lãm, hoặc văn-bản nào khác, bấy lâu nay. Đôi lúc, ta lại thấy nó mâu-thuẫn với các chứng-cứ do các tác-giả ở đây đưa ra.

Nhận-thức có sự khác-biệt giữa các văn-bản Tin Mừng, là nhận-thức của học-giả hoặc sử-gia rất khách-quan, biệt-lập trong công-tác truy-tìm thông-tin đặt nặng nơi “nguồn” văn bản nay còn giữ. Trong khi đó, giới-chức có thẩm-quyền trong Đạo Chúa lại không mấy thích-thú đối-đầu/giáp mặt với các chứng-cứ đầy những mâu-thuẫn, khác-biệt nên các đấng bậc vị vọng trong Giáo-hội cứ phải phấn-đấu tìm phương-án khác, khả dĩ có thể hoá-giải chúng theo cung-cách hài-hoà, đồng-điệu.

Các nhà nghiên-cứu hiện-đại về Cựu-Ước, lâu nay tách 4 tầng-dầy hoặc nguồn-văn nơi “Luật Môsê” ra riêng-rẽ. Nhưng, truyền-thống Do-thái-giáo thời cổ lại tìm cách trộn-lẫn chúng thành một giải-trình tổng-hợp độc-nhất trong Ngũ Thư, tức 5 Kinh/thư đầu ở Kinh-thánh Do-thái-giáo ta còn lưu giữ, đến hôm nay.

Riêng Hội-thánh Đức Kitô, vốn bị xáo-trộn do các khác-biệt và do sự chõi âm giữa 4 bộ sách được thâu-thập và ghi chép đời Đức Giêsu, đã 2 lần toan-tính san-bằng thành phẳng-lặng các khác-biệt có trong đó. Bằng vào quan-năng sẵn có, bộ sách đầu được các bậc thức-giả trong Đạo bắt chước Do-thái-giáo vào thời cổ, đã chuyển-đổi 4 “nguồn văn” sẵn có vào thời trước, thành bộ sách độc-nhất-vô-nhị gọi là “Luật Môsê” kéo dài nhiều thế-hệ.

Hệt như thế, Giáo-hội thời đầu cũng tìm cách thiết-lập 4 bộ Tin Mừng riêng-biệt thành một truyện kể để tháp-đặt “mọi” chi-tiết do 4 tác-giả Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan làm thành một, sau đó sẽ loại-bỏ mọi khác-biệt lâu nay hiện-hữu. Nỗ-lực này, cuối cùng, cũng không thành dù quí vị đã cố kết-hợp quan-niệm tư riêng mỗi tác-giả, ở Phúc Âm.

Tuy nhiên, trong một số trường-hợp, lại có thành-phẩm tạo sự hài-hoà ở Phúc Âm, được biết dưới tên gọi là Diatessaron, tức: tác-phẩm gom-gộp Bốn-Trong-Một được gán cho biện-luận-gia có tên là Tatian sống vào giữa thế kỷ thứ 2, làm tác-giả. Chính ông này từng tạo thành-quả đáng kể cho giáo-hội Syria, là nơi mà nhiều học-giả lại đã tìm cách làm lu-mờ từng văn-bản của Phúc-Âm, làm của riêng. Các vị tuy làm thế từ thế kỷ thứ 5 trở về sau, để rồi cuối cùng thì văn-bản ấy vẫn đi vào quên-lãng, đến biến-dạng. 

Trường-phái bảo-vệ chủ-trương trên, đã toại-nguyện và tồn-tại mãi đến hôm nay. Trường-phái này, lại đã trưng-diễn tác-giả Gioan như người viết tiểu-sử Đức Giêsu đạt đỉnh cao chót vót và như thế đã trở thành tác-giả Tin Mừng có tính linh-thao độc-đáo. Vốn dĩ từng thiết-tha và tiếp-cận công việc của đàn anh đi trước, tác-giả đây được hiểu rằng: ông là người cố tránh-né chuyện lập đi lập lại truyện kể, ngoại trừ truyện Thương Khó Đức Giêsu, từ đó ông tự giới-hạn ngòi bút và giọng văn của mình vào việc bổ-sung làm giàu “nguồn” văn-bản của đấng bậc đi trước bằng các bài giảng-giải áp-đặt và cho rằng Đức Giêsu là diễn-giả.

Nhìn chung, ông đã triển-khai các giáo-điều được đề ra và cải-thiện truyện kể mà các vị tiền-nhiệm của ông nêu lên.

Suy cho kỹ chủ-đích toàn-bộ 4 trình-thuật trên, người đọc sẽ thấy rằng điều đó cũng không giúp ích gì thêm việc diễn-giải ý-định của tác-giả Gioan; bởi ông có viết cũng không rõ cho lắm. Rõ ràng là: với người đọc, nếu bảo rằng tác-giả Tin Mừng Thứ Tư có lý hơn ai hết, thì hỏi rằng các tác-giả viết trước ông cả mấy thập-niên qua, thảy đều thiếu-sót hết sao?

Ngược lại, giả như các vị tiền-nhiệm của ông Gioan làm đúng, thì tác-giả đây phải lầm-lẫn chứ? Tin Mừng Nhất Lãm và tác-giả Gioan không thể cùng đúng hết. Bởi sự khác-biệt là nằm ở chỗ: tác-giả của 3 Tin Mừng gọi là Nhất Lãm nói trên từng minh-định rằng: hoạt-động công-khai của Đức Giêsu kéo dài chỉ một năm lẻ. Trong khi đó, tác-giả Gioan lại phân-hoá kéo dài đến 2 hoặc 3 dịp lễ Vượt Qua, vốn dĩ tổ-chức mỗi năm ở Galilê và Giuđêa.

Cũng hệt thế, giả như Tin Mừng đặt mốc thời-gian Đức Giêsu chịu-đóng-đinh-thập-giá là trước lễ Vượt Qua, tức vào ngày 14 tháng Nisan là đúng, thì Tin Mừng Nhất Lãm kể về Tiệc Ly như một Tiệc Lễ Vượt Qua đặc-biệt khác và định-hình sự-kiện này như một dẫn-nhập cho việc xử án Đức Giêsu phải chịu cái-chết-trên-thập-giá đúng vào ngày 15 tháng Nisan, chắc hẳn đã sai-lầm. Sở dĩ các ngài làm thế, cốt để cho trình-thuật có đôi chút đặc-tính Do-thái-giáo ngõ hầu hội-nhập vào châm-ngôn/lời lẽ hợp với Lễ Vượt Qua của Do-thái-giáo, khi đó ta không thể xác-định tập-tục làm bánh không men ăn vào dịp này.

Thành thử, chắc sẽ có người lại cứ hỏi: Tin Mừng Thứ Tư do ai viết? Và, tác-giả viết vào thời nào? Cân nhắc kỹ, ta thấy: các văn-bản viết bằng tay theo kiểu “đứt đoạn” của tác-giả Gioan hoàn-tất kể từ năm 125 đến 150 sau Công nguyên, thôi. Hệt như thế, các qui-chiếu xưa/cũ nhất mà nhiều vì vẫn gán cho là đó Tin Mừng do tác-giả Gioan viết thuộc thời-kỳ văn-chương Kitô-giáo vừa mới chớm, tức: xuất-hiện chỉ từ giữa thế-kỷ thứ 2 mà thôi. Vậy nên, việc viết nên trình-thuật này hẳn là đã hoàn-thành trước những năm tháng thời ấy.

Mặt khác, giáo-điều nào trong Đạo tiến-hoá đến mức cao vút, vốn được gán là do tác-giả Gioan viết, lại xuất-hiện vào giai-đoạn sau Tin Mừng Nhất Lãm cũng rất nhiều. Phần đông các nhà chú-giải ước-tính văn-bản này phải được viết vào niên-đại thuộc phần tư cuối cùng của thế-kỷ thứ nhất, mà thôi. Cũng hệt thế, ở trình-thuật Tin Mừng của tác-giả Gioan, mọi người nhận thấy có sự chia-cách giữa Do-thái-giáo và Kitô-giáo qua sự việc các vị theo chân Giêsu đã bị xua đuổi khỏi hội-đường Do-thái-giáo, cũng rất thường.

Điều này không thể xảy ra vào những năm cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên được. Thế nên, tôi thuận theo ý các nhà chú-giải Tân Ước chính-mạch cho rằng việc này xảy ra hồi đầu thế-kỷ thứ 2, tức: khoảng thời-gian từ năm 100 đến năm 110. Đồng thời, có giả-thuyết cho rằng: Tin Mừng tác-giả Gioan viết, vốn dĩ xuất-hiện vào thời-gian này, lại có chứng-cứ thoả-đáng. Trong khi đó, một số chuyên-gia Kinh-thánh tương-đối nghiêm-túc vẫn cứ cho rằng: Tin Mừng Thứ Tư chắc-chắn xuất-hiện vào niên-biểu 150 sau Công nguyên hoặc những năm sau đó, thật rất xa.

Phần đông học-giả có lập-trường tương-tự, lại cũng cho rằng: thật khó mà biết rõ lai-lịch của tác-giả Tin Mừng này, tức: ta không thể biết đích-xác sách này do ai viết. Nếu căn-cứ vào câu dẫn-nhập như thế bảo “Tin Mừng theo tác-giả Gioan” mà thôi, lại càng mơ-hồ nhiều hơn nữa. Bởi, Gioan đây là Gioan nào? Và, có điều là: mãi về sau, tên gọi của tác-giả mới được gắn liền vào văn-bản trình-thuật thôi. Trong khi đó, ở Phúc Âm này, suốt từ chương 1 đến chương 20, không thấy nói ai là người viết nên sách này, hết.

Đặc-biệt, ở chương 21 có người nào đó, chắc chắn không phải là người viết trình thuật này, lại đã tự ý thêm vào đó một đôi chi-tiết như câu 24 chương này còn ghi là người thêm thắt đã định-danh/định-vị chính mình là “đồ-đệ thương mến của Đức Giêsu”, tức cố ý ám-chỉ ông Gioan đó là Gioan làm nghề chài-lưới ở Galilê, con ông Dêbêđê.

Nay, theo văn-bản thuộc truyền-thống tín-hữu thế kỷ thứ 2, thì nhà kinh-điển nổi tiếng Giáo-hội là tổ-phụ Irênê, giám-mục chủ-quản địa-phận Lyon, nước Pháp sống vào năm 180 sau Công nguyên, đã ghi lại rằng: tông-đồ Gioan sống rất thọ ở thủ-phủ Êphêsô, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ thuộc mạn châu Á, là người viết ra Tin Mừng Thứ Tư này.

Tuy là thế, các chứng-cứ có từ thời tiên-khởi, không xác-minh được việc nối-kết tác-giả Tin Mừng Thứ Tư với ông Gioan ở Êphêsô được. Ông là người cuối cùng được sách Tông Đồ Công Vụ nhắc ở đoạn 8 câu 14, tức: là người dẫn dắt việc rao giảng Tin Mừng cho Samaria cùng đồng-hành với tông đồ Phêrô và Phaolô. Riêng tông-đồ Phaolô, cũng nói ông là người tháp-tùng ông Giacôbê, em trai Đức Giêsu và cả tông-đồ Phêrô như một trong ba cột trụ của Giáo-hội Giêrusalem vào thời đó (xem thư Galata 2: 9).

Hồi thế-kỷ đầu sau Công nguyên, không thấy ai lên tiếng xác-minh rằng tông-đồ Gioan đã chuyển về vùng ven biên thuộc Tiểu Á, hết. Riêng Giám mục Ignatiô thành Antiôkia là người có cơ-hội tuyệt-vời trong việc này, nhưng ông lại không làm thế.

Trong thư gửi thành-viên Giáo-hội Êphêsô xuất-hiện vào niên-đại 110 sau Công nguyên, Giám mục này đã qui-chiếu đôi điều đại ý bảo rằng: người Êphêsô là dân con dưới trướng của tông-đồ Phaolô. Nhưng, trước đó vài năm, Giám-mục này lại không chú-thích gì để xác-nhận rằng vị tông-đồ cao cả Phaolô và người viết Tin Mừng Gioan từng sống chung với cộng-đoàn tín-hữu ở Êphêsô bao giờ hết!

Mãi sau này, vấn-đề còn nhiêu-khê hơn. Xem chừng, thực-tế có rất nhiều nam-nhân mang tên Gioan cũng đã hoạt-động năng-nổ ở vùng này. Một trong các vị được gọi là “Gioan Lão-thành” mà Giám-mục thành Hiêrapôlis là Papias bảo: vị ấy là tông-đồ Gioan từng thân cận với Đức Giêsu (là người sống ở vùng Tiểu Á); nhưng ông Gioan này lại chết vào năm 130 sau Công nguyên. Thật ngẫu-nhiên, tác-giả thư Thứ Hai và thứ Ba của người viết tên là Gioan lại cũng định-danh chính mình là “Gioan Lão Thành”, trong khi Thư Thứ Nhất của người viết cũng trùng tên Gioan, lại không gán cho bất cứ ai có tên ghi trong thư này, hết.

Cuối cùng thì, để định-vị/định-hình theo cách xác-thực là tác-giả Tin Mừng Thứ Tư lâu nay vẫn được gán cho nam-nhân dân chài người Galilê, vốn không có trình-độ học-vấn và được đề-cập cách chung chung như ở sách Tông Đồ Công-Vụ đoạn 4 câu 13, có lẽ phải kể đến vị học-giả đầy sáng-kiến cả về triết-lý lẫn thần-bí Hy-Lạp điệu-nghệ sống trước sau tác-giả đến cả trăm năm.

Xem ra, đây là bước nhảy vọt nhiều tưởng-tượng; và cũng là chuyện vượt quá khá-năng xét-đoán và biện-giải của người thường, vào mọi lúc.

Tóm lại, bất cứ mọi người đều có khả-năng làm công việc đơn-giản là rút từ túi áo choàng bên ngoài mình đang mặc, lấy ra danh-tánh của đấng bậc vị vọng nào đó, mà mọi người chấp-thuận cho đấy là tên tuổi của tác-giả do mình định-danh, mỗi thế thôi.

Ngoài danh-tánh tông-đồ Gioan ra, có lẽ phải kể đến tên tuổi các ứng-viên khác, như đấng bậc chủ-trì giáo-đoàn nọ hoặc nhân-sĩ lão-thành kia, trong cộng-đồng Giáo-hội có tên gọi là Gioan, cũng đều được. Riêng Gioan Mác-cô, một thừa-tác-viên từng đồng-hành với tông-đồ Phaolô được nhắc đến tên ở sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 15 câu 37, lại được Giáo-hội thời đó qui cho là tổ-phụ Clêmentê của Alexandria. Và, Lazarô bạn hiền thương mến của Đức Giêsu, phải chăng là “Vị Tông Đồ mến thương” hoặc ai khác được Giáo-hội nghĩ ra; và đây cũng là chuyện đáng để mọi người bàn đến, cho vui chuyện.

Nói cho cùng, sự việc ta không thể nào kết hợp Tin Mừng Thứ Tư gộp với Tin Mừng Nhất Lãm phối-hợp ngày tháng cuối cùng làm văn-bản, sẽ mạnh mẽ cản-trở việc định-danh tác-giả là nhân-chứng mắt thấy tai nghe chính Đức Giêsu lịch-sử được.

(Còn tiếp)


Gs Geza Vermes biên soạn
Mai Tá lược dịch                                                       
                           



                  

Friday, 28 August 2015

Lm Vĩnh Sang DCCTVIẾT THÊM VỀ MỘT ĐỊA CHỈ HỖ TRỢ NIỀM TIN




Tôi xin viết tiếp về địa chỉ hỗ trợ niềm tin này vì thiết nghĩ sẽ hữu ích cho những ai đang có nhu cầu tìm kiếm học đạo.
Như thế với hình thức tổ chức lớp vào các giờ thuận tiện ( 19g00 – 20g30 ) mỗi ngày, lớp được trải ra theo các ngày thứ hai – tư – sáu, hoặc các ngày thứ ba – năm – bảy mỗi tuần, tiện lợi cho các sắp đặt khác. Giáo trình kéo dài trên dưới 5 tháng tùy từng trường hợp.
Mỗi học viên ghi danh được tiếp đón và hướng dẫn các thủ tục cần thiết, các sách cần đọc khi theo học… Tuần lễ đầu tiên, các bạn được tách ra thành một nhóm riêng để được hướng dần phần “Dẫn nhập”, với số lượng nhỏ ( khoảng trện dưới 30 bạn ) các hướng dẫn viên dễ dàng tiếp cận, giải đáp thắc mắc và tạo sự thân thiện đồng hành với học viên. Nội dung phần “Dẫn nhập” xoay quanh các chủ đề về các vấn nạn muôn thủa: Con người có bất tử hay không ? Có Thượng Đế hay không ? Đau khổ là gì ? Đau khổ từ đâu mà đến ? Hạnh phúc là gì ? Đi tìm hạnh phúc ở đâu ?
Các phần: Cựu Ước ( Mặc khải ), Chúa Giêsu, Hội Thánh, Bí Tích và Luân lý Kitô giáo được giảng dạy chung ở lớp, các Linh Mục phụ trách các phần này, chỉ có một giáo lý viên kỳ cựu tham gia giảng dạy. Riêng các bài về xét mình và xưng tội, các bạn sẽ được hướng dẫn thực tập một cách kỹ lưỡng, mọi học viên đều phải tham gia trực tiếp bài học này, không miễn trừ một ai.
Sau khi hoàn thành giáo trình, thuộc lòng một số “các kinh quen đọc thường ngày” ( có ngày khảo kinh riêng từng học viên ), nắm vững chân lý cơ bản của Đức Tin ( kết quả thông qua các bài kiểm tra ), rành rẽ về việc xét mình và xưng tội ( kiểm tra lần chót từng người ), các học viên được tuyển chọn để nhận các Bí Tích Khai Tâm tham dự tuần Tĩnh Tâm. Trong tuần này, mỗi bạn sẽ tự bộc bạch về chứng từ Đức Tin của chính mình. Các chứng từ được sắp xếp, đánh vi tính, in ấn và đóng thành tập thật trang trọng, lưu hành trong cả lớp.
Trong tuần Tĩnh Tâm của các hoc viên, có một buổi các Linh Mục gặp gỡ trao đổi với các phụ huynh và nhất là trao đổi với những người đỡ đầu, buổi gặp gỡ này chúng tôi muốn giúp người đỡ đầu ý thức vai trò của mình, sứ mạng của mình trước mặt Chúa và Hội Thánh. Vì là buổi gặp gỡ sát với ngày cử hành Lễ Tạ Ơn và trao các Bí Tích nên chúng tôi thường cử hành Bí Tích Hòa Giải cho những người sẽ đỡ đầu các tân tòng.
Như chúng ta đã biết, phần đông các bạn trẻ theo học đạo vì chuẩn bị lập gia đình với người có đạo. Đây là một vấn đề tế nhị nhưng không kém phần quan trọng. Về nguyên tắc, không ai trong chúng ta có quyền ép người khác theo đạo của mình, với Kitô giáo, điều này còn quan trọng hơn cả, vì lòng tin không phải do ai gầy dựng nhưng là chính Chúa, Đức Tin là ân huệ Chúa ban. Vì thế, khi ép người khác theo đạo là vi phạm sự tự do Chúa ban cho mỗi người, vi phạm nhân quyền, xem thường người khác và gây những hậu quả xấu do làm cho người khác có cái nhìn sai lệch về đạo Công Giáo.
Trong thực tế, bên có đạo thường có cách này cách khác đưa ra những đề nghị khiến bên kia buộc lòng phải theo, có thể những lý do đưa ra rất trần thế để biện minh cho ý định của mình, hoàn toàn không thấy bóng dáng đời sống tinh thần đâu cả, thí dụ: theo đạo để được làm lễ trong Nhà Thờ, theo đạo để được hạnh mặt với bà con v.v… Kết quả là một số bạn trẻ liều theo đạo mà không tin, sau này về sống chung, biết bao nhiêu mâu thuẫn nảy sinh, ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân gia đình, có thể gây đổ vỡ.
Thế nhưng cũng có một số các bạn trẻ nhờ cuộc hôn nhân với người có đạo mà nhận biết Chúa, Đức Tin được gieo trồng và lớn mạnh, họ trở nên những người Kitô hữu tốt lành, những chứng nhân Tin Mừng nhiệt thành và những tông đồ mạnh mẽ. Xác tín rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự nên ích lợi cho những ai yêu mến người”, chúng tôi cố gắng đồng hành với các bạn trẻ bằng cách giúp họ tham dự các lớp Giáo Lý Hôn Nhân vào những giờ thích hợp với họ, ước mong qua lớp Giáo Lý Hôn nhân này, họ được tiếp cận với ân sủng của Chúa qua việc chuẩn bị đời sống gia đình, được trang bị nền tảng cho cuộc sống gia đình thủy chung, hạnh phúc...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.8.2015

Saturday, 22 August 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT MỘT ĐỊA CHỈ HỖ TRỢ NIỀM TIN




Trên facebook, trang DỰ TÒNG DCCT vừa xuất hiện với những tin tức và hình ảnh cụ thể đầy vui tươi về sinh hoạt của một lớp Giáo Lý dành cho người Dự Tòng ở Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn, 38 Kỳ Đồng, Quận 3. Thánh Lễ của lớp dâng vào tháng 7 năm 2015 có 55 bạn trẻ được ban ba Bí Tích gia nhập đạo. Sở dĩ gọi là Thánh Lễ của lớp và tháng, vì mỗi tháng vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng, các anh em Linh Mục phụ trách lớp cùng với tất cả học viên, các cộng sự viên dâng Lễ Tạ Ơn Chúa, ban các Bí Tích gia nhập đạo cho những ai đủ điều kiện. Đó cũng là dịp trình bày bài học cụ thể sống động cho các học viên Giáo Lý Dự Tòng về Thánh Lễ, về mầu nhiệm Hội Thánh và các Bí Tích Khai Tâm. Như thế tối thiểu mỗi học viên trải nghiệm ít là 4 Thánh Lễ của lớp trong suốt thời gian theo học.
Nhớ lại 27 năm trước, năm 1988, một nhóm các Tu Sĩ trẻ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, dưới sự thúc đẩy của cha Giuse Cao Đình Trị, khi đó ngài là Bề Trên Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn, đã hình thành lớp. Trước đó chỉ có lớp dành cho Dự Tòng do cha Giuse Trần Quang Đăng ( một Linh Mục kỳ cựu trong “Làng Giáo Lý”, ngài vừa qua đời đầu tháng 8 năm nay ) phụ trách lúc 17 giờ các chiều thứ hai, tư và sáu trong tuần, lớp của cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng lúc 19 giờ các chiều thứ ba, năm và bảy trong tuần. Một vài lớp nhỏ lẻ của các thầy Julien Phùng Hiệu, thầy Giuse Maria Đỗ Minh Hạo ( nay đều đã về với Chúa ) và một vài Giáo Dân nhiệt thành. Những lớp Giáo Lý Dự Tòng này luôn đông đảo học viên nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tìm học đạo của các bạn trẻ đang sinh sống trong thành phố.
Lớp Giáo Lý dành cho người dự tòng của các Tu Sĩ trẻ chọn 19 giờ các ngày thứ hai, tư và sáu trong tuần làm lịch học. Ban giảng huấn chọn giáo trình “Thầy là Con Thiên Chúa Hằng Sống” của cha Nguyễn Văn Tuyên, giáo sư Đại Chủng Viện Giuse Sàigòn làm giáo trình chính. Các sách Giáo Lý khác cũng được chọn lựa đưa vào làm nền tảng như sách Giáo Lý Tân Định, và anh em đã cùng nhau biên soạn cuốn “Cẩm Nang Tân Tòng” để hỗ trợ học viên. Cùng với lý thuyềt, học viên được rèn luyện các “kỹ năng nhà đạo” như cách xưng tội, phương pháp xét mình, cách tham dự Thánh Lễ, thuộc lòng “các kinh quen đọc hàng ngày”. Cứ ba tháng lớp tổ chức một buổi thăm viếng nhà dưỡng lão người neo đơn,  trung tâm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, hoặc lớp học của các trẻ mồ côi hoặc khuyết tật ( khiếm thính, khiếm thị… ), nói chung là giúp các bạn học viên tiếp cận người nghèo.
Nhu cầu học hỏi tăng cao, thời gian thuận tiện cho các bạn trẻ đi làm hoặc đi học ban ngày, vì thế lớp phải tiếp nhận nhiều học viên và trở nên quá tải. Năm 1992, cha Vũ Khởi Phụng bị tai nạn giao thông phải nhập viện chữa trị dài ngày, anh em được giao luôn cả lớp Dự Tòng các ngày thứ ba, năm và bảy trong tuần của ngài. Từ đó, hệ thống tổ chức lớp hoàn chỉnh hơn, công việc giảng dạy liên hoàn hợp lý và đáp ứng được đông đảo các bạn trẻ hơn.
Các học viên đến lớp với rất nhiều các lý do khác nhau, nhưng lý do phổ biến nhất vẫn là sẽ cử hành hôn nhân với người có đạo. Trường hợp này kéo theo rất nhiều điều phức tạp xảy ra. Lẽ ra bên nhà có đạo không nên và không được phép ép bên kia theo đạo, nhưng thực tế vẫn xảy ra chuyện “ép” dưới nhiều hình thức khác nhau, khi nào thuận lợi, xin được chia sẻ với độc giả về vấn đề này nhiều hơn. Vì những lý do đó nên thái độ của những học viên ban đầu đến lớp không mấy nhiệt tình, nhưng rồi với ơn Chúa, sự chân thành của các bạn và lòng nhiệt tình hăng say của các anh chị em cộng tác viên, cùng với bao nhiêu những đóng góp khác âm thầm không mấy ai biết của nhóm Tu Sĩ phụ trách, mầm giống Đức Tin được gieo vãi và đâm chồi nảy lộc.
Con số được trao các Bí Tích Khai Tâm vào tháng 7 vừa qua là 55 cho thấy con số trung bình hàng năm khoảng trên dưới 1.000 người, thường thì những tháng đầu năm ít người thanh tẩy, những tháng từ tháng 7 cho đến tháng 3 năm sau, con số tăng vọt hẳn lên, có những tháng trên 100 người chịu Thánh Tẩy và Thêm Sức.
Dù với bất cứ lý do nào, hoàn cảnh ra sao, đón nhận một người đến tìm hiểu và xin học dạo là một cơ hội, là một ân huệ Chúa ban cho chúng ta, tận dụng cơ hội này bằng tất cả những gì có thể, chúng ta không để lãng phí ơn Chúa, luôn ý thức về sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tái Phúc Âm không chỉ là hô khẩu hiệu, tổ chức sự kiện lấy tiếng, ghi danh tạo thành tích, nhưng là nỗ lực loan báo Tin Mừng thực sự cho người muốn nghe, công việc này đòi hỏi cả sự làm chứng về Đức Tin của mình nữa.
Chúc mừng và cầu nguyện hiệp thông với quý cha, quý anh chị cộng tác viên lớp Giáo Lý Dự Tòng DCCT...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 8.8.2015