Monday, 29 June 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT: KẺ NGANG NGƯỢC




Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, cả tuổi thơ, niên thiếu và trưởng thành của tôi gắn liền với bom đạn, với những cuộc chia ly, những vành khăn tang trên đầu góa phụ và trẻ em. Tôi may mắn hơn rất nhiều người vì không phải gánh chịu trực tiếp với làn tên mũi đạn, nhưng biến cố Mậu Thân đã cho tôi kinh nghiệm chênh vênh ranh giới giữa sống và chết, kinh nghiệm mỏng manh thân phận làm người. Mới vừa ban chiều gặp nhau nhìn vội vàng cô bạn gái gần nhà dễ thương, nửa đêm tiếng nổ của đạn pháo thật gần, sáng mai chạy đi xem bạn ấy chỉ còn là đống thịt vụn.
Rồi cũng từ năm ấy, bạn bè trong xóm ngõ, bạn bè đồng môn, lần lượt chia tay lên đường. Cứ vài tháng lại có một lần gạt nước mắt tiễn bạn, cái quan tài nhỏ bé xiêu vẹo được khiêng đi trong tiếng khóc nức nở của mẹ già. Thằng bạn nằm im trong quan tài, ánh mắt trên di ảnh u buồn nhìn người sĩ quan đơn vị trưởng gắn lên chiếc gối tấm huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, và bạn ấy “lên lon giữa hai hàng nến chong”, mặc cho tiếng gào thét đến khàn giọng của người vợ trẻ, đứa con thơ ôm chặt chân mẹ ngơ ngác nhìn mọi người.
Nhiều lần tôi tiễn người thân ra Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, người lính Trung Đội Chung Sự xếp chiếc cờ vàng lại sau những tiếng súng đơn lẻ tiễn biệt, tiếng kèn đồng ai oán như vẫn còn thoang thoảng đâu đây giữa núi đồi và cây cỏ. Chiều nghĩa trang vắng lặng buồn thảm, người mẹ bất hạnh nằm im, hình như đã ngủ vùi trên nấm mộ vừa đắp.
Hơn 40 năm qua rồi, tôi không quên được những hình ảnh vừa bi hùng vừa đau thương ấy. Qua báo chí, qua phim ảnh, mỗi lần nghe tin tức về chiến sự chỗ này chỗ kia, tôi không khỏi nhớ về bạn bè, về những người thân trong chiến tranh, nhớ những cảm xúc xót xa cay đắng, nhớ những cảnh thương tâm xé lòng. Tôi sợ chiến tranh và sợ chia ly, càng lớn tuổi tôi càng sợ chiến tranh và chia ly. Rồi tôi cũng sợ những xung đột, những tranh chấp sống còn giữa những người thân với nhau.
Hàng ngày qua báo chí, qua mạng toàn cầu, ở Việt Nam mình xảy ra quá nhiều những kiểu hành xử dã man, những vụ án chỉ cần đọc thôi cũng đủ làm cho lợm giọng. Chúng tôi, một nhóm anh em thân thiết trên bàn cơm hay tự hỏi, tại sao vậy, tại sao lại có những kiểu hành xử ngang ngược với nhau, tại sao lại có những tranh chấp không đáng có, ai cũng biết không ai có thể mang một tấc tài sản ra khỏi thế giới này, nhưng sao vẫn tranh chấp một sống một chết với nhau như vậy ?
Thứ ba tuần 12 Thường niên, bài đọc một, Lời Chúa trong Thánh Lễ cho nghe câu chuyện của hai ông Abraham và ông Lót. Họ quyết định chia tay và mỗi người đi về một hướng với tâm nguyện: "Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, giữa các người chăn chiên của chúng ta, vì chúng ta là anh em với nhau. Trước mặt cháu có cả một miền rộng rãi, xin cháu hãy lìa khỏi bác: nếu cháu đi bên tả, thì bác sẽ đi bên hữu; nếu cháu chọn phía tay phải, thì bác sẽ đi về phía tay trái" ( St 13 ). Họ quyết tâm không để vật chất làm mất tình nghĩa thân tộc, Kinh Thánh cho thấy Abraham đã nhường cho ông Lót vùng đất màu mỡ hơn.
Chúng tôi lại tự hỏi: Sao chúng ta không nhường nhịn nhau ? Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ban một Thông Điệp về Môi Trường, cùng với bức Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng sâu sắc, mạnh mẽ, kiên quyết, đậm tính Tin Mừng và rất sống động, nhưng xem ra không lay chuyển tình hình ở Việt Nam bao nhiêu, dù trên các thông kê, Tông Huấn này làm thay đổi quan điểm cũng như tình cảm thế giới dành cho Giáo Hội thật tích cực. Chúng ta cầu nguyện cho kết quả bức Thông Điệp về Môi Trường được thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa, đánh động toàn thế giới hơn nữa.
Sáng hôm nay, thứ năm tuần 12 Thường Niên, Lời Chúa trong bài đọc một, trích sách Sáng Thế lại cho chúng ta nghe tiếp câu chuyện của ông Abraham. Đứa con sinh ra bởi cô hầu gái cùng với lời của sứ thần, đã lý giải cho chúng tôi nhiều chuyện, anh em chúng tôi cười ngặt nghẽo vì khám phá ra rằng, nguyên nhân gây ra những bất hòa ở bất cứ cấp độ nào, cộng đoàn, gia đình, quốc gia hay quốc tế, là bởi vì có sự hiện diện của Ismael. ( Tranh vẽ cổ: Abraham, nàng hầu và con trai Ismael ).
"Này ngươi đã thụ thai và sẽ sinh một con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Ismael... Trẻ này sẽ là đứa hung dữ: nó đưa tay chống đối mọi người và mọi người sẽ chống lại nó. Nó sẽ cắm lều đối diện với các anh em..." Thế nào rồi cũng có kẻ hung dữ, chuyên nói ngang và gây chống đối giữa anh em, vì Ismael đã được sinh ra, hiện diện trong nhân loại, mà nhớ rằng Ismael là anh em ruột thịt với mọi người chứ chẳng ai xa lạ, hàng ngày anh ta cắm lều đối diện với chính anh em của mình.
Chúa Giêsu Cứu Thế là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của nhân loại, của sự vĩnh hằng. Chúng ta được mời gọi đến để được giải quyết. Năm Thánh Lòng Thương Xót mở ra cho chúng ta cánh cửa đến với Ngài.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 25.6.2015

Sunday, 28 June 2015

Cựu Lm John D Crossan: Tại sao họ ra tay giết Đức Giêsu



Chương 7
Ai đã ra tay giết hại Đức Giêsu
và sao họ lại làm thế?
 (bài 19)


Có lần ông qui về kinh Tin Kính để bảo rằng: ‘Đức Giêsu chịu đóng đinh thập-giá thời Phongxiô Philatô’ và lính của ông ta đã đến vây bắt Ngài. Há chẳng phải là Philatô đã rửa tay vụ này rồi sao?


Truyện Thương Khó ghi ở Tân Ước còn đó vẫn bảo rằng: Phongxiô Philatô được mô-tả là người chính-đáng, phải lẽ. Thực tình thì, ông ta muốn bắt giữ Đức Giêsu lắm, nhưng lực bất tòng tâm, chưa thực-hiện điều mình nhất-quyết. Vả lại, nếu bắt giữ Đức Giêsu vào thời-điểm đó, thì việc này đi ngược lại ước-vọng của người Do-thái và dân Giêrusalem xưa nay vẫn nằng-nặc đòi đóng đinh Ngài rồi lại van nài ông hãy làm theo ý họ. Đằng khác, những gì ta biết về Phongxiô Philatô từ nhiều văn-bản khác cho thấy: câu truyện không giống như hình-ảnh được vẽ lên, ở Tân Ước.

Hẳn mọi người trong chúng ta đều biết đôi chút về Philatô, nơi sử-học. Các bằng-chứng do một số các nhà khảo-cổ cũng như văn-chương ngoài Đạo nói về Philatô, cho thấy: năm 1961, tại hí-trường Cêzarê người ta tìm ra được viên đá-quý khi xưa dân con dưới trướng đã dâng lên Hoàng-đế Tibêrius, trên đó ghi rõ hàng chữ “Phongxiô Philatô, quan thái-thú xứ Giuđêa”. Ông trị-vì xứ này suốt 10 năm, từ niên-đại 26 đến 36 sau Công nguyên, có nghĩa là: ông chỉ là quan-chức hạng hai ở vương-triều La Mã trong một thời-gian tương-đối khá dài. Và, sử-gia Josephus cũng đã ghi một số truyện kể về tài cai-trị của ông ta.

Ví-dụ như, khi Philatô đem binh-đội dưới trướng từ Cêsarê về Giêrusalem để sống 3 tháng mùa Đông trong tăm tối, ông đã đưa về đây nhiều huy-hiệu thêu đính hình Hoàng-đế như vẫn thấy nơi cờ-hiệu binh đội do ông quản-trị. Điều này, lại khiến người Do-thái nổi giận, do bởi theo luật hiện-hành thời bấy giờ, thì: không một ai được phép tạo ảnh-hình phàm-trần lên cờ-quạt cách công-khai như thế hết. Và, chuyện này đã bị cấm tiệt, từ rất lâu. Dân thành Giêrusalem càng nổi giận hơn, bèn thực-hiện cuộc phản-kháng bằng cách đi bộ đến thủ-phủ Cêsarê yêu-cầu truất-bỏ hình-hài sai-trái ấy. Khi Philatô cự-tuyệt việc này, thì dân-chúng bèn ngồi lì phản-đối suốt năm ngày liền, quanh dinh-thự của ông.

Để đối-phó tình-trạng này, Philatô bèn ra lệnh cho đám biểu-tình tập-trung về vận-động-trường ở thủ-phủ này chờ ông quyết-định. Ngay hôm ấy, ông cho lính vây quanh đám dân vô-tội này, rồi doạ giết hết bọn họ, trừ phi họ ngoan-ngoãn quay về nhà. Nhưng, thoạt từ lúc đám đông dân-chúng kê cổ cận kề lưỡi gươm/ngọn giáo của quân binh hung-hổ ấy, thay vì nhượng bộ niềm-tin vững-chắc của họ. Cuối cùng thì, Philatô đành lặng lặng đầu hàng trước sức ép của dân oan hơn là chấp-nhận rủi ro vốn dĩ có thể xảy ra cuộc thảm-sát khó lường khiến cho giới cầm-quyền La Mã bất-đồng với ông.

Một lần khác, Philatô tìm cách dấy lên cuộc phản-kháng khác bằng việc sai ba quân thu lẫm tiền-của bòn rút từ kho đồ thánh đặt ở Đền Thờ, nhằm trang-trải tiền xây-dựng hế-thống dẫn nước rất qui-mô, đồ sộ. Lần này khôn hơn, ông cho cài đặt một số quân binh giả-dạng dân-thường trà-trộn giữa đám đông đang nổi-giận, cùng mật-lệnh không ai được dùng gươm/giáo giết bất cứ người dân nào mà chỉ đánh họ bằng gậy, nếu thấy cần. Và cứ thế, Philatô bắt đầu sử-dụng phương-pháp mềm-dẻo hầu đạt mục-tiêu do ông đề ra.

Thêm một sự-kiện khác, qua đó Philatô buộc phải đối-đầu không những với đám người biểu-tình mà thôi, nhưng cả với ngôn-sứ khải-huyền nữa. Hôm đó, có nhóm người Samaritanô tụ-tập trên núi Ghêrizim chờ Chúa tỏ bày quyền-uy/sức mạnh của Ngài theo cách Khải-huyền, thì Philatô lại theo vết cũ, ức-hiếp phong-trào nổi dậy rất nặng tay khiến một số người bị giết chết, một số khác bị phân tán đây đó, ngay các lãnh-tụ tôn-giáo cùng tù-nhân này/khác cũng bị ngấm-ngầm đưa đi thủ-tiêu. Trên thực-tế, phương-cách ông sử-dụng cũng khắc-nghiệt đến độ viên lãnh-sự xứ Syria là Vitellius phải yêu cầu đưa Philatô rời khỏi Rôma để ông ta giải-quyết mọi chuyện theo cách khác.

Theo nhận-định của người La Mã, Philatô bị coi là đã quá tay một cách không cần-thiết. Thành thử, thật khó cho tôi ở đây, hôm nay, cứ bị buộc phải coi sự-kiện ghi ở Tân Ước như nguồn-sử mô-tả Philatô theo như diện-mạo của ‘người đứng ở ngoài’ rất vô-tội trước tấn bi-kịch xảy đến với Đức Giêsu. Nhưng sự thật, thì chính ông ta mới là người tạo tình-huống khó-khăn cho dân lành người Do-thái.


Có phải ông ta là người muốn thả Đức Giêsu, nhưng dân-chúng lại đòi tha cho Barabas thay vì Ngài, chứ?


Bản thân tôi vẫn không coi truyện này có dáng-dấp lịch-sử như đã nói ở các trang trước.  
Thứ nhất, là vì: hình-ảnh một Philatô ngoan-cường dễ-dàng cho phép đám đông la ó yêu cầu chuyện này khác, nhưng kỳ-thực sự việc xảy đến, lại trái-ngược những gì ta từng biết về ông. Theo nhận-xét của sử-gia Josephus cũng như ý-kiến của triết-gia cận-đại là Philo của Alexandria, vẫn coi Philatô như mẫu người xấu-xa, tệ lậu ở chốn quan-quyền. Xưa nay, Philatô nổi tiếng là người từng hành-hạ/bức-bách đám đông quần-chúng một cách mạnh bạo, không nương tay. Đó chính là sở-trường của ông.

Hai nữa, ta cũng chẳng có bằng-cớ xác-đáng để nói rằng: đế-quốc La Mã xưa lại ban ân-xá cách đại-độ mà ngày nay ta quen gọi là phóng-thích tù-nhân theo yêu-cầu của chúng-dân dịp Lễ Vượt Qua đầy ý-nghĩa. Biến-cố tha chết cho tay cướp xừng-xỏ là Barrabas thật sự chưa từng xảy đến trong quá-trình lịch-sử Do-thái, từ trước đến giờ. Theo tôi, ta cũng hiểu được lý-do tại sao tác-giả Mác-cô lại chế ra truyện kể tương-tự như thế, hẳn ngài có ý gì trong đó.

Ở trên, ta vừa kể về các loại-hình đối-kháng chống lại nhà cầm quyền từng nổi lên ở đất nước của người Do-thái, như: các vụ biểu-tình, sự vùng dậy của ngôn-sứ khải-huyền từng lên tiếng van nài Đấng Thiên-Sai đến giải-thoát. Khi xưa, nhiều nhóm nông-dân khác cũng đã phản-chống vua quan/lãnh chúa trên toàn nước Do-thái vào thế-kỷ thứ nhất, mà nhiều người lại đã gọi họ là đám ‘cướp cạn’, hoặc quân ‘phản-loạn’. Họ là ai?

Thật ra, họ là đám nông-gia rơi vào tư-thế bắt buộc phải rời nông-trại do mình trông nom/trồng-trọt từ dạo trước, để rồi sẽ chạy lên các ngọn đồi cao tít cốt hầu cướp bóc người dân hiền-lành, hơn chọn-lựa chấp-nhận lối sống chui rúc ở lề đường để xin ăn. Họ không còn là dân hiền ở huyện nhà nữa, những đã trở-thành đám cướp cạn xã-hội, được nhóm nông-gia ở nơi đó coi là anh-hùng hảo-hán đã dũng-cảm chiến-đấu cho tự do. Bất cứ nơi nào có đám cướp cạn hoặc phản-tặc tương-tự là y như rằng dân lành thuộc giai-cấp bên dưới sẽ bị dồn/đẩy vào chốn thấp-hèn, nên buộc phải gia-nhập nhóm người phản-kháng có võ-trang, dù kết-cuộc có vô-hiệu hoặc trở-thành người tuyệt-vọng, cũng vậy.   

Tiếng Hy-Lạp có tự-vựng khá chính-xác nhằm mô-tả đám phản-loạn chuyên cướp cạn giống như ngôn-từ được tác-giả Mác-cô gán cho Barrabas. Tay này nổi tiếng làm phản, tức: một người cũng nổi dậy quyết đấu-tranh cho tư-do. Tác-giả Mác-cô viết trình-thuật Tin Mừng cũng không lâu sau ngày xảy ra chiến-tranh đầu-tiên giữa La Mã và Do-thái, khi thành thánh Giêrusalem và Đền Thờ bị phá-hủy vào thập-niên ‘70, sau Công-nguyên.

Trong truyện, tác-giả lại đã ghi cách giải-thích tai-ương do những người quái-ác điều-động. Trong số những người chiến-đấu chống quân La Mã cách vô-vọng, có nhóm người Nhiệt-thành mà họ gọi là Zealot, tức liên-minh nhỏ gồm nhiều nhóm cướp cạn cũng như phản-loạn khi xưa từng là nông-dân chân-chất.

Những gì tác-giả Mác-cô ghi ở trình-thuật, chỉ cốt diễn-tả mỗi điều ấy, mà thôi. Xem thế thì, đây là chọn-lựa của dân thành Giêrusalem thời đó. Thời, mà họ chọn Barrabas thay cho Đức Giêsu, Đấng Thiên-Sai hiền-lành. Và họ lại cũng chọn đám người tạo-phản có võ-trang, thay vì chọn Đấng Cứu-độ không có đến tấc sắt nào ở trong tay.

Truyện kể về Barrabas xưa, là tấn bi-kịch tượng-trưng cho số-phận của thành thánh Giêrusalem theo quan-niệm của tác-giả Máccô, vào độ trước. Kể lại bi-kịch này, không nhất-thiết để ta biết về vụ xử án Đức Giêsu, cho bằng tác-giả chỉ gợi cho ta biết một nhãn-giới thần-học theo quan-niệm tư-riêng của mình về vụ/việc thành thánh Giêrusalem bị sụp tan-tành thời muộn màng, về sau.


Nếu vậy, há chẳng phải ta có đầy đủ hồ-sơ ghi lại biến-cố lịch-sử xảy ra vào tuần lễ cuối của Đức Giêsu sao? Nói cho cùng, ta cũng có tuồng-tích kể về vụ đóng đinh Ngài vào thập-giá chứ?

Như tôi nói ngay từ đầu, rằng: cái khó cho việc đối-đầu với biến-cố ‘đóng đinh thập-tự’, là ở chỗ: chính giải-pháp trừng-trị kẻ đối-kháng/nổi dậy bằng việc đóng đinh nạn-nhân trên thập-tự chắc chắn từng xảy ra trong lịch-sử của Do-thái. Nhưng việc thêm thắt tình-tiết quanh sự việc này, lại tạo vấn-đề cho sử-gia. Và, đó là lý do khiến ta thấy được nhiều điều.

Hẳn bà con còn nhớ nỗ-lực mà các tác-giả Kinh Sách từng thực-hiện khi ghi chép về thời thơ-ấu của Đức GIêsu ở trinh-thuật Mát-thêu và Luca, là thế nào! Bằng cách tương-tự, tín-hữu thời tiên-khởi cũng dùng trí tưởng-tượng của các ngài, để thêu-dệt sự việc Đức Giêsu chịu ‘đóng đinh thập-tự’ và làm tươi mát thêm bằng việc kiếm tìm các truyện kể ở Cựu-Ước khả dĩ ứng-hợp để rồi sẽ đưa ra: không chỉ mỗi lý-do làm sao cho ăn khớp với thân-phận Ngài, mà cả đến giòng chảy đặc-biệt ở truyện kể nữa.


Có phải ý ông nói là: ta không nên tin vào các tác-giả Tin Mừng không? Phải chăng ông vẫn bảo: các vị đây chỉ dựng truyện cho ăn khớp với sự việc xảy ra thôi, ư?

Ý tôi không có ý bảo rằng: các tác-giả Tin Mừng lâu nay chỉ viết truyện giả-tưởng theo cách hiện-đại, thế đâu! Các ngài từng dấn-thân vào lối suy-tư linh-đạo theo cách thông-thường của Do-thái-giáo hồi thế-kỷ đầu, mà thôi. Chẳng hạn, những gì ta biết rút từ các cảo-bản ở Biển Chết được khám-phá vào năm 1947, theo đó cuộc sống cộng-đoàn của Do-thái-giáo ở thế-kỷ đầu khi mái ấm/cơ ngơi của các ngài, đều bị phá tan-tành trong cuộc chiến giữa La Mã và Do-thái. Lúc đầu, các vị thuộc bè/nhóm do tư-tế dẫn-dắt đã rút khỏi Đền Thánh Giêrusalem và sống chui sống nhủi nơi hoang-vu/rừng rú với lòng tin-tưởng rằng: Đền Thánh bị cấp lãnh-đạo sai-trái làm cho ô-nhiễm, hết sống được. Rút tỉa bài học từ tài-liệu tuyệt-tích, ta cũng biết thêm nhiều điều về cộng-đoàn trong đó các ngài từng sống. Và đây, là trọng-điểm để ta qui về các ngài khi diễn-giải Kinh Sách.

Là kinh-sư Qumran, áp-dụng Kinh Sách của Do-thái vào tình-huống xảy đến lúc đó, các ngài đã đan-kết văn-bản xưa/cũ với lối giải-thích đương-thời khéo léo đến độ càng khó cho ta để bảo rằng: Kinh Thánh bị quên lãng rất nhiều, nay các ngài thay vào đó bằng các lời bàn, mà thôi.

Bằng chủ-trương theo-dõi việc diễn-giải như thế thôi, cũng đủ khiến ta long đầu/long óc mà tìm hiểu. Ở đây, tôi sẽ không đi sâu đi sát từng chi-tiết sự việc, nhưng chỉ muốn bà con mình hiểu cho rằng: các văn-bản ghi chép cũng như lịch-sử, đều đan-xen vào nhau, ảnh-hưởng/chồng-chéo nhau. Điều, tôi muốn đề-nghị mọi người là: ta nên suy về tiến-trình xảy đến với các vị lâu nay từng dấn bước theo chân Đức Giêsu, thôi.

Xét về chuyện này, có hai ví dụ cụ-thể được ghi lại ở Kinh Sách. Đó là truyện kể về đám lính hè nhau chia-chác áo sống của Đức Giêsu (ở Tin Mừng Máccô 15: 24) được quảng-diễn từ lời thánh-vịnh được tín-hữu thời tiên-khởi sử-dụng rất nhiều hầu giải-thích cái chết của Đức Giêsu, như:

                        “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.”
(Tv 22: 19)  

Và theo sau truyện này, trình-thuật còn kể đi kể lại việc Đức Giêsu bị đám lính giam-giữ trao mật đắng, chất độc những giấm hoặc rượu chua khi Ngài kêu “Ta khát!” (như ở trình-thuật Máccô đoạn 27: 34) cũng rút từ câu Thánh vịnh khác, như sau:

            “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng,
con khát nước, lại cho uống giấm chua.” (Tv 69: 22)

Cùng một kiểu, nhiều chi tiết khác ở truyện kể về việc ‘đóng đinh thập-tự’, lại có sự kiện đám dân/quân nhổ nước miếng chế-nhạo Đức Giêsu, rồi còn đặt triều-thiên ‘gai’ lên đầu Ngài, chuyện hai tay trộm/cướp cũng bị treo thập-tự cạnh Ngài, việc trời đất đâm tối sầm vào giữa trưa, nhất nhất đều rút từ Cựu-Ước hết.

Theo truyền thống, tín-hữu thời tiên-khởi vẫn bảo nhau: “Kìa xem nỗi thống khổ Đức Giêsu gánh chịu đã được các ngôn-sứ khi xưa đà nói trước”. Thật ra thì, phải nói ngược lại mới đúng. Ngôn-sứ Do-thái khi xưa đâu có tiên-đoán những điều sẽ xảy đến với Đức Giêsu vào tuần-lễ cuối đời Ngài, đâu! Đúng ra, nhiều truyện kể dân-gian rút từ cuộc sống cộng-đồng thời tiên-khởi được dựng truyện là để ứng-nghiệm lời người xưa, hầu minh-chứng Đức Giêsu, dù Ngài có bị hành quyết cách nào đi, thì Ngài vẫn luôn còn và mãi mãi ở trong tay Thiên-Chúa là Cha Ngài.

Theo tôi, ta nên hiểu thế này: đồ-đệ tiên-khởi dấn thân theo Đức Giêsu gần như không hề biết chi tiết nào về việc Ngài bị ‘đóng đinh thập-tự’ hoặc chịu chết hoặc đã được chôn cất cẩn thận. Ta chỉ có được chi-tiết truyện kể về ngày giờ cuối của Ngài là do các tác-giả trình-thuật lấy chi-tiết truyện kể từ các văn-bản Cựu-Ước rồi định-vị biến-cố vào thế-kỷ đầu, thôi. Hơn nữa, Kinh Sách Do-thái khônglời tiên-đoán về những gì sẽ xảy đến với Đức Giêsu, mà là những gì được sử-dụng sau này để kiến-tạo truyện kể về những gì xảy đến với Ngài. Đó, là những điều được kiếm tìm theo cách ngược giòng thời trước, rồi cứ hiểu như chuyện ấy có thật xảy ra sau cái chết của Ngài. Nói cách khác, lời tiên-đoán của ngôn-sứ chỉ biết được sau khi sự-kiện xảy ra chứ không phải chyện đã được đoán trước, từ thời đã qua.


Mới đây, tôi có đọc một bài viết về ông trên tờ Detroit Free Press dưới đầu đề: “Học-Giả Chuyên Gây Tranh-Cãi Có Nói Cảnh-trí Dẫn đến việc Đức Giêsu Bị Hành-Quyết kể trong Kinh Thánh là chuyện Giả Tưởng”mà thôi.  Sao lại thế?


Không quá-trình nào thiết-yếu hơn ở đây. Chưa có trình-thuật Tin Mừng nào, được coi là sử-liệu đích-thực hoặc tiểu-sử trung-thực, mà chỉ là Phúc Âm, tức Tin Mừng, mà thôi. Tin Mừng, bao giờ cũng có hai đặc-trưng rõ rệt: Tin-tức Vui-mừng. Hình-dung-từ “vui mừng” nhấn mạnh điều ấy lấy từ lập-trường của ai đó, nói như thể: tín-hữu tiên-khởi là những vị theo chân Đức Giêsu, chứ không phải từ giới cầm-quyền La Mã. Còn, cụm-từ ‘tin-tức’ nhấn-mạnh ‘chất-lượng’ của Tin Mừng, tức: luôn được cập-nhật-hoá. Mỗi trình-thuật, không chỉ kể về Đức Giêsu mà thôi, nhưng còn cập-nhật-hoá tin-tức đúng thời-điểm, nơi chốn, tình-huống gửi đến cử-toạ, khi loan đi.

Có thể là, ta có thích hay không thích chuyện cập-nhật-hoá Tin Mừng, cũng không là điều. Nhưng, đó vẫn là lý-do cho thấy: ta chỉ có thể có duy-nhất một Đức Giêsu, nhưng lại có nhiều trình-thuật khác nhau. Tin Mừng cập-nhật-hoá các lời nói và hành-động của Đức Giêsu bằng việc chấp-nhận và thích-nghi, sáng-chế các câu nói cũng như biến-cố/sự-kiện, các cuộc tranh-luận và trao-đổi. Đến hôm nay, điều này vẫn rất tốt. Nhưng, các biến-cố/sự-kiện cũng cập-nhật câu truyện kể về kẻ thù của Đức Giêsu và từ đó mới nảy-sinh thêm rắc-rối, ngay từ đầu.

Điều đó, không hẳn để nói rằng: tín-hữu thời tiên-khởi đã ngồi xuống với nhau rồi bảo: “Nào, ta hãy chế ra những câu lếu-láo nói về kẻ thù mình đi nào!” Tín-hữu tiên-khởi, ban đầu chỉ là một nhóm người Do-thái giữa các nhóm Do-thái-giáo khác vào thế-kỷ đầu, thôi. Có thể, các ngài cũng từng đấu-tranh giành quyền-hạn và kiểm-soát/không-chế này khác cho tâm-can và đầu óc cũng như thân-phận và tài lãnh-đạo dân con của mình. Thế nhưng, điều đó xảy ra bên trong, chứ không chống lại Do-thái-giáo, của chính họ. Không cần biết mọi người gọi tên các ngài bằng gì, hoặc kết án các ngài ra sao, chẳng ai nói về chuyện chống-đối lại Do-thái-giáo hoặc dị-ứng với chủ-nghĩa Do-thái vào khi đó. 

Thế nhưng, đặc biệt sau tai-ương xảy đến từ cuộc chiến giữa La Mã và Do-thái, các tín-hữu tiên-khởi càng trở nên thế-lực ngoài rià như một lực-lượng nằm bên trong Do-thái-giáo và ngàng càng ít đạt giai-tầng lãnh-đạo chính con dân của mình. Tương-lai khi ấy nằm trong tay Do-thái-giáo của hàng tư-tế chứ không phải Do-thái-giáo của tín-hữu Đức Kitô.

Như tác-giả trình-thuật Mác-cô từng mô-tả vào thập-niên ’70, kẻ thù của Đức Giêsu vào lúc Ngài bị ‘đóng đinh thập-tự’, lại là “đám đông dân-chúng” từ Giêrusalem. Đến thời tác-giả Mát-thêu vào thập-niên ’80, thì đám đông ấy lại đã tăng-trưởng trở-thành “tất cả chúng dân”. Và, kịp đến thập-niên ’90, với tác-giả Gioan, lớp người này lại chỉ trở thành “người Do-thái”. Tôi không nghĩ, là ngay như tác-giả Gioan lại cũng định-nghĩa ‘người Do-thái’ như lớp người khác hẳn những người “không phải là Do-thái”. Điều mà tác-giả này muốn nói đến, chỉ là: những người Do-thái xấu xa kia, ngoại trừ chúng ta là người Do-thái tốt-lành! Điều này, như thể bảo: giả như một số người Mỹ buộc phải nói “Người Mỹ họ quá bạo-tàn”, không vì thế chối bỏ rằng mình cũng là người Mỹ nhưng chỉ khác mỗi định-nghĩa khi bảo rằng: “Những người thế kia là người Mỹ xấu-xí còn chúng ta là người Mỹ tốt-lành”.

Không tiến-trình nào như thế, ngay đến lối coi mặt đặt tên cách kỳ-cục nhất, cũng không tạo khác-biệt gì ở thế-kỷ thứ hai hoặc thứ ba khi Đạo Chúa, dù cho đến khi ấy đã là đạo-giáo khác với Do-thái-giáo, cũng không có sức mạnh để trả-đũa. Nhưng, vào thế-kỷ thứ tư,khi đế-quốc La Mã đã chính-thức trở-thành Kitô-giáo. Thì những chuyện ‘đóng đinh thập-tực’ cũng tương tự lại đã mang ý-nghĩa của các Kitô-hữu nay kết tội người Do-thái, và trở thành tiến-tring dài đằng đẵng đầy chết-chóc hầu chuẩn bị cho châu Âu trở-thành Lò-thiêu-sống con người vào thời-điểm đầy tính quái-gở.                                 

Lập-trường/quan-điểm của tôi ở chương này, tức chương/đoạn đưa ra câu hỏi: “Ai ra tay giết hại Đức Giêsu” đây? Có lẽ, ta cũng nên hiểu là các truyện kể về việc ‘đóng đinh thập-tự’ vào dạo trước cho đúng và tính-toán cách đặc-biệt về tiến-trình cập-nhật cài đặt vào với Tin Mừng, thời trước. Đồng thời, với tư-cách tín-hữu Đức Kitô thời cận-đại, ta lại phải bàn cãi một cách có trách-nhiệm những gì liên-quan đến việc đọc các truyện kể đầy “thương khó” ấy cho công-chúng nghe cũng như việc học-hỏi trong chỗ tư riêng các văn-bản nổi bật ấy, nếu không sợ rằng mối hận-thù người Do-thái đã đong đầy trong quá-khứ cứ tiếp-tục gây ám cho tương-lai, mai ngày. Chính vì lý-do đó mà tiêu-đề của sách này lại viết rằng: “Phơi bầy cội rễ chủ-nghĩa chống Do-thái trong truyện kể Tin Mừng về Nỗi Chết của Đức Giêsu.”
                                                                                                            (còn tiếp)

Cựu linh-mục John Dominic Crossan biên-soạn,
Mai Tá lược dịch.      
       
                  


                         
            

  



                                   



Wednesday, 24 June 2015

Cố Lm Hồng Phúc DCCT BÃO TÁP CUỘC ĐỜI




Một phái đoàn quan khách đến thăm một trại cùi. Họ rất cảm phục vì thấy các nữ tu vui vẻ săn sóc cho bệnh nhân. Một người trong phái đoàn hỏi một chị: “Vì sao chị lại sống ở đây ? Cho tôi một triệu tôi cũng không dám !” Người Nữ Tu trả lời: “Cho tôi hai triệu tôi cũng không ở. Sở dĩ tôi muốn ở đây và sống chết ở đây vì tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi.”
Với giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cũng từng nói như vậy: “Lòng yêu mến Đức Kitô thúc bách tôi”. Từ ngày ngài được biết Chúa Kitô và cảm thấy tình thương của Chúa đến độ “hiến thân mình vì tôi” ( Ga 2, 20 ), Phaolô như bị đè nặng dưới khối tình yêu của Chúa. Từ trong thâm tâm, người nghe như có tiếng vọng lại: Hãy yêu mến Ta như Ta đã yêu mến ngươi. Hãy tiến lên nữa. Hãy để Ta dùng ngươi để yêu mến kẻ khác. “Chúa Kitô đã chết thay cho hết mọi người, để những ai đang sống không sống cho mình nữa, mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ta.”
Đối với tất cả chúng ta, tình yêu Thiên Chúa cũng thúc bách và đè nặng như vậy.
Bài Phúc Âm hôm nay, dưới ngòi bút linh động của Marcô, là bài phóng sự về một cơn bão táp xảy ra trên mặt biển hồ Tiberiade thường hay có những cơn gió lốc về chiều do bầu khí bị dồn ép trong thung lũng sông Giođan. Sau khi giải tán đám đông, Chúa truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua bên kia biển hồ. Ngài lên thuyền. Sau một ngày giảng dạy mệt nhọc, Ngài đến phía sau lái, dựa trên một chiếc gối và ngủ say. Một cơn gió lốc thổi đến, cuộn lên những ngọn sóng lớn làm cho thuyền đầy nước. Các môn đệ tay chống tay tát…, còn Ngài, Ngài vẫn ngủ. Các ông đến thức Ngài dậy: “Chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao ?” Ngài bèn đe gió và phán với biển, như một người bị quỉ ám: “Hãy im đi !” Tức thì gió và biển lặng.
Tường thuật cơn bão táp im lặng có ý nghĩa gì ? Đối với Chúa Giêsu, Ngài muốn dạy cho chúng ta phải có niềm trông cậy và phó thác nơi Chúa: “Sao các con sợ hãi ? Các con không có Đức Tin ư ?” Trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, chúng ta đều nằm trong bàn tay của Cha trên Trời. Trong một hoàn cảnh tương tự, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, được nghe một câu nói bất hủ: Anh không biết là anh đang chở vua César ư ? Thì huống hồ ở đây, không phải là một vị vua trần thế mà là Vua Cả trên Trời, “Ngài làm cho bão táp dừng yên phăng phắc, sóng biển yên lặng như tờ” ( Tv 107, 29 ).
Đối với nhiều người đã chứng kiến ( vì Marcô có ghi lại: “Có nhiều thuyền khác theo” ), thì đây là một phép lạ nói lên quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng chỉ cần phán lên một lời thì gió yên biển lặng, Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo thành vạn vật. Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy ở đây tác động của hai bản tính của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Kim-Khẩu nói: “Họ vừa nhìn thấy Ngài, dựa trên gối, ngủ say, đó là một con người, họ nhìn thấy Ngài bắt biển cả phải lặng yên, đó là vị Thiên Chúa.” Trong khi các nhà thần học minh giáo lại đề cao ý tưởng “con thuyền Giáo Hội” giữa sóng gió ba đào ( Tertullien ). Chúa Kitô vẫn ở trong con thuyền Giáo Hội cũng như Ngài ở trong tâm hồn chúng ta.
Một hôm Thánh Nữ Catarina thành Sienna phải chiến đấu mãnh liệt với chước cám dỗ, bà kêu lên: “Lạy Chúa, trong khi con phải chống lại những ý tưởng nhuốc nhơ thì Chúa ở đâu ? Chúa phán: Ta đang ở trong tâm hồn con, để hỗ trợ con và để chia sẻ sự toàn thắng của con.”
Lạy Thầy, xin cứu chúng con vì chúng con sắp chết mất !
Cố Lm. HỒNG PHÚC, DCCT