Saturday, 30 August 2014

Lm Kevin O'Shea CSsR: Ngôn ngữ và hiện thực tội lỗi



Chương Sáu
Sống đời đạo-đức
với ánh-sáng Cứu-Chuộc
(bài 30)


“Rất nhiều tín-hữu Đức Kitô nay không còn cảm-nghiệm và am-tường về “cơn sốc” đậm-sâu mà nhà cải-cách Luther từng trải-nghiệm về sự hiện-hành của tội/lỗi như gánh nặng ta mang.” (Hồng Y Walter Kasper)

Ở đây, tôi đề-nghị anh em hãy cùng tôi, ta bàn thêm về những lỗi và tội mà cá-nhân mỗi người chúng ta từng trải-nghiệm dưới ánh-sáng ơn lành Cứu-chuộc Chúa hiện-thực, hôm nay. Ngày hôm nay, ơn lành cứu-chuộc Chúa ban, đối với tôi, xem ra được diễn-bày qua cung-cách lịch-duyệt bằng động-thái tặng quà cho ta, vì ta yếu-đuối; chí ít là khi ta giáp mặt/đối đầu với “lương-tâm” để có quyết-định cho riêng mình. Ý tôi muốn nói, là: làm sao ta có thể đi đến quyết-định chung-cuộc bằng vào việc sẻ-san hết mọi sự, với mọi người.

     
Phần 1:
Ngôn-ngữ
và hiện-thực của tội/lỗi

Quả thật, cũng là điều hay, và phải lẽ để ta suy, rằng: ta vốn không thể nào hiểu được những lỗi cùng tội, trừ phi trước đó, ta có ánh-sáng chiếu-rọi gửi đến cho ta để ta hiểu thế nào là Ơn cứu-chuộc và huệ-lộc mình nhận-lãnh qua Giao-ước. Trước nhất là Ơn cứu-chuộc, sau đó mới đến tội và lỗi! Chứ không phải: trước nhất đã có những lỗi và tội, sau đó Ơn cứu-chuộc mới được ban thêm, đâu. Đây, là đề-tài ta chọn để suy-tư, bàn-bạc. Và, đây cũng là ý-tưởng do thánh Phaolô, vị thánh cột-trụ của Giáo-hội, từng đề ra.

Có rất nhiều thứ và nhiều sự việc được qui cho tội và lỗi, nhiều hơn cả những hành-xử sai trái, xấu xa, hoặc “mất điếm tốt” như Kinh Sách của ta từng đề-cập.

Ngôn-từ bàn về lỗi/tội ta từng thừa-tự, xuất từ Kinh Sách cùng tư-tưởng của thánh Augustinô, hoặc từ nguồn-mạch nào đó có trước, cốt để diễn-tả về lỗi và tội nhiều hơn. Nói chung thì, ngôn-ngữ và từ-vựng có ra thế nào đi nữa, cũng chỉ là sưu-tập các ẩn-dụ vẫn tràn lan nơi đời người.

Ẩn-dụ tràn đầy, là cốt đưa ra đáp-trả trực-tiếp có chiều-kích bí-nhiệm của Giao-ước.

Chính vì thế, mà: tội và lỗi vẫn được coi là “ngẫu thần” lại được nhiều người sùng-bái như thần-linh thiêng-liêng, nhưng lại không là Thiên-Chúa như nội-dung giao-ước Ngài lập ra với ta.

Chính vì thế, mà: tội và lỗi là “sự bất tuân” theo nghĩa “không chịu nghe theo” hoặc “không thuần-phục” tiếng/giọng mời gọi của Thiên-Chúa đã giao-ước với ta.

Chính vì thế, mà: tội và lỗi vẫn là sự “mù loà”, hiểu theo nghĩa: không nhìn ra được tầm-kích bí-nhiệm ở giao-ước ta đã có với Chúa.

Do đó, mà: trong nguồn-mạch tư-tưởng của Kinh Sách, trong đó toàn-thể con dân (ở Giao-ước) là những người từng vướng-mắc các lỗi phạm căn-bản, không do Giao-ước Chúa lập ra với cá-thể riêng-rẽ, mà với toàn-thể chúng-dân, mọi dân nước.

Chính vì lý-do đó, mà: hình-tượng “bò tơ vàng ánh” trước nhất được hiểu như tội/lỗi ở Kinh Sách. Điều này kết-hợp với phần lớn ẩn-dụ đề ra ở đây. Có đạo thờ “Bò tơ vàng ánh”, bởi lẽ bê/bò là loài thú ở độ tuổi còn đang lớn, nên chúng mang ý-nghĩa của trạng-huống thiếu-trưởng-thành, chẳng đổi-thay và là sự thể bất-khả-thi gặp nơi sự phân-cách quá-trình dưỡng-dục hiện-hữu của con người.

Quả là, biểu-tượng “bò tơ” với người Do-thái còn mạnh hơn biểu-tượng về “bụi-cây- rực-cháy”. Ở đây, biểu-tượng này mang dáng-dấp của một thần dũng-mãnh thuộc loài thú, cốt hoạ lại hình-tượng thần-linh của Ai Cập, từng xuất-hiện cả vào những ngày sau lưu đày, nữa. Nhưng, đây không chỉ muốn nói đến lối sùng-bái khác thường. Bởi, “Độc thần” tự nó đã nhanh chóng trở-thành thứ sùng-bái chú “bê bò”, dễ phụng-thờ. Bởi, nó nhấn mạnh đến chuyện không thể thay cho Thiên-Chúa, được.

Đây, là thần El-Shaddai, vị Thần tự-sung/tự-mãn người xưa thường nói đến. Con người từng dập đầu xuống đất trước mặt Thần này; và vị ấy chính là thần không hình-tượng. Người từng giáp mặt với sức mạnh ở trên không nhân-nhượng. Thần đó là vị thần thống-trị/sở-hữu hết mọi sự. Trước mặt Thần, kẻ sùng-bái hoặc người phụng-thờ chỉ biết thưa: “Dưới mắt Ngài, con đây chỉ là cát bụi.” Con đây, chẳng có chân-dung/diện-mạo, bao giờ. Con đây, lại chẳng dám có quan-hệ đối-mặt với Ngài. Con không là hữu-thể nào trước sự hiện-hữu của Ngài. Và cuối cùng, các thần như thế, chẳng thể nào “cứu-chuộc” được một ai…

Tưởng cũng nên suy thêm ở đây về một số thể-loại của thứ ngôn-ngữ vẫn gắn bó với “Tội Nguyên-tổ”, tức lỗi/tội của Ađam, nam-nhân đầu đời nào đó mà nhiều vị lại cứ như thủy-tổ loài người. Lỗi/tội của thế-giới gian-trần, một bí-nhiệm của sự bất-công nhiệm-màu còn gọi là, “sự Sa ngã”. Và, Ađam là nhân-vật được dàn-dựng theo kiểu biếm-hoạ là biểu-tượng cho tất cả chúng ta, trên đời. Giả như ai đó phạm những lỗi hoặc tội gì, thì người ấy có khuynh-hướng tiến tới với lỗi/tội, ít là để khoả-lấp hoặc che đậy điều gì đó; và cũng kết-thúc bằng vô số hành-vi phạm tội như lời kinh ta vẫn đọc: “Lạy Đấng xoá tội trần-gian, xin thương ban bình-an cho chúng tôi!”

Bí-nhiệm về sự bất-công khi trước là tự-vựng ta vay-mượn từ các tập-tục của dân ngoại, vốn dĩ tìm cách giải-thích sự hiện-diện của ác-thần/sự dữ trên thế-gian biết là chừng nào! “Sự Sa ngã” chẳng bao giờ xảy đến với Ađam/Eva, hiểu theo nghĩa sử-học; nhưng vẫn đang xảy đến với tất cả chúng ta, theo sử-tính. Sử-dụng ngôn-từ như thế, thật ra cũng không giúp ai được điều gì, bởi nó mơ-hồ/trừu-tượng, cả vào khi ta nhìn bằng cặp mắt tốt-lành/hạnh đạo, ta vẫn cứ nhìn vào đó rồi liên-tưởng đến những gì ta làm ngày hôm nay, lúc này.                                                          
Tội và lỗi đưa ra vấn-nạn qua đó triết-học không có được tiếng nói hoặc lời lẽ cuối cùng nào để diễn-nghĩa hết. Nói đúng hơn, đó chính là chuyện nan-giải, bí-ẩn và là vấn-đề gì đó khó nhận ra… Nó là sự bí-ẩn vượt mọi khả-năng, biến mọi sự thành thứ gì đó công-khai, có hình có thức, cũng rất chỉnh. Nó là thành-phần của nỗi-niềm huyền-bí về tính trách-nhiệm.

Ở đây, lại có chiều-kích của sự vô-cùng/vô-tận, không nằm dưới ánh-sáng nào hết, nhưng vẫn cứ ở chốn tăm-tối, mù mịt. Nó chính là điểm tối mù được coi như gốc-nguồn của sự dữ do con người vướng mắc. Nơi bản-thể “người” luôn có sự hiện-diện của uy-lực để nói tiếng “Không” với qui-định về đạo-đức, và ngay cả việc đối-ứng bằng tiếng “Không” đối với quà tặng Chúa ban, do thù/ghét. Nó không là sự sao nhãng, lầm lạc và sơ-suất, hoặc tính cứng-ngắc của tâm can, nhưng là sự ngược-ngạo và nghịch-cảnh rất bất-lợi đối với Thiên-Chúa của tình thương-yêu, cảm mến. Nói về chuyện này, ta cần đến ngôn-ngữ của huyền-thoại mới đạt được. Mọi nỗ-lực diễn-giải lỗi và tội theo nghĩa đen hoặc từng chữ vẫn ở nhiều nơi.          

Lâu nay, ta từng có cung-cách diễn-giải khác nhau về lề-lối tạo-dựng thứ văn-chương/chữ-nghĩa chỉ để làm có mỗi việc như thế. Trước nhất, con người sử-dụng cung-cách diễn-nghĩa về Tội Nguyên-tổ, tức: cung-cách giải-thích vô-hại để có thể bảo rằng: đó là thứ văn-hoá của người nào đó quyết khẳng-định hiện-thực về ảnh-hưởng tiêu-cực có liên-quan trong đời sống con người. Đây, là cách thăng-hoa trong các nền văn-hoá khác nhau. Và, lối diễn-giải không mang tính vô-hại, thì lại bảo rằng: chuyện như thế, là cốt sử-dụng theo cách chính-trị hầu ép-buộc mọi người về với thánh-tẩy và có thánh-tẩy mới được gia-nhập cộng-đoàn Hội-thánh.

Dưới ánh-sáng như thế, ta đã bàn về Tội Nguyên-tổ và lấy bỏ nó khỏi Ơn Cứu-chuộc, đã tạo ảnh-hưởng lên vấn-đề cứu-rỗi người không được thánh-tẩy và những người không được sát-nhập vào Giáo-hội. Lối giải-thích hiện-đại, nay xem ra có khuynh-hướng nhận-dạng sự bạo-tàn/baọ-lực như cốt lỗi của lỗi/tội; rồi biện-hộ cho nền thần-học về sự tử-tế, thiếu khả-năng và coi đó như quà-tặng của ơn lành cứu chuộc.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn-đề khó khăn hơn ở sau những chuyện ra như thế. Thánh Tôma Akinô hẳn đã hiểu rất nhiều về điều này.

Bên dưới vấn-đề về chữ-nghĩa lẫn ngôn-từ, vấn-đề căn-bản đối với thánh Tôma Akinô, lại là tính-cách khả-thi của lỗi/tội. Ngay trong bản-chất của ý-chí để có quyết-tâm làm việc tốt-lành, thì: sự tốt-lành là đối-tượng chính của những lỗi và tội. Thế thì, làm sao ta lại có được lòng muốn không chịu tuân-phục sự tốt lành được? Làm sao con người lại có động-thái của ý-chí cùng một lúc vẫn muốn; và đồng một thời lại chống-đối bản-chất của ý-chí, như thế được? Làm sao ý-chí lại có thể ăn khớp với sự tốt lành, tức thật sự có quyết-tâm làm và muốn làm điều xấu xa/“tồi tệ” được?

            Nó có thể xảy đến qua sự yếu đuối.
            Nó có thể xảy ra như hoa trái của sự đam-mê, hoặc ngu dốt.

Thế nhưng, lúc đó tính-cách trách-nhiệm đã bị suy-giảm. Và như thế, không hẳn là lỗi/tội rất “hoàn-toàn”. Như thế, điều đó có xảy ra ngang qua sự việc có dã-tâm phạm lỗi, hay không? Nếu thế thì, bản-chất con người thực-sự có lòng muốn và quyết-tâm thực-hiện sự dữ, sao? Có chăng thần-học của sự mất-nết hoặc đồi-trụy, không?

Ở đây, tôi không suy về sự định-dạng của một số động-thái riêng-tư coi như việc xấu-xa/tồi-tệ, hoặc như thứ lỗi hoặc tội (như chửi thề, nổi giận hoặc như hành-xử mang tính dục-tình. Có thể, chúng ta cũng sẽ kể ra một số ví dụ về hành-vi xấu-xa/tồi-tệ, thôi. Điều tôi nghĩ đến, trên nguyên-tắc là vấn-đề nền-tảng, hỏi rằng: dầu sao đi nữa, có khi nào người bị cho là xấu-xa/tệ-lậu lại hướng lòng mình về sự tốt-lành/hạnh-đạo và thương-yêu, và “hành-xử” cách sai trái ngược với ý-định hoàn-toàn như thế, không? Và như thế, thì “lỗi/tội” là thế nào?

Muốn xử-sự theo hướng-chiều của sự dữ như thế, thì người phạm những lỗi và tội có lẽ cũng phải có vị ngọt của sự dữ, chứ? Vị ngọt ấy chỉ đến từ bản-chất sa-đoạ/gẫy đổ, mà thôi. Và, người đó cũng sẽ thấy sự dữ như điều tốt-lành, thôi. Và người ấy lại sẽ quay về với sự dữ như đã từng quay về với sự tốt-lành, đấy chứ?

Xin ghi thêm ở đây, một điều là: những người như thế, không thực-hành sự dữ cốt để nghịch-chống lương-tâm mình, bao giờ hết. Lương-tâm người ấy đã có sai sót. Không ai đòi hỏi rằng: điều tốt-lành mà người ấy muốn trở-thành người hạnh-đạo đích-thực như mọi người đều rõ, chỉ có điều, là: người ấy lại hiểu chuyện đó cũng tốt-lành, thôi. Ở đây, cũng có lập-trường cho thấy người ấy vẫn là người chạy theo sự tốt lành, cả khi họ ở tình-trạng hư-đốn, nhưng vẫn muốn nghiêng về những gì mà họ cho là tốt-lành/hạnh-đạo. Ao-ước của người phạm lỗi, là: luôn hướng về sự tốt-lành, cả khi họ vi-phạm những lỗi cùng tội. Nhưng, khi thực-hiện ao-ước của mình, họ không cố ý làm thế để nó phù-hợp với sự Tốt-Lành đích-thực, là chính Chúa. Lòng ước-ao làm điều tốt chẳng bao giờ khiếm-khuyết cả. Động-lực khiến người ấy làm thế, đúng ra chỉ là ý-chí của họ khi quyết làm; xem thế thì, đó chỉ là khiếm-khuyết, mà thôi.

Đó là những gì được thánh Tôma Akinô gọi là “tội Nguyên-tổ ở nơi ta” tức: hành-xử để luột mất đi động-lực khiến mình thực-thi điều tốt-lành/hạnh-đạo. Điều này chỉ thành hiện-thực, là vì con người vốn dĩ dễ bị thương-tổn, cũng rất nhiều. Con người kiếm tìm sự tốt-lành cho riêng mình và thiếu mất điểm-tới cho chính mình. Và, cũng vì con người vẫn giữ cho mình ước muốn được tự-do, nên họ mới bị vướng-mắc vào vòng tội/lỗi.

Đây là những gì con người cần đến ơn cứu-chuộc, là do từ đó. Ngay câm-can con người, vẫn còn đó sự bí-nhiệm bấy lâu nay. Lại cũng có đó, phần bí-hiểm của con người mà qua đó tự-do ban đầu đã được định-vị. Nếu ta thực sự gọi đó là tự-do, có lẽ đúng hơn, là khả-năng không hành-xử đúng với quà tặng của tự-do được tham-gia góp phần vào đó. Đúng hơn, đó chính là gốc, là nguồn; và đó là lỗi/tội, nơi mỗi người và mọi người trong chúng ta, nữa.                    
             

(còn tiếp)
____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch     

Friday, 29 August 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR Tông Đồ Công Vụ Chương 8 Phần 2



                                                                             Chương 8
                                                                               (Phần 2)
BIÊN SOẠN II :
STÊFANÔ BỊ BẮT (Cv6:8 – 7:1).
8/ Stêfanô làm phép lạ và gây dư luận lớn.
Fortitudo (dioh dynamis) : chỉ quyền làm phép lạ.
9/ Nhưng công việc đó đem lại cho ngài nhiều chống đối. Cứ chiếu theo kiểu đặt câu, thì đối phương có hai nhóm : nhân viên một hội đường của những người phóng thích (Libertini) cùng người xứ Kyrênê và thành Alexandria – nhóm khác gồm có các người Dothái bởi Kilikia và Tiểu á. Do lai của Stêfanô không được nói rõ. Đáng để ý là không phải chính người Dothái Hi-bá chống lại với Stêfanô, nhưng là Dothái-kiều nói tiếng Hilạp. Dễ hiểu hơn cả là Stêfanô đã làm như Phaolô sau này : vào những hội đường Dothái-kiều (tức là những hội đường xưa kia ngài đã lai vãng như nhân viên) để giảng cho đồng đạo quen biết xưa.
10/ Ơn Thánh Thần làm cho Stêfanô khôn ngoan đến đỗi không đối thủ nào vặn lý được ngài.
11/ Đối phương dùng mưu khác : xúi người vu khống rằng Stêfanô đã phạm thượng đến Môsê và Thiên Chúa (Môsê chắc là ám chỉ đến Luật - còn Thiên Chúa : có lẽ ám chỉ đến những lời phạm thượng đến Đền thờ).
12/ Không rõ chủ từ của động từ “tóm lấy”... là ai. Nhưng đây là lần đầu mà Lc cho thấy dân chúng chống nghịch với Kitô giáo. Điều đó chắc dựa trên hiện tình lịch sử. Bao lâu tín hữu trung tín với luật điều Dothái, thì quần chúng có thiện cảm. Nhưng vừa khi họ tách khỏi Luật Dothái, thì dư luận liền lên án họ. Lời lẽ của Stêfanô đã làm thay đổi dư luận. Vậy có lẽ là Stêfanô, một Hilạp-hóa nhiệt tâm, lần đầu tiên đã nhận ra rõ ràng các khác biệt sâu thẳm, từ trước đến nay còn ngấm ngầm, và bởi đó sự gay cấn giữa đạo Dothái và Kitô giáo bộc lộ ra. Người ta đã điệu Stêfanô đến pháp đình Dothái.
13/ Những lời này cho ta đoán ra được là Stêfanô đã nói những gì : tính cách tạm thời của Đền thờ, của Lề luật.
14/ Đây Luca ám chỉ đến lời mà các phúc âm Mc-Mt đã thuật lại trong vụ kiện Chúa Yêsu.
15/ Không cần phải nghĩ đến một phép lạ biến hình. Luca tả như thế để nói Stêfanô đầy ơn Thánh Thần mà làm chứng về Chúa Yêsu trước mặt những kẻ xử Ngài.
STÊFANÔ TỬ ĐẠO VÀ CUỘC BẮT BỚ (7:54-8:3)
54/ Để tả cơn phẫn nộ cực điểm của pháp đình, Lc dùng những kiểu nói Kinh thánh (coi Cv35:16; 37:12; 112:10; Aicà:6; Job 6:9)
55/ Đầy ơn Thánh Thần, Stêfanô nhìn lên trời và thấy vinh hiển của Thiên Chúa và Chúa Yêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Những lời này cốt là để dọn những lời của Stêfanô theo sau.
Stantem a dextris Dei : đáng để ý. Cv 110:1 thì nói “ngồi”. Có thể hiểu như thế : Chúa Yêsu đứng lên đón lấy môn đệ của Người (quasi lbvium Stephano : Bengel) – hay : Chúa Yêsu đứng dậy để thi hành chức vụ Mêsia của Người...
56/ Lời Stêfanô. Có liên lạc với Dan 7:13.
57/ Nghe lời đó pháp đình Dothái kêu lên và bịt tai lại kẻo nghe lời phạm thường. Một chứng chỉ vào lối thế kỷ 3 (nhưng tiêu biểu cho một tục lệ cựu trào) : “Khi ai nghe một lời không phải thì phải lấy tay bịt tai lại”. Rồi họ cùng xông vào Stêfanô. Không thấy có tuyên án gì cả. Luca cho thấy pháp đình hành động trong cơn phẫn nộ mù quáng.
58/ extra civitaem : Stêfanô bị giết ngoài thành, thì đúng với Luật (Lễthư 24:11tt; Dxt 15:35; Mishna 6:1). Theo mạch lạc thì hình như chính pháp đình Dothái thi hành việc ném đá. Nhưng ejicientes : trổng như vậy, có thể ngầm “người ta” như chủ từ, và như thế không còn rõ đích xác là ai.
Teste : tiếng này làm cho hiểu rằng việc ném đá dường như được thi hành theo thủ tục của luật pháp trong Mishna : Người chứng thứ nhất xô người bị án từ một nơi cao (chừng 3,5 thước) xuống. Tội nhân nếu còn sống, thì chứng nhân thứ hai sán cho một viên đá nặng vào ngực tội nhân nằm dưới đất làm cho dập nát sườn đi. Nhưng chiếu theo Mishna thì không phải chứng nhân cởi áo ra để hành hình, nhưng chính tội nhân bị lột áo đi. Ở đây, áo sống được đặt cho một thiếu niên giữ, người đó là Phaolô. Vai trò chính trong Công vụ đã xuất hiện.
59/ Đến giờ chết, Stêfanô phú giao linh hồn cho Chúa Yêsu, chiếu theo Cv31:6 (một kinh tối của Dothái) – nhưng đây Chúa Yêsu thay chỗ Thiên Chúa.
60/ Stêfanô từ trước đến giờ còn đứng, bây giờ quì xuống (có người nói : Stêfanô đã gượng quì lên lại!), và khẩn cầu cho những kẻ giết ngài.
8:1/ Erat consentiens : chỉ trạng thái, chứ không phải một lúc phẫn nộ. Và bây giờ một cuộc bắt bớ lớn (11:19 chỉ nói đến một tribulatio). Luca quan niệm cộng đoàn Yêrusalem như một cái gì duy nhất nên cấm cách giáng xuống cả cộng đoàn. Mọi người đều tản mác đi – trừ các tông đồ. Họ được ở lại để duy trì sự liên tục của cộng đoàn.
2/ Người ta làm đám cho Stêfanô. Chiếu theo Sanhedrin 6:6 thì cấm chỉ không được than khóc người đã bị ném đá. Một dấu chỉ là vụ xử Stêfanô không hoàn toàn theo thủ tục hợp pháp. Nếu các tín hữu đã phải trốn cả rồi, thì những “viri timorati” đây phải là những người Dothái đạo đức. Theo luật thì người bị ném đá không được có mả riêng – mà phải chôn chung cùng những người bị xử tội khác.
3/ Ở đây chúng ta có một hình ảnh Phaolô dữ dằn hơn là tán thành việc giết Stêfanô : Luca chỉ chăm chú đến hình ảnh của một người bắt đạo đáng sợ. Ngoài ra không nói gì cho chúng ta biết : tại sao Saulô không bắt bớ các Tông đồ (mà lại bắt bớ đàn ông, đàn bà)? Luca coi trình tự biến cố như thế này : vì Saulô bắt bớ gắt gao quá nên cộng đoàn đã bị phân tán. Sau khi đã khử trừ sạch tín hữu khỏi Yêrusalem, thì Saulô hễ nghe tin có tín hữu ở đâu là chạy tới, cho đến khi trẩy đi Damas.
Bình luận
1. Một truyền thống. Stêfanô nên trung tâm của vụ kiện và cấm cách. Một điều không hoàn toàn ăn khớp với hình ảnh và biểu thức của Luca (theo Lc thì các Tông đồ, có độc quyền về giảng dạy nên từ trước đến giờ là trung tâm). Nên nếu các Tông đồ không có vai trò gì trong biến cố, và cũng không bị bắt bớ gì, thì phải kết luận : một truyền thống có uy thế đã được xử dụng. Đàng khác củng cố kết luận đó là các điều này : từ trước đến nay, những kẻ chủ động chống đối Hội thánh là bè Sađóc – nhưng đây một nhóm khác xuất hiện Dothái-kiều. Không có gì câu thúc Luca nói đến họ, nếu không phải là một dự kiện lịch sử. Luca hình như cho duyên do việc bắt giam và giết Stêfanô là các phép lạ ngài làm đã gây nên cuộc tranh luận với Dothái-kiều. Nhưng dĩ nhiên duyên do như thế không đủ : duyên do chính phải là công việc truyền giáo, giảng dạy của Stêfanô, nhưng Luca có lập trường là vào thời đó công việc giảng dạy thuộc riêng các tông đồ. Như thế tóm lại Luca chắc sử dụng một truyền thống có giá trị, nếu không phải là một văn kiện.
2. Vụ Stêfanô.
Trình thuật có hai thứ dự kiện dằng co nhau : chung chung thấy như một phiên xử pháp đình : các tội, biện hộ, chứng nhân... Nhưng đàng khác lại không tuyên án, việc sau cùng xảy ra giữa sự xô xát, huyên náo, nghĩa là một việc bạo hành.
Chúng ta có thể cắt nghĩa tại sao Luca quan niệm vụ Stêfanô như một phiên xử hợp lệ, chứ không cắt nghĩa được dễ dàng tại sao Luca lại thêm những chi tiết “bạo hành” : bởi đó nên phải kết luận : thực sự là một việc bạo hành (Stêfanô bị sát hại trong một cơn phẫn uất của Dothái-kiều chứ không có phiên xử). Lý :
Luca đã muốn dẫn vào pháp đình Dothái vì theo tư cách sử gia, ngài đã tìm cách hiểu nố trong mạch lạc của những vụ xung đột với Dothái từ trước đến bây giờ : đây là chóp đỉnh của trình tự : 4:17,21 việc xung đột thứ nhất chỉ kết thúc với lời ngăm đe; 5:33,40 lần thứ hai tuy có ý định giết, nhưng sau cùng chỉ có đánh đòn. Bây giờ đến lúc sát hại và cộng đoàn bị phân tán. Đàng khác theo tư cách văn sĩ, Luca muốn dẫn pháp đình vào làm như khung cảnh cho diễn từ sẽ vạch ra lập trường Hội thánh đối với đạo Dothái. Diễn từ như thế không thể nói ra được giữa một lũ người kêu gào xô xát nhau.
Việc tử đạo : trình thuật thiếu duy nhất bởi hình ảnh phiên xử hợp lệ, nhưng cũng bởi những chủ ý riêng của tác giả nữa.
7:51-53 : các nghị viên, thẩm phán đã tức tối, người ta tưởng chừng họ liền xông tới hành hung. Nhưng không, họ cứ điềm tĩnh ngồi yên, nghiến răng mà chịu cho đến khi Stêfanô nói đến Con Người. Luca quan tâm đến tước hiệu này. Bởi đó c.55 ngài dọn trước, rồi sau đó Stêfanô tuyên bố lời về Con Người. Lời đó không liên lạc bao nhiêu với diễn từ. Diễn từ diễn ra lịch sử ngỗ nghịch của Israel. Còn đây : Thánh Thần cho Stêfanô thấy trời mở ra, để nhìn thấy cái thực tại thiên thai vượt quá ngàn trùng những chống đối trần gian. Pháp đình Dothái không thể nào muốn nghe biết điều đó. Chúa Yêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, nghĩa là Kitô giáo là đường lối đúng theo ý định Thiên Chúa, còn đạo Dothái đi trên đường chống đối Thiên Chúa. Đó là lúc pháp đình không còn nhẫn nại chịu được nữa. Đó là ý nghĩa sâu xa của trình thuật : quyết định tối hậu làm tan tành cả khung cảnh trần gian của biến cố : vì là chứng tá của Chúa Yêsu vinh hiển khải hoàn nên Stêfanô đáng chịu tử nạn. Vì thế ngay đó, đoàn lũ địch thù gào thét xông đến, lôi Stêfanô ra ngoài thành mà ném đá. Sự thế đó làm rạn vỡ cả khung cảnh hợp pháp Luca đã muốn tạo ra : vì kiểu xử án như thế chỉ có thể là bạo hành. Luca cố vớt vát lại bằng việc dẫn ra “chứng nhân”. Nhưng kiểu hành hình lại không hạp với Luật Dothái. Luca quan niệm “ném đá” như thế : người ta lượm đá và ném tới nạn nhân đứng (hay chạy) phía trước. Đó là kiểu của một đám người nổi khùng điên lên mà ném đá.
Nếu vụ xử Stêfanô là một việc bạo hành thì dễ cắt nghĩa tại sao người ta có thể làm đám và than khóc Stêfanô (không nghịch với Luật Dothái nữa) – tại sao quyền Rôma không can thiệp : việc bạo hành đã xảy ra trong ngõ hẽm nào đó trong thành, nơi mà không lính Rôma nào can thiệp được (nếu là phiên xử hợp pháp thì dễ hiểu hơn là việc xảy ra vào một lúc mà quyền Rôma khiếm diện, nghĩa là vào năm Pilatus bị triệu về Rôma, mà chưa có ai thay thế, tức là năm 36/37).
3. Vụ Stêfanô và truyện thương khó :
6:13-14 Luca cho xuất hiện chứng gian, mà Luca không nói đến trong truyện thương khó – và cũng đem lời cáo tội về phạm đến Đền thờ vào chỗ này. Chúng ta thấy các phúc âm Mc-Mt và của Yn (2:19) đều muốn giải thích lời đó sao cho hiểu được. Luca không cần phải giải thích gì nữa, vì đây đã xa rồi không còn nguy hiểm hiểu lầm nữa. Vả lại, Logion về Đền thờ ở đây, tuy không liên lạc chặt chẽ trong truyện Stêfanô (nếu tất cả chứng cho c.13 chỉ vỏn vẹn cho Logion này thì thực chưa có gì đáng tội), nhưng phù hợp với ý định Lc : chuyển qua diễn từ, tức là có việc đả kích Đền thờ. Đằng sau có giá trị lịch sử sâu thẳm : nhóm Hilạp hóa tiếp cận trung tín với đạo lý Chúa Yêsu.
Ngoài ra Logion, trình thuật còn nhiều nét nhắc đến truyện thương khó :        Lc 22:69 / Công vụ 7:56
                           23:46 /                7:59
                           23:34 /                7:60
Có thể nói : nếu là vụ kiện hợp lệ thì tất nhiên sẽ có những điều giống nhau. Nhưng phải hơn, chính Lc, hay là truyền thống Luca sử dụng về vụ Stêfanô đã thêu dệt phần nào theo mẫu truyện Thương khó.
4. Cơn bắt đạo
8:1 Luca nghĩ như tất cả cộng đoàn Yêrusalem bị bắt bớ : ấy là do ý tưởng cộng đoàn có tính cách duy nhất. Kỳ thực thì hình như chỉ có nhóm thủ lĩnh Hilạp-hóa bị bắt bớ và trục xuất khỏi Yêrusalem. Ra khỏi Yêrusalem họ hăng hái tiếp tục công việc truyền giáo. Chính những người này khi đến Antiolia đã nảy sáng kiến là thâu nhận cả người ngoại không cắt bì, và họ mở đầu một trang sử tối quan trọng cho Hội thánh.
Cơn bắt đạo và Phaolô : Giữa câu 7:58 và 8:3 thực sự có sự biến chuyển quá đột ngột. Trước tiên Saulô chỉ như người có mặt ưng thuận điều xảy ra. Khi đó Saulô bao nhiêu tuổi? Giữ vai trò gì? Các tác giả phỏng đoán : Zahn : một trong những người thủ lĩnh Dothái. Bornhauser : một rabbi thực thụ. Nhưng Phil thì lại không nói gì đến tư cách đó. Đàng khác Gal 1:22 cho thấy là cộng đoàn Yêrusalem không biết Phaolô, mà chỉ nghe được rằng : kẻ bắt đạo xưa, nay lại giảng đạo. Không phải tín hữu Yêrusalem nói, nhưng họ nghe nói bởi những người đã bị khổ bởi tay Phaolô. Còn chiếu theo Công vụ 8:3 thì chính Phaolô tống giam chắc là biết mặt người đó chứ. Đàng khác chiếu theo trình thuật, thì Saulô hoạt động ráo riết không ai bằng : lôi kéo khỏi nhà các tín hữu và tống ngục, và 26:11 : bắt tín hữu phạm thượng chối Chúa Yêsu. Saulô nên như “cơn bắt đạo” nhân cách hóa, đến đỗi Saulô vừa trở lại thì Hội thánh Yuđêa, Galilê, Samari liền được bình yên (9:31). Kỳ thực thì phải nói rằng trước tiên việc phân tán ra sau khi Stêfanô bị giết thì tín hữu đã có mặt những nơi xa rồi, thí dụ như Damas, cách Yêrusalem 300 cây số. Và có khi Phaolô chỉ bắt bớ Hội thánh tại Damas với những phương sách mà mọi hội đường Dothái có quyền xử dụng trên những người thuộc nhóm của họ, cũng như chính Phaolô sau này sẽ kinh nghiệm nơi chính mình (2Cor 11,24). Nhưng phải thú thật tại sao Phaolô lại có mặt tại Damas thì không thể biết được, lịch sử có những u uẩn mà không khoa học nào còn có thể vạch lại trình tự được.
Khi xét như thế rồi, thì nên tìm hiểu ý của Luca. Trong diễn từ Luca đã cho thấy rằng từ lâu Israel đã đi vào con đường lạc lối – với việc sát hại Stêfanô, Israel chứng tỏ không còn muốn hối cải, nhưng là trong sự cứng lòng. Bây giờ việc bắt bớ và trục xuất biện hộ cho việc đem Tin lành cho dân ngoại, và điều đó là do chính Thiên Chúa, điều mà Luca sẽ cho thấy trong truyện Cornelius trở lại (d.10). Luca không có lẽ đón trước điều đó, nên mãi đến 11:18tt mới nói đến hiệu quả của việc phân tán. Đàng khác Luca coi việc truyền giáo dân ngoại như thu tóm cả nơi Phaolô. Nhưng kỳ thực thì phải nhận rằng trước công việc truyền giáo của Phaolô thì đã có một giai đoạn truyền giáo rồi, nhưng “vô danh” : do những nhân vật không còn tên tuổi : đó là khởi điểm của các Giáo hội Damas, Antiokia, Êphêsô, Rôma... Luca bị câu thúc bởi ít oi tài liệu, có thể phóng đại, có thể đại đồng hóa, có thể suy luận do tự những điều biết được, nhưng không hề tự tiện bịa ra; và đàng khác, ngài viết theo kiểu phổ thông nên cần phải có những người có tên có tuổi, có tiếng tăm, để diễn ra những công việc lớn lao : Lịch sử ngài viết là sự nghiệp của những dụng cụ khác thường Thiên Chúa đã dùng vào công việc của Người. Nhưng Luca không hẳn là phản với hiện thực, vì thực sự sự nghiệp của Phaolô trổi vượt hơn hết trong công cuộc truyền giáo đầu tiên.

DIỄN TỪ CỦA STÊFANÔ (7:2-53)
Có thể tạm chia  
                  2-6     : thời tổ phụ
                  17-43 : thời Môsê
                  44-50 : từ Môsê đến Salômôn
                  51-53 : cật vấn người Dothái có mặt.
Đọc diễn từ lần đầu khó mà lĩnh hội ra diễn từ muốn nói gì. Đã hẳn diễn từ lược lại cả thánh sử từ Abraham cho đến Chúa Yêsu, nhưng không được quân bình bao nhiêu : thời Môsê rất giàu chi tiết, có những chi tiết không có trong Kinh thánh, nhưng có trong truyền tụng Dothái, còn có những thời rất dài lại chỉ được nói đến vỏn vẹn một tiếng, hay bỏ qua.
Việc bình luận muốn biết do lai của diễn từ : chính Stêfanô đã nói ra hay là Luca đã soạn.
Vì thực sự diễn từ không trả lời gì rõ ràng cho những lời cáo tội trên kia. Và nếu thực sự Stêfanô có diễn từ nào trước pháp đình Dothái, thì làm sao người ta giữ lại được lời lẽ của ngài. Cứ chiếu theo truyện tử đạo thì 7:55 phải nối liền với 6:15, và người ta có một trình thuật liên tiếp, tự có điều giống với truyện Thương khó; cách riêng lời Stêfanô nói về Con Người, cũng như trong vụ kiện Chúa Yêsu. Vả lại như đã học trên kia, phiên xử trước pháp đình Dothái không được bảo đảm bao nhiêu khi phân tích trình thuật về cách xử án Stêfanô, có lý mà nhận là một việc bạo hành – và nếu thế thì không còn chỗ cho một diễn từ.
Nhưng nếu không phải là diễn từ của Stêfanô thì diễn từ do chính Luca soạn ra, hay là do một nguồn văn nào?
Phân tích chung chung thì thấy được là 2-46 (trừ ra vài câu) lược tóm lại lịch sử của Israel với Thiên Chúa. Cv 105 cho thấy là những suy niệm về lịch sử như thế không phải là hiếm (một nố khác nữa là Công vụ 13:15tt) :
- thứ nhất truyện Abraham (2-7). Khúc này khó lòng mà lĩnh hội được liên lạc với cảnh huống tử đạo Stêfanô. Có tác giả đã nghĩ rằng khúc này muốn làm chứng rằng Đền thờ là phụ tùng, vì mặc khải của Thiên Chúa đã khởi sự rất lâu trước, mà lại xảy ra ngoài đất thánh. Phải cố gắng lắm mới nhận ra một ý tưởng như thế.
- truyện ông Yuse (8-16) : có tính cách đả kích hay không? Có tác giả cho là có một lời trách thầm : Israel chống đối những người Thiên Chúa cho xuất hiện để cứu họ. Nếu tư tưởng đó có thì cũng không trổi mất. Có thể hiểu như chỉ để diễn lại thánh sử – không khác gì Cv105:17.
- truyện Môsê (17-43) : khúc này khác vì chắc có tính cách đả kích trong các câu 25 35 37 39-43. Nếu ta thử đọc trình thuật nhưng tạm để ngoài các câu này đi thì thấy rằng các câu có tính cách bình chú giữa một trình thuật thản nhiên không có tính cách đả kích gì cả.
- 44-50 có tính cách khác thường. Sau khi đã nói đến việc đem Nhà tạm vào Đất Chúa hứa và sự Đavít ao ước được hân hạnh xây Đền thờ, thì diễn từ trình bày việc xây Đền thờ, nhưng một cách lạnh nhạt. Ngay sau đó lại thêm rằng : Thiên Chúa không ở trong đền thờ do tay người ta làm. Đây cũng có hai ý tưởng : một đàng Đền thờ tiếp tục qui chế Nhà tạm cùng những giới điều của Thiên Chúa, nghĩa là cũng do ý Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, diễn từ có thêm một lời Kinh thánh khác tuy không tuyên bố rõ ràng Đền thờ hết giá trị, thì cũng cho thấy là Thiên Chúa không đặt ở qui chế đó sự thờ phượng cốt thiết Người muốn, và như thế Người có thể không cần đến nữa.
Xét về văn, thì diễn từ có mùi văn Sem (nhưng điều này cũng có thể hiểu như kiểu viết một người Hilạp thấm nhuần Kinh thánh của bản LXX) – nhưng cũng có những kiểu nói cổ điển Hilạp – đàng khác lại sõi cả truyền thống chú giải Dothái theo kiểu Midrash. Bởi đó kết luận được rằng diễn từ này cốt yếu là một chương suy niệm thánh sử (theo kiểu Cv 105) dùng trong việc giảng dạy của những người gốc Dothái nhưng nói tiếng Hilạp (có thể là Dothái chính cống, cũng như có thể là Dothái Kitô giáo), trong đó Luca đã thêm những lời chú giải để ăn khớp phần vào với hoàn cảnh.
Tại sao Luca lại làm công việc một cách nửa chừng như thế? Sao không vạch rõ ra ý tưởng hơn nữa? Những dụ dựa của các nhà chú giải chứng tỏ ý tưởng cốt yếu không nảy ra rõ bao nhiêu, ấy là vì theo tư cách sử gia, Luca không coi việc tử đạo đầu tiên này như một biến cố trơ trọi một mình, nhưng là như thành phần của một trình tự lịch sử đã khởi sự từ lâu mà bây giờ (thời Luca) vẫn còn tiếp tục. Stêfanô thực sự đã lên tiếng khi bị bắt hay không, điều đó không quan hệ, nhưng điều quan hệ là hiểu thời cuộc, tình cảnh Hội thánh theo nhỡn giới Thiên Chúa, nhỡn giới luôn luôn diễn trong lịch sử về liên lạc giữa Thiên Chúa và dân Người. Stêfanô, đầy ơn Thánh Thần và khôn ngoan, ngài thực thuộc chuỗi các tiên tri, cơ quan ngôn luận của Thiên Chúa, ngài lại là khởi sáng công cuộc thoát li Hội thánh khỏi tù túng Lề luật, nên ngài có tư cách để diễn tả ra ý nghĩa siêu lịch sử của chỗ ngoặt lịch sử của dân Chúa. Lý do đã khiến người Dothái giết Stêfanô, ấy chính là cái tâm não thâm căn cố đế trong dân Israel, cái tầm não đã giết các tiên tri.
Một điều nên để ý : hai hình ảnh về dân Dothái. Một đàng là từ trước đến bây giờ : dân Dothái nói chung có thiện cảm với cộng đoàn. Luca dám nói có người bênh chữa cho tín hữu. Chỉ có nhóm Sađóc là chống đối. Nhưng trong diễn từ này, hình ảnh có vẻ đen tối lắm. Điều đó cũng giống chung chung các qui chế Luca diễn tả trong diễn từ. Dân đó mang lời hứa của Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm của Hội thánh, cũng như của chính tác giả, lại cho thấy Dothái tìm đủ cách ngăn cản công cuộc truyền giáo. Chính họ săn đuổi Phaolô từ thành này sang thành khác. Và vào thời Luca viết Công vụ, thì người Dothái là cừu địch mạnh thế, bất khuất đối với Hội thánh. Ảo vọng toàn dân Dothái trở lại, càng ngày càng xa vời. Nhưng thực sự Luca không hòa giải sao cho hai hình ảnh kế nhau ít đột ngột hơn : Israel với nhiệm vụ trong lịch sử cứu rỗi, dân của các Tổ phụ của Môsê, của các tiên tri – và Israel luôn luôn có khuynh hướng thờ quấy, giết các tiên tri.
Cf. Nên đọc : CHARLIER (Célestin) : Le manifeste d’Etienne Bible et Vie Chrétienne, 3 (1953) 83-8   .