Tuesday, 25 February 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Chú giải Thơ Thánh Phaolô I Corinthô Đoạn 11 câu 3 đến câu 16





Chú giải:

Ngay câu 3 đã có sự khó-khăn rồi. Lý-luận dựa trên tiếng “Đầu” (kephalè). Nhưng đừng vội-vàng hiểu theo Êphêsô ngay: ‘Chúa Kitô là Đầu Hội thánh’. Nếu thế thì dễ dàng ổn-thoả rồi. Nhưng, đây Chúa Kitô là ‘đầu’ của ‘đàn ông’: không fải là của tín-hữu nói chung. (đầu=ở trên)

-Đạo-lý ngấm ngầm dưới: tạo-thành nhân-loại làm thành nhờ Chúa Kitô ‘con người thiên thai’ và như vậy là mẫu tiên-trưng cho ‘người ta’ trong thực-tế.

-Đạo-lý dựa vào chú-giải Khởi nguyên 2 (nói rõ đến câu 8).

Đạo-lý nam-nữ bình-đẳng trước mặt Thiên Chúa, một nhóm fụ-nữ Côrinthô buông theo fóng-túng muốn đem ngay vào fụng-vụ công-cộng: để cho thấy họ đồng-hàng hoàn-toàn với nam-nhân, thì họ đã quẳng đi khăn trùm đầu. Thánh Faolô chống lại sự đảo-lộn tôn-ti tự-nhiên, fá cái trật-tự fải có. Trật-tự đó chỉ thấy được rõ-ràng trong mạc-khải; mạc-khải lại cho thấy là vũ-trụ được xây-dựng theo trật-tự: có trên có dưới – theo thứ-tự: Thiên Chúa – Chúa Kitô – nam-nhân – nữ-giới.

Câu 4
Lý-luận kỳ-lạ với hoàn-cảnh chúng ta. Không rõ lý-luận đó có giá-trị thế nào ở Côrinthô. Tiếng dùng ‘kephalè’: hoặc là theo nghĩa bóng- hoặc là một kiểu chơi chữ do đó mà chuyển từ câu 3 sang câu 4 được. ‘Đầu của mình’: có thể là ‘đầu’ của mỗi người (cái địa-vị vốn có của mỗi nam-nhân, được đầu trần, không mang dấu fục-tùng trong buổi hội-họp) – hay là ‘Chúa Kitô’ (nghĩa tượng-trưng) ý-tưởng sẽ như 2C 3:18. Tại sao làm nhục?

Câu 5:
‘Đầu’ trong câu này: khó hiểu nếu là đầu của fụ-nữ khi so với câu 15. Nếu bộ tóc là ‘vinh quang’ của họ, thì không có lý gì fải che giấu đi. Vậy, ở đây ‘đầu’ của đàn-bà tức là đàn-ông (người chồng của họ cách riêng): vất khăn trùm đi tức là fản-kháng lại trật-tự thiên-nhiên, đặt họ dưới quyền của ‘một người làm đầu’.

‘Gái bị cạo đầu’: Nếu lời này nói ở xứ ta, thì là một lời cảnh-cáo mạnh lắm (người đàn-bà ngoại-tình bị gọt đầu bôi vôi). Nhưng ở thế-giới Hy-lạp? – Lắm tác-giả hiểu đó là cách ăn-mặc của hạng gái điếm, hay nô-lệ. Nhưng không chắc gì. Nhưng Lucianos có nói đến hạng gái học làm trai mà người ta thường khinh bỉ. – Vậy không nên hiểu quá thần-học ở đây: một lời mỉa-mai muốn làm cho hạng fụ-nữ táo-bạo Côrinthô bẽ mặt mà lo hồi-tâm lại.

Câu 6:
Cái hiên-ngang tự-trọng của fụ-nữ không fải là học đòi theo thói của đàn ông. Thánh Yoan Kim Khẩu: làm thế fụ-nữ chẳng lấy được địa-vị đàn-ông mà đã mất ngay địa-vị đàn-bà. Họ fải nên trọn-lành trong cái hướng nữ-tính của họ. Bỏ trùm khăn để ngang hàng với đàn-ông chẳng qua là bắt chước một cách nô-lệ, và làm khuynh-bại chính nữ-tính của họ, điều họ nhận nơi những kẻ cạo đầu.

Câu 7:
Chứng dựa vào trình-thuật tạo-thành (Kn 2 nhưng áp-dụng Kn 1: 26tt) Nhấn vào tiếng doxa. Nhưng Kn 1: 26tt nói đến eikôn – homôisis. Tiếng doxa như vậy hoặc mặc lấy một nghĩa khác thường (fản-ảnh) hoặc là sai-chậy văn-bản (người chép sách lẫn-lộ tiếng ‘dogma’ (nghĩa hiểu theo tiếng deigma: hình-ảnh) (M. Ginsburger, Héring)!

Câu 8-9:
Cách trình-thuật về tạo-dựng người nữ được rút ra như chứng về địa-vị fục-tùng của người nữ.

Câu 10:
Một câu khó cắt-nghĩa về tiếng “exousia” , (coi Allo, ICor, Exc. Ix: la ‘puissance’ sur la tête, 263-268 – và bài của Miss M.D. Hooker.) Theo trật-tự, người nữ ở vào địa-vị thấp hơn, và dấu-chỉ điều đó là cái khăn trùm.

Một điều khó-khăn nữa là “vì cớ các thiên-thần”. Bỏ ngoài những giải-thích không chắc lắm theo tinh-thần của thánh Faolô, thì cái-nhiên hơn cả là thánh Foalô nghĩ đến những thiên-thần hiện-diện trong fụng-vụ, tức là những vị có nhiệm-vụ trông nom đến trật-tự thiên-nhiên trong trời đất. Vậy fụ-nữ đừng vì cách ăn-mặc lố-lăng mà làm cho những thiên-thần có nhiệm-vụ hộ-vực đó biến-thành những đấng cáo tội (coi Billerbeck III, 437-440).

Câu 11-12:
Nhưng để tránh hiểu sai ý của ngài, thánh Faolô fải nhắc lại: Trong trật-tự thiên-nhiên, có fân-biệt kẻ trên người dưới, nhưng đó không fải có 2 thứ người: nam nữ liên-đới với nhau, tùy thuộc lẫn nhau: ‘trong Chúa’, trong giới ơn thánh, trước mặt Thiên-Chúa: họ bình-đẳng. Cái trật-tự xã-hội đòi có trên có dưới, nhưng trật-tự đó không đem đến một giai-cấp nào trước mặt Thiên-Chúa, “trong Chúa” (theo tư-cách người đã được nhập vào giới ‘tạo-thành mới’).

Câu 13:
Viện đến lương-tri của tín-hữu Côrinthô: fụ-nữ Hy-lạp có thói trùm khăn khi ở ngoài fố, nơi công-cộng. Không lẽ ra mắt cộng-đoàn, và trước mặt Chúa trong kiểu ăn-mặc mà chính chị em coi là khiếm-nhã ở nơi khác!

Câu 14-15:
Một lý khác là ‘thiên-nhiên’ hay fú-bẩm fụ-nữ có tóc dài: thánh Faolô coi đó như một dấu-chỉ rằng thiên-nhiên cũng muốn chị em có gì fủ đầu. Văn-minh hình như có nhiệm-vụ bổ-túc cho công việc của thiên-nhiên, đi vào hướng của thiên-nhiên đã vạch.

Câu 16:
Thánh Faolô đem ra đủ thứ lý để biện-bạch, nhưng ngài có lẽ đã từng kinh-nghiệm về tính cãi gàn của người Côrinthô, lý-luận khó làm cho họ có xác-tín, nên ngài kết-thúc bằng viện lý uy-tín của truyền-thống. ’cái thói đó’ mà các giáo-hội không có, cũng như thánh Faolô: không fải thói cãi gàn (theo Bachmann…) nhưng là thói bỏ trùm kăn trên đầu. Giải-quyết cuối cùng là truyền-thống hiện-hành.    
                                                                                                (còn tiếp)
                                                                                     
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh thập-niên ’60)


Monday, 24 February 2014

Lm Vĩnh Sang DCCT: "GIÓ SẼ MỪNG VÌ TÓC EM BAY..."




Một lần nữa tôi có dịp theo chân một đoàn từ thiện đến Tây Nguyên. Tìm được địa điểm để có thể tiếp cận được đồng bào nghèo không phải dễ, những phẩm vật mang theo muốn trao đến trọn vẹn cho đồng bào nghèo càng không dễ chút nào. Chẳng biết cái cơ chế nào, cái luật lệ nào, cái thủ tục nào cứ phải phần trăm cho “các cấp, các ban ngành đoàn thể”, chẳng hiểu cái truyền thống hào hùng nào, cái đạo đức cách mạng nào biến những kẻ mang của cải chia sẻ cho người nghèo phải biết ơn “các cấp, các ban ngành đoàn thể” vì họ bố thí cho chúng ta cái quyền... làm từ thiện ! Nhưng thôi, tất cả cái gian lao đó, tôi đã thấy, nó không làm chùn chân những anh chị em Giáo Dân quảng đại, từ bi và nhân ái.
Tôi học được nơi họ – những người thiện nguyện – rất nhiều, sự hy sinh, can đảm, kiên nhẫn và khôn khèo. Họ không nề hà gian khổ, không kìm nén cảm xúc và không thu vén cho họ, không tìm danh lợi. Chẳng ai, chẳng nơi nào lưu dấu tên họ, chẳng ai biết họ là ai. Sau những chuyến xe gập ghềnh gian lao, những công việc nặng học vất vả, những buổi thăm viếng bị vắt kiệt sức, trở lại phố thị, vệ sinh gột rửa bụi bặm, họ trở nên thoải mái khi trút sạch những gì không có nơi đô thị trừ một cái, họ vẫn còn mang theo vào bữa ăn tối những giọt nước mắt hào sảng dành cho những thân phận nghèo hèn, kém may mắn, mà họ đã gặp nơi các buôn làng, họ đã khóc thật nhẹ nhàng, thật thoải mái khi cùng nhau nhắc lại những cuộc gặp gỡ vừa qua.
Những buôn làng tôi đã đi qua, thật nghèo, cái nghèo cùng kiệt không tả hết, những mái nhà hiu quạnh, rách nát, những con heo tộc bụng gần sát đất rong chơi tìm kiếm thức ăn cùng với những đứa trẻ mặt mày lem luốc ngơ ngác, những cái váy khô cứng xếp lớp như những miềng nhựa quấn quanh người, những cái đầu tóc không thể nào bay cho dù gió đại ngàn có cuồn cuộn kéo ngang, nó bện vào nhau, vàng cháy, khẳng khiu như những nhánh rễ cây đan quyện trên mặt đất. Những mái đầu ấy nếu được tắm gội, được chải chuốt, được đặt lên đó một nhánh hoa rừng, nếu những vòng tay đen cáu được sạch sẽ, được mang sách vở đến trường, được những miếng bánh mì lót lòng buỗi sáng, nếu những bàn chân trần có được đôi dép, tung tăng những bước chân chim với bạn bè, xếp hàng ngay ngắn trước thầy cô, hẳn số phận họ được thay đổi...
Những căn nhà bằng gỗ tồi tàn không còn nguyên vẹn, dáng kiểu nghiêng nghiêng như những triền dốc của núi đồi, hợp thành một bức tranh lạ kỳ, màu đen mốc thếch như những vạt đồi xa xa còn trơ lại đất cát sau những đám cháy nhuộm đen những gốc cây trơ trọi. Cái nghèo không thể xiết !
Chúng tôi mang đến một số phần quà như đã được nhóm tiền trạm báo trước, không ngờ số người đến nhận lại vượt quá con số dự trù. Tìm hiểu mới biết số người tăng thêm đến từ các buôn làng khác. Dân thành phố mình quen tính toán, thi nhau đưa ra giải pháp, bớt mỗi phần bao nhiêu ký để có thêm số phần cho đủ, nhưg người dân tộc tính khác, họ bảo: “Đổ chung đi, rồi cứ chia đều, thế là tốt, cùng là đồng bọn mà !” Chân chất và thật thà đến ngạc nhiên. Chúng tôi học được nhiều bài học từ núi rừng, hồn nhiên và trong sáng như thế đó...
Về lại thành phố, lòng tôi vẫn còn vương vấn, chuyến đi chớp nhoáng, thật nhanh và rút gọn, không biết lần sau có đến được vùng này nữa không, tai tôi vẫn còn ray rứt lời dặn của người môi giới: “Phát quà thôi, không được nói gì về tôn giáo”. Và một lời khác nữa của già làng: “Cán bộ dặn là không theo đạo để được là xã anh hùng !” Chúng tôi có nói gì về đạo đâu nhỉ, chỉ xin chia sẻ trong tình nghĩa làm người với nhau mà cũng khó dễ sao !?!
Bao giờ thì... "gió sẽ mừng vì tóc em bay ?"
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 23.2.2014

Saturday, 22 February 2014

Lm Kevin O’Shea, CSsR: Ơn Cứu-chuộc, và hiện-tình tôn-giáo





Ơn cứu-chuộc
nơi Ngài chan chứa!
__________________________­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­__________________________________________________________________________________
                                                                                                         Lm Kevin O’Shea, CSsR


Chương Một
Đặt vấn đề Cứu-chuộc



Phần 3:
Ơn Cứu-chuộc,
và hiện-tình tôn-giáo
qua phân-tích


Phân tích hiện-tình tôn-giáo với thế-giới “đã phát-triển” cho thấy: hiện có yêu-cầu đòi mọi người phải được ưu-tiên cứu-vớt khỏi tôn-giáo. Ưu-tiên đây, là ngôn-từ được một số người thường dùng. Nhưng, nếu nhìn cung-cách mọi người đặt ưu-tiên vào nhiều thứ, ta thấy được là có đổi-thay trong thái-độ xưa về “Ơn cứu-chuộc”, rất đặc-trưng. Đặc trưng, hiểu theo nghĩa biến-cải quan-điểm xưa nay vẫn thấy nơi một số đạo giáo hoặc giáo phái ở Đạo Chúa.

Hôm nay, tôi nghĩ ta cũng nên nhắc lại lập-trường rút từ cuốn “The Religious Situation in America” do Joseph C. Hough Jr, Khoa Trưởng Phân-khoa Thần-học Hiệp-nhất Đại học Columbia, New York City mà ông từng tỏ-bày lập-trường của ông gửi đến Hội-Đồng Hòa-Bình Thế-giới hồi tháng 9/2005 có lưu-trữ trên trang mạng có tên là www.uts.columbia.edu.


Sự việc các giáo phái cũng như tôn-giáo khác nhau nay đã đổi thái-độ nhắm vào những điểm được mọi người biện-luận như:

 
  1. Trước hết, có thể nói: phần đông nhiều người đã và đang đầu-tư mạnh vào đạo-giáo ngõ hầu đảm-bảo cho bản thân mình có được “Ơn cứu-chuộc” cách chắc chắn ngõ hầu cuộc sống đời này và đời sau của mỗi người được bảo-đảm. Cả lúc con người tỏ ra ù-lỳ, chậm đưa ý-kiến cho đấng bậc nào đó để cải-tổ lề-lối đối-thoại ngõ hầu vị đó chấp-nhận mình vào với nhóm/hội có quyền lợi, chí ít là các vị đề ra công-trình này khác cho đạo-giáo.

Ở đây, tôi cũng xin mở thêm một dấu ngoặc nhỏ để nhấn mạnh rằng: điều này phản-ánh thứ văn-hóa kiểu “Narcisse”, tức chủ-nghĩa cá-nhân, tận-tình, triệt-để. Với kinh-tế thị-trường chuyên đặt nặng vào chuyện tiêu-thụ hoặc mua sắm, thì người người ở đời vẫn hay loanh quanh lo mua sắm hoặc đổi chác, tức làm điều gì có lợi cho chính mình mà thôi. Ngày nay, mọi người mua sắm/đổi chác nhiều hơn thời xưa/cũ là để chắc chắn rằng: mình đã có được Ơn cứu-chuộc, rất an toàn.

Xem thế thì, “Ơn cứu-chuộc” mang nghĩa diễn-tả điều gì đó cá-biệt cho cả đời này lẫn đời sau, tức: như thứ hàng-hoá gì đó rất đặc-trưng, khả dĩ bảo-đảm sẽ không còn rủi-ro nào chui vào thân-phận “bọt bèo” của mình hết. Xem ra, ở đây cũng thấy hiện rõ một cải-tiến khá lớn nơi quan-niệm về Ơn cứu-chuộc dù không theo cách tốt lành, hạnh đạo.

  1. Thứ hai: sở dĩ nhiều vị tin chắc là mình được bảo-đảm có “Ơn cứu-chuộc”, là do lâu nay mình đã bỏ công tìm-kiếm ơn mưa-móc như thế để đời sau có chỗ tốt trên thiên-đàng. Điều này, xem ra phù-hợp với giá trị luân-lý mà hầu hết các tôn-giáo và xã hội từng chủ-trương.

Ở đây nữa, lại cũng thấy ít có các vụ tranh-cãi giữa các giáo-phái, ý-thức-hệ hoặc giáo-hội này khác. Ngày nay, ai cũng chú tâm đặt nặng vào những gì mà mọi người đồng ý, trên căn-bản, về Ơn cứu-chuộc.

Đa phần những điều mà mọi người đồng ý, là: phải lo chuyện luân-lý/đạo đức cách công khai như: phá thai, tái-tạo quyền công dân, vv. Phần đông nhiều người vẫn hay để tâm đến những gì cho phép họ có quyền làm nhiều thứ, với tư cách là công-dân ở xã-hội ngoài đời. Nói cho cùng, đây là lối thực-thi luân-lý mà nhiều người vẫn muốn làm, ngay đến các cụ chuyên-chăm lo đi nhà thờ/nhà thánh, cũng đều thế.


Xem như thế, thì: Ơn cứu-chuộc mang ý-nghĩa của một thứ luân-lý phù-hợp với đạo làm người ở ngoài đời, mà thôi.


  1. Điểm thứ ba, là: khát-vọng có được bảo-đảm rằng: Ơn cứu-chuộc đem đến cho ta tư-thế chính-trị mới khá thích-thú, chí ít là việc tạo cho mình một địa-vị vững chãi đối với tôn-giáo này khác.


3.1.        Trước nhất, là việc “định-vị” cho người có khuynh-hướng duy-trì truyền-thống tôn-giáo của thời trước; thời mà họ được dưỡng-dục hoặc giáo-huấn rất kỹ, hầu đưa họ vào với nhóm hội/đoàn thể nào có nhiều lợi-lộc. Lại cũng có những người khát-khao được Ơn cứu-chuộc theo kiểu nào đó, mạnh đến độ họ không chịu đổi thay điều gì dù cần thiết. Nói thế có ý bảo rằng: các vị có quyền-chức danh-vọng ở chốn cao-sang quyền-quí đều bị một số đấng bậc nào đó nhân-danh “Ơn cứu-chuộc” của Chúa ở trên cao từng “phỗng tay trên”, hoặc giành trước. Tương tự như: việc giành quyền quyết-định những chuyện có liên-quan đến các sự việc, như: hiện-tượng đồng tính luyến-ái trong Giáo-hội, vai-trò của phụ-nữ trong công-tác mục-vụ, thực-thi công-cuộc từ-thiện giúp người nghèo/khổ, hoặc những việc khó nói, như: Hội-thánh Công-giáo mình vẫn muốn “ăn trên/ngồi chốc” đối với giáo-phái hoặc giáo-hội khác với mình, hoặc có động-thái “hơn hẳn” xã-hội ngoài đời...

Những vấn-đề như thế, tự nó, không là chuyện to tát, đáng ta tập-trung quan-tâm. Nhưng, các hiện-tượng như thế, là dấu-hiệu cho thấy con người ngày nay muốn tạo cho chính mình, hoặc gia-đình mình một địa-vị nào đó với tổ-chức hoặc thể-chế nào mà mình ưa thích, thôi.


3.2.        Thứ đến, đã thấy có sự xuất đầu lộ-diện của cái-gọi-là “Siêu-Hội-thánh" –một sự-kiện có thật song-song với sự xuất-hiện của các Siêu-thị, Siêu-lộ, Siêu tạp-hoá/bán lẻ hoặc trung-tâm thương-mại vĩ-đại. Siêu Hội-thánh, tuy mang tính rao-truyền Lời Chúa rất mạnh, cũng hỗ-trợ để Ơn cứu-chuộc đến với ta và ngang qua ta, nhưng lại muốn tạo ảnh-hưởng lên mọi người về chính-trị. Ai có lý-lịch sạch lại cho rằng mình có thể đại-diện cho dân-chúng, vẫn có thể dành phần cho mình khi phục-vụ loại “Siêu-Giáo-hội” như thế.

Ví dụ cụ-thể như: nhóm “HillSong”, ở mạn Bắc Sydney. Nhóm này vẫn hân hoan vui hát lời ca, đại để như sau:

“Máu Ngài rửa sạch người tôi, nên tôi tin thế, tin như thế.
Lỗi tội của tôi được tẩy sạch và tôi tin thế, tin như thế.
Ai cần cứu-rỗi hôm nay, ai cần Chúa cứu-vớt hãy tiến về phía trước.
Chúa đến, không để phán xét một ai, nhưng để cứu-vớt ta và mọi người.”


            Lối hát hò phụng-vụ như thế, là hành-xử theo kiểu tư-riêng của giáo-phái rất nhiệt-thành, đã nhấn mạnh đến khía-cạnh “trở về nguồn” từng có thị-kiến lưỡng-nguyên, như chuyện: xấu/tốt, bẩn/sạch. Cung-cách mà nhóm này muốn, là chối-bỏ tính hiện-đại của thời-đại và cũng khước-từ cả chuyện “đại-kết” mà Giáo-hội Công-giáo từng đề ra. Nhưng đường-lối họ theo lại mang tính “cánh-chung” vẫn từng bảo: Chúa sẽ quang-lâm, thật rất sớm. Nhưng, vấn đề ở đây là: nhóm này thấy phần lớn các Giáo-hội tự cho mình là Đạo chính lại chỉ dựa nhiều vào lý-luận, mà thôi.

3.3.        Điểm thứ ba, là: hiện đang có chủ-thuyết đa-nguyên lảng vảng quanh ta, nó khác với hình-thức sống đạo ta vẫn có, vào thời trước. Và, đường-lối này cũng mở rộng vòng tay cho phép nhiều người đến với họ nhưng chẳng có cụ nào được phép “trụ” ở trên cao hoặc có quyền-lực trên ai hết. Hiện, có nhiều người vẫn nghĩ rằng: các thành viên thuộc nhóm hội/đoàn thể khác không thuộc Đạo Chúa cũng được Ơn cứu-chuộc, giống như ta. Và, hiện cũng có những vị lại cứ coi người khác, giáo-hội khác thấp kém hơn Đạo của “ta”, thua hẳn “ta”, đó mới là vấn đề. Và, một điểm nữa, là: nay đã thấy xuất-hiện nhiều động-thái cũng do-dự về nỗ-lực muốn họ “trở lại” với Đạo Công-giáo của mình nữa. Nói tóm lại, hiện đang có các buổi hội-luận nhằm bàn-thảo về lối-đường khác biệt giữa “ta” và “họ” quyết dẫn-đưa ta về với Ơn cứu-chuộc, đại để như thế. Đồng thời, lại cũng có đề nghị từng nhắn rằng: “ta” nên học hỏi nhiều điều nơi các “vị” thuộc nhóm hội/đoàn thể khác với ta, chí ít là giáo-hội bạn tựa như thế.

Xem thế thì, Ơn cứu-chuộc không nối-kết chặt-chẽ với thể-chế tôn-giáo cách đặc-biệt như từng xảy ra hồi thời trước.


  1. Hiện, đang có sự-kiện liên-quan đến giá-trị mới cũng hơi khác về cung-cách ta sinh-hoạt và giao-dịch với người nghèo khó.


4.1.        Trước nhất, mọi người đều đồng ý, là: hiện đang có nhu-cầu dành cho mọi nhóm/hội đoàn-thể không những của Đạo Chúa mà cả các giáo-phái, hoặc giáo-hội khác. Sự thể ra như thế, là để ta có khả-năng giúp người nghèo trải qua nhiều biến-đổi. Không nhóm hội/đoàn-thể của tôn-giáo nào lại có được nguồn tài-nguyên khả dĩ giúp họ hoàn-thành mục-tiêu mình nhắm đến. Các nhóm hội/đoàn-thể, vì thế, tùy thuộc rất nhiều vào các khoản tài-trợ của chính-phủ ở đời. Tuỳ thuộc cả vào sự thể trong đó các chính-phủ phải ra tay dính-dự vào sinh-hoạt nội bộ của Đạo-giáo, nữa.

Tài-trợ của chính-phủ dành cho người nghèo khó, thất-nghiệp và những người có nhu-cầu bức-thiết cách đặc-biệt, hiện cũng gia-tăng rất nhiều. Sự việc này, vẫn được coi là chuyện ngày thường ở huyện. Và, công-tác chính của các vị này vẫn là tập-trung giúp-đỡ người nghèo, tựa như thế. Các tài-trợ từ chính-phủ phải mang tính “trung-lập” đối với tôn-giáo và chỉ dành cho đạo nào đó, mà thôi. Các khoản tiền lớn bé, phải được tính-toán sao cho phù-hợp với mục đích chính-đáng do nhóm hội/đoàn thể mình đề ra; phù-hợp với luật-pháp cho minh-bạch và trong sáng bao lâu mà ban/ngành hành-chánh phụ-trách được công-nhận là cơ-quan thực-hiện rất rõ tính minh-bạch và khách-quan trong mọi giao-dịch giữa thần-quyền và thế-quyền.

4.2.        Tiếp đến, điều không may, là: hiện đang có động-thái rất mới được định ra cho người nghèo khó và sự việc này lại cứ gia tăng. Những việc như thế, chừng như đang tạo khó khăn cho chính cơ-quan cũng như các vị phụ-trách, tỉ như: vấn đề ma tuý, tội-phạm và cung-cách hành-xử tồi-tệ với chúng-dân. Điều này thấy rõ ở các trại giam, nhiều hơn ở người được giúp đỡ. Thực tế cho thấy: có người lại tự cho mình là nghèo khó là do họ chọn cho mình, như thế. Và, họ được coi là tự mình muốn sống khó nghèo để được giúp-đỡ. Như thế, tức là: họ chẳng muốn lao-động hoặc làm-việc gì để kiếm sống. Họ bị coi là những người kém thông-minh, ít học và chịu trách-nhiệm về tình cảnh khó-nghèo của chính mình. Gia đình gãy đổ lâu nay cũng bị nối-kết sai lạc vào cái nghèo về kinh-tế hoặc nối-kết vào với chốn mình sinh sống, nữa.

Ví dụ: tại Sydney, những người sống ở vùng cận-duyên phiá Bắc, các quận-lỵ ở mạn Đông, các “khu nhà giàu” vẫn gọi đám người này là “dân Miền Tây”, giống như người Việt thường gọi họ là đám “nhà quê” hoặc “dân bụi” đã chọn lầm vùng để sống.


4.3.        Trong bầu khí như thế, lại thấy nổi lên một thứ “kỳ thị chủng-tộc” rất mới. Quả là, điều này dựa trên sự phân-biệt kéo dài về sắc mầu làn da; hoặc trên “bản gốc” của người di dân, nhưng nay thấy nảy sinh nhiều yếu-tố còn hơn thế. Rõ ràng là, người nghèo đói/thiếu thốn nay vẫn bị coi như “sắc dân mới” tức: lớp người ít ai thích bén mảng đến, hoặc gần gũi. Nước nào duy trì lối suy-nghĩ như thế, cũng nên tự thấy xấu hổ, mới đúng.


“Ơn cứu-chuộc”, nếu nới rộng vào cuộc sống ở đây, hôm nay hoặc mai ngày về sau, chính là ân-huệ để trở thành người không nghèo và cũng không hèn. Họ không là sắc dân đến từ nơi khác, nhưng phải công-nhận họ là người thực-tế mới đúng vì họ biết chọn làm việc cho chính-phủ hầu kiếm được đồng tiền và vị-trí vững-chắc trong xã hội.

Ơn cứu-chuộc, nay phải hiểu theo nghĩa: quyết-tâm làm cho người khác (tức các chính-phủ) biết rằng họ có bổn-phận phải làm cái gì đó có lợi cho người nghèo, hơn là làm cho mình hoặc đảng của mình, thôi.                        


  1. Những điều nói trên, lâu nay được cánh hữu chủ-tâm đeo đuổi ở chính-trường. Với Giáo-hội, thì nhóm bảo-thủ trong Đạo, các nhóm chủ-trương rao truyền Lời Chúa, các cộng-đoàn mới thành-lập đều bị trào-lưu chính-thống trấn-át cách sâu xa, nặng nề. Các phe-phái chính-trị tựa hồ như thế, thật ra, lâu nay vẫn hiện-hữu dù chúng-dân có phê-bình hoặc chụp-mũ họ là người thế nào đi nữa, họ cũng cứ mặc. Sự việc này vẫn gia-tăng dồn-dập để rồi ảnh-hưởng chính-trị sẽ đè nặng lên hệ-thống pháp-luật, lên chính-phủ và lên cả dư-luận quần-chúng nữa. Thường thì, động-thái này xảy ra có nghĩa là:những người như thế, nay thay-thế/chiếm-lĩnh mọi hoạt-động của nhóm cực-hữu trên chính-trường lôi kéo quảng-đại quần chúng về phe mình. Ở Úc, đó là chủ-trương của Liên-đảng Tự do - Quốc gia. Còn ở Hoa kỳ, thì đó là đường lối của Đảng Cộng-Hoà. Làm thế, các đảng này sử-dụng mọi nhóm/hội là nhằm cắt giảm thuế má chỉ có lợi cho giới giàu có mà thôi, thay vì phải lo cho người nghèo, mới đúng lý. Kết cuộc là: sự việc này càng tạo ra nhiều người nghèo/khổ hơn nữa. Quanh chuyện này, lại thấy nảy sinh nhiều nhóm/hội, đôi lúc rất kín đáo, cốt triển-khai loại ảnh-hưởng tai hại đến là thế. Cụ thể hơn, ở Mỹ, có các nhóm như: Giáo-hội Kế-thừa, nhóm Số Đông Lo Việc Đạo, nhóm Đặt Nặng Chuyện Gia Đình, Quỹ Tài trợ Mahattan và Hội đồng thành-lập Chính Sách cho Cả Nước, là các nhóm chủ trương những chuyện đại loại như thế.       

Ơn cứu-chuộc, như thế có nghĩa là: chấp-nhận sự thể là ta không tài nào thay đổi được sự việc có liên-quan đến công-chúng trong khi vẫn phải sống hài-hoà với họ cùng một lúc. Bởi thế nên, phải nắm chắc rằng: mỗi người phải “trung thực” với chính mình.
Một trong các trò chơi mà giới khoa-bảng ngày nay cũng như phần đông các người khác hiện đang đùa giỡn với trò chơi gọi là trò “Tương lai Tạm Thay thế”. Một trong các phân nhóm nhỏ của trò chơi giống thế cũng gọi được là “Đạo Chúa Tạm Đổi Thay”. Điều này, là do sự thể: tại nhiều nước “đã phát-triển”, đặc biệt tại Châu Âu, phần lớn các giáo-đường đều trống vắng không người đến, thi thoảng mới thấy vài ba người đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, còn thì đa số đều dửng dưng, lãnh đạm và nhiều người còn khinh khi không thèm “lo” gì chuyện Hội-thánh nữa. Chừng như, sau tiến-trình suy sụp kéo dài ngày và chầm chậm, nay như có sự kiện “quay trở lại”, thì phải. Tại sao thế? Phải chăng như thế là do các chuyện bê bối nơi hàng giáo sĩ? Hoặc, do chúng dân nay “ăn nên làm ra”? Hoặc, vì thấy thiên hạ ở đời quá chủ trương chuyện vật-chất đến vô lý? Hoặc, do bởi chủ nghĩa chỉ biết có mua sắm, đổi chác? Hoặc, do có sự việc là các cộng đoàn dòng tu suy giảm quá đột ngột, nên mới thế? Hay, do các cuộc vận-động của các nhóm cực hữu chính-thống nay ra tay cổ võ?

Có tác-giả thuộc trường-phái giống như thế, là Steve Bruce gọi sự kiện này là “Sự dẫy chết của Đạo Chúa ở bên Anh”. Ngày nay, số người đi nhà thờ mỗi tháng một lần, vào ngày của Chúa, đã trở thành chuyện hiếm hoi, ít thấy. Việc dạy giáo-lý tại các trường công-lập hoặc các tổ-chức giáo-dục tương-tự ngày càng trở thành chuyện viển vông, không tưởng. Dân số thế giới ngày một gia tăng, trong khi đó thì thành viên Hội thánh cứ thế giảm dần đến mức độ khủng khiếp hơn trước.

Bằng vào những chuyện như thế, ta có thể nói: hiện đang có một hình-thái Giáo-hội khác Kitô-giáo, đã xuất-hiện tại các giáo xứ, nói chung. Có hình-thái giáo-phái tựa như thế, và các cộng-đoàn dân Chúa mới thành-lập, như: nhóm Opus Dei (tức: Công-trình của Chúa), nhóm Dự Tòng Mới  vv... Lại cũng thấy xuất-hiện nhiều hình-thức giữ Đạo lạ lùng như: nhóm Linh Đạo Thời đại Mới, hoặc ở Úc có nhóm mà mọi người quen gọi là nhóm “Hillsong”, vv... Một số vị lại nghĩ: Giáo-hội sẽ chẳng khi nào trở về lại với các hình-thái có sức sống mạnh mẽ như thời xưa/cũ. Họ cứ cho rằng: hình thức của các giáo-phái cũng tựa như loại “sao xẹt” cứ vừa đến rồi đi đã biến dạng ngay tức thì; và: hình thức giữ Đạo kiểu mới này ngày càng trở nên như một ý-tưởng nhỏ nảy ra trong đầu rồi phân tán; bởi thế nên, ta không tài nào phát-hiện ra được nó.
Có người lại sẽ hỏi: liệu Kitô-giáo ở các quốc gia đã phát-triển (như Úc chẳng hạn) có thật là sẽ biến dạng không? Càng ngày ta càng thấy nhiều quan-niệm về Giáo-hội cũng rất mạnh, lại quay hướng về chuyện này!

Thế nên, vấn đề đặt ra hôm nay là hỏi rằng: Ta làm gì với Ơn cứu-chuộc?
Thật ra, rất nhiều việc liên-quan đến Ơn cứu-chuộc ta có thể làm được. Có những người hằng nghĩ rằng: có lẽ, lâu nay ta để luột mất ý-nghĩa của tội-lỗi và việc đền tội -tức: hiểu theo nghĩa: đó là nhu-cầu thiết-yếu để có được Ơn cứu-chuộc cho con người-  là một trong các nguyên-do tạo nên tình-hình rắc rối như hôm nay.
Trong khi đó, có vị khác lại cứ rối lên khiến tình-hình thêm rối-rắm bằng cách bảo rằng: trừ phi ta quay trở về với vấn-đề xưa/cũ về Ơn cứu-chuộc vẫn đề ra cho Đạo mình, bằng không ta cũng trở nên hư-luống, thôi. Có vị khác lại bảo: hẳn vẫn có ý-nghĩa nào đó rất đúng về tội-lỗi và chuyện đền tội tuy không hẳn là câu giải đáp rất đúng cho sự việc đang xảy ra trong Đạo, nhưng đó là nguyên nhân chính của tình-trạng rắc-rối đối với Hội-thánh. Bàn dân thiên-hạ đâu nghĩ thế! Và có thể, họ cũng chẳng bao giờ có ý-nghĩ giống như thế, đâu?
Vậy thì, nói cho đúng, ta nên đặt vào đâu những chuyện, như: hồi hướng trở về, sám hối, thứ tha và/hoặc những việc ta từng dựng ra như những chuyện ta làm khi trước? Nói cho cùng, ta nên định-nghĩa thế nào cho đúng, khi đặt vấn-đề như thế? Có chăng một giải-pháp thoả-đáng cho vấn đề đang được đặt ra, không?
Một lần nữa, Ơn cứu-chuộc ở đây, chính là vấn-đề ta cần đặt trên bàn để cân nhắc và mổ xẻ.

                                                -------------------------------
                                                                                                                                    (còn tiếp)
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch