Friday, 28 June 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ Thánh Phaolô Thư I Corinthô Đoạn 2 câu 10 đến 16




Câu 10:

“Mặc-khải” gì?

Sự khôn ngoan hay “những điều đã dọn sẵn”? Thánh Faolô đặt trổng, đồng-nhất những sự lành thiêng-liêng Thiên-Chúa dọn sẵn với sự “Khôn-ngoan”: đời sống mới, sự hợp-nhất cùng Chúa Kitô, đó là những sự lành dọn sẵn; những sự lành đó là sự thực-hiện ý-định cứu-rỗi của Thiên-Chúa: và đó là sự khôn-ngoan: một sự khôn-ngoan đã ngấm-ngầm đồng-nhất với một nhân vật: Chúa Yêsu.

Câu 10b-16:

Một đoạn quan-trọng về “tri-thức” trong Hội-thánh. Đối chọi con người tự-nhiên, với con người siêu-nhiên. Con người tự-nhiên coi sự khôn-ngoan của Thiên-Chúa như một điều điên-rồ. Con người siêu-nhiên, thì tùy theo ơn của Thánh-thần mà lĩnh-hội ra được sự khôn-ngoan của Thiên-Chúa. Theo nguyên-tắc, mọi tín-hữu đã chịu lấy Thánh-thần và như vậy được kêu gọi để chịu lấy những bí-nhiệm của Thiên-Chúa. Tuy vậy, chỉ có những người ‘thành-toàn’ (teleioi), đây được gọi là ‘thần-ứng’ (pneumatikoi) thì Thánh-thần mới trở nên nguyên-lý tri-thức. Những người được ‘thần’ứng’ có những khả-năng thế nào, thì Faolô dùng so-sánh để giãi-bày ra: không ai có thể biến thâm-tâm người đồng-loại: chỉ có ‘pneuma’ người ấy biết được thôi. Vậy thì huống-hồ là nơi Thiên Chúa: chỉ có ‘pneuma’ của Thiên-Chúa mới biết bí-nhiệm của Thiên-Chúa mà ‘pneuma’ đó cũng là ‘pneuma’ của Chúa Kitô.

Nhưng bởi ân-huệ Thiên-Chúa, chúng ta đã được chịu lấy ‘pneuma’. Con người ‘thần-ứng’ đó, bởi được chính ‘pneuma’ của Thiên-Chúa làm nguyên-lý dẫn-dắt thì fán-đoán dưới ánh-sáng của Thiên-Chúa, nên không fải tùy-thuộc một quyền nào bên ngoài, bao lâu người ấy còn ở trong ánh-sáng của Thiên-Chúa. Và người đó sẽ đi vào những mầu-nhiệm của Thiên-Chúa ‘cả những điều thẳm sâu’ trong Thiên-Chúa. Đó là một bước bạo thật trong tinh-thần Hi-Lạp, đề-cao tri-thức một cách siêu-việt, tri-thức dưới sự thúc-đẩy của Thánh-thần làm thỏa-mãn mọi tham-vọng cao-cả về tri-thức của Hi-Lạp.

Nhưng đó là lý-tưởng hơn là một sự-kiện. Và một điều khác các nhóm ‘ngộ-đạo’ là điều Faolô đặt liên-tục với Cựu-Ước (trưng Ys 40:13), và cho thấy ‘tri-thức’ hoàn-bị này là hậu-quả của đời sống Kitô-hữu, chứ không fải tự bẩm-sinh mà có (xem Cerfaux: “Le Chrétien dans la Théologie Paulinienne: l’intellectuallisme Chrétien.”

Về vấn-đề người được thần-ứng fán-đoán trên mọi sự… (coi J. Dupont, Gnosis tr. 321-327, Le Pouvoir de Juger…)

 (còn tiếp)                              
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh thập-niên ’60)

Wednesday, 26 June 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT: THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ




Bài Tin Mừng hôm naygồm hai phần liên hệ mật thiết với nhau.
1. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa ( cc. 18 – 22 )
Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người” ( Lc 9, 18a ). Vào những thời khắc quan trọng của việc thi hành sứ vụ, Đức Giêsu đều chìm vào cầu nguyện một mình với Thiên Chúa ( lc 3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28 ). Và căn tính Mêsia của Người cũng chỉ có thể được hiểu đúng đắn nếu chúng ta xuất phát từ mối tương quan thân nghĩa của Người với Chúa Cha. Cũng chính trong mối tương quan con thảo thâm sâu này mà Đức Giêsu, theo chương trình của Thiên Chúa, sẽ đi vào cuộc thương khó và phục sinh của Người.
Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai ?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại” ( cc. 18b – 19 ).
Đức Giêsu chủ động đặt vấn đề về căn tính của Người. Nguyên sự kiện này thôi đã là đòi hỏi rằng câu trả lời thực sự thích hợp sẽ cần phải vượt quá vẻ bề ngoài và hướng đến mầu nhiệm thâm sâu bên trong, hướng đến một cái gì đó mới mẻ liên quan đến con người và hành động của Người vượt quá tầm mức một ngôn sứ bình thường. Thật ra, câu hỏi của Đức Giêsu ở đây rất khó hiểu. Không ai hỏi một vị tôn sư hay một vị Ngôn Sứ rằng vị ấy là ai; điều người ta quan tâm là vị ấy dạy điều gì hoặc công bố điều gì. Chính vì thế, đối diện với vấn đề căn tính của Đức Giêsu, các câu trả lời của dân chúng mà các đồ đệ thuật lại, đã tỏ ra không xứng hợp. Những câu trả lời ấy không vượt quá được hình ảnh ngôn sứ, đóng khung Đức Giêsu vào những thực tại mà người ta đã từng thấy hay nghe biết, không có khả năng mở ngỏ cho những thực tại mới mẻ hoàn toàn mà Thiên Chúa muốn làm ra.
Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” ( c. 20 ). Câu hỏi hướng trực tiếp về các đồ đệ, chất vấn lập trường của các ông. Nhưng chỉ một mình ông Phêrô trả lời. Ông là đại diện của các đồ đệ và của lòng tin Kitô giáo.
Tước hiệu quan trọng trong lời tuyên xưng của ông Phêrô: “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tước hiệu này cần được minh định rõ hơn ở câu 22 ( Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy ) và sẽ được bổ túc bằng mạc khải của Thiên Chúa Cha trong biên cố hiển dung ở câu 35 ( Đây là Con Ta ).
Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” ( cc. 21 – 22 ).
Lời tuyên xưng của ông Phêrô về căn tính Mêsia của Đức Giêsu, phải được xác định rõ hơn. Chính mầu nhiệm khổ nạn – chết – phục sinh sẽ là con đường để Đức Giêsu được nhận biết là Mêsia. Người truyền lệnh nghiêm cấm các đồ đệ nói với người ngoài về căn tính Mêsia của Đức Giêsu, không phải chỉ vì những lý do chính trị, mà chính yếu là vì những lý do thần học. Chỉ sau khi Đức Giêsu đã chết và phục sinh, thực tại Mêsia mới có thể được hiểu đúng đắn. Tư cách Mêsia của Đức Giêsu phải được hiểu dựa trên chương trình của Thiên Chúa về Đức Giêsu, chương trình sẽ chỉ được hoàn thành trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.
2. Điều kiện để đi theo Đức Kitô ( cc. 23 – 24 )
Nếu lời báo thương khó ở câu 22 cho thấy “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” có nghĩa là gì, thì các câu 23 – 24 trong phần cuối của bài Tin Mừng lại có chức năng xác định vị thế mà người ta phải đứng vào đó để hiểu đúng và có thể thực sự tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Trước hết, “Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( c. 23 ). Đây là một đòi hỏi phổ quát và căn bản, được nói cho mọi người thuộc mọi thời ( thay vì cho đám đông và các môn đệ như trong Mc 8, 32 ). Động từ “nói” ở đây được chia ở thời vị hoàn ( thay vì thời aorist như trong Mc và Mt ) nhằm nhấn mạnh tính chất thường xuyên của giáo huấn được trình bày.
Khi nói “đi sau tôi”, Đức Giêsu không chỉ có ý nói là gia nhập vào trường của Ngài, trở thành đồ đệ của Ngài, mà còn là thực hành một cách cụ thể chính lối sống của Ngài. Trong Hội Thánh, lối nói “đi sau Đức Giêsu” đồng nghĩa với lối nói “là Kitô hữu”.
Điều kiện thứ nhất để trở nên đồ đệ đích thực của Đức Giêsu là “từ bỏ chính mình”. Tác giả Tin Mừng không có ý nói đến một vài sự thực hành tu đức, mà là một thái độ căn bản của đời sống Kitô hữu không tìm sống tự tại nơi mình. Từ bỏ chính mình không có nghĩa là huỷ bỏ chính con người hay phẩm giá mình, mà là ý thức và đón nhận chính con người và cuộc sống của mình như là một ơn huệ và không tự tại nơi mình như thể mình là chủ tể của cuộc đời mình. Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, thì đó là “tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).
Nhìn theo một khía cạnh khác, từ bỏ chính mình là “vác lấy khổ giá mình mỗi ngày”. Đó là chấp nhận đau khổ và vượt qua những khó khăn mỗi ngày mà trung thành với những đòi hỏi của Đức Chúa. Đó là quyết định bước đi trong một cuộc sống mà đích đến không còn là cái tôi vị kỷ của mình, không còn là chính mình nữa.
Đòi hỏi cuối cùng là “hãy theo tôi”. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một sự lặp lại của “đi sau tôi”. Chúng ta biết: vào thế kỷ I, dân chúng xứ Palestina đã từng và sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc hành hình đóng đinh vào thập giá, một cách thi hành án tử hình rất tàn khốc của đế quốc Rôma. Sinh thời, Đức Giêsu hoàn toàn có thể nghĩ đến kết cục bi thảm đó cho chính bản thân Ngài. Khi nói “hãy vác lấy khổ giá mình và theo tôi”, Đức Giêsu mời gọi các đồ đệ ý thức và đón nhận những thách đố quyết liệt của việc đi theo Đấng Mêsia, đến độ sẵn sàng chết và là chết một cách đau thương, nhục nhã và tàn khốc như người ta có thể đã từng chứng kiến trong các cuộc hành hình thập giá đương thời.
Vác lấy khổ giá mình”, theo nghĩa đen, chính là việc người bị kết án tử hình vác lấy thanh ngang của cây thập tự trên vai, đi giữa đám đông đang la ó sỉ vả mà đến nơi hành hình. Ở đây, “vác lấy khổ giá mình” có nghĩa là người đồ đệ của Đức Giêsu phải sẵn sàng bị nhục mạ, bị vu khống, bị sỉ nhục và bị loại trừ khỏi xã hội. “Đi theo Đức Giêsu” là chấp nhận một cuộc đời cay đắng và đau thương như của một người bị kết án tử hình đang vác lấy khổ giá mình mà đi ra pháp trường vậy.
Sau khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, lời mời gọi đó được hiểu là lời mời gọi chấp nhận bước đi trên chính con đường đau khổ mà Đức Giêsu đã đi, tức là sẵn sàng chấp nhận sống chính thân phận bi thương của Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh Hội Thánh đang trải qua những ngày tháng bị bách hại tàn khốc, thì lời mời gọi này thực sự có tính thời sự: lòng trung thành đối với Đức Giêsu đòi hỏi các tín hữu sẵn sàng đi vào cuộc tử vì đạo trong thực tế cụ thể.
Thánh Luca đã thêm vào yếu tố “mỗi ngày”, không phải để loại bỏ cách hiểu về sự sẵn sàng chịu tử vì đạo, nhưng là để thêm vào một sắc thái nữa: đó là đòi hỏi hàng ngày trong đời sống tín hữu. Đó không chỉ là đòi hỏi của những tháng ngày bị bách hại, mà còn là quy luật sống mỗi ngày của người tin.
Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( c. 24 ). Lời này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng nội dung thì thật đơn giản: ai trốn tránh cái chết bằng cách từ chối Đấng Mêsia, thì sẽ bị kết án trong ngày Con Người đến để phán xét; còn ai sẵn sàng chết vì đạo, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình, thì sẽ không bị kết án trong ngày đó, tức là sẽ “giữ được mạng sống cho sự sống đời đời” theo kiểu nói của Ga 12, 25. Lời này quả thực ám hạp và mang tính thời sự trong những hoàn cảnh Hội Thánh bị bách hại. Khác với Mc 8, 35 ( “vì tôi và vì Tin Mừng” ), tác giả Luca chỉ ghi đơn giản: “vì tôi”. Ông muốn nhấn mạnh mối tương quan thiết thân của người tín hữu với Chúa Kitô xét như yếu tố căn bản chi phối thái độ sống và cách hành xử của Kitô hữu.
Tóm lại, phần thứ nhất của bài Tin Mừng nói về lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh mà Phêrô là đại diện: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, và xác định đâu là chân trời đích thực để hiểu đúng đắn căn tính Mêsia đó của Đức Giêsu ( mầu nhiệm chết và phục sinh ). Phần thứ hai của bài Tin Mừng nêu lên đòi hỏi căn bản dành cho người môn đệ của Đức Kitô. Chỉ khi sống theo đúng đòi hỏi này, người ta mới có thể hiểu biết và sống một cách đích thực lời tuyên xưng đức tin liên quan đến căn tính Mêsia của Đức Giêsu.
 Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Tuesday, 25 June 2013

Lm Kevin O'Shea DCCT Úc: TIN, ĐỘNG TÁC PHÁT TỪ CON TIM



Tin,
động-tác phát từ con tim
Lm Kevin O’Shea CSsR
Mai Tá lược dịch

   Triết học, là như mình đang ở trong phòng tối lại cứ tìm chú mèo mun xem nó có trong đó không.
   Siêu-hình-học, là như mình đang ở trong tối để tìm chú mèo mun vẫn không thấy nó trong đó.
   Tin, là như đi vào phòng tối tìm chú mèo mun không thấy nó trong đó nhưng lại cứ la: tôi thấy nó!  
   Thần học, như thể kể cho mọi người biết mình ở trong phòng tối để tìm chú mèo mun không có đó
                  nhưng vẫn thấy nó và biết rằng mình có nói điều đó ra cũng chẳng ma nào tin. 
   Tu-đức-học, là như thể đi vào phòng tối tìm chú mèo mun lại cứ đoan chắc là nó không có đó
nhưng lại cứ nghĩ rằng mình vừa nghe như có tiếng nó kêu “meo meo” trong đó.
   Giáo dục về đạo, là như thể đi vào phòng tối để tìm chú mèo mun biết chắc nó không có trong đó
                 nhưng lại vẫn tự hỏi không biết chú “mun” của mình có đó không.
   Khoa học, là như ở trong phòng tối tìm chú mèo mun nhưng đã biết dùng đèn loé sáng để dễ thấy.

                                                          *

Tôi tin Chúa, điều này có nghĩa gì?

SAO LÀ TÔI? SAO LÀ TIN? SAO LÀ CHÚA?   

2013 năm nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã yêu cầu Giáo hội lập ‘Năm Thánh Đức Tin’ để mọi người cùng tìm về niềm tin. Cách đây không lâu, Đức Phaolô Đệ Lục cũng đã làm thế cho năm 1967-1968. Dù có thế, xem ra ngày nay, Đức Tin không còn là vấn-đề quan-yếu cần đặt ra cho chức sắc trong Đạo hoặc mọi người nữa. Tôi thiết nghĩ: ta còn nhiều việc quan trọng cần đặt ưu tiên, như: chuyện tập-thể-hoá lãnh-đạo, chuyện Hội thánh chưa cởi mở đủ với thực tại bên ngoài, vai-trò và vị-thế của nữ-giới trong xã-hội và Giáo-hội, chuyện người từng ly-dị rồi nay tái giá, chuyện tấn-phong linh-mục cho các vị có gia đình, chuyện Giáo Hội quá tập-trung quyền lực vào trung ương, Hội thánh quá cứng ngắc trong cung-cách giáo-huấn tình-dục, chuyện các linh mục ở đây đó cứ phải chạy “Show” hết nhà thờ này đến xứ đạo khác để chủ trì Tiệc Thánh do giáo-dân tổ chức mà các ngài không nắm chắc các giáo-dân ấy có đủ chức năng để làm thế không, vv. Dù thế nào đi nữa, sao lại gọi đó là Đức Tin?

Lại có nhiều vị cứ khẳng định: ngày nay, không ai đoan chắc được mình có được 100% đức tin không. Có vị khác lại bảo: hiện đang xảy ra sự-kiện gọi là: “niềm tin nay mệt mỏi”. “Tin” đây, là tin gì? Tin thế, có tiếp cận được cơ-quan thù-tiếp nơi người mình không? Lâu nay nhiều vị chẳng hề phẩm-bình gì về niềm tin theo cung cách họ vẫn bình-phẩm Hội thánh chuyện này khác. Xem như thế, có lẽ các vị ấy chắc cũng chẳng chú trọng gì nhiều đến niềm tin, chứ nhỉ? Ngay dữ-liệu đầy cảm-tính lại cũng được đưa vào địa-hạt rao-truyền Tin Mừng theo kiểu mới cũng chỉ chú ý rất ít đến vấn đề: Tin, có là động lực xuất tự con tim không? Ở đây, tôi dùng cụm từ “cảm-tính” không theo nghĩa kinh-nghiệm nổi trôi, như thể bảo: nay thì sốt sắng, mai kia mốt nọ lại đã biến dạng.” Đây là sự việc cứ tiếp diễn một cách sâu sắc. Và, đó cũng là lý do khiến ta đặt câu hỏi: đâu là cơ-phận trong con người mình ít được quan tâm, để tìm hiểu cho rõ.

Thế nên, nay cũng là dịp thuận để ta dành vài phút tư-duy về niềm tin trong khuôn khổ “Năm Thánh Đức Tin” 2013 này. Đi vào cụ thể, ta sẽ để ra hai buổi thảo-luận khác nhau: một, về: tác động của niềm tin xuất tự con tim diễn ra hôm nay, tháng 5/2013; và buổi thứ hai, về: nội-dung chính của Niềm tin và cung cách diễn tả theo văn hoá khác biệt. Buổi này sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng 8/2013. Phải công nhận: tính nội-tại của niềm tin không được nhiều người đặt nặng trong “Năm Thánh Đức Tin” này. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng xác tín rằng: đó là thực-chất cho mọi luận-bàn về niềm tin, thật sâu sắc. Dĩ nhiên, làm thế, ta có nguy cơ phát hiện ra rằng: ta chẳng bao giờ có động-lực tin-yêu phát xuất từ nội tâm hết! Hoặc, có khi còn “lầm lẫn” về niềm tin, coi đó như thứ gì không phải là tin và cũng chẳng yêu. Nên, từ đó, ta sẽ nhận thức rằng: quà tặng của tin-yêu như thế vẫn được Chúa phú ban, không ngưng nghỉ.

Tôi phải nói ngay rằng: đây không là niềm khích-lệ của sự việc mà bên tiếng La-tinh mọi người vẫn nói “sentire cum ecclesia” (tức “đồng-hành với Hội-thánh”) nhưng đây chỉ là bản phân-tích để ta hiểu rõ về niềm tin, khả dĩ làm nó nổi lên trên mặ,t nếu như và mỗi khi ta thực hiện việc này, và cả khi không ai làm thế. Giả như Hội thánh không có niềm tin, thì ta chẳng có gì để đồng hành, hết. Làm sao các thể-chế trong giáo-hội lại có niềm tin đích-thực được? Phải chăng tin là chuyện tư riêng/cá thể mà chỉ con người mới có? Thế nên, đây không là chương trình đề ra để ta đề-bạt/đề-xuất điều gì trong Năm Thánh Đức Tin, nhưng để ta nhìn vào khoảnh-khắc của niềm tin ta có vào bất cứ ngày nào trong năm.

Thêm điều nữa, ở đây tôi chỉ muốn nói: vấn nạn gay gắt về niềm tin có thể khiến một số người trong ta cảm thấy như bị doạ nạt này khác khiến có cảm tưởng là niềm tin ta có cũng quá nhỏ hoặc không đích xác là tin. Nói cho cùng, tôi vẫn muốn tỏ ra trung thực về chuyện này, nên sẽ kết luận rằng: mọi người chúng ta đều có lòng tin. Vâng. Đúng thế. Ai cũng có khả năng đạt kết cuộc để rồi sẽ cảm kích nói rằng: thực tế vượt quá những gì ta thường làm.

Tôi muốn nói thêm một điều nữa, là: nhìn về những ngày còn đi học –nhất là học về niềm tin đi Đạo- tôi thấy được điều mà người Trung cổ vẫn thường qui về điều mà các vị gọi là: “questio disputata”, tức: vấn đề dễ gây tranh cãi. Thật sự, ở đây, tôi chỉ muốn công-khai-hoá các dữ-kiện tiềm-ẩn để ta có thể và có nhu cầu đưa ra nhiều câu trả lời hơn chỉ một câu. Tôi thật sự chẳng muốn đệ-đạt một phương-án nào, dù cũ/mới, về niềm tin theo cung-cách đối nghịch hoặc tách rời nhau. Tôi muốn trình bày sự việc tuy có khác biệt nhưng tương tác với nhau trong khi chúng cùng một lúc hiện-diện bên nhau và với nhau. Các vấn đề như thế, tôi nghiêng về lập luận của tác giả Mikael Bakhtin trong bài nói về “tính nguyên-thủy” cần được giải-thích, nhưng cùng lúc ông lại vào Google để kiếm những điều ông muốn tìm.

                                                            *
             
Phần đầu này, tôi nhắm vào kinh-nghiệm thẳm-sâu về niềm tin. Và, thực hiện điều này cho trọn vẹn, ta cần xét kỹ, dù không đuợc trọn hảo, đối tượng hoặc cung cách nó diễn tả. Thông thường thì, động-tác thâm-sâu nội-tại này không được xét kỹ. Thế nên, tôi đề nghị ta nhấn mạnh đến khía-cạnh tâm-lý và thần-học của tác-động nội-tại đang đổi thay, như thế sẽ tốt hơn. Tôi sẽ để cho các mẫu mã  -và một số phê-bình về điều đó- từ từ nổi lên trong khi ta khai thác dữ-kiện nào thấy có ở trong đó.

Đồng thời, ta cũng sẽ để ý đến yếu-tố năng-động/thần-thánh vẫn can-dự vào niềm tin thánh thiêng/linh đạo, chứ không chỉ xét xem người mới tin đang làm gì mà thôi, nhưng cả việc Thiên-Chúa-là-Tình-yêu đang khởi-sự có quan-hệ mới với những người mới tin. Tôi nghĩ điều này sẽ không được thần học đón nhận như một thực-thể. Thường thì, ta quá nhanh-nhẩu phân tích các bước tiến khác nhau trong tiến-trình tin-yêu nơi con người. Trong khi đó, lại ít sẵn sàng nắm vững tính bí-nhiệm để cho thấy Chúa chẳng ban chính tâm-trạng của chút nào hết.

Lâu nay, tôi vẫn cố gắng trình-bày dữ-kiện theo cách thăm-dò để học hỏi  đôi điều thực tế rất trọn vẹn. Thăm dò như thế, bao giờ cũng cần tính kiên-nhẫn.

                                                                        *

Dĩ nhiên, tài liệu chính ta sử dụng ở đây là Lời Chúa, tức: hiến chế về tín lý do Công Đồng Vaticăng 2 ban hành, còn văn bản kia là Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân”. Lúc ấy, mọi người đều thấy được chất tiểu-thuyết trong Hiến chế về Lời Chúa. Bởi, mặc-khải là cung cách Chúa đối-thoại xuất từ Ngài, và về Ngài. Bằng việc này, Ngài triển-khai cuộc trao-đổi/đối-thoại cả với ta, nữa. Thế nên, ta cần phương-án mang tính cảm-nghiệm tư riêng khi đối thoại. Về phần ta, đối thoại ấy là “Niềm Tin”. Và, chủ đích tôi nhắm đến ở đây, là dõi theo đường lối đối-thoại, qua học hỏi.

“Bản thể con người được đặt để một cách trọn vẹn và tự do trong tuyên-dương rất mực đầy tính thông-minh kiên-định để cho Chúa mặc-khải về chính Ngài, bằng việc tự nguyện thuận thảo với mặc khải.” (chương 5)

“Nhờ mặc khải đến từ tình yêu tràn đầy của Thiên-Chúa theo cách khó nhìn thấy nhưng được gửi cho con người theo tư cách bạn bè, nên Ngài chuyện trò với con người để rồi mời gọi họ đi vào hiệp-thông với Chúa Cha, để Cha chấp-nhận mọi người vào với sự hiệp thông thần thánh này.”


Đức Gioan Phaolô II có nói trong Tông Thư “Fides et Ratio” (tức: Niềm Tin và Lý Trí) mục đích là để nhắm vào niềm tin ta có. Năm 2007, ĐGH Bênêđíchtô 16 cũng ban hành Thông Điệp “Spe Salvi” (tức: Cứu Rỗi nhờ vào Hy vọng) mở đường cho Tông thư khác có tên là “Caritas in Veritate” (tức: Bác Ái nhờ vào Sự Thật). Thông điệp, gồm ba từ-vựng kép nói về Niềm Tin, Hy vọng và Thương Yêu. Nhưng, từ vựng kép này được dùng như khuôn khổ nhấn mạnh ý nghĩa của Thông điệp. Ý chủ ở Thông điệp này, là tuyên ngôn về tín-lý của đạo Công giáo liên quan đến các thuyết-lý nhằm giảm-thiểu tính tập-trung đầu óc vào chuyện siêu-hình, đời sau và niềm tin, ân huệ là quà tặng. Tông thư do Đức Gioan Phaolô đệ Nhị ban hành là kết-quả một đời người có triết thuyết về tính hữu-sự, siêu việt. Tông thư do Đức Bênêđíchtô 16 ban-hành lại đặt nặng lên niềm Hy vọng trình bày rộng-rãi những gì ngài đã quảng-diễn trong các bài ngài viết vào lúc trước khi trở thành giáo-hoàng, là về Cánh-chung-luận. Vào tháng 11 năm 2012, Đức Bênêđíchtô 16 có hứa sẽ viết một tông-thư bàn về niềm tin vào năm thánh Đức Tin, tức xuất hiện khoảng đầu năm 2013, nhưng nay ngài đã từ nhiệm chức-vụ làm đầu Hội-thánh, nên muốn biết ngài viết những gì trong đó, xin đọc lại thông điệp Porta Fidei (Cánh Cửa Niềm Tin) ban hành vào đầu “Năm Thánh Đức Tin”. Nay, ngài đã hưu dưỡng, thế nên có lẽ ta sẽ chẳng được đọc ý tưởng của ngài về niềm tin nữa. Thế nhưng, dữ-liệu ngài thu thập để viết tông thư, có thể cũng xuất hiện ở đâu đó, không chính thức.

Ở đây, tôi không muốn bình-luận về các nguồn như thế, mà chỉ khai-triển các đặc trưng cảm-nghiệm nội-tại về sự tin-tưởng vẫn có trong niềm tin. Thật sự, tôi chỉ muốn triển-khai tính-khí cũng như tình-tự nằm trong đó, thôi. Tôi những muốn mở con đường tiềm-ẩn trong nội-tâm của mỗi người mà có khi chẳng ai buồn khám phá ra hết. Tôi lại cũng muốn làm được chuyện ấy bằng cách phẩm-bình vài đường lối diễn tả về những dính dự vào niềm tin, đặc biệt là tin Chúa. Với lòng tôn kính sẵn có, tôi cũng hàm-ẩn lối diễn tả khác dành cho mỗi người và mọi người có cơ hội đào sâu niềm tin sâu xa của mình.

Trên hết mọi sự, phương-cách tôi sử dụng ở đây, là: nhìn vào đặc trưng thông-suốt của niềm tin, chí ít là tin Chúa. Trước kia, Giáo hội có thói quen sử dụng lý-trí để đưa trí-tuệ vào địa hạt tin tưởng nơi đấng bậc thánh-thiêng; nhưng, cân nhắc theo lý-trí chỉ là phương-cách nhỏ để trở thành thông-minh, trí-tuệ. Mới đây, có phong-trào phổ biến khá rộng đưa về định-hướng có phương-án chủ-lực đặt nặng về cảm-tính khi nói về niềm tin vào đấng thánh-thiêng. Làm thế, sẽ giảm-thiểu hoặc trệch đường khỏi đặc-trưng/đặc-thù thông-minh, rất trí-tuệ. Thế nên, mục tiêu hôm nay tôi muốn nhắm đến, là: từ từ rồi ra ta cũng bắt gặp được từ truyền-thống rất rộng, thứ trí-tuệ đặc-thù có ở niềm tin vốn dĩ vượt trội đặc trưng lý-trí; và như thế sẽ cho phép và đòi ta bao gồm cả yếu tố tự nhiên, rất thương cảm.

Tóm lại, hôm nay ta cùng nhau duyệt xét chủ đề tin, qua các chương như sau:

Chương Một: Tin, động-tác phát từ con tim
                        “Tin” thật ra có nghĩa gì?

Chương Hai:  Ánh sáng Niềm tin
                        Thấy ánh sáng trong niềm tin – ta “nhận” ra được đôi điều

Chương Ba:    Quà tặng Niềm tin
                        Nhận quà “siêu nhiên” về Niềm tin

Chương Bốn: Từ Tin đến Yêu
                        Tháp nhập Niềm Tin vào cuộc sống có Yêu Thương

Chương Năm:            Tin – Yêu tràn đầy Hy vọng
                        Tin và Hy vọng vào hạnh phúc vĩnh-cửu rày sẽ đến

                                                                                                (còn tiếp)


______________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch