Tuesday, 30 April 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT: ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU




Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: lời giải thích của Đức Giêsu về cuộc Vượt Qua của Người ( Ga 13, 31 32 ) và lệnh truyền mới của Đức Giêsu cho Hội Thánh ( Ga 13, 33a.34 35 ).
1. Lời giải thích của Đức Giêsu về cuộc Vượt Qua của Người ( Ga 13, 31 32 )
Giuđa bắt đầu thực hiện âm mưu nộp Đức Giêsu. Khi Giuđa đã đi rồi, Đức Giêsu giải thích bản chất của những thực tại đang diễn ra. Nhìn bề ngoài, Người đang đi vào một cuộc thất bại kinh khủng, nhưng thực chất, cái chết của Người chính là một cuộc bày tỏ vinh quang và tình yêu ở mức tròn đầy: “Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người” ( Ga 13, 31 ). Thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Con Người diễn tả tình yêu và vinh quang của Người ở mức độ cao nhất và trọn vẹn nhất. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” ( Ga 1, 14 ). Với tất cả tự do, Đức Giêsu phó nộp mình trong tay kẻ dữ và đón nhận cái chết thảm khốc, vì yêu mến và để cứu độ thế gian.
Cái chết của Người, quả thực, chính là bằng chứng lớn lao và vĩ đại nhất của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ). Chính theo nghĩa đó, “Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” ( Ga 13, 31 ).
Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” ( Ga 13, 32 ). Cần đọc lời này của Đức Giêsu trong liên hệ với Ga 12, 28: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha". Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !
Tình yêu mà Đức Giêsu bộc lộ trong cuộc thương khó và cái chết của Người, tình yêu đã được thi thố đến mức tận cùng qua hình ảnh máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, tình yêu ấy sẽ đổ tràn vinh quang của Thiên Chúa nơi chúng ta. Và “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” ( Ga 1, 16 ). Đó chính là cách Thiên Chúa tôn vinh Con Một của Người nơi chính mình. Nói cách khác, chính khi Đức Giêsu sống thân phận hạt lúa bị thối rữa trong lòng đất, lại là lúc xảy đến cuộc Thiên Chúa tôn vinh Người bằng cách đổ tràn trên nhân loại tất cả ơn nghĩa và sự thật: “Đức Giêsu nói: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác( Ga 12, 23 24 ).
Như thế, ở tận cùng của sự ô nhục của thập giá lại là cuộc tôn vinh tuyệt vời của Con Thiên Chúa, cuộc tôn vinh vì tình yêu và ơn cứu độ dành cho thế gian. Nơi tận cùng của cái chết bi thảm lại là điểm khởi đầu của sự sống mới mẻ và viên mãn, bởi vì, nơi sự chết mà Đức Giêsu đang đi vào, “Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” ( Ga 13, 31 32 ).
2. Căn tính của cộng đoàn Hội Thánh – cộng đoàn Mêsia ( Ga 13, 33a.34 35 )
Chính trong tư thế của Đấng được Thiên Chúa tôn vinh đó, Đức Giêsu nói những lời từ biệt các đồ đệ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13, 33a.34 35 ).
Đức Giêsu sắp rời khỏi thế gian, nhưng các đồ đệ của Người vẫn còn ở trong thế gian ( Ga 13, 1; 17, 11 ). Đức Giêsu thiết lập họ thành cộng đoàn và ban cho họ căn tính riêng biệt của những con người thuộc về cộng đoàn đó. Trước đây, các đồ đệ đã biết Đức Giêsu là Đấng Mêsia ( 1, 41.45.49 ); và bây giờ, các ông sẽ biết đâu là đặc tính quan trọng bậc nhất của cộng đoàn Mêsia: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” ( Ga 13, 34a ).
Khi nói “điều răn mới”, Đức Giêsu có ý đặt điều răn này đối lập với luật cũ. Luật Môsê được thay thế bằng lệnh truyền tràn đầy ân sủng và sự thật của Đức Giêsu. Sự khác biệt giữa hai giao ước được xác định. “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” ( Ga 1, 17 ). “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” ( Ga 3, 31.34 ). Vinh quang của Thiên Chúa là sự dẫy tràn ân sủng và sự thật ( Ga 1, 14 ), nên đòi hỏi dành cho những người được đưa vào vinh quang ấy cũng phải là tình yêu và chân lý, bởi vì “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” ( Ga 1, 16 ).
Điều đáng chú ý: trong điều răn mới, Đức Giêsu không hề đòi hỏi các đồ đệ phải làm gì cho chính Người hoặc cho Thiên Chúa, mà chỉ đòi hỏi các đồ đệ yêu thương nhau. Thiên Chúa không tập trung chú ý của Người về chính bản thân mình. Tình yêu của Người là tình yêu năng động hướng đến toàn thể vũ trụ và nhân loại. Tình yêu của Người là tình yêu hiến tặng cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ).
Khuôn mẫu và tiêu chuẩn của tình yêu mà các đồ đệ phải thi thố là chính Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 13, 34b ).
Đức Giêsu đã từng mời gọi các đồ đệ đồng hóa với Người trong sự sống và trong cái chết của Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” ( Ga 6, 53 ). Bây giờ, Người xác định rằng các hành động của Người chính là khuôn mẫu cho cách sống của các độ đệ: điều răn mới chính yếu hệ tại ở chỗ các đồ đệ yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ vậy. Đức Giêsu là tiêu chuẩn, là thước đo, là khuôn mẫu, là lý tưởng và là cùng đích tối hậu của tình yêu thương.
Có thể lấy hai hành động mà Đức Giêsu vừa thực hiện làm điểm quy chiếu giúp giải thích thế nào là yêu thương nhau “như Thầy yêu anh em”: sự kiện Đức Giêsu rửa chân cho các đồ đệ ( Ga 13, 1 20 ) và thái độ của Người đối với Giuđa, kẻ nộp Người ( Ga 13, 21 32 ). Bằng việc rửa chân cho các đồ đệ, Đức Giêsu cho thấy điểm quan trọng trong tình yêu là đón nhận người khác và đặt mình trong tư thế phục vụ người khác bằng cách đem lại cho họ phẩm giá và sự tự do nhờ tình yêu mến. Cách hành xử của Đức Giêsu đối với Giuđa cho thấy tình yêu đó không được giới hạn vào một loại đối tượng nào và không được loại trừ bất cứ ai, nhưng luôn luôn hết mực tôn trọng tự do của người khác một cách đúng đắn.
Lệnh truyền mới của Đức Giêsu được ban cho những người thuộc về Người, tức là những kẻ được Thiên Chúa sinh ra nhờ Thánh Thần ( Ga 1, 13: “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”; 3, 5 6: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí; cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” ). Do Thiên Chúa sinh ra, những người đó đã đón nhận quyền trở nên con cái Thiên Chúa ( Ga 1, 12 ), và họ sẽ thực sự trở nên con cái Thiên Chúa khi họ yêu thương như chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã yêu thương: chính Người là con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống ( Ga 14, 6 ).
Tình yêu thương giữa các đồ đệ với nhau phải là một thực tại có thể thấy được và có thể được mọi người nhận biết. Vì thế, tình yêu ấy cần phải được diễn tả bằng những hành động thực tế, như Đức Giêsu đã thực hiện. Và đây sẽ là một dấu hiệu đánh dấu dung mạo và phản ánh căn tính của cộng đoàn. Sự kiện các đồ đệ thuộc về Tôn Sư chí thánh ( “anh em là môn đệ của Thầy” ) không phải là một điều lý thuyết, mà là một thực tại cụ thể được diễn tả trong thực tế của cuộc sống tràn đầy yêu thương. Cộng đoàn các đồ đệ của Chúa Giêsu sẽ không “đánh dấu” mình bằng những lý thuyết khôn ngoan độc đáo, cũng không phải bằng những bài diễn thuyết hùng hồn, cũng chẳng phải bằng những lời giảng khuyên tốt lành, cũng không phải bằng những tư tưởng cao xa về Thiên Chúa. Cộng đoàn Hội Thánh thể hiện mình trong khả năng yêu thương đến tận cùng và trong việc xây dựng một xã hội mới của tình yêu thương đến tận cùng ấy. Và đó chính là điều làm cho Chúa Cha được nhận biết giữa thế gian.
Thay cho hòm bia của giao ước cũ, Đức Giêsu muốn thiết lập một không gian và nơi chốn yêu thương trong giao ước mới. Thế gian sẽ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính tình yêu thương mà các độ đệ của Đức Giêsu thi thố giữa thế gian. Không phải những cơ cấu hoàn chỉnh, không phải những cuộc lễ tưng bừng hay những thứ khác tương tự, sẽ là dấu hiệu để thế gian nhận biết các độ đệ của Đức Giêsu, mà là tình yêu thương như chính Đức Giêsu đã yêu thương. Đó là tiêu chuẩn duy nhất mà Đức Giêsu đã thiết lập để “đánh dấu” dung mạo của cộng đoàn Mêsia.
Khi thiết lập tiêu chí duy nhất để cộng đoàn Hội Thánh được nhận biết giữa thế gian như thế, Đức Giêsu đã loại trừ tất cả những tiêu chí khác. Căn tính của Hội Thánh không được đặt nền trên luật lệ hay phụng tự. Tình yêu thương tha nhân là bằng chứng duy nhất của sự hiện diện đích thực của tình yêu của Thiên Chúa nơi con người. Hội Thánh là mầu nhiệm tình yêu ấy giữa thế gian. Các thành phần của Hội Thánh hiệp thông với nhau trong tình yêu ấy, và cùng nhau làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách thực thi tình yêu ấy.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Monday, 29 April 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: ĐỔI MỚI MỌI SỰ


Cách đây vài tuần, tôi có việc ra phi trường đón người anh cả về từ Hoa Kỳ, anh đi sang bên đó theo diện HO sau những ngày lao tù ở trại cải tạo, nay mẹ tôi đã quá già, 93 tuổi rồi, anh trăn trở về với mẹ, sống với mẹ ít ngày mỗi khi có thể, tôi thu xếp được công việc để ra phi trường đón anh trong tình nghĩa huynh đệ, dù biết rằng việc đón đưa anh không ưa, nó phiền toái và làm mệt nhiều người. Phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất vào những ngày đầu tháng tư không phải là mùa cao điểm, nhưng vẻ nhộn nhịp xô bồ cố hữu mà bất cứ ai có việc đến đều phải chấp nhận, vì thế tôi không lạ lẫm gì và đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận điều ấy.
Nhưng phi trường hôm nay nhộn nhịp một cách lạ thường, chỉ cần bước vào sảnh đón thân nhân trong ít phút sẽ thấy ngay sự lạ thường đó, giới trẻ học sinh tụ họp rất đông, nhiều em mặc đồng phục, nhiều em mang theo cặp hoặc khoác balô. Các em đứng thành từng đoàn dán mắt vào phía bên trong, chăm chú theo dõi đoàn người xa thật xa đang làm thủ tục kiểm tra Hải Quan, thỉnh thoảng các em reo hò vang dội, tiếng vỗ tay, tiếng la hét, nhiều em giơ cao tấm bảng mang sẵn đến phi trường lắc qua lắc lại, những em hình như mệt mỏi ngồi xuống đất vội vàng nhổm dậy, những em đang ngồi uống nước ở nhà hàng vội vàng cầm ly hoặc chai nước chạy ra, chúng chạy quanh, nhảy cả lên dãy ghế ngồi lắp đặt cho người đợi, em nào cũng hoảng hốt như sợ vuột mất một cái gì, một bầu khí nhốn nháo, ồn ào lạ kỳ, bầu khí ấy kéo dài mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy khác đi.
Có tiếng của những người đi đón thân nhân bảo nhau: “Ôi ! Chúng nó đón ca sĩ Hàn Quốc gì đó mà !” có tiếng khác vừa đi vừa nói: “Con cái không lo học, bày đặt sao với trăng”. Tôi đứng xa xa để tránh cái không khí ồn ào nóng nực và hỗn độn đó, có một ông đứng tuổi vừa đi vừa nhìn tôi nói như phân bua: “Chúng nó kêu học quá nhiều, quá tải mà có giờ đi đón sao Hàn ?” Tôi không gặp được lời nào bênh vực dù là bênh nhẹ nhàng từ phía “người lớn” cho hành động “mê” sao Hàn của các em.
Tôi xin phép được nghĩ khác, tôi không dám trách các em, tôi cảm thấy có lỗi với các em. Tuổi trẻ ai mà không trải qua thời kỳ bị cuốn hút vào một hình ảnh thần tượng nào đấy. Ngày xưa, ngày nay đều vậy, nên các em có thần tượng ai hay cái gì đi nữa, không phải là điều xấu. Cái đáng trách là ngày nay chúng ta đã không cung cấp, không gầy dựng, không làm hình thành nơi các em những hình ảnh xứng đáng là thần tượng mà chúng ta muốn. Hình ảnh thần tượng mà chúng ta muốn khả dĩ là hình ảnh có sức xây dựng cho các em một hướng sống lành mạnh và vươn lên. Tại sao ngày xưa tôi có thể ghi lên trang trong của cuốn sách học luyện thi Tú Tài câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài “Đi thi tự vịnh”:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông ?”
Thưa, là vì tôi đã được thế hệ cha anh trao cho tôi hình ảnh Nguyễn Công Trứ, một con người hiên ngang khí phách, là kẻ sĩ đúng nghĩa, trung trực, tiết tháo, quân tử, tài ba… Viết những dòng thơ đó lên trang sách học, tôi muốn tự nhắc mình phải cố gắng miệt mài “sôi kinh nấu sử”, cầm lòng cầm trí chờ khoa thi sắp đến gần !
Tôi không thể quên hình ảnh của bác tôi, một Linh Mục gương mẫu, thánh thiện, khiêm tốn và nhân bản, tôi không quá khen bác tôi đâu, năm nay bác đã 97 tuổi, một đời người đi qua, tuổi già bác vẫn sống mực thước, là tấm gương cho anh em thế hệ nối tiếp trong Dòng, là hình ảnh cho các thế hệ học trò của bác noi theo, những học trò của bác nay đã già vẫn làm chứng về những nhận định này. Tôi biết hình ảnh người bác Linh Mục đó đã tác động rất nhiều đến chọn lựa cuộc sống của tôi hôm nay.
Ngày Đà Nẵng thất thủ, tháng 3 năm 1975, bác viết một lá thư về gia đình, lúc đó là lá thư “tuyệt mệnh”, tôi còn nhớ một dòng chữ “…Tôi không về Sàigòn đâu, biết rằng về đó sẽ được an toàn hơn, nhưng tôi không thể bỏ rơi bao nhiêu người đang lâm vào tình trạng dở sống dở chết ở đây, hơn nữa ở Sàigòn thừa Linh Mục, sợ con vi trùng rảnh rỗi sẽ đục khoét trái tim của tôi… Xin chào mọi người thân yêu, cầu nguyện cho tôi…”
Cha tôi đã thẫn thờ khi đọc xong lá thư cuối cùng của bác, nước mắt cha tôi trào ra, ông lặng lẽ đi thắp nến trên bàn thờ để nguyện kinh. Sau đó ít ngày ông tìm cách ra Vũng Tàu để lo cho gia đình ra đi, hai cha con tôi ở lại Vũng Tàu vài ngày để chuẩn bị các mặt, khi đã xong, cha tôi trở vào Sàigòn để đón gia đình, tôi ở lại Vũng Tàu chờ ngày xuất bến.
Ngay sau đó cầu Cỏ May bị giật sập, cắt đứt giao thông Vũng Tàu – Sàigòn, ngày 29 tháng 4, tôi chia tay với mối quen ở Bến Đá sau khi tiễn chú tôi ra khơi. Sang ngày 30 tháng 4, tôi lại chia tay với mối quen đón ở Bãi Trước, gia đình người bạn thân tôi ra khơi. Rồi mồng 2 tháng 5, tôi tìm cách trở lại Sàigòn gặp lại cha mẹ, ông bà sững sờ kinh ngạc, cha mẹ cứ tưởng tôi đã đi thoát rồi chứ.
Ngày ấy dòng chữ trong lá thư của bác tôi đã vang dội trong lòng tôi, tôi quyết định trở về, tôi ước ao được làm Linh Mục của người nghèo và cho người đau khổ, tôi muốn và tôi cố gắng vượt qua thân phận hèn yếu của mình để sống lời nguyền ngày ấy cho đến bây giờ.
Cái lỗi của chúng ta là chúng ta đã không xây dựng được hình tượng lý tưởng cho thế hệ các em. Chúng ta có lỗi, các em không có lỗi. Cuộc sống tiến hóa không ngừng, hình ảnh lý tưởng của tôi ngày xưa không thể là hình ảnh lý tưởng cho các em ngày nay, nhưng phải là hình ảnh lý tưởng được diễn tả theo ngôn ngữ của ngày nay, chứ không phải là tràn lan những hình ảnh lừa bịp, giả dối, hung bạo, tàn ác, bất trung, vô cảm, tráo trở, dâm dật… như các em đang phải chứng kiến hàng ngày, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Tôi không dám phủ nhận biết bao cố gắng của nhiều người, của nhiều đấng bậc, nhưng sự thật cứ phơi bày trên mọi trang báo, mọi phương tiện truyền thông, mọi biến cố xảy ra quanh chúng ta.
“Này đây Ta đổi mới mọi sự” ( Kh 21, 5a ), hôm nay, Chúa Nhật thứ 5 mùa Phục Sinh, có lời trong sách Khải Huyền kêu gọi chúng ta hướng lên Đấng có đủ quyền năng làm thay đổi mọi sự. Chúng ta bất lực, chúng ta bất xứng, nhưng chúng ta có quyền tin vào quyền năng của Đấng đổi mới mọi sự.
Lạy Chúa xin hãy đến giúp con.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.4.2013

Friday, 26 April 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Về sự lo lắng Mt 6: 25-34





Mt 6: 25-34/Lc 12: 22-31: Về sự lo lắng

Đây có nhiều lời của Chúa được đặt trong một mạch lạc.

Lời dạy giả thiết rằng giữa người nghe và Thiên Chúa đã có liên lạc như Chúa Yêsu muốn. Cần thiết phải lường ra tầm độ của liên lạc đó trong vần đề thường nhật: của ăn áo mặc.

Câu 33: lời cốt yếu: tìm Nước Thiên Chúa. “Tìm”: nói về Thiên Chúa, thì “tìm” tức là thái độ của người ta hướng về Thiên Chúa, bao quát tất cả những nỗ lực và ý chỉ của người ta.

Các rabbi: hướng việc “tìm” đó vào Lề Luật.

Chúa Yêsu: “Tìm Nước Thiên Chúa” là yêu sách ra cho những kẻ đã được Ngài dạy cho Kinh Lạy Cha. Nội dung của việc tìm kiếm đó là Nước Thiên Chúa: Người ta sống dưới quyền của Thiên Chúa và để cho quyền Thiên Chúa xác định tất cả đời sống.

Câu 25: Lời kêu gọi bỏ lo toan về đời sống vật chất. Lo toan như thế không còn để người ta nhìn lên Thiên Chúa, mà làm cho người ta hồi hộp sợ sệt trí lòng, chỉ đem về mưu tính sao cho có mọi điều cần kíp. Sau lời kêu gọi, có một lời hỏi vặn, cốt là bắt phải suy nghĩ. và sự suy nghĩ đó phải dựa trên xác tín: có một Thiên Chúa nhân lành, đã tạo dựng và hằng ban ơn. Và nếu thế, thì Người cũng muốn bảo tồn gìn giữ tạo vật của Người, những kẻ đứng vững trong thánh ý Người. Lời kêu gọi đáng sợ, nên Chúa Yêsu tìm cách mở mắt bằng:

26-27: thí dụ chim trời cho biết phải nghĩ sao về của nuôi thân.

28-30: thí dụ hoa ngoài đồng bắt phải nghĩ sao về áo mặc.

Đứng trước quyền phép của Thiên Chúa như thế mà còn sợ sệt, đó là “yếu tin”: tuy có biết Thiên Chúa thật, nhưng lại khiếp vía trước những mãnh lực thiên nhiên hay nhân loại, coi dường như chúng tự lập đối với Thiên Chúa như thế là còn cho quyền năng Thiên Chúa có giới hạn, hạn chế bởi các mãnh lực và định luật.

Câu 32: cử chỉ đó là cử chỉ dân ngoại. Sự lo lắng về kinh tế chi phối cả sinh hoạt của họ, chính của họ.

Sinh hoạt của môn đồ, ngay cả mặt kinh tế, cũng phải đặt dưới lòng tin vào Cha, và Người biết mọi sự. Biết thế, môn đồ có thể ủy lạo lòng mình trong lúc lo âu: mình không bị bỏ; và nhờ đó và được kinh nghiệm về sự Thiên Chúa quan phòng trên mình: thái độ của Cha đối với con.

Câu 34: Câu có tính cách một ngạn ngữ (rất phổ thông thời xưa). Nhưng rong mạch lạc, đó có ý nghĩa mới: không chỉ là lời khuyên của khôn ngoan thường tình, nhưng là lòng tin vào Thiên Chúa là Cha và việc tìm Nước của Người giải thoát nguời ta khỏi những lo âu của ngày mai.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday, 25 April 2013

Lm Vũ Khởi Phụng: BÓNG NGƯỜI HÒA BÌNH



Tháng 12 năm 2012 và tháng 1 năm 2013, chúng tôi có viết loạt bài "Bóng người hòa bình" về Đức Chân Phước Gioan XXIII trong cuộc khủng hoảng Cuba 1963, để kỷ niệm 50 năm một cuộc vận động kín đáo mà hệ trọng của Giáo Hội cho hòa bình thế giới, cũng là kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican II.
Xin thành thực cáo lỗi cùng bạn đọc vì loạt bài đã bị bỏ dở. Bởi vào những ngày cuối năm Thìn sang Nguyên Đán Tân Tỵ, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI từ chức khiến tôi cảm thấy nên gác lại chuyện xưa để chiêm nghiệm một biến cố đang gây chấn động trong Giáo Hội.
Sau đó, ơn Chúa thương, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã thu hút sự chú ý của các giới truyền thông khắp nơi. Lại nữa Mùa Chay, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh cũng không cho tôi còn nhiều thì giờ để viết. Từ kỷ niệm này đến kỷ niệm khác, nay Hội Thánh Công Giáo lại kỷ niệm 50 năm Bức Thông Điệp "Hòa Bình Thế Giới", "Pacem in terris". Có thể nói Bức Thông Điệp này là một hậu quả những trải nghiệm của Đức Giáo Hoàng Gioan qua vụ khủng hoảng Cuba. Bức Thông Điệp này cũng là nét hoàn tất cho chân dung rạng ngời của đấng khai sáng Công Đồng Vatican II, để ngày nay Hội Thánh có được Đức Chân Phước Gioan XXIII, được coi như vị Giáo Hoàng được yêu mến bậc nhất trong lịch sử.
Vậy chúng tôi xin được kể tiếp câu chuyện đã bỏ dở. Vì gián đoạn hơi lâu, sau đây xin lược lại những đoạn chính trong bài cũ, để bạn đọc tiện theo dõi.
Một lần nữa, xin cáo lỗi cùng bạn đọc và mong được các bạn thông cảm.
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT
Thượng tuần tháng 10 năm 1962, Giáo Hội Công Giáo sống trong bầu khí phấn khởi, vui tươi, hòa ái. Công Ðồng Vatican II khai mạc. Mọi người đều hy vọng Công Ðồng, theo chỉ đạo của Ðức Gioan XXIII, sẽ về nguồn Ðức Tin và từ đó đến với người thời đại ( aggiornamento ). Giáo Hội sẽ trẻ trung và đầy sức sống, góp phần quan trọng làm cho thế giới tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.
Không ai ngờ chính lúc đó đang tích tụ một cơn khủng hoảng ghê gớm. Thế giới sắp lao đến bờ vực thẳm của thế chiến thứ ba, mà lần này sẽ là chiến tranh hạt nhân. Giáo Hội như một con tàu chất đầy hy vọng tốt lành chuẩn bị ra khơi để tìm đến mọi bến bờ nhân loại, nhưng ngoài khơi bắt đầu nổi lên những con sóng cực dữ có thể nhận chìm tất cả. Công Ðồng chỉ mới bắt đầu, còn nhiều năm tháng nữa mới hoàn tất, nhưng đã bị đe dọa bởi một thử thách quá hiểm nghèo, khiến cho công trình có thể tiêu tan cùng với sự sinh tồn và nền văn minh của cả nhân loại. Chính trong bối cảnh đó, đã xuất hiện tác động kín đáo mà rất thanh bình của Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Năm nay, Hội Thánh Công Giáo kỷ niệm 50 năm những biến cố lịch sử đó. Ðể mừng Chúa Giáng Sinh và mừng Ngày Hòa Bình Thế Giới theo chủ đề của Ðức Benedictô XVI “Phúc thay ai gây dựng Hòa Bình”, chúng tôi xin ôn lại những diễn biến thời đó. Có lẽ nhiều người, nhất là các bạn trẻ, chưa có dịp biết những gì đã xảy ra cả trong đạo lẫn ngoài đời vào những ngày mệnh hệ ấy. Lịch sử đó để lại cho ta những bài học lớn, trong đó có cả một bài học rất sáng giá về Đức Tin.
14.10.1962 là ngày phát sinh cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới, tuy lúc ấy hầu như chưa có ai biết. Sau nhiều ngày đắn đo, không quân Hoa Kỳ đã gửi một máy bay do thám U2 xâm nhập vùng trời Cuba. Chiếc U2 chụp 928 không ảnh các địa điểm hồ nghi là có đặt các dàn phóng tên lửa của Liên Xô ở San Cristobal, tỉnh Pinar del Rio, miền Tây Cuba. Ðịa điểm này chỉ cách bờ biển phía Nam của nước Mỹ chừng 150 km.
15.10.1962, ở Washington Trung Ương Tình Báo Mỹ C.I.A. họp các chuyên viên nhiếp ảnh để diễn giải các không ảnh do máy bay U2 chụp ở Cuba hôm trước. Các chuyên gia xác nhận những vật thể trong các không ảnh đó là tên lửa đạn đạo tầm trung ( 1.000 – 3.000km ) có thể mang đầu đạn hạt nhân, phía Mỹ gọi là hỏa tiễn SS-4. Chiều hôm đó, C.I.A. thông báo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ( Ngoại Trưởng Dean Rusk ). 8g30 tối, thông tin được chuyển đến Bạch Cung, tức Phủ Tổng Thống. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy tiếp nhận thông tin, nhưng ông quyết định giữ lại những thông tin này đến sáng mai, cho Tổng Thống John Kennedy một đêm yên giấc. Hồi nửa đêm, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara được thông báo.
16.10.1962, ở Washington Cố Vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy trình Tổng Thống John Kennedy các tư liệu hình ảnh cùng với các phân tích, lý giải của C.I.A.
Từ 4g30 chiều, hội đồng các Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ và nhiều tướng lãnh liên quân họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng về tình hình mới phát hiện ở Cuba. Các tướng lãnh nhất trí đề nghị tổng tấn công Cuba. Không chỉ đánh vào các vị trí có dàn phóng hỏa tiễn, mà đánh phá mọi mục tiêu quân sự trên toàn lãnh thổ Cuba. Họ cho rằng Liên Xô sẽ không can thiệp. Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara có vẻ không mặn mà với giải pháp này. Ông nói rằng nước Mỹ đang có ưu thế tuyệt đối về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược ( 3.500 ), so với Liên Xô ( chỉ có 300 ) thì thêm vài chục đầu đạn của Liên Xô nữa ở Cuba vẫn không làm thay đổi cán cân chiến lược. Các tướng không đồng ý với đánh giá này. Cũng trong lúc đó, bên Bộ Ngoại Giao, Ngoại Trưởng Rusk, các thứ trưởng, đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và một số chuyên gia cũng đang vùi đầu nghiên cứu hệ lụy của một vấn đề có thể trở nên cơn khủng hoảng cực đại giữa hai siêu cường hạt nhân.
6g30 tối, Tổng Thống Kennedy triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gồm chín thành viên và năm vị cố vấn dầy dạn kinh nghiệm. Nhóm này sau sẽ được gọi tên chính thức là Ban Hành Ðộng của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia ( viết tắt: EXCOMM ). Nước Mỹ phải đối mặt với một tình hình chưa có tiền lệ, vấn đề phải đối phó làm sao khi Liên Xô dàn thế trận hạt nhân ngay ngoài cửa nước Mỹ chưa bao giờ được đặt ra.
Nhóm Excomm trao đổi về những giải pháp có thể chọn lựa. ( Ảnh chụp một cuộc họp của Tổng Thống Kennedy và Excomm ).
Nếu cấm vận Cuba, không kích các địa điểm có tên lửa, hoặc tấn công tổng lực vào Cuba, dĩ nhiên sẽ làm cho Mỹ và Liên Xô đụng độ trực tiếp. Các tướng lãnh đều cho rằng chỉ có tấn công tổng lực vào Cuba mới là giải pháp. Họ cho rằng Liên Xô sẽ không can thiệp. Nhưng Tổng Thống Kennedy không nghĩ thế. Người em ruột và cũng là cánh tay mặt của Tổng Thống là Robert Kennedy tường thuật rằng Tổng Thống nói: “Họ ( người Liên Xô ), cũng như chúng ta, không thể để cho việc như thế diễn ra mà lại không làm gì. Sau bao nhiêu tuyên bố, họ không thể để cho chúng ta dẹp bỏ hết hỏa tiễn của họ, giết nhiều người Nga, mà lại không làm gì. Nếu họ không đáp trả ở Cuba thì chắc chắn họ sẽ đáp trả ở Berlin” ( Berlin, thủ đô lịch sử của nước Ðức, nằm lọt thỏm trong phần đất Ðông Ðức Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng riêng thành phố lại chia làm bốn khu vực do Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp cai quản. Do đó thường xuyên là đầu mối cho đụng độ giữa hai khối, gây nhiều căng thẳng ở Châu Âu ).
Tổng Thống Kennedy cũng hỏi đã phát hiện các đầu đạn hạt nhân ở Cuba chưa. Bên tình báo trả lời chưa, ít nữa là ở những nơi gần với các bệ phóng tên lửa.
Cuộc họp của Excomm kết thúc chưa đi đến một kết luận nào, trừ một điều là Tổng Thống Kennedy vẫn duy trì lịch hoạt động bình thường để khỏi gây xôn xao dư luận. Tan họp, nhiều người còn sang Bộ Ngoại Giao họp tiếp đến 11 giờ đêm.
17.10.1962, Thủ Tướng Liên Xô Nikita Khrushchev gửi thư cho Tổng Thống Kennedy bảo đảm rằng: “Dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không gửi tên lửa đất-đối-đất sang Cuba”.
Excomm sau những thảo luận lâu giờ đã thu hẹp sáu giải pháp còn hai giải pháp để chọn lựa: phong tỏa và cấm vận hoặc không kích. Cả hai giải pháp này đều phải đụng độ với Liên Xô.
18.10.1962, Tổng Thống Kennedy ra lệnh tập trung quân lực ở vùng biên giới phía Nam nước Mỹ, để phòng chiến tranh bùng nổ. Dư luận chưa hồ nghi gì vì từ trước đã có kế hoạch tập trận ở vùng này. Ngoại Trưởng Liên Xô Gromyko đến thăm Tổng Thống. Cũng như Thủ Tướng Khrushchev, ông Gromyko nói rằng viện trợ của Liên Xô dành cho Cuba “chỉ nhằm mục đích đóng góp cho khả năng phòng thủ của Cuba và để giúp triển khai một nền dân chủ hòa bình tại đây. Nếu không phải vì mục đích ấy, chính phủ Liên Xô chẳng bao giờ dính líu đến chuyện viện trợ làm gì”. Kennedy điềm tĩnh ngồi nghe, mặc dù những tấm không ảnh đang nằm trong ngăn. Ðợi Gromyko nói xong, Kennedy đọc lại một phần tuyên bố của ông ngày 4 tháng 9, đoạn cảnh báo Liên Bang Xô Viết rằng nếu hỏa tiễn tấn công được đặt trên đất Cuba, thì sẽ “kéo theo những hậu quả hết sức nghiêm trọng”.
19.10.1962. Ở Mỹ, để “tập trận”, Sư Ðoàn 1 Thiết Giáp được điều đến Bang Georgia ở phía Nam; năm sư đoàn bộ binh được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Lược ( S.A.C. ) phân phối các oanh tạc cơ tầm trung B47 về các phi trường dân sự ở miền Nam. Pháo đài bay B52 thường xuyên quần thảo trên không. Thực tế là quân lực Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao để tiến hành phong tỏa, cấm vận hoặc xâm phạm Cuba bất kỳ lúc nào. Các máy bay do thám U2 cũng gia tăng hoạt động và phát hiện thêm những địa điểm mới có dàn phóng tên lửa ở Cuba. Ngoài ra quân đội Mỹ đã lên kế hoạch xâm chiếm Cuba bằng nhiều đơn vị bộ binh và thủy quân lục chiến với sự yểm trợ của hải quân, một khi không quân và hải quân đã đánh đợt oanh kích phủ đầu.
Nhưng Moscow cũng đã phong thanh rằng những cuộc tập trận trên biển phía Nam nước Mỹ đó có mục đích chuẩn bị xâm chiếm Cuba.
Nước Mỹ đang trong mùa bầu cử Quốc Hội lập pháp giữa nhiệm kỳ tổng thống. Ðể duy trì vẻ hoạt động bình thường, tổng thống Kennedy cũng lên đường đi mấy bang xa để vận động cho những ứng viên Ðảng Dân Chủ. Dưới cái vỏ bọc đó, thật sự ông đang rất bồn chồn, nhất là chiều hôm ấy khi ông nhận một cú điện thoại của người em là Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy đề nghị ông trở về Washington gấp.
20.10.1962. Kennedy đột ngột chấm dứt chuyện đi vận động bầu cử. Ông cảm thấy đã đến lúc phải quyết định. Viện cớ cảm cúm, ông vội vã bay về Washington họp với ban tham mưu trong năm tiếng đồng hồ.
Nội bộ ban tham mưu này vẫn có một phái siêu diều hâu. Thường họ là những quân nhân, tướng lãnh. Họ vẫn chủ trương tổng tấn công Cuba. Không những đánh vào các hỏa tiễn, mà hủy diệt luôn mấy chục máy bay cường kích của Liên Xô đang đậu ở những phi trường Cuba. Theo họ, cần đánh ngay, càng để lâu càng khó, vì họ tính đến tháng 12, Liên Xô sẽ trang bị được khoảng năm mươi đầu đạn hạt nhân trên các hỏa tiễn ở Cuba.
Quan điểm của giới chính trị thì thận trọng hơn và có phần ưu thắng. Giới này cũng dứt khoát đòi loại bỏ các đầu đạn hạt nhân khỏi Cuba. Nhưng họ chủ trương một lộ trình dài hơn, bớt nguy hiểm tí chút, và cũng phức tạp nữa. Họ chủ trương lúc đầu sẽ phong tỏa và cấm vận Cuba, nếu không hiệu quả, mới tính tới các biện pháp chiến tranh. Nhân vụ phong tỏa và cấm vận gây chấn động quốc tế, sẽ mở cuộc thương thuyết với Liên Xô. Ðã bắt đầu có ý kiến Mỹ có thể dỡ bỏ các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân ở Ý và Thổ Nhỉ Kỳ, đổi lấy việc Liên Xô dỡ bỏ tên lửa ở Cuba. Nhưng cũng có ý kiến cứng rắn muốn cảnh cáo Liên Xô trước rằng nếu các tên lửa ở Cuba khai hỏa, Mỹ cũng sẽ cho mưa bom hạt nhân trên lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô. Bất luận đánh giá ra sao về tương quan lực lượng võ trang sau khi Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba, điều tất cả các khuynh hướng trong giới cầm quyền ở Mỹ đều lo sợ là một thái độ yếu mềm, thấp cơ của Mỹ trước Liên Xô sẽ làm suy yếu địa vị lãnh đạo của Mỹ đối với phương Tây, đặc biệt là đối với các nước Châu Mỹ La Tinh, nơi đang có nhiều tầng lớp tả phái bất mãn muốn đi theo con đường Cuba. Do đó, Mỹ cần phải cương quyết.
21.10.1962. Kennedy vẫn họp cả ngày với ban tham mưu. Có một lúc ông hỏi tướng tư lệnh Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Thuật: “Ðánh một đợt đầu có xóa sạch hết các hỏa tiễn không ?” Trả lời: “Chỉ xóa bỏ được những hỏa tiễn mà chúng ta biết”. Tổng thống lại hỏi: “Dự báo tổn thất nhân mạng là bao nhiêu, cả các quân nhân lẫn dân sự ?” Trả lời: “Từ 10 đến 20.000”. Tổng thống nghiêng hẳn về biện pháp phong tỏa và cấm vận, thay cho không kích.
Một chuyến bay U2 nữa phát hiện những máy bay oanh kích đang được lắp ráp khẩn trương và thêm những địa điểm dàn trận tên lửa đang được xây cất ở bờ biển phía Bắc Cuba.
Ngoài xã hội báo chí bắt đầu đánh hơi có chuyện bất thường. Họ còn dò la được là Liên Xô đã bố trí các võ khí tấn công chiến lược ở Cuba. Tổng Thống Mỹ triệu tập các chủ nhiệm của hai tờ báo lớn The New York Times và The Washington Post và yêu cầu họ đừng nói gì nhiều về chuyện này, vì tiết lộ thì sẽ làm mất yếu tố bất ngờ trong phản ứng của Mỹ, và khi ấy “tôi không biết người Liên Xô sẽ làm gì”. Hai tờ báo lớn đồng ý.
Mỹ dự liệu ngày hôm sau 22 tháng 10 mới cho cuộc khủng hoảng nổ ra công khai.
22.10.1962, ở Washington, Tổng Thống Kennedy đích thân điện đàm với các Tổng Thống nhiệm kỳ trước, Herbert Hoover ( 1929 – 1933 ), Harry Truman ( 1945 – 1953 ) và Dwight Eisenhower ( 1953 – 1961 ) để báo cáo với các vị về tình hình nghiêm trọng và khẩn trương. Sau đó, ông Kennedy ký quyết định chính thức thành lập Nhóm Hành Ðộng Excomm, nhóm này từ nay sẽ họp thường trực mỗi ngày suốt thời gian khủng hoảng.
5g chiều: Tổng Thống gặp các thủ lãnh lưỡng viện Quốc Hội để thông báo tình hình. Hóa ra các vị dân cử lại tỏ ra cứng rắn hơn Tổng Thống, họ đòi oanh kích Cuba, lập trường này có thể phản ảnh tâm lý của dân Mỹ hồi đó, nhưng ông Kennedy cương quyết chủ trương phong tỏa và cấm vận trước.
Cũng vào lúc này, các đặc sứ cao cấp của Mỹ đến gặp các vị nguyên thủ các nước đồng minh để thông báo tình hình. Còn ở Moscow, Ðại Sứ Mỹ Kohler đến gặp Thủ Tướng Liên Xô Nikita Khrushchev để chuyển giao nội dung bài diễn văn ông Kennedy sắp đọc. Trong thư gửi Thủ Tướng Liên Xô trước khi đọc diễn văn, Kennedy viết: “Tôi thiết tưởng trong thời đại hạt nhân ngày nay, dù ngài, hay bất cứ ai khác, không một người nào có tinh thần tỉnh táo lành mạnh lại có thể cố tình cố ý dìm thế giới vào một cuộc đại chiến. Ðã thấy rõ như phalê rằng trong cuộc chiến đó không nước nào có thể thắng, mà chỉ có những hậu quả thảm họa cho toàn thể giới, kể cả cho người gây chiến”.
7g tối: Tổng Thống Kennedy đọc diễn văn truyền thanh và truyền hình toàn quốc. Ông thông báo tình hình, phê bình Thủ Tướng và Ngoại Trưởng Liên Xô đã không nói thật, rồi tuyên bố: “Chúng ta không còn sống trong một thời mà chỉ có khai hỏa thật sự bằng khí giới mới được kể là thách thức nền an ninh của một quốc gia và tạo ra nguy cơ tột cùng. Võ khí hạt nhân có sức công phá lớn và hỏa tiễn đạn đạo thì bay mau đến độ bất cứ một sự gia tăng đáng kể nào về khả năng sử dụng, hoặc bất cứ sự thay đổi đột ngột nào về thế trận đều rất có thể phải coi là một đe dọa thực sự cho hòa bình”.
“Nếu không cần thiết thì chúng ta không vội liều mình trả giá cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trên toàn thế giới, bởi dù có chiến thắng thì kết quả cũng chỉ như mùi vị tro tàn trong miệng, nhưng chúng ta cũng không né tránh hiểm nguy bất cứ khi nào phải đối mặt”.
Sau đó Tổng Thống Mỹ công bố các quyết định:
+ Từ nay sẽ cấm vận ngặt nghèo đối với mọi trang thiết bị quân sự tấn công được chở tới Cuba. Mọi loại tàu bè, bất luận từ nước nào hoặc cảng nào đi Cuba, nếu phát hiện có chuyên chở các võ khí tấn công, sẽ bị đẩy lui.
+ Chính sách của Hoa Kỳ là bất kỳ hỏa tiễn hạt nhân nào phóng đi từ Cuba để đánh vào bất cứ nước nào ở Tây Bán Cầu sẽ bị coi là sự tấn công của Liên Xô vào Hoa Kỳ, khiến cho Hoa Kỳ sẽ đáp trả toàn lực vào Liên Bang Xô Viết.
Cuối cùng ông Kennedy kêu gọi Thủ Tướng Khrushchev chấm dứt và bãi bỏ chính sách đặt hỏa tiễn Liên Xô ở Cuba.
Ðang khi Kennedy đọc diễn văn thì Không Quân Mỹ trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cấp 3 ( Quân Lực Hoa Kỳ có 5 cấp báo động: cấp 5, báo động xanh lam là tình trạng bình thường; cao nhất là cấp 1, báo động trắng, là tình trạng cận kề chiến tranh hạt nhân. Cấp 3, báo động vàng, thì các máy bay của không quân phải sẵn sàng ứng chiến sau 15 phút ).
Bài diễn văn chưa đầy 30 phút của Kennedy đặt toàn thế giới trước nguy cơ Thế Chiến thứ 3. Hiển nhiên Liên Xô không thể tuân hành lệnh cấm vận của Mỹ. Còn Mỹ đã quyết liệt và long trọng ban hành lệnh cấm vận rồi thì cũng không thể lùi lại. Ðụng độ giữa hai siêu cường sẽ xảy ra chỉ trong một vài ngày nữa, vì một đoàn tàu Liên Xô đang vượt Ðại Tây Dương để sang Cuba. Ðúng như Ðại Sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, Adlai Stevenson, tuyên bố: “Từ khi Thế Chiến thứ 2 chấm dứt, chưa bao giờ thế giới đến gần một cuộc chiến tranh hạt nhân như vậy”.
Nhưng vượt ra ngoài mọi tính toán của các giới chính trị và quân sự, tình hình hiểm nghèo này lại mở ra một cánh cửa bất ngờ để Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII bước vào. Thật ra ngài không hề dự tính trước. Ngài cũng bất ngờ như hầu hết mọi người trên thế giới trước cuộc khủng hoảng. Một chuỗi hoàn cảnh khiến cho người có Đức Tin cảm thấy có bàn tay Thiên Chúa Quan Phòng...
23.10.1962. Trong những giờ phút toàn thế giới căng thẳng ấy, Ðức Gioan XXIII không biết rằng ở một nơi rất xa đang mở ra cánh cửa cho ngài đem lời hòa bình vào nơi máu lửa. Nơi đó ở bên Mỹ, nhưng không phải ở nơi đầu não quyền lực là Washington, nhưng ở Bang Massachusetts trên miền Ðông Bắc. Hai người tiên phong mở đường cho Ðức Gioan XXIII là một nhà báo rất nổi tiếng người Mỹ và một Linh Mục Dòng Ða Minh người Bỉ.
Nhà báo là ông Norman Cousins ( 1915 – 1990 ), một người đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về báo chí từ ngày còn ở trung học. Năm 1934 ông làm tổng biên tập Tuần San Saturday Review, khiến cho báo bán tăng từ 20 000 lên 650 000 ấn bản.
Ngày 6.8.1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, Nhật Bản, hơn 100.000 người chết tức khắc và rất nhiều người đau đớn quằn quại về các di chứng cho đến hết đời. Biến cố này có tác động rất lớn đến Norman Cousins. Ngày hôm ấy ông viết bài báo “Con người hiện đại đã lỗi thời” ( The Modern Man is Obsolete ). Ông cảm thấy mình như mang trọng tội với những nạn nhân của bom nguyên tử. Trong bài xã luận đó ông bàn về những hệ lụy xã hội và chính trị tiềm ẩn trong trái bom nguyên tử. Bài báo được phổ biến trên khắp nước Mỹ và được rất nhiều người hưởng ứng. Từ đó Cousins dành rất nhiều công sức để cứu giúp các nạn nhân sống sót sau hai trái bom nguyên tử thả xuống nước Nhật.
Năm 1950, ông chủ xướng Liên Bang Thế Giới và Giải Trang Hạt Nhân. Năm 1953, ông viết cuốn sách “Ai lên tiếng cho con người” ( Who Speaks for Man ? ) và làm chủ tịch Hiệp hội Liên Bang Thế Giới ( World Federalist Association ). Ðiều làm Cousins hết sức hãnh diện là ông được nhà bác học Albert Einstein mời tham gia thảo luận ở Ðại Học Princeton. Einstein, cũng như nhiều nhà bác học khác, sau khi góp phần giúp chính phủ mình tạo được võ khí hạt nhân, đã luôn cảm thấy lương tâm dày vò và ám ảnh vì những hậu quả khủng khiếp do phát minh của mình. Einstein cũng như Cousins đều cảm thấy rằng thế giới đi đến thảm họa tận diệt nếu không chận được cuộc chạy đua võ khí hạt nhân.
Cũng trong tinh thần đó, năm 1960, Cousins chủ xướng Hội Thảo Mỹ-Xô ở Dartmouth để thăng tiến hòa bình: Dartmouth, Massachusetts, là nơi đầu tiên quy tụ các viện sĩ, văn sĩ, bác học Mỹ và Liên Xô, mỗi bên chừng hai mươi người hội thảo với nhau trong khuôn khổ không chính thức và phi chính phủ để suy nghĩ về nhu cầu hòa bình thế giới, và làm thế nào để củng cố, tạo lập hòa bình. Cuộc hội thảo này diễn ra hàng năm, gọi là không chính thức và phi chính phủ cho dễ nói chuyện, thật ra các nhân vật có địa vị cao đó vẫn có rất nhiều quan hệ với các giới cầm quyền cả hai bên. Năm 1962 này họ vừa họp được một ngày ở Andover thì bài diễn văn tối 22 tháng 10 của Tổng Thống Kennedy đã công khai hóa cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khiến mọi tham dự viên đều bức xúc.
Còn vị Linh Mục là cha Felix Morlion ( 1904 – 1987 ), người Bỉ. Hồi còn niên thiếu, cha Morlion là người vô thần, nhưng đến năm 21 tuổi cha trở lại đạo Công Giáo, rồi vào tu Dòng Ða Minh và chịu chức Linh Mục năm 1932. Cha là người sáng lập Liên Hiệp Quốc Tế Vì Chúa ( International Pro Deo Union ), còn được biết đến dưới danh hiệu Phong Trào Nhân Dân Hợp Nhất ( United People Movement ), đó là một hiệp hội độc lập muốn tạo lập đoàn kết trên khắp thế giới giữa những nhà lãnh đạo trẻ, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc, trong các lãnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa, tôn giáo. Ấn phẩm của Phong Trào lưu hành ở 152 nước.
Hồi Thế Chiến Thứ Hai, cha ngấm ngầm chống Ðức Quốc Xã bằng cách giúp người Do Thái trốn lánh an toàn. Ðến khi bị Mật Vụ Gestapo treo giá cha một triệu đôla, thì cha thoát thân qua ngả Tây Ban Nha rồi tiếp tục hoạt động ở New York. Thế chiến chấm dứt, được Ðức Giáo Hoàng Piô XII nâng đỡ, cha sáng lập và điều hành Ðại Học Quốc Tế các Khoa Học Xã Hội. Nhiều sinh viên, không phân biệt tôn giáo đã học và tốt nghiệp ở Ðại Học này, trong đó có nhiều người về sau làm thủ tướng Ý. Sau khi Ðức Piô XII qua đời, cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tiếp tục nâng đỡ, cùng với Ðức Hồng Y Montini, trong ít tháng nữa sẽ là Giáo Hoàng Phaolô VI.
Norman Cousins nhận xét về cha Morlion rằng cha “là nhà trung gian hòa giải đã mở rộng rất nhiều lãnh vực đối thoại giữa các nền dân chủ phương Tây và các nước Ðông Âu. Cha là mẫu người hoạt động không hề ngơi, luôn trình bày trước các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo khắp các nước hết ý tưởng này đến dự phóng khác”.
Năm 1962 cha đi Mỹ cổ võ cho các công trình của cha và đến Andover thăm Cousins đúng vào lúc cuộc khủng hoảng Cuba bùng nổ. Ðã gần nhau về tưởng, lại gặp nhau đúng lúc tình hình sục sôi, hai người bạn có rất nhiều điều chia sẻ với nhau.
Về sau, trong một bài viết trên tờ Saturday Review, Cousins tóm tắt ý tưởng của cha Morlion như sau: “Ðức Giáo Hoàng can thiệp vào vụ Cuba là sự cốt yếu và có thể thực hiện được, bởi vì tạo cho cả hai bên cơ hội đáp ứng một đề nghị của người ngoại cuộc, chứ còn cùng một đề nghị đó mà do một trong hai bên đưa ra thì bên đối phương sẽ bác bỏ ngay, bất kể nó cao kiến như thế nào”.
Ý tưởng của cha Morlion không phải vô căn cứ. Ngay trong ngày 23 đó đã có trao đổi thư từ giữa Kennedy và Khrushchev, nhưng chưa có kết quả. Thư của ông Khrushchev rất cương quyết: “Nước Mỹ đã công khai chọn lựa con đường vi phạm thô bạo Hiến Chương Liên Hợp Quốc, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và tự do đi lại trên biển khơi, đồng thời gây hấn với Cuba và Liên Xô… Chúng tôi không thể công nhận quyền của nước Mỹ được kiểm soát các võ khí cần thiết cho Cộng Hòa Cuba để tăng cường khả năng quốc phòng… Chúng tôi tái khẳng định võ khí ở Cuba… chỉ có mục đích phòng thủ… chống lại mũi tấn công của một cuộc xâm lăng.”
Cuối thư ông Khrushchev “hy vọng Chính Phủ Mỹ sẽ có tầm nhìn và từ bỏ những hành động Mỹ đang theo đuổi, vì hậu quả sẽ là thảm họa cho hòa bình thế giới.”
Thư hồi đáp của Kennedy cũng trong ngày 23 này một lần nữa tố cáo Liên Xô đã “lén lút cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Cuba” và bày tỏ quan tâm là “tình hình đã khó kiểm soát rồi, cả hai chúng ta không nên làm một điều gì khiến xảy ra những biến cố còn khó kiểm soát hơn nữa”. Kennedy “hy vọng ngài sẽ ra chỉ thị để các tàu đi Cuba đừng thách thức lệnh cấm vận đã được OAS ban hành hợp pháp” ( OAS là Organisation of American States, Tổ Chức các Quốc Gia Châu Mỹ ).
Như vậy là không bên nào nhượng bộ bên nào, tuy cả hai bên đều cảnh báo về hiểm họa đại chiến. Trong thực tế, các dấu hiệu leo thang rõ nét dần. Như bức thư của Kennedy cho thấy, các quốc gia Châu Mỹ ( tất nhiên trừ Cuba ) đã áp dụng các điều khoản của hiệp ước thành lập OAS và nhất trí cùng tham gia cấm vận với Mỹ. Các nước như Argentina, Venezuela, Colombia, Cộng Hòa Dominicana đã gửi máy bay, tàu chiến và dành căn cứ quân sự để tham gia cấm vận Cuba.
Tổng Thống Kennedy công bố: lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 10g. Sáng hôm sau, 24 tháng 10. Mỹ cho 6 máy bay phản lực Crusaders bay những chuyến do thám rất sát mặt đất trong lãnh thổ Cuba. Cũng có tin tàu ngầm của Liên Xô đã đi vào vùng biển Caribê.
Ở Andover, Cousins và nhiều người tham gia hội thảo cho rằng cha Morlion có lý. Chiều hôm ấy, vị Linh Mục Dòng Ða Minh quyết định điện thoại về Vatican. Ở đầu dây bên kia là Ðức Ông Igino Cardinale, Trưởng Ban Nghi Lễ Ðiện Vatican. Ở Rôma lúc này trời đã tối. Ðức Ông Cardinale hứa trình bày việc này lên Ðức Thánh Cha càng sớm càng tốt. Vài tiếng sau, vị giáo chức Vatican gọi lại cho cha Morlion: chính Ðức Giáo Hoàng cũng đang rất lo âu về tình hình vùng biển chung quanh Cuba; ngài sợ rằng hai Ðại Cường cố chấp thì sẽ đẩy thế giới vào một cuộc hủy diệt; ngài đã sẵn sàng can thiệp, tuy nhiên, ngài thận trọng muốn thăm dò phản ứng của đôi bên nếu ngài lên tiếng. Norman Cousins liền điện thoại cho Bạch Cung, nói chuyện với Ted Sorensen, một cố vấn của Kennedy…
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT ( còn tiếp nhiều kỳ )