Thursday, 31 January 2013

Lm Richard Leonard sj: Gan dạ trong thương yêu




Phúc Âm hôm nay, thật rõ ràng. Đọc kỹ, từ đầu bài đến cuối trình thuật, người đọc hẳn nhận ra rằng đám đông quần chúng trong trời đất, vẫn như điên như dại khi nghe Thầy phán bảo sự thật ấy. Và, quần chúng nhân gian như muốn ném Đấng Cứu Tinh trời đất xuống vực sâu. Ở triền đồi gần nơi Thầy đứng giảng.
            Ngày nay, mọi việc trong trời đất đã dần dà đổi thay. Thay rất nhiều. Đổi không biết là bao nhiêu. Nhưng dù có đổi thay, trời đất thực ra nào đã nên tội. Nên tội chăng, chẳng phải do trời đất, đất đời nên cớ sự. Thời buổi này, đã thấy xuất hiện nhiều trò thao tác đổi thay, đến kinh hồn bạt vía. Nhiều người trẻ hôm nay, thích chơi trò nghịch ngợm đến rụng tim. Chỉ để thay đổi. Cả đến các anh hùng gan dạ, nơi đất trời lồng lộng cứ thích chơi trò nghịch ngợm, chẳng sợ ai. Phần đông người khác không thể hiểu sao giới trẻ ngày nay thích cột giây vào cổ chân, nơi mắt cá; để rồi, phóng mình như người rồ dại xuống chân đồi toàn vực thẳm. Tưởng chừng như họ chỉ muốn tìm đến nơi nguy hiểm, không ai dám.
            Dường như người trẻ hôm nay, vẫn thích trò cá độ đầy thử thách. Thách thức mức bộc phá xuyên qua lớp sương mù dày đặc, những lo âu. Chừng như, người trẻ những muốn bứt phá các kỷ lục đã lỗi thời của người xưa: về thành tích gan dạ, ít khi thấy. Thứ thành tích, cận kề với thần chết chẳng hề nao núng hay lo sợ. Tuổi trẻ hôm nay là như thế. Ngược lại, những người như ta, dù trẻ hay không, vẫn chẳng muốn thử lòng gan dạ với anh hùng. Chẳng là đám ngu si bốc đồng dám thách thức với tử thần, để ra oai. Chọn lập trường nào đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng những người làm như thế đều muốn chứng tỏ rằng: mình là người anh hùng gan dạ cũng như ai.
Tuy nhiên, anh hùng gan dạ trong yêu thương, chính là trọng tâm của các bài đọc hôm nay. Vẫn biết rằng, phần đông quần chúng khắp nơi chẳng thích nghe, thích tìm về Lời Chúa. Nhưng, Đức Giê-su vẫn can trường dẫn giải mọi sự cho người anh em mình ngay tại quê hương xứ sở mình. Thời nào cũng thế, ngay thời ngôn sứ trong Cựu Ước cũng có những vị như tiên tri Giê-rê-mia dám can trường lặn lội khắp nơi –cả ở quê hương mình- chỉ để giảng rao lòng yêu thương trìu mến Thiên Chúa muốn có ở trần gian. Bất kể hiểm nguy hay bách hại xuất phát từ dân gian nơi thôn làng mình từng sống.
Và hôm nay, thánh Phaolô minh chứng lý do tại sao nhiều vị, bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn khó, thường thấy có ở nơi dân gian trong trời đất. Cả vào lúc bị coi là ngu si cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất trời ngàn năm mây bay này. Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ ngơi, vui chơi lễ hội, đua đòi se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ được sử dụng bừa bãi, không còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.
Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực. Yêu thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu thương thực sự bằng hành động, chứ không  bằng môi miếng, bề ngoài.
Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”. Quả thật, chúng ta có thể tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng phèng. 
Không thể nói chuyện lòng vòng quanh co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh, rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế? Dễ hiểu thôi, yêu như thế là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì được dạy bảo mà thôi . Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo, dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.
Tình yêu đích thực là tình yêu cao cả, đầy thử thách được thể hiện khi người khác chứng tỏ đã yêu thương ta mạnh đủ để nói cho ta nghe những chuyện thật về con người của ta. Và đổi lại, ta cũng tỏ bày những chuyện thật về mình cho người khác biết. Đấy mới là yêu thương đích thực. Có yêu như thế, ta mới dám lao mình vào chốn không quen, rất tăm tối cận kề sự chết. Bởi, một khi đã đồng hành với những người anh em cùng tin vào Đức Kitô, ta duy trì được niềm hy vọng sâu xa, cả vào những giây phút khó khăn trong cuộc đời. Cả những lúc rất khó tỏ bày tình yêu thương của mình. Lòng yêu thương đích thực là yêu mến, có hy sinh. Ta vẫn thường gọi đó là thái độ yêu thương trìu mến của mọi kẻ tin Chúa, nơi nhà Đạo.
Đức Giê-su chẳng khi nào khẳng định rằng: yêu thương như thế là chuyện rất dễ làm. Nhưng luôn là việc cần làm. Còn cần hơn, nếu ta muốn đi cho hết đọan đường của hành trình sống rất tràn đầy. Đầy yêu thương. Đầy hạnh phúc. Và khi đã hạnh phúc trong yêu thương, ta sẽ thấy mình không còn đơn độc, lẻ bóng; nhưng có cả binh đoàn gồm những người anh em rất thân thương, đi bước trước.
Từ tiên tri Giê-rê-mia cho chí Đức Kitô, từ thánh Phaolô cho đến các thánh tử đạo, các thánh nam nữ và chính gia đình thân thương của ta, ai cũng biết, mình có thể trấn ngự được nỗi âu lo sợ sệt vẫn còn đó. Qua niềm tin vào những gì đã ghi chép về đường hướng yêu thương của người xưa đã thực hiện, hãy công khai tỏ bày lòng quả cảm của ta với hết mọi người. Cho dù, có cận kề vực thẳm âu sầu đang gần kề với cái chết. Hãy có những bước nhảy đi vào tương lai mai hậu bằng 3 sợi giây buộc chặt cổ chân, quanh mắt cá. Một sợi mang tên “Niềm tin”, sợi kia là sự “Hy vọng” và, sợi chính yếu được viết rõ là “Tình yêu” .
Tham dự tiệc lòng mến hôm nay, ta cầu mong có nhiều ân sủng để yêu thương hết mọi người như điên như dại, theo nhãn giới của người đời. Cầu và mong sao ta có được lòng gan dạ quả cảm của người anh hùng đưa ta đến với tình yêu thương kẻ khác trong hy sinh, và độ lượng. Cầu và mong sao mọi người biết thương yêu trìu mến, dù cho có cận kề với cõi chết, chỉ vì yêu. Yêu lẫn nhau. Yêu không ngại ngần.

Wednesday, 30 January 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: Ứng dụng Lời Kinh Thánh



ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH

Đức Giêsu trở về miền Galilê ( cc. 14 – 15 ). Thánh Luca viết phần này như một bản tóm tắt các hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê.
Từ Giorđan, qua hoang địa, Đức Giêsu trở về Galilê với tràn đầy quyền năng Thánh Thần. Đó là nơi Đức Giêsu đã sống suốt thời niên thiếu. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Người trở về Galilê, theo Tin Mừng theo Thánh Luca. Đây là lần thứ hai. Lần thứ nhất xảy ra khi Người lên 12 tuổi, sau kỳ lễ tại Giêrusalem. Khi ấy, “Người đi xuống cùng cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” ( 2, 51 ). Còn bây giờ, Người trở về Galilê dưới sự thúc đẩy của Thần Khí, trong tư cách Mêsia – Ngôn Sứ, và để bắt đầu sứ mạng công bố Tin Mừng của Người. Điểm đặc biệt của cuộc trở về lần này, như thế, là do Thần Khí, Đấng đang ngự trên Người. Sự khởi đầu sứ vụ công bố Tin Mừng của Đức Giêsu được đặt trong tương quan mật thiết và trực tiếp với cuộc xức dầu Thánh Thần trong biến cố Người lãnh nhận phép rửa và cuộc thần hiện sau đó. Chính dưới sự thúc đẩy của Thần Khí mà Đức Giêsu đã bắt đầu thi hành sứ vụ của Người. Người sẽ hoàn thành sứ vụ ấy trong sức mạnh của Thần Khí.
Vừa sau khi kể về cuộc trở lại Galilê của Đức Giêsu, tác giả Tin Mừng đã khẳng định: “và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận”. Thực ra, cho đến lúc này, Đức Giêsu chưa thực hiện bất cứ hoạt động công khai nào. Vậy tiếng đồn ( phêmê ) này liên quan đến điều gì ? Phải chăng đó là tiếng đồn về những gì đã xảy đến trong biến cố Người được xức dầu trong khi cầu nguyện sau khi nhận phép rửa ? Có thể là như thế. Nhưng cũng có thể hiểu đây là tiếng đồn ( sau này ) về những gì Người thực hiện trong cuộc đời hoạt động công khai, nhưng được tác giả Luca nói trước trong bản tóm lược hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê này.
Về hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê, tác giả Luca nhấn mạnh việc Người giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái ( c. 15a ). Thực ra, hoạt động của Đức Giêsu nhắm đến toàn dân. Nhưng ở đây, tác giả Tin Mừng nhấn mạnh yếu tố “trong các hội đường của họ”. Phải chăng ông muốn trình bày Đức Giêsu như một rabbi hoạt động trong hệ thống tôn giáo của thời đại mình ? Hay Thánh Luca muốn tránh cho người đọc ấn tượng về một nhà giảng thuyết “lang thang” như nhiều triết gia thời ấy ? Hay ông muốn nhấn mạnh rằng thực tại mới mẻ mà Đức Giêsu mang đến không hề đoạn tuyệt với thực tại tôn giáo Israel ? Dù sao đi nữa, cách thức hoạt động đó của Đức Giêsu sẽ được Thánh Phaolô trung thành áp dụng sau này.
Tác giả Luca không nói gì về nội dung lời giảng dạy của Đức Giêsu tại Galilê. Có lẽ ông muốn dành điều đó cho trình thuật về cuộc giảng dạy đầu tiên của Người tại Nadarét. Nhưng ông cẩn thận ghi nhận rằng Đức Giêsu “được mọi người tôn vinh” ( c. 15b ). Đức Giêsu thành công bước đầu trong việc thực hiện sứ mạng rao giảng tại Galilê, và tác giả Tin Mừng ghi nhận điều đó một cách ngắn gọn. Đáng chú ý là ông dùng một từ thường chỉ sử dụng cho Thiên Chúa: “tôn vinh” ( x. 7, 16 ).
Sau phần tóm tắt ( cc. 14 - 15 ), tác giả Luca kể lại hoạt động giảng dạy đầu tiên của Đức Giêsu, diễn ra tại Nadarét. Đó “là nơi Người đã được dưỡng dục”, nên cư dân ở đó sẽ là những chứng nhân đầu tiên của lời Người giảng dạy, và phản ứng của họ sẽ phần nào là hình ảnh của phản ứng của Israel đối với hoạt động của Đức Giêsu.
Đến Nadarét, “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm”. Thói quen này của Đức Giêsu, như thế, có từ thời niên thiếu. Lòng tin Kitô giáo rõ ràng không phải là sự đoạn tuyệt, song là sự trưởng thành hoàn bị của đời sống tôn giáo đích thực trong Israel.
Nhưng bắt đầu từ hôm nay, sẽ có một điểm mới so với tất cả những lần Đức Giêsu lui tới hội đường trước kia. Điểm mới mẻ này sẽ xảy đến khi Người đứng lên đọc đọc Sách Thánh và mở lời giảng dạy.
Tác giả Luca không kể lại chi tiết những nghi lễ diễn ra trong hội đường vào ngày sabát ấy. Ông lược bỏ mọi chi tiết có thể làm cho người đọc mất tập trung vào điểm chính yếu. Trung tâm của trình thuật ở cc. 16 – 21, thực ra, là lời trích Ngôn Sứ Isaia và lời khẳng định của Đức Giêsu về sự ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Cấu trúc của trình thuật mang tính quy tâm:
 ( a ) Người đứng lên
( b ) Người nhận sách
( c ) Người mở sách ra
( d ) lời trích Ngôn Sứ Isaia
( c’ ) Người cuộn sách lại
( b’ ) Người trả sách
( a’ ) Người ngồi xuống.
Điều đáng chú ý nữa là Thánh Luca không hề nói cách tường minh rằng Đức Giêsu đọc sách. Ông cố ý làm thế có lẽ bởi vì ông không muốn người đọc chú tâm vào sự kiện Đức Giêsu đọc bản văn, mà chỉ chú tâm vào lời giảng của Người sau đó.
Bản văn Ngôn Sứ Isaia được ghi lại ở cc. 18 – 19 thực ra là sự trộn lẫn hai bản văn của Isaia trong bản LXX ( Is 61, 1 – 2; 58, 6; 61, 2a ). Tác giả Luca cố ý nhấn mạnh những điểm chính yếu trong sứ mạng công bố Tin Mừng của Đức Giêsu khi ông đặt bản văn ngôn sứ này vào trong cuộc khởi đầu sứ mạng ấy:
- Việc nhắc đến vai trò của Thần Khí gợi ý trực tiếp đến biến cố xảy ra sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa: Người được xức dầu Thánh Thần và được thánh hiến cho sứ mạng Mêsia. Hơn nữa, điều đó còn cho chúng ta một yếu tố có tính quyết định trong việc giải thích hoạt động của Đức Giêsu: tất cả hoạt động của Đức Giêsu đều được đặt dưới dấu ấn Thần Khí đã được tỏ hiện trong biến cố tại Giorđan. Cũng chính Thần Khí sẽ thúc đẩy Hội Thánh công bố Tin Mừng cho thế giới.
- Điểm chính yếu trong sứ điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu công bố là ơn giải thoát toàn diện. Đó cũng sẽ là điểm chính yếu trong sứ điệp của Hội Thánh.
- Giá trị của lời công bố được đề cao. Tác giả Luca không phủ nhận sự kiện Đức Giêsu làm phép lạ, nhưng ông muốn nhấn mạnh ở đây trên lời loan báo và công bố Tin Mừng. Đức Giêsu hoạt động trước hết qua lời của Người để thay đổi con tim người ta. Tất nhiên đó cũng sẽ là thực tế của Hội Thánh sau này: Hội Thánh công bố lời, và qua kerygma mà ơn cứu độ được hiện tại hoá trong thế gian.
- Đối tượng ưu tiên của lời loan báo Tin Mừng là những người nghèo. Chính cho họ trước hết mà Đức Giêsu công bố tin Mừng của Thiên Chúa.
- Tác giả Luca cố ý cắt bỏ câu “ngày báo phục của Thiên Chúa” trong Is 61, 2b. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu công bố là ơn cứu độ phổ quát chứ không phải là một cuộc phán xét kinh hoàng trong đó Thiên Chúa an ủi những người Israel bằng cách trừng phạt dân ngoại. Như thế, năm hồng ân được công bố cho mọi người. Có hai cách dịch chữ đêktôs ở đây:
+ hiểu theo nghĩa hoạt động, phải dịch là hồng ân, cứu độ, phúc lộc: “năm hồng ân / năm cứu độ”, trong đó Đức Chúa thực hiện ơn cứu độ của Người;
+ hiểu như một tính từ, phải dịch là được thương nhận, tức là “một năm được Đức Chúa thương nhận”, trong đó, Đức Chúa thương nhận con người, tỏ lòng ưu ái đối với con người.
Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” ( cc. 20 – 21 ). Đức Giêsu không bình luận hay giải nghĩa lời ngôn sứ Isaia vừa được trích dẫn. Người xác nhận và thực hiện lời ấy. “Hôm nay” ( semêrôn ) khai mở “năm hồng ân / năm được thương nhận”, tức là khai mở thời gian cứu độ. Lời công bố này của Đức Giêsu cũng một trật là sự thực hiện của Người, tức là một rhema, một lời – biến cố, không chỉ là một diễn văn hay một thông báo.
Sự ứng nghiệm / thực hiện / hoàn thành ở đây có thể hiểu theo 3 nghĩa: sự thực hiện một lời hứa, sự ứng nghiệm một lời tiên báo và sự hoàn thành một chương trình đang được thực hiện. Lời Kinh Thánh ( Cựu Ước ) là lời tiên báo cần được ứng nghiệm, là lời hứa cần được thực thi và là tiến trình cần được hoàn thành. Đức Giêsu công bố rằng hôm nay, nơi Người, đã xảy đến sự ứng nghiệm – thực hiện – hoàn thành đó.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Tuesday, 29 January 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: Chưa thấy ai xin Mẹ về không



CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG…
Sáng nay tôi tham dự một Lễ Tạ Ơn rất đặc biệt, nhiều người nhìn vào bảng thông báo đặt trước Nhà Nguyện đều trầm trồ thán phục, có người kéo tay tôi nói: “Con ước ao được diễm phúc như vậy”. Vâng ! Rất đặc biệt, xưa nay hiếm người được như thế này: mừng thượng thọ tám mươi tuổi đời, sáu mươi năm hôn phối.
Bầu khí Thánh Lễ rất ấm cúng vì chỉ toàn là con cái cháu chắt trong gia đình. Có lẽ vì các con của hai ông bà muốn cử hành một Thánh Lễ mang đầy tính tạ ơn trong gia đình với nhau thôi, không để bận tâm vào các lễ nghi, và việc tiếp đón khách mời, tất cả có thể làm bầu khí không còn tự nhiên nữa. Mỗi người có một chọn lựa…
Và Thánh Lễ đã được cử hành một cách bình thường. Điều gây ngạc nhiên là vào cuối Lễ, sau khi nhận phép lành, ông cụ từ từ tiến lên trước Cung Thánh, chi tiết này không hề được sắp đặt trước, ông mở lời chia sẻ với mọi người.
Ông cụ sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngoại đạo, thời niên thiếu ông được một cha Dòng Chúa Cứu Thế giúp học hành. Vì được ở nội trú gần Nhà Thờ nên ông siêng năng tham dự Thánh Lễ, nhất là các chiều thứ bảy Hành Hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ông ao ước được gia nhập Đạo, ông cầu cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp xin cho được ơn này. Một ngày nọ ông can đảm bộc bạch với vị Linh Mục giúp ông, ông được toại nguyện.
Như bao thanh niên khác, chiến tranh đã đưa ông vào binh nghiệp, trước những ngày tháng bôn ba đời lính, ông kết hôn với bà, thân phụ của bà là bạn của thân phụ ông, hai ông bạn hứa hôn với nhau hồi nào hai người con không biết, chỉ biết rằng cả hai quý mến nhau và bây giờ đã chung sống với nhau tròn sáu mươi năm cuộc đời.
Mang quân hàm cấp tá thời trước năm 75, ông đi qua những binh chủng chiến đấu trực tiếp tại chiến trường, tham gia những trận đánh kinh hoàng còn lưu danh sử sách. Cuối đời binh nghiệp, ông nhận chức tỉnh trưởng của một tỉnh miền Trung.
Nhờ đâu mà ông cụ đã vượt qua được hết những hiểm nguy, hiểm nguy hiểu theo nhiều mặt để tiếp tục làm Kitô hữu, tiếp tục trung thành với bà trong đời sống hôn nhân, ông nói “nhờ Mẹ”. Ông còn nhấn mạnh “…không bao giờ rời xa Mẹ”.
Chuỗi tràng hạt Mai Khôi theo ông vào trại tù cải tạo, từ Yên Bái, về Thanh Hóa, cho đến trại cuối cùng ở Hàm Tân, Bình Thuận, ông vẫn luôn giữ chuỗi của Mẹ yêu quý bên mình. Hàng tháng người ta khám xét đồ dùng của trại viên, mỗi lần chuyển trại là một lần khám xét, không bao giờ người cán bộ khám phá ra cỗ tràng hạt của ông cho dù ông có lỡ để khơi khơi ngay trước mắt họ. Lần cuối cùng ra trại, người cán bộ chỉ vào cỗ tràng hạt và nói với ông: “Từ nay anh… được phép dùng cái này”.
Ông cụ muốn chia sẻ với con cái, làm chứng về tình thương và quyền năng của Mẹ, ông xác tín: “Không ai đến với Mẹ mà lại trở về không…”
Những ngày cuối năm, ngoài lễ đài anh em Nhà Dòng chúng tôi đang tất bật với việc chuẩn bị ba ngày hành hương kính Đức Mẹ đầu năm mới, là một truyền thống tốt đẹp, con cái của Mẹ bày tỏ lòng yêu thương, tin tưởng và phó thác cuộc đời nơi Mẹ, nhất là trong những ngày đầu năm.
Một năm mới sẽ tới, bao nhiêu âu lo của một tương lai không có màu sáng, những rối loạn nhiều mặt trong xã hội đẩy chúng ta đến một cuộc sống bấp bênh, những nguy hiểm rình rập đổ ụp xuống lúc nào không biết, cho bất cứ ai, nhất là những kẻ nghèo hèn không có gì để bám víu, hoàn toàn cô thế cô thân. Hãy đến với Mẹ, trút nỗi nhọc nhằn Mẹ sẽ đỡ nâng cho, rồi Trái Tim Mẹ sẽ thắng, Tình Yêu Mẹ sẽ thắng, chưa ai đến với Mẹ mà lại về không !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 27.1.2013

Monday, 28 January 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: TỪ PHƯƠNG ĐÔNG CHÚNG TÔI ĐẾN BÁI LẠY NGƯỜI



Trình thuật Mt 2, 1 – 12 là một câu chuyện được viết theo thể văn midrash haggada nhằm giải thích các chân lý giúp khám phá mạc khải của Thiên Chúa, từ đó đưa người ta đến việc ca tụng Thiên Chúa và xây dựng cộng đoàn. Các chi tiết trong trình thuật có thể mang tính giai thoại, nhưng chân lý mà trình thuật muốn xác quyết là chân lý cứu độ đích thực.
1. Hài Nhi Giêsu là Vua Mêsia
a. Hài Nhi Giêsu là Đấng Mêsia mà Israel đang mong đợi từ bao đời
Được sinh ra ở Bêlem, Đức Giêsu đã làm cho ứng nghiệm sấm ngôn cổ xưa: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời” ( c. 6 ). Bản văn ngôn sứ được tác giả Mátthêu trích dẫn ở đây, thực ra, là sự trộn lẫn Mk 5, 2 với 2Sm 5, 2. Hài Nhi Giêsu, như thế, là Đấng Mêsia nhà Đavít. Người là Thủ Lãnh và Mục Tử của Dân Israel. Như mục tử chăm lo cho đoàn chiên mình, Người sẽ dẫn họ trên đường ngay nẻo chính và sẽ chăm sóc họ.
b. Hài Nhi Giêsu là Đức Chúa và là Quân Vương của muôn dân
Các nhà chiêm tinh tìm đến Giêrusalem nhưng không hỏi về một nhân vật tôn giáo, mà là hỏi về “Đức Vua dân Do Thái” và tìm bái lạy Người. Qua các nhà chiêm tinh này, dân ngoại đã nhìn nhận Đức Giêsu là Quân Vương phổ quát, cho dù Người mới chỉ là một hài nhi vừa chào đời. Những sấm ngôn về vương quyền phổ quát của Đấng Mêsia thời cánh chung, như thế, đã được ứng nghiệm ( x. Is 49, 22; Tv 72, 10 – 15; Is 60, 6… ). Dân Thiên Chúa mà vị vua mới sinh sẽ là mục tử chăn dắt, bây giờ bao gồm cả những nhà chiêm tinh hôm nay đến Bêlem để bày tỏ lòng tôn kính với Người như với vị vua của chính họ. “Bái lạy” ( tiếng Hy Lạp: proskyneô ) là hành động mà người ta thực hiện trước mặt nhà vua hoặc trước mặt Đức Chúa. Bằng hành vi bái lạy này, các nhà chiêm tinh đã nhìn nhận Hài Nhi Giêsu là Chúa Tể, là Đức Vua và là Mục Tử của muôn dân.
2. Những thái độ của con người đối với Đức Giêsu
Đối diện với Đức Giêsu Kitô – Vua Mêsia, bài Tin Mừng khắc hoạ cho chúng ta ba thái độ khác nhau: các nhà chiêm tinh nhận biết Đức Vua Mêsia trong hân hoan và thờ lạy; các thượng tế và kinh sư thì thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm; vua Hêrôđê lại điên cuồng chống phá và bách hại.
Ba thái độ nói trên, thực ra, không chỉ liên quan đến Hài Nhi Giêsu, mà đó cũng chính là những thái độ của người ta đối với hoạt động công khai của Đức Giêsu cũng như đối với lời rao giảng của Hội Thánh sau này về Đức Giêsu và về Tin Mừng. Hoặc được nhận biết trong vui mừng, hoặc bị thờ ơ coi thường, hoặc bị chống đối điên cuồng, đó chính là những tình cảnh mà Đức Giêsu và Hội Thánh của Người phải đối diện luôn luôn.
3. Những chặng đường của cuộc tìm gặp Đức Giêsu
Con đường tìm gặp Đấng Mêsia của các nhà chiêm tinh cũng chính là con đường của nhân loại hôm nay, tức là của chính chúng ta.
a. Sự thúc đẩy đầu tiên từ thực tế
Các nhà chiêm tinh ( magoi ) ở đây là những hiền nhân Đông Phương, thông thạo chiêm tinh và thiên văn. Tại Đông Phương cổ thời, chiêm tinh và thiên văn là những chuyên môn có từ lâu đời và được trọng dụng. Các nhà chiêm tinh tin rằng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa những gì xảy ra trên bầu trời với những gì diễn ra trong thế giới con người. Như thế, trong việc nghiên cứu các hiện tượng thiên văn của mình, họ vẫn đau đáu một mối bận tâm về chuyện của thế giới và lịch sử nhân loại, tức là về số phận của nhân loại. Bỏ qua yếu tố mê tín dị đoan, ta có thể thấy các nhà chiêm tinh ở đây có một tâm trạng ưu thời mẫn thế. Rõ ràng, họ tìm gặp Đức Giêsu bắt đầu từ một tâm thế đặc biệt ưu tư về lịch sử, về hướng đi của lịch sử, về số phận của nhân loại…
Trong lãnh vực chuyên môn của mình, các nhà chiêm tinh đã nhận ra được một thông tin cho biết Đấng Mêsia của người Do Thái đã được sinh ra, và họ được thúc đẩy lên đường tìm kiếm Người.
Như thế, nhờ ưu thời mẫn thế và chuyên tâm nghiên cứu, các nhà chiêm tinh đã nhận được một sự thúc đẩy từ bên trong. Và chắc chắn đó phải là sự thúc đẩy rất mạnh mẽ: những gì diễn ra sau này cho chúng ta thấy rõ như thế.
Và họ đã lên đường. Trong một nỗ lực tìm kiếm mơ hồ và mò mẫm.
b. Một chỉ dẫn rõ ràng nhờ Kinh Thánh
Sau một cuộc hành trình dài, các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem, và ở đó họ nhận được một chỉ dẫn rõ ràng, nhờ lời Kinh Thánh do các chuyên viên Kinh Thánh nói cho họ nghe.
Thiên Chúa đã có thể đưa các nhà chiêm tinh đi thẳng đến Bêlem, nhưng Người lại đã dẫn các ông đến Giêrusalem. Tại sao ? Có lẽ vì Người muốn tỏ ra trung thành với lời Người đã hứa ( rằng ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người, nhưng là qua trung gian người Do Thái, x. Rm 9, 10.11 ), và có lẽ vì Người muốn chúng ta gặp được mạc khải của Người trong Kinh Thánh, tức là trong Lời Chúa. Học hỏi và suy niệm Lời Chúa, do vậy, là bước vô cùng quan trọng để tìm gặp Đức Giêsu.
c. Một ánh sáng mới do Thiên Chúa ban
Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” ( c. 2 ). “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” ( c. 9b ). Ngôi sao ấy biểu trưng cho ánh sáng, ân sủng và tác động của Thiên Chúa trong tâm trí con người và hướng dẫn họ tìm đến Đức Kitô.
Chúng ta có thể thấy ngôi sao dẫn đường trong Giáo Lý và trong các Bí Tích của Hội Thánh, trong các dấu chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành… Nói cách khác, trong cuộc đời của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức Giêsu. Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không.
d. Một lòng tin mạnh mẽ, đơn sơ và thuần khiết
Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” ( c. 11 ).
Sau một hành trình dài và vất vả, điều mà các nhà chiêm tinh được nhìn thấy lại hết sức đơn giản: một trẻ sơ sinh không có chút gì là huy hoàng hay quyền lực. Hài Nhi ấy không cất lời nói với họ điều gì, cũng chẳng có gì để ban thưởng cho họ sau tất cả những gì họ đã trải qua. Họ không thấy Người huy hoàng oai phong, cũng chẳng được trải nghiệm quyền uy của Người. Họ chỉ nhận biết Người bằng lòng tin mà thôi. Vì thế, đó hẳn nhiên phải là một lòng tin hết sức mạnh mẽ, hết sức đơn sơ và rất mực thuần khiết. Thực ra, lòng tin ấy chính là yếu tố không thể thiếu được để người ta dần dần đi đến chỗ hoàn toàn nhận biết Đức Giêsu và quyền năng của Người.
Tuy không thấy uy quyền hay vinh quang của Hài Nhi Giêsu, nhưng các nhà chiêm tinh đã sấp mình bái lạy Người, tức là nhìn nhận Người là Chúa Tể, là Đức Vua và là Mục Tử của muôn dân. Lòng tin đã đưa họ đến một sự hiểu biết khác hẳn về thực tại đơn sơ mà họ đang thấy trước mắt. “Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. Truyền thống Giáo Phụ giải thích: dâng vàng là có ý tuyên xưng Hài Nhi Giêsu là Vua, dâng nhũ hương là có ý tế nhận Người là Thiên Chúa và dâng mộc dược là có ý diễn tả nhân tính để chịu đau khổ của Người.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Sunday, 27 January 2013

Lm Vĩnh Sang CSsR: BỐN MÙA CHÚA ĐỔ HỒNG ÂN



Những ngày nghỉ lễ Dương Lịch vừa qua, tôi có việc phải đến vùng Đà Lạt, tôi đã vô ý xếp lịch làm việc vào những ngày này nên gặp lại Đà Lạt với một hình ảnh nhếch nhác và thêm nhiều thất vọng buồn thương. Nhếch nhác vì người đi nghỉ lễ quá đông, thánh phố ken cứng người, tất cả các phòng trọ đều “cháy”, du khách nằm cả ngoài đường, vào quán ăn tranh nhau như cướp giật. Ngày mồng hai, tôi đi quanh một số các con phố, du khách đã lần lượt bỏ Đà Lạt từ hôm qua, để lại một Đà Lạt tàn tạ hãi hùng !
Một người bạn kiến trúc sư nói với tôi: “Đà Lạt nhìn từ trên cao xuống giống như một nghĩa địa”, thật vậy, chẳng còn “đường quanh co bên gốc thông già” nhưng toàn thành phố đều là bêtông, nhà cửa lô nhô xô bồ chen cứng nhau. Rất nhiều khách sạn, ngay cả một số các cơ quan Nhà Nước đã lắp máy… điều hòa không khí ! Thành phố của xứ sở sương mù chẳng còn… sương mù nữa rồi !
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có một câu chuyện thú vị về một vị ngôn sứ, dù câu chuyện là hư cấu nhưng sứ điệp truyền tải lại chẳng hư cấu tí nào.Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giôna để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giôna vui, vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giôna; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống…” ( Gn 4, 6 – 11 ). Câu chuyện cây thầu dầu cho thấy: Phá hoại thiên nhiên thì sẽ bị thiên nhiên trừng phạt.
Bài học này chúng ta đã biết, nhưng những người có trách nhiệm biết mà vẫn tiếp tục phá. Hãy nhìn lại sự tan hoang của “rừng vàng biển bạc” hôm nay ! Trên những cung đường quanh co của vùng Đà Lạt, nhưng đồi thông thưa thớt phía ngoài nham nhở vụng về như gương mặt của những kẻ cướp “lấy vải thưa che mắt thánh”, không chỉ Đà Lạt nhưng đi đâu cũng thấy như vậy. Cả nước khai quật khoáng sản dưới lòng đất, biến những dòng sông êm đềm đẹp đẽ trở nên những quái vật xấu xí hung dữ. Những tuyến đường quặng Bauxite chưa đi đã vật hành khách như vật heo vật bò. Bảo Lộc – Sàigòn chỉ cách nhau khoảng 200 cây số. Nhưng khi tính toán giờ giấc thì buộc phải khởi hành sao cho kịp... sáu tiếng hành trình !
Trong sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2010 ban hành ngày 8.12.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ân cần nhắc nhở lưu ý đến tương quan giữa Tạo Hóa, con người và công trình tạo dựng, ngài mạnh mẽ khẳng định rằng nếu muốn vun trồng Hòa Bình, hãy bảo tồn thiên nhiên:
Làm sao chúng ta có thể tỏ ra dửng dưng trước những vấn đề xuất phát từ các hiện tượng như sự thay đổi khí hậu, nạn sa mạc hóa, suy thoái và mất khả năng sản xuất của những vùng nông nghiệp rộng lớn, sự ô nhiễm sông ngòi và các mạch nước, sự mất tính chất khác biệt về môi trường sinh sống, sự gia tăng thiên tai, nạn mất rừng cây tại những vùng xích đới và nhiệt đới ? “Làm sao bỏ qua một hiện tượng đang lan tràn, đó là ‘những người tị nạn về môi sinh”: tức là những người vì môi trường sinh sống của họ bị xuống cấp, nên họ buộc lòng rời bỏ, kể cả của cải, để ra đi, đương đầu với những nguy hiểm và bao nhiêu điều bất trắc ? “Làm sao không phản ứng trước những cuộc xung đột hiện nay và những cuộc xung đột có thể bùng nổ vì sự tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên ? Tất cả những vấn đề ấy có ảnh hưởng sâu đậm tới việc thực thi các quyền con người, tới lương thực, sức khỏe và sự phát triển ( Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2010, số 4 ).
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn kêu mời:
Hỡi các cha mẹ, hãy dạy cho con cái quan sát thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, như một món quà tuyệt vời, vốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa ! ... “Khi nói bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu đã dùng ngôn ngữ của thiên nhiên để giải thích cho các môn đệ các mầu nhiệm Nước Trời. Ước gì những hình ảnh Chúa dùng trở nên quen thuộc với chúng ta! Chúng ta hãy nhớ rằng thực tại thần linh ẩn dấu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất. Phần chúng ta hãy làm cho nó sinh hoa trái ! ... vì “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” ( Rm 8, 19 ). ( Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói với khách hành hương tại Castel Gandolfo ngày 7.11,2011, Zenit 10.7.2011 ).
Hơn lúc nào hết, vai trò của Tôn Giáo rất quan trọng trong việc phục hưng đất nước, nhưng hãy nhìn xem chúng ta đã có những nỗ lực nào để tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên hầu mọi người có thể “cảm nhận được sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa” ? Thành phố thiếu bóng cây xanh nhưng ngay cái sân Nhà Thờ cũng toàn bêtông ! Xem ra có quá nhiều Nhà Thờ dửng dưng với chuyện cây cối, có đủ thứ lý lẽ để biện minh cho việc không quan tâm đến môi trường sống, đến sự giáo dục mà vị Cha Chung đã mệt mỏi kêu gọi.
Ngày đầu năm chia sẻ những trăn trở, để ao ước một năm mới sự ý thức bảo tồn thiên nhiên đóng góp vào việc xây dựng nền Hòa Bình cho chính chúng ta.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 5.1.2013

Saturday, 26 January 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: ĐANG KHI ĐỨC GIÊSU CẦU NGUYỆN THÌ TRỜI MỞ RA




Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.
Trong tất cả truyền thống Tin Mừng, trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa luôn được đặt ở đầu sứ vụ công khai của Người, và luôn được gắn với một cuộc thần hiện và một lời tuyên bố rất sâu sắc và phong phú về ý nghĩa.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về cuộc thần hiện và nhất là về ý nghĩa của lời tuyên bố trong cuộc thần hiện ấy. Cách hiểu về cuộc thần hiện ở đây như là một cuộc hiển lộ của Ba Ngôi Cực Thánh ( tiếng của Chúa Cha, hình dáng bồ câu của Chúa Thánh Thần và sự hiện diện của Chúa Con ) là một cách giải thích muộn thời. Về ý nghĩa của lời tuyên phán từ trời, có nhiều cách giải thích: như lời diễn tả ơn gọi ngôn sứ, như lời tôn phong Mêsia Vua, như lời khẳng định về tư cách Con Thiên Chúa, hay như lời diễn tả về vai trò Tôi Trung của YHWH. Nhưng điều quan trọng ở đây là lời giải thích của tác giả Luca về biến cố mà ông tường thuật cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa”. So với trình thuật Mc 1, 9 ta thấy tác giả Luca đã giản lược những chi tiết của sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa và thêm vào một điều quan trọng: Chúa Giêsu cầu nguyện sau khi chịu phép rửa.
Đức Giêsu chịu phép rửa như “toàn dân”. Ngài đi lẫn trong đám đông một cách vô danh. Ngài ở giữa dãy dài những con người nam nữ bình thường đang đợi đến lượt mình nhận phép rửa. Ngài không đứng từ trên cao phán xét những con người đáng thương, nhưng liên đới với hàng ngũ những con người yếu đuối đang khao khát đổi mới tâm linh để đón nhận sự can thiệp cứu độ của chính Thiên Chúa.
Thực ra, có vẻ Thánh Luca không chú trọng đến ý nghĩa tôn giáo của sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa chung với đám đông dân chúng. Ông trình bày phép rửa này như một sự kiện chuyển tiếp, đi từ sự chờ đợi đến một thực tại mới mẻ. Thực tại mới mẻ ấy sẽ xảy đến với việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu mà toàn dân vừa được ông Gioan thanh tẩy sẽ là chứng nhân.
“Rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.
Trong Luca, hành vi đầu tiên đánh dấu đời sống công khai của Đức Giêsu là cầu nguyện. Lần đầu tiên tác giả nói đến việc Đức Giêsu bước vào sứ vụ công khai, ông mô tả Ngài trong trạng thái “đang cầu nguyện”. Đây là việc đầu tiên Đức Giêsu làm trong Luca với tư cách một con người trưởng thành. Sau này, trong những giai đoạn quan trọng của sứ vụ, Đức Giêsu cũng sẽ cầu nguyện rất nhiều: Lc 5, 16; 6, 12; 9, 18.28.29; 11, 1; 22, 41; 23, 46.
Chính vào lúc Đức Giêsu đang cầu nguyện sau khi đã chịu phép rửa thì trời mở ra. Rõ ràng tác giả Luca không gắn cuộc thần hiện vào với việc Đức Giêsu chịu phép rửa mà là vào với việc Đức Giêsu cầu nguyện.
Thánh Marcô miêu tả “trời xé ra” ( Mc 1, 10 ), một lối nói đậm tính khải huyền, nhấn mạnh sự giao tiếp đã được tái lập giữa Trời và đất sau một thời gian dài thinh lặng ( Is 63, 19 ): “Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan”; xem thêm Ed 1, 1; Kh 4, 1; 19, 11 ). Thánh Luca thì chỉ ghi: “trời mở ra”. Đối với tác giả Luca, sự kiện đó chỉ đơn giản có giá trị dẫn vào cuộc thần hiện: Thánh Thần ngự xuống và có lời tuyên phán từ trời.
 Thánh Thần ngự xuống trên Người”. Điểm căn bản đầu tiên của cuộc thần hiện trong Luca là việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu ( chứ không phải là ngự xuống trong Người ). Sự kiện Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu cho thấy: Thánh Thần không được giới thiệu ở đây như là Đấng làm nên một thực tại gì đó bên trong Đức Giêsu, hay là làm thay đổi chính bản thân Đức Giêsu. Giới từ trên này hướng cái nhìn của chúng ta về ý tưởng một cuộc xức dầu đặt làm ngôn sứ và Mêsia.
Cuộc xức dầu này được thực hiện công khai; và như thế, Đấng đã thành thai trong lòng Đức Maria bởi quyền năng Thánh Thần bây giờ được xức dầu tấn phong làm Mêsia một cách công cộng, trước mặt toàn dân vừa được Gioan làm phép rửa, và Thánh Thần hiện diện trong một thể thức thấy được ( “dưới hình dáng chim bồ câu” ).
Sự kiện Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu ở đây sẽ không phải là một sự kiện nhất thời và tạm bợ, như đã xảy ra với bà Êlisabét, ông Dacaria hay ông Simêon. Thánh Thần sẽ ở cùng Đức Giêsu trong suốt cuộc đời của Người. Với Thánh Thần, Đức Giêsu sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ ( 4, 1 tt ), sẽ thực hiện các công trình của Người ( 4, 18 ).
Điểm quan trọng thứ hai của cuộc thần hiện: “Và có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”. Cho đến thời điểm ấy, Thiên Chúa đã gửi đến trần gian các đầy tớ của Người, tức là các ngôn sứ. Nhưng bây giờ, Người gửi đến Con yêu dấu của Người, và sau đó sẽ không còn ai khác nữa ( x. 20, 13 ). Chính Đức Giêsu sẽ nói về mình: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” ( 10, 22 ).
Một cách công khai, trước mặt toàn dân vừa chịu phép rửa của ông Gioan, Đức Giêsu được công bố là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Như thế, ngay tại điểm khởi đầu sứ mạng của Người, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa giới thiệu với toàn dân như là Chúa Con, Đấng luôn làm hài lòng Chúa Cha. Đó là lời xác nhận của chính Thiên Chúa về thực tại đã được thiên sứ Gabriel nói với Đức Maria ( 1, 32.35 ) và là sự thực hiện những sấm ngôn của ông Dacaria ( 1, 67tt ) và ông Simêon ( 2, 29tt ). Khuôn mặt “Đấng quyền thế hơn” trong lời tuyên bố của ông Gioan ( Lc 3, 16 ) đã trở nên cụ thể, và căn tính sâu xa của Người đã được mạc khải một cách rõ ràng.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Friday, 25 January 2013

Lm Frank Doyle sj: “Tôi biết làm sao được hỡi trời?”



Suy niệm Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên Năm C

“Tôi biết làm sao được hỡi trời?”
Giận anh, không nỡ! Nhớ không thôi!
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
Sợ quá đi, anh..."có một người"!...
(thơ T.T.Kh)
Lc 1: 1-4, 8-10
            Sự việc hôm xưa, nhà thơ không hay biết. Mới kêu Trời. Rất sợ. Sử thánh hôm nay, người viết đà ghi mọi diễn tiến. Có người chứng. Ghi, là ghi sự việc Chúa làm, từ đầu, như trình thuật rày đã tả.
            Trình thuật nay, thánh Luca nói rõ: dù thánh nhân không được diện kiến Đức Giêsu, nhưng vẫn ghi lại giáo huấn của Chúa. Ghi tỉ mỉ, để ta cùng suy. Suy cho kỹ, không theo cung cách của người viết tiểu sử. Về nhân vật. Mà, chỉ suy và niệm, về công trình cứu độ Chúa thực hiện. Công trình gồm sự sống, nỗi chết và sống lại, của Đức Chúa. Để ta biết mà sống. Sống, chấp nhận theo Chúa Giêsu, như Vua Cha. Là Đức Chúa.   
            Phần hai trình thuật, là bước nhảy vọt nơi bài viết. Nhảy, từ lời tự sự mở đầu trình thuật để nói ngay từ đầu. Về, cuộc đời công khai của Đức Chúa. Từ thôn làng Nadarét. Có truyện kể, về Truyền tin. Về, ông Dacaria. Về bà Êlisabét. Ngày sinh của thánh Gioan Tẩy giả. Về sự việc Giáng hạ của Chúa. Cho đến phép rửa Ngài nhận từ người anh họ, là thánh Gioan. Về một cám dỗ. Ở sa mạc. Nhảy, là nhảy từ chương 1 đến chương 4, rất Tin Mừng.
            Tất cả tuần tự diễn tiến, như đã báo trước. Báo, để chuẩn bị cho cảnh trí hôm nay. Cảnh, khởi đầu cuộc đời công khai. Và sứ vụ của Chúa, ngay hôm trước. Hôm, Ngài đến sông Giođan, để nhận phép rửa. Rồi sau đó, có kinh nghiệm từng trải, ở sa mạc. Từ đó, có “Sức mạnh của Thần Khí Chúa” xuống trên Ngài. Kế đến, trở về Galilê. Và Nadarét, nơi Ngài trưởng thành. Lớn lên. Cùng các thánh.
            Đời công khai của Chúa, là hành trình cứu thế rất giản đơn. Đơn thuần và giản dị, xuất từ làng Nadarét tới Giêrusalem. Tất cả, là trọng điểm trình thuật mà thánh Luca muốn diễn tả, ở Tin Mừng. Ở sách Công vụ Tông đồ. Qua trình thuật, thánh Luca không diễn đi diễn lại việc các tông đồ đi đi về về, từ Galilê đến kinh thành Giêrusalem. Bề thế. Nhưng ở nơi đây, chốn thị thành của bình an - vui sống, Đức Giêsu chịu mọi khổ nhục, để rồi Ngài chấp nhận nỗi chết. Từ đây, Ngài trỗi dậy về với sự sống vĩnh cửu. Và trở nên Đấng Cứu Thế. Rất miên trường. Cũng từ đây, đồ đệ Chúa ra đi đến với mọi miền. Đến nơi cùng tận trái đất mà rao giảng Tin Vui An Bình, của Đức Chúa.
            Chính vì thế, ngay ngày đầu cuộc đời công khai, Chúa đã vào hội đường như Ngài vẫn làm và sẽ làm, mọi ngày Sabát. Như mọi người. Để, giống như người Do thái khác, Ngài sẽ tuân thủ và kiện toàn Lề luật, Ngài chủ trương. Ở hội đường, không có thượng tế. Hội đường, là nơi người người đến, để hội họp. Suy tư. Nguyện cầu. Suy, về Kinh Sách. Cầu, với mọi người.
            Khi suy tư, Chúa đứng thẳng người mà đọc đoạn sách ngôn sứ Isaya, họ đưa Ngài. Sách, nói về việc Mêsia, Đấng sẽ đến. Việc xảy ra, là việc Chúa tuyên bố Ngài chính là Mêsia, Đấng mọi người đợi trông. Ngài áp dụng lời ngôn sứ, cho chính Ngài. Rất rõ ràng. Từng lời lẽ, như: “Thần Khí Chúa ngự trên Tôi. Ngài xức dầu, tấn phong Tôi…” (Lc 1: 18)
 Xức dầu, tiếng Hy Lạp muốn nói: Ngài là Vua Cứu Độ. Đấng Mêsia. Là, Đức Kitô. Tất cả, chỉ một nghĩa. Một tuyên xưng. Chương trình. Bày tỏ. Ta vẫn chờ. Chờ, Chúa tuyên bố về một sứ vụ. Lời mọi người chờ, nay được tuyên bố theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Rất biểu tượng.
Tuyên bố hôm nay, gửi thẳng đến kẻ nghèo. Nghèo và hèn, về vật chất. Cả những người bị giam hãm. Chốn lao tù. Đui mù. Què quặt. Bị khai thác. Ức hiếp. Trong khi thánh Mát-thêu nói về người nghèo kẻ hèn, về tinh thần. Thì, thánh Luca nói thẳng về người nghèo đích thật. Kẻ đói ăn. Thiếu mặc. Người thực sự khóc dở. Chết dở. Tuyên bố Chúa gửi đến, là niềm hy vọng. Hy vọng, được chữa lành. Giải thoát. Giải thoát và chữa lành, không như phép lạ, trên đời. Mà là, thay đổi tận gốc rễ. Để rồi, cùng với Đức Giêsu, ta sẽ chấm dứt các tình trạng tồi tệ ấy.
Thông điệp Chúa gửi, ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa tượng trưng. Như tác giả người Brasil là Paolo Freire viết trong cuốn “Sư phạm của người bị o ép”, đã nhấn mạnh: ở đâu còn có ngưi giàu/kẻ nghèo, người mạnh/kẻ yếu, người áp bức/kẻ chịu áp lực, tất cả cần được giải thoát. Tất cả, sẽ đến với người nghèo thực sự, là người chưa phát triển đủ về mặt cảm xúc. Người đơn độc. Bị bỏ rơi. Bị choáng ngợp/đè bẹp vì của cải dư thừa, của người khác. Họ là những người nghèo thực sự. Như ta.
Số phận của những kẻ bị tù đày. Cầm cố. Chốn lao tù, nhưng không được đối xử  một cách đúng phép. Những người sai phạm, cần được hoá giải. Để hồi hướng. Những người mong chờ được giải thoát. Vào một ngày rất xa vời. Những người tự do, nhưng vẫn sợ. Sợ bạo lực. Sợ khủng bố,. Sợ cả sự tự do, mình đang có. Tóm lại, họ là những người cần ta cầu bầu. Cưu mang. Gíúp đỡ. 
“Cho người mù được sáng mắt”, mù loà, chưa hẳn là thương tật. Nhiều khi, chỉ là mù loà do thành kiến, ngu si, ganh tị hoặc một cảm xúc nào đó.
Nhà văn nọ, có viết: “Nhiều người vẫn sống cuộc đời tuyệt vọng, trong câm lặng.” Nhiều xã hội thường khoe khoang thành tích tự do no đủ, nhưng lại áp lực lên người dân của mình. Các nhà bất đồng chính kiến người Hoa, vẫn cứ phải đào thoát qua Mỹ để được sống một cách tự do. Dân chủ. Ở đây. Xã hội này, ta vẫn cần nhận ra rằng trong chừng mực nào đó, ta có sống dưới áp lực nào khiến ta vẫn làm được chuyện mà chẳng sợ ai, không?
Ngày hôm nay, lời của Chúa có tiếp cận được với ta không? Bài đọc 2, là câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi này. Vấn đề là: người tín hữu Đức Kitô hôm nay vẫn còn sống theo chủ nghĩa cá nhân. Đơn độc. Người người vẫn tự mình quán xuyến mọi sự. Quán xuyến cả chuyện sống đời giáo dân nữa. Nhưng, ảnh hình mà thánh Phaolô muốn diễn tả ở đây, là ở điểm: chúng ta là chi thể của một Thân Mình. Mỗi chi thể tương tác với nhau qua việc cho đi và nhận lấy. Mỗi người đều nhận cũng một phần ân huệ, như nhau. Bằng nhau.
 Bởi, nếu người nhận nhiều kẻ được ít, thì Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay không trở thành thực tại sống động, cho mọi người. Vì là chi thể của Thân Mình Chúa, hẳn là ta phải giùm giúp mọi người sống kinh nghiệm từng trải để làm giàu cho nhau. Làm giàu, bằng cách vượt thắng mọi cảnh nghèo hèn. Cơ cực. Cùng nhau tạo thị kiến sống động mà bỏ đi cảnh mù loà, trong nhận thức. Để, có được sự tự do giải thoát khỏi mọi áp bức. Bất công. Tệ nạn. Đó chính là, điều Chúa muốn ta có.
Cuối cùng, ta chưa nhận ra được sự tương phản việc tuyên bố về Lề luật ở bài đọc 1 với Lời của Chúa, ở Tin Mừng. Chưa nhận ra rằng: lề luật, vẫn là việc thiết yếu cho phẩm giá. Cho quyền làm người. Và, tự do. Nhưng, điều Chúa nói, có nội dung mới lạ, chính là: lòng thương xót. Đó mới khác.
Trong tinh thần đón nhận điều mới và lạ Chúa gửi đến, ta cứ vui mà ca mà hát, hát rằng:

            “Thanh niên, thanh niên hoa thơm tuổi thơ
Tương lai, tương lai đang mong chờ ta
Vai ta gánh sơn hà, tay ta giữ quê nhà
Lòng rộn ràng say sưa như xuân mới.”
(Phạm Đình Chương – Bài Ca Tuổi Trẻ)

            Đón nhận Lời Chúa, với lòng thương xót/Xót thương sẽ biến người người thành những bạn trẻ. Trẻ, để đưa vai gánh lấy sơn hà. Một giải. Giải sơn hà, rộng lớn như Tương Lai Nước Trời. Đang chờ ta.


Thursday, 24 January 2013

Lm Richard Leonard sj: Về quê trời Ngài thăng tiến hết mọi người




Chú bé 9 tuổi tên Nho được mẹ hiền gặn hỏi xem bé học được những gì ở nhà trường, môn giáo lý. Nghe mẹ hỏi, bé tíu tít nói vội vàng: Mẹ, cô ở trường có kể cho tụi con nghe rất nhiều chuyện Chúa làm. Sao con thấy chuyện nào cũng đẹp như phim tập, đó mẹ. Cô bảo thế này: Chúa cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của lính Ai Cập chuyên hà hiếp dân lành Do Thái. Chúa cứu họ bằng cách cho ông Mô-Sê, xuất hiện ngay sau lưng địch, mà địch không hay. Kế đó, ông Mô-sê đem dân Do Thái tới Biển Đỏ an toàn xa lộ, không ai bị đói. Thế rồi, ông lại truyền cho các kỹ sư bắc một cây cầu thiệt to, cao ơi là cao, đặt ngay phía trên đỉnh đầu của mọi người. Và rồi, dân Do Thái ai cũng qua được cầu, mà không bị gì hết. Kế đến, ông dùng di-động gọi về cho tổng hành dinh, kêu máy bay yểm trợ.
Thế là, họ gửi máy bay đến um sùm trời đất, bắn phá tơi bời. Và, cầu bị sập ngay lập tức. Làm chết đám lính Ai Cập. Bọn lính chết sạch, không ai kịp trăn trối với vợ con. Trong khi đó, dân Do Thái cứ ung dung sống an nhàn, thảnh thơi. Mẹ thấy có khủng khiếp không! Bà mẹ ngắt lời: Này con, con kể có đúng như cô con dạy không đó? –Con nói thiệt đấy. Đúng rồi đó, mẹ. Con chỉ thêm có chút xíu cho nó giống phim Hàn Quốc, thôi. Chứ, kể dài như cô  ở trường, mẹ nghe chỉ có nước ngủ gục, chứ ai mà tin những điều cô kể!…
Vâng. Nhìn cảnh anh em đồng Đạo chia rẽ bất đồng vì cách dạy giáo lý, từ nhiều thế kỷ. Mới ngại. Làm sao có thể cảm nhận “những thơm phức hồng ân ơn cứu độ” Ngài ban cho, chứ? Quả là, nhiều thế hệ về trước,nhằm bảo vệ nguồn chân lý trong Kinh thánh, ta vẫn được dạy: mọi điều ghi trong Kinh thánh đều do Thần Linh Chúa đọc cho các thánh viết. Trên thực tế, lối viết của mỗi thánh sử như: Mátthêu, Mác-cô, Luca và Gio-an, vẫn là cách thức đơn lẻ mỗi vị biểu tỏ “những thơm phức của Hồng ân Cứu độ” theo cảm nhận riêng, của mỗi vi.  
Hôm nay, Giáo hội khởi loan Tin Vui của Đức Chúa bằng trình thuật ban đầu do thánh Luca ghi. Qua giòng chảy, thánh sử Luca minh định rằng: ngài chỉ viết những điều được Thánh Thần Chúa mặc khải cho mình. Để từ đấy, ta nhận ra: trình thuật hôm nay là thư tâm tình gồm hai phần chủ yếu gửi đến một người, vừa là bạn thân vừa là đệ tử, ngài Thêôphilô đáng mến.
Theo truyền thống, phần đầu thư là Tin Mừng theo thánh Luca. Và kế đến, là sách Công vụ Tông đồ. Ở cả hai, thánh nhân tuyên dương chúc tụng công việc của Vĩ Nhân Số Một, thuộc mọi thời. Đồng thời, ngài cũng ghi lại các thành tựu Chúa làm trong quãng thời gian Ngài ở với dân con, nơi trần thế. Thành tựu đây, là: công trình rất thân quen xảy đến với La-Mã vào thời cổ, nơi chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp, thời buổi trước.
Thánh Luca nhận ra trách vụ phải viết sao để người đọc hiểu “chương trình cứu độ” của Chúa. Và ngược lại, người đệ tử của thánh nhân là Thêophilô cũng biết rõ cách đọc ý định của Chúa, qua điển tích. Trình thuật thánh Luca ghi, nhất định không phải là nguồn nhu liệu thu thập lại chi tiết lịch sử rất thật về cuộc sống của Đức Giê-su, chốn gian trần. Không hẳn thế. Bởi nếu không, sẽ chẳng hài hoà như Tin Mừng nhất lãm do các thánh sử khác viết. Thật ra, về hình thức, mỗi thánh sử tích lũy nhu liệu theo cung cách riêng tư, của mỗi vị. Và, quan điểm mỗi người về các chi tiết hệ trọng, tuyệt nhiên không thuần nhất. Cố định.      
Là tín hữu Đức Kitô, ta tin Thánh Thần Chúa dẫn dắt các thánh sử, khi các ngài ghi chép dấu tích nguồn sử liệu. Và, Thánh Thần Chúa cũng soi sáng để khi thuật ghi Tin Mừng, các ngài biết chọn nguồn sử liệu; ngõ hầu, chi tiết về “chương trình cứu độ” của Chúa, tuyệt nhiên không hề sai sót. Và, cuộc sống hài hoà của tín hữu Đạo Chúa ăn khớp với “chương trình cứu độ”, là mục đích của Tin Mừng. Coi đó như chứng tích niềm tin của Giáo hội.
Thế nên, đây không phải là giòng chảy chi tiết các sự kiện theo nghĩa đen lịch sử. Đây là sử sách ngàn năm về một Chân lý đích thực. Tức, những điều mà nhà thơ ở trên nhận xét: “thơm phức những trái cây Hồng ân của Thượng Đế”. Khi biên tập giòng chảy cứu độ, thánh Luca hiểu rằng ngài Thêơphilô, là bạn và là đệ tử của thánh nhân, được bảo cho biết về đường hướng cứu độ, nơi Đức Kitô. Và, thánh nhân cũng xác tín rằng: sự thật lịch sử về đường hướng cứu độ thực hiện nơi mỗi người, chính là kinh nghiệm mà thánh nhân đạt tới.
Tin Mừng hôm nay, vẽ lên bức chân dung rất thật, rất khởi sắc và thân tình về Đức Kitô. Qua đây, thánh sử trân trọng gửi đến với hết mọi người, ở mọi nơi, một thông điệp ngàn năm, không nhạt phai. Nếu phải dùng ngôn ng đời thường hôm nay, hẳn tác giả cũng sẽ chua thêm những cụm từ hỏi han, như: “Thế nào, s việc đến đâu rồi?”, hoặc: “Hãy nói thẳng và đưa ra quan điểm của mình”…
Chúng ta cũng thế. Là con Chúa, và là miêu duệ của những Luca, Thêôphilô cùng cộng đoàn kẻ tin thời tiên khởi, ta thừa hưởng một truyền thống, rất chân tình. Rất thân thương. Truyền thống thẳng thắn và chân tình ấy, đưa ra ngay về phía trước, những gì chúng ta được mời gọi đến thực hiện. Gọi đó là “Chương trình” đề ra cho ta, mỗi người. Rất thẳng thắn. Rất chân tình như thưở nào. Và, cũng dễ nhận biết. Đó là: ta được mời gọi cùng với Giáo hội đồng hành đến với đám dân nghèo/hèn. Được mời, để ra đi giải thoát những người còn bị cầm buộc. Được mời, để tiếp tay nhau trong tranh đấu chống trả mọi áp bức khổ đau, vẫn còn ở nhiều nơi.
Đồng thời, ta có trọng trách thực hiện điều khác nữa: quyết tâm thăng tiến hết mọi người. Cả người cận thân, cũng như người cận lân. Thăng tiến, để tất cả dám đối đầu trực diện với những gì mà mọi người cứ lánh mặt, làm ngơ. Những người lờ tảng, chẳng muốn nhúng tay vào chuyện gì, cho thêm phiền. Thăng tiến, là khích lệ mọi người dám ra đi công bố hồng ân của Thiên Chúa. Ra đi, còn để biểu lộ: chẳng ai xa vời tầm tay yêu thương cứu độ, của Đức Chúa.
Đòi hỏi của trọng trách ở trên, dù có cao xa vời vợi hay ít thực tiễn, vẫn không là chọn lựa có thêm. Thêm, như chuyện bên lề. Đòi hỏi của trọng trách đây là lựa chọn căn bản, thực tế. Dễ thành hiện thực. Trọng trách loan truyền “những thơm phức cây trái hồng ân của Thượng Đế”. Trọng trách này, vừa là quà tặng vừa là bổn phận gửi đến mỗi kẻ tin. Đó là ý nghĩa của cuộc sống. Đó là ý hướng của chương trình hành động, cho mọi người. Hãy ra đi chuyển đổi thế giới nhân trần, nơi ta sống. Như Đức Chúa vẫn mời gọi. Đó là chân lý. Chân lý, là ra đi loan truyền Tin Mừng Cứu Độ của Chúa, ta sẽ thấy ở nơi đây. Có Chúa ngự trị.

Wednesday, 23 January 2013

Lm Lê Quang Uy CSsR: TỪ “GIẢM TỶ LỆ MANG THAI” ĐẾN “GIẢM TỶ LỆ SINH”




Cách đây khoảng 3 năm, một bác sĩ thân tín tiết lộ cho chúng tôi biết đã có biện pháp mới cho chính sách Kế Hoạch Hóa Gia Đình, đó là thay vì “giảm tỷ lệ mang thai” sẽ là “giảm tỷ lệ sinh” !
Vậy “giảm tỷ lệ mang thai” ngày xưa là thế nào ?
Nhiều thập niên trước, cả trong thời gian chiến tranh, người ta đã chủ trương áp dụng biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai”, theo luận điệu người ta tuyên truyền, thì ấy là để giảm đà tăng dân số, để tăng trưởng và ổn định kinh tế. Nghiêm ngặt ghê lắm, cán bộ công nhân viên Nhà Nước dứt khoát không được để “vỡ kế hoạch” mà mang thai đứa con thứ hai. Một mặt người ta họp phê bình thẳng mặt trong Công Đoàn, nếu không chịu phá thai thì phải làm bản kiểm điểm, thành khẩn nhận khuyết điểm trước tập thể cơ quan, chịu một hình thức kỷ luật nào đó khá nặng, ít nhất cũng mất danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, mất thưởng “lao động tiên tiến”, có khi còn bị cắt biên chế, ngưng hợp đồng, sa thải khỏi ngành…
Chúng tôi có dịp đi giảng Đại Phúc ở một Giáo Xứ miền quê Giáo Phận Bùi Chu, sau một buổi nói chuyện về Bảo Vệ Sự Sống, chúng tôi được nghe các bà kể lại chuyện cũ đã hơn 20 năm, thời họ còn trẻ. Dân vùng Công Giáo không chịu áp dụng biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai”, thế là cán bộ Kế Hoạch Hóa Dân Số phối hợp dân quân du kích xã tổ chức đi bắt các bà, nguyên văn là “khiêng đi như khiêng heo, bốn người bốn góc, giữ chặt hai tay hai chân để chúng tôi không vùng vằng giãy dụa được, chung quanh còn một lũ con nít Thiếu Niên Tiền Phong đáng trống cà rùng, hò reo kéo nhau đến Trạm Xá Y Tế Xã để bắt phải triệt sản hay ít ra cũng là đặt vòng xoắn tránh thai, rùm, beng, nhộn nhịp tiếng khóc tiếng cười tiếng hét, cứ y như đám ma pha lẫn đám cưới” !
Còn về phía các ông, dân có Đạo bảo nhau đến ngày cao điểm thì sáng sớm chạy băng ruộng sang làng khác để tránh nạn. Thế mà dân quân du kích họp ban tham mưu, lên kế hoạch vây bắt như thể đánh trận, nghi binh đầu này, phục kích đón lõng đầu kia, nhiều ông nhiều anh chạy một thôi một hồi, tưởng đã an toàn, đang thở hổn hển thì bị… “sa lưới”, cũng bị điệu đi như kẻ thù, bắt đến Trạm Xá để… thắt ống dẫn tinh, nhiều kẻ độc miệng còn dùng động từ “thiến” như người ta thiến con gà trống !
Ấy là chuyện ngoài Bắc, còn trong Nam, ở Sàigòn, tôi quen một gia đình vợ chồng đều làm ngành y. Chị có thai đứa con thứ hai sau hai con đầu là con gái. Bệnh viện họp phê bình, bắt phải phá thai, chị bảo gia đình tôi Công Giáo, tin Chúa, không phá thai vì phá thai là giết người. Họ đe kỷ luật đuổi khỏi ngành, chị vẫn dứt khoát nói không, sinh một bé gái nữa, sau đó vẫn theo ngành Y nhưng làm tư, mở phòng khám ưu tiên lo cho người nghèo, nhất là các bệnh nhân AIDS các bệnh viện công đều tránh né từ chối. Sau hơn 20 năm, bây giờ cả ba cô con gái đều ngoan ngoãn nết na, ăn học đỗ đạt đều đâu ra đấy, phủ nhận hoàn toàn cái lý lẽ vớ vẩn rằng: cần phải “dừng lại ở hai con để nuôi dạy con cho tốt” !
Của đáng tội, chủ trương “chỉ hai con mà thôi” này ít nhiều đã len lỏi được vào não trạng của người Công Giáo, ăn sâu đến mức nhập tâm in trí, thỉnh thoảng lộ ra trên các logo mừng Đại Hội Năm Thánh Gia Đình 2010 hoặc panô cổ võ cho Mục Vụ Gia Đình cấp Giáo Phận, cấp Giáo Xứ…
Mặc dù vậy, cuối cùng, biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai” vẫn… phá sản ! Nhà Nước hò hét tuyên truyền rát cả cổ, mòn cả loa phóng thanh đầu làng cuối xóm, thiên hạ vẫn không chịu “dù gái hay trái chỉ hai là đủ”, ngay đến thành phần cán bộ chẳng sợ bị kỷ luật mất sổ gạo, cũng chẳng màng đến chuyện được thưởng nếu đặt vòng, bây giờ hòa bình rồi, đảng viên được quyền làm kinh tế nên giàu ra rất nhanh, có của ăn của để, xây nhà xây cửa, tự nhiên thích con đàn cháu đống, nên chủ trương khác hẳn: “Dù gái hay trai, có thai là… đẻ !”
Chuyện Kế Hoạch Hóa Gia Đình thành chuyện… cổ tích thời bao cấp, đôi khi còn là đề tài tiếu lâm, như ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình có tấm biển rõ to, chẳng biết vô tình hay cố ý, mất một dấu phẩy, lại cắt câu xuống hàng ngang xương nên đọc ra một khẩu hiệu ủng hộ đa thê: “Mỗi gia đình hai con vợ, chồng hạnh phúc” !?!
Trong ngành Y, đặc biệt là bên Kế Hoạch Hóa Gia Đình vẫn lưu truyền một câu chuyện về một nữ bác sĩ nổi tiếng tên là M.Đ. đã từng có “sáng kiến… kinh ngạc” là khi nhập hàng sản xuất bên Tiệp, bên Nga về, bí mật cho cắt hai sợi cước trắng ở đuôi vòng tránh thai, hễ đã đặt vào tử cung người phụ nữ rồi là vĩnh viễn không cách nào rút ra được nữa, coi như… triệt sản luôn ! Bà bác sĩ ấy nghe nói sau này bị tai nạn chết thảm, mọi người tặc lưỡi, chép miệng, lắc đầu: “Ghê quá ! Quả báo !”
Vậy còn bây giờ là “giảm tỷ lệ sinh” thì sao ?
Những tưởng một chính sách thất đức, thất nhân tâm như thế sẽ đi vào dĩ vãng đau buồn, không ngờ chuyện dài sinh đẻ ở Việt Nam đã bất ngờ chuyển hướng: người ta phát kiến ra một biện pháp hoàn toàn mới, táo bạo và tỏ ra… nhân đạo hơn hẳn những “sáng kiến kinh… ngạc” trước đây, không còn phải “giảm tỷ lệ mang thai”, nhưng bây giờ là “giảm tỷ lệ sinh” ! Quý bà quý ông muốn có thai thì xin cứ việc có thai, đến khi đi khám thai, siêu âm chẩn đoán, xét nghiệm đủ các kiểu, các y bác sĩ sẽ tư vấn làm thế nào đấy, rất khéo, rất tận tâm, rất cảm thông, rất nhân ái, cuối cùng thì cả đôi vợ chồng sẽ cắn răng gạt lệ mà xin… chấm dứt thai kỳ. Người ta còn đưa ra chương trình “sàng lọc thai nhi”, bé nào có vấn đề, có nguy cơ bị hội chứng Down, bị di họa từ cúm Rubella ( bệnh sởi Đức ), bị dị tật tim bẩm sinh, dư tay thiếu chân, không có hộp sọ v.v… thì đều được khuyến cáo nên giải quyết ngay từ những tuần lễ đầu tiên.
Thật ra cũng một phần máy móc siêu âm mua về nhiều khi là hàng second hand, sử dụng quá niên hạn, lại thêm nhân viên y tế không được đào tạo đến nơi đến chốn để đọc kết quả chẩn đoán trên màn hình, thế là thai còn đang sống lại bảo thai chết lưu, thai khỏe mạnh lại bảo thai yếu, thai con trai lại bảo thai con gái, tim thai đã có và phát triển bình thường lại bảo là thai trống, thôi thì đặt thuốc lấy ra ngay, để lâu có thể nguy đến tính mạng thai phụ.
Người ta lại còn đánh trúng tâm lý rất dễ hoang mang của các thai phụ, và cả các ông chồng.  Trường hợp thai phụ đến khám đã khá lớn tuổi mới lập gia đình, lời tư vấn sẽ là trứng không còn tốt, bé chắc chắn sẽ bị Down, chậm phát triển, chết yểu, tội nghiệp, thua chị kém em, lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trường hợp thai phụ lần sinh trước đã phải mổ, đáng lẽ phải để cách nhau đến 5 năm cho an toàn, vậy mà bây giờ lại sớm có thai, coi chừng… bục dạ con ( trong Nam bảo là vỡ tử cung ). Tương tự nếu thai phụ đã sinh mổ hai lần, nay có thai lần thứ ba là “liều lĩnh dại dột quá, chết như không, lấy ai mà nuôi hai đứa con kia !
Trong thực tế Bảo Vệ Sự Sống, các Linh Mục, các Nữ Tu, các anh chị Tông Đồ Giáo Dân đều nhận định: khoảng 7, 8 năm trở lại đây, số các chị em phá thai do lỡ lầm, do bị người tình ruồng rẫy, do bị sức ép của sĩ diện gia đình, hoặc gia đình nghèo, vợ chồng sợ không nuôi nổi, cộng lại hết thì vẫn không nhiều bằng số các chị em phá thai do lời tư vấn của y bác sĩ với những kết quả siêu âm, chọc nước ối xét nghiệm gien cảnh báo những nguy cơ kinh khiếp.
Lắm khi chúng tôi khuyên bảo xong lại còn bị các ông chồng trợn mắt phản biện: “Các cha các sơ đi tu thì cứ lo tu đi, có phải bác sĩ đâu mà nói mạnh miệng thế ? Đẻ ra bị dị tật các cha các sơ có nuôi giùm tụi tui không ? Trong nhà ai cũng khỏe mạnh bình thường, tự dưng con cái lại câm điếc què quặt, người ta xì xầm thế này thế kia làm sao chịu nổi !”
Có lần chúng tôi đề nghị ông chồng ghi lại nguyên văn các lời tư vấn của bác sĩ, đánh vi tính hẳn hoi, trở lại bệnh viện, xin bác sĩ ký tên với lời cam đoan kết quả chẩn đoán chắc chắn đúng là như thế. Y như rằng bác sĩ giãy nảy lên bảo: “Nói là nói vậy thôi, các anh các chị tin hay không là tùy, làm gì chúng tôi phải ký vào đây để sau này kiện ngược lại chúng tôi à ?” Lần ấy, thai nhi đã được giữ lại, sinh ra khỏe mạnh, không hề bị sứt môi hở hàm ếch !
Những nỗ lực của phía Bảo Vệ Sự Sống cũng đã cứu được khá nhiều những trường hợp tương tự. Nhưng bình tâm đánh giá vấn đề, chúng tôi vẫn thấy đau lòng, vì con số thực tế phá thai vẫn lớn hơn gấp ngàn lần. Đọc báo mạng thấy ở Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương ngoài Hà Nội còn phải thú nhận rằng chỉ tính riêng chuyện Hội Chứng Rubella bẩm sinh thôi, đã chết oan biết bao em bé ! Mà không chỉ lỗi phía bác sĩ, nhiều gia đình vẫn cứ dứt khoát đòi phá thai đi dù bác sĩ cho biết kết quả chưa rõ ( xin xem http://www.benhvienphusantrunguong.org.vn/news/tin-tuc-su-kien/nhieu-nguoi-bo-oan-con-vi-rubella-.html )
Cũng may, phía Bảo Vệ Sự Sống vẫn còn không ít các bác sĩ, y sĩ, y tá vừa có lương tâm lại vừa có trình độ trong nghề, nên chính bản thân chúng tôi đã được hướng dẫn chi tiết để có “nghiệp vụ tư vấn”, ca nào cần thiết có thể giới thiệu thẳng đến các bác sĩ để được khám thai lại thật kỹ lưỡng, được tư vấn chu đáo để an tâm và can đảm giữ lại bào thai, đến khi sinh thì mẹ tròn con vuông, vui mừng không để đâu cho hết. Nhiều gia đình muốn biểu lộ lòng biết ơn, có khi xin chúng tôi đặt tên hoặc rửa tội cho bé, có khi xin lấy luôn tên của bác sĩ mà đặt cho con của mình.
Ở các lớp Giáo Lý Hôn Nhân, ngày tĩnh tâm kết khóa, hoặc cuối Thánh Lễ tại Nhà Thờ DCCT, chúng tôi mời cả gia đình vợ chồng bế con đến, Công Giáo có, không Công Giáo có, trực tiếp chia sẻ như một lời chứng trước cộng đoàn để những ai có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự, sáng suốt giữ lại bào thai, lại phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, chấp nhận ngay cả khi em bé sau này sinh ra có dị tật thật sự đi nữa, thì vẫn là một Quà Tặng Sự Sống vô giá, vẫn là đứa con quý báu của gia đình. 
Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm nay, 13.1.2013, nghe bài đọc Thư Thánh Phaolô gửi cho ông Titô, chúng tôi thấy được khích lệ thật nhiều, không chỉ là những động viên tâm lý, nhưng rõ là Tin Mừng của Thiên Chúa dành cho anh chị em chúng tôi đang cố gắng lội ngược dòng đời để Bảo Vệ Sự Sống: “Vì chúng ta, Đức Giêsu đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện…” ( Tt 2, 14 ).
Vâng, lại Chúa Giêsu, chúng con xin được hăng say “làm việc thiện” trong những ngày tháng này, trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu này, một cách hết sức cụ thể, đó là cứu lấy các thai nhi, cứu lấy các gia đình khỏi hiểm họa oan nghiệt của biện pháp “giảm tỷ lệ sinh” !
Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 13.1.2013