Sunday, 20 October 2002

MỸ, IRAK - Trần Ngọc Báu

MỸ, IRAK

VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI

Trần Ngọc Báu

Trong những tháng vừa qua, thế giới lên cơn sốt từng cơn, mỗi ngày một nóng bỏng hơn. Bởi Mỹ đã tuần tự tuyên bố công khai sẽ nhất thiết phải tấn công Irak và hạ bệ tổng thống Saddam Hussein của Irak, kẻ thù của Mỹ và bị Mỹ tố giác là tên hung thần ác quỹ của thế giới tự do. Mỹ ra sức vận động các nước trên thế giới ủng hộ Mỹ trong kế hoạch tấn công này, nhằm tiêu diệt chế độ bạo tàn Saddam Hussein, giải giới toàn bộ Irak, thiết lập một thể chế dân chủ tự do ở xứ này và ổn định tình hình Trung Đông, được Mỹ coi là nguồn gốc và hậu cứ của các thế lực khủng bố quốc tế.

Cơn sốt lên cao độ nhất vào lúc Mỹ tuyên bố sẵn sàng đơn phương tấn công Irak, cho dù có hay không có sự ủng hộ của các nước trên thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc. Bởi Mỹ coi đó là sứ mạng cao cả của Mỹ phải bảo vệ hòa bình thế giới, bằng cách bảo vệ trước tiên chính quyền lợi của Mỹ là nước đang lãnh đạo thế giới. Quyền lợi của Mỹ hiện nay, được Mỹ coi như là quyền lợi của thế giới, chính là đem lại hòa bình và ổn định lâu dài tại Trung Đông, bằng cách triệt tiêu chế độ Irak của Saddam Hussein, coi như là mầm mống gây rối trong vùng và đang sát cánh với bọn khủng bố Al Qaida cổ võ và hỗ trợ cho phong trào khủng bố quốc tế.

Số là từ vụ khủng bố ngày 11.09.01 của một nhóm không tặc árạp đã cảm tử lái 4 chiếc hàng không dân sự Mỹ, được sử dụng như những hỏa tiễn khổng lồ, tấn công bất ngờ vào Nữu Ước và Ngũ Giác Đài, từ đó chính phủ của Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên chiến với hệ thống khủng bố thế giới mà đứng đầu được coi là tổ chức Al Qaida, và vận động cho cả thế giới ủng hộ công cuộc kháng chiến dài lâu chống lại hệ thống khủng bố cực kỳ dã man, tàn bạo và đầy mưu chước quỷ quyệt này. Trước tiên, Mỹ tấn công vào A Phú Hãn, triệt hạ chế độ Taliban do Mỹ ủng hộ trước đây để chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô, bởi lẽ về sau này Taliban đã dung dưỡng cho phe Al Qaida (cũng do Mỹ trước đây hỗ trợ để chống Liên Xô) lập sào huyệt tại A Phú Hãn để từ đó mở chiến dịch vận động công cuộc thánh chiến chống Mỹ. Với việc thiết lập một chính quyền thân Mỹ ở A Phú Hãn và đang khi chưa quét sạch tàn dư Al Qaida và bắt sống tên trùm khủng bố Ben Laden, nay Mỹ thừa thắng xong lên lăm le tấn công Irak !

Thực vậy, tuy chưa nắm vững toàn bộ manh mối hệ thống khủng bố quốc tế với những bằng chứng thật chính xác và mạch lạc, chính phủ Bush đã khẳng định rằng tổ chức Al Qaida của tên trùm Ossama Ben Laden đã chủ mưu các cuộc khủng bố tại Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên, những nước árạp và những người theo hồi giáo là tôn giáo mà Ben Laden nhân danh để hô hào mở cuộc thánh chiến chống Mỹ đều bị liệt vào hàng đối thủ đáng nghi ngại của Mỹ, trong đó có Irak nay được Mỹ coi là một trong những đầu não sừng sỏ của phong trào árạp chống Mỹ.

IRAK Ở VÀO VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC RẤT NGUY HIỂM

Nước Cộng hòa Irak có diện tích 435 ngàn cây số vuông (lớn hơn 10 lần Thụy Sĩ) và 24 triệu dân số (gấp 3 lần hơn Thụy Sĩ) mà đa số là người Árạp theo Hồi Giáo. Irak nằm ở khu vực gọi là Trung Đông, tức giữa Âu Châu và Đông Á Châu, cũng có đa số dân là người Árạp và cũng theo Hồi Giáo. Hồi Giáo chính là tôn giáo phát xuất từ khu vực này và đã nuôi dưỡng truyền thống văn hóa lâu đời của người Árạp Trung Đông. Chính đạo Hồi cũng làm nền cho tinh thần khởi nghĩa chống ngoại xâm, dành độc lập chính trị và kinh tế tự chủ tại khu vực giàu về tài nguyên dầu hỏa này.

Irak có một quân lực khá hùng hậu, gồm 424 ngàn lục quân với 650 ngàn quân nhân trừ bị, 30 ngàn không quân, 2 ngàn chiến xa, 2 ngàn rưởi khẩu pháo và 300 chiếc chiến đấu cơ. Thực ra, lực lượng quân sự Irak hiện nay chẳng có gì đáng ngại, và nó chỉ bằng một nửa so với thời gian trước cuộc chiến vùng Vịnh vào năm 1991 là năm mà Irak ngang nhiên tấn chiếm Koweit, được Irak coi như thuộc lãnh thổ của mình trước khi có thực dân Anh đến chiếm đóng. Bị lực lượng Mỹ và Anh đánh trả và thúc thủ, Irak đầu hàng vô điều kiện và chịu giải giới toàn diện. Tuy nhiên, công cuộc giải giới Irak vẫn còn dây dưa mãi, vì Irak vẫn tìm cách chống đối cách hành xử của Phái đoàn Thanh sát LHQ. Chính vì thế, Irak vẫn còn bị Liên Hiệp Quốc cấm vận cho đến ngày nay. Do đó, dân chúng Irak vẫn phải chịu cảnh đói khổ, cơ cực, lầm than dài dài, và thiếu thốn mọi điều kiện y tế, giáo dục và dinh dưỡng cần thiết cho các sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, được hun đúc trong tinh thần « thánh chiến » cho lý tưởng phục hưng đạo Hồi, dân chúng xem ra vẫn nhẫn nhục cam chịu sự cai trị độc đoán của Saddam Hussein.

Cái đáng ngại, theo Mỹ, hẳn không phải là lực lượng quân sự « nổi » của Irak, mà chính là lực lượng vũ khí « chìm » của nước này, gồm những vũ khí giết người hằng loạt như vũ khí hóa học, vi trùng và hạt nhân mà Mỹ đã từng to tiếng tố giác đang tiếp tục được sản xuất và cất giấu tại Irak, không cho LHQ thanh tra, và sẵn sàng để tàn sát các nước trong vùng. Kế đến, cái đáng ngại hơn nữa, chính là TT Saddam Hussein của Irak vẫn nuôi mộng lãnh đạo thế giới hồi giáo, nhằm phục hưng tinh thần hồi giáo và ngoan cố chống Mỹ một cách hung hăng, triệt để.

Thực vậy, Hồi Giáo là tôn giáo lớn bao trùm lên toàn cõi Trung Đông và cũng là linh hồn của các phong trào chống ngoại xâm trước đây, nay vẫn tiếp tục chống trào lưu văn hóa đồi trụy xâm nhập từ phương tây, cổ võ việc giữ gìn độc lập và phục hưng đất nước, và tìm cách chấn hưng đạo đức hồi giáo tại vùng này. Tại Irak, đảng Phục Hưng Bass tự coi có vai trò lãnh đạo công cuộc phục hưng vùng Trung Đông, trước đây đã bắt đầu tham gia các hoạt động bí mật nhằm chống đối nền quân chủ ở Irak, và sau đó đã làm hai cuộc đảo chính năm 1963 và 1968, để rồi trở thành đảng cầm quyền cho đến nay. Từ đó ở Syrie, cũng có một bộ phận đảng Bass lãnh đạo. Còn Saddam Hussein thì đứng đầu đảng Bass ở Irak. Chính Saddam Hussein là người quyết định việc quốc hữu hoá ngành dầu lửa do các công ty tây phương khai thác, cũng như quyết định tiến hành cuộc chiến tranh với Iran và Koweit. Tuy là một nhà lãnh đạo độc tài, nhưng mới đây qua một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, Saddam Hussein đã được 100% ( ?) cử tri tín nhiệm ở vị trí Chủ tịch nước thêm một nhiệm kỳ 7 năm nữa.

THEO MỸ, CẦN PHẢI GIẢI TRỪ CÁI HỌA SADDAM

Sau khi quân lực Mỹ-Anh đẩy lui quân lực Irak khỏi Koweit và khôi phục nền độc lập của xứ này vào năm 1991, Hội Đồng Bảo An LHQ đã ra Nghị quyết 687 quyết định ngưng bắn hoàn toàn đối với Irak, và đòi buộc Irak phải loại bỏ mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt, và chịu sự thanh sát của một Uỷ ban Đặc nhiệm của LHQ phụ trách việc giải trừ vũ khí (Unscom) tại Irak. Nhưng ngày 31.10.1998, Irak quyết định chấm dứt hoàn toàn việc hợp tác với Unscom, viện cớ Unscom đã vi phạm vào chủ quyền của Irak bằng cách làm tình báo cho Mỹ. Mỹ gửi tối hậu thư cho Irak và sau đó Mỹ-Anh mở chiến dịch "Con cáo Sa mạc" đánh phá Irak bằng không quân trong 4 ngày vào trung tuần tháng 12.98. Gần đây, không lực Mỹ-Anh vẫn tiếp tục đánh phá các căn cứ quân sự Irak bên dưới các vùng gọi là « cấm bay » đối với Irak.


Ngày 17.12.1999, Hội Đồng Bảo Anh LHQ lại ra Nghị quyết 1284 xác định một quy chế thanh sát mới với Ủy ban Unmovic thay thế cho Unscom. Nhưng Irak cực lực bác bỏ nghị quyết này. Đến tháng 8 và 9.2002, Mỹ công khai nói đến việc tấn công Irak. Bài diễn văn của Tổng thống Bush trước Đại hội đồng LHQ ngày 12.09 được coi như một tối hậu thư gởi đến Irak, báo động sẽ tấn công Irak trong bất kỳ tình huống nào. Nhiều thành viên LHQ không muốn có chiến tranh và muốn có bằng chứng rõ ràng về những lời tố cáo của Mỹ cho rằng Irak vẫn tiếp tục sản xuất các vũ khí vi trùng và hóa học cũng như vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, họ vẫn nghi ngại về những lời Mỹ cáo buộc Irak có liên quan trực tiếp đến tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida.

Ở Âu Châu, chỉ có 3 nước Anh, Ý và Tây Ban Nha là thuận theo kế hoạch tấn công Irak của TT Bush. Còn lại đều chống, mà đứng đầu là Pháp, Đức và Nga. Trên thế giới, ngoài khối Árạp đã từng tỏ ra rất ái ngại trước chính sách hiếu chiến của Mỹ, còn có Ấn Độ, Nhật Bản, và nhất là Trung Quốc đã tuyên bố thẳng thừng phản đối ý đồ khống chế Irak của Mỹ. Tại phiên họp Hội Đồng Bảo An LHQ hôm thứ sáu 18.09, ngoại trừ những nước ủng hộ Mỹ nói trên, tất cả các phái đoàn các nước tham dự còn lại đều phản đối kịch liệt mưu toan tấn công Irak trước khi đã tận dụng đến những biện pháp ôn hòa, nhất là sau khi Irak đã thuận cho phái đoàn thanh sát LHQ trở lại làm việc vô điều kiện tại Irak. Ngày thứ hai 21.09, TT Bush đã tỏ ra mềm dẻo chiều theo dư luận, bằng cách yêu cầu LHQ có thêm một nghị quyết buộc Irak tôn trọng những yêu sách khắt khe hơn cho việc thanh sát vũ khí. Âu đây cũng là một đòn chiến thuật của Mỹ, cốt gài Saddam vào cái thế phải chống lại những sự cưỡng bức mới này, để rồi có cớ tấn công Irak một cách đường đường chính chính vậy.

Thực ra, dư luận thế giới nghi rằng Mỹ viện lẽ chống khủng bố quốc tế để đánh Irak, nhưng tựu trung là Mỹ tìm cách chế ngự về lâu về dài tình hình Trung Đông, nơi cung cấp phần lớn dầu hỏa cho thị trường tiêu thụ Mỹ. Lâu nay, Mỹ đã hỗ trợ tối đa cho đồng minh Israel của Mỹ để khống chế dân Palestine, và rồi từ đó khống chế tinh thần chống Mỹ trong Vùng. Nay nhân cơ hội ngàn vàng Mỹ bị bọn khủng bố quốc tế tấn công ngay tại đất nước mình, TT Bush của Mỹ liền ra tay thi hành kế hoạch chế ngự vùng dầu hỏa Trung Đông, bắt đầu với chiến dịch tấn công A Phú Hãn, rồi nay mai đến lượt tấn công vào Irak.

THẾ GIỚI LO NGẠI TRƯỚC CHÍNH SÁCH BÁ QUYỀN MỸ

Chính sách đối ngoại của TT Bush làm cho các nước trên thế giới lấy làm lo ngại. Chẳng hạn, chính phủ Bush tuyệt nhiên đơn phương hủy bỏ hiệp ước Kyoto về việc hạn chế xả khí độc vào bầu trời càng lúc càng bị hâm nóng, gây ra nhiều thiên tai khốc liệt trong những năm gần đây. Chính phủ Bush cũng ngang nhiên phủ nhận thẩm quyền của Tòa Án Hình sự Quốc tế do Liên Hiệp Quốc lập ra để xét xử các tội phạm chiến tranh và chống lại nhân loại. Tự đăt mình lên trên công pháp quốc tế, Mỹ ký kết riêng với một số nước một hiệp ước cấm không thưa kiện người Mỹ ra Tòa Án quốc tế về tội đanh này. Còn nữa, là nước đứng đầu chủ trương tự do kinh doanh, Mỹ lại đơn phương đặt rào cảng thuế quan đánh trên số thép nhập từ Âu Châu, để bảo vệ kỹ nghệ chế biến thép nội địa của mình. Hơn nữa, đang khi chống chính sách bù lỗ nông nghiệp của các chính phủ tại Âu Châu (một hình thức cạnh tranh bất chính trên thị trường nông phẩm quốc tế), Mỹ lại duy trì ngay tại đất nước mình chính sách viện trợ bù lỗ cho nông nghiệp Mỹ.

Giờ đây, cái gì thực sự đã xảy ra tại Mỹ là một nước dân chủ nhất thế giới, trước khi trở thành một cường quốc kinh tế, quân sự và kỹ thuật đứng đầu thế giới ? Thực vậy, từ hai thế kỹ qua, Mỹ đã từng được xem là « đất hứa » cho hằng triệu người di dân tị nạn phải cam phận rời bỏ quê hương mình để đi tìm tự do nơi « thế giới mới » này. Cách đây không lâu, Mỹ đã là vị cứu tinh của Âu Châu bị Đức Quốc Xã dầy xéo dưới gót giầy xâm lược. Từ đó, Mỹ nghiễm nhiên trở thành ánh sáng dẫn đường cho muôn dân trong tăm tối đọa đầy, chống lại họa cộng sản quốc tế đe dọa xích hóa toàn cầu. Nay chẳng lẽ chỉ vì một trận khủng bố kinh hoàng xảy ra trên đất Mỹ mà người dân Mỹ không còn cảm thấy có an ninh trên đất nước mình, không còn tự tin và vui sống nữa chăng?

Thì ra, người dân Mỹ lâu nay không nhận ra rằng thế giới vẫn sống trong nếp sống bấp bênh với ít nhiều điều kiện bất ổn và thiếu thốn dài dài, đang khi người Mỹ được sống một nếp sống ưu đãi, thoải mái, tiện nghi và từng tiêu xài xa xỉ !? Nay thì họ phải biết rằng xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang có lợi cho Mỹ và các nước giàu, cũng cùng một lúc mở đường cho việc toàn cầu hóa các hình thức bạo động theo tốc độ lan rộng của hệ thống truyền thông và giao lưu toàn cầu như đã có hiện nay. Đúng vậy, chính TT Bush đã thấy rõ khía cạnh tiêu cực này của việc toàn cầu hóa, nên mới ra tay đánh đông dẹp bắc ở những miền xa xôi ngàn dậm đất nước, để bảo vệ chính nền an ninh của đất nước mình. Vấn đề là tại sao thế giới văn minh ngày nay vẫn phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực, như thời nhân loại còn ăn lông ở lổ ? Mà liệu bạo lực có chắc gì chế ngự được bạo lực không, hay ngược lại là còn nuôi dưỡng và tăng cường thêm bạo lực như kinh nghiệm Mỹ đáng lý phải có trong khi can thiệp bằng quân sự ào ạt vào Việt Nam trước đây, nhằm đánh phá và tiêu diệt nạn Việt Cộng bạo hành. Không có cách nào khác hơn nữa sao ?

Ôn lại lịch sử nước Mỹ, người ta không khỏi lo ngại khi thấy rằng hình như người Mỹ cũng có xu hướng thực dụng thiên về hiếu động và bạo động khi cần! Chẳng hạn, đang khi Mỹ ca tụng nếp sống dân chủ như là liều thuốc tiên chữa lành bá bệnh xã hội, thì chính Mỹ lại có xu hướng cấu kết bằng vũ lực với mọi thế lực, kể cả các thế lực độc tài trên thế giới, để giữ địa vị độc tôn « dân chủ » của mình. Chẳng hạn, ở Chí Lợi, Nicaragua, Árạp Sauđi, Iran, Irak trước đây v.v. , Mỹ đã yểm trợ cho các chế độ độc tài, khát máu, chỉ vì những chế độ đó sẵn sàng chịu phò Mỹ ! Tại sao ? Tại vì chính sách đối ngoại của Mỹ được chỉ đạo theo tiêu chuẩn của quyền lợi kinh tế Mỹ. Vả lại, giờ đây, nếu Mỹ có rêu rao nếp sống tự do và dân chủ ở A Phú Hãn hay ở Irak, hoặc cho cả thế giới chăng nữa, thì tựu trung cũng chỉ vì quyền lợi kinh tế chiến lược của Mỹ mà thôi.

Thực vậy, dư luận thế giới lo ngại rằng có thật hay không, theo lời của Phó Tổng thống Mỹ Cheney, rằng Saddam Hussein là mối đe dọa trầm trọng cho nền hòa bình thế giới? Mặt khác, dư luận cũng tỏ ý lo ngại rằng hậu quả của cuộc chiến với Irak sẽ, thay vì ổn định tình hình Trung Đông, lại có thể tạo ra những bất ổn triền miên và nan giải hơn tại vùng này. Vùng Trung Đông sẽ đi về đâu khi vấn đề Israel-Palestine chưa được giải quyết? Đánh đổ ông Saddam rồi thì các nước Tây phương sẽ làm gì cho một nước Irak chia rẽ triền miên, cho một vùng Trung Đông rối loạn dài dài, và cần đến bao nhiêu trăm tỷ mỹ kim để tái lập hòa bình và an sinh tại đây? Tháng trước, Mỹ tuyên bố không những đòi cho các thanh tra vũ khí trở lại Irak mà còn muốn lật đổ chế độ Saddam Hussein, như thế liệu Mỹ có thể vừa đòi người ta nhượng bộ, lại vừa nói trước là sẽ tiêu diệt họ chăng? Còn lối xử sự nào trịch thượng bằng ?

Nhân danh nguyên tắc tự vệ, TT Mỹ tự cho mình có quyền đánh trả bất cứ nơi nào có bọn khủng bố quốc tế. Thế rồi ông Bush dõng dạc phán như một bạo chúa của thời thượng cổ : Kẻ nào không theo ta tức là kẻ chống ta. Ta là thần lành, kẻ nào chống lại ta là ác quỷ. Ta sẽ tiêu diệt hết chúng nó. Hơn nữa, chính quyền Bush còn đưa ra một luận cứ cực kỳ nguy hiểm : Cần phải đánh phủ đầu trước để trừ hậu họa! Đó chỉ có thể là thứ ngôn ngữ cuồng tín của các giáo phái quá khích, bảo cựu cực đoan. Nói giả dụ, nếu Ấn Độ áp dụng chính sách đó đối với Hồi Quốc (Pakistan), và nếu Trung Quốc nhân danh nguyên tắc ấy để tấn công Đài Loan, thì cái gì sẽ xảy ra cho thế giới đây? Không lẽ sau người Do Thái và người Hồi giáo quá khích, người Mỹ lại tự cho mình là dân riêng được Chúa chọn, với sứ mạng dẫn dắc toàn thể nhân loại đến bến bờ hạnh phúc, để rồi tự xưng hùng xung bá và làm bá chủ hoàn cầu chăng ?

CÓ TRƯỜNG PHÁI TÂN-ĐẾ-QUỐC XUẤT HIỆN TẠI MỸ

Từ khi đế quốc Liên Xô sụp đổ, người ta đã nói đến một trật tự mới xuất hiện trên thế giới. Như vậy, ai sẽ là nguời phải cầm cân nẩy mực trong nền trật tự thế giới mới này ? Dĩ nhiên đó là tập thể những nước tiền tiến, trong đó vai trò lãnh đạo tự nhiên sẽ thuộc về siêu cường hùng mạnh nhất hiện nay là Mỹ. Điều này đã trở thành một định đề tất yếu, một chân lý hiển nhiên từ lâu rồi, một thực tế không còn ai chối cãi được nữa.

Cái điều mới lạ ở đây, chính là những nhà tư tưởng, chính trị học, xã hội học lỗi lạc của Mỹ đã gần như hình thành một chính sách mới cho nước Mỹ, tạm gọi đó là chính sách tân-đế-quốc của các chính quyền Mỹ trong những thập niên tới đây. Cụ thể, chính sách này là gì ?

Để trả lời, thử trở lại vấn đề Mỹ muốn giải trừ cái họa Saddam của Irak. Có thực Mỹ chỉ muốn cấm Irak chế tạo các vũ khí giết người hằng loạt mà thôi, để Irak không còn là mối đe dọa khủng bố cho thế giới? Hoặc có thật là Mỹ chỉ muốn phá hủy chúng, hay chỉ muốn thanh toán riêng ông Saddam khỏi chính trường, hay chỉ muốn thay đổi chế độ ở Irak mà thôi chăng ? Theo nhiều nhà phân tích tình hình, thì Mỹ còn muốn xa hơn nhiều : hủy bỏ trật tự hiện hữu của phe cánh hồi giáo tại Irak và tại Trung Đông, để thay vào đó bằng một nền trật tự dân chủ mới, trong đó các quyền tự do và nhân quyền được tôn trọng, theo như Mỹ quan niệm.

Hình như người Mỹ đang tin tưởng rằng họ có sứ mạng thánh thiêng để hướng dẫn các dân tộc trên thế giới thực thi công cuộc dân chủ hóa đất nước mình, dĩ nhiên là theo cách thức và trong chừng mực có thể bảo đảm quyền lợi kinh tế và sứ mạng lãnh đạo của Mỹ. Để chu toàn sứ mạng này, Mỹ cho mình đương nhiên có quyền sử dụng hợp lý guồng máy chiến tranh cực kỳ kinh khủng của Mỹ. Từ khi có cuộc khủng bố xảy ra ngày 11.09 tại Mỹ và chiến dịch chống khủng bố hoàn cầu do Mỹ lãnh đạo, người ta thấy rõ hơn rằng Mỹ đã biết chụp lấy « thời cơ » này, như lời TT Bush đã nói, để đưa thế giới tiến lên chính nghĩa dân chủ tự do.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, kế hoạch tấn công Irak đã được thảo ra trước khi có vụ khủng bố 11.09, và đã có ngay từ lúc TT George W. Bush lên nắm chính quyền. Bởi những nhân vật then chốt trong chính phủ Bush đều đã là những nhà kinh doanh trong lãnh vực dầu khí và đã từng nghiên cứu về một chính sách lâu dài Mỹ cần có trong khu vực chiến lược cực kỳ quan trọng này. Họ đã đi đến kết luận rằng cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 phải được coi như chưa chấm dứt và phải còn tiếp tục cho đến khi thiết lập được một nền trật tự mới tại khu vực Trung Đông này. Nghĩa là Mỹ phải bằng mọi giá can thiệp trở lại vùng này và chế ngự nó trong viễn tượng quyền lợi lâu dài của Mỹ tại khu vực này.

Bởi, theo sự phân tích tình hình của các nhà chiến lược Mỹ, Irak sẽ phải là đầu tàu trong kế hoạch dài hạn « dân chủ hóa Trung Đông ». Con cờ đầu tiên Mỹ phải ăn là Irak, để từ đó ăn lan ra Iran, Syrie, Árạp Sauđi, và đến các nước khác trong vùng. Họ ví Irak như Nhật Bản hay Đức Quốc trước đây, vì là nước thua trận, nên sẵn sàng chấp nhận được tôi luyện trong lò máy dân chủ tự do kiểu Mỹ. Đánh Irak không phải là nhằm tiêu diệt Irak, mà là nhằm xây dựng một nước và một xã hội Irak theo hình ảnh huy hoàng của nước Mỹ. Theo Phó TT Dick Cheney, rồi ra nhân dân Irak sẽ giang rộng tay ra để đón chào đoàn quân giải phóng Mỹ đến cứu họ ra khỏi ách độc tài khốn nạn của Saddam Hussein. Chính ông cũng đã nói rằng chiến tranh chống Irak chỉ thực sự có ý nghĩa khi đem lại cho nhân dân Irak một nền dân chủ tự do thật sự mà thôi. Chính sách mới này của Mỹ đã được ông David Ignatius, chủ bút tờ báo International Herald Tribune của Mỹ, gọi là chính sách tân-đế-quốc Mỹ vậy.

Đối với những ai chống đối chính sách này, cho rằng động vào vùng văn hóa lâu đời này cũng giống như động vào một tổ ong, và hành động quấy phá ấy chỉ tổ gây thêm loạn lạc triền miên mà thôi, thì câu trả lời sẽ là : « Thế để yên như hiện nay thì sẽ có thật sự yên không ? ». Yên cho vùng này và yên cho trật tự thế giới mới chăng? Những nhà chiến lược của ông Bush cho rằng giải pháp cơ bản và lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine, chính là bãi bỏ các chế độ cổ hủ árạp hiện nay và thiết lập một nền dân chủ kiểu Mỹ trong toàn Vùng Vịnh này. Thực ra, kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm chiến tranh chống cộng dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã chứng minh rằng một nền dân chủ bị áp đặt bởi ngoại bang chỉ có thể là một nền dân chủ giả hiệu và cuối cùng chính người áp đặt ra nó sẽ phải tìm cách xóa bỏ nó đi thôi ! Thì ra, người Mỹ vẫn chưa thuộc bài học Việt Nam và vẫn còn nuôi mộng thay đổi cả thế giới theo những ý đồ riêng tư của mình !

Fribourg ngày 22.10.2002