Monday 31 October 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT : GIÊRIKHÔ




Tin Mừng Chúa Nhật 30.10.2016, kể cho chúng ta nghe câu chuyện xảy ra ở thành Giêrikhô, trong hành trình của Chúa Giêsu ( Lc 19, 1 – 10 ). Giêrikhô một địa danh quen thuộc cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Hôm nay, câu chuyện xoay quanh nhân vật có tên là Dakêu, một người có vóc dáng thấp bé nhưng lại là một người giàu có nhờ vào công việc thu thuế và vai trò lãnh đạo sở thuế của ông.
Được biết Giêrikhô là thành phố cổ nhất thế giới. Có tài liệu cho rằng Giêrikhô xuất hiện vào khoảng 8.000 năm trước Công Nguyên, như thế có thể xem Giêrikhô như là một hành trình của nhân loại, từ thời rất cổ xưa cho đến ngày nay, qua bao thăng trầm của thời gian, lịch sử, của biết bao nhiêu đổi thay. ( http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1607-09-633432614758693750/Bi-mat-ve-kien-truc-co-day-thap-thom/Thanh-pho-co-nhat-the-gioi.htm ).
Giêrikhô lại còn là một thành phố thấp nhất thế giới, thành phố nằm dưới mực nước biển tới 250m. Có thể xem Giêrikhô là một “vùng trũng”, không nơi nào sâu hơn thế. Chúa Giêsu đã đi vào trần gian, mang thân phận con người, tìm kẻ hư mất trong suốt dọc hành trình nhân loại, tìm đến những vùng tăm tối thấp kém nhất của nhân sinh.
Trước đó, khi vừa đến Giêrikhô. Chúa Giêsu chữa lãnh cho một người mù ngồi ăn xin ở vệ đường ( Lc 18, 35 – 43 ). Cúi xuống trên thân phận của người nghèo, người bị bỏ rơi bên vệ đường cuộc đời, người bị giam cầm trong đêm tối, Chúa không chỉ chữa lành thể xác nhưng còn chữa lành linh hồn người ấy nữa.
Việc Chúa chữa lành người mù đã làm cho Dakêu ước muốn đi tìm gặp Chúa. Khi ông đang ở trên cây, Chúa đưa mắt nhìn ông và nhẹ nhàng nói: "Dakêu xuống mau, hôm nay tôi phải đến nhà ông”. Chủ động tìm Dakêu qua hành động ngước mắt nhìn lên, tiếp cận Dakêu bằng một quả tim yêu thương, không quan tâm đến tình trạng xã hội của Dakêu. Chúa Giêsu đã tạo một cuộc trở lại ngoạn mục và phi thường nơi Dakêu: “Tất cả tài sản của tôi xin chia một nửa cho người nghèo, tôi làm thiệt hại ai điều gì xin đến gấp bốn”.
Hôm nay, chúng ta rất cần nhưng biết tìm đâu cho được ánh mắt của Chúa Giêsu, tìm đâu cho được thái độ đi tìm chiên lạc, tìm đâu cho được quả tim biết yêu thương, để hoán cải kẻ đã cấu kết với điều ác làm giàu trên xương máu và sự sống của đồng bào. Chúng ta cần phân nửa tài sản kếch xù của kẻ theo chân ngoại bang bóc lột đồng loại, cần một cuộc đền trả sòng phẳng gấp bốn lần những thảm họa gây ra cho người khác, cho giống dòng, cho dân tộc. Thế nhưng phải nói ngay, trước hết chúng ta cần ánh mắt của Chúa Giêsu !
Từ cổng thành, Chúa đã cúi xuống trên thân phận của người nghèo, người mù tối, người bị vất bỏ bên vệ đường, yêu thương và chữa lành họ, không tránh né họ, không khinh bỉ họ, không bỏ rơi họ, không vô cảm với họ. Cuộc chữa lành ấy đã dẫn Dakêu khao khát tò mò đi tìm kiếm Chúa cho bằng được.
Vâng, chúng ta sẽ hoán cải được kẻ thủ ác nếu như chúng ta biết cúi xuống ôm lấy người nghèo bằng quả tìm ngập tràn yêu thương.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.10.2016

Saturday 29 October 2016

Vũ Hùng: Đức Hồng y tân cử Joseph Tobin DCCT: “Tôi muốn là một linh mục tốt lành”



Thứ Năm, 13-10-2016 | 06:35:54

Trong cuộc họp báo ngày 10/10 tại Trung tâm Công giáo Tổng Giáo phận Indianapolis, Đức Hồng y DCCT Joseph W. Tobin nhớ lại phản ứng của người mẹ 93 tuổi của ngài khi nghe tin về việc ngài được vinh thăng hồng y: “Mẹ chỉ cầu nguyện cho con trở thành một linh mục tốt lành”. Ngài trả lời: “Xin mẹ cầu nguyện, bởi vì con muốn trở thành một linh mục tốt lành.”

Đức Hồng y Joseph W. Tobin:
Lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm một nhóm các hồng y, có cùng lúc ba vị là người Mỹ. Và nếu trong việc bổ nhiệm hồng y vào ngày 09/10 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Chicago Blase J. Cupich và Đức Giám Mục Kevin J. Farrell là những vị, trong một chừng mực nào đó, đã được mong đợi, thì công bằng mà nói, việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Indianapolis Joseph W. Tobin là hoàn toàn bất ngờ. “Tôi hoàn toàn bị sốc và bất ngờ trước quyết định của Đức Thánh Cha. Xin cầu nguyện cho tôi” – Đức Tổng Giám mục Tobin đã chia sẻ trên Twitter ngay sau khi quyết định bổ nhiệm các tân hồng y được công bố.

Trong lịch sử, Baltimore, Philadelphia, St. Louis, Detroit, Los Angeles, Boston, New York, Chicago, Washington và Houston là các thành phố của Hoa Kỳ có hồng y. Sau lần vinh thăng 17 tân hồng y vào ngày 19/11, chỉ có năm thành phố cuối cùng trong số này sẽ được lãnh đạo bởi một vị hồng y. Đức Tổng Giám mục Tobin là Hồng Y được bổ nhiệm đầu tiên từ Indiana.

Thực ra sự thay đổi này một phần là do Đức Giáo hoàng Phanxicô phá vỡ truyền thống của một số giáo phận lớn luôn luôn có hồng y và thay vào đó bổ nhiệm các hồng y mà ngài tin tưởng.

Trong trường hợp của Đức Hồng Y mới được chỉ định Tobin, Đức Giáo hoàng vinh thăng một tổng giám mục thừa sai năng động, một người “nhẹ nhàng khổng lồ”, người kêu gọi đức tin “có khả năng gây ngạc nhiên bởi Thiên Chúa” và là người đã kêu gọi các anh em giám mục của mình tại Hoa Kỳ hãy nắm lấy “sự mới mẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô “và ưu tiên cho người nghèo và người bị thiệt thòi.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô đưa nhân tố địa lý vào sự lựa chọn các hồng y, ngài tập trung vào những vùng ngoại vi nhưng tỏa sáng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bỏ qua các địa điểm xưa nay quen có một hồng y. Ví dụ thường được trích dẫn là Tòa Thượng Phụ thành Venice đã không được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm hồng y, nhưng giáo phận bao gồm các đảo Lampedusa, một nơi có nhiều người tị nạn bị chết đuối khi đang cố gắng cập bờ, đã có vị hồng y đầu tiên do Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2014. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, Indianapolis được ưu tiên hơn các lựa chọn truyền thống như Baltimore, Philadelphia và Los Angeles hay các thành phố đang phát triển nhanh như Atlanta và Miami.

Chúng ta cũng đã thấy Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục quá trình quốc tế hóa Hồng y đoàn, một dự án bắt đầu bởi vị tiền nhiệm của ngài. Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hồng y ở những nơi xa lạ hơn Indianapolis, như Tonga, Burkina Faso và Papua Tân Guinea. Qua những lần bổ nhiệm này, Đức Thánh Cha đã mang tất cả những tiếng nói của họ vào các cuộc thảo luận của trung tâm lãnh đạo Giáo Hội và cũng làm tăng cơ hội để vị kế nhiệm ngài có thể là một người nào đó từ những vùng ngoại vi.

Trong cuộc họp báo ngày 10/10 tại Trung tâm Công giáo Tổng Giáo phận Indianapolis, Đức Hồng Y Tobin nhớ lại phản ứng của người mẹ 93 tuổi của ngài khi nghe tin về việc ngài được vinh thăng hồng y: “Mẹ chỉ cầu nguyện cho con trở thành một linh mục tốt lành”. Ngài trả lời: “Xin mẹ cầu nguyện, bởi vì con muốn trở thành một linh mục tốt lành.”
Vũ Hùng

Friday 28 October 2016

Minh Tuệ: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Aparecida: 300 năm sùng kính Đức Trinh Nữ Maria tại Brazil





Thứ Hai, 24-10-2016 | 20:44:25
Ngày 12/10 vừa qua, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Aparecida đã khai mạc Năm Thánh 300 năm sùng kính Đức Mẹ Aparecida tại Brazil.

Bức tượng Đức Mẹ Aparecida đã được tìm thấy ở dòng sông Paraiba do Sul vào năm 1717. Vì vậy, năm 2017 đánh dấu đúng 300 năm Bức tượng Đức Mẹ Aparecida hiện diện tại Brazil.

Để kỷ niệm dịp này, Thánh Đường Đức Mẹ Aparecida đã khai mạc Năm Thánh “300 năm đầy ơn lành” với hàng loạt các sự kiện nhằm giúp cho các tín hữu tham dự cách sốt sắng vào dịp đặc biệt này.

Nhiều bức tượng Đức Mẹ Aparecida đã được gửi đến tất cả các Giáo phận và Tổng Giáo phận khác nhau trong cả nước, và Dòng Chúa Cứu Thế cũng sẽ gửi những bản sao linh ảnh Đức Mẹ Aparecida tới mỗi thành phố lớn trong cả nước.
Năm 1717, ba ngư dân đi đánh cá trên sông Paraiba. Sau khi vất vả nhiều giờ trên sông Paraiba, họ vẫn không bắt được gì và hầu như thất vọng, nhưng đành phải tiếp tục thả lưới tại một khu vực được gọi là ‘Porto Itaguaçu’. Thế rồi, một trong số họ nhìn thấy lưới bị quấn vào thân một bức tượng Đức Mẹ nhỏ nhưng không có phần đầu. Họ lại tiếp tục quăng lưới và lần này họ vớt được phần đầu của bức tượng. Vì vẫn chưa đánh được con cá nào, nên họ lại tung lưới một lần nữa. Bỗng nhiên, lưới được đầy cá.

Đây được xem như một phép lạ cả thể. Lòng sùng kính Đức Mẹ Aparecida bắt đầu lan rộng: dân làng bắt đầu tôn kính bức tượng, và nhiều phép lạ được tin là nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ đã xảy ra. Lòng sùng kính Đức Mẹ Aparecida đã lan rộng khắp đất nước Brazil.

Năm 1930, Đức Mẹ Aparecida đã được tuyên phong là Nữ Vương và Bổn Mạng của đất nước Brazil. Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida hiện đang được các Tu sĩ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc.
Minh Tuệ

Wednesday 26 October 2016

Đức Hồng y Tobin, CSsR: Giáo hội là bí tích của lòng thương xót dành cho thế giới



Thứ Bảy, 15-10-2016 |

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Đức Hồng y nói đến lòng thương xót từ kinh nghiệm cá nhân của ngài trong việc cai nghiện rượu và 29 năm nay ngài đã thoát khỏi thói xấu này. Ngài cho rằng bước đầu tiên trong việc chia sẻ thông điệp mà Đức Giáo hoàng đưa ra về lòng thương xót là suy ngẫm lại xem chúng ta đã được lãnh nhận lòng thương xót như thế nào trong cuộc sống của mình.

Đức Tổng Giám mục Indianapolis Joseph Tobin nói rằng ngài đã rất bất ngờ khi biết mình được bổ nhiệm làm Hồng y và được biết thông tin này lần đầu tiên qua mạng lưới Twitter. Tuy nhiên, giữa ngài và Đức Giáo hoàng có quan điểm chung về một vấn đề – cả hai vị đều cho rằng công việc quan trọng của Giáo hội là làm cho thế giới biết đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt trọng tâm vào lòng thương xót. Đức Tổng Giám mục Tobin cũng coi trọng vấn đề này và mong muốn Giáo hội sẽ trở nên một “bí tích của lòng thương xót” trong thế giới. Đức Tổng Giám mục Tobin, một trong 17 người[i] mới được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn lựa vào Hồng y Đoàn của Giáo hội hôm Chúa nhật vừa rồi, nói rằng lòng thương xót là “một mặc khải quan trọng về bản tính thực sự của Thiên Chúa”

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Đức Hồng y cho rằng bước đầu tiên trong việc chia sẻ thông điệp liên tục mà Đức Giáo hoàng đưa ra về lòng thương xót là việc suy ngẫm lại xem chúng ta đã được lãnh nhận lòng thương xót như thế nào trong cuộc sống của mình. Ngài nói tiếp: “Tiếp theo, đó là làm cho Giáo hội của chúng ta trở nên bí tích của lòng thương xót: đó là một sự hoán cải luôn mãi đời sống của tất cả chúng ta, của toàn thể Giáo hội”

Đức Tổng Giám mục Tobin, sẽ chính thức lãnh tước vị Hồng y trong một buổi lễ đặc biệt tại Vatican vào ngày 19/11 cùng với 17 vị khác, cũng nói đến lòng thương xót từ kinh nghiệm cá nhân của ngài trong việc cai nghiện rượu và 29 năm nay ngài đã thoát khỏi thói xấu này. Đức Hồng y mới được bổ nhiệm nhắc lại Tin mừng Chúa nhật vừa qua, ngày mà Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố các vị hồng y mới được bổ nhiệm, và gọi đó là “Tin mừng cho những người đang cai nghiện rượu cũng như các chất gây nghiện khác”.

Bài đọc trong sách Luca kể về một người phong hủi đã được Đức Giêsu chữa lành và phủ phục dưới chân Đức Giêsu để cảm tạ Ngài về phép lạ chữa lành đó. Đức Tổng Giám mục Tobin nói rằng: “Anh ta quay trở lại bởi vì anh biết anh được giải thoát khỏi một chứng bệnh kinh khủng, khiến cho anh trở nên xấu xí và hoàn toàn bị xa lánh, khiến anh không còn là mình và không được ở gần những người anh yêu quý; và đây là người đã giải thoát anh”. Ngài nói tiếp: “Tôi không nói đến kinh nghiệm đó của mình trong các bài suy niệm hay các bài diễn thuyết công khai nhưng tôi không giấu diếm bởi vì tôi cho rằng giấu diếm như thế là một điều sai trái, và sẽ là một sự vô ơn .. đối với người đã cứu thoát tôi”.

Nói về Dòng Chúa Cứu Thế – được sáng lập bởi thánh Anphongsô Liguori vào thế kỉ 18 – vị Hồng y mới được bổ nhiệm nhắc đến khẩu hiệu của Hội Dòng, lấy từ Thánh vịnh 130, bắt đầu với câu: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa”. Copiosa apud Eum Redemptio, bốn chữ mà thánh Anphongsô đã đặt ra cho chúng tôi và chúng tôi yêu mến, có nghĩa là: “Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người”. “Tôi vẫn nói với các anh em của tôi rằng bất kì tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nào đang trong quá trình cai nghiện đều biết copiosacũng như sự chứa chan nghĩa là gì”.

Trong quá khứ, Đức Tổng Giám mục Tobin đã nói công khai về tình trạng nghiện đồ uống có cồn và vào năm 2013, ngài đã có một bài trình bày quan trọng về vấn đề này trong chương trình “Guest House” của bang Michigan – một chương trình giúp các linh mục và giáo sĩ thoát khỏi các chất gây nghiện. Bài phát biểu đó vẫn còn được lưu giữ trên mạng[ii].

Năm 2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Indianapolis [iii]. Trước đó, ngài đã ở Roma 15 năm, làm Bề trên Tổng quyền của Dòng Chúa Cứu Thế giai đoạn 1997 – 2009 và làm thư ký Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến của Vatican giai đoạn 2010-2012.
Vào tối thứ Bảy vừa rồi, Đức Tổng Giám mục đang ở Tu viện Thánh Meinrad tại miền nam bang Idiana sau khi tham dự một hội nghị về vai trò lãnh đạo của phụ nữ[iv]. Trong buổi họp báo vào thứ Hai[v], ngài nói rằng hệ thống điện thoại của tu viện không tốt và ngài chỉ biết về việc bổ nhiệm sau khi nhìn thấy người ta nói về nó trên mạng lưới Twitter.

Vị Hồng y mới được bổ nhiệm nói trong cuộc phỏng vấn dành cho NCR: “Tôi nghĩ phản ứng đầu tiên và cách nào đó cho tới bây giờ vẫn là bất ngờ. Điều này hoàn toàn không được dự đoán trước”. Ngài cũng cho biết ngài cảm thấy “phần nào bối rối vì biết rằng có rất nhiều nhà lãnh đạo tốt lành khác trong Hội đồng Giám mục tại Hoa Kỳ và tôi băn khoăn không biết liệu Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra sự lựa chọn tốt nhất hay không”.

Trong buổi họp báo hôm thứ Hai, vị Hồng y mới được bổ nhiệm nói rằng Tổng Giáo phận Indianapolis đã giúp ngài học được nhiều điều trong bốn năm qua. Nói thêm về điều này trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Tobin nói rằng ngài “luôn luôn được soi sáng và truyền cảm hứng bởi tình yêu của Giáo hội, bởi rất nhiều người ở đây cũng như thiện chí hướng về phía trước của họ, đặc biệt là trong việc làm chứng cho Tin Mừng”. Giải thích về việc hàng năm Tổng Giáo phận đón nhận khoảng 1.100 người gia nhập đạo Công giáo, ngài nói: “Về cơ bản, thái độ chào mừng của những Kitô hữu Công giáo nơi đây đã giúp người khác tìm được ngôi nhà tâm linh của mình”.

Nhắc đến quyết định của ngài hồi tháng 12 vừa qua trong việc chống lại ý định của Thống đốc bang Indiana[vi], ngài Mike Pence, khi ông Thống đốc yêu cầu giáo phận không giúp những người tị nạn đến từ Syria tái định cư tại đây cho đến khi Quốc hội ban hành quy định mới về nhập cư, Đức Tổng Giám mục Tobin nói: “Đó không phải là một nhiệm vụ, một công việc, nhưng là một chứng tá của những người nơi đây. Tôi nghĩ chúng tôi có thể làm những việc tốt hơn nhưng về cơ bản, tôi tin rằng chúng tôi có một thái độ chào đón, dù là đối với cộng đồng người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang gia gia tăng trong Tổng Giáo phận hay trong một sự cố tai tiếng hay sự hỗ trợ rất lớn đối với những người tị nạn đến từ Syria tái định cư tại đây”.

Giống như các giám mục giáo phận khác, hàng tuần, Đức Tổng Giám mục Tobin viết cho một chuyên mục trên tờ báo của Tổng Giáo phận, tờ The Criterion.

Trong số các bài của ngài trong năm qua[vii], có 10 bài tập trung vào các khía cạnh của nhau của thông điệp về lòng thương xót, trong đó có một bài tập trung vào Tông huấn Amoris Laetitiavà sứ điệp của Tông huấn về sự chăm sóc đối với những người đã ly dị hoặc đã tái hôn, trong thừa tác vụ của Hội thánh.

Khi được hỏi rằng Tông huấn đã đưa ra sự thay đổi như thế nào trong cuộc sống của người dân tại Indianapolis, Đức Tổng Giám mục trả lời: “Tôi nghĩ rằng các giám mục chúng tôi cần tiếp tục làm việc để giải thích Tông huấn. Liên quan đến câu hỏi liệu những người ly dị tái hôn mà không trải qua thủ tục gỡ giải hôn nhân có được rước lễ trong một số trường hợp nào đó hay không, ngài nói: “Amoris Laetitia không phải là những tweet ngắn gọn hay là câu trả lời cho dạng câu hỏi đơn giản: có thể hay không có thể?. Ngài nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng Tông huấn mang đến những nội dung phong phú và cũng đặt ra những thách thức … là một quá trình tự vấn lương tâm trong ánh sáng của Tin Mừng và truyền thống của Giáo hội. Tôi nghĩ sẽ thực sự là sai lầm khi cố gắng rút gọn Tông huấn thành câu trả lời theo kiểu ngắn gọn cho một vài câu hỏi nhất định nào đó”.

Một số Giám mục Hoa Kỳ có phản ứng khác nhau đối với Tông huấn này. Hồng y Donald Wuerl tại Washington nói với NCR trong một dịp gần đầy rằng đây là một tài liệu bắt rễ từ truyền thống của Giáo hội[viii], trong khi đó, Tổng giám mục Portland Alexander Sample đã viết một  thư mục vụ[ix] rằng đang tìm cách để sửa chữa những điều mà ngài cho là sự lạm dụng “rắc rối”.

Nói về sự đa dạng đó, Đức Tổng Giám mục Tobin nói rằng: “Tôi nghĩ điều các giám mục cần làm là đối thoại với những người khác và luôn luôn cầu khẩn Thánh Thần soi sáng. Tôi nghĩ nếu bạn đang làm điều đó với một trái tim thành thực và ý định ngay thẳng thì tôi nghĩ bạn có thể có những ý kiến mà không lo ngại đến vấn đề ly giáo hay bất tuân với đấng kế vị thánh Phêrô”.

Trước việc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã chỉ định một nhóm làm việc để thưc hiện Tông huấn Amoris Laetitia[x],do Tổng Giám mục Philadelphia Charles Chaput đứng đầu, Đức Tổng Giám mục Tobin hy vọng rằng trong các cuộc gặp thường niên của các giám mục vào tháng 11, “chúng tôi sẽ có thể có một cuộc thảo luận mang tính mục vụ, trong tình huynh đệ và với thái độ thẳng thắn về Tông huấn”.

Vị Hồng y mới được bổ nhiệm cũng đang viết một lá thư mục vụ về Tông huấn, chủ yếu dựa trên các bài viết trước đó của ngài.

Liên quan đến câu hỏi rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cần điều gì nhất từ các hồng y của ngài, Đức Tổng Giám mục Tobin nói rằng Đức Giáo hoàng cần được biết đầy đủ về những điều đang diễn ra trong các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới. “Khi tôi làm việc với các cơ quan tư vấn, mà tôi rất tín nhiệm, tôi nói rằng nhiệm vụ đầu tiên của họ là cho tôi biết sự thật. Và tôi nghĩ cách nào đó Hồng y Đoàn cũng có thể làm điều đó cho Đức Thánh Cha. Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể chuyển đến ngài hiện thực của Giáo hội trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau”.
Joshua J. McElwee (P.B. chuyển ngữ)