Wednesday 28 September 2016

Lm Lê Quang Uy DCCT : TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG




Chỉ còn mấy ngày nữa thôi, các cha, các thầy Tu Hội Truyền Giáo Lazarist và các dì Tu Hội Bác Ái sẽ mừng kính Thánh Tổ Phụ Vinh Sơn đệ Phaolô ( Saint Vincent de Paul ). Đối với riêng tôi, Vinh Sơn và An Phong là hai vị Thánh ghi những dấu ấn rất đậm từ tuổi thanh niên đến hôm nay, và có lẽ cả cho đến cuối đời.
Tôi được may mắn làm học trò cha Tiến Lộc từ năm 21 tuổi, nhưng những lần lọt được vào nội vi DCCT hoặc sang dự Lễ bên Nhà Thờ Kỳ Đồng, không một dịp nào tôi được thấy bức họa chân dung hoặc pho tượng Thánh An Phong, cho đến tận khi vào… Tập Viện 11 năm sau đó. Ngược lại, rất sớm, những chuyến đến sinh hoạt với các em thiếu nhi ở làng phong Thiên Trợ Phước Tân của các dì Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn ở Đồng Nai, tôi đã nhiều lần bần thần hồi lâu đứng ngắm chân dung thật hiền hòa phúc hậu của cụ già Vinh Sơn đệ Phaolô treo trong phòng khách.
Và cứ như vậy, tôi đã được đến gần với cụ Vinh Sơn trước khi làm đồ đệ cụ An Phong, cảm nhận từng chút một về Tu Hội Nữ Tử Bác Ái trước khi gắn bó với Dòng Chúa Cứu Thế.
Tôi bất ngờ khám phá ra một chi tiết trùng hợp lý thú: Cụ Vinh Sơn mất ngày 27 tháng 9 ( năm 1581 ), còn cụ An Phong chào đời cũng đúng vào ngày 27 tháng 9, nhưng lui về 115 năm sau ( năm 1696 ).
Còn nhớ, một lần nọ, trong dịp hội thảo trong DCCT, một cha già ( nay đã qua đời ) quá bức xúc về chuyện giảng Đại Phúc, sau khi vừa nghe tôi trình bày về mục vụ BVSS, vừa đến giờ giải lao, cụ tìm tôi "mắng" ngay: "Tu DCCT là phải đi giảng Đại Phúc, anh toàn lo chuyện đàn bà bầu bì với phá thai thì sang bên Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn mà tu !" Tôi chỉ kịp cự lại được một câu: "Cha nói như thế là xúc phạm đến Dòng Tu của người ta, cha nợ bên ấy một lời xin lỗi…" còn phần sau thì đành phải nhịn, dù gì cụ cũng là bậc trưởng thượng lão thành…
Thế nhưng, cũng nhờ chuyện căng thẳng hôm ấy mà tôi lại mày mò khám phá thêm một chi tiết đắt giá và lý thú: Mục Vụ giảng Đại Phúc lâu nay anh em DCCT thế hệ chúng tôi cứ nghĩ là "đặc sản" mang "thương hiệu độc quyền" của DCCT, không ngờ từ thế kỷ 16, các cha Dòng Vinh Sơn đã rong ruổi trên các nẻo đường Đại Phúc cho các Giáo Xứ nông thôn nghèo. Sau này không rõ vì sao mà bẵng đi một thời gian, Đại Phúc vắng bóng, mãi đến hơn 1 thế kỷ sau, Thánh An Phong tái lập, thay đổi một số nghi thức và nội dung, và DCCT đã nối tiếp truyền thống trong Hội Thánh giúp Tĩnh Tâm cho các tín hữu bình dân thuộc lớp nghèo thành thị và nhất là ở miền quê cho đến ngày nay.
Lại nhắc chuyện BVSS, của đáng tội, anh em DCCT lo mảng Mục Vụ này chỉ mới bắt đầu từ năm 2003 – 2004, có điều công việc mở rộng ra nhiều mặt hoạt động nên được nhiều người biết đến, nhất là có hẳn một Lăng Anh Hài tính đến nay đã an táng gần 400.000 di cốt thai nhi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn sinh sau đẻ muộn so với công việc của các Dì Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, có điều các chị âm thầm lặng lẽ, đúng với tính cách người phụ nữ nhẹ nhàng dịu dàng mà đi sâu đi xa. Trong thực tế, rất nhiều lần hai bên chúng tôi đã phối hợp với nhau rất ăn ý để kịp thời cứu giúp những ca rắc rối phức tạp có nguy cơ phá thai.
Một nét tương đồng khác giữa chủ trương của hai vị Thánh nghèo. Năm 1998, tôi còn là Thanh Niên Xung Phong Tổng Đội 1 đóng quân trong xã Tà Nung, đến Chúa Nhật được ra Đà Lạt gọi là "sinh hoạt tôn giáo", có lần tôi đến thăm cộng đoàn Tu Hội Truyền Giáo Lazarist ở nơi trước 75 từng được gọi là "Biệt Thự Thánh Tâm", một thầy đang đi ủng cao su làm vườn, dừng tay tâm sự: "Cha Vinh Sơn khuyến khích anh em học hành hết mức có thể, nhưng đừng lấy sự thông thái uyên bác làm mục đích, khi giảng dạy cũng cố gắng trình bày Đạo Chúa thật đơn sơ bình dân". Sau này, khi đã ngồi ở Học Viện DCCT, cha giáo chúng tôi kể chuyện: "Có lần cha An Phong đi đâu về ngang Nhà Thờ, nghe vang vang tiếng một cha trong DCCT đang biện thuyết hùng hồn với cả những lời nói văn chương bóng bảy, cha An Phong đi thẳng một mạch từ cuối Nhà Thờ lên tới bục giảng, vừa nắm tay lôi ông cha kia xuống, vừa to tiếng bảo: "Giảng Lời Chúa phải bình dị cho mọi người dễ hiểu ! Không được phép dùng bục giảng để khoe chữ khoe tài ăn nói !"
Ngày 27.11.1830, chị Catherine Labouré, một Nữ Tu khiêm tốn của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đã được diện kiến Đức Mẹ, Mẹ dạy cho chị một lời cầu nguyện: "Lạy Mẹ Maria vì ơn vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ". Tất cả thị kiến này, theo lời dặn dò của Mẹ, được họa lại thành mẫu ảnh vảy hai mặt bé tý xíu, thường được gọi là Ảnh Phép Lạ ( Médaille Miraculeuse ) đeo trên cổ hoặc đính trên ngực áo. Còn với DCCT thì Thánh An Phong đã buộc các Tu Sĩ của mình phải tuyên 4 lời khấn, ngoài 3 Lời Khuyên Tin Mừng, còn có lời thề hứa bảo vệ niềm chắc tin Đức Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà hơn một thế kỷ sau, ngày 8.12.1854, đã trở thành Tín Điều cho toàn thể Hội Thánh.
Cả hai vị Thánh lại có một điểm giống nhau kỳ lạ, ấy là cả hai vị đều là những vị Thánh do được Chúa cho cơ duyên chạm đến người nghèo, nên đã tận tụy đến với người nghèo, trở thành những vị Thánh như thể được Thiên Chúa dành riêng để lo cho người nghèo vậy !
Tôi còn nhớ dịp Trung Thu 1980, dì Marie Luc, khi ấy phụ trách làng phong Phước Tân, say sưa kể với đám thanh niên chúng tôi về một câu nói của Thánh Vinh Sơn đã trở thành châm ngôn sống của các chị Nữ Tử Bác Ái: "Giả như các con đang nguyện gẫm hoặc đọc kinh Thần Vụ mà có một người nghèo hấp hối, đang rất cần đến các con, các con hãy tạm biệt Chúa Giêsu nơi Nhà Nguyện để chạy ngay đi gặp gỡ Chúa Giêsu nơi người anh em khốn khổ kia." Còn Thánh An Phong của chúng tôi thì cảm nhận về người nghèo rằng: Chúa Giêsu đã không cúi mình trên họ, nhưng Người đã bước qua rào chắn để làm người như họ, và Người đã thuộc về giai cấp bần cùng của xã hội.
Thánh Vinh Sơn căn dặn: "Khi các con cúi xuống cho người nghèo một ổ bánh mì, hãy nhớ kèm theo một nụ cười thật ân cần để đền bù cho điều con vừa xúc phạm họ". Thánh An Phong thì ghi lại trong một lá thư về người nghèo ở vương quốc Napoli: “Đám trẻ nhỏ đòi ăn bánh, nhưng nào có ai cho !” và có thể nói Hội Dòng ngài lập ra cũng chỉ để được Chúa sai đến gặp những "lazzaroni", những con người bị bỏ rơi hơn hết ấy mà trao tặng họ những ổ bánh mì và tấm bánh Lời Chúa. Một lần nọ, Thánh An Phong đọc trúng đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu bảo: "Người nghèo sẽ luôn còn mãi với anh em" ( x. Ga 12, 8 ), và ngài đã dựa vào đó để khẳng định như đinh đóng cột: "DCCT sẽ tồn tại cho đến tận thế". Vậy có thể hiểu lý do DCCT tồn tại chính là người nghèo, ngày nào còn có người nghèo thì còn DCCT !
Thánh Vinh Sơn Phaolô, lúc sinh tiền đã từng được bổ nhiệm làm Tuyên Úy của những người tù khổ sai bị xích chặt vào tay chèo các chiến thuyền, nay thì được Hội Thánh ủy thác làm Bổn Mạng của cơ quan Cứu Trợ Công Cộng. Thánh An Phong để lại một di sản viết lách khổng lồ, đáng kể nhất là bộ Thần Học Luân Lý, ngài được Hội Thánh chọn làm Bổn Mạng của các Linh Mục trao ban Bí Tích Giao Hòa. Vậy là một bên lo cứu đói vật chất cho người nghèo, một đằng lo cứu người nghèo khỏi cái chết linh hồn, xin được hiểu người nghèo với khái niệm rất rộng và rất sâu ở cả hai phía. Và như thế, cả hai vị đều đáng được mệnh danh là những Tông Đồ của Lòng Xót Thương.
Cuối cùng, cảm nhận là như thế, nhưng còn sống thì sao ? Tôi tự xét mình, và cả anh em DCCT chúng tôi có lẽ mỗi ngày sống, mỗi kỳ tĩnh tâm tháng, mỗi đợt tĩnh tâm năm, cũng đã được ơn Chúa mà xét mình cho thấu đáo rằng mình vẫn chưa sống được một mảnh nhỏ tinh thần của Đấng Sáng Lập của mình, thậm chí, còn thấy xấu hổ nữa, vì không ít lần đã sống phản chứng, nói nhiều, nói hay, mà làm thì kém cỏi, làm chẳng được bao nhiêu cho người nghèo…
Sau hết, để khép lại, xin được cùng đọc Ngôn Sứ Amos của Chúa Nhật tuần này ( Chúa Nhật 25 TN năm C ) như một cách soi gương để xét mình cho chính mình:
"( … ) Chúng nằm dài trên giường ngà,
ngả ngớn trên trường kỷ,
mà ăn những chiên non nhất bầy,
những bê béo nhất chuồng.
Chúng đàn hát nghêu ngao ( … )
Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng,
nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh Nhà Giuse sụp đổ ! ( … )
Lm. QUANG UY, DCCT, thứ sáu 23.9.2016

Lm Lê Quang Uy DCCT

Sunday 11 September 2016

Lm Lê Quang Uy DCCT CẦU NGUYỆN CHO MÔI TRƯỜNG QUÊ VIỆT




Thật bất ngờ, trong những ngày cuối tháng 8, Papa Phanxicô đã mở lời mời gọi toàn Hội Thánh Công Giáo hãy cùng nhau cầu nguyện cho Môi Trường vào ngày thứ năm 1.9.2016, và từ nay hằng năm, ngày 1 tháng 9 sẽ là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Môi Trường, nguyên văn được đặt nêu là "World Day of Prayer for the Care of Creation", cùng một ngày như bên Chính Thống Giáo ( Orthodox Church ) đã làm từ lâu.
Tiếc quá, đúng vào ngày này, Nhóm Fiat chúng tôi lại đang trên đường rong ruổi từ Sàigòn ra Quy Nhơn để tổ chức Vui Trung Thu sớm cho các em thiếu nhi và cũng là dịp thăm viếng các bệnh nhân phong của Làng Quy Hòa. Thiết nghĩ việc cầu nguyện cho Môi Trường sẽ còn phải làm hằng năm và làm liên tục lâu dài trong năm, chứ không chỉ tổ chức theo "phong trào" như Nhà Nước vẫn hay làm theo kiểu "đánh trống" xong rồi thì "bỏ dùi".
Chúng tôi quyết định dời lại đến đêm thứ bảy 3.9.2016 mới tổ chức được 1 giờ cầu nguyện cho Môi Trường của quê hương Việt Nam ngay dưới chân Thập Giá Thầy Giêsu sát bãi biển của làng phong Quy Hòa. Và chắc chắn trong mỗi Thánh Lễ anh chị em chúng tôi hiệp dâng ở mọi nơi mọi lúc, sẽ còn luôn nêu lên ý cầu nguyện cho Môi Trường của chúng ta, tương tự như việc cầu nguyện trong Phụng Vụ dành cho Hội Thánh, cho người còn sống cũng như đã qua đời.
Thứ bảy 3 tháng 9. 18g chiều, các trò chơi sinh hoạt cho các em thiếu nhi đã kết thúc bằng cuộc rước đèn Trung Thu trên các ngả đường của làng phong, rồi cứ thế nhẹ nhàng các em cầm đèn đi về với gia đình. Anh em Fiat chúng tôi dùng bữa cơm chiều, nghỉ ngơi một chút. Đúng 20g chúng tôi quây quần chung quanh tượng đài Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá nằm ngay sát bờ biển Quy Hòa. Mỗi bạn trẻ đều mặc đồng phục áo thun xanh da trời, một chiếc khăn quàng bịt đầu màu vàng yến, một ngọn nến với lồng giấy trên tay.
"Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa, thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời…" Tiếng hát của vỏn vẹn mấy chục bạn trẻ chúng tôi như tan loãng vào giữa biển trời dào dạt tiếng sóng vỗ và phi lao lộng gió. Chúng tôi mở đầu với những dẫn nhập ngắn gọn về Thông Điệp Laudato Si của Papa Phanxicô, sau đó chọn công bố bài Tin Mừng Tám Mối Phúc theo Thánh Mátthêu… "Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" ( Mt 5, 9 ). Thật sự thì không thể có một Môi Trường trong sạch và nhân ái, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nếu như con người ta không cùng nỗ lực vun đắp hòa bình, chữa lành các tổn thương xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa, của con người đối với nhau và của con người đối với môi trường sinh thái.
Tiếp theo là 3 bạn trẻ tiến lên dâng 3 lời nguyện hoàn toàn tự phát nên rất chân thành mộc mạc, giống như 3 lời sám hối xen kẽ với 3 lần Kinh Lạy Cha được xướng lên: "Chúng con xin lỗi Chúa vì đã từ khước Chúa, đã gạt Chúa ra khỏi cuộc sống của chúng con…" – "Chúng con xin lỗi nhau vì bao nhiêu tranh chấp, gian dối và độc ác đã dành cho nhau…" – "Chúng con xin lỗi thế giới thiên nhiên vì đã xả rác, vì đã gây ô nhiễm, vì đã lạm dụng và tàn phá môi trường chung quanh…"
 Cuối cùng, chúng con xin cùng với Thánh Phanxicô, vị Thánh của Môi Trường, hát lên Kinh Hòa Bình: "Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ Bình An của Chúa…" Vâng, các bạn trẻ chúng con sẽ luôn nhớ sống điều chúng con đã tâm nguyện, khởi đi từ những việc rất nhỏ như: dừng xe ngã tư thì tắt máy, không bấm còi xe vô tội vạ, khóa vòi nước thật cẩn thận, không hắt nước ra đoạn đường nhựa trước nhà, không dùng điện hoang phí, không xả rác bừa bãi nhất là bã kẹo cao su, hạn chế dùng các hộp xốp và túi nhựa, không cắt hoa chết để chưng bàn thờ nhưng dùng những chậu hoa nhỏ được ươm trong vườn… Không những bản thân nhớ làm thật ân cần, mà còn rủ rê mời gọi người khác cùng làm từ những thay đổi nhận thức và hành vi đối với Môi Trường.
Vâng, những việc nhỏ ấy ngỡ như tầm thường và lẩm cẩm, có vẻ như chẳng xoay chuyển được cục diện Môi Trường Sống đang ngày một xấu đi, thế nhưng với ơn Chúa, tất cả sẽ như những ngọn nến nhỏ xíu góp chung thành những bó đuốc lớn thắp sáng Tình Yêu của Chúa giữa cuộc đời…
Hôm sau, Chúa Nhật 4.9.2016, các bạn trẻ đã dàn hàng ngang đổ ra bãi biển, tay cầm các bao tải, nhặt cho sạch bao nhiêu là rác thải của những người ngoài thành phố Quy Nhơn vào đây pique-nique ngày lễ 2 tháng 9 vừa qua.
Đến giữa trưa thì chúng tôi chia tay với các Nữ Tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chúng tôi hứa cầu nguyện cho Quy Hòa thật nhiều, các dì đã nộp đơn khiếu kiện Nhà Nước vì đã ngang nhiên lên dự án giải tỏa toàn bộ làng phong 60 ha đã có từ năm 1929 do Lm. Paul Maheu và Sr. Charles Antoine gầy dựng, đẩy các bệnh nhân phong và gia đình họ vào khu vực chân núi Long Mỹ. Chúng tôi nghĩ bụng, Nhà Nước nói là để làm khu du lịch sinh thái, nhưng thực chất có lẽ đã bán đứng cho nước ngoài kinh doanh trong thời gian 50 năm, không chừng cũng vẫn là mất vào tay Trung Quốc như ở các bãi biển tuyệt đẹp khác của Việt Nam.
"Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn An Bình."
Lm. Lê Quang Uy, DCCT, 8.9.2016

Saturday 10 September 2016

Gs Geza Vermes: Diện-Mạo Đức Giêsu Đức Giêsu và Vương Quốc Nước Trời (Bài 56)



Chương 6
Đức Giêsu của Tin Mừng Nhất Lãm,
Đấng Chữa lành,
Bậc Thày Dạy đầy lôi cuốn,
Đấng tạo hưng-phấn rất Khải-huyền.
(Bài 56)


Đức Giêsu
và Vương Quốc Nước Trời
(tiếp theo)


Nhiều dụ-ngôn truyện kể được Đức Giêsu sử-dụng để nói về Vương Quốc Nước Trời, là những điều hàm-ẩn một thực-tại vẫn hiện-hữu, ít ra đã khiến người đọc coi đó là điều rất thật.  

Với Đức Giêsu, Vương Quốc Nước Trời được biểu-trưng như hoạt-động của đất trồng có điều-hợp, nên nhà vườn mới gieo hạt/vãi giống rất chuyên-môn, như Tin Mừng Máccô đoạn 4 câu 26-29 từng cắt nghĩa:

Ngài nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người gieo vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."

Tựa hồ hạt cải bé nhỏ khó thấy nhưng nó tăng-trưởng một cách đầy kinh-ngạc để trở-thành cây rau/cọng cải cao to thậm chí tạo bóng râm/mát cho chim trời tìm đến làm tổ, như Tin Mừng Nhất Lãm còn ghi chép.

-Ở Tin Mừng Máccô đoạn 4 câu 30-32, ta thấy viết:

Ngài nói: "Ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ-ngôn nào mà hình-dung được? Nước Thiên-Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

Ngài dùng nhiều dụ-ngôn tương-tự mà rao-giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Ngài không bao giờ rao-giảng cho họ mà không dùng dụ-ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Ngài giải-nghĩa hết.”

Trong khi đó, Tin Mừng Mátthêu đoạn 13 câu 31-32 lại đã ghi:

Đức Giêsu còn trình-bày cho họ nghe một dụ-ngôn khác. Ngài nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở-thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được." 

Và, Tin Mừng Luca đoạn 13 câu 18-19 rày thấy nói:

“Vậy Ngài nói: "Nước Thiên-Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên-Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được."

Và, Nước Trời lại cũng giống lớp men làm dậy bột thành bánh một cách đầy bí-ẩn, như: Tin Mừng Mátthêu đoạn 13 câu 33 cùng Tin Mừng Luca đoạn 13 câu 20-21, đã ghi rõ:

-Tin Mừng Mátthêu 13: 33 cũng từng viết:

“Ngài còn kể cho họ một dụ-ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”   

-Và, Tin Mừng Luca 13: 20-21 lại cũng ghi:

“Ngài nói: "Tôi phải ví Nước Thiên-Chúa với cái gì? Nước Thiên-Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

Xem thế thì, việc sống chung hiện-diện giữa cái xấu/điều tốt cho thấy cảnh-trí vẫn cứ thế, ở đây bây giờ, như thời-điểm định-vị cuối cùng đặt ngày tháng trở về trước thành mới mẻ. Hạt ngô/cây bắp và cỏ dại, cùng loài cá nên ăn hay không nên dùng, vẫn tồn-tại ở dụ-ngôn “Người gieo giống” và “Mảng lưới đầy những cá” như ta thấy ở Tin Mừng Mátthêu đoạn 13 câu 24-43, và câu 47-50 sau đây:

Đức Giêsu trình-bày cho dân nghe một dụ-ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người còn đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi bỏ đi. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất-hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ thưa: "Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng lại, các anh làm bật luôn cả rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

Đức Giêsu còn trình-bày cho họ nghe một dụ-ngôn khác. Ngài nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, lại là thứ lớn nhất trở thành cây, đến đỗi chim trời bay tới làm tổ trên cành được."

Ngài còn kể cho họ một dụ-ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men." Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ-ngôn mà nói với đám đông; và Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ-ngôn, hầu ứng-nghiệm lời sấm của ngôn-sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ-ngôn, công-bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà đi về. Các môn-đệ lại gần Ngài thưa: "Xin Thầy giải-nghĩa dụ-ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi nghe." Ngài đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế-gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma/quỷ. Mùa gặt là ngày tận-thế.

Thợ gặt là các thiên-thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận-thế cũng xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên-thần của Ngài tập-trung cáci kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Ngài, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công-chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha. Ai có tai thì nghe.”

Và, như truyện kể về tiệc cưới có đề-cập đến chuyện các trinh-nữ khờ-dại và khôn-lanh, truyện thực-khách xứng-đáng được dự hay không cũng đều cùng nhau chờ đoàn phù dâu hoặc những người đi vào phòng tiệc, như Tin Mừng Mátthêu đoạn 25 câu 1-13, đoạn 22 câu 1-14 và Luca đoạn 14 câu 16-24 còn ghi rõ:

-Ở Mt 25: 1-13 ta thấy viết:   

“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh-nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô, thì có năm người khờ-dại và năm khôn-lanh. Quả vậy, các cô khờ-dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể tới rồi, ra mà đón!"

Bấy giờ tất cả các trinh-nữ đều thức dậy, sửa soạn đèn. Các cô khờ-dại nói với các cô khôn-lanh rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt rồi!" Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, hay là các chị ra cửa hàng mà mua thì hơn." Đang lúc các cô đi mua thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng đều được theo chú rể vào dự tiệc. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh-nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! Xin mở cửa cho chúng tôi với!" Nhưng Ngài đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai hết!" Vậy anh em hãy canh-thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

-Và, Mt 22: 1-14 lại cũng viết:

“Đức Giêsu lại dùng dụ-ngôn mà nói với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai các đầy tớ khác đi và dặn họ:

"Hãy thưa với quan-khách được mời rằng: Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc!"

Nhưng quan-khách không thèm đếm xỉa, lại bỏ đi: kẻ đi thăm trại người đi buôn, còn người khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh-nộ, sai quân đi tru-diệt bọn sát-nhân ấy và thiêu-huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ:

"Tiệc cưới đã sẵn, mà kẻ được mời lại không xứng-đáng. Vậy các ngươi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời vào dự tiệc."
Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng đều tập-hợp lại, nên phòng tiệc cưới đầy thực-khách.

"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan-sát khách dự tiệc, thấy có một người không mặc y phục lễ cưới, bèn hỏi người ấy: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không có y-phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói gì. Nhà vua liền bảo những người phục-dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

-Còn, Lc 14: 16-24, lại cũng ghi:

“Ngài đáp: "Một người kia mở tiệc lớn mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan-khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn. Bấy giờ mọi người nhất-loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần đi thăm; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không đến được.

"Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh-nộ bảo người đầy tớ rằng: "Mau ra các nơi công-cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo-khó, tàn-tật, đui-mù què-quặt vào đây. Đầy tớ nói: "Thưa ông, lệnh ông đã được thực-thi mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo đầy tớ: "Hãy ra các đường làng, chòm  xóm, ép mọi người vào đầy nhà cho ta. Ta nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không một ai sẽ được dự tiệc của tôi."

Bằng lời lẽ Đức Giêsu phát-biểu ở Tin Mừng Nhất Lãm, “Vương Quốc Nước Trời đang ở giữa anh em”, Tin Mừng Luca đoạn 7 câu 20-21 lại xác-định:

“Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ thì Triều Đại Thiên-Chúa đến. Ngài trả lời: "Triều-Đại Thiên-Chúa không đến như điều mọi người có thể quan-sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này!” hay "Ở kia kìa!”, vì này Triều-Đại Thiên-Chúa đang ở giữa các ông.”

Tuy là thế, lời dạy của Đức Giêsu mang ý-nghĩa khác lại cũng được các tác-giả Tin Mừng đặc-biệt nhấn mạnh, là: Vương Quốc ẩn-tàng của Đức Chúa, lâu nay hiển-hiện qua lực-hút hấp-dẫn người nghe đến rất đông. Đức Giêsu lại tuyên-bố: việc chiến-thắng ác-thần/sự dữ bằng hình-thức trừ tà do Thần khí hoặc Ngón tay của Chúa tỏ dấu cho phép “Vương Quốc của Ngài đến với anh em” như Tin Mừng Mátthêu đoạn 12 câu 28 và Luca đoạn 11 câu 20 từng nói rõ:

-“Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên-Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều-đại Thiên-Chúa đã đến giữa các ông.”

-Và, Lc 11: 20 lại cũng nói:

“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên-Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều-Đại Thiên-Chúa đã đến giữa các ông.”

Việc truy-tìm Vương Quốc Nước Trời, như Đức Giêsu đã bộc-lộ cho người tìm đến với Ngài, đã lôi cuốn quần-chúng đến nghe Ngài vượt cả sự việc ông Gioan Tẩy Giả thu hút người nghe, và lúc đó có những lời lẽ như sau:

“Tin vui Nước Trời được giảng rao khắp thế-giới và mọi người lại tràn vào đó một cách đầy bạo lực.”

Ngay đến Tin Mừng Luca đoạn 16 câu 16 lại cũng viết:

“Cho đến thời ông Gioan, thì đã có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên-Chúa được loan-báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào.”

Riêng, Tin Mừng Mát-thêu đoạn 11 câu 12, đã ghi thêm:

“Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương-đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” 

Đức Giêsu cho biết: mọi người có thể đi vào Vương Quốc Nước Trời nói ở đây chỉ bằng cách duy-nhất sống như trẻ nhỏ, hệt như các tác-giả đã qui-định rõ ở Tin Mừng Nhất Lãm. Cửa Vương Quốc vẫn rộng mở cho người nào biết sống giản-đơn, chân-thật và có lòng muốn cao-độ như con trẻ. Điều này, được nói rõ ở Tin Mừng Mátthêu đoạn 18 câu 2-3, cùng Tin Mừng Máccô đoạn 10 câu 15 và Tin Mừng Luca đoạn 18 câu 17 như sau:

“Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18: 2-3)

“Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên-Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." (Mc 10: 15): và

“Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên-Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."

Tiếp-tục đường-hướng như thế, Ngài nhấn mạnh với các đồ-đệ rằng: không ai trở thành cư-dân của Vương Quốc này được nếu không dốc lòng cho đại-nghĩa, như: nhà buôn tìm cách làm chủ viên ngọc quí chưa từng thấy hoặc như kho báu mình tìm ra, tất cả phải từ-bỏ những gì mình sở-hữu mới đạt nguyện-ước, như: Tin Mừng Mátthêu đoạn 13 câu 44-46 từng ghi như sau:

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.    

Người dốc lòng vào việc tìm kiếm Vương Quốc ấy hơn ai hết là bà goá nọ từng cho đi hết những gì bà có, kể cả cuộc sống trọn vẹn của bà, như Tin Mừng Mác-cô đoạn 12 câu 44 và Luca đoạn 21 câu 3-4 từng ghi rõ:

“Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài-sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

Và Lc 21: 3-4:

“Ngài liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

Cuối cùng thì, Đức Giêsu của Tin Mừng Nhất Lãm lại đã khẳng-định rằng: tốt nhất nên bỏ đi con mắt, hoặc cánh tay và hy sinh cả chuyện dục-tính với dụng-tình như cái giá để đi vào Vương Quốc Nước Trời đòi-hỏi phải làm thế như Tin Mừng Mác-cô đoạn 9 câu 45-47, Mát-thêu đoạn 18 câu 9, và đoạn 19 câu 12 từng khẳng định:

-Mc 9: 45-47:

“Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục.”

-Và, Mt 18: 9

“Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.”

Mt: 19: 12

“Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."

Với tầm nhìn của Đức Giêsu, thì quyết-tâm từ bỏ chính mình vì Vương Quốc Nước Trời sẽ là chuyện không tưởng, phi trừ ta biến sự việc ấy thành hành-động đích-thực, ngay tức thời. Bằng biện-pháp rất hài-hoà, chuyện ngày nay sẽ được ưu-tiên đặt trên việc mai ngày, Ngài buộc các đồ-đệ phải dấn thân vào việc đặt định Nước Trời, không chậm trễ và cũng không lập thành khuôn đúc giống hệt nhau, dù chỉ để chứng-tỏ đặc-tính sốt-mến mình như người con một của Đức Chúa, hệt như Tin Mừng Luca đoạn 9 câu 6 rày những viết:

“Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.”    

Và, Tin Mừng Mátthêu đoạn 8 câu 22 lại cũng bảo:

“Đức Giêsu nói: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ."

Quả là, khi được Đức Giêsu tuyển chọn, người phục-vụ Nước Trời không được ngại-ngần hoặc có thắc-mắc/vấn-nạn gì hết. Và vì thế, Ngài mới bảo:

“Đức Giêsu phán: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."

Mang trong đầu lời hối-thúc liên-hồi “phải hành-động” ngay lập tức, thì việc cho đi chính con người mình một cách không hạn-chế nhưng chuyên-tâm/ân-cần đối với Vương Quốc Nước Trời, thì kết-quả không thể tránh né được sẽ phải là: tầm nhìn của Đức Giêsu nhất-quyết tập-trung vào chuyện hiện-tại, vào công-tác đích-thực vào lúc ấy và khép đóng những gì liên-quan đến tương-lai xa vời nhiều hơn.

Quả thực, nếu ta hiểu lời Ngài nói theo nghĩa hiển-nhiên nhất, ta buộc phải chấp-nhận những gì Đức Giêsu chối-bỏ mọi suy-tính hoặc chuẩn-bị chỉ vì các tình-huống có thể xảy đến rất mai sau.

Bởi, nếu Vương Quốc Nước Trời đã có đó rồi, và vinh-quang ngời sáng đã hiển-hiện vào bất cứ lúc nào, thì cũng chẳng nên lo-âu/quan-ngại đến các vấn-đề của thời này mà thời-gian cũng sẽ trôi qua rất mau. Triển-vọng như thế không có chỗ đứng cho ý-tưởng về một tổ-chức rất lớp lang như Giáo-hội được định-vị để tồn-tại mãi cho đến khi trời và đất sẽ qua đi cho đến một thời rất xa vời, rồi cuối cùng cũng lại đến.

Những ai thẩm-định rằng Đức Giêsu có tầm-nhìn về một thế-giới đầy triển-vọng như thế, ắt thấy khó mà chịu đọc thêm một lần nữa dụ-ngôn Ngài kể về người chủ trại giàu có là rõ ngay. Anh này, trông mong có được mùa gặt thật màu mỡ, nên mới tự mình hoạch-định một tiến-trình thật chi-tiết về vụ gặt. Anh phá bỏ các kho tồn-trữ cũ bằng cách gia-tăng thu-hoạch, cuối cùng mới khám-phá ra rằng: cũng giống như thời hiện-tại, anh chẳng có được cái ngày mai đẹp-đẽ bao giờ hết. Và, như Tin Mừng Luca ghi lại đoạn kết của dụ-ngôn Chúa kể, với lời rằng:

“Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Cụm-từ tiếng Aram ở Kinh Sách có chữ “emunah đại ý diễn tả niềm tin không lung-lạc và sự tín-thác vào Thiên-Chúa. Đây là dấu-hiệu đầy phẩm-chất, là lý-tưởng do Đức Giêsu đề ra khi Ngài giảng-rao thực-hiện điều đó. Đó chính là động cơ thiêng-liêng của toàn-bộ cuộc đời hoạt-động của Ngài; vì thế nên, ta tin chắc rằng điều ấy tiếp-tục xảy ra mãi cho tới hết đời Ngài.

Chính đó là niềm tin tưởng của Ngài ngay khi đứng trước toà án của các thượng-tế và của Philatô, ngay cả lúc Ngài chấp-nhận vác thập-giá ngang qua con đường đầy âu-sầu/khổ-ải. Tuy nhiên, lại xảy đến thời-khắc qua đó Ngài nhận ra rằng Thiên-Chúa-là-Cha chẳng chịu ra tay can-thiệp khiến Ngài phải cất lên tiếng kêu não nùng mà ngôn-ngữ thời đó đã sử-dụng: “Eloi, Eloi, lama sabachtani?”... đến nỗi Tin Mừng Máccô đoạn 15 câu 34 diễn nghĩa thành câu, như:

“Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: "Êlôi, Êlôi, lama xabácthani!" Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?"

Có tác-giả nổi tiếng thời cận-đại lại đã mô-tả việc hiểu được tầm nhìn của Đức Giêsu như “kết-cuộc ảm-đạm”. Điều này thật không xa với với sự thật là bao. Ngay như với tác-giả Tin Mừng Máccô, thì khi Đức Giêsu đi dần vào cõi chết cũng phải bật lên một tiếng than khóc cuối cùng, nên chẳng có gì ngăn-cản ta tưởng tượng ra sự việc diễn-tiến ở vườn Ghétsêmani hôm ấy, Ngài từng khẩn-khoản như Tin Mừng Máccô đoạn14 câu 36 những viết rằng:

“Ngài nói: "Abba, Lạy Cha! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn."                         

Tuy vậy, không giống trường-hợp các nhà buôn ở đâu đó chỉ nghĩ đến “kết-cuộc ảm-đạm” cho doanh-thương của họ, thì: Đức Giêsu là Đấng chủ-trương một cánh-chung-luận đầy hưng-phấn, Ngài vẫn suy-nghĩ theo cung-cách khác hẳn người đời.

Ta sẽ bị coi là người có tâm-tính hẹp-hòi, nếu cho rằng những gì Ngài tin-tưởng vào sứ-vụ đặc-biệt đã dẫn-đưa dân con gồm những người tin vào tài-trí tháo-vát của Ngài để vào được Nước Trời. Và, điều đó lại cũng định ra vai-trò của Đức Giêsu khi Ngài có hành-xử cuối cùng trong bi-kịch cuộc đời, của con người.

Ngài được các tác-giả Tin Mừng Nhất Lãm mô-tả như một hướng-dẫn-viên đầy lòng trắc-ẩn, biết thương-yêu chăm sóc người khác và là Đấng Chăn Chiên từng bắt chước Thiên-Chúa qua việc tỏ bày lòng từ-bi, nhân-hậu, rất yêu-thương chăm-sóc người có yêu-cầu hơn hết. Tức các trẻ bé, kẻ hèn mọn, người tội lỗi, gái tứ-chiếng/làng chơi và giới thu-thuế đi vào Vương Quốc của Thiên-Chúa-là-Cha, như Tin Mừng Mátthêu đoạn 18 câu 10 từng mô-tả:

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”            

Tin Mừng Nhất Lãm lại đã thể-hiện điều mà tác-giả sách này vẫn bảo rằng: khi Đức Giêsu quyết-đoán rằng: ta chỉ cần cứu-vớt độc-nhất một con chiên lạc thôi, cũng khiến mọi người trong Vương Quốc Nước Trời mừng vui hơn 99 con khác đang an-toàn, hệt như Tin Mừng Luca đoạn 15 câu 7 còn lên tiếng:

“Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”   
 
Và, Tin Mừng Mátthêu đoạn 18 câu 14 lại diễn-tả ý tương-tự, như câu viết ở dưới:

“Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Và, Ngài cũng định việc thực-hiện ý-muốn cuối-cùng của Ngài, bằng ảnh-hình trong đó mô-tả người thu thuế biết sám-hối và gái tứ-phương đã biết chuyện phải lẽ cần làm trong cuộc chạy đua vào Vương Quốc của Chúa, như Tin Mừng Mátthêu đoạn 21 câu 31, đã diễn-tả như sau:

“Trong hai người con đó, ai đã thi-hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”   

                                                                                                (còn tiếp)

Gs Geza Vermes biên-soạn,
Mai Tá lược-dịch.