Monday 29 August 2016

Lm Lê Quang Uy DCCT: “HÃY MỜI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ, TÀN TẬT, QUÈ QUẶT, ĐUI MÙ...”




Hôm nay, đúng vào Chúa Nhật Giáo Hội mở ra Năm Thánh Thể, tôi được dự một bữa tiệc Thánh Thể nhớ đời ! Hơn hai mươi năm trước, mấy anh em trẻ Nhóm Mai Khôi chúng tôi một hôm chia sẻ Lời Chúa bất ngờ gặp phải đoạn Lc 14, 12 – 14:
“Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại".
Hồi đó, chỉ ngồi vòng tròn chia sẻ với nhau được những cảm nghiệm chung chung vậy thôi, chứ đem ra thực hành, sống cụ thể từng câu từng chữ đoạn Lời Chúa này một cách sát sườn theo kiểu thầy Phanxicô nghèo khó đã từng sống mười mấy thế kỷ trước, thì cánh trẻ Giáo Dân chúng tôi xin thú thật là... chịu thua ! Cũng dễ hiểu là vì dạo ấy ai cũng nghèo, giữ được một chân công nhân viên Nhà Nước ăn gạo bao cấp đã là may, lo mà “lao động là vinh quang, lang thang là... chết đói”, còn hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện đãi đằng thù tạc ?!?
Thế rồi thời gian cứ trôi qua vùn vụt, nay bản thân tôi đã là Linh Mục được hơn 6 năm, thi thoảng lại chạnh lòng nhớ chuyện xưa rồi nghiệm với chuyện nay, tự dưng thấy ngường ngượng làm sao ấy. Mình tu DCCT là một Dòng đi với người nghèo, luôn miệng nói về người nghèo mà sao vẫn cứ... chẳng thấy nghèo tí nào ! Lâu lâu có dịp vui trong Dòng, mừng một vị Thánh nào đó, hoặc tạ ơn với các tân khấn, tân chức, kim ngân khánh v.v..., lễ xong thì đương nhiên cũng phải có lạc, dù tiệc tùng chẳng sa hoa tốn kém quá đáng, nhưng ăn uống nhộn nhịp xong, về phòng phải nằm nghỉ cho đỡ mệt vì ăn quá no, cười quá nhiều, ngẫm nghĩ lại thấy canh cánh một trăn trở. Nhìn tới nhìn lui trong bàn tiệc, thấy toàn là các Đức Cha, các Cha, các Soeurs, các Thầy, các ân nhân và những người quen biết gần xa, đạo cao đức trọng, súng sính áo Dòng hoặc veston, soirée, ai cũng đẹp, ai cũng sang ! Đâu rồi người nghèo ? Đâu rồi những người bị dạt sang một bên trong xã hội, chìm vào bóng tối quên lãng ?
Có lần tôi với cha Khởi Phụng và cha Tiến Lộc đem câu Lời Chúa nói trên đề nghị với Bề Trên một Dòng Nữ thuộc vào hàng nổi tiếng sống nghèo. Các chị thấy hay quá, đúng quá, nhưng không biết xoay trở ra sao. Đành cứ phải mời cho đủ các Đức Cha, các Cha, đại diện các Dòng Nam Nữ, và đương nhiên là ân nhân thân hữu, không dám quên sót ai, sợ phật lòng. Mà đã có các Đấng các Bậc cỡ đó thì đương nhiên tiệc tùng phải thịnh soạn linh đình, không thôi người ta cười cho, không đáng mặt một Nhà Dòng tổ chức kỷ niệm bao nhiêu năm hiện diện tại Việt Nam. Bữa tiệc hôm ấy, không hiểu có phải tôi trót chủ quan chăng, thấy các chị lạc lõng lúng túng một cách đáng thương giữa những chuyện dựng rạp ăn uống văn nghệ xôm trò như thế ! Mấy tuần sau có dịp trở lại thăm Nhà Dòng, nói chuyện mới thấy dư âm ngày vui ấy chẳng còn lại gì, may mà các chị vẫn giữ được cung cách nghèo.
Đang định đợi đến dịp 2005 DCCT kỷ niệm 80 năm có mặt ở Việt Nam, anh em chúng tôi đánh bạo đề nghị với Bề Trên của mình xem sao, thì không ngờ năm nay Nữ Đan Viện Biển Đức ( Bénédictine ) lại mừng 50 năm. Mới ngỏ ý sơ qua, chị Bề Trên Tố Hương chịu ngay, lại thấy vui vẻ hăng hái ra mặt, coi bộ còn hào hứng phấn khởi hơn cả bữa tiệc đãi Đức Hồng Y, các Linh Mục, Tu Sĩ đại diện các Dòng Nam Nữ tổ chức vào sáng thứ bảy hôm qua. Cả Dòng Biển Đức hơn 60 chị già trẻ được huy động để chuẩn bị thật chu đáo. Bản thân tôi được các chị ân cần nhờ đứng ra mời... ( xin lỗi, dùng nguyên văn Lời Chúa hơi bị thẳng thừng chói tai một chút ) toàn là những anh chị em “nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”, còn thêm cả các em câm điếc, mồ côi cơ nhỡ nữa chứ !
Ngày vui ấy đã đến trong sự nao nức của cả đôi bên: người mời lẫn kẻ được mời. Sáng hôm nay, Chúa Nhật 31.10.2004, lũ lượt những Gia Đình, những Nhóm, những Mái Ấm người khuyết tật đổ về một góc nhỏ sát bên cảnh chợ đời Thủ Đức, làm xôn xao khu vườn lâu nay thanh vắng tịch mịch chỉ dành riêng cho khách Tịnh Tâm.
Bàn Thờ thay vì đặt trên bục cao, đã được dời xuống cho gần sát bên những hàng xe lăn xe lắc. Anh em DCCT được dịp “đổ quân” về đồng tế: cha Hữu Phú, cha Văn Quang, cha Thanh Bích, tôi, thầy sáu Xô Băng, thêm một lô các thầy Học Viện áo Dòng đen cổ trắng thắt chuỗi chỉnh tề. Những chiếc áo dài Biển Đức màu cà-phê sữa hiền hòa nhu mì ngồi hẳn một cánh, còn lại là hàng trăm anh chị em và các cháu khuyết tật. Bài ca nhập lễ được cất lên trong tiếng đàn của một em khiếm thị Mái Ấm Thiên Ân: “Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời...”
Bài đọc sách Khôn Ngoan do Phước, tay organ khiếm thị, đọc bằng những đầu ngón tay lướt nhanh nhẹ nhàng trên những hàng chữ Braille. Câu đáp “Nguồn ánh sáng và Ơn Cứu Độ của tôi chính là Chúa, Halleluia” được chọn hát vào giờ chót, tuy không đúng với Thánh Vịnh hôm nay, nhưng sao lại khớp đến thế với tâm tình, với bầu khí hiện tại, bởi không ai có thể phủ nhận rằng những con người đã mất đôi mắt, đã chẳng còn thấy được ánh sáng cuộc đời này, lại được Chúa âu yếm tặng cho một đôi mắt của tâm linh xem ra tỏ tường hơn nhiều những đôi mắt người bình thường chúng ta !
Bài đọc Thánh Thư Thêxalônica bị chậm lại một chút vì chị Thủy, một Tân Tòng bại liệt của Gia Đình Emmanuel gắng gượng mãi mới chống nạng được tới giảng đài. Giọng chị cất lên lanh lảnh đầy xác tín: “Danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người...” Vâng, hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Phaolô, Thiên Chúa không chỉ là sẽ, mà là đã và đang được tôn vinh nơi nghị lực vượt thắng số phận nghiệt ngã của những anh chị em khuyết tật. Hóa ra họ bị tật mà không hề bị khuyết, họ tràn đầy “ân sủng của Thiên Chúa chúng ta” !
Sau khi thầy sáu Xô Băng công bố Tin Mừng, lần lượt mỗi cha đồng tế đều ngỏ lời với cộng đoàn, mỗi người một ý, xoay quanh chuyện ông Dakêu được Chúa gọi đích danh mà đổi đời... Không còn là những mẩu bài giảng ngăn ngắn nữa, mà là những lời bộc bạch thật thà... Cha Thanh Bích kết thúc ngắn gọn: “Xin cám ơn anh chị em khuyết tật, hôm nay, chính chúng tôi lại được nhận quá nhiều...”
Nhìn xuống những hàng xe lăn, tôi bắt gặp những ánh mắt rưng rưng, nếu còn thời gian cho anh chị em khuyết tật lên tiếng, không khéo họ lại cũng nói: “Xin cám ơn các cha các thầy, xin cám ơn các soeurs Biển Đức, chúng con đâu có phải là bạn bè, anh em, hay bà con, Lễ càng chẳng phải là ân nhân, là láng giềng giàu có của Nhà Dòng, chúng con cũng đâu có gì để đáp lễ Nhà Dòng, chúng con chỉ là những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, câm điếc, mồ côi cơ nhỡ... vậy mà sao chúng con lại được mời đến đây như thế này ?”
Đến phần Kinh Lạy Cha, mười lăm chiếc áo xanh các em khiếm thính trường Thuận An, Lái Thiêu, của mẹ Nhiệm, dì Ngọc Lan, Dòng Saint Paul, tiến lên bục cao chếch phía sau bàn thờ. Đang khi cộng đoàn cố gắng kềm chậm lại tốc độ đọc Kinh Lạy Cha vẫn quen ào ào đều đều trong các Thánh Lễ lâu nay, thì các em bắt đầu... múa ! Vâng, múa Kinh Lạy Cha ! Em nào còn phát âm được thì vừa múa các cử điệu vừa vươn cổ, vận dụng hết độ rung dây thanh quản để ú ớ thật rập ràng: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời... Xin Cha cho chúng con hôm nay...”
Không kềm được nữa rồi, tôi trào nước mắt, cha già Hữu Phú run run nghẹn ngào, các soeurs, cả những anh chị em ngồi xe lăn, cả các bạn sinh viên tình nguyện cũng bật khóc ! Chúa ơi ! Chúa nghe rõ tiếng các em đấy chữ ? Chúa hiểu hết lòng các em đấy chứ ? Thế này thì từ nay, chúng con, những người không bị câm, những người vẫn tự hào có tiếng có tiếng, có giọng hay ho, nhất là cánh Tu Sĩ Linh Mục chúng con, sẽ chẳng còn dám khơi khơi đọc Kinh Lạy Cha như một cái máy vô cảm. Chúng con đã hiểu đây đâu có phải là một câu kinh để đọc rổn rảng qua loa, mà là một lời khẩn nguyện Thiên Chúa là Cha của chúng con hẳn hoi !
Rước Lễ cũng đặc biệt, các cha các thầy phải len lỏi giữa những vòng bánh xe lăn, những chiếc giường di động, những cặp nạng ngổn ngang, những bàn tay cụt ngón, những đôi mắt đeo kính đen, để trao Mình Thánh Chúa cho từng anh chị em khuyết tật giữa tiếng hát Kinh Hòa Bình: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ Bình An của Chúa,... để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu...”
Đi trao Mình Thánh Chúa, các cha các thầy chúng tôi mới khám phá hôm nay có không ít những anh chị em không phải là Công Giáo. Họ đến đây đâu phải vì tò mò hay để được phát chẩn, họ đến trước hết là vì được ân cần trân trọng, cho dù các Soeurs Biển Đức chẳng tốn một đồng xu để làm các thiệp mời giấy lụa, kế nữa, quan trọng hơn, họ đến vì mang máng đoán biết sẽ có cơ may làm quen với một người Thầy, người Bạn Chân Tình là… Giêsu.
Đến phiên các chị Biển Đức cất lên bài ca Tạ Ơn 50 năm hết sức mộc mạc dung dị. Từng lời hát, từng nét nhạc không đệm đàn, không hề được luyện thanh điêu luyện cho nó xứng tầm những dịp long trọng thế này, vậy mà cứ vút cao, vút cao, len giữa những mái tranh, đong đưa với những ngọn tre, rồi lại như xà xuống, lay động cả những cánh cỏ xanh và những viên sỏi nhỏ trên lối đi quanh co...
Kết thúc là “Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ...” Ừ nhỉ, sẽ luôn có Mẹ dắt đoàn mù chúng con bám vai nhau rồng rắn vào đời, sẽ luôn có Mẹ cùng bập bẹ ú ớ với chúng con bài ca Magnificat, sẽ có Mẹ đẩy phía sau những chiếc xe lăn chở đầy Tin Vui đến thăm mọi người !
Đúng là sau lễ thì cũng vẫn cứ phải có lạc, nhưng hôm nay, ở đây không có súp măng cua, không có bát bửu, không có bánh hỏi thịt quay, không có những tiếng dzô dzô dị hợm của bia bọt, không có những tiếng đập bao khăn mặt lốp bốp như pháo, không có những lời chúc tụng sáo rỗng đến tội nghiệp ! Chỉ là cơm canh xào nấu đời thường, y như ở nhà, chỉ khác là đông quá, vui quá đi thôi. Văn nghệ dã chiến thì hấp dẫn vô cùng, khiến chẳng ai còn mải nói chuyện riêng ồn ào, quên cả lia đũa để trố mắt dỏng tay nghe các em Mái Ấm Huynh Đệ Như Nghĩa của các dì Phan Sinh hát. Chú “Dakêu” Y Beo người Bahnar đeo kính đen biểu diễn nổ máy xe lam bằng miệng, nghe thầy Phong, cô Hải cùng đệ tử Thiên Ân giới thiệu: “Ở Mái Ấm của chúng tôi, niềm vui nhân gấp đôi”, nghe Gia Đình Halleluia làm cử điệu hát vang: “Ta chỉ có một Chúa trên Trời là Cha, ta chỉ có một Đức Kitô là Thầy, còn chúng ta là anh em !”
Ở đầu bài viết này, tôi đã có nhắc đến hôm nay Giáo Hội đã mở đầu một Năm Thánh của Bí Tích Thánh Thể. Và tôi đã tâm sự rằng mình được dự một bữa tiệc Thánh Thể nhớ đời ! Tôi không quá lời mà cường điệu đâu. Anh em trẻ trong Học Viện DCCT chúng tôi đã từng được cha già Hữu Phú dạy môn Phụng Vụ truyền cho cái diệu cảm về Thánh Lễ, thì hôm nay đây, chúng tôi cảm được cái diệu của một bữa tiệc do Chúa thết đãi là thế nào. Với Thánh Lễ, qua Thánh Lễ, Chúa dọn ra cho chúng ta một đại tiệc thịnh soạn với hai món vô giá là Lời và Mình Máu của Giêsu, con trai yêu dấu của Người. Nói hai chứ chỉ là một, Lời và Mình Máu đều là Sự Sống Thần Linh từ Thiên Chúa đem xuống mời con người chúng ta thưởng thức, nhận lấy làm lương thực nuôi cuộc đời mình, thậm chí, dùng làm toa thuốc chữa trị những căn bệnh tưởng là nan y trầm kha.
Nghe no, ăn no, uống no rồi, Chúa Cha không để yên cho đàn con ngồi đó chơi không, Người muốn chúng ta về lại đời, vào lại đời, đến phiên mình cũng phải mở tiệc thết đãi anh chị em của mình bằng chính thực đơn Sự Sống mình đã được hưởng dùng miễn phí. Cái câu “Ite... Go... Allez... Hãy đi...” ở cuối Thánh Lễ như một lời Sai Đi mới thấm thía quá chừng ! Nhất là trong bối cảnh Năm Thánh Truyền Giáo của Việt Nam 2004 đã sắp mãn..,
Tạ ơn Chúa Giêsu với lời nhắn gửi sát sườn: “Hãy nhớ mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù...” Cám ơn các chị Biển Đức đã đi tiên phong mở đường để chúng ta có quyền hy vọng sẽ có nhiều Giáo Xứ, nhiều Dòng Tu, trong đó có cả DCCT chúng tôi, nhiều cộng đoàn, nhiều gia đình Kitô hữu cũng biết mở tiệc “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù...”, không chỉ đến ăn cơm canh xào nấu, mà còn hơn thế nữa, mời dự tiệc Lời và Mình Máu Giêsu.
Ngẫm nghĩ thấy lo lo. Bởi năm nay 2004 sắp qua, năm tới 2005 sắp đến, chắc chắn có rất nhiều Giáo Xứ gốc dân di cư, nhiều Dòng Tu sẽ kỷ niệm 50 năm chào đời. Sẽ liên tục tiệc tùng linh đình hai ba ngày liền sau những Thánh Lễ Tạ Ơn. Chẳng ai có quyền ngăn cản cấm đoán chuyện ăn uống, nhưng e rằng tìm mỏi mắt mà không thấy Chúa đâu giữa sơn hào hải vị thơm phức và bia bọt lênh láng !
Thôi, bài viết đã miên man lê thê lắm rồi, xin được kết bằng lời Kinh Nguyện cùng Thánh Biển Đức mà các chị đã in trên mẫu ảnh kỷ niệm tặng kèm một xâu chuỗi Mai Khôi xinh xinh mười hạt:
“Lạy Thánh Tổ Biển Đức, năm xưa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngài đã đi vào sa mạc Subiaco để chỉ tìm một mình Thiên Chúa. Xin ngài cầu giúp chúng con biết đi vào nội tâm, để nhờ Chúa Thánh Thần và Lòng Tin Cậy Mến, chúng con cảm nếm được sự ngọt ngào của Tình Yêu Thiên Chúa. Ước gì, một khi tâm hồn chúng con trở nên rỗng không, chúng con được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô: gương mẫu Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Nhờ đó, Ơn Gọi Cứu Thế của chúng con làm nảy sinh nhiều hoa quả cho Hội Thánh và cho mọi người, hầu tất cả đều nhận biết, mến yêu và làm vinh danh Chúa Cha hơn. Amen. Halleluia”.
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 31.10.2004

Sunday 28 August 2016

Lm Vĩnh Sang DCCT : Mùa hè đi qua như làn gió



Bây giờ là cuối tháng Tám, cuối mùa hè, một mùa mang lại cho nhiều người những cảm xúc không quên của mọi lứa tuổi. Khi còn trẻ thì những cảm xúc gắn bó với mái trường, với những tình cảm tuổi niên thiếu, khi đã trưởng thành lại là những tình cảm phát sinh từ những chuyến du lịch, những kỳ nghỉ cùng bạn bè, cùng những người thân yêu. Đặc biệt đối với đời tu sĩ, mùa hè là mùa các Dòng Tu, các Giáo Phận thường dùng để tĩnh tâm, thường huấn, phong chức, …vì mùa hè là kỳ nghỉ của nhiều người, và cũng là mùa kết thúc một niên khóa học hành, nên thời điểm mùa hè rất thích hợp để tổ chức các sinh hoạt như trên.
Mùa hè năm 2106 đang vội vã đi qua, chắc chắn không nhiều thì ít, một số người trong chúng ta được mời tham dự hoặc được chứng kiến những buổi hội hè, những lễ khấn, lễ truyền chức… Hoành tráng, long trọng, đèn hoa rực rỡ, kèn trống tưng bừng, tiệc tùng rộn rã, khách mời là những bậc vị vọng, quần áo xênh xang, những lời bóng bảy được phát ra từ những dàn âm thanh hiện đại. Đi đâu cũng nghe “tuy bận rộn với bao công việc mục vụ, nhưng vẫn dành những quan tâm ưu ái…”, “xin hết lòng cám ơn…”, “dù đường xá xa xôi…”
Hàng trăm máy quay phim, hàng ngàn máy chụp ảnh, hàng chục ngàn Ipad, Iphone hoạt động hết công suất để ghi hình, ghi tiếng, rồi hàng ngàn cuốn album, hàng chục ngàn DVD… Chỉ một ít người xem, sau đó xếp xó ! Bao nhiêu mâm cỗ thịt chỗ hoặc sơn hào hải vị thật linh đình, nào rượu bia bật nắp lon, nắp chai lốp bốp liên tục… Có những đám đãi toàn rượu Ý dùng để dâng Lễ, có những đám đãi loại rượu hàng ngoại xách tay, lại có những tiếng dè bỉu “chẳng thấy rượu có tem” ! Thậm chí, lời Sách Thánh còn được trích dẫn cho nó ra vẻ… Tiệc Thánh: “Ngày ấy Chúa thiết tiệc trên núi này, thịt béo rượu ngon…”, “Thức ăn ngon ta đãi hàng tư tế…” Cứ vậy người ta xông hương nhau, chúc tụng nhau, cạn chén với nhau, tiếng hô dzô dzô ầm vang, kể cả ngay nơi chốn nghiêm đường. Phải làm vậy cho Đạo Đời nó vui, phải làm vậy để còn quảng bá ơn gọi, phải làm vậy mới là… bình thường !
Trên mạng Facebook mấy ngày vừa qua đọc được câu chuyện và những hỉnh ành của Cô Thảo Teresa ghi được khi đi thăm Mường Lát, Thanh Hóa.
Nhớ lại những hình ảnh mà hàng ngày lởn vởn trên các trang facebook về dải bờ biển đau thương của 4 tỉnh Miền Trung. Có phải những hình ảnh này đối nghịch với những bữa tiệc linh đình, những cờ xí rợp trời, những áo quần sang trọng đeo phù hiệu trong mùa hè vừa qua, và cả trong mùa hè năm nay của chúng ta không ?
Tin Mừng Chúa Nhật thứ 22 TN năm C vào ngày 28.8.2016 công bố ( Lc 14, 1. 7 – 14 ):
… Chúa Giêsu bảo: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".
Chúng ta tìm thấy trong Cựu Ước và sách Lề Luật nói:
“…vì thế nên ngươi ta nói: "Đui mù què quặt không được vào Ðền” ( 2 Samuel 5, 8 ).
“Người nào thuộc dòng giống ngươi, qua các thế hệ, mà có tì tích thì đừng lại gần tiến dâng thực phẩm cho Thiên Chúa của nó. Vì mọi kẻ có tì tích sẽ không được lại gần: người đui mù hay què quặt, dị tướng dị hình, hay người bị trật chân, gãy tay, hay là gù lưng, cằn người, toét mắt, ghẻ chốc, hắc lào, yêm hoạn” ( Lêvi 21, 17-20 ).
Nhưng Chúa Giêsu lại nói: “Hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù”. Vì theo thế gian họ đã là những con người không xứng đáng để được đón tiếp. ( Xin đọc thêm bài của Lm. Quang Uy đã được đăng trên Ephata cách nay 12 năm ).
Chúng ta nghĩ sao về lời của Chúa Giêsu ? Chúng ta đang sống thời Cựu Ước hay Tân Ước ? Chúng ta theo thế gian hay theo Chúa ? Đã có mấy người trong chúng ta mời những thành phần Chúa Giêsu liệt kê đến dự tiệc khi chúng ta tổ chức đình đám ? Nếu không làm như Chúa nói thì chúng ta đang làm gì ? Đang sống lời Chúa hay lấy Lời Chúa che đậy sự tha hóa của chúng ta. Có khi đã không cố gắng sống Lời Chúa, chúng ta còn xa lạ, thậm chí chống lại việc đón tiếp, chia sẻ, liên đới với người nghèo, chúng ta nhân danh đủ mọi thứ bằng đủ mọi ngôn từ hoa mỹ, đem các sự an toàn để phục vụ các linh hồn ra hầu lý luận nguy biện cho sự trốn chạy lời Chúa.
Mấy tuần vừa qua chúng ta đã nghe các lời Ngôn Sứ, hết Êgiêkien rồi lại đến Giêrêmia, lời cảnh báo những ai không biết nghe và thi hành Lời Chúa, những ai cấu kết với ngoại bang chà đạp bóc lột người nghèo, những ai dửng dưng với nỗi khổ đau của người khác, những ai thỏa mãn cơn cám dỗ hưởng thụ sa hoa trần thế, sẽ phải trả gía bằng sự tan tác, chính ngoại bang sẽ thu hết những hạt lúa mẩy nếu có của những kẻ hèn nhát và đê tiện ấy. Đừng tưởng an toàn trong vỏ bọc ngoa ngữ của mình.
Lời Sấm chắc chắn không sai !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 25.8.2016
( Tựa đề là một câu trong bài Hạ Hồng của Phạm Duy )

 

Thursday 25 August 2016

Gs Geza Vermes Diện mạo Đức GIêsu : Đức Giêsu Đấng phụng thờ Thiên-Chúa-là-Cha (Bài 54)



Chương 6
Đức Giêsu của Tin Mừng Nhất Lãm,
Đấng Chữa lành,
Bậc Thày Dạy đầy lôi cuốn,
Đấng tạo hưng-phấn rất Khải-huyền.
(Bài 54)



Đức Giêsu
Đấng phụng thờ Thiên-Chúa-là-Cha

Tin Mừng Nhất Lãm có đề-cập đến Luật Torah coi đó là luận-điểm chính được Đức Giêsu-người-Do-thái-giáo đưa vào trọng-tâm câu chuyện Ngài nói đến, cũng để người đọc chúng ta xem xét kỹ các chương/đoạn Tin Mừng này, mới nhận ra được. Có làm thế, ta mới thấy được rằng: suối/nguồn hạnh-đạo nơi Ngài, là do nhận-thức Thiên-Chúa-là-Cha của Ngài. Cha của tín-hữu Do-thái-giáo và Cha của nhân-loại.

Thiên-Chúa-là-Cha của Đức Giêsu ít khi nào bị cô-lập, Ngài linh-thiêng/cao-cả và đáng kính/sợ đến độ tổ-phụ Môsê không được phép diện-kiến chân-dung Ngài, mà chỉ thấy mỗi phía sau lưng của Thiên-Chúa thôi, như sách Xuất-hành đoạn 33 câu 21-23 từng diễn-tả:

“Đức Chúa còn phán:
"Đây là chỗ gần Ta;
ngươi sẽ đứng trên tảng đá.
Khi vinh-quang của Ta đi qua,
Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá,
và lấy bàn tay che ngươi
cho đến khi Ta đã đi qua.
Rồi Ta sẽ rút tay lại,
và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta,
còn tôn-nhan Ta thì không được thấy."
(Xh 33: 21-23)

Ngôn-sứ Ysaya lại đã tin rằng chính ông sẽ bỏ mình đi vào chốn tàn-lụi vì có thị-kiến về ngai cao chốn Nước Trời, như ông từng viết ở đoạn 6 câu 5 sau đây:

“Bấy giờ tôi thốt lên:
"Khốn thân tôi, tôi chết mất!
Vì tôi là một người môi-miệng ô-uế,
tôi ở giữa một dân môi-miệng ô-uế,
thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua
là Đức Chúa các đạo binh!"
(Is 6: 5) 

Ông Êzêkiel thì, trong cơn mê-sảng, lại cầm được Thiên-Chúa đến bốn lần, nhờ thứ gì đó “tựa như” vinh-quang của Đức Chúa, theo khuôn-thước “giống như” hình-hài con người, đặt ở một nơi “tựa hồ” ngai cao ở trên trời, được diễn tả trong sách, như sau:
          
“Từ trên cái vòm,
ngay trên đầu chúng,
có cái gì giống như đá lam ngọc,
tựa như cái ngai,
và trên cái gì tựa như cái ngai đó,
có cái trông như hình dáng một người
ở trên ngai đó,
chốn trời cao”
(Ez 1: 26)

Thời Đức Giêsu, Thiên-Chúa được tín-hữu Do-thái-giáo chiêm-ngưỡng không theo cách hãi sợ như mọi người tưởng. Ngay từ đầu, sách Isaya 3 sau lưu-đày (tức được viết vào thế-kỷ thứ sáu trước Công-nguyên) đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng: bản-tính Thiên-Chúa là “Cha chúng ta”. Điều này, được nói rõ ở đoạn 63 câu 16 như sau:

“Quả chính Ngài là Cha chúng con!
Chúng con không được ông Abraham biết đến,
không được Israel nhìn nhận,
còn Ngài, lạy Đức Chúa,
Ngài mới là Cha,
là Đấng cứu chuộc chúng con:
đó là danh Ngài
từ muôn thuở.” (Is 63: 16)

Và, đoạn 64 câu 8 cũng thấy nói:

“Lạy Đức Chúa,
xin Ngài đừng quá phẫn nộ,
đừng nhớ mãi tội ác chúng con.
Cúi xin Ngài nhìn đến:
chúng con tất cả
đều là dân của Ngài.”
(Is 64; 8)

Khởi từ thế-kỷ thứ hai trước Công nguyên mãi đến sau này, ảnh-hình Thiên-Chúa-là-Cha được tín-hữu Do-thái-giáo thường-xuyên sử-dụng trong văn-chương Đạo mình và cả ở “Cảo Bản Biển Chết” nữa. 

Nay, ta nghe thêm lời lẽ đầy xúc-động do tác-giả thánh-vịnh Qumran viết như sau:

“Cho đến khi con về già,
lạy Đức Chúa!
xin chú ý đến con.
Bởi cha con không còn biết gì đến con nữa
Và mẹ của con cũng đã rời bỏ con cho Ngài đây,
Ôi Lạy Đức Chúa!
Bởi Ngài đích-thực là Cha
của mọi người con Ngài
rất đích-thực”
(1QH 17 [9]: 34-35).

Quả thật, ở thời các tư-tế mới trị vì, thì câu thưa “Lạy Cha, là Đấng ngự trên trời” là câu kinh chuẩn-mực dành cho mọi người, thưa với Chúa.   

Cha-trên-trời là Đấng mến-thương, luôn chăm-nom săn-sóc hết mọi người, là mẫu-mực hành-xử rất hạnh-đạo của Đức Giêsu. Ngài bắt chước Cha trong việc định-vị giới-lệnh do Ngài ban, như Tin Mừng Mátthêu đoạn 5 câu 48 từng ghi rõ:

“Vậy anh em hãy nên hoàn-thiện,
như Cha anh em trên trời
là Đấng Hoàn-thiện.”   

Hoặc, Tin Mừng Luca đoạn 6 câu 36 cũng đã viết:

“Anh em hãy có lòng nhân-từ,
như Cha anh em là Đấng nhân-từ.”

Bắt chước Cha, là việc trực-tiếp đến thẳng, không qua trung-gian của ai khác; và môn-đệ Đức Giêsu được khuyến-khích hãy noi theo đường-lối trực-tiếp giống như Ngài, là thế. Ngõ hầu định ra nguyên-tắc cố-hữu, Đức Giêsu đã dựa vào Huấn-thị của Kinh thánh, nhưng Ngài làm dịu đi rất nhiều, như lời sách Lêvi đoạn 19 câu 2 từng bảo:

“Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng:
Các ngươi phải thánh thiện,
vì Ta, Đức Chúa, Thiên-Chúa của các ngươi,
là Đấng Thánh thiện.”   

Đức Giêsu khi xưa từng bắt-chước Thiên-Chúa-Cha, trong việc tỏ lòng từ-bi tha-thứ hết mọi người. Chủ-đề chính Ngài giảng-dạy, thể-hiện nơi Tin Mừng Nhất Lãm như Tin Mừng Máccô đoạn 11 câu 25, lại cũng nói:

“Khi anh em đứng cầu-nguyện,
nếu anh em có chuyện bất-bình với ai,
thì hãy tha-thứ cho họ,
để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời,
cũng tha lỗi cho anh em.” 

Và, Tin Mừng Mátthêu đoạn 6 câu 14 lại cũng ghi, như sau:

“Thật vậy,
nếu anh em tha lỗi cho người ta,
thì Cha anh em trên trời
cũng sẽ tha-thứ cho anh em.
Nhưng nếu anh em không tha-thứ cho người ta,
thì Cha anh em
cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Trong cùng chiều-hướng như thế, Tin Mừng Luca đoạn 15 câu 11-32, lại cũng bảo:

“Rồi Đức Giêsu nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

"Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."   

Truyện kể đây, nói lên lòng từ-bi/nhân-hậu của người Cha, tượng-trưng cho Thiên-Chúa là Đấng sẵn-sàng tha-thứ cả vào lúc trước khi con mình đang trên đường về nhà, để hối lỗi và xưng-thú nỗi buồn của anh.

Cộng thêm phẩm-chất của sự việc tha-thứ, đặc-trưng thiêng-liêng được Đức Giêsu của Tin Mừng Nhất Lãm biểu-dương như đặc-tính quan-trọng và thiết-yếu để mọi người phấn-đấu nhận chân hơn, đó là: mối bận-tâm của Người Cha với kẻ yếu kém, nghèo hèn và những người không ai giúp-đỡ. Đây, là ưu-tư không giới-hạn, cốt tạo tin-tưởng vô-vàn cho mọi giới.

Lời lẽ tác-giả Tin Mừng sử-dụng ở Bài Giảng Trên Núi, là cốt hỗ-trợ những người thấp cổ bé họng như thế, thôi. Điều này được Tin Mừng Mátthêu đoạn 6 câu 25-34 và Tin Mừng Luca đoạn 12 câu 22-31 đã quả-quyết:

-Ở Mt 6: 25-34, điểm chủ chốt đà thấy rõ:

“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.   
 
-Còn, Lc 12: 22-31 lại cũng ghi:

“Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao! Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay? Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.”
   
Bằng lối nói hơi quá đáng theo kiểu văn-chương/ngôn-ngữ của nhóm người sống ở miền Đông Địa Trung-Hải, Đức Giêsu đã chọn ví-dụ cụ-thể nhằm tỏ-bày tấm lòng Ngài ngưỡng-mộ bản-tính độ-lượng của Thiên-Chúa-là-Cha. Vốn tạo sự thông-thoáng/khác-biệt giữa việc ứng-đáp tình thương-yêu do mình nhận được, hoặc tỏ bày lòng độ-lượng với niềm hy-vọng thầm-kín về phần thưởng là lòng từ-bi đích-thực không tính-toán, Ngài đã chọn hướng trái-nghịch, tức: thương-yêu cả địch-thù mình như Tin Mừng Mátthêu đoạn 5 câu 44-45 và Luca đoạn 6 câu 27 từng quảng-diễn:

-Ở Mt 5: 44-45, ta còn thấy:

“Còn Thầy,
Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù
và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Như vậy, anh em mới được trở nên
con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời,
vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên
soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt,
và cho mưa xuống trên người công chính
cũng như kẻ bất chính.”

-Và, Lc 6: 27 cũng đã bảo:

“Thầy nói với anh em
là những người đang nghe Thầy đây:
hãy yêu kẻ thù
và làm ơn cho kẻ ghét anh em.”

Thiên-Chúa là Đấng khiến cho mặt trời rực sang, cho mưa tuôn đổ xuống cả với kẻ ác-độc (tức: địch thù) cùng một dung-lượng như với kẻ hiền-từ. Thành thử, lòng từ-bi/độ-lượng lại là tình thương-yêu vô bờ-bến thấy rất rõ. Ý-tưởng này, thường khiến mọi người hoảng-hốt lại nghĩ đó là độc-quyền của Đức Giêsu, mà thôi.

Tuy nhiên, theo mẫu-mã lạ-thường, sử-gia Flavius Joseph lại gán cho tổ-phụ Môsê quan-điểm ông từng bảo:

Chúng ta phải bày tỏ sự trân-trọng
cả với những người
mà mình tuyên-bố là địch-thù nữa.”
(X. Contra Apionem 2: 211)

Lời nguyện-cầu, là suối-nguồn trực-tiếp giúp tỏ-bày thái-độ và tình-tự của con người hướng về Chúa. Điều cấn là: Tin Mừng Nhất Lãm dù có định-vị sự việc Đức Giêsu giảng-giải ở hội-đường và trên đường tới Giêrusalem, các tác-giả vẫn không đề-cập chuyện Ngài vào đó có để nguyện-cầu không, hay Ngài vào đó có tham-dự phụng-vụ không?

Lời cầu của Chúa, dù chỉ dành cho một nhóm người thôi, vẫn diễn-tả Ngài là Đấng thực-hiện lời cầu theo cách cá-thể nơi hoang-vắng, xa cách mọi người như ta thấy Ngài vẫn nguyện-cầu ở sa-mạc nóng cháy, như Tin Mừng Mátthêu đoạn 1 câu 35 và Luca đoạn 5 câu 15 đã diễn-tả; hoặc ở trên núi, như Tin Mừng Máccô đoạn 14 câu 35, Mát-thêu đoạn 14 câu 23 và Luca đoạn 6 câu 12; hoặc, có khi ở ngay trong vườn xa cách đồ-đệ, như Tin Mừng Máccô đoạn 14 câu 35, Mátthêu đoạn 26 câu 39 và Luca đoạn 22 câu 41 còn ghi chép.           

Cả khi Ngài đề-nghị các môn-đệ phương-thức cầu-nguyện thực-tế, Đức Giêsu vẫn nhấn mạnh như sau:

“Còn anh, khi cầu-nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu-nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện-diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh,
Đấng thấu-suốt những gì kín-đáo,
sẽ trả lại cho anh.”
(Mt 6: 6)

Lời tác-giả ghi ở trình-thuật có đúng thực không, vẫn là niềm xác-tín của tác-giả từng đặt nơi miệng Ngài phát-kiến về lời khẩn cầu với Thiên-Chúa-là-Cha, mà thôi. Về điểm này, ít ra ta cũng biết: trình-thuật đây rất đúng-thực. Với tác-giả Máccô, ông chỉ mỗi trích-dẫn lời cầu của Đức Giêsu ở đoạn 14 câu 36, khi ghi rằng:

“Ngài nói:
"Abba, Cha ơi,
Cha làm được mọi sự,
xin cất chén này xa con.
Nhưng xin đừng làm điều con muốn,
mà làm điều Cha muốn."     

Tuy làm thế, Ngài vẫn muốn đi thẳng vào trọng-tâm vấn-đề bằng việc nói lên thỉnh-cầu hướng về Abba (dịch là “Cha ơi!” hoặc “Cha tôi”) là từ-vựng Aram-cổ mà Đức Giêsu thường sử-dụng. Đây là lời cầu để tỏ lòng tôn-kính và thân-mật được hoà-trộn. Lời thưa “Cha ơi” đây, diễn-tả ngôn-từ của trẻ bé, như một số nhà chú-giải vẫn chủ-trương là chuyện không mang ý-nghĩa gì đặc-biệt. Bản thân tôi, vẫn đồng-thuận tư-tưởng của James Barr khi ông bảo: lời thưa “Abba Cha ơi!” không mang nghĩa một ới gọi “Cha ơi!”, “Bố ơi!” hay “Thày ơi!” chút nào hết. (X. Journal of Theological Studies 39, năm 1988 tr. 28-47)

Các lời Tin Mừng Mátthêu và Luca bắt đầu bằng cụm-từ Hy-lạp có nghĩa “Lạy Cha!” hoặc “Lạy Cha chúng tôi!” đã chuyên-chở ý-tưởng của chúc phúc, khẩn nài và cảm-tạ. Ba nghĩa này, gồm tóm trong tu-tưởng nổi cộm ở lời cầu sâu-lắng của Đức Chúa, nói lên mối quan-hệ thân-thương với Thiên-Chúa-Cha đã được Đức Giêsu khuyến-dụ môn-đệ thực-hiện, như Tin Mừng Mátthêu đoạn 6 câu 6-13 và Luca đoạn 11 cầu-4 đã ghi sau đây:

-­Ở Mt 6: 9-13 ta thấy nói:

“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con
là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển,
triều-đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện ở dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con
hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

-Và, ở Lc 11: 2-4, cũng đã ghi:

“Ngài bảo các ông:
"Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."  

Lời cầu còn sót đến hôm nay, theo hình-thức một dài một vắn, từng được hai tác-giả trên ghi chép rất kỹ. Nhưng, với tầm nhìn của người đọc nói chung, thì ấn-bản ngắn của tác-giả Luca sát với bản gốc hơn. Tuy vậy, các nhà chú-giải xưa nay lại bàn/cãi rất nhiều và đã ủng-hộ cả hai bản. Thật ra thì, lời cầu ghi ở Tin Mừng Mátthêu đã hàm-ngụ nhiều yếu-tố thấy ở văn-bản thực của tác-giả Luca, nay thất-thoát. Xét bản-chất lời cầu, thì cả hai văn-bản đều phản-ánh tâm-thức đạo-hạnh có trong đầu Đức Giêsu, khi ấy.

Lời cầu của Đức Giêsu, là bản tóm súc-tích đáng ta chiêm-ngưỡng, đã phù-hợp với giới-lệnh không dài mỗi khi ta hướng về Chúa. Bởi, như tác-giả Mátthêu từng nhấn mạnh ở đoạn 6 câu 7, lại đã bảo:

“Khi cầu nguyện,
anh em đừng lải-nhải như dân ngoại;
họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.”

Đề-tài chủ nói nhiều đến tính thánh-thiêng của Danh Chúa vốn dĩ hài-hoà với lời ca của thiên-sứ khi chúc tụng: “Thánh! Thánh! Thánh!” là lời khẩn-thiết mong cơm bánh hôm nay, chứ không chỉ muốn có đủ lương-thực cho ngày mai, hoặc những ngày sau đó.

Muốn được Thiên Chúa thứ-tha mọi lỗi phạm, ta cần phải cải-hối trước thành-viên cộng-đoàn hoặc nhóm hội, và biết tha-thứ cho nhau theo kiểu hỗ-tương, hai chiều. Đây là suy-tư tiêu-biểu của Đức Giêsu, vào thời ấy.

Quả là, lời cầu ở câu: “Xin cho Nước Ngài trị-vì, mau đạt đến!” là đảm-bảo tốt đẹp nhất đã tô-vẽ lời khẩn-thiết dâng lên Thiên-Chúa được gán cho Đức Giêsu. Bởi, cộng-đoàn tín-hữu thời tiên-khởi vẫn tỏ-bày niềm hy-vọng “cánh chung” ngóng đợi Đức Kitô đến lại, qua câu “Marana tha” hơn là trông ngóng Vương Quốc Nước Trời, mau trờ tới.

                                                                                    (còn tiếp)

Gs Geza Vermes biên-soạn,
Mai Tá lược-dịch.