Wednesday 23 December 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT CON RUỒI OAN NGHIỆT




Mấy hôm nay trời Sàigòn mát nhẹ, không khí oi ả nóng nực ngày thường tạm thời được xua tan, chắc chỉ ít hôm thôi, vì 60 năm tôi cư trú ở thành phố này, trừ một vài năm đi học xa hoặc thuyên chuyển ra miền trung làm việc, chưa bao giờ có được một Noel lạnh lẽo, lãng mạn như văn thơ và hình ảnh thường thấy trong sách báo, trong những tấm thiệp mừng Giáng Sinh. Cũng đúng thôi, miền nhiệt đới gió mùa làm sao có được những khung cảnh như trong nền văn hóa phương Tây.
Lễ Giáng Sinh đã vào với dân tộc này hơn 400 năm rồi, nhưng màu sắc văn hóa Giáng Sinh hình như chưa bén rễ và đâm chồi trong nền văn hóa Việt. Phần lớn trên các cánh thiệp vẫn là cây thông phủ đầy tuyết, những cành lá, hoa quả, sắc màu phương Tây… Những năm gần đây xuất hiện rải rác những hang đá, những y phục của những nhân vật Giáng Sinh mang đường nét Việt, đã có những mái nhà tranh, những con thuyền nhỏ bé, những guồng kéo tơ tằm, những bếp hồng ánh lửa… đã xuất hiện những nhân vật áo bà Ba khăn rằn Nam bộ, những nam nhân trầm ngâm với cái cày cái cuốc.
Về âm nhạc và các ca khúc Đạo, gọi là các ca khúc Đạo vì nó là nhạc đời, nhạc tình ca nhưng mang vác những ý tứ và khung cảnh mùa Giáng Sinh. Hình như từ năm 75 đến nay chưa ca khúc nào có thể đứng lâu hơn một mùa Giáng Sinh và năm mới, người ta dù nhỏ hay già vẫn cứ mặn mà với với những bản tình ca của một thời loạn ly đầy thương đau.
Mùa Giáng Sinh đến đã khơi gợi lên bao tâm tình, cảm xúc và ấn dấu trong lòng con người, dẫu rằng năm nào cũng vậy, 40 năm rồi, nhai đi nhai lại những bài quá cũ nhưng vẫn chưa có bài mới nào “qua mặt” được những bản tình ca này. Ở mặt khác người ta nhận ra cái tư chất rất Việt trong những bài tình ca cũ rích ấy, rất Việt vì trong đó tràn đầy đắng cay của chiến tranh, bom đạn, phiêu lãng những giấc mơ thanh bình, chân chất những lời cầu xin mộc mạc, đằm thắm những mối tình thủy chung.
Mùa Giáng Sinh năm nay lại trở về trên quê hương cùng với bao nhêu là thông tin mang sắc màu xám đậm, ngày nào trên các báo chí cũng như các đài truyền thanh truyền hình tràn ngập các thông tin phản ánh một xã hội rối loạn. Chẳng ai hiểu thấu vụ án sát hại cả gia đình ở Bình Phước mà tòa vừa xử mấy ngày qua, chảng ai hiểu được các đoàn dân oan cứ ngày ngày nườm nượp xuất hiện trên mọi nẻo đường thủ đô, có ai giải lý được chuyện vụ án bách hại các luật sư đang rùm beng ngoài Hà Nội ? Việc người bị triệu tập ra đồn công an tạm giam mấy ngày rồi bất ngờ tử vong cứ đều đặn xảy ra hàng tuần…
Nổi lên trên các vụ án là vụ án “con ruồi trong chai nước”, nổi vì không chỉ trên mạng lưới truyền thông toàn cầu, nhưng ngay các báo giấy chuyên “bảo vệ và tuyên truyền” cho Đảng cũng đề cập đến một cách bực bội.
Cũng chỉ là một trong nhiều vụ án mà oan khiên cứ dai dẳng đeo đuổi nạn nhân, bao nhiêu giấy tờ để nói cho hết, nhưng ở đây có một chi tiết đặc biệt: doanh nghiệp sở hữu “chai nước giải khát có ruồi” là một doanh nghiệp mà chủ nhân là người có đạo, lại còn là một nhà “hảo tâm” với nhiều công trình tôn giáo. Chắc chắn chúng ta không được phép khắt khe với anh em, càng không được phép khắt khe khi chúng ta đứng ngoài cuộc, không có đủ dữ liệu để kết luận và cũng không có đủ tầm nhìn bao quát vấn đề, nhưng cứ đọc báo, nhất là báo giấy, thấy những lời chất vấn của chủ tọa phiên tòa, những lời bào chữa của luật sư và nhìn hình ảnh người tù tỉnh Tiền Giang ôm đứa con thơ dại ngồi trong vành móng ngựa, chung quanh bao vây bởi cả một dàn CA sắc phục hùng hậu. Chẳng lẽ những người có trách nhiệm xã hội có thể dễ dàng an tâm với một bản án như thế không ?
Chuyện các doanh nghiệp có đạo, lại là các nhà hảo tâm tôn giáo, xây dựng hình ảnh mẫu mực từ thiện cho cả Tổng Giáo Phận Sàigòn, thế mà từ lâu nay không ít kẻ trong số họ lại dính dáng khá nhiều đến những hệ lụy xã hội, bóc sức và tiền lao động công nhân, hoặc buôn bán thịt thối, thịt bẩn, mổ súc vật lậu, bị nhiễm bệnh, đút lót các khâu kiểm tra an toàn thực phẩm để tuồn hàng vào thành phố…
Và bây giờ thì là vụ… con ruồi. Dư luận dấy lên vì vấn đề đạo đức làm người chứ không chỉ là chuyện hình sự hay kinh tế. Thân phận con người với rất nhiều giới hạn là chuyện dĩ nhiên, nhưng làm ăn kiểu đó mà trong phòng khách treo đầy hình các Đấng các Bậc trong Giáo Phận đến thăm viếng, tiệc tùng, lễ lạc, kể cả hình các Đấng ân cần đi thăm vợ của họ đẻ ở nhà thương thì thật là ố danh sự đạo không thể tưởng tượng được !
Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn miệng lập lại lời Tin Mừng dưới nhiều hình thức khác nhau: “Hãy hoán cải để thay đổi cách ứng xử”. Xin cho những lời này có nhiều cơ hôi thâm nhập vào mọi nơi mọi lúc.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 19.12.2015

No comments: