Thursday 30 October 2014

Lm Kevin O'Shea CSsR Ơn Cứu Chuộc: Kinh-nghiệm thần-bí nơi đạo Hồi: thách-thức niềm-tin Hồi-giáo



Chương Bẩy 
Cứu-Chuộc thế-gian
qua các đạo trên trần-thế
(bài 38)



                     
Phần 5:
Kinh-nghiệm thần-bí nơi đạo Hồi:
thách-thức niềm-tin Hồi-giáo


Với đạo Hồi, mọi ngôn-sứ trích-dẫn ở Kinh-thánh, đều là một. Điều này có nghĩa: các ngôn-sứ, đều làm chứng cho bản-chất ban-sơ của con người như tạo-vật hoàn-toàn khuất-phục một Đức Chúa. Không Giao-ước nào, mang nhiều tính “cổ-sử” như Giao-ước đầu đời, về tạo-dựng. Bởi, bằng vào giao-ước này, con người đã khuất-phục Đức Chúa ngay từ thuở ban sơ chưa có thế-giới. Điều này, cũng trùng-hợp với việc tạo-dựng và trùng cả với việc Thiên-Chúa thiết-lập Giao-ước với “người-đầu-tiên-Ađam-là-thọ-tạo. Và, “thọ-tạo-đầu-đời-là-Ađam” đã biết khuất-phục Thiên-Chúa, từ muôn năm trước.

Cụm-từ “Hồi-giáo”, dịch cho sát, là: thứ đạo khuất-phục Thiên-Chúa Tối-Cao. Bởi, bản-thể người là “tạo-vật thuần-thục”, tức: tên gọi của người Hồi-giáo có uy-lực. Và, đó cũng là điều mà thần-học-gia Karl Rahner, từng bảo: ta nên gọi họ là nhóm “Hồi-giáo khuyết-danh”, mới đúng. Những gì tốt-lành, ta có được từ Thánh-kinh Do-thái-giáo và Kinh Sách ở Đạo Chúa, là truyện kể về thứ đạo rất khuất-phục (mà ta gọi đạo của họ là Hồi-giáo) tức: của chúng-dân ngang qua niềm tin vào Thiên-Chúa Độc Nhất, rất Vô-Thường. Đây là sứ-điệp Chúa mặc-khải cho các ngôn-sứ như: Abraham, Môsê và Đức Giêsu. Với Đạo Hồi, sứ-điệp này bị người Do-thái khi xưa và Đạo Chúa lâu nay hủ-hoá, nên đã trở-thành tệ-hại như hôm này.

Người Đạo Hồi thường nói: Thiên-Chúa đã mạc-khải chính Ngài qua lịch-sử. Nhưng với Đạo Hồi, thì những gì Chúa mặc-khải ở kinh Koran, không liên-quan đến lịch-sử, gì hết. Họ vẫn nghĩ: chính Thiên-Chúa đích-thân truyền-ban sứ-điệp của Ngài (tức kinh Koran) qua trung-gian tổng-lãnh thiên-thần Gabriel đến với Ngôn-sứ Mohammed để hiện-thực. Thông-điệp Ngài ban-truyền, không bị hủ-hoá chút nào hết, bởi Thông-điệp ấy không nối-kết với lịch-sử của dân con phàm-trần. Thông-điệp này, là những gì đến từ môi/miệng Chúa và ngôn-sứ Mohammed chỉ là người chuyển-tải nó theo cách tinh-thông, trong-lành thôi. Bằng vào cung-cách ấy, ngôn-sứ Mohammed đã chỉnh-sửa các ngôn-sứ khác, trong đó có cả Đức Giêsu, của Đạo Chúa.             

Ngôn-sứ Mohammed đã làm thế đối với Kinh Koran. Thật ra thì, Kinh Koran lại đã xác-nhận, thay thế và hoàn-thiện-hoá sứ-điệp khuất-phục được Chúa ban cho con người như đã kể ở Thánh-Kinh. Kinh Koran, trở-thành thứ kinh chuẩn-mực để chọn ra bất cứ chương/đoạn nào trong Kinh-thánh mà người chọn/tuyển nghĩ rằng: chương ấy đáng được ta lưu-giữ. Nói thế, cũng như thể bảo: Kinh này, mượn tạm tư-tưởng của các Giao-ước, gồm Cựu và Tân-ước. Nhưng, các vị lại loại-bỏ các chương/đoạn lấy từ bối-cảnh lịch-sử xuất-hiện ở nơi đó, rồi tháp-nhập và sắp xếp lại cho mới mẻ. Chẳng hạn, Kinh Koran giữ lại sự-kiện Đức Giêsu sinh ra, do bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, là nhờ vào quyền phép của Chúa Thánh Thần.

Nhưng, Kinh Koran lại “im hơi lặng tiếng” không nói gì đến Bài-Giảng-Trên-Núi do Đức Giêsu thực-hiện ở Tân-Ước. Kinh Koran, còn lặng câm cả về cái chết của Đức Giêsu trên thập-tự và về sự Sống Lại của Ngài, nữa. Abraham, tổ-phụ của lòng tin nơi người trải-nghiệm về sự khuất-phục Thiên-Chúa Độc-Nhất Vô Nhị.

Hồi-giáo không am-hiểu Đạo Chúa và Do-thái-giáo. Đạo Hồi, cũng không am-tường nguyên-lý cùng kinh-sách căn-bản của Đạo, nói chung. Mọi ý-tưởng về Đạo của Ngài ở Kinh-thánh, đều tùy vị-trí tiên-khởi của mặc-khải, nơi lịch-sử. Thiên-Chúa ở Kinh-thánh, là Đức Chúa của lịch-sử, trước khi Ngài là Chúa Tể vũ-trụ. Thiên-Chúa của Do-thái-giáo và Đạo Chúa đã viết nên lịch-sử, trước khi được viết thành Kinh Sách hoặc trước khi Ngài mặc-khải bất cứ sứ-điệp nào. Chỗ đứng của các ngôn-sứ trong Kinh-thánh, với tư-cách là người làm chứng cho Chúa, đã diễn-giải việc tùy-thuộc thứ-yếu vào sự hiệp-thông của chính Chúa trong sự-kiện lịch-sử.

Đó, cũng là lý-do cho thấy tại sao Đạo Chúa không công-nhận Kinh Koran như Lời Mặc-khải cho con người qua ngôn-sứ Mophammed được Chúa gửi đến. Đây, cũng là lý do cho thấy: tại sao Hồi-giáo lại khước-từ không công-nhận Đạo Chúa và Do-thái-giáo vào thời trước. Nói theo ngôn-từ Đạo Hồi, thì họ đã bóp méo sứ-điệp Chúa gửi nơi chính Kinh/Sách của họ.

Đối-ứng với việc này, Hồi-giáo lại cởi bỏ tính “trở-nên-một” thực-thụ của Đức Chúa. Từ đó, Đạo Chúa trở-thành Đạo Độc-nhất vô nhị có Thiên-Chúa là Đấng Độc tôn/Duy-nhất trên mọi sự. Người Hồi-giáo, cũng dư biết rằng: Do-thái-giáo và Đạo Chúa tự coi là Đạo Độc-thần, nhưng lại không nghĩ rằng: họ đích-thực đạt tính-chất “Trở-nên-một” không phai-mờ ở nơi Chúa.

Hồi-giáo khẳng-định tính trường-cửu của Thiên-Chúa Độc-nhất qua câu nói: tính giản-dị tuyệt-đối của Đức Chúa Độc-nhất rất lớn lao. Vấn-đề đây, là khuất-phục/thuần-thục sự “Nên-một” của Thiên-Chúa. Khuất-phục, với bất cứ ai hoặc thứ gì khác, là chuyện không thể do tư-duy mà có: vì đó không là Đạo Hồi. Đây, là việc không thể thương-thảo với bất cứ thứ gì. Đức Allah ở Đạo Hồi, không gọi bằng Cha được; và cũng không thể bảo: Ngài có lòng xót thương hết mọi loài. Thiên-Chúa là Đấng Độc-nhất và Duy-nhất. Ngài lớn-lao cao-cả hơn những gì ta có thể suy-tưởng. Thuộc-tính căn-bản và thiết-yếu của Thiên-Chúa, Đấng Độc-nhất và Duy-Nhất chính là sự Cao cả, mà Kinh Koran Hồi-giáo vẫn thường gọi. Họ coi Allah, là Đấng cao cả theo nghĩa đích-xác là bởi Allah không thuộc thế-giới lịch-sử chút nào, nhưng Đức Allah của họ đã ra khỏi nơi đó, cách toàn-vẹn.

Đó, là lý-do cho thấy: tại sao Hồi-giáo không am-hiểu hoặc chấp-nhận Chúa Ba Ngôi hoặc mầu-nhiệm Nhập Thể bao giờ hết. Họ vẫn nghĩ: chấp-nhận Chúa Ba Ngôi, là: ta đi ngược lại tính-chất “độc-nhất vô nhị” của Chúa, rồi. Và Nhập-thể, hiểu theo tính lịch-sử, sẽ nghịch-chống tính siêu-việt tuyệt-đối của Thiên-Chúa. Ý-niệm về Giao-ước do Thiên Chúa thiết-lập với loài người, trong đó có quan-hệ hai chiều về tình-yêu, họ xem đó là chuyện phi-lý. Với người Hồi-giáo, Thiên-Chúa có thể không có con trai. Bởi, nếu bảo thế, thì ta ăn nói làm sao về các thế-hệ có được từ nơi Chúa để rồi sẽ chỉ tư-duy về các thế-hệ trần-tục mà thôi. Với họ, không có Đấng trung-gian nào giữa Thiên-Chúa và loài người. Bởi thế nên, Đạo Hồi không có từ-vựng nào tương-đương với các tên gọi như: giáo-hội, xứ đạo, hàng ngũ giáo-sĩ hoặc các phép bí-tích.



Tư-duy
theo tổng-thể      

Vấn-đề ở đây, là: tính siêu-việt của Đức Giêsu nằm ở Ơn Cứu-chuộc toàn-thể thế-giới. Theo tôi, sự thật hiển-nhiên cần được diễn-giải một cách mạnh-mẽ. Ta không thể đơn-giản chỉ nói rằng: Đức Giêsu là biểu-tượng siêu-đẳng cho Ơn Cứu-chuộc. Là tín-hữu Đức Kitô, ta nói thế còn được, chứ là Phật-tử, hẳn ta sẽ nghĩ đó là Đức Phật, hoặc ai đó trong số các Phật sống, chứ? Có lẽ, cũng nên khẳng-định rằng: ảnh-hưởng ta có trong đầu, là do sự hiện-hữu của Đức Giêsu một cách tư riêng/cá-thể đối với mọi người nơi ta, để ta được chung-phần tham-gia vào Ơn Cứu-chuộc. Và, cũng nên khẳng-định thêm rằng: không ai khác, lại độc-quyền sở-hữu Ơn Cứu-chuộc, cả. Và, không có bất cứ người nào lại sẻ-san Ơn ấy mà không do Ngài, hoặc không ở trong Ngài, được.     
              
Có thể nói một cách ngay-chính rằng: ngày nay, ta khám phá ra sự cởi-mở rất mới mẻ, mở rộng lòng ra với các tôn-giáo khác về Ơn Cứu-chuộc. Theo tôi, ta nên phân-biệt các nhóm nào có nền văn-hoá hoặc xã-hội vốn dĩ quan-tâm đến việc này (như: Phật-giáo chẳng hạn) và kinh-nghiệm đặc-trưng kết-nối sự việc ấy, chính là truyền-thống đạo-giáo. Với tôi, tầm quan-trọng là nằm ở kinh-nghiệm, tức: các vấn-đề mà nhiều nhóm hội/đoàn-thể trong xã-hội đã đi tụt xuống thành chuyện chính-trị, tựa hồ như các nhà phân-tích thời-cuộc mới đây từng nhận-định. Nói chung, thì kinh-nghiệm của người châu Á là kinh-nghiệm về sự tử-tế (như Phật-giáo, là một ví-dụ cụ-thể); về sự kích-ngất (như ở Ấn-giáo). Còn với người phương Tây, thì kinh-nghiệm là kinh-nghiệm về tính Tuyệt-đối, trong đó có sự “tách bạch” khỏi lịch-sử, như người Hồi-giáo từng quan-niệm; hoặc: là kinh-nghiệm về sự dính-dự với lịch-sử, như Đạo Chúa chủ trương. Và, việc này được tô vẽ thêm bằng sắc mầu đặc-biệt của châu Âu, là xứ miền vẫn coi mình là Đệ nhất Thế-giới.

Thật khó đưa ra câu hỏi hầu như không thể giải-đáp cách thông-suốt cho ý-tưởng như: xét các kinh-nghiệm vừa kể, thì kinh-nghiệm nào là thứ “tốt lành” nhất? Nói theo toán-học, thì: chừng như ta vẫn tìm cách bảo rằng: mọi sự và mọi thứ vẫn ngang bằng/đồng-đều, duy có kinh-nghiệm tốt-lành hơn mọi thứ, đó là: sự mâu-thuẫn theo thuyết lưỡng-nguyên thường-tình, ở đời thường. Và, đó cũng là lý-do cho thấy: tại sao đấy không chỉ là vấn-đề về niềm tin mà thôi. Nhưng theo tôi, điều đó còn được coi như vấn-đề của triết-lý lành/đẹp, nếu Giáo-hội ta chỉ mỗi nhấn-mạnh lên nguyên-lý về tính ưu-việt của Đức Giêsu là Đấng Cứu-Chuộc, cần lưu-giữ. Chỉ một lối thoát độc-nhất cho nguyên-lý ấy, là khi con người dần dà lãng-quên, để nó trở-thành vấn-đề “chính-trị”, mà thôi. Nói như thế, tức bảo rằng: ta không nên nhấn mạnh nhiều lên quan-điểm khác-biệt nơi Đạo Chúa, trong khi ta lại cứ cho rằng mình vẫn tôn-trọng các đạo khác. Tuy nhiên, việc này cũng chẳng giải-quyết được gì. Và, ta lại cũng không thể thoát ra khỏi sự mâu-thuẫn vẫn có, trong mọi sự.

Chỉ một cách duy-nhất khiến ta có thể đeo đuổi, là: nhìn vào trong và ngang qua huyền-nhiệm về sự “chết dần mòn”. Một số thần-học-gia cũng từng tham-gia đường-lối này, khi họ cho rằng: quan-điểm chung-cuộc mang tính “cánh chung” sẽ áp-dụng cho việc Chúa tái-lâm, một lần nữa. Với tôi, việc ấy còn quá bí-nhiệm. Nên, tôi chỉ muốn xét về kinh-nghiệm mỗi người chúng ta khi đi dần vào cõi chết, theo cung-cách tư-riêng của mỗi người. Bằng kinh-nghiệm này, tôi sẽ đề-nghị với anh em ở đây, là: ta hãy giáp mặt với Đức Giêsu đang sống động cả trước lẫn sau ngày Ngài Phục Sinh, quang vinh. Giáp mặt, mà không cần khẳng-định mình là ai? Tín-đồ nào, trong cõi nhân-sinh trước khi chết, tức: mình có là Phật-tử, hoặc đạo-hữu Ấn-giáo, hay tín-đồ Hồi-giáo hoặc Kitô-hữu không? Và, cũng không cần biết mình có nghe biết gì về Đức Giêsu hay không. Điều này, đặt mọi người chúng ta vào cương-vị đồng-đều. Nhưng, sự việc hỏi như thế sẽ đặt câu hỏi theo cách nào đây?

Ở đây, tôi có ý-định thuận theo nhận-định của tác-giả Jacques Maritain, khi ông cả quyết rằng: tâm-linh người phàm không sử-dụng hoặc phát-tiết mọi sinh-hoạt cũng như năng-lực nội-tại của mình, khi tạo hình-hài cho xác-thể. Tâm-linh con người, hẳn có nhiều thứ hơn thế, mà có lẽ, đó lại là lý-do cho thấy: tại sao ta hay gọi đó là “thần-tính”. Và có lúc, ta lại cũng gọi đó là “linh hồn”. Hiện khi ta còn sống , thì không thể nào để thần-tính ấy tiếp-cận cái ngoại-lệ trong chính “thần-tính” của riêng ta, và ở cả lai-lịch của ta nữa. Nhưng, mọi sự sẽ đổi-thay khi ta chết đi, hoặc theo cách tốt-đẹp hơn, khi ta ở vào tiến-trình chết dần mòn. Và khi ấy, chức-năng thông-tin của thần-tính sẽ ngưng-trệ và về sau, ta lại có thể bảo: năng-lượng của thần-tính vẫn quen đưa thông-tin cho xác-thể, biết mọi sự và được kéo về với chính thần-hồn đến độ: thần-hồn sẽ còn năng-động thực-sự hơn; và sẽ sinh-động một cách đầy chủ-động hơn bao giờ hết. Và huyền-nhiệm, là ở nơi và ngang qua động-tác đang chết dần mòn, thì: thần-tính/tâm-linh ta, ngay khi đó, sẽ tiếp-cận tất cả mọi thứ của thần-hồn và các thứ ấy chính là ta. Đó, chính là kinh-nghiệm ta có những khuôn mặt/diện-mạo của bản ngã thâm sâu nơi ta được mặc-khải vào lúc nào đó, mà thôi.

Có những trường-hợp ai đó phải có “ơn gọi” rất đặc-biệt/đặc-trưng mới có thể tiếp-cận sự-thể bí-nhiệm được; và, chỉ khi đó, mới có một ít nhận-thức nhờ cố-gắng khai-thác chúng trong lúc còn sống sót ở cõi này. Việc của ta, ở đây, là sống bằng niềm tin và bằng hình-thức trí-tuệ mà Chúa tặng ban cho ta và ta dâng nó cho Chúa ngang qua nguyện cầu cùng hy vọng, khiến cho kinh-nghiệm trọn-vẹn sẽ là của ta vào ngày ta đi vào cõi chết. Xem thế thì, đây sẽ là cuộc cách-mạng về ngôn-từ. Riêng tôi, lại vẫn hy-vọng rằng học-giả Jacques Maritain là ông già “nhà quê” sinh ra ở xứ miền Garonne, nước Pháp là người đệ-tử bé nhỏ của Đức Giêsu, Đấng từng chết đi trong cuộc sống giản-đơn có chiêm-nghiệm, nên đã nhận ra đó là sự thật có thực. Ông cũng từng khám phá ra các giới-hạn nơi cuộc sống của người Công giáo thời cận-đại. Và, ông lại cũng khám-phá ra cả giới-hạn của nền thần-học đầy những ý-niệm cũng như ý-tưởng, để chiêm-niệm.

Tôi cũng hy vọng rằng: những điều đề-cập ở đây, cũng không đi trệch cuộc bàn-luận về các đạo-giáo ở thế-trần. Không đạo nào, kể cả Đạo Chúa, lại sẽ không đặt nền-tảng trên vấn-đề này, khi việc “chết dần mòn” lại đã hiện đến. Mà, tất cả lại sẽ được củng-cố hầu thêm sức sống. Khi chết rồi, ta không còn là Công-giáo, Phật-tử hoặc tín-đồ Ấn-giáo hoặc người theo Đạo Hồi, nữa. Tất cả chúng ta là một. Nhưng, có cái gì đó, nhiều hơn thế. Theo tôi, khi đã mở rộng thần-hồn và thần-tính của mình ra rồi, ta sẽ nhận ra được điều đó cho mọi người chúng ta, bất kể ta thuộc lãnh-vực tôn-giáo nào đi nữa, cũng sẽ giáp mặt trực-thoại với Đức Giêsu sống động, là Đấng từng kinh qua nỗi chết, để đi vào sự Sống Lại. Ta sẽ ngạc-nhiên khi khám-phá ra rằng: không chỉ mỗi ta là người sống thọ đến tuổi nào, mà là: ta sống ở trong Ngài và với Ngài ra sao, đến mực nào thôi. Điều, đưa ta vào với nhiệm-tích “Sống trong Đức Kitô”, tức không người nào trong ta, lại có hiện-hữu xa cách/tách rời, hết. Không ai trong ta, lại có bất cứ hiện-hữu nào ngoài việc “sống-trong-Ngài”. Dù, ta có tạo được sự khác-biệt thế nào đi nữa, ta chỉ làm thế trong hiện-hữu kết-hiệp với Ngài và trong Ngài, thôi.

Và chỉ mỗi việc “sống-trong-Ngài là Đấng từng chịu-đóng-đinh-và-sống-lại”, thì sự việc ấy mới xảy đến, thôi. Mọi sự Ngài làm và chịu đựng trước khi bước vào nỗi chết đều được lưu-giữ, siêu-thăng và biến-đổi hình-hài thành hữu-thể-dễ-tổn-thương-nhưng-đã-sống-lại. Cũng một trình-tự như thế, sẽ xảy ra với ta, là: “ở trong Ngài”. Và, chính khổ-đau và cái chết của ta cũng sẽ được lưu-giữ, siêu-thăng và biến-đổi trong Ngài. Tác giả F. X. Durwell từng cố dạy ta như thế, trong một thời-gian rất lâu.

Làm sao ta biết được điều ấy sẽ xảy ra, trong Đức Giêsu? Chứ không bảo: đã xảy ra với Đức Phật-Thích-Ca hoặc Krishna hoặc Ngôn sứ Mohammed? Tất cả đều nói được rằng: ta chẳng có cách nào để chứng-thực điều đó, hết. Thế nhưng, theo tôi nghĩ: điều này hàm-ngụ giáo-huấn ta vẫn có lâu nay từ Giáo-hội, bằng niềm tin; tin rằng: Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu-Chuộc và Ngài chỉ là Đấng Cứu-Chuộc Duy-nhất đối với ta, và cho tất cả mọi người chúng ta, ở thế-trần.           




                                                  --------------                          
                       


                                                                                                                                    (còn tiếp)

____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch     

Wednesday 29 October 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR Giáo Lý Dự Tòng ĐỨC YÊSU : THỜI RAO GIẢNG



                                        ĐỨC  YÊSU  :  THỜI  RAO  GIẢNG

            Cuộc đời rao giảng của chúa Yêsu diễn tiến trong khoản thời gian 3 năm. Theo dữ liệu từ Tin mừng Yoan, Chúa Yêsu đã 3 lần lên Yêrusalem dự lễ Vượt Qua  (Paskha). Tin Mừng Nhất lãm lại tổ chức trình thuật cách thế nào để nhắm Yêrusalem làm trung tâm kết thúc sứ vụ. Do đó, Nhất lãm chỉ nói đến hoạt động của Chúa Yêsu tại khu vực Galilée và hành trình đi lên Yêrusalem. Hành trình nầy có tính chất đạo lý: Tiên tri là phải chết tại Yêrusalem. Để mở đầu cho sứ vụ công khai, Yêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã có những bước chuẩn bị. Chúng ta cùng tìm hiểu.

          I. CHÚA YÊSU CHỊU THANH TẨY.

          1. Thanh tẩy của Yoan tiền hô.

            - Thanh tẩy tòng giáo.

               Người Do Thái có thanh tẩy tòng giáo cho những dân ngoại muốn gia nhập đạo khỏi những ố nhơ của ngoại giáo. Yoan áp dụng cho toàn dân Do Thái thanh tẩy nầy. Như thế, Do Thái cũng bị liệt vào hàng dân ngoại, là cách xưng thú: họ không còn xứng đáng Dân Thiên Chúa nữa. Yoan thực hiện thanh tẩy là thực hiện ơn thiên triệu làm ngôn sứ của mình cách điển hình.

            - Lời kêu gọi hối cải của Yoan.

              Hàng lãnh đạo tôn giáo Do Thái coi thường phép rữa và lời kêu gọi hối cải của Yoan với lý do họ là Dân Thiên Chúa, tuy rằng thực chất họ đã trở thành dòng dõi con rắn xưa đối địch với Thiên Chúa. Họ cố nại vào dòng dõi xác thịt của mình. Tuy nhiên, Dân Thiên Chúa thời Cánh Chung được tạo nên nhờ thanh tẩy, qua việc hối cải.

              Không di sản nào, dù cao quý, như mặc khải của Thiên Chúa, có thể bảo đảm cứu rỗi, nếu chính mình không dấn thân vào đòi hỏi hiện tại của Thiên Chúa. Đây cũng là thực trạng đáng buồn của nhiều tín hữu ngày nay: tin vào việc giữ lề luật, là có vé vào Nước Thiên Chúa.
           
            - Loan báo Đấng sẽ đến.

              Yoan thông báo Đấng sẽ đến sau nhưng “ mạnh hơn” ( Ikhuros : mạnh hơn nhiều nhân vật như thiên thần, satan…) Đây là Đấng giải phóng, phán xét, được trông đợi. Đấng nầy: Yoan không đáng làm nô lệ hèn hạ nhất. ( mặc dù ông được xem là ngôn sứ vĩ đại ). Lý do: Nô lệ Do Thái không buộc phải cỡi giày, xách dép cho chủ; môn đồ có thể giúp việc cho tôn sư như nô lệ, ngoại trừ việc xách giày. Yoan vạch rõ mình kém xa Đấng sẽ đến cũng như ám chỉ tư cách tư tế của Ngài : Đấng thanh tẩy trong Thần Khí và lữa.

             Thanh tẩy của Yoan được hiểu như 1 nghi tiết áp dụng cho đoàn người hối cải, trông chờ thanh tẩy Cánh Chung để thoát cuộc phán xét sắp đến.
       2. Chúa Yêsu chịu thanh tẩy.

           Tất cả các Tin Mừng đều đề cập đến biến cố nầy, nhưng mỗi thánh sử chú trọng vào các vấn đề khác nhau. Các trình thuật có điểm chung nhất là đề cập đến giờ khai mạc của Mêsia, Con Thiên Chúa, trong Thánh sử.

2.1 Giai đoạn chuyển giao Cựu Ước-Tân Ước.

            Yoan tẩy giả nhận chân vị thế thấp hèn, muốn từ chối thực hiện thanh tẩy, nhưng Chúa Yêsu không chấp nhận. Không phải Ngài khiêm tốn như nhiều người ngộ nhận, cũng như địa vị và thanh tẩy của Ngài sẽ lập cao trọng hơn muôn phần. Ngài chịu lấy vì lý do cao cả : Làm trọn mọi Công Chính. Ngài đến để hoàn tất Luật cũ, vì thế, có từ “làm trọn”.

            “Làm trọn : pleroun” trong kinh thánh có ý nghĩa liên lạc giữa Cựu - Tân Ước. Chúa Yêsu một mặt suy phục Giao ước củ là mặc khải Thiên Chúa chất chứa trong lề luật. Mặt khác, Ngài trổi vượt giao ước cũ vô ngần, vì mặc khải là 1 cục diện tiệm tiến. Như thế, làm trọn là bảo toàn - biến đổi, cải thiện mà vẫn duy trì.

            Công chính là từ ám chỉ Thập giới, ý muốn của Thiên Chúa. Từ nầy trong Tin Mừng Matthêu là sự trọn lành Kitô giáo. Công chính dùng ở đây là công chính cũ, là từ phác họa để đề cập đến công chính mới về sau.

            Chịu thanh tẩy của Yoan, một nghi thức hối cải do vị ngôn sứ giao thời Cũ - Mới thực hiện, Chúa Yêsu trung tín với tiệm tiến của Thánh sử mà chịu lấy thanh tẩy hối cải, tuy Ngài là Đấng vô tội. Chính vì thế, nhờ Ngài, thanh tẩy bằng nước biến đổi bằng thanh tẩy trong Thánh Thần: biểu trưng là thanh tẩy Kitô giáo. Nói nôm na, khi nhận thanh tẩy của Yoan, Ngài tác thánh nên thanh tẩy trong Thần Khí cho nhân loại. Giao ước mới nay thành tựu mọi điều dạy của giao ước cũ. Mọi giới trong luật cũ được giữ trọn và trở nên hoàn bị.

2.2 Thị kiến.

            Các Tin Mừng nói khác nhau về thị kiến. Marco nói Chúa Yêsu thấy và nghe tiếng từ trời nói với Ngài. Matthêu lại nói trời mở ra cách khách quan. Luca nói trời mở ra thật, cảm tưởng ai cũng được chứng kiến, dù rằng ông nhắm đến gương mẫu của Chúa Yêsu đối với mọi người chịu thanh tẩy về sau. Chúng ta cùng tìm hiểu.

            - Trời mở ra :

            Ý tưởng Trời – Đất đóng kín là Thiên Chúa không đi lại gần gũi với dân của Ngài như xưa. Trời mở ra là một đặc ân, là điều kiện dọn đường cho Thần Khí tuôn xuống. Ý tưởng nầy xuất phát từ Ysaia 63, 19, bộc lộ sự trông chờ Cánh Chung dưới hình ảnh 1 cuộc xuất hành. Trời mở ra là thời khai mạc giao ước mới, bắt đầu dưới quyền lực Thần Khí. Thời của những kỳ công Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thời mà Thiên Chúa mở toang các bí ẩn của Ngài để lặp lại liên lạc Cha – Con qua Chúa Yêsu, Con Thiên Chúa. Chúa Yêsu ở đâu, Dân Ngài ở đó. Đấng vô tội Con Thiên Chúa ở giữa những kẻ xưng thú tội lỗi. Hình ảnh vị tôi trung YHWH mang tội nhân loại đã xuất hiện đó đây trong trình thuật.

            - Thần Khí đáp xuống :

            Trình thuật gợi nhớ trong Sách Sáng Thế. Lúc khởi nguyên vũ trụ, Thần Khí đáp xuống để khai sáng công cuộc tạo thành. Thời thành tựu cũng xuất hiện Thần Khí ấy, Thần Khí của Đấng Mêsia.

            - Tiếng bởi Trời :

            Trong Kinh Thánh, Tiếng Thiên Chúa phán chỉ việc tấn phong, trong Ys 42, 1 là tấn phong người Ebed ( Con – Người tôi tớ ) vào sứ mạng ngôn sứ Cánh Chung. Lời tự Trời chứng thực việc tấn phong Ngài giữa dân tội lỗi.

            Thanh tẩy của Chúa Yêsu là bước quyết liệt trong Thánh sử. Cứu độ thánh sử là thể hóa Chúa Yêsu : Ơn Cứu Độ. Ngài sống ơn cứu độ nơi mình Ngài. Thanh tẩy báo trước hướng đi đời nhân thế Ngài. Trình thuật nhuốm đẫm mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh: Ngài xuống nước / Xác Ngài hạ huyệt; Trời mở ra, Thánh Thần xuống, Tiếng tự Trời / Chúa sống lại, được tôn dương bên hữu Thiên Chúa, lãnh lấy Thánh Thần và ban ơn xuống. Như thế, thanh tẩy tại sông Yordan phát họa trước thanh tẩy bằng máu trong khổ nạn và phục sinh. Thanh tẩy của Hội Thánh mỗi tân tòng là thanh tẩy trong sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

            Ý thức tư cách Mêsia, Con Thiên Chúa của Chúa Yêsu đã hình thành trước thanh tẩy và cũng chính vì thế mà Ngài nhận thanh tẩy của Yoan. Ngài chịu thanh tẩy với ý định hiến mình vào sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó, theo xuất xứ Kinh Thánh, để làm trọn mọi nghĩa công chính. Thiên Chúa đã chuẩn y.

           II. CHÚA YÊSU CHỊU CÁM DỖ (Mt 4,1-11 Mc 1,12-13 Lc 4,1-13)

            Nhất Lãm đều nhắc đến các cơn cám dỗ theo thần học riêng, được trình bày tăng dần về tâm lý : Từ miếng ăn đến sự phong phú của cải. Như thế, tóm gọn mọi khu vực có thể làm người tín hữu đã thanh tẩy bị cám dỗ. Luca lại chêm thêm gia phả của Yêsu lên đến Ađam trong trình thuật, gợi nhớ cơn cám dỗ trong vườn địa đàng và sự thảm bại của nguyên tổ. Yêsu, khởi điểm của tạo thành mới, cũng phải chịu thử thách. Ađam cũ ước vọng làm Thiên Chúa, Ađam mới, Con Thiên Chúa, lại quay lưng với vinh hiển trần gian để đi vào con đường vâng phục.

            1. Các yếu tố trong cơn cám dỗ.

            - Sa mạc nơi thử luyện

             Cựu Ước trình bày sa mạc là nơi cư ngụ của những kẻ bị trục xuất, ngoài vòng pháp luật, nơi ẩn náu của mãnh thú, tà ma, quỷ dữ. Mặt khác, các ngôn sứ lại xem đó là thời thanh xuân của Israel khi đính hôn với YHWH, khác xa với cảnh sa đọa tại Canaan. Đó là nơi đào luyện dân trong 40 năm để hình thành Dân Thiên Chúa. Thời gian, không gian nầy cũng ứng với Chúa Yêsu trước sứ vụ rao giảng. Thiên Chúa thường xuyên thử luyện người lành để chứng tỏ lòng trung trực. Abraham, gương mẫu lòng trung tín, bị thử thách hiến tế Isaac.

            - Ma quỷ. ( Avram : Satana )

             Một dung mạo phức tạp trong Cựu Ước, là kẻ chống đối Thiên Chúa và chương trình ân sủng của Ngài. Thử thách trong sa mạc khai mào dấu hiệu chống đối sau nầy. Chúa Yêsu nhận lấy Thần Khí để chiến đấu tiêu diệt quyền lực hắc ám.

            - Chay – Không ăn.

             Matthêu nói ăn chay, Luca bảo không ăn. Chúng ta cần nhớ lại các dung mạo 2 vị ngôn sứ lớn Môsê và Elia. Họ không phải là những nhà tu thân khắc kỷ, nhịn ăn khi tiến lên núi Đức Chúa. Không ăn diễn đạt một ý nghĩa cao quý hơn : Ân huệ tiếp xúc với Thiên Chúa làm người ta quên hẵn nhu cầu trần gian. Như thế, Chúa Yêsu ở sa mạc không phải để tu thân khắc khổ, Ngài dành thời gian tiếp xúc với Thiên Chúa trước khi vào sứ vụ tối hậu.

            2. Những cơn thử thách.

            2.1 Cám dỗ thứ nhất : Hóa đá thành bánh

            - Nếu ông là Con Thiên Chúa : Cám dỗ là thử thách vâng phục. Trong Tin Mừng, Con Thiên Chúa đi liền với vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Yêsu Con Thiên Chúa không như Israel con ngỗ nghịch. Vâng phục là đòn chí mạng đánh vào quyền môn âm phủ.

            - Đá – Bánh : là thử thách thường tình nơi thường nhân, là các cám dỗ ước muốn thị dục. Đá hóa bánh là biến đổi sa mạc thành địa đàng, là phép lạ cánh chung khai mạc cho sự tái tạo vũ trụ. Nếu thực hiện, Chúa Yêsu làm vì chính Ngài ( đói ). Thay đổi điều kiện sống bằng quyền năng không phải là thái độ hoàn toàn vâng phục của Con Thiên Chúa. Sau nầy, Ngài hóa bánh ra nhiều, nhưng là vì chạnh lòng thương, chứ không phải mong sự vinh hiển thế trần.

            - Bánh – Lời Thiên Chúa : Sinh hoạt nhân loại cần yếu tố lương thực và Lời Chúa. Tuy nhiên, Lời Thiên Chúa cao trọng hơn nhiều vì có hiệu lực gầy dựng sự sống. Khi ma quỷ gợi ý sử dụng quyền năng của Ngài, Chúa Yêsu đáp trả bằng điều bắt buộc với bất cứ người nào, là sự vâng phục ý định Thiên Chúa. Vâng phục Thiên Chúa bảo đảm sự sung mãn thật. Yêu sách đòi dấu lạ từ trời là yêu sách ma quỷ.

            2.2 Cám dỗ thứ hai : Nhảy xuống khỏi Đền thờ.

            Phải hiểu không phải xui dục Chúa Yêsu làm dấu lạ để tỏ cho dân thành Yêrusalem vào Đền Thánh chứng kiến. Trình thuật nói không ai chứng kiến.Khi đặt vị trí cơn thử thách tại Đền Thờ là đề cập sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân của Ngài. Nói thế để buộc người đọc phải liên tưởng đến sứ vụ Mêsia. Chúng ta lại bắt gặp ý tưởng thử thách Con Thiên Chúa : Dùng quyền năng Thiên Chúa để thực hiện Ơn Cứu Độ theo hướng tôn vinh mình. Chúa Yêsu đáp lại : vâng mệnh  thực hiện sứ vụ theo Thánh Ý Thiên Chúa của Ngài, là Mêsia phải chịu thống khổ, chết, mới vào vinh quang Thiên Chúa.

            Thử thách Thiên Chúa, bất kỳ nguyên nhân gì, là phủ nhận Thiên Chúa quan phòng theo ý định Ngài.Yêsu Con Thiên Chúa, sống địa vị phàm nhân trong Thánh Ý, quyết không thử thách Thiên Chúa.

            2.3 Cám dỗ thứ ba : Vương quyền

            Vị trí được nói là trên núi cao, gợi ý lại núi Mêbô, nơi Môsê được chiêm ngắm Đất Hứa. Luca không đề cập đến núi. Với thánh sử, núi là nơi dành riêng để gặp gỡ Thiên Chúa, Môsê và Elia gặp Thiên Chúa trên núi Khoreb, Thiên Chúa được mạc khải trong Sách Sáng Thế là Thần Núi ( El Shadday ). Đó là nơi Chúa Yêsu gặp gỡ Chúa Cha, ma quỷ không thể héo lánh.

            Thử thách nầy ma quỷ hứa ban ngay quyền bính Thiên Chúa. Luca  đề cập việc satan nói đến quyền trên vũ trụ, được trao cho nó, gợi ý từ ngày Ađam – Eva bất tuân, sa ngã. Satan đã thống trị trần gian như chúa. Luca ngầm nhắc nhớ tín hữu phải thắng thị dục tham lam, nhờ các thị dục nầy mà satan được thờ lạy.

           Chúa Yêsu chống lai quan điểm đã làm vấp ngã thế giới Do Thái, ngay đến các tông đồ, về quan điểm Mêsia của satan. Mêsia đích thực là Đấng phải qua khổ nạn, chịu chết, rồi mới phục sinh  để hoàn tất trọn vẹn Ý Định Thiên Chúa: Ý định muốn thay đổi dứt khoát điều kiện sống của nhân loại. Tâm điểm của thử thách không chỉ là vâng phục, mà còn vâng phục cho đến chết.

            3. Kết thúc thử thách.

            Luca cho thấy thử thách chưa kết thúc mà chỉ là cuộc đình chiến tạm thời, dành lại cho cuộc quyết thắng phụ cuối cùng nơi vườn Ghetsêmani và trên thập giá. Trình thuật gợi ý các tín hữu cần tỉnh thức cầu nguyện để không sa ngã cho đến tận giờ phút cuối cùng cuộc đời trần thế.

            4. Ý nghĩa của các cơn thử thách.

            - Chúa Yêsu, Con Thiên Chúa đầy Thần Khí, Đấng mà thiên thần hầu hạ và ma quỷ phải tháo chạy, chiến thắng các mãnh lực tối tăm, bằng việc vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Đó là hy sinh chính mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhân loại.

            - Đây là thời kỳ đánh dấu nhân loại mới: Ơn Thánh Thần được ban xuống và ma quỷ bị đánh bại. Dân mới được thành lập trong sự vâng phục Ý định của Thiên Chúa, thời mà vương quyền Thiên Chúa khôi phục.

III . LỜI RAO GIẢNG TIÊN KHỞI. ( Mt 4,12-17 Mc 1,14-15 Lc 4,14-15 )

Chúng ta phân biệt một chút trong ngôn từ ở phần nầy, chúng tôi muốn đề cập tại mục nầy là lời đầu tiên của Đức Yêsu được các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm toát yếu lại trong câu : “Thời buổi đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng ” chứ không phải lời rao giảng tiên khởi của các Tông đồ ( Kerygma ).

Thật ra mà nói, ngay câu trên cũng đã phần nào doãn lại lời rao giảng của các Tông đồ vì Nhất Lãm được biên tập lại sau những rao giảng đầu tiên của các ngài. Tuy nhiên, như đã nói ở phần đầu, có những ngôn từ đặc biệt mà chính Đức Yêsu dùng và được giữ nguyên tính chất đặc thù. Chúng ta cùng tìm hiểu.

Trước tiên, chúng tôi xin không so sánh đoạn văn lời giảng nầy giữa các tác giả Nhất lãm  vì có đôi nét khác biệt, chẳng hạn trong Marcô câu nầy có 4 mệnh đề trong khi Matthêu chỉ có 2. Nếu bạn nào có nhã hứng tìm hiểu chúng tôi sẵn sàng cung cấp tài liệu để tham khảo vì các vấn đề nầy liên quan đến công việc chuyên môn của các nhà chú giải và đối tượng khác.

1.      Thời buổi đã mãn .

Từ “ đã mãn” là một từ thần học trong thánh sử. Ý nghĩa của nó là hạn giờ đã định trước  đến rồi, không còn phải chờ gì trong tương lai nữa. Chữ nầy hàm ý thời gian lịch sử như một bình chứa thóc, được đổ đầy đến hạt cuối cùng, vô phương thêm bất cứ hạt nào. Chúa Yêsu xác định: đây thời buổi của Ngài trong thánh sử của Thiên Chúa. Với sự xuất hiện của Ngài, Thiên Chúa đã can thiệp đến cùng tận. Cách nói khác là Lời Hứa Cứu Độ mà mọi người mong ngóng đã được Thiên Chúa thực hiên.Làm sao biết đã thực hiện?

Chúng ta có đoạn Tin Mừng của Matthêu để xác đinh : Trong tù, Yoan nghe biết các việc Đức Kitô làm thì nhờ môn đồ ông nhắn nói với Ngài “ Có phải Ngài là Đấng sẽ đến hay chúng tôi phải đợi người khác” Đức Yêsu đáp lại và bảo họ “ Các ông hãy đi tin lại cho Yoan mọi điều tai nghe mắt thấy. Mù được sáng mắt và què được đi, phung hủi được sạch và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe Tin Mừng, và phúc cho người không vấp ngã vì ta ” ( Mt 11,2-6 ) chúng ta thấy đoạn trên nhắc lại lời ngôn sứ Isaia tại các đọan 26,29,61 nói về Đấng Mêsia nay đã thành tựu nơi Ngài. Ngoài ra, trong nhiều đoạn khác chúng ta cũng có những điều như vậy cho thấy lời hứa đã được thực hiên.

2.      Nước Thiên Chúa đã gần bên

Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là hai kiểu nói không khác nhau. Matthêu hay dùng tiếng Nước Trời vì người Do Thái thường dùng để tránh kêu tên Danh Thánh Thiên Chúa, một dạng như sợ phạm húy.

Khi nói đến Nước, quốc gia, chúng ta thường nghĩ đến một khu vực, nơi chốn đặt dưới quyền một ông vua. Trong tiếng Hy Lạp hay Avram từ Nước ( Malkut ) thì nghĩa trước tiên là địa vị, quyền bính cai quản của ông vua. Từ đó, chúng ta hiểu Nước trước hết là vương quyền, quyền cai quản của một vị vua, sau đó mới đến khu vực đặt dưới sự cai quản đó.

Vương quyền trong Cưu Ước hàm nghĩa Yahveh Thiên Chúa là vua, chỉ đến mối liên lạc giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Điều nầy muốn nói rằng, Yahveh có quyền định liệu về dân của Ngài và dân đó để làm sáng Danh Ngài. Ngược lại, dân có thể núp bóng Ngài. Yahveh cho dân được sống và giải thoát  dân khỏi hoạn nạn tai ương. Sau khi Israel mất nước, bị lưu đày thì làm gì có vua nữa, thì đây, Yahveh là vua, đồng nghĩa với Đấng Giải Thoát.

Nước Thiên Chúa, là tiếng dùng trong ngôn ngữ Do Thái, bao giờ cũng hàm chứa từ Vua bên trong, nên cũng có nghĩa như triều đại Thiên Chúa. Vào thời đó, quan niệm về Nước Thiên Chúa đối với dân chúng, cơ hồ chỉ là tìm kiếm một người họ có thể trông cậy, bảo đảm cho họ nhu cầu cơm bánh. Chính vì thế, sau phép lạ bánh hóa nhiều, họ tìm Ngài tôn làm vua, nhưng câu trả lời Ngài như gáo nước lạnh vào mặt. Đó là dân chúng. Ngay các môn đồ đi theo Ngài cũng nuôi hy vọng chính trị về Nước Thiên Chúa. Khi nghe mẹ hai ông Yoan và Yacôbê xin cho con, đứa ngồi bên hữu, đứa bên tả các ông đã chẳng phẩn uất lên đó sao. Những môn đệ kế cận, được huấn luyện, nghe giảng mỗi ngày, mà như chưa hề nghe Ngài rao giảng bao giờ về Nước Trời. Như thế, những điều mong đợi về Nước Thiên Chúa, mỗi phe nhóm đều có những dự tưởng riêng và đều xãy ra không như họ dự tưởng. Chúa Yêsu không hề rao truyền những Nước Thiên Chúa theo cách của họ.

Thật ra, để đi tìm một định nghĩa Nước Thiên Chúa cụ thể, từ Đức Yêsu trong Tin Mừng là gì thì không thấy. Ngài dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, ngõ hầu người đời cảm nghiệm, thông qua các kinh nghiệm mà họ đã có. Đây được coi như một nét đặc thù trong tính tình, và cách giáo huấn của Ngài. Nước Trời được ví như hạt giống, như mùa gặt, như chủ nhà đi phương xa không biết lúc nào trở về, như viên ngọc quí được che dấu, thậm chí như người quản gia bất lương… rất nhiều và rất nhiều dụ ngôn như vậy. Mục đích của lời rao giảng nầy để lôi kéo người ta  nhận biết Nước Trời đến trong những điều trước mắt người ta, đặt người ta trong trạng huống phải biết chọn lấy một quyết định. Ở đó, người ta cảm thấy sự tự do của mình  bị đặt trước các đòi hỏi của Thiên Chúa và bị dồn đến giờ phút phải có một thái độ dứt khoát chọn lựa lập trường. Chính ngang qua các dụ ngôn Đức Yêsu dạy cho các môn đệ hay cho người đương thời. Ngài nói chung chung hoặc ám chỉ. Phải khi đi qua biến cố chết và sống lại của Ngài, người ta mới nhận chân được thực sự Ngài chính là Nước Trời đã đến cho nhân loại. Nơi Ngài, loài người gặp được Thiên Chúa đích thực.

“Đã gần bên ” nghĩa là hầu như đến rồi. Câu nầy muốn nói Nước Trời đã gần đến độ bây giờ bắt đầu thực hiện. Tất cả sự mong chờ và báo trước trong Kinh Thánh đã hiện thực vì giờ Thiên Chúa định đã điểm. Thời đã mãn là thời phải quyết định và buộc phải quyết định trước lời hiệu triệu : “ Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”

3.      Hãy hối cải .

Hối cải trong Cựu Ước có nghĩa là trở về (Shub) hàm nghĩa chúng ta có quê quán  đầu tiên mà đã bỏ đi nơi khác thì nay trở về quê ấy. Đây là từ rất hay để chỉ quê thật ta là nơi Thiên Chúa, mà chúng ta đã lìa bỏ vì tội lỗi, thì nay quay về quê thật. Vậy là phục hồi lại tình trạng đầu tiên tốt lành nhất mà mình đã bỏ đi. Tuy nhiên, từ hối cải dùng trong Tân Ước lại là Mêtanoia lại có nghĩa là đổi ngược lòng trí, thay đổi tâm linh, thay đổi tâm địa, đổi mới toàn diện từ bên trong sâu thẳm, thay đổi tận gốc. Như thế hối cải là quay lưng lại với quá khứ vì mình đã nhận được cái mới đến với chúng ta, cái mà Thiên Chúa loan báo cho chúng ta bằng lời của Đấng Thiên Sai.

Lời kêu gọi nầy chúng ta thường xuyên gặp lại trong Tân Ước, là lời kêu gọi phổ quát cho mọi người đã nhận lấy đức tin, nhưng đặc biệt cho những người mới nghe lần đầu tín thư Tin Mừng là các anh chị, các bạn.

4.      Tin vào Tin Mừng.

Đây là xác định nội dung cho việc trở lại. Không phải trở lại với giao ước cũ nhưng trở lại với lập trường Tin Mừng, là cái mới toàn diện của Thiên Chúa được Đức Yêsu loan báo, là chính con người Chúa Yêsu Kitô với thân thế và sự nghiệp chết và sống lại của Ngài. Thế nhưng các anh chị có thể hỏi ngược chúng tôi : Mới xuất hiện rao giảng chứ đã chết và sống lại đâu  mà vội nói Tin Mừng chính là con người Chúa Yêsu mà cao điểm là sự chết và sống lại của Ngài ?

Không sai. Chữ Tin Mừng dùng đầu tiên trong Hội Thánh, như Phaolô rao giảng, đồng nhất với sự chết và sống lại của Chúa Yêsu. Vậy “ Tin vào Tin Mừng ” đầu tiên trong Hội Thánh chính là tin vào sự chết và sống lại của Chúa Yêsu. Các thánh sử, đặc biệt là Marcô phải soạn “ Tin vào Tin Mừng”  vào miệng Đức Yêsu vì không thể kêu gọi người ta tin vào sự chết và sống lại của Ngài ngay từ đầu sứ vụ rao giảng. Tiếng Tin Mừng nói lên tất cả lời loan báo cứu độ của Hội Thánh và từ nầy đạt đến nghĩa tuyệt đối nên được dùng đồng nhất với chính Thiên Chúa và Chúa Yêsu Kitô. Như thế :

Tin vào Chúa Kitô = Tin vào Thiên Chúa = Tin vào Tin Mừng.

Ngang qua lời nầy, chúng ta thấy, đây là lời của Marcô, vì phải sau thời Chúa Yêsu mới có những lời như thế. Vậy, đây là lời toát yếu của soạn tác, nên phải sắp xếp bố cục hành văn, để chuyển khúc từ phép rữa cho đến sứ vụ Galilêa. Có thể nói câu nầy là tóm lược toàn bộ sứ vụ của Chúa Yêsu.

Nếu chỉ đọc Tin Mừng nhất lãm, chúng ta sẽ thấy mù mịt về câu nầy. Thế nhưng, với Tin Mừng của Yoan, chúng ta có cái nhìn rõ hơn. Tin vào Tin Mừng có nghĩa đầu tiên là tin theo Yêsu, Đấng được Cha sai đến. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Tin vào Tin Mừng là tin vào đạo lý của Ngài, vào Lời ban sự sống của Ngài. Cuối cùng, với biến cố phục sinh, Tin Chúa Yêsu sống lại và thực hiện vị thế làm Chúa của Ngài trong vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa.