Saturday 28 June 2014

Lm Kevin O'Shea CSsR: Ơn Cứu-Chuộc và lời cầu Chúa xót thương



Chương Bốn
Cứu-Chuộc
nhờ tình Thương-yêu Công-chính
(bài 21)


Phần 2:
Ơn Cứu-Chuộc
và lời cầu Chúa xót thương

          Tham dự Tiệc Thánh, ta thường dâng lên Chúa lời kinh mai như sau:

                     “Lạy Chúa, xin dủ tình thương xót chúng con,
                     “Lạy Đức Kitô, xin dủ tình thương xót chúng con.”

         Với từ-điển Oxford khổ nhỏ, lòng xót thương đã được định nghĩa, như sau:

“Xót thương là: lòng trắc-ẩn độ-lượng vẫn phú ban cho người không          quyền-lực, đặc biệt là những người phạm lỗi, hoặc ai đó, tuy không đòi hỏi nhưng vẫn được đối-xử tử-tế tốt-lành, cả vào trường-hợp có sự cung-kính rất trông mong.”

Vì trông mong, nên người người vẫn tự đặt mình luôn sẵn-sàng hứng-nhận lòng từ-bi, trắc-ẩn từ Đức Chúa với lòng tin-tưởng vượt bực, như kẻ phạm lỗi trước phiên toà xét xử về sự công-bằng nơi nhân-loại. Từ-vựng “Mercy” bên tiếng Anh, xem ra như còn đề-nghị nhiều điều vượt cả sự công-minh/chính-trực, vượt lằn ranh giới-hạn tình xót-thương bình-thường, nữa. Nơi phụng-vụ, ta còn nghe biết lời cầu Chúa xót-thương, như ở câu: “Lạy Thánh-Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!” Thương xót đây, mang ý-nghĩa một đợi-trông rất cẩn-trọng. Cẩn-trọng để Chúa xót-thương những người cầu-khấn được miễn-chuẩn, không đòi phải sống tốt đạo/đẹp đời, mới được thế.

Ở Sách-Thánh, từ-vựng “xót thương”, cũng ít thấy. Đúng hơn, ta chỉ thấy sự tin-tưởng trọn-vẹn vào Đức Chúa, là Đấng thương-yêu con người vẫn rất mực. Và, Ngài sẽ còn yêu-thương ta mãi đến muôn thuở, muôn đời. Với Thánh vịnh 25, người cầu-khấn vẫn đưa vào lời kinh đêm, những câu nói thân thương, như sau:

                     “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
                      Ngài từng biểu-lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25: 6)

Xem thế thì, đây là chuyện Chúa vẫn gần cận, thân thương với con người. Ngài vẫn tỏ lòng từ-ái thủy-chung với họ từ ngàn đời; và lòng nhân-ái ấy sẽ còn kéo dài mãi đến thiên-thu. Nơi lời kinh đêm hôm trước, người người lại vẫn dâng lên Chúa lời cầu-khấn thân-thương, như sau:

                            “Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
                       nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25: 7).
Lầm lỡ/trót dại thời son trẻ, thật ra chỉ là đốm sáng hiện trên màn hình của thời bé bỏng đã qua trong dĩ-vãng, không thể nào khiến Chúa bận-tâm chia-trí, hoặc lo ra được. Bởi thế nên, lời kinh hôm nào lại vẫn nhắc:

                       “Xin Ngài đừng nhớ đến những lỗi/tội con trót phạm,
                       nhưng hãy lấy tình thương-yêu mà nhớ đến con cùng.”

Tình thương đây, tiếng Do-thái gọi là “hesed”, tức lòng từ-ái, mẫn-cảm kéo dài đến thiên-thu, vạn-đại. Tiếng Aram xưa, gọi đó là “rahamim”. Còn tiếng La-tinh, lại dịch là lòng mẫn-cảm đầy thương-xót. Sách thánh bản Vulgata có chữ “Douai” ý nói lòng trắc-ẩn, độ-lượng. Tiếng Do-thái sử-dụng từ-vựng này ở số nhiều, là do từ thuở ban-sơ thời nguyên-thủy đã có từ-vựng mang nhiều nghĩa, như: tình dịu hiền êm ả, sự tử-tế tốt-lành, lòng mến-thương độ-lượng, nhiều trắc-ẩn. Thế nên, từ-vựng “Mercy” ở tiếng Anh không bao-hàm nhiều nghĩa đến độ thế.

Một số dịch-giả Kinh thánh bản 70, khi xưa cũng tìm cách dịch chữ “oiktimoi” ở tiếng Hy-Lạp cho đúng văn-bản gốc, nhưng bản dịch chính lại ghi là “lòng dạ đầy trắc-ẩn”. Thánh-vịnh lại có câu: “Hãy đem nó vào lòng dạ xót-thương đầy trắc-ẩn”. Tác-giả Tyndale gọi đó là “lòng trắc-ẩn dịu êm”. Còn, thánh Giacôbê khi trước, lại nói đến đặc-tính cảm-thông từ Đức Chúa. Nên hỏi rằng, thật ra thì lời kinh hôm dâng Chúa ở Tiệc Thánh như câu: Kyrie Eleison, Christe Eleison thật ra mang ý-nghĩa gì?


Tình-yêu
Qua kinh-nghiệm chú-giải                   
của Lm Christian Duquoc, o.p.

Những điều nhắc đến ở trên, có nói về tình thương-yêu cách chung chung, hoặc có bàn về loại-hình mến-mộ Chúa vẫn tỏ-lộ cho con người, chứ? Phải chăng, ta có nói cho nhiều, cũng diễn-tả không đủ tình Chúa thương-yêu con người và sự công-minh Ngài vẫn có, đúng thật là một, ư? Nhưng vấn-đề là hỏi rằng: làm sao lại như thế?

Lm Christian Duquoc o.p. cũng từng đặt câu hỏi: Đức Giêsu là Ai? Ngài thương-yêu con người đến độ nào?

Đức Giêsu xưa vẫn phán: thời buổi đã mãn. Thế nên, ngay từ đầu, Ngài cũng không đặt nặng những gì tuỳ-thuộc vào “thời buổi” theo hướng cơm-áo-gạo-tiền, hoặc theo nghĩa chính-trị và quyền-bính nơi đạo-giáo -như trình-thuật cơn cám-dỗ đầu lúc Chúa khởi sự cuộc sống công-khai đời rao giảng. Buổi đầu đời, Ngài không nhấn mạnh đến những gì khả dĩ khiến ta làm lại cuộc sống; hoặc: cải-thiện lịch-sử cách triệt-để, nào hết. Ngài cũng chẳng nối-kết với bất cứ đường-lối diễn-giải lịch-sử nào hết. Giả như ta nhận ra những điều như thế về Đức Giêsu, hẳn ta cũng không còn cách nào sử-dụng viễn-ảnh lịch-sử như đường lối chính-thức để hiểu rõ Ngài. Ta cũng chẳng tài nào hiểu được ý-nghĩa của sự việc giải-phóng hoặc chính đạo-giáo nữa. Điều này có ý bảo: Đức Giêsu đã tách rời khỏi mọi thứ đạo-giáo, hoặc theo cung-cách lịch-sử từng nhận-thức và thực-hiện, cho đến nay. Các phòng-trào này/khác ở lịch-sử hoặc đạo-giáo, vẫn chỉ tương-đối, thôi. Tương-đối, cả về thành-quả lẫn thất bại. Thiên-Chúa là Đấng siêu-việt, Ngài khác hẳn mọi thứ như thế. Do khác biệt, nên Ngài có khả-năng ở với nhân-loại cả vào lúc con người thành-công lẫn thất-bại. Mà, Ngài cũng chẳng cần dựa vào thành-quả hoặc thất-bại để đánh-giá con người. Ngài ở với con người, cả trong bản-chất rất thường tình của họ, chẳng cần họ thành-công hay thất-bại.

Đức Giêsu lâu nay sống-thực bằng nhận-thức rằng: tất cả những gì diễn-tiến trong lịch-sử và cuộc sống con người, và Ngài coi đó như những “mảnh vụn nhỏ”, tức một thứ gì đó không hoàn-tất. Ta nói thế, vì con người không biết đó là thứ gì, bởi ta không thấy và cũng chẳng nắm bắt được phần tổng-thể của những thứ như thế. Trong khi đó, Chúa lại trực-tiếp có cảm-quan về một Thiên-Chúa rất khác-biệt. Ngài có trực-cảm là ta phải làm sao để các mảnh vụn vẫn cứ là mảnh vụn. Ta không có khả năng tạo quan-niệm hoặc hoàn-tất “tổng-thể” ấy hầu để nó ăn khớp với những mảnh vụn như thế; và làm như thế mới tạo được ý-nghĩa cho mọi sự. Ta phải sống sao không cần đến những đó. Và, ta còn phải từ-bỏ lối sống kết-tụ không-tưởng đầy ngẫu-hứng giống như thế.

Đức Giêsu, thật ra, Ngài không muốn áp-đặt bất cứ hình-thức xã-hội hoặc mẫu-mực nào về chính-trị, đạo-giáo hoặc loại hình biến-đổi thiên-nhiên, hết. Bởi làm như thế, tức là ta đã chống lại nhận-thức về “mảnh vụn”.

Đức Giêsu từng học hỏi kinh-nghiệm sống tình-yêu bí-nhiệm ở trong và về các “mảnh vụn” thấp-hèn và thô-thiển, vốn dĩ không thể trở thành tổng-thể hoặc thành-phần tổng-thể ấy. Đó chính là “tình yêu” đơn thuần, bởi chỉ có tình-yêu mới tôn-trọng bản-chất đích-thực của “mảnh vụn nhỏ”. Đây, rõ ràng là sự độ-lượng nơi Tình Chúa thương-yêu ta.

Hồng-phúc an-lạc, diễn-tả uy-lực biến-đổi đang gần cận bên ta –nơi thế-giới gồm những “mảnh vụn nhỏ” có sự độ-lượng được kề-cận Chúa- vốn dĩ gắn liền vào sự thấp-hèn và thô-thiển. Lịch-sử cần gần-cận, chứ thật ra không là diễn-giải, phát xuất từ điểm tới của những yếu kém này.

Chính các “nơi” này, đích-thực là nơi dấy lên một sự sống vượt khỏi mọi khinh-miệt và bao-lực từ hệ-thống quyền-lực. Chính bằng việc tham-gia vào sự thể như thế, nên các cộng-đoàn tín-hữu của Chúa Kitô có thể gia-nhập Vương-Quốc Nước Trời như Lời Ngài diễn-tả ở Tin Mừng hoặc gia-nhập vào công-cuộc Tạo-dựng mới, như thánh Phaolô từng xác-quyết.                            

Là tín-hữu Đức Kitô, không có nghĩa là sống thụ-động, mà là khẳng-định một cách chủ-động niềm tin của mình rằng mỗi biến-cố lịch-sử đã trở thành thời-điểm cho niềm hy-vọng có sự hiện-diện của Chúa ở trong và ở với những gì là thô-thiển, thấp hèn. Theo nghĩa Chúa diễn-tả, thì những gì cần được bênh-vực/biện hộ không là lối ra từ thế-giới có nền lịch-sử và chính-trị thực-thụ, mà là sự gián-đoạn khỏi tầm nhìn của chính nó.

Ơn Cứu-Chuộc thành-toàn không phải chỉ nhờ duy có sự Thương khó mà thôi –mà sự Thương-khó của Đức Giêsu là thành-phần phải có trong điều-kiện thống-khổ của nhân-loại- và ngang qua lịch-sử cũng như tất cả những thứ đó có tác-dụng cứu-chuộc con người. Tác-giả Duquoc rất thích cái tiêu-đề do ông chọn khi viết về Ơn Cứu-Chuộc, bởi nó đem lại cho toàn thể lịch-sử cái-gọi-là “Bản Giao-hưởng được diễn tả cách chầm chậm”.

Chú-thích quan trọng:

Tôi vẫn nghĩ: ý-niệm về những “mảnh vụn nhỏ” nói ở trên chợt đến từ triết-học lãng-mạn. Từ cội nguồn, ý-niệm này được sử-dụng theo nghĩa của “Ánh lửa thần-thánh”, sau đó đã trải dài cách rộng rãi. Thoạt đầu, ý-niệm này được bắt gặp từ tư-tưởng đặc-biệt của Kierkegaard, sau đó có Nietzsche và đến thời Simone Weil nó càng hiện rõ hơn chí ít với lập-trường/quan-điểm của Walter Benjamin, nữa. Tác giả Benjamin đây lại cũng nói rằng các “mảnh vụn” lại đã “bão hoà” và “rực sáng” là yếu tố đảm-trách sự vô cùng/vô tận; và niềm hy-vọng thần-thánh về một cứu-chuộc không được “xác-định cho rõ”. Ở đây, tôi thấy có sự kết-nối tư-tưởng với tác giả T.S.Eliot, với Joyce, Kafka, vv...


                  Phần phụ thêm:               

Năm 1999, Lm. Christian Duquoc, o.p. cũng viết một cuốn sách khác có đề-tựa: “Je crois en l’Eglse. Précarie institutionelle de Dieu, Paris, Cerf.

Ở đây nữa, tác-giả vẫn nhấn mạnh lên một điều là: tất cả mọi cơ sở  -bất kể họ có tìm cách thực-hiện mọi sự việc tích-cực hay không-  đều ra điêu-đứng/khổ sở về hoạt-động khác-thường của các thể-chế, vì họ cố duy-trì tính chính-thống của riêng mình. Điều này được lối biện-luận về chính-kiến mà ta gọi là thần-học, vẫn quan-tâm chứ? Tuy nhiên, sự việc tỏ cho ta thấy Thiên-Chúa hiện-diện ở thế-giới là do Ngài tự quyết-định như thế, và qua đó Ngài xoá bỏ chính mình Ngài nên như vậy. Thể-chế Giáo-hội lại cứ tuyên-bố: mình là chứng-nhân của một Thiên-Chúa như thế. Đúng ra, chỉ có Lời Chúa rất khác-biệt và không tinh-giản được, mới là nguồn-gốc và bảo-chứng cho việc thực sự mở lòng mình ra để trở thành quà-tặng của Thánh Thần Chúa, thôi. Chuyện đạo-đức, nơi Đạo Chúa, không có gì là lạ-lùng hết, nhưng không là trọng-tâm cho các sự-thể ra như thế.



Đức Bênêđíchtô 16
và tông thư Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu

Lâu nay, nhiều người vẫn cố xác-định xem ý-nghĩa xác-thực của ngôn-từ khi định-nghĩa Tình Thương-yêu, như từ-vựng: đức mến thương, tình bằng-hữu, ái-tình, lòng bác-ái, vv.. Thánh Kinh, thường tập-trung vào lời kinh Shema ở sách luật Torah Do-thái trong đó ghi rõ giới-lệnh đầu: “Người phải yêu thương Đức Chúa...” và ở thư thứ nhất chương 13 thánh Phaolô gửi tín-hữu thành Côrintô cũng như thư thứ nhất thánh-sử Gioan đều đề-cập đến Tình-Yêu, như thế.

Qua tông-thư này, Đức Bênêđíchtô 16 bàn về sự khác-biệt từ ngàn xưa giữa từ-vựng Hy-Lạp Eros (Ái-tình) Agapè (lòng mến-mộ). Eros, là thứ Ái-tình thấy rõ nơi tình yêu-thương nam-nữ đầy dục-tính, cứ vươn cao vươn cao mãi để đạt toại-nguyện cho bằng được. Trong khi đó, Agapè lại trầm xuống, quyết ra ngoài để đến với mọi người, cũng tựa như sự tách-bạch giữa tình-yêu đầy chiếm-hữu với tình thương-yêu mang tính dâng hiến. Từ-vựng Eros, tập-trung vào chính con người mình, còn Agapè lại là thứ tình mến-mộ hướng về người khác, tức tha-nhân. Agapè có đặc-điểm không đòi điều-kiện, là thứ tình thiêng-liêng, vô kỷ.

Đức Bênêđíchtô 16 khẳng-định rằng: bao lâu Eros Agapè còn kiếm-tìm sự kết-hợp đúng cách nơi thực-thể là tình-yêu đích-thực, thì khi đó bản-chất thực-thụ của tình-yêu mới thành hiện-thực. Các tầm-kích này đều thẩm-nhập vào nhau. Tình-yêu là thực-tại đơn-thuần gồm cả hai tầm-kích như thế.                    

Agapè tiếng Hy-Lạp, tương đương với từ-vựng “Ahaba” tiếng Do-thái, cả hai đều có nghĩa như một khám-phá thực-thụ về phía bên kia, biết quan-tâm chăm sóc lẫn nhau, vẫn kiếm-tìm sự tốt lành của phía bên kia, tức: của người mình yêu mến. Đó là nhận-định, không theo nghĩa cảm-giác mãnh-liệt, nhưng theo nghĩa cứ xuất-hành về phiá trước mà cho đi và cho mãi để đến với người khác. Chúa thương-yêu chúng ta, là Ngài thương và yêu cùng một kiểu, rất tương-tự. Ở đây, ta lại nhớ về sự-kiện khi xưa triết-gia Aristotle không bao giờ nghĩ là: động-lực ban đầu hoặc nguyên-nhân tiên-quyết dẫn đến việc yêu-thương ta. Người Do-thái dư biết Chúa thương-yêu ta bằng tình-yêu rất “con người”. Ngài thương-yêu ta rất mực, nên Tình-yêu của Ngài còn được gọi là Eros và tình-yêu Ngài hoàn toàn mang tính-chất rất Agapè, nữa. Chúa có mối tình rất nồng-nàn với con dân Ngài. Tình Eros của Chúa đối với con người hoàn-toàn là Agapè. Chúa là người yêu vẫn có nơi Ngài trọn vẹn sự đam-mê của tình-yêu rất thực.

Với tôi, nói thế như thể bảo rằng: việc tháp-nhập tình-yêu đầy tính-chất đam-mê vẫn đi vào tình mến-mộ Agapè của Thiên-Chúa, ít ra là đã cho ta thấy sự công-minh/chính-trực được tháp-ghép vào tình yêu-thương thần-thánh của Thiên-Chúa.

                                 ----------------
(còn tiếp)
____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch     

Thursday 26 June 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Chú giải Thơ Thánh Phaolô I Corinthô Đoạn 13 câu 8 (tiếp theo)



Đoạn 13 câu 8a:

Tranh-luận: Kết-thúc fần II của bài-ca này hay là mở-đầu fần III?
Thường coi như mở-đầu fần III. Và được hiểu là đức mến không tàn-tạ. Tiếng Piptô (ngã, chấm-dứt, hết), được đối-chọi với tiếng “còn” (tồn-tại: ménei (manet).
Nhưng, hiểu như vậy có ít điều khó-khăn về văn-fạm và tiếng dùng của thánh Faolô chung trong các thư, cũng như trong mạch-lạc hiện-tại. Bởi đó có lẽ fải coi 8a như thuộc về fần 2 của bài-ca, làm như câu kết. Piptô giữ y-nguyên nghĩa của nó: ngã, bại-hoại, qui-liệt, sa-ngã. Chối điều đó đi thì nghĩa là agapè đứng vững luôn. (FM.Lacan, Michaelis).

Câu 8b: mọi ân-điển đều nhất-thời cả.

Câu 9-10: Vì các ân-điển không hoàn-bị: chúng có hạn có ngằn.
Điều khó fân-xử là các ân-điển đó sẽ chấm-dứt khi nào? Trong trường-hợp nào. Fần nhiều các tác-giả đều hiểu về thời sau Quang-lâm. Nhưng thực-sự thánh Faolô không nói rõ thế. Và, tư-tưởng của ngài fải để bỏ-ngỏ ra. Tất-nhiên có nhắm đến thời sau Quang-lâm, và thần-học hiểu về “visio beatifica”.   
                                                                                                                                                     (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh hồi thập-niên ’60)

Sunday 22 June 2014

Lm Lê Quang Uy DCCT: CỘNG TÁC HAY KHÔNG CỘNG TÁC VỚI



 CHÚA
ĐỂ LO CHO NGƯỜI NGHÈO ?
Trong bài chia sẻ "Hội Thánh nghèo", ngay trang mở đầu số Ephata 2 tuần trước, chúng tôi đã kết ở nhận định: Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta một chọn lựa quyết liệt, đó là “làm hay không làm điều tốt cho người khác, cũng là làm cho chính Ngài ?" Ở số Ephata lần này, chúng tôi xin được nối tiếp những xét mình và sám hối theo một nhận thức khác nữa, đó là “cộng tác hay không cộng tác với Chúa Giêsu để lo cho người nghèo ?”
Xin cùng kể lại cho nhau câu chuyện Tin Mừng “phép lạ bánh hóa nhiều” ở đoạn Mt 15, 29 – 38.
Chúa Giêsu xuống khỏi miền Tia và Xiđon, đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen.
Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường". Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no ?" Chúa Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh ?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ".
Bấy giờ, Người truyền cho đám đông nằm ngả xuống đất. Rồi Chúa Giêsu cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng đầy. Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
1. Về đám đông người nghèo:
Chúng ta thấy rõ là có rất đông người tìm đến với Chúa Giêsu: “Những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa...” Kiên trì, say mê, tin tưởng mạnh mẽ đến quên cả thời gian, quên cả mệt, quên cả đói...
Ngày nay, tìm đến với chúng ta, các Giáo Xứ, các Dòng Tu, các tổ chức bác ái từ thiện Công Giáo là những người nghèo đủ các mặt: thể chất bệnh tật, tinh thần hoang mang, và nhất là tâm linh ngơ ngác, đủ các lứa tuổi già trẻ lớn bé, đủ các thành phần trong xã hội. Rất nhiều người bị tâm thần mà thật ra là bị quỷ ám. Quá đông là những anh chị em di dân xa quê về thành phố mưu sinh lập nghiệp. Bao nhiêu là gia đình đổ vỡ, phá sản, thất nghiệp, bao nhiêu chị phụ nữ trót phá thai hoặc lỡ có bầu... Rồi bây giờ đang có thêm hàng ngàn dân oan, hàng ngàn thương phế binh, hàng trăm người bị bắt bớ, không ít người bỏ Đảng, và không thể thống kê nổi những người bị chính sách "giảm tỷ lệ sinh" ép phải bỏ thai vì cả chục lý do nghe rất hợp lý, rất là nhân đạo nữa...
Họ tìm đến với chúng ta trong các Thánh Lễ, các tòa giải tội, các lớp Giáo Lý, các buổi hành hương, các kỳ tĩnh tâm, các phòng trực của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, các phòng tư vấn tâm lý, các phòng khám từ thiện v.v… Họ cũng kiên trì, say mê, tin tưởng mạnh mẽ, ít là cũng mong được cha Sở, cha Phó, các cha Dòng, các dì Phước, các bác sĩ thiện nguyện, các anh chị em Tông Đồ Giáo Dân, ân cần đón tiếp, kiên nhẫn lắng nghe, nâng đỡ, chia sẻ, trợ giúp, định hướng, cảm thông, đồng hành...
Có lần tôi được Nhà Dòng giao việc sang Mã Lai dâng Lễ Tết cho công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động, một em gái không Công Giáo suýt bị cưỡng hiếp, đã chạy thoát, nhưng nghe có ông cha Việt Nam sang, đã lần mò vượt qua bao nhiêu khó khăn nguy hiểm giữa thủ đô Kualalumpur để tìm đến Nhà Thờ mà cầu cứu, để nhờ người biết luật vào tòa lãnh sự đòi can thiệp, và để được cả cộng đoàn chỉ mấy chục bạn trẻ dự Lễ Giao Thừa đêm hôm ấy, xúm lại lắng nghe, đồng cảm, cùng khóc với nhau rồi cùng vét tiền trong túi giúp mua vé máy bay cho bạn gái ấy về lại được Việt Nam.
Chuyện trên Yên Bái năm 2003, chúng tôi đến thăm và dâng Thánh Lễ cho bản Hồng Ka của người H'mông. Lễ xong, họ đãi bữa cơm với thịt cheo, thịt mèo rừng và uống rượu. Bụng dạ tôi kém lắm nên tìm cách thoái thác ra về. Bỗng có một anh khoảng 25, 26 tuổi quỳ gối lết đến trước mặt tôi, hoá ra anh là phó bản, đã có 8 con, nay bị bệnh nặng, có thể chết nay mai. Anh chộp lấy hai bàn tay của tôi tự áp lên đầu anh, và nước mắt đầm đìa, khẩn khoản nói với tôi bằng thứ tiếng Việt trệu trạo lơ lớ, xin tôi cầu nguyện Chúa chữa lành… Tôi xúc động choàng luôn vào cổ anh xâu chuỗi Mai Khôi Đức cố Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận đã tặng cho bên Roma trước đó mấy năm.
Thế rồi mới Tuần Thánh năm nay, chúng tôi về giúp Mục Vụ ở buôn dân tộc Preyiong trên Đức Trọng, Lâm Đồng. Sau Lễ, tôi đang ngồi nghỉ trước thềm Nhà Thờ để lấy sức lên rơmoóc xe máy cầy trở về một đoạn đường dài 18km đầy ổ voi đất đá, bỗng có một bà già bước tới trước mặt, tôi đã thoáng nghĩ trong đầu vì đã từng gặp nhiều phen với các bà người Kinh ở thành phố: thôi rồi, bà này lại sắp khóc lóc kêu khổ, thế nào cũng xin giúp đỡ tiền bạc chi đây… Không ngờ, vâng thật không ngờ, bà chỉ muốn đến gần ông cha, ân cần tự tay choàng vào cổ ông cha xâu chuỗi hạt truyền thống, được làm rất công phu của dân tộc họ, ý nói họ quý mình như người của buôn làng họ vậy…
2. Về phía Chúa Giêsu:
Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền cho đám đông. Ngài chạnh lòng thương họ. Misericordia, con tim Ngài được gắn vào ngay giữa nỗi khốn cùng của họ, sâu thật sâu, đến tận đáy... Rồi cuối cùng Chúa Giêsu lại còn lo cho họ cả cái ăn no bụng, không nỡ giải tán, sợ họ về đói mà xỉu dọc đường !
Ngày nay nhiều phần các cha, các thầy, các dì chỉ còn lo giảng dạy trong Nhà Thờ, trong lớp Giáo Lý mà thôi, ngoài ra rất ngại chuyện đặt tay cầu nguyện chữa lành... Vì mình không đủ xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa, vì mình sợ lỡ mà người ta không lành bệnh thì bẽ mặt, nhưng nếu có ai khác làm được chuyện lạ ấy thì mình lại hồ nghi hoặc xì xầm gièm pha...
Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân về chuyện này. Có lần có trường hợp quỷ ám ở một tiệm chè nổi tiếng Sàigòn, sau Lễ Xa Quê người ta đưa tới trước Hang Đá Đức Mẹ một em gái đang bị ma ám. Họ gọi tôi ra giúp, trong bụng thú thật là tôi sợ lắm, chưa có kinh nghiệm gì về chuyện trừ tà, nhưng vẫn buộc phải ra. May mà Chúa đã làm mọi sự thật tốt đẹp. Em bé được chữa lành saau phút cam go, đám đông hát vang bài: "Chúng con xin tạ ơn Chúa uy quyền toàn năng…" Tôi đang mướt cả mồ hôi, thở phào thoát nạn, thì một cha lớp lớn, nãy giờ không biết đứng nép ở đâu, bây giờ bước ra, vỗ vai tôi dè chừng: "Này, cậu liệu liệu đấy, không có năng quyền mà trừ quỷ cái gì, coi chừng nó vật lại, nó tố tội kín của cậu trước mặt Giáo Dân thì bẽ mặt Nhà Dòng !"
Về chuyện trợ giúp tiền bạc, lo liệu ăn uống, lắm khi chúng ta ngần ngại, tránh né, tự bảo mình đây là chuyện của người khác, không phải chuyên môn của mình mà là của bên… Caritas, thậm chí, dính vào làm gì, của bên "xoá đói giảm nghèo" Nhà Nước lo... Đèo bồng, rách việc !
Có một cha lớn tuổi cách đây khoảng 10 năm, có lẽ đã quá bận tâm đến chuyện Nhà Dòng cần phải chú ý mảng đi giảng Đại Phúc, đã bảo thẳng chúng tôi, mấy anh Linh Mục đang lo Mục Vụ BVSS rằng: "Này các anh mà lo chuyện bà bầu chửa hoang thì sang bên mấy Dòng nữ mà tu, Dòng mình chỉ có lo đi giảng Lời Chúa cho người ta mà thôi" !?!
3. Về phía các Môn Đệ:
Có vẻ như các Môn Đệ muốn thoái thác, tránh rắc rối, phiền phức, mất công, mất sức, mất cả tiền nữa... Nhưng rồi các ông cũng vẫn phải góp phần rất nhỏ là “bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ" để Chúa Giêsu làm cho bữa ăn chiều hôm ấy thật ê hề dư thừa cho cả mấy chục ngàn người ăn no. Bản thân các ông cũng được nở mặt nở mày khi được làm người phục vụ, Chúa Giêsu trao thức ăn đến đâu, các ông chuyển đến đó, người ta cám ơn thì cám ơn các ông chứ biết đâu mà cám ơn Chúa. Đến khi thu lại bảy thúng đầy bánh và cá còn dư, chắc là các ông được quản lý luôn, cứ thế mà khiêng về chứ không thấy nói chia hết cho đám đông !
Ngày nay chúng ta cũng rất ngại phải dính líu đến chuyện cứu trợ, chia sẻ, trợ giúp... Chúng ta bảo đã có Chúa Quan Phòng lo và công việc phải làm ấy đã có anh chị em Giáo Dân đảm nhận, giao hết cho họ là xong, khỏi rắc rối chuyện tiền bạc, mua sắm, chuyên chở, phân phối. Chúng ta nghĩ là mình còn phải dành thời giờ để lo chuyện cử hành Thánh Lễ, giảng dạy, cầu nguyện...
Nhưng lắm khi Chúa Giêsu vẫn đẩy chúng ta vào hoàn cảnh buộc chúng ta không thể quay lưng bỏ mặc, nhưng phải xắn tay vào nhập cuộc, cộng tác với Chúa, san sẻ, đóng góp phần của chính mình với Ngài để cùng Ngài lo cho người nghèo. Đến khi hoàn tất mới ngỡ ngàng thấy rằng chúng ta được nhận về nhiều hơn là đã cho đi, hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, nghĩa thiêng liêng lẫn nghĩa tự nhiên, cả bảy thúng đầy… ân sủng !
Vậy mà lắm khi hàng Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân chúng ta vô tình để cho cách tổ chức và phương pháp làm việc của mình, có vẻ càng ngày càng hợp lý và khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, thì lại vô tình càng làm cho chúng ta thêm cách biệt, xa dần người nghèo, nghiễm nhiên chúng ta thành một thứ ông nhà giàu điều khiển việc… bố thí phát chẩn từ xa. Nói theo kiểu "Ba" ( Pape – Pope ) Phanxicô đã cảnh báo "không còn ngửi thấy mùi chiên nơi người chăn chiên" !
Có một cha chân tình kể lại trong một cuộc sám hối chung trong cộng đoàn: trong vòng mười năm, cha đã lo cho hàng ngàn trường hợp bệnh nhân được giúp đỡ đi khám bệnh mua thuốc, hơn bốn trăm trường hợp ngặt nghèo được giúp đỡ mổ tim, chạy thận, hóa trị, điều trị viêm màng não, suy tủy, chấn thương do tai nạn, hàng mấy ngàn em học sinh vùng sâu nhận học bổng, bao nhiêu xe lăn, gạo, sữa, tập vở, sách báo, mì tôm, chăn mền được chuyển đi các làng dân tộc v.v… cuối cùng đã làm cho ngài bị cuốn hút vào các con số thống kê quyên góp, các công việc phải giải quyết, các phương án tổ chức cứu trợ…
Giúp cho người nghèo bao nhiêu tiền bao nhiêu của chứ đâu phải ít, nhưng trớ trêu thay, nồng đồ yêu thương đồng cảm với người nghèo thì chắc không nhiều ! Người nghèo chỉ còn là một khái niệm, một khối, một mảng, một đám đông vô danh, nhòa nhạt giữa bộn bề cuộc sống mục vụ…
Cuối cùng thì, ngày hôm nay, nơi đây, quê hương Việt Nam này, Chúa Giêsu vẫn đang cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho chúng ta, và bảo chúng ta hãy đem trao cho đám đông…
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 19.6.2014