Friday 31 May 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ Thánh Phaolô Thư I Corinthô (Về Bè Đảng)





Bè đảng.
            (xem Introduction à la Bible II, 418 suite)
            (R. Bultmann 67 (1960) 291-293 về lập-trường của Ulrich Wilckens)

Những điều tín-hữu Corinthô tin-tưởng là những điều Faolô đã giảng, nhưng “quidquid recipitur ad modum recipientis recipitur”. Faolô sẽ nói rằng các điều tín-hữu chủ-trương chỉ có thể đúng trong tế-nhận tiên-quyết là đạo-lý vĩnh-tồn của Cựu-ước cũng như Tân-ước: Thiên-Chúa vẫn là Thiên-Chúa, người ta là người ta. Đạo Chúa Kitô là công-việc của Thiên-Chúa và của Thiên Chúa mà thôi. Lập-trường tiên-khởi của người ta là hạ mình xuống. Người ta chỉ lớn trong fục-tùng Thiên-Chúa và lĩnh-chịu lấy do Thiên Chúa ban mọi sự cao-trọng. Còn, tín-hữu Corinthô quí-trọng Kitô-giáo và thẩm-định theo kiểu người fàm: môn-fái cao-trọng bởi ông thầy của họ; Hội-thánh trở nên một mớ triết-gia ái-hữu”.

Câu 11: Người nhà Khloê: Một gia-đình có lẽ chuyên về thương-mãi, trong hàng tôi-tớ, nô-lệ có người theo
              đạo.

Câu 12: Vấn-đề tranh-luận là hiểu các be-fái nói ở đây.
            Trước tiên chớ hiểu rằng chúng ta đã có bè lạc-đạo hay li-giáo.
            Vì: họ vẫn tham-dự các buổi-hội chung cùng nhau; Faolô có thể nói chung với hết mọi người. Không
thấy có nhóm nào đứng biệt-lập.

-Nhóm Apollô: có lẽ nhóm người ham-hố khôn-ngoan, tri-thức, ưa thích hùng-biện của Apollô (!). Có
lẽ lời bàn về sự khôn-ngoan sau này ám-chỉ đến họ trước tiên.

-Nhóm Kêfa: chưa hẳn là Do-thái-fiệt; cũng không chắc gì là Fêrô đã đến giáo-hội Corinthô; nên có
lẽ là những tín-hữu từ Falệtin đến (có khi đã được Fêrô làm cho trở lại), và không chịu coi Faolô như
tông-đồ đồng-hàng với nhóm 12.

-Nhóm của Chúa Kitô: rất tranh-luận: Nhiều kiểu giải-quyết:
a) sửa văn-bản: thay vì KHRISTOU thì fải đọc là KRISPOU  (R.Perdelwitz) – hay loại đi như ‘mạo
    nhập’ (Heinrici, J.Weiss, Goguel, W.Michaelis, Lyonnet!)
b) Lời fân-fô hoặc của tín-hữu chân-chính Corinthô, hoặc là của Faolô
c) Do-thái-fiệt cực-đoan (Schmiedel), Do-thái-fiệt: Osty
d) Những tín-hữu không chịu fục-tùng một quyền nào bên ngoài cả, họ tuyên-ngôn là chỉ thuộc
quyền Chúa Kitô, và cho mình họ mới có tinh-thần chân-chính của Chúa Kitô (Jũlicher, Allo, J.
Cambier, A. Feullet) (Xem Allo, Icor 80-87 Excursus IV, Les partis à Corinthe, spécialement le ‘parti
du Christ’.

Ít tác-giả Hy-lạp và La-tinh: để dấu tung-tích các người thuộc các nhóm, Faolô đã nói đến họ dưới
những danh-mạo thôi “giả sử như anh em nói thế này…” không muốn bêu mặt những kẻ mang
trách-nhiệm.

Câu 13: Mấy lời hỏi tỏ rõ lòng Faolô se lại khi thấy cái thái-độ ngoại-đạo đó: họ có đủ thứ ‘Kitô’ tuỳ theo
người giảng, họ được từng ‘mảnh’ Kitô. Thế là họ coi Đức Kitô đã chịu đóng đinh và đã cho họ thuộc
về Ngài trong thanh-tẩy ‘nhân danh’ Ngài.

Câu 14-17: giả-thiết sự tin-tưởng vào giây liên-lạc thần-bí gì giữa người ban thanh-tẩy và kẻ chịu thanh-tẩy:
đặt giá-trị vào việc làm đó. Faolô không chú-trọng đến chính việc mình đã thanh-tẩy người này
người nọ, đến đỗi ngài đã quên mình đã ban thanh-tẩy cho những ai.

Mấy câu này cho thấy cơ-sở của Hội-thánh là Tin-Mừng trước tiên. Để mở rộng Nước Thiên-Chúa
trên trần-gian, thì thêm người chịu thanh-tẩy không đủ; truớc hết là phải thêm những người được
nghe và giữ lấy Tin-Mừng. (còn tiếp)
                                                            
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh thập-niên ’60))



Thursday 30 May 2013

Lm Richard Leonard sj: Tiệc thánh agapè tiệc rất thật và cũng rất thánh


Mừng tiệc thánh agapè mỗi tuần, cộng đoàn nơi tôi ở vừa tái cấu trúc nguyện đường cho an toàn, hợp lý. Một trong những điều tôi cảm thấy lạ, là: cửa Nhà Tạm Chúa ngự được làm bằng kính, rất sáng trong. Trong đến nỗi, ánh sáng bên ngoài có thể lọt vào, để lộ hiện nguyên hình chén thánh. Và đây cũng là lần đầu, tôi cảm thấy yếu tố này đã đánh động, thu hút lòng Đạo nơi tôi và chắc cũng là của một số anh em.
            Phản ứng của anh em chúng tôi cũng đa dạng, đôi lúc thật lạ lùng. Người cho rằng: làm thế không trang nghiêm, thiếu tôn kính. Kẻ bảo là: lập trường cấu trúc cũng không tệ. Tựu trung, đa số đã bày tỏ sự đồng thuận, là: hãy nên để thế. Để như thế, vì Mình Thánh Chúa là Thực phẩm nuôi sống chúng ta, mỗi ngày. Mỗi ngày, ta nhìn thấy Ngài, rất muốn sẻ san. Ngài là thực phẩm, nên cũng cần mang dáng dấp chào mời, dễ bẻ vụn và phải đổ tràn ra bên ngoài bằng yêu thương, vô bờ bến. Đó, chính là động tác Chúa thực hiện vào Tiệc Thánh, chiều Thứ Năm. Hôm trước ngày khổ nạn. Và, đó cũng là việc ta vẫn làm mỗi tuần, ngày của Chúa.
            Ngày của Chúa, nhiều vị thường diễn tả việc dự Tiệc thánh như thói quen nguyện cầu, dâng tiến. Tệ hơn, có người lại coi việc cử hành Tiệc như màn độc diễn của vị chủ tế trên bàn thờ. Giáo dân  tham dự chỉ với tính cách người dự khán, thôi. Nghĩa là, chỉ đến rồi đi. Đi xem lễ. Đến nhà thờ. Nhất nhất, để thực hiện tổng cộng những sáu điều Hội thánh khuyên răn. Không đi không đến e sẽ mắc tội. Và, là tội trọng.
            Vốn mang trong người phong thái ấy, nhiều người vẫn hay đến trễ, về sớm. Chỉ đứng xa hoặc loanh quanh ở ngoài, hút thuốc nói chuyện hoặc liên tưởng chuyện làm ăn nào khác. Tuyệt nhiên, không mang dáng dấp tích cực, hợp tác nơi bàn tiệc. Tiệc Thánh, trước tiên và nhất thiết phải là động thái tích cực của cả cộng đoàn. Bởi, tự bản chất, ý nghĩa của Tiệc là như thế. Chí ít, ta tham dự Tiệc là để thật sự ăn Mình Chúa, và uống Máu Chúa , như được dạy bảo. Nói cho cùng, tham dự Tiệc không là chuyện đơn độc riêng lẻ, nhưng là việc của cả cộng đoàn. Cộng đoàn tình thương. Dự tiệc lòng Mến. Dự rất đông. Rất tích cực.
            Dự Tiệc ngày của Chúa, ta cùng nhau đến vì Thân Mình Ngài. Cùng đến, như những người thân yêu chung tình, cùng ăn cùng uống. Cùng chung sức sống. Đến để bày tỏ lòng biết ơn chân thành, đối với Ngài. Đến, vì “Thánh Thể” thật sự mang ý nghĩa một cảm tạ. Ta đến, không phải vì sợ phạm vào điều khuyên thứ ba Hội thánh luôn răn giữ. Ta đến, không vì sợ tội. Không vì sợ vi phạm giới răn Hội Thánh Chúa, khuyên giữ. Ta đến, cũng chẳng phải là giữ chỉ để giữ. Giữ vì sợ mắc tội. Giữ, nhưng không mảy may thuyết phục. Thành thử, có người cứ đến trễ và về sớm. Cũng chẳng thấy cần phải lưu lại đôi phút để hàn huyên, chia sẻ những tâm tình người đồng Đạo.
            Đến dự Tiệc lòng mến, tuyệt nhiên không là đi “xem lễ”, như nhiều người lầm gọi. Bởi, đi xem là xem vị chủ tế độc diễn màn dâng tiến một mình, trên bục cao. Ngược lại, đến dự Tiệc Thánh là việc tham gia vào việc chung. Tham dự và gia nhập tiệc vui rất chung. Ăn chung uống chung, cũng một Mình Máu Rất Thánh của Chúa. Ăn và uống chung, rất công khai. Đầy hưng phấn. Như Chúa từng bày tỏ: “Bằng vào việc này, mọi người sẽ biết các anh là môn đệ của Thầy, anh em hãy thương yêu nhau” (Yn 13: 35). Và,: “Xin cho chúng nên một để thế gian biết Cha đã gửi Con đến” (Yn 17: 21-23)
            Đến dự Tiệc, mà mang tâm trạng đơn độc lặng thinh, là chưa hiểu ý nghĩa của sự đồng tâm cộng lực,chung lòng mến. Đến dự Tiệc, là cùng mang tâm tưởng thâm sâu đượm tình mật thiết của cộng đoàn kẻ tin. Tiệc Thánh, không là thời điểm ta tác tạo nên cộng đoàn, mà thôi. Nhưng, là thời gian giúp ta cử hành mừng kính đặc điểm cùng nhau chung phần vui hưởng của cộng đoàn. Thật đáng tiếc: hơn bốn thập niên thời hậu Công Đồng đã trôi qua, mà nhiều vị vẫn còn nhấn mạnh đến yếu tố tu đức cá thể. Chỉ nhắm mục đích tìm sự “rỗi linh hồn”, riêng mình ta thôi.
            Vì thế, người dự Tiệc ngày của Chúa vẫn cứ hành xử như khách lạ, vừa đến thăm. Khách đến, thiếu vắng cả nụ cười, tối thiểu. Thiếu tình thương. Thiếu hợp tác, đùm bọc. Cả khi, lời “chúc bình an, tay nắm tay” trao cho nhau, cũng chỉ là động tác lấy lệ. Chỉ như phản xạ tự nhiên, rất quen làm. Khác hẳn tâm tình người dự tiệc mừng ngày sinh, rất thân thương.
            Nói rộng hơn, dự Tiệc Thánh không chỉ đến để nhận bánh thánh hiệp thông, rất giản đơn. Mà, để chia sớt và cùng sẻ san một Bánh Thánh là Mình Ngài. Cùng uống chén Máu cứu độ của chính Ngài. Mình và Máu Đức Chúa đã Phục sinh. Mình Thánh Chúa ta lãnh nhận, không chỉ riêng Mình Đức Kitô thôi, nhưng còn là thân mình của cả cộng đoàn, vẫn được coi như chi thể thân thương đã tháp nhập vào Thân Mình Đức Kitô, đang hiện hữu.
            Qua sẻ san Mình và Máu Thánh Chúa, cộng đoàn tình thương mới nhận ra rằng: không chỉ riêng có Đức Kitô đến với ta, mà thôi. Nhưng, là cả Thân Mình Ngài có cộng chung chi thể, là cộng đoàn thân thương ta sống cùng, và sống với. Ở một số cộng đoàn, nhiều vị có thói quen bái gối trước khi đón nhận Bánh Thánh. Nếu đây là cử chỉ thông thường nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng cũng nên bái gối trước cộng đoàn đang xếp hàng đón nhận Thân Mình Chúa vào bên trong mọi người.
            Nói tóm, hiệp thông nhận đón Mình Máu Chúa, không là riêng mình Đức Kitô đến với ta mà thôi. Mà còn là, cộng đoàn tình thương đã ở trong ta. Với ta. Thành thử, khi nhận Bánh Hằng Sống vào lòng bàn tay và đáp lời “Amen”, ta đã nghiêm chỉnh nhận lời mời cùng nhau trở thành thân mình của Đức Chúa, ta vừa nhận. Thân Mình Ngài, đã bẻ vụn thành tình thương yêu. Máu Thắm của Ngài đã đổ tràn thành hy vọng. Nhờ đó, thế giới hôm nay được cứu thóat khỏi chính con người mình. Khỏi cái “mình” xấu xa, đớn hèn. Và từ đó, tìm được sự sống trọn vẹn nơi Đức Kitô.____

Tuesday 28 May 2013

Lm Lê Quang Uy DCCT sưu tầm:BẠN NỢ MẸ MỘT LỜI CẢM ƠN...




Khi bạn vừa chào đời, mẹ mệt mỏi đuối sức ôm bạn trong vòng tay run rẩy.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách gào thét ầm ĩ cả lên.

Khi bạn 1 tuổi, mẹ cho bạn ăn và tắm cho bạn.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khóc nhè suốt đêm.

Khi bạn 2 tuổi, mẹ tập cho bạn những bước chập chững đầu tiên.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách lạch bạch chạy biến đi chỗ khác mỗi khi mẹ gọi.

Khi bạn 3 tuổi, mẹ nấu cho bạn ăn những món rất ngon.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách bỏ thừa thức ăn trên đĩa, trong bát.

Khi bạn 4 tuổi, mẹ mua hộp bút chì màu cho bạn.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách tô vẽ bậy bạ lung tung lên tường nhà mới quét vôi.

Khi bạn 5 tuổi, mẹ cho bạn ăn mặc thật đẹp vào những ngày lễ.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nhảy loi choi ngay vào một vũng bùn.

Khi bạn 6 tuổi, mẹ đưa bạn đến trường.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách kêu ầm ĩ lên: “Con không thèm đi học đâu”.

Khi bạn 7 tuổi, mẹ mua quả bóng nhựa cho bạn chơi.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách đá bay nó vào cửa kính nhà hàng xóm, vỡ tan !

Khi bạn 8 tuổi, mẹ mua kem cho bạn ăn.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách làm rơi đầy kem ướt ra áo, xuống nền nhà..

Khi bạn 9 tuổi, mẹ mua đàn organ cho bạn tập.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách chẳng bao giờ thèm động đến cái nhạc cụ ấy.

Khi bạn 10 tuổi, mẹ chở đi khắp nơi, từ trường học đến những buổi sinh nhật ở nhà bạn bè.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nhảy ngay xuống xe khi đến nơi, chẳng thèm quay lại chào mẹ.

Khi bạn 11 tuổi, mẹ đưa bạn và lũ bạn nhóc đi xem phim.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách vào rạp thì đòi phải được ngồi cách xa khỏi mẹ cơ.

Khi bạn 12 tuổi, mẹ nói bạn không được xem một số chương trình tivi và một số tạp chí.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách chờ mẹ ra khỏi nhà là háo hức mở xem ngay lập tức.

Khi bạn 13 tuổi, mẹ khuyên bạn cắt tóc.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nói rằng mẹ chẳng có con mắt thẩm mỹ tý nào !

Khi bạn 14 tuổi, mẹ cho bạn tiền đi trại dã ngoại với đám bạn học suốt mấy ngày.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách chẳng thèm gọi điện về nhà một lần.

Khi bạn 15 tuổi, mẹ đi làm về và mong bạn ra đón.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách ngồi trong phòng riêng mình, khóa cửa lại, chơi game.

Khi bạn 16 tuổi, mẹ tập cho bạn đi xe máy.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách sau đó lấy xe đi bất cứ lúc nào bạn muốn.

Khi bạn 17 tuổi, mẹ đang chờ một cú điện thoại quan trọng.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách “luộc” cái điện thoại
suốt buổi tối với bạn bè.

Khi bạn 18 tuổi, mẹ khóc khi bạn thi đậu tú tài.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách
lỉnh đi liên hoan với bạn bè đến tận tối khuya.

Khi bạn 19 tuổi, mẹ lấy xe Honda chở bạn đến trường đại học,
cầm túi xách cho bạn.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách hối thúc mẹ về ngay đi,
để bạn khỏi xấu hổ với đám sinh viên.

Khi bạn 20 tuổi, mẹ hỏi bạn đã có “bồ” chưa ?

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách lầm bầm:
“Không phải chuyện của mẹ, rách việc !”

Khi bạn 21 tuổi, mẹ khuyên bạn về nghề nghiệp tương lai.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách càu nhàu:
“Con chẳng muốn giống như mẹ đâu”.

Khi bạn 22 tuổi, mẹ ôm chầm lấy bạn
khi bạn tốt nghiệp đại học.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách
đề nghị mẹ cho đi du lịch thật xa với bạn bè.

Khi bạn 23 tuổi, mẹ nhắc bạn lên ở trọ trên thành phố, đừng quên đi Lễ Chúa Nhật

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách chê: “Rõ chuyện vớ vẩn của mấy… bà già !”

Khi bạn 24 tuổi, mẹ gặp người yêu của bạn và hỏi về kế hoạch của hai người.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách rên lên: “Thôi đi mẹ !”

Khi bạn 25 tuổi, mẹ giúp bạn chuẩn bị lễ kết hôn.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách gắt gỏng: “Con lớn rồi, tự lo được mà mẹ !”

Khi bạn 30 tuổi, mẹ gọi điện và khuyên bạn về việc nuôi dạy con cái.

Bạn cảm ơn mẹ và nói: “Bây giờ mọi thứ khác xưa rồi mẹ ơi !”

Khi bạn 40 tuổi, mẹ gọi điện nhắc về ngày giỗ của ba.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nói: “Con bận lắm, không về được đâu !”

Khi bạn 50 tuổi, mẹ ốm và cần được bạn ghé thăm, chăm sóc.

Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nhắn tin: “Con gái lớn của con nó sắp sanh em bé…”

Rồi một ngày, mẹ mất.

Tất cả những gì bạn chưa bao giờ làm,
bây giờ trôi vụt qua trước mắt bạn như một tia sét.

Chẳng có gì có thể thay thế được mẹ.

Dù có những khi mẹ chẳng phải là người bạn tốt nhất.

Có khi mẹ bất đồng với bạn, nhưng mẹ vẫn là mẹ của bạn.

Mẹ luôn ở bên cạnh, lắng nghe những nỗi buồn, những lo lắng của bạn.

Bạn hãy tự hỏi mình xem, bạn đã dành đủ thời gian cho mẹ chưa ?

Và liệu BẠN CÓ YÊU MẸ KHÔNG ?

Thời gian trôi qua rất nhanh...

Hãy trân trọng những giây phút bạn còn đang có ba mẹ ở kề bên

để bày tỏ sự yêu thương của mình với các bậc sinh thành nhé !

QUANG UY sưu tầm và biên tập lại từ một trang Blog, Ngày của Mẹ 2013

Monday 27 May 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: SỰ THẬT TOÀN VẸN




Mấy hôm nay trên các mặt báo, người ta đưa tin về những ngày họp của Quốc Hội, mặc dù có những phiên họp kín, báo chí không được có mặt để quan sát và đưa tin, nhưng những gì báo chí được nghe và được thấy, và với những gì được phép đưa tin, người ta không khỏi băn khoăn và bối rối.
Trong những thông tin từ cuộc họp của Quốc Hội, người ta thấy có sự mâu thuẫn giữa những báo cáo của chính phủ với những nhận định của nhiều đại biểu Quốc Hội cho rằng tình trạng kinh tế xã hội đang ở mức độ báo động hơn nhiều chứ không nhẹ nhàng như những báo cáo được trình bày ở diễn đàn Quốc Hội. Một cuộc họp quan trọng của cả đất nước, mà những dữ liệu không khớp nhau, thậm chí trái nghịch thì đâu là sự thật của chúng ta ?
Bên cạnh đó, những biến cố xảy ra dồn dập bên ngoài khiến mọi người phải lo lắng thêm, đặc biệt biến cố mất điện toàn miền Nam và miền Trung Việt Nam vào ngày 22 tháng 5, ảnh hưởng đến 22 tỉnh thành trong nước và cả một số tỉnh của Cambodia, mất điện trong một thời gian dài, cả buổi trưa cho đến tối, làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế xã hội, gây thiệt hại không thể kể hết.
Các cơ quan chức năng nói rằng nguyên nhân do một chiếc xe cẩu khi thi công ở Bình Dương đã làm chạm dây điện cao thế 500Kv khiến toàn mạng điện bị tê liệt. Lời giải thích xem ra không thuyết phục, chỉ một anh thợ điện bình thường khi lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, cũng không bao giờ để một sự kiện như vậy xảy ra. Người dân tỏ ra bức xúc, nếu chạm dây 500Kv thì chỉ làm trở ngại đường dẫn Bắc Nam, riêng miền Nam còn biết bao nhiêu nhà máy thủy điện, bao nhiêu nhà máy nhiệt điện, cách riêng hai nhà máy đồ sộ hằng cung cấp điện lâu nay: Trị An và Đa Nhim đâu rồi ? Nếu cứ đúng như người ta đưa tin, mất điện “khủng” như thế mà chỉ là do mỗi chiếc xe cẩu gây nên, thì hóa ra hệ thống cung cấp điện năng của chúng ta mong manh đến chừng nào, an ninh xã hội gần như ở mức số không !
Những tin tức từ Biển Đông vẫn tiếp tục đưa về, người ta hiểu rằng đó là những tin rất hạn chế, nhưng chỉ với những tin rất hạn chế đó thôi, đủ để cho chúng ta nhìn ra một sự bất an lớn cho cả đất nước và dân tộc. Vậy mà tất cả đã không hề được đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc Hội, ít là những gì người dân chúng ta được đưa tin công khai. Vậy đâu là sự thật ở Biển Đông ?
Ai trong chúng ta đều biết, muốn giải quyết được một vấn đề nào, chúng ta cần phải biết sự thật về vụ việc đó, không có sự thật chúng ta sẽ rối và đưa ra những nhận định, những ý kiến và những quyết định sai lầm, vậy sự thật là một điều kiện quan trọng và thật cần thiết, không thể không có trong cuộc sống của chúng ta.
Có một sự thật căn bản của tất cả các sự thật, Tin Mừng gọi đó là SỰ THẬT TOÀN VẸN, nếu chúng ta không được biết Sự Thật Toàn Vẹn, toàn bộ hệ thống cuộc sống nhân loại sẽ tiếp tục sụp đổ và con người mãi trầm luân trong cái rối rắm của nhân loại, đó là bóng đêm sự chết, đó là ngõ cụt của nhân sinh.
Tin Mừng không để chúng ta loay hoay với những băn khoăn rối mù, Tin Mừng không để chúng ta tuyệt vọng trong biển dối trá, Tin Mừng mời gọi chúng ta hướng về Đấng Phục Sinh, Đấng có quyền năng ban Thần Khí Sự Thật, Thần Khí Sự Thật sẽ mang đến Sự Thật Toàn Vẹn để giải phóng chúng ta ( Ga 16, 12 – 15 ).
Chúng ta không trốn chạy thực tế, không buông theo những mơ màng hão huyền để người đời bảo chúng ta là mê tín, nhưng chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm Sự Thật ở trần gian, chỉ quyền năng của Đấng ban Thần Khí Sự Thật mới cho chúng ta biết về Sự Thật Toàn Vẹn, Sự Thật Toàn Vẹn làm sáng tỏ Sự Thật cần thiết khi chúng ta tìm kiếm, giải lý cho những mâu thuẫn bất đồng ở trần gian, chỉ ra sự giải thoát thật cần thiết cho chính chúng ta.
Sẽ có Sự Thật Toàn Vẹn khi con người nhận biết Thiên Chúa, đầu phục Ngài, để Ngài làm chủ đời mình, dứt mình ra khỏi sự dối trá đe dọa và đè bẹp mình bấy lâu nay, giải thoát mình trong Chân Lý. Chúng ta kinh nghiệm mình yếu đuối tội lỗi, chúng ta kinh nghiệm nhân loại yếu đuối tội lỗi, chúng ta không thể làm gì hơn, càng phê phán nhau càng rối loạn, xin Chúa ban cho chúng ta biết trở về với Chúa, đón nhận Thần Khí Sự Thật trước khi làm bất cứ điều gì theo thiện chí của bản thân mình.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Chúa Ba Ngôi 2013

Friday 24 May 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ Thánh Phaolô Thư I gửi Tín hữu Corinthô (Tiếp theo)




1: 4-9 Lời Tạ ơn
(Coi B.Rigaux “St Paul et ses lettres” 169s)
Nguồn gốc: có người cho là Faolô theo một mẫu Hy Lạp hay fương-đông nào đó. Nhưng nếu có chứng-chỉ thì hoặc là địa-fương (Ai Cập) hoặc là muộn thời. Fải hơn Faolô đã theo kiểu Do-thái mà bắt đầu lời giảng bằng lời tạ-ơn. Thói-lệ đó đã được chuyển qua thư-từ, một bài giảng viết.

Lời tạ-ơn là thành-fần thường có của bài-giảng, và hầu hết các thư của Faolô, nên nói được là không fải là fần đặc-sắc (khi nào không có như Ga 2Cor thì sẽ trở nên một đặc-điểm chứng-tỏ một tình-trạng nguy-ngập). 4-9 chia làm 2 fần: nhìn về qua-khứ (4-7) rồi hướng đến tương-lai (8-9). Nên để ý các điều Faolô không nói đến trong lời tạ-ơn ở đây: câu 5 nhấn đến đặc-sủng ‘ơn ngôn-ngữ’ và ‘trí-thức’: hai ơn được tín-hữu Corinthô quí trọng, nhưng Faolô lại không nói đến lòng tin, lòng mến: những điều đặc-sắc hơn cho sinh-hoạt tín-hữu.

1: 10: 4-21 Khôn ngoan và bè đảng.
Muốn hiểu Faolô, cần phải biết tín-hữu Corinthô có thái-độ nào (về fiếm-thần phanthéisme). Vũ-trụ-quan của văn-hoá Hy-Lạp nhiễm fải khuynh-hướng fiếm-thần. Người ta ước-nguyện được thông-chia sức thần-thiêng quản-trị và thấu-nhập vạn-vật thiên-nhiên để đâu-kết tất cả thành một cái gì duy nhất. Triết-lý khắc-kỷ tiêu-biểu cách riêng cho quan-niệm này, vá tự quan-niệm này nảy ra khuynh-hướng thần-bí. Nhưng đàng khác, lại nảy ra, nhất là giữa dân-chúng, cảm-tưởng là bị lạc-lõng, bị quẳng cho vũ-trụ: Heimarmenè (số kiếp) đã nên ác-mộng của nhân-loại. Xưa kia nó là cảnh thiên-thần địa-hoà, nói ra sự quan-fòng chu-đáo của thần-linh; nhưng nay nó là số kiếp vô fương luột khỏi: thần-linh cũng như gnười ta. Và người ta khắc-khoải tìm fương giải-thoát khỏi những quyền-lực đó nhờ một Kyriios nào mới. Và có lắm Kyrios (1C 8: 5) đã đến lấy chiêu-bài giải-thoát để thu-hút nhân-tâm. Tư-tưởng bị xác-định bởi những ý-niệm không-gian, theo biểu-thức ‘Trên dưới’. Nên cuộc giải-thoát, người ta hình-dung như sự thông-phần vào vũ-trụ trên cao, thiên-thai: hoặc là khi chết hồn người ta được siêu-độ, hoặc là lúc sinh-thời người ta được xuất-thần, tiên-hưởng cuộc thăng-thiên (khuynh-hướng thần-bí).

Bây giờ lời Tin-Mừng đến trong thế-giới đó, với lời tuyên-xưng Yêsu là Kyrios, đấng đã lật-nhào thuất-phế Heimarmenè (số kiếp) mù quáng và đã cầm lấy trong tay mọi quyền-năng trên trời dưới đất, đã giảng-hoà vạn-vật, nghĩa là thống-nhất cái giới trần-gian và thiên-thai. Cộng-đoàn lấy việc Chúa Yêsu được tôn-dương làm mốc suy-tưởng và hiểu như một cuộc đăng-quang. Ngài được tôn-dương làm Chúa, tức là vũ-trụ đã xoay chiều, cánh-chung tuyệt-đối đã đến lịch-sử và thời-gian đã mãn-hạn. Và như vậy khi họ chủ-trương không có việc kẻ chết sống-lại, có khi họ chỉ hiểu về sự sống-lại ngày sau hết, còn họ lại cầm chắc sự sống-lại từ cõi chết đã xảy ra cho họ, nơi họ rồi. Họ đã đạt đến đích của việc giải-thoát rồi trong thanh-tẩy và thông-chia và thông-chia sự sống-lại và vương0quyền của vị Kyrios họ tôn-thờ (2Tm 2: 18, IC 4: 8). Họ cho mình ‘đã được sung-túc giàu-có’ (1: 5  4: 8) ‘hùng-cường’ (4:10), trong vinh-quang trên trời (4: 10); và hùa theo chiêu-bài của triết-lý bình-dân, họ cho là “khôn-ngoan” (4: 10), là “vua” 4: 8). Sự hoàn-mỹ đã có đó cho họ (13: 10). Nhờ năng-lực của tác-thánh bí-tích (10: 1tt  15: 29), họ đã là ‘thành-toàn’ (2:6), và đứng vững (10:12). Những ơn-lạ do bởi Thần-khí thiên-thai, nhất là dưới hình-thức ngữ-ân, và ơn minh-mẫn tri-thức làm họ coi họ như hạng ‘thần-hứng’, tao-thành mới đã hiện-tỏ.Tin cũng có mà tự-kỷ ám-thị cũng có theo khuynh-hướng duy-trí của Hy-Lạp. Và tự đó họ cho rằng họ có nhiệm-vụ chứng-tỏ cho thế-giới xung-quanh họ biết cái thế-giới thiên-thai họ đã đi vào: tùy theo khuynh-hướng mà họ dùng khổ-hạnh như Diogène) , hay fóng-túng (có thể dùng dâm-dật cho lý-tưởng mới), fép-lạ hay ngữ-ân để minh-chứng cái thực-hữu mới họ đã được. 
                                                                                                                                                              (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh thập-niên ’60))


Thursday 23 May 2013

Lm Richard Leonard sj: Ba Ngôi tình Chúa vẫn rất đẹp




Tình Chúa Ba Ngôi, là chủ đề phụng vụ Hội thánh muốn dân con nhà Đạo, hôm nay hiểu thấu đáo. Chẳng thế mà, cả trình thuật thánh Gioan lẫn thư thánh Phaolô đều nhắc nhở: Thiên Chúa là gia đình của tình yêu thương.
Hiểu thấu tình Chúa Ba Ngôi, thiết nghĩ ta không cần phải vật lộn với tín lý trừu tượng, hoặc với bài tính toán rất mâu thuẫn, vẫn đòi cho được 3 phải bằng 1. Đòi như thế, vì loài người chỉ muốn tìm cho ra ý nghĩa của mọi vật. Người nhà Đạo vẫn tìm đòi cắt nghĩa niềm tin yêu thương của Đức Chúa bằng những ảnh hình cụ thể, giống như in.
Trong khi đó, có những chuyện đời thường vượt hiểu biết của loài người, Như gần đây, nhà khoa học nổi danh Stephen Hawkings đã phải thú nhận là ông thôi không kiếm tìm giải đáp toán học khả dĩ cắt nghĩa sự hiện hữu của mọi vật. Chẳng hạn như, mấy ai thấy được nguyên tử ra như thế nào, nhưng cứ tin nó hiện hữu như nhà khoa học đã tin.
Nói thế, không có nghĩa bảo rằng: ta chối bỏ sự hiện hữu hoặc chân lý của sự vật,  sự hiện hữu của đời người, lý lịch rất “người” của các nhân vị. Tất cả, đều là những điều ta không thể nào hiểu, cho trọn vẹn. Xem như thế, thay vì giải thích sự hiện hữu của Đức Chúa Ba Ngôi theo phương thức toán học, ta hãy đi vào “tình yêu của Đức Chúa”, như thánh Phaolô đã có thư cho cộng đoàn Rôma: “Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu của Ngài vo lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.” (Rm 5: 1-5)
Lâu nay, nhiều người vẫn thường bảo: khoa học hiện đại đã cướp đi những bí hiểm của cuộc đời. Điều này không chối cãi được. Bởi, khoa học ngày nay đã và đang khám phá ra nhiều điều về nhân sinh vũ trụ, từ mức độ vi ti nguyên tử đến lớn lao như giải ngân hà, những nhiều bí hiểm về sự việc, hiện rõ lên . Tuy nhin còn rất nhiều điều về thế giới sự vật vẫn còn là những dấu hỏi chưa có lời giải đáp, vậy sao ta đòi hiểu rõ Đấng Linh Thiêng Tác Tạo, Đấng tạo nên thế giới sự vật ấy.
Điều quan trọng phải rõ, là khi nói Ba Ngôi Đức Chúa là nhiệm tích, ta không có ý bảo: thật khó thẩm nhập vào vòng nhiệm tích ấy. Nhiệm tích, là ngôn ngữ nhà Đạo muốn nói về những điều khi xưa không hiểu, nay được măc khải cho cộng đoàn kẻ tin, để sẻ san. Thành thử, muốn tham gia làm hội viên cộng đoàn, điều trước tiên cần có chính là niềm tin và lòng thương xót. Tin Chúa như Người Cha, tin Chúa như Con Ngài được gửi đến với chúng ta. Ngài chính là Đức Kitô Giê-su mà ta tin như Thần Khí vẫn dạy dỗ hướng dẫn chúng ta. Ở đây. Và, bây giờ.
Dù, thực tế bên trong của Ba Ngôi Đức Chúa là điều ta không thể xâm nhập được lúc này, nhưng vẫn có nhiều điều về Ba Ngôi Đức Chúa ta vẫn biết nhờ những gì các Ngài làm. Qua động thái các Ngài hành xử, ta hiểu được các Ngài là ai. Hiểu được cả nội tâm bên trong của các Ngài, nữa. Hiểu được là hiểu tương quan giữa các Ngài với nhau và tương quan giữa các Ngài với ta. Ba Ngôi Đức Chúa được diễn tả rõ hơn qua ngôn ngữ của thần học. Trước tiên, là 3 “vai trò” của Cha thể hiện trong Sách thánh. Kể cả sách Đạo của người Do Thái, lẫn Thánh Kinh của Kitô giáo. Ba bài đọc hôm nay là ba chứng cứ rõ rệt nhẳm nói lên nhiệm tích này.
Bài đọc sách Châm Ngôn, cho ta biết Thiên Chúa là Cha và cũng là Hiền Mẫu, Đấng Tác Tạo cuộc sống và các hữu thể sống động. Ngài là Đầu Hết và Cuối Hết của mọi vật, mọi cuộc sống. Ngài là Nguồn Mạch nuôi sống Chân lý và Tình Yêu. Ngài còn là Ngôi vị của Tình Yêu và Lòịng Thương Xót, nguồn cội của sự khôn ngoan.
Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô kể thêm để ta hiểu rõ về Tình Yêu Thiên Chúa đã tỏ lộ cho ta qua Ngôi vị của Chúa Con, Đức Kitô Giê-su. Chúa Kitô là Mạc khải Hữu Hình, mang tính rất người. Ngài là sự tỏ bày của Tình Yu và Lòng Thương Xót Chúa ban cho toàn thế giới. Tình Yêu Chúa đạt đỉnh cao ngang qua biến cố Chúa chịu nạn, rồi chết đi và trỗi dậy về lại với Sự sống.
Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa mà khi xưa ta không thấy và không hiểu đã chấp nhận mặc lấy hình hài của con người, để giúp ta biết được phần nào bản chất đích thật của Ngài. Để rồi, ta sẽ ra đi đến với Ngài. Đức Giê-su đã thực sự cất lên cây cầu nối kết loài người với Thiên Chúa là Cha.
Cuối cùng, ta biết được Thiên Chúa nhờ Ngôi vị Thánh Thần đào tạo hun đúc mọi hiểu biết cho ta. Ngài hướng dẫn, dạy dỗ, đánh động và ủi an cũng như củng cố mọi người chúng ta. Ta gặp Đức Chúa là nhờ Thánh Thần Ngài họat động ở trong ta. Họat động qua chính chúng ta, Ngài cũng đến với người khác. Ngài luôn luôn sáng tạo, tái tục và khiến mọi sự trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn. Thánh Thần Chúa đôi khi còn gọi là “Hồn của Giáo Hội”. Không cóĩ Hồn, Giáo hội chỉ là  thế chế, rất phàm tục.  
Cảm nghiệm được Ba Ngôi Đức Chúa nhờ có niềm tin yêu như thế, ta sẽ không còn thấy “kiếp con người sao vẫn cứ lao đao” nữa. Nhưng, biết thuận theo lời mời của Thiên Chúa để ấp ủ Ngài vào lòng, với tình Xót thương sẵn có. Ấp ủ trong lòng Ba Ngôi Đức Chúa, cả ở nơi ta đang sống. Sống trọn tình yêu thương tin tưởng như ta vẫn làm, bấy lâu nay. Sống trọn vẹn tin yêu với Ba Ngôi Đức Chúa, ta sẽ trở nên những gì Cha biết  ta có thể trở thành. Làm như thế, không phải để nói rằng: muốn đạt đến Ba Ngôi Đức Chúa, ta phải đạt sự tốt lành trước đã. Mà là, đạt tình yêu và lòng thương xót của Ba Ngôi trước, tự khắc ta sẽ đạt mọi tốt lành, chuyện dĩ nhiên thôi.
Mừng Lễ Cha Ba Ngôi hôm nay, ta cử hành mừng kính sự mật thiết cao trọng nơi phẩm vị của Ba Ngôi Đức Chúa. Mừng Kính Chúa Ba ngôi, ta còn được mời gọi để dấn thân tiến bước. Dấn thân tiến bước, là tập trung bước vào sự mật thiết của Cha, Con và Thánh Thần Chúa. Lm Richard Leonard sj.

Tuesday 21 May 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT : LỄ HIỆN XUỐNG MỚI




“Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ước muốn và lời cầu xin của chúng ta”.
“Tôi còn nhớ câu chuyện này. Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số H’mong muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:
- Chúng con đến từ Lai Châu. ( nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ năm 1954). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.
- Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?
- Chúng con muốn được Rửa Tội ngay bây giờ.
- Không thể được! Không có một Linh Mục hay Giáo Lý Viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về Đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa Tội được.
- Chúng con đã học tất cả từ một đài phát thanh phát đi từ Phi Luật Tân.
- Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công Giáo nào có chương trình bằng thổ ngữ của anh chị em đâu.
- Đó là đài phát thanh “Chân Lý”.
- Một đài phát thanh Giáo Hội Công Giáo, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công giáo.
- Vị Linh Mục thật cảm kích, bỗng thốt lên: Đây là một Lễ Hiện Xuống mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!
Rồi cha lại hỏi nhóm người H’mong: Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?
- Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.
Cả nhóm đã được Rửa Tội và chịu phép Thêm Sức, rồi được dự Thánh Lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
- Anh chị em sẽ không có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có Nhà Thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?
- Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung  và cùng nhau học hỏi về Đạo. Chúa Nhật chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc, thả trâu tự do ăn cỏ, và chúng con dự Thánh Lễ qua đài phát thanh Chân Lý phát từ Manila. Một Lễ Hiện Xuống mới của thế kỷ XX.” ( Chứng Nhân Hy Vọng, trang 235 – 237 ).

Nhiều người trong chúng ta biết câu chuyện này, câu chuyện do chính Người Tôi Tớ Chúa Phanxicô Nguyễn Văn Thuận kể với Giáo Triều Vatican trong dịp giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều năm 2000. Những xác tín về Hiện Xuống mới của Đức Hồng Y Phanxico đáng làm cho chúng ta quan tâm nhân dịp mừng Lễ Hiện Xuống hôm nay. “Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ…”

Đất nước chúng ta đầy dẫy những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Các bài báo, các số liệu về xã hội, các thông tin ngày ngày phơi bày trên các phương tiện truyền thông. Là người Kitô hữu, chúng ta có nhìn thấy, có nhận ra, có tiếp cận được với Chúa Thánh Thần đang sống và hoạt động trong trái tim của họ không ? Chúng ta còn đi tìm kiếm Chúa Thánh Thần ở đâu “Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong… tâm hồn đạo đức bình dân”. Các buổi thờ phượng của chúng ta có dành chỗ cho sự đạo đức bình dân, nơi đó những tâm hồn đạo đức bình dân được tắm gội sự sống của Thánh Thần? Chúng ta có thấy từ những ân huệ nơi các tâm hồn đạo đức bình dân mà sức sống lan tỏa cho mọi người? “Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong… tình liên đới, trong đau khổ.” Xã hội chúng ta đang báo động về sự vô cảm, chìm đắm trong vô cảm chúng ta không dành chỗ cho Chúa Thánh Thần sống và hoạt động, thờ ơ trước nỗi khổ đau của đồng loại chúng ta loại trừ Chúa Thánh Thần. “Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ước muốn và lời cầu xin của chúng ta.” Chúng ta có lắng nghe lời thông dịch, trình bày những ước muốn, cất lên lời cầu xin ở những nơi  “ở đó” không? Hay chúng ta ảo tưởng đi tìm một nơi nào khác?

Hướng về vị Cha chung của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, con người vừa được Chúa Thánh Thần tuyển chọn, tấn phong và sai đi. Những ngày vừa qua, con người ấy đang làm rõ nét một Lễ Hiện Xuống mới.

Xin tạ ơn Chúa và xin Chúa Thánh Thần tiếp tục khuấy đảo tâm hồn chúng con.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Hiện Xuống 2013

Sunday 19 May 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ Thánh Phaolô 1Corinthô



Thư 1 Cor

Những dự-kiện trong thư so chiếu với Công vụ: cho thấy thư 1 Cor viết vào hành-trình III truyền-giáo của Faolô, đang lúc ở tại Êfêsô (16: 8-19). Nhưng, Faolô ở tại Êfêsô đến 3 năm, nên tranh-luận là thư đã viết vào đầu 3 năm (tức 55/56) hay cuối (57), dù sao gần Vượt qua (gợi đến ‘bánh không men’ 5: 6-8, tiên-thường (15:20 của đầu mùa dâng ngay ngày sau lễ Vượt qua).

Dịp nào?
Chúng ta phải rút ra từ chính 1 Cor:
5: 9t Faolô đã viết một thư rồi, trong đó ngài dạy hãy tránh hạng người fóng-đãng.
1: 11 Những người nhà của Khloê báo-cáo về những bè đảng, những gương xấu về người loạn luân, về kiện-tụng.
7: 1 một thư của giáo-hội Corinthô thỉnh-vấn về ít khoản: hôn-nhân và đồng-trinh, ăn của cúng, và có lẽ về các đặc-sủng
16: 17 những đại diện của giáo-hội có lẽ cũng đã trình-bày tự-sự, nhân đó Falô biết được những lạm-dụng trong những buổi hội fụng-vụ (11: 1-16) trong việc cử-hành Bữa-tối của Chúa (11: 17t) những khó-khăn về sự sống lại (X. Osty tr. 85-86)

Như thế, thư có duy-nhất là chỉ vì dọi lại những vấn-đề của tình-trạng cụ-thể của giáo-hội Cor: nên thư chia được làm 4 fần:

1:1-9 Nhập đề
I. 1: 10-6:20 Giải-quyết ít vấn-đề do lời tường-trình của người nhà Khloê
(khôn-ngoan và bè đảng: 1:10-4:21)
(người loạn-luân : 5:1tt)
(kiện-tụng trước toà-án đời: 6: 1-11
(về dâm-dục: 6: 12-20

II. 7: 1-11 : Trả lời cho những điều thỉnh-vấn
            (về hôn-nhân 7: 1-16
(về hiện-tình của tín-hữu 7: 17-24
(về đồng-trinh thủ-tiết 7: 25-40
            (về của cúng 8:1-11:1)

III. 11: 2-14-14:40 Đính-chính về những buổi hội fụng-vụ
            (11: 2-16 về fụ-nữ
            (11: 17-34 về Bữa-tối của Chúa
            (12-14 về các đặc-sủng

IV. Bàn về sự sống lại: 15:1tt
Đoạn 16: kết-thúc (căn dặn và chào hỏi)

1: 1-9 Nhập-đế

Trước hết, là lời ‘kính gửi’ (1-3), trong đó Faolô đã cố-ý nhấn đến chức-vị Tông-đồ của ngài, về ơn được thánh-hoá của tín-hữu Corinthô cũng như của toàn-thể Hội-thánh. Hai điều đeó đã ám-chỉ đến công-việc mục-vụ của giáo-hội Corinthô. Kể theo sau, là lời tạ-ơn (4-9), báo trước đề-tài chính của bức thư: tín-hữu Corinthô đã được nên fong-fú về các đặc-sủng. Đã là đặc-sủng thì fải đem về lại cho Thiên Chúa, và trông cả vào ơn của Thiên-Chúa để được cứu-thoát trong Ngày của Chúa Kitô. Tin1-hữu Corinthô hãnh-diện nơi ơn đã được, nhưng lại quên nguồn-gốc Thiên Chúa và Chúa Kitô, bởi đó họ tự-mãn đeo đuổi ‘khôn-ngoan’ theo sở-hiếu của họ (I), chỉ nghĩ vào tư-lợi của họ (6: 1-11) hay khoa-trương cái tự-do khoáng-đạt của họ (việc ăn của cúng), nuông theo ích-kỷ cả nơi fụng-vụ và việc xử-dụng các đặc-sủng. Tâm-não của họ vẫn còn là tâm-não ngoại đạo.

‘Kính gửi’ nói đến người gửi thư, và ai nhận thư, kèm theo lời chúc mừng. Nhưng trong 1Cor đã ám-chỉ đến các vấn-đề sẽ được bàn đến” sự duy-nhất của Hội-thánh, lòng khiêm-nhượng (nhấn vào ơn kêu-gọi, lời tạ ơn sẽ cho thấy hơn) và ơn được thánh-hoá (tương-fản với vấn-đề sắc-dục sẽ nói đến).

Sosthênê: coi Cv 18: 17? Có tác-giả coi ông như thu-ký chép thư.

‘đã được gọi làm thánh’: đáng lẽ phải dịch ‘những kẻ được kêu gọi những vị thánh’: Faolô dựa trên bản LXX dịch miqrâ qodesh bằng klètè hagia (convocatio sancta) (TWNT 1: 108 LCerfaux: La théologie de l’Église 90) để chỉ Israel, dùng cho Hội-thánh, và như vậy đồng-nghĩa với ‘ekklèsia Dei’. Và bây giờ Faolô nói đến những người cụ-thể cấu-thành Hội-thánh thì ngài dùng tiếng ‘klètoi hagioi’ (những kẻ được tác-thánh bởi được Thiên Chúa kêu gọi.
‘làm một với hết mọi người…’ (kiểu đặt câu có thể song song với ‘kính gửi Hội thánh…’ hay với ‘được kêu gọi làm thánh’): nhưng ý-định thì rõ: Faolô muốn tín-hữu Corinthô nhận rõ họ chỉ là một trong bao-nhiêu cộng-đoàn của Hội-thánh (coi 14: 36)

c.3 là lời chào mừng cầu-chúc: Kitô-hoá kiểu cầu-chúc của Hy-Lạp (khairein/kharis) và Do-thái (shalôm/eirènè: bình-an)  


Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh thánh hồi thập niên ‘60)


Friday 17 May 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thơ thứ Nhất Gửi Tín Hữu Corinthô





Thành Côrinthô: Coi Dictionnaire encyclopédique de la Bible: Corinthe (F.J. de Waele G.Ricciotti, Paolo Apostolo No. 41-42)
Chú giải:  A.Plummer (ICC 1911) J.Huxby (Verbum Salustis 13.1946)
                C.Spicq (Pirot-Clamer, 1948)
                EB. Allo (Etudes Bibliques 1956, 2è édition)
                J.Héring (Commentaire du Nouveau Testament 7/1959, 2è édition)
                H.Lietzmann-Kũmmel, An die Korinther I.II (1949)
                A.Feuillet: DBS vii, 170-183
Nhập đề:  Các sách nhập-đề Tân-ước.
                L.Cerfaux. L’Eglise des Corinthiens (Témoins de Dieu, 1946)

Thành Côrinthô
-Thành-lập vào thế kỷ thứ 9 trước kỷ-nguyên. Cực-thịnh vào thế-kỷ 6-5
 Bị tàn-fá  -146 (do Lucius Mummius Achaicus)
 Xây lại     -44 (do Julius Caesar): Colonia Laus Iulia Corinthiensis.
 Năm 27: thủ-fủ của Provincia Achaica (dưới quyền Lão-viên)
-Sinh-hoạt: bởi địa-thế giữa hai biển Égée và Ionienne (dithálassos hay amphithálassos: binaris) với 2
 hải-cảng (Kenchrae và Lekhaion) nên Côrinthô là một trung-tâm thương-mại bậc nhất thời xưa.
-Dân-cư: vì là một colonia nên Côrinthô có nhiều người Rôma (cựu binhsĩ và những người được fóng-
 thích), ngoài ra có dân tứ-chiếng (do-thái cũng đông). Địa-vị xã-hội rất chênh-lệch (2/3 là nô-lệ, người nghèo nhiều, một số ít lại rất giàu-có).
-Fong-hoá: sa-đà truỵ-lạc đến đỗi thành ngạn-ngữ (kirinthiázesthai có nghĩa là sống dâm-dật fóng-đãng: và tiếng Korinthios thời sau trong hài-kịch có nghĩa là ‘nghiện rượu’, say rượu).

Fong-tục đó được khích-lệ bằng việc sùng-bái Aphrodite trên Acrocorinthe; theo Strasbon thì ở đó có một ngàn cô hiérodules.)

Ngoài đạo thờ nữ-thần dâm-dật đó, còn có nhiều thứ đạo thờ Malqart, Isis Serapis, Zeus, Asclépios, Cybêlê.

Faolô giảng-đạo tại Côrinthô.

Cv 18. Faolô bỏ A-then mà đến Côrinthô và đã ở đó một năm rưỡi.
Nhờ bi-chí thành Delphi có nói đến việc Gallio (con của Annaesus Sênêca, anh của nhà triết-gia Sênêca), nên chúng ta có một mốc chắc-chắn để sắp đặt các việc đời Faolô (coi về bi-chí thành Delphi: DBSII, 355-373, B.Rigaux, Saint Paul et ses lettres, 100-102, E.Haenchen, Apostelgeschichte, 58-60). Nhưng có fân-vân:
1)      Gallio khởi-sự làm tổng-trấn năm nào, nên có thể đặt 1/6 năm 51 đến 1/6 năm 52 hay là 52 và 53. Cái-nhiên hơn có lẽ là 51/52.
2)      Việc Faolô ra toà Galiliô: cuối thời Côrinthô hay đầu thời đó. Có lẽ là cuối thời, nên Faolô đã hoạt-động ở Côrinthô vào cuối năm 50 cho đến tháng 7/9 năm 52.
Công việc của Faolô: coi Cv 18: 1-16. Người Do-thái chống-đối; nhưng fát-đạt kết quả nhiều. Ngoài ra đi rồi, thì công-việc truyền-giáo được tiếp-tục do Apollos (Cv 18: 24-28 19:1). Faolô đã thành-lập một cộng-đoàn đông-đảo, gồm có ít người Do-thái (Cv 18: 18 IC 1: 22 10: 32 12: 19 16: 19), và fần đông là dân ngoại. Trong số đó, có ít người khá-giả và hay thông-thái, nhưng chung chung thuộc hạng ti-tiện (IC 1: 26-29)

Cộng-đoàn được tổ-chức trên cơ-sở nào của xã-hội đuơng-thời? Xã-hội cổ-thời Hy-Lạp đã tan rã dưới những mãnh-lực mới như chính-trị đế-quốc, như các tư-trào triết-lý và tôn-giáo khuấy-trộn đủ mọi thứ tư-tưởng giữa những người tứ-chiếng đi tìm kế sinh-nhai hay truyền-bá tư-tưởng. Và fong-trào lập hội-đoàn, đủ mọi thứ. Nhưng hội-đoàn tôn-giáo cũng mọc lên như nấm. Các hội-đoàn được tự-do quản-trị nội bộ, ra luật, fạt-vạ, trục-xuất, thu-liễm đóng-góp, nhưng chung chung người ta cũng làm ngơ đi, miễn là không fá-rối trật-tự công-cộng (trừ ở Rôma): các hội-đoàn tôn-giáo được mệnh-danh là Thiasoi. Kitô-giáo cũng như Do-thái cũng tổ-chức theo kiểu các hội-đoàn tôn-giáo đó. Và chúng ta thấy tín-hữu Côrinthô đã fỏng theo những hội-đoàn của các triết-gia, và các thiasoi của thần Dionysos. Và thánh Faolô cũng dựa trên quyền của hội-đoàn mà trừng-trị, trục-xuất, ban-bố điều-lệ; khuyên tín-hữu Côrinthô hãy xử những tranh-tụng của họ trong cộng-đoàn. Nhưng có điều khác các hội-đoàn dân ngoại: lòng tin độc-hữu trên cả đời sống; nhưng khác với Do-thái, tín-hữu không có một Hội-thánh, một ‘tertium genus’, dân-tộc thiêng-liêng, siêu-nhiên, fát tự một sáng-kiến mới của Thiên-Chúa, mà không chống lại một dân-tộc nào.

                                                                                                                              (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích bài dạy Kinh-thánh vào thập-niên ’60)