Friday 29 March 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Mt 5: 33-37





Về lời thề:
Câu 33 trưng lời Cựu Ước về lời thề nói chung (L 9: 12 chớ bội thề) và về việc giữ lời khấn (Ds 30: 3; Tl 23: 22tt; Tv 50 (49) 14)

Xét về tính cách phản đề: không đối đáp sát nhau vì nghĩa câu 33 này không đem trực tiếp về lời thề.
-Chiếu theo Lề luật, “thề” là một điều nhất thiết phải có trong thủ tục của toà án. Trong thế giới Do thái đương thời đó, “thề” cũng là mỗt yếu tố của sinh hoạt thường nhật, đến đỗi bất cứ quả quyết nào cũng có thể kèm thêm một lời thề để chứng thực. Các luật sĩ cũng đã cố gắng đi ngược lại  cái lạm dụng đó: lời thề buột miệng dễ dàng và không giữ sẽ bị phạt bằng đánh đòn. Và trước khi tuyên thệ ở toà án, thường người ta có lời cảnh cáo về tội và hình phạt cho ai thề một cách nhẹ dạ.

-Chúa Yêsu, theo tư cách Đấng đem lại một trật tự mới, tức là sinh hoạt trong Nước Thiên Chúa, thì tuyên bố: trong khuôn khổ sinh hoạt mới này, lời thề không còn lý do nữa. Lời thề vốn có chẳng qua vì người ta nghi-hoặc lòng thành của nhau. Chúa Yêsu không chỉ tránh lạm dụng lời thề, nhưng phủ nhận lời thề: Hiện bây giờ, ai thuộc về Nước Thiên Chúa được thấy đời mình và hành vi của mình có lý do và sức mạnh là Nước Thiên Chúa , tất nhiên không còn được sống như thể mình còn phải lụy phục đời hiện tại, dưới quyền ma quỉ, cha của sự dối trá. Nơi kẻ đó, mọi sự nhất nhất đều phải thành thật. Người ta đã muốn hạn chế trong việc áp dụng lời Chúa Yêsu: như thể không cấm lời thề quả quyết có thực một cái gì, mà là đem về lời thề hứa  -hoặc người ta chỉ hiểu rằng Chúa Yêsu khước từ những kiểu thề thốt thông dụng giữa người Do thái thời ấy.
Nhưng đó là giải nghĩa: Chúa Yêsu ra một điều răn mới cho môn đồ: họ phải thành thật đến nỗi không còn cần một lời thề nào nữa để bảo đảm lời họ nói: điều đòi hỏi là một lòng thành thật vô điều kiện.

34b-36: Những thí dụ.
Chúa Yêsu gợi đến những cách tránh Danh Thiên Chúa, nhưng mục đích là cho lời nói có một bảo đảm tương tợ như chính việc kêu Danh Thiên Chúa. Thói tục đó lộ ra một sự không thành thật (coi thêm Mt 23: 16-22).

37a/ So sánh với Yc 5: 12 (Yacôbê):
Thề thốt không có lý do trong cộng đoàn tín hữu. Thề, nên cần thiết khi sự thành thật không còn là qui luật cho mọi lời nói. Nhưng, nơi những kẻ đã chịu lấy Nước Thiên Chúa, thì lời nói hằng đi với sự thật, đã thế thì một khi “có” hay “không” cũng đã đủ.

37b/ “do tự ác tà”:
Có thể, là “cho kẻ dữ” (tức là ma quỉ), hoặc là “do sự dữ”. Quả quyết mà đi quá, “có/không” là do tự ảnh hưởng của ma quỉ, hay là hậu quả của sự dữ chưởng trị sinh hoạt thế gian. Quyền lực của sự dữ, Chúa Yêsu tỏ cho ta thấy ngay nơi sự thiếu thành thật, tức là điều làm cho sự tin cậy giữa người với người bị tổn thương. Ý muốn của Thiên Chúa, Chúa Yêsu chuyển đến cho ta là: Thiên Chúa muốn người ta phải thành thật một cách vô điều kiện.

Tóm tắt các phản đề trên:
Người ta sống trong Nước Thiên Chúa, tức là tự cái sâu thẳm của lòng người ta, người ta đã nhận vương quyền của Thiên Chúa trên mọi sự, cách riêng trên đời mình; và người ta chỉ nhắm một điều là sống theo ý của Thiên Chúa. Thánh ý đó, là sinh sống trong lòng nhân lành, trong sự thành thật, trong sự lướt thắng tham muốn dục vọng mình và kính cẩn đối xử với kẻ khác một cách trang nghiêm. Trước thánh ý đó của Thiên Chúa, mọi cách giải từng nố để châm chước mà tránh né đòi hỏi của chính Thiên Chúa, phải vạch mặt ra là một sự giả hình, làm hoa mắt mình để xoa dịu lương tâm, là đã làm thoả mãn ý của Thiên Chúa. Một trật, những qui định luật pháp về sinh hoạt nhân loại đã được lướt xa rồi, và không còn giá trị cho những ai ở trong Nước Thiên Chúa. Các điều đó cần thiết trong phạm vi của chúng, giá trị tạm thời của trần gian, nhưng một khi ai đã đứng trong Nước Thiên Chúa, đứng trước ý muốn vô điều kiện của Thiên Chúa, thì mọi sự đã ra khác cho người ấy.                                                                           (còn tiếp)                                
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Thursday 28 March 2013

Lm Frank Doyle sj: Hoa trái Phục Sinh, nay thức dậy




            Trình thuật hôm nay, nói lên tình tự dân con nhà Đạo, rất vui sống. Sống, niềm tin sâu xa, bắt rễ thực sự vào ý nghĩa, của Phục Sinh. Như thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa không sống lại, thì niềm tin của ta, ra hư luống.” Thực tế thấy cũng buồn, vì nhiều người vẫn cứ coi Thứ Sáu Thánh và nỗi chết của Chúa, làm chóp đỉnh của Tuần Lễ Thánh. Cũng may là, động thái ấy nay đã đổi. Và, càng ngày càng có nhiều người đặt trọng tâm Tam Nhật Thánh rất đúng vào Phụng vụ Lễ Vọng Phục Sinh, thôi.
            Có người, còn diễn tả: không thấy Thân Mình Ngài trên thập giá, tức là Ngài đã dâng tặng hết cho Cha. Không còn trên đó, tức là Ngài đã về với vinh quang, có Cha Ngài. Về, để bỏ lại đằng sau ơn cứu độ, mở cho dân con ở lại. Không như thế, thì hành trình Ngài đi qua, chỉ uổng công.
            Về Phục Sinh, đồ đệ Chúa ban đầu quá hãi sợ bọn họ gán ghép mình đồng phạm với Đức Chúa. Nhưng, các thánh đã biết trở về mà công bố Thầy mình đã sống lại. Ngài vẫn sống và ở với anh em, đến tận thế. Khi bị bắt bớ, giam giữ, hành hình, các thánh vẫn trở thành lý do cho niềm vui sống. Sống gắn liền với Thầy mình. Sống, san sẻ nỗi khổ của Thầy. Để rồi, tiến lên trong vinh quang.
            Phục Sinh, không chỉ liên quan mỗi việc Chúa sống lại khiến đồ đệ kinh ngạc, thôi: nhưng còn mang nặng ý nghĩa cuộc sống, của mỗi người. Sống tin – yêu. Sống, chứng tỏ môt đổi thay tận gốc rễ. Sống cuộc sống có Phục Sinh, là lời mời gọi mọi người hãy đổi thay rất triệt để. Đổi thay căn bản, như đồ để Chúa đã thay đổi, tận thâm căn. Đổi và thay, không chỉ ở niềm tin, nơi tâm thức, nhưng bằng hành động đúng những điều mình đã tin. Đổi và thay, là công bố Phục Sinh bằng chính cuộc sống, của riêng mình.  
            Chủ đề hôm nay gồm việc công bố lẫn làm chứng: Chúa đã Sống Lại. Bài đọc 1, kể lại việc thánh Phêrô rửa tội cho gia đình Cornêlius, người ngoài cuộc đầu tiên đã hồi hướng trở về. Bằng vào việc đó, đã chứng tỏ: cộng đoàn tiên khởi đã biết san sẻ kinh nghiệm sống lại của các thánh, với mọi người. Thêm nữa, điều quan trọng là: tương quan ta có với Chúa được diễn tả bằng kinh nghiệm sống, có tuyên xưng: Chúa sống lại thật. Với kinh nghiệm từng trải, các thánh đã xác nhận Thầy mình tuy Ngài đã chết, nhưng đã sống lại thật. Niềm vui sống lại, nay râm ran lan truyền hết mọi người.
            Bài đọc 2, cũng nêu lên một đề luận, hệt như thế. Thánh Phaolô vốn là nhà Biệt Phái triệt để vẫn muốn Đạo Chúa vẹn toàn. Thánh nhân đã cương quyết chỉnh sửa tín hữu nào bị coi như sống sai trệch Lề luật và Truyền thống, người Do Thái. Mãi đến khi, thánh nhân được Chúa Phục Sinh cho hiển thị, ngay trên đường tìm kiếm bách hại người tín hữu trên đường đi Đa-mát, mới hồi tâm.
            Và từ đó, thánh nhân đã đổi thay, toàn bộc cuộc sống, của riêng ngài. Đồng thời, thánh nhân dùng nghị lực sẵn có, như khi tìm bắt dân con của Thầy, ngõ hầu giúp đỡ cả dân con người Do thái lẫn thần dân sống ở ngoài, biết được Chúa đã Phục Sinh. Vì mình. Để, người người biết thương yêu. Theo Chúa.
            Tin Mừng, cho thấy thêm một kinh nghiệm về mộ phần trống vắng. Dấu hiệu chứng tỏ Chúa đã Phục Sinh. Maria Magđala thoạt đầu là người thấy đá tảng, bị lật người. Chị đi báo cho đồ đệ Chúa biết, để xứ trí. Kế đến, là thánh Gioan, người được Chúa dấu yêu, cũng vội cùng thánh Phêrô chạy đến mộ phần, để chứng kiến. Và, cả hai đều đã thấy. Đã hiểu. Và, đã tin. Tin rằng, Thầy trỗi dậy từ nỗi chết.
Và từ đó, cộng đoàn các thánh đã ra đi công bố việc Chúa chịu thống khổ, đến nỗi chết. Nhưng, Ngài đã sống lại thật. Như nói trước, ở Cựu Ước. Điều thêm nữa, là hiểu rằng: Đức Chúa đã Phục Sinh, tức có nghĩa là: Ngài không chỉ hồi phục mỗi Thân Mình đã chết, trên thập giá. Dù, ta không THẤY tận mắt cuộc Phục Sinh, như một sự kiện lịch sử. Nhưng vẫn TIN. Tin, vì đó là sự kiện niềm tin. Nói cách khác, đóng đinh Chúa hoặc nỗi niềm Thương Khó của Chúa là sự kiện lịch sử, trong khi đó, Phục Sinh là sự kiện rất niềm tin.
Chúa Phục Sinh, nay đi vào cuộc sống, rất mới. Ngài hiện diện bất cứ nơi nào đồ đệ có mặt. Và, Thân Mình Ngài trở nên hoàn toàn mới mẻ. Không còn hình hài, xác thịt nữa. Nhưng, thể hiện nơi Cộng đoàn dân con/đồ đệ, là chúng ta. Và từ đó, ta trở thành Thân Mình rất thánh, của Đức Chúa.
            Phần sau trình thuật, thánh Phêrô và người đồ đệ được Thầy mến thương, đã về để kể những điều mình cảm nghiệm. Kể, để bầu bạn/dân con các thánh nghe mà biết. Kể rằng, duy có Maria Magđala, người nữ phụ từng phạm lỗi khi trước, đã tụt lại đằng sau. Là, mang nặng nỗi buồn đau, vì chính mình mục kích thấy Thầy đã chết, ngay trước mắt. Nhưng nay, Mình Thầy lại mất đi, không còn tang tích. Nhưng, thoạt lúc chị quay lại nhìn, thì Thầy mình đã có đó.
Kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh, không là kinh nghiệm xác thịt, tai nghe mắt thấy. Bởi, Chúa Phục Sinh nay mang sắc thái người bình thường. Hình thù Ngài, giống mọi người. Thế nên, khi Maria Magđala chợt thấy Thầy, chị cứ ngỡ là người làm “vườn”. Kinh thánh, lập đi lập lại nhiều lần về chữ “vườn”. Đức Giêsu được chôn trong “vườn”. Vườn ở đây, là nơi tiên tổ loài người vấp phạm. Ơn cứu độ, cũng khởi sự từ nơi “vườn”. Nói chung, “vườn” là ý chỉ nơi Chúa thực hiện ơn cứu rỗi.
            Đằng khác, Đức Giêsu tỏ lộ hình hài đã đổi mới của Ngài, bằng cách gọi đích danh tên mỗi người. Trường hợp Maria Magđala, là chứng cứ điển hình. Ngài gọi tên, chị quay lại. Và nhận ra Ngài. Tin Mừng thánh Gioan, cũng có viết: “Người mở cổng cho chiên đàn đi. Chiên con nghe Ngài gọi tên. Và Ngài dẫn chúng đi. Dẫn dắt chiên, Ngài luôn đi trước, chiên theo sau. Chúng nghe biết tiếng Ngài. Chúng không theo ai khác. Và,  không chạy xa Ngài. Vì biết giọng Ngài.”
            Tiệc thánh Phục Sinh nhắc nhớ ta về sứ vụ được uỷ thác cho thánh Phêrô, chị Maria Magđala và các môn đệ. Bài đọc 1, thánh Phêrô lập lại sứ vụ Chúa đã trao cho ông làm nhân chứng: “Chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.” (Cv 10: 41) .
            Phải chăng: mỗi lần tham dự tiệc Thánh, chúng ta đều cùng ăn cùng uống với Đức Kitô Phục Sinh? Nếu như thế, đâu là thông điệp Ngài gửi đến, cho ta? Phải chăng ta nhận lãnh trách nhiệm làm nhân chứng cho Chúa Phục Sinh, chỉ bằng mỗi việc tham dự thánh lể ngày Chủ nhật, vậy thôi sao?
            Thật sự, Lời Chúa ngang qua quả quyết của thánh Phêrô vẫn còn đó: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét sử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ Dang người mà được ơn tha tội.” (Cv 10: 42-43). Chính đó, là sứ vụ, của chúng ta.
            Theo ngôn ngữ đời thường hôm nay, thì: thánh Phêrô muốn bảo rằng: Đức Giêsu và đường lối mà Ngài đề nghị là tiêu chuẩn qua đó mọi người được đo lường, không theo tư cách một Kitô hữu, nhưng qua tư cách của người thường. Phó thác trọn vẹn vào Con Đường của Chúa, Đường Sự Thật và Sự Sống, là thực hiện một hoà giải đậm sâu với Chúa. Với các người anh/người chị, của chúng ta. Là, đem tự do. Công bằng. Và, bình an đến với thế giới. Là, chuẩn bị chính mình cho ngày đó. Ngày mà, tất cả trở nên một trong Đấng Cứu Độ. Ngài là Cha của Sự Thật. Của tình thương. Nhân Hậu.

Wednesday 27 March 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện DCCT: NGƯỜI ĐÃ VÂNG LỜI CHO ĐẾN NỖI PHẢI CHẾT




Các trình thuật Thương Khó trong các sách Tin Mừng kể lại cho chúng ta những biến cố rất cảm động liên quan đến cuộc Vượt Qua của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Trong suốt Tuần Thánh, chúng ta sẽ có nhiều dịp suy niệm về các biến cố đó.
Nhưng đâu là tâm tư sâu kín của Chúa Giêsu làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các biến cố xảy ra ? Đức Giêsu đón nhận và trải qua các biến cố của cuộc Thương Khó với thái độ căn bản nào ?
Bài đọc II của Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay hé lộ cho chúng ta phần nào tâm tư đó của Chúa Giêsu: sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu đối với Cha. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên cây thập tự” ( Pl 2, 8 ). Đây chính là chìa khoá giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm mà Thánh Luca trình bày trong trình thuật Thương Khó được công bố trong Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay.
Vì thế, sẽ thật hữu ích nếu chúng ta dành vài phút suy niệm về Pl 2, 8.
1. “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống”
Không phải chỉ trong cuộc thương khó Đức Giêsu mới hạ mình xuống. Thực ra, đó là mầu nhiệm căn bản mà Người sống từng giây từng phút. Nhưng hơn lúc nào hết, mầu nhiệm đó được chúng ta chiêm ngắm cách rõ nét trong cái chết thập giá đau đớn và ô nhục của Người.
Động từ “hạ mình xuống” ( tapêinôo ) có thể mang sắc thái tiêu cực khi chỉ một sự hạ mình xuống trước mặt người khác, khiến mình đánh mất phẩm giá của chính mình. Nhưng đồng thời, động từ này cũng có thể mang sắc thái hết sức tích cực khi diễn tả thái độ của con người chúng ta trước Thiên Chúa, nhất là trong việc cầu nguyện và phụng tự. Những gì được nói ở cuối câu 8 và trong những câu kế tiếp buộc chúng ta phải hiểu sự hạ mình được nói đến ở đây theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Đó là một sự hạ mình tích cực, bởi lẽ nó được đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Nhưng đó cũng là một sự hạ mình tiêu cực trong cái nhìn nhân loại, bởi lẽ đó là sự hạ mình trong cái chết ô nhục trên thập giá.
Mầu nhiệm mà Hội Thánh tưởng niệm và cử hành trong Tuần Thánh chính là mầu nhiệm hạ mình này của Chúa Giêsu, trong điểm mạnh mẽ và tuyệt hảo nhất của mầu nhiệm. Người hạ mình vâng phục Thiên Chúa. Người hạ mình trong hiến lễ tuyệt đối, hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa trong hy lễ Thập Giá. Nhưng đồng thời đó cũng là mầu nhiệm Chúa Giêsu hạ mình xuống trước mặt nhân loại, chấp nhận mang lấy nơi mình những đớn đau và ô nhục khiến Người trở thành như một kẻ bị nguyền rủa và khinh khi nhất trong nhân loại này. Tính cách “kép” của mầu nhiệm Đức Giêsu hạ mình xuống là điều cần phải được ý thức và duy trì trong mọi cuộc cử hành việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, cách riêng trong Tuần Thánh này.
2. “Vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên cây thập tự”
Đây là mệnh đề cho biết cách thức Đức Giêsu sống mầu nhiệm “hạ mình xuống” của Người. Đức Giêsu hạ mình như thế nào? Đâu là điểm căn cốt trong mầu nhiệm “hạ mình xuống” đó? Thưa: “Người đã vâng lời cho đến nỗi phải chết”. Và đó là một sự vâng phục kéo dài trong suốt cuộc sống Người và đạt đến đỉnh điểm trong mầu nhiệm Thương Khó của Người.
Đáng chú ý là ở đây Thánh Phaolô chỉ nói về “độ dài” ( nếu có thể nói như thế ) và về “cường độ” của sự vâng lời của Đức Giêsu Kitô, chứ không nói Đức Giêsu vâng lời ai và vâng lời như thế nào. Đức Giêsu sống mầu nhiệm vâng lời này suốt đời và trọn vẹn. Nhưng Người vâng lời ai ? Vâng lời Thiên Chúa và/hoặc con người ? Chắc chắn sự vâng lời được nói đến ở đây phải là sự vâng lời Thiên Chúa ( nếu không, những gì được nói ở Pl 2, 9 – 11 sẽ trở thành vô nghĩa ). Nhưng vấn đề là ở đây Thánh Phaolô có muốn nói đến sự vâng phục đối với con người hay không ? Theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ có.
Theo cách Thánh Phaolô sử dụng từ ngữ chỉ sự vâng lời, quả là đúng đắn khi nói rằng sự vâng lời của Đức Giêsu được đề cập đến ở đây có đối tượng trước hết là chính Thiên Chúa nhưng đồng thời cũng diễn tả sự vâng lời con người. Khi cố ý không xác định hiển ngôn đối tượng của sự vâng phục, mệnh đề “vâng lời cho đến nỗi phải chết” ( mà chúng ta đang suy niệm đây ) muốn nhấn mạnh và đề cao trước hết chính sự vâng lời của Chúa Giêsu, sự kéo dài và sự mạnh mẽ triệt để của sự vâng phục đó.
Trong suốt cuộc đời, cách riêng trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu luôn sống một cách triệt để sự vâng phục đối với Thiên Chúa. Đó là khía cạnh thứ nhất và khía cạnh chính yếu trong mầu nhiệm vâng phục của Đức Giêsu mà Hội Thánh cung chiêm cách đặc biệt trong Tuần Thánh này. Đồng thời, đó là sự vâng phục trong thân phận tôi đòi. Không có một khoảnh khắc nào Đức Giêsu không sống trong một sự liên đới trọn vẹn với thân phận tôi đòi và hèn hạ của người nghèo, huống nữa là trong cuộc Thương Khó của Người.
Mầu nhiệm mà Hội Thánh tưởng niệm và cử hành trong Tuần Thánh này cách đặc biệt, chính là mầu nhiệm của sự vâng phục trọn vẹn đó của Đức Giêsu. Người hoàn toàn hiến mình vâng phục Thiên Chúa trong hy lễ thập giá. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” ( Hr 5, 8 ). Người trọn vẹn liên đới với thân phận những con người nghèo khổ và bị khinh khi giữa thế gian, những con người phải hoàn toàn tuỳ thuộc người khác.
Cái chết thập giá được trình bày như là đỉnh điểm của mầu nhiệm hạ mình. Đức Giêsu Kitô đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, hoàn toàn trút bỏ tất cả những gì là vẻ uy nghi của một vì Chúa. Người chấp nhận bị loại trừ và bị nhục mạ đến cùng cực trong cái chết thập giá. Cái chết thập giá là cực điểm của hành trình vâng phục của Con Thiên Chúa. Người đã đi đến tận cùng của đời sống vâng phục khi đón nhận cái chết hổ nhục nhất: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ !” ( Gl 3, 13 ).
Như thế, từ địa vị Thiên Chúa vinh quang, Đức Kitô đã đi xuống tận cùng thân phận của người nô lệ để cứu độ con người bằng cách chữa lành thái độ bất phục tùng của con người. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” ( Rm 5, 19 ).
Thật ra, mầu nhiệm hạ mình vâng phục chính là mầu nhiệm căn bản và chính yếu trong toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu. “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” ( Hr 10, 5 – 6 ). Khi bước vào cuộc thương khó, Người thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” ( Lc 22, 42 ).
Vì thế, chúng ta sẽ không thể hiểu được trình thuật Thương Khó được công bố trong bài Tin Mừng hôm nay, nếu không chú ý đến mầu nhiệm vĩ đại đó.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Tuesday 26 March 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: Đá ơi đá có đau không?



ĐÁ ƠI, CÓ ĐAU KHÔNG ?

Buổi chiều thứ tư 20 tháng 3, trước ngày khai mạc Triển Lãm Mỹ Thuật về đề tài “Sự Sống” tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn, tôi ra thăm xem công việc chuẩn bị đến đâu rồi. Một cảnh tượng trớ trêu, Bùi Thị Thắm, một sinh viên lớp Sơn Mài 5, mắt đỏ hoe ngồi bệt xuống đất ngay bên cạnh tác phẩm “nghệ thuật sắp đặt” của mình mà… cười ngất ! Hỏi ra mới biết, công đoạn sau cùng để hoàn tất tác phẩm “Đá ơi, có đau không ?”, Thắm đã phải bôi màu đỏ vào hai bàn chân mình rồi bước lên những phiến đá san hô đã sắp đặt, làm thành tác phẩm “Đá ơi, có đau không ?” với những dấu chân đỏ màu máu. Đúng lúc ấy có người khách vô tình ghé thăm cứ tưởng Thắm bị tai nạn nghề nghiệp chảy máu, vội vàng can thiệp, định đưa Thắm đi bệnh viện cấp cứu. Khi vỡ lẽ, Thắm và bạn bè, cả vị khách nhiệt tình tốt bụng ấy đều phì cười, thế nhưng cảm xúc về một nỗi đau của nhân sinh vẫn còn đọng trên đôi mắt người nghệ sĩ, mắt Thắm ứa lệ.
Đã có những lời đồng cảm được ghi trong lưu bút của cuộc triển lãm, một nỗi đau buốt trong trái tim của những con người biết đau, một nỗi quay quắt về một tình trạng tội ác ngày ngày diễn ra âm thầm nhưng vô cùng mãnh liệt trên quê hương đất nước thân yêu này, tệ nạn nạo phá thai làm băng hoại nhiều thế hệ. ( Ảnh chụp hai tác phẩm theo nghệ thuật sắp đặt trong Triển Lãm: “Đá ơi, có đau không ?” của bạn Bùi Thị Thắm, và “Tiếng kêu” của Nữ Tu Huyền Trân, Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết ).
Sở dĩ tôi nói “nhiều thế hệ” là vì hậu quả của nó không chỉ dừng lại nơi bản thân người phá thai ( người mẹ hay người cha của thai nhi ), nhưng trong tương quan với mọi thành viên của gia đình các đương sự ( sự can thiệp của gia đình dẫn đến tội ác ), tương quan với mọi thành phần trong xã hội ( sự cộng tác của những nhân viên y tế và dịch vụ ), và di lụy của nó cho cuộc đời của những con người tham gia vào tội ác này ( nạn nhân cũng như người tham gia ca phá thai ).
Phá thai không chỉ giết chết mạng sống một con người ( thai nhi ), không chỉ tàn phá cơ thể một người nữ ( thai phụ ), không chỉ gây chấn thương tâm lý cho cả hai ( cha và mẹ thai nhi ), họ bị dằn vặt suốt đời về hình ảnh thai nhi bị phá, không chỉ đánh mất sự hướng thượng của đời sống tinh thần, nhưng điều kinh khủng là làm họ mất khả năng yêu thương. Đứa con là kết quả của sự yêu thương, là một mối tương quan nhân sinh không thế chia cắt, nay dứt bỏ nghĩa là kết thúc, không còn khả năng yêu thương và không còn khả năng thiết lập các mối quan hệ khác nữa. Chúng tôi đã được gặp rất nhiều phụ nữ sau phá thai, họ bị tổn thương đời sống yêu thương cùng tột, họ mất khả năng làm người đến độ cùng quẫn, chúng tôi kinh nghiệm một điều là chỉ có Chúa Giêsu Kitô, đến với Ngài, chính Ngài sẽ chữa lành và phục hồi tâm linh cho họ.
“Mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ Sự Sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình”. Đó là lời đề nghị số 3 trong mục thứ nhất, Quyền con người thuộc bản “Nhận định và góp ý bản dự thảo hiến pháp” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ( 1.3.2013 ).
Lời nhận định và lên tiếng đanh thép của các Giám Mục Việt Nam tỏa lan như ánh sáng chiếu soi vào đêm đen u tối, chấm dứt những thái độ hèn nhát, nhập nhằng, thỏa hiệp.
Tôi nhớ lại những ngày tổ chức Đai Hội Dân Chúa tại Sàigòn ( tháng 11 năm 2010 ), sau một ngày làm việc, một nữ bác sĩ đến từ Pleiku gặp tôi bày tỏ nỗi uất ức của chị, trong cuộc họp tổ chị phát biểu về tệ nạn phá thai và đề nghị Đại Hội Dân Chúa lên tiếng, nhưng người tổ trưởng và tổ phó bác bỏ ý kiến của chị và cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” không nên đề cập đến ! Cần nói rõ: hai ông “tổ” này đều là Linh Mục. Chị buồn và nói với tôi: “Có lẽ các cha là đàn ông nên không thấy cái đau của phụ nữ” ! Tôi chia sẻ với chị: “Không phải cái gì đúng cũng đều được chấp nhận, chị phải kiên nhẫn, cầu nguyện và đợi chờ, chờ cái đúng có được thời gian”.
Nghe nói trong cuộc họp khoáng đại cuối Đại Hội, chị cũng tranh được micro phone để lên tiếng về tội ác này. Hôm nay đọc bản “Nhận định và góp ý dự thảo hiến pháp” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi chưa có cơ hội gặp chị để chia sẻ, chắc chị vui và bắt đầu thấy yên tâm lắm.
Trong hơn sáu mươi tác phẩm bằng đủ các thể loại và chất liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Sự Sống”, tôi còn chú ý đặc biệt đến hai bức tranh chì màu đề tên tác giả là: Các em thiếu nhi lớp năng khiếu nghệ thuật “Chân Tín”. Cả hai bức diễn tả nét hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ, tác phẩm do chính các em thực hiện. Hỏi ra tôi được biết, bạn Lê Anh Đức, một sinh viên lớp Sơn Mài 3, đã tự nguyện mở lớp năng khiếu hội họa cho các em thiếu nhi ( nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất 13 tuổi ), nhiều em còn là trẻ bị khiếm thính, không nghe không nói được nhưng vẽ đẹp và có chiều sâu, anh đã lấy luôn tên cha già Chân Tín, DCCT, đặt cho lớp học. Hỏi lý do, Đức nói: “Con nhận được nơi cha già tinh thần bảo vệ quyền sống của con người”.
Có những giờ phút vắng lặng của cuộc triển lãm, người ta bắt gặp những tâm hồn thinh lặng trầm lắng bên tác phẩm “Đá ơi, có đau không ?” Có lời thì thầm nào đó trong hơi gió chiều hè, ẩn sâu dưới đáy lòng: “Quả tim ơi ! có đau không ?”
Cám ơn Thắm và các bạn.
Lm. VĨNH SANG, DCCT

Thursday 21 March 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: Tôi KHông kết Án chị...



“TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ”

Đức Giêsu thường xuyên giao du với những kẻ bị coi là tội lỗi, ăn uống với họ, công bố ơn Thiên Chúa tha thứ cho họ… Và Người được những người tội lỗi yêu mến và tin tưởng. Nhưng thái độ và cách hành xử đó của Đức Giêsu đối với người tội lỗi đã luôn bị các địch thủ của Người chống đối quyết liệt. Họ luôn tìm dịp để gài bẫy Người. Ngày nọ, vừa tảng sáng, Đức Giêsu trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người( Ga 8, 2 – 6a ).
Đức Giêsu bị đặt vào một hoàn cảnh đặc biệt. Quả thực ngoại tình là một tội nặng, không thể xem thường. Chính Đức Giêsu cũng đã từng đề cao tính bất khả phân ly của hôn nhân và không chấp nhận tình trạng bất trung trong hôn nhân. Đàng khác, cũng chính Người rất thương yêu các tội nhân. Vì thế, những người Pharisêu và các kinh sư quyết định lợi dụng một vụ xét xử người phụ nữ phạm tội ngoại tình để gài bẫy và tìm cách lên án Đức Giêsu. Họ đưa người đàn bà ấy đến với Đức Giêsu, trước mặt đám đông. Nếu Đức Giêsu kết án chị ta, là Người công nhận lập trường khắc nghiệt của các kinh sư và những người Pharisêu đối với kẻ tội lỗi, và Người tự phủ nhận những lời giảng dạy của chính mình về ơn cứu độ, về lòng thương xót, về sự tha thứ và về lòng yêu mến của Người đối với những người tội lỗi. Nhưng nếu Người tha cho người phụ nữ tội lỗi này, là Người vi phạm Lề Luật và bị coi là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất ( c. 6b ). Người im lặng. Người không nhìn mấy ông kinh sư và mấy ông Pharisêu. Cũng chẳng nhìn người phụ nữ. Người làm như thể không có bất cứ ai chung quanh. Mọi người đều chờ đợi câu trả lời của Người: mấy ông kinh sư và Pharisêu đắc thắng, người phụ nữ sợ hãi, đám đông căng thẳng. Nhưng Người chẳng đưa ra câu trả lời nào. Người chỉ viết trên đất. Phải chăng Người đang lâm vào thế bí ? Có lẽ không. Hay Người đang phân tích các yếu tố và các khía cạnh khác nhau của sự kiện để tìm cách trả lời có lợi nhất ? Có lẽ không. Người muốn tỏ ra bình tĩnh và thản nhiên ? Hay Người đang cố ý tạo một quãng thời gian thinh lặng để buộc mọi người phải suy nghĩ ? Người muốn gửi đến họ thông điệp gì khi Người lấy tay viết trên đất ?
Nhưng cuối cùng, Người cũng lên tiếng. “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” ( c. 7 ). Những kinh sư và người Pharisêu chỉ nhìn Lề Luật và tội lỗi của người đàn bà. Họ quá chắc chắn về mình và quá tự mãn nơi mình. Nhưng Đức Giêsu mời gọi họ quay trở về với lương tâm của mình. Người kêu gọi họ ý thức về tội lỗi của chính họ: họ không thể làm như mình vô tội và không cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đặt cuộc tranh luận sang một bình diện khác. Trước Nhan Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân và đều cần ơn tha thứ. Đức Giêsu kéo các kinh sư và người Pharisêu trở lại với dữ kiện thực tế mà họ đã lãng quên đó.
Thánh Augustinô viết: “Chúa Giêsu không nói: ‘Đừng ném đá cô ta’, vì Người không muốn làm ra vẻ nói ngược với luật. Nhưng Người cũng cẩn thận không nói: ‘Phải ném đá cô ta’, bởi vì Người không đến để làm mất cái đã tìm lại được, nhưng để đi tìm cái đã mất… Nhưng Người khiến các ông ( Kinh Sư và Pharisêu ) phải băn khoăn suy nghĩ biết chừng nào ! Thủ đoạn của các ông chỉ ở bên ngoài thôi, các ông không nhìn vào tận đáy lòng mình. Các ông thấy người thiếu phụ ngoại tình, nhưng chính các ông không tự nhìn vào mình. Mà bất cứ ai chăm chú tự nhìn vào mình thì sẽ khám phá ra mình là người tội lỗi. Đó là điều chắc chắn”.
Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất” ( c. 8 ). Người để mọi người đối diện với chính bản thân mình. Người dành thời gian cho họ tự suy nghĩ và nhận định. Người tỏ lòng lân mẫn thương xót ngay cả với những người vừa nhao nhao đòi kết án chị phụ nữ và vừa giăng bẫy hại Người. Người cũng muốn dành thời gian cho người phụ nữ tội lỗi có thời gian suy nghĩ về tội lỗi của mình. Có thể chị đã chẳng có lúc nào được yên kể từ lúc bị bắt quả tang phạm tội. Vậy đây là lúc chị có thể suy nghĩ mà nhận ra sự nặng nề của việc mình đã làm. Bây giờ đối diện với sự nhân hậu của Đức Giêsu, chị có cơ hội thấm thía hơn về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, và vì thế, thấm thía hơn về tính cách nghiêm trọng của tội mà chị đã phạm.
Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” ( c. 9a ). Thánh Augustinô viết: “Bị đức công chính cật vấn như một mũi đòng đâm thâu, các ông trở về với chính mình, khám phá ra mình là những người tội lỗi, nên lần lượt rút lui, kẻ trước người sau. ”
Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa” ( c. 9b ). Thánh Augustinô bình luận: ‘sự khốn cùng’ đối diện với ‘lòng lân tuất’.
Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả". Đức Giêsu nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” ( cc. 10 – 11 ). Từ đầu câu chuyện đến giờ, Đức Giêsu hình như chỉ để ý đến những người Pharisêu và các kinh sư đang ra sức tố cáo người phụ nữ và giăng bẫy hại Đức Giêsu. Bây giờ Người ngước mắt lên, nhìn thẳng vào người phụ nữ tội lỗi. Hai câu hỏi của Người cho thấy một tình cảnh hoàn toàn mới mẻ đã xuất hiện: mọi người tố cáo người phụ nữ đều đã rút lui và không ai ném đá tử hình chị.
Một cách vô tình, nguồi phụ nữ đã trả lời rất chính xác: không ai lên án chị. Kể cả Đức Giêsu, Đấng duy nhất vô tội. Người là Đấng từng tuyên bố: “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” ( Ga 8, 15 ). “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” ( Ga 3, 17 ). Bởi vì, như Đức Giêsu đã nói về chính mình: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 10 ).
Điều chúng ta phải tin trong Kinh Tin Kính không phải là tội lỗi, mà là việc tha thứ tội lỗi. Thực ra, chính sự tha thứ giúp biết tội. Chúng ta thực sự nhận thức được tội của mình ngay vào lúc mình biết rằng tội đã bị triệt tiêu. Khoảnh khắc mà người phụ nữ ngoại tình hiểu những gì chị đã làm, không phải là khi chị đối diện với cơn say máu của các người Pharisêu và các Kinh Sư. Lúc mà chị hiểu sự đáng bị khinh bỉ của chị nhất có lẽ chính là lúc Đức Giêsu ngước mắt nhìn chị và nói: Tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Vào giờ đó, chị không còn đối diện với một bộ luật, mà là với tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Chính tình yêu và lòng xót thương ấy đã cho chị thấy tội lỗi của chị hơn là mấy ông Kinh Sư và những khoản luật mà các ông ấy viện dẫn. Cũng chính tình thương và lòng thương xót đó đã làm cho các ông Kinh Sư và Pharisêu nhận biết tội lỗi của họ.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

Wednesday 20 March 2013

Lm Vũ Khởi Phụng CSsR: Khi người bắc cầu đã qua bờ bên kia (tiếp theo)



KHI NGƯỜI BẮC CẦU ĐÃ QUA BỜ BÊN KIA… ( Kỳ cuối )

Từ nay khi nói đến những gì diễn ra ở Vatican, ta có thể gọi đó là “tiền triều”. Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng đã khai mạc. Vài hôm nữa sẽ bắt đầu một triều đại mới. Dư luận thế gian bàn tán khá nhiều, nhiều đến độ nhàm chán, về những gì sẽ thay đổi trong Giáo Hội. Việc Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI từ nhiệm, rồi Hội Thánh đi tìm vị Giáo Hoàng mới, là một cơ hội để cho các nhà truyền thông, báo viết, báo mạng, truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, v.v… đào xới đủ kiểu những vấn đề Hội Thánh phải đối mặt.
Không ai phủ nhận đó là những vấn đề rất gây nhức đầu. Đa số là những vấn đề không lấy gì làm đẹp đẽ. Người ta được dịp tung đi tung lại nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những vụ báo che tội lỗi. Người ta úp mở về những vụ mờ ám liên quan đến Ngân Hàng Vatican, và những “đấu đá” nội bộ. Người ta phê bình nghiêm khắc về cách thức quản trị của Tòa Thánh, người ta nói ngày nay ở Vatican quá lạc điệu so với sự biến chuyển của xã hội, ngày càng trở nên cổ hủ, lỗi thời.
Châu Âu, xét về mặt lịch sử, là vùng đất đã được Giáo Hội nhào nặn, đã là căn cứ địa vững chắc của “nền văn minh Kitô Giáo” qua bao thế kỷ, thì nay đang thế tục hóa tràn cung mây, các Nhà Thờ vắng vẻ, người ta thờ ơ với Chúa. Châu Mỹ Latinh, nơi tập trung gần một nửa số tín đồ Công Giáo thế giới, thì đang chịu sự cạnh tranh ráo riết của các nhánh Tin Lành ( kiểu các nhóm Ngũ Tuần ) linh động hơn, năng nổ hơn so với một Công Giáo có phần lề mề hình thức, khiến cho tỷ lệ Giáo Dân Công Giáo giảm đi trông thấy, người ta lại bảo Giáo Hội lo mà đi với thời đại, phải cho phép phá thai, phải chấp nhận hôn nhân đồng tính v.v… Nếu không thì chỉ có lụi tàn, đừng mong ngóc đầu dậy.
Có người làm nhà “tiên tri báo họa” đã thấy ngày tận số của Giáo Hội trong tương lai không xa. Nghe dễ sợ thật, chỉ trừ một điều là những lời tiên tri như thế, trước đây cũng đã nghe dăm ba lần là ít, chờ mãi không thấy thành sự thực. Nói thẳng ra, những vấn đề khó khăn là có thực. Có thực nên mới thành vấn đề. Chẳng thể quay mặt nhìn đi chỗ khác, làm như… không có thái độ như thế sẽ là đại họa.
Hôm mới đây có một bài báo ở Châu Âu kê khai đủ loại tệ nạn về tiêu cực đang gặm nhấm Giáo Hội và nhận định Giáo Hội ngày nay như một căn nhà rệu rạo ọp ẹp. Có một độc giả đã phản hồi ngộ nghĩnh rằng căn nhà vốn đã rệu rào ọp ẹp hai ngàn năm nay rồi ! Ý bạn đó muốn nói rằng thời nào, đời nào, mà Giáo Hội chẳng phải vướng bận lao đao vì những vấn đề khó khăn, đôi khi là những khủng hoảng chết người !
Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi, tâm Chúa là tập thể những người tội lỗi nghe Lời Chúa gọi mà dẫn nhau lôi thôi lếch thếch cùng đi theo. Đã vậy lại còn bị những lưu thù nghịch từ bên ngoài đánh cho tơi tả ! Nhưng mầu nhiệm là ở chỗ đã đi như thế hai ngàn năm rồi mà không chết, không tan đàn. Ăn uống cái gì, thở khí trời nào mà sống lâu thế, dai thế !
Đúng là ở giữa loài người có cái gì đó mà người đời không thấy. Phần lớn những phân tích tình hình Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông quốc tế trong những ngày này thường suy nghĩ dựa theo những mô hình mượn của sinh hoạt chính trị, hoặc những thẩm định có tính cách xã hội, tâm lý thường tình, hoặc những nếp văn hóa thời nay mới sáng tạo. Dựa theo những quan điểm đó cho ta nắm bắt một vài mẩu sự thật về Giáo Hội. Nhưng chỉ là vài mẩu thôi. Cái toàn cảnh, và nhất là cái gốc rễ, cái căn nguyên làm nên Hội Thánh thì chưa nắm được đâu.
Hãy nhìn 115 vị Hồng Y xếp hàng bước vào Mật Nghị ! Từ khung cảnh trang phục, có vẻ cổ xưa quá, đa số lại là các cụ già, giá trẻ hơn tí nữa sẽ tạo nên một hình ảnh năng động hơn hẳn, nếu cao tuổi thì nên có phong thái tiên phong đạo cốt hơn chút nữa được không ? Có thể trong số đó không phải toàn những trí tuệ siêu việt, nói gì làm gì cũng sáng suốt ! Thậm chí có vị bước chân vào Mật Nghị mà sau lưng dư luận gán cho những tai tiếng nọ kia, lỉnh kỉnh. Xét ra, đó là những con người, không phải siêu nhân ! Cho nên người đời cũng coi mặt mà bắt hình dong, cũng phân chia các vị ra phe này phe nọ.
Thôi được ! Nhưng còn một điều dư luận ít có khả năng phân tích: Các vị đi vào Mật Nghị mà cùng nhau hát trầm trầm: “Veni, Sancte Spiritus ! Thánh Thần, xin hãy đến !” Và không chỉ hát vì đó là nghi thức, các vị hát với tất cả Lòng Tin. Những tính toán, so sánh của các vị về ứng cử viên này hay ứng cử viên khác là có thật, nhưng bên trên đó, và quan trọng hơn nhiều, là cái Đức Tin chung, lớn hơn mỗi người, và nối kết không chỉ mọi người ấy với nhau, mà với chính Chúa Kitô mà mình tôn thờ và hướng tâm đối diện trong những ngày này.
Điều đó tạo nên một yếu tố vô hình mà thế gian không thấy, nó giải thích vì sao khá nhiều lần trong quá khứ, các Mật Nghị đã đưa đến kết quả ngoài dự đoán của nhiều người. Tại sao hồi 1958 cụ Roncalli lại được tôn phong để thành Chân Phước Gioan Phaolô XXVI của Công Đồng Vatican II năm nay ta mừng Kim Khánh ? Tại sao hồi 1978, một Giám Mục Ba Lan lại được tôn phong để Hội Thánh có Chân Phước Gioan Phaolô II ? Tại sao đến 2013, v.v… ? ( Bức ảnh chụp hi hữu: hội ngộ cùng lúc cả 3 Giáo Hoàng: Đức Gioan-Phaolô 2 bắt tay Đức Beneđictô 16 và Đức Phanxicô 1 thì đứng giữa ).
Và vị nào sẽ đắc cử cũng thế. Dư luận phân tích rồi dự đoán vị Hồng Y này ở Italia, vị kia đến từ Canada, vị khác từ Brazil ( đối với nhiều người Việt Nam, nói đến Brazil chỉ nghĩ đến bóng đá ! ). Vị người Ghana kia có thể làm lên lịch sử vì là người da đen đầu tiên kế vị Thánh Phêrô, hay vị Hồng Y rất hấp dẫn của láng giềng Philippines sẽ là người Á Đông da vàng đầu tiên, mắt xích thứ 266 trong triều đại những Mục Tử của Hội Thánh Lữ Hành ?
Bất luận người đó là ai, bất luận người ta phân tích những tương quan địa lý chính trị, những chiến lược sách lược tôn giáo như thế nào, vị nào đắc cử thì cũng sống trong một thực tại vô hình với thế gian: đó là một con người đã được Đức Tin vào Chúa Kitô xâm chiếm, và Đức Tin ấy sẽ quyết định hướng đi Dân Chúa trong thời gian sắp tới, chứ không phải là vô số những bình luận và đồn đoán của chợ đời ! Nói cách khác, người đời, hoặc nói như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn là “thói đời” thường hay nhìn những nét tương phản của hai triều đại Giáo Hoàng kế tiếp. Nhưng một chân lý sâu xa hơn trong Hội Thánh lại cho ta nhìn ra sự liên tục truyền từ đời này sang đời kia trong suốt hành trình của Dân Chúa.
Điều này đưa ta trở về với Đức Benedicto XVI. Trong buổi gặp gỡ để từ biệt cộng đồng Dân Chúa ngày 27.2.2013, trước 150.000 người, ngài đã hồi tưởng lại 8 năm trong sứ mệnh mục tử tối cao “có những lúc rất vui mừng hạnh phúc”, nhưng cũng có những lúc không dễ dàng gì, sóng to gió ngược như vẫn có trong suốt lịch sử Hội Thánh, và Chúa thì như ngủ say, nhưng lúc nào tôi cũng biết rằng con thuyền Hội Thánh không phải là của tôi, không phải là của chúng ta, nhưng là con thuyền của Chúa và Chúa không để cho thuyền đắm…”
Thế đấy, có một sự liên tục giữa những người đồ đệ trên con thuyền năm xưa chao đảo trên biển hồ Galilê với vị Giáo Hoàng 20 thế kỷ sau. Cái liên tục trong thâm tâm các đồ đệ ấy giải thích ở tầng sâu nhất về những khó khăn, thử thách mà Hội Thánh phải chấp nhận ở thế gian này. Không phải là không có những khuyết điểm, thiếu sót, mù tối trong lòng Dân Chúa, và nhiều khi cả nơi các đấng bậc trong Hội Thánh nhưng sau khi đã trừ hao các nhân tố tiêu cực ấy, rồi đi đến cùng kỳ lý, thì vẫn còn cái niềm tin vô hình ấy khiến cho Hội Thánh tất yếu gặp các trở ngại. Thánh Phêrô thì bị giam cầm, đòn vọt bên Do Thái, rồi bị hoàng đế Nero giết chết ở Rôma. Đức Benedicto XVI thì bị người của thế kỷ 21 chống báng, đả kích, thậm chí bôi nhọ. Chính cái niềm tin ấy giải thích con thuyền của Hội Thánh có thể tơi tả, nhưng không thể chìm.
Nói đúng hơn, khi nó bị tơi tả là lúc những gì trên thuyền có thể chìm được ( cũng khá nhiều thứ ) thì cho chìm luôn, để chỉ còn lại cái không thể chìm.
Nếu không ngại đưa tình cảm của con người vào cõi huyền nhiệm, có thể áp dụng cho Đức Tin và Hội Thánh ý thơ của Xuân Quỳnh trong “Thuyền và biển”:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông dường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu.
Nhìn lại thời gian ở ngôi khó nhọc của Đức Benedicto XVI, ta cảm nhận ra vì sao một con người, sống bằng nội tâm, bằng trí huệ, một con người không thích những sự ồn ào của thế gian, lại cứ hiền hòa đứng mũi chịu sào trong suốt tám năm làm đèn thắp trên giá, làm thành xây trên núi, giữa những tấn công bão táp của thế gian.
Ngay từ ngày đầu đã thế. Theo lời ngài kể với tác giả Peter Seewald, trong tác phẩm “Ánh sáng thế gian”, thì trong Mật Nghị năm 2005 bầu người kế vị Đức Gioan Phaolô II, “đột nhiên tôi giáp mặt với một nhiệm vụ lớn quá thể. Đối với tôi đó là một cơn chấn động… Tôi đã liên tưởng đến chiếc máy chém; bây giờ lưỡi máy chém đang phập xuống, chém đúng cổ mình… Tôi cứ tưởng chức vụ đó không dành cho tôi. Thật ra tôi nghĩ thiên bẩm của tôi là làm giáo sư Thần Học. Nhưng, như tôi đã nói, trong lời “xin vâng” căn bản ( khi thụ phong Linh Mục ) đã tiềm tang ý hướng là sẵn sàng tuân theo ý Chúa điều động, vậy thì biết đâu có ngày tôi sẽ phải làm những điều mà niềm riêng tôi không muốn làm. Còn vì lý do gì mà Chúa lại khiến tôi làm như vậy, thì chỉ có phó thác cho Chúa mà thôi !”
Từ đó ngài phải giáp mặt với thế gian nhũng nhiễu này. Ngài làm đủ cách để thế gian hiểu rằng Thiên Chúa là lòng yêu mến, rằng chúng ta được cứu thoát trong niềm hy vọng cậy trông, ngài muốn bày tỏ lòng yêu mến trong chân lý với hết mọi người. Dù người thế gian có la hét bai biếm thế nào thì vẫn một nội dung ấy đầy hồn. Cứ an bình mà thổ lộ tâm can của người đã sống chìm ngập trong Đức Tin.
Peter Seewald nhận xét: “Ngài là hiện thân của một trí huệ mới trong cách tế nhận và bày tỏ các mầu nhiệm Đức Tin, ngài là một nhà Thần Học, nhưng ngài bênh vực Đức Tin của kẻ bình dân, đối diện với tôn giáo của những bậc giáo sư vốn lạnh tanh như tro nguội. Với sự thanh thoát, thanh nhã đặc biệt, với những khả năng nhập vào uyên thâm, khiến cho những điều nghiêm cẩn trở nên nhẹ bổng, mà vẫn không mất phần mầu nhiệm, không tầm thường hóa sự thánh thiêng. Ngài là một nhà tư tưởng biết cầu nguyện, đối với ngài mầu nhiệm Chúa Kitô định hình cho cả đất trời vũ trụ và lịch sử nhân sinh. Ngài là một người yêu mến con người. Hỏi ngài rằng: “Có bao nhiêu con đường đưa đến Thiên Chúa ?”, thì ngài không cần suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: “Có bao nhiêu người thì bấy nhiêu đường”.
“Có bao nhiêu người thì bấy nhiêu đường”. Nỗi khổ của ngài là có quá nhiều người đi ngược đường. Niềm vui của ngài là có rất đông người đã bắt được tần số độc đáo này, để cùng ngài chung đường. Họ tề tựu đông đảo để nghe ngài giáo huấn, họ tìm đọc các tác phẩm của ngài khiến sách ngài viết trở thành “Best Sellers”, họ vui niềm vui âm thầm của ngài. Hoặc như những ngày cuối ngài ở ngôi Giáo Hoàng, họ bừng dậy thành ngọn sóng thần mến yêu nồng ấm. Đối với vô số người như vậy, ngài đã bắc cầu thành công. Ngài có thể hát những lời như Phạm Duy ( nhưng với ngài đó là trên giai điệu của Mozart ):
Đường đi đã tới
Lòng dân đã nối
Người tạm dừng bước chân vui, người ơi !
Cho nên giữa bao sóng gió của tám năm trên ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài vẫn tìm được thì giờ viết bộ sách “Giêsu Nazareth”, tác giả ký cả tông hiệu lẫn thế danh: “Joseph Ratzinger, Benedicto XVI”. Đó là Đức Tin truyền đời của Hội Thánh mà cũng là hành trình của một đời người đi tìm “tôn nhan Chúa”.
Thời gian chảy như thác lũ, chẳng bao lâu mà đã tám năm. Cuối tháng 12 vừa qua, ngài cho xuất bản tập cuối của tác phẩm. Đến lúc ấy thì trong thâm tâm ngài đã cảm thấy “Chúa bảo tôi lên núi cao hiến mình hơn nữa để cầu nguyện và suy ngắm. Nhưng như thế không có nghĩa là bỏ Giáo Hội mà đi, trái lại là khác. Nếu Thiên Chúa gọi tôi làm như thế là vì tôi có thể tiếp tục phục vụ Hội Thánh, với cùng một tình yêu nồng nàn như tôi đã tìm cách làm cho đến lúc đó, nhưng từ nay làm một cách thích hợp hơn với tuổi tác và sức lực của tôi.”
Trong những ngày cuối, ngài nói: “Tôi sẽ không phải là Giáo Hoàng nữa nhưng là một giáo lữ bắt đầu đi vào chặng cuối của chuyến hành hương giữa thế gian”. Đức Benedicto XVI rời khỏi Vatican chiều ngày 28 tháng 2. Thế gian lại bổ nhào vào những dự đoán về người kế vị, với đủ mọi kiểu tính toán. Chúa Nhật vừa rồi, các vị Hồng Y chia nhau đi dâng Thánh Lễ ở các Nhà Thờ Rôma. Người ta hết sức tò mò săn đón những vị được coi là có khả năng sắp lên ngôi. Người ta đua nhau nêu những câu hỏi xem các vị trả lời thế nào, phản ứng làm sao.
Đức Hồng Y Peter Erdo, người Hungary, chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục Châu Âu, trả lời: “Đến lúc rồi đây. Chúng ta phải đứng dậy, ngẩng cao đầu lên và nếu chúng ta không tìm được con đường để về nhà, thì phải hỏi các bậc tiền nhân đi đường nào cho đúng. Đường đó chính là Chúa Kitô. Nhiệm vụ của Hội Thánh là loan báo Chúa Kitô cho mọi người”.
Người ta lại đi tìm Đức Hồng Y Scola, người đang được đánh giá là có nhiều triển vọng. Chỉ nghe thấy ngài cầu nguyện trong Thánh Lễ: “Xin ban cho chúng con một vị Mục Tử thánh thiện để xây dựng Hội Thánh bằng chứng tá cả một cuộc đời”.
Hay là đi hỏi dò Đức Hồng Y Ouellet, người Canada ? Ngài đề nghị: ta hãy cầu nguyện “để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho các Hồng Y tìm thấy người Thiên Chúa đã chọn rồi”.
Nay mai, Mật Nghị Hồng Y sẽ tìm ra “người Thiên Chúa đã chọn rồi”. Vài tuần nữa trong đêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh lại thắp lên cây nến mới, biểu tượng cho Lòng Tin vào:
“Chúa Kitô hôm qua và hôm nay
Khởi nguyên và Cánh thành
Alpha và Omega
Thời gian là của Người, vĩnh hằng là của Người…”
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT, 13.3.2013

Tuesday 19 March 2013

Lm Vĩnh Sang DCCT: "Xin Chúa tha lỗi cho anh em..."



“XIN CHÚA THA LỖI CHO ANH EM…”
Trong bữa cơm chiều ngày cuối cùng trước khi giải tán Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, Đức tân Giáo Hoàng nói với các Hồng Y rằng: “Xin Chúa tha lỗi cho anh em vì anh em đã tuyển chọn tôi”. Ngay từ những lời đầu của triều đại Giáo Hoàng, vị tân lãnh đạo Dân Chúa đã có những lời phát biểu rất dí dỏm mà lại hết sức tế nhị, đầy nhân bản.
Các hãng thông tấn kể: khi đã đắc cử, ngài trở về Tu Viện nơi ngài trú ngụ trước khi vào dự Mật Nghị để lấy các đồ dùng cá nhân của ngài, ngài đã móc túi lấy tiền để trả các chi phí, nhân viên lễ tân từ chối nhận tiền, ngài bảo: “Tôi trả tiền với tư cách là Hồng Y”. Xin ghi chú, ở các nước theo văn hóa phương Tây, dù là ai đi nữa, khi đến trọ tại bất kỳ một Tu Viện nào đều phải thanh toán tiền phòng, tiền ăn ( nếu có đăng ký ăn ) và các khoản chi phí khác, trừ trường hợp được chính Tu Viện đó mời đến đây nghỉ. Có lần tôi di dự một lễ lớn ở Phi Luật Tân do Tỉnh DCCT Cebu tổ chức, vì đã đăng ký trước nên tôi được sắp xếp một phòng riêng để nghỉ, cuối ngày khai mạc tôi thấy Đức Giám Mục Mindanao ( một Giám Mục vốn là Tu Sĩ DCCT ) đến dự, vì ngài không đăng ký trước và cũng vì hết phòng, người ta sắp cho ngài một cái ghế bố nằm trong thư viện, tôi đến gặp ngài và có ý nhường phòng mình cho ngài nhưng ngài nhất định không chịu, ngài nói: “Tôi không đăng ký nên không có phòng, cha đã có phòng cha cứ ở”, và ngài đã an nhiên nằm ghế bố suốt mấy ngày lễ. Văn hóa phương Tây rất sòng phẳng như vậy và bình đẳng như vậy.
Hãng CNN phát hình buổi ra mắt của vị tân Giáo Hoàng trước công chúng ở quảng trường Thánh Phêrô ngay sau khi đắc cử, kết thúc những lời đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng nơi cửa sổ của điện Giáo Hoàng, ngài nói: “Trước khi tôi ban phép lành cho anh chị em, xin anh chị em chúc lành cho tôi và cầu nguyện cho tôi”. Đám đông đã hò reo vỗ tay chúc mừng ngài. Nhìn đám đông tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô trong đêm mưa gió mới nghiệm ra được tình cảm, sự quan tâm, của nhiều người dành cho Hội Thánh Công Giáo Roma. Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới, tụ họp tại quảng trường, tràn cả ra đại lộ Hòa Giải, dọc theo đai lộ có những màn hình trực tiếp truyền hình cho những người không tìm được chỗ đứng trong quảng trường, họ đã đứng từ giờ này qua giờ khác, mong chờ làn khói trắng bay lên.
Con số trên 5.600 phóng viên của các hãng thông tấn báo chí đăng ký theo dõi việc tuyển chọn là một con số đáng chú ý. Điều đáng chú ý hơn là từ các đài truyền hình nổi tiếng, cho đến nhiều đài truyền hình quốc gia, địa phương, trực tiếp truyền hình những sự kiện chung quanh biến cố này. Có thể nói biến cố tuyển chọn Giáo Hoàng lôi kéo sự chú ý của toàn thế giới, không hề có cuộc tuyển cử của bất kỳ cuộc tuyển cử nào hấp dẫn giới truyền thông như vậy. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng nói riêng và của Hội Thánh Công giáo Roma nói chung đối với thế giới ra sao.
Một mặt khác, quan sát đám đông tu họp ở quảng trường Thánh Phêrô trong những ngày Mật Hội Hồng Y, và nhất là trong đêm khi làn khói trắng bay lên, đa số là những người đủ mọi quốc tịch màu da, họ reo hò, tỏ lộ sự vui mừng khi vị tân Giáo Hoàng xuất hiện. Giới trẻ không thờ ơ với Hội Thánh như nhiều người lầm tưởng, giới trẻ có cách đặt vấn đề, có cách suy tư, có cách yêu mến của họ, chúng ta phải đọc ra được và khám phá sự huyền nhiệm đó.
Cách đây vài năm khi phải thực hiện một cuộc điều tra xã hội về bài giảng Chúa Nhật, tôi nhờ các chuyên viên về xã hội giúp biên soạn một tập câu hỏi, đối tượng tôi chọn để thực hiện là giới trẻ, kết quả thu được bằng những con số nói lên sự quan tâm của các bạn trẻ về nội dung bài giảng Chúa Nhật, các bạn muốn và các bạn cần một của ăn thiêng liêng qua Lời của Chúa, các bạn chờ đợi nơi vị có trách nhiệm giảng dạy Lời Chúa một thái độ nghiêm túc, một tâm hồn yêu mến, một trái tim mục tử.
Đức Gioan-Phaolô II đã khám phá và đi sâu vào lòng giới trẻ, khơi lên nơi họ niềm hy vọng và sự can đảm, làm họ say mê Thiên Chúa và thay đổi cuộc đời. Chúng ta hy vọng vị Giáo Hoàng mới, quá khứ đã cho thấy ngài là một con người cởi mở, gần gũi và tha thiết với người nghèo, một con người trẻ trung nhanh nhẹn, một con người vui tươi và linh hoạt.
Thời còn làm Tổng Giám Mục, ngài trách các Linh Mục không chịu rửa tội cho các trẻ em sinh ra trong những gia đình đã không kết hôn theo Giáo Luật, ngài yêu cầu phải rửa tội cho các cháu bé đó khi cha mẹ chúng xin. Một vị Giáo Hoàng yêu mến kẻ có tội, biết tha thứ và thấu cảm thế nào là ơn tha thứ.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay ( Ga 8, 1 – 11 ), kể về người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, kể về tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Con người thích buộc tội và xử án nhau, Chúa không như thế. Chúng ta yếu đuối, bất toàn, hèn kém, xin Chúa ban cho chúng ta biết sống theo tình thương, lòng khiêm nhu và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 17.3.2013

Monday 18 March 2013

Lm Kevin O'Shea CSsR: Tranh luận về Thư Rôma



PHAOLÔ và sự nghiệp cầm bút 
viết cho người thị thành
ở La Mã

Phần 2

TRANH LUẬN VỀ THƯ RÔMA

Xem ra, lại đã xảy đến nhiều sự việc quanh bức thư do thánh Phaolô viết gửi giáo đoàn Rôma, khá nổi tiếng.

Thánh Phaolô biết rõ: có động lực thánh rất cứu độ đã tác động nơi con người. Ơn cứu độ, nay mặc khải cho ta theo cung cách nhè nhẹ, đi vào cuộc đối thoại với từng người. Nơi đó, có hai khía cạnh luôn đan xen nhau và tiếp cận nhau, đó là: lòng thủy chung và tình thương yêu mặn mà, ở trong ta.

Trước hết, Thiên Chúa đã tỏ lòng yêu thương chung thủy đối với ta vượt quá mức tuyệt vời. Đặc trưng này, dẫn ta trở về với lời hứa mà Ngài từng bộc lộ cho Abraham biết về mặc khải. Một mặc khải tuyệt vời hơn cả hợp đồng thoả thuận tay đôi vẫn thấy dẫy đầy ở trần thế.

Thứ đến, lại có tình Thương Yêu khác, không giống thứ tình ái vẫn tồn tại nơi con người. Và tình Thương Yêu này, đã thể hiện nơi Đức Kitô lại là quà tặng chân tình xưa nay chưa từng thấy, do Chúa gửi đến với ta. (xem Rm 1: 1-4, 1: 17 và 3: 21-26)

Xem thế thì, lòng yêu thương chung thủy, cùng danh tánh của tổ phụ Abraham và Đức Kitô, là ý nghĩa chủ lực trong thư thánh Phaolô viết gửi riêng cộng đoàn Rôma, rất thân mến.

Thế giới trước thời Chúa hạ giáng làm người để sống cuộc đời ở nhân gian trần thế, tựa hồ chốn nhân gian thời khắc trong đó con người chẳng đoái hoài gì đến niềm tin-yêu sống động, nhưng lại vẫn sống với động thái kình chống lại tình Thương Yêu đích thực, Ngài chủ trương. Động thái mà họ xử sự theo cách khó có thể hoà nhập với thứ tình ái lớn rộng ở khắp chốn. Thế giới bị bỏ mặc một mình, lại xử sự theo ý tư riêng, nên cứ thế đi vào đường lối tệ hại mà đây lại không phải là lối-đường của tình Thương Yêu đích thực.

Thiên Chúa đã và đang biểu lộ tình Thương yêu đích thực của Ngài với nhân gian trần thế bằng vào công cuộc tạo dựng; nhưng thế trần, lại đã khước từ Tình Thương Yêu ấy và cũng chẳng biết cảm tạ Ngài vì được như vậy. Ngược lại, nhân gian trần thế lại quá tự tin vào chính mình nên đã đầu tư vào lòng dục, chứ không phải vào lòng mến yêu chính trực. Đó, mới là tội. Là, lỗi phạm. Và, điều khó hiểu mà ta nhận ra nơi sự thể là Chúa vẫn một lòng trao ban Tình Thương của Ngài cho trần thế, cả với người phàm tội lỗi đến là thế. (Rm 1: 18-32)

Nơi Tình Thương của Chúa, nhờ Đức Kitô và qua Đức Kitô, ta nhận ra Thiên-Chúa-là-Cha nên đã cảm tạ Ngài. Từ đó, ta gia nhập vào ơn cứu độ Ngài phú ban. Thế còn, người ngoài Đạo thì sao? Họ có bị lọt sổ vuột khỏi ơn cứu độ không? Bởi, không ai được cứu vớt mà lại không ngang qua và không nhờ vào Đức Kitô; hoặc, gia dĩ lại ở ngoài Đức Kitô được. Vì, ơn cứu độ là ơn thần thánh dẫn ta đến với tình Thương Yêu rộng lớn của Thiên-Chúa, là nhờ Đức Kitô, thôi.

Thế nên, sống với và sống trong Đức Kitô là việc ta làm được mà chẳng cần hỏi xem mình có ở với và ở trong Ngài không? Vì thế, vào thời điểm ấy, đã thấy nhiều tín hữu Đạo Chúa vẫn cứ hỏi: không biết mình có là Kitô-hữu đích thực không? Thật ra, thì câu trả lời là: muốn được thế, không cần nhận chân Đức Kitô, mà chỉ cần ý thức một cách liên tục những gì tốt lành và cần thiết cho cuộc sống nội tâm ngõ hầu ta có thể nhờ đó mà đón nhận tình Thuơng yêu tràn đầy ấy. Có như thế, mỗi người và mọi người mới thực sự là Do thái và là tín hữu Đức Kitô. Việc này, không thể xảy đến mà lại không có “cắt bì nội tâm” khiến ta dễ dàng mở rộng lòng mình với Tình Thương Yêu rộng lớn Chúa đem đến cho ta. Xem thế thì, điều chắc chắn khiến ta có thể thực thi lòng mến thương nơi người đồng loại. Bằng không, mỗi người và mọi người chỉ thực hiện được tình đồng loại thông thường chứ không thể thực hiện tình thương yêu độc đáo Chúa ban cho. (Rm 2: 12-16; 25-29)

Vấn đề là, tình Thương Yêu ấy mang tính cách quà tặng nhưng-không, rộng khắp. Nhờ có thế, ta mới gạt bỏ được mọi mưu mô tính toán quyết đề cao chính mình và/hoặc tự vinh-danh con người mình, bởi mình cứ cậy vào những gì mình đã làm hầu dựa vào đó mà vênh vang, cao ngạo. Bởi vậy, ta cũng nên nghĩ lại xem mình đã trở thành người thế nào; hoặc, nói theo kiểu người Pháp vẫn cứ bảo: “Hãy luôn tư duy và tự kiểm chính con người mình”. Thế nên, lời nguyện cầu xứng đáng và tốt đẹp hơn cả, sẽ thế này: “Lạy Cha, xin đáp lại điều con xin tuỳ lượng từ bi hải hà của Ngài, chứ đừng xét theo tính vị kỷ của con.”

Thánh Phaolô sử dụng nghi thức sám hối/đền tội của Do-thái-giáo để thiết lập một thế song hành và tương phản với Đức Kitô. Sám hối/đền tội, là nghi thức thứ tha mọi lỗi tội. Nhưng chỉ trong Đức Kitô và ngang qua Đức Kitô ta mới có được sự tha thứ tuyệt đối, rất đích thực. Lý do, là vì tình thương yêu nhất mực của Ngài là nguồn cội của mọi thứ tha rất đích đáng. Đức Giêsu đã chết cho tình Thương Yêu này. Và Tình Thương của Ngài lại kình chống với sự chết lớn hơn bất cứ thứ tình ái cùng sự chết nào khác (Rm 3: 19-24). Và như thế, tha thứ đã trở thành phục sinh/trỗi dậy, rất đích thực.  

Thánh Phaolô lại cũng dùng biểu tượng Abraham tế-hiến Isaac con trai độc nhất của mình hầu thiết lập tình Thương Yêu lớn rộng mà Chúa đã dùng để loại bỏ mọi sự chết chóc, vỡ đổ và sầu buồn. Thế nên, nơi tình Thương Yêu của Chúa, sự công chính luôn ngự trị và niềm tin vào Ngài vẫn ở với tình Thương Ngài ban cho con người. Chính vì Abraham tin vào Chúa, nên ông được gộp chung vào sự Công chính ấy. Thế nên, tin là tin vào tình Thương Yêu của Chúa mang chiều kích lớn rộng và trải dài đến muôn thuở, muôn đời.

Nơi thư Rôma, thánh Phaolô còn đi xa hơn là chỉ tập trung vào mỗi “niềm tin” mà thôi. Thánh-nhân không diễn tả kinh nghiệm về ơn cứu độ nơi tín hữu Đạo Chúa như kinh nghiệm của niềm tin, nhưng là kinh nghiệm sống “an bình/hài hoà”. Bởi, nơi an bình/hài hoà, còn có sự tự do và lòng quả cảm dám hành động một cách tích cực. Thế nên, tình Thương Yêu ấy được cảm nghiệm bằng sự yếu kém vẫn làm nên cuộc sống hằng ngày của mỗi người và mọi người (Rm 5: 1-5).              

Thánh Phaolô rất thích nói đến điều kiện sống khả dĩ ông cảm nghiệm được sự “an bình/hài hoà” hầu trở thành khả-thi. Thánh-nhân quan niệm rằng: ông vẫn đang sống trong lòng Hội thánh còn khiếm khuyết và điều này có ý nghĩa thực thụ trong tâm can đã được “cắt bì” của mỗi người và mọi nguời, tức “ở trong ta.”

Để tạo điều kiện cho sự khả-thi này, thánh Phaolô còn sử dụng loại hình mâu thuẫn/đối chọi vẫn có vào thời đó. Thời này, nhiều người chấp nhận một cách rộng rãi ý tuởng của người Do thái về “Ađam” và ảnh hưởng của “Ađam” lên người đồng loại. Họ nghĩ nên bao gộp tất cả vào phần nội tâm bên trong của Ngài và kết hiệp mọi sự trong mình Ngài. Chính do việc dính dự cách sâu sắc của tất cả trong một “Ađam” mà ý niệm này lại đã có ảnh hưởng trên toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô thấy không cần thiết phải đồng thuận với ảnh hình này, lại đã dựng nên thêm một yếu tố nhỏ để chứng tỏ rằng: Đức Kitô là Đấng Duy nhất từng thực hiện hoặc thực sự tạo ảnh hưởng mãi mãi trên toàn thể nhân loại và vũ trụ. Lý do được biết vẫn như trên, là bởi Ngài từng yêu thương gắn bó với Tình Thương Yêu rộng lớn ấy. Thế nên, trong tương quan với công cuộc tạo dựng đầu đời và với Ađam, con người lại được tái tạo để trở nên ngày càng tuyệt vời hơn. Và, chính Ngài là Ađam Mới, rất đích thực. Ý nghĩa khiến Ngài trở thành bản thể con người vì Ngài được tràn ngập bằng Tình Thương yêu lớn rộng thể hiện nơi bản thể Đức Kitô. Và, chính thánh-nhân đã sống thực ý nghĩa ấy. (Rm 5: 12-21)

Nay, thì ý nghĩa trở thành người được sống trong Đức Kitô, hoặc hoà hợp với Tình Thương Yêu này, là thứ gì đó rất ổn định. Trên thực tế, tất cả chúng ta được ngập tràn –do bởi ơn thanh tẩy- trong động tác của tình Thương Yêu, qua đó Ngài chấp nhận cái chết hoặc nói đúng hơn, là kết quả để Ngài vượt quá nỗi chết bằng phục sinh/trỗi dậy. Tình Thương Yêu trong Ngài đối nghịch hẳn với nỗi chết và tất cả những gì sự chết kéo theo nó, để rồi tất cả những thứ đó được xoá bỏ khỏi hiện hữu, suốt miên trường. Đây chính là nền tảng tư tưởng bằng vào đó thánh Phaolô đã sử dụng các động từ mang tính đồng bộ hầu diễn tả cuộc sống và sinh hoạt của ta “với” Đức Kitô…(Rm 6: 1-11)

Thế nhưng, tư tưởng của thánh Phaolô ít ra cũng là tư tưởng duy thực, một phần nào. Thánh-nhân biết mình tuổi già sức yếu, đang ở trong cơ thể rất dễ chết, với lập truờng tập trung vào chính mình vẫn còn đó nỗi buồn đối nghịch hoàn toàn với “con người mới” của Tình Thương yêu không dính bén vào với bất cứ thứ gì. Chính thánh-nhân nhấn mạnh rằng: Tình Thương Yêu rất mới đó, đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người chúng ta. Tiếng Do thái, cụm từ “harit” có nghĩa khắc sâu và cụm từ “herit” mang ý nghĩa của sự “tự do”. Nhưng dù sao, thì người Do thái không mấy đặt nặng vào sự khác biệt giữa nguyên âm “a” hoặc “e” chẳng có giá trị bao nhiêu. (Rm 6: 12-14 và 7: 2-3)

Sau đó, thánh Phaolô lại chơi chữ với cụm từ “lề luật” khi thánh-nhân nói đến cung cách, mà theo tôi, tất cả chúng ta đều không muốn như thế. Và câu hỏi, là: “Đức Kitô, hoặc sự sống trong Đức Kitô, có là sự thành-tựu của lề luật không? Chỉ khi nào lề luật ngưng không còn áp đặt lên bề ngoài của ai đó, thì khi ấy, việc đó mới trở thành đòi hỏi tự thâm căn gắn liền vào với nội tâm của người này, thôi. Và, khi lề luật đã trở thành thứ gì là nội tại rồi, có thể ta lại sẽ không còn muốn gọi nó là “lề luật” nữa. Và, cứ như thế, thánh Phaolô tiếp tục nói đến lề luật không phải ở số nhiều, mà chỉ một giới luật ở số ít, thôi. Giới luật duy nhất ấy chính là Tình Thương Yêu. Và, giới luật này xuất tự trong ta mà lại không do chính ta làm được, vào lúc đó. Thành-tựu “ở trong ta” chứ không do ta tuân giữ, nên đã thành đạt. Thế nên, những gì khiến ta cần phát triển chính là sự dễ dạy tự tại ở trong đó, và tự nó đã thành-tựu trong ta, một sự dễ dạy nội tại là một phần của an-nhàn tự tại. Ta cảm nghiệm nó nhưng chỉ như hoa quả đầu mùa của những thứ gì sẽ đến với ta, mãi đến sau này. (Rm 8: 4-13)

Cho đến nay, ta đã và đang xét mọi khía cạnh về Tình Thương Yêu vô-vụ-lợi được quan-niệm do Chúa mà thành. Chính vì lý do đó, nó lại mang tính toàn cầu, rất vũ trụ. Cho mọi người. Thiên-Chúa-là-Cha, Ngài đã đả-thông ý định phân trần của Đức Giêsu Con Ngài với mức độ của tình Thương Yêu mà Ngài từng muốn cho ý định rất tự do của Ngài bằng vào trải nghiệm cuộc thống khổ để rồi tình Thương Yêu có thể đưa dẫn Ngài ngang qua nỗi chết mà vào với Phục Sinh quang vinh. Đây là thứ ân tình mà tình Thương Yêu của Cha hoạt động nơi Con của Ngài. Chính vì thế, mà Cha rất đỗi hài lòng và lấy làm thích thú nơi Con Ngài. Với ta, tình Thương Yêu trọn vẹn không nghi ngờ đã ràng buộc như sự tự do sống khi, mỗi ngày ta bắt gặp nơi những người có nhu cầu sống đang quanh quẩn bên ta, họ cũng đã biết tập trung vào tình Thương Yêu mới mẻ ấy.

Và khi ấy, Đức Kitô đã thế chân vào chỗ đứng của lề luật. Quả thật, trong cuộc đời có chòm xóm sống an vui, Đức Kitô đã thế chân vào chỗ đứng của lề thói, với lệ làng. Bởi, điều cần thiết để đưa vào hiện tượng đó là sự khiêm hạ đối với chòm xóm láng giềng, nơi Đức Kitô. (Rm 12: 1-2)

Ghi chú:

Thánh Phaolô vốn dĩ sử dụng thành ngữ “Thân Mình Đức Kitô” là có dụng đích. Và như thế, trong thư Côrinthô, thánh-nhân đưa ra sự phối kết đạo đức rất giản đơn, qua đó, cụm từ “Thân Mình” được sử dụng như một biểu tượng. Ở thư Galát, sự phối kết này đã xoá bỏ mọi khác biệt về đạo giáo và xã hội; và qua phối kết này, sẽ không còn ai là Do thái, ai Hy Lạp. Chẳng còn khác biệt nào nữa, về sắc tộc. Ở thư Rôma, thánh Phaolô còn đi xa hơn thế nữa qua việc ông diễn tả lý lịch “đồng hình đồng dạng” với Bản Thể duy nhất là Đức Kitô. Trong thư này, thánh-nhân không có ý nói một thân thể Đức Kitô, cho bằng ngài nói “chỉ một Thân Mình duy nhất trong Đức Kitô; qua đó, chi thể của người này chính là cơ phận của người kia. (Rm 12: 3-5)

                                                                        ---------------------

Philip Esler, Conflict and Identity in Romans: the Social Setting of Paul’s Letter, Fortress Press 2003.

Ở thư Rôma, cộng đồng tín hữu đi Đạo đã phân rẽ, do có xung đột về sắc tộc. Nhóm người ở đây là một hỗn hợp chủng tộc giữa người Do thái và dân ngoại. Thánh Phaolô vốn dĩ tìm cách giảng hoà tình trạng bất ổn giữa những người sống ở Galát. Thành ra, lập trường được thánh Phaolô tỏ bày ở thư Galát không giống như lập trường được thánh nhân tỏ lộ ở thư Rôma. Cả vào lúc trước khi viết cho người ở Rôma, thánh nhân đã quảng diễn rất nhiều về ngôn từ.

Ở thư Galát, thánh Phaolô hối thúc triệt hạ mối khác biệt về sắc tộc. Đặc biệt ở thư Galát đoạn 3 câu 28, thánh-nhân có nói: Đức Kitô không còn phân biệt ai là người Giuđêa ai là Hy Lạp.

Ở thư Rôma, thánh nhân lại không làm thế. Ông lại muốn sự khác biệt về chủng tộc cứ thế tồn tại. Ông muốn những ai có khác biệt về chủng tộc vẫn có được cung cách đồng đều theo đường lối khác nhau. Câu trích dẫn trên là điều cuối cùng ông gửi đến với người dân ở La Mã.

Ở thư Galát, thanh tẩy tự nó đã xoá bỏ mọi lằn ranh sắc tộc.
Ở thư Rôma, lại không thế. Thư này, cả hai sắc tộc Giuđêa và ngoại giáo đều thoát khỏi uy lực của tội lỗi. Nhưng lại theo cung cách khác biệt. Người Giuđêa chết cho luật lệ; còn người ngoại giáo chết cho những gì không mang tính chất thần thánh, tức: không lành sạch và thiếu vắng lề luật.

Ở thư Galát, Abraham là tiên tổ của người đã cắt bì (Gl 3: 6-9) và hạt giống của ông đã sản sinh ra Đức Kitô.
Ở thư Rôma, Abraham là tổ tiên của những người đã cắt bì và cả những người không thông qua thủ tục cắt bì. Và, hạt giống nơi ông đã tồn tại ở cả hai.

Ở thư Galát, sự chính đáng theo lý thuyết, chỉ xảy ra là nhờ vào việc tuân giữ lề luật;
Ở thư Rôma, thật ra chẳng có ai tuân giữ lề luật cho đủ để có thể trở nên công chính nhờ vào động thái ấy.

Ở thư Galát, tự do có nghĩa là giải phóng khỏi lề luật.
Ở thư Rôma, tự do mang ý nghĩa giải thoát khỏi tội lỗi.

Nơi thư Galát, Con-Thiên-Chúa đến từ việc giải phóng khỏi lề luật.
Nơi thư Rôma, Con Một Thiên Chúa là lý do để ta sống nhờ vào Thần Khí Chúa.

Ở thư Galát, Thần Khí đối chọi với xác thịt, lề luật và những ai đã cắt bì và giữ Luật.     
Ở thư Rôma, Thần Khí đối chọi với xác thịt mà thôi. Thần Khí nay như Lề luật.

Nơi thư Galát, lời hứa với Israel bị giới hạn bởi thời gian và thời gian ấy nay mai một.
Nơi thư Rôma, lời hứa ấy được thực hiện theo cách không ngờ trước.

Ở thư Galát, Israel là nhóm người của Đức Kitô (và ngược lại)
Ở thư Rôma, Israel là sắc tộc Do Thái chứ không là Israel được Thần Khí thánh hoá.

Ở thư Galát, kẻ tin được thanh tẩy để tháp nhập vào với Đức Kitô, tức mặc lấy Đức Kitô như trong nghi thức khai tâm mang tính nhiệm tích.
Ở thư Rôma, các kẻ tin đã được thanh tẩy nay đi vào nỗi chết của Đức Kitô (Rm 6)

Ở thư Rôma, thánh Phaolô quan niệm Israel đã ra khỏi Giao ước để nhờ đó, toàn thể thế giới mới có thể đi vào với ơn cứu độ, tức ở trong Đức Kitô Giêsu. Israel ra khỏi Giao ước cứu độ không như một tai nạn nghề nghiệp, và không là tình trạng chệch hướng kéo dài đến muôn đời.
Cả thư Galát lẫn thư Rôma, ta vẫn thấy các chủ đề như:

Lề luật:

Tác giả James Dunn biện bạch rằng: thánh Phaolô không chống đối chức năng đạo đức nơi luật Torah. Sở dĩ có chuyện đó, là vì vũ trụ đòi phải có sự tiếp tay của văn hoá Do thái muốn rời bỏ tính chất thị thành, phố chợ.

Tác giả Philip Esler lại minh chứng rằng: với thánh Phaolô, điều hay lẽ phải là những gì luật Torah có thể cung cấp –bằng vào chức năng đạo đức của nó- nay lại có đường hướng khác, đó là Thần Khí Chúa. Đòi hỏi đạo đức nơi lề luật không có vai trò nào hết đối với Kitô-hữu. Như thánh Phaolô, khi ta nói đến “luật của Đức Kitô” hoặc “Luật của Thần Khí” là sử dụng biểu tượng nay chuyển đổi Lề luật đã được áp đặt lên đó chứ không phải là định nghĩa theo máy đo đạc nào khác. Bởi, đối với tín hữu Đức Kitô, luật đó đã hoàn toàn lỗi thời rồi.

Giao ước:

Tác giả Tom Wright lại lý luận theo kiểu cách thật rất khác, khi ông nói: với thánh Phaolô, Đức Kitô là “Đỉnh cao của Giao ước”, tức mục tiêu của luật lệ chứ Ngài không phải là điểm tới của lề luật. Và, kết quả xảy ra cũng là chuyện đương nhiên thôi.

Tác giả Philip Esler lại lý luận rằng: với thánh Phaolô, Đức Kitô đã giải thoát Israel khỏi mớ bòng bong hỗn độn mà Lề luật sản sinh ra. Nói chung, đã có sự đứt đoạn căn bản giữa luật Môsê và Đức Kitô, Luật của tình Thương Mến       

Tác giả Esler cũng đề nghị ta nên bỏ đi cụm từ “lịch sử cứu độ”. Ta có thời kỳ giữa Abraham và thánh Phaolô khi lời hứa không có ai hiện thực mà chỉ xảy đến ở thời vị lai, thôi. Các thế kỷ giữa thời Môsê và Đức Kitô gồm có thời kỳ ảm đạm không giải toả. Không ai trong lịch sử Do thái lại có được niềm tin trong lành như Abraham. Chỉ có Abraham là luật trừ khỏi qui định ở vào thời con người không có được niềm tin trong lành như thế. Và, thánh Phaolô suy tư như người về với Cánh chung, của Đạo Chúa.

Tóm lược

Thánh Phaolô không có cảm nghiệm nào khác ngoài niềm vui và sự lành thánh chiếu theo lề luật. Không ai trách thánh-nhân về chuyện ấy hết. Bằng vào tư duy, thánh Phaolô hiểu rằng đã có sự lành thánh giả hiệu. Thánh-nhân quan niệm thời của Giao ước như một thời kỳ đầy tăm tối. Ông coi Abraham như nhân vật đầy lòng tin đã đi bước trước còn tốt hơn và hay hơn chính lề luật đà diễn tiến.

                                                            --------
    
                                                           
                                                                                                   (còn tiếp)
____________________
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch