Wednesday 30 November 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Tản mạn chuyện nhà năm 2001




Mâm cơm người nghèo

Xã luận SGGP 17.5.2001- “Kiểm định nghị quyết Đảng qua mâm cơm người nghèo” nêu cao lời phát biểu của Tbt Nông Đức Mạnh trong chuyến vào thăm Tp HCM mới đây:

“Có thể kiểm định NQ Đảng qua mâm cơm người nghèo. Hiện nay mâm cơm chỉ có rau muống, năm sau phải có thịt trứng và 5 năm nữa (tức hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần IX) chất lượng bữa ăn phải được tính bằng calori. Đó là chưa kể những tiêu chí khác về cuộc sống”.

Nghe thì mùi mẫn lắm nhưng cũng chỉ là mị dân có khác gì lời lẽ đao to búa lớn trong Báo cáo chính trị của BCHTƯ Đảng do Tbt Lê Duẩn đọc tại Đại hội IV:

“Trong 5 năm tới phải bảo đảm cho mỗi người đều có đủ lương thực, rau đâu, nước chấm, có cá và một phần thịt, ngoài ra có đường, trứng, trái cây… Cố gắng bảo đảm mặc lành và đủ ấm; tổ chức tốt việc đi lại; cung cấp cho các gia đình những hàng hoá thông dụng như soong nồi, bát đĩa, ấm chén, chăn màn, tủ, giường, bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em, vv… Đáp ứng từng bước nhu cầu của nhân dân về quạt điện, đồng hồ, máy thu thanh, máy thu hình, máy khâu…” (Đứng Dậy số 90, tháng Giêng 1977, t. 45)

Hay có khác là chỉ khác ở chỗ 25 năm sau khi Tbt Lê Duẩn bảo đảm cho ‘mỗi người’ dân có đủ lương thực từ rau đậu đến trái cây thì bây giờ Tbt Nông Đức Mạnh lại cứ còn phải cho nhân dân bắt đầu từ… rau muống!... Như vậy là xác định đã tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội hay là nhìn nhận đất nước nước cứ phải cùng với chủ nghĩa xã hội lùi nhanh, lùi mạnh, lùi vững chắc?

Bài xã luận lại còn thêm lời bình loạn:

“Kinh tế Tp HCM tiếp tục phát triển khá mạnh (16,4 % 4 tháng đầu năm 2001). Thu nhập bình quân đầu người/năm đã đạt trên 1.000 USD. Tp HCM cũng là nơi có sáng kiến đề ra chương trình “Xoá đói giảm nghèo” và đã thực hiện trong hơn 5 năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả chương trình chỉ mới xoá được đói, chứ giảm được nghèo, khoảng cách giàu nghèo vẫn chưa thu hẹp được. Chỉ cần ra khỏi nội thành 10, 15 cây số là chứng kiến được cảnh tương phản này.” SGGP 17.5.2001)

Sau 1975, đã ít nữa một Vũ Hạnh chế diễu những con số “thu nhập bình quân” của các nước tư bản, với luận điệu thô thiển: Bình quân tài sản giữa hai người là 1.000.000 USD cũng có thể là một người có 1.950.000, còn người kia chỉ có 50 USD. Làm như thể thống kê học chỉ biết tính con số trung bình mà không còn tính tới một chỉ số khác như chỉ số phân phối hay không biết tới “chuông Galton”,. Bây giờ thì không biết ông Vũ Hạnh có lại hãnh diện về con số bình quân 1.000 USD trên đây không? Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng. Không phải giữa dân nghèo với những người có bà con “Việt kiều” cho bằng giữa họ với tầng lớp tư sản đỏ.
  
Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 8, tháng 3/2002, tr. 23)

Monday 28 November 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Kinh Thánh & Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)




NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ ĐẤNG SÁNG LẬP:

Truyện Chúa Yêsu chịu cám dỗ  Mt 4: 1-11; Lc 4: 1-13

Xét về kiểu sắp đặt thứ tự: có khác giữa Mt và Lc. Chúng ta lấy trình thuật Mt mà cắt nghĩa (kiểu của Mt cựu trào hơn là của Lc). Trong thanh tẩy, hình ảnh Xuất hành của Israel ngang qua biển đỏ và sông Yorđan đã lộ ra một ý ngnĩa: Chúa Yêsu là Israel đích thực: Ngài cũng phải làm một công việc Vượt qua để vào Đất Thiên Chúa hứa. Nhưng trưóc khi vào Đất Thiên Chúa hứa, Israel phải ngang qua thời thử thách Thiên Chúa trong sự cứng tin của họ). Bây giờ đọc đến những lời đối đáp giữa Chúa Yêsu và quỉ cám dỗ, chúng ta thấy tuần tự diễn lại những bước sa ngã lỗi lầm của dân trong sa mạc:

Xh 16:  dân thử thách Thiên Chúa vì mê ăn (Israel kêu ca than trách vì phải đói): cám dỗ I trong Mt (lời Chúa Yêsu đáp Mt 4: 4/Tl 8: 3)

Xh 17:  dân chúng kêu ca vì khát. Dân thử thách Thiên Chúa. Tuy cách dân làm không có gì giống như kiểu quỉ bày cho Chúa Yêsu, nhưng chính trong dịp này mà Môsê đã nói lời Chúa Yêsu đáp lại với quỉ cám dỗ (Mt 4: 7/Tl 6: 16).

Xh 32: dân chúng thờ lạy bò vàng. Sự thờ quấy mà quỉ cám dỗ muốn kéo Chúa Yêsu vào để được quyền trên thiên hạ (lời đối đáp: Mt 4: 10/Tl 6: 13).

Các chước cám dỗ đó hằng diễn lại trong sứ vụ Chúa Yêsu: Do thái đòi dấu lạ/Chúa Yêsu kịch liệt khước từ những dấu lạ phô trương – Quyền lực ma quỉ vẫy vùng/Chúa Yêsu, Đấng mạnh hơn đánh bạt quyền lực ma quỉ trong sự vâng phục ý định Thiên Chúa – môn đồ và dân chúng ước mong vì Mêsia khỏi thẳng quyền năng/Chúa Yêsu ra công tẩy luyện cái hy vọng trần tục đó để hướng môn đồ đến quan niệm một Mêsia thống khổ vâng phục.
                                                                                                                                    (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
(tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

Saturday 26 November 2011

Lm Frank Doyle sj: Anh vẫn đợi hoàng hôn lịm chết


Suy niệm Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm B

“Anh vẫn đợi hoàng hôn lịm chết”
Để ánh bình minh gợi thức tâm hồn
Là ốc đảo trơ mình mùa sóng vỗ
Là cuối chân trời ước nguyện vòng tay
(dẫn từ thơ Cát Biển)

Mc 13: 33-37

            Kìa, sao anh vẫn đợi hoàng hôn đang lịm chết. Mà lại không đợi, Đấng vực dậy có bình minh gợi thức tâm hồn?. Bình minh gợi thức, là những điều trình thuật đề cập đến, hôm nay.

            Trình thuật hôm nay, ngày đầu mùa Phụng vụ mới, có lời dặn dân con “phải tỉnh thức”. Tỉnh thức, vì không biết ngày nào, giờ nào sự việc xảy đến. Tỉnh và thức, mà đón chào Đấng Mêsia, đến lại. Ngài đến lại, không phải trong huy hoàng, ầm ĩ. Nhưng, âm thầm bé nhỏ một Hài Nhi, thật dễ thương.

            “Đến lại”, là cụm từ mà Hội thánh lâu nay vẫn gọi đó là “mùa vọng”. Cụm từ Mùa vọng xuất từ tiếng Latinh adventus, là chỉ việc Chúa Quang Lâm, Ngài đang đến. Thật sự, thì Mùa Vọng còn là thời gian bốn tuần, cần gói ghém để chuẩn bị ngày Chúa hạ mình chấp nhận thân phận của phàm nhân.

            Ý tứ của Chủ nhật thứ I Mùa Vọng, nối kết với phụng vụ Chúa Nhật cuối năm, ở tuần trước. Bởi, tuần rồi, các bài đọc đều nói về việc Chúa ‘đến lại’, trong lai thời. Phụng vụ hôm nay, có nói đến thái độ mà mọi người phải có, đó là: chuẩn bị trực diện Đức Chúa. Trực diện Đấng là Vua. Là, Chúa các chúa.

            Trước tiên, chuẩn bị là thu xếp mọi việc thường ngày, để chỉ liên tưởng đến sám hối, quyết hồi hướng trở về. Sám hối trở về, tượng trưng bằng mầu tím, áo ta mặc. Chuẩn bị, còn là chỉnh đốn con người và tâm trạng của mình, hầu sẵn sàng tiếp nhận Đức Chúa giáng hạ, làm người. Như một tạo vật. 

            Chuẩn bị, là nhớ đến lý do khiến Thiên Chúa Đấng Tạo nên muôn vật, nay lại chấp nhận làm tạo vật, để cứu độ trần gian. Chuẩn bị, là sửa soạn hành trang lên đường, mà gặp gỡ. Gặp gỡ, chấp nhận thời kết tận có phán quyết “lên án kẻ sống cũng như người chết”. Để từ đó,được nghe biết những lời thân thương, như: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25: 34-35).

            Chuẩn bị chào đón, là mở cửa lòng để Chúa bước vào cuộc sống mỗi ngày, của riêng ta. Chúa vào, Ngài gọi mời ta ra đi. Gọi mời ta đồng hành với Ngài, qua các chặng đường đầy những khổ đau. Nhọc nhằn. Chúa bước vào, Ngài không chỉ tạm thời trú ngụ ở Bét-lem. Cũng chẳng phải, vào ngày cuối đời, thời sau hết khi có tiếng kèn, tập họp mọi người. Hoặc có thần linh thiên sứ vây quanh. Mà là, những gặp gỡ rất đời thường. Bởi, Ngài là Emmanuel, Đấng ở với ta “mọi ngày, đến tận thế” (Mt 28: 20)

            Chúa đến trú ngụ ở Bét-lem, làm nền tảng cho đời sống hiện tại và lai thời. Chúa quang lâm, là ý nghĩa của cuộc sống trọn vẹn ta vẫn có. Sống, trong tư thế chuẩn bị chờ ngày Ngài lại đến. Sống, để chấp nhận lời gọi mời kết hợp với Ngài, là Thiên Chúa Đấng Hoá Công.

Có nhận thức như thế, mới biết rằng chính đó là hồng ân ta vẫn cầu mong, hoặc đã nhận lĩnh. Chúa quang lâm, là sự việc đang diễn tiến mỗi ngày. Diễn tiến, đi thẳng vào cuộc sống của chính ta. Qua tiến trình nhận thức sự đợi chờ, ta mới biết Đức Giê-su, Ngài là ai. Và có thế, mới nhận ra ý nghĩa cuộc đời. Và, đó là ý nghĩa của thánh vịnh 42 vẫn được hát: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.”

            Một khi đã khắc ghi trong đầu ý nghĩa của việc Chúa quang lâm, ta sẽ mừng Giáng Sinh, đúng ý nghĩa. Bởi, Giáng Sinh nay đã bị tục hoá. Đã xa rời lời Chúa. Bởi, Giáng Sinh không là tưởng niệm những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng, Giáng Sinh chỉ có nghĩa, khi mọi người nhận biết những điều mặc khải về cuộc sống hiện tại, và lai thời cho chính ta thôi. Đúng như lời thánh Máccô viết: “Anh em phải coi chừng và tỉnh thức, vì không biết khi nào thời ấy đến.” (Mc 13: 33)

            Coi chừng và tỉnh thức, như thánh Mát-thêu đã viết: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:42) 

            Xem như thế, tỉnh thức không chỉ vào giây phút kết cục của thời gian. Mà vào, giai đoạn cuối hết của thời mình. Tỉnh và thức, không vì hệ thái dương, hoặc vũ trụ bao la của ta tự nhiên chấm hết, chẳng báo trước. Nhưng, tỉnh và thức để mọi người sẽ nhận lời mời mà ra đi gặp gỡ Đức Chúa, bất cứ lúc nào. Không báo trước. Như, vẫn thấy sự việc xảy ra, vào mỗi ngày.

            Tỉnh và thức, không là vấn đề đối với những ai thường xuyên đặt mình trong tình trạng đề cao cảnh giác. Luôn gần gũi Đức Chúa trong cuộc đời. Tỉnh và thức, là việc ta chỉ có thể hoàn thành nếu biết thực thi, trong hiện thực. Có tỉnh thức, ta mới thấy khác biệt trong cuộc sống có chất lượng. Có tỉnh thức, ta mới để giờ ra kiếm tìm và gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ Ngài, nơi người anh người chị sống quanh ta. Có tỉnh thức, ta mới biết yêu thương phục vụ Ngài, nơi những người anh người chị ấy.

            Thành thử, thay vì phấn đấu chống chọi thực tế cuộc đời, hoặc tìm cách khuynh loát đời mình và đời người cho thích hợp với ước vọng và tham vọng của riêng mình. Thay vì như thế, cũng nên nghe lại lời của ngôn sứ hôm nay: “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64: 7)

            Thánh Phao-lô đã học được bài học ấy, khi thánh nhân ra tay bách hại tín hữu Chúa, coi đó như sứ vụ được Trên giao phó. Trong ngộ nhận, thánh nhân đã được Chúa cảnh tỉnh, và đánh thức hầu nghe lời cảnh báo: “Saul, hỡi Saul, sao ngươi ruồng bắt Ta? Ngươi đã gậy ông đập lưng ông, như đàn bò húc mạnh vào chính cùm gông của nó.” Cũng tựa như thế, nhiều người trong chúng ta đã từng húc đá vào Thầy mình và vì thế vẫn tự hỏi, sao đời mình chưa một lần được bình an và hạnh phúc.    
    
            Hệt như Phaolô thánh nhân, những ngày sau đó, đã biết kêu lên : “Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12: 10).

            Tỉnh và thức, không chỉ để đợi đến ngày kết tận, bị gục ngã. Nhưng, mà là tỉnh và thức mỗi ngày với những kinh nghiệm sống, trong đời. Tỉnh và thức, vì Đức Giê-su đang đợi ta nơi đó. Tỉnh và thức, trong trạng thái không chống cưỡng Ngài. Nhưng, cứ để Ngài dẫn dắt, điều khiển. Điều khiển và uốn nắn ngõ hầu mình sẽ giống Chúa. Sẽ trở nên con người trọn vẹn, rất đích thật. Con người biết yêu thương giùm giúp. Có tự do. An bình.

            Có như thế, ta mới cùng với thánh Phao-lô, không ngừng cảm tạ về ân sủng Ngài phú ban, ngang qua Đức Kitô. Cảm tạ, như thánh nhân từng lập đi lập lại ở bài đọc: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em, nơi Đức Ki-tô Giê-su.” (1Cr 1: 3).

            Có cảm tạ, thì mọi nguồn lực sẽ được gửi đến. Gửi đến để ta được lớn mạnh hơn trong cuộc sống có dẫn dắt. Lớn mạnh qua những tiện nghi mà ta được sử dụng như: sách vở, báo chí, tĩnh tâm, hội thảo, cuộc sống chung đụng cộng đoàn, nhất nhất đều là ân huệ Chúa gửi đến trong lúc đợi chờ. Chúa gửi đến vì “ta được Chúa Mặc khải vinh quang của Ngài”; và, Ngài sẽ làm cho ta “nên kiên cố đến cùng, để không ai có thể trách cứ, trong Ngày của Chúa, là Đức Giê-su Chúa chúng ta.” (1Cr 1: 9)

            Maranatha! Lạy Chúa xin hãy đến.

            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá lược dịch

Friday 25 November 2011

Lm Chân Tín CSsR: Đại Hội Tông Đồ Giáo Dân




Ngày 11 tháng 10 năm 1962, Đệ tam Đại hội Quốc tế Tông đồ Giáo dân sẽ được khai mạc tại Rôma và sẽ kéo dài trong vòng một tuần lễ. Hàng giáo dân ở mỗi nước sẽ gửi một số đại diện đến tham dự. Đại hội nhắm mục đích kiểm điểm việc tông đồ giáo dân khắp thế giới và cùng nhau ý thức vai trò chủ động của giáo dân trong việc cải tân Giáo hội sau Công Đồng. Đây là một biến cố quan trọng, một dấu chỉ thời đại, đối với toàn thể Giáo hội.

Nhưng, đối với Giáo hội Việt nam nói chung và đối với giáo dân Việt Nam nói riêng, Đại hội Tông đồ Giáo dân ở Rôma có phải là một biến cố lớn, một dấu chỉ thời đại không? Hay chỉ là một đại hội khác xảy ra bên trời Tây, chỉ cần có vài người đại diện cho có mặt chứ không ảnh hưởng mấy đến đời sống tông đồ của chúng ta, không đặt vấn đề cho chúng ta, không thay đổi nếp sống và thái độ cũng như hoạt động của chúng ta? Cái đó tuỳ ở mức chuẩn bị của hàng giáo dân dân Việt Nam, cũng như những cố gắng hoạt động và học hỏi của những vị đại diện hàng giáo dân Việt Nam tại đại hội.

Đối với chúng ta, một tuần Đại hội Quốc tế Tông đồ Giáo dân tại Rôma sẽ qua đi như bao đại hội khác, không có một ảnh hưởng sâu rộng nào trong đời sống chúng ta, nếu hàng giáo dân không tham dự vào Đại hội ấy bằng cách kiểm điểm hoạt động tông đồ của mình, và cùng nhau hội thảo về những đề tài sẽ được đề cập đến trong Đại hội. Nói đến Đại hội, người ta thường chỉ nghĩ đến những vị đại diện tham dự Đại hội, hay có biết thì chỉ biết đại khái thế thôi. Họ không cảm thấy rằng chính hàng giáo dân, cách riêng những người ở trong các phong trào Công giáo Tiến hành, có bổn phận chuẩn bị Đại hội, để cho bản tường trình của phái đoàn tại Đại hội phải là kết tinh của những cuộc kiểm thảo của mỗi giáo dân, của mỗi hội đoàn, của toàn thể giáo dân Việt Nam. Có kiểm thảo chân thành, mới thấy ưu khuyết điểm của mình trong công việc tông đồ giáo dân, ngõ hầu bổ túc trong tương lai.

Ngoài việc kiểm thảo hoạt động tông đồ, giáo dân Việt Nam cần phải học hỏi thêm các văn kiện của Công Đồng về Tông đồ Giáo dân cũng như hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội Việt Nam. Theo như chương trình đã được hoạch định trên một năm nay, để chuẩn bị Đại hội, hàng giáo dân khắp thế giới phải học hỏi đề tài sau đây: Dân Thiên Chúa trong cuộc hành trình của con người. Đề tài này diễn tả hai điểm chính của Công đồng: Giáo hội là dân Thiên Chúa (Hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội) và sứ mạng của Giáo hội là liên đới với thế giới ngày nay (Hiến chế Gaudium et Spes về Hội thánh trong Thế giới ngày nay).

Trong sứ mạng chung của toàn thể Giáo hội, giáo dân là những con người giữ vai trò đứng hàng đầu. Đứng hàng đầu đây không có nghĩa lãnh đạo Giáo hội. Quyền lãnh đạo của Giáo hoàng, của hàng giáo phẩm, hàng linh mục. Trước và sau Công đồng, linh mục vẫn là linh mục, giáo dân vẫn là giáo dân. Đứng hàng đầu đây là vị trí tiền tuyến. Đã là giáo dân là phải đứng hàng đầu. Người giáo dân sống giữa trần gian phải biết dấn thân vào đời, để đem Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Kitô cho mọi người, vì đó là việc tông đồ đặc biệt của giáo dân, của những người đứng hàng đầu:

“Bản chất của địa vị người giáo dân là đang khi sống giữa trần gian và giữ những việc trần thế, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để thực thi việc tông đồ của họ nơi trần gian như một nắm men nhờ sức mạnh tinh thần Kitô giáo… Nguời giáo dân phải đảm nhận việc cải tân trật tự thế trần như là trách vụ riêng của mình. Được khai quang bởi ánh sáng Tin Mừng, được hướng dẫn bởi tinh thần Giáo hội, được lôi cuốn bởi đức mến của Chúa Kitô, họ phải tự mình cương quyết hoạt động trong lãnh vực này” Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân)

Theo giáo huấn trên, việc dấn thân vào đời để cải tân trật tự trần thế là việc tông đồ bắt buộc của mọi giáo dân. Người giáo dân cần phải chấp nhận vị trí đứng hàng đầu của mình và phải ý thức sứ mạng của mình. Trong môi trường hoạt động của mình, người Công giáo sẽ đem “tinh thần Chúa Kitô thầm nhập tâm trạng, phong hoá, luật lệ những cơ cấu cộng đồng mà mỗi người sinh sống.”   

Người giáo dân không hẳn là phải nói đến Chúa Kitô, nói đến Giáo hội khắp nơi, nhưng phải sống thế nào cho phù hợp với đức tin, không cần phải xuống đường để bênh vực “Đấng Tối Cao”, nhưng phải chứng minh sự hiện diện của “Đấng Tối Cao” bằng một nếp sống công bằng hơn, bác ái hơn, cần phải chuẩn bị cho mọi tâm hồn nhận lãnh Tin Mừng, bằng cách chia sẻ những điều kiện sinh sống, “nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và mối lo âu của con người hôm nay”. (Hiến chế Gaudium et Spes)

Chúng tôi hy vọng rằng, nếu đã thiếu sót trong việc chuẩn bị Đại hội, thì ít ra các vị đại diện giáo dânViệt Nam tại Rôma sẽ tích cực học hỏi với các phái đoàn giáo dân các quốc gia khác đồng thời tại Việt Nam hàng giáo dân phải bắt đầu công việc kiểm thảo và đào sâu các giáo huấn của Công đồng về Tông đồ Giáo dân. Có như thế, Đệ tam Đại hội Quốc tế về Tông đồ Giáo dân ở Rôma mới đem lại cho hàng giáo dân một sinh lực mới trong cuộc xây dựng Nước Chúa tại Việt Nam.

Lm Stêphanô Chân Tín CSsR
(trích Luồng Gió Mới, Tin Paris 2000 - tr. 206-208)

Thursday 24 November 2011

Lm Richard Leonard sj: Canh và Thức Vẫn Thành Chuyện



Ngày nay, rất nhiều người vẫn cứ canh thức và đợi chờ, vì âu lo. Canh thức và đợi chờ, có thể ở nhà thương, hay bệnh xá. Chờ người đem tin vui về người thân thuộc đang đau yếu. Canh thức và đợi chờ, có thể là canh và thức do các bậc cha mẹ thực hiện để đón chờ tin tức về con cháu vừa mọc răng, nóng sốt hoặc đau nhức xem đã bớt chưa. Canh th71c và chờ đợi, có thể là trực chờ bên điện thoại, để ngóng tin người nhà mình vẫn an toàn mạnh khoẻ, sau thiên tai/bạo động ở nơi khác. Chờ, là chờ kết quả cuộc thi. Chờ, cũng có thể là chờ quyết định, xem chủ hãng có mướn mình làm việc, hầu nuôi sống gia đình mình hay không. Những chờ và đợi thấy ở đây, vẫn là tỉnh thức/đợi chờ trong căng thẳng. Có người trẻ, xưa rày cũng đã canh và có thức, nhưng là thức và canh để giành quyền mua vé xem túc cầu, hoà nhạc hoặc đón giao thừa này nọ, vào đêm đó.

            Cách nay khác nhiều năm, phần lớn các cuộc canh và thức ở đây đó, đều mang ý nghĩa sống động cho cuộc đời mình. Có người từng canh và thức, để ở gần gũi người thân nay qua đời, thêm vài phút. Có người lại canh và thức chỉ để nguyện cầu suốt cả đêm. Chí ít, là khi giáo xứ mình lại cứ giữ các buổi thống chầu Mính Thánh, không còn hứng. Canh và thức, với một số người nào đó, là như canh và thức với cô dâu một đêm cuối trước khi cô dấn bước về với ông chồng đang chực sẵn. Canh và thức như thế, là có canh có đợi. Đợi, xem có dấu hiệu gì chứng tỏ chàng rể và quan viên họ nhà trai bên đó, đang trên đường tới. Hội thánh ta, cũng từng có thói quen duy trì kinh nghiệm về một canh thức ít nhất là vào tối thứ Bẩy thánh, trước Đại lễ Phục Sinh. Canh và thức cả vào đêm, vào dịp qui lăng/lễ mồ, hoặc đêm lễ Vọng Phục Sinh, cũng là canh thức rất tỉnh táo.

            Truyền thống phụng vụ bắt nguồn từ Trình thuật về canh và thức nhắc lại vào Chủ nhật hôm nay. Trình thuật thánh Mác-cô khuyến khích mọi người hãy tỉnh thức chờ đợi. Chờ, ngày Chúa đến lại. Đợi, một sự kiện mới lạ, để ta chuẩn bị mừng đón Giáng Sinh. Trình thuật, nay nối kết với kinh Tiền Tụng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, trong đó có viết: “Chúng con chờ đợi ngày ấy đến, hy vọng ơn cứu độ đã hứa ban cho chúng con, khi Đức Giêsu Chúa chúng con đến trong vinh quang.” Chính vì thế, trọng tâm ta chú ý sẽ hướng về sự kiện lớn trong mai ngày. Tức, không chỉ là lễ hội tổ chức vào ngày mai.

            Đây là biến cố có một không hai trong cuộc sống của Hội thánh. Bởi, mọi lễ hội khác trong phụng vụ, đều để tưởng nhớ các sự kiện xảy đến trong quá khứ, như các lễ vào Tuần Thánh hoặc lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Và, cả các lễ trọng để truyền bá sự thật Chúa đang hoạt động ở trong ta, mà Hội thánh vẫn truyền dạy để tuân giữ, như: Lễ Chúa Ba Ngôi. Nhưng, đó không là ý nghĩa của Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, rất hôm nay. Chúa nhật hôm nay, tập trung nhấn mạnh việc Chúa lại đến vào dịp Giáng Sinh, để giúp ta suy tư về ngày cánh chung. Tức, ngày Chúa đến vào buổi tận cùng, kết tận toàn bộ lịch sử thế giới và con người. Tin Mừng hôm nay, là cầu nối giữa “các ngày cuối” của năm phụng vụ mới chợt qua theo lịch Hội thánh. Tức, phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua ta cử hành tuần rồi. Cầu, là để nối kết những ngày đầu Năm Phụng vụ, rất ý nghĩa.

              Vậy, đâu là ý nghĩa và cung cách của Hội thánh muốn ta có qua lễ hội Giáng Sinh này, như một đêm vui tươi có tỉnh thức. Chứ không phải như một canh thức rất lo âu, sầu buồn. Tức, những canh và thức mà ta chẳng bao giờ muốn nghe biết về những xấu xa, rầu rĩ với tin buồn. Cũng chẳng là, những canh và thức có những sự việc đuợc tiên đoán, qua đó ta sẽ bắt chụp nhiều sung sướng với rủi may để đi vào với lễ hội, rất kích động. Nhưng, canh thức ở đây là canh và thức có hy vọng để rồi qua đó ta tin tưởng mà đợi chờ Đấng mà mình biết chắc sẽ lại chia ngọt sẻ bùi với chính ta. Ngài là Đấng thấu hiểu được mọi yếu đuối của ta. Và, yêu thương ta đến cả cuộc sống, có nỗi chết. Ta tin tưởng đặt hy vọng vào Ngài là người Anh thân thương. Vào, Đấng Cứu Độ. Vào chính Ngài, là Bạn Hiền rất muôn thuở. 

            Chúa Nhật Vọng chờ hôm nay, ta hướng tầm nhìn vựợt quá Giáng Sinh, để vào với thời khắc cuối, khi trời và đất giao thoa, kết hợp. Và khi đó, việc canh và thức của ta sẽ hoàn tất. Vào ngày ấy, ta tin rằng Con Người sẽ lại khai sáng thế gian, một lần là mãi mãi. Vậy, có nên nghĩ rằng có cái gì đó rất bõ để ta tỉnh thức mà chứng kiến? Có cái gì đó, để ta bỏ hết thì giờ ra mà thực hiện, cuộc canh thức, rất chờ đợi?

            Tuần thứ nhất Mùa Vọng, còn là ngày đầu của một canh thức khác qua đó ta dựng lều mà đợi chờ. Đợi và chờ, nhưng tin chắc rằng ta sẽ ngồi hàng đầu mà chứng kiến sự việc sẽ xảy đến, khi nó đến. Sự việc ấy, sẽ là buổi diễn hay nhất, ở huyện nhà. Rất bõ công để chờ và đợi. 

             Lm Richard Leonard sj  

Tuesday 22 November 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà (tiếp tục)




Chờ 2 ngày không thấy đăng

SGGP 19.5.2001 dành nguyên trang 3 cho “Kỷ niệm 111 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-2001). Bài của Trần Văn Lê về “Những tháng phục vụ Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ” có đoạn khá lý thú:

“Sau này có lần Bác viết bài báo ký tên C.B. và bảo chúng tôi gửi cho báo Nhân Dân. Chờ hai ngày không thấy đăng, Bác cho gọi điện thoại hỏi. Thì ra đồng chí Hoàng Tùng xem thấy lời văn giản dị, mộc mạc quá. Thế là bỏ không đăng. Lúc nghe điện thoại hỏi, đồng chí Hoàng Tùng toát mồ hôi, vội đi kiếm và cho đăng. Còn chúng tôi thì rút ra bài học chớ viết dài, phô trương từ ngữ…”

Ông TVL cố “rút ra bài học” như thế, chứ câu chuyện chỉ đáng nhắc nhớ một chuyện-như-đùa ở Huế không lâu sau 1975. Một ông thày trong giờ dạy Văn hứng thú thế nào không biết đã chỉ ra cho học sinh biết thế nào là bài thơ ra thơ, một bài thơ hay. Rồi ông viết lên bảng một bài gọi là thơ, nhưng không ghi tên tác giả và đề nghị các em học sinh phê bình. Các em căn cứ vào lời thày vừa dạy đua nhau phê bình bài “thơ”, chê không chừa một câu nào. Thày mới viết lên bảng, dưới bài thơ, tên tác giả: Hồ Chí Minh.

Nghe đâu trò đùa với lửa ấy, ông thày chỉ thoát được tù tội là nhờ đồng nghiệp bảo là ông bị bệnh thần kinh. Nhưng, “biết ai dại biết ai khôn.”

Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 4 năm 2001, trang 23)

Monday 21 November 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)




VÀI ĐOẠN TIN MỪNG VỀ TÍNH CÁCH HIỆN ĐẠI CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA

“Tiếng bởi trời”

Tiếng vang ra tự trời đã là một dấu chỉ thời cánh chung đã đến, vì đối với Do thái đuơng thời, từ lâu tiếng Thiên Chúa không còn nghe thấy trong Israel, phải chờ ngày Thiên Chúa can thiệp cuối cùng mới mong gặp lại.

Lời Kinh thánh trích ở đây lấy tự:

Tv 2: 7  Tấn phong một Mêsia thuộc nhà Đavít, thừa quyền Thiên Chúa như một vị Thiên tử để mưu phúc cả cho dân của Thiên Chúa.

Ys 42: 1  Tấn phong Ebed Yavê (Người Tôi tớ Yavê) vào sứ mạng tiên tri (một kiểu tiên tri khác thường), vì sứ mạng liên kết chặt chẽ với chính bản thân người Tôi tớ.

Việc dung hoà hai xuất xứ làm nên một quan niệm duy nhất và mới hẳn. Điều đó nói lên tính cách độc đáo của dung mạo Chúa Yêsu: Người chịu thanh tẩy đây giữa một dân tội lỗi là chính Đấng tái tạo của thời sau hết.

Lời tự trời xuống chứng thực rằng việc Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Yêsu đã thành tựu lời Kinh thánh (tức là ý định của Thiên Chúa đã quan phòng để xảy đến vào thời đã định); nhưng lời Kinh thánh ám chỉ về Thánh Thần lại là lời tiên tri  *Ys 42: 1) kế theo ngay sau với lời tiếng tự trời trích lại đây:

Ys 42: 1: “Này là Tôi tớ của ta, mà Ta chống đỡ, Kẻ Ta đã chọn, mà hồn Ta sủng mộ, Ta đã đặt trên Ngài Thần khí của Ta, để Ngài đem lẽ phải đến cho muôn dân”.

Vậy tiếng tự trời chắc chắn ngụ ý đến sự tấn phong người Tôi tớ Yavê vào sứ vụ Tiên tri cánh chung (cho Israel và cả các dân ngoại). Sứ mạng của người Tôi tớ là đem “lẽ phải” (mishpat) đến cho muôn dân: tức là việc Thiên Chúa thi hành, những phán quyết của Thiên Chúa trong lịch sử. Mà phán quyết đó lại khoan hồng (ban bố năm toàn xá của Yavê, Ys 61: 1-2; coi Lc 4: 18t).

Và hơn nữa: Người Tôi Tớ chẳng những rao giảng lẽ phải của Yavê, nhưng còn dấn thân vào con đường đau khổ để đền thay cho hạng tội lỗi, Ngài đi vào thanh tẩy đẫm máu thay cho toàn dân để Hội thánh Israel mới sau này có thanh tẩy tìm trong sự chết của Chúa Yêsu, để được thông hưởng sự sống lại của Ngài (Rm 6: 3tt). Như vậy, cả một thần học được gói ghém trong mấy lời này: tước hiệu Con Thiên Chúa và dung mạo người tôi tớ hướng chúng ta đến mầu nhiệm Chết và Sống lại, nhưng lại ngang qua và nhân vì sứ mạng của một người Tôi tớ rao truyền “lẽ phải” (mishpat) của Thiên Chúa trong một thời đại xá không thể nào ngờ được, khác với những lời báo trước của Yoan Tẩy giả nói đến Đấng phán xét sẽ đến.  
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng dạy lưu hành nội bộ)

Saturday 19 November 2011

Lm Richard Leonard sj: Một Đức Vua không giống Ông Vua



Năm 337 là năm Hoàng đế La Mã Constantine lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Trước đó, ông vẫn lưỡng lự chẳng tỏ bày dấu hiệu gì dứt khóat. Ở thời Giáo hội ban sơ, đã có thỏa thuận là người tín hữu Đức Kitô chỉ cần xưng thú lỗi lầm của mình một lần trong đời là đủ. Chính vì thế, Hoàng đế Constantine vẫn giữ tình trạng dự tòng suốt nhiều năm tháng cho đến ngày ông kề cận cái chết. Thành ra, khi thấy mình gần như không tránh khỏi cái chết gần kề, không còn cơ hội để phạm lỗi, ông mới chịu để cho thanh tẩy, lãnh nhận bí tích Thánh thể và cuối cùng xưng thú mọi lỗi lầm đã qua. Đó cũng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Giáo hội.

Năm 313 là năm Hoàng đế Constantine tuyên bố dùng Đạo Chúa làm quốc giáo. Cũng từ đó, không ai được phép theo đạo nào khác. Điều này có nghĩa là đế quốc La Mã đã thống nhất lề luật, mậu dịch, thuế khóa cũng như bắt buộc mọi người theo phong tục, tập quán của La Mã. Theo thiển ý, cũng nên coi đây là một chúc lành đầy ý nghĩa tặng ban cho Giáo hội của Chúa. Một quà tặng trước nay chưa thấy có.

Nếu chỉ nhắm khía cạnh tích cực, thì sự kiện này cho thấy đã chấm dứt giai đọan khốn khó mà tín hữu Đạo Chúa thời ban sơ đã gánh chịu. Máu đào các vị tử đạo đã chứng tỏ rằng các chứng nhân lịch sử từng vấn nạn các vị hòang đế của trần gian về tình yêu cao cả. Chính tình yêu ấy lôi cuốn bao người công chính dám vị hy sinh sự sống để giữ vững niềm tin đã có. Cũng trong ý  hướng tương tự, Giáo hội là người cầm cân nẩy mực hun đúc nên giá trị nội tại của xã hội; nhất là tại các nước phuơng Tây. Vì thế, không còn phải thắc mắc điều gì khi thấy Giáo hội đã dung hòa, dưỡng dục và cải hoán được nhiều hành vi tồi tệ từ phía La Mã.

Nhưng xét đến các giá phải trả, thì Hội thánh đã nhanh chóng trở thành thế lực hùng mạnh. Các Giám mục bắt đầu ăn vận theo sắc phục mầu tím, mầu của các nghị sĩ ngoài đời. Vẻ mặt của nhà thờ cũng đã bắt đầu đổi thay, mang dáng dấp của vương cung thánh đường La Mã. Lại nữa, hệ cấp quyền hành trong Giáo hội đã trở mình bắt chước cung cách cầm quyền của một đế quốc. Phụng vụ thì du nhập một số nghi iết tế tự quen thuộc xuất từ đền đài của người La Mã. Nói tóm, đã có sự trộn lẫn giữa thế quyền và thần quyền. Buồn hơn nữa, vào các thế kỷ sau đó, người ta còn dùng cả lưỡi gươm, ngọn giáo để ép buộc người ngọai giáo trở về theo đạo Đức Kitô. Khi ấy, chẳng mấy ai dám bất đồng, Không bao nhiêu người còn vấn nạn về tính đa nguyên, đa đạo. Và, trong bối cảnh rối bời vào thế kỷ thứ 6, đạo Hồi đã xuất đầu lộ diện, nổi lên phản chống tính độc tôn đế quốc bay về tập trung trong Đạo

Chính vì thế, không ai lấy làm lạ khi thấy sau cuộc trở lại đạo của hoàng đế Constantine, hình ảnh Đức Kitô Vua đã nổi bật và được đưa vào nghệ thuật có tính tôn giáo. Trước đó, hình ảnh Đức Yêsu vị Mục Tử Nhân hiền vẫn được mọi người duy trì, mến mộ. Sau năm 313, các ảnh hình về Đức Kitô đã thấy súng sính trong trang phục của vị Vua Chúa, với vương miện lộng lẫy trên đầu, vương trượng và quả cầu thiên thể nơi tay. Cũng thế, Đức Maria cũng được vận sức bằng trang phục của một mẫu hậu. Thậm chí, Mẹ còn được người đương thời tặng cho danh hiệu Nữ Vương Thiên Đàng nữa.
Vấn đề đặt ra không phải để hỏi rằng ta có nên dùng ngôn từ trần thế như vua chúa, đế quốc -dù là đế quốc đạo hạnh-  để áp đặt cho Đức Chúa hay không. Nhưng, vì Đức Kitô đã tự mô tả chính mình như một vi Vua. Nên, vấn đề cần minh định là những điều nêu trên cho thấy đạo Chúa đã bắt đầu đi trật đường mà quên rằng chính Đức Kitô đã khẳng định: vương quốc của Ngài “không ở nơi trần thế”. Và, thần dân của Ngài chỉ được biết đến và chấp nhận nếu họ biết làm cho kẻ đói bụng được ăn no, người khát khô có đầy nước uống. Cũng thế, nếu họ biết đón mừng khách lạ, biết ban phát áo quần cho người trần trụi, biết chạy đến chăm lo người đau yếu, tật bệnh và thăm viếng ủi an người bị giam cầm, thì triều đại Đức Kitô cùng với thần dân và uy quyền của Ngài vẫn thuộc về một trật tự khác.Trật tự ấy có giá trị hơn hẳn mọi vương quốc ở thế giới phàm trần.

Chính vì thế, Lễ hội hôm nay mang tính chất rất hệ trọng. Vào những phút cuối của niên lịch phụng vụ, chúng ta nhận được thử thách từ Đức Kitô, vị Vua đáng kính đã dẫn dụ chúng ta hãy tỏ lòng trung kiên với những gì thiết yếu, cần làm. Đưa ra hình ảnh một Đức Kitô Vua khả ái, không phải để chúng ta có thêm lòng ham muốn cầm quyền, thích mua quan bán tước, ưa địa vị cao tít. Tuyệt nhiên cũng chẳng phải để ta vẫn cứ tham lam, ham hố, cứ muốn ăn trên ngồi chốc. Nhưng, ngược lại, ta phải biết âm thầm làm cách mạng cải biến thế giới này cho công bằng hơn và an tòan hơn để người người có thể sống cùng và sống với trong an bình. 

Phải luôn biết rằng chúng ta vẫn là kẻ kế thừa của một Vương quốc trong đó Đức Kitô đã sống, đã chấp nhận cái chết và trỗi dậy từ sự chết ấy vì Nước Trời. Nói rõ hơn, là tín hữu Đức Kitô, chúng ta còn là nhân chứng của triều đại Đức Kitô Vua trong cuộc sống hiện tại.

Đức Kitô Vua là như thế. Vương quốc Đức Kitô đích thực đang tiếp diễn. Tiếp diễn nơi các người con đang sống Tình Thương yêu của Đức Chúa. Tình yêu của Vua Kitô. Tình yêu Vua. Cộng đòan tình thương là Vương quốc của Đức Kitô, Vua Tình yêu  chúng ta.        

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch   

Friday 18 November 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà ở Sài gòn



Trường học và môi trường

25 phút phóng sự truyền hình chỉ xoay quanh các trường trước đây là của các họ đạo và vẫn nằm tropng khu vực nhà thờ. Phóng sự nhấn mạnh về môi trường không thích hợp: không gian không có bao nhiêu, các phòng lớn chật hẹp, thiếu ánh sáng. Thậm chí một hiệu trưởng còn phàn nàn về tình trạng câu kinh, lời giảng vang đều đều từ nhà thờ vào tai các học sinh: đối với các học sinh Công giáo thì không thành vấn đề, nhưng đối với các học sinh khác thì tình trạng ấy trái với đường lối giáo dục chung. Trường hợp cuối cùng trong phim phóng sụ lại là trường Ngô Thời Nhiệm mà họ đạo Vinh Sơn đang đòi lại: các phòng lớp nằm ngay bên dưới Nhà thờ vừa thiếu không khí vừa thiếu ánh sáng. Bà hiệu trưởng than là chỉ những gia đình không còn chỗ nào khác cho con em họ học mới đưa chúng tới đây.

Không hiểu người ta muốn gì mà đưa ra một phóng sự như thế trên màn ảnh nhỏ? Chuẩn bị dư luận? Nhưng để lại làm gì đây? Không lẽ để đòi các họ đạo cống hiến luôn nhà thờ để có môi trường tốt hơn cho nhà trường. Hay là để sửa soạn trả cơ sở nhà trường cho nhà thờ? Nhưng nghĩ tới giả thiết này có phải là quá lạc quan chăng?

Nguyễn Ngọc Lan
(trích Tin Nhà số 41 năm 1999, trang 3)

Thursday 17 November 2011

Lm Frank Doyle sj: Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao


Lễ Kitô Vua Năm A 20.11.2011

“Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao”
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!...
Ai tới đó chẳng mê man thần trí,
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang.
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 25: 31-46  

Hư vô ấy, là trăng sao xây dựng, giữa giòng đời? Là, trần gian chốn vắng, rất hãi hùng. Xa vắng, hãi hùng toà châu báu, vẫn kết bằng hương hoa dị kỳ. Của tình yêu rung động, ra đón Chúa.

Chúa xuân - Vua Vũ Trụ hôm nay ta mừng kính, là chính Đức Kitô, Đấng đã ra đi rao giảng chốn “hư vô” xô bồ khắp đất miền, ở Do Thái. Từ, Galilê, Samari cho chí vùng Giu-đêa, Giêrusalem ấy, nơi nào Ngài cũng đến. Chốn nào, Ngài cũng khuyên dạy. Chữa lành. Ủi an. Giải thoát. Ngài là Đức Chúa. Là Vua Cha, luôn hiện diện hữu hình, nơi ta sống.

Các bài đọc hôm nay, đưa ra hai ảnh hình tương phản về Đức Kitô. Bài đọc 2, bằng vào thư chung gửi giáo đoàn Côrinthô, thánh Phao-lô trưng diễn hình ảnh về Đức Kitô, là Vua. Và, là Chúa. Thánh Phao-lô nói: “Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1Cr 15: 21). Và, Đức Kitô được trưng dẫn, như Đấng có toàn quyền trên mọi quyền. Bởi, cuối cùng thì quyền lực của thế gian cũng phải lui bước, “phải quy về thần phục Đấng vẫn bắt muôn loài phải quy phục Người.” (1Cr 15: 26). Và, “Đức Kitô nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi địch thù dưới chân Ngài” (1Cr 15: 25).

Trong khi hai bài đọc 1 và 2 đưa ra ảnh hình khác biệt, về Đức Giêsu, con Thiên Chúa. Qua việc Ngài chấp nhận thân phận làm người. Bài đọc 1 nói đến hình ảnh Đức Giê-su là Đấng Chăn Chiên Hiền Lành. Nơi ảnh hình này, chiên con được đưa lên đồi cao, xứ Palestin. Ở nơi đó, cỏ rất non xanh mượt mà. Ở nơi đó, chiên con trộn lẫn chan hoà với đàn chiên, của kẻ khác. Ở nơi đó, Chủ Chăn đã bỏ giờ ra để chăm sóc cho chiên mình. Đem chiên về cùng một ràn chiên.

Ở đây, Đức Giê-su xác nhận Ngài là Chúa Chiên Hiền, như: “Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.” Và, “Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen đến mịt mù.” (Êz 34: 12). Và, nếu chiên con có đi lạc, Ngài sẽ đích thân tìm: “Ta sẽ đáp cứu chiên của Ta. Chúng sẽ không là mồi cho kẻ cướp” (Êz 35: 22). Chính từ đoạn sách này, Đức Kitô rút ra ảnh hình gọi Ngài là Chủ Chăn Hiền Lành. Về sau, Ngài có nói: Ngài sẽ bỏ 99 chiên ngoan hiền ở lại, để đi tìm mỗi chiên con lạc loài, sa ngã.

Ở đời thường, có lúc chiên con bị đối xử không đồng đều. Như lời tiên tri: “Chiên nào béo mạnh, Ta diệt đi. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Êz 34: 16). Nghe điều này, hẳn nhiều người sẽ nghĩ là: Chúa thiên vị. Thật ra, Ngài chỉ làm thế với những người tìm cách bóc lột kẻ nghèo hèn, hiếp đáp người cô thế. Chính trực của Chúa, không dựa trên sự công minh đạo đức, mà thôi. Nhưng, trên san sẻ đồng đều. Trên sự kiện, mọi người đều có thể tiếp cận nguồn phúc lợi đã dành sẵn. Ngõ hầu giúp mình sống đúng phẩm chất. Sống, tự trọng. Chỉ thế thôi.

Đó, chính là bối cảnh Tin Mừng hôm nay. Tin Mừng, đưa ra cảnh trí của phán quyết chung cuộc. Ngày thế tận. Bối cảnh hôm nay, không nên hiểu theo nghĩa đen, từng chữ. Nhưng, chỉ nên nhìn vào ý nghĩa nằm ở hậu trường. Tức, nên coi đó như ảnh hình về một trực diện với Chúa, xảy đến trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu hỏi rằng: có chăng giá trị nào đó nơi sự khác biệt thường thấy giữa phán quyết riêng tư và thông thường, không? Thì, ảnh hình nói hôm nay về việc Con Người hiện đến, giữa mây trời bao phủ, có thần linh thiên sứ quây quần, là hình ảnh ám chỉ sự cao cả và trong sáng của Đức Chúa. Tuyệt nhiên không có ý mô tả kinh nghiệm thực tế, ta sẽ gặp. Trong mai ngày.

Theo ảnh hình diễn tả, có hai loại người đến với phán quyết chung cuộc, như “chiên con” và “dê đàn”. Tức, người nhân hiền và các lão trự. Và, vấn đề là: làm sao tách bạch được người nhân hiền với lão trự? Ở đây, cả hai loại người ấy đều sửng sốt, trước các chuẩn mực, Chúa đưa ra.

Trước tiên, Ngài nói với chiên con: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." (Mt 25: 34-36)

Nghe như thế, chiên con đều sững sờ. Vì, có bao giờ họ trông đợi chuyện tương tự, để được thấy, đâu. Vì sững sờ, nên họ chẳng nhớ rằng mình đã từng làm, như thế. Có điều chắc, là chẳng ai nhớ được rằng mình đã làm như thế, với Chúa. Bởi thế nên, họ nói:“Có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? (Mt 25: 39).

Sững sờ hơn, câu đáp của Chúa lại là câu mà chẳng người nào muốn:“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25: 40) Thế rồi, quay về phía dê đàn, Ngài lên án những kẻ đã không làm điều mà Ngài liệt kê. Tức, không nhận ra Ngài, nơi người anh người chị trong cộng đồng nhân loại.

Ở đây, cần ghi chú đôi điều như sau:
-Những gì Chúa nói đến ở trình thuật, chẳng điều nào mang bản chất tôn giáo,
lẫn niềm tin.
-Chúa chẳng đả động gì đến các giới lệnh. Giới lệnh nào từng được tuân giữ. Điều nào không.
-Điều mọi người bị lên án, không những ở nơi: vô luân, đã làm điều phản Đạo; mà còn là, chẳng làm gì hết.
-Và, những điều ta làm (hoặc đã không làm) CHO Chúa, đều không phải VÌ Chúa. Nói cách khác, Chúa vẫn thực sự hiện diện nơi mỗi người ta từng gặp. Tôi không chỉ tốt bụng với người này người kia (tức, người mà có thể tôi không lưu tâm nhiều cho lắm) chỉ để được tiếng là: đã làm “việc thiện”. Để rồi, Chúa thưởng công cho mình. Và, để cộng thêm vào tài khoản có ghi “việc thiện ta làm”. Không thể dùng con người, vào mục đích dù là việc thiêng liêng, tốt lành.

Tựu chung, điều Chúa muốn nói, là: nếu muốn được kể là mình thuộc thành
phần “chiên con”, thì khi đó ta phải trở thành người biết yêu thương thực sự. Và, chẳng cần biết, ta đáp ứng thế nào với tình yêu đó. Đây là cách Chúa yêu ta. Bởi, thật tình mà nói, nếu ta chỉ làm tròn bổn phận đạo đức, tôn giáo, chu toàn mọi lễ lạy này khác thôi, vẫn chưa đủ. Bởi, không thể nói:”tôi chỉ cần làm người Công giáo ngoan hiền đạo hạnh, là đủ đâu”. Trên thực tế, người người vẫn trông đợi ta dấn bước ra đi, hầu đến với mọi người, bằng phương cách thích hợp. Dấn bước ra đi, để tỏ bày tình thương. Ra đi, để đến với những người đói ăn, thiếu mặc. Với, người dưng khác họ, nghèo hèn. Người ốm đau. Cô thế. Những người, còn sống mãi ở chốn lao tù, hờn căm. Người bệnh. Nan y. Nghiện ngập. Khủng bố. Điếm đàng. Chính họ, mới là người có nhu cầu khẩn thiết, trong cuộc sống.

Chính họ, là những người mà Vị Vua Nhân Hiền vẫn gọi mời ta đến phục vụ.
Và, phương cách mà Vị Vua Hiền muốn ta đến phục vụ, là: lấp đầy nơi ta, tâm tư và trạng thái biết chăm nom, đùm bọc. Biết đỡ đần. Giùm giúp. Biết xót thương các người anh người chị, ở mọi nơi. Chí ít, là những người còn xa Chúa. Những người chưa được ban tặng, đầy ân sủng. Nói chung, những người nghèo đói. Thấp hèn về mọi mặt. Cả thể xác, lẫn tinh thần.

Ảnh hình về phán quyết chung cuộc ở trình thuật, không phải để ta hãi sợ  và, rẩy run. Nhưng đó chỉ là một thách thức. Thách thức không chỉ cho mai ngày, nhưng chính là ngày hôm nay. Cách tốt nhất, để đảm bảo là ta thuộc phía chiên lành, là: ngay từ bây giờ, ta hãy trở nên người biết yêu thương. Biết,chăm sóc. Đùm bọc. Biết chấp nhận và dung thứ người khác.

            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá lược dịch

Wednesday 16 November 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)




VÀI ĐOẠN TIN MỪNG VỀ TÍNH CÁCH HIỆN ĐẠI CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA

Truyện Chúa Yêsu chịu thanh tẩy
Mt 3: 13-17; Mc 1: 9-11; Lc 3: 21-22; Yn 1: 32-34. Trình thuật nói lên Giờ khai mạc thời Mêsia: đó là điều cốt yếu. Thanh tẩy của Chúa Yêsu cắm chặng một giai đoạn thánh sử. Những vấn đề liên hệ khác phải thẩm định theo hướng đó của trình thuật (như ý thức của Chúa Yêsu về tư cách Mêsia, địa vị Con Thiên Chúa của Ngài).

Mc 3: 14-15:
Mát-thêu dựa trên một lời của Chúa Yêsu để báo trước một chủ đề cốt yếu về liên lạc giữa Cựu Ước và Tân Ước: Chúa Yêsu đến để hoàn tất Luật Môsê:

“Làm trọn”:
Tiếng này đem về liên lạc giữa Cựu Ước và Tân Ước. Một đàng Chúa Yêsu phải phục tùng Giao ước cũ, tức là mạc khải của Thiên Chúa chấp chứa trong Cựu Ước; nhưng đàng khác, Chúa Yêsu vượt quá Giao ước cũ vô ngần: vì Cựu ước là một giai đoạn tạm thời trong cả một nhiệm cục phải tiến dần. Làm trọn tức là bảo tồn và biến đổi, cải thiện mà vẫn duy trì.

Công chính:
Tiếng này có thể chỉ các giới răn, những ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng trong Mátthêu, công chính tức là sự trọn lành của Đạo Chúa Kitô. Như thế, tiếng “công chính” ở đây chỉ sự công chính Giao ước cũ, như phác hoạ báo trước sự công chính của Giao ước mới.

Trời mở ra:
Hình ảnh này được dùng trong trình thuật thiên triệu của tiên tri Êzêkiel, và đã thành một công thức để tả mạc khải cánh chung. Điều giả thiết trước khi mở là: trời đất đóng kín với nhau – Thiên Chúa không còn đi lại gần gũi với dân của Người như xưa. Trời mở như vậy trước tiên là một đặc ân. Nhưng Mc 1: 10 nói “trời xé ra”, và hướng độc giả đến lời tiên tri Ys 63: 19.  Ys 63-64 là những đoạn tiên tri nói ra sự ngóng chờ thời cánh chung dưới hình ảnh một cuộc xuất hành). Như thế, trời mở ra tức là giờ khai mạc thời các tiên tri tiên báo thì bây giờ đã đến: Giao ước mới bắt đầu dưới quyền lực của Thần Khí: cho Chúa Yêsu và cho dân của Ngài – Thần khí  đáp xuống hình bồ câu.

Muốn hiểu thì phải nhớ rằng “bồ câu” là hình ảnh chỉ Israel trong văn chương của các rabbi, và Kinh thánh cũng có dùng đến (sách Diệu ca về thời Chúa Yêsu được hiểu theo nghĩa tượng trưng, những tiếng về người hôn thê được đem về Israel) – rồi các xuất xứ Kinh thánh như Kn 1: 2 (Thần Khí trên mặt nước khi tạo dựng trời đất), Tl 32: 11 (hình ảnh chim mẹ lo cho tổ chim non vẽ ra sự săn sóc của Thiên Chúa trên dân của Người). So sánh hết các ám chỉ đó, chúng ta hiểu rằng: thời hoạt động của Thần Khí để làm nên tạo thành mới, một dân của Thiên Chúa, một Israel mới đã khai mạc với Chúa Yêsu, Đấng thanh tẩy trong Thần Khí (tức là năng lực thánh hoá của Thiên Chúa được thi thố ra trong sứ mạng cứu chuộc của Chúa Yêsu).
                                                                                                                                                (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích giáo án lưu hành nội bộ)

Monday 14 November 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà:


Cần đi chùa thắp lửa

BBC 6g sáng 02.02.2001 có phóng sự của Hương Ly về hiện tượng giới trẻ Việt Nam đang lui tới chùa/đền đông hơn cả người già và khác hẳn những năm sau 1975… Ngay cả ở Hà Nội sau gần nửa thế kỷ “được” có quốc giáo duy vật vô thần.

SGGP 02.02.2001 trong mục gọi là “xây dựng Đảng” lại đăng bài “’Cần thắp lửa’ lý tưởng thanh niên” với đoạn tiêu biểu sau đây:

“Năm, bảy năm qua tôi và nhiều người xung quanh tôi đã giàu lên nhanh chóng. Số tài sản mà chúng tôi tích luỹ trong 7 năm gấp nhiều lần mà cha tôi có được sau 70 năm. Thế nhưng ai dám nói cuộc đời nào giàu có và phong phú hơn.

Chúng tôi dường như ai cũng an phận thủ thường “Bằng mặt mà không bằng lòng”, biết rõ người này bậy cái này, người khác tiêu cực cái khác, nhưng đến khi bình bầu danh hiệu thi đua thì ai cũng tốt. Nếu có làm gì thì chỉ làm ở mức độ tối thiểu để không bị khiển trách, còn lại cố gắng lo thu vén cho đến khi bình bầu danh hiệu thi đua thì ai cũng tốt. Không khí ấy phổ biến ở nhiều cơ quan, nó mạnh mẻ tới mức làm “lão hoá” ngay cả những người trẻ vừa mới ra trường được nhận vào làm việc. Trong khi đó cuộc đời bên ngoài còn có bao nhiêu chuyện cần đến nhiệt huyết và lý tưởng của tuổi trẻ (…) Có phải trong mỗi chúng ta đang thiếu một ngọn lửa, và cuộc sống quanh ta cũng thiếu người thắp lửa?...”

Tình cờ thế nào mà bài báo này vô tình xác nhận hiện tượng mà BBC đã nói tới. Và phụ hoạ thêm cho phần bình luận mà BBC đã thu nhặt từ Hà Nội và Sàigòn.  

“Cần ‘thắp lửa’ lý tưởng cho thanh niên”. Nhưng ai thắp? Tập đoàn giành độc quyền thắp lửa, nếu đã từng có lửa đi chăng nữa thì lửa đã tắt ngúm lại như thời gian qua đã quá thừa đủ để cho thấy như thế. Còn chăng chỉ là một đám khói cứ tiếp tục làm ô nhiễm môi trường. Thanh niên đã chán ngấy thứ lửa ấy. Còn biết quay lưng tránh đám khói ấy và tìm tới đền chùa, nhà thờ là thanh niên đã tỉnh ra và còn biết đi tìm lửa ở đâu.

Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 2 năm 2001, trang 32)

Sunday 13 November 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Kinh Thánh & Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)




THÁI ĐỘ CỦA CHÚA YÊSU ĐỐI VỚI DÂN NGOẠI:

Họ sẽ vào Nước (Mt 8: 11; Mc 13: 10; 14: 9). Nhưng Chúa Yêsu lại không đi rao giảng cho dân ngoại (Mc 7: 24); Ngài từ chối nữa một cách minh bạch (Mt 15: 24; 10: 5-6). Thái độ đó có tính cách nghịch lý. Nhưng đó lại là điều đã có trong các lời tiên tri Ys 40: 55. Trước tác có tính cách khoáng đạt mở rộng hơn các sách khác Cựu Ước. Tiên tri báo trước dân ngoại sẽ được cứu rỗi; nhưng ơn cứu rỗi đó lại xuất hiện tại Sion, và thiên hạ phải kéo nhau đến đó mà lãnh chịu lấy, Chúa Yêsu vẫn dành quyền ưu tiên cho Israel, như thể một thuyền trưởng nam. Ngài chỉ rao giảng tại Phalệtin; nhưng các tông đồ sau Ngài mới đem Tin Mừng cho muôn dân. Phải ngang qua chết và sống lại, Chúa Yêsu mới lột bỏ những hạn chế thuộc về con người trong xác thịt mà Ngài đã đành lãnh nhận lấy tất cả mọi điều kiện.

Về tương lai của công việc Ngài, Chúa Yêsu có một ý hướng sáng suốt và chắc chắn. Ngài báo trước rõ rệt sứ mạng của các tông đồ, việc truyền giáo dân ngoại. Nhưng Ngài không ban cho họ những lời chỉ giáo cặn kẽ: không nói gì về Lề Luật, không chỉ định khu vực hoạt động, không ra hạn định lúc nào. Sách Công vụ các tông đồ cho ta thấy các tông đồ sẽ phải lãnh lấy đầy đủ trách nhiệm của họ: dưới sự thúc bách của hoàn cảnh, nhưng trong ơn soi sáng và dẫn dắt của Thánh Thần: vụ Stêphanô (Cv 6: 8; 8: 4), thiên triệu của thánh Phaolô (9: 1-30), truyện Cornêliô (Cv 19: 1; 11: 18), và nguyên tắc sẽ hoàn toàn công nhận tại Công đồng Giêrusalem (Cv 15). Đó là cách dẫn dắt của Thiên Chúa: không tiên báo từng chi tiết, không chỉ dạy từng điều, nhưng Thiên Chúa dùng biến cố thời gian mà bắt những kẻ đương cuộc quyết định, nhưng ngoài ánh sáng của Người dun dủi lòng người ta; Thiên Chúa kêu gọi sáng kiến của người ta, luôn luôn đặt họ trước sự hiện diện để họ đảm đương lấy trách nhiệm. Đó là một gương lạ lùng về sự dè dặt kính trọng sự tự do của những ai Người kêu gọi vào công việc của Người.
                                                                                                                                    (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
(tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)