Sunday 31 July 2011

Lm Richard Leonard sj: Xa rời ai? Ai xa rời?


Người xưa có câu: “xa rời Đức Chúa, lỗi này do ai?”. Câu hỏi này, vẫn luôn hiện đến mỗi khi ta đề cập đến chủ đề được ghi trong bài đọc 2, đại ý thánh Phao-lô viết: “Không có gì tách ta khỏi lòng mến của Đức Kitô”.

Khi chấp nhận hành hình chịu khổ đau, thánh Phao-lô có viết cho cộng đoàn tín hữu ở Rôma để nhắn nhủ các thánh ở đây, rằng: dù có hãi sợ, cách ly, hoặc sầu buồn thế nào đi nữa, không gì có thể cách ly cộng đoàn mình xa rời tình yêu của Đức Chúa. Điều này cho thấy: mỗi khi ta có cảm giác xa cách Đức Chúa, ta có thể bước xa khỏi nơi Ngài hiện diện. Và, bình thường là qua hành vi đầy huỷ hoại. Hành vi này, thường tạo khoảng cách giữa ta và cội nguồn niềm tin, hy vọng và thương yêu.

Thánh Mát-thêu và tiên tri Isaya đều đã viết cùng một đại ý, nói rằng: không gì có thể cách biệt ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa. Sông rộng ngập đầy, ở lời sấm của tiên tri, và câu chuyện 5 tấm bánh và 2 con cá ở Tin Mừng, là tất cả những gì các thánh diễn tả sự sung mãn nơi Vương quốc Đức Chúa. Tức là, sự sung mãn vẫn có nơi tình thương của Chúa. Rất thường tình, ta hay nhấn đến phép lạ thật sự tạo biến đổi mà thánh sử đã đề cập trong Tin Mừng do thánh nhân viết, thoạt khi Đức Giê-su “bẻ bánh và phân phát” cho hết mọi người, rất dồi dào. Sung mãn. Viết như thế, thánh Mát-thêu cũng gợi sự chú ý của mọi ngưòi đến các mẩu vụn còn thừa. Thánh sử còn chú trọng hơn phép lạ nhân bản thức ăn, gồm có bánh và cá. Từ con số 5 tấm bánh và 2 con cá, thánh sử Mát-thêu nói đến số 12 giỏ vụn bánh, còn sót lại.

Các con số mà thánh sử viết ở đây, trong Tin Mừng, không là chuyện ngẫu nhiên. May rủi. Trái lại, số 7 là con số biểu tượng cho 7 ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, mà lúc ấy, mọi người nghe kể, không thể nào không liên tưởng đến. Truyện kể đây, là kể về việc Đức Giê-su sử dụng hoa quả của nhân trần trái đất làm ra hầu nuôi sống đoàn người đông đảo, lúc bấy giờ. Hệt như thế, 12 giỏ bánh vụn còn sót, là những cơm thừa canh cặn, rơi rớt lại từ bữa ăn no nê, đầy mãn nguyện. Câu truyện đây, vang vọng một dấu chỉ Chúa muốn qui chiếu, qua số 12. 12, là con số ám chỉ các chi tộc Israel, được ghi lại nơi Cựu Ước.

Đối với ta, truyện kể hôm nay còn vang vọng một ủi an. Thánh Mát-thêu kể cho ta nghe việc Đức Giê-su thấy được nhu cầu của từng người. Ngài chẳng khi nào quay mặt bỏ đi. Những, vẫn đến tận nơi ta ở. Gặp ta ngay, vào tình trạng sống, ta kéo dài. Và, Ngài tái tạo con người chúng ta ngang qua sự sung mãn của tình yêu Ngài. Nhờ đó, ta trở thành “dấu chỉ” cho Vương quốc của Ngài, với nhân trần.

Hội thánh của ta cũng thế. Mẹ thánh Giáo hội luôn tin rằng: việc nuôi sống đám đông quần chúng vào buổi ấy, là ảnh hình về Tiệc Thánh Thể, vẫn diễn ra hằng tuần. Với cộng đoàn. Ở nơi đây, ta đón nhận sự sung mãn ứ tràn của Đức Chúa, qua Lời Ngài. Trong cuộc sống. Cuộc sống, của cộng đoàn. Trong các sinh hoạt mục vụ. Và, qua việc linh mục biến đổi rượu bánh thành Mình Máu Chúa.

Phụng vụ hôm nay, là phụng vụ về sự sung mãn. Chúa đem đến cho ta, ân sủng dồi dào; để rồi, ta có thể chuyển đạt lại cho thế giới nhân trần những gì Ngài trao ban, ngõ hầu ta biết chăm sóc, hết mọi người. “Ai được nhiều, sẽ bị đòi nhiều”. Nhưng, vấn đề đối với thế giới hôm nay, là: nhiều người trong chúng ta vẫn sở hữu quá nhiều thứ. Rất sung mãn. Thật dư thừa. Trong khi đó, còn quá nhiều người, chẳng có đến bất cứ thứ gì. Dù là vật dụng nhỏ. Để độ thân.

Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, mà ta không thấy bận lòng gì đến việc biến đổi tâm can, hoặc có hành động thích nghi, thì ta chẳng thể nào hiểu được truyện kể mà thánh sử hôm nay viết về lòng Chúa xót thương đám đông quần chúng. Vì, khi Chúa chạnh lòng thương đám đông quần chúng, Ngài không nhắm chỉ riêng ai, một ít người. Đôi khi, có người còn nhìn vào cảnh tình nghèo khó hiện xảy ra trên thế giới, rồi tự hỏi: “Nếu Chúa nhân từ, sao lại để việc ấy xảy ra?” Ý nghĩ này, không thể làm ta xa rời Đức Chúa. Nhưng, dưới ánh sáng soi dọi của Chúa như thánh sử ghi lại hôm nay, đoan chắc một điều, là: Ngài ban mọi sự cho chúng ta. Ban một cách sung mãn tràn đầy, để ta có thể sẻ san sự sung mãn ấy, cho mọi người.

Mỗi khi ta có ý nghĩ đặt ra những câu hỏi như thế, và mỗi khi ta có cảm giác rằng mọi sự xảy ra giống như vậy, hãy tự vấn lương tâm, mà hỏi như người xưa, vẫn tự nhủ, rằng: Ai xa rời? rời xa ai? Trả lời được câu hỏi của tiền nhân, tự khắc ta sẽ không còn thắc mắc, nữa.

Cầu Chúa cho ta cảm nhận được các tư tưởng mà thánh sử Mát-thêu viết ra, hôm nay.

Saturday 30 July 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


III. Lời Rao Giảng Tiên Khởi

  1. TRONG SÁCH CÔNG VỤ

Sách muốn doãn lại thời kỳ phôi thai của Hội thánh. Công vụ bắt đầu với trình thuật Chúa lên trời (năm 30), và kết thúc với 2 năm Phaolô bị giam giữ tại Rôma (năm 62/63): như thế thì đã rõ Công vụ cho thấy sinh hoạt Hội thánh vào khoảng 30 năm đầu.

Một điều chúng ta phải châm chước khi dùng Công vụ với mục đích tìm biết Hội thánh những ngày đầu đó là tác giả không phải là chứng nhãn tiền: Sách Công vụ đã được viết vào lối 80. Đó là nói về giá trị lịch sử nói chung (coi Tân ước 456-458)

Bây giờ phải nói riêng đến Công vụ như tài liệu để hội ra lời Rao giảng tiên khởi. Thực sự trong Công vụ có những bài giảng của Phêrô và Phaolô không phải cho anh em tín hữu trong Hội thánh, nhưng là cho người Do thái, hay người ngoại chưa biết đạo Chúa Kitô.

Tiếng Kerygma:

Các tông đồ có nhiệm vụ làm chứng về Chúa Kitô và đào tạo những kẻ đã tin. Khi dạy dỗ những người đã tin, chúng ta có giáo huấn (tiếng Hy Lạp gọi là “didakhè” : mục đích là xây dựng một cộng đoàn sống theo “ơn Thiên Chúa đã ban” (Cv 13: 43) bởi đó nhắm đến cách sống nhiều hơn và sự đào sâu vào mầu nhiệm đức tin: đạo lý cho những người thành toàn (1C 2: 6tt). Nhưng trước khi có một cộng đoàn thì cần phải chinh phục: lời lẽ đem trình bày với những người chưa hề nghe biết Tin Mừng. Tân ước gọi đơn giản là lời Rao Giảng (Kerygma) (coi 1C 1: 21).

Những diễn từ Công vụ

Về các diễn từ này, bình luận ngày nay không cho phép chúng ta coi như những bài tường thuật phóng viên –đã ghi lại tại chỗ: tại sao? Văn là văn của Luca- những lời trong Kinh thánh lại dựa trên bản Hy Lạp (gọi là bản Bảy Mươi) – chiếu theo kiểu sử gia xưa dùng chính nhân vật đương cuộc để nói lên lời bình về biến cố. Nhưng khi so chiếu với Tin Mừng Luca, chúng ta thấy tác giả không tự tiện đặt ý mình nơi miệng các nhân vật, mà là trình bày truyền thống. Điều đó cũng nhìn thấy được trong Công vụ: các diễn từ có mùi vị từ ngữ Aram, và còn giữ lại một đạo lý, một thần học cựu trào không rõ đích xác như thần học đã có thời Luca viết Công vụ.

Các diễn từ

Cv 2: 14 + 36 38t: Bài giảng của Phêrô trong ngày Hiện xuống

Cv 3: 12-26: Bài giảng của Phêrô sau khi chữa người què

Cv 4: 8-12: Bài giảng của Phêrô trước Công nghị I

Cv 5: 17-40: Bài giảng của Phêrô trước Công nghị II

Cv 10: 34-43: Bài giảng của Phêrô tại nhà Cornêliô

Cv 13: 16-41: Bài giảng của Phaolô tại Antiôkia Pisidia.

Các diễn từ đó được soạn theo một mẫu chung:

-Nhập đề đặt liên lạc bài giảng với cảnh huống đặc biệt trình bày Tin mừng Chúa Yêsu (thường dựa trên tương phản giữa thái độ của người Do thái đối với Chúa Yêsu và việc Thiên Chúa làm) nhưng đặt dưới ánh sáng của Kinh thánh.

-Kết luận: loan báo ơn cứu rỗi, và kêu gọi trở lại.

Nội dung: Lời rao giảng không còn là Tin Mừng của Chúa Yêsu (về Nước Thiên Chúa Mt 4: 17; 10: 7), nhưng là Tin Mừng về Chúa Yêsu Kitô – do những chứng tá: vì thế Tin Mừng cũng được gọi là “chứng chỉ”: chứng chỉ đó đưa về sự viên thành cánh chung đến cho nhân loại trong sự Sống lại của Chúa Yêsu:

a/ Thơi viên thành đã đến: Cv 2: 16; 3: 18; 10: 43; 13: 27.

Nguyên tắc chủ chốt cho việc hiểu Kinh thánh trong đạo Do thái là các điều các tiên tri báo trước đều qui chiếu vào “những ngày của Đức Mêsia”, nghĩa là vào thời Thiên Chúa, sau bao nhiêu đời trông đợi, sẽ đến viếng thăm dân của Người, trong phán xét và chúc lành, dẫn đến chóp đỉnh của mọi công việc của Người trong lịch sử. Điều vĩ đại là các tông đồ dám tuyên bố thời của Đức Mêsia đã đến.

b/ Sự viên thành đó đã đến nhờ sứ vụ, sự chết và sống lại của Chúa Yêsu. Các diễn từ thuật lại vắn gọn, kèm theo chứng lời Kinh thánh rằng các điều đó đã xảy ra “thề theo dự tính đã định sẵn và sự biết trước của Thiên Chúa” (Cv 2: 23).

1. Ngài thuộc giòng giống Đavít (Cv 2: 30-31; Tv 132: 11; Cv 13: 34)

2. Sứ vụ của Ngài: Cv 2: 22; 3: 22; nhất là 10: 37t

3. Sự chết của Ngài: Cv 2: 23; 3: 13t; 10: 39; 13: 28t

4. Sự sống lại: 2: 24-31; 3: 15; 4: 10, 39-41; 13: 30-37.

c/ Bởi sống lại, Chúa Yêsu đã được suy tôn lên bên hữu Thiên Chúa, theo lời Tv 110: 1; Cv 2: 33-36; 3: 13; 4: 11; 5: 31: Ngài đã được tôn làm “Chúa”.

d/ Thánh khí Thiên Chúa trong Hội thánh là dấu tỏ cho thấy quyền hiện tại và vinh quang của Chúa Kitô (Cv 2: 33, chiếu theo lời tiên tri Yôel 2: 28-32/ Cv 2: 17-21) (coi 5: 32; 10:44).

e/ Thời của Đức Mêsia sẽ kết thúc vào lúc Chúa Kitô đến lại (3: 21), Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết (Cv 10: 42).

f/ Lời kêu gọi hối cải để nhập vào cộng đoàn cánh chung: Cv 2: 38t; 3: 19, 25t; 4: 12; 5: 31; 10: 43; 13: 38t.

(Chúng ta nên so với Mc 1: 14-15 cũng là lược toát lời rao giảng, nhưng của Chúa Yêsu: chúng ta có thể thấy:

“Thời đã mãn” đuợc diễn ra trong nố a/

“Nước Thiên Chúa đã gần bên rồi” được nói rõ trong b/ c/ d/

“Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” được nói lại trong f/

(còn tiếp)

Lm Yuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)


,

Friday 29 July 2011

Lm Sylvester O'Flynn; Những câu mọi người thường hỏi

Lm Silvester O’ Flynn OFM Cap.

Câu hỏi #1:

Đức tin của con đã trở nên khô héo. Những vụ bê bối xảy ra trong Giáo Hội góp phần làm cho con mất niềm tin, nhưng con không đổ hết trách nhiệm cho những việc đó. Bỏ lễ Chúa Nhật không còn làm cho con cảm thấy áy náy như ngày xưa nữa. Con có cầu nguyện gì thì cũng chỉ là cầu nguyện cách máy móc mà thôi. Cha có cách gì giúp con không?

Câu đáp:

Thế giới mà chúng ta đang sống đã trở nên rất phàm tục, và người ta rất dễ dàng buông xuôi theo dòng nước. Ngày nay người ta cần phải cố gắng một cách chủ tâm lắm thì mới nuôi dưỡng được đức tin. Cũng giống như những món ăn vật chất có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe thể lý của chúng ta, những món ăn tinh thần ảnh hưởng đến sự yên lành của tâm trí và tâm hồn chúng ta. Bạn hãy năng ghé qua nhà thờ thường xuyên hơn để chiêm ngắm Chúa. Hãy đọc Sách Thánh và lấy đó làm nguồn để phát triển một mối quan hệ lắng-nghe-và-thưa-chuyện giữa riêng bạn với Chúa. Hãy vượt thoát khỏi tính vị kỷ bằng cách tham gia làm thiện nguyện viên cho một tổ chức thiện nguyện hay một nhóm thể thao nào đó. Có nhiều Trung Tâm Tĩnh Tâm mà nơi đó bạn có thể tìm được một chương trình tĩnh tâm hữu ích. Trên hết mọi sự, hãy khiêm tốn cầu nguyện để có được một đức tin sống động.

Câu hỏi #2:

Mục đích của việc đọc những đoạn Cựu Ước nói về việc tiêu diệt kẻ thù là gì?

Câu đáp:

Vâng những đoạn đó đọc không hay ho chi cả. Nhưng ít nhất thì những đoạn đó cho chúng ta thấy cái khía cạnh xấu xa của lịch sử nhân loại và thế giới cần đến một Đấng Cứu Độ ra sao. Xuyên suốt Cựu Ước có một sự dần dần tiến bộ trong việc am hiểu về sự mặc khải chương trình của Thiên Chúa, chương trình đó chỉ được hoàn thành qua việc Đức Giê-su đến thế gian. Hãy gẫm mà xem những đoạn trong Bài Giảng Trên Núi khi Đức Giê-su chuyển từ cách nói “Anh em đã nghe như vậy” đến cách “Tôi nói cho anh em biết”. Bối cảnh lịch sử khi Đức Giê-su giáng thế là kém xa mức hoàn hảo. Thời đại chúng ta ngày nay có khá hơn chút nào hay không? Thay vì chê trách quy lỗi cho những người của thời đại xa xưa, chúng ta hãy nên nhìn lại cuộc đời của chính mình dưới ánh sáng những lời giảng dạy của Đức Giê-su.

Câu hỏi #3:

Khoa học dạy con người dựa vào các dữ kiện có thật hơn là các huyền thoại. Làm sao mà bất cứ ai với kiến thức khoa học lại có thể tin vào Thánh Kinh hay tôn giáo?

Câu đáp:

Một sự thật cần được xem xét là nhiều khoa học gia vĩ đại, từng khai phá nhiều lãnh vực trong khoa học, lại là những người tin vào tôn giáo, từ Copernicus cho đến Newton, Darwin, Pasteur và nhiều người khác nữa, trong số đó có Francis Collins là người đóng một vai trò lớn lao trong việc phân tích các nhiễm sắc thể của nhân loại. Các khoa học gia trung bình thường chỉ dựa vào những số liệu có thể cân đo đong đếm được, trong khi các khoa học gia vĩ đại, đầy óc sáng tạo, ngoài những số liệu đó còn dùng cả trí tưởng tượng và trực giác nữa. Các biểu tượng tôn giáo, các trình thuật và các niềm tin tôn giáo làm nảy nở những sự tưởng tượng phong phú. Werner Heisenberger – khoa học gia đoạt giải Nobel – đã nói rằng uống ngụm nước đầu tiên từ chiếc cốc khoa học tự nhiên thì biến người ta thành những người vô thần, nhưng ở dưới đáy cốc, Thiên Chúa đang đợi sẵn.

Câu hỏi #4:

Làm sao mà một Thiên Chúa của tình yêu lại có thể đày bất cứ linh hồn nào xuống hỏa ngục?

Câu đáp:

Giáo lý Công Giáo gọi hỏa ngục là “trạng thái của sự dứt khoát tự loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người tốt lành khác”. Hãy lưu ý rằng những chữ “tự-loại-mình” bao hàm ý nghĩa là người ta tự khai trừ chính mình khỏi lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách chủ tâm từ chối Thiên Chúa và chủ tâm lìa bỏ những đường lối của công chính và của tình yêu. “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Gio-an 3:19-20) Hỏa ngục là do con người tự chọn.

Câu hỏi #5:

Hoa quả của Chúa Thánh Thần là gì?

Câu đáp:

Thánh Phao-lô, trong Thư Gởi Tín Hữu Ga-lát, đã đối chiếu cuộc sống ích kỷ với cuộc sống được linh hứng từ Chúa Thánh Thần. Cuộc sống ích kỷ tạo ra những thói tật về sắc dục, tính bạo động, việc rượu chè say sưa và những hình thức đau khổ khác. Tiếp sau đó thánh Phao-lô liệt kê 9 phẩm chất tốt đẹp của một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần. Có 3 loại hoa quả nảy sinh từ mối liên kết sâu sắc với Thiên Chúa: tình yêu thương, niềm hân hoan, và sự bình an. 3 loại hoa quả kế tiếp thiết lập những mối quan hệ hòa thuận với tha nhân: lòng kiên nhẫn, lòng bao dung, và tính thiện hảo. 3 phẩm chất cuối cùng là hoa quả của sức mạnh nội tại: lòng tin tưởng, sự dịu dàng, sự tự chủ. Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đầy tâm hồn tất cả mọi người.

Câu hỏi #6:

Ngày xưa Lễ kính Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày 1 tháng Bảy, tại sao bây giờ không còn nữa? Có phải lễ này đã được dời sang ngày khác hay không?

Câu đáp:

Lễ này không hẳn là đã được dời sang ngày khác, mà là được kết hợp với Lễ kính Mình Thánh Chúa. Thánh Lễ mà trước đây được gọi là Lễ kính Mình Thánh Chúa ngày nay là Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Trải qua thời gian Bí Tích Thánh Thể đã trở nên hầu như chỉ còn là bí tích Mình Thánh Chúa, còn Máu Thánh Chúa rất hiếm khi được nhắc đến. Giáo dân hiếm khi rước Máu Thánh Chúa từ chén lễ, và rất hiếm những bài thánh ca về Thánh Thể mà lời ca có nhắc đến Máu Thánh. Cử hành một thánh lễ kính chung Mình và Máu Thánh Chúa là theo đúng tinh thần Bữa Tiệc Ly hơn.

Thursday 28 July 2011

Frank Doyle sj: “Ghềnh đá nhỏ lặng ngồi hồn mơ mộng”



Mt 14: 13-21

Có những lúc, ta cũng được kêu mời ra ghềnh đá lặng ngồi, hồn mơ mộng. Giống nhà thơ. Ở nhà Đạo, cũng nhiều lần, có những ới gọi ngồi lặng thinh, không để mộng mơ nhưng để đọng lắng tâm tư, suy niệm về chuyện lạ Chúa làm cho mọi người. Như trình thuật hôm nay, còn ghi đậm

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu ghi rõ về một sự lạ. Sự lạ thánh nhân ghi, là ý nghĩa việc Chúa làm vào thời ấy. Rất lạ. Sự việc thánh sử ghi, thấy cũng lạ: “Nghe tin ấy, Ngài lánh khỏi nơi đó”. (Mt 14: 13). Ngài tránh, không phải để chối từ mọi nghịch chống, đối kháng. Hoặc khổ đau. Mà là: “đi thuyền đến nơi hoang vắng, riêng biệt” (cạnh hồ) (Mt 14: 13b). Và, “ra khỏi thuyền Ngài nhìn đoàn người đông đảo, thấy mà thương.” Chạnh lòng thương, Ngài đã chữa lành cho họ.

Với Tin Mừng thánh Mác-cô, việc chạnh lòng thương khiến Chúa “lên tiếng dạy họ nhiều điều” (Mc 6: 33). Chúa chữa lành, được hiểu như việc Ngài dạy cho dân biết mục tiêu Ngài nhắm, là: tái tạo mọi người thành một tổng thể, xác và hồn. Là, tỏ rõ công trình cứu độ, Ngài thực hiện.

Vấn nạn đặt ra hôm nay: chúng ta đáp ứng thế nào với lời gọi mời “chạnh lòng thương”/“giùm giúp chữa lành”, Chúa gửi đến? Vấn nạn, không chỉ nơi hành động của thầy Lêvi - tư tế, trên đường Giê-ri-khô, hôm trước. Hành động quên cả người bị nạn, “sõng soài trên vũng máu”. Vấn nạn, nay còn là mời gọi mọi người, lạ cũng như quen, biết đáp ứng tinh thần “chạnh lòng thương”. Biết chuyển biến tinh thần ấy thành hành động.

Đáp ứng lời mời gọi thương yêu giùm giúp, thật không dễ. Vì tính chất đa dạng, khó khăn khi đáp ứng. Có người đặt mọi trọng tâm vào chính mình, trước đã. Đặt trọng tâm nơi mình, sẽ chẳng làm sao có được đức tính “chạnh lòng thương”, những người khác. Không đáp ứng. Bởi,biết là nếu đáp ứng, sẽ gây ảnh hưởng gián đoạn mọi chương trình, mình đã tính. Có người cũng đáp ứng đấy, nhưng miễn cưỡng. Sơ sài. Vì kiệt sức. Hoặc, không quen. Tóm lại mọi điều, đều thấy khó. Khó thực hiện. Khó thích nghi, với thói lệ thông thường. Của mỗi người. Trong cuộc sống hằng ngày.

Có người, nhất định chối từ tỏ bày “lòng thương yêu/giùm giúp”, vì nghĩ mình chẳng có gì để cho,chẳng có gì đáng giá, để giùm giúp. Hoặc, vẫn nói: “đã muộn rồi”, “con chỉ vỏn vẹn có năm cái bánh và hai con cá”, làm sao cho. Chúa khác hẳn, Ngài vẫn dạy đồ đệ Ngài hãy tự tin. Ngài cứ hối thúc các thánh biết sẻ san, dù một chút. Chính nhờ thế, “ai nấy đều ăn và được no nê” (Mt 14: 20).

Ngước nhìn trời, Ngài dâng lời chúc tụng, là cử chỉ Chúa hướng về Cha Ngài. Là, động tác chúc tụng ngợi khen. Ban phép lành trên của ăn. Là, thực hiện động tác san sẻ bẻ bánh, cho môn đệ. Bảo ban các thánh, hãy dấn bước mà cho đi. Phân phát.

Người ta thu lại được 12 giỏ đầy, khi đã no nê tràn đầy. Ai cũng no. 12, là con số ám chỉ số lượng chi tộc Israel. 12, là con số các chi tộc được 12 thánh tông đồ luôn chăm sóc. Chăm nom - săn sóc, như thành phần công tác cho Israel, dân rất mới. 12 nguồn chăm sóc, xuất phát từ lòng độ lượng Chúa ban. Ban cho hết mọi người, không riêng gì Israel, thôi.

Số người ăn, có tới năm ngàn, không kể đàn bà và trẻ con, theo các nhà chú giải, số người được ban cho của ăn hôm ấy, có thể lên đến hai ba chục ngàn. Số người đây, phản ánh cảnh tình Do Thái vào các năm lưu lạc, nơi sa mạc.

Thức ăn Chúa ban, tượng trưng cho việc Ngài ban phát gửi đến dân con nhà Đạo được no đầy, ơn giùm giúp. Sự lạ “được no đầy ơn giùm giúp”, tự thân, tượng trưng cho Tiệc Thánh thể, ta mừng kính. Tiệc thánh Thể, là tiệc sẻ san đoàn kết, qua bẻ bánh. Sẻ san ân huệ Chúa ban, gửi đến cộng đoàn tình thương, vào buổi tiệc. Tiếc một điều, là: ở nhiều nơi, Tiệc Lòng Mến Thánh Thể chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, khá trống rỗng về thực tại ta đang có.

Cũng có câu hỏi rằng nếu Chúa quan tâm đến mọi người, thì tại sao trên thực tế, nhiều người vẫn chưa thực thi điều Ngài mong muốn? Sao vẫn còn, nhiều kẻ đơn côi, đói khát, vô gia cư, không tìm được nơi bảo bọc, giùm giúp? Như ở bài đọc 1, sao vẫn có vần thơ đầy khuyến khích, từ vị ngôn sứ: “Hãy đến cả đi, hỡi những người đang khao khát, nước sẵn đây! Dù không tiền, cứ đến lấy mà dùng. Cứ mua rượu mua sữa, chẳng cần mất đồng xu.” (Is 55: 1).

Đáp ứng cho vấn nạn trên, cộng thêm nơi đây lời ngôn sứ: “Sao phung phí bạc tiền vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng chắc dạ, no lòng?´(Is 55: 2). Lời ngôn sứ, ở đây muốn nói: hãy chi tiêu bạc tiền cách nào để ta có thể nuôi dưỡng người túng thiếu, kẻ nghèo hèn khiến họ no nê, đầy ắp. Đáp ứng nhu cầu, không chỉ những đáp và ứng cho riêng mình. Để mọi người hiểu rõ, ngôn sứ còn thêm: “Hãy chăm chú nghe lời ta, các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” (Is 55: 2).

Bài đọc 2, Phao-lô thánh-nhân nhắc giáo đoàn ở Rôma, nhớ thật rõ: “Không gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Dù, có là gian khổ, đói rách, hiểm nguy bắt bớ, lẫn giáo gươm? Trong mọi thử thách, ta toàn thắng là nhờ Đấng đã yêu mến ta.” (Rm 8: 35).

Nói chung, 3 bài đọc hôm nay, đều qui về mấy điểm, sau đây:

*Chúa thực sự quan tâm chăm sóc dân Người. Ngài ban đủ mọi thứ. Cho mọi người.

*Thăng trầm cuộc sống, dù có là cảm xúc, linh đạo, xác thể hay vật chất; dù cuộc sống trở thành bi hài kịch nhiều màn, dù cho đó là thiên tai không thoát khỏi, cũng không nên cản ngăn/kình chống tình thương yêu Chúa đùm bọc. Mọi việc xảy đến với cuộc đời, là để ta tăng trưởng trong cảm nghiệm. Tăng trưởng và nhận thức được đâu là hạnh phúc đích thực. Đâu là bình an, cần phải có.

*Quan tâm chăm sóc Chúa phó ban, là để ta thực hiện như một trọng trách khẩn thiết. Khổ đau nơi con người, là do đồng loại mình tạo nên. Chúa nuôi sống mọi người, Ngài không trực tiếp để dân ăn uống, những no say. Nhưng làm thế, Ngài vẫn dùng bàn tay hợp tác của mọi dân con đồ đệ. Ngài vẫn làm và chỉ làm, mỗi việc thiện. Ngài làm mỗi việc thiện, thế mà vẫn có nhiều người hằng than trách. Than và phiền, rồi đổ lỗi cho Ngài. Cho người khác. Thật ra, gán đổ mọi khó khăn/phiền trách cho người khác, là việc dễ làm. Bởi, người người vẫn quan niệm: khó khăn kia, là của người khác. Do anh. Do chị mà có. Nào phải do tôi?.

Và, trình thuật việc lạ “Chúa ban phát” hôm nay, còn là ý nghĩa đích thực của Tiệc Lòng Mến Thánh thể, ta cử hành hằng tuần. Rất thân thương. Trang trọng. Cử hành Tiệc, để ta sẻ san tình thân thương như Chúa. Với Chúa. Với người anh người chị, ở gần quanh. Ngõ hầu, ta có thể chuyển tải lòng thương xót Chúa, đến mọi người. Là Thiên Chúa của tình thương yêu đùm bọc, bao giờ Ngài cũng mong mỏi ta sẻ san hợp tác, để làm chứng cho mọi người thấy rằng Ngài vẫn hằng thương yêu ta. Thương rất mực. Yêu không mệt mỏi.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

Wednesday 27 July 2011

Michael Whelan SM: Sự Thật Che Giấu Sự Thật­?


Ấn bản Mùa Thu của báo The Swag có đăng một bài của Đức Hồng Y Pell hồi đáp bài báo Hồi Tưởng Nhân Dịp Kỷ Niệm Kim Khánh Linh Mục của linh mục Eric Hodgens được đăng trong ấn bản trước đó. Điều mà tôi thấy trong bài của linh mục Eric là một con người dâng hiến cả cuộc đời cho Giáo Hội, một người đang lo buồn sâu sắc và bị thất vọng bởi điều mà ông cho là sự thất bại của giới giáo quyền đương thời trong việc thực hiện những hứa hẹn của Công Đồng Vatican II. Điều mà tôi thấy trong bài của Đức Hồng Y là một người rõ ràng đang cảm thấy cần phải bảo vệ và lặp lại điều mà ngài cho là “chính thống”.

Điều lo ngại của tôi là về cung cách thông đạt của Đức Hồng Y. Ngài dùng những chân lý trừu tượng trong đạo của chúng ta để tránh né cái thực tế cụ thể là những chân lý này đã được tượng hình như thế nào.

Chẳng hạn như, hãy xem đoạn sau đây của Đức Hồng Y: “Tôi xin cố gắng trình bày vấn đề bằng những từ ngữ dễ hiểu nhất. Trong bài báo của cha Eric chúng ta không thấy có bằng chứng nào rằng Giáo Hội Công Giáo đã được nhận mặc khải thánh thiêng, ‘Lời Thiên Chúa, chứ không phải lời người phàm’ (1 Tx 2:13); hay có bằng chứng nào rằng Giáo Hội Công Giáo đã được thiết lập bởi chính Con Thiên Chúa là ‘Ngôi Lời ngự với Thiên Chúa … Ngôi Lời là Thiên Chúa’ (Ga 1:1), là Đức Giê-su Ki-tô, con của bà Ma-ri-a với một bản tính thánh thiêng cũng như một bản tính phàm nhân. Nếu Đức Giê-su là đấng thánh thiêng, thì các Giáo Huấn Tân Ước có tính thẩm quyền vô song.

Tôi giả thiết là tất cả chúng ta đều hoàn toàn đồng ý với nhau rằng mặc khải thánh thiêng là “Lời Thiên Chúa, chứ không phải lời người phàm” và Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Người thật sự là con của bà Ma-ri-a và là Con Thiên Chúa, và “nếu Đức Giê-su là đấng thánh thiêng, thì các Giáo Huấn Tân Ước có tính thẩm quyền vô song.” Vậy thì Đức Hồng Y đang muốn nói điều gì? Ví dụ như: Đức Hồng Y nghĩ sao về các Thánh Truyền? – đó là những niềm tin của quảng đại quần chúng (sensus fidelium) hay chăng? – đó là tác động của Chúa Thánh Thần hay chăng? – hay đó là Giáo Hội như một thực thể lịch sử?

Đức Hồng Y bảo là ngài không tìm được bất cứ bằng chứng gì trong bài báo của cha Eric “rằng Giáo Hội Công Giáo đã được nhận mặc khải thánh thiêng”. Thật ra, câu hỏi khẩn thiết mà bài báo của cha Eric đặt ra không phải là có-phải-Giáo-Hội-đã-“được-nhận-mặc-khải-thánh-thiêng”-hay-không, nhưng là sự mặc khải đó đã xảy ra bằng-cách-nào, và – có lẽ quan trọng hơn – là chúng ta nhận ra các dấu chỉ của thời đại rõ đến mức nào (xem Mt 16:3 và Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII), và chúng ta vất vả như thế nào trong việc tham dự vào cuộc đối thoại (colloquium salutis) (xem Tông Thư Ecclesiam Suam – Đường Hướng Của Giáo Hội – của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI). Quả thật, giới cầm quyền trong Giáo Hội có thật sự mong muốn một sự tham dự vào cuộc đối thoại như vậy hay không – một sự tham dự được đa số các Thượng Phụ trong Công Đồng Vatican II xem là có tầm quan trọng quyết định?

Đức Hồng Y đã lướt quá nhanh qua một số vấn đề rất phức tạp liên quan đến mặc khải mà cha Eric đã nêu lên (một cách hàm ý). Và sự “lướt qua” đó được thực hiện qua một cách như thể ngài đang ám chỉ là có một số những điều đáng đặt thành vấn đề nhưng lại không thật sự thừa nhận những vấn đề đó, không đối diện với chúng, và không nhận lãnh trách nhiệm về những vấn đề đó. Đây là một trở ngại to lớn cho cuộc đối thoại mà chúng ta cần phải có với nhau như một phần của tổng thể cuộc đối thoại (xin đặc biệt xem Tông Thư Ecclesiam Suam, 113-115).

Có vẻ như có một sự đối chọi nền tảng ở đây, một sự đối chọi mà trước đó đã lộ diện trong kỳ nhóm họp lần thứ hai của Công Đồng Vatican II. Sự đối chọi này được tóm gọn trong hai bài diễn văn đáng nhớ trước toàn thể Công Đồng cùng vào ngày 8 tháng Mười Một năm 1963. Bài thứ nhất là của Đức Hồng Y Frings thuộc Tổng Giáo Phận Cologne (1887-1978), bài thứ hai là của Đức Hồng Y Ottaviani thuộc Văn Phòng Tòa Thánh (1890-1979). Cả hai bài đều được trình bày trong bối cảnh những cuộc thảo luận về việc chia sẻ quyền hành trong hồng y đoàn.

Bài diễn văn của Đức Hồng Y Frings – mà một phần là do Đức Joseph Ratzinger (thưở đó chưa là Giáo Hoàng) soạn thảo – chú trọng vào những ảnh hưởng tiêu cực của khuynh hướng trong Giáo Hội là quy tụ quyền hành về trung ương, với một số chỉ trích cụ thể đối với Văn Phòng Tòa Thánh – văn phòng mà những lề thói làm việc của họ, theo Đức Hồng Y Frings, xét theo nhiều khía cạnh, là không thích hợp trong thời đại chúng ta đang sống, là có hại cho giáo hội, và sẽ đưa đến nhiều vụ tai tiếng” (xem John W O’Malley, Điều Gì Đã Diễn Ra Trong Công Đồng Vatican II, nhà xuất bản Harvard University, 2008, 192). Biên bản chính thức của Công Đồng ghi nhận là tiếng vỗ tay hoan hô đã nổi lên vang dội – plausus in aula.

Đức Hồng Y Ottaviani đã đùng đùng nổi giận và đòi Đức Hồng Y Frings phải công khai xin lỗi. Thậm chí ngài còn dọa là sẽ rời bỏ Công Đồng nếu Đức Hồng Y Frings không chịu xin lỗi (đã dẫn, 193). Tác giả O’Malley tổng kết như sau:

“Điều chắn chắn là sự xung đột này giữa hai vị hồng y, được tường thuật rộng rãi trong giới truyền thông toàn cầu, là vượt qua khỏi biên giới hai cá tính của hai người trong cuộc, vượt qua khỏi vấn đề cụ thể của Văn Phòng Tòa Thánh. Sự xung đột đó đã bi thảm hóa vấn nạn căn bản của công đồng – giáo hội sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai: tiếp tục lối hoạt động tập trung quyền lực ở trung ương, với cung cách lãnh đạo theo kiểu ban-chỉ-thị-từ-trên-xuống và lề lối giao thiệp luôn cho lẽ phải thuộc về mình, hay bằng cách nào đó giảm bớt những cung cách này qua việc tham khảo ý kiến rộng rãi hơn và chia sẻ trách nhiệm rộng rãi hơn” (đã dẫn).

Trong khi cuộc xung đột này đang diễn ra – mà có lúc nào cuộc xung đột này lại sẽ hoàn toàn chấm dứt hay chăng? – thì chúng ta cần phải nhớ rằng lạc quan không phải là hy vọngbi quan không phải là tuyệt vọng.

Việc chúng ta có bất đồng ý kiến chính là dấu chỉ của sự sống và niềm hy vọng, ngay cả khi niềm hy vọng đó có sự bi quan đi kèm theo. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là cái cách mà chúng ta giải quyết các bất đồng đó. Tóm lại một lời, chúng ta có chọn tiếp tục xu hướng đối thoại hoặc đi theo con đường của Đức Gio-an XXIII, Đức Phao-lô VI và Công Đồng Vatican II, và hướng đến việc phát triển một xu hướng đối thoại, hay không?

Đối thoại là việc thật hệ trọng. Không phải ngẫu nhiên mà “đối thoại – conversation” có chung nguyên ngữ với “cải hóa – conversion”. Một điều tối cần thiết để cho việc đối thoại thật sự là một cuộc đối thoại, là lòng mong ước sao cho sự gặp gỡ phe bên kia sẽ là một trải nghiệm biến cải, tối hậu là dẫn đến một sự hoán cải, nhưng ngay cấp thời thì là một trải nghiệm sâu sắc hơn về những phẩm chất cuộc sống mà chúng ta quý trọng nhất – những phẩm chất tương tự như Đức Giê-su, chẳng hạn như hy vọng và tín thác, bình an và hiệp nhất, lòng thương xót và sự tha thứ, tính thành thật và lòng can đảm.

Nguồn: Truth Hiding Truth?

The Swag, July.2011

http://theswag.org.au/2011/07/truth-hiding-truth/

24.7.2011

Chuyển qua tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

Như một lời cầu cho Giáo Hội vững bền.

Tuesday 26 July 2011

Lm Eric Hodgens : Đã Đến Lúc Phải Lên Tiếng – Và Hành Động


Một số đông các linh mục Công Giáo không đồng ý với các chính sách của Giáo Hội. Đối với họ, những vấn đề gây bất đồng bao gồm:

  • Sự nhấn mạnh quá đáng những vấn đề luân lý, thay vì chú trọng vào mục đích chính là loan truyền một tin mừng về sự sống, niềm hy vọng, lòng thương xót, và lòng tha thứ;
  • Ngăn cản việc thảo luận những vấn đền luân lý cần được xét lại – chẳng hạn như việc ngừa thai, thụ thai nhân tạo, ly dị, đồng tính luyến ái;
  • Lòng sùng bái cá nhân giáo hoàng, nâng giáo hoàng lên tới bậc anh hùng dưới triều đại Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, và được tiếp tục trong triều đại Giáo Hoàng Benedict XVI;
  • Những kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới – những đại hội này nâng cao lòng sùng bái giáo hoàng, làm thiệt hại giáo hội địa phương, và cũng chưa làm xoay ngược việc hàng loạt giới trẻ cứ rời bỏ Giáo Hội;
  • Sự không ngừng chỉ trích chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối;
  • Sự độc đoán bổ nhiệm những người không xứng hợp và không hợp lòng dân vào vai trò giám mục;
  • Cung cách lãnh đạo độc đoán, chuyên chế của đa số giám mục và sự ngoan ngoãn quy thuận của họ đối với Rô-ma;
  • Sự đề cao những phong trào cực đoan, chuyên quyền, chẳng hạn các tổ chức Opus Dei, Hội Đạo Binh Đức Ki-tô, Hội Loan Báo Tin Mừng, Communione e Liberatione, và cho rằng những tổ chức này là cách đáp trả thật sự và hữu hiệu đối với những thách đố của đức tin trong một xã hội thế tục;
  • Khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa cực đoan, khăng khăng hiểu thánh kinh theo nghĩa đen – chủ nghĩa này xuất hiện trong những văn bản La-mã;
  • Sự độc đoán và sự chạy theo thời thượng trong việc áp đặt một bản dịch phụng vụ mới, nhiều khuyết điểm. Việc này có khả năng làm nổ ra một cuộc nổi loạn của giáo dân khi một hàng ngũ ngày càng gia tăng của các chuyên gia về phụng vụ đang liệt kê những thất sách và những sự áp đảo vẫn đang xảy ra trong chuyện bản dịch mới.

Sự bất mãn của các linh mục này gia giảm từ mức độ ngại ngùng cho Giáo Hội đến mức thẳng thừng bất đồng ý kiến.

Thế nhưng, linh mục chúng ta lại không lên tiếng chi mấy. Tại sao vậy?

Chúng ta được huấn luyện không được lên tiếng. Trong những năm còn trẻ chúng ta sợ hãi không dám lên tiếng bởi vì vị giám mục luôn là một hình tượng uy quyền bề thế. Sự phân biệt đẳng cấp rất rõ ràng. Lúc nào chúng ta cũng phải nhớ thưa bẩm “Đức Giám Mục”. Phải nhớ cúi đầu, bái gối và hôn nhẫn giám mục. Còn các vị giám mục thì thành thạo bí quyết điều khiển đàn linh mục bằng cách tỏ ra giận dữ hoặc tỏ ra không hài lòng mỗi khi thấp thoáng có bất cứ một dấu hiệu bất đồng nào.

Chúng ta cũng được huấn luyện phải đặt Giáo Hội lên trên hết. Công khai chỉ trích Giáo Hội có nghĩa là bất trung và tự mình nhiễu sự.

Gần đây các linh mục đã nhận ra rằng có lên tiếng thì chẳng ích gì. Các giám mục nói chung là có chỉ trích thì cũng không thấm thía gì, nhất là những vấn đề về chính sách của Rô-ma. Hội Đồng Linh Mục Địa Phận trở thành một việc phí thời gian trong hầu hết các địa phận. Vậy thì, tội gì mà chúng ta lại phải hao tâm tổn sức cơ chứ? Cứ trở về giáo xứ của chúng ta và tự làm việc theo ý mình thì hơn.

Sau hết, bao giờ chúng ta cũng được nhắc nhở về lời khấn hứa “vâng phục” – lời khấn phỏng theo lời thề cổ xưa về lòng trung thành đối với chủ nhân ông. “Con có hứa trung thành và tôn kính ta và những người kế vị ta hay không?” Các linh mục xem trọng lời hứa này và giữ từng lời từng chữ trong lời hứa này.

Chính sách này không còn thích hợp nữa. Đã đến lúc phải lên tiếng và hành động. Đây là việc cấp bách. Tại sao?

Giáo Hội ở Úc Châu và ở các nước Tây Phương đang trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Các giáo dân yêu mến Giáo Hội đều biết rõ việc này, các linh mục đều biết rõ việc này. Các dấu hiệu thì rất rõ ràng: sự thiếu hụt linh mục, việc sụt giảm số người tham dự Thánh Lễ, việc thế hệ trẻ lìa bỏ Giáo Hội, việc các tín hữu kiên trung cũng cảm thấy mỏi mệt và rời bỏ Giáo Hội. Vậy, nguyên nhân là gì và cần phải làm gì?

Tại Âu Châu và các miền thuộc địa, việc gia nhập làm thành viên của Giáo Hội phần lớn là do sự truyền lại từ cha mẹ. Trẻ con sinh ra được rửa tội và tất cả mọi người đều cho là đứa bé sẽ là thành viên của Giáo Hội suốt cả đời. Đa số các quốc gia Âu Châu đều từng có một nền tôn giáo được thiết lập vững chắc. Đó là những quốc gia “giáo trị”. Ngay cả sau sự xuất hiện của các quốc gia theo thế tục thì các nhóm tôn giáo vẫn còn tương đối lớn và mạnh. Căn tính Ki-tô giáo vẫn còn được tuyên xưng rõ ràng – nghĩa là, tôi thuộc về giáo hội này, tôi tin những gì giáo hội tin, và tôi thực hành các giáo huấn theo đường lối của giáo hội. Tiêu chuẩn làm thành viên của giáo hội được đặt ra rõ ràng và phạm vi của giáo hội được định nghĩa rõ ràng. Thành viên của giáo hội có hai điều bảo đảm cho sự tiếp tục tồn tại của giáo hội. Điều thứ nhất là họ rửa tội cho con cái và dạy chúng làm thành viên của giáo hội. Điều thứ hai là trong giáo hội có áp lực mạnh mẽ ngăn cản người ta bỏ đạo.

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, mối liên kết xã hội của các tổ chức tôn giáo bị suy yếu khiến các thành viên đã được rửa tội được tự do hơn trong việc suy nghĩ và hành động theo lối của riêng họ. Phần lớn việc này là do sự khuếch trương kiến thức ở mức độ rộng lớn – về mặt khoa học, tâm lý, xã hội, lịch sử, khoa phê bình. Kết hợp với sự khuếch trương nền giáo dục ở mức độ rộng lớn, kết quả là sự suy tư được tự do hơn thật nhiều. Trong môi trường mới mẻ này những việc từ xưa được xem là sự thật nay bị lật ngược lại. Biết bao nhiêu những niềm tin tưởng và những lối thực hành từ xưa vẫn được chấp nhận nay lại bị cho là cổ hủ và không thích hợp. Trước cảnh này, than thở thì không ích chi cả. Chúng ta phải xem lại thông điệp cốt lõi của Giáo Hội và tìm một phương cách khác để trình bày thông điệp đó dưới ánh sáng của những kiến thức mới trong bối cảnh xã hội mới ngày nay. Một thuật ngữ được dùng để diễn tả quá trình này là “thích ứng với bối cảnh mới”. “đổi mới theo bối cảnh mới”

Rô-ma đổ lỗi cho chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tương đối, và kêu gọi một cuộc phúc âm hóa mới. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã khởi xướng lời kêu gọi này. Rồi Đức Benedict XVI đã tiếp tục lời kêu gọi đó bằng cách thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Đề Cao Cuộc Phúc Âm Hóa Mới. Vấn đề của việc này là không ai có ý định gì để xét lại cách trình bày về đức tin và các giáo huấn luân lý, và cũng không ai có định gì để thử nghiệm các phương cách phụng vụ mới hay thử nghiệm việc hội nhập văn hóa. Cứ nhìn mà xem những phong trào mới, bản dịch phụng vụ mới, những bài giáo lý được giảng trong các kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới – tất cả đều tái khẳng định mô hình cũ, mô hình thất bại.

Câu trả lời đã được định sẵn là “tái thiết lập nền giáo trị”, mà không phải câu trả lời cần thiết phải “thích ứng với bối cảnh mới”. Thích ứng với bối cảnh mới bao gồm việc chấp nhận, thậm chí chào đón, văn hóa thế tục và văn hóa đa dạng. Chúng ta trình bày lại cốt lõi đức tin của chúng ta theo một cung cách để đức tin có ý nghĩa trong bối cảnh mới đó. Chúng ta trình bày lại khái niệm và hình tượng về Thiên Chúa của chúng ta theo một cung cách để Thiên Chúa được hiểu là một hữu thể vô hình, siêu việt, hơn là một kẻ giật dây hay kẻ bấm nút điều khiển một thế giới những con rối. Đức Giê-su trở thành khuôn mặt và tiếng nói của Thiên Chúa vô hình và là đấng thông nguồn tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa cho nhân loại. Ơn cứu chuộc là niềm hy vọng mà chúng ta có thể vững lòng đặt niềm tin vào khi đối diện với cái chết – một niềm hy vọng được kiên định nhờ niềm tin của chúng ta vào Đức Giê-su phục sinh.

Việc thích ứng với bối cảnh mới qua sự trình bày lại thông điệp cốt lõi về ơn cứu độ của Ki-tô giáo đã được tiến hành từ lâu. Các học giả thánh kinh như Ray Brown, Joe Fitzmyer, John Meier và Eugene La Verdiere đã cho chúng ta thấy đức tin được khai triển ra sao và sự trình bày đức tin được gia tăng như thế nào. Khi Đức Giê-su trở nên phi thường trong mắt của những cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khởi, họ thuật lại những câu chuyện phi thường. Dưới sự hướng dẫn của họ những điều trong thánh kinh trở nên hữu lý.

Karen Armstrong đã cho thấy rõ ràng sự phân biệt giữa một cuộc đàm luận có tính duy lý và một cuộc đàm luận có tính thần thoại. Trong thế giới hiện đại nếu bạn muốn có một cuộc đàm thoại tôn giáo có ý nghĩa thì bạn phải hiểu sức mạnh và ý nghĩa của thần thoại.

Các nhà thần học như Roger Lenaers và Roger Haight đã trình bày lại cốt lõi của thần học Ki-tô giáo trong một cách có tính thuyết phục trong thế giới hiện đại. Michael Morwood và Philip Kennedy đã bỏ công sức trong việc quảng bá thần học thích ứng với bối cảnh mới này. Nhưng những nỗ lực của họ không được Rô-ma trọng dụng. Ông Haight đã bị chặn họng. Tissa Balasurya và Jaques Dupuis đều bị CDF khiển trách vì đã thích ứng niềm tin Ki-tô giáo khi đối diện với chủ nghĩa đa tôn giáo.

Giáo Hội Công Giáo đã từng có một cơ hội to lớn để vượt qua thử thách này vào đầu thế kỷ thứ 20. Nhưng đáp lại là cuộc vận động của Đức Pi-ô X chống lại chủ nghĩa hiện đại hóa với những hậu quả tê tái. Không chỉ có Công Giáo mới như vậy. Vào khoảng cùng thời gian đó những người Tin Lành ở Hoa Kỳ đã đáp lại thử thách bằng đường lối cực đoan của họ. Rồi chúng ta có thêm một cơ hội với Công Đồng Vatican II và Gaudium et Spes. Những thành phần không tán đồng Công Đồng Vatican II bận rộn vận động và thắng cuộc chiến hậu Công Đồng, đặc biệt là dưới triều đại của Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Gaudium et Spes bị giải tán. Hậu quả là chúng ta thiếu sự chuẩn bị cho tình trạng suy sụp hiện tại. Đây là giờ thứ 11. Đây là việc khẩn thiết.

Chính vì việc có thật nhiều linh mục đã bắt đầu bước đi trên con đường thích ứng với bối cảnh mới này cho nên họ bất đồng ý kiến với chính sách của Rô-ma về việc tái sử dụng mô hình giáo trị xưa cũ. Nhiều vị linh mục đã cẩn thận sửa đổi phương cách mục vụ của họ. Họ đã và đang làm thích ứng với bối cảnh mới cuộc hành trình đức tin của chính họ. Họ đã thay đổi niềm tin đơn giản khi còn trẻ của họ bằng một niềm tin uyển chuyển – niềm tin được nảy sinh từ kinh nghiệm, chín chắn hơn và phản ánh thánh kinh hơn, và bằng một loại thần học sinh động, đa dạng hơn.

Lời hứa trung thành của chúng ta được dành cho Giáo Hội nơi sự đại diện của vị giám mục. Nếu giám mục sai, thì một người linh mục trung thành phải lên tiếng. Trước cảnh những chính sách của Rô-ma cứ liên tục khiến cho giáo dân xa lìa Giáo Hội, đặc biệt là việc Rô-ma đang áp đặt việc sử dụng bản dịch phụng vụ nhiều khuyết điểm, chúng ta có trách nhiệm không những chỉ lên tiếng mà còn phải hành động.

Nguồn: A Time To Speak – And Act.

By Fr Eric Hodgens

The Swag, 10/4/2011

Chuyễn ngữ tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

Tài liệu này được dịch với mục đích tham khảo.

Quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của người dịch.

* Như một lời cầu xin sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Sunday 24 July 2011

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: HÃY VUI LÊN VÌ CHÚA ĐANG CƯỜI


Hơn 20 năm trước, tôi có dịp qua Thái Lan thăm viếng những công việc mục vụ của anh em Dòng Chúa Cứu Thế để học hỏi. Tôi đã đến thăm các em cô nhi tại trung tâm Pattaya. Tham quan các địa danh như Nong Khai, Udon Thani, Khon Kaen và các vùng phụ cận miền Đông Bắc Thái Lan. Tại Nong Khai tôi đã được diễm phúc tiếp cận với những người Việt di cư sang Thái từ hồi bị cấm đạo bên Việt Nam. Có những làng toàn người Việt. Có cả nhà dưỡng lão. Tôi còn may mắn được tiếp xúc và thăm đồng bào dân tộc thiểu số trên Chiang Mai, phía Nam Thái Lan. Đi đến đâu và chứng kiến nhãn tiền những công việc của anh em, thì lòng tôi đều dâng lên một niềm cảm xúc và tự hào về lòng nhiệt thành và tinh thần phục vụ của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế gốc Mỹ và Thái Lan. Sau cùng tôi đến thăm trại tỵ nạn và được phép thăm các thuyền nhân ở trại giam tại Phanat Nikhom.

Đến Thái Lan mà không đi thăm viếng đền đài, chùa chiền thì thật là thiếu sót lớn. Thế mà, với chuyến tham quan – mà tôi gọi là “ngoài luồng” này- đã lưu lại trong tôi những ấn tượng thật khó phai mờ. Đó là bức tượng Đức Phật cười. Phật cười căng cả rốn, lộ cả hàm răng trắng nõn. Bụng thì to, tư thế ngồi rất nhàn hạ. Nét mặt Ngài thật bao dung, độ lượng, rất từ nhân. Tôi nghe người ta gọi Ngài là Đức Phật Di Lặc.

Mỗi khi hình ảnh của Đức Phật Cười hiện lên trong tôi, thì tôi lại tự hỏi lòng mình rằng: tại sao Phật Giáo lại có Đức Phật cười tươi hạnh phúc đến như thế? Trong khi đó, bên Công Giáo mình cứ rao giảng về một Đức Chúa chịu quá nhiều hình phạt. Trên thân mình Ngài mang bao nhiêu là vết thương, đau khổ đến tột cùng, rồi mới bị đem đi đóng đinh và giết chết.

Hẳn nhiên, cái chết của Đức Giêsu đóng một vị trò thật quan trọng trong niềm tin của mọi Kitô hữu chúng ta. Nhưng, qua bao nhiêu thế kỷ, việc tập trung nhấn mạnh như thế lại mang đến những ảnh hưởng tiêu cực khác, đến độ cho đến hôm nay, nhiều người vẫn cứ áy náy và ân hận rằng: Vì tội của tôi mà Chúa phải chết. Chính tôi đã giết Chúa. Rồi từ đó, lại để mặc cảm tội lỗi này dầy vò cuộc sống của chính mình. Vì tội của tôi mà Chúa chịu cực hình và chết đi! Ôi! Khốn nạn cho tôi biết là dường nào!

Dù xảy ra đã lâu, nhưng các câu hỏi đáp mà tôi từng ê a trong các lớp giáo lý bao đồng ngày trước vẫn cứ ám ảnh tâm trí tôi, kéo dài rất nhiều ngày.

Hỏi: Tại sao Chúa lại phải chết?

Đáp: Chúa chết để đền vì tội lỗi của chúng ta.

Hỏi: Chúa chết vì ai?

Đáp: Vì ý định của Chúa Cha mà Chúa vâng phục cho đến chết. Đến nỗi, ở vườn Cây Dầu Ngài đã phải thốt lên: “Xin đừng làm theo ý Con, một theo ý Cha”.

Như vậy, theo lối giảng dậy và lý luận nói trên thì Chúa chết là vì Ngài tuân theo Thánh ý của Cha Ngài. Và tội lỗi của chúng ta đã được đền bù bởi máu của Đức Giêsu Kitô.

Nhưng theo Thánh An-Phong, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã từng nói: “Chỉ cần một giọt máu châu báu cuả Đức Giêsu thôi, cũng khiến cho tội lỗi của nhân loại được tha thứ. Đâu cần gì Người phải chết đi. Và cũng theo Thánh nhân thì cái chết của Ngài không phải là hậu quả của sự đau khổ, nhưng đó là hành động chứng tỏ Tình Yêu tuyệt hảo của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và cũng một trật, Ngài ban tặng nguồn suối yêu thương đó cho nhân loại.”

Sau đây là lối giảng dậy theo kiểu khác.

Thiên Chúa là Đấng Cao cả và thánh thiện. Tội lỗi xúc phạm đến Chúa, thì chỉ mình Chúa mới giải trừ được. Vì thế nên, Thiên Chúa đã sai Con Một Người, vừa là Thiên Chúa vừa là Con người xuống trần gian, chịu mọi khổ nhục và sau cùng chịu chết để xóa tội cho chúng ta.

Tương tự thế, sau đây là một đọan trích trong sách Sáng Thế:

“Thiên Chúa gọi ông: "Áp-ram!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người phán: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác, đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho ngươi."

Tới nơi Chúa chỉ, ông Áp-ram dựng bàn thờ tại đó. Xếp củi lên. Trói I-sa-ác con ông lại, và đặt bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ram đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con của mình.

Nhưng sứ thần Ðức Chúa từ trời cao gọi ông: "Áp-ram! Áp-ram!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người nói: "Ðừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!"

Ngày xưa, việc hiến tế con của Áp-ram có thể được ca tụng là việc làm để biểu lộ lòng tin của ông. Nhưng thời đại chúng ta, nếu ai làm thế sẽ bị đưa ra tòa với tội danh có ý định mưu sát trẻ em.

Không lẽ Thiên Chúa của chúng ta chỉ vì yêu thuơng nhân lọai mà lại đem con của mình đem đi giết hay sao? Có ông bố nào hành xử như thế mà lại được tuyên dương công trạng đâu?

Kiểu dậy dỗ và truyền đạo nói trên đã thống trị và đào tạo nên một lớp người - qua bao nhiêu là thế hệ - có lối sống đạo dựa trên nguyên tắc ‘thưởng phạt’. Và chỉ vì ‘sợ hãi’ mà họ đã cố gắng chu toàn những khoản luật. Trọng tâm của lối giảng dậy như thế chỉ nhấn mạnh đến tội, đến nỗi khổ đau và cái chết thôi. Thiên Chúa của lối giải thích này, là Thiên Chúa của sự trừng phạt, tay cầm cây roi và mắt thì chỉ tìm lỗi lầm của con người để giáng phạt, mà thôi. Và, Đức Giêsu có được đề cập thì cũng lại được tập trung nhấn mạnh như ‘con chiên vô tội bị đem đi giết’ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Chẳng hề nói đến sự thiện hảo, tốt lành và niềm vui, nào hết. Trái lại, chỉ thấy nào là hãi sợ, tội lỗi và chết chóc .

Vẫn biết là ngày nay về mặt lý thuyết thì những lối giải thích như trên đang được điều chỉnh lại. Nhưng, trên thực tế, còn nhiều đấng bậc vẫn dùng quyền hạn của mình để hù dọa dân con đi Đạo. Còn đám dân đen chân lấm tay bùn làm gì có cơ hội để học hỏi ngõ hầu biết cách mà thay đổi lối sống của mình sao cho phù hợp với tinh thần của Đức Chúa hơn.

Vào đúng dịp mùa chay năm 2004, đạo diễn Mel Gibson đã cho trình làng cuốn phim nói về ‘Cuộc thương khó của Đức Ki-tô’. Hầu như toàn bộ cuốn phim chỉ nói về những đau khổ của Đức Kitô trên đường dẫn đến thập tự. Những ngọn roi, những cú đánh như trời giáng xuống trên thân thể của Ngài. Rồi cuối cùng, là cái chết của Ngài. Nhiều người xem phim đã khóc lóc thảm thiết khi nhìn vào các vết thương đầm đìa những máu trên thân xác vô tội của Chúa. Vẫn chỉ là màn kịch buồn, chứ chẳng thấy đâu là tin vui an bình, cả. Kiểu trình bầy về ơn cứu độ như một màn trả giá từ khổ đau của Chúa.

Tình yêu vắng bóng trên hành trình Thập Giá của Đức Giêsu, nhường chỗ cho những hành xử đầy tàn bạo và man rợ của con người. Thế nhưng, vẫn có nhiều đấng bản quyền dùng phim ấy làm phương tiện truyền đạo và quảng cáo không công, cho cuốn phim đầy bạo lực ấy. Cuối cùng, phim thành công vuợt bực về mặt tài chính là nhờ có sự yểm trợ hết mình của các đấng bậc này.

Đất Úc là một trong những nước bị ‘thế tục hóa’ nhất thế giới. Thế mà, vào những dịp thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần Thánh, các nhà thờ vẫn đầy nghẹt những người là người. Ở nhiều nơi, số người tham dự vào hai dịp lễ này, còn đông hơn các dịp lễ khác, ngay cả Phục Sinh. Vì sao thế? Phải chăng vì ta vẫn có mặc cảm tội lỗi của mình khiến Chúa chết thảm? Có lẽ vì thế nên ta phải cố chờ đến Thứ Tư Lễ Tro để được nhắc nhở về thân phận bụi tro. Thêm vào đó, là lời mời gọi hãy hối cải để bù lại những thiếu sót của mình.

Quả thật, đây là hậu quả của hệ thống giáo điều dựa trên thưởng phạt, chất thêm gánh nặng tính “hù dọa” lên lối sống đạo vốn đã bị đè nặng bởi “hãi sợ”, khiến cho cuộc sống đạo thêm nặng nề thêm. Làm gì cũng sợ phật ý Chúa. Hành xử thế nào cũng sợ đi sai đường lối của Ngài. Chúng ta làm như thể Chúa là Đấng rất khó tính, chẳng bao giờ Ngài hài lòng nếu ta sống vui tươi, hồn nhiên và không biết sợ. Trái lại, lúc nào cũng làm ra vẻ ủ rũ, âu sầu não nuột, có vậy mới được Ngài vui lòng xót thương.

Chúa Giêsu đã chết. Đó là sự thật. Nhưng với lối sống âu sầu và hãi sợ kiểu như trên, thì Chúa chết chỉ để tha tội cho một thiểu số tín hữu của Ngài thôi, còn đại đa số không được tha và vẫn cứ phải sống trong cảnh âu sầu, rầu rĩ. Thật ra, bằng vào sự chết, Đức Giêsu muốn chứng tỏ cho toàn thể nhân lọai, chứ không phải chỉ cho một thiểu số dân con được tuyển chọn, để họ nhận ra tình thương yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của người nghèo. Và, của những kẻ bị bỏ rơi, bị hất hủi, bị đối xử bất công và hà khắc. Và, một khi Ngài đứng về phía họ, thì hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, những kẻ cầm cân nẩy mực và giới có quyền sẽ lên án Ngài, xếp Ngài vào hàng ngũ của những kẻ chống đối. Và từ đó, sự chết là án phạt dành để cho Ngài.

Đức Giêsu không chết vì Ngài làm cách mạng. Nhưng Tình Yêu mà Ngài dành cho Thiên Chúa và nhân loại còn mạnh hơn việc Ngà lo cho sự an toàn bản thân. Đức Giêsu đã không chết để chúng ta phải sống trong đau khổ. Nhưng Ngài chết là để ta được tự do. Được trở nên công chính. Như lời Thánh Phaolô đã nói:

“Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài. Ngài không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cor 5, 19 -21)

Vẫn biết rằng tiến trình hoà giải với Chúa trước tiên là ân huệ. Dù con người có lầm lỗi đến mấy đi nữa, Thiên Chúa là Đấng trung tín, vẫn không bao giờ quên Giao Ước của Ngài. Giao ước Tình yêu và không dựa trên công trạng của con người. Tuy nhiên, Tình yêu và ân huệ của Ngài được ban tặng cách nhưng không, ngõ hầu giúp ta thay đổi lối sống. Ân huệ Ngài ban mà không đủ sức đánh động tâm can của con ngưòi và không đủ sức giúp họ thay đổi lối sống, thì chỉ là ân huệ ‘rẻ mạt’. Không đáng kể.

Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài, Đức Giêsu đã chẳng hối thúc mọi người rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1:15) Sám hối đây, không là chừa bỏ một vài thói hư tật xấu, thôi. Mà là quyết định đổi thay cuộc sống. Quyết làm hoà với Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta có thể thành công với quyết định của mình. Chúng ta liên tục được mời gọi sống hối cải và làm hoà với Thiên Chúa. Thiên Chúa biết rõ lòng thành muốn đổi thay của mỗi người. Và, Ngài cũng hiểu và biết rất rõ tính yếu đuối, trói buộc khiến con người không thực hiện được quyết tâm của mình. Vì thế, Người rất vui khi nhận ra sự cố gắng của bất cứ ai trong hành trình cộng tác với Ngài để thánh hoá bản thân.

Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Đức Chúa bẳn gắt rất khó chịu, hoặc thích làm tội làm tình con người. Trái lại, Ngài là Đấng rất nhân từ và giàu lòng xót thương. Tất cả mọi giáo huấn Ngài dạy, những việc chữa lành Ngài thực hiện và mọi việc Ngài làm đều phát sinh từ lòng từ nhân, đầy xót thuơng của Thiên Chúa ở nơi Ngài.

Ra khỏi thuyền, chợt thấy đám đông Ðức Giêsu chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6, 34)

và:

“Ðức Giêsu dừng lại, Ngài gọi họ đến gần và nói: "Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?" Họ thưa: "Lạy Người, xin cho mắt chúng tôi được mở ra!" Ðức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Ngài. (Mt 20, 32-34)

Lòng nhiệt thành hoàn tất ý định của Cha Người đã thiêu đốt và chiếm hữu toàn bộ cuộc sống của Ngài:

"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 49tt)

Ngài tỏ bày sự bực tức khi chứng kiến việc làm của giới lãnh đạo tôn giáo đương thời. Họ chỉ lý đến lợi lộc cá nhân mà biến Đền Thờ thành hang trộm cướp, chốn bán buôn:

Thầy trò đến Giêrusalem. Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Ðền Thờ. Ngài lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Ngài không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Ðền Thờ. Ngài giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Vậy mà các người lại đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!" Các thượng tế và kinh sư nghe vậy, thì tìm cách giết Ðức Giêsu. (Mc 11: 15 -18)

Tóm lại, sứ vụ của Đức Giêsu hoàn toàn phát sinh từ Tình Thương Yêu và lòng nhiệt thành thực hiện ý định và công việc của Chúa Cha. Tình Yêu này là tình yêu phổ quát, dành cho toàn thể nhân loại, chứ không riêng một ai, bất kỳ họ thuộc nhóm người nào. Và với Đức Giêsu, không ai bị loại trừ: cả người giàu có lẫn kẻ khó nghèo. Người công chính cũng như hàng tội nhân. Người Do Thái cũng như Hy Lạp, đàn ông cũng như đàn bà. Tất cả đều được đón nhận tình thương yêu và lòng hiền từ nhân hậu của Ngài. Và chúng ta được mời gọi để nên một với Ngài, theo khuôn thước giữa Chúa Cha và Ngài là Một. Và trong trạng huống ấy, chúng ta là những người được Chúa giải thoát. Được tự do trong Thần khí. Và như Đức Giêsu, chúng ta có trách nhiệm rao truyền khuôn thước tình yêu và lòng nhân hậu từ ái của Đức Giêsu đến với mọi dân tộc. Và, giống như Đức Giêsu, chúng ta cũng được thử thách để cân nhắc về sứ mạng được mời gọi và trao ban sự an toàn bản thân.

Cuối cùng thì, dù có phải hy sinh tính mạng để thể hiện lòng mến của ta đối với Cha, và vì nhiệt thành với công việc của Cha, khiến ta có bị thiệt thân, thì đó cũng là vinh dự, chứ không phải là giá của sự khổ đau, sầu buồn.

Bởi thế nên, những điều mà tôi muốn trình bày ở đây, là đừng nhân danh cụm từ khổ đau, thuơng khó, hay thập giá để biện minh cho những khó khăn của mình trong cuộc sống. Nếu ai đó cảm thấy được ơn gọi mà mình hằng đeo đuổi chất chứa toàn cực hình và đau khổ, thì tôi đề nghị nên suy nghĩ lại. Bởi, Thiên Chúa tạo dựng và mời gọi con người hãy cứ sống vui, Ngài mong muốn ta sống hạnh phúc trong mọi tình huống chứ không bao giờ Ngài muốn ta sầu buồn. Hệt như lời Thánh Phao-lô đã nói trong thư cho tín hữu Philipphê như sau: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi xin lặp lại: anh em hãy vui lên!” (Pl 4: 4-5)

Joe Mai văn Thịnh C.Ss.R

viết vào Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 2011

Notre Dame College

OMI Hong Kong