Tuesday 30 November 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Mùa Giáng Sinh – Mùa đối thoại


Mùa Giáng Sinh sắp trở về với chúng ta. Nói đến mùa Giáng Sinh, tức là nói đến mùa đối thoại vĩ đại, vì đây là lúc Thiên Chúa hoàn tất cuộc đối thoại mà Người đã khai mào từ lâu về trước:

“Đã nhiều lần và nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa dùng các tiên tri mà nói với cha ông. Nhưng đến thời sau hết, tức là những ngày này, Nguời đã nói với chúng ta nơi một Người Con mà Người đã đặt làm kẻ thừa hưởng cả vạn vật.” (Dt 1: 1-2)

Để đối thoại với con người, Thiên Chúa đã làm người, nói tiếng loài ngưòi, sinh sống lao nhọc như bao người khác. Và Thiên Chúa đối thoại với chúng ta là để đưa chúng ta vào ánh sáng và tình thương của người. Mầu nhiệm Giáng sinh nói lên cuộc đối thoại lạ lùng giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, Giáo hội ngày nay hơn bao giờ hết muốn đối thoại với thế giới. Giáo hội của Công Đồng Vatican II đã mở toang cánh cửa để nhìn thế giới, để chấp nhận thế giới, để đi đến với thế giới, để phục vụ thế giới. Như Chúa Kitô đã đến trong thế gian và sống giữa chúng ta, thông vào bản tính nhân loại của chúng ta, để chúng ta thông phần vào bản tính Thiên Chúa của Người, thì Hội thánh cũng biết mình sống trong thế gian và tham gia vào những hoạt động của con người, để thông cho con người sự sống của Thiên Chúa. Hội thánh gồm những con người và được thiết lập cho con người. Giáo hội của Công Đồng Vatican II đã đem lại một tinh thần mới, một thái độ mới: tinh thần và thái độ đối thoại.

Tinh thần và “đối thoại” ấy khác hẳn với tinh thần và thái độ “độc thoại”, càng khác hẳn với tinh thần và thái độ “đối chọi”. Đức Gioan 23, Đức Phaolô VI cũng như các nghị phụ đã đề cao tinh thần đối thoại đó. Theo lời mục sư Casalis, giáo sư phân khoa thần học Tin Lành Balê, thì Đức Gioan 23 là con người có tinh thần đối thoại, tức là

“tinh thần nhìn nhận tha nhân, tôn trọng tha nhân, ý muốn tìm hiểu và lựa lời nói cách nào để không làm tổn thương đến tha nhân và hạ giá họ bằng cái lối đơn giản hoá tư tưởng của họ.”

Đức Paholô VI cũng đã long trọng xác định thái độ của Giáo hội đối với thế giới, ngay trong bài diễn văn khai mạc khoá II của Công Đồng:

“Hội thánh không đứng ngoài thế giới để phán xét thế giới, nhưng là đi đến với thế giới, cùng chung một vận mệnh với thế giới, để đối thoại với thế giới và phụng sự thế giới. Mặc dầu biết thế giới còn nhiều điều đáng buồn, nhưng Hội thánh vẫn không kết án một ai, chỉ biết thương yêu, thông cảm, vui mừng, hy vọng và cứu vớt.”

Ngài nói:

“Giờ đây, như chúng tôi đã nói, tâm hồn chúng tôi và tâm hồn Giáo hội triệu tập thành Công Đồng, chỉ biết yêu thương. Chúng tôi muốn nhìn thời của chúng tôi, và mọi biểu hiệu dị đồng, đối lập của nó, với con mắt thiện cảm sâu xa, với lòng tận tình mong ước được cống hiến cho loài người ngày nay bản sứ điệp tình thương, ơn cứu độ và nguồn hy vọng mà Chúa Kitô đã đem đến cho thế gian. Thiên Chúa không ban Con Một Người đến trong thế gian để kết án thế gian. Vậy thế giới nên biết: Hội thánh nhìn họ với tâm tình thông cảm sâu xa, vối một ý thán phục chân thành, thành thực và sẵn sàng: không phải để chế ngự họ, nhưng để phụng sự, không để hạ giá họ, nhưng để đề cao; không để kết án họ nhưng để nâng đỡ và cứu vớt họ.”

Trong thông điệp Ecclesiam Suam, Đức Phaolô VI đã dành một phần lớn nói về vấn đề đối thoại. Ngài đã nêu cao gương mẫu đối thoại của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh và ngài đã nhận rằng: Đối thoại phải là đặc điểm trách nhiệm Giáo hoàng” của ngài. Và trong ngày bế mạc Công Đồng Vatican II, ngài còn nhấn mạnh hơn nữa:

“Công Đồng Vatican II là Công đồng đặc biệt của đối thoại. “Một trào lưu yêu đương và cảm phục đã từ Công đồng tràn ngập lên trên thế giới ngày nay. Những giá trị của thế giới không những được quí trọng, nhưng còn được tôn sùng; những cố gắng được nâng đỡ, những ước vọng được luyện sạch và chúc lành.”

Cũng một tinh thần với Đức Gioan 23 và Paholô VI, các nghị phụ đã kết thúc thái độ đối thoại nơi hiến chế mục vụ về Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay. Ngay trong mấy lời mở đầu, Công Đồng đã tuyên bố liên đới với thế giới ngày nay:

“Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và các mối lo âu của con người hôm nay cách riêng của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ, cũng là mừng vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô: Không gì đích thực nhân loại mà lại không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu Chúa Kitô. Cộng đoàn Kitô hữu thành lập những con người đó, đã được thâu họplại trong Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần hưóng dẫn trên bước đuờng đi về Nước Cha; họ là những người mang sứ điệp cứu rỗi cho tất cả. Cho nên Hội thánh tự cảm thấy thật sự và sâu xa liên đới với nhân loại và toàn khối lịch sử của nhân loại.”

Giáo hội không sống ngoài Lịch sử của con người. Cuộc hành trình của Dân Chúa đã bắt đầu khi có loài ngườ và sẽ chấm dứt với ngày cánh chung. Cuộc hành trình này nằm ngay trong Lịch sử của thế giới. Lịch sử của con người hôm qua, hôm nay và ngày mai, với những lo âu hy vọng và vui mừng của nó. Không có vấn đề cứu rỗi ngoài Lịch sử ấy. Chính vì đó mà Thiên Chúa đã muốn làm người để cứu rỗi chúng ta, làm người với tất cả bi đát cuộc đời. Lịch sử là thời ân sủng Thiên Chúa ban cho con người, để con người được cứu thoát. Tình yêu của ta đối với anh em đồng loại không thực hiện ngoài thời gian, nhưng trong thời gian, trong Lịch sử.

Trong tinh thần liên đới với thế giới, Giáo hội muốn đối thoại với thế giới, phục vụ thế giới:

“Công Đồng, có sứ mệnh làm chứng và hướng dẫn lòng tin của Dân Thiên Chúa, một Dân đã được thu họp bởi Chúa Kitô, thiết nghĩ rằng không còn cách nào để có thể mang lại cho gia đình nhân loại, môi trường sống của Dân Thiên Chúa, một bằng chứng liên đới và yêu mến lớn lao hơn và dấn thân đi vào cuộc đối thoại với gia đình nhân loại.”

Giáo hội đối thoại với thế giới ngày nay, vì Giáo hội tin ở con người. Giáo hội của Vatican II có một thái độ lạc quan rõ rệt và chân thành đối với con người.

Giáo hội là chính Đức Kitô được tiếp tục giữa trần gian. Vì thế Giáo hội không thể nào có một thái độ nào khác thái độ Chúa Kitô,

“Đấng đã đến trong thế gian, để làm chứng cho sự thật, để cứu thoát chứ không phải lên án, để phục vụ chứ không để được cung phụng.”

Đức Kitô đã đến với con người, sống với con người, chia nỗi vui và hy vọng của con người, đối thoại với con người, phục vụ con người. Giáo hội không thể làm khác.

Mùa Giáng Sinh là mùa đối thoại vĩ đại giữa Thiên Chúa và loài người. Vì thế, cứ mỗi lần Mùa Giáng Sinh trở về, là chúng ta khao khát một cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới ngày càng phong phú, càng tốt đẹp, ngõ hầu nhân loại được hưởng hoàn toàn ánh sáng và tình thương của Chúa Kitô, vì không có “ơn cứu rỗi nào ngoài Chúa Kitô.”

Lm Chân Tín, CSsR

12/1966

Monday 29 November 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan : “Thời Sự Qua Ống Kính”

Thứ Bảy 10.9.1988

Báo Tuổi Trẻ, mục “Thời Sự Qua Ống Kính” có hai phụ đề đáng lưu ý:

1.’Thành phố mất từ 4000 đến 5000 nắp cống mỗi năm’.

2.’Gần 300 bộ đèn cao áp bị mất trong một thời gian ngắn’.

Về nắp cống, độc giả có thể biết thêm: ‘Công ty Chiếu sáng Vỉa hè và Thoát nước chỉ có kinh phí thay thế 1000 nắp cống mỗi năm: Vì vậy… về các bộ đèn cao áp, “trong một thời gian ngắn có nghĩa là trong vòng mấy ngày qua” (ngay đèn được bổ sung để mừng lễ Quốc Khánh). Và mỗi bộ đèn cao áp hiện trị giá hàng trăm ngàn đồng.

Vẫn trên số báo Tuổi Trẻ hôm nay, tình trạng các bệnh viện ở thành phố được báo động trong bài: “Thu viện phí để phục vụ tốt hơn hay thêm nỗi đau cho người bệnh’. Hiện để bớt cảnh thiếu thuốc men, phương tiện điều trị, các bệnh viện đang phải cho bệnh nhân được điều trị theo cả ba ‘chế độ’: miễn phí, thu bảo trợ phí, thu đúng thu đủ (giường A). Chuyện này đưa tối những tiêu cực khác: bất công trong việc miễn phí hay không miễn phí, phân biệt đối xử giữa các bệnh nhân ‘giường A’ và các bệnh nhân khác… Cả bài báo ghi lại một lời… thú nhận của bác sĩ Dương-Quang-Trung (anh ‘Hai Ngọ’ đã đưa Châu-Tâm-Luân và mình vào chiến khu năm 68), giám đốc Sở Y Tế Tp HCM:

“Nếu sau ngày giải phóng chúng ta vẫn để các bệnh viện tư ở Sàigòn hoạt động đến nay thì không dẫn đến tình trạng kéo tất cả bệnh viện xuống cấp như hiện nay.”

Sở Giáo Dục cũng hẳn đang phải nhận ra một sự thật gì tương tự như thế. Có nói ra hay không có nói ra.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(trích Nhật Ký 1988 Xung quanh vụ Phong Thánh Tử Đạo, Tin Paris 1993, tr.161-162)

Friday 26 November 2010

Lm Richard Leonard sj: Cũng là đợi chờ


Đêm thâu canh. Ngày lại ngày. Đó là ảnh hình mà phụng vụ hôm nay đem đến cho ta, qua các bài đọc. Với Giáo hội, Mùa Vọng là thời gian trải dài trước buổi hừng đông của ngày Chúa Giáng hạ. Thời buổi qua đó, Tình yêu Thiên Chúa bao la đến độ Ngài mặc lấy thân phận làm người nơi Đức Giê-su.

Các khoảnh khắc trước hừng đông thường bao giờ cũng đặc biệt. Đặc biệt, vì đó là lúc ở các thành phố, không khí vẫn quyện mùi ẩm mốc, ít tiếng ồn, vắng lặng và, nhất là vào những ngày quang đãng, mặt trời nổ bùng ra tựa như ánh sáng ban ngày. Chẳng thế mà, cả thánh Phao-lô lẫn thánh Mat-thêu đều nhận ra nơi đây, một ẩn dụ cho việc Đức Kitô đang đến.

Nhà soạn lời cho nhạc Mỹ là Marty Haugen từng cảm nhận hình ảnh về sự sáng và bóng tối. Ông ông đưa tình tự ấy vào đoản văn mà ông gọi là Thiên Chúa của Ban Ngày và Thiên Chúa của Sự Tăm Tối (x. 1984, 1995, do GIA Inc. xuất bản). Ông có viết:

Hỡi Thiên Chúa của Ban Ngày và Thiên Chúa của Sự Tăm Tối,

chúng con nay đứng trước màn đêm u lặng.

Kìa bóng tối đang bao trùm và đi vào sâu lắng,

xin hãy đến để cõi âm u trở nên bừng sáng.

Thụ tạo chúng con cầu mong hừng đông uy quyền,

Có Người Con của hòa bình và công chính dấy tràn mặt đất

bằng ánh sáng chiếu ngời tỏ rạng.

Kìa muôn nước đang nhờm tởm bóng đen huyền hoặc;

kìa bọn giàu sang đang áp bức kẻ nghèo hèn;

kìa trái đất vẫn thâm bầm đổ vỡ

người đã có lại muốn có nhiều hơn nữa.

Hãy đánh thức chúng con tỉnh choàng cơn giấc nồng

để tâm can con chẳng còn làm ngơ

trước muôn dân của Ngài đang lạc lõng, ngã quỵ;

con cái của Ngài luẩn quẩn nơi khung cửa nhà chúng con.

Hãy cho con thấy Đức Kitô hiện diện nơi mọi người;

và biến con thành tôi trung khỏe mạnh - thực tâm.

Hãy ban tình yêu đầy công chính của Ngài

để con làm những điều Ngài muốn.

Hãy để con gọi tất cả là thánh nhân,

cho con tuyên hứa có đời sống mới,

khiến chúng con tất cả nên một kẻ mọn hèn,

để chúng con tất cả nên một, ở nơi Ngài.

Điều mà Marty Haugen cảm nhận về ánh sáng và tối tăm nơi thế giới hoàn toàn phù hợp với đường lối mà thần bí trong Đạo đã áp dụng trong các ẩn dụ. Hiện diện nơi sự sáng, không có nghĩa nói về những gì mình thấy, mà những gì mình làm. Thánh Y-Nhã thường nói đến điều ta hằng giữ kín nơi tăm tối. Với thánh nhân, các kinh nghiệm nào ta không nói, lỗi phạm nào ta không xưng thú và ký ức nào ta dồn nén, nhất nhất đều là dấu hiệu của thần linh xấu. Chúng tạo uy lực thất thường trên ta và dùng nghị lực để giam ta nơi tăm tối. Thánh Y-Nhã cảm nghiệm bàn tay Thánh Thần đầy thân thương, khi những thứ ấy đến trong sự sáng.

Khi có người chạy đến nói với tôi, rằng: “thưa cha, điều này con chưa từng nói với ai, nhưng nay con muốn nói về chuyện ấy, ngay bây giờ…”, là tôi đều cảm tạ Chúa Thánh Thần ở quanh tôi. Và, nhất định là Ngài đang hoạt động. Thánh Y-Nhã lại còn khuyên: chúng ta cần đề cao cảnh giác về tất cả phương cách ta dùng hầu lừa dối chính mình, để giữ mọi bí kíp/bí mật trong tăm tối, những phương cách mà ta cho là cần thiết hoặc chấp nhận được để sống.

Cầu mong sao Vọng Mùa Giáng Sinh là mùa để ta ý thức được là: mọi sự sẽ giữ ta được sưởi ấm trong ánh sáng chiếu dọi. Cầu mong sao, trong lúc chuẩn bị đón mừng ngày Chúa Giáng Trần, ta được xác tín bằng những lời chân phương, thật tình của tác giả Haugen mà ca ngợi Đức Giê-su Kitô và nhân loại, như sau:

Ngài là đường dẫn lối con đi

là ánh sáng nung nấu tâm can con;

chiếu sâu cung lòng mọi người.

Ngài là ánh sáng Tình yêu con học hỏi,

tâm can con lang thang không ngơi nghỉ

cho đến khi yên ổn tìm thấy nơi Ngài.

Tìm thấy Ngài nơi mỗi người, và mọi nguời,

để con phân biệt nhận chân được tất cả nơi thánh nhan của Ngài.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá luợc dịch

Tuesday 23 November 2010

Hồ Công Hưng: Thư gửi con trai đến tuổi biết yêu,

Con H. thân yêu,

Hôm con vừa vắng nhà, ba nhận được vài điện thư (Email) gửi đến cho con, đọc qua ba biết người viết có thể là bạn gái của con. Mặc dầu mẹ bảo ba hủy đi, “để cho con nó học”, ba vẫn chuyển (forward) ngay những thư đó cho con, bởi vì ba nghĩ đây là quyền chính đáng và thiêng liêng của con: quyền được làm quen và giao tiếp với một thiếu nữ mà sau này có thể trở thành bạn đời của con. Con trai ba mới đó mà đã biết yêu rồi. Ba hoàn toàn tin tưởng nơi con, ba tin rằng với những giá trị con có như sự tự tin, lòng hiếu học, tinh thần trách nhiệm, thái độ hợp lý với đồng tiền, lối sống chan hoà, chí tình chí nghĩa với đồng loại v.v…, con thừa khả năng xây dựng một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Với lá thư này, ba chỉ muốn ở bên cạnh con từng chặng đường đời của con để nhắn nhủ đôi điều. Cuộc sống lứa đôi quá quan trọng đối với từng người và ảnh hưởng đến con cháu mai sau, nên mọi sự chuẩn bị đều không bao giờ đủ và các lời khuyên cũng không bao giờ thừa.

Trước hết, tình yêu nam nữ là đặc quyền mà Tạo hoá ban cho con người. Yêu thương sao cho xứng đáng với con người là do giáo dục. Ba luôn bất bình trước hiện tượng đề cao và khai thác quá đáng khía cạnh thú tính của tình yêu nam nữ qua phim ảnh, quảng cáo, Internet… mà người ta gọi đó là văn minh, tiến bộ. Thế giới văn minh, theo ba quan niệm, phải tạo điều kiện cho chúng ta thể hiện tính người một cách tốt nhất và giúp con người sống hạnh phúc, chứ không phải chỉ lo tìm khoái lạc nhất thời. Hôn nhân trong xã hội loài người chỉ có thể dựa trên tình yêu. Thế mà rất nhiều người lấy nhau vì một toan tính nào khác, chứ không cần yêu và kết quả là họ có một đời sống vợ chồng hết sức vô vị.

Tình yêu đích thực là sự giao lưu giữa hai tâm hồn nên luôn chân thật. Hễ yêu thì phải yêu chân tình, yêu hết lòng, vì người thiếu nữ nào cũng xứng đáng với một tình yêu như thế. Con không nên bao giờ đùa với tình yêu: yêu chơi, yêu giỡn, yêu thử, yêu giả… đều bất xứng và phải trả giá. Có những nguời con trai, có thể con từng gặp trong số bạn bè, lo nghiên cứu tâm lý bạn gái chỉ để chinh phục thật nhiều cô nhẹ dạ và khoe khoang thành tích của mình. Theo ba nghĩ, họ đã phạm một tội ác là tiêu hủy niềm tin vào tình yêu chân thật nơi những người thiếu nữ mà họ lừa gạt cũng như nơi chính bản thân họ.

Còn con dâu tương lai của ba mẹ như thế nào, đó là quyền tự do lựa chọn của con: mập ốm, cao thấp, tóc dài hay ngắn, thông minh lanh lợi hay hiền lành, vv… hoàn toàn tùy con miễn là con yêu thật lòng. Nhưng nếu con hỏi ý kiến của ba: Người thiếu nữ đó cần có đức hạnh nào trước tiên, thì với một ít kinh nghiệm sống, ba có thể khẳng định ngay không do dự: Đó là lòng nhân ái và một chút khiêm tốn.

Có một người vợ nhân hậu, con sẽ rất yên tâm vì có “bà tiên” trong nhà, nghĩa là một người không những âm thầm vui vẻ phục vụ chồng con, không hề kể công hay phàn nàn, mà còn biết sống phải đạo với bà con trong gia đình, xóm giềng, bạn hữu xa gần… Còn tính của người vợ giúp cho gia đình luôn êm ấm. Khiêm tốn không phải là tự hạ mình xuống, mà chủ yếu là thái độ sống phù hợp với sự thật. Người khiêm tốn biết giới hạn của sự hiểu biết và khả năng mình. Ba biết tính con hơi cọc và khó, con không thể chịu đựng nổi cảnh con vừa đi làm về mệt nhọc mà gặp phải người vợ lải nhải những câu đại loại: “Trong nhà chỉ có một mình con này lo…”

Nhưng làm sao để con biết được một người thiếu nữ có lòng nhân ái và khiêm tốn? Kinh nghiệm cho thấy khi làm quen nhau, nhất là khi đã trở nên thân thiết, người ta không còn đủ sáng suốt để biết rõ con người thật của nhau. cách tốt nhất là quan sát bà mẹ nàng mà ba thường hay gọi đùa là “gấu mẹ vĩ đại”, nhìn cư xử của bà với chồng con, với người giúp việc, kẻ làm công, người nghèo khó… Dấu ấn của giáo dục gia đình ghi lại rất sâu đậm nơi mỗi người, dù học cao hay thấp, mà không phải ai cũng ý thức được để điều chỉnh. Ông bà mình từng nói “Lấy vợ xem tông…” là thế…

Kinh thánh có một câu mà trong các lễ cưới ở nhà thờ thường nghe đọc: “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ, anh em… để yêu thương gắn bó với vợ mình hầu cả hai nên một thân xác và một tâm hồn.” Thiết nghĩ, không có quan niệm hôn nhân nào nhân bản và xác đáng hơn. Việc trở nên một thân xác thì dễ hiểu rồi, cần có sức khoẻ và biết quan tâm đến nhau, còn sự hoà hợp giữa hai tâm hồn đòi hỏi một sự tương đồng về văn hoá, trình độ hiểu biết, niềm tin, nhân sinh quan, vv… Mặc dầu chuyện yêu đương vợ chồng là hạnh phúc riêng của hai người, nhưng hạnh phúc đó sẽ trọn vẹn hơn, viên mãn hơn nếu hai người được hội nhập vào đại gia đình của nhau.

Con không chọn ba mẹ, không chọn cái gia đình con sinh ra nhưng khi ba gặp mẹ, ba đã nghĩ đến con. Nói như thế ba muốn con hiểu khi con chọn người bạn đời thì con cũng chọn người mẹ tương lai của những đứa con của con, nghĩa là con chịu trách nhiệm đối với con cái về sự lựa chọn đó. Dân gian có câu “Con hư tại mẹ…” không phải là điều vô lý và bất công đâu.

Sau cùng, dù con chọn ai là bạn đời của con thì cũng đừng quên: Ba mẹ có quyền và bổn phận đứng về phía con dâu của ba mẹ mà đòi hỏi con phải tôn trọng và yêu quí nàng suốt đời con.

Ba mong con luôn tin ở mình, ở cuộc sống và tin nơi một người thiếu nữ đang ở đâu đó mà trong tương lai sẽ chia sẻ buồn vui với con và đem lại hạnh phúc cho con trên cõi đới này.

Ba của con,
Hồ Công Hưng
(trích Thư Nhà số 3, tháng 5/2001, tr. 12)

Saturday 20 November 2010

Lm Chân Tín CSsR: Hội đồng Giám mục Việt Nam với “Ủy ban Đoàn kết Công giáo”


Về nguyên tắc, trước sự lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 27 năm qua (1983-2010), trước một tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản phá đạo, Hội đồng Giám mục không có quyền ủng hộ tổ chức chính trị này. Tòa Thánh, qua lá thư của Hồng y Angelo Sodano gửi cho Đức cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (25.5.1992) đã nhắc lại nguyên tắc: cấm giáo sĩ tham gia tổ chức chính trị của một đảng phái. Do đó, Hội đồng Giám mục cần phải ra lệnh cho các linh mục rút ra khỏi Ủy ban Đoàn kết để làm tròn sứ mạng phục vụ mọi thành phần trong đất nước.


Đã đến lúc cần đặt vấn đề: Hội đồng Giám mục phải có thái độ nào với Ủy ban Đoàn kết, một tổ chức chính trị đã được Đảng Cộng sản nặn ra, vào năm 1983, để làm tay sai cho Đảng Cộng sản, giúp Đảng theo dõi và không chế nội bộ Giáo hội Công giáo Việt Nam?


Ủy ban Đoàn kết là con đẻ của Ủy ban Liên lạc Công giáo yêu Tổ quốc mà Cộng sản đã khai sinh ở Bắc vào năm 1955.


Một đại hội hình thức đã đề cử vào Ủy ban Liên lạc linh mục Vũ Xuân Kỷ làm chủ tịch, linh mục Hồ Thành Biên phó chủ tịch, các linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Phạm Quang Phước và Võ Thành Trinh làm ủy viên. Chính 3 linh mục này sẽ là những người Đảng Cộng sản đưa ra làm nòng cốt cho Ủy ban Đoàn kết ở miền Nam sau năm 1975. Ủy ban liên lạc bị cha Phạm Hân Quynh chỉ trích nặng nề. Do đó, cha Quynh đã bị bắt và bị đi học tập cải tạo trong 30 năm. Ủy ban Đoàn kết là một tập họp của “Ủy ban liên lạc” ở ngoài Bắc và nhóm “Công giáo và Dân tộc” trong Nam, với hai tờ báo tuyên truyền cho Đảng Cộng sản là tờ “Người Công giáo” ở phía Bắc và tờ “Công giáo và Dân tộc” ở phía Nam.


Đảng Cộng sản Việt Nam coi Ủy ban Đoàn kết như đại diện cho người Công giáo Việt Nam. Nhà nước đòi phải có ý kiến của Ủy ban Đoàn kết trong những sinh hoạt của Giáo hội, như phong chức, thuyên chuyển. Nhưng ý kiến của Ủy ban Đoàn kết lại là ý kiến của Đảng Cộng sản đã mớm cho họ. Như trong vụ phong thánh 117 vị tử đạo (1988), Ủy ban Đoàn kết tuân lệnh Đảng Cộng sản, tổ chức khắp nơi những hội thảo, để đòi Giáo hội hủy bỏ việc phong thánh hoặc loại các vị tử đạo ngoại quốc. Cũng Ủy ban Đoàn kết đã làm cái loa cho Đảng chống việc Tòa Thánh đặt Đức cha Huỳnh Văn Nghi làm Giám quản Giáo phận Sài Gòn, khi Đức cha Nguyễn Văn Bình bị bệnh nặng sắp chết (1993).

Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Linh mục Phan Khắc Từ tại Báo "Công giáo và dân tôc" - cơ quan của UBĐK T.P Hồ Chí Minh


Riêng Đức Tổng Nguyễn Văn Bình, vì sợ Đảng Cộng sản, nên đã dựa vào Ủy ban Đoàn kết để làm một vài việc nho nhỏ. Trong một cuộc phỏng vấn cho báo “Il Segno dell’Attualità” (15.4.1990), Ngài nói:


Ủy ban này do Chính phủ thành lập. Vấn đề là luôn luôn có những khó khăn, tại vì Ủy ban rất dễ can thiệp vào những công việc thuộc thẩm quyền các Giám mục. Về điểm này, chúng tôi luôn luôn kháng nghị trước chính quyền. Cũng phải biết rằng chính quyền không điểm xỉa đến những cơ cấu của Giáo hội. Thành ra, người ta dựa vào Ủy ban Đoàn kết để giải quyết một số vấn đề. Chẳng hạn, nếu tôi muốn tập hợp tín hữu mà xin phép Nhà Nước, Nhà Nước không cho. Nhưng nếu tôi nhân danh Ủy ban để triệu tập tín hữu, Nhà nước sẽ dễ dàng cho phép. Thành ra vì lợi ích của Giáo hội đôi khi chúng tôi bị buộc phải dùng Ủy ban. Dĩ nhiên, tôi biết sự bó buộc ấy không bình thường, tuy có những khó khăn. Riêng tôi, tôi không chống lại Ủy ban Đoàn kết”.

“Vì lợi ích Giáo hội” Đức cha Bình phải lụy thuộc Ủy ban, và như thế, ủng hộ Ủy ban. Và Giáo hội mất tự do. Hơn nữa, Đức cha Bình đã lập một Ban cố vấn gồm 6 người, mà 4 là những người đầu não của Ủy ban: linh mục Huỳnh Công Minh, linh mục Nguyễn Huy Lịch, linh mục Phan Khắc Từ, ông Nguyễn Đình Đầu (Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Sài Gòn). Còn lại 2 người ngoài Ủy ban, đó là hai cha Mai Xuân Hậu và Chân Tín. Đức cha Bình còn đặt linh mục Huỳnh Công Minh, người đã tuyên bố đặt niềm tin vào Đảng Cộng sản làm Tổng đại diện. Như thế, Đức cha Bình đã đặc biệt ủng hộ Ủy ban Đoàn kết. Qua Ủy ban Đoàn kết, Đảng Cộng sản đã cột chặt Đức cha Bình vào chế độ. Do đó, sau này đám tang Đức cha Bình đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận… tổ chức rất trọng thể. Cũng như vừa rồi, , Đảng, Nhà nước và Mặt trận cũng đã tổ chức rất long trọng lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổng Bình (1910-2010).


Nhưng cũng có những Giám mục mạnh mẽ lên án Ủy ban Đoàn kết. Trước hết, có Đức Tổng Nguyễn Kim Điền. Ngài dám nói thẳng nói thật, đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngay từ ngày cộng sản cướp chính quyền ở miền Nam, Đức Tổng Nguyễn Kim Điền đã viết trong một lá thư gửi Dân Chúa Giáo phận Huế: “Tù ngục và chết chóc, chủ chăn của anh chị em hôm nay sẵn sàng và vui lòng đón nhận như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm làm Giám mục và 22 năm được phục vụ Giáo phận Huế”. Và cuối cùng, ngài đã anh dũng hy sinh cho công lý và hòa bình, để bênh vực người nghèo, người cô thế, bênh vực tôn giáo, bênh vực Giáo hội Công giáo. Ngài đã bị đầu độc và đã chết ngày 8.6.1988. Nữ y tá chích thuốc độc giết ngài đã phải thú nhận là được lệnh giết ngài (xem hồ sơ của cha Nguyễn Văn Lý).


Một vị khác là Đức cha Nguyễn Huy Mai, Giám mục Ban Mê Thuột. Ngài cấm thành lập Ủy ban Đoàn kết trong Giáo phận ngài. Do đó, ngài bị Nhà nước làm khó dễ, không cho ra khỏi Tòa Giám mục.


Mới đây, có Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, đã can đảm đứng về phía người nghèo, người bị bóc lột, bị áp bức. Ngài đã nói thẳng vào mặt bạo quyền Cộng sản: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin-cho”. Do đó, cộng sản đã quyết định đẩy ngài khỏi Tổng Giáo phận Hà Nội và cuối cùng, không biết Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đồng ý với Đảng Cộng sản thế nào, đã báo cáo thế nào với Vatican, nên Đức Tổng Kiệt buộc phải từ chức Tổng Giám mục Hà Nội.


Về nguyên tắc, trước sự lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 27 năm qua (1983-2010), trước một tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản phá đạo, Hội đồng Giám mục không có quyền ủng hộ tổ chức chính trị này. Tòa Thánh, qua lá thư của Hồng y Angelo Sodano gửi cho Đức cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (25.5.1992) đã nhắc lại nguyên tắc: cấm giáo sĩ tham gia tổ chức chính trị của một đảng phái. Do đó, Hội đồng Giám mục cần phải ra lệnh cho các linh mục rút ra khỏi Ủy ban Đoàn kết để làm tròn sứ mạng phục vụ mọi thành phần trong đất nước. Đàng khác, đã đến lúc Hội đồng Giám mục phải thẳng thắn và can đảm nhìn vào sự thật thực tế, để nghiêm túc vạch trần những lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 27 năm làm tay sai cho Cộng sản phá hoại Giáo hội, cản trở việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người.

Lm Chân Tín, DCCT

19/11/2011

Friday 19 November 2010

Richard Leonard sj: Kitô Vua, có là Vua trần thế?


Stephen Spielberg có làm một cuốn phim với tựa đề “Trí tuệ do người làm”. Cuốn phim mở ra chân trời mới cho tương lai rất gần. Lúc ấy, các gia đình sẽ chỉ được phép duy nhất có một đứa con, thôi. Và, hầu như các gia đình như thế đều có người máy sinh động. Nhưng nhà chế tạo người máy lại không có khả năng đem đến cho họ cảm giác đích thực của người phàm. Giáo sư Hobby chế tạo ra nhân vật mang tên David, tức chàng trai trẻ “có khả năng biết yêu đương” trong phim.Vị giáo sư, đến lúc này, vẫn tự hỏi “liệu con người thật bằng xương bằng thịt có yêu lại David hay không nhỉ?

Vợ chồng Henry và Monica có đứa con trai đang cơn nguy kịch có thể dẫn đến chỗ chết. Hai vợ chồng, lúc đầu, được chọn làm bố mẹ bảo dưỡng trông nom cho David. Và, hai người quyết tâm nuôi David; đồng thời, còn phải lo cho con riêng của mình mau chóng phục hồi sức khoẻ và sớm xuất viện. Thành thử, David bị bỏ bê chẳng ai lo. Tuy vậy, đến cuối phim, đạo diễn cho thấy: David duy trì được tình thương yêu mà anh cảm nghiệm.

David rơi vào tình huống giữa hai trạng thái, một của người máy và một của người thật. Ra thế, là vì nơi anh, thấy phát hiện một bộ nhớ nào đó rất tinh tường mà ta gọi là ký ức. Ít ra, anh vẫn hồi tưởng được thế nào là tình thương yêu mà mẹ bảo dưỡng là Monica dành cho anh. Và, trong phim trên, điều mà Stephen Spielberg hăng say biện luận, là việc ông coi ký ức (còn gọi là bộ nhớ) là sự tháp đặt linh hồn vào xác phàm bằng xương bằng thịt. Nó biến chúng ta thành con người chánh hiệu. Nó đem đến cho chúng ta thần khí thánh thiêng, tức la bàn hướng dẫn con người.

Quan niệm của người làm phim ở đây rất hệ trọng. Có thể, nó sẽ được lên khuôn để có một mô hình nào đó trong tương lai rất gần. Nhưng, rõ ràng là nó đã trở nên nhu liệu làm nền cho các tranh luận gần đây về việc tái tạo ra DNA và con người vô tính. Và, Stephen Spielberg có lý khi ông để cho phim “Trí tuệ do con người làm” vẫn biện bạch rằng: chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể chế tạo ra con người vô tính ấy, hoặc thiết dựng được bản sao chép y khuôn của nhân vật nào đó chỉ một lý do là vì mỗi người được tạo ra bằng chính bộ nhớ của riêng họ, nam hoặc nữ.

Bộ nhớ quả là dũng mãnh. Thường thì, đó chỉ là một trong các quan năng cuối cùng được dẫn nhập vào não bộ con người. Ký ức (còn gọi là bộ nhớ) có lúc mạnh mẽ đến độ một sự kiện nào đó xảy đến hàng chục năm qua rồi mà, những năm sau đó, người ta vẫn còn nhớ như in. Tưởng như câu chuyện chỉ diễn ra mới đây như ngày hôm qua thôi. Việc hồi tưởng/nhung nhớ có thể đem ta ngược giòng thời gian trở về với những cảm giác mạnh mà ta vốn có lúc trước. Mạnh đến độ làm ta hưng phấn hơn lên mà cười sung sướng hoặc ướt sũng nước mắt vì một vết đau nào đó không thể gắn hàn.

Dù cho thuyết của Stephen Spielberg về người thật trong phim “Trí tuệ do con người làm” có ra như thế nào đi nữa, nó vẫn không xứng hợp với người tín hữu Đức Kitô. Chúng ta đều biết rõ: vẫn có những người có ký ức rất ư là hạn hẹp hoặc chẳng có chút gì được gọi là bộ nhớ cả. Đồng thời, quả là chuyện đáng buồn vì cũng có một số người ngay từ thuở sinh thời chẳng bao giờ có được khả năng biết liên tưởng đến những điều mà họ không tài nào nhớ nổi.

Đối với Stephen Spielberg, có lẽ những người như thế mang ít chất người hơn con người chúng ta. Tuy nhiên, với người tín hữu Đức Kitô, chẳng cần biết là chúng ta có khả năng nhớ nổi mọi việc hay không, thì thần hồn hay tính khí của ta vẫn luôn sống động trong bộ nhớ của Đức Chúa. Chúng ta được hưởng đặc quyền để biết được rằng Đức Chúa vẫn luôn nhớ đến chúng ta.

Tin Mừng hôm nay cho thấy tên trộm biết điều kia chỉ yêu cầu Đức Chúa mỗi “chuyện nhỏ”: “Này Ngài, xin nhớ đến tôi”. Và, Yêsu Đức Chúa bảo với anh ta rằng: được Đức Chúa nhớ, tức là đã đạt chốn Thiên đường. Đây là cách tuyệt hảo để hiểu thế nào là Vương quốc của Đức Kitô. Chúng ta đều hiều rõ khi tuyên xưng Đức Kitô là Vua, ta làm thế không có ý nói đến thứ quyền lực nào đó ở thế giới phàm trần, hoặc đến cái không gian sỏi đá, chẳng phải nhà lầu cao ốc, hoặc sự cao sang quyền thế.

Khi nói đến Vương quốc Đức Kitô ta không có ý đề cập đến chuyện tỏ bày quyền năng của vua quan/lãnh chúa vốn từng áp đặt lên đầu lên cổ thần dân là chúng ta. Cũng không phải để ta phải khiếp sợ về các phán quyết của Ngài vốn chỉ là động tác đầy lòng xót thương. Quyền uy của Kitô Đức Vua nằm nơi bộ nhớ của Ngài. Ngài là Đấng luôn mở rộng vòng tay ôm chào đón mọi người trong thế giới sinh động của loài người để họ được gần gũi với Ngài. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta bằng cách gọi chính tên tục thông thường của chúng ta.

Thành thử, hôm nay quả là ngày Hội lớn. Là năm cùng tháng tận kết thúc một niên lịch của Hội thánh qua đó chúng ta vẫn nhớ rõ mồn một là: Yêsu Đức Chúa có Bộ nhớ thần sầu khi Ngài cứu độ con người. Vì vậy, trong Tiệc Thánh hôm nay, hãy chung lòng cùng giọng với những ai đang hành trình về chốn Thiên Đường, tức Vương Quốc của Đức Chúa và cất tiếng rằng: “Hỡi Yêsu Đức Chúa mến yêu, xin nhớ đến con khi Ngài về lại Vương quốc, chốn Thiên Đường của Ngài.”

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch.

Wednesday 17 November 2010

Lm Chân Tín CSsR: Tuyên Bố về Chính sách Tôn giáo của Cộng sản tại Việt Nam


Từ sau ngày 30.4.1975, chiếm được miền Nam, Cộng sản Việt Nam đã áp dụng một chính sách nghiệt ngã đối với các Tôn giáo tại Việt Nam:

Nhiều cơ sở, tài sản của các Giáo hội: Cao Đài, Công Giáo , Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo,Tin Lành… bị nhà cầm quyền Cộng sản tịch thu, trưng dụng để sử dụng cách ngang nhiên, tùy tiện.

Nhiều văn bản pháp qui được ban hành để trói buộc, hạn chế, tước bỏ mọi sinh hoạt Tôn giáo một cách nghiệt ngã chưa từng thấy trong lịch sử Tôn giáo.

Nhiều âm mưu, thủ đoạn chụp mũ để quản chế, tù đày những cấp Lãnh đạo của các Tôn giáo có ý đòi hỏi, phản đối chính sách áp bức, triệt tiêu Tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam liên tục diễn ra một cách tàn nhẫn suốt 25 năm dài (1975-2000)

Nhiều âm mưu thủ đoạn xen vào để phá hoại nội bộ, phân hoá hàng ngũ và chính trị hoá Tôn giáo như đối với Cao Đài, Công Giáo, Tin Lành, làm cho Phật Giáo thành 2 Giáo Hội: Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và gần đây nhất (tháng 5/1999) đối với Phật Giáo Hoà Hảo, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trắng trợn dàn dựng ra một Ban Đại Diện Phật Giáo Hoà Hảo tay sai gồm mười một (11) đảng viên Cộng sản để lãnh đạo 5 triệu tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo. Đây là một hiện tượng quái dị chưa hề thấy trong lịch sử Tôn giáo…

Trước chính sách nghiệt ngã mang bản chất bóp chết Tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, các Tôn giáo tại Việt Nam liên tục đối kháng để đòi hỏi QUYẾN TỰ DO TÔN GIÁO một cách ôn hoà, bất bạo động, và kiên quyết trường kỳ cho đến ngày có đủ TỰ DO TÔN GIÁO THỰC SỰ như tại tuyệt đại đa số các nước văn minh trên thế giới ngày nay.

Nay trước xu thế tiến bộ của nhân loại về “QUYỀN LÀM NGƯỜI”, chúng tôi thấy đã đến lúc phải chính thức lên tiếng kêu gọi và đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam:

1.Phải tuyệt đối tôn trọng TỰ DO TÔN GIÁO THỰC SỰ của các Tôn giáo, đặc biệt trong việc chính yếu nhất là hãy để các Tôn giáo hoàn toàn độc lập, tự quyết về việc tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm các tu sĩ, chức sắc tôn giáo theo nhu cầu và nguyện vọng riêng của mỗi Giáo hội; và quyền TỰ DO TÍN NGƯỠNG của mọi người dân Việt Nam bằng cách hoàn toàn xoá bỏ mục TÍN NGƯỠNG – TÔN GIÁO trong tất cả các giấy tờ hành chánh để mọi người dân hoàn toàn yên tâm về Tín ngưỡng – Tôn Giáo của mình, không lo âu sợ hãi bị phân biệt đối xử chỉ vì Niềm Tin của mình, đồng thời được đủ mọi điều kiện thuận lợi để sống theo Niềm Tin của mình, không phải bằng các chính sách, chủ trương 2 mặt như từ trước đến này.

2.Phải hoàn trả lại cho các Giáo hội những cơ sở, tài sản đã bị tịch thu, trưng thu, trưng dụng hoặc buộc phải trao nhượng không thoả đáng như từ trước đến giờ, dù đủ giấy tờ chứng minh, hoặc dù giấy tờ đã bị thất lạc trong chiến tranh, nhưng dân chúng đều biết rõ không thể hồ nghi được.

3.Chấm dứt mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm bóp nghẹt và bóp chết Tôn giáo. Chấm dứt mọi hành vi xen vào nội bộ Tôn giáo. Chấm dứt các Uỷ Ban do Nhà Nước dựng lên, mang danh của các Tôn giáo nhưng thực chất là các công cụ nô bộc của Nhà Nước Cộng sản mà thôi.

4.Trả tự do không điều kiện cho các giáo sĩ, tu sĩ, trị sự viên, nhân sĩ tôn giáo đã bị kêu án tù, hoặc còn giam giữ tại các trại giam.

5.Phải tôn trọng các điều khoản qui định trong Công Ước Quốc Tế Nhân quyền ngày 24.9.1982 mà Nhà Nước Cộng sản Việt nam là một thành viên đã ký vào bản Công Ước này.

Việt Nam, ngày 27 tháng 12 năm 2000

Đồng ký tên,

Chân Tín, Linh mục

Lê Quang Liêm,

Thích Thiện Hạnh, Bhikkhu

Nguyễn Văn Lý, Linh mục

Monday 15 November 2010

Lm Chân Tín CSsR: Hội đồng Giám mục Việt Nam trước những vi phạm nhân quyền


13/11/10 10:56 AM

“Tôi muốn ngỏ lời với tất cả anh chị em trong giờ phút quyết liệt này của lịch sử chúng ta. Không ai trong anh chị em được đứng ngoài lề. Hãy lên tiếng hợp với tất cả công dân Tiệp Khắc, cùng với những người thuộc sắc tộc khác, dẫu họ là tín hữu hay không có tín ngưỡng. Quyền tự do tín ngưỡng không thể tách rời khỏi những quyền dân chủ khác, tự do là điều không thể phân chia được.” (Đức Hồng Y Tomasek – Tiệp Khắc).

Những lời tuyên bố trên đây của Đức Hồng Y Tomasek làm cho tôi suy nghĩ. Và tôi cũng xin anh chị em suy nghĩ, vì tất cả chúng ta đều đã thấy rất rõ tình trạng thiếu phấn đấu của Giáo Hội VN cho tự do tôn giáo và cho nhân quyền và dân quyền của người dân VN hôm nay. Mong rằng Giáo Hội VN sẽ sám hối về những thiếu sót đó.

Cách đây 20 năm, vào tháng 4 năm 1990, trong Tuần Thánh chuẩn bị Lễ Phục Sinh, tôi đã giảng 3 bài về sự sám hối: sám hối cá nhân, sám hối tập thể của GHVN, sám hối của đảng CS. Riêng trong bài giảng thứ hai, tôi đã chân thành và mạnh dạn kêu gọi Giáo hội VN, đặc biệt là Hội Đồng Giám Mục, phải sám hối vì chưa hoàn thành chức năng ngôn sứ của mình. Chính vì bài giảng đó và bài giảng của ngày hôm sau về việc đảng CS phải sám hối, tôi đã bị Nhà Nước trục xuất ra khỏi thành phố Sài Gòn và quản chế 3 năm ở Cần Giờ.

Tiếc là 20 năm sau, những gì tôi đã nói hôm đó với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt với Hội Đồng Giám Mục, có vẻ vẫn còn y nguyên tính thời sự. Do đó, hôm nay, tôi xin phép nhắc lại những gì tôi đã nói hồi tháng 4 năm 1990 ấy về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam chúng ta.

Hiến chế của Công Đồng Vatican II về Giáo Hội trong thế giới ngày nay đã tuyên bố: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người được họp lại trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên con đường về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi phải được gửi đến cho tất cả mọi người. Vì thế, cộng đoàn tín hữu cảm thông thực sự và sâu xa liên đới với con người và lịch sử nhân loại” (MV 1).

Trong tinh thần phục vụ con người, Giáo Hội VN cần xét mình lại, xem mình có thực sự và sâu xa liên đới với con người VN hôm nay hay không. Người VN hôm nay hy vọng và lo âu cái gì? Họ lo âu trước tình trạng của một xã hội tan rã trên mọi phương diện, trong đó họ bị tước đoạt những quyền căn bản của con người và người dân. Con người sinh ra bình đẳng và tự do, có tất cả những quyền căn bản của con người mà Thiên Chúa ban cho họ. Thêm vào đó, ngày 10-12-1948, Liên Hiệp Quốc đã ra “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền”, trong đó có đoạn nói:

“Xét rằng thừa nhận phẩm giá cố hữu của những quyền bình đẳng và bất khả nhượng của con người trong đại gia đình thế giới là đặt nền tảng cho tự do, công lý và hoà bình thế giới;

“Xét rằng vì không biết rõ và khinh miệt nhân quyền nên loài người đã có những hành động dã man đối với lương tâm, và xét rằng sự tiến tới một thế giới trong đó nhân loại sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do sinh sống không phải sợ hãi và thiếu thốn, đã được tuyên bố là nguyện vọng cao cả nhất của con người;

“Xét rằng điều tối cần là nhân quyền phải được pháp luật che chở, nếu muốn cho loài người không bao giờ phải dùng đến những phương tiện nổi loạn, để chống lại sự tàn bạo và áp bức”

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên Ngôn quốc tế này, như là một lý tưởng chung cho các dân tộc và các quốc gia phải tiến tới.”

Biểu tượng của nhân quyền tại Việt Nam ngày nay: Bịt miệng trước tòa án

Giáo Hội Việt Nam (tức là HĐGM, các giám mục giáo phận, các linh mục, tu sĩ và giáo dân) đã làm gì trước những vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng ngay tại Việt Nam? Giáo Hội đã có lên tiếng, khi thuận khi ngịch, khi âm thầm khi công khai, để người ta trả lại nhân quyền căn bản của con người VN hôm nay hay không? Trên đất nước này, người ta coi mọi nhân quyền và dân quyền là ân huệ người ta có thể ban cho, có thể giới hạn, có thể rút lại. Họ coi họ hơn cả Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho con người tự do và không bao giờ rút lại, kể cả khi con người phản bội Ngài, đóng đinh Con của Ngài. Với chức năng tư tế, ngôn sứ và phục vụ con người, Giáo Hội phải đòi người ta trả những quyền căn bản cho con người, chứ Giáo Hội không phải xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi. Giáo Hội VN phải phấn đấu để phục vụ người nghèo, người đau khổ, người bị bóc lột, người bị áp bức.

Một cuộc "hội thảo" để quảng bá cho linh mục Phạm Bá Trực - Phó CT Quốc Hội VN - do nhà nước tổ chức cùng với các "học giả" Công giáo như Lm Nguyễn Khắc Từ, Phạm Huy Thông... tại Thái Nguyên năm 2009

Trong số các đồ đệ của Chúa Kitô ngày nay vẫn có những gương mẫu anh dũng: mục sư Martin Luther King đã bị ám sát ở Hoa Kỳ, vì bảo vệ quyền người da đen, chống phân biệt chủng tộc; giám mục Romano và sáu linh mục Dòng Tên đã bị ám sát ở Salvador vì bênh vực những người bị áp bức; hồng y Wyszynski ở Ba Lan vì bênh vực Giáo Hội đã gặp nhiều khó khăn…

Đặc biệt Đức Hồng Y Tomasek ở Tiệp Khắc đã phấn đấu cho Giáo Hội như lời ngài tuyên bố trước 200 ngàn người biểu tình tại Praha ngày 21-11-1989 và được đọc tại các nhà thờ ngày chủ nhật 26-11-1989: “ Về phần tôi, tôi không thể nào tỏ ra xa lạ với định mệnh quốc gia chúng ta và toàn thể đồng bào đất nước tôi. Tôi không thể im lặng trong lúc tất cả anh chị em đang hợp lực với nhau để phản đối những bất công mà anh chị em phải chịu từ 40 năm nay, người ta không thể duy trì lòng tín nhiệm đối với giới lãnh đạo quốc gia không muốn nói sự thật và chối bỏ các quyền lợi và các quyền tự do của nhân dân với truyền thống có từ hàng ngàn năm nay, những quyền này vẫn được coi là những quyền bình thường trong những quốc gia trẻ trung hơn đất nước chúng ta.” Rồi ngài kể lại bao nhiêu lần Giáo Hội gửi đến nhà nước những lời khiếu nại nhưng nhà nước đã làm ngơ. Giáo Hội tiếp tục lệ thuộc nhà nước theo những điều hạn chế được áp đặt trên Giáo Hội từ thời Staline… Và ngài kết luận: “Tôi muốn ngỏ lời với tất cả anh chị em trong giờ phút quyết liệt này của lịch sử chúng ta. Không ai trong anh chị em được đứng ngoài lề. Hãy lên tiếng hợp với tất cả công dân Tiệp Khắc, cùng với những người thuộc sắc tộc khác, dẫu họ là tín hữu hay không có tín ngưỡng. Quyền tự do tín ngưỡng không thể tách rời khỏi những quyền dân chủ khác, tự do là điều không thể phân chia được.”

Những lời tuyên bố trên đây của Đức Hồng Y Tomasek làm cho tôi suy nghĩ. Và tôi cũng xin anh chị em suy nghĩ, vì tất cả chúng ta đều đã thấy rất rõ tình trạng thiếu phấn đấu của Giáo Hội VN cho tự do tôn giáo và cho nhân quyền và dân quyền của người dân VN hôm nay. Mong rằng Giáo Hội VN sẽ sám hối về những thiếu sót đó.

Trên đây là những điều tôi đã nói cách đây 20 năm, trước hàng ngàn giáo dân khắp thành phố Sài Gòn đến dự. Họ chờ đợi tôi đề cập đến những vấn đề hóc búa mà họ rất muốn nghe, và họ mong tôi nói thẳng nói thật. Hơn 20 năm đã qua, hoàn cảnh của Giáo Hội và Đất Nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn không giảm bớt, trái lại có vẻ càng tinh vi hơn. Tôi nghĩ Hội Đồng Giám Mục không thể tiếp tục thiếu dấn thân bảo vệ quyền con người.

Và hình như các Đức Giám Mục cũng đã bắt đầu “biến chuyển” khi thành lập Ủy ban Công lý – Hòa bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tất nhiên trách nhiệm của Ủy ban này không phải là để “vào hùa” với đảng cộng sản trong những sự vi phạm nhân quyền trầm trọng hiện nay. Và cũng tất nhiên trách nhiệm của Ủy ban này nói riêng và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói chung không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ nhân quyền cho mấy triệu người Công Giáo mà thôi. Bởi vì như Công Đồng Vatican II đã nói: “Cộng đoàn tín hữu cảm thông thực sự và sâu xa liên đới với con người và lịch sử nhân loại”.

Tôi đã hơn 90 tuổi rồi, nhưng vẫn hy vọng sẽ được thấy Giáo Hội và HĐGM VN dấn thân mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và chân thành hon cho quyền làm người và dân quyền của mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, văn hóa… Tôi chân thành cầu chúc Ủy ban Công lý – Hòa bình thực hiện thật tốt nhiệm vụ thực của mình trước mặt Chúa, trước mặt Giáo Hội và trước mặt đồng bào.

Lm Chân Tín DCCT.

Friday 12 November 2010

Lm Chân Tín CSsR: Tinh thần Công đồng Vatican II và Hội Đồng Giám Mục VN


“Giáo hội phải lên tiếng để bênh vực những người nghèo”

Từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, các giám mục đã thường nại đến Công Đồng Vatican II để biện minh cho sự đồng loã với đảng Cộng sản. Bắt đầu từ Tổng Gím mục Nguyễn Văn Bình, sau 30/4/1975, đã gửi tâm thư kêu gọi giáo dân phải “hoà mình vào nhịp sống mới trong tinh thần hoà giải” trong đó ngài viết:

“Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Đây là một niềm vui chung của cả dân tộc Việt nam.”

Và từ đó đến nay, ngoại trừ một số giám mục can cường bảo vệ Giáo hội, bảo vệ con người, bảo vệ công lý và hoà bình (như Đức cha Nguyễn Kim Điền, Đức cha Nguyễn Văn Thuận và các Đức cha Ngô Quang Kiệt, Cao Đình Thuyên, Hoàng Đức Oanh…), đại đa số các giám mục khác đã im hơn lặng tiếng trước những bất công, trước những đau khổ triền miên của con người Việt Nam hôm nay. Và như thế là đồng loã với đảng Cộng sản.

Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, ngay trong lời mở đầu, đã khẳng định rõ ràng:

“Vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (MV 1)

Nhìn lại 35 năm dưới chế độ Cộng sản, ta thấy các giám mục, nhất là Hội Đồng Giám Mục, chưa xem “ưu sầu và lo lắng của con người” Việt Nam hôm nay là của mình. Tự cho mình là những giám mục của Công Đồng Vatican II, hơn hẳn các giám mục miền Bắc bị kìm kẹp dưới chế độc Cộng sản từ 1954 đến 1975, nhưng thực sự các giám mục miền Nam cũng chẳng thấm nhuần tư tưởng, lời dạy và trí ý của Công Đồng Vatican II. Có vẻ những gì “thực sự là của con người” đã không hề gieo được chút âm hưởng nào vào lòng các ngài.

Trước hết, trong nhiều năm trời, rất nhiều dân oan ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác từ các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phuớc, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Bà Rịa, Vũng Tàu… nằm la liệt trên những con đường thành phố Sàigòn đòi công lý. Nhưng Hội Đồng Giám Mục không có một lời nói, một cử chỉ thương yêu giúp đỡ họ. Những người nghèo bị bóc lột, không còn nhà để ở, không còn đất để canh tác, không có công ăn việc làm, đi đòi công lý thì bị đầy từ toà này sang toà khác, từ năm này qua năm khác. Nhưng các giám mục lại bàng quan trước những đau khổ của họ, ung dung đi nước ngoài như đi chợ, im lặng trước bất công, dửng dưng tự tách mình ra ngoài cộng đồng dân tộc. Ưu sầu và lo lắng của con người Việt Nam hôm nay hình như không gieo được một chút âm hưởng nào vào lòng các giám mục Việt Nam!?

Đến khi con cái của Giáo hội bị bắt bớ đánh đập vì đòi công lý và hoà bình, như các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm, Cồn Dầu… Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng vẫn im lặng. Đặc biệt là vụ Đồng Chiêm, như mọi người đều biết, ngoài chuyện đánh đập giáo dân, còn chuyện động trời là Cộng sản đập phá Thánh giá giữa đêm khuya với hàng trăm dân quân cùng chó nghiệp vụ và đủ loại vũ khí, thậm chí dùng cả chất nổ cho nổ tung cây Thánh Giá, biễu tượng thiêng liêng của người Kitô hữu. Khác với các vụ khác, lần này có một số giám mục lên tiếng, nhưng Hội Đồng Giám Mục vẫn im lặng.

Không những thế, tại Rôma ngày 23/6/2009, Đức cha Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý – Đức tin, đã lợi dụng một bài giảng lễ để, một cách long trọng, thanh minh cho sự im lặng thoả hiệp đáng sợ của hàng giám mục trước sự tàn ác của Cộng sản Việt Nam. Đức cha Đọc giảng trước sự hiện diện của tất cả các giám mục Việt Nam đến Rôma gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16, với sự tham dự đông đảo của linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam đang làm việc hoặc học tập tại Rôma, trong một thánh lễ long trọng ở đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Vì thế có thể coi như đó là tiếng nói đại diện Hội Đông Giám mục, và bài giảng đó đúng là bài bào chữa cho sự im lặng của hàng giám mục Việt Nam. Trong bài giảng, Đức cha Đọc đã chỉ dựa vào sự im lặng của Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Đức cha Đọc cố ý quên đi việc Thiên Chúa sai Giêrêmia nói lời của Ngài và sự đảm bảo của Thiên Chúa: “Có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Thiên Chúa giao cho Giêrêmia một sứ mạng khủng khiếp phải chu toàn:

“Đứng đầu các dân tộc, các nước để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.”

Làm ngôn sứ là phải trả giá. Nhưng hình như các giám mục Việt Nam không dám trả giá như thế, mà chỉ biết loanh quanh biện minh.

Tiếp đó, ngày 13/01/2010, lại có bài “Lên tiếng hay không lên tiếng” trên trang điện tử của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Có thể coi đây thực chất là một bản tuyên bố nói lên lập trường của Hội Đồng Giám Mục. Trong bản tuyên bố này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có ý nói: chúng tôi chỉ đưa ra nguyên tắc chung, còn tại địa phương nào lo địa phương đó. Nói cách khác, Hội Đồng Giám Mục sẽ ăn ngon ngủ yên, mặc cho con cái mình nơi này nơi kia bị bắt bớ tù đày vì đòi công lý, mặc cho đất đai của cha ông như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị cắt dâng cho ngoại bang, mặc cho việc khai thác bôxít độc hại liên lụy đến môi trường sống đã và đang bị ô nhiễm một cách trầm trọng.

Như vậy, Hội Đồng Giám Mục có theo đúng tinh thần của Công Đồng Vatican II không? Có đồng hành với dân tộc hay chỉ đồng hành với đảng Cộng sản? Có sống giữa lòng dân tộc hay chỉ sống giữa lòng đảng Cộng sản?

Hiện nay Hội Đồng Giám Mục đang tiến hành tổ chức Đại Hội Dân Chúa. Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 11/2010 sắp tới tại Sàigòn.

Đại hội có đem vấn đề thi hành Công Đồng Vatican II ra thảo luận không? Dân Chúa tại Việt Nam sống giữa lòng dân tộc như thế nào? Làm thế nào để đồng hành thật sự với dân tộc? Làm thế nào để sông lời khẳng định của Công Đồng Vatican II:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”?

Tài liệu làm việc của Đại Hội đã được gửi đi các nơi, nhưng trong đó chỉ thấy lý thuyết và lý thuyết muôn thuở. Nào là nền tảng thần học, nào là hội nhập văn hoá… Những vấn đề muôn thuở này chỉ cần trình bày trong một số tài liệu để gửi về các giáo xứ học hỏi là đủ. Điều mà Dân Chúa đang mong đợi là câu trả lời thực tế cho các vấn đề nóng bỏng như:

Giáo hội phải đồng hành với dân tộc thế nào trong chế độ Cộng sản? Giáo hội phải sống giữa lòng dân tộc như thế nào để bảo vệ con người, bảo vệ công lý, bảo vệ hoà bình theo tinh thần Công Đồng Vatican II? Đó mới là những vấn đề nhức nhối hiện nay.

Nếu không có trao đổi tự do về những vấn đề đó, thì Đại Hội Dân Chúa sắp tới chỉ là một lễ hội tưng bừng tốn kém mà chẳng ích lợi gì cho ai. Thậm chí chỉ có lợi cho đảng Cộng sản mà thôi. Và thử hỏi, đó có phải là tinh thần Vatican II hay không?

Lm Chân Tín CSsR

20/10/2010

Tuesday 9 November 2010

Lm Nguyễn Hồ Đỉnh CSsR: Mặt ngoài của Chính Thống Giáo ở Nga


Anh Vũ Khởi Phụng thân mến,

Mình nhận được Thư Nhà số 5 một ngày trước khi đi thăm văn-hoá Moskova và St Petersbourg và đã đọc bài của anh “ý nghĩa một chuyến đi” vì thế mình chú ý hơn về hiện tình chính thống giáo tại Giáo hội “tự thủ chết” (autocéphale) Moskova. Ngoài chuyện tâm đắc với anh về những cú banh đá lọt lưới. Mình muốn phụ hoạ với anh về một nét chính trong lịch sử Giáo hội này.

Thái độ của Đức Thượng Phụ Alexis II trước cuộc thăm viếng Ukraine của Đức Gioan Phaolô II là một thái độ lôgích trong tiến trình lịch sử tôn giáo tại đây.

Tiến trình lịch sử tôn giáo

Năm 988, Đại vương Vladimir (miền Kiev) “chọn” Giáo hội Chính thống Byzantine cho chính mình và dân Nga. Nói “chọn tôn giáo” là rất chính xác. Theo truyền thuyết lịch sử, ông đã triệu tập các đại diện có thẩm quyền của các tôn giáo lớn thời đó để nghe họ minh thuyết về đạo của họ trước khi chọn lựa. Đó là các đại diện của:

1.Tôn giáo dân gian địa phương đa thần:

-Peroun (Thần sét-dã chiến);

-Volos (Thần mặt trời, bảo vệ gia súc)

-Stribog (Thần gió);

-Zebog (Thần đất);

2.Hồi giáo;

3.Giáo hội Công giáo;

4.Giáo hội Chính thống-

Ông cho Tôn giáo dân gian là dị đoan. Hồi giáo : klhông thích hợp với dân Slave (buộc giữ Ramadan, cấm uống rượu…); Công giáo: lễ nghi chán ngắt; chỉ có Chính thống giáo Byzance (đang thời cực thịnh) là thích hợp với dân Nga hơn cả.

Như vậy việc ông chịu thanh tẩy và kéo nhân dân của ông vào Giáo hội chính thống Byzance là một lựa chọn trong lãnh vực tâm-linh-hệ, ý-thức-hệ, tổ chức văn hoá xã hội… chứ không phải vì đã bản thân gặp được Đức Kitô hằng sống và Tin Mừng “Phúc thật” và mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Người…

Sau đó, hoàng triều Nga luôn tìm cách để biến chuyển Giáo hội Chính thống tại đây thành một Giáo hội Nga, do hoàng triều và nhân dân Nga, cho hoàng triều và nhân dân Nga. Ban đầu Giáo hội này trực thuộc Thượng phụ Byzance. Vị này đặc sai một Métropolite (kiểu như Hồng y Giáo chủ) người Hy Lạp để điều khiển Giáo hội Nga. Sau đó, vào những năm

1439: Công đồng Florence tìm hoà hợp Rôma và Byzance. Hoàng triều Nga phản đối và hạ bệ Đức Giáo chủ Isidore, người Hy Lạp (1444).

1448: Byzance thất thủ; lịch sử Nga gán cho Đại vương Ivan III lời này:

“Hai giáo đô Rôma đã sụp đổ, Giáo đô thứ ba đứng vững đây và sẽ không có giáo đô thứ bốn…” ông vừa thống nhất lại các miền đất Nga và đặt thủ độ tại Moskova.

1589: Moskova trở thành toà Thượng phụ và Đức Job mang tước hiệu “Thượng phụ của tất cả các giáo phận Nga”, hay “Thượng phụ của tất cả các ‘lãnh địa’ Nga. Giáo hội luôn gắn liền với Hoàng triều và chịu để Hoàng triều chi phối.

1700: Phêrô Đại Đế chiếm hữu một phần tài sản của Giáo hội này. Ông bãi bỏ ngôi Thượng phụ. Thay vào đó, ông thiết lập một Thượng Hội Đồng điều khiển tôn giáo do chính ông chủ toạ tại St Petersburg… Từ đó, phần lớn các giáo sĩ trở thành “linh mục nhà nước” ngày càng ít ảnh hưỏng và ít được kính tôn…

Mãi đến năm 1917, Ngà hoàng cuối Nicholas II mới thiết lập lại Toà Thượng phụ. Nhưng sau đó, dưới chế độ Cộng sản của Lénine, Staline và Kroutchev, Giáo hội bị bách hại, tàn phá đủ điều, tuy vẫn tồn tại chút ít bề ngoài nhưng mông lung và mênh mang bề trong.

Hoàn cảnh mới từ 1985

Sau khi Đại Vương đỏ Brejnev, người tập trung mọi quyền hành trong tay qua đời, Gorbachev thiết lập thể chế Perestroika và Glasnost bãi bỏ chính sách Staline, dân chủ hoá vv… Giáo hội bắt đầu dễ thở và nhiều người Nga lui tới công khai những thánh đường và tu viện đã được Staline cho mở lại phần nào sau thế chiến thứ II (1946…)

1990: Năm bắt đầu tái thành lập nước Nga cũng là năm tổ chức lại toà Thượng phụ Moskova. Ngày 7 tháng 6 năm 1990 Thượng Hội Đồng Giáo hội Chính thống Nga gồm 300 vị Giám mục, tu sĩ, linh mục họp tại Zagork đã chỉ định Đức Alexis II, Giáo chủ Leningrad-Novgorod trọn đời làm Thượng phụ Moskova và các Giáo phận Chính thống Nga (một Giáo hội gồm chừng 60 triệu giáo hữu). Ông đẩy mạnh việc trùng tu, tiếp thu và xây dựng lại các đại thánh đường, hiện diện trang trọng trong các buổi lễ chính thức của Nhà nước và mang lại cho Giáo hội Chính thống Nga những cảnh huy hoàng tráng lệ, những cuộc tế tự đầy tình cảm của thời xưa.

Qua một chuyến thăm Moskova

Dưới đây là những ghi nhận của cá nhân tôi qua cuộc tiếp xúc và trao đổi:

Đời sống tôn giáo được phục hồi

Moskova đầy dẫy những thánh đường với những tháp hình bán cầu lát vàng chói lọi. Những thánh đường bị đóng cửa, tịch thu và sử dụng vào những việc trần thế như bảo tàng viện, kho chứa vật liệu, chợ búa, hội họp vv.. hầu hết đều đã được chính quyền trùng tu và trao trả lại cho Giáo hội. Những thánh đường cổ kính, lịch sử đã bị tiêu hủy nay cũng được xây dựng lại. Tiêu biểu là thánh đường Giáng sinh của Đức Kitô Cứu Thế ở trung tâm Moskova, gần nôi thành Kremlin nơi có cả chục thánh đưòng, nguyện đường lộng lẫy đã được trùng tu. Thánh đường Đức Kitô Cứu Thế này đã bị tiêu hủy dưới thời Staline, nay đã được xây lại trong vòng 4 năm (1990-1994) với tất cả sự huy hoàng, bề thế thuở xưa và trao lại cho Giáo hội, trong khi nhà nước Nga vẫn thiếu tiền mở mang đường xá, học đường, trả lương cho binh sĩ, vv..

Những giải thích tâm linh

Chúng tôi tới tham quan thư viện cổ kính Thiên Chúa Ba Ngôi –Thánh Sergiô (cách Moskova 70km) vào một ngày thường trong tuần (thứ Ba 14 tháng 8). Tu viện được thánh Sergiô bắt đầu xây dựng từ thế kỷ XV – và nay có dạng như một nội thành: nhiều đại thánh đường chung quanh một tu viện, những nhà ăn nhà họp cổ kính, những cư xá và dinh thự giữa một rừng cây rộng lớn… Tu viện này là nôi sinh nhiều tu viện khác từ thế kỷ XV. Tại đây, bức hoạ thánh Thiên Chúa Ba ngôi của André Roublev đã được thượng tôn qua nhiều thế kỷ và tu viện đang đòi nhà nước hoàn lại.

Tu viện còn 20 tu sĩ vào năm 1985 (năm mở đầu thời Perestroika)- nhưng nay đã có tới 320 tu sĩ- mỗi năm có thêm chừng 25 người. Tại đây có dinh thự và toà nhà thượng phụ của Đức Alexis II. Chúng tôi đến nơi khoảng 10g30 và cho đến 12giờ đã tiếp cận gần một ngàn người trẩy hội hành hương, tham dự lễ nghi chính thống từ nhà thờ này đến nhà thờ kế cận khác.

Vị tu sĩ hướng dẫn chúng tôi giải thích:

“Từ khi ý thức hệ Cộng sản sụp đổ, người dân Nga sống giữa trống rỗng tâm linh, trống rỗng tin tưởng, trống rỗng ý thức cuộc đời… Nhà thờ mang lại cho họ tin tưởng và tình cảm tâm linh… Không ai có thể sống mãi trong trống rỗng… nên nhiều người tìm lại nhà thờ…”

Tôi thấy kiểu giải thích này phần nào cũng là dư âm của Marx và Lénine về nhu cầu tôn giáo trong xã hội (tìm tình cảm tôn giáo để bù trừ cho thiếu thốn, khốn khổ…) Nhưng tôi thấy các người hướng dẫn du lịch văn hoá cũng lặp đi lặp lại như thế, đặc biệt là Natasha, một thiếu phụ trí thức ở St Petersburg. Bà không có liên lạc gì với đạo trong suốt thời niên thiếu, không thanh tẩy, không giáo lý, không quan tâm… Nhưng từ thời Perestroika và thăm viếng nhiều nhà thờ và thấy nảy ra trong mình tình cảm tôn giáo:

“Người ta bảo tôi phải chịu thanh tẩy mới được làm dấu thánh giá, nếu không coi chừng tay khô liệt đó! Tôi vẫn làm dấu thánh giá, và này tay tôi vẫn lành mạnh đây!”

Và bà tâm sự với ít nhiều tiếc nuối:

“Bây giờ có nhiều đôi trẻ làm phép cưới trong nhà thờ lắm… nhưng phải chịu phép thanh tẩy đã mới được làm phép cưới trong nhà thờ… và cũng tốn tiền lắm!”

Mỗi năm bà đều chen lấn vào nhà thờ mừng lễ Phục Sinh –bà tâm sự:

“Đông lắm, nhưng người ta không thể không tham dự: lễ nghi này mang lại cho ta tha thứ, tinh luyện, thanh bình…”

Một Giáo hội tìm duy trì địa vị quan trọng của mình.

Marina là một thanh nữ thuộc nhóm hướng dẫn du lịch địa phương tại Moskova. Cô xem ra có “lòng đạo” hơn bà Natasha. Tôi hỏi cô:

“Tại sao Đức Thượng phụ Alexis lại phản đối việc Đức Giáo hoàng thăm viếng Ukraine?”

Cô bộc phát trả lời:

“Vì đây là một hành động có tính cách hơi …”kẻ cả”!... Đáng nhẽ Đức Giáo Hoàng phải đàm đạo tay đôi với Đức Thượng phụ và gửi một phái đoàn Hồng y tới đàm phán với Hội đồng Giáo chủ Moskova… Nhưng ông đã đơn độc quyết định đến thăm một miền mà tuyệt đại đa số giáo dân trực thuộc toà Thượng phụ Moskova.”

Vẫn lại là “uy tín” “quyền hành tôn giáo” hơn là sinh khí Tin Mừng và khiêm nhường cải hối, đổi mới… đểm tìm phục vụ xác đáng hạnh phúc, việc tìm kiếm và hành động của con người hôm nay.

Vì vẻ hào nhoáng và uy lực xã hội bên ngoài này, mà một người Pháp, quan sát viên văn hoá về đời xã hội Nga, đã nói với tôi:

“Dân Nga ngày nayvẫn là một dân tộc đượm tinh thần tôn giáo và cả chiều sống linh thiêng nữa… Nhưng nhiều thành phần không mấy thiện cảm với Kitô giáo.”

Tôi tưởng đây chỉ là bề mặt xã hội. Chắc bên trong vẫn còn 1/3 hàng giáo phẩm được mô tả thuở xưa như (…) chủ yếu trung thành với chế độ (=không chống chế độ) nhưng lại quá hăng say hoạt động, nhất là giữa giới trẻ…” theo như người viết trong thư “Giọt mưa giọt nắng” đã trình bày. Và đó là điều cho phép tôi còn kỳ vọng và thành kính với Giáo hội Chính thống Moskova.

Ngài không truyền cho chúng con toàn thắng, chỉ đừng thảm bại…

Cách đây gần một trăm năm, để chào mừng thế kỷ mới, thi hào Công giáo Paul Claudel đã viết bài “Procession pour saluer le siècle nouveau” vào năm 1907. Trong bài này hàng chữ “car vous ne nous avez pas ordonné de vaincre mais de n’être pas vaincu” đã nhập đậm trong tâm trí mục vụ của tôi và hướng dẫn tôi suy nghĩ về một khía cạnh lịch sử Kitô giáo.

Đoàn người tín hữu sống Tin Mừng Ơn Nghĩa không nhất thiết phải toàn thắng mọi quyền lực, mọi bách hại, mọi ý thức hệ -hệ đối lập- … Chỉ nhận được lệnh truyền: dù bất cứ ở hoàn cảnh nào cũng vững tin vào Thiên Chúa Tình Thương và dấn thân phục vụ những người anh em cùng sống với mình.

Trong thế kỷ qua, nhất là từ Cách mạng tháng 10 Nga, Giáo hội Chính thống Nga đã không thảm bại trước bạo quyền. Giáo hội này cũng không toàn thắng chế độ kia (chế độ Cộng sản Xô-viết tự sụp đổ vì trống rỗng ý nghĩa, bại hoại sức sống, mâu thuẫn nội tại và lầm lỗi nặng nề…)

Ngày nay Giáo hội này cũng cần thức tỉnh để khỏi thảm bại trước hoàn cảnh mới để khỏi sa chước cám dỗ mà ngay từ tháng năm 1944 mục sư Dietrich Bonhoeffer đã trực giác trước khi bị Hitler hành quyết:

“Giáo hội chúng ta, từ bao năm tháng, đã chỉ tranh đấu để tự tại, như mình là cùng đích của chính mình –và vì thế, không còn sức mang nặng trong mình Lời hoà-giải và cứu chuộc cho con người và thế giới…”

Xin các thế hệ mục tử mai sau chuyên chú đến tín thư này

Lm Nguyễn Hồ Đỉnh CSsR

(trích Thư Nhà số 6, tháng 11/2001 tr. 1-3)