Tuesday 30 March 2010

Lm Chân Tín, CSsR: Vị Cứu Tinh Độc Nhất


Cách đây 2000 năm, xứ Do Thái, một tiểu quốc bên bờ Địa Trung Hải, đã ngậm đắng nuốt cay sống dưới chế độ hà khắc của đế quốc La Mã: Tại Galilê miền Bắc Do Thái, bọn đế quốc đã đặt Hérode, một con người vô lương tâm, làm vua, để tận diệt vương tộc David. Còn ở Giuđêa Miền Nam nước Do Thái, La Mã trực tiếp đô hộ, với sự đàn áp của tổng trấn Ponce Pilate và quân đội của ông. Cũng như trong các nước bị chiếm đóng, người Do Thái thời bấy giờ chia ra nhiều phe đảng, chống đối, tàn sát nhau. Đảng Sađusiêu được đế quốc La Mã che chở, cộng tác với quân đội chiếm đóng. Đối với họ, đó là đường lối chính trị hợp thời nhất. Kháng chiến chống đế quốc La Mã làm gì? Do thái là một nước chậm tiến gồm những người dân quê mộc mạc chuyên việc cầy cấy, chăn nuôi hay buôn bán. Còn La Mã là một dân tộc giàu mạnh và thiện chiến đủ phương tiện để mua chuộc và bá chủ thế giới. Chống lại La Mã chỉ là một trò trứng chọi đá, bất lợi và nguy hiểm.

Dân chúng đa số thù ghét bọn Sađusiêu, nhưng không dám tỏ ra bên ngoài. Họ âm thầm hoạt động cho phong trào kháng chiến của nhóm trí thức gọi là Pharisêu. Nhóm này gồm đa số các luật gia của Do Thái, tha thiết với nền độc lập nước nhà, thường nhắc nhở cho dân chúng những trang sử oanh liệt của cha ông ngày trước đã sẵn sàng hy sinh xương máu bảo vệ non sông và đẩy lui bọn đế quốc. Họ còn nuôi trong dân mối hy vọng ngày giải phóng mà Thiên Chúa đã hứa cho dân Do Thái. Các tiên tri trong Cựu Ước đã báo trước Vị Cứu Tinh của Do Thái sắp đến, cuộc giải phóng sắp hoàn thành. Đức Mêsia sẽ đặt quyền thống trị khắp thế giới. Trước những lời tiên tri ấy, người Do thái phấn khởi mong chờ ngày giải phóng khỏi ách đô hộ La Mã. Giêrusalem sẽ là thủ đô của Đấng Mêsia để tiêu diệt quân đội chiếm đóng và chà đạp quốc kỳ và huy hiệu của đế quốc La Mã: phượng hoàng La Mã đã đến ngày tận số.

Trong khi lòng công phẫn và niềm tin tưởng của toàn dân đã lên đến tột độ, thì Đức Kitô xuất hiện với những quyền lực vô song: chỉ một lời Ngài làm cho sóng gió yên lặng, ma quỷ lẩn trốn, bệnh hoạn biến tan. Một hôm, ông Gioan Tẩy Giả, người bị Hérode tay sai của đế quốc La Mã tống giam, nghe biết công việc Đức Kitô làm, liền dạy đồ đệ đến thưa Người rằng:

“Thầy có phải là Đấng Mêsia sẽ đến hay chúng tôi còn phải đợi người khác?´Chúa Giêsu liền khéo léo tuyên bố với họ chính Ngài là Đấng Mêsia mà Kinh thánh đã nói: “Hãy thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại; kẻ nghèo khó được nghe Tin Mừng” (Mt 11: 4-6).

Trước những sự lạ của Chúa Kitô, người Do Thái phấn khởi tin chắc Ngài là Vị Cứu Tinh Thiên Chúa gửi đến và ngày giải phóng đã gần. Nhất là sau phép lạ Chúa Giêsu làm cho 5000 người ăn no với 5 chiếc bánh và 2 con cá, đoàn lũ phấn khởi tin chắc rằng cách mạng sắp thành công. Họ muốn tôn Chúa Giêsu làm vua để tận diệt quân đội La Mã và đặt quyền thống trị khắp năm châu.

Nhưng Do thái phải vô cùng đau đớn và thất vọng, lúc Chúa Giêsu từ chối vương quyền họ trao cho Người, từ chối việc giải phóng dân Do thái khỏi ách đô hộ của La Mã. Ngài tuyên bố Ngài là Đấng Mêsia của Thiên Chúa, là Vị Cứu Tinh, là Vua Do thái, nhưng không như người Do Thái quan niệm: “Tôi là Vua…nhưng Nước Tôi không thuộc về thế trần này”. Đức Kitô là Ngôi Hai Con Chúa Cha đến trong thế gian mang lấy bản thể nhân loại, sinh ở giữa chúng ta, để giải phóng chúng ta. Ngài không đến với sứ mạng giải phóng Do Thái và nhân loại khỏi ách nô lệ của đế quốc. Ngài cũng không đến để giải thoát chúng ta khỏi đói khát và chiến tranh. Nếu các cường quốc không phải cái tội tham lam của cải và ảnh hưởng, thì làm gì lại có cái tệ quốc đỏ, đế quốc trắng, biến các tiểu nhược thành những con cờ để thí cho ván bài quốc tế? Nếu các đoàn thể cũng như cá nhân không phải cái tội vô nhân đạo nhắm mắt trước sự đói rách của kẻ khác, thì làm gì mà 2/3 nhân loại ngày nay ăn không đủ no, mặc không đủ ấm? Nếu loài người không phải cái tội thù hằn ghen ghét nhau, thì làm gì có những cuộc tàn sát dã man giữa các quốc gia cũng như giữa những người cùng một giòng máu?

Giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi, đó mới là điều cần thiết, và đó là sứ mạng độc nhất của Chúa Kitô. Sứ mạng độc nhất của Chúa Giêsu cũng là sứ mạng của Giáo hội. Đừng ai đòi Chúa Giêsu và giáo hội làm chính trị để giải thoát nhân loại khỏi đế quốc và độc tài. Sứ mạng của Chúa Kitô và của Giáo hội là một sứ mạng thiêng liêng, thuần tuý tôn giáo. Chúa Giêsu đã từ chối vương quyền trần thế, đã không muốn trở thành nhà lãnh tụ đứng lên chống đế quốc La Mã, Giáo hội Chúa cũng theo con đường ấy, để trung thành với sứ mạng thiêng liêng. Giáo hội không dấn thân vào chính trị, bất luận vì lý do nào, Giáo hội ở ngoài và ở trên chính trị.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giêsu và Giáo hội của Người để trong mọi trường hợp chúng ta đừng đòi ở Chúa Kitô và Giáo hội những hoạt động ngoài sứ mạng độc nhất là giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và đưa nhân loại về với tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm Chân Tín, CSsR

1963

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Monday 29 March 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Ngài đã sống lại!


Hãy mau đi báo và hẹn.

“Abraham đã chết, và các tiên tri nữa”. Sau cuộc đối thoại hay đúng hơn, đối đầu ấy, người Do Thái đã “lượm đá ném Ngài, nhưng Đức Yêsu ẩn mình ra khỏi đền thờ” (Ga 8: 52-59). Đá trong tay họ, họ đã không ném vào Ngài được, tuy nhiên, hòn đá lớn nhất mà họ có thể lôi ra từ trong đầu họ, từ bụng dạ họ, họ đã ném thẳng vào mặt Ngài rồi: “Abraham đã chết, và các tiên tri nữa.”


Người đời nhìn và chỉ thấy nỗi chết. Sau lưng mình là những thế kỷ, những thiên niên kỷ, những thời kỳ, thời đại chất chồng, là quá khứ phù sa hay hoá thạch. Cùng với những nền văn hoá đã bị chôn vùi, những thành trì đổ nát, một nghĩa trang khổng lồ cho những tử thi, di tích và kỷ niệm…


Trước mặt họ là viễn cảnh không né tránh được một dòng lịch sử cứ chảy dần về dứt điểm của nó đối với mỗi cá nhân cũng như đối với từng xã hội và ai dám cam đoan là không phải đối với toàn thể loài người hay đối với cả vũ trụ này? Người đời nhìn đâu cũng chỉ thấy hữu hạn, vô thường, dở dang, phù du, tiêu huỷ.


Xung quanh họ, lá vàng rơi và người người lần lượt nằm xuống. Lăng, đài có được dựng lên cũng chỉ để tạm giữ lại ít nhiều tên tuổi và ngày tháng. Tình đời tan hợp, hợp tan theo một nhịp vận hành không thương xót, không khoan nhượng.


“Abraham đã chết, và các tiên tri nữa”. Người đời nhìn và chỉ thấy nỗi chết. Không riêng gì những người Do Thái kia. Các môn đồ của Đức Yêsu cũng thế thôi. Ba lần báo trước Thương Khó – Chết – Sống lại thì lần nào cũng như lần nào, họ chỉ biết hoảng sợ trước viễn cảnh Thương Khó và Chết chứ không hề tin vào hứa hẹn Sống Lại. Cho nên mới cản ngăn (Mc 8: 32), hoặc không hiểu (Mc 9: 32), hoặc cứ mưu tính chuyện viển vông (Mc 10: 35-40). Mãi đến giờ chót vẫn vậy. Vẫn mơ mộng viển vông mà tranh chấp địa vị (Lc 22: 24). Vẫn chỉ biết còn nước còn tát trước cái chết của Thầy đối với họ chỉ là hết: cuối bữa Tiệc Ly “họ nói: ‘Thưa Thầy, này đây có hai thanh gươm” (Lc 22: 38) rồi sau đó khi Ngài bị bắt, “một người trong những kẻ có mặt tuốt gươm và đánh nhằm tên đầy tớ của thượng tế và chặt đứt tai nó” (Mc 14: 47).


Người đời nhìn và chỉ thấy nỗi chết. Đức Yêsu chết trên thập giá, được “bó vào khăn liệm và đặt xuống mộ đã đẽo trong đá”. Viên đá được vần tới “lấp vào cửa mồ” (Mc 15: 46) thì trong tâm tư các môn đồ cũng chính là viên đá lớn nhất người Do Thái trước đây đã lôi ra từ trong đầu họ, từ bụng dạ họ để ném vào mặt Đức Yêsu: “Abraham đã chết, và các tiên tri nữa”! Không ai trong họ trông mong gì Thầy mình sẽ sống lại. Còn nhớ mãi hay đã sớm quên lời hứa hẹn của Thầy thì cũng vậy thôi. Cũng như thiên hạ, các môn đồ nhìn và chỉ thấy nỗi chết. Ngày hưu lễ qua rồi, ba người phụ nữ đi đến mồ là để “tìm giữa những người chết” (Lc 24: 5): họ đâu sẵn lòng tin, chỉ sẵn “hương liệu để đến xức dầu Ngài” (Mc 16: 1) Các môn đồ sau đó có nghe ngưòi nọ người kia nói là “Ngài đang sống và đã thấy Ngài, đứng giữa họ”, họ lại “kinh hoàng khiếp đảm” họ tưởng mình thấy ma” (Lc 24: 36). Trừ Maria, thân mẫu Đức Yêsu, trước sau vẫn được phúc là “kẻ đã tin” (Lc 1: 45), tất cả bọn họ đều như người đời, nhìn và chỉ thấy nỗi chết, chỉ thấy xác và ma! Thật oan cho Tôma cứ phải mang tiếng là kẻ duy nhất “cứng tin”. Tôma không hề giữ độc quyền cứng tin mà chỉ không may là kẻ cứng tin cuối cùng giữa các môn đồ. Theo Ga là như thế, còn theo Mc thì “sau cùng Ngài tỏ mình ra cho chính nhóm Mười một đang khi họ dùng bữa, và Ngài quở mắng sự cứng tin, lòng chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ được thấy Ngài sống” (Mc 16: 14)


Đức Yêsu nhìn và thấy sự sống. Nhìn nỗi chết, Ngài thấy sự sống, sự sống lại. “Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm hạt”(Ga 12: 24). Đáp lại vấn nạn của những người thuộc bè Sađốc chỉ thấy có nỗi chết, Ngài xác quyết “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống” (Mc 12: 18-27). Đặc biệt khi nhìn thẳng về cái chết của mình, như trong ba lần báo Thương Khó, Ngài vẫn thấy cuối cùng là sự sống, dứt khoát là sự sống: “Và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8: 31; 9: 31; 10: 34)


Người tín hữu nhìn và thấy sự sống. Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự là lòng tin Chúa Kitô sống lại.


Nói cho ngay, nếu không riêng gì Tôma là kẻ cứng lòng tin thì cũng không riêng gì Phaolô mới là người “trở lại”. Đường đi Emmau nào có khác chi đường đi Đama sau này. Về mặt đạo đức, Saulô đi Đama còn hơn hẳn hai môn đồ đi Emmau: Saulô lòng đầy ắp “nhiệt thành” (Pl 2: 6), còn hai môn đồ thì bụng dạ ê ẩm với hòn đá kếch sù nọ (“Abraham đã chết, và cả các tiên tri nữa”). Có thể chính vì vậy mà cả Marcô và Luca đều… nhã nhặn không cho biết tên tuổi hai môn đồ này. Dẫu sao điều chính yếu là tiếc thương Đức Yêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đama thì đều là chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Và đều cần được ơn “trở lại”.


“Mắt hai môn đồ mở ra và họ nhận biết Ngài” (Lc 24: 41), đương nhiên là nhận biết Ngài trong cõi sống chứ không phải trong cõi chết nữa. Tức là được “thấy” Chúa Kitô sống lại như trước đó Maria người Magđala đã “thấy” mà thôi khóc than với “người làm vườn”, “nhận ra Ngài” và chỉ kịp reo lên: “Thầy!” (Ga 20: 11-18). Các môn đồ khác đều “trở lại” như vậy cả. Họ phải hết “tưởng mình thấy ma” , được “Ngài mở trí cho họ hiểu” (Lc 24: 45)mới ‘thấy’ thực sự. (Cái ‘thấy’ này hoàn toàn không phải là cái thấy như Tôma đòi hỏi. Thấy như Tôma đòi hỏi có khi cần nhưng không hề đủ để ‘thấy’ thực sự. Chỉ mới thấy như Tôma đòi hỏi, hai môn đồ không hết được “bộ mặt ảo não”, Maria người Magđala “tưởng là người làm vưòn”, còn “nhóm Mười một cùng các bạn” lại “tưởng là ma “, Ngay cả Tôma, khi Đức Yêsu đến thì Ngài không phải chỉ cho ông thấy như ông đòi hỏi mà còn mở mắt lòng tin cho ông nên ông mới không cần và không chịu “tra tay vào lỗ đinh, tra bàn tay vào cạnh sườn Ngài” như đã đòi hỏi nữa).


Phaolô Tông đồ đã trở lại như tất cả các tông đồ và “anh em” khác, có khác chăng chỉ là ở chỗ Phaolô là người cuối cùng được “Ngài hiện ra” nghĩa là vừa xuất hiện trước mắt vừa tỏ hiện trong lòng, “mở trí cho hiểu” “Ngài đã sống lại ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh, Ngài đã hiện ra cho Kêpha đoạn cho nhóm Mưòi hai. Rồi Ngài đã hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần (…). Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con sinh non” (1Cr 15: 4-8). Sự trở lại của thánh Phaolô được chú ý đặc biệt không phải vì là duy nhất mà chỉ vì có hậu quả đặc biệt đối với Hội thánh.


“Ngài đã sống lại! Ngài không có ở đây” (Mc 16: 6) không có trong cõi chết. “Hãy mau mau đi nói… Hãy đi báo tin cho anh em Ta là họ phải đi Galilê, và họ sẽ được thấy Ta ở đó.” (Mt 28: 7-10)


Tin Mừng là thế đó. Cốt lõi Tin Mừng là thế đó. Không lúc nào Phaolô đã vừa trịnh trọng, vừa thiết tha bằng khi viết cho các tín hữu Corinthô: “Hỡi anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận, và trong đó anh em hiện còn đứng vững, và cũng nhờ đó mà anh em được cứu thoát, nếu lời lẽ tôi đã dùng để ra giảng cho anh em, anh em vẫn còn nắm vững, bằng không anh em đã tin một cách vô lối. Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã lãnh nhận: là Đức Kitô đã chết (…) đã sống lại ngày thứ ba…” 1Cr 15: 1-10)


Cốt lõi kerygma, lời rao giảng tiên khởi, cũng là thế đó:


“Cốt yếu hơn cả của lời tuyên xưng tiên khởi chính là danh hiệu Chúa của Chúa Yêsu. Sự tôn dương làm Chúa chính là danh hiệu Chúa của Chúa Yêsu. Sự tôn dương làm Chúa chính là trọng tâm của tân Ước. Nói cách khác, lòng tin căn bản của Hội thánh tiên khởi là lời tuyên xưng: KYRIOS YESUS CHRISTOS, YÊSU KITÔ LÀ CHÚA.


Pl 2: 11: Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Yêsu Kitô là Chúa…

1Cr 12: 3: Và không có thể nói ‘Yêsu là Chúa’ mà lại không bởi sức Thánh Thần.

Rm 10: 9: Bởi vì nếu bạn tuyên xưng nơi miệng bạn: Yêsu là Chúa, và nếu bạn tin trong lòng bạn: Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, bạn sẽ được cứu.


Yêsu Kitô là Chúa, là trọng tâm tiên khởi của lời tuyên xưng đức tin. Kyrios là chóp đỉnh của tôn dương. Rồi từ đó, Hội thánh mới nghĩ đến do lai thần tính của Chúa Yêsu và cuộc tái lâm tận thế.


Vậy Kyrios nói lên ý nghĩa gì? Kyrios là quyền làm Chúa trong hiện tại, là hạch tâm của lòng tin, là trọng tâm của Mầu Nhiệm Phục Sinh.


Ta thấy Hội thánh tiên khởi đúc kết mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô là sự Chết và Sống Lại bằng danh hiệu Chúa (…) “Tin vào Yêsu Kitô làm Chúa nghĩa là tin Ngài đang cầm quyền. Và vì thế, khi tuyên xưng Yêsu Kitô là Chúa là nhấn vào tính cách hiện tại của quyền làm Chúa. Ngài đang làm Chúa trên nhân loại và trên mọi quyền năng trên trời, dưới đất. Đó là Mầu nhiệm Phục Sinh.” (Nguyễn Thế Thuấn, Kerygma lời rao giảng tiên khởi, bản in ronéo, tt. 87-88)


“Ngài đã sống lại! … Hãy mau mau đi nói… Từ thế hệ này qua thế hệ khác cho đến ngày hôm nay, Hội thánh vẫn chỉ co sứ vụ loan báo Tin Mừng là chủ yếu, khẩn thiết nhất. Loan báo Tin Mừng Ngài đã sống lại, Yêsu Kitô là Chúa , đó chính là lẽ sống còn, lý do tồn tại của Hội thánh. Mỗi Kitô hữu ‘tin’ có nghĩa là đã được Hội thánh – tông truyền loan báo, rao giảng Tin Mừng ấy cho, đã ‘lãnh nhận’ Tin Mừng ấy từ Hội thánh tiếp nối lời chứng, lời loan báo rao giảng của các tông đồ. Như các tín hữu Corinthô đã được Phaolô rao giảng và đã “lãnh nhận”.


“Còn đứng vững” trong Tin Mừng “Ngài đã sống lại” thì từng kẻ tin trong Hội thánh, không trừ ai, cũng “mau mau đi nói”. Như đã bắt đầu từ mấy bà “Maria người Magđala và một Maria khác”. Lòng tin Kitô hữu càng kiên vững, càng không thể ‘bình chân như vại’ được. Thánh nữ Têrêsa hài Đồng không bước chân ra khỏi ‘Nhà Kín’ Lisieux, nhưng đức tin của Têrêsa không hề bình chân như vại cho nên Hội thánh mới tôn vinh thánh nữ là bổn mạng của các xứ truyềngiáo. Nói chi một mẫu người tin như Tông đồ Phaolô! Những cuộc hành trình dọc ngang Địa Trung Hải hai mươi thế kỷ trước đây hoàn toàn không phải là những chuyến du lịch, những cuộc dạo chơi! Chịu đi như Đức Yoan Phaolô II bây giờ, kể được là đã đi vòng quanh trái đất hàng mấy chục vòng hoặc đi lên mặt trăng trở về hai ba lần nhưng số giớ bay của vị Giáo chủ chưa hẳn đã so sánh được với thời gian đi đường của Phaolô. Chưa kể những “nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp… nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển cả” mà ngày nay không thể nào tưởng tượng nổi. Như “ba lần đã đắm tàu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi trong lòng biển” (2Cr 12: 25-26) . “Hành trình thường xuyên” như vậy thì trước sau vẫn là để “mau mau đi nói” mà thôi.


Kitô hữu ngày nay vẫn “mau mau đi nói” là không thôi nhắc nhở nhau lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như khi đau ốm, trong mọi hoàn cảnh vui buồn: Anh hãy nhớ rằng, em hãy nhớ rằng, con hãy nhớ rằng, cha mẹ hãy nhớ rằng, cháu hãy nhớ rằng, bà con cô bác hãy nhớ rằng Đức Yêsu Kitô từ trong cõi chết, Ngài đã Phục Sinh (2Tm 1: 8 và một điệp khúc đáng nhớ nhất của Hoàng Kim) . Là luôn luôn làm chứng cho lòng tin Chúa Sống Lại. Không phải chỉ bằng cái chết như khi tử đạo. Mà còn bằng cả cuộc sống. Không sống như chỉ có tiền tài, lạc thú, quyền lực, danh vọng, như chỉ thấy những gì ngay trước mắt và cũng chỉ thấy cuối cùng là nỗi chết. Mà sống với thái độ, những lựa chọn của kẻ tin, nhìn và thấy sự sống, sự sống lại và sự sống đời đời. Kitô hữu ngày nay vẫn “mau mau đi nói” chí ít là với niềm vui bất tận luôn toả sáng trên nét mặt và trong nếp sống. Tin Chúa Kitô Sống Lại thì cũng trực giữ ánh sáng Niềm Vui ấy giữa thế gian và cho thế gian như ngọn hải đăng cần thiết nhất.


Và ngày nay Chúa Kitô Sống vẫn tiếp tục hẹn gặp với từng kẻ tin, với tất cả các tín hữu, anh em của Ngài. “Vì đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đó giữa họ” (Mt 18: 20). Lời cuối cùng của Chúa Sống Lại trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu là lời xác quyết: “Và này Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28: 20).Gia đình hình thành từ lòng tin và trong lòng tin (Bí Tích Hôn Nhân) thì cũng là điểm hẹn thường xuyên với Chúa Sống Lại trong mọi quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, giữa anh chị em chứ không riêng gì trong một lúc họp mặt cầu nguyện. Chúa Sống Lại đã “đi trước các môn đồ tới Galilê” (Mc 16: 7), bây giờ Ngài cũng đợi sẵn chúng ta nơi từng con người xung quanh chúng ta, nhất là những con người khốn khổ nhất: đến điểm hẹn này, chúng ta không còn thấy Ngài như các môn đồ đã thấy ở Galilê nữa, nhưng vẫn được gặp chính Ngài. Điểm hẹn ‘đỉnh cao’ là Tiệc Thánh Thể, nhất là ngày Chủ nhật, “Ngày của Chúa” , Đức Yêsu Kitô Phục Sinh. Khi Kitô hữu đến nhà thờ không phải để ‘xem lễ’, để làm ‘nghĩa vụ’, để… trả nợ hay để giữ đạo gốc…cây, nhưng là để họp – ăn – mừng Chúa Sống Lại. Không đâu bằng trong Thánh Lễ, Hội thánh công bố Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua từng lời chào của vị chủ tế: “Chúa ở cùng anh chị em” là chính Chúa Sống Lại. Qua lời cộng đoàn tuyên xưng Chúa đã Sống Lại”. Lời chúc “bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” là chính lời chào của Chúa Sống Lại mỗi lần “đến, đứng giữa” các môn đồ” :”Bình an cho anh em” (Lc 24: 36; Ga 20: 19-, 21, 26). Bình an này đích thị là bình an của Đấng “đã thắng thế gian” “để lại” như một bảo chứng bất diệt (Ga 17: 33; 14: 27). Trong Tiệc Thánh Thể, Chúa Sống Lại vẫn “vào bàn” với cộng đoàn phụng vụ ngày nay như với hai môn đồ đi Emmau xưa kia. Và bánh được bẻ ra trao cho chúng ta cũng là bánh đã được bẻ ra trao cho họ: chúng ta được hiệp nhất với chính Chúa Sống Lại.


Halleluia! Ngài đã sống lai. Hãy mau mau đi nói… và hẹn gặp lại, Chúa Kitô không chỉ hôm qua mà còn là hôm nay và ngày mai. Cho tới khi Ngài lại đến. Kitô hữu nhìn và thấy Yêsu Kitô là Sự Sống và là sự Sống Lại, là Chúa. Halleluia!


Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bà cùng một dạng, xin mời vào:

www.duyeniemloingai.blogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Saturday 27 March 2010

Lm Matthêu Vũ Khởi Phụng CSsR: CHÚC TỤNG CHÚA CỨU THẾ.


Chúa Nhật Lễ Lá

(Lc, 19, 28 – 40)


Tình người tráo trở xót xa thôi.
Vừa mới hoan hô đả đảo rồi.
Hôm trước lót đường mừng Chúa đến

Hôm sau lột áo đánh tơi bời.
LỄ LÁ mỗi năm đến một lần.

Kỷ niệm Chúa cứu chuộc muôn dân.
Nhắc nhở ta trở về cùng Chúa.

Xưng tội Rước Lễ chớ ngại ngần.
Lạy Đấng Tình Quân của lòng con.
Có tình yêu nào cao quí hơn.

Là chết cho người mình yêu mến.

Con nguyện yêu Chúa hết lòng son.
Trời nắng có lúc trời lại mưa.
Con đây cư xử giống người xưa.
Hôm nay sốt sáng đi dâng lễ.
Ngày mai nguội lạnh bỏ nhà thờ...

Friday 26 March 2010

Lm Richard Leonard sj: Sạch Như Một Lần Sự Thật


Hãy mở cửa trái tim. Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

Trong sạch như một lần sự thật.

(thơ Thanh Tâm Tuyền – Phục Sinh)

Sống Lại, sẽ chẳng mang nhiều ý nghĩa, nếu không ai chịu “mở cửa trái tim”. Mở trái tim, để đón nhận Tin Vui An Lành về mộ phần trống vắng, có Phục Sinh. Phục sinh, là thực tế Tin Mừng kết-hậu. Kết hậu và “mở trái tim” là Tin Mừng đem đến với các “tâm hồn vừa sống lại, thành trẻ thơ”. Tâm hồn trẻ thơ. Rất trong sạch. Như Sự Thật. Sự Thật Cứu Rỗi. Sự Thật đã Sống Lại, theo trình thuật, của thánh Yoan.

Trình thuật Sống Lại hôm nay, là lời chứng rất thật của vị tông đồ “được Chúa yêu thương”, nhanh chân hơn cả vị niên trưởng, rất hăng say. Trình thuật Sống lại, được trân trọng mừng kính từ nhiều thế kỷ. Mừng cả vào lúc người phàm phương Tây bày trò lễ hội “Easter” nhảy múa ăn chơi mừng đón thần Eostre, có thỏ Bunny tung tăng “đẻ trứng”. Có sô-cô-la, bánh trái, rất phàm trần. Lễ hội Phục Sinh mừng thần Eostre chẳng vượt trội lòng tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa, đã hoàn thành.

Trên tất cả, Phục sinh – Sống lại, vẫn là và chỉ là: Sự-kiện-có-một-không-hai trong lịch sử lòng tin, nơi Hội thánh. Tin vào ơn cứu độ đã chứa chan nơi Người. Tin rằng: Đức Chúa Phục Sinh nay trở về hoà mình với Ba Ngôi Thần Thánh. Vốn đã Phục sinh, Ngài nay trở về với vòng tay hân hoan mãn nguyện của Chúa Cha. Có sự hài hoà đồng thuận, của Thánh Thần Chúa, rất Ngôi Ba.

Tín lý nền tảng về Ngày Sống Lại của Đức Chúa, đã được thánh Luca ghi trong “Công Vụ Tông Đồ”, với xác định của vị chứng nhân bằng xương bằng thịt, là thánh cả Phêrô. Thánh nhân quả quyết: Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy và xuất hiện trước mặt những nhân chứng mà Thiên Chúa tuyển chọn từ trước, là chúng tôi” (Cv 10: 37-43).

Và, lời xác nhận của thánh nhân còn được hỗ trợ thêm bằng một quả quyết của thánh Phaolô, nhà thần học trụ cột của Hội thánh, rất thân thương, như: “Anh chị em đã chết. Và, sự sống mới của anh chị em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa, những kẻ được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cl 3: 3).

Dưới cặp mắt của đời thường, hồi thế kỷ trước, Đạo Chúa đã thuần hoá các tập tục cùng lễ hội của địa phưong bên Tây. Thuần thục, rồi biến chúng thành các hội lễ cho riêng mình. Dưới mắt đức tin nhà Đạo, Tân Ước đã ghi chú những hai truyền thống, chứng minh rằng: đồ đệ của Đức Chúa đã hiểu rõ việc Ngài sống lại. Trước nhất, là: sự kiện mộ phần để trống; và kế đến: việc Đức Kitô lại đã xuất hiện, sau khi chết.

Trình thuật hôm nay, nhấn mạnh khá nhiều truyền thống thứ nhất “mộ phần trống vắng”, có Maria Magdala hốt hoảng khi phát hiện ra xác Thầy bị mất tích. Có đồ đệ thân yêu vội lùng tìm. Nhưng, trình thuật còn xác định: sự kiện Phục sinh là nền tảng niềm tin cho mọi người. Nền tảng ấy, là sự cứu rỗi. Không có Phục Sinh, công trình cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ chẳng thành hiện thực. Cũng chẳng tốt đẹp, như bao giờ.

Phục Sinh, thường được người đời hiểu như một chuyển đổi về thể trạng xác phàm, nơi sự sống. Sự sống ấy không còn mang thân xác hít thở, nhưng vẫn có dáng hình của xác thân, để Đấng Nhân Hiền Phục Sinh tàn hình, ở nhiều chỗ. Không phải thế. Phải hiểu Phục Sinh theo chiều hướng của lịch sử cứu rỗi. Tức, một biến đổi linh thiêng rất toàn diện, và đích thực. Biến đổi triệt để chính con người trước đây đã mang xác phàm tội lỗi, khiếm khuyết. Phục Sinh rồi, Thân xác thiêng liêng linh đạo ấy, nay về với sinh họat mới. Về với chính sự sống của Thiên Chúa, rất Ba Ngôi.

Phục Sinh, là sự cất nhắc thực thể rất sống của con người toàn diện có phần linh thiêng lẫn xác phàm, rất mới. Có cả lịch sử và vũ trụ để về với vinh quang miên trường, của Đức Chúa. Nói cách khác, Đức Giê-su Phục Sinh nay không còn sinh họat như thuở trước. Khi Ngài còn ở với đồ để, hoặc chúng nhân. Ngài không còn trực diện rao giảng cho con người, bằng xương bằng thịt, nữa. Không sinh hoạt, hành xử như thân xác phàm trần, Ngài đã và vẫn sinh hoạt như Ngôi Vị trong toàn thể bản vị của Đức Chúa, rất Ba Ngôi.

Tham dự tiệc thánh mừng kính Đức Chúa Phục sinh, ta cầu mong cho mọi kẻ tin biết cảm nhận thông điệp Sống lại, rất Cứu độ. Cảm nhận qua động tác chuyển đổi, rất triệt để. Rất thâm căn. Chuyển đổi và thanh lọc từ căn bản con người, của mỗi người. Cầu và mong, ta vẫn giữ truyền thống của người xưa. Truyền thống, là: thay vì liệng bỏ bánh miến cú dính sẵn lớp men đã dậy lên; nhưng, là: bỏ cả thành phần xác hồn nào chưa hài hoà hiệp thông với ơn Cứu độ Phục Sinh.

Cầu và mong, tất cả chúng ta thực hiện được điều thánh Phaolô đề xuất nơi bài đọc: hãy trỗi dậy cùng với Đức Kitô , và tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, mà thôi. Qua rong ruổi kiếm tìm những gì thuộc thượng giới như thế, ta hãy cùg nghệ sĩ rất nhà Đạo, hát ca mừng Chúa Sống lại, với lời thưa:

Làm sao dám mơ rằng có,

Một tình yêu sẽ không phai nhoà

Một Mùa Xuân không tàn úa,

Người yêu ấy không buồn nhớ,

Mùa xuân ấy cũng qua đi rồi

Cuộc tình xưa nay đã lỡ,

Còn gì nữa đâu mà mong chờ.

Mừng vui lên anh ơi!

Cha cứu tinh nhân trần

Đã sống lại thật rồi,

Loan báo tin vui

Giòng đời này sẽ trôi qua,

Tiếng khóc sẽ không còn

Thế giới sẽ vui mừng,

Hát chung bài ca.

(Thành Tâm – Làm sao dám mơ)

Vâng, thật rất vui mừng. Nếu không có Phục sinh,làm sao thành tựu ơn cứu độ. Ơn Cứu độ không có Phục Sinh, làm sao loài người lại dám mơ. Mơ về Sự thật. Sự thật trong sạch như trẻ thơ. Trong sạch vì “đã dám mở trái tim”. Tim của những tâm hồn vừa sống lại. Sống lại thành trẻ thơ. Như đã mơ.

Lm Richard Leonard sj

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Trần Ngọc Báu: Tìm hiểu về Phim The Passion of Christ

TÌM HIỂU VỀ CUỐN PHIM CỦA MEL GIBSON « CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KITÔ »

Cuốn phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” (The Passion of the Christ), do nhà đạo diễn Mel Gibson thực hiện, được đem chiếu tại 4000 rạp ở Mỹ kể thứ tư Lễ Tro Mùa Chay năm nay (25/02/04) và cũng đã được chiếu tại 600 rạp ở Pháp kể từ thứ tư 31/03/04 trước Chúa Nhật Lễ Lá, và từ đó còn chiếu ở nhiều nước Au Châu khác. Ngược lại với những lời đồn đoán, cuốn phim của Mel Gibson đã thành công ngoài sức tưởng tượng, phá kỷ lục thế giới về số người xem và có thể phá kỷ lục thế giới về thu nhập. Chính sự thành công này đã trấn áp dần những lời dèm pha, đả kích của dư luận ồn ào lúc ban đầu.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên có cuốn phim nói về cuộc đời Chúa Giêsu, mà kể từ năm 1902 đã có đến 15 cuốn[1], kể cả những phim câm của Zecca et Nonguet (1902), Antamoro (1914) và Wiene (1925). Mỗi nhà đạo diễn có cách nhìn của mình về Chúa Giêsu, có khi rất «trần tục» như Martin Scorsese. Cách nhìn của Mel Gibson đã gây nhiều tranh luận sôi nổi và gay gắt nhất, đang khi lại được lòng đa số người kytô-giáo mộ đạo vì nó tường thuật khá sát tình tiết cuộc tử nạn của Chúa Giêsu theo 4 quyển Phúc Am và theo truyền thống tin tưởng trong dân gian qua nhiều thế kỷ trước đây. Điều đáng ghi nhận ở đây là Giáo hội Tin Lành «Evangéliste» của Mỹ, một giáo phái bảo thủ, rất nhiệt liệt hoan nghênh và cổ võ cho cuốn phim này qua những hình thức quảng cáo và chiêu hàng rất Mỹ… Mời quí độc giả, đặc biệt là giới trẻ ít có dịp ngắm Đàng Thánh Giá, tìm hiểu những gì nhà đạo diễn nhắn gởi trong cuốn phim này.

12 GIỜ CUỐI ĐỜI 1 NHÂN VẬT LỊCH SỬ: GIÊSU NAZARÉT

Mel Gibson là một tín hữu công giáo rất sùng đạo, sùng đạo theo truyền thống trước Công Đồng Vaticanô 2, và có lòng tin mạnh mẽ nơi Mầu Nhiệm Thập Giá. Ong quyết tâm thực hiện cho kỳ được cuốn phim diễn lại sự thương khó Chúa Giêsu xảy ra trong vòng 12 tiếng đồng hồ cuối đời Người, trên một đoạn đường dài chừng 4-5 cây số tính từ Vườn Cây Dầu đến Núi Sọ, xuyên qua các nơi Chúa bị xét xử bởi các vua quan thời bấy giờ. Là nhà đạo diễn, Mel Gibson không thể làm công việc giảng đạo, mà chỉ cốt dùng kỹ thuật điện ảnh dàn dựng lại một sự kiện lịch sử đúng theo nội dung Phúc Am kể lại, với vài nét chấm phá thêm thắt để làm nổi bật quan điểm của ông. --Quả vậy, ông có thêm thắt vài chuyện đáng kể, chẳng hạn như đồng hóa bà Maria Mađalêna làm một với người đàn bà ngoại tình, hay đặt để Thầy Cả Thượng Tế Caipha có mặt trong suốt cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Chính vì muốn làm phim theo chủ trương hiện thực (réalisme) này mà Mel Gibson bị những người Mỹ gốc Do Thái và nhiều giới khác đả kích kịch liệt. Bởi vì hiện thực của Phúc Am «theo Mel Gibson» là hiện thực của Niềm Tin của ông, còn hiện thực của lịch sử là hiện thực «khoa học», tuy khoa lịch sử vẫn còn rất nhiều giới hạn của nó. Cho rằng Mel Gibson chủ trương lấy lý do làm lịch sử để bài Do Thái, giới tài phiệt Do Thái Mỹ, đang nắm quyền sinh sát của giới điện ảnh Hollywood và hầu hết các rạp chiếu phim ở Mỹ, có thể cản trở việc chiếu phim này, nếu lôi kéo được dư luận về phía họ.

Nhưng Mel Gibson không phải là tay vừa; ông là người có thế lực vào hàng thứ 5 trong số 100 người có ưu thế tại Hollywood. Ông tự bỏ vốn ra thực hiện cuốn phim theo những dữ liệu ông viết chung với Benedict Fitzgerald. Biết rằng càng ra sức diễn đạt một cách càng cường điệu «mầu nhiệm» tử nạn của Chúa Giêsu, thì càng làm cho mầu nhiệm này trở nên lố bịch dưới con mắt của khán giả vô đạo hoặc hời hợt thôi. Cho nên Mel Gibson cũng cố gói ghém sao cho cuộc khổ nạn được trần thuật một cách linh động và sát thực theo quan điểm người có lòng đạo, với những màn vu khống, tố cáo, áp lực, đánh đập và vác thập giá đầy máu me thảm khốc như đã được thuật lại, và để lại cho khán giả cái quyền đánh giá và thưởng ngoạn.

Thực vậy, tất cả cuốn phim dài 2 tiếng đồng hồ chỉ nhằm làm sống lại trước mắt biến cố tử nạn của Chúa Giêsu đã xảy ra 2 ngàn năm về trước, với những nhân vật đương thời nói tiếng địa phương «aramêen» và nói tiếng «latinh» của người La Mã (với phụ đề bằng tiếng Anh). Cuộc diện xảy ra tại Jérusalem vào mùa lễ Vượt Qua của năm 30 Công Nguyên, trong khi xứ Palestine bị đăt dưới quyền thống trị áp bức của Đế Quốc La Mã do quan Tổng Trấn Philatô cai trị với bàn tay sắt, và các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng như dân chúng Do Thái lúc bấy giờ đang mong chờ một Đấng Cứu Thế đầy uy quyền đến giải phóng dân tộc họ. Chúa Giêsu chẳng những không đáp ứng sự mong chờ ấy, mà chỉ rao giảng Tin Mừng «Nước Chúa» gần đến và kêu gọi dân chúng sám hối, cải thiện đời sống tâm linh, thực hiện lòng yêu thương, tha thứ và phục vụ tha nhân. Do đó, Chúa Giêsu đã gây nhiều ngộ nhận và xúc phạm nơi họ, nên họ quyết tâm kết án Người phải chết.

Dùng kỹ thuật «hồi cảnh» (flashback) thoáng xen kẽ vào cuộc thương khó, Mel Gibson khơi lại vài hình ảnh đầy ý nghĩa về cuộc đời của Chúa Giêsu kể từ khi làm người thợ mộc tầm thường ở thành Nazarét, xứ Palestine, cho đến bữa tiệc ly cuối cùng gói ghém trọn tâm tình của Người trong những lời «trăn trối» để lại cho hậu thế. Tuy nhiên, Mel Gibson không hề gợi lại một hình ảnh nào của Chúa Giêsu được dân chúng tôn thờ là nhân vật siêu phàm xuất chúng, có lần tỏ mình ra sáng láng trên núi Tabo, từng làm nhiều phép lạ vang dội khắp nước và thu hút đông đảo quần chúng đi theo sùng bái như một Đấng Cứu Tinh của dân tộc Do Thái và sẵn sàng suy tôn Người là Vua. Chúa Giêsu của Mel Gibson là một con người có xương thịt, biết rung cảm và đau khổ như mọi người, chịu chết thảm thương như con chiên hiền lành do lòng độc ác của con người gây ra, đúng như lời tiên báo của Ngôn Sứ Isaia: «Chính người phải chịu đâm thấu vì tội lỗi chúng ta, bị nghiền nát vì tội ác chúng ta; người chịu thương tích để chúng ta được lành mạnh» (Is. 53, 5). Đây chính là chủ đề của cuốn phim được Mel Gibson đặt dưới tựa đề « Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô ».

VƯỜN CÂY DẦU : MỘT VƯỜN ĐỊA ĐÀNG MỚI !

Biết mình sắp bị phản bội và hãm hại một cách tàn bạo đến chết, Chúa Giêsu run rẩy và xao xuyến bồi hồi, nỗi đau buồn và hãi hùng hiện rõ trên nét mặt trước con mắt ngơ ngác khó hiểu của ba người môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Xuất hiện trong hình hài một người lại-cái, quỷ Satan hiểm độc tìm cách lung lạc quyết tâm thi hành sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu, đang khi Người bị bấn loạn tâm thần, đơn độc phấn đấu trước cái chết quá tàn nhẫn. Người kêu cứu: «Lạy Cha, xin cứu con khỏi cậm bẫy này.» Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã cố gắng vượt thắng được cơn thử thách, đạp dập đầu con rắn độc lân la đến bên Người, và dốc lòng tuân phục thánh ý Chúa. Sấp mình xuống đất, Người tha thiết nguyện cầu : «Lạy Cha, nếu được xin cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha.»

Mel Gibson muốn nhấn mạnh đến cơn cám dỗ dữ dằn này để nói lên hình ảnh một con người tuyệt đối tuân phục ý Thiên Chúa nơi Vườn Cây Dầu, tương phản hoàn toàn với hình ảnh một con người Ađam, nguyên tổ của loài người, nghe lời con rắn độc mà bất tuân lệnh Thiên Chúa nơi Vườn Địa Đàng. Nhờ một Ađam Mới là Chúa Giêsu, đất trời được giao hòa lại nơi Vườn Địa Đàng Mới này. Đó chính là sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu: vâng theo ý Chúa Cha, chấp nhận cái chết do lòng độc ác của con người, để đánh động lòng người nhận biết mình có lỗi với Chúa và trở lại làm hòa với Ngài. Thực ra, cái chết tự nguyện của Chúa Giêsu không phải là chiếc đũa thần hóa phép cho con người tự nhiên trở nên thần thánh, nhưng là tiếng ray rứt mời gọi mọi người trong mọi thời đại hãy thức tỉnh, thành tâm sám hối, trở về thần phục Thiên Chúa. Vấn đề là con người có biết mình là kẻ tội lỗi vì đã xúc phạm đến Người Công Chính, và có chỗi dậy trở về nhà Cha hay không thôi. Nếu không, Ơn Cứu Độ sẽ trở nên vô ích với họ. Nói cách khác, Chúa Giêsu chịu chết để con người tội lỗi được sống lại trong sự hòa thuận với Thiên Chúa và anh em mình.

Quả vậy, nơi Vườn Cây Dầu, vào lúc quân lính của Thượng tế Caipha ập đến bắt Chúa Giêsu, Phêrô rút gươm ra chém xối xả vào họ, và đã thực sự chém đứt vành tai mặt một người lính. Tức khắc, Chúa Giêsu nghiêm khắc lên tiếng cấm ông bạo hành, chữa lành tai người lính ngỡ ngàng, và tự nộp mình cho quân lính trước sự sững sốt của các môn đệ bỏ chạy tán loạn. Từ giây phút ấy trở đi, Chúa Giêsu chịu đựng mọi sự sỉ nhục, cực hình tàn khốc, không một lời than trách hay oán hận. Trả lời quan Trấn Thủ Philatô, Chúa Giêsu xác nhận Nước Người không thuộc về thế gian, và Người không chủ trương dùng đến bạo lực để tự vệ. Trên cây thập giá, để đáp lại lời thách thức độc ác của vị Thượng Tế Caipha và các Đầu Mục rằng «nó đã cứu được người khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô», Chúa Giêsu nguyện rằng: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ kkhông biết việc họ làm». Được hỏi, nhà đạo diễn Mel Gibson trả lời rằng ông mong muốn cuốn phim này dấy động lên Niềm Tin, khuyến khích con người theo gương Chúa Giêsu biết sống yêu thương và tha thứ cho nhau. Ong nói: «Cuốn phim này sẽ đem con người xích lại gần nhau hơn, không kích động bạo hành và thù hận» như nhiều người lầm tưởng hay cố tình xuyên tạc.

THƯỢNG TẾ CAIPHA QUYẾT ĐÒI ÁN PHẠT THẬP GIÁ

Về đến Dinh Thượng Tế Caipha, nơi nhóm họp của Thượng Hội Đồng Đầu Mục, Ký Lục và Thầy Cả, Chúa Giêsu bị một số người Do Thái tố cáo đủ điều, vu khống, mạ lỵ là người kích động dân chúng nổi loạn, đòi đập phá Đền Thờ, giảng dạy những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan. Thượng tế Caipha gài bẫy bằng cách hạch hỏi: «Giêsu Nazarét, hãy nói ta nghe ngươi có phải là Con Thiên Chúa không?». Chúa Giêsu không tránh né cậm bẫy và từ tốn đáp lại: «Đúng vậy, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự giá từ trên mây trời mà đến.» Tức khắc, vị Thượng Tế liền xé áo mình ra và nói: «Hắn nói phạm thượng, chúng ta cần gì nhân chứng nữa! Hắn đáng tội phải chết!».

Thế là vào lúc trời hừng sáng, cùng một số Thượng Tế và Đầu Mục trong Giáo Hội, Thượng Tế Caipha dẫn đầu đoàn người điệu Chúa Giêsu đến Dinh Tổng Trấn La Mã, nhất định áp lực Philatô phải tuyên án tử hình thập giá cho Chúa Giêsu, viện lý Người xưng mình là Vua Do Thái với ý đồ dấy loạn chống triều đình La Mã. Biết rằng chỉ có quan Tổng Trấn mới có quyền xử án tử hình và biết rằng Philatô rất sợ dân chúng nổi loạn, nhất là vào dịp lễ Vượt Qua có đông đảo quần chúng tụ tập về Jérusalem, nên Thượng Tế Caipha cùng với đám đông, được kích động căm thù, ào ào hò hét từng chập: «Đóng đinh nó vào thập giá!» Là một nhà chính trị thâm độc và khôn khéo, Philatô ra lệnh phạt đòn Chúa Giêsu để làm dịu tình hình. Không xong, ông ra lệnh hành quyết Người trên thập giá. Ong không ngần ngại cho treo bản án trên đầu thập giá: «Giêsu Nazarét, Vua Do Thái».

Như vậy, cuốn phim của Mel Gibson cố tình cho thấy đậm nét lòng dạ thâm độc của một số nhà lãnh đạo cao cấp Giáo Hội lúc bấy giờ. Trong suốt cả cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Thượng tế Caipha cùng phái đoàn tùy tùng, với nét mặt đanh thép đầy đố kỵ và căm thù, đã có mặt đầy đủ để chứng kiến tận mắt những màn hành hạ, nhục mạ, dày xéo, đánh đập tan nát thân mình đầy máu me của Chúa Giêsu, và những cảnh khổ nhục kéo dài một cách tàn nhẫn từ Dinh Tổng Trấn dọc theo con đường vác thập tự cho đến Núi Sọ. Các ngài Thượng Tế ngồi chễm chệ trên lưng lừa thị sát tình hình, đang khi Chúa Giêsu kiệt sức vì đòn bọng mà còn phải vác thập giá lê lết chập choạng, té lên té xuống đến sáu lần, giữa tiếng hò hét sôi nổi của dân chúng, kẻ xúc động, người hùa theo. Thượng tế Caipha và đoàn tùy tùng cỡi lừa lên đến tận nơi và ở lại trên Núi Sọ cho đến giây phút cuối cùng để chắc chắn thấy tận mắt Chúa Giêsu đã chết thật, rồi mới chịu rút về.

Quả là người La Mã đã đóng đinh Chúa vào thập giá, nhưng người Do Thái mới đích thực đã là kẻ giết Chúa. Mel Gibson không sợ người Do Thái ngày nay hung hăng phản bác và lên án ông về cái tội bài Do thái, bởi ông không hề lên án toàn dân Do Thái lúc bấy giờ cũng người Do Thái ngày nay là kẻ giết Chúa, và cuốn phim của ông cũng không gây nên sự kỳ thị hay căm thù người Do thái vô tội ngày nay. Cứ thăm dò dư luận khán giả thì biết. Ngược lại, cuốn phim đề cao sự hòa giải, hòa hợp, theo gương của Chúa Giêsu. Đây là cuốn phim nói về sự đau khổ, tình thương và tha thứ, theo lời Mel Gibson.

Về điểm này, Đức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ của Tòa Thánh Vatican, có nói : «Tôi cũng đồng ý với Maia Morgenstern, nữ tài tử đóng vai Đức Mẹ Maria trong phim, chính cô cũng là con gái của một người sống sót sau cuộc tàn sát người Do Thái (trong Thế Chiến thứ 2). Cô nói cuốn phim không những không bài Do Thái, mà còn «tố cáo sự điên cuồng của bạo lực và tàn ác». (….) Công Đồng Vatican 2 đã bác bỏ quan niệm cho rằng người Do Thái phải chịu trách nhiệm tập thể về cái chết của Đức Giêsu. (….) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã gọi người Do Thái là “người anh em” của chúng ta. (….) Và chúng ta nên tiếp tục sự nghiệp biểu dương lòng bao dung tôn giáo và bảo đảm rằng tôn giáo hay chủng tộc sẽ không bao giờ đuợc sử dụng làm chiêu bài cho sự kỳ thị, hận thù và bạo lực.»

PHÊRÔ VÀ JUĐA VẪN LÀ NHỮNG CON NGƯỜI TỘI LỖI

Cùng là môn đệ theo chân Thầy suốt ba năm rao giảng và được Thầy dạy dỗ tận tình, Juđa vẫn ôm ấp ảo mộng được thấy ngày Thầy dùng quyền lực thần thánh của mình để giải phóng dân tộc Do Thái. Còn Phêrô thì đã có lần hăm hở tuyên xưng Thầy là Đấng Cứu Thế và được Thầy tin cẩn giao trách nhiệm làm trưởng nhóm 12 môn đệ. Thế mà mỗi người môn đệ ấy vẫn ôm ấp tham vọng và hoài bão riêng của mình. Mãi đến những giờ phút chót cuộc đời Chúa Giêsu, hai người môn đệ này vẫn không hiểu gì về sứ mệnh của Thầy mình, mà lại còn sẵn sàng phản bội Người nữa.

Phêrô, sau khi hung hăng chém loạn xạ, làm đứt vành tai một người lính và bị Chúa Giêsu khiển trách ở Vườn Cây Dầu, đã lẩn vào đám đông, ngơ ngác đi theo Thầy từ xa đang khi toán quân điệu Chúa Giêsu đến Dinh Thượng Tế Caipha. Dọc đường cũng như tại Dinh, Phêrô đã mở to mắt ra chăm chú nhìn tận mặt cảnh Thầy bị bọn người vô tâm hành hạ, sỉ nhục, đánh đập không thương tiếc. Bàng hoàng, Phêrô cảm thấy ê chề, chán nản, thất đảm; đầu óc căng thẳng, rối rấm, chẳng hiểu tại sao Thầy phải chịu đọa đày đến như thế. Bao giờ «Nước Trời» của Thầy mới thực hiện…?! Khi thấy Thượng Tế Caipha xé áo ra và lớn tiếng tuyên bố Thầy mình phải chết, và vào lúc tình hình sôi động do đám người xu nịnh nhào ra đấm đá hỗn loạn vào Chúa Giêsu, Phêrô thấy rõ Thầy mình sẽ không thể thoát nạn được nữa rồi, nên ông cũng chỉ còn cách là tìm phương lẩn trốn đi thôi.

Xui xẻo cho Phêrô, cùng lúc ấy có người thứ nhất, rồi đến người thứ hai và một nữ tì là người thứ ba đã nhận ra ông là đồ đệ của Chúa Giêsu. Phêrô tránh né không được nên hốt hoảng chối dài 3 lần: «Tôi thề không biết người đó là ai.» Liền khi ấy, Chúa Giêsu chăm chú nhìn Phêrô và Phêrô bất chợt bắt gặp ánh mắt của Người. Phêrô bỗng nhớ lại trong bữa tiệc ly đã thưa cùng Thầy: «Con có thể đi theo Thầy ngay bây giờ mà. Con xin theo Thầy, dù phải đến chốn lao tù, cho đến chết.» Bấy giờ Chúa Giêsu đáp: «Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thầy bảo thật khuya nay gà chưa gáy, anh đã chối Thầy đến ba lần!» Nhớ đến đó, Phêrô rùng mình bỏ chạy, nức nở khóc, và quì xuống khi gặp Mẹ Maria trong đám đông gần đó, ông than thở khóc lóc: «Mẹ ơi , con là kẻ thật bất xứng! con đã chối Thầy 3 lần!» Nhờ cái nhìn thấu suốt tâm can của Thầy, Phêrô đã tỉnh ngộ và ăn năn sám hối đến suốt đời mình.

Còn Juđa, khi Chúa Giêsu đang toát mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu, Juđa lò dò đến gặp Thầy Cả Thượng Tế Caipha để thậm thụt lãnh 30 đồng bạc hầu điềm chỉ Thầy mình, chắc với hy vọng Thầy sẽ có đủ quyền lực để thoát nạn và mình sẽ thênh thang vung vít với số tiền lớn ấy. Đến nơi, thấy Thầy sẵn sàng tự nộp mình, Juđa định rút lui tẩu thoát, nhưng đã bị bọn lính tóm giữ lại. Buộc lòng, Juđa đành bước đến hôn Thầy để làm dấu cho quân lính đến bắt Người. Chúa Giêsu từ tốn quở nhẹ: «Juđa, anh nở bán Thầy bằng nụ hôn sao!» Liền sau đó, Juđa kinh hoàng nhìn thấy quân lính nhào vô trói ké Thầy mình với sợi dây thừng và lôi đi như một kẻ tội phạm đến Dinh Thượng Tế Caipha.

Bất mãn, Juđa ngồi xuống một gốc cây bên dưới bờ tường, nơi mà toán quân đang lôi kéo Chúa Giêsu đi ngang qua. Họ đánh đập Người tàn nhẫn và xô đẩy Người nhào qua bờ tường rơi xuống sát mặt đất, treo lơ lửng bằng sợi dây thừng cột nơi thắt lưng. Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu nhìn chăm chú Juđa và Juđa cũng ấm ức nhìn lại Người. Sau đó, khi quân lính kéo Chúa Giêsu lên và điệu Người đi, Juđa cũng lò dò đến Dinh Caipha, núp sau cây cột xem xét sự tình ra sao. Cũng như Phêrô, Juđa sững sờ trước thủ đoạn dàn dựng một «tòa án nhân dân» bịp bợm, gian dối tố cáo và lên án Thầy mình, và cảm thấy nhục nhã khi thấy Thầy chịu để cho người ta sỉ vả, lăng nhục, đấm đá tàn nhẫn như một kẻ tội phạm. Juđa không còn tin tưởng gì ở người thầy nhu nhược và đốn mạt ấy. Như thế thì làm sao Thầy có thể xây dựng vương quốc mình được. Tất cả hoài bão của Juđa tiêu tan hết rồi! Nhóm Thượng Tế kéo vào trong Dinh sau khi diễn xong màn lên án bỉ ổi này. Cùng lúc ấy, cũng như Phêrô, Juđa biết Thầy không thoát nổi cậm bẫy. Ấm ức quá, Juđa xông vào trong Dinh, gặp Caipha, đòi trả tự do cho Thầy mình và giận dữ ném trả lại túi tiền dính máu người công chính.

Quả vậy, Juđa rất bất mãn, chán chường. Ông ra ngồi bên ngoài Dinh, cố tìm cách trấn tỉnh, nhưng vẫn bị lương tâm cắn rứt, dằn vặt, xăm xỉa, như hình ảnh đám quỉ con do Mel Gibson gài vào để chọc phá ông. Tràn ngập bởi cơn thất vọng dày vò xâu xé tâm can, Juđa bỏ chạy trối chết ra ngoài đồng cát vắng, mà vẫn bị tiếng nói lương tâm như đám quỉ con đuổi theo sỉ vả. Không như Phêrô, Juđa hoàn toàn mất tin tưởng nơi Chúa Giêsu, tuyệt vọng và không còn thiết sống nữa. Nhìn thấy sợi giây thừng buộc xác rã thối của con lừa (có thể chính đó là con lừa đã được Chúa Giêsu cỡi vào thành Giêrusalem giữa tiếng hoan hô vang đậy của dân chúng hôm chủ nhật trước) mà Mel Gibson muốn dùng để ám chỉ hình ảnh rữa thối của tâm hồn Juđa lúc bấy giờ, Juđa liền lấy giây đó để treo cổ mình trên cành cây gần đó. Cùng một cảnh ngộ lỗi lầm như Phêrô, nhưng lòng Juđa chai đá đến mức không thể hiểu được và chấp nhận nỗi cái nhìn thấu suốt tâm can của Chúa Giêsu! Phêrô tiếp tục sống trong tình nghĩa Chúa, Juđa đành thắt cổ chết tức tưởi!

KHÔNG THIẾU NHỮNG TẤM LÒNG BIẾT THỔN THỨC

Hình ảnh con quỷ Satan đội lốt một người lại-cái vẫn len lỏi đeo đuổi suốt hành trình cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ Vườn Cây Dầu cho đến Núi Sọ, để tìm cách hãm hại người ta và phá hoại công trình cứu độ của Chúa. Nó thoáng hiện ra với Juđa, như để xúi dục Juđa mất niềm tin nơi Chúa Giêsu. Nó xuất hiện bên vị Thượng Tế Caipha, như xúi dục ông cứng lòng đang khi chứng kiến cảnh tượng Chúa bị đòn bọng tắm máu tan tác. Nó nắm chặt Philatô trong vòng tay, như bồng ẵm một em bé Philatô cằn cỗi. Nó lẩn vào đám đông hò hét đòi đem đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá. Và cứ thế nó tìm cách đột phá, cho đến khi Chúa Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá sau khi đã toàn thắng cái chết bằng sự vâng phục của Người đến giọt máu cuối cùng và nói: «Mọi sự đã hoàn tất», con quỷ Satan đã bị quây cuồng và tan biến vào đáy sâu của vực thẳm.

Tuy vậy, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không chỉ mang một màu sắc ảm đạm u buồn, mà trái lại đã làm bừng lên những nét tươi sáng làm mát lòng người. Bởi những khổ đau mà Chúa Giêsu vô cớ phải gánh chịu là cốt để đánh thức được lương tri người tội lỗi, lúc bấy giờ cũng như mãi mãi về sau. Chẳng hạn, trong số vài thượng tế có mặt đêm ấy, vẫn có ông dám lên tiếng phản đối âm mưu đen tối, thậm thụt xét xử người trong đêm hôm, không có mặt toàn thể Thượng Hội Đồng. Bà Claudia vợ quan Trấn Thủ Philatô thì cứ mãi phập phòng lo sợ chồng mình phải nhúng tay váy máu người công chính, và cứ bám sát theo tình hình càng lúc càng trầm trọng thêm để cố can gián Philatô chớ giết người vô tội, một đấng thánh theo như lòng bà cảm thấy. Chính bà đã nhìn thấy Mẹ Maria đứng lặng người nhìn con mình bị quân lính La Mã dùng roi vọt, dây móc sắt đánh tan nát cả thịt da. Bà vội vàng kín đáo đem đến cho người mẹ đau khổ vài vuông vải trắng và thành khẩn xin người nhận lấy. Cuối cùng, Mẹ Maria đâu có được dùng khăn để lau cho con mình, mà lau máu me, da thịt con mình vung vãi nhầy nhụa trên sàn đá, sau khi bị đánh mềm nhũn người ra và bị lôi đi khỏi sân tiền đình.

Còn nữa, sau khi Chúa Giêsu ngã lần thứ ba, kiệt quệ đến mức không còn sức chỗi dậy được nữa, quân lính đành phải cưỡng bách một người qua đường là Simêon vác đỡ thập giá với Chúa Giêsu. Lúc đầu, từ chối không được, Simêon hết sức bực bội vì bỗng dưng bị vạ lây với người tử tội. Nhưng càng lúc ông càng tỏ ra có thiện cảm với Người. Chính Simêon là người ra sức hết mình vác thập giá đi hết nửa chặng đàng còn lại, đang khi Chúa Giêsu choàng cánh tay ngang qua bã vai ông, để được thập giá lôi đi theo bước chân vững chắc của ông. Đã thế, Chúa Giêsu còn té chúi nhủi thảm thiết đến 3 lần nữa, để rồi lại được lôi dậy cùng lê bước với Simêon. Mà mỗi lần té ngã như vậy là mỗi lần Simêon phải nai lưng gồng gánh sức nặng của thập giá để khỏi bổ nhào lên thân mình nhàu nát của Chúa Giêsu. Cũng chính Simêon đã phẫn nộ thét lên, hùng hổ can gián quân lính cứ tàn nhẫn đánh đập Chúa Giêsu lúc người gục ngã lần thứ tư để cố vực Người dậy, đang khi họ biết rằng Người đã kiệt sức quá rồi. Chính Simêon đã khuyến khích Chúa Giêsu «ráng lên đi, sắp đến nơi rồi, sắp xong rồi», con đường thương khó đã tới hồi kết thúc! Lên đỉnh đồi, chịu không nổi cảnh Chúa Giêsu ngã gục đến lần thứ sáu, ông nhìn thẳng vào mặt Chúa Giêsu thét: «Đến rồi. Thoát đi. Cút đi.» Ông rời bỏ đỉnh đồi trong vội vã như thoát được một cảnh man rợ hãi hùng…

BA GƯƠNG MẶT PHỤ NỮ THẮM THIẾT TÌNH NGƯỜI

Bà Vêrônica, người thiếu phụ có lòng, khuyên đứa con gái «đừng sợ» đang khi bà toan liều đem nước ra cho Chúa Giêsu phải vác thập giá nặng nhọc đến tuôn hết mồ hôi và máu ra. Trong lúc quân lính la hét quất roi tới tấp trên thân mình bầm dập đầy thương tích của Chúa Giêsu, bà không giữ nổi xúc động trước gương mặt trây trét đầy máu me của Người. Người thiếu phụ thản nhiên liều mình xông tới đúng vào lúc Chúa Giêsu ngã gục xuống lần thứ 5, bà quì xuống nhìn Người một cách trìu mến, rồi lấy chiếc khăn đội đầu trao cho Người. Chúa Giêsu đã không phụ lòng bà, Người đỡ lấy khăn, úp mặt vào thật sát và trao tặng lại bà. Có lần nào bà đã nhìn thấy gương mặt này khi được nghe thuyết giảng hay chưa? Nhưng lần này, bà có được tấm khăn còn ghi lại gần nguyên vẹn khuôn mặt máu me của Chúa để bà suy niệm. Vừa lúc bà trao vội cho Chúa Giêsu cốc nước, một người lính nhào tới đá phăng đi và xô đuổi bà ra. Lui ra, Vêrônica vẫn còn đứng lặng người bên đường, ôm tấm khăn thắm máu sát vào lòng, dõi mắt nhìn theo Chúa Giêsu, rồi gục đầu thầm khóc…

Mađalêna, người đàn bà tội lỗi của Mel Gibson, đã từng theo gót chân Chúa cùng với Mẹ Maria của Người. Đem khuya hôm ấy, bà cùng Mẹ sững sốt nghe môn đệ Gioan hớt hải chạy ập vào báo hung tin Thầy bị bắt. Tức tốc Mađalêna cùng Mẹ đi đến Dinh Thượng Tế Caipha. Mađalêna nhìn những biến cố thê thảm xảy ra cho Thầy mình từ lúc đó đến Núi Sọ với con mắt đầy cảm thông, đau đớn xót xa Thầy và khóc lóc thảm thiết về những tội lỗi của mình. Trong số đồ đệ đi theo Thầy có mặt hôm ấy, người đàn bà tội lỗi này có lẽ là người hiểu hơn hết tại sao Chúa Giêsu bằng lòng chịu nạn chịu chết trên thập giá. Vào lúc cùng với Mẹ Maria quì lau sàn máu vãi thịt rơi của Chúa, Mađalêna lấy chính khăn đội đầu mình xuống âu yếm thắm máu thịt Người. Cùng lúc ấy, Mađalêna nhớ lại cảnh bà bị các đầu mục Do Thái đòi ném đá vì bắt gặp quả tang bà phạm tội ngoại tình, đang khi Chúa Giêsu thì tìm cách cứu bà. Làm như thế tức là Chúa Giêsu tỏ ý sẵn sàng đứng ra lãnh nhận án chết thay cho bà rồi. Bà bò sát đến ôm chân Chúa, và Chúa âu yếm nắm tay bà đỡ dậy, nói: «Tôi không kết án chị đâu» (Ga 8, 1-11). Tình yêu của Chúa Giêsu đã nâng người đàn bà tội lỗi này lên địa vị làm người và làm con Chúa, Mađalêna hiểu được như vậy.

Người đàn bà tội lỗi này can đảm bước theo từng bước con đường thập giá, và khóc thương thảm thiết khi quân lính đóng đinh Người vào thập giá, lập úp rầm rập thập giá xuống rồi lật ngửa bừa càng thâp giá ra, bất chấp sức nặng của nó va chạm vào mặt đất làm cho người tử tội đau đớn đến chừng nào. Mađalêna run rẩy toàn thân và òa lên khóc nức nở, khi Chúa Giêsu run rẩy nói: «Mọi sự đã hoàn tất», và ngước mặt lên thưa cùng Chúa Cha: «Con xin phó thác linh hồn con cho Cha» rồi gục đầu tắt thở. Mađalêna hiểu rõ Chúa Giêsu hứng chịu tất cả những đau khổ ấy vì ai. Bà chưa hề chối Chúa như Phêrô, nhưng có thể bà khóc suốt đời và nhiều hơn Phêrô nữa. Vì chính bà đã nhận được Tình Thương Cứu Độ trước và sau khi lãnh nhận máu thịt của Người thắm vào chiếc khăn đội đầu của mình. Ngay từ lúc đầu thức giấc giữa đêm và nghe Mẹ Maria bảo hình như có gì chuyển động trong đêm tối, trước cả khi Gioan ập cửa chạy vào, Mađalêna đã hiểu được rằng sắp có sự chuyển đổi thật sự là «người nô lệ nay được giải thoát khỏi gông cùm tội lỗi». Ai yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều, đó là trường hợp của Mađalêna.

Mẹ Maria, người đã cưu mang con mình trong lòng suốt cuộc đời và đã được tiên báo «một lưỡi đồng sẽ đâm thâu qua lòng bà» (Lc 2,35), lúc bấy giờ không có vẻ gì bỡ ngỡ, tuy vẫn bị kích động mạnh nhiều lần, trước tai nạn xảy ra cho con Mẹ. Đến Dinh Caipha, Mẹ đã được phúc nhìn thấy ngay trong đám đông gương mặt đáng yêu của con mình (nay đã bầm dập, sưng húp) đang chăm chăm nhìn Mẹ, trong lúc mà mẹ con xúc động nhớ lại cảnh năm nào con làm thợ mộc đóng chiếc bàn quá cao mà Mẹ nghĩ rằng không phải dùng để ăn đứng (hay dùng để tế lễ con mình chăng!), và hai mẹ con đã đùa giỡn thân thương với nhau trước khi vào bàn cơm. Từ Dinh Caipha, Mẹ theo dõi từng cử chỉ con Mẹ, đau với cái đau của con, nhục với cái nhục của con, bị nghiền nát với tấm thân nghiền nát của con, nằm sát xuống sàn nhà có kẽ hở mà bên dưới con Mẹ đang bị xiềng để có được chút riêng tư ấm áp khi con âu yếm nhìn lên Mẹ. Mẹ như người điên dại khi thấy con bị đòn bọng, máu me và da thịt tung tóe. Mẹ không hề khóc lóc kêu gào thảm thiết, mà chỉ âm thầm rơi lệ xót xa cho những người lý hình đang hành hạ con mình. Trên con đường thập giá, Mẹ tìm cách gặp mặt con, để tỏ chút lòng hiệp thông và chia sẻ sứ mạng khổ nhục của con. Vừa lúc con Mẹ té ngã lần thứ hai trên con đường thập giá, Mẹ hối hả chạy lại ôm con âu yếm, đang khi Mẹ nhớ lại cảnh Mẹ hớt hải chạy lạy ôm chằm con lên hôn lúc con lên 5 té ngã ngoài sân nhà.

Lên đến Núi Sọ, Mẹ Maria quì xuống, gục đầu cầu nguyện, rồi ngước mặt lên như tỏ lòng dâng hiến con Mẹ cho Chúa Cha, để hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài. Mẹ không có lấy một lời than trách đối với những tên lý hình vẫn tiếp tục hăng say bạo hành trên thân xác nhầy nhụa thảm thương của con Mẹ, sung sướng trên sự đau khổ của người tử tội, bất chấp là họ có tội hay không. Mẹ không can gián, biện hộ khi Thượng Tế, đoàn tùy tùng và quân lý hình khích báng và hạ nhục con Mẹ đang hấp hối trên thập giá. Khi con Mẹ sắp trút hơi thở cuối cùng, trời đất sẫm tối lại, mây trời vần vũ, nhiều người đã bắt đầu kéo nhau bỏ đi, Mẹ tiến gần đến chân thập giá, ôm hôn tha thiết bàn chân con Mẹ, và ngước mắt lên nhìn con, xót xa nói: «Thịt này là thịt của Mẹ, máu này là máu của Mẹ, con cho Mẹ chết theo con thôi.» Gioan vẫn theo Mẹ từ đầu, và đang đứng gần Mẹ bên thập giá. Chúa Giêsu nhìn xuống Mẹ và nói: «Này là con bà», và nhìn qua Gioan, nói: «Này là Mẹ con.» Vâng, Mẹ không được chết, Mẹ phải sống để tiếp nối sứ mạng của con Mẹ nơi trần thế với những kẻ Chúa chọn, Chúa thương. Khi hạ xác con xuống để nằm trong lòng Mẹ, Mẹ đăm đăm nhìn ra xa, hy vọng rằng con mẹ sẽ sống lại ra khỏi ngôi mộ vắng…Mẹ tâm niệm từ lâu và khám phá dần dần vai trò đồng công cứu chuộc của Mẹ vậy.

CÔNG LÝ CỦA QUYỀN LỰC GIẾT HẠI NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Ai cũng biết Lề Luật Chúa trong Đạo cũ được coi là tuyệt đối phải tuân giữ. Người ngoại tình, chẳng hạn, phải bị ném đá, và thường là ném đá cho đến chết. Còn nhiều luật lệ khác, như kiêng ăn thịt dơ bẩn, rửa tay trước bữa ăn, kiêng làm việc ngày Sabbat, không chung chạ hay đụng chạm đến người ngoại đạo, tội lỗi, v.v. là những luật mà chính Chúa Giêsu không coi trọng hơn luật yêu Chúa và yêu người. Lối sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu có khi làm chướng tai gai mắt, có lúc động chạm đến nếp sống đạo đức của người sùng đạo và hàng giáo phẩm lúc bấy giờ. Nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội thời bấy giờ lấy làm khó chịu và đã theo dõi, đả kích và lên án Người. Sau cùng, Thượng Tế Caipha và một số người trong họ đề quyết Người phải chết, vì cái tội coi mình có quyền trên cả Đền Thánh và dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, Đấng Messia đến để cứu nhân độ thế. Nói thế, tức là xúc phạm đến cơ cấu quyền lực của Giáo Hội và khinh mạng hàng giáo phẩm là kẻ đại diện cho Chúa ở trần gian.

Thực vậy, Mel Gibson đã cố tình tô đậm vai trò chủ chốt của Thượng Tế Caipha trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, cố ý làm nổi bật cung cách của ông xách động và điều động vụ này từ đầu cho đến cuối. Thái độ cố chấp của Thượng Tế Caipha và đoàn tùy tùng, cùng những luận điệu xảo quyệt của họ, là cốt nhằm triệt hạ cho kỳ được một kẻ phạm thánh, phạm thánh trước tiên là đối với Thiên Chúa và thứ đến là đối với họ. Họ hoàn toàn dửng dưng trước những đau khổ của kẻ tử tội, vì họ tin rằng họ có chính nghĩa khi triệt để áp dụng luật pháp đối với kẻ có tội, cho dù đó là luật pháp phải mượn tạm của triều đình La Mã để thi hành luật Chúa. Họ điêu ngoa áp lực với Philatô: «Chúng tôi chỉ có một vua là Césaré, nếu ông tha cho Vua Do Thái, tức ông không là bạn của Césaré». Thực vậy, từ xưa đến nay, không thiếu những trường hợp mà quyền lực của Đạo Chúa cấu kết với quyền lực của trần thế để thực hiện cho kỳ được ý đồ của mình, khi cả tin rằng đó là ý đồ của Chúa, đang khi gây ra trước mắt biết bao cảnh bất công đổ máu người vô tội.

Về phía Philatô, ngay từ đầu ông thấy rất rõ khi trao đổi quan điểm với bà Claudia vợ ông rằng ông bị kẹt trong thế trên đe dưới búa. Ong phải tìm cách thoát ra thế kẹt này để bảo vệ quyền lợi của ông và quyền lực của cơ chế triều đình La Mã. Tha cho người vô tội thì ông sợ dân chúng nổi loạn, mà xử tử hình người công chính thì ông cũng sợ kẻ tin theo người ấy sẽ quấy phá, đang khi lệnh trên buộc ông phải ra tay dẹp loạn và củng cố trị an. Bất chấp sự ray rứt dằn vặt của lòng dạ đàn bà nơi vợ ông, Philatô quen suy nghĩ và hành động theo quan niệm chính trị rằng người làm chính trị có quyền làm ngược lại với lương tâm mình để cho trên thuận dưới hòa và bảo toàn tuyệt đối quyền lợi của quốc gia mình. Đó là cung cách không riêng gì của Philatô, mà là của người làm chính trị ở mọi thời đại, thời trước cũng như thời nay, và ở mọi chế độ, độc tài hay dân chủ tự do.

Đối với Chúa Giêsu, Philatô tỏ vẻ thông cảm, nhũn nhặn, tìm hiểu «chân lý», để tránh bị những kẻ tin theo Người bất mãn, nổi loạn. Bà Claudia thì vẫn từ tốn khuyên chồng nên làm theo chân lý mà lòng ông chắc chắn nhận biết, nhưng muốn tránh né. Nhưng chân lý của riêng ông là ông sẽ làm hết cách để cứu người vô tội, bằng không cứu được thì đó không còn là lỗi của ông nữa. Ong đã thất bại lần thứ nhất để cứu Chúa Giêsu, khi giao lại cho Vua Hêrôđê xử Người, mà vị vua vô tư cách này đã trút lại trách nhiệm về cho ông. Ong thất bại lần thứ hai, khi tuyên bố ông không thấy Chúa Giêsu có tội tình gì và sẵn sàng nhân nhượng để cho dân chúng quyền chọn tha cho ai, Giêsu Vua Do Thái, hay tên tội phạm Baraba. Ong thất bại lần thứ ba, khi cho lệnh phạt đòn (mà không đến chết) Chúa Giêsu, để rồi mong dân chúng sẽ tha cho người vô tội mà bị đòn bọng đến «không còn hình dáng người ta nữa». Cuối cùng, ông dở trò rửa tay «vấy máu người công chính», và bỏ nhỏ lệnh «hãy làm theo ý họ», như thể ông bị ép buộc để làm. Philatô quả là một quan cai trị thâm độc với bàn tay sắt bọc nhung.

Từ khi Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội của Người để thực hiện chương trình yêu thương và tha thứ của Chúa đối với mọi người trên trần thế, nhất là người tội lỗi, người ta có thể nhận thấy biết bao nhiêu lần các cấp quyền lực của Giáo Hội đã sử dụng sai trái hay thất cách quyền bính Chúa giao phó để bảo vệ quyền lợi của mình, gây ra biết bao nhiêu hận thù và chia rẽ ngay trong hàng ngũ con cái Chúa nơi Giáo Hội và trong trần thế. Và từ khi con người biết sử dụng cơ chế quyền lực chính trị để nhằm đem lại an sinh và phúc lợi cho xã hội loài người, không biết đã xảy ra bao nhiêu cuộc chinh chiến tàn sát hằng triệu sinh linh, những cuộc xung đột tang tóc, đàn áp, bóc lột, bất công, nhân danh nguyên tắc bảo toàn quyền lực và quyền lợi của phe nhóm mình. Bạo động, bạo hành trong ý nghĩ, lời nói, việc làm xảy ra như cơm bữa mọi nơi, mọi lúc và mọi người. Có phải vì thế mà khi lên án cơ chế bạo lực, cuốn phim «Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô» bị một số người nắm quyền lực đó đây lên án chăng? Xem cuốn phim của Mel Gibson, mỗi người có thể cảm thấy tuồng như mình có đóng một vai nào đó trong cuộc khổ nạn này. Nếu quả thực khán giả không tìm cách đổ tội cho kẻ giết Chúa là ai, mà cảm nhận được rằng tất cả chúng ta đều là kẻ giết Chúa, mỗi người theo cách thế của mình, thì Mel Gibson có quyền tự mãn là đã thành công rồi vậy.

MẸ TIN CON ĐI, «CON SẼ ĐỔI MỚI HẾT MỌI SỰ»

Các môn đệ của Chúa Giêsu đã tin nằm lòng là Người sẵn sàng dùng quyền năng của mình để canh tân, cải cách, đổi mới tất cả, kể cả giải phóng dân tộc Do Thái khỏi mọi tai ác, gông cùm của ngoại bang. Quả vậy, họ đã từng nghe Người rao giảng «Nước Trời» đã gần đến, và kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị để đón rước Chúa. Các môn đệ và những người tin theo Chúa đều mơ ước thấy ngày vinh quang ấy, để được hưởng phần phúc của mình. Hai anh em Giacôbê và Gioan đã chẳng mong được có ngày ngồi bên tả và bên hữu Chúa Giêsu đó sao? Các môn đệ đi rao giảng Nước Chúa, khi về chẳng xin Chúa Giêsu cho lửa trời xuống thiêu đốt bọn vô đạo chống lại quyền năng của Chúa vì đã cứng lòng tin vào sự rao giảng của họ đó sao? Cứ mỗi lần Chúa Giêsu cấm kẻ mù được sáng không được tung hô danh Chúa, hay cấm các môn đệ không được truyền tụng cảnh Người tỏ hiện vinh quang trên núi Tabo, hoặc cấm tuyên xưng Người là Đấng Cứu Thế chẳng hạn, chắc họ hiểu ngầm rằng đó là thủ thuật của Người để chờ thời bất thần tung ra đòn phép quyết liệt của mình. Rốt cuộc, Chúa Giêsu đã làm họ thất vọng ê chề vì cái chết bi thảm rất vô lý của mình. Hai đồ đệ đi trên đường Emmau đã tỏ ra rất áy náy âu lo về số phận của Chúa Giêsu đã chết 3 ngày rồi và xác nhận rằng «trước đây, chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ giải thoát Israel» (Lc 24, 21).

Trên đường vác thập giá, vừa khi Mẹ Maria chồm tới ôm lấy con ngã gục rã rời, Chúa Giêsu ôn tồn nhắc lại Mẹ lời hứa thâm tín của Người từ khi bước chân ra đi rao giảng Nước Trời rằng «con sẽ đổi mới hết mọi sự», Mẹ hãy tin con đi. Mẹ Maria tin nằm lòng và vẫn còn vững tin điều đó khi con mình lao đao chập choạng vác thập giá lên Núi Sọ và rồi phải chết nhục nhã trên thập giá. Tuy lòng Mẹ tan nát vì xót thương con, Mẹ vẫn tin chắc sự chết của con Mẹ rồi ra sẽ đổi mới tất cả. Chắc lúc bấy giờ Mẹ cũng chưa hiểu hết chương trình cứu độ thâm sâu của Thiên Chúa ra sao, nhưng lòng Mẹ không chút nghi nan hay thất vọng, mà vẫn hoàn toàn phó thác nơi con mình. Mẹ Maria hiểu được rằng Mẹ cần phải tâm niệm những lời con nói và nhìn ngắm cách sống của con, để hiểu thâm ý con và cố gắng thực hiện theo đó mỗi ngày, thì chắc chắn bình an của Nước Trời phải đến, ngay giữa lòng Mẹ. Đúng lúc ôm xác con, Mẹ đã mường tượng thấy con Mẹ sẽ thắng sự chết, bước ra khỏi mồ và sẽ đổi mới mọi sự. Nhờ niềm tin ấy, bình an của Chúa từng ở cùng Mẹ từ lúc thụ thai con Mẹ cho đến giờ phút ôm xác con Mẹ vào lòng…

Để giúp khán giả hiểu được đường lối đổi mới của Chúa Giêsu, Mel Gibson đã cố lồng vào cuộc khổ nạn những hồi cảnh nhắc lại từng chập những hành vi và lời lẽ thâm thúy nhất của Người. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu bị đánh tan xương nát thịt ra ở sân tiền đình của Dinh Philatô, khán giả thấy lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho môn đệ và sau đó khuyên các môn đệ hãy noi gương Thầy mà làm, và cảnh giác rằng tôi tớ không lớn hơn Thầy mình, mà nếu người ta bách hại Thầy thì môn đệ Thầy cũng sẽ bị bách hại; nhưng «đừng sợ» vì sẽ có Đấng Phù Trợ bảo hộ. Rồi từ đó, khán giả được nhắc nhở lại những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, như «anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy thương yêu anh em», và «Thầy là mục tử nhân lành» sẵn sàng thí mạng mình vì bầy chiên. Vừa khi Chúa Giêsu kề vai vác thập giá đi ngang qua cổng thành giữa đám đông người hiếu kỳ đi theo, khán giả được thoáng thấy lại cảnh dân chúng cầm cành lá rước Người vào thành Jérusalem. Hồi cảnh này muốn gợi ý rằng giờ đây mới đúng là cuộc đón rước đích đáng Chúa Giêsu lên thành thánh Jérusalem Mới. Khi nhìn lên Núi Sọ, khán giả được thấy lại cảnh Chúa Giêsu giảng trên núi về 8 mối phúc thật và nhấn mạnh rằng «anh em hãy yêu kẻ thù mình, vì nếu anh em yêu kẻ yêu anh em, thì nào có công ích gì!» Hơn nữa, «không có gì lớn bằng sự xả thân chết cho kẻ mình yêu». Trên đỉnh Núi Sọ, khán giả được thấy lại cảnh Chúa Giêsu thiết tha trao gởi cho các môn đệ «mình và máu» Người được thí ban để chuộc tội nhân loại và trăn trối «anh em hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy».

Ngày nay, người tín hữu thường họp nhau lại để cùng «làm điều này mà nhớ đến Thầy». Nhớ đến Thầy là nhớ cái gì và để làm gì? Quả thực, lúc bấy giờ và suốt hai mươi thế kỷ qua, điều Chúa làm không phải là dùng quyền năng của Người để hóa phép thu phục nhân tâm và đổi mới mọi sự, mà chính là dùng cái chết «điên rồ dại dột» của Người để giúp mọi người có thể giác ngộ và hoán cải tâm hồn mình theo gương xả thân vì yêu của Người. Để trung thành với Lời Chúa, Giáo Hội của Chúa sẽ không dùng quyền lực, tiền bạc, bom đạn, bạo động, áp lực, hay mưu lược, hoặc dùng nhà thờ nguy nga lộng lẫy để chiêu dụ kẻ theo Chúa và dùng luật lệ nghiêm khắc của Giáo Hội để trừng phạt, áp đặt cho Nước Chúa trị đến. Thực ra, đôi khi Chúa Giêsu có dùng quyền năng để chữa lành kẻ bệnh tật và giúp kẻ nghèo khó gặp cơn khốn đốn, nhưng Người không hề dùng quyền năng để chiêu dụ người quyền thế, như Vua Hêrôđê hay quan Trấn Thủ Philatô, hoặc các Thượng Tế khích báng Người, để rồi nhờ thế lực của họ mà xây dựng Nước Trời. Kế hoạch của Chúa nhằm tái tạo con người trở nên «con người mới» đã được cưu mang từ thuở muôn đời, được chính Chúa Giêsu thực hiện nơi bản thân mình bởi sự chết và sống lại của Người, và được Thánh Thần Chúa tiếp tục khai triển mãi nơi con người tội lỗi cho đến ngày tận thế. Mỗi ngày, người tín hữu kitô phải tự mình làm cái điều mà Chúa cũng không muốn làm thay cho mình, đó là chết đi cho con người tội lỗi của mình và sống lại với Chúa Phục Sinh, vì bao lâu mình còn sống thì bấy lâu mình vẫn còn là người tội lỗi trước mặt Chúa.

Fribourg ngày 22/04/2004

[1] Năm 1912, cuốn phim «Từ máng cỏ đến thập giá» của Sidney Olcott ; 1927, «Vua trên hết các vua» của Cécil Blount De Mille ; 1934, phim của Duvivier ; 1958, «Vua trên hết các vua» của Nicholas Ray ; 1964, «Phúc Am theo thánh Matthêu» của Pier Paolo Pasolini ; 1965 phim của Stevens ; 1972, phim của Jewison ; 1976, «Năm 1, Đấng Messia» của Roberto Rossellini ; 1978, «Giêsu Nazarét» của Franco Zeffirelle ; 1988, «Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô» của Martin Scorsese – phim đưa lên màn ảnh lớn một khuôn mặt Đức Kitô rất «trần tục», còn mơ đến chuyện lập gia đình với người yêu Madalêna trong lúc quần quại trên thập giá-- ; 2003, «Phúc Âm theo thánh Gioan» của Philip Saville trong đó Henry Cusick đóng vai Chúa Giêsu rất thành công.

Trần Ngọc Báu


(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )