Monday 27 April 2009

KHỞI HÀNH CHẬM TỪ MỎ BAUXITE - LM Vũ Khởi Phụng

Thư gửi bạn bè: KHỞI HÀNH CHẬM TỪ MỎ BAUXITE

Các bạn thân mến,
Từ hơn một năm nay, tôi đa đoan với những vấn đề ở Thái Hà, Hà Nội, nên có phần lơ là với những chuyện xảy ra ở những địa phương khác. Đến khi những cơ quan truyền thông nước ngoài và các trang mạng loan tin việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng báo động công khai về các hiểm hoạ tiềm tàng trong vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tôi mới giật mình. Việc quân sự và quốc phòng thì tôi không dám lạm bàn, nhưng tôi trăn trở về vấn đề môi trường và thân phận của anh chị em đồng bào Thượng ở Tây Nguyên.

Ngày xưa, tôi đã từng biết cả một vùng từ Đà Lạt xuống Lâm Đồng, thiên nhiên đẹp như mơ, như một cõi địa đàng. Vẻ đẹp ấy đã tàn tạ nhiều phần do tác động của con người. Nhưng chưa bao giờ Tây Nguyên và Lâm Đồng bị đe doạ tàn khốc như trong viễn ảnh mỏ bauxite. Hơn nữa, nếu Đại tướng và nhiều nhà chuyên môn về môi trường dự đoán đúng, thì không chỉ Cao Nguyên mà cả vùng xuôi miền Nam cũng bị vạ lây ở mức độ chưa từng có.

Tôi lại nối những cảnh báo ấy với những gì thấy được ở gần Hà Nội, những làng mắc bệnh ung thư bên Bắc Ninh, những vùng nước ngầm bị nhiễm độc, những dòng sông cá chết ở Hà Nam… Rồi một vụ to lớn là vụ xí nghiệp Vedan đầu độc cả một vùng sông nước và nông nghiệp ở miền Nam. Ở nơi nào cũng nổ ra những vụ ô nhiễm như thế, và cứ trầm trọng thêm mãi, thì chúng ta và các thế hệ mai sau sẽ ra thế nào? Tôi tin rằng giữa sự huỷ hoại thiên nhiên và tâm thể lý con người có mối tương tác. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, tôi xin khoan bàn ở đây.

Với đồng bào Thượng, tôi không có duyên được sống nhiều với anh chị em để phục vụ, nhưng được sống trong Giáo Hội, tôi cũng có nhiều dịp thăm viếng, khi thì Kontum, Pleiku, khi thì Đà Lạt, Lâm Đồng. Tôi đã được đến thăm Tân Rai, nay chính là địa điểm khai thác bauxite, khi Tân Rai còn hoang sơ. Tôi được gặp cả các vị thừa sai miền Thượng lẫn bà con giáo dân, và các bạn sinh viên người dân tộc về học hành ở các thành phố. Qua những tiếp cận, bên cạnh những điều phấn khởi, tôi được chia sẻ những lo âu, bức xúc, có khi là những tâm trạng bế tắc không lối thoát nơi các cộng đồng dân tộc. Trong các cộng đồng ấy, người Kinh khó có ai tự đồng hoá được với bà con dân tộc, và được bà con thân tình chấp nhận như các vị thừa sai.

Xét bề ngoài, ta có cảm tường như bà con dân tộc đã tiến một bước dài, từ những ngày Cao Nguyên còn đẹp như mơ, nhưng cuộc sống trong xã hội là một điều hết sức phức tạp, không thể chỉ lượng giá bằng một chút ngoại diện, mà phải tính đến những tương quan vật chất và tinh thần. Và chính từ những tương quan ấy đã nảy ra những bóc lột, đau buồn, đôi khi vô vọng mà tôi đề cập sơ qua trên đây. Vả chăng, ở nhiều nước và nhiều lúc, sự đụng chạm giữa các dân tộc ít người với những nhóm người phát triển hơn đã gây ra những hậu quả điêu đứng thế nào cho người yếu thế là một vấn đề đã từng được nghiên cứu; chỉ có điều những bài học kinh nghiệm ấy hình như chưa bao giờ được ứng dụng một cách rốt ráo trong thực tế phát triển của Tây Nguyên.

Phát triển toàn diện” là một ý niệm được nhắc tới trong Giáo Hội từ ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố thông điệp “Các dân tộc đồng tiến” (Populorum Progressio). Nhưng làm thế nào để “phát triển toàn diện” thì xem ra chưa tìm được công thức cụ thể. Có vẻ như những người thiết tha với vấn đề thì không thực hiện được, hoặc không được thực hiện. Còn những người đang chủ động phát triển, thì chẳng quan tâm đến cái “toàn diện”, hoặc nếu có thì chắp vá một cách hời hợt. Nếu chương trình khai thác bauxite tiến hành đúng kế hoạch, với sự hiện diện ồ ạt của công nhân Trung Quốc, thì vấn đề chỉ càng thêm khó khăn trầm trọng mà thôi. Và như thế anh chị em dân tộc có nguy cơ còn nghèo đói triền miên về vật chất, kéo theo một sự xâm hại tương đương về mặt tinh thần và tâm linh.

Những trăn trở về môi trường và cuộc sống “toàn diện” của anh chị em dân tộc khiến tôi không an tâm về dự án bauxite. Tôi mong có thể làm một cái gì để đóng góp cho thiện ích chung, mà không biết phải làm thế nào. Thế rồi Tuần Thánh và lễ Phục Sinh đến, nhà thờ ngày nào cũng đông đúc, bộn bề. Mối lo toan bauxite chỉ biết nằm yên một chỗ trong tâm trí, chứ không sinh sôi được cái gì cả. Nhưng tôi có một niềm an ủi nho nhỏ, ấy là dư luận xã hội bắt đầu chuyển động. Sau lễ Phục sinh, đã thấy dấy lên một phong trào góp ý. Các bậc thức giả, trong đó có nhiều vị rất có uy tín trong xã hội, đã lên tiếng một cách khá sôi nổi và sâu sắc. Như thế đúng là một biến chuyển tích cực, hiếm thấy trong xã hội chúng ta.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một nỗi ưu tư: các nhà chính trị, quân sự, các học giả, các nhà trí thức, các chuyên viên, một vài nhân vật tôn giáo đều đã có tiếng nói. Về phần chúng ta, những tín hữu Chúa Kitô, có cần nói gì, bày tỏ gì không? Hoặc không nói gì cũng là nói chăng? Nhưng đó là nói cái gì? Bát Nhật Phục Sinh qua đi, nhà thờ vẫn như bặt vô âm tín về vụ bauxite. Thật ra, trên mấy trang mạng có một vài ý kiến của mấy bạn giáo dân, nhưng e rằng những ý kiến đơn lẻ đó có thể bị mất hút giữa bao nhiêu sự ồn ào thì sao? Tôi lại thấy các vị bên Phật Giáo báo động vụ khoét núi khai thác than ở danh thắng Yên Tử, nhờ vậy đã bảo vệ được một môi trường thiên nhiên, văn hoá, và tâm linh quý giá. Nhân Cơ hay Tân Rai không phải là danh thắng, nhưng chứng ta cũng có một điều rất quý: đó là tình liên đới với các bà con dân tộc nghèo nói chung, với các đồng đạo ở Tân Rai nói riêng. Cuối cùng ở Thái Hà, chúng tôi quyết định thắp nến cầu nguyện. Trước sau chúng tôi vẫn tin vào sự cầu nguyện.

Đúng vào ngày chúng tôi cầu nguyện, lại có một diễn biến mới. Đó là lá thư của linh mục Lê Quang Uy được phổ biến trên mạng. Cha Uy có những tâm trạng như tức nước vỡ bờ. Cha thống thiết kêu gọi mọi người ký tên vào kiến nghị yêu cầu xét lại các dự án khai thác bauxite. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hằng mấy trăm người thuộc đủ mọi thành phần, trong nước và ngoài nước, đã hưởng ứng. Thế ra đằng sau cái vỏ bề ngoài lặng lẽ, cộng đồng dân Chúa vẫn canh cánh ưu tư chuyện môi trường, và liên đới với anh chị em nghèo. Tiềm năng ấy thật khích lệ. Rồi đến tối buổi cầu nguyện ở Thái Hà đông nghịt người thắp nến. Như vậy, chúng ta vào cuộc hơi chậm, nhưng cũng có khí thế.

Sự thể mới này khiến cho tôi hiểu rằng từ nay những điều Giáo Hội Công Giáo nói về vấn đề bảo vệ môi trường và công bình xã hội sẽ có một tập thể tín hữu đông đảo lắng nghe. Tôi muốn được đóng góp một phần nhỏ vào nhiệm vụ chung bằng cách ôn lại đạo lý của Giáo Hội. Những đạo lý này không mới, vì đã có sẵn nhiều năm nay rồi. Nhưng có lẽ những lo toan hàng ngày có thể làm cho ta quên lãng ít nhiều. Chúa Giêsu dạy: “Khi Thánh Thần đến, Ngài sẽ làm cho anh em nhớ lại những điều Thầy dạy” (x. Ga 14,26). Phải chăng trong những chuyển biến gần đây trong xã hội, cũng có một hơi gió của Thánh Thần làm cho ta “nhớ lại” các điều Hội Thánh dạy? Vả lại, nhiệm vụ không phải chỉ là ký tên vào một kiến nghị, tham gia một buổi cầu nguyện, hay phát biểu một vài câu. Nhiệm vụ là kiên trì đi theo định hướng bảo vệ môi trường sống và cảm thông liên đới với anh chị em nghèo, đặc biệt nơi các vùng dân tộc. Những giáo huấn của Hội Thánh là một “của ăn đường” cho một quá trình xây dựng lâu dài.

Trước mắt, trong bối cảnh bauxite Tây Nguyên, tôi xin giới thiệu những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về mối quan hệ của các sắc dân bản địa với đất đai và tài nguyên của họ và những đoạn sứ điệp hoà bình của Đức Bênêđictô XVI trong ba năm gần đây liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Tôi biết có nhiều anh chị em đang nghiên cứu về đạo lý của Hội Thánh. Xin anh chị em tiếp tay tiếp sức để càng ngày càng làm rõ con đường ta đi.
Với nhiều anh chị em tuy không cùng một niềm tin tôn giáo với chúng tôi, nhưng vẫn thân tình với chúng tôi trên con đường phục vụ con người, chúng tôi hy vọng đạo lý Công Giáo sẽ củng cố thêm sự cảm thông và đoàn kết.
Xin cám ơn tất cả anh chị em.

24/04/2009
Vũ Khởi Phụng

Saturday 25 April 2009

BAO GIỜ CHO ĐẾN … -Lm. Vĩnh Sang

Mấy ngày nay, kể từ khi một người ngoại quốc phát biểu về tệ nạn không xếp hàng ở những nơi công cộng, dư luận bắt đầu lên tiếng về một điều mà bấy lâu nay không phải không thấy, nhưng thấy mà cũng như không vì không ai muốn nói và nó như đã trở thành bình thường, phải đợi đến khi người ta nói, mình mới ngộ ra cái mình tưởng bình thường thì chẳng bình thường tí nào cả.

Sau năm 1975, lần đầu tiên tôi đến Hoa Kỳ, năm 1999, khi đón tôi về nhà, mải mê nói chuyện với anh chị tôi cùng các cháu, trời sập tối lúc nào không hay, tôi giật mình nói với anh tôi: “anh cho em ra trình giấy tờ với công an khu vực”, cả nhà bật cười, những người bạn của tôi cũng bật cười, tôi hiểu ra mình đã sống cái rất bình thường của mình là cái không bình thường của người khác. Từ năm 1975 đến năm 1999, mới chỉ có 24 năm, tôi đã nhập cái bất bình thường trở thành bình thường của mình, tôi đã chấp nhận cái không bình thường một tí nào ở thế giới tự do.

Bây giờ, những câu chuyện về “công dân giáo dục” trở thành những câu chuyện cổ tích. Đôi khi có dịp nói với các bạn trẻ, họ nghe và nhìn tôi bằng ánh mắt “xưa rồi diễm”.

Tôi đã say sưa nói về việc nhường chỗ cho người gìa và phụ nữ trên các phương tiện công cộng, nói về việc không xả rác bừa bãi ngoài đường, nói về việc thu dọn sạch sẽ trước khi rời nơi sinh hoạt, nói về việc giúp đỡ người già, người khuyết tật băng qua đường, nói về ngả mũ chào khi ra đường gặp đám tang, nói về việc ngăn nắp trật tự trong những sinh hoạt chung, nói về phép phải giữ khi lên xuống cầu thang, nói về nguyên tắc ăn mặc khi tham dự các lễ hội, các sinh hoạt xã hội hoặc khi ra đường, nói về những nguyên tắc tối thiểu về lịch sự khi nói điện thoaị nơi công cộng, … và dĩ nhiên nói cả về vụ xếp hàng. Nhưng các bạn nghe là vì phải nghe, nhưng khó vô cùng để có một thay đổi, vì tất cả mọi người đều như vậy, vì bình thường là như vậy.

Bình thường là khi trên xe bus hoặc xe đò… ai chen trước chiếm đước ghế là cứ ngồi. Vì công việc, tôi di chuyển nhiều nên có những lúc phải sử dụng phương tiện máy bay, trên đường từ phòng đợi hoặc từ máy nay về lại phi cảng, rất hoạ hiếm tôi thấy người ta biết nhường chỗ cho những người cần được nhường, đó là những người sử dụng phương tiện di chuyển là máy bay được xem như một loại hành khách khá giả. Có người kể cho tôi nghe một câu chuyện, gia đình họ có người thân từ nước ngoài về, khi đi ăn tiệm, một đứa bé hỏi mọi người, bỏ xương ở đâu, người nhà nhanh nhẹn trả lời bỏ trên bàn này, ông ta chỉ trên bàn ăn, đưa bé bỏ xương trên bàn như hướng dẫn, xong đâu đó, ông ta gạt tất cả xương xuống gầm bàn ăn một cách tự nhiên trước con mắt kinh ngạc của đứa bé… Hình ảnh nhưng cán bộ ăn mặc sang trọng, nhai nhôm nhoàm, nhả xương ra từ miệng đang nhai xuống gầm bàn, xỉa răng nhổ ra khắp nơi, là hình ảnh rất quen gặp trong các nhà hàng.

Bây giờ ra đường, bất kể đám tang hay đám cưới, mạnh ai người đó chen đi, đi bất cứ chỗ nào còn có thể đi được, chen bất cứ chỗ nào còn có thể chen được, và sẵn sàng đối đầu, bít lối người khác một cách sống sượng. Có mấy ai ra đường thấy đám tang đứng lại ngả mũ chào không ? Chỉ có những người “khùng” mới như vậy ! …

Bây giờ ra đường người ta mặc bất cứ cái gì có thể gọi là áo là quần, không phân biệt được loại nào để ngủ, để mặc trong nhà, để đi ngoài đường, để đến trường học, để đến … nhà thờ, người ta mặc cả đồ chơi thể thao nguyên bộ vào nhà thờ dự lễ, người ta mặc cả những bộ đồ hở không còn chỗ nào không hở vào nhà thờ dự lễ, người ta đến nhà thờ khi mặc cả những bộ quần áo, những loại vải chỉ dùng trong những chỗ kín đáo nhất, riêng tư nhất,..

Như tôi chia sẻ ở trên, nỗi bực mình nhất khi ngồi trên chuyến bay nội địa đó là việc sử dụng điện thoại. Chuyến bay nào tiếp viên hàng không cũng thông báo không dùng điện thoại khi máy bay còn đang di chuyển, nhưng người ta chẳng kiêng nể người khác và cũng chẳng đoái hoài lời nhắc nhở của tiếp viên, họ vẫn dùng điện thoaị khá thoải mái, máy bay vừa đáp xuống, hầu như mọi người đều móc điện thoại ra, gọi nhau í ới, nói như chỗ không người, mà hình như cũng chẳng ai buồn để ý đến những lời chát chúa nói điện thoaị vì hình như ai cũng nói, vì ai cũng nói thế là mọi người thi nhau quát. Tôi có một người bạn người Hà Nội, anh là người có học và hiểu biết, anh nói với tôi “Cha ạ ! Người ta có thể giàu rất nhanh, nhưng không thể một sớm một chiều có ngay được tác phong văn hoá”

Đã có một thời gian tôi mong ước và khuyến khích các bạn trẻ cố gắng một lần đi nước ngoài, tôi hy vọng rằng đi một ngày đàng sẽ học một sàng khôn, tôi không bao giờ nhăm mắt ca tụng tất cả những gì ở nước ngoài, nhưng cái gì hay mình phải học theo họ, hay nói đúng hơn, hãy học trở lại ít là những gì mình đã có mà bấy lâu nay tự đánh mất. Một vài người quen tôi đã đi, khi về cũng sôi nổi chuyện ở xứ người, khen chê đủ chuyện và thao thức thay đổi, nhưng chỉ một thời thôi, mọi sự đâu vào đấy, nỗi thao thức đã đi ngủ lúc nào rồi ! Tại sao vậy ?

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ hai 19/4/2009, có bài xã luận của Tôn Nữ Thị Ninh với nhan đề “Cái đáng sợ nhất là sự thờ ơ”, trong bài bà nói “… . Chen ngang là xâm phạm quyền của người đến trước, áp đặt quyền của mình lên trên bất cứ ai và điều đó không thể chấp nhận được. …” . Tôi hoàn toàn đồng ý với bà và nhờ thế tôi nhận ra rằng, một khi chen ngang và lấn người khác, áp đặt quyền của mình để cướp quyền của người khác là điều cả bà và tôi và với bất cứ ai còn lương tâm con người là không chấp nhận được. Sự thật đau lòng là điều đó đang ngang nhiên xảy ra trên đất nước của chúng ta.

Bao nhiêu người dân đã đau khổ cùng cực khi bị chen ngang đất nhà mình, bị áp đặt quyền ác độc trên quyền chính đáng thụ hưởng của mình, bị cướp đi tài sản của mình của cha ông mình dày công gây dựng. Bao nhiêu nạn nhân của những vụ Vedan, những Vedan chen ngang vào cuộc đời và chen ngang vào mạng sống của bao nhiêu người để cướp đi cái quyền sống và quyền sinh của bao nhiêu người. Bao nhiêu tài sản của các giáo hội, những tài sản đã một thời được xây dựng để phục vụ con người phục vụ sự sống, phục vụ tình thương, những tài sản ấy bị chen ngang, bị cướp đi để thuộc về một nhóm người, một quyền lực thống trị.

Trong bài xã luận nêu trên, bà Ninh đề nghị thực hiện một nền giáo dục cụ thể, thực tiễn, không lý thuyết viển vông. Như tôi đã nhận xét, bài học đi thăm nước ngoài không cụ thể, không thực tế à ? Nhưng sao không thành công ? Thưa vì có một bài học lớn hơn, căn bản hơn, cần phải dạy và phải học, đó là tôn trọng công bằng và tôn trọng quyền con người. Bao lâu chưa thực hiện bài học này trong xã hội, mọi bài học trong trường học đều trở nên lý thuyết và viển vông.

Tôi viết bài này khi đất hồ Ba Giang của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đang bị tước đoạt, đang bị chen ngang, đang bị cướp đoạt. Có bài học nào từ vụ việc này không ?

Lm. Vĩnh Sang, dcct

Thursday 23 April 2009

Giáo hội công giáo và người công giáo việt nam - Trần Ngọc Tá

Giáo hội công giáo và người công giáo việt nam

Trần Ngọc Tá

1. Giáo hội công giáo : chung mà riêng – riêng mà chung!

Anh chị thân mến ,

Trong thư trước, anh chị có đề nghị tôi viết cho Tin Nhà nói lên cãm nghĩ riêng tư của mình về Giáo hội công giáo hoàn vũ. Thú thật tôi hơi ái ngại lúc ban đầu. E rằng làm như thế sẽ có đụng cham hoặc hiểu lầm. Vì tính tôi hay nói thẳng, nói thật những điều mình nghĩ. Nhưng xét cho cùng, tôi thấy mình không nên có thái độ chùm chăn, tiêu cực. Trái lại, phải đóng góp đôi chút cho Giáo hội, dù chỉ vài ba ý kiến thô thiển. Thế là, trong tôi nảy ra cái ý định viết đôi ba hàng về điều mà tôi gọi là chung mà riêng/riêng mà chung, tức những điểm son của Giáo hội.

Từ lâu, tín hữu Công giáo vẫn quan niệm rằng Đạo của họ là đạo chung (công: chung, giáo: đạo), tôn giáo chung cho toàn thể nhân loại. Chữ chung trong cụm từ Công giáo xuất từ chữ catholicism bên tiếng Anh và catholicisme bên tiếng Pháp. Từ này, còn có lai lịch từ tiếng Hy Lạp gồm hai âm: kata có nghĩa là “chuyên chú về” và holos : toàn bộ hoặc chung cho tất cả. Ấy, là định nghĩa mà các nhà làm tự điển như The Australian Oxford Dictionary và The Macquarie Encylopedic Dictionary đưa ra. Nhà Oxford còn đưa thêm tính cách phổ cập của Đạo bằng một khẳng định: khi nói Công giáo người ta thường nói đến các tín đồ Thiên Chúa ở phương Tây. Sau đó, nhà Oxford lại đặt hình dung từ Roman trước chữ Catholics, cho rõ nghĩa.

Xem thế, anh chị cũng như tôi thấy rằng, dù chỉ đề câp đến định nghĩa và danh xưng Công giáo thôi, đã có khác biệt về chính kiến cũng như cách thức điều hành của tổ chức tôn giáo lớn này. Bàn thêm, anh chị cho phép tôi liên tưởng đến lập trường của một linh mục chánh xứ họ đạo lẻ, thuộc miền Tây Sydney, Úc Châu nơi chúng tôi ở. Linh mục chánh xứ này, rất tự hào với tính cách “đại đồng” nơi Đạo của ông. Và, ông vẫn thường cầu nguyện chung với các tín hữu hiện diện trong thủ phủ nhỏ bé, nhưng có đến 159 sắc tộc khác nhau.

Là học giả rất khá nổi về Kinh thánh và Giáo hội học ở Sydney, lm Ray Gatt xác tín rằng Giáo hội Công giáo trước tiên và mãi mãi là Đạo chung của Đức Kitô, trên hoàn vũ. Chức năng của Giáo hội là rao truyền Tin Vui An Bình đến với mọi người. Và, Giáo hội quyết bảo bọc những người cùng một niềm tin vào Đức Ki tô. Để rồi, mọi người sẽ mãi mãi ở trong tình thương yêu của Ngài, qua một hệ thống quản trị, có lớp lang hệ-thống-hóa. Với hệ thống ấy, vị Tổng Giám mục thành Lamã được đề cử làm đầu Giáo hội. Và, điểm son của Giáo hội còn đặt trên tình thân thương với các tôn giáo khác, và với người nghèo. Giáo hội, được coi là thành trì bảo tồn nền luân lý nhân bản, đề cao một trật tự hữu hiệu cho một xã hội, đang đi xuống.

Linh mục R. Gatt cũng như mọi tín hữu Công giáo, thường hay viện dẫn cảnh-tình của Giáo hội tiên khởi, làm bằng cho đặc tính chung của Đạo. Ấy, là lúc các tín đồ Công giáo, theo gương Đức Kitô, sống hòa hợp, yên vui .Vui, vì tất cả đều coi Giáo hội như gia đình rộng lớn có vị cha chung duy nhất làm đầu, gọi là Đức Giáo Hoàng. Tài sản của Giáo hội, là của cải chung, cho mọi người. Các tín hữu lao động theo sức lực mình bỏ ra, và hưởng thụ theo nhu cầu. Mọi thành viên trong Giáo hội, có bổn phận góp công góp sức xây dựng và bảo trì Giáo hội, như nhà chung của họ. Sự chung vui êm đềm ấy, nối tiếp từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, cho đến khi có tranh chấp về quyền lực, và cách quản trị. Và rồi, sau đó bất đồng về tín lý, thần học khó tránh khỏi. Mối nứt rạn và sự tách ly xảy đến với Giáo hội, từ ngày một số nhân vật chủ chốt trong Giáo hội phương Tây như Luther ở Đức, Calvin ở Thụy Sỹ, Vua Henrry VIII ở Anh, khởi xướng. Thế là, rạn nứt lan rộng sang nhiều nước trên thế giới.

Từ khi có rạn nứt, tính cách chung của Giáo hội đã mang một hình thức riêng biệt về tế tự, về quản trị tài sản cũng như quy cách điều hành hệ cấp trong Đạo. Tín hữu nào, đồng thuận với lối cai quản của Giáo hội nguyên thủy, sẽ ở lại với Giáo hội chung mà người ngoài cuộc gọi là Giáo hội Công giáo Lamã. Danh xưng ấy, vẫn lưu truyền cho đến ngày nay.

Thoạt nhìn, anh chị chắc thấy có khác biệt về quản trị cũng như sự hiểu biết về tín lý thần học, của mỗi Giáo hội. Nhưng xét cho cùng, ta vẫn thấy có cái gì chung trong tính cách riêng tư ấy. Ở đây, chung có nghĩa là cùng niềm tin, cùng chung một tâm tình, cùng hưởng một ân huệ, từ trên. Để giảm thiểu tính cách riêng tư kia, đồng thời nhân rộng đặc điểm chung ấy, giáo quyền đã tìm cách cho các Giáo hội xích lại gần nhau hơn nữa, hầu tạo dần mẫu số chung cho các tôn giáo, cùng thờ duy nhất một Đức Kitô. Và vị giáo chủ có công đẩy mạnh tiến trình này là Đức Gioan Phaolo Đệ Nhị. Anh chị chắc cũng thừa biết rằng: xưa nay chưa có vị Giáo chủ nào đi nhiều nơi, gặp nhiều người và bàn nhiều về việc hợp nhất Giáo hội bằng vị Giáo Hoàng xuất thân từ đất nước nằm ngoài Ý Đại Lợi này. Công khó gầy dựng tính cách chung của Đức Gioan Phaolo II, ít ai có thể chối cãi. Nhưng, dõi theo tin tức thời cuộc và báo/đài, chắc anh chị cũng nghe và biết, là: có nhiều bất đồng hoặc chỉ trích về cách thức cầm quyền mà người ta cho là độc đoán, thiếu uyển chuyển, của Giáo hội công giáo. Tỉ như, thể thức bầu Giáo Hoàng và nhiệm kỳ tại chức của ngài. Đây, cũng là đề tài mà nhiều người bàng quan thường hay bàn ra tán vào, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị mừng thọ 80 tuổi.

Nội, danh xưng Giáo Hoàng thôi cũng đủ nói lên phần nào thể chế pháp trị của Giáo hội Công giáo rồi. Hoàng, là vua. Giáo hoàng,vua một đạo, một tôn giáo. Là, vua cai trị dân nước, thì thường không thể trị vì trong một thời gian nào đó hay một nhiệm kỳ ngắn ngủi thôi, mà là suốt đời. Nhưng, vua của Giáo hội Công giáo, từ lâu, vẫn là người được các thành viên trong Hồng Y Đoàn bầu lên, chứ không do lưu truyền dòng tộc; hoặc, do người cùng phe, cùng quốc tịch đưa lên. Nhìn từ góc cạnh nào đó, thì: khi được đề bạt làm đầu Giáo hội, vị Tổng Giám Mục Lamã đã thành người chung cho cả Giáo hội. Những gì là riêngcủa Ngài trước đó (như tên cha mẹ đặt hoặc tài năng cá nhân chẳng hạn) tự khắc biến đi, nhường chỗ cho danh chung của một vị thánh nào đóm có kèm theo số thứ tự tỉ như: Gioan 21, 23; Phaolô Đệ Ngũ, Đệ Lc. Trường hợp Đức Giáo Hoàng của mình đây, Ngài lại được phép coi là cha chung thêm một lần nữa, để trở thành Gioan Phaolô Đệ Nhị. Đấy, chungriêng, riêngchung là như thế.

Anh chị thân mến,

Tới đây, để chứng minh tính cách chung riêng của Giáo hội Công giáo hoàn vũ một cách cụ thể, tôi nghĩ không gì bằng nêu ra đây, lối sống chung/tập thể của các tu hội hoặc dòng tu, làm thí dụ. Sự khác biệt về tính cách chungriêng/riêngchung giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác, là ở nơi đời sống tu trì. Nếu tôi không lầm, thì ngoại trừ Phật giáo Tây tạng và/hoặc tu hội Taizé của Tin lành Pháp quốc ra, trên thế giới ít thấy có ai tổ chức Giáo hội nào có cuộc sống chungriêng/riêngchung như các dòng/tuhội, bên Công giáo. Thành viên mỗi tu hội, trên thực tế, đều có đời sống chung, lao động chung, sử dụng tài sản chung của tu hội/hội dòng theo cách thức riêng rẽ của mỗi người. Về quyền hành, thoạt xem như có vẻ riêng tư, nhưng thật sự thì các tu hội/hội dòng không quan niệm quyền bính thuộc sỡ hữu riêng lẻ, nhưng lại như cơ cấu điều hành một nhóm người, để tiến tới mục đích chung cuộc, chỉ thế thôi. Chẳng thế mà, các vị Giáo Hoàng hoặc bề trên tu hội/dòng tu vẫn tự coi mình là bày tôi của các tôi tớ Chúa, chứ không như vua chúa ngoài đời.

Viết đến đây, tôi liên tưởng tới trường hợp riêng tư, có liên quan đến chungriêng/riêng chung của Giáo hội điạ phương, tôi cùng sống, trước đây. Năm ấy tuy mới chỉ 13, nhưng tôi và môt người bạn thân, tên Yuse Tiến Lộc, đã sinh hoạt chung với đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, tại Nha Trang. Tiến Lộc và tôi, còn là hai chú giúp lễ thường nhật, tại nhà thờ chánh tòa Nha Trang. Mùa hè năm ấy, các cha thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế ra giảng Tuần Đại Phước, cho bổn đạo toàn tỉnh. Tôi nhớ bấy giờ, vì quá say mê với cái lý tưởng chung riêng/riêngchung của cuộc sống tu trì, như các cha Hoàng Yến, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Văn Cân, Nguyễn Thọ, mà cả hai chúng tôi đều tự nguyện gia nhập đệ tử viện, của Dòng. Tôi không rõ, hoàn cảnh của Tiến Lộc ra sao, nhưng lúc ấy gia đình tôi rất túng. Tôi mất cha năm lên 9, mẹ tôi già yếu, không đủ khả năng nuôi bảy anh chị em còn lại, bằng lợi tức quá nhỏ từ một sạp tạp hóa ở chợ Đầm, Nha Trang. Nên tôi cứ lo chức sắc Việt Nam không chắc sẽ nhận được, vì tài chánh quá eo hẹp, gia tăng công sức giúp xây dựng Giáo hội Công giáo Việt Nam lành và mạnh. Lành và mạnh, theo đúng nghĩa của cụm từ “Công giáo”, “Nhà chung”, đề cập ở trên. Tuy nhiên, dường như nhờ phép mầu nào đó, tôi đã được cha giám đốc gọi lại, nhận làm đệ tử. Chẳng phải đóng góp một xu học phí, nào hết. Cha giám đốc có nói với mẹ tôi: “Nếu bà không lo tiền học cho con bà được, thì đã có Chúa lo. Đừng nản lòng!”. Thế là, trong quá trình 13 năm chung sống với anh em ở Đệ tử viện, Học viện, rồi nhà Dòng, bản thân tôi chẳng có gì gọi là của riêng tư để đóng góp vào phần chung với anh em, trong Dòng. Tuy nhiên,, tôi vẫn được hưởng đồng đều mọi thứ chung, của nhà Dòng; cũng như của Giáo hội. Có một điều, khiến tôi có thể cam kết với anh chị rằng, qua kinh nghiệm về cái gọi là chungriêng/riêngchung của Giáo hội Công giáo sở tại, tôi chưa từng thấy có trường hợp bất đồng hay tranh chấp nào xảy ra trong xã hội nhỏ của chúng tôi là nhà Dòng. Thành thử, giống như linh mục R. Gatt, tôi cũng ự hào với danh xưng chung của Giáo hội Công giáo, mà tôi là thành viên.

Anh chị thân mến,

Qua hai mươi thế kỷ đối đầu với mọi đổi thay và thù địch ở cả trong lẫn ngoài, Giáo hội Công giáo vẫn cứ tồn tại và tiếp tục vươn mình, hướng về phía trước. Theo tôi, đây là ưu điểm lớn của Giáo hội. Đã đành, kẻ chống đối vẫn trưng ra đủ mọi điểm yếu của Giáo hội, nào là bảo thủ, cứng ngắc, nào là Giáo hội là đạo của người da trắng phương Tây, Giáo hội thiếu dân chủ, lỗi thời, không theo kịp đà tiến hóa của nhân loại, vân vân và vân vân. Nhưng, theo tôi, Giáo hội chỉ có một nhược điểm duy nhất là quá thận trọng trước mọi đổi thay, của trần thế. Có vậy thôi.

Giáo hội, là xã hội của các tín hữu bằng xương bằng thịt, như tôi và anh chị, nghĩa là những người, bản chất rất yếu mềm và có giới hạn. Nên, vẫn còn mang nhiều khuyết điểm như thế. Đó là chuyện bình thường. Thành thử, cùng với anh chị và các tín hữu khác, tôi luôn tin tưởng vào Giáo hội của mình. Đồng thời hy vọng rằng: Giáo hội sẽ mãi mãi tồn tại. Mãi mãi giữ được nét vẻ riêng tư của mình, tức: tính cách chung, siêu việt kia. Lấy đó làm điểm tựa và mục tiêu nhắm tới cho mọi người trong cũng như ngoài Đạo, chắc chắn rồi Giáo hội sẽ thành công mai ngày với lý tưởng chungriêng/riêngchung ấy.

(với những suy tư của mùa chay năm 2000)

2. Công giáo việt nam: niềm tự hào dân tôi

Anh chị thân mến,

Đặc tính chung của Giáo hội Công giáo trên hoàn vũ đã được thể hiện nơi Giáo hội măng trẻ ở Việt Nam. Và đây, chính là niềm tự hào của dân tôi.

Việt Nam, cùng với các nước Châu Á và Châu Phi đã và sẽ là mùa Xuân của Giáo hội. Ở thế kỷ 21 này. Tôi dám thưa với anh chị như thế đó. Đây là quả quyết của một Hồng y người Đông âu khi ngài trả lời phỏng vấn cho tạp chí Time hồi thập niên 80. Theo ngài, đến thế kỷ 21, Giáo hội Công giáo sẽ phát triển mạnh tại hai lục địa này. Vào lúc này, giữa năm 2000, điều mà Hồng y ấy tiên đoán, đã trở thành hiện thực. Với Việt Nam, ta chưa có thống kê chính xác và qui mô như ở các nước phương Tây. Nhưng đến nay, tôi vẫn được bảo là số người Công giáo Việt nam gồm từ 6 đến 10 phần trăm, trên số dân tổng cộng lên đến 78 triệu người vào năm 2000. Con số này, đã phần nào minh chứng sự phát triển ấy.

Bỏ qua một bên, các vấn đề về số lượng và thống kê, ở đây ta chỉ bàn đến bản chất và chất lượng của Đạo thôi. 6% hay 10% tuy là tỷ lệ nhỏ, nhưng đã có thời gian không lâu, Công giáo Việt nam không còn mang tính chung nữa. Và, đã là cớ vấp ngã cho nhiều người cả trong lẫn ngoài đạo. Dù, chỉ bao gồm số lượng nhỏ chừng dăm ba triệu người, sống trong môi trường mà chung quanh toàn những người theo đạo ông bà, hoặc thờ Phật. Vậy mà có người muốn biến đạo Công giáo nhỏ bé của mình, thành một thứ quốc giáo, hay đạo đảng. Vì thế, đã xảy ra tranh chấp giữa hai tôn giáo lớn ở miền Nam, suốt thập niên 60.

Anh chị thân mến,

Thời gian “không phải là mùa xuân của Giáo hội” ấy, nay đã qua. Ta hãy cho nó qua hẳn. Không nên để tính cách riêng tư gượng ép ấy, được phép quay trở về với quê hương bé nhỏ của mình, lần nào nữa. Trái lại, hãy cùng nhau hướng về tương lai, để cùng nhau gầy dựng mùa xuân mới, cho Cộng đoàn Công giáo Việt Nam.

Một lần nữa, để xác minh cho tính cách riêngchung của Giáo hội Công giáo, hôm 14/10/1999, giới chức thuộc Ủy ban Thư Ký, Tòa thánh, Đức ông Celestino Migliore đã phát biểu trước cử tọa gồm Giám đốc các Hiệp hội/Tổ chức Công giáo quốc gia họp tại Hoa Kỳ, rằng: bản chất của Tòa thánh luôn mang tính chất tôn giáo đại đồng và nhân đạo. Ông nhấn mạnh đến vai trò chính của Giáo hội Công giáo. Bằng cách thức nào đó, Giáo hội luôn tạo cho thế giới mình, một khuôn mặt nhân bản hơn. Giáo hội tìm cách bênh vực người công dân chân chính, nhất là trẻ em và những người đau yếu/bệnh tật hoặc những người không dính dự gì đến chiến tranh, hoặc đến các tranh chấp, ý thức hệ. Giáo hội không muốn can thiệp vào vấn đề chính trị. Chính trị ở đây, hiểu theo nghĩa dính dấp với những chuyện đảng phái hay công cụ của giới cầm quyền, nơi trần thế. Trái lại, Giáo hội xử sự theo cách thức gây ảnh hưởng hoặc hỗ trợ cho các thũ lãnh, các thể chế chính quyền, hầu giúp họ có được những lựa chọn thích hợp với lương tâm. Với chức năng con người, mỗi khi họ thực hiện vai trò chính trị.

Nói như trên, tôi không có ý ám chỉ đến các nhân vật trước đây lôi kéo Giáo hội dính dự quá nhiều vào các hoạt động riêng tư của mình, hoặc phe mình. Tuy nhiên, với tư cách là giáo dân Đạo Chúa, vẫn có quyền và có lý để tham gia mọi sinh hoạt chính trị. Với chủ đích làm cho chính quyền có thêm tính cách nhân bản và đại đồng.

Nói như thế, không có nghĩa bảo rằng: cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong quá khứ, đã có hành vi lẫn lộn giữa thần quyền và thế quyền. Tức là, không nên viện cớ gì, nhân danh một lý tưởng nào, để biến Giáo hội hoặc người của Giáo hội, thành công cụ/ đầu sai, cho quyền thế. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo sợ cho tương lai của Giáo hội, để rồi có những hành động dễ kích động nhà cầm quyền, khiến họ trở nên phi nhân bản, bóp chết các quyền tự do căn bản của người dân, trong đó có tự do tín ngưỡng, tự do hành đạo và giữ đạo.

Anh chị thân mến,

Theo tôi, muốn dứt khoát hướng về tương lai, người Công giáo Việt Nam cần loại bỏ các thái độ thụ động như đã thấy trong quá khứ. Trái lại, hãy nhìn lại dân tộc mình. Dân tộc có đến 117 vị tử đạo, được phong hiển thánh. Các vị này, trước đây chẳng mảy may khiếp sợ gươm giáo, áp bức cũng như hành hình về thể xác, hoặc tinh thần. Nhưng, vẫn kiên trì tin vào Đức Kitô.Tin tưởng nơi Giáo hội nói chung. Nay, cũng với niềm tự hào ấy, giáo dân Việt Nam nên có thái độ tích cực. Biết lên tiếng phản đối, mỗi khi nhà cầm quyền trần thế, hoặc chức sắc Giáo hội có chủ trương đi ngược với bản vị con người. Ngược, với quyền lợi căn bản có ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Nói cách khác, người Công giáo Việt Nam ngày nay, không thể chùm trăn/lẩn tránh, khi thấy có sai trái trong cộng đoàn Công giáo của mình. Không những thế, người Công giáo Việt còn phải chứng tỏ mình đóng góp tích cực cho Giáo hội, không chỉ bằng việc đi nhà thờ, đọc kinh, giúp lễ. Nhưng, thiết thực tham gia vào họat động quản trị giáo xứ. Xứ đạo bên Tây phương, đều có ban mục vụ, ban tài chánh nhận điều hành mọi sinh hoạt chung của Giáo hội, là nhà xứ. Cha sở, cha phó không còn là vua cha, cai quản nhà xứ nữa. Nhưng, mỗi khi có quyết định liên quan đến họ đạo, các ngài đều phải hội ý và thông qua Hội đồng giáo xứ. Hễ Hội đồng giáo xứ không chấp thuận điều gì, cha xứ không thể đơn phương ra quyết định thực hiện. Dù là chuyện nhỏ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi giáo dân đều có phận sự/trách nhiệm trong Hội đồng giáo xứ. Thành thử, người Công giáo Việt Nam nên bắt chước tín hữu nước ngoài, bằng việc hỗ trợ cả về công sức lẫn tài chánh, cho mọi công tác trong xứ. Hỗ trợ tài chánh, không chỉ là bỏ tiền nhà thờ tùy hôm/tùy hứng. Nhưng, quyết trích ra số tiền nhất định hàng tuần để giúp nhà xứ trang trải mọi chi phí chung. Nhà xứ phải trang trải mọi tiện nghi mà toàn thể tín hữu đang sử dụng. Tỉ như: nến đèn, tiện nghi công cộng, điện/quạt, máy điều hoà, rượu/bánh, máy phóng thanh, truyền hình, các khoản nợ trả góp, các mục sửa sang, đại tu/tiểu tu công ốc vv.. Bởi, nhà thờ có là cái chung, thì tất cả những gì thuộc “cái nhà là nhà của ta, ông cố ông cha làm ra” ấy, đều thuộc trách nhiệm trông coi và đóng góp, của tất cả mọi người. Dứt bỏ thái độ “cha chung chết không ai khóc”. Nhưng thực tình tỏ hiếu với vị cha chung. Thực tình bồi đắp xây dựng căn nhà chung, nhà của ta ấy.

Nói đến đây, có lẽ người Công giáo Việt bên qụê nhà, sẽ bỡ ngỡ lo âu về ngân sách gia đình cũng như các khoản tiền xuất túi v.v. Nhưng, nếu bảo rằng: toàn thể Giáo hội Công giáo đang nhằm mục tiêu hòa đồng tôn giáo trong những ngày sắp tới, thì thiết nghĩ, cũng nên bắt chước những điều hay thói tốt, của tôn giáo khác. Có một thói quen rất hay và đẹp, của một số Giáo phái Tin lành/Anh giáo, là tiếp tục và thường xuyên thực hiện điều mà Cựu Ước gọi là “đóng góp thập phân” (dime), tức gom góp10% lợi tức kiếm được, hoặc lãnh được (dù đó là tiền lương hay trợ cấp an sinh). Đóng góp cho quỹ tài chánh của Giáo hội, hay nhà xứ nơi mình ở. Đối với giáo dân Việt Nam, vốn chưa quen với việc đóng góp các phần không-phải-là-thặng-dư mà là nhu yếu cho cuộc sống, xin đề nghị: số thập phân ấy được bắt đầu bằng các phần trăm gọi là tùy tâm, tùy sức. Và rồi, cứ thế ta tăng dần cho vừa với sức chịu đựng của mỗi người, mỗi gia đình.

Với các xứ đạo bên quê nhà, có lẽ đã và đang thực hiện phần nào mấy chuyện đóng góp như thế từ lâu; và, theo thể thức tùy hỷ rồi. Nếu đúng như thế, ta cứ tiếp tục. Nhưng, cố làm sao để khoản đóng góp của mỗi người, lên đến mức tối đa 10% mà thôi.

Đó là về tài chánh. Còn về cung cấp nhân sự cho công cuộc rao giảng Nước Trời, cũng nên đề nghị một vài hình thức đóng góp từ phía giáo dân. Tỉ như: vai trò thừa tác viên, giáo lý viên, giúp lễ/chầu Mình Thánh Chúa, hoặc như vai trò thầy sáu vĩnh viễn, vv. Có thế các xứ đạo hẻo lánh sẽ giải quyết được nạn thiếu vắng linh mục.

Nhìn qua Giáo hội bạn, tôi thấy một vài giáo phái Tin lành đang có chương trình huấn luyện thầy giảng hoặc phụ tá mục sư vv. Riêng giáo phái Mormon lại định ra thời kỳ tập huấn giảng thuyết cho các thanh niên hoàn tất bậc trung học. Hình ảnh cứ hai người một, mặc đồng phục quần đen, áo trắng rảo bộ khắp hang cùng/phố chợ chào đón, nói chuyện với người qua đường. Họ kêu gọi mọi người để tí chút thời giờ suy tư bàn bạc tại chỗ với các tín thư của Đức Chúa, qua Kinh thánh. Đây, có lẽ là hiện tượng đương đại. Có thể người Công giáo Việt không cần bắt chước các giáo phái ấy (vì nhiều lý do). Nhưng, đây cũng là trường hợp để anh em tín hữu Công giáo suy nghĩ. Đồng thời, có quyết tâm hành động cho công cuộc chung của Giáo hội..

Cuối cùng, theo hiển ý, nên có các suy tư và hành động thiết thực để xây dựng chung là Giáo hội. Đó cũng là điều mà các giáo dân Công giáo Việt nam nên thực hiện càng sớm càng tốt

(một chút suy tư nhân Phục sinh năm 2000)

3. Công giáo việt nam với nền dân chủ thật sự

Anh chị thân mến,

Tôi đã có dịp thưa chuyện cùng anh chị về tính cách chung và đại đồng của Giáo hội Công giáo, mà các tín đồ đã và đang vui hưởng. Người Công giáo Việt nam cũng nhận được hồng ân ấy, với tư cách là thành viên của Giáo hội. Nhưng khi về lại với tư cách là công dân đất nước mình, người Công giáo Việt lại biến thành thiểu số khác đạo. Từ đó, họ dễ có khuynh hướng tách riêng/cục bộ, trước các sinh hoạt của đất nước. Và thói quen không mấy tốt đẹp ấy, đã đưa đẩy người Công giáo đến các tình huống căng thẳng, mỗi khi họ cần có thái độ để đòi hỏi nền dân chủ, cho đất nước.

Đến đây, tôi đề nghị chúng ta bàn sơ về tính cách chungriêng/riêngchung của cụm từ đất nước dưới cái nhìn của người Công giáo Việt. Với người Công giáo Việt, ta không những phải dứt khoát với những gì là riêng tư/cục bộ mà còn phải chứng tỏ tính cách chung của Giáo hội, bằng các đóng góp thiết thực cho đất nước.

Ở trên, chúng ta đã thông qua phần nhận định về tính cách chung/phổ cập của Giáo hội, qua danh xưng “Công giáo” tức là Nhà chung. Đến đây, hãy nói về đất nước. Cụm từ này, tuy không có cùng một ý nghĩa rộng rãi như Công giáo, nhưng chắc chắn nó không thuộc đặc quyền, của riêng ai. Và người Công giáo Việt khi đã yêu và tôn trọng Nhà chung là Giáo hội rồi, đương nhiên cũng sẽ yêu tổ quốc, yêu đất nước của mình.

Vào thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ Cộng hòa sang độc đảng toàn trị, một số người Công giáo đã quá lo lắng sợ sệt, trước những đe dọa đủ loại, đến với họ. Nên, họ đành phải để tên trong nhóm mà người ta quen gọi là nhóm “Công giáo yêu nước”. Nay, thời kỳ ấy đã qua. Và người Công giáo Việt đã trưởng thành về nhiều mặt. Thiết tưởng, đã đến lúc nghĩ đến bổn phận phải tiếp tay với tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Đành rằng, với tư cách là công dân, tín đồ thuộc mọi tôn giáo đều có bổn phận hợp tác cho tiến trình này. Nhưng, là thành viên của Giáo hội chung toàn cầu, người Công giáo Việt có lý do và uy thế, để đẩy nhanh tiến trình ấy. Phải công nhận rằng: lâu nay, trong suốt hơn phần tư thế kỷ, đa số giáo dân Công giáo Việt Nam đã có thái độ “im lặng dễ sợ” trước sức mạnh bạo tàn của guồng máy độc tài, đảng trị. Thành thử, cả một dân tộc đều thiệt thòi. Nay, không còn thời gian để chần chừ nữa. Phải có quyết tâm tái tạo nền dân chủ khẩn thiết, cho đất nước đang vẫy gọi.

Có một điều cần xác minh ngay ở đây, là khi nói đến vai trò tái tạo dân chủ, chúng ta không có ý lập đi lập lại sáo ngữ mà người dân bị nhồi nhét quá nhiều, trong suốt chiều dài phần tư thế kỹ. Đại để như, những cụm từ lờn tai: “Đảng lãnh đạo nhà nước, quản lý nhân dân, làm chủ!” Và, vì là sáo ngữ (tức là thứ ngôn ngữ của loài sáo), nên cụm từ ấy, đặc sệt những ý nghĩa khách sáo, thuộc lòng. Và, đặc tánh của loài chim sáo thường hay nhại lại các cụm từ được nhét nhồi, đến thuộc lòng. Để rồi, khi xuất khỏi cửa miệng, với lưỡi lòng đã bị lột, cụm từ sáo ngữ kia trở thành những câu nhại ngược ngạo như: “chủ làm dân nhăn, lý quản nước nhà, đạo lãnh đảng!

Vâng, “đạo lãnh đảng” không phải chỉ là lãnh nhận mọi trọng trách mà đảng chừa lại, mà là lãnh đủ những gì thối tha, nát bét, mà đảng không hoàn tất nổi trong quá trình dân chủ hóa đất nước. Thành thử, muốn có một nền dân chủ thật sự, người Công giáo Việt nên rút kinh nghiệm của người đi trước. Né tránh mọi thái độ “chủ dân”, mà lâu nay người ta thường sơn phết bằng các cụm từ đao to búa lớn: cửa quyền, hà hiếp dân đen, tham ô, đảng trị… Thay vào đó, thực sự tái tục thứ tự do và quyền lợi căn bản mà Quyền Năng trên Trời đã ban cho mọi người dưới thế. Bởi, có đề cao dân chủ mà vẫn không phát huy được tự do, thì dân chủ ấy chỉ là dân chủ què, dân chủ quặt, mà thôi. Nói khác đi, dân chủ là chuyện cốt thiết, nhưng Tự do phải là ưu tiên hàng đầu.

Anh chị thân mến,

Nói đến tái tục tự do, tôi nhớ nhiều đến kinh nghiệm của một số đồng hương, người anh em tôi, ở Úc. Vốn thuộc cộng đồng người Việt tự do sống ở Úc, anh chị em đồng hương của tôi, đã ra sức vận động và vận động rất thành công, bằng những phương tiện cũng như cách thức riêng/chung của mình để bà con bị giam giữ lâu ngày trong trại cấm Hồng kông, Thái Lan, Phi Luật Tân được trả tự do và định cư tại nước thứ ba. Tình cảnh mất tự do tại một số trại thật oan ức, khiến một số đồng bào không chịu nổi đã nhịn đói, biểu tình chống đối. Thậm chí có người mổ bụng tự sát. Hy sinh mạng sống riêng mình, cho quyền lợi chung của người còn lại. Cho mọi người được hưởng thứ tự do mà họ mong muốn.

Trong số đồng bào chịu thân phận hẩm hiu ấy có 11 thuyền nhân người Việt từ Nam Dương dùng thuyền nhập cư đất Úc. Một lần nữa, nhóm người bị gọi là “thuyền nhân lang thang” đã để mất tự do và lại bị giam cầm trong trại cấm Hedland, miền Tây nước Úc suốt năm bẩy năm trường. Ít lâu sau đó, họ dược chuyển về trại đóng kín ở Villawood, Sydney nằm thêm một hai năm nữa, đợi ngày ra tòa. Vào ngày xử, tòa Di trú Liên bang xét thấy đồng bào không đủ tiêu chuẩn để được tỵ nạn theo diện chính trị, nên đã ra phán quyết trục xuất tất cả về lại Việt Nam.

Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc, đặc biệt là Ủy ban Yểm trợ Tị nạn Sydney, đã ra tay vận động anh chị em đồng hương tranh đấu hỗ trợ cho đồng bào xấu số kia. Ủy ban đã tiếp xúc và bàn bạc với giới hữu trách tại Úc. Họ đã cùng nhau đệ đạt thỉnh nguyện thư lên Tổng trưởng di trú Philip ruddock. Quyết đề nghị cho đồng bào được ở lại Úc. Thế rồi, nhờ có sự hỗ trợ đông đảo của đồng bào người Việt Tự do ở Sydney, cũng như trên toàn nước Úc, Tổng trưởng di trú Philip Ruddock đã chấp thuận đảo ngược phán quyết của Tòa. Ông quyết định cho phép 11 thuyền nhân nọ, được ở lại Úc với tư cách thường trú, như mọi công dân khác.

Xem như thế, người Việt Công giáo khắp nơi đã có kinh nghiệm nâng đỡ đồng bào của mình. Nay, ta nên tiếp tục công cuộc tranh đấu ấy. Lần này, ta cũng đòi trả lại tự do nhưng không chỉ đòi cho các thuyền nhân bị nhồi nhét tại trại cấm, mà cho toàn thể đồng bào mình, đang bị nhét nhồi tại trại giam to lớn hơn. Thứ nhà tù vĩ đại hình chữ S, thân thương.

Tuy nhiên, cũng cần nhận định thêm, là: trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, không thể tái tục được tự do khi đất nước chưa đạt được thể chế chính trị căn bản: Thể chế đa nguyên, đa đảng. Thành thử, bổn phận trước mắt của người công giáo việt, theo tôi, là bằng mọi cách tái tạo cho bằng được một nền dân chủ pháp trị. Hầu nước mình có được hệ thống đa đảng như các nước tự do dân chủ thật sự khác.

Anh chị thân mến,

Muốn làm việc này cho có kết quả, tôi nghĩ, mình phải rời bỏ vỏ sò hoặc tháp ngà không tưởng. Lập tức ra tay ngay. Vận động bằng bất cứ hình thức nào thích hợp hơn cả để chuẩn bị cho một nước Việt không còn cái chế độ độc tài toàn trị kia nữa. Cho đến ngày tươi đẹp ấy, thân chúc anh chị và bạn bè những tháng ngày phấn khởi. Đừng để mất đi niềm hy vọng cần có.

(những ngày đẹp trời cuối tháng 5 năm 2000).

4. Người Công giáo Việt và câu chuyện hòa đồng:

Anh chị thân mến,

Tôi rất hân hạnh được tiếp tục bàn chuyện với anh chị về người Công giáo Việt trước hiện tình đất nước. Hẳn anh chị đã phần nào đồng ý với tôi ở trên, về tư thế của người Công giáo Việt, trong cộng đồng dân tộc hiện giờ.

Nay, có thêm một yếu tố khác nữa là: một mai khi chế độ độc tài đảng trị đã mai một đi rồi, người Công giáo Việt làm được những gì, để thực hiện tính cách chung cho đất nước của mình. Cho việc hòa đồng với mọi thành phần dân tộc. Thành phần ấy, có thể là người cùng một tôn giáo, nhưng khác giáo phái. Cũng có thể là người khác tín ngưỡng, khác chánh kiến; nhưng cùng sống trong cung lòng đất nước của mình, hiện nay.

Theo thiển ý, thái độ đầu tiên mà người Công giáo Việt phải có là: tính cởi mở. Cởi mở ở đây, có là nghĩa chấp nhận tính cá biệt của tôn giáo bạn. Chấp nhận ý kiến nghịch thường của đảng phái đối lập. Chấp nhận tư tưởng của những người đứng ở phía bên kia con đường chánh kiến. Anh chị chắc thừa biết rằng: có thời kỳ người Công giáo Việt Nam lỡ trớn đi ngược lại phương châm căn bản của Đạo, là tha thứ và yêu thương. Lời Trên vẫn dạy, phải yêu cả kẻ nghịch thù của mình nữa. Nhưng, những người Công giáo Việt lúc ấy, lại kéo dài tình trạng đối đầu thù nghịch, cả với người cùng có chủ trương từ bi hỉ xả, như mình. Tiếp theo, là những hậu quả không mấy tốt đẹp cho toàn thể cộng đồng dân tộc. Cũng may, là thời kỳ đen tối ấy đã qua. Nếu không, sẽ còn nhiều chuyện điên đầu kế tiếp.

Mới đây, chúng ta rất vui mừng khi thấy bên nhà đang có những vận động chung kêu gọi trả lại tự do tôn giáo cho người dân hành đạo. Lời Kêu Gọi này, đã được đại diện của 4 tôn giáo lớn ở Việt Nam ký vào. Họ gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Hòa Hảo. Chẳng cần biết, kết quả chung cuộc rồi sẽ ra sao. Chỉ một sự kiện ấy thôi, cũng nói lên điều này: chúng ta đã tìm lại được thái độ cởi mở. Thái độ chấp nhận sự khác biệt như một bước tiền cho mọi hợp tác đích thực. Và chúng ta có lý để hy vọng có được một nền dân chủ chung cho đất nước. Nền dân chủ ấy, chúng ta sẽ đạt được trong ngày mai, rất gần.

Kế đến, là những đức tính, mà theo tôi, ta cũng cần phải có, để tạo sự chung sống hòa bình với người khác đạo. Một trong các đức tính ấy, là: tôn trọng ý kiến của người khác phe phái. Dù nhiều lúc, mình chẳng đồng ý với lập trường cũng như cách cư xử, của người khác. Nhưng, vẫn cứ tôn trọng người ấy. Bỡi lẽ, ý kiến của người khác đạo, khác chánh kiến đôi khi lại khách quan và chính xác hơn ý kiến của mình.

Ở xứ tự do dân chủ, ý kiến của người khác phái, khác sắc tộc, mình còn phải tôn trọng, huống hồ là lập trường khác biệt về tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu tôi không lầm, thì người Pháp cũng có quan niệm: cuộc sống càng đa dạng bao nhiêu thì đời càng đẹp bấy nhiêu. Tôi thường tự bảo với mình rằng, nếu đất nước mình mà lại duy nhất chỉ có một đạo mà thôi, thì cuộc đời người dân chắc buồn tẻ lắm. Và khi ấy, sẽ có nhiều chuyện rối rắm xảy ra. Nhiều bức bách đàn áp hơn hồi thập niên 60, 70.

Thứ đến, khi đã biết cởi mở và kính trọng ý kiến của người khác rồi, chúng ta sẽ dễ dàng lắng nghe họ. Chúng ta sẽ chia sẻ trọng trách với họ. Bởi khi chia sẻ, chúng ta tỏ ra không định kiến. Không cãi vã. Không tranh tụng. Nhưng khoan dung và độ lượng. Khoan dung, để đi đến mục tiêu chung là hòa đồng, hòa hợp. Hòa hợp cho cuộc sống đạo giữa đời, thêm đa dạng. Thêm mầu sắc. Thêm tình thương.

Dĩ nhiên là các thái độ ấy đều mang tính tích cực. Nhưng, để biểu tỏ lòng hăng say tích cực hơn nữa, người Công giáo Việt phải nâng đỡ, và hỗ trợ nhau. Nâng đỡ, trong công tác. Hỗ trợ, khi dấy lên bất cứ phong trào nào, có lợi chung cho toàn thể cộng đồng dân tộc. Trên thực tế, có rất nhiều cơ hội để người Công giáo Việt Nam, ở trong hoặc ngoài nước có thể thực hiện một cuộc hợp tác thiết thực: hợp tác với các Giáo hội khác. Một ví dụ cụ thể: những lúc có lạc quyên giúp đồng bào nạn nhân thiên tai/bão lụt động đất/cháy rừng vv. Còn nhớ trong lần cứu lụt Miền Trung năm 1999, linh mục Chân Tín, người đơn phương đại diện cho giới Công giáo đã đích thân tiếp xúc với các hòa thượng, đạo sĩ thuộc các tôn giáo bạn để thực hiện công tác cứu trợ chung cho đồng bào. Công tác này, các ngài đã cùng nhau thực hiện một cách thiết thực và có kết quả. Điều này chứng tỏ rằng, dù thuộc tôn giáo khác nhau, ta vẫn có thể hợp tác với nhau. Vẫn có thể cùng nhau làm được nhiều điều tốt đẹp cho cả đạo lẫn đời.

Đi từ những kinh nghiệm đẹp ấy, ta hãy cứ tiếp tục thực hiện các điều tích cực và tốt đẹp ấy. Chắc chắn rồi ra ánh sáng huy hoàng của việc hòa đồng dân tộc sẽ ló rạng nơi chân trời Biển Đông. Thứ ánh sáng, mà mọi người Việt ở trong cũng như ngoài nước, Công giáo hay không Công giáo, tất cả đều đang mong đợi. Và ánh sáng ấy đã ló rạng. Và ngày đẹp trời ấy, đã khởi đầu.

(những ngày chan hòa ánh sáng phục sinh 2000)


5. Công giáo việt nam và công việc ưu tiên


Anh chị thân mến,

Bước vào thế kỷ 21, người ta nói nhiều đến kế hoạch kinh tế thời hậu Cộng sản. Đã đành, các kế hoạch ấy đều được giới hữu trách nghĩ đến và chuẩn bị thực hiện. Nhưng có một vấn đề cần đặt là người Công giáo Việt hải ngoại cần làm gì để phục vụ Quê hương và Giáo hội mai ngày khi sắp đến thời kỳ ấy.

Vẫn biết rẳng, một số người việt bỏ nước ra đi không phải để chốn chạy Cộng sản. Cũng Chẳng phải để tu nghiệp hay hấp thụ kỹ thuật mới, từ các nước tiên tiến, để rồi hy vọng mai này trở về xây dựng đất nước. Có người ra đi chỉ để tìm lấy cho mình một cuộc sống thoải mái. Tránh né những gì là gò ép, ràng buộc. Tuy nhiên đã là người Việt thì dù sinh ở đâu, sống nơi nào, chúng ta vẫn không thể chối bỏ được thân phận da vàng mũi tẹt của mình. Nhất chứ, chúng mình lại là người công giáo. Những người để ý đến tính cách chung của mầu cờ sắc áo, đến đặc điểm chung của đạo giáo mình theo. Tốt hơn, ta hãy có hành động tích cực cho công việc chung của đất nước và Giáo hội. Cổ nhân có câu: nếu không hạ được địch thủ của mình thì tốt hơn hết hãy tham gia hợp tác với họ.

Thành thử theo thiển ý, người Công giáo Việt nam hải ngoại, trước tiên cần tham gia tích cực vào chuyện chung. Tham gia các sinh hoạt ở ngoài nước trước đã. Kế đến, tham gia các hoạt động thực tiễn bên nhà.

Về sinh hoạt của cộng đoàn Công giáo hải ngoại, tôi nghĩ mình nên đoàn kết để nâng đỡ nhau. Đoàn kết để tồn tại. Đoàn kết không phải bằng môi miệng hoặc chỉ bằng tinh thần thuần túy. Nhưng hiện thực sự đoàn kết ấy bằng hành động cụ thể. Hành dộng khi có yêu cầu. Hành động qua những công tác yểm trợ mỗi khi có dịp. Hành động trực tiếp hay gián tiếp, bất kể.

Sống ở nước ngoài, Người Việt Tự Do thường có các buổi sinh hoạt truyền thống văn hóa/xã hội bên trong cộng đổng các lễ hội dân tộc như: Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ, ngây truyền thống vv, Người Việt Tự Do vẫn tổ chức rầm rộ. Tổ chức với nhau, cho nhau. Tổ chức cho sắc tộc bạn chung vui với mình. Người công giáo việt thường yểm trợ các hoạt động ấy bằng công sức hoặc tiền bạc để các phong trào mãi mãi tồn tại. Ví dụ điển hình về sinh hoạt cộng đồng thì rất nhiều. Không thể kể ra hết ở đây. Nhưng, vừa qua có một hoạt động của giới trẻ/sinh viên người việt tại Sydney/Canberra nhân 25 năm kỷ niệm ngày mất nước. Một sinh hoạt đã được đồng hương hoan nghênh hết mình.

Đoàn kết không chỉ với người đồng đạo, đồng cảnh. Nhưng cả với anh chị em bên quê nhà bằng những tấm lòng đùm bọc. Bằng sự cảm thông thương xót của người xa quê, vắng nhà. Khi bày tỏ sự đoàn kết đùm bọc, người công giáo việt đã tạo cho cộng đoàn mình một hình ảnh đẹp và cần thiết. Hình ảnh ấy còn là đòi hỏi đích thực của Đạo. Và khi hình ảnh của cộng đồng người Việt hải ngoại đã trở nên tốt đẹp và mạnh đủ, thì tiếng nói cũng như vị thế của họ sẽ gây ảnh hưởng lớn lên chính trị của đất nước. Và người bản xứ cũng bắt đầu kính nể. Có rất nhiều dịp trong đó các cơ quan chính quyền tiểu bang cũng như Liên bang đề cao và tán dương tinh thần đoàn kết và đùm bọc của đồng bào ta ở hải ngoại. Đăc biệt là những dịp cộng đồng sắc tộc chúng ta phát động chương trình lạc quyên gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt tại quê nhà đã đành. Còn giúp cả nạn nhân thiên tai ở Thổ Nhĩ Kì. Giúp các bệnh viện nhi đồng như Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne, bệnh viện Nhi đồng Westmead, Sydney vv. Tất cả đều là sinh hoạt trọng điểm của đồng bào mình ở Úc đáng được đề cao nhân rộng.

Từ tinh thần đoàn kết đùm bọc ấy, người việt công giáo hải ngoại đã bước những bước tích cực nhằm phục vụ quê hương và Giáo hội. Cần bằng chứng cụ thể ư? Hãy xét các sinh hoạt của Hội Chuyên gia Việt Nam tại các nước phương Tây như Pháp, Úc, Mỹ, Canada, vv.. Bỏ qua một bên, những kế hoạch có tính cách quy mô và lâu dài, thiết nghĩ, hoạt động hằng năm của Giáo hội cho thấy phần nào mô hình gương mẫu và thiết thực hầu phục vụ Quê hương mai hậu.

Đối với Giáo hội Việt Nam cách riêng, ta không có các chương trình của các nhóm người Việt công giáo to lớn và lớp lang như của Hội Chuyên gia. Tuy nhiên, tên tuổi và hoạt động của một vài chức sắc việt nam quen biết nhưc Đức Tổng Giám Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, các Đức ông Tài, Thụ vv. Có thể được coi như những ví dụ cụ thể. Ngoài các vị người việt hoặc gốc việt kề trên, cũng đã thấy một vài người ngoại quốc, hoặc đoàn thể nước ngoài đang gia tăng công sức giúp xây dựng Giáo hội công giáo việt nam lành và mạnh. Lành và mạnh theo đúng ý nghĩa của cụm từ “Công giáo”, “Nhà Chung” đề cập ở trên.

Riêng ở Úc, các phong trào và nhân vật nổi tiếng trong giới công giáo như The Overseas Aid Fun For The Education of Children in Vietnam Inc., The Asia Education Foundation, Sr Patrica là những gương mặt điển hình đáng khích lệ người Việt Tự do tại Úc. Những ai không thể hoạt động chính thức hoặc tích cực như các vị trên, vẫn có thề biểu lộ sự đoàn kết và đùm bọc bằng những hợp tác thiết thực. Hợp tác, qua đóng góp ý kiến, công sức, cũng như tiền bạc. Hoặc, ít nhất bằng lời cầu nguyện. Bằng việc góp chữ ký đạt để thỉnh nguyện thư vv…

Tóm lại, bẳng bất cứ hình thức nào thích hợp, người công giáo việt nam hải ngoại nên hợp tác tích cực và cụ thể với các chương trình thiện nguyện khác nhau. Để rồi, qua tinh thần hợp tác tích cực ấy, người ngoài cuộc sẽ nhận ra rằng: đặc điểm của Đạo mình, chính là riêngchung/chungriêng. Đúng như ý nghĩa của cụm từ Công giáo mà chúng ta vẫn tự hào.

Rất mong rằng, mấy ý kiến ghi trên sẽ không là những đòi hỏi quá đáng, khó thực hiện.

(những thỉnh ý nhân lễ Chúa về Trời năm 2000)