Wednesday 24 December 2008

Thư mừng Giáng Sinh - LM Vũ Khởi Phụng CssR

Thư mừng Giáng Sinh
Kính gửi các Ân nhân và Thân hữu của Thái Hà

Kính thăm các Ân nhân và Thân hữu,

Mỗi năm đến lễ Giáng sinh chúng ta lại được nghe trang Tin Mừng rất êm đềm của thánh Luca: những mục đồng giữa đêm khuya được nghe tiếng các thiên thần hát mừng vinh quang Thiên Chúa và bình an cho loài người được Chúa yêu thương. Thiết tưởng ít ai cảm nhận được sự lạnh lẽo băng giá của kiếp người bằng các mục đồng nghèo ấy: “Trong vùng ấy, có mục đồng sống ngoài trời và thức đêm canh giữ đàn cừu” (Lc. 2,8). Nhưng cũng ít ai cảm nhận được nguồn hạnh phúc bình an và ấm cúng bằng những mục đồng ấy: “Và bỗng đâu đến hợp đoàn với Sứ Thần có muôn vàn Thiên binh cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa rằng: “Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm, và dưới thế bình an cho loài người Chúa thương” (Lc. 2,13-14). Lời ca ấy làm cho các mục đồng hối hả cùng nhau đi Bêlem và họ đã “ gặp bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Tín hữu chúng ta dường như cũng được chia sẻ phần nào cả cái lạnh lẽo tình đời lẫn niềm vui hân hoan chan hòa ấm cúng của các mục đồng. Chính vì thế chúng ta vẫn gửi lời mừng lễ Giáng sinh cho thân nhân và bạn hữu.

Ở Thái Hà chúng tôi cũng có truyền thống tốt đẹp ấy. Nhưng đến năm 2008 này, tự nhiên số thân nhân và bạn hữu của Thái Hà tăng đột biến, đến nỗi gửi bao nhiêu thiệp chúc mừng cũng không đủ. Chúng tôi thì lại không muốn thiếu sót một ai, vì thế xin gửi lá thư ngỏ này đến tất cả các ân nhân và thân nhân trong cả nước và khắp năm châu. Xin các vị và các bạn nhận ở đây một lời cảm tạ vì tất cả những tình sâu nghĩa nặng mà thập phương đã dành cho Thái Hà trong năm qua.

Hiệp ý với Tổng Giáo phận Hà Nội, phong trào cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình ở Thái Hà phát động ngày lễ Hiển Linh 2008, ngay lập tức đã có những anh chị em ở Hà Nội, ở miền Bắc nói chung và nhiều “cư dân mạng” trong và ngoài nước hưởng ứng. Phong trào cầu nguyện này đã phát triển vượt bậc vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác về trời 15/8, khi mọi người tiến vào mảnh đất bỏ hoang mà ngày xưa Tu viện và Giáo xứ đã dùng. Cũng từ đấy Thái Hà thường xuyên bị báo đài nhà nước đả kích nặng nề và bị kết án là phạm pháp, phá rối trật tự công cộng và xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng từ ngày 28/08: ba anh chị em bị bắt giữ, đưa tới buổi cầu nguyện đông người trước trụ sở Công An quận Đống Đa, rồi vụ đàn áp bằng dùi cui, roi điện, và bạo hành. Sau đó đến tối 31/08, cộng đoàn cầu nguyện bị xịt hơi cay, khiến nhiều người bất tỉnh đau đớn, và phải đi bệnh viện. Kể từ lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ở Hà Nội mừng vào ngày 21/9, Thái Hà được vinh dự chung phần với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt lãnh những đòn hằn ác liệt cả bằng lời nói lẫn những hành động bạo lực xẩy ra đêm 21/9 chung quanh Tu Viện và Nhà Thờ. Kể từ đó mảnh đất mà Thái Hà muốn thu hồi đã được biến thành công viên. Tuy không đạt được nguyện vọng xây Nhà Thờ trên mảnh đất cha ông để lại, nhưng Thái Hà cũng được một phần an ủi là mảnh đất ấy đã không bị chia xẻ, bán chác, tư túi. Từ ngày đó, sự đả kích và bạo động đối với Thái Hà có giảm dần, với một cuộc phá rối nữa vào đêm lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam 15/11/2008.

Đến lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8/12 thì Đức Mẹ đã ban tặng cho Thái Hà một món quà. 8 anh chị em bị truy tố lãnh án treo và bị cảnh cáo. Tuy anh chị em khẳng định mình vô tội và do đó dù án treo hay cảnh cáo thì anh chị em vẫn kháng cáo, nhưng Thái Hà đã hết sức vui mừng đón anh chị em trở về bình an với gia đình. Có thể nói chưa bao giờ Thái Hà có một ngày vui như buổi chiều và tối hôm ấy.

Chúng tôi xin ôn lại mấy chặng đường đã qua để được bày tỏ lòng tri ân với tất cả các bậc ân nhân và anh chị em thân hữu đã chí tình đồng hành với Thái hà trong một hành trình gian khổ.

Trước hết, Thái Hà xin cảm tạ các vị chủ chăn, đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài đã có văn thư ủng hộ Thái Hà ngay từ những ngày đầu sôi động. Ngài lại đích thân đến thăm và cùng cầu nguyện với cộng đoàn trên “Linh địa Đức Bà”. Tuy sau đó vụ Tòa Khâm Sứ là nguyên nhân trực tiếp khiến lời nói của Ngài bị bóp méo và bản thân Ngài bị vu khống và đả kích tàn bạo, nhưng Thái Hà có cảm giác rất rõ là thái độ của Ngài đối với Thái cũng là một nguyên nhân gây ra sự đả kích đó.

Sau Đức Tổng Giám Mục thì hầu hết các Đức Cha ở miền Bắc đều đã đến thăm, cầu nguyện với cộng đoàn ở hiện trường và có những tuyên bố bênh vực Thái Hà. Tất cả những sự kiện này đã được thông tin rộng rãi trong và ngoài nước. Cha Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đã đến các Tòa Giám Mục để cảm tạ các Đức Cha. ở đây chúng tôi chỉ xin nói rằng sự xuất hiện của các Đức Cha đã làm nức lòng cộng đoàn dân nghèo đang cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình. Qua các Đức Cha, chúng tôi cảm thấy mình được tất cả Hội Thánh bao bọc và nâng đỡ.

Nhiều vị Giám mục khác ở ngoài Giáo Tỉnh Hà Nội cũng đã lên tiếng bênh vực Thái Hà. Thái Hà xin cảm tạ Đức Hồng Y Gioan-Baotixita Phạm Minh Mẫn ở Sài Gòn đã lên tiếng giữa lúc Thái Hà đang bị đả kích ác liệt. Đức Giám mục Kontum cũng có thái độ ủng hộ rất dứt khoát. Ngoài ra còn nhiều đấng khác tuy kín đáo nhưng cũng đã đến thăm Thái Hà và tỏ ý hiệp thông cầu nguyện.

Chỉ bốn ngày sau khi Thái Hà gặp đại nạn “Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” được công bố tại Xuân Lộc ngày 25/09/2008 đã là một nguồn ánh sáng khiến cho Thái Hà vững tâm hơn. Các Đức Giám Mục lên tiếng cho toàn thể Giáo Hội và ngỏ lời với mọi người thiện chí. Thái Hà chỉ là một thành phần bé nhỏ trong Dân Chúa, nhưng có lẽ vì đang ở giữa một thứ “tâm bão” nên đã đón nhận những định hướng ấy với nhiều cảm kích. Một lần nữa xin tạ ơn Hội Thánh.

Theo chân các Đức Giám mục có rất nhiều linh mục và nam nữ tu sĩ đã tới Thái Hà. Nhiều vị từ miền Nam ra, nhưng nhất là trong Giáo Tỉnh miền Bắc từ Lạng Sơn đến Vinh - Xã Đoài. Trước hết là linh mục đoàn Hà Nội, đặc biệt các cha hạt trưởng và các cha xứ, cha phó trong nội thành. Toàn thể linh mục đoàn của Bắc Ninh và Lạng Sơn cũng đến thăm viếng và sát cánh với Thái Hà. Xa hơn cả, các cha Giáo Phận Vinh tuy không thể về Thái Hà hết được, nhưng sự biểu lộ đoàn kết và đồng tâm cầu nguyện lan rộng khắp Giáo Phận tạo cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc tuyệt vời về tình hiệp thông trong Hội Thánh. Nhiều linh mục từ các giáo phận khác, từ miền Nam, miền Trung cũng đã cầu nguyện và khuyến khích chúng tôi bằng đủ cách, khiến chúng tôi được an ủi và nâng đỡ rất nhiều. Nhiều cha đã dẫn đầu giáo dân của mình về Thái Hà dâng lễ và cầu nguyện. Nhiều cộng đoàn nữ tu đông đúc đã ra khỏi bầu khí bình an của tu viện để trong nhiều ngày liên tiếp hòa mình dự lễ và cầu nguyện giữa cộng đoàn Thái Hà, chia sẻ với Thái Hà mọi khốn khó.

Anh chị em giáo dân từ khắp các miền gần xa về với Thái Hà là cả một hiện tượng. Vụ Thái Hà là một chất xúc tác làm lộ rõ tấm lòng son của Dân Chúa trên đất nước này. Lòng tin, lòng mến vẫn ẩn tàng trong thâm tâm tín hữu đã hiển hiện hết sức nồng nhiệt.

Anh chị em giáo dân các nơi trong Tổng Giáo Phận đã hợp đoàn với Thái Hà cầu nguyện từ những ngày đầu. Nhưng từ hôm cộng đoàn Thái Hà bị đánh đau đớn đêm 28/08, thì anh chị em bốn phương không hẹn nhau trước mà cùng nhau đổ về Thái Hà như những dòng thác lũ. Anh chị em đã tìm về ngồi chung với chúng tôi để cầu nguyện, bất chấp những lời phỉ báng, khiêu khích, vu khống, đe dọa. Trước tất cả mọi hằn học, anh chị em chỉ đáp lại bằng thái độ bình an, bằng lời Kinh Hòa Bình. Trong những ngày đó, Nhà Thờ, Tu Viện, bên trong, bên ngoài chỗ nào cũng chật ních người. Tu viện tăng thêm giờ lễ, tăng thêm các tòa giải tội. Anh em Dòng Chúa Cứu Thế bỡ ngỡ bảo nhau: “Mình không tổ chức mà một cuộc Đại Phúc đã ngẫu phát”.

Chúng tôi không thể quên được từ đêm 21/09 trở đi, có bao nhiêu anh chị em phương xa đã tự nguyện thức qua đêm bên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như thấp thỏm canh giữ một kho báu vô giá. Cả đến đêm 15/11 sự kiện xảy ra khi mọi người tưởng rằng bão táp đã tạm yên, chỉ cần một hồi chuông nhà thờ và vài cú điện thoại bạn bè gọi nhau mà anh chị em từ khắp các giáo xứ ở Hà Nội đã đồng loạt phóng xe về Thái hà, có cả cha xứ, cha phó cùng đi, khiến cho những người gây rối biến tan trong phút chốc. Bao nhiêu đêm sau đó, trời đã trở lạnh, nhiều anh em các giáo xứ bạn vẫn thức suốt đêm ở ngoài sân; chúng tôi mời anh em vào trong nhà cho ấm, anh em vẫn một mực ngồi canh ngoài trời. Khi ấy chúng tôi mới hiểu rằng người ta sẽ không bao giờ ngồi canh giữ một đền thờ bằng gạch ngói, nếu như không có một đền thờ trong tâm linh, một đền thờ không dựng bằng tay người.

Thế rồi đến ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08/12, các cha và anh chị em các nơi đổ về từ đêm trước, từ sáng sớm để cùng ra tòa với 8 bị cáo. Nhiều người ở các nơi xa tiếp tục kéo nhau về từ sáng đến trưa cùng với anh chị em Thái Hà đứng dưới nắng bên ngoài nơi xử án cho đến tận chiều. Khi các bị cáo bình an và hiên ngang ra về, đôi khi chúng tôi thấy những anh chị em ở xa lại còn vui mừng hân hoan hơn cả anh chị em Thái Hà nữa. Người ta nói: “Cả đời chưa bao giờ vui thế”. Biết bao nhiêu cú điện thoại, biết bao nhiêu tin nhắn, biết bao nhiêu Email tới tấp thăm hỏi, chia vui. Thậm chí từ nước ngoài người ta cũng điện về báo tin đang ăn mừng 8 người vô tội. Hôm đó, Thái Hà dâng lễ tạ ơn, nhưng những hôm sau, biết bao nhiêu giáo xứ khác cũng tạ ơn với Thái Hà

Thật ra, nếu đừng có những nhân tố ngoại lai xen vào nhiễu động, thì bản thân vụ việc chẳng có gì ghê ghớm, không đáng để bàn. Nhưng từ một vụ việc nhỏ, anh chị em bốn phương lại nhận ra lòng mình, lại nhận ra lòng nhau, đó mới là điều vĩ đại phi thường. Chúa đã dùng những sự bé mọn thế gian để ban hồng ân nhớ đời trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 2008.

Chúng tôi biết rằng không thể nào kể hết ân tình của vô số các đấng bậc và anh chị em dành cho Thái Hà. Chỉ xin gợi lên vài nét để bày tỏ lòng cảm tạ. Thái Hà đã được đón nhận quá nhiều nên biết rằng cảm tạ bao nhiêu cũng chưa cân xứng. Hồng ân của Chúa vẫn đầy tràn khi giờ đây Thái Hà tiếp tục cùng anh chị em khắp nước, và anh chị em hải ngoại đêm đêm thắp nến cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình. Chính lời cầu nguyện đó là sợi dây vô hình nối kết chúng ta với nhau vô cùng chặt chẽ.

Còn một nhóm anh chị em nữa mà chúng tôi không thể nào quên, đó là các vị và các bạn chuyên lẫn không chuyên ngành truyền thông, các cơ quan và từng cá nhân trong và ngoài nước đã truyền đi rất nhiều thông tin. Nhờ mạng lưới thông tin của các vị và các bạn, những ước vọng của Thái Hà, và mọi biến cố lớn nhỏ xảy ra đều được cả nước và cộng đồng Việt Nam khắp năm châu theo dõi từng ngày, từng giờ. Chính mạng lưới thông tin góp phần rất mạnh tạo ra sự hiệp thông mãnh liệt trong nước, ngoài nước mà Thái Hà được hưởng. Nếu không có thông tin, Thái Hà đã tan nát rồi. Chúng tôi biết có những xứ đạo ở xa, khi bị quấy nhiễu như Thái Hà, thì sự bạo động kéo dài mấy đêm liền chứ không phải là một chốc lát như ở Thái Hà. Thử thách của Thái Hà như thế còn là ngắn, được thế trước hết là nhờ sự đoàn kết thương yêu của toàn dân Chúa, nhưng nếu không có các phương tiện truyền thông, thì dân Chúa làm sao biết được để có phản ứng tuyệt vời, thì mọi sự sẽ chìm đắm trong yên lặng vô vọng mà thôi. Xin các vị và các bạn đã tham gia công tác truyền thông nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi.

Chúng tôi không khỏi bùi ngùi nghĩ rằng ở những vùng sâu, vùng xa, hay ngay ở các thành phố và thị xã, thị trấn, vẫn còn biết bao nhiêu người nghèo đành phải chịu áp bức, bóc lột, chẳng qua chỉ vì thiếu truyền thông và thông tin. Được hưởng ân huệ của các cơ quan và phương tiện truyền thông, chúng tôi cũng xin quý vị và quý bạn lưu tâm đến những nỗi đau oan khiên lớn nhỏ còn chưa có dịp được nói nên lời.

Chúng tôi xin cảm tạ các luật sư đã tận tình hướng dẫn giúp đỡ các anh chị em chúng tôi lâm vòng lao lý để mọi quyền lợi hợp pháp của anh chị em được bảo đảm. Các bạn đã chứng kiến niềm vui và tình cảm của cộng đồng trong ngày 8 tháng 12 và những ngày sau đó, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Xin để niềm vui và tình cảm đó thay lời chúng tôi cảm ơn các bạn.

Chúng tôi biết còn rất nhiều người thiện chí đã hiểu và đã ủng hộ chúng tôi trong giai đoạn vừa qua, trong đó có nhiều vị thuộc tôn giáo bạn, nhiều vị là cán bộ, đảng viên. Có những vị đã gặp chúng tôi trực tiếp bày tỏ sự cảm thông. Có những vị không cần gặp chúng tôi, nhưng chúng tôi đã được nghe biết về những phát biểu và phản ứng của quý vị và các bạn. Chúng tôi chỉ tiếc là hoàn cảnh quá bề bộn, không cho chúng tôi được hân hạnh tiếp xúc với từng vị, từng bạn. Dẫu được gặp, hay chỉ được nghe biết, hay thậm chí không được nghe, biết nhưng chúng tôi tin rằng mọi thiện chí vẫn gặp nhau trong tinh thần tôn trọng Công lý và Chân lý, trong sự yêu thương và phục vụ con người và xã hội, dân tộc và đất nước. Xin quý vị và quý bạn nhận nơi đây niềm tri ân của chúng tôi.

Từ đầu tới giờ, chúng tôi ngỏ lời với các ân nhân, thân nhân, bạn hữu của Thái Hà. Nhưng với tất cả những gì đã xảy ra, thì ai cũng hiểu có những người không muốn làm ơn, làm thân và làm bạn với Thái Hà. Xin cho chúng tôi được thưa với các vị ấy một đôi lời vắn tắt : Thái Hà đã làm những gì mình tin là lẽ phải, đã đi tìm những gì mình cho là chính đáng, và không mong điều gì khác ngoài Công lý. Trong quá trình ấy, Thái Hà đã thẳng thắn nói lên cảm nghĩ và phản ứng của mình. Nhưng Thái Hà không nuôi lòng thù hận một ai. Thậm chí có lẽ Thái Hà còn phải nói lên lời cám ơn các báo đài Hà Nội đã góp phần làm cho cả nước và nước ngoài biết đến và nâng đỡ Thái Hà. Nhưng Thái Hà sẽ không nói lên lời cảm ơn đó, sợ rằng các vị sẽ cho đó là một lời mỉa mai. Thật tình khi ở trước máng cỏ của Chúa Giáng sinh, chúng tôi không thể có ý mỉa mai ai. Nhưng nếu Thái Hà đã làm quý vị bực bội và nổi giận, thì Thái Hà lấy làm tiếc vì sự tức giận là một tâm cảnh không được bình an. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện để quý vị tìm thấy ơn bình an chân thật.

Kính thưa các ân nhân và thân hữu,

Xin cho chúng tôi được trở về bên máng cỏ với các mục đồng và lời ca Noel. Nếu Thái Hà trong những ngày khó khăn vừa qua, đã từng nếm thân phận mục đồng nghèo, thì sự hiệp thông cầu nguyện, yêu thương đùm bọc, nâng đỡ mọi mặt từ các ân nhân, bạn hữu, anh chị em khắp nơi trong nước và ngoài nước chính là ánh sáng và vang âm của tiếng hát thiên thần xưa kia. Bây giờ đã đến lúc chúng ta cùng nhau tìm gặp “bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Dù chúng ta ở trăm nghìn nơi chốn khác nhau, thì suy cho cùng chỉ có một máng cỏ thôi. Bên máng cỏ ấy dù ở xa nhau, chúng ta lại trở nên gần gũi, thân thương, chung vai sát cánh.

Trước máng cỏ, Thái Hà nhớ tới tất cả các ân nhân và thân hữu của mình và xin thành tâm cầu nguyện tạ ơn.

Kính chúc tất cả quý vị và quý bạn một lễ Giáng Sinh, một mùa Giáng Sinh bình an, hạnh phúc, một đoạn đường trước mặt đầy nhân ái và cảm hứng.

“ Vinh quang Thiên Chúa trên trời
Và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

23-12-2008
Mt. Khởi Phụng

Sunday 21 December 2008

TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM ! - Lm. VĨNH SANG

TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM !


Nỗi mặc cảm thua kém của người dân một nước chậm tiến luôn đeo đuổi những ai có dịp ra nước ngoài. Nhìn người ta tự tin, thoải mái, vững vàng trong đi đứng, mạnh dạn trong giao tiếp, tự trọng trong ứng xử nhiều khi thấy thèm thuồng. Mấy hôm nay báo chí ( Bao Tiền Phong ngày 17.12.2008 ) lại đăng tải một nguồn tin từ Báo cáo phát triển Việt Nam của tổ chức Ngân Hàng Thế giới ( WB )… Nếu đây là một nguồn tin đáng tin cậy, những con số quái ác này càng đẩy người dân ta đến mặc cảm nhiều hơn. 158 năm mới theo kịp Singapore, 95 năm mới kịp Thái Lan và 51 năm mới kịp Indonesia, một con số quá dài, không biết trong khi mình chạy người ta có chạy thêm và tăng tốc hơn nữa không ? Mà nếu người ta có chạy với tốc dộ cao hơn thì minh chạy đến bao giờ mới vói tới được người ta ? Thua kém vẫn mãi là kém thua !


Nhớ lại những ngày thập niên sáu mươi bẩy muơi, lớp trẻ chúng tôi ở Sài-gòn tuy đau khổ vì chiến tranh, nhưng không bao giờ mặc cảm trước các nước trong vùng Đông Á. Chúng tôi mạnh dạn và tự tin khi gặp gỡ những người dân Philippines, chẳng ngại ngùng khi đối diện với Thái Lan, chẳng lúng túng khi giao tiếp vơi Hàn Quốc, thậm chí chúng tôi còn hãnh diện với một "Sài-gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông", hãnh diện thật sự chứ không phải thứ hãnh diện hão.


Bây giờ, đến Manila của Philippines, thành phố gần gũi chúng ta, nhìn đoàn xe metro quá đơn giản của người mà lòng xót xa tự hỏi đến bao giờ ta mới có. Đến Singapore càng làm mặc cảm to thêm... Thế đấy, đang khi ta huênh hoang tự kiêu với hàng trăm khẩu hiệu rỗng tuếch, tự ru ngủ mình và mặc sức phá hoại, thì người ta bình tĩnh nắm thời cơ vững vàng đi lên, giật mình thì đã quá muộn.


Cứ nhìn đoàn người lo âu xếp hàng từ sớm, nghiêm trang tuân thủ các hướng dẫn của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài-gòn, cố gắng để làm sao có cái chiếu khán nhập cảnh thì đủ thấy ta thua kém chừng nào, cái tự hào hiên ngang biến đâu mất sạch. Giả dụ mình không chậm tiến, mình không bê bối, làm gì mà phải mang nỗi u buồn này.


Có một lần đến Hoa Kỳ, cùng đi với gia đình em tôi, nhưng khi đến bàn làm thủ tục nhập cảnh, tôi phải tách ra vì tôi mang hộ chiếu Việt Nam, còn gia đình em tôi mang hộ chiếu Úc, tôi bị kiểm soát chiếu khán, gia đình em tôi không cần chiếu khán. Trên đơn xin chiếu khán của tôi vẫn ghi hàng chữ với nội dung quái ác: Chiếu khán này được cấp, nhưng không có giá trị, việc nhập cảnh tùy thuộc vào nhân viên thị thực nhập cảnh. Đã đến Hoa Kỳ lần thứ ba, nhưng tôi vẫn bị nhân viên nhập cảnh hoạnh họe đôi điều trước khi đóng dấu nhập cảnh, nhìn chung quanh chẳng ai bị như mình.


Hôm qua đọc báo, lại một nỗi buồn và tủi nhục bị rao lên, phi công Việt Nam, tiếp viên Việt Nam, dính dáng đến một vụ ăn cắp mỹ phẩm tại Nhật, mà chính sinh viên Việt Nam là chủ mưu ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ sáu 19.12.2008 ). Nỗi đau cán bộ ăn cắp hàng siêu thị ở Singapore chưa xong, thì cái nỗi đau Tham Tán Sứ Quán Việt Nam ở Châu Phi buôn lậu sừng tê giác ập đến, vụ án Đại Lộ Đông Tây đang là mối nhục lớn trước con mắt của dân Nhật. Trách sao người ta không coi thường mình ?


Nói mãi cũng nhàm, chuyện buồn chẳng phải riêng mình, rồi cứ cắm đầu cúi mặt mãi sao?
Thế rồi, vừa qua tôi có dịp đi công việc ở Roma, khi trở về, sau khi làm thủ tục đăng ký chuyến bay và cân hành lý xong, cô nhân viên người Ý của hãng Air France trao lại thẻ lên máy bay và hộ chiếu cho tôi, nhoẻn miệng cuời rất tươi, nhìn tôi mặc y phục Giáo Sĩ, mang hộ chiếu Việt Nam, cô đứng lên hơi nghiêng mình và nói với tôi: "Tôi kính phục Đức Hồng Y Thuận". Quá bất ngờ, tôi ấp úng câu cám ơn không ra lời. Bước đi rồi, tôi vẫn còn bàng hoàng như ở trong mơ.


Khi vào máy bay, mọi người đã ổn định xong chỗ ngồi, không hiểu sao chuyến bay chậm lại một giờ, các tiếp viên rảnh rỗi. Bỗng một cô tiếp viên đến bên tôi hỏi thăm: "Có phải ông là Linh Mục Việt Nam ?" Tôi nghĩ bụng, lại một chuyện gì rắc rôi nữa đây, nhưng không thể làm khác, tôi trả lời xác nhận.


Cô tiếp viên hỏi tiếp: "Thế ông có biết chuyện Thái Hà ?" Dĩ nhiên là tôi gật đầu. Trao đổi một chút trong bầu khí thân thiện, cô chào tôi rồi đi. Nhưng chỉ ít phút sau cô trở lại, mời tôi ra khoang sau máy bay, nơi các tiếp viên chuẩn bị các bữa ăn, nơi đó đã có năm tiếp viên ngồi đợi, họ xin tôi nói về Thái Hà cho họ nghe, vắn tắt vài lời, họ tỏ ra rất cảm thông và nể phục chúng ta. Tôi trở về ghế ngồi, lòng vui mừng khó tả. Chuyến bay đó, tôi được săn sóc đặc biệt, tuy ngồi ghế hạng thường, nhưng tôi được phục vụ như hạng thương nhân, dĩ nhiên ghế vẫn nhỏ, nhưng thức ăn nước uống thì... không nhỏ !


Một vị Thánh đã làm thay đổi cái nhìn về một dân tộc mà ngài thuộc về, một "hành vi Thánh" có khả năng thuyết phục người khác. Đức Hồng Y Thuận đã làm cho người ta kính phục các Giáo Sĩ của dân tộc Việt Nam, tầm thường và nhỏ bé như tôi mà cũng được lây hương thơm thánh thiện. Một "hành vi thánh", dám sống chết cho sự thật đã làm cho thế giới bị thu hút và ngưỡng vọng. Chẳng ai ngưỡng vọng sự nhát đảm, luồn cúi, và đê hèn.


Xin hết lòng cảm tạ Đức Hồng Y kính mến của dân tộc và của Giáo Hội Việt Nam, xin tri ân anh chị em Thái Hà với niềm cảm phục hiệp thông, đã cho tôi tìm lại được niềm tự hào mình là người Việt Nam.
Chúa Cứu Thế sẽ đến trong vinh quang nhưng đã khởi đi từ cuộc hạ sinh thẳm sâu khiêm tốn, xin chúc lành cho chúng con.


Lm. VĨNH SANG, DCCT, thứ bảy 20.12.2008

Monday 15 December 2008

CÂU CHUYỆN BẢO VỆ SỰ SỐNG - Lm. QUANG UY

Nhóm Bảo Vệ Sự Sống chúng tôi được hình thành tại DCCT Sài-gòn ngay sau Thánh Lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô ngày thứ ba 27.9.2005. Có 9 bạn nữ đầu tiên xin ghi danh trở thành tình nguyện viên trong Nhóm Bảo Vệ Sự Sống. Sau đó là gần một tháng chuẩn bị bằng việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa, Tĩnh Tâm, lên chương trình, phân công về các địa điểm sẽ đến.

Đến Chúa Nhật 23.10.2005, trong Thánh Lễ 8 giờ sáng ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT Sài-gòn, chúng tôi đã xin với cộng đoàn hàng ngàn anh chị em Giáo Dân cùng hiệp ý cầu nguyện cho Nhóm Bảo Vệ Sự Sống để từng thành viên trong Nhóm nhận ra vào giờ phút này, chính họ được Chúa Giêsu sai đi... Ngay sau Lễ, một toán tiên phong gồm 4 chị em đã trực chỉ Trung Tâm Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em, một nơi phá thai sầm uất ở đường Cao Thắng... Tuy nhiên trong ngày đầu tiên này chưa có trường hợp nào thuyết phục thành công.

Hôm sau, thứ hai 24.10.2005, gần trưa, cùng lúc hai toán Bảo Vệ Sự Sống trở về từ hai bệnh viện phụ sản lớn của Sài-gòn là Từ Dũ và Hùng Vương, Chúa đã cho thu gặt mẻ lưới đầu tiên không thể ngờ tới, mấy anh em Linh Mục chúng tôi xoay như chong chóng. Các trường hợp muốn phá thai chúng tôi tiếp cận được, may quá, đều nhanh chóng chấp nhận bỏ ý định kinh khủng ấy. Các thai phụ òa khóc mà miệng cười rạng rỡ. Chúng tôi cũng mừng khôn xiết kể, có cha rươm rướm những giọt lệ xúc động.

Một trường hợp được chuyển đi Nhà Tình Thương Giêrađô ngay vì chị ấy không tìm được nơi nương náu. Các trường hợp còn lại thì vợ chồng líu ríu dắt nhau về nhà, các chị BVSS tìm theo tận nơi để còn giúp đỡ khi cần thiết, nhất là không để cho họ lại bị cám dỗ xui khiến đi phá thai một lần nữa.

Mùa Vọng 2005 đã đến, mấy anh em Linh Mục DCCT mở thêm một mặt trận mới, làm thành 2 ê-kíp chia nhau đến giảng Tĩnh Tâm Mùa Vọng tại các Giáo Xứ và các Dòng Tu, chủ đề được chọn đương nhiên là đề tài Bảo Vệ Sự Sống.

Mùa Giáng Sinh 2005, nhân Lễ các Thánh Anh Hài, Trung Tâm Mục Vụ DCCT đã phối hợp với anh chị em Nhiếp Ảnh Gia Công Giáo của Giáo Phận Sài-gòn tổ chức tại Hoa Viên Hiệp Nhất của DCCT một cuộc triển lãm 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật về chủ đề: Sự Sống, Quà Tặng vô giá của Thiên Chúa”. Tác động thấy rõ nơi khách đến xem triển lãm, đủ mọi giới, già trẻ lớn bé, người giàu kẻ nghèo, và không ít những người không phải là Công Giáo, ai cũng nhận ra Sự Sống thật sự cần phải được đón nhận, nâng niu bảo vệ và giúp cho thăng tiến trong Giáo Hội, trong xã hội...

Thứ bảy 21 và Chúa Nhật 22.1.2006: Cận Tết Nguyên Đán, chúng tôi tổ chức đợt Tĩnh kéo dài hai ngày một đêm ở DCCT Vũng Tàu cho Nhóm BVSS, vừa để nâng đỡ củng cố tinh thần anh chị em cũ, vừa để chuẩn bị “xuất quân” cho các bạn mới gia nhập Nhóm. Tinh thần được hâm nóng mà tình thân trong nội bộ anh chị em chúng tôi cũng ngày một thêm gắn bó.

Sau Tết, bắt đầu từ ngày thứ bảy 11.2.2006, Nhóm quyết định hằng tuần sẽ gặp nhau đều đặn vào tối thứ bảy để học hỏi một đề tài Giáo Lý, một vấn đề liên quan đến BVSS, rồi sau đó cùng hiệp dâng Thánh Lễ. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại xin đến họp mặt tại một Dòng Tu nữ nào đó. Đâu cũng vậy, Dòng Tiểu Muội, Đức Bà Truyền Giáo, Mân Côi, Đức Bà, Saint Paul, Phan Sinh Thừa Sai, Dâng Truyền, Nữ Tử Bác Ái... các soeurs đều mở rộng cửa tiếp đón và hứa sẽ không quên mỗi ngày cầu nguyện đặc biệt cho chương trình Bảo Vệ Sự Sống.

Mùa Chay 2006 đã về, toàn Nhóm tham gia đầy đủ các khóa học mở ra liên tiếp vào các tối thứ hai và thứ sáu, mở rộng cho quần chúng, tổ chức ngay trong Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn hoặc trải ra nhiều tháng với các lớp học nhỏ hơn được tổ chức trong các phòng hoặc và hội trường của Giáo Xứ. Các giảng viên là các bác sĩ, Linh Mục, Nữ Tu, các chuyên viên trong lãnh vực Hôn Nhân Gia Đình đã trình bày các đề tài về giáo dục giới tính, về sức khỏe sinh sản, về chuyện ngừa thai, phá thai, về hiện trạng tâm lý giáo dục của thanh thiếu niên... Rõ ràng Nhóm đang khởi đầu dấn thân lo giải quyết cái ngọn là chuyện phá thai, nhưng cũng phải sớm nhập cuộc để nâng niu ngay từ cái gốc của Sự Sống, giảm tối đa những hậu quả tai hại ở phần ngọn.

Từ dạo ấy, anh chị em Nhóm Bảo Vệ Sự Sống luôn sát cánh bên cạnh các bác sĩ và anh em Linh Mục DCCT trong những chuyến “du thuyết” đến rất nhiều các Giáo Xứ gần xa, nội ngoại thành Sài-gòn và cả ở các tỉnh Bắc Trung Nam của Việt Nam, để gặp gỡ các Dòng Tu nam nữ, các nhóm, các đoàn thể như Y Tế Xã Hội, Legio, Dòng Ba, Hội Vinh Sơn... gặp gỡ các giới gia trưởng, hiền mẫu, sinh viên học sinh và nhất là các bạn công nhân di dân xa quê, các em nữ giúp việc nhà...

Nhóm còn chia nhau đến tận các Nhà Thờ mỗi Chúa Nhật để xin các cha sở cho phép được đứng ở cổng, trao tận tay cho mọi người các tờ bướm truyền thông Bảo Vệ Sự Sống, tính đến nay có lẽ phải đến hàng chục vạn tờ bướm với gần 20 nội dung khác nhau, bên dưới ghi rõ địa chỉ và số điện thoại Trung Tâm Mục Vụ DCCT để mọi người có thể đến tìm một sự tư vấn hoặc trợ giúp cần thiết, cố gắng tối đa để cứu lấy các thai phụ và các thai nhi khỏi tệ nạn nạo phá thai.

Một mặt truyền thông đại chúng khác được tận dụng cho BVSS, đó là chuyên mục BVSS trên website của Trung Tâm Mục Vụ DCCT ( www.trungtammucvudcct.com ) được mở ra với hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu, các chứng tá, chia sẻ và cảm nhận về BVSS. Rồi một Blog về BVSS được mở ra để tiếp cận với giới trẻ khắp nơi, rất tiếc sau hơn một năm hình thành, đang lúc trở thành một trong những Blog “hot” với hàng trăm ngàn lượt người truy cập thì bị đánh giá là vi phạm chính sách, gây tranh cãi về chuyện phá thai, server Yahoo đã được chỉ thị là phải xóa sổ...

Anh em Linh Mục DCCT cũng bắt đầu đón tiếp các hối nhân đặc biệt, hầu hết là các trường hợp đã trót phá thai là người Công Giáo và không Công Giáo, họ tìm đến để xin được hướng dẫn sám hối, chữa lành những nỗi đau tâm linh và tổn thương tâm lý, thể lý. Họ đã được giao hoà với Thiên Chúa, với chính bản thân và với các bào thai là con của họ. Chúng tôi tạm gọi công việc này là Mục Vụ hậu... phá thai.

Thường thì các chị em, kể cả các người chồng của họ, đã từng phạm tội phá thai và chịu vạ tuyệt thông, đã thật sự sám hối và được giải thoát khỏi nỗi dày vò xót xa của lương tâm trong nhiều năm trường, họ được ơn chữa lành và trở thành các “chiến sĩ” Bảo Vệ Sự Sống rất nhiệt thành. Người không có điều kiện tham gia công tác BVSS trực tiếp thì cũng làm cộng tác viên, làm mạng lưới BVSS ở khắp nơi, không ngại lấy chính kinh nghiệm thương đau của chính mình để thuyết phục những chị em đang toan tính phá thai.

Ở cuối hành lang lầu một của văn phòng Trung Tâm Mục Vụ DCCT từ nay có một nơi gọi là “Góc của Lòng Thương Xót”, chung quanh bức ảnh Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu là hàng trăm những tấm bảng mica nho nhỏ khắc họ tên các cháu bé đã từng bị khước từ. Nhiều người vẫn lặng lẽ lui tới nơi đây cầu nguyện với Mẹ, trò chuyện với anh linh các cháu bé. Nhiều người đang có ý muốn phá thai, khi được đưa về nơi đây, nhìn khung cảnh và hiểu nguồn gốc nơi này, họ đã òa khóc và thôi không dám phá thai nữa.

Cũng chính ở đây, sát trong góc, dưới chân tượng Đức Maria, Mẹ các Thai Nhi, chúng tôi đặt một chậu gốm tráng men lớn, hàng ngày, sẽ là nơi các cộng tác viên BVSS lặng lẽ mang các bào thai đã xin được từ các y công, y tá và bác sĩ còn có lương tâm ở các nơi có dịch vụ phá thai. Ngày ít nhất cũng 100, ngày cao điểm có khi lên đến 500 bào thai, đa số là các bào thai bé xíu bị hút, bị nạo, nhưng thỉnh thoảng vẫn có các thai lớn, 7, 8 tháng tuổi bị giết bằng phương pháp cho sinh non Kovax.

Các bào thai này lại sẽ được một cộng tác viên BVSS khác đến nhận vào khoảng 20g30 tối, bỏ vào một chiếc ba-lô lớn, chạy xe ra vùng ngoại thành xa, trao lại cho một thầy trợ sĩ DCCT đảm nhận phần hậu sự cho các cháu. Tro cốt sau khi thiêu được đóng vào ruột những viên gạch đúc sẵn kích thước 12 x 12 x 24cm.

Sau 5 năm làm công việc này, tính đến nay đã có khoảng 5, 6 vạn thai nhi được lo liệu chu đáo như thế, sẵn sàng cho việc xây dựng một Lăng Anh Hài trong tương lai của riêng thành phố Sài-gòn, nơi có tỷ lệ phá thai cao nhất Việt Nam, và do vậy cũng có thể nói là một trong những thành phố phá thai nhiều nhất thế giới !

Ở một góc độ khác, ngoài việc vào các bệnh viện cầu nguyện và thuyết phục người ta bỏ ý định phá thai, ngoài việc đi nói chuyện, giảng dạy về BVSS, ngoài việc đi phát các tờ bướm BVSS, ngoài việc đi thu nhặt và lo hậu sự các thai nhi đã bị giết, chúng tôi còn có thêm

Ngày thứ tư 31.5.2006, nhân Lễ Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét ( Cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ mang thai trong tình yêu của Thiên Chúa ), Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đến với cộng đoàn DCCT Mai Thôn hiệp dâng Thánh Lễ với các cha các thầy, với tất cả những chị em và các cháu bé đã từng và hiện đang lưu ngụ tại Nhà Tình Thương Giêrađô. Sau Thánh Lễ là một buổi liên hoan chan hoà niềm vui ngay tại nhà ăn của cộng đoàn DCCT Mai Thôn.

Đây là lần đầu tiên, ngày Lễ này được chọn làm Bổn Mạng cho Nhà Tình Thương Giêrađô, để rồi từ nay, hằng năm, mọi người lại trở về sum vầy tạ ơn Thiên Chúa, biết ơn Mẹ Maria và Thánh Giêrađô – vị Bổn Mạng cho các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ – và cũng không quên cám ơn lẫn nhau, tất cả trao cho nhau Sự Sống tưởng đã đánh mất giữa dòng đời.

Cháu bé được sinh ra trước hết tại Ngôi Nhà Tình Thương Giêrađô được đặt tên là bé Giêrađô Trần Ân Hiệp Thông, là kết quả của ơn Chúa cùng với sự hợp tác của Nhóm sinh viên mang tên Hiệp Thông. Bé Hiệp Thông nay đã hơn 5 tuổi, ngoan, khỏe, xinh trai, học giỏi. Mẹ con bé sống thanh thản hạnh phúc dù vẫn còn phải vất vả mưu sinh, năm nào cũng đưa nhau về hội ngộ.

Ngôi Nhà Tình Thương thứ hai có tên là Sarnelli, một vị Chân Phúc DCCT đã nỗ lực cả cuộc đời dthan lo cho các chị em lỡ lầm thành phố Napoli ngày xưa của nước Ý. Nhà được thành lập vào đầu Mùa Chay năm 2006. Lúc đầu là một ngôi nhà tại Bình Triệu mượn của một Dòng Tu nữa, sau đó trải qua nhiều lần dọn nhà, hiện nay chúng tôi dọn về một ngôi nhà nhỏ tại Xóm Mới, Gò Vấp, do gia đình một chị trong Nhóm BVSS bảo bọc trợ giúp.

Nơi đây trở thành một mái ấm nương náu cho các chị em phụ nữ đã từ bỏ ý định phá thai, đã sinh con bình an, nhưng lại chưa thể về với gia đình được. Tại đây các chị em được chăm sóc sức khỏe, tìm lại bình an trong tâm hồn, nhiều người xin học Đạo để theo Chúa, lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy cho cả cặp mẹ con. Hàng tuần, anh em Linh Mục DCCT chia nhau về dâng Thánh Lễ cho cả nhà. Các chị em cũng được dạy cho những nghề thủ công đơn giản như làm hoa giả, đan len... Rồi sau một thời gian khéo léo thu xếp, lần lượt các chị em cũng đã ra mưu sinh tự lập, trở về quê hoặc hội nhập được với gia đình.

Thứ ba 15.8.2006, Nhóm BVSS Sài-gòn tường trình công việc đã và đang làm trước các cha các thầy DCCT nhân dịp Thường Huấn về Linh Đạo DCCT. Anh chị em thêm xác tín việc Bảo Vệ Sự Sống chính thật là nỗi thao thức và nỗ lực hành động của toàn Hội Thánh nói chung và của toàn DCCT nói riêng. Trong truyền thống của Nhà Dòng, từ thời Thánh An Phong, và cả gần đây ngay tại Việt Nam, đã có các cha các thầy DCCT dấn thân cả một cuộc đời để phục vụ những người chị em và các cháu bé bị bỏ rơi đáng thương nhất.

Thứ tư 23.8.2006, các hoạt động Bảo Vệ Sự Sống được đưa vào chương trình nghị sự của Công Hội Tỉnh DCCT 2006 và đã được chọn như là trọng điểm của một trong ba mũi nhọn sứ vụ của toàn DCCT tại Việt Nam, đó là mũi nhọn phục vụ “người nghèo thành thị và các nạn nhân của các tệ nạn xã hội”.

Theo con số thống kê do báo Tuổi Trẻ cung cấp, năm 2004 đã có trên 1, 5 triệu ca phá thai trên cả nước, đông nhất vẫn là thành phố Sài-gòn và thủ đô Hà Nội, kế đến là các thành phố Cần Thơ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... Với con số này, Việt Nam đã bị đẩy lên hàng thứ ba trong các nước có con số tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, thậm chí có khả năng lên hạng thứ nhì, vượt qua Bangladesh, chỉ sau Trung Quốc !

Và ngày 20.9.2006, sau một cuộc hội thảo của Trung Tâm Nghiên Cứu Giới Gia Đình và Môi Trường Trong Phát Triển ( CGFED ) tại Hà Nội, người ta đi tới đúc kết chính thức: Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Xin lưu ý, xin nhấn mạnh: Việt Nam là “một trong ba nước” chứ không phải Việt Nam là “nước đứng hàng thứ ba” trên thế giới, nghĩa là cũng có khả năng Việt Nam đã leo lên hạng hai, và đang mấp mé hạng nhất thế giới không chừng ! Kiểu nói này của báo chí nghe kinh khủng quá !

Tuy vậy, điều còn kinh khủng hơn là, trong thực tế, con số nạo phá thai còn lớn hơn rất nhiều, người ta không thể thống kê được hết, vì không ai có thể đếm ra được bao nhiêu cơ sở phá thai tư nhân, kể cả của các bác sĩ hoặc do những người không có kiến thức chuyên môn thực hiện. Trong thực tế, theo nguồn tin của một bác sĩ Công Giáo lão thành có uy tín và tha thiết với việc BVSS, con số phá thai toàn Việt Nam phải lên đến 3 triệu ca một năm !

Như thế có thể tạm ước tính, mỗi ngày con số thai nhi bị giết chết khoảng 10.000 cháu ! Nếu tính mỗi ngày làm việc 8 tiếng thì có thể kể rằng mỗi giờ có 1.250 cháu phải chết, hoặc mỗi phút qua đi có 20 cháu mất quyền sống làm người như mọi người, vị chi cứ 3 giây, một vụ án mạng “hợp pháp” lại xảy ra !

Tỷ lệ phá thai và được sanh nở hiện nay tại Việt Nam đã là 103/100 cháu, nghĩa là con số phá thai đã vượt qua con số cháu bé được chào đời. Một tỷ lệ quá kinh khủng so với tỷ lệ ở các nước khác. Độ tuổi của người đi phá thai ngày một giảm đi, và rơi vào tình trạng phá thai vị thành niên, nhiều cặp đôi còn là học sinh lớp 9, lớp 10 đưa nhau vào bệnh viện xin nạo thai lúc nghỉ giải lao giữa hai tiết học, các em chưa có thẻ Chứng Minh Nhân Dân, mới tròn 15, 16 tuổi.

Có thể nói nguyên nhân đầu tiên của thảm trạng nạo phá thai hiện nay là lương tâm con người bị xói mói, không còn nhận biết sự sống con người quý giá như thế nào. Chủ thuyết duy vật vô thần cộng với chính sách giảm sinh bằng mọi cách để giảm tăng dân số đã khiến cho Việt Nam chưa bao giờ rơi vào thảm trạng phá thai kinh khủng như hiện nay, mà nghiệt ngã thay, mọi người, trong đó có không ít người Công Giáo, lại điềm nhiên công nhận là chuyện bình thường, hoặc tìm cách lảng tránh không dám đề cập đến, sợ đụng chạm đến chính sách.

Mặt khác cơ cấu gia đình truyền thống đang bị phá vỡ từ ngày, nơi thôn quê và nhất là nơi thành thị. Một khi gia đình không còn là mái ấm, không còn là một cõi yêu thương, không còn là một nơi an toàn cho các bạn trẻ, rất khó cho chàng trai và nhất là cho cô gái của gia đình ấy có thể đứng vững giữa phong ba cuộc đời đầy cám dỗ và thử thách. Lại thêm tình trạng di dân từ các vùng quê nghèo đổ về thành phố để tìm một cơ hội học hành hoặc mưu sinh, các bạn trẻ xa nhà xa quê, thiếu thốn tinh thần và tình thương thật sự, đã nhanh chóng bị cuốn hút vào nếp sống đô thị đầy bóng tối hiểm nguy.

Con số tỷ lệ ly dị do các cơ quan chính quyền cung cấp là 50%, nghĩa là cứ 100 cặp thành hôn, sẽ có 50 cặp ra tòa ly dị, nhưng người ta đã không kể được những cặp ly dị mà không ra tòa, hoặc không ra tòa ly dị nhưng cuộc sống gia đình còn hơn địa ngục. Hậu quả là những bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong tình trạng đó hoàn toàn bị mất phương hướng, làm mồi ngon cho những xâu xé cuộc đời.

Cha mẹ mải mê với cơm áo gạo tiền, với danh quyền lợi lộc, không còn dành thời giờ quan tâm chăm sóc con cái, không tạo một không gian giáo dục tốt lành và nhất là không xây dựng bầu khí Đức Tin sâu sắc, để cho sĩ diện bản thân trước dư luận đàm tiếu xì xầm, cũng là nguyên nhân gây ra đau khổ...

Lm. QUANG UY và anh em TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT, Sài-gòn, 27.9.2005 – 27.9.2008