Monday 27 October 2008

ĐỨC BÀ, NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - Lm. QUANG UY

Mùa Chay năm 2004, sau khi nói chuyện ở Đại Hội Giáo Lý tại Los Angeles, chúng tôi được các bạn cũ trong Nhóm Mai Khôi lái xe từ San Jose, ngang qua Santa Clara, hướng lên phía Bắc thăm thủ phủ San Francisco của bang California. Cái gì cũng lạ, cũng đẹp. Japanese Garden xanh mát cỏ cây. Golden Gate đỏ chói trong sương mù. Nhiều phố xá dốc cao vời vợi, cứ lên rồi lại xuống. Các gian nhà trồng từng bồn hoa rực rỡ ngay mặt tiền. Các cửa tiệm bán hàng lưu niệm tấp nập khách du lịch...

Thế nhưng để lại ấn tượng độc đáo và sâu sắc nhất đối với chúng tôi lại là pho tượng Đức Bà Nữ Vương Hòa Bình (Our Lady Queen of Peace) tại thành phố Santa Clara.

Hôm nay, ngồi viết bài này cho những ngày cuối tháng Mai Khôi của Mẹ, chúng tôi gỡ khung ảnh trên tường xuống, scan lại và in vào trang báo bức ảnh Đức Bà Nữ Vương Hòa Bình tuyệt vời ấy. Anh bạn Quốc Đồng ở San Jose đã chụp bức ảnh này, tự in ở nhà, tặng chúng tôi làm quà kỷ niệm chuyến đi. Chắc anh không ngờ đối với tôi, bức ảnh này còn quý hơn là một kỷ niệm. Bức ảnh đã cho chúng tôi một cảm thức thấm thía đến bồi hồi mỗi khi nhớ lại, nhìn lại và sống lại kỷ niệm ấy !

Nhìn pho tượng trong ảnh, ít ai có thể tưởng tượng, đã được ghép bởi hàng chục vạn mảnh thép trắng bạc, không bao giờ hoen rỉ ( stainless steel ) cắt ra từ các máy bay Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam trong suốt thời gian 10 năm từ 1965 đến 1975. Đó là những Skyhawk, F-100 Thunderbird, F-105 Thunderchief, F-4 Phantom, F-111 Aardvark... một thời ngang dọc trên bầu trời Việt Nam, bom đạn cày xới mọi nẻo đường quê ngoài Bắc trong Nam. Thế mà khi tàn cuộc chiến, cũng vừa hết hạn sử dụng, chúng được đưa về đậu đầy những nhà kho khổng lồ, hoặc phơi xác nắng mưa ngoài trời, y như một bãi tha ma các chiến đấu cơ.

Đây là sáng kiến độc đáo và là tác phẩm tuyệt hảo của nhà điêu khắc lừng danh thế giới Charles C. Parks. Cao hơn 11m, nặng gần 3,3 tấn, pho tượng vươn lên giữa trời xanh với vòng tay mở ra ân cần, ánh mắt buồn da diết và một trái tim lộ ra bên ngoài đầy những vết thương. Vâng, Mẹ đang muốn nói với mọi người, nói với từng người một lời mời gọi bao dung, tha thứ, quên đi quá khứ chiến tranh để sống chung một tương lai hòa bình.

Tìm tài liệu trên Google, tôi còn biết thêm rằng, từ khởi sự cho đến khi hoàn thành, Hội Thánh ở Santa Clara đã đón nhận được lời cầu nguyện từ 500.000 tràng chuỗi Mai Khôi của mọi người hiệp thông gửi đến. Ắt hẳn, nửa triệu lời cầu nguyện ấy, 2 triệu rưởi Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh ấy, 25 triệu Kinh Kính Mừng ấy không được dùng để cắt, để hàn, để gò, để dựng nên pho tượng tuyệt tác ấy, nhưng là để nhờ Mẹ mà bay cao lên, bắn tung đi khắp nơi thành triệu triệu bức thông điệp cho hòa bình.

Trong những ngày này, ở Tòa Khâm Sứ, ở Linh Địa Đức Bà của Thái Hà không còn tập trung hàng mấy ngàn người cầm nến sáng mà cầu nguyện nữa. Nhà cầm quyền tráo trở đã chuyển những mảnh đất đang định chia năm xẻ bảy mà tư túi ở đó thành ra những công viên. Của đáng tội, mấy cái công viên này làm vội quá đâm ra luộm thuộm lem nhem, nhếch nhác quá thể. Có lẽ đây chỉ là bước đệm chăng, chờ cho người dân mất cảnh giác, quên cầu nguyện là lại đâu vào đấy. Mùi tiền và vị bạc tham nhũng vẫn quyến rũ ghê gớm, nên nếu có cần phải dối trá, lập lờ đánh lận con đen thì người đời cũng đều dám làm chẳng gớm tay!

Thế nhưng, đâu phải cứ thế là tắt lịm đi những tràng chuỗi Mai Khôi, những lời hát Kinh Hòa Bình ? Không cầu nguyện được ở Tòa Khâm Sứ thì bà con Giáo Dân tập họp ngay quảng trường trước mặt Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Không hát Thánh Ca được ở Linh Địa Đức Bà thì anh chị em Thái Hà kéo nhau về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mà chẳng phải chỉ ở thủ đô, bây giờ người ta cầu nguyện ở mọi nơi, mọi chỗ trên quê hương Việt Nam đã hết chiến tranh từ lâu mà vẫn chưa có hòa bình; cầu nguyện cả ở bên ngoài quê hương, nơi người dân Việt ly hương đang sống trong hòa bình mà ruột gan vẫn cứ cồn cào như mấy mươi năm trước phải sống trong loạn lạc binh đao....

Mới đây, qua Internet, chúng tôi xem được một bức ảnh thật cảm động: một đoàn dân oan từ đâu dưới Miền Tây, dắt díu nhau toàn đàn bà, trẻ con và cụ già, cơm đùm cơm nắm, đeo biểu ngữ đi biểu tình khiếu kiện các quan chức tham nhũng. Không rõ có ai trong đoàn là người Công Giáo hay không mà khi ngang qua quảng trường trước Bưu Điện Trung Tâm và Nhà Thờ Chính Tòa Sài-gòn, họ đứng lại, bảo nhau thành kính quỳ xuống cầu nguyện khá lâu dưới chân tượng Đức Bà Nữ Vương Hòa Bình, một “Our Lady Queen of Peace” của Việt Nam.

Mẹ ơi, biết đâu đấy, sẽ có ngày một nhà điêu khắc Việt Nam nào đấy làm nên một pho tượng Mẹ rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ hình dáng Mẹ được kết, được bó lại từ những dây kẽm gai, những hàng rào chông sắt nhọn hoắt, những bình xịt hơi cay và dùi cui, roi điện, và pho tượng sẽ được đặt tên là... Đức Bà Nữ Vương Công Lý (Our Lady Queen of Justice).

Thật là con đã khéo tưởng tượng phải không Mẹ? Thực tế có lẽ chẳng cần cường điệu đến thế, pho tượng ấy có vĩ đại sừng sững, có tuyệt tác bất hủ đến đâu thì cũng vẫn chỉ là pho tượng. Trong khi vẫn đang có, vẫn luôn có hàng triệu con người thật, tâm hồn thật, hướng về Mẹ mà cầu nguyện...

Giáo Xứ Thái Hà ở Hà Nội vừa tạm lắng xuống. Giáo Xứ An Bằng ở Huế lại bắt đầu sôi sục...

“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, Nữ Vương của Hòa Bình, Nữ Vương của Công Lý, xin cầu cho chúng con là những kẻ tội nghiệp...”

Lm. QUANG UY, thứ bảy kính Đức Mẹ, 25.10.2008

Monday 13 October 2008

Tài năng quý hiếm: Cây “Đàn Tre” kỳ diệu.


Tài năng quý hiếm:

Cây “Đàn Tre”

diệu kỳ.

An Phong Maria Trần Ngọc Tá.

Có những “phát giác kinh khủng”, mà phải sống bươn chải, chung đụng qua năm tháng, mình mới thấy. Điều mà thành viên An Phong nay đã thấy, là: trong gia đình An Phong mình, có nhiều nhân tài từng xuất hiện, mà ta không nhận ra đó thôi. Trong địa hạt âm nhac, mỗi thế hệ An Phong Việt tộc mình, vẫn đếm đủ nhiều tên tuổi như JB Nguyễn văn Thính, Hoàng Diệp, rồi Thành Tâm, Sĩ Tín, Hoàng Đức, Tiến Lộc, Quang Uy, Khởi Phụng...

Tại đất miền “cùng tận của trái đất, ở phía Nam”, bọn chúng tôi cũng vừa khám phá ra một nhân tài không nhỏ, trong địa hạt này. Anh không diễn lộ tài năng sáng tác nhạc Đạo hoặc đời, nhưng đã bật mí để lộ năng khiếu sáng-chế dụng cụ âm nhạc, cho nhiều người. Tên anh là Nguyễn Minh Tâm. Và, nhạc cụ anh sáng chế là cây “Đàn Tre”, xuất hiện từ thập niên ’70, trong trại tù “cải tạo”. Ở miền Ttrung quê nhà. Qua tới nước ngoài, anh lại tạo ra một phó bản, được Viện Quốc Gia Bảo Tồn Nghệ Thuật Úc, ở Canberra, gìn giữ nó như một báu vật hiếm quý, do người làm.

Được biết, Viện Quốc Gia Bảo Tồn Nghệ Thuật Úc có cuộc triển lãm, ở thủ đô Canberra cho dân chúng thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật do anh Nguyễn Minh Tâm sáng chế, vào thượng tuần tháng Giêng năm 2009. Đặc phái viên trang nhà “Gia Đình An Phong” ở Úc, đã thực hiện một nghiên cứu tham khảo, ngang qua các niên biểu thời sự ở Úc, tóm lược để giới thiệu với bạn bè/người thân trong gia đình An Phong. Xin mời bạn đọc bỏ ra vài ba giây phút, để thưởng lãm.

Trước tiên, một bắt gặp. Bắt gặp, được phát hiện từ tờ Bản Tin Nghị Luận, nội san chuyên đề về Di Trú và Cộng Đồng Sự Vụ ấn hành tại Tiểu Bang Queesland, vào tháng Giêng năm 1984, trong có đoạn tóm viết về nghệ nhân Nguyễn Minh Tâm, như sau:

“Hôm nay, ngày 10 tháng Giêng năm 1984, một ngày đánh dấu bằng sự kiện lần đầu tiên xuất hiện khuôn mặt có tầm vóc quốc tế, về nghệ thuật sắc tộc: đó là nghệ nhân Nguyễn Minh Tâm, một di dân đến từ Việt Nam, có tuổi đời hằn in dấu vết của cái –gọi-là 6 năm học tập tại trại tập trung cải tạo, A30 tỉnh Phú Khánh.

Anh Nguyễn Minh Tâm, một cư dân sống ở thủ phủ West End, Brisbane đã xuất hiện trên đài truyền hình số 7, trong chương trình “Tiểu Bang Sự Vụ” của đài. Trong buổi phát sóng trên đài số 7 hôm ấy, anh Minh Tâm đã chơi “Đàn Tre” 23 giây do anh từng sáng chế trong thời kỳ còn ở trại tù “cải tạo” tại quê nhà, vì lý do bất đồng chính kiến. Ý thức hệ.

Sự khéo tay, nhuần nhuyễn nghệ thuật đa dạng của nhà thiết kế nhạc cụ sắc tộc Nguyễn Minh Tâm, đã làm triển nở bản sắc văn hoá đa nguyên của Úc, cũng như gia tăng nhu cầu gìn giữ bản sắc và hình thức nghệ thuật trong ngành thủ công sắc tộc. Cả hai, đã đặt chân đến Úc từ khắp nơi, trên thế giới.

Các tiết mục trình diễn bằng nhạc cụ mới lạ của anh Nguyễn Minh Tâm đã dàn trải trên nhiều lĩnh vực âm nhạc, từ nhạc cổ điển cho tới dân nhạc thánh thót, dịu dàng và du dương của bản sắc văn hoá, rất Việt tộc.

Tổng Nha Phục Vụ Di Dân và Hội Đồng Sắc tộc Tiểu Bang Queensland đứng ra tổ chức phong trào giới thiệu các nền Văn hoá Sắc tộc khác nhau trong năm 1984, là để cổ vũ một hình thức nghệ thuật đa dạng mang tính khác biệt và hiếm quý, ở nơi đây.” (x. News and Views-Migration and Community Affairs, January 1984, Vol. 2, No 1).

Ở một nơi khác, trên tờ rời quảng cáo, một ấn phẩm của Viện Quốc Gia Bảo Tồn Nghệ Thuật ở Úc, cũng thấy những giòng giới thiệu sản phẩm “Đàn Tre” do anh Nguyễn Minh Tâm, biếu tặng:

“Nhạc cụ này, do nhà sản-xuất nhạc-khí đồng thời là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn Minh Tâm sáng chế lấy từ các mảnh vụn kim loại và phương tiện tự tạo, góp nhặt tại trại tị nạn ở Phi-Luật Tân.

Nhạc cụ tân tạo, sử dụng phương tiện cơ bản, lấy từ sản phẩm do anh làm ra từ hồi còn ở trong trại tù “cải tạo”, tại Việt nam. Cây đàn nhiều giây, mà anh đặt cho nó cái tên rất nhẹ nhàng “Đàn Tre”, đã giúp anh đạt được mộng ước linh thiêng qua âm nhạc. Và từ đó tới nay, anh vẫn dùng nó để chơi các bản nhạc mang sắc thái dân tộc.

Anh Nguyễn Minh Tâm đã bỏ sản phẩm gốc của anh ở lại trại tù, khi được phóng thích. Và, anh lại chế ra một cây đàn khác trong thời gian còn ở trại tị nạn, để làm dịu bớt nhu cầu tâm linh, bằng phương tiện âm nhạc. Anh Nguyễn Minh Tâm đã mang cây đàn do anh sáng tác từ trại trong hành trình đến Úc, vào năm 1982. Anh chỉ thay đổi có một chi tiết nhỏ, là: thay vì trước kia, thùng cộng hưởng được làm bằng loại thùng thiếc 20 lít, quá lớn so với ống tre và kệch cỡm, anh đã dùng thùng dầu Olive 4 lít để làm thùng cộng hưởng và để nâng đỡ nhạc cụ này” (x. tờ rời chỉ dẫn The National Museum of Australia – The Vietnamese Refugee Experience).

Lúc mới đặt chân lên Tiểu Bang Queensland, anh Nguyễn Minh Tâm đã sinh hoạt một thời gian khá dài với cộng đồng người Việt ở đây. Trong sinh hoạt cộng đồng, anh đã đem cây đàn “bửu bối” của mình, để mượn nó trải rộng tâm tình đầy những xúc cảm mà anh gói ghém từ lâu, nay chuyển đạt đến người nghe, trong cộng đồng mình. Một trong những người đồng hương thời ấy, là Nguyễn Ang Ca, một phóng viên kỳ cựu và uy tín của Việt Nam trước 1975, đã từ Bruxelles bay sang thăm anh tại Brisbane và đã có những giòng chảy kỷ niệm như sau:

“Là nhà giáo, cựu sĩ quan Quân Đội Việt nam Cộng Hoà, từng bị đoạ đày trong lao tù Cộng sản –cùng bạn tù với Lý Tống- anh Nguyễn Minh Tâm còn là một nghệ sĩ.

Đây là một con người, một khuôn mặt, một nhân cách thật xứng đáng, thật đáng hãnh diện cho Cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Úc.

Ở đêm văn nghệ do Tổng đoàn Văn Nghệ sĩ Tự Do Úc Châu tổ chức, anh nguyễn Minh Tâm đã lên sân khấu điểu khiển một ban hợp ca, với nhân dáng của một nhạc trưởng một đại ban hoà tấu có tầm vóc quốc tế.

Anh Nguyễn Minh Tâm còn là người sáng tạo được chiếc “đàn tre”. Đặc điểm của chiếc đàn tre của tù nhân cải tạo Nguyễn Minh Tâm được sáng tạo ngay trong trại tù Cộng sản và “nhạc sĩ” Nguyễn Minh Tâm đã qua mặt được cả bọn quản giáo, Công An Cộng Sản Bắc Việt bằng cách đã ký thác vào chiếc đàn tre đó cả tấm lòng, tâm sự u uẩn của kiếp lao tù, hàng ngày chịu đựng, chứng kiến bao nỗi bất công và chua xót…

Anh Nguyễn Minh Tâm cho biết anh đã sáng chế ra chiếc đàn khoảng đầu năm 1976, khi anh đang bị Cộng sản nhốt trong trại tù cưỡng bách lao động, hạ nhục nhân phẩm ở Thanh Bình, Thạnh An ở Pleiku. Đây là vùng cao nguyên khí hậu thật xấu, luôn có mây mù, mưa phùn và tiết trời rất lạnh lẽo.

Cùng một bạn tù, cũng rất giỏi về âm nhạc, là anh Nguyễn Hữu Đức,anh Nguyễn Minh Tâm sẵn dịp mỗi ngày có nhiệm vụ “đẵn tre đốn gỗ trên ngàn”, đã nghiên cứu sáng tạo chiếc đàn tre. Anh nói:

-Anh chỉ nhìn thấy chiếc đàn tre thật thô sơ này, với cái… hộp thiếc đựng bánh (loại biscuit) vứt thùng rác ở đâu cũng có, nhưng muốn thành hình như vậy, và có được âm thanh như ý, chúng tôi phải mất đến… 6 năm. Sáu năm, với bao kỷ niệm. Bởi, sáu năm phải … nằm trong lao tù, chịu đựng bao gay go thử thách, bụng lúc nào cũng đói, không có áo ngự hàn, có khi run lên, đánh bò cạp như đang làm cứ bị rét, bị nhiều chứng bịnh ngoài da, kiết lỵ, tiêu chảy…

Nói đến đây, Anh Tâm thở dài như nhớ lại những kỷ niệm lao tù với các bạn cùng cảnh nghộ, nay tứ tán bốn phương trời. Hoặc giả, có người vẫn còn bị giam giữ, hay có người vĩnh viễn gởi thân nơi rừng núi cao nguyên , dưới từng lớp đất đỏ phẳng lì, không bia mộ. Đoạn, anh chép miệng:

-Cũng may tôi không chết. Cho nên chiếc đàn tre mới còn.

-Trong chốn lao tù, chắc anh và người bạn kia đã sửa chữa chiếc đàn này, nhiều đợt?

-Anh Nguyễn Hữu Đức và tôi đã làm rồi lại huỷ, vì âm thanh không hoàn chỉnh. Đến mấy lượt mới tạm gọi là dùng được. Mãi đến khi tôi đến trại Palawan, ở Phi Luật Tân, tôi mới làm được chiếc đàn tre vừa ý. Bởi, tre của Phi có phần tốt hơn tre ở Pleiku, và cũng thật nhiều vô số kể. Mặc sức mà đốn tre để chọn lựa. Cuối năm 1982, khi sang Úc, đầu tiên tôi ở Sydney, tôi đã sửa cầu trục lại cho tốt hơn và cũng từng đem chiếc đàn tre này trình diễn cho đồng bào được chứng kiến và thưởng thức.

-Nhạc sĩ Phạm Duy và Julie Quang có qua đây, anh có đưa cho nhạc sĩ Phạm Duy và cô Julie xem chiếc đàn tre của anh không?

-Dạ có. Tôi có mời nhạc sĩ Phạm Duy đến nhà và có đàn cho nhạc sĩ lão thành Phạm Duy nghe nữa. Phạm Duy khuyên tôi nên phát triển cây đàn theo chiều hướng Âm giai ngũ cung để dễ diễn tấu những bản nhạc dân gian Việt Nam.

Giáo sư Trần Thế Lý chen vào hỏi:

-Bây giờ anh Tâm hãy kể rành rọt sự việc anh đã sáng tạo ra chiếc đàn tre như thế nào cho anh chị Nguyễn Ang Ca nghe. Rồi, anh phải đàn vài bản cho anh chị Ca thưởng thức chứ. Có phải thế là đúng không, thưa anh chị?

Anh Tâm rót mời chúng tôi cạn tách trà nóng, rồi anh thong thả kể:

“Chiếc đàn này,ngày nay “được xuất ngoại” sang Úc, là công khó cả ở anh Nguyễn Hữu Đức. Là một sĩ quan trẻ từng phục vụ ở miền đất đỏ Pleiku, Đức là người rất thông thạo nhạc lý, âm giai. Biểu độ dây của anh Đức, chỉ khác hơn của tôi chút ít. Nhưng anh Đức được may mắn hơn tôi là khi đưa ra sáng kiến về chiếc đàn tre, vào cuối năm 1976, anh Nguyễn Hữu Đức được trả tự do vì lý do sức khoẻ. Đến bây giờ, đã trải qua nhiều năm, tôi chưa nhận được tin tức của anh Đức. Không biết anh ấy có vượt thoát được ra khỏi chế độ Cộng Sản tham tàn hay vẫn còn kẹt lại ở địa ngục trần gian: Việt Nam?

Tôi phải ngậm ngùi bỏ lại chiếc đàn tre đã làm ở trại Thanh Bình, khi tôi bị chuyển về trại mới. Cứ mỗi lần đến trại mới là tôi cố gắng đem về khúc tre hầu biến chế ra chiếc đàn tre. Bởi thế cho nên, những bạn nào từng ở tù chung với tôi ở các trại 3, tổng trại 4 ở An Trường, tỉnh Bình Định hoặc trại 51, tổng trại 5 ở Củng Sơn vào năm 1978-79 hay trại A30 ở Tuy Hoà (Phú Yên) từ năm 78 đến năm 81 đều biết rõ lịch sử chiếc đàn tre của tôi.

Lẽ tất nhiên, khi vượt biên, tôi đâu có thể ôm kè kè chiếc đàn tre đi theo cho được. Cũng may cho tôi, là tôi được đưa về Phi Luật Tân, xứ có nhiều tre. Tại đây, tôi đã làm lại chiếc đàn tre và đã có dịp trình bày, phát thanh cho đồng bào ở trại tỵ nạn Palawan nghe. Vào tháng 7 năm 1982, tôi cũng có đàn chiếc đàn tre cho các đại diện của Phủ Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc thưởng thức. Khi giã từ Phi Luật Tân đến Úc, tôi có mang chiếc đàn mà tôi làm ở Phi sang.

Vì chiếc đàn tre mà tôi đã bị Việt Cộng tra tấn và nhốt vào nhà cùm tại trại A30 (Tuy Hoà).

Nhớ lại vào ngày Tết Độc Lập của Cộng Sản, tức ngày Quốc Khánh của Nguỵ quyền Hà Nội là ngày 2 tháng 9 năm 1979, tên chỉ huy trưởng trại tù A30 ở Tuy Hoà, Phú Yên ra lịnh là tất cả tù nhân nào có năng khiếu nghệ thuật, đều được miễn lao động. Bù lại, những anh em đó phải biến chế ra các mỹ nghệ phẩm từ các cây, gỗ ở rừng hầu triển lãm cho quan khách xem. Chúng tôi biết là năm đó, có cả phái đoàn quan khách người nước ngoài đến tham quan nữa. Giới lãnh đạo nguỵ quyền Cộng Sản có mục đích phô trương các tay nghề của cải tạo viên để quảng cáo là đa số đều học tập tốt, lao động tốt, cùng thi đua sáng kiến, sở năng để phục vụ cho Đảng và Nhà Nước Cộng Sản bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Các tên quản giáo đã buộc tôi phải đem chiếc đàn tre đã làm sẵn (không có nghỉ lao động) ra biểu diễn ở đêm văn nghệ liên hoan trước 4.500 tù nhân và phải đem chiếc đàn tre ra triển lãm, thi đua với các mỹ phẩm của các bạn tù khác.

Điều bất ngờ nhất là khi chấm giải, chiếc ‘đàn tre’ của tôi đã làm một cách hết sức thô sơ, lại được chấm hạng nhất. Phái đoàn Sô Viết từ Moscow (Cộng sản đọc là Mát-xcơ-va) đến đã xem và bảo tôi đàn cho nghe thử.

Sau phái đoàn Nga, đến phái đoàn ca kịch Dương Vân Nga (chắc quý vị còn nhớ vì vở hát “Thái Hậu Dương Vân Nga” mà nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga đã bị ám sát chết một cách tức tưởi cùng chồng là Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin: Luật sư Phạm Đăng Lân). Riêng nữ nghệ sĩ tài hoa của Hà Nội là Tường Vi sau khi nghe qua âm thanh của chiếc đàn, đã hết lời khen ngợi, mặc dù lúc đó ít ai dám công khai bày tỏ cảm tưởng với một tù nhân gốc “nguỵ”.

Có lẻ do lời phê bình của đoàn nghệ sĩ Dương Vân Nga và nữ nghệ sĩ Tường Vi, nên tên Trung tá Cộng sản Hạnh mới ra lịnh cho tôi phải tham gia vào Ban Văn nghệ, đi lưu diễn ở các tỉnh. Trưởng ty Công an tỉnh Phú Khánh, lúc đó là Đại cũng dỗ ngọt tôi, ráng tích cực tập luyện để được dự cuộc thi đua toàn quốc. Y chắc chắn rằng, khi nghe tôi đàn chiếc ‘đàn tre’, danh dự sẽ chắc về chung cho cả tỉnh: Đoạt huy chương vàng.

Lần đầu, tôi viện lẽ đang bịnh. Lần sau, tôi cũng tìm cách thoái thác. Chúng tới, đến 5, 6 lần. Nhưng, tôi nhất định phải từ chối, dù biết rằng nếu tham gia đội văn nghệ tôi được ăn uống đầy đủ hơn, khỏi phải bị cưỡng bức lao động đến bở hơi tai, mòn cả sức. Chắc chắn là bọn Cộng Sản tìm đủ cách đổ trút lên đầu tôi tất cả sự thù hận, nhưng bên tai tôi lại văng vẳng như có tiếng nói của lương tri, của hương hồn những bạn đồng ngũ của tôi, bạn tù chung cảnh ngộ với tôi, từng gục ngã: “Tâm ơi, mày không thể hèn nhát, chịu khuất phục kẻ thù biến ra là một con cờ trong công tác tuyên truyền cho kẻ thù sát nhân cướp bóc.”

Lòng dặn lòng, phải giữ vững tinh thần trước ngọn đòn thù sắp tới. Quả nhiên, bọn quản giáo Cộng sản gán cho tôi tội “chống đối cách mạng” nên tống tôi vào nhà cùm. Sau đó, Cộng sản còn truy tôi ra thêm cái tội “dám chơi nhạc nguỵ” trong nhà tù, nên đã hành hạ, sỉ vả, bỏ đói tôi.

Tôi là người Công giáo. Tôi có giấu đút được sách lễ, Thánh Kinh nên ở một chiều Chúa nhật nhằm mùa Giáng Sinh, khi nghỉ lao động, tôi đã đàn nhạc Giáng Sinh không lời cho anh em cùng nghe. Khi 4 tên công an áo vàng Cộng sản cùng 3 tên trật tự viên xông vào bắt tôi, thái độ của chúng cực kỳ hung hãn, nhưng nhờ chiếc đàn tre từng được giải hạng nhất, tức có thành tích, nên chúng không đập phá, chỉ tịch thu tất cả sách đạo, và Thánh Kinh của chúng tôi. Nhiều anh em đã phải phát khóc, vì những sách đạo đó, chẳng khác nào điểm tựa tinh thần mà anh em chúng tôi đã âm thầm cất giữ từ nhiều năm tháng, đã theo chúng tôi ở qua nhiều lần đổi trại…”

Trước khi dạo đàn cho chúng tôi nghe, anh Nguyễn Minh Tâm đọc lại bài giới thiệu của đài phát thanh 4EB của Tiểu Bang Queensland, trong buổi phát thanh giới thiệu chiếc ‘đàn tre’ của Nguyễn Minh Tâm với đồng bào ở thủ phủ Brisbane.

Điểm độc đáo của cây đàn, là: đàn được làm bằng tre, thứ tre ngày xưa Vua Phù Đổng dùng để đuổi giặc Ân, thứ tre bao quanh làng xã Việt Nam, đã cùng với người Việt Nam chống giặc ngoại xâm, chống lại đồng hoá, thứ tre đã làm tròn đạo quốc phòng, trong suốt quá trình dài của 4 ngàn năm lịch sử, của dân tộc. Tre Việt Nam đã được phổ cập trong đời sống của người dân Việt Nam. Và bây giờ, nó được dùng để thực hiện một khía cạnh nhỏ của văn hoá Việt Nam, một khiá cạnh sinh hoạt tâm linh của dân tộc Việt.

Khi âm thanh từ tiếng đàn tre của nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm phát ra, nghe lạ lùng một cách thích thú: một phần hao hao giống tiếng piano, một phần giống đàn tranh, cũng có phần giốn đàn Harp … Nếu ta nhìn thấy cây đàn trước mắt, khó nghĩ ra là cây đàn có thể phát ra âm thanh như thế. Hoặc ngược lại, ta chỉ nghe âm thanh mà thôi, có lẽ khó tưởng tượng nó phát ra từ một nhạc cụ hết sức đơn sơ như thế. Cây đàn tre còn dạt dào tình cảm, pha trộn hoà lẫn chẳng khác nào khi chúng ta vừa nghe tiếng đàn tranh của Bảy Bá vừa tiếng độc huyền cầm của Chí Tâm. Dư âm rất ngọt, tiếng tơ đồng như bắt người nghe phải nhớ lại những gì mà tâm tư bị cuộc sống lấn áp, nên đã xếp xó, tạm quên… nay có cơ hội bừng sống lại trong lòng, khiến tim mình như bị bàn tay phũ phàng, bóp nghẹt.

Nhìn anh Tâm, dưới vầng trán cao gần như hói, tôi thấy có những làn gân nhỏ. Nhạc sĩ đang để hết tâm hồn vào âm thanh, như muốn mượn âm thanh nói hộ mình bao nhiêu điều đáng nói, phải nói. Phải chăng Tâm là người vì khao khát âm thanh, mượn âm thanh thay lời đổi trao cùng nhân thế, nên anh mới hì hục sáng tạo ra âm thanh giữa vòng lao lý, rất nghèo về âm thanh và mầu sắc? Nhà văn, nhà báo mượn lời văn để diễn tả ra tâm hồn, thì Nguyễn Minh Tâm cũng như bất cứ nhạc sĩ nào trên thế giới, đều đã sử dụng âm nhạc làm ngôn từ. Một thứ ngôn ngữ đặc dị, đặc thù. Một thứ ngôn ngữ chẳng khác nào loại kịch câm, nhưng lại diễn tả tình cảm một cách sâu đậm, tế nhị nhất, vì diễn tả… tình cảm một cách trọn vẹn: khổ đau, chán nản, tuyệt vọng, ê chề, phẫn uất và quật khởi.

Tôi nhìn lại những ngón tay của Tâm. Tâm đang nhấn mạnh từng đường tơ. Ngón tay chắc đã bị chai lì vì đã trải qua hơn 2 ngàn ngày lao động rồi, còn gì nữa! Những ngón tay đó chắc đã nhiều lần thay lưỡi cày, lưỡi cuốc và bao lần bị thương trong việc xâm, xắn từng mảnh đất để tìm mìn, bom? Khó đoán tuổi của Tâm quá! Có lẽ, Tâm độ 37, 38 tuổi. Mà cũng có thể anh trên 42, 43. Khi con người đã bị nhiều thử thách, trải qua kiếp tù có đến 8 phần chết, 2 phần sống mong manh thôi, lẽ tự nhiên phải già trước tuổi. Tự nhiên, tôi nhìn Tâm bằng đôi mắt cảm phục và ngưỡng mộ. Bởi, trong cảnh cùng cực, sinh mạng con người thua thú vật, có lắm nhà trí thức bằng cấp cao, nhiều sĩ quan huy chương đỏ ngực, lon lá lớn, lại vì yếu tinh thần, vì nhẹ bóng vía, đã… cam tâm đầu hàng, khuất phục kẻ thù, bằng cách đã chịu làm …”ăng-ten” cho chúng, kẻ vạch chúng bạn, điềm chỉ không công cho nguỵ quyền Cộng sản thì…Tâm đã tự tạo cho anh một điểm tựa: Khi sáng tạo ra chiếc đàn tre, Tâm đã giải toả được phần nào nỗi uất hờn của kiếp tội tù không ngày mai, khi có thật nhiều bạn bè mình phải chết, chết với nhiều hình thức.

Và, cũng nhờ chiếc đàn tre, Tâm đã chứng tỏ cho kẻ thù, chúng biết rằng: Người sĩ quan cấp uý Việt Nam Cộng Hoà tuy tuổi còn trẻ, không thâm niên quân vụ, nhưng nếu so sánh tinh thần bất khuất, việc sáng tạo, thì … há để chịu thua bất cứ sĩ quan nào khác, ngay cả với các sĩ quan Cộng sản, hay sao?

Đề nghị với các Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hoà khắp nơi: Ở các ngày đại hội, họp bàn, hay lễ quân lực 19-6, chúng ta phải làm sao mời anh Nguyễn Minh Tâm góp mặt trong chương trình văn nghệ của Quý Hội. Với chiếc đàn tre của Nguyễn Minh Tâm, khi nghe anh sử dụng, nếu được thêm lời thuyết trình của các xướng ngôn viên, chắc chắn rằng quan khách ngoại quốc vô cùng khâm phục tinh thần, ý chí của quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, bất cứ ở đâu, và trong hoàn cảnh nào.

Chúng ta cũng có dịp giới thiệu cùng người Việt Nam chúng ta một tài năng, một thanh niên có tinh thần quật khởi và can đảm: Nguyễn Minh Tâm.” (Nguyễn Ang Ca – Một tài năng gương mẫu của Úc Châu: Nguyễn Minh Tâm với chiếc đàn tre đặc sắc, báo Việt Luận 31-5-1985, tr.40)

Thế đó, chuyện xảy ra hồi đầu thập niên ’80, khi tác giả cây “đàn tre” mới chân ướt chân ráo, đặt đến bến bờ Úc Châu. Từ đó đến nay, nghệ phẩm “đàn tre” vẫn toạ lạc nơi hành lang nghệ thuật, ở thủ đô của nước Úc. Và các chuyên gia quản thủ nghệ phẩm, vẫn tiếp tục điều nghiên và bảo trì thành phẩm hiếm quý này, để nó không bị mai một cả về hình tượng lẫn âm thanh. Một trong các chuyên gia có trọng trách/chức năng, cô Jennifer Wilson thuộc Viện Bảo Tồn Nghệ Thuật Úc, đã có giòng chảy giới thiệu nghệ phẩm của Nguyễn Minh Tâm, qua bài viết trên mạng NMA Canberra, như sau:

“Đàn tre, Câu truyện âm nhạc di dân: cuộc Hội ngộ của truyền thống Âu-Á

Nghệ phẩm đàn tre là một khí cụ âm nhạc bằng tre, sản phẩm thủ công do anh Nguyễn Minh Tâm, một di dân tị nạn người Việt ở Úc, sáng tạo.

Gợi hứng từ các truyền thống âm nhạc Châu Âu và Châu Á, nghệ phẩm đàn tre được anh Minh Tâm chế tạo từ hồi anh còn tạm dung ở trại tị nạn Phi Luật Tân, sau ngày anh vượt thoát, rời Việt Nam.

Cây Đàn tre đã theo anh trong hành trình đặt chân đến Úc, năm 1982.

Nhìn về thể chất, cây đàn này cao không đầy một mét. Nó gồm 23 giây dính liền trên ống tre già, mà đầu ngọn của khúc tre được tiếp nối với thùng cộng hưởng bằng kim loại khi trước dùng để đựng dầu ô-liu, nay được sử dụng như chân đế, gây âm hưởng.

Quản thủ Viện Bảo Tàng Nghệ Phẩm là cô Jennifer Wilson đã có dịp phác hoạ phương cách mà nhạc cụ này ôm trọn trong lòng, để nói lên một truyện kể đầy những cảm xúc về một hội ngộ lạ kỳ, giữa các truyền thống. Và, về một cuộc sống có đổi thay, sau ngày cuộc chiến chấm dứt.

Âm thanh của Câu Truyện Âm Nhạc độc đáo này, được thu gọn vào băng diã để ở hành lang Huynh đệ toạ lạc trong Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc, ngày 8 tháng Tám năm 2007.

Mới đây, vào độ tháng 5/2008, trong chuyến gặp mặt hi hữu với người bạn mới quen ở Canberra thuộc Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Nhạc Cụ ở Úc, anh Minh Tâm đã có dịp hàn huyên gặp gỡ người viết nhạc lão thành, đồng thời là nhà sản xuất nhạc cụ người Úc, Pat Sephton, ở trên đó. Hai tác giả, trò chuyện rất tâm đắc về kinh nghiệm sáng chế ra các nhạc cụ, ở Úc. Về lại Sydney, anh Minh Tâm nhận được một bài viết xuất hiện trên tờ JAAMIM, nội san xuất bản từng kỳ của Hiệp Hội, trong đó có bài viết của Pat Sephton với tiêu đề: “Nguyễn Minh Tâm và cây “Đàn Tre”, như sau:

“Thông thường, chúng tôi ít có khi nào đậm ghi chi tiết về quá trình bản thân hoặc lý lịch của thành viên mới/cũ trong Hiệp Hội các Nhà Sản Xuất Nhạc Cụ, tại Úc. Nhưng, trường hợp anh Nguyễn Minh Tâm đây là một ngoại lệ.

Trong chiều dài lịch sử chiến tranh Việt Nam, Nguyễn Minh Tâm là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mãi đến khi anh bị đội quân thù địch bắt giữ, nhốt trong trại ‘xà-lim’, chỉ một vài tuần trước ngày Sàigòn sụp đổ. Tại đây, anh đã trải qua những năm tháng giữa đời, sống trong hoàn cảnh khắc khổ của trại tù tàn bạo, như một người tù khổ sai, trong rừng già. Ở nơi đây, người tù khổ sai chỉ biết có lao động và lao động. Suốt ngày vào rừng già chặt tre, đốn gỗ góp nhặt cho dân quân cán bộ miền Bắc xây nhà trại, trú ngụ.

Thời đó, các trại viên chẳng bao giờ đủ thức ăn, để sống còn. Nên, một số đồng sự của anh đã phải bỏ mạng tại bìa trại như một chứng tích của chế độ hà khắc, bức tử. Một trong những phương cách giúp anh Nguyễn Minh Tâm có thể sống sót sau nhiều năm dài cực khổ, là tình yêu âm nhạc của anh. Anh yêu cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại quốc, rất Phương Tây.

Sau một thời gian dài tàn tạ, anh đã vươn mình, tự vực dậy để sống sót. Anh cũng tự nhen nhúm, dấy lên trong đầu cái ý định hiếm có, là: chế tạo một dụng cụ âm nhạc, ít người biết. Anh đã bỏ ra một thời gian khá dài để điều nghiên, sáng tạo. Chí ít, là tìm cho được từ núi rừng trùng điệp miền cao, các chất liệu giản đơn, dễ tìm, hầu thực hiện công trình tuyệt tác, rất hiếm.

Trong gian nan lao động giữa rừng già chốn đồi cao, Nguyễn Minh Tâm đã tìm cách mang về nhà trại, khúc tre già một thước, để làm thử. Và, anh phải giấu nó thật kín sau lán trại. Nguyễn Minh Tâm cứ hì hục khoan đục nhiều lỗ trên khúc tre đẵn, dài một thước. Cài thêm vào đó, là những đinh móc đặt ở trên, làm cầu bắc ống tre, lên giây đàn. Về cộng hưởng, anh có sáng kiến sử dụng chiếc thùng thiếc 20 lít, đựng dầu ăn do Trung Quốc sản xuất, vẫn cung cấp cho binh đội Miền Bắc Việt Nam, như một viện trợ. Phần giây đàn, Nguyễn Minh Tâm đã nghĩ đến việc sử dụng dây cáp điện thoại mầu đen của quân đội Hoa Kỳ bỏ lại: bên trong có 7 sợi dây: 3 sợi cứng và 4 sợi mềm. Nguyễn Minh T6am đã dùng 3 sợi cứng làm dây đàn cho tất cả hệ thống 23 dây của cây đàn tre của anh..

Ngày “N” đến, chính là lúc tác giả gấp rút kiện toàn phần thiết kế. Nay hồi tưởng, tác giả nhớ lại những thanh âm xuất phát từ thùng cộng hưởng, mang dáng dấp âm hưởng lưng chừng giữa chiếc dương cầm, cây tam thập lụcđàn hạc của Phương Tây.

Ba năm sau, anh phải di chuyển hết nhà tù này đến trại tập trung, khác. Nơi nào, người tù khổ sai như anh, cũng bị nhồi nhét trong đầu những tư tưởng lạc lõng mà người quản trại có thói quen gọi nó bằng danh từ “cải tạo”. Theo anh, muốn tiêu hoá những điều được nhồi nhét, anh phải được thay tim ghép não, mới có thể thấm nhuần các tư tưởng tuyên truyền lạc lõng, mà các người quản tù thời ấy vẫn gọi là “cải tạo”, mới được.

Nguyễn Minh Tâm mãn hạn tù vào năm 1981. Ít lâu sau, anh vượt thoát bằng thuyền băng qua biển Đông và cặp bến bờ Phi Luật Tân, đầy phép lạ. Anh đặt chân lên trại tỵ nạn, sống ở đây 17 tháng, trước khi định cư chính thức, tại Úc. Trong hành trình sống tại trại, anh đã tái tạo sao bản đàn tre anh làm từ hồi còn sống ở Palawan, Phi Luật Tân.

Từ ngày đến Úc, Nguyễn Minh Tâm đã có dịp trình diễn âm nhạc bằng đàn tre anh làm, trên truyền hình và các đài phát thanh nơi anh cư ngụ. Nhưng, hồi tưởng sống động tạo âm vang sầu thảm và thấm thiá nhất, vẫn là: những buổi hoà nhạc/dạo đàn anh từng cống hiến cho anh em đồng cảnh, cũng như cai tù. Cả vào lúc, anh buộc lòng phải trình diễn cho mọi người, bạn cũng như thù, theo lệnh của tay trưởng trại, trước một cử toạ đông đến cả ngàn người.

Kể từ đó, sản phẩm Đàn Tre được hiến tặng như báu vật hiếm quý cho Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở Canberra, Úc. Nghệ phẩm này, sẽ được triển lãm cho công chúng xem, vào cuối 2008.

Chúng ta hân hạnh mừng đón Nguyễn Minh Tâm, nay gia nhập Hội của chúng ta.

Hỡi Nguyễn Minh Tâm, chúng tôi hân hoan chào mừng Anh, người anh mới đến.”

(Pat Sephton, JAAMIM Journal of the Australian Association of Musical Instrument Makers Inc., Vol. XXVII No 2 June 2008, p. 28)

Read Transcript

Listen Audio MP3

View Youtube Video 1984

Được biết, vào hạ tuần tháng Giêng 2009, Viện Quốc Gia Bảo Tồn Nghệ Thuật Úc sẽ trưng bầy nghệ-phẩm của Nguyễn Minh Tâm để công chúng được thưởng lãm, trong suốt 10 năm sắp tới, kể từ ngày 29 tháng Giêng năm 2009, có đính kèm phần âm thanh thu vào dĩa.

Thật ra, từ ngày cây đàn được biếu tặng cho Viện Quốc Gia Bảo Tồn Nghệ Thuật Úc năm 1990, đã có những cuộc triển lãm ngắn hạn như sau:

Năm 1990: Trưng bày triển lãm tại Viện Quốc Gia Bảo Tồn Nghệ Thuật Úc;

Năm 1992: Trưng bày triển lãm tại Tối Cao Pháp Viện ở Canberra

Năm 1992: Trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Địa Phương vùng Fairfield, NSW.

Phóng viên nội san Duc In Altum và trang nhà “GiaĐìnhAnPhong” hẹn sẽ tháp tùng người anh em nghệ-nhân Nguyễn Minh Tâm, vào ngày ấy. Và xin hẹn, sẽ có bài tường thuật với bà con, nhân dịp này.

An Phong Maria Trần Ngọc Tá,

Thành viên Gia Đình An Phong, ở Sydney.

Nói cho bạn trẻ hải ngoại - Trần Ngọc Báu

SỐNG BẤT CẦN CHA SINH MẸ ĐẺ ?

Trần Ngọc Báu

Tôi dễ hiểu và thông cảm với giới trẻ Việt Nam hải ngoại đôi khi, lắm khi, thường khi suy nghĩ và hành động «bất cần thiên hạ». Vì nếu không biết «bất cần», chúng sẽ không sống nổi trong cái môi trường xã hội đầy nghịch lý này. Đi ra đường lúc nào cũng phải hối hả, tranh đua, thích ứng với cuộc sống đầy thử thách, mới lạ; về nhà gặp ông bà bô khệ nệ, lễ mễ, bảo thủ những cái quá khứ không ăn nhằm vào đâu cả. Giới trẻ hải ngoại cảm thấy như bị kẹt ở giữa hai gọng kềm, một bên là gia đình và cộng đồng người Việt và bên kia là xã hội tân tiến mình đang sống và thụ hưởng. Họ cảm thấy bực bội, tức tối, lắm lúc phẫn nộ, và có khi muốn nổi loạn…

Lâu nay, tôi vẫn khâm phục giới trẻ biết nổi loạn. Nổi loạn là chống lại một hành động hay tình trạng được coi là áp bức. Và đó là dấu chỉ của bản lĩnh làm người. Làm người, tối thiểu là phải biết đứng thẳng trên hai chân của mình, biết tự xác nhận mình là mình, và không để mình bị kẻ khác lôi kéo đi theo họ. Dĩ nhiên, đã là con người và là con người bình thường, ai cũng phải có cái lý gì đó để nổi loạn, chớ không thể tự nhiên nổi khùng lên làm xằng lằm bậy. Tôi vẫn cố tìm hiểu cái lý ấy, và bình thường tôi có thấy được cái lý ấy.

Thực vậy, một đứa con nít lên hai đã bắt đầu la hét, dành giựt đồ chơi về mình, vì xét ra đó là quà tặng của ai đó cho nó. Đến khi lên ba, nó đã biết sử dụng ngôn ngữ để xác nhận là nó «được» (=có quyền) giữ món đồ chơi của nó hoặc bằng lòng cho chị nó mượn, «được» ăn miếng bánh vào giờ bữa lỡ và chị nó không có quyền cấm, «được» ngủ với con chó búp bê mà Mẹ nó đã sấm cho nó. Và từ đó trở đi, nếu không bị người lớn chèn ép, nó tiếp tục xác lập nó là người và có quyền làm người theo ý nó chọn lựa. Nếu không được phát triển nếp sống tự lập của mình, đứa trẻ sẽ khó thành công trên đường đời, nhất là ở các nước tây phương. Nhà tâm lý giáo dục thường nhắc nhở rằng đứa trẻ «ngoan» chưa chắc là đứa trẻ «tốt»!

CON CÁI Ở TRỜI TÂY CÓ THÁI ĐỘ «BẤT CẦN CHA MẸ»

Ở bên phương tây, đứa trẻ Việt Nam lớn lên trong một bầu khí khác hẳn với phương đông. Nó được khuyến khích để biết và chọn điều nó muốn. Và trong những điều kiện ưu đãi xã hội dành cho nó, thường thường nó được toại nguyện. Chẳng hạn, câu hỏi thông thường ở cửa miệng cô giáo vườn trẻ là «em muốn gì?». Đáp lại, đứa trẻ nói hay chỉ điều mình muốn: «Em muốn vẽ». Ra ngoài đường, đứa trẻ được mọi thứ ưu tiên như người lớn và có khi hơn cả người lớn. Ví dụ, khi băng qua đường dành cho người đi bộ, tất cả xe cộ phải dừng lại cho nó đi qua, đi xe buýt nó lại được giá ưu đãi, v.v. Về nhà cha mẹ, đứa trẻ được hầu hết mọi sự dễ dãi, vì cha mẹ Việt Nam rất thương con và có đủ điều kiện để chăm sóc con hơn cha mẹ ở VN. Thời gian còn tuổi đi học và ở với cha mẹ, đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều và dành mọi thuận lợi cho việc ăn học, vì cha mẹ rất trọng người có học.

Nhưng đến khi lớn khôn, người thanh niên thiếu nữ Việt Nam ở hải ngoại không thấy cần đến sự chăm sóc của cha mẹ nữa. Chúng còn thấy khó chịu khi cha mẹ vẫn tiếp tục đùm bọc, săn đón, nhắn nhủ này nọ. Bạn bè Tây của chúng nó không cần đi thưa về trình, cùng lắm là «thông báo» một tiếng: «Ba, con đi đây!». Ông bô Việt Nam thương con nên quen mồm hỏi lại : «Con đi đâu?». Nhiều lần quá, sinh ra bực bội, thằng nhỏ gắt: «Thì đi đâu làm sao bố biết chứ mà nói? Hỏi chi hỏi hoài!». Thế là ông bố cắn răng chịu trận, lủi thủi, buồn lòng nghĩ rằng thằng con nay lớn khôn rồi, không cần mình nữa.

Có đôi lúc con cái cảm thấy bất mãn, nổi loạn trước những tình huống xem như bị ép buộc, vụt nói tạt vào mặt bố mẹ: «Này, tôi bất cần ông bà nghĩ gì, muốn gì; mặc kệ xác tôi!». Đúng vậy, con cái bên trời tây không thấy cần cha mẹ nữa, nhưng chúng nó đâu có biết cho rằng ông bà bô chúng nó vẫn cần chúng nó, vì ông bà hãy còn là người Việt Nam. Người Việt Nam quen sống trong tình liên đới, gắn bó với người thân như chính tay chân, máu mủ, ruột thịt của mình. Người Việt Nam không thể sống bất cần được! Phải có người có ta, có trên có dưới, có qua có lại mới toại lòng nhau. Người Việt Nam hạnh phúc là hạnh phúc được sống với những người thân thuộc, cảm thấy tự do là khi được sống thoải mái với cộng đồng của mình. Người cha người mẹ gia đình không thấy cần có tự do cá nhân, hạnh phúc riêng tư, nhởn nhơ vui thú một mình, mà thấy cần được những thứ ấy cùng với con cháu. Thế nhưng người Tây ở bên trời tây thì có khác!

CHA MẸ PHẢI BIẾT SỐNG TỰ LẬP VÀ CHẾT TỰ LẬP

Sau đây, xin trích một đoạn thư gởi về Việt Nam vào cuối tháng 8/2003 : «Trời Thụy Sĩ đã bớt nóng rồi. Cơn nóng thiêu đốt Au Châu kéo dài từ đầu tháng đến giữa tháng 8. Có khi lên trên 40 độ C ! Và đã làm chết hằng ngàn- ngàn người tại Au Châu. Súc vật, cá sông, cây cối, mùa màng thiệt hại không biết đâu mà kể. Cháy rừng ở Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, v.v. thiêu rụi một diện tích cũng rộng lớn cỡ một tỉnh Miền Đông của mình, thiệt hại vật chất lên cả bạc tỷ và thiệt hại nhân mạng cũng đến vài chục.

«Đối với người Việt Nam, cái khốn nạn nhất, đó là ở những nước văn minh tiền tiến (chớ không phải xứ Công Gô nào) mà để cho người chết như rạ vì nóng, thì hết chỗ nói! Riêng ở nước Pháp vĩ đại, khu Paris và lân cận có đến trên hai ngàn mạng chết vì nóng! Cả nước Pháp có đến 10- 15 ngàn người chết vì nóng, nghĩa là do ảnh hưởng của cơn nóng mà ra. Mười ngàn hay 15 ngàn, tức là sau khi đã trừ ra số tử vong thông thường của mùa này. Hạng người nào dễ bị chết vì ảnh hưởng của sức nóng? Đó là những người lớn trên 60 tuổi, mà nhiều nhất là từ 80 trở lên. Đa số người chết do thiếu sự chăm sóc, vì họ ở một mình tại một căn nhà riêng, hay ở trong các nhà dưỡng lão thiếu nhân viên, nhất là y tá, trong những trường hợp hi hữu này. Mùa nghỉ hè, bệnh viện cũng thiếu nhân viên y tế để lo việc cấp cứu quá bề bộn một cách bất ngờ.

«Ở tây phương này, cha mẹ về già không được con cái chăm sóc như ở Việt Nam. Họ đã từng quen sống tự lập, khi con cái khôn lớn và ra riêng; và họ cũng phải liệu mà chết tự lập vậy! Chính vì đó, có trường hợp họ chết sình chết thúi mấy tháng trời trong căn nhà của họ mà không ai hay biết gì hết. Lần có cơn nóng thiêu đốt này, những ông bà già sống riêng rẻ như vậy chết rất nhiều. Trong người thiếu nước mà không biết để uống; mệt nhọc, khó thở mà không biết phải làm sao! Cứ thế mà chết mòn, rồi đi đứt luôn, cứu cấp không kịp nữa! Cái buồn lòng hơn nữa, đối với người Việt Nam, là khi họ chết rồi, cũng không thấy thân nhân đến nhận xác. Ở Paris, nhà nước đành phải giải quyết nạn ứ động xác chết bằng cách dồn xác vào các xe hàng đông lạnh, rồi cho vào một bãi đậu để chờ xem còn có thân nhân đi xa về đến lãnh không. Quá hạn, nhà nước tự động đem đi chôn gần 3 trăm cái xác chết như vậy đó.»

TÂY PHƯƠNG KHÔNG SỐNG MÃI ĐƯỢC VỚI TÌNH NGƯỜI

Lá thư đi tiếp vào lãnh vực suy tư : «Mình nhân vụ này để nói cho ở nhà hiểu rằng đừng tưởng bở ở xứ văn minh là sướng đâu! Càng phát triển kỹ nghệ, càng dùng nhiều máy móc, càng sống đông đúc trong những thành phố lớn, thì con người ta càng lệ thuộc vào GUỒNG MÁY TỔ CHỨC. Càng cố công xây dựng guồng máy, càng dễ lơi là tình người. Tuy xã hội vẫn cần người để điều khiển guồng máy, nhưng họ phải là «người làm việc như máy» để có thể làm việc với guồng máy ngày càng phức tạp và máy móc ngày càng tinh vi. Thế mà, ai cũng biết là đôi khi có «sơ sót» về phía con người (erreur humaine), guồng máy có tinh vi mấy cũng bị liên lụy thôi. Sơ sót vì thường khi con người ta thiếu động lực thúc đẩy, như máy móc thiếu điện để chạy. Động lực ấy lại là tình người, niềm vui sống, mà guồng máy xã hội không đem lại được. Người già ở đây được chăm sóc kỹ lưỡng thật, nhưng trận nóng «thiêu sống» hàng chục ngàn mạng người vừa rồi ở Pháp cho thấy hẳn phải còn thiếu sót điều gì đó trong guồng máy xã hội!

«Bản thân mình thấy rất rõ là người già ở đây phải sống cô độc, vì không có ai rảnh rổi để sống với họ, kể cả khi có lòng với họ! Hơn nữa, ở phương tây, người ở ngay bên cạnh nhà mình vẫn là người xa lạ, chớ không được coi là bà con láng giềng như tục ngữ ta có câu: «Bà con xa không bằng láng giềng gần». Có tốt với nhau là chào hỏi vài câu khi mở cửa bước ra gặp nhau thôi. Không ai để ý chuyện ai cả. Không ai được nhờ cậy ai, cho dù là mượn tạm miếng hành miếng tỏi. Ay thế, tây phương lại có phương tiện để kéo dài tuổi thọ ra. Nhưng để làm gì? Báo chí mỗi ngày cứ bàn tán chuyện lấy tiền đâu ra cấp dưỡng cho người già mà dân số mỗi ngày một tăng, đang khi dân số người trẻ mỗi ngày một giảm đi. Ở Thụy Sĩ chẳng hạn, hiện tính trên 100 người phụ nữ thì có được 125 đứa con. Tính nhẩm sơ qua cho dễ hiểu: một cập vợ chồng có 2 con thì cân bằng giữa hai thế hệ; mà một 100 cập chỉ có 125 con, tức là xã hội coi như thiếu mất đi 75 người trẻ để giữ sự cân bằng.

«Đến tuổi hưu dưỡng (65) mà tiếp tục sống mãi cho đến 80- 90- 100 tuổi, người già trở thành gánh nặng cho xã hội, vì phải sống nhờ vào lớp người còn sức lao động đóng tiền bảo hiểm tuổi thọ để cấp dưỡng cho họ (là người trước đó cũng đã đóng góp để cấp dưỡng cho lớp trước). Nan đề là số người còn tuổi lao động càng ngày lại càng ít đi! Vả lại, càng thọ, người già càng gây tổn phí nhiều hơn, vì cần nhiều chăm sóc và thuốc men hơn. Do đó và nhiều lý do khác nữa, tiền đóng bảo hiểm bệnh tật (bắt buộc cho mọi người ở Thụy Sĩ) cứ thế tăng đều. Thuế má và tiền bảo hiểm này nọ tăng, người dân vẫn phải đóng thôi.

«Mà một khi đã bấm bụng làm nghĩa vụ đóng góp cho xã hội rồi, người ta để mặc cho xã hội lo trở lại cho từng người trong xã hội đúng như qui định, trong đó có người thân của họ. Thực vậy, người ta có xu hướng nghĩ rằng: cứ lý ra, không ai có nhiệm vụ phải lo cho ai nữa cả. Ở đâu có quyền lợi ở đó, cứ thế mà đòi! Do vậy, con cái tây phương dường như không thấy có bổn phận gì với cha mẹ hết. Thực ra, ở đây, ăn ở có tình nghĩa với nhau trước hết là phải biết điều với nhau, sòng phẳng với nhau, tôn trọng quyền lợi của nhau. Cha mẹ về già bán nhà, bán xe lại cho con là chuyện thường tình, để có gì đấp đổi thêm. Con cái cũng không có chuyện gì phải phụng dưỡng cha mẹ cả! Quả vậy, người dân nước kỹ nghệ tiên tiến không có cách nào sống mãi với tình người thênh thang như trời biển, không biết đâu mà cân lường, và cũng không biết sao cho vừa lòng mọi người. Theo họ, xã hội phải được qui hoạch, hệ thống hóa, thể chế hóa, và con người tình cảm cũng đành phải chịu ép thành con người máy vậy.»

ĐÚNG LÀ : «SỐNG MẶC ÁO RÁCH, CHẾT CHÔN ÁO LÀNH»

Lá thư tiếp tục phân tích sự đời : «Khi không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ già, con cái ở nước giàu mất đi thói quen chịu cực khổ vì người thân, và do đó mà tình liên đới gắn bó cũng dễ vơi đi. Chuyện vợ chồng cũng vậy, càng «bình quyền» thì càng «vô tình» với nhau thôi. Xem nào, ông đi làm thì bà cũng đi làm, công việc nhà lại chia đôi; ông làm ông lớn thì bà cũng làm bà lớn; ông ăn nem thì bà ăn chả; tiền bạc để riêng ra mạnh ai nấy giữ, còn sống với nhau thì còn hùn hạp lại trả sở phí chung, một mai ly thân hay li dị thì mạnh ai nấy sống cũng vừa. Sống như vậy, cái tình vợ chồng cũng rất dễ phôi pha; đến một lúc nào đó chẳng còn biết nó là gì nữa cả! Vì nhiều lý do phức tạp hơn, người Việt lưu vong cũng có số tỷ lệ ly thân, ly dị, xấp xỉ với người bản xứ. Tệ hơn người bản xứ coi chuyện đoạn tuyệt với nhau là bình thường, người Việt Nam lại coi nhau như kẻ thù.

«Trước đây còn ở Việt Nam, người mình chê người Hà Nội không biết nói tiếng cám ơn. Đúng vậy, chế độ cộng sản là con đẻ của tây phương mà. Không ai làm ơn trực tiếp cho ai thì lấy gì để biết ơn mà cám ơn chứ? Ở Việt Nam, Đảng độc quyền ban phát mọi ân huệ cho dân. Đảng dành bao thầu tất cả và để ý nhòm ngó tất cả cho được đúng như ý Đảng. Ở tây phương tự do, tuy không có chuyện nhà nước độc quyền, nhưng vẫn có những hệ thống tổ chức và luật lệ chằng chịt cốt để bảo vệ quyền lợi con người. Chẳng hạn, con nít sinh ra là có đủ mọi điều kiện để ăn học và tiến thân. Học xong các lớp cưỡng bách, đứa trẻ tị nạn Việt Nam ở Thụy Sĩ vẫn có thể học lên với học bổng của nhà nước, nếu cha mẹ không có tiền. Có học thức và tay nghề rồi, giới trẻ đương nhiên được trọng dụng đúng theo khả năng của mình. Tất cả đều thực hiện theo luật định, chớ không theo tình cảm riêng tư gì cả. Đối với xã hội, giới trẻ không có gì bị ràng buộc phải mang ơn. Còn đối với cha sinh mẹ đẻ ra chúng, nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục sao nghe nó lạ tai quá! Rằng «Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.» là gì?

«Thực vậy, dạy cho giới trẻ hải ngoại phải «một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con» thì quả là một chuyện hài hước! Ở tây phương, danh từ «hiếu thảo» (piété filiale) chỉ có trong tự điển, mà ở ngoài xã hội không còn ai biết và nói đến nữa. Có nhà xã hội học nào nói đến chăng là cốt để phân tích cho thấy rõ «chữ hiếu» là tàn tích phong kiến, nặng óc tôn ti, phản tiến hóa. Nói đến hiếu thảo là nói đến một quan hệ bất bình đẳng, trong đó cha mẹ phải được coi trọng hơn con cái. Ở tây phương ngày nay, con cái người Việt quen với lối sống phóng khoáng, nên cư xử rất bình đẳng đối với cha mẹ chúng. Xét theo tâm lý người Việt, bình đẳng ở đây cụ thể có cái nghĩa rất thê thảm là: con cái lớn khôn không còn bị ràng buộc với cha mẹ, mỗi người sống tự lập, và nếu cần thì cũng phải biết «ngổ ngáo» một chút, như người tây phương thôi.

«Quả vậy, giới trẻ hải ngoại nào có biết cho rằng ông bà bô miệng vẫn cười cười, nói nói đấy, nhưng lòng dạ thì héo hắt, tàn úa, rách nát như chiếc lá mùa thu trước cơn gió chướng! Rồi đến khi cha mẹ nằm xuống, con cháu cũng xúm nhau làm một đám tang thật linh đình để cho đúng với lễ nghĩa con nhà hiếu thảo. Nhưng lễ nghĩa có bù gì được cho một ấm nước cần đun giúp mẹ hay một tấm chăn phải đắp cho cha, mà con cái đã không làm khi cha mẹ còn sinh tiền. Thì ra, ca dao VN có câu: «Thế gian còn dại chưa khôn, sống mặc áo rách, chết chôn áo lành!». Đám tang người tây phương, trái lại, chỉ có vài người thân quyến đưa tiễn đến nghĩa trang là đủ. Đấy, họ rất hợp lý với họ!» Lá thư kết thúc với nhận xét rằng vì đó mà nhiều ông bà già Việt Nam mong ước có ngày về sống và chết tại Việt Nam.

THỜI NAY LÀ THỜI «CON ĐẶT ĐÂU CHA MẸ NGỒI ĐÓ»

Ở cái xứ tây u này, cha mẹ thường bị coi là quê mùa, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cả. Cho dù có học, họ cũng khó có thể bắt kịp cái nếp sống tây phương cực kỳ khác biệt. Ay thế mà so với các sắc dân Á Châu khác, cha mẹ Việt Nam thường tỏ ra rất cởi mở và dễ thích nghi hơn nhiều. Thật vạy, họ dễ chiều theo ý con cái họ, dễ chấp nhận thay đổi cho hợp thời. Con cái bảo gì, họ làm nấy. Mà không chiều theo cũng không được. Trong một đám cưới nọ của một gia đình rất trí thức ở Thụy Sĩ, các bà bên nhà gái chép miệng bảo nhỏ nhau rằng thời nay «con đặt đâu cha mẹ ngồi đó». Ấy là vì cô dâu quyết liệt tự ý chọn lựa chú rể, trái với lời điều giải và đề nghị thẳng thắn của cha mẹ cô.

Ở các nuớc văn minh tiền tiến, người ta lúc nào cũng nói đến quyền và không hề nói gì đến bổn phận kèm theo với quyền cả. Y như người ta quên hẳn tiếng bổn phận. Trong những gia đình người Việt thì ngược lại, cha mẹ cứ mong được nhắc nhở con cái về bổn phận của mình với xã hội, với bà con người Việt và với người thân quyến. Nhưng con cái không quen với những bổn phận nhặp nhằng rắc rối ấy. Ngay cả việc gọi cho đúng thứ bậc ông bà, chú bác, cô dì, anh chị em, chúng nó cũng làm phứa đi cho xong chuyện. Vả lại, chúng nó thấy có quyền được khác với cha mẹ chúng, và không muốn thấy cha mẹ có quyền được khác với chúng nó là thế hệ đang lên của xã hội văn minh tiên tiến. Đồng ý, cha mẹ có quyền và bổn phận yêu thương chúng nó, nhưng đừng lấy cớ đó mà ràng buộc chúng nó, bởi vì còn phải biết tôn trọng tự do của chúng nó nữa.

Một bà mẹ VN ở đây không thể nào hiểu nổi tại sao bà không có quyền can thiệp vào đời sống đứa con gái của bà, cho dù nó đã trưởng thành. Bà đã từng khiếu nại với hội bảo trợ và với cảnh sát rằng chính bà đẻ ra nó mà, sao bà không được thương con bà và không được cấm con gái bà làm xằng làm bậy. Nó làm mất mặt bà, làm tổn hại đến danh dự nhà bà. Bà đã từng khóc lóc thở than rằng con gái bà không cho bà đến nhà nó và nó đã từng gọi cảnh sát đến đuổi bà ra khỏi nhà nó, chỉ vì bà đến để ngăn cấm nó đi với trai. Bà từng thét với cảnh sát rằng các ông không có quyền đuổi bà ra khỏi nhà con gái bà. Chính bà banh bụng đẻ nó ra mà! Bà phải có quyền làm mẹ nó chứ! Nói gì thì nói, bà vẫn cho rằng không có luật lệ nào dã man đến nỗi không cho bà có quyền và có bổn phận dạy dỗ con gái bà cả.

Mới đây, ở bên nước Đức văn minh tiên tiến, không phải chỉ có người mà thôi, mà chó cũng đi biểu tình để đòi quyền lợi của chó. Đúng vậy, tại các nước dân chủ, người ta, kể cả chó, có quyền biểu tình, vì biểu tình là một quyền được xã hội tôn trọng và là một hình thức để bày tỏ lập trường, quan điểm, nguyện vọng của mình. Riêng với chó là con vật chỉ biết sủa chớ không nói năng được, nên chó đi biểu tình vẫn cần có chủ giúp đỡ. Ba ngàn chú cẩu ăn vạn rất lịch sự, đúng thời trang đắt tiền nhất, đã diễu hành qua trung tâm thủ đô Berlin, có cả sự hộ tống của cảnh sát. Các diễn giả tại cuộc biểu tình hằng năm "Fiffi Parade" lần thứ hai này đã yêu cầu chính quyền dành những khu vực rộng lớn hơn để cho chó có thể đi chơi rong mà không phải bị xích cổ. Gisela Duellberg, một trong những nhà tổ chức cuộc biểu tình, đã nói: "Chúng tôi cần những luật lệ ủng hộ chó, chứ không phải là những luật lệ chống lại chó."

Than ôi! Không riêng gì ở các quốc gia chậm tiến nơi mạng sống con người bị xem như cỏ rác, mà chính ngay như ở nước Đức hay nước Thụy Sĩ tân tiến này, các ông bà già Việt Nam không được ai giúp đi biểu tình để đòi được quyền và bổn phận làm cha làm mẹ theo tinh thần và cung cách của người Việt Nam cả! Nghịch lý là thế đấy! Quả thật, làm chó ở nước giàu sướng hơn làm người ở nước nghèo, và còn sướng hơn cả người tị nạn Việt Nam già nua ở nước giàu nữa! Ông bà còn sống được bao năm với con cháu đâu, mà nếu không có hạnh phúc được yêu thương con cháu cho vừa bụng mình thì quả là điều vô cùng đáng tiếc. Bà mẹ Việt Nam nói trên đây, nếu biết tin có chó đi biểu tình đòi quyền này quyền nọ, chắc không khỏi tức sôi máu lên mà chết tươi đi mất.

ĐÃ SINH RA LÀM NGƯỜI HẲN PHẢI BIẾT CỘI NGUỒN

Ít có người tây phương nào được trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận được công lao của người trồng cây ăn trái. Họ mua trái cây ở siêu thị, ở hàng quán, hay ở chợ trời; và lúc nào họ cũng trả tiền sòng phẳng cả. Họ không thấy cần phải biết ơn người làm ra hoa trái cho họ hưởng. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường mua dưa hấu từ những chiếc gánh nặng trĩu đè trên vai người đàn bà đẫm mồ hôi hột, đi ngang qua nhà trên đường từ nương rẫy xuống phố chợ. Bà gánh dưa và mẹ tôi cứ chị chị em em mặc cả và ngã giá với nhau rất gọn. Trong cung cách mẹ tôi trả những đồng xu bạc cắc cho bà gánh dưa, lúc nào tôi cũng thấy có một cái gì như trìu mến, như biết ơn người đã tự mình nai lưng gánh dưa xuống tận nhà cho mẹ con tôi được hưởng, để rồi có thêm chút tiền mua mắm muối về cho đàn con chắt chiu của bà.

Xưa kia, ca dao VN từng răn dạy con cái với những hình ảnh chúng thấy được trước mắt:

«An quả nhớ kẻ trồng cây,

«Nào ai vun xới cho mầy, mầy ăn?»

«An quả nhớ kẻ trồng cây,

«An gạo nhớ kẻ đâm xây giàn sàng.»

Giới trẻ hải ngoại muốn cảm nhận được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thì nên bình tâm suy nghĩ về cung cách làm cha mẹ của người VN. Dù bị hiểu lầm gì đi nữa, không có ai chịu từ bỏ bổn phận làm cha làm mẹ đối với con cái họ ở xứ người. Đó là điều vô cùng may mắn cho đứa con. Bởi vì, nhờ có được mối tình ấp ủ, nâng đỡ, khi trìu mến của người mẹ, lúc cứng rắn của người cha người anh trong gia đình, kể từ khi em còn nương náu nơi tổ ấm gia đình, mà đứa trẻ Việt Nam ngoài nước thường được nhìn nhận đã thành đạt xuất sắc trên đường học vấn và trên đường đời mai hậu. Giới trẻ có thể không cảm thấy cần có cha mẹ bên cạnh, đôi khi còn vô tình hất hủi tấm lòng tha thiết gắn bó của cha mẹ đối với chúng. Nhưng các nhà xã hội học đều quả quyết rằng gia đình người gốc Á Đông đã là nhân tố rất quan trọng trong việc thành công của con cái họ.

Quả thật, không có nhân làm sao có quả? Không có cha sinh mẹ đẻ làm sao con người ta có mặt trên đời? Không có tình thương của cha mẹ ấp ủ làm sao con cái nên người? Thân phận của giới trẻ hải ngoại không thể không gắn liền với thân phận cha mẹ chúng là người Việt Nam. Là con dân của một đất nước kiêu hùng, cha mẹ chúng cũng đã một thời anh dũng đáp lại tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, đứng lên làm nhiệm vụ công dân, kẻ giữ nước, người dựng nước. Cha mẹ chúng còn là những người đã vào sinh ra tử, cật lực đấu tranh để bảo vệ sự sống còn của gia đình, trong những điều kiện cực cùng gian khổ của chiến tranh và nghèo đói. Hơn nữa, họ lại là mẫu người bất khuất, đã từng liều mình bán sống bán chết quyết tìm đến bến bờ tự do, không riêng gì cho họ, mà trên hết và chủ yếu là cho tương lai của con cái họ. Giờ đây, họ rất mãn nguyện được thấy con cái nên người, nên chức, nên phận, và hằng mong ước rằng chúng nó có làm ông làm cha ai đi nữa thì cũng không bao giờ quên được nguồn gốc của mình. Thực vậy, giới trẻ không thể nào chối bỏ cái thực tại sờ sờ ra đấy, đó là nếu không có cha mẹ chúng thì chúng không có được ngày hôm nay và sẽ không bao giờ có được một tương lai rực rỡ như vậy.

ĐỨNG THẲNG : TỰ XÁC NHẬN MÌNH LÀ NGƯỜI GỐC VIỆT

Một khi đã nhìn nhận thân phận mình là người gốc Việt, giới trẻ hải ngoại không thể an phận với những ưu đãi của xã hội mình đang sống. Làm người, tối thiểu là phải biết đứng thẳng trên hai chân mình, biết tự xác nhận mình là người gốc Việt, và không để mình bị kẻ khác lôi kéo đi, bị bứng gốc, đồng hóa, tha hóa dễ dàng. Thực vậy, thử xét lại xem, không phải tự nhiên mà gia đình mình cứ hay bị xây xát, cha mẹ mình dễ mất niềm vui sống và hằng khắc khoải trông chờ thấy được ngày về lại Việt Nam. Qua những hiện tượng ấy, giới trẻ hải ngoại phải thấy có «vấn đề» và nếu cần thì phải biết nổi loạn. Nổi loạn với chính mình và môi trường tha hóa của mình, vì mình đã vô tình nghĩ và hành động ngược lại với tâm tình gắn bó của cha sinh mẹ đẻ mình. Biết phản tỉnh và nổi loạn, đó là dấu chỉ của bản lĩnh làm người. Hơn nữa, cần sáng suốt nhận định rõ đâu là những điểm xung khắc giữa hai nền văn hóa và tìm cách thích nghi, dung hòa. Thực ra, các đấng bậc cha mẹ lớn tuổi không mong gì hơn là được chút thông cảm và hiểu biết của con cháu.

Thực vậy, càng sống ở cái xứ tây phương lạnh lẽo này càng lâu, cha mẹ Việt Nam lại càng cảm thấy rất cần được sưởi ấm tấm lòng bởi tình thương dành con cháu và được con cháu đền đáp lại. Mỗi khi có chuyện trong nhà, người ta thường nghe con cháu than thở là ông bà hay lầm lì làm theo sở thích của mình, bất cần con cháu có thích hay không? Tại sao con cháu không thử đặt ngược lại vấn đề là chính mình đã tự cho mình cái quyền chọn lựa chuyện này việc nọ cho ông bà già, mà khỏi cần hỏi ý trước? Lớn khôn rồi, con cái tự cho mình có quyền tự động làm thay cho ông bà già quê mùa và dám nghĩ rằng đàng nào ông bà cũng phải vui lòng thôi chăng? Thường thì cha mẹ Việt Nam không có thói bất cần thiên hạ, hoặc từ chối tấm lòng thành của con cháu. Bởi họ rất cần làm vui lòng con cháu, nhưng có điều rất nghịch lý là họ không thể không làm theo cách hiểu biết và sở thích riêng của họ, vì họ còn là người VN.

Cần tránh tình trạng ông nói gà bà nói vịt, để rồi chẳng còn ai hiểu được ai nữa cả. Trong tình huống này, khi mà cha mẹ buộc lòng phải lấy «chữ hiếu» để nhắc nhở con cái, con cái cũng không nên vin vào đó mà sinh chuyện lớn! Quả thế, con cái ngày nay nghĩ rằng ông bô mà hé răng nói đến chữ hiếu trong quan hệ cha con thì y như là ông bô đòi cầm dao ở cán! Theo quan điểm của chúng, quan hệ hiếu thảo là một quan hệ bất bình đẳng, đặt để người nhỏ trong tư thế lép vế, bất lợi ngay từ cơ bản đối với người lớn. Ở cái xứ mà người ta quen sống với nguyên tắc «mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi» (điều 1 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền), chúng có thể chưa thấu hiểu được thế nào là «bình đẳng» trong tâm tình người Việt đối với cha mẹ chúng.


Hiếu thảo, theo ý nghĩa thông thường, là một cái gì rất tự nhiên đối với kẻ uống nước nhớ nguồn. Đó đơn thuần là thái độ và hành động biết ơn thôi! Biết ơn không có gì là bất bình đẳng hay xấu cả. Ngược lại, nó là hành động rất bình đẳng và rất cao cả, vì chỉ có con người với con người mới biết làm ơn và biết ơn nhau thôi. Nó chỉ trở nên xấu khi người làm ơn ép buộc người chịu ơn phải trả nghĩa và trả nghĩa quá cái mức phải có, tức là phải chịu lép vế, chịu thiệt thòi, bị áp bức này nọ. Khi mong đợi con cái biết ăn ở hiếu thảo với mình, cha mẹ Việt Nam chỉ xin con cái chấp nhận tấm lòng của họ và đền đáp lại. Tấm lòng của họ có một nét rất cá biệt, rất đặc thù, là vì thời cuộc mà họ phải sống lưu vong xứ người với con cháu và cho con cháu! Thực bụng, họ nào dám lấy chữ hiếu ra để bắt ép hay đe dọa con cái đâu, trừ ra họ là người quê mùa quá thôi. Cứ bình thường thì người Việt Nam rất ngại đòi hỏi quyền này quyền nọ. Một câu nhịn chính câu lành mà!

Nhìn nhận thân phận mình là người gốc Việt, có cha sinh mẹ đẻ là người Việt Nam, giới trẻ hải ngoại sẽ biết phải làm gì để đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Người có nhân phẩm sẽ biết cư xử cho phải đạo làm người một cách sòng phẳng với cha mẹ mình, nghĩa là có chịu ơn là có biết ơn và trả ơn. Riêng với cha mẹ có tuổi, hiếu thảo không có gì khác hơn là tìm cách làm vui lòng cha mẹ trong những ngày tháng cuối đời người. Cha mẹ VN không muốn ép buộc con cháu phải hy sinh bản thân mình cho họ, mà chỉ mong được một vài cử chỉ tỏ lòng đền đáp lại mối tình nung nấu âm thầm, tha thiết gắn bó với con cháu thôi. Trên hết, cha mẹ mong con cái đừng có thái độ «bất cần» cha sinh mẹ đẻ ra mình.

Fribourg, ngày 22/09/2003